Ý Cao Tình Đẹp

CHÚA KITÔ TẤT CŨNG HÀNH ĐỘNG NHƯ ÔNG ẤY



Ngày mùng hai tháng hai năm 1956, ở gần Partinico, tại một miền nghèo khổ nhất trên đảo Sicile, vài trăm người thợ bắt đầu làm một con đường. Bỗng ba xe ca đầy cảnh binh xuất hiện. Hai trăm lính vác súng ngắn từ trên xe nhảy xuống.

Một sĩ quan tiến tới ra lệnh cho bọn người đắp đường:
– Giải tán!
Không ai nhúc nhích. Trong khu đất cằn cỗi, dưới ánh nắng, bọn thợ vẫn tiếp tục trải đá lên đường. Viên sĩ quan quay lại bảo bọn lính ra lệnh “đốc thúc hợp lệ”. Ba tiếng kèn vang lên, viên sĩ quan lại tiến tới:

– Vì pháp luật, các anh phải giải tán! Bọn thợ ngó người chỉ huy họ: một lực
sĩ cao một thước chín, nét mặt hiền lành, mắt xanh lơ sau cặp kính rẻ tiền gọng sắt. Người này mỉm cười, ngồi xuống ở ngay giữa đường, ra dấu cho anh em làm theo mình. Không một tiếng la, không một cử động nào vô ích, họ liệng đồ nghề xuống đất rồi ngồi xổm xuống.

Bọn cảnh binh sững sờ một chút rồi cùng ùa tới, xách tay xách chân hoặc ôm ngang lưng từng người thợ một, khiêng lên các chiếc xe, mà họ không chống cự gì hết. Bọn lính chất họ như chất những bành hàng lên “xe cây”[1] và lái xe liền về khám đường ở gần đó nhất; mà những người thợ đó cơ hồ có tội gì đâu ngoài cái tội làm việc. Bọn lính kia buộc tội họ ra sao? “Tụ họp mà không báo trước. Chiếm đất công, không chịu giải tán, nhục mạ một nhân viên công lực, xúi dân nổi loạn”. Họ muốn làm cái gì vậy? Muốn đắp một con đường cần thiết cho sự sinh hoạt của làng mà đợi từ mấy năm chính phủ vẫn chưa cấp cho kinh phí.

Và họ là ai? Là một bọn thất nghiệp do một con người kỳ dị cầm đầu: một kẻ phản đối trong lương tâm, vừa là kiến trúc sư vừa là thi sĩ, theo đạo Kito mà không thuộc một giáo phái nào, vào hạng thần bí trong trạng thái nguyên thủy, tóm lại là một sự hỗn hợp lạ lùng nửa là Gandhi, nửa là thánh Francois d’Assise, làm cho cả nước

Ý ngày nay chia rẽ. Vì con người đó, tên là Danilo Dolci, không phải là một tên phiến loạn, một kẻ mị dân mà cũng không phải là một nhà cách mạng. Nhưng ông ta làm xáo trộn trật tự công cộng bằng một phương tiện thật là bất ngờ. Để chống lại sự thờ ơ của chính quyền, chống lại sự thiếu ngân quĩ xây cất, ông hô hào các người thất nghiệp đi làm việc; nghĩa là ông hô hào “làm reo ngược đời”. Ông ta bị giam là thường phạm cùng với các tay “ăn cướp” của cựu đảng Giuliano, và trong phiên tòa xử ông, người ta thấy ba chục luật sư, vài dân biểu, những nhân vật nổi danh nhất trong đảo, ông ta chỉ bị một án treo: đó là dấu hiệu của sự hoang mang trong tâm hồn người Ý…

*

* *

THÔN CỦA CHÚA

Năm 1952, Danilo Dolci tới Trappeto nơi đó thân phụ ông hồi xưa làm sếp ga.
Dân chài lưới ở đó kể rằng ông ta ở xe hỏa xuống hồi một giờ trưa và chỉ có ba chục đồng lire (đồng bạc Ý) trong túi. Người ta hỏi ông:
– Tới đây làm gì?
Làng xóm tiêu điều, nghèo khổ, nằm ủ rũ dưới ánh nắng gay gắt. Nhà cửa lợp tranh, đàn bà thì gầy đét mà trẻ con thì bụng ỏng. Sau một cửa sổ có lưới sắt, một thằng ngốc bỗng dưng cười sằng sặc. Thật trái ngược nhau: thiên nhiên thì vui tươi mà con người thì cùng khốn.

Ở đây, bất kỳ người lạ nào tới cũng bị coi như là kẻ thù .
Danilo mỉm cười đáp lại:

– Tôi tới đây làm gì ư? Tới sống với bà con, chúng mình cùng là con của Chúa cả mà…
– Ai phái anh lại đây? Đảng nào, giáo phái nào? Ở đây, dân nghèo quá, con của Chúa là cái nghĩa gì?
– Không ai phái tôi lại đây cả… Tôi sẽ chia sẻ nỗi khốn cùng với bà con…

Mới đầu người ta nghi kỵ ông ta. Rồi lần lần bắt đầu làm thân với ông. Con người đó thật kỳ cục. Quả thực ông ta sống chung với dân làng, chịu cảnh khốn cùng như họ, có cái gì thì chia sẻ với họ mà không đòi hỏi họ một chút gì cả: không bắt họ phải hứa cái này cái nọ, cũng không xin họ một lá phiếu cho ai cả. Mà ông ta lợp lại nóc nhà cho dân, thích lát lại đường sá, thúc đẩy các nhân viên ngủ gục ở nhà việc để họ bắt đầu làm những công việc bê trễ hàng tháng hàng năm.

Một hôm, một em nhỏ chết trong một cái chòi tồi tàn ở Trappeto, vì mẹ em thiếu ăn, đói khát không đủ sữa để nuôi em. Danilo lại thăm, chỉ thấy mỗi một phòng vừa làm phòng ngủ, nhà bếp, chuồng bò, chuồng gà, trên tường treo đầy hình thánh: Thánh San Vito, phù hộ cho loài chó, Thánh Antoine phù hộ cho heo, Thánh Eloi phù hộ cho loài la, Nữ Thánh Marthe phù hộ cho mèo cái và gà vịt… Còn cả chục vị Thánh khác nữa. Nhưng chẳng vị nào phù hộ cho đứa bé cả, để cho nó chết. Ở chòi bước ra, Danilo đau lòng quá, phải dùng phương pháp của Gandhi để cho dư luận chú ý tới: ông tự giam trong một cái chòi ở Trappeto và tuyệt thực.

Uy tín của ông lớn dần và nhà cầm quyền hóa ra xao động. Thông cáo bay tới Palermo; nhà hữu trách tới, vài trăm triệu đồng lire [2] được gởi tới; một nam tước phu nhân cũng chịu khó lại thăm làng.

Làng chài lưới đó thoai thoải đưa xuống bãi biển, đường sá chỉ là những cái hố; trẻ con và gà chạy qua chạy lại bên những cái rãnh hôi thối… Tên “tướng cướp” Giuliano đã làm chúa tể miền này cho tới năm 1950.
Danilo bảo:
– Trên đất của Giuliano này tôi sẽ dựng một “thôn của Chúa!”
Ai cũng cho công việc ấy là điên khùng, vậy mà thành công chứ. Dolci mua một hec-ta đất, rồi đánh đổ tinh thần hoài nghi, theo thủ tục của dân làng, cùng với vài bạn cất một ngôi nhà, một vườn trẻ, một “đại học bình dân”, tối tối dân làng lại há hốc miệng ra nghe ông diễn giảng.

Ông lấy bản thân làm gương mà phá tan hết mọi sự nghi kỵ. Khi ông lập vườn trẻ, vị mục sư Trappeto đâm lo ngại, đi đâu cũng bảo: “Hắn theo đạo Tin lành, nhận tiền của Mỹ…”
Có người lại quyết: “Hắn muốn bắt trẻ con ở đây gởi qua Nga”.
Danilo cứ âm thầm xây cất. Không có em bé nào qua Nga. Mà cũng không có bóng một người Mỹ nào trong miền. Vị mục sư suy nghĩ sao đó rồi cũng cất một vườn trẻ. Danilo mừng rỡ, lại kiếm ông ta, bảo:
– Thưa cha, như vậy thì quí quá, tôi không mong gì khác. Có hai vườn trẻ vẫn hơn là có một vườn.
Tuy nhiên, dân trong làng vẫn chưa hết thành kiến, vẫn coi Danilo Dolci gần như một người ngụ cư, mặc dầu ông đã được quí mến, tiếp đón niềm nở. Nên ông phải tiến thêm một bước nữa, để được coi như dân làng. Ông quyết lựa nơi đó để sống.

Phía trên đỉnh đồi, cuối làng có một người đàn bà sống tuyệt vọng trong một cái chòi còn tồi tệ hơn các chòi khác. Chồng thím ta làm mướn trong các trại ruộng, gia nhập một đoàn “ăn cướp”, bị công an tra tấn đến chết, để lại cho thím năm đứa con.

Danilo hỏi cưới thím, thím nhận lời. Họ sanh được hai đứa con nữa, vậy cả con riêng lẫn con chung được bẩy đứa. Hơn nữa, Danilo nuôi thêm bảy đứa trẻ khác đều là con côi của bọn “ăn cướp”. Từ đó dân làng đối với ông mới không còn sự cách biệt gì cả. Ông đã phá tan mọi sự do dự, ác ý, nghi kỵ của những người cùng khổ đã quen bị bóc lột, lừa gạt suốt cả mấy thế kỷ rồi. Cuộc hôn nhân của Danilo đã làm cho cả làng Trappeto cởi mở tấm lòng để tiếp ông.

Một hôm ông đáp một người lại điều tra:
– Ông có biết nạn cướp bóc do đâu mà phát sinh không? Ở đây một người chăn bò lãnh 500 lire mỗi ngày, không có bảo hiểm xã hội, không có phụ cấp gia đình. Một người lao công, một phu đào đất hoặc một người làm mướn trong các trại ruộng, làm việc tám giờ một ngày mà chỉ được kể có “nửa công”, được trả có 350 lire, chưa đầy 200 quan Pháp. Hai trăm quan để cuốc xới suốt ngày với những dụng cụ cổ lỗ từ thời tiền sử và ăn uống thì chỉ có một khúc bánh mì với một củ hành. Giuliano khi ông ta mướn ai, thì trả một ngàn lire mỗi ngày.

Và để cho người điều tra hiểu tại sao số các trẻ mồ côi sống cực khổ lại quá nhiều, Danilo Dolci kể một chuyện khác:

– Một người thợ mộc đóng cối xay một hôm bị thương ở cẳng. Vết thương làm mủ. Chẳng có thuốc thang gì cả, vết thương hóa nặng, phải cưa khúc chân. Gia đình nghèo đói. Không có một đồng để đi bác sĩ, không có một đồng để mua bánh. Tuyệt vọng, vợ chú ta lại năn nỉ ông chủ:
– Các cháu đói. Vì ông không ghi tên chúng tôi vào Bảo hiểm xã hội, nên chúng tôi không được lãnh gì cả. Xin ông giúp đỡ chúng tôi chút đỉnh.
Người chủ đáp:
– Chuyện đó không liên quan gì đến tôi cả.
Thím ta năn nỉ hoài mà không chuyển, bực mình thốt ra câu:

– Ông không giúp chúng tôi thì tôi sẽ giết ông!

Lão chủ gỡ cây súng, mắc ở tướng, bắn vào thím nọ.

*
* *

NƯỚC : MỘT ĐẤNG CỨU THẾ NỮA

Tới tháng chạp năm 1954, “Thôn của Chúa” đã được hai tuổi, Danilo tính làm một công trình đại qui mô: dẫn nước sông Iato vào những ruộng khô cằn của các nông dân nghèo.
Ông ta bảo:

– Bà con thấy dòng suối kia không? Có biết bao nhiêu triệu thước khối nước đổ phí ra biển. Có cả tỉ lire mất toi…

Vì đất mà có đủ nước thì đáng lẽ trồng đậu, người ta có thể trồng cam và chanh. Người trong đảo Sicile này đã bảo nước ở đây cũng là một đấng cứu thế nữa.
Dân làng lắc đầu: công việc lớn lao quá, tốn tiền quá, làm sao nổi! Phải đắp đập nâng cao mực nước lên, đặt máy bơm, xây ống dẫn nước, đào mương. Trước khi kiếm tiền, phải thuyết phục nông dân đã mấy thế kỷ nay sống thờ ơ, để họ vô hội dẫn thủy Consorzio mà Danilo sắp tổ chức. Ông phải đi thăm từng nhà một để giảng giải ích lợi cho họ nghe. Một số người ký tên vô hội. Một số khác do dự. Không phải chỉ vì họ hoài nghi mà thôi đâu. Họ còn sợ sệt nữa. Dolci vừa ở nhà nào ra thì có sứ giả của các đại địa chủ bước vô liền. Bọn đại địa chủ này là hạng lãnh chúa họp thành một hội kín thời xưa làm mưa làm gió trên đảo Sicile.
Sứ giả của họ bảo nông dân:

– Coi chừng đấy, đừng nghe lời thằng Dolci. Kẻ nào vô hội thì sẽ phải ăn năn đấy.
Dân trong đảo đã bị bọn đầu đảng khủng bố quen rồi nên biết lời dọa dẫm đó không phải là lời đùa. Thỉnh thoảng, trên đường tới một khúc quẹo, họ lại thấy thây một người trong nghiệp đoàn đã bỏ mạng vì “chậm hiểu”. Một phát súng nhắm vào lưng đủ nhắc nhở rằng đảng ám sát đó vẫn có mặt đâu đây.

Mặc dầu chúng dọa dẫm, làm áp lực đủ cách, hội Consorzio vẫn thành lập được. Chính quyền Rome không thể làm thinh được nữa, phải nhúc nhích. Một năm sau, tháng mười một năm 1955, dụng cụ được chở tới các miền cằn cỗi nhất ở phía Nam đảo, chính quyền đã chấp thuận ngân sách để khởi công. Nhưng như vậy đâu đã là thắng lợi. Chấp thuận ngân sách là một việc, cấp kinh phí là một chuyện khác. Ngày mùng mười tháng giêng năm 1956, xảy ra một biến cố khá lạ lùng: Danilo Dolci được đài truyền hình Ý mời lại Turin, và trên máy truyền hình người ta thấy ông hô hào dân chúng “bất tuân chính quyền”.
Ông tuyên bố:
– Nếu chấp thuận ngân sách rồi mà không cấp tiền, nếu không mở các công trường cho người thất nghiệp có việc làm thì chúng tôi sẽ tuyệt thực.

Báo chí sôi động cả lên. Cả nước say mê theo dõi vụ kỳ dị đó. Thông tín xã Ý viết: “Phải lựa chọn. Nếu Danilo Dolci là một tên phiến loạn nguy hiểm thì không nên cho ông ta tuyên bố ở đài truyền hình Quốc gia. Nếu ông ta cổ động cho công bằng xã hội thì phải để cho ông ta được hoàn toàn tự do.”

Trong khi đó ở Trappeto, Partinico, truyền đơn rải cùng hết, dân chúng hội họp. Một trăm người thất nghiệp tuyệt thực. Rồi ngày mùng hai tháng hai, bắt đầu cuộc “làm reo ngược đời”[3], để sửa một con đường rất quan trọng cho đời sống hương thôn, vì chính phủ không cấp kinh phí mà phải bỏ dở. Thế là Danilo bị bắt, nhốt khám chung với các “tên cướp” trong đảng Giuliano đã quá cố, và các tên cướp đó ngưỡng mộ ông vô cùng, bảo nhau:
– Ông ấy hy sinh cho trẻ con nghèo ở Trappeto. Con cái chúng ta…

Ngày hai mươi bốn tháng ba, khi tòa đem ông ra xử, đủ mọi giới: giáo sư đại học, văn sĩ, đào hát kép hát, diễn thành hàng trước vành móng ngựa. Ở Quốc hội, các dân biểu đứng lên chất vấn chính quyền. Nhiều ủy ban đoàn kết thành lập ở khắp nước Ý. Tại tòa, suốt năm ngày, người ta được nghe những lời cung khai lạ lùng. Có những em chăn cừu không biết đếm tới số năm mươi, lại khai rằng Danilo Dolci đã giúp ích cho làng chúng được những gì. Các vị nam tước và bọn tay sai của các đại địa chủ không dám ló mặt ra. Bản án gần như một sự thành công cho Danilo: ông và bốn người bạn bị 50 ngày tù án treo còn các người khác bị phạt vạ 8.600 lire. Hết thảy đều được trả tự do tức khắc.

Danilo Dolci cho rằng hành động đó mới chỉ là bước đầu.

Ông bảo:

– Trước hết chúng ta phải cải tiến hoài, đừng để thành ra thói quen. Ở Trappeto, trong bốn năm chúng ta đã làm được ít nhiều công việc. Có đà rồi. Bây giờ phải tiến tới.
Ông nói rồi thực hành liền để làm gương. Căn nhà nhỏ mà ông cất, căn nhà duy nhất trong làng có bồn tắm ông đem tặng một người thất nghiệp tên là Turiddu Nania, có năm đứa con đần độn. Rồi ông lại Partinico, một thôn nghèo nàn cách Trappeto vài cây số. Ông lựa khu ghê tởm, mà thiên hạ mỉa mai gọi là khu “Giai thánh”: rơm, phân, nước tiểu của bò, rác rưởi chất ngay ở giữa đường; trẻ con chỉ còn xương với da đi qua đi lại, ruồi bu đầy mình. Tại đó cũng có một cái chòi tồi tàn tới nỗi không ai thèm ở, người ta đồn rằng chòi có ma. ông dọn lại đó, bảo:

– Ở đây tôi sẽ dựng “thôn thứ nhì của Chúa”.

Maria Ercoli
____
[1] xe để chở tù.
[2] Đồng lire hồi đó (khoảng mười lăm năm trước) rất mất giá.
[3] Ngược đời vì người ta làm reo thì bãi công, mà họ lại làm reo bằng cách làm việc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.