Ý Cao Tình Đẹp
GÁC ĐÊM
Câu chuyện dưới đây bắt đầu ở New York. Tại khu Brooklyn, một ông già đương bước qua đường thì té xỉu. Người ta chở ông gấp vô dưỡng đường Kings County. Ở đó, ông mê man, lâu lâu mới tỉnh lại một chút mà lần nào cũng đòi cho gọi con trai ông lại.
Nhờ một bức thư đã nhàu vì đọc đi đọc lại nhiều lần, một nữ y tá trong phòng cấp cứu tìm được trong người ông lão, người ta biết rằng người con trai của ông làm lính thủy ở đồn Caroline-Basc. Ngoài ra hình như không có thân thuộc nào khác.
Dưỡng đường kêu điện thoại cho sở Hồng Thập Tự Brooklyn. Sở này lại kêu điện thoại cho Hồng Thập Tự trại lính thủy ở Caroline-Basc, gọi gấp thanh niên đó về thăm cha. Vì tình trạng ông lão đã nguy kịch, nên một nhân viên Hồng Thập Tự và một sĩ quan lái xe jeep đi kiếm thanh niên đó, thấy chàng đương tập trận trong một đồng lầy. Người ta vội vàng đưa chàng lại phi trường và chàng lên chiếc phi cơ duy nhất có thể chở chàng về New York kịp. Khi chàng bước vô dưỡng đường thì
đêm đã khuya. Chàng vừa mệt vừa lo lắng. Một nữ y tá dắt chàng tới giường người hấp hối, bảo ông lão:
– Con trai cụ tới rồi đây.
Cô ta phải lặp đi lặp lại câu ấy mấy lần, ông lão mới mở mắt ra. Uống nhiều thuốc an thần quá, ông chỉ thấy mờ mờ một thanh niên bận quân phục đứng gần cái màn dưỡng khí. Ông chìa tay ra. Người lính thủy nắm bàn tay nhão nhẹt của ông trong bàn tay mạnh mẽ của mình, siết chặt một cách âu yếm, an ủi.
Nữ y tá đem lại một chiếc ghế dựa cho chàng ngồi ở cạnh giường.
Đêm ở dưỡng đường thì bao giờ cũng dài, và người lính thủy thức suốt đêm trong phòng ánh sáng mờ mờ đó cầm tay ông già mà ủy lạo ông cho ông hy vọng. Thỉnh thoảng cô y tá bảo chàng đi nghỉ một chút để cô coi sóc cho. Chàng từ chối.
Lần nào cô vào phòng cũng thấy chàng chăm chú vào người bệnh, không để ý tới cô, cũng không nghe thấy những tiếng động ban đêm trong dưỡng đường nữa: tiếng lách cách của bình dưỡng khí, tiếng cười của các kíp gác đêm thay phiên nhau, tiếng rên rỉ hoặc tiếng ngáy của các bệnh nhân khác. Lâu lâu chàng lại nói một vài tiếng an ủi ông lão. Còn bệnh nhân thì không nói gì cả, chỉ níu lấy con trai, như vậy già nửa đêm.
Khi ông tắt nghỉ thì trời gần sáng. Thanh niên đó đặt bàn tay hết sinh khí của ông lão xuống giường, bàn tay mà chàng không hề rời ra một lát, và đi báo cho cô y tá. Trong khi cô sửa soạn cho người mất, chàng hút một điếu thuốc, điếu thuốc đầu tiên từ khi vô dưỡng đường.
Sau cùng cô y tá trở ra phòng giấy nơi đó chàng đương ngồi đợi. Cô tính nói vài lời chia buồn, nhưng chàng ngắt lời ngay.
– Ông lão đó là ai vậy? Cô ngạc nhiên đáp:
– Thì… chính là thân phụ thầy.
– Không, tôi chưa hề gặp ông lần nào cả.
– Vậy sao thầy không nói gì hết khi tôi dắt thầy vô?
– Mới vô tôi biết ngay rằng người ta đã lầm rồi nhưng tôi cũng hiểu rằng ông già đó cần gặp con trai mà con trai ông không có mặt ở đó. Tôi nghĩ, ông ấy mê man như vậy thì không nhận được tôi có phải là con ông hay không, sau cùng nghĩ bụng ông ấy cần có tôi ở bên cạnh, cho nên tôi ở lại.
Nói xong chàng quay gót bước ra.
Hai ngày sau, một tin gởi theo lối thường, từ căn cứ hải quân Caroline-Basc, cho sở Hồng Thập Tự Brooklyn hay rằng người con trai thực sự đương lên đường lại New York để đưa ma cha. Thì ra ở trại có hai quân nhân cùng một tên mà mang số hơi giống nhau, cho nên ở phòng nhân viên người ta đã lầm hồ sơ.
Nhưng người lính thủy gọi lầm đó đã biết đúng lúc đóng vai người con thực và tỏ bằng một cách rất tế nhị rằng dù sao ở trên đời này vẫn có những người tốt bụng.
Roy Popkin
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.