Ý Cao Tình Đẹp
KHÔNG AI MUA ĐƯỢC MỘT VẬT KỶ NIỆM
Tôi cho rằng bất kỳ ai cũng có ít ra là một bài thơ ở trong thâm tâm muốn đặt thành vần, cũng như có ít nhất là một câu chuyện để kể. Nhưng nhiều người có thể chép chuyện của mình lên giấy được, chớ rất ít người có thể tìm được vần điệu cho bài thơ của mình. Nghĩ vậy, tôi cho đăng mục này trên một tạp chí: “Bài thơ của bạn và của tôi”. Tôi yêu cầu tất cả những người nào có một bài thơ ở trong óc, cứ viết thư cho tôi biết ý bài thơ đó, tôi hứa sẽ đăng bức thư của họ lên báo, rồi làm bài thơ cho họ theo ý họ muốn.
Bạn sẽ phải ngạc nhiên về số thư tôi nhận được. Có mấy ngàn người có một bài thơ chôn ở trong lòng. Vài bức thư không thành hình, có bức lại đầu Ngô mình Sở. Nhưng không một bức nào nhạt nhẽo, vì hết thảy đều phát tự đáy lòng ra. Tôi không bao giờ quên được một bức của một thiếu phụ chỉ ký tên là Mary chứ không cho biết họ gì .
Đọc thư tôi cảm thấy rõ ràng tâm hồn nàng. Muốn cho bạn cảm thấy như tôi, tôi nghĩ chỉ có cách kể lại đầu đuôi câu chuyện của nàng.
Một hôm, trong cái giỏ chứa đầy thư từ mới gởi tới, tôi thấy một bức thư người viết như hữu ý dùng mấy tờ giấy kẻ sẵn rất tầm thường, ở trong đó có gấp một tấm giấy bạc một Mỹ kim đã cũ. Đọc bức thư đó tôi có cảm tưởng nghe người đó kể chuyện.
“Thưa bà, bà bảo bà sẵn sàng làm một bài theo ý của mỗi người rồi cho đăng lên tạp chí của bà. Nhưng tôi tự hỏi không biết bà có chịu làm một bài thơ rồi gởi cho một mình tôi đọc thôi, chứ không đăng báo không? Vì vậy mà tôi gởi theo đây một tấm giấy một đồng. Xin bà vui lòng nhận cho vì tôi không muốn bà mất công vì tôi mà không được đền bù.
“Tôi chắc rằng bà muốn biết qua loa về tôi. Tôi mới chào đời được ít bữa thì bị liệng bỏ ở cửa một cô nhi viện. Vì tôi không đẹp lắm mà cũng không lanh lợi lắm nên chẳng ai nhận tôi làm con nuôi cả. Vậy tôi phải ở cô nhi viện cho tới lớn, viện không nuôi tôi nữa mà cho tôi vào làm một xưởng nọ. Mỗi tuần tôi làm việc sáu ngày; thời đó đang có chiến tranh, xưởng nhận được nhiều com-măng. Nhưng tôi cũng được nghỉ ngày chủ nhật, và những ngày nghỉ đó, tôi dạo chơi trong công viên. Một chủ nhật nọ, một người lính gợi chuyện tôi. Anh ấy hỏi tôi có ở một mình không, tôi đáp có; rồi anh ấy bảo anh ấy cũng vậy, mà không phải là người ở đây và ảnh hỏi tôi có muốn dạo mát một chút với nhau không.
“Ở cô nhi viện, người ta dặn tôi không bao giờ được nói chuyện với một người đàn ông nào lạ không được viện giới thiệu. Nhưng ảnh bận quân phục, tôi nghĩ như vậy không sao. Chúng tôi vừa đi vừa chuyện trò. Ảnh kể rằng ảnh ở nhà quê ra, ở trong trại, phía bên kia sông. Ảnh ở với bà mẹ và ảnh là con một. Chưa có vợ. Ảnh chưa bao giờ giao du với một thiếu nữ nào cả vì nếu má ảnh hay được thì bả sẽ nổi quạu ghê gớm. Ảnh mời tôi đi ăn tiệm rồi cùng đi coi hát bóng.”
Do đó mà Mary quen Ross. Ngồi trong rạp hát bóng nàng thấy bàn tay người lính trẻ đó kiếm bàn tay nàng. Và không còn ngờ gì nữa, nàng hiểu rằng nàng yêu chàng. Một tháng trôi qua. Rồi một chủ nhật nọ, họ cùng ngồi trên một cái ghế trong công viên mà bàn tính về tương lai.
“Trước cái ngày chủ nhật mà anh Ross bảo tôi rằng ảnh yêu tôi, muốn cưới tôi, thì đời tôi có tương lai gì đâu. Dĩ nhiên tôi nhận lời ảnh. Mặt anh sa sầm lại khi anh thú rằng không bao giờ dám báo tin đó cho má anh hay. Vậy thì anh không thể nào làm giấy ủy quyền cho tôi lãnh bảo hiểm nhân mạng của anh được. Nhưng tôi đâu có cần những cái đó. Tôi chỉ muốn có ảnh thôi, có tình thương của ảnh thôi: tôi chỉ mơ ước có một người thuộc về mình thôi. Khi tôi nói với anh như vậy thì mặt anh tươi lên.”
Mary và Ross cưới nhau và mỗi lần được nghỉ phép chàng tới căn phòng nhỏ của nàng. Chàng tặng cho nàng chiếc áo lụa đầu tiên, những đôi giày cao gót và một chiếc áo hở tay hở ngực, không phải thứ bận trong nhà đâu, mà thứ tốt để dự tiệc kia. Và nhất là món quà này mới đẹp nhất: chiếc nhẫn cưới. Rồi tới ngày chàng xuống tàu để ra mặt trận. Tối nào Mary cũng viết thư cho chàng, còn chàng thì lúc nào rảnh mới viết. Thời gian trôi qua. Rồi một ngày nọ, đương làm việc thì nàng té xỉu. Viên y sĩ trong xưởng bảo nàng có mang. Nàng đương viết thư báo cho Ross hay tin mừng nhất đời đó, thì ghê gớm làm sao, nhè đúng lúc đó, số phận đập nàng một cách tàn nhẫn vô cùng: nàng nhận được một bức công điện.
Nàng viết:
“Như có ai đập mạnh vào đầu tôi vậy, thưa bà. Chồng tôi tử trận. Thôi, tôi không còn bao giờ được thấy môi chàng trên môi tôi nữa, cánh tay chàng trên cánh tay tôi nữa. Nhưng tôi vẫn còn một niềm an ủi. Tôi không còn là thiếu nữ tội nghiệp hồi trước nữa. Tôi không còn anh Ross, nhưng anh đã để lại cho tôi một bảo vật nó sẽ luôn luôn là của tôi.”
Mary làm việc cho tới gần tới ngày sinh đẻ, ráng để dành từng xu một vì không được lãnh tiền bảo hiểm nhân mạng của chồng, mà chính mẹ chồng mới được lãnh.
Nàng sinh một em gái trong một nhà thương thí. Ở nhà thương ra nàng phải kiếm tiền nuôi con, nên nàng phải gởi con suốt ngày cho một viện dưỡng nhi.
Nàng viết:
“Sáng tôi đem cháu lại gởi đó rồi chiều đi làm về, tôi lại đón. Trừ chủ nhật, còn những ngày thường ít khi tôi được thấy cháu thức. Tôi kiếm không được bao nhiêu, may lắm thì vừa đủ trả tiền ăn, tiền nhà, tiền đóng cho viện dưỡng nhi, nên cháu không được bận áo tốt mà cũng không có đồ chơi. Áo cháu bận ban ngày và cả đồ chơi nữa đều là của viện. Tôi chỉ mua được cái nôi cho cháu nằm, cái mền len cho cháu đắp và cái núm bằng nhựa cho cháu ngậm. Nhưng trong khi làm việc ở xưởng tôi sung sướng nghĩ rằng chiều về đi đón cháu bồng về nhà, ôm cháu trong khi cháu ngủ.
“Rồi một buổi chiều nọ, viện dưỡng nhi kêu điện thoại bảo tôi phải tới gấp… Hỡi ơi! Tôi tới thì đã trễ”.
Thế là Mary trở lại tình cảnh hồi đầu: một thiếu nữ không đẹp lắm, không lanh lợi lắm, nghèo xác, chỉ giàu tình thương. Đây là đoạn cuối bức thư:
“Vì cháu không có áo đẹp, cũng chẳng có một đồ vật nào mà các em bé khác thường có, cho nên tôi không giữ được của cháu một vật kỷ niệm nào đẹp cả. Và tôi sợ rằng lâu dần tôi sẽ quên hình ảnh của cháu. Có thể lắm, tới một lúc nào đó tôi nhắm mắt lại cũng không thấy lại được nét mặt của cháu nữa. Vì vậy tôi muốn bà làm một bài thơ về cháu, một bài thơ cũng đẹp như cháu, một bài thơ làm cháu gần gũi tôi hơn mỗi khi tôi ngâm lên, một bài thơ cho tôi cảm giác rằng cháu luôn luôn ở gần tôi, không phải ở trong cánh tay mà ở trong lòng tôi. Xin bà gởi bài thơ đó cho: Mary, thư lưu trí. Tôi sẽ ngày ngày lại sở Bưu điện hỏi cho tới khi nào nhận được mới thôi.”
Thật là một sự nghịch lý khá kỳ cục. Bài thơ đó là một trong những công việc khó nhất trong đời tôi mà đồng thời lại là một trong những việc dễ nhất. Tôi không giữ lại một bản sao, sợ một ngày nào đó không cưỡng lại nổi mà đem đăng báo, như vậy nó không còn là vật độc hữu của Mary. Khi bỏ bài thơ đó vào bao thư, tôi đã thoáng có ý muốn gởi trả lại tấm giấy bạc của nàng. Rồi tôi nghĩ lại kịp: như vậy tàn nhẫn quá. Vì tôi cảm thấy rằng nàng muốn tặng con nàng một món quà cuối cùng. Sau đó tôi đã ráng tìm tung tích của nàng mà không ra. Khi nàng đã lại sở Bưu điện lãnh bức thư lưu trí rồi thì nàng biến luôn.
Chuyện đó xảy ra đã khá lâu rồi. Nhưng tới nay tôi vẫn còn giữ tấm giấy một đồng đó để mong có cơ hội gặp nàng trên đường đời. Nếu một ngày nào đó may mắn gặp được thì tôi sẽ trả lại nàng và bảo rằng không ai mua được một vật kỷ niệm. Một vật kỷ niệm phải luôn luôn là một vật tặng.
Margaret Sangster
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.