Ý Cao Tình Đẹp
LÀM VUI LÒNG NGƯỜI LÀ MỘT NGHỆ THUẬT TẾ NHỊ
Cách đây mấy năm, đi du lịch xứ Ecosse bằng xe ca, tôi ngồi bên cạnh một bà cao mà gầy, làm chủ một trại ruộng.
Bà ta bảo tôi:
– Bà là người Mỹ, giữa mùa đông này mà qua đây du lịch miền Bắc làm chi! Thời tiết trên đó lúc này xấu lắm.
Tôi đáp rằng tôi không ngại các cơn dông tố, và tôi đương thu thập tài liệu để viết một tiểu thuyết lịch sử, nên muốn được hỏi chuyện các người nhà quê còn thuộc các truyền kỳ, các phong tục trong miền gần như bốn thế kỷ nay vẫn chưa thay đổi.
Bà ta mời tôi tối đó nghỉ ở nhà bà:
– Nhà chúng tôi không rộng rãi nhưng ấm áp. Với lại có bà tới cũng vui nhà, vì những khi nhà tôi đi vắng, tôi sống một mình lẻ loi lắm.
Khi tới ngôi nhà nhỏ bằng đá của bà ở sườn một ngọn đồi trống gió thì mưa đổ xuống tầm tã.
Một đoàn chó bẹc giê ùa ra sủa mừng chúng tôi. Tôi vô một phòng khách nhỏ bày biện sơ sài nhưng rất sạch sẽ.
Bỗng mấy ngọn đèn nháy nháy rồi tắt.
Bà chủ nhà thở dài:
– Tắt điện rồi.
Bà vừa mới đốt mấy ngọn đèn cầy và đương nhúm lửa trong lò sưởi thì có tiếng gõ cửa.
Bà ra mở cửa cho một em trai vô, lột cái áo ngoài và cái mũ nâu ướt đẫm cho em. Em lại gần lò sưởi và dưới ngọn lửa, tôi thấy em trạc mười hai tuổi mà tật nguyền.
Nghỉ một chút cho hết hổn hển rồi em mới nói:
– Ba con muốn kêu điện thoại hỏi bác, nhưng tắt điện. Con qua xem bên bác có sao không.
– Không sao cả, cảm ơn cháu John.
Và bà Mc Intosh giới thiệu chúng tôi. Một cuồng phong rít lên, các cánh cửa lá sách đập rầm rầm. Tôi nói:
– Tôi thích những cơn dông tố gầm lên như vậy, những lúc này mà thấy ngọn lửa sáng rực trong lò thì thú tuyệt.
Em John hỏi :
– Bà không sợ sao?
Tôi sắp đáp “không” thì bà chủ nhà – coi bộ mạnh dạn lắm, không biết sợ là gì – vội đáp một câu mà em trai nào cũng thèm được nghe:
– Sợ chứ cháu. Nhưng bây giờ đã có đàn ông trong nhà rồi, cũng vững bụng.
Mọi người làm thinh một chút. Rồi em John nói:
– Cháu đi coi xem các cửa đã đóng kỹ chưa.
Rồi em khập khiễng bước ra ngoài, vẻ trịnh trọng lắm.
Câu chuyện đó làm cho tôi cảm động, mấy tuần sau vẫn ám ảnh tôi hoài. Tại sao mình không nghĩ ra được như bà Mc Intosh một câu đáp tài tình, khéo léo và âu yếm để trả lời câu hỏi của em đó nhỉ? Trong đời mình đã biết bao lần rồi, vì tính ích kỷ mà mình không nhận ra được nhu cầu của người khác?
Có lẽ con tim mình đã thiêm thiếp ngủ từ lâu rồi chăng? Nhưng lần này thì nó đã tỉnh dậy và quyết kéo lại thời gian đã mất, mà cũng tò mò muốn biết nữa. Do phép mầu nào mà bà Mc Intosh đã làm cho em trai tật nguyền đó thành một nam nhi tự tín? Lòng tốt của bà là do bản năng hay là do cố ý? Do lòng trắc ẩn hay do tính tế nhị, hay là do cả hai? Tôi nhớ lại một triết gia bạn thân của tôi gọi thứ nhân từ đó là “sự tế nhị của lòng”.
Ôn lại dĩ vãng tôi thấy chính tôi cũng đã mấy lần được những người có tính thiên phú đó giúp đỡ, đã mấy lần cảm động vì một câu hoặc một cử chỉ khoan nhân. Thân mẫu tôi đã bao nhiêu lần hành động như vậy khi tôi còn nhỏ và có nhiều nhược điểm; chỉ một cử chỉ tế nhị của người mà tôi hiểu được ý nghĩa quí báu của phẩm cách con người!
Hôm đó – hồi tôi bảy tuổi – người sửa soạn để đãi bạn bè một tiệc trà long trọng. Tời muốn giúp người, hái một bó bồ công anh (pissenlit) để tặng người. Nhiều bà mẹ trong trường hợp đó thốt một lời cám ơn xong rồi liệng mấy cành xấu xí đó vào một bình sữa cũ, đem hết thảy xuống bếp. Má tôi thì không, đem chúng vào bình bông đẹp nhất, đặt lên nắp bàn piano, giữa hai chân đèn lớn. Và người rất hồn nhiên giảng cho các bà bạn rằng đó là bó hoa của cháu Betty đấy”. Bây giờ đây, trong các cuộc hội họp sang trọng tôi không thể nhìn một bình bông nào mà không nhớ niềm hãnh diện của tôi hồi đó khi thấy bó bồ công anh của mình được quí hơn một bó hồng.
Con người tế nhị trước hết hiểu thấu tình cảm của người. Hồi còn nhỏ tôi được anh tôi dạy cho tôi điều đó trong một buổi dạ hội có khiêu vũ. Một thiếu nữ nọ e lệ, xấu xí đứng trơ trơ một mình trong một góc, không ai mời vũ. Anh tôi thấy vậy, cảm động lại mời cô ta vũ và một phép mầu đã xảy ra. Cô ta vui vẻ hóa ra tươi tỉnh gần như đẹp nữa. Một cậu khác cũng lại xin vũ và rốt cuộc cô ta vũ gần hết buổi tối đó.
Thái độ phong nhã đó làm cho loài người thân mật với nhau, nó có thể làm cho cuộc đời hôn nhân sáng rực lại. Một bà bạn tôi kể chuyện rằng năm bà bốn mươi tuổi, bà rất chán nản như nhiều người đàn bà khác. Bà biết rằng còn sống được nhiều năm sung sướng, phong phú nữa chứ, nhưng thời đại chúng ta coi trọng tuổi trẻ quá đổi, thành thử bà hoang mang, không nhận định được đúng nữa. Trong bữa điểm tâm hôm đó bà ráng không tỏ vẻ u sầu, nhưng khi ông chồng đi khỏi rồi, bà khóc. Bà tưởng tượng mớ tóc bạc, những nét nhăn trên mặt, rồi phải chiến đấu để giữ thân hình được mảnh mai. Khi ông chồng về, bà bình tĩnh lại được một chút, nhưng vẫn rầu rĩ.
Ăn tối xong ông bảo bà:
– Mình lại coi quà của mình nè.
Cặp đó thường tặng nhau những món thực dụng, và bà đoán rằng chồng đã đem lén về nhà một máy hút bụi trong nhà đương cần dùng. Bà ngạc nhiên làm sao thấy món quà là một đôi hài đính ngọc, và một chiếc áo dài bận trong nhà rất đẹp.
Bà ta kể tiếp:
– Nhà tôi không giảng tại sao lại lựa những món đó. Chẳng cần giảng tôi cũng hiểu rằng nhà tôi muốn bảo tôi: “Mình còn đẹp tuyệt trần”. Và cái điểm hay nhất của câu chuyện là từ đó tôi bắt đầu tin rằng tôi đẹp tuyệt trần.
Một tâm hồn tế nhị thì luôn luôn tìm được cách biểu lộ. Tôi nhớ một em trai cô độc, mê đồ chơi của em lắm, một con “gấu gấu” đã xấu xí lại chột. Người ta đưa em vô bệnh viện để cắt những bạch hầu long (amygdale) và khi viên y sĩ giải phẫu vô thì em ôm chặt con gấu vào lòng. Cô y tá đưa tay ra tính giật con gấu. Nhưng y sĩ giọng rất nghiêm trang, bảo:
– Cứ để con gấu đó, cũng chữa bệnh cho nó nữa.
Khi em tỉnh dậy thì con gấu nằm ở trên một cái gối, con mắt chột được băng rất khéo.
Không thiếu gì cơ hội để tỏ lòng tế nhị của ta. Một hôm tôi đi chợ với một bà bạn. Bà để ý tới một em trai tám tuổi giúp cha bán rong các hoa quả, rau đậu. Em hãnh diện lắm, bán một chiếc cải hoa cho một bà nọ, đợi bà này trả tiền, nhưng bà không để ý tới em, chìa tiền cho người cha và em tiu nghỉu. Bà bạn tôi nghĩ bụng: “Phải làm cho em nhỏ này vui lên mới được”. Bà gọi em, lựa mấy quả cà chua, mấy cây hẹ, bỏ vào giỏ, và mặc dầu có tiền lẻ chứ, bà vẫn chìa tấm giấy bạc cho em thối. Em suy nghĩ một chút, tính nhẩm rồi mặt tươi tỉnh hẳn ra, thối đúng tiền cho bà. Bà đáp:
– Cảm ơn cháu, tôi tính không nhanh bằng cháu được đâu.
Em ngó ba em, bảo:
– Có gì đâu ạ.
Sự thực thì em mừng rỡ lắm. Và bỗng cả bốn chúng tôi đều mỉm cười, vui vẻ vì thái độ tế nhị của bà bạn tôi.
Ông bạn triết gia của tôi bảo:
– Một người tế nhị thì biết trọng và làm phát triển nhân phẩm, cá nhân của người khác. Buổi tối, ở sở về, bạn thấy con bạn chạy ra đón, hăng hái khoe: ba biết có gì xảy ra ở đại lộ không?” thì dù biết, bạn cũng nên nói là không biết, để cho nó được cái vui kể chuyện cho bạn nghe. Nếu trái lại, bạn đáp: “Biết chứ, ba biết từ một giờ trước kia lận”, thì là bạn chỉ nghĩ tới bạn thôi đấy.
Ở đời nhiều người có một tình thương rất tự nhiên, bất giác, chỉ đợi cơ hội mà biểu lộ ra. Chúng ta chỉ tế nhị chú ý tới những người đó một chút là làm cho tình thương tiềm ẩn, bị giam cầm trong lòng họ bộc phát ra liền.
Elizabeth Byrd
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.