Ý Cao Tình Đẹp

MARY ! VÔ ĐI CON, VÔ ĐI !



Cứ mỗi năm chúng ta lại có được thêm một mớ hồi ký và niềm vui. Chuyện tôi sắp kể đây là một chuyện vui, rất đặc biệt của tôi hồi năm ngoái, chuyện một cuộc khởi hành mới trong đời người, chuyện một thiếu nữ cài một vòng hoa trên mái tóc nâu để về nhà chồng. Tên thực của em đó không phải là Mary, tôi đã lựa tên đó vì thấy nó rất hợp.

Tôi nhớ chừng rằng đã gặp em mấy lần đầu cách đây mười bốn năm, vì lúc đó em tám tuổi. Một buổi sáng nọ tôi nhận được một bức thư nói về một em bé bị mọi người bỏ quên, nhờ vậy mà tôi được biết em. Lúc đó em ở trong một viện nuôi các trẻ mà cha mẹ đem lại gởi tạm vì không săn sóc được. Các trẻ đó chỉ ở trong viện một thời gian thôi, nhưng riêng em Mary thì ở lại lâu. Người ta bảo các giấy tờ về em đã thất lạc mấy năm trước từ khi em được đưa vào viện. Không ai biết cha mẹ em là ai, em sanh ngày nào ở đâu, nhưng em có vài nét phương đông. Em không nói, vậy chắc là trì độn. Người viết thư hỏi tôi có thể lãnh em trong cơ quan nhận nghĩa tử mà tôi đã tiếp tay thành lập mấy năm trước không [1].

Bức thư không có gì đặc biệt trừ điểm này: đứa nhỏ đó không nói, nó trì độn. Tôi đáp rằng rất tiếc cơ quan của tôi là một cơ quan nghĩa tử [2] không giúp gì được nhiều cho em Mary, nhưng nếu tôi kiếm được một nơi nào nhận những trẻ như vậy thì tôi sẽ giới thiệu. Rồi tôi ráng quên em nhỏ đó mà mọi người đã bỏ quên nó.

Nhưng nửa đêm hôm đó tôi bỗng tỉnh dậy, và tôi hiểu ngay vì đâu một câu hỏi lởn vởn trong đầu óc tôi làm tôi thức giấc. Có thực là em Mary trì độn không? Tôi chưa thấy em. Nhân viên trong cơ quan đó có lòng tốt cả đấy nhưng họ bận việc quá, có lẽ chưa dò xét kỹ cá tính của em nhỏ đó chăng? Việc đó mình phải làm mới được. Tôi bèn dậy viết một bức thư ngỏ ý muốn gặp em Mary và xin người ta cho tôi giữ em vài tháng.

Ít bữa sau, một bà đã đứng tuổi, vẻ hiền từ, dắt một em gái lại kiếm tôi. Em nhỏ nhắn yếu ớt, cầm một chiếc “xắc” đỏ, thứ rẻ tiền, nhưng còn mới.
Tôi bảo em:

– Mary, vô đi con, vô đi !

Mary đứng yên trong khi bà đó cởi áo ngoài, lột nón cho em. Em không ngước mắt lên mà cứ đứng đợi, tay nắm chặt cái xắc đó, cho tới khi bà đó đẩy nhẹ để em ngồi xuống một chiếc ghế dựa. Bà ta nói với tôi:
– Nó như vậy đấy. Không bao giờ nhúc nhích, mà cũng không bao giờ nói một tiếng.
– Bà có điều gì cho tôi biết thêm về em không?
– Không. Nó như vậy đấy. Nếu không bị thúc đẩy thì nó không làm gì cả. Thế thôi.
Quả thực là em Mary không làm gì hết. Em ngồi yên mặt cúi xuống, có vẻ không nhận ra mình ở đâu nữa.
Bà nọ đứng dậy cáo biệt:
– Nếu có điều chi khó khăn, xin bà cho tôi hay.
– Chắc không có gì khó khăn đâu.

Đó câu chuyện bắt đầu như vậy. Rồi mấy tuần kế đó ra sao? Chúng tôi cứ nói chuyện với Mary, coi em như là biết nói vậy. Cũng may, trong lẫm có mấy con mèo con mới sanh và lần đầu tiên tôi thấy em cười khi chơi với chúng. Tôi để em tự do đi đi lại trong nhà tùy ý, và em tập đánh du dưới cây dẻ cổ thụ. Đi đâu em cũng kè kè ôm cái xắc đỏ, không rời một phút. Sau cùng một hôm em để nó ở trên lầu. Chúng tôi mừng, một tia hy vọng lóe ra rồi đây. Mấy ngày sau cũng vui nữa. Em chạy trên bãi cỏ. Em hết sợ bò cái và có khách tới thì em không trốn nữa vì biết rằng người ta lại không phải để bắt em đem đi.
Sau cùng, hết một tháng thì em bắt đầu nói. Chỉ để xin những vật mà em muốn: một trái cam, một con búp bê, một cái áo đẹp. Hết hai tháng, em đã nói chuyện rồi và chúng tôi quyết định cho em đi học. Chúng tôi tìm được một cô giáo có tinh thần hiểu biết, cô hứa không ép em tập đọc ngay. Trong một thời gian cô để mặc cho Mary ngồi ngó các em khác. Và Mary tập chơi trước khi tập đọc. Sau sáu tháng, thái độ của em làm cho tôi vững bụng. Tôi dắt em lại một nhà tâm lý học để ông kỹ lưỡng trắc nghiệm em. Trắc nghiệm xong ông bảo tôi:

– Không có gì đáng ngại cả. Em đó hoàn toàn bình thường, chỉ bị một xúc động tinh thần thôi. Có thể nói, em như mất hồn. Bây giờ em đương tự tìm lại em đây. Em phải tự tìm thấy được em đã rồi người khác mới tìm ra được em.

Tới lúc chúng tôi không thể nuôi em làm con nuôi được nữa vì chúng tôi già quá rồi, không thể làm cha mẹ em được. Nhưng tôi không thể đành lòng cho em đi đâu xa quá thị trấn bên cạnh. Tôi bảo em:

– Con phải có ba và má trẻ. Còn vợ chồng tôi thì sẽ là ông bà của con.
Một cặp vợ chồng trẻ nọ muốn nuôi em. Em làm quen với gia đình đó gồm hai đứa trẻ nữa và chịu lại đó ở. Lúc đó em đã hoàn toàn an tâm rồi. Nhưng buổi sáng cuối cùng, khi chia tay, vài giọt lệ lấp lánh trên hàng lông mi đen của em. Tôi làm bộ như không thấy, bảo em:

– Ngày mai con lại đây tắm với ông bà nhé.
Viễn cảnh đó làm em mỉm cười vì em mới tập lội được ít bữa.
Rồi mấy năm sau ra sao? Chúng tôi mừng rằng càng ngày chúng tôi càng hóa ra không cần thiết cho em nữa, như vậy là em đã vui với gia đình ba má nuôi. Thỉnh thoảng ba má em lại nhờ tôi chỉ bảo. Em tới nhà tôi lần nào là chạy ngay vô lẫm kiếm xem có mèo không.
Ba má em bảo:

– Cũng có nhiều lúc khó khăn. Cháu bình thường đấy, nhưng phải gắng sức lắm mới học được. Không biết rồi cháu sẽ học được tới đâu.
Nhưng mỗi ngày em một diễm lệ lên. Những mái tóc nâu bao khuôn mặt của em. Cặp mắt em hồi trước rầu rầu, lờ đờ có vẻ như nhìn mà không thấy, thì bây giờ sáng ngời, sắc sảo. Bóng dáng em thanh nhã, em có một cái duyên say đắm. Tôi đoán rằng Jonathan bắt đầu để ý tới em hồi ở Trung học. Em Jonathan lớn con, thông minh, mê khoa học và toán. Ba má nuôi em Mary và tôi đều lo ngại. Tôi dặn ông bà đó:

– Đừng để cho Mary mê thiếu niên đó. Cả hai còn trẻ quá. Tôi không muốn cho nó khổ. Với lại cha mẹ cậu nọ có chịu nhận Mary không? Làm sao cho ông bà ấy biết được Mary thực sự ra sao? Chỉ có thể cho họ biết hiện lúc này đây nó ra sao thôi.
Ba má Mary là những người thận trọng, coi chừng không cho Jonathan gặp Mary thường quá. Với lại Mary cũng rất bận việc: học may vá, làm bếp. Nghỉ hè, theo cha mẹ đi nghỉ mát, và gặp những thiếu niên khác. Hết Trung học, em lên lớp Dự bị Đại học.

Sau cùng chúng tôi thấy rằng chúng tôi đã lo ngại hão. Cứ sau mỗi lần xa nhau, hai trẻ lại tìm kiếm nhau. Jonathan, thi cử nhân, đậu cao, được học bổng để chuẩn bị thi tiến sĩ. Từ hai năm rồi, Mary đã đi làm và hãng rất thỏa mãn về công việc của em. Tới lúc bọn trẻ lãnh lấy trách nhiệm. Tôi còn nhớ lần chúng lại thăm tôi. Tối đó là tối mùa đông, trước ngày Noel. Tuyết đổ. Tôi đương ngồi trước lò sưởi, đương nghe một khúc hòa tấu của Brahms. Họ nắm tay nhau, bước vào, má đỏ ửng vì lạnh.
Jonathan bảo:
– Chúng con sắp cưới nhau.

Chúng tôi ngồi nói chuyện cho tới khi củi cháy hết, chỉ còn than. Jonathan tặng Mary một chiếc nhẫn làm quà Noel. Kế đó tôi ra nước ngoài trong vài tháng rồi về ngay để kịp dự đám cưới mà tôi không muốn bỏ lỡ vì bất kỳ một lý do gì. Lễ cưới cử hành một buổi chiều đẹp tháng sáu, trong một giáo đường nhỏ, nơi trước kia Mary đã được rửa tội. Người ta dành cho tôi một ghế ở hàng đầu. Bản hành khúc vang lên. Chúng tôi đứng dậy. Chú rể đứng đợi với cậu phù rể, nghĩa huynh của Mary.

Tôi quay lại. Đi đầu là bốn cô phù đâu (cô thứ nhất là nghĩa tỉ của Mary) bận áo bằng hàng mỏng màu xanh vỏ trái táo. Rồi tới Mary bận áo sa tanh trắng, chiếc “voan” bằng ren, tay cầm một bó hoa, khoác tay cha tiến tới, mặt tươi rói và diễm lệ. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt như hôm đó. Không phải khóc vì đa cảm, vì phải xa cháu đâu. Mà khóc vì vui; thế là tôi đã thỏa nguyện. Tôi nhớ lại nét mặt em nhỏ khi người ta dắt lại cho tôi, em nhỏ làm cho người ta tuyệt vọng đó thì bây giờ đây, nhờ tình thương và lòng tin đã biến đổi hẳn rồi.

Còn một chi tiết nữa làm cho ngày vui đó hoàn toàn. Khi làm lễ xong rồi, khi Mary đã thành vợ của Jonathan, và cùng nhau vui vẻ lanh lẹn bước ra khỏi giáo đường rồi, bà mẹ chồng Mary bước qua gian giữa giáo đường, tiến lại gần tôi, nắm lấy tay tôi bảo:

– Tôi muốn thưa với cụ rằng vợ chồng tôi lấy làm vinh dự được cháu Mary về làm dâu. Chúng tôi đều mến cháu.

Bây giờ thì Mary biết mình là ai rồi. Và chúng tôi cũng biết nữa.

Pearl Buck
_____

[1] Tác giả, nữ sĩ Pearl Buck, được giải thưởng văn chương Nobel và giải Pulitzer, đã tận tụy cứu giúp các trẻ mồ côi, tàn tật. Bà nuôi chín người con nuôi. Năm 1949 lại thành lập một nhà tiếp nhận các trẻ mồ côi lai Mỹ Á. Gần đây bà lập thêm một hội thiện gọi là Fondation Pearl Buck (hộp thư 2.137, Philadelphie, Pennsylvanie, 19.103) để cứu vớt những con hoang của quân nhân Mỹ bị bỏ rơi bơ vơ ở nước ngoài.
[2] Cơ quan nuôi các trẻ bơ vơ, gia đình nào muốn nuôi con nuôi thì lại đó tìm lựa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.