Ý Cao Tình Đẹp

NGHỆ THUẬT NHẬN



Theo nguyên tắc thì không có dấu hiệu nào tỏ lòng nhân từ, thân thiết bằng tặng người khác một vật gì. Nhưng chúng ta thường quên rằng trong công việc đó luôn luôn có hai người: người tặng và người nhận.

Tôi nhớ có lần một chị đồng sự của tôi bỗng nhiên bị đuổi vì những biến cố khá rắc rối mà chị không chịu trách nhiệm. Lại thêm nông nỗi trong nhà chị đương có nhiều chuyện lo lắng: một cô em đau nặng, chị thì thiếu một món nợ lớn. Những khó khăn đó, do tình cờ nghe được vài mẩu chuyện trong điện thoại.

Vài ngày sau khi chị thôi việc rồi, tôi gởi biếu chị một bó hoa rất đẹp, thú thực hồi đó món tiền mua hoa đó đối với tôi quả là nặng. Chị kêu điện thoại nói với tôi:
– Chị không bao giờ ngờ được đâu, chị đã an ủi em đến bực nào. Khi em trông thấy người đem bó hoa lại, em khóc, chị ạ.

Sau mấy tuần nay, mấy tuần u ám đằng đẵng, em mới thấy được một tia nắng. Chỗ em xin việc bảo em ngày mai tới để người ta xét đơn, và hôm nay là lần đầu tiên em mới lại thấy yêu đời một chút.

Thái độ của chị ấy khi nhận bó hoa của tôi một cách thành thực, vui vẻ, không lúng túng, không hề bảo tại sao tôi lại phí tiền như vậy, làm cho tôi thích quá và tôi rút được kinh nghiệm này. Nhận một cách giản dị, không màu mè gì cả là cách làm cho người tặng vui lòng nhất. Người khác tặng ta bất kỳ một thứ gì – một món quà, một lời khuyên, một lời vỗ về, tỏ tình quí mến, hoặc tiếp đãi ta tại nhà, giúp đỡ ta một việc – thì ta cũng nên nhã nhặn, vui vẻ nhận. Không có cách cảm ơn nào hiệu nghiệm hơn cách đó.
Biết nhận một cách nhã nhặn là việc khó khăn hơn là biết tặng. Bạn không tin như vậy ư ? Xin bạn suy nghĩ về cách bạn nhận lời khen của người khác ra sao.

Một hôm tôi được mời tới dự một cuộc hội họp nhỏ, mà chủ nhân muốn giới thiệu vị hôn thê của một người bạn thân. Thiếu nữ đó là người Pháp, gần như không biết nói tiếng Anh, nhưng nàng thành thực, vui vẻ chú ý tới chúng tôi, mà nàng lại đẹp đẽ, dễ thương thành thử chúng tôi bao vây nàng, khen nàng đủ điều, giá nàng hiểu được chắc phải thẹn đỏ mặt lên. Sau cùng nàng khẽ chạm vào tay vị hôn phu hỏi xem chúng tôi nói gì vậy. Vị hôn phu của nàng mỉm cười, giảng cho nàng ít lời mà tôi không còn nhớ rõ. Nhưng tôi nhớ rằng nàng ngó chúng tôi, khẽ cúi đầu chào rồi nói bằng tiếng Anh: “Đa tạ”.
Lời cảm ơn bình dị đó có kết quả lạ lùng. Chúng tôi bỗng có cảm tưởng rằng được nàng đặc biệt chú ý tới một cách nhã nhặn, tế nhị. Mà nàng có làm gì đâu, chỉ thành thực nhận lời khen của chúng tôi thôi.

“Bàn tay nắm lại thì không nhận được”; tấm lòng không cởi mở ra thì cũng không nhận được. Một bà nọ giữ một chức vụ quan trọng trong một công ty chiếu bóng, nhân dịp lễ Noel tặng cô thư ký một chi phiếu, và xin lỗi cô vì bận việc quá không thể ra tiệm lựa cho cô một món quà được. Cô thư ký mỉm cười đáp:
– Thưa bà, cháu mừng quá, nhẹ hẳn lòng đi. Cháu cũng ở trong cảnh của bà và nghĩ hoài không biết nên thưa với bà ra sao để bà nhận cho vật mọn này.

Rồi cô ta cũng chìa ra một tấm chi phiếu, số tiền nhỏ hơn nhiều.

Tức thì bà nọ thụt tay lại, diễn thuyết một hồi về lương lậu nhỏ nhoi của một nữ thư ký, và bảo nếu vậy thì bà, ở địa vị chủ, có thể giảm số tiền ghi trên chi phiếu đi, vân vân.

Cô thư ký làm thinh nghe, sau cùng thưa:
– Được bà chủ như bà, cháu thật có phước, bà đã dạy cho cháu biết công việc. Nhưng có một điều mà cháu có thể – xin lỗi bà – dạy lại bà được: tức nghệ thuật nhận. Nghệ thuật đó làm cho đời sống mọi người dễ chịu hơn biết bao?

Bà nọ sững sờ, sau cùng bảo:
– Cô có lý đấy. Vậy xin cô cho tôi lại tấm chi phiếu đó. Tôi vẫn muốn mua một đôi vớ tốt mà còn ngại tốn tiền. Cám ơn cô nhiều.
Người ta cho mình hay tặng mình cái gì thì cứ nhận liền, bất chấp qui tắc này qui tắc nọ, như vậy có lẽ mới thực là nhã nhặn, lịch sự đấy. (…)

Tôi ráng tập cách nhận vật tặng của người khác, để cho những vật đó làm cho đời của tôi và đời của họ phong phú lên. Mới cách đây vài ngày, một chị bạn còn trẻ, có chồng rồi, không có dư tiền để phung phí, ở rất xa, kêu điện thoại bảo rằng nhớ tôi lắm, đúng vào một lúc tôi cần được an ủi. Hết ba phút nói chuyện rồi, tôi muốn bảo cô giữ điện thoại: “Cô để cho tôi nói chuyện thêm ít phút nữa, phí tổn tôi sẽ chịu.”[*] Nhưng tôi suy nghĩ lại kịp, nếu không thì xấu hổ quá, có khác gì bảo thẳng vào mặt chị bạn tôi: “Chị nghèo, để tôi trả tiền cho”. Nhận một thiện cảm của bạn mà thiếu lịch sự như vậy ư? May quá, tôi ngừng lại ngay, chào chị bạn và liền sau đó, gởi cho chị một bức thư tỏ nỗi vui của tôi khi chị kêu điện thoại hỏi thăm tôi.

Michèle Drury
_____

[*] Vì ở xa kêu điện thoại tốn tiền lắm, cô bạn kia nghèo, chỉ đủ tiền kêu trong ba phút thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.