Ý Cao Tình Đẹp

PHẢI THÀNH THỰC VỚI CHÍNH MÌNH



Bạn có thể tự ngó thẳng vào mặt mình một cách thành thực và nhận định được những điểm tốt và xấu của bạn không? Nếu được thì bạn đạt được cái nguồn phong phú nhất ít ai biết của sinh lực con người đấy.

Tôi lấy thí dụ một người mà tôi gọi là ông Paul M… Bốn mươi tuổi ông ta bắt đầu có tật uống rượu. Ông ta thấy đời sống không còn thú vị gì nữa mà ông không hiểu tại sao. Ông ta có một địa vị tốt trong một công ty lớn; vợ thì hiền mà con thì mạnh khỏe. Một hôm soi gương, ông thấy trên khuôn mặt của ông mà gần như ông đã quên, có những nét mới, có nét thì cương quyết, có nét lại nhu nhược. Ông bèn lấy một xấp giấy, một cây viết và luôn năm giờ liền, phân tích tính tình một cách tỉ mỉ và thẳng tay.
Năm giờ đó là những giờ có lợi nhất trong đời ông. Lần đầu tiên ông nhận thấy rằng ông quá tham vọng, quá hoạt động, công việc của ông trong hãng không hợp với ông. Ông bèn quyết định ra làm riêng, thôi hãng đó, lập một hãng chuyên lo công việc, giao thiệp với công chúng và chẳng bao lâu hãng phát đạt. Không những ông thành công mà còn sống vui hơn, làm việc hăng hái hơn.

Về phương diện tinh thần đó, sự thành thực với bản thân có lợi cho ta nhất. Biết rõ mình thì hết lo lắng ưu tư, tật này là tật chung của mọi người. Tiến sĩ Carl Rogers, nhà trị bệnh tâm lý, nhận thấy rằng những người bị bệnh tinh thần thường tự miệt thị mình. Một khi họ thấy y sĩ cho tất cả những tật của họ là tự nhiên, không có gì đáng chê thì tâm trạng họ thay đổi một cách rất có lợi cho họ. Họ không những nhận thấy sở đoản mà nhận thấy sở trường của họ nữa. Khi họ tự chấp nhận họ rồi, không tự miệt thị, rầu rĩ về họ thì bệnh tinh thần của họ đã giảm.

Trong cuốn Những năm sáng tạo (The creative years) Reul Howes kể chuyện một cô giáo hiền lành, e lệ, phải dậy một lớp toàn những trò bướng bỉnh. Khó chịu nhất là một em trai tên là Joe, mười bốn tuổi, chỉ thích xúi bạn làm loạn trong lớp. Một buổi chiều nọ, cô giáo tội nghiệp đó chịu hết nổi, giữ Joe lại sau giờ học hỏi tại sao em muốn phá cô như vậy. Joe cau mày ngó cô một lúc rồi nói: – Tại cô ngốc quá mà.
Cô giáo thở dài:

– Ờ phải. Những trẻ dữ như em luôn luôn làm cho cô sợ, nhưng cô lại mong được giúp em. Em không muốn có một người âu yếm, nâng đỡ em sao?

Và cô ngạc nhiên vô cùng, thấy tên tiểu yêu đó òa lên khóc, bộc lộ ngay nỗi đau khổ, cảnh nghèo nàn, cô độc của nó. Ông Howes viết: “Lòng thành thực của cô giáo đó đã làm cho đứa trẻ dữ tợn, khổ sở đó thốt ra sự thật”. Nó đã hóa ra thành thực với nó rồi.

Khốn nỗi, tánh thành thực với chính mình đó là điều rất hiếm. Hầu hết chúng ta đều bị người khác chỉ huy, chúng ta không tự tìm đường hướng ở trong bản thân ta, mà cứ hướng theo mục đích, lý tưởng, ý kiến của người khác. Sự tùy thuộc vào người đó làm cho ta mất cá tính. Ta cứ phải luôn luôn rán trá hình ý nghĩ cùng tình cảm thực của mình mà không sao biến đổi nó hẳn được, vì nó là những yếu tố căn bản của đời ta mà.

Làm sao biết được mình có thể thành thực với bản thân? Tiến sĩ Gordon Allport, tâm lý gia ở đại học Harvard khuyên chúng ta phải tập tinh thần hài hước trước đã. Bạn có thể tự cười bạn một cách thẳng thắn, thành thật không? Nếu có thì có lẽ bạn tự nhận định mình một cách khá đúng đấy.

Tiến sĩ Gaudet, nhà chuyên môn về tâm lý thực hành trong kỹ nghệ, đề nghị một cách khác. Ông khuyên bạn tự hỏi: “Biến cố cuối cùng nào quan trọng nhất trong đời ta?” Đổi nghề? Hôn nhân? Cha mất, mẹ mất? Rồi bạn lại tự hỏi: “Có bao giờ mình bỏ ra chút thời giờ để suy nghĩ, nhận định rằng biến cố đó đã làm mình thay đổi ra sao không?” Nếu bạn tự trả lời “không” thì bạn là hạng người cứ xông vào đời mà không suy nghĩ gì cả, và có lẽ bạn cũng không hoàn toàn ngay thẳng với bản thân nữa.

Tiến sĩ Gaudet còn khuyên chúng ta nên lấy bút giấy phân tách kỹ cá tính của mình, không phải để tiêu khiển cho vui mà để nhờ bạn kiểm soát xem mình có biết rõ mình không. “Một người bạn tốt thì phải có thể chỉ cho bạn biết sự tự phân tích tính tình cùng khả năng đó có khách quan không. Nếu bạn không có ai là bạn thân để giúp bạn việc đó… thì có lẽ đó là một dấu hiệu rằng bạn không thành thực với bản thân rồi đấy.”

Trong việc đó không dễ gì mà khách quan ngay được đâu. Phải tập lần lần. Dĩ nhiên không nên bỏ hết thì giờ để dò xét những động cơ thầm kín của mình, nhưng ít nhất cũng có thể thử rán thành thực với bản thân về hai ba điểm nhất định nào đó. Khu vực nghề nghiệp là một khu tốt để ta tự dò xét đấy.

Tại sao một người nào đó lựa một nghề không thích hợp để làm hỏng cả cuộc đời mình? Một nhà chuyên môn về hướng nghiệp bảo:
– Tại người đó không xét điểm cốt yếu mà cứ ngó những cái lợi phụ thuộc: lương bổng, danh giá. Người đó không chịu tự hỏi có thực tâm thích nghề đó không, hoặc nghề đó có hợp với khả năng của mình không. Do đó, có khi phải bỏ ra nhiều năm gắng sức mà công toi, trong khi nếu lựa một nghề hợp với thiên tư thì chỉ cần gắng sức bằng nửa thôi, kết quả cũng gấp đôi.
Có khi một sự thất bại lại làm cho ta thấy rõ khuynh hướng của ta hơn là một sự thành công. Một trong những người sung sướng nhất mà tôi được biết đã bỏ một địa vị rất tốt, tức chân chủ bút một báo hàng ngày để cặm cụi viết một tiểu thuyết trong hai năm. Viết xong gởi bản thảo cho các nhà xuất bản, bị họ từ chối. Tôi muốn tỏ ít lời an ủi anh, anh bảo:

– Tôi không tiếc một ngày nào trong hai năm đó cả. Khi người ta từ chối truyện của tôi, tôi biết rằng tôi không thể nào thành tiểu thuyết gia được. Thoát được, sướng quá !
Bây giờ anh ấy làm chủ bút một tạp chí số in rất lớn.
Khi nghe ai phàn nàn không thực hiện được mộng của mình, ông thường khuyên như vầy:
– Ông cứ làm thử đi. Dù sao thấy rằng công việc đó không hợp với thị hiếu, khả năng của mình thì cũng vẫn có lợi cho ông là tự hiểu rõ ông hơn.

Vì là kỹ thuật gia về tâm lý thực hành trong các xí nghiệp, ông Gaudet thường gặp một hạng người khác: hạng người rầu rĩ vì không được thăng cấp mau. Ông khuyên những người như vậy tự hỏi mấy câu căn bản này đã rồi hãy oán trời, trách người:

1. Có thực rằng mình muốn thăng cấp không? Nhiều người ngoài miệng phàn nàn chứ trong lòng thỏa mãn về cấp hiện tại của mình rồi.
2. Đó có thực là ý muốn của mình không. (Nhiều khi một bà vợ có tham vọng có thể thúc đẩy ông chồng lựa bậy một việc)
3. Có chịu cực nhọc khi được thăng cấp không, vì càng lên cấp cao thì càng phải làm việc nhiều.
Ông Gaudet bảo:

– Thăng cấp không có nghĩa là sung sướng, mà cũng không có nghĩa là thành công. Nó phải hợp với lòng mình mới được.

Quá nhiều người tưởng rằng thành thực với bản thân có nghĩa là phải tự chê mình. Lầm: cần biết những nhược điểm của ta, nhưng cũng cần biết ưu điểm của ta để phát triển nó nữa.

Một sự lầm lẫn tai hại nhất là cố ý che giấu cá tính của mình. Tôi biết một thiếu nữ cận thị nặng mà trong các buổi hội họp không bao giờ chịu đeo kính. Cô có tài ứng đối lanh lợi, cay độc nhưng rán nén nó xuống để khỏi làm thương tổn lòng tự phụ của bọn trai trẻ, hy vọng rằng như vậy sẽ được cảm tình của họ. Sau cùng, chán ngán về nông nỗi nhìn chẳng thấy gì cả mà cứ đóng vai giả nhân giả nghĩa hoài, một buổi tối nọ cô quyết định từ nay cứ thành thực với chính cô, thiên hạ ưa hay không ưa cũng mặc.

Tôi thấy như vậy cô ta tự tin hơn, hóa ra có duyên hơn. May sao mà tối đó tôi được vũ với cô và sáu tháng sau chúng tôi cưới nhau.
Theo tiến sĩ Carl Rogers thì sự thành thực đối với bản thân làm cho cá tính của ta phát triển mạnh. Người nào tự biết rõ mình thì không còn sợ đời nữa, có thể nhìn thẳng vào những biến cố xảy ra, nhìn thẳng vào những tình cảm của mình: vui buồn, sướng khổ, tình yêu hoặc tội lỗi.
Rogers bảo:
– Người đó hiểu rằng sẽ tìm thấy ở trong bản thân mình những lý do để theo một lối sống nào đó, vì chỉ có mỗi vấn đề này là quan trọng: lối sống của mình có làm thỏa mãn mình rất mực không?

Sự thành thực đối với bản thân không chỉ là một bí quyết thành công. Nó là một cách thức sống.

James


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.