Ý Cao Tình Đẹp
THƯ GỞI CHO CÁC CON TÔI
Sáng ngày 13 tháng giêng năm 1954, chiếc thuyền buồm Vema dài 60 thước chở tám nhân viên trong đoàn thám hiểm hải dương học của đại học Columbia và 13 thủy thủ phải đương đầu với một trận bão ghê gớm và những ngọn sóng vĩ đại ở khoảng 200 hải lý phía bắc quần đảo Bermudes. Bỗng bốn người bị sóng đánh văng xuống biển. Trong số đó có vị chỉ huy đoàn, giáo sư W. Maurice Ewing, 47 tuổi vừa là giám đốc Đài quan sát địa chất học Lamont (ở Columbia), vừa là nhà hải dương học nổi danh khắp thế giới. Giáo sư ráng chống cự một giờ, kiệt lực, chỉ trong đường tơ kẽ tóc là qua cõi chết. Sau cùng ông được cứu thoát và hôm sau ông viết được bức thư cảm động này cho năm người con của ông từ 3 tới 9 tuổi.
Trên biển, ngày 14 tháng giêng năm 1954
Các con,
Ba viết thư này cho các con để nói chuyện với các con về tình yêu… yêu Chúa, yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu hàng xóm. Ba đã có lần ráng chỉ cho các con hiểu sự quan trọng của tình yêu, nhưng ba thấy rằng lần đó ba chưa giảng được rõ ràng lắm. Bây giờ ba mới đích thân thấy sức mạnh của tình yêu và như vậy có thể ba giúp cho các con hiểu được rõ hơn.
Hôm qua một ngọn sóng lớn đã hất ba xuống biển và ba phải lội trong cơn dông, trong những ngọn sóng cao bằng ngôi nhà của chúng ta. Lội lâu, lâu lắm rồi, thuyền mới tới vớt ba lên. Chính cái tình yêu kỳ diệu của các con đối với ba đã làm cho ba còn tiếp tục bơi được nữa khi mà sức ba đã kiệt.
Đầu đuôi như sau :
Chuyến ra khơi lần này thực cực nhọc, dông tố không lúc nào ngớt mà nước vô thuyền hoài. Bảy giờ sáng hôm qua, ba ở trên “boong” lại phòng các bản đồ để tính xem thuyền đương ở vị trí nào, thì thấy bốn thùng lớn đựng nhớt tung ra, lăn bậy bốn phía. Chiếc Vema chòng chành dữ dội, mấy cái thùng đó có thể đập vào, bung phòng phía sau, nước sẽ tràn vô phòng mà thuyền sẽ chìm. Đúng lúc đó chú John[1] hiện ra ở trên boong cùng với hai sĩ quan hải quân Charles Wilkie và Mike Brown. Ba và ba người đó cùng chặn và cột lại những thùng sau đó.
Vừa cột xong thùng cuối cùng thì một ngọn sóng kinh khủng trút xuống boong. Không ai trông thấy nó trước. Mọi người tức thì bị ngập nước, té nhào, lăn đi mọi phía với mấy cái thùng. Ba tưởng thế nào cũng bị văng mạnh kinh khủng mà xương cốt gãy hết, thân thể nát nhừ.
Bỗng ba cảm thấy rằng ba bị văng ra khỏi tàu, rớt xuống biển. Lâu lắm ba mới ngoi lên được tới mặt nước, lúc đó trong phổi ọc ạch đầy nước, thở khò khè như một người sưng phổi.
Ba thấy cả bốn người đều văng xuống biển. Hai sĩ quan hải quân mỗi ông may mà bám được vào một thùng dầu. Chú John ráng lội lại phía thuyền và ba ngại rằng chú sẽ mau đuối sức. Ba ráng lội lại một thùng dầu ;[2] muốn cho khỏi vướng, phải cởi quần áo ra đã. Vừa cởi xong thì nghe có người sặc sụa, nghẹn hơi, rên rỉ ở gần, nhìn chung quanh không thấy ai cả. Rồi tiếng đó ngừng bặt, ba biết rằng người nào đó đã chìm. Sau này mới hay là ông Charles Wilkie, một đại úy hải quân trẻ, đẹp, rất dễ thương.
Cởi xong áo sơ-mi rồi ba mới nhận định được tình thế. Một lát sau ba thấy chiếc Vema cách ba khoảng một hải lý đương quay lại phía ba. Ba tự hỏi không biết có đủ sức cầm cự cho tới khi thuyền đến không.
Chiếc Vema chạy được nửa khoảng cách rồi thì ngừng lại để vớt chú John, rồi quay nửa vòng để cho hông bên kia lại gần ba.
Không lội được nữa, ba lật ngửa, ráng thả bè thở như người ta thường chỉ : hít cho đầy phổi, nín cho lâu, thật lâu để người được nhẹ hơn, rồi thở ra thật mau rồi lại tiếp tục như vậy. Nhưng phổi ba đầy nước không thể giữ hơi được lâu, và mỗi lần rán hít vô một chút không khí thì một làn sóng lại phủ ba và ba lại nuốt thêm một ít nước nữa.
Chắc các con nghĩ rằng lúc đó, ba cảm thấy cô độc lắm. Không, ba không thấy cô độc chút nào các con ạ ! Ba có cảm tưởng rằng tất cả những người hiền lương mà ba quí mến đều ở bên cạnh ba để khuyến khích ba. Rồi lần lần họ biến hết và chỉ còn lại các con thôi, và ba có cảm tưởng rằng ba có một công việc gì gấp phải làm cho các con. Ba thấy hình như hết thảy các con – Bill và Jery và Hoppy và Petie và Maggie – hết thảy đều sắp chìm lỉm và để cứu các con, ba phải tiếp tục lội.
Sau cùng chỉ còn bé Maggie ở lại bên ba. Ba không thấy bé nhưng nghe tiếng của bé. Bé gọi ba như mỗi tối đứng trên đầu cầu thang, bé nghe thấy giọng nói của ba khi ba ở sở về. Bé lặp đi lặp lại hoài :
– Ba, ba, ba, lại đây ba, lại đây !
Các con nhớ hoài điều đó nhé, nhớ hoài nhé. Nhớ rằng tình yêu của bé Maggie còn mạnh hơn tất cả những ngọn sóng kinh khủng đó nữa. Sóng nhồi ba chìm xuống, lăn qua lặn lại hoài nhưng tình yêu của Maggie vẫn mạnh hơn. Và đúng lúc ba quên hết mọi sự ở đời, trừ bé Maggie – đúng lúc ba ráng lại gần bé – thì ba nghe thấy có tiếng ai trong trẻo ở gần ba bảo ba rằng :
– Tiến sĩ, ông bíu lấy đầu kia cái thùng này thì tôi dễ nắm nó hơn.
Đấy là tiếng ông Mike Brown đương bám vào đầu một thùng dầu. Ba đưa tay ra bíu vào thùng. Thật là dễ chịu vô cùng cho ba và cả cho ông ấy nữa. Một thùng dầu, mỗi người bíu vào một đầu thì thăng bằng như một cái đu, không chòng chành, lăn qua lăn lại nữa.
Lúc đó ba thấy chiếc thuyền tiến lại gần. Có người liệng xuống một chiếc dây thừng, ông Mike bắt được. Một tay nắm chắc dây thừng, một tay bíu vào thùng dầu, ông để cho người trên thuyền kéo chiếc thùng với ba và ông ấy lại gần tàu.
Chiếc Vema chòng chành dữ dội và ba mệt quá, không cất nổi bàn tay lên nữa. Đúng lúc chiếc thuyền nằm ở dưới hỏm, tại chân một ngọn sóng thì ông Mike nắm được lan can của thuyền, leo lên. Thuyền lắc lư làm cho ba chìm. May thay ba thấy chiếc dây thừng ở bên cạnh, bèn chụp lấy.
Ba đã tưởng không sao ngoi lên được mặt nước, vậy mà nhờ dây thừng đó ba cũng ngoi lên được. Và khi chiếc Vema lại nghiêng một lần nữa ở dưới chân một ngọn sóng thì người trên thuyền nắm lấy cánh tay ba. Ba không còn nhớ chút gì những việc xảy ra sau đó cho tới khi ba tỉnh lại, thấy mình nằm trên một chiếc giường, dưới mấy lớp mền.
Chuyện đó xảy ra hôm qua và ba rất mừng đã thoát chết. Chú John mạnh khoẻ, chân sưng một chút, nhưng xương không gãy. Ông Mike Brown cũng mạnh, chỉ vài giờ sau đã thay phiên cho bạn được… Nửa mình bên trái của ba còn nhức mỏi, chưa cử động được ; ở tuổi của ba mà lội lâu như vậy sao được. Tối nay thuyền sẽ tới quần đảo Bermudes, và nhờ các bác sĩ, ba sẽ bình phục mau được.
Có những bài học chỉ kinh nghiệm mới dạy được cho ta thôi. Ba là nhà khoa học, dĩ nhiên mới đầu chỉ nghĩ đến những cái gì hữu hình. Hết thảy chúng ta đều phải tập lội cho giỏi và tránh những thói xấu làm cho cơ thể suy nhược. Nhưng ba cũng biết rằng sở dĩ ba sống sót được, không phải chỉ là nhờ những vật hữu hình mà thôi.
Chúng ta phải nhớ rằng chính tình yêu, tình yêu của các con, của má các con và ba, tình yêu lẫn nhau đó đã cho ba đủ sức để khỏi chìm, đủ chống cự lại lâu sau khi đã kiệt sức rồi.
Tình yêu của má các con và các con đã mạnh hơn những ngọn sóng ghê gớm đó. Tình yêu của Chúa đã tới phút chót run rủi cho ông Brown và thùng dầu trôi lại phía ba. Có lẽ chúng ta không thể thấy rõ được sức mạnh của tình yêu. Nhưng nó có thực, nó rất thực và đó là một trong những sự thực nhất trên đời.
Ba của các con.
W.Maurice Ewing
_______
[1] Em của tác giả, cũng làm trong đài Lamont.
[2] Trong bài này, tôi cắt đi vài đoạn
ngắn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.