Ý Cao Tình Đẹp
VỊ ÂN NHÂN BÍ ẨN CỦA TÔI
Đã trên nửa thế kỷ nay tôi vẫn thắc mắc hoài về một người mất cách đây bốn mươi lăm năm mà tôi chưa bao giờ thấy mặt. Càng sắp tới cái lúc không sao tránh khỏi, cái lúc tôi phải từ biệt cõi đời, không làm sao giải được bí ẩn đó thì tôi lại càng gấp muốn biết nhiều hơn về ông ấy. Tại sao tôi tọc mạch hoài như vậy? Tại tôi chịu của ông ấy một cái ơn mênh mông; giá phải đổi bất kỳ cái gì thì tôi cũng xin đổi để tỏ cho ông ấy thấy rằng hồi xưa một sự đầu tư hú họa của ông ở Texas rốt cuộc đã có kết quả tốt!
Không thể báo cho ông William Hinds (tên vị đó) hay được, tôi đành đăng lên báo, mong rằng có một số độc giả của tôi muốn biết tinh thần của ông. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ làm vui lòng ông vì có lần tôi muốn tỏ lòng biết ơn của tôi với ông thì ông viết cho tôi như vầy: “Em không thể giúp tôi được gì đâu, nhưng sau này có lẽ em cũng có thể giúp đỡ lại cho một người khác như bây giờ tôi giúp em”. Tôi nghĩ theo đúng đạo Ki-tô thì không có cách nào hơn cách đó.
Ông William Hinds không hề nói gì nhiều về ông cả mà tôi cũng không hỏi ông: một chú bé nhà quê miền Texas mà đâu dám tò mò hỏi một vị ân nhân bí ẩn và phi thường ở New York. Ông đã mất trước khi tôi có tin mừng để báo cho ông, trước khi sự đầu tư của ông có kết quả. Vì vậy bài này như là một chứng thư công bố rằng tôi mắc một món nợ với ông.
*
* *
Sau cuộc Nam Bắc phân tranh, song thân tôi tiêu tan sự nghiệp, bỏ miền Mississipi, qua Texas làm ăn. Tôi sanh ở đó năm 1888. Ba tôi tự học, làm thầy giáo làng, mỗi năm chỉ dạy có năm tháng, lương chẳng được bao nên mùa hè phải làm ruộng và mọi công việc lặt vặt để kiếm thêm tiền. Tôi sớm biết đọc và phải đi năm cây số qua cánh đồng để kiếm sách báo. Nhờ đọc sách mà tôi được biết một thế giới tuyệt đẹp và đâm ghét cái thế giới chung quanh tôi, quyết thoát ly nó để bước vô cái thế giới của các nhân vật trong sách.
Hồi tôi mười hai mười ba tuổi, ba tôi khai khẩn một đồn điền nhỏ ở miền Tây Texas. Người ta đã chiếm hết các lô tốt rồi, chỉ còn lại cho chúng tôi một khoảnh nhỏ ở trong cái xó xỉnh cuối cùng mà người ta gọi là Cross Timbers. Trên mặt có một lớp cát dày, dưới là đất sét đỏ. Cây cối thì là thứ “chêne”, lá như lá ô rô (houx) và thứ “chêne” Maryland. Chúng tôi khai phá để trồng trọt. Đối với một em trai, thì không có công việc nào cực nhọc hơn công việc đó. Bốn năm đầu tôi thấy sao mà dài bất tận. Lúc cày thì gặp toàn những gốc cây trên một đất hoang, mà hễ buông cày ra thì phải đốn cây để có đất mà trồng, mặc dầu là đất cằn. Ít nhất là tôi phải nghỉ học hai năm vì mùa đông ba tôi dạy học thì tôi là “đàn ông trong nhà”, phải thay ba tôi trong mọi việc, trừ những ngày nghỉ cuối tuần.
Một hôm ba tôi dắt tôi lại Ranger và tôi đánh bạo vào tòa soạn nhật báo Record của thị trấn đó. Đứng sau lưng ông chủ bút, ngó qua vai ông cho tới khi ông thí cho tôi một chồng báo, toàn những số làm mẫu, chất đống ở một góc, để tôi khỏi quấy rầy ông nữa. Trong chồng báo đó tôi thấy nhiều số The Sunny South: tạp chí này đăng truyện của Conan Doyle và nhiều tác giả đứng đắn khác. Tôi thích mê đi! Và tôi đọc được lời rao này: trả mười xu thì mỗi tuần nhận được một số The Sunny South liên tiếp ba tháng.
Số tiền mười xu đó lớn quá, tôi làm sao có được. Nhưng một buổi tối tôi bày tỏ ước nguyện với má tôi. Bây giờ đây tôi còn thấy rõ người đi qua căn phòng dưới ánh đèn dầu vàng vọt, lấy ra một đồng bạc cắc cất trong một chỗ kín đáo; có lẽ trong nhà chỉ còn có mỗi đồng bạc cắc đó thôi.
Đồng bạc cắc đó là đồng bạc quan trọng nhất trong đời tôi, vì các mặt lấp lánh của nó là cái trụ trong suốt đời tôi. Nhờ nó mà tôi nhận được những số The Sunny South và tôi thấy có mục Thư độc giả. Một hôm tôi viết cho tòa soạn báo rằng tôi muốn được học để sau thành một văn sĩ. Bức thư của tôi đăng trên số báo ngày 14 tháng 5 năm 1904.
Cách đó ít lâu, ba tôi trở về nhà (vì niên học đã hết) và hai cha con tôi cùng cày một khu ruộng để trồng bắp. Đã xế chiều và chúng tôi đều mệt, ngồi trên cái bắp cày cổ lỗ để cho ngựa nghỉ. Em gái tôi chạy ra chìa cho tôi một bức thư em thấy trong thùng thư.
Bao thư làm bằng một thứ giấy rất đẹp, trắng như tuyết, mực đen nhánh; nét chữ quả quyết mà tươi, tỏ rằng người viết có một cá tính mạnh; mép bao thư đóng khằn đỏ với con dấu có chữ H. Tôi bóc ra đọc :
Cháu,
Đọc tờ The Sunny South, tôi để ý tới bức thư của cháu trong mục “Thư độc giả”. Tôi tin rằng cháu sẽ đủ kiên nhẫn giữ chí hướng làm được những việc lớn lao. Cháu biết dư rồi, thanh niên không bao giờ dùng tiếng “thất bại”. Vậy cháu cứ hướng về một lý tưởng cao cả đi và chịu kiên nhẫn làm việc nhiều vào thì sau một thời gian, thế nào cháu cũng toại nguyện, tôi tin chắc vậy. Tôi sẽ sung sướng gởi sách báo cho cháu, nếu cháu chịu nhận, nhưng cháu phải cho tôi biết cháu thích loại nào.
Chúc cháu mạnh.
William Hinds
Từ ngày đó, không lúc nào tôi thiếu món ăn tinh thần: những tạp chí hay nhất và thỉnh thoảng cả sách nữa. Càng đọc tôi càng khát khao học hỏi. Ba tôi, vốn trầm tĩnh, ít nói mà thấy tôi hăng hái như vậy, cũng cảm động và một hôm – năm đó tôi mười bảy tuổi – người hỏi tôi:
– Học một năm ở Ranger con có thể lấy được bằng cấp khả năng sư phạm không ? Nếu được mùa thì chúng ta có thể ra ngoài đó ở một năm và con có thể đi học được.
Năm 1905 nhờ mưa thuận, mùa màng rất tốt, ruộng đã trúng mùa, máy tuốt bông cũng chạy suốt ngày thâu đêm cả mùa thu.
Tuy nhiên tôi cũng phải hy sinh.
Thanh niên nào ở Texas cũng có một con ngựa; để có đủ tiền mua sách, tôi phải bán con ngựa cái của tôi, một con ngựa lưng đẫy đà, nhanh nhẹn, đẹp đẽ, để lấy 60 đồng. Còn học phí thì tôi quét lớp học để khỏi phải đóng.
Tôi cắm đầu cắm cổ học. Nhờ trước kia đọc tản mạn các sách báo nên tôi hiểu biết hơn các bạn khác được ít nhiều nhưng về toán và ngữ pháp thì dở tệ, phải cực nhọc mới theo nổi. Sau cùng tôi đậu được một bằng cấp cho phép dạy tại các trường làng: đối với tôi bằng cấp đó là một bằng cấp giải thoát. Từ đó, trong mấy chục năm dạy học tôi còn giật được nhiều bằng cấp quan trọng hơn nhiều, nhưng tôi vẫn quí bằng cấp đầu đó hơn cả.
Tôi được bổ dụng ngay trong giáo giới. Kiếm được tiền, tôi dành dụm một số để có thể nghỉ dạy mà học thêm một năm lấy một bằng cấp cao hơn. Thời vận tới, tôi làm gì cũng thành công. Tôi thành một nhân vật quan trọng: tôi được lãnh số lương cao nhất trong giáo giới trường tỉnh, tôi ăn bận đàng hoàng, ra vào những chốn sang trọng nhất trong tỉnh, làm việc năm ngày trong một tuần mà chiều nào cũng được về rất sớm.
Rồi bỗng một ngày mùa đông 1909, tôi nhận được một bức thư nữa:
Tôi mong được em cho tôi biết những ước vọng và dự định của em về tương lai. Có thể rằng tôi giúp em được. Giúp đỡ được người khác, chẳng là điều vui nhất trong đời tôi ư? Giúp cho một người nổi danh, chẳng hạn thành Lincoln hay Gladstone, thì sau này nhớ lại, thú biết bao nhiêu. Biết đâu chừng một ngày kia tôi chẳng có thể nói được: “Chính tôi đã giúp Webb khi ông ta còn là một thanh niên đấy”.
Thân ái.
William Hinds
Trên một tờ giấy đính theo, ông tỏ rõ ý muốn của ông:
Em có tính mùa thu này vô đại học không ? Nếu em chưa nghĩ tới thì em cho tôi biết có thích như vậy không? Nếu có thì em muốn vô trường đại học nào? Hồi âm ngay cho tôi nhé.
Hồi đó tôi có bao giờ dám nghĩ tới chuyện vô đại học, đó là việc của “bọn con nhà giàu”. Với lại tôi đã có địa vị rồi, chẳng gì thì tôi cũng thỏa mãn về ảo tưởng đó rồi. Bức thư đó buộc tôi phải suy nghĩ và tôi bỗng thấy hoạt động của tôi tầm thường quá. Chỉ là một cách để kiếm ăn.
Tôi bèn trả lời tất cả các câu hỏi trong thư, nói rõ rằng tôi muốn vô đại học Texas. Tôi đã để dành được một số tiền, quyết tâm dành dụm thêm nữa. Tôi bớt giao du, hội họp đi, có hùng tâm không hỏi cưới một thiếu nữ mà tôi khó quên được: con đường còn chật vật, không nên lôi kéo bất kỳ ai theo mình.
Thế là tháng 9 năm 1909, mang theo khoảng hai trăm đồng, tôi lên xe lửa tại Austin, vô trường đại học. Đã thỏa thuận trước với ông Hinds, mới đầu tôi hãy tiêu số tiền đó đã, khi nào hết mới cho ông hay và ông sẽ đều đều mỗi tháng gởi cho tôi một chi phiếu.
Học hết năm thứ nhì, tôi nợ ông khoảng 500 đồng. Ông khuyên tôi hãy ngưng học để kiếm một chút tiền. Ông bảo: “Tôi không giàu có gì”. Tôi gởi cho ông một tờ biên nhận thiếu nợ ông, nhưng ông không chịu lấy lời, ông luôn luôn khăng khăng một mực như vậy.
Vậy niên học 1911-1912, tôi đi dạy và trả lần được món nợ. Cuối năm đó, tôi ngỏ ý với ân nhân của tôi muốn trở về đại học. Ông đồng ý. Tóm lại, tôi có thể nói rằng suốt thời gian ở đại học, năm nào ông cũng giúp đỡ tôi.
Khi vô đại học, tôi hai mươi mốt tuổi mà không chuẩn bị gì cả. Trước kia sự học của tôi không bao giờ được liên tục. Nếu đời sinh viên của tôi chẳng rực rỡ gì: trong đa số các môn, tôi cũng được những điểm kha khá đấy nhưng không lần nào làm cho ông Hinds có thể hãnh diện được về tôi. Nhưng cũng không lần nào ông rầy tôi. Và chi phiếu cứ tới đều đều mỗi tháng.
Ông thấy ở tôi có tài năng gì không ? Thú thực tôi không bao giờ hiểu nổi ông. Nhưng chắc chắn ông thấy ở tôi có cái gì đó và có vẻ tin tôi thành công, điều ấy là một dẫn lực nâng đỡ tôi trên suốt con đường học vấn. Tôi có lần nào, như các bạn học của tôi, muốn bỏ dở cuộc chiến đấu, phóng đãng, phung phí tiền bạc hay không? Có, nhưng không lâu, vì có một người ẩn danh bí mật ở New York tin cậy nơi tôi.
Năm 1915, tôi đậu Cử nhân và thiếu nợ ân nhân tôi gần 500 đồng, đó là cái giới hạn ước định với nhau rồi. Tôi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Cuero và tôi bắt đầu trả lần lần số nợ. Rồi tới mùa thu năm 1915 một bức thư cho tôi hay tin ông William Hinds đã qui tiên.
Tôi còn thiếu ông 265 đồng.
*
* *
Mùa thu năm 1916 tôi cưới nhà tôi, tên là Jane Oliphant và được bổ làm giáo sư Sử ở trường Trung học San Antonio.
Người em gái của ông William Hinds, cô Ida Hinds – được hưởng của anh trái quyền 265 đồng đó – lại trọ khách sạn Councer một phần mùa đông và thường lại thăm vợ chồng tôi. Nhờ cô mà tôi được biết về đời ông Hinds: ông suốt đời ở độc thân, đã giúp nhiều thanh niên khác nữa, nhập cảng các đồ trân kỳ ở châu Âu nhưng không bao giờ hăng hái kinh doanh. Cô cho tôi một tấm hình rất đẹp của ông mà lúc nào tôi cũng đặt ở bàn viết: mắt đẹp, tóc đen, nước da sáng, mũi thẳng và thanh, râu mép đen, tóc rậm, rối bù. Nét mặt có vẻ hiền từ, cao thượng.
Tôi nhớ đâu như vào tháng giêng năm 1917 thì cô Ida Hinds rời San Antonio. Bức thư cuối cùng tôi nhận được của cô mang dấu bưu điện Burlington, Vermont, ngày 18 tháng tư năm 1918. Trong bao thư đó có mấy hàng này không đề ngày :
Ông Walter thân mến, tôi bỏ tờ giấy nợ của ông vào bao thư đề tên ông này. Như vậy, có chuyện gì xảy ra cho tôi thì tờ giấy nợ đó sẽ tới tay ông. Ngày nào ông nhận được thư thì ông sẽ biết rằng tôi không sống nữa mà ông không còn thiếu nợ ai cả. Ông coi như việc đó đã xong vì tôi không còn người thừa kế.
Thân ái
Ida Hinds
Tính ra tôi còn thiếu 75 đồng. Bảy mươi lăm đồng đó không hề được trả cho một người nào có tình họ hàng xa gần gì với anh em ông Hinds. Nhưng số tiền đó đã được trả không phải một lần mà nhiều lần cho những người cần tiền; và sau này tôi sẽ tiếp tục trả nữa, tôi chắc đó cũng là ý muốn của ân nhân tôi.
Cho tới nay tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại giúp đỡ tôi như vậy. Gởi một chi phiếu giúp một sinh viên túng thiếu mà mình biết mặt, biết tính tình, điều đó là chuyện thường. Nhưng tôi không làm sao hiểu được một người ở New York mà lại đi kiếm một đứa nhỏ làm việc cực khổ ở một xó xỉnh miền Texas, giúp đỡ em khỏi cầm cày, thoát ly được khu ruộng đầy những gốc cây, rồi nâng đỡ không ngừng suốt mười một năm, mà chẳng bắt buộc em phải theo ý mình, cũng chẳng bao giờ hỏi điều này điều nọ, cho tới khi chết mới thôi.
Tiếc thay ông không được sống để thấy một dấu hiệu nhỏ nhặt đáng phấn khởi, tỏ rằng số tiền đầu tư của ông không phải là uổng. Năm 1918, tôi thành giáo sư ở đại học Texas. Sự thăng tiến của tôi ở đó hơi chậm – trong đời tôi, bao giờ tôi cũng trễ – và mãi đến năm 1931 tôi mới xuất bản tác phẩm đầu tiên của tôi. Tới năm 1950 công việc của tôi mới có mòi có thể làm cho ông William Hinds thỏa mãn được. Nhưng ông là người đọc nhiều, chắc nhớ những câu thơ chán đời dưới đây của Shelley.
Hạt giống anh gieo người khác sẽ hái,
Tài sản anh dựng, người khác sẽ hưởng.
Áo anh dệt, người khác sẽ mặc,
Khí giới anh rèn, người khác sẽ đeo.
Tôi đã gặt thứ hạt mà ông đã gieo, đã mặc chiếc áo đẹp mà ông đã dệt; sự thực tôi đã hưởng được một phần tài sản ông đã dựng. Nhưng tôi cũng đã ráng hướng một chút cái tinh thần của ông khi ông gieo, dệt, và tinh thần đó đã luôn luôn hướng dẫn tôi trong cuộc đời.
Walter Prescott Webb
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.