10 Nguyên Tắc Trở Thành Nhân Tài Của Bill Gates

NGUYÊN TẮC THỨ III: LUÔN ĐÀO SÂU SUY NGHĨ ĐỂ SẢN PHẨM GẦN GŨI HƠN VỚI KHÁCH HÀNG



Sau khi hiểu được nhu cầu khách hàng, bạn cần phải đào sâu suy nghĩ xem làm thế nào để sản phẩm gần gũi hơn với khách hàng và giúp đỡ khách hàng nhiều hơn. Ví dụ, bạn làm việc trong ngành thiết kế phần mềm, có khả năng bạn sẽ suy nghĩ: Chúng ta phải làm gì mới có thể khiến khách hàng có hứng thú khi sử dụng sản phẩm trong quá trình làm việc? Sản phẩm như thế nào khiến người sử dụng có thể vừa học vừa chơi, “làm cho việc học trở nên hấp dẫn và thú vị hơn? Sản phẩm như thế nào mới khiến người nội trợ trong gia định cảm thấy hấp dẫn?”

Ba câu hỏi trên có mối liên hệ mật thiết với nhau. Thành công đến từ sự hiểu biết cũng như sự quan tâm của bạn đối với sản phẩm, công nghệ và nhu cầu của khách hàng.

1. HIỂU VÀ ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG

Bill Gates thường nói: “Khách hàng cần sản phẩm như thế nào, chúng ta sẽ cung cấp cho họ sản phẩm như thế đó”. Bill Gates nói như vậy và Microsoft đã làm đúng như thế.

Trước mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, Microsoft đều đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào việc tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, lấy đó làm cơ sở để nghiên cứu, chế tạo sản phẩm. Vụ việc Bộ tư pháp Mỹ khởi tố Microsoft với tội danh lũng đoạn thị trường dường như không được mấy ai biết đến, nhưng những người mong muốn đưa ra phán quyết chia công ty Microsoft làm hai lại chưa bao giờ thực sự hiểu tận gốc lý do công ty Microsoft có thể bá chủ thị trường. Trên thực tế, người của Microsoft đều “rõ như lòng bàn tay” về nhu cầu cũng như ý nghĩ của người sử dụng máy tính, chính vì công ty Microsoft đi trước đón đầu nhu cầu của mọi người và vươn lên chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng bằng cách làm nhanh gọn nên đã đạt được thị phần siêu lớn như vậy. Nếu đối thủ cạnh tranh không học tập Microsoft đặc điểm này mà chỉ hy vọng thông qua sự can thiệp của pháp luật để ngăn chặn sự mở rộng của Microsoft thì kết quả chỉ khiến họ thất vọng mà thôi.

Sự thành công của Microsoft chính là kết quả của sự thấu hiểu và biết cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Không nên “nhắm mắt làm liều”

Giám đốc một công ty nói với nhân viên của anh rằng: “Khách hàng rất không hài lòng về giáo trình đào tạo đa phương tiện do công ty chúng ta khai thác, cho rằng sản phẩm của chúng ta không liên quan đến những gì họ cần, tôi luôn quan tâm sát sao vấn đề này”.

Nhân viên của anh trả lời: “Sản phẩm của chúng ta chất lượng tốt, giá rẻ, anh còn gì phải lo?”.

Vị giám đốc nói: “Sản phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ thì có tác dụng gì? Quan trọng là sản phẩm chúng ta tạo ra lại không phải là sản phẩm mà khách hàng thực sự mong muốn được sở hữu. Theo tôi thấy, nguyên nhân là do chúng ta không tìm hiểu nhu cầu thật sự của khách hàng, không trao đổi giao lưu với họ định kỳ và thường xuyên. Chúng ta đã “nhắm mắt làm liều”. Sản phẩm của chúng ta hiện nay không bán được một chiếc nào, lần này chúng ta sẽ lỗ to”.

Trong các công ty ngày nay, một số nhân viên không lắng nghe ý kiến của khách hàng, không trao đổi với khách hàng, cũng không tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Họ chỉ dựa vào cảm giác của bản thân để thiết kế và chế tạo sản phẩm.

Những người đó đã tự cách ly mình và khách hàng, họ xa rời thực tế, rốt cuộc khách hàng cần gì, nhu cầu của khách hàng có thay đổi ra sao, họ đều không hay biết. Kết quả, sản phẩm làm ra không được ai quan tâm hay hỏi mua, sản phẩm chất đống trong kho, cuối cùng đành phải hạ giá thành sản phẩm hoặc tiến hành tiêu hủy, khiến công ty bị thiệt hài nặng nề, thậm chí dẫn đến phá sản.

Mù quáng chế tạo sản phẩm mà không hiểu nhu cầu của khách hàng thì sẽ rất khó được khách hàng chấp nhận. Công ty DuPont Mỹ từng khai thác, sản xuất một loại vật liệu có thể thay thế da thật và cho rằng vật liệu này còn có nhiều tính năng ưu việt hơn cả da tự nhiên, nhưng kết quả tiêu thụ trên thị trường hoàn toàn ngược lại, mọi người vẫn thích da tự nhiên hơn. Dự án này cuối cùng đã khiến DuPont thiệt hại một số vốn rất lớn.

Theo thống kê, 80% các dự án thất bại đều là do không điều tra rõ nhu cầu của dự án, trong khi đó lý do chính khiến chúng ta không kịp cảm nhận sự thay đổi thường xuyên của nhu cầu khách hàng là vì chúng ta không đứng từ góc độ của khách hàng để phân tích và khai thác nhu cầu.

Giống như Phó Giám đốc điều hành toàn cầu Microsoft Trần Vĩnh Chính từng nói: “Bất kỳ doanh nghiệp phần mềm nào, chỉ khi không ngừng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì mới có thể thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Một dự án thành công cần giải quyết tốt hai vấn đề lần lượt là: “Chúng ta có thể giúp khách hàng giải quyết vấn đề gì? Chúng ta có thể mang đến giá trị gì cho khách hàng?”. Chỉ khi nào hiểu được những vấn đề cốt lõi như sản phẩm khách hàng thật sự cần là gì, tại sao khách hàng cần sản phẩm của chúng ta, v.v… thì chúng ta mới có thể xác định đúng rằng sản phẩm thế nào sẽ khiến khách hàng hài lòng, từ đó mới xác định và xây dựng mục tiêu dự án.

Chỉ khi nào trả lời được câu hỏi: “Chúng ta có thể giúp khách hàng giải quyết vấn đề gì” thì chúng ta mới có thể làm tốt hơn công tác phân tích nhu cầu khách hàng, làm tốt hơn công việc quản lý dự án. Một trong những nguyên nhân chính khiến chúng ta không làm tốt công việc phân tích thị trường là do không đứng trên lập trường và góc nhìn của khách hàng để xem xét vấn đề. Rất nhiều khách hàng không thể nói rõ, thậm chí không thể hình dung ra sản phẩm bản thân mình muốn, thực tế này đòi hỏi chúng ta phải đứng từ góc nhìn của họ để suy nghĩ và xem xét, chỉ có như vậy bạn mới có thể thấu hiểu tâm tư khách hàng, biết họ thực sự cần gì, họ muốn sản phẩm được thiết kế ra sao, sản phẩm như thế nào sẽ đem đến hiệu quả và lợi ích cho người tiêu dùng, được người tiêu dùng đón nhận.

Khách hàng, người tiêu dùng hiện nay đều rất thực tế, họ chỉ mua sản phẩm mình cần, đối với những sản phẩm không cần thiết, cho dù chất lượng có tốt đến đâu, giá rẻ đến đâu cũng không khiến họ mảy may động lòng. Ai cũng biết rõ một điều, tiêu tiền mua những sản phẩm không cần thiết là một hành vi cực kỳ lãng phí.

Lắng nghe ý kiến khách hàng để hiểu khách hàng cần gì

Nhu cầu của khách hàng không bao giờ là vĩnh hằng hay bất di bất dịch mà luôn thay đổi từng phút từng giây. Hơn nữa, khách hàng không bao giờ chủ động đến tìm bạn để nói cho bạn biết họ cần gì,hôm nay họ cần gì và ngày mai họ sẽ lại cần cái gì. Vì thế nhân viên nên chủ động tìm hiểu, trao đổi với khách hàng, sự trao đổi, tiếp xúc cần diễn ra định kỳ, như vậy mới có thể nắm bắt tâm lý của khách hàng, hiểu được họ thật sự cần gì và ngay lập tức cảm nhận được sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng. Qua tiếp xúc trao đổi như vậy, bạn mới có thể làm cho sản phẩm của công ty phù hợp với nhu cầu của khách hàng, trở thành quán quân dẫn đầu danh sách sản phẩm có doanh thu cao.

Công ty HP là một công ty luôn không ngừng sản xuất những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng, các kỹ sư của HP luôn tranh thủ cơ hội tiếp xúc, phỏng vấn và thăm dò ý kiến của khách hàng về sản phẩm mỗi khi thực hiện dịch vụ, như tìm hiểu khách hàng thích những đặc điểm, tính năng nào của sản phẩm? Điều gì làm họ không hài lòng? Không lâu sau, khi kỹ sư HP trở lại thăm khách hàng, họ sẽ mang đến một sản phẩm mới hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Hành động này khiến khách hàng không chỉ hài lòng mà còn thêm tin tưởng HP.

Một nhân viên làm việc trong doanh nghiệp khai thác, chế tạo, muốn có được thành tích, sự nghiệp riêng cần đưa ra kế hoạch cho sản phẩm mới, lắng nghe ý kiến khách hàng, hiểu khách hàng cần gì. Chỉ khi hiểu chính xác khách hàng cần gì mới có thể tìm cách đáp ứng nhu cầu đó.

Một nhân viên lập trình phần mềm ngẫu nhiên nghe được cuộc nói chuyện của khách hàng khi tới cửa hàng bán hàng, hiểu được rằng sản phẩm khách hàng mua hiện không đáp ứng được nhu cầu của họ. Người nhân viên lập trình này ngay lập tức đã trao đổi và giao lưu với khách hàng, sau khi quay về công ty liền bắt tay vào nghiên cứu, viết ra phần mềm theo nhu cầu khách hàng, kết quả là khai thác thành công phần mềm phù hợp với nhu cầu khách hàng, tiếp đó, việc mở rộng thị trường của phần mềm vừa thiết kế cũng được tiến hành thuận lợi, mang lại cho công ty cũng như nhân viên lập trình một tài sản đáng kể.

Luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng từng phút từng giây, không chỉ cần biết cách làm thế nào để nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng mà còn cần cần biết cách làm thế nào để đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.

2. SUY NGHĨ XEM LÀM THẾ NÀO ĐỂ SẢN PHẨM GẦN GŨI HƠN VỚI KHÁCH HÀNG

Bill Gates nói: “Sau khi hiểu được nhu cầu khách hàng, bạn cần đào sâu suy nghĩ xem làm thế nào để sản phẩm gần gũi hơn với khách hàng và giúp đỡ khách hàng nhiều hơn. Ví dụ như, bạn làm việc trong ngành thiết kế phần mềm, bạn có khả năng sẽ suy nghĩ: Chúng ta phải làm gì mới có thể khiến khách hàng có hứng thú khi sử dụng sản phẩm trong quá trình làm việc? Sản phẩm như thế nào mới khiến người sử dụng “vừa học vừa chơi”, làm cho việc học trở nên hấp dẫn và thú vị hơn? Sản phẩm như thế nào mới khiến người nội trợ trong gia đình cảm thấy hấp dẫn?”.

Nhiều năm qua, công ty Microsoft luôn nhất mực yêu cầu nhân viên tuân thủ một nguyên tắc, đó là “phải suy nghĩ”. Suy nghĩ về vấn đề gì? Suy nghĩ xem làm thế nào để khiến khách hàng hài lòng nhất, làm thế nào để tạo ra sản phẩm nhân tính hóa hơn, gần gũi, thiết thực với cuộc sống và công việc của khách hàng hơn.

Là một doanh nghiệp trưởng thành và phát triển nhanh chóng, một mặt công ty Microsoft luôn không ngừng rèn luyện, tích lũy năng lực, tăng cường khả năng khai thác sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm; mặt khác luôn trước sau như một, không bao giờ quên yêu cầu về “mức độ hài lòng của khách hàng”. Công ty tiến hành phân tích tỉ mỉ, cẩn trọng, suy xét kỹ lưỡng, toàn diện về nhu cầu của khách hàng và đưa ra biện pháp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ thế, sản phẩm và các dịch vụ do Microsoft cung cấp càng sát thực với nhu cầu của khách hàng, thực hiện được phương châm phát triển “lấy khách hàng làm trung tâm”.

Trên con đường phát minh, sáng tạo công nghệ, rất nhiều công ty cũng giống như Microsoft, luôn đặt lợi ích của khách hàng vào vị trí quan trọng nhất, dốc sức cố gắng để sản phẩm gần gũi hơn với người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng, chú trọng tính năng của sản phẩm đương nhiên là yêu cầu được xem xét hàng đầu, nhưng đồng thời khách hàng cũng sẽ từ nhiều góc độ khác, đưa ra yêu cầu khác nhau đối với sản phẩm, ví dụ: thể tích lớn nhỏ, ngoại hình xấu đẹp, v.v… để sản phẩm gần gũi hơn, tiện lợi hơn với cuộc sống hằng ngày. Đứng trước muôn vàn yêu cầu của khách hàng, nhà kinh doanh không thể bỏ qua bất kỳ yêu cầu nào.

Chiếc Walkman đầu tiên trên thế giới do công ty Sony khai thác và đưa ra thị trường chính là ví dụ điển hình. Một ngày, Akio Morita, một trong hai người sáng lập công ty Sony đi dạo ở ngoài, nhìn thấy người bạn thân Masaru Ibuka khệ nệ vác theo chiếc radio nặng trên tay, đeo tai nghe cũng đang đi dạo gần đó.

Akio Morita cảm thấy hết sức lạ kỳ, bèn hỏi: “Ông sao thế?”.

Masaru Ibuka trả lời: “Tôi thích nghe nhạc, nhưng lại không muốn gây ồn, ảnh hưởng đến người khác, vì thế chỉ còn cách đeo tai nghe. Vừa đi dạo vừa nghe nhạc mới thư thái làm sao”.

Một câu nói của bạn đã khơi gợi linh cảm của Akio Morita: sản xuất một loại máy nghe nhạc có thể mang bên người! Ý tưởng cho dòng sản phẩm Walkman mới đã ra đời từ đó.

Theo ý tưởng của Akio Morita, đội ngũ kỹ sư công nghệ hùng hậu của công ty Sony đã lập tức tiến hành công việc nghiên cứu, chế tạo, làm nhỏ các linh kiện của máy radio. Chẳng bao lâu sau, chiếc máy nghe nhạc nhỏ nhất thế giới đã ra đời.

Khi chiếc máy nghe nhạc loại nhỏ này vừa được đưa ra thị trường, phòng kinh doanh, đại lý phân phối và nhân viên bán hàng đều vô cùng lo lắng: “Loại máy nghe nhạc này buộc phải có băng đi kèm, nhưng lại không có chức năng thu âm, liệu mấy ai mua nó đây?”.

Akio Morita đã phản bác đầy kiên định: “Máy nghe nhạc trong ô-tô cũng không có chức năng thu âm, nhưng dường như chiếc xe nào cũng cần có máy nghe nhạc loại đó. Bởi vì nó gần gũi và có thể đáp ứng nhu cầu của con người”.

Đợt Walkman đầu tiên ra mắt thị trường đã gây được tiếng vang lớn, thanh niên thích thời trang đua nhau đi mua, vốn dự tính mỗi năm bán ra 100.000 chiếc, kết quả, một năm bán ra được 4 triệu chiếc. Do máy nghe nhạc này vô cùng tiện lợi, có thể mang đến cho người sử dụng không ít niềm vui nên đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của các gia đình, trở thành một đồ dùng không thể thiếu trong các gia đình, nhất là những thanh niên trẻ.

Từ đó suy ra, khai thác sản phẩm gần gũi với người sử dụng, quan tâm sâu sắc từng li từng tý đến người sử dụng và đáp ứng nhu cầu hiện có hoặc đang ẩn giấu của người sử dụng có thể khiến sản phẩm chiếm được tình cảm của đại đa số người tiêu dùng.

Để khách hàng tham gia vào quá trình thiết kế sản phẩm

Trong xã hội hiện đại với muôn vàn sản phẩm phong phú và thị trường phát triển cao độ như ngày nay, quan niệm cũng như hành vi tiêu dùng của khách hàng ngày càng trở nên có cá tính hơn. Khách hàng cần gì, chỉ có họ mới biết. Vì thế, khi thiết kế sản phẩm, mời khách hàng vào phòng thiết kế, để khách hàng trực tiếp bày tỏ mong muốn và yêu cầu của mình, trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế sản phẩm, đó là cách làm hay nhất, tối ưu nhất đảm bảo sản phẩm gần gũi hơn và đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.

Trong lĩnh vực sản xuất bàn là ở Nhật Bản, công ty điện máy Panasonic luôn tự tin về sự nghiệp thành công của mình, nhưng đến những năm 80 của thế kỷ 20, cùng với sự bão hòa cao của thị trường điện máy, bàn là điện cũng rơi vào tình trạng trì trệ.

Nhân viên nghiên cứu Phòng sự nghiệp công ty Panasonic lo lắng như ngồi trên đống lửa. Một hôm, Trưởng phòng sự nghiệp được tôn là “tiến sỹ bàn là” Iwami Kenichi mời mấy chục phụ nữ chuyên trách công việc nội trợ trong gia đình ở nhiều độ tuổi khác nhau đến văn phòng với mong muốn họ thẳng thắn chỉ ra khiếm khuyết của bàn là Panasonic.

Một người phụ nữ nói: “Bàn là mà không có dây điện thì tiện lợi hơn nhiều”.

– “Tuyệt! Bàn là không dây!”, người phụ trách công ty Panasonic hét lên đầy hưng phấn. Phòng sự nghiệp lập tức thành lập Nhóm chiến lược. Khi mới bắt đầu, họ dự định dùng điện tích lũy thay thế dây điện. Nhưng bàn là hơi nước mới chế tạo lại có đế dày 5 cm, nặng gần 2,5 kg, người phụ nữ dùng bàn là đó chẳng khác nào vác hòn bi sắt. Để giải quyết câu hỏi khó này, Nhóm chiến lược bèn quay lại quan sát tỉ mỉ cả quá trình người phụ nữ là quần áo để phân tích, nghiên cứu, vận dụng quy luật.

Kết quả phát hiện, người phụ nữ không phải lúc nào cũng cầm bàn là là quần áo mà rất nhiều lần dựng bàn là ở một bên, sau khi xếp quần áo ngay ngắn mới tiếp tục là. Vì thế Nhóm chiến lược sửa lại một chút ý tưởng bàn là tích điện, họ thiết kế một loại bàn là tích điện khác, mỗi khi là quần áo xong thì có thể đặt bàn là vào bàn tích điện để nạp điện, chỉ cần 8 phút có thể nạp đầy điện, trọng lượng của bàn là vì thế đã nhẹ đi rất nhiều. Bàn tích điện có lắp thiết bị tự động nạp điện và ngắt điện, cực kỳ an toàn.

Thế là, bàn là không dây kiểu mới ra đời và trở thành sản phẩm bán chạy nhất năm đó.

Một nhân viên nói: “Tôi ghi chép lại tất cả những ý kiến liên quan đến sản phẩm của công ty mà mình được “mắt thấy tai nghe” bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, cho dù đang gặp gỡ vui chơi cùng bạn bè hay tình cờ nghe người lạ nhận xét khi đi trên đường. Bởi vì, với tư cách là một nhân viên của công ty, tôi có trách nhiệm làm cho sản phẩm của chúng tôi mỗi ngày một tốt hơn, chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp của mình ngày càng trưởng thành và hoàn thiện hơn”.

Thường xuyên trao đổi với khách hàng hoặc tổ chức tọa đàm với khách hàng, hiểu nhu cầu của khách hàng sẽ có thể nắm được phương hướng của sản phẩm mới một cách chính xác, nhằm đảm bảo sản phẩm tiếp cận gần hơn với thị trường, với khách hàng, từ đó vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tiến hành cải tiến để sản phẩm gần gũi hơn với khách hàng

Mỗi khi làm một việc gì đó, một người nhân viên đều cần đặt yêu cầu “sản phẩm có gần gũi với khách hàng hay không” ở vị trí hàng đầu và đứng từ góc độ của khách hàng để suy nghĩ: Nếu mình là khách hàng, mình sẽ cần cái gì? Bản thân mình mong muốn sản phẩm gần gũi với mình ra sao, sản phẩm như thế nào mới khiến mình cảm thấy thuận tiện, vui vẻ khi sử dụng? Bắt đầu từ việc tìm hiểu khách hàng, nếu biết được rằng sản phẩm còn chưa gần gũi với khách hàng một cách hoàn thiện nhất, bạn sẽ tìm cách nghiên cứu, cải tiến sản phẩm.

Thực tiễn chứng minh: Chỉ những sản phẩm gần gũi nhất với khách hàng mới có thể giữ vị trí đi đầu.

Một lần, trong thời gian được đặt hàng viết phần mềm cho ngân hàng, một nhà thiết kế của công ty phần mềm đã phát hiện, nhân viên giao dịch của ngân hàng quen sử dụng phím số ở bàn phím nhỏ bên tay phải, tuy nhiên rất không quen tìm phím “Y”, “N” để xác định lệnh “Nhập” hay “Bỏ”, cảm thấy rất không thuận tiện khi sử dụng, hiệu quả công việc cũng bị giảm đáng kể, vì thế họ rất hy vọng sau khi nhập xong con số có thể tìm thấy ngay phím để thực hiện lệnh “Nhập” hay “Bỏ”, nhưng họ cho rằng việc thay đổi phím nhấn không dễ thực hiện, vì thế không dám đề đạt, trình bày khúc mắc với nhà thiết kế.

Sau khi phát hiện ra vấn đề này, nhà thiết kế đã nhanh chóng thay đổi thiết kế, sử dụng một số phím trên bàn phím số nhỏ bên tay phải làm phím thực hiện lệnh “Nhập” và “Bỏ”, giao dịch viên cảm thấy rất thuận tay khi sử dụng, hiệu quả công việc nhờ thế được nâng cao rõ rệt. Nhân viên ngân hàng mỉm cười mãn nguyện, mối quan hệ với nhà thiết kế bỗng nhiên trở nên thân thiết hơn nhiều.

Coi nhiệm vụ đưa sản phẩm đến gần hơn với nhu cầu khách hàng là nhiệm vụ hàng đầu, mỗi thiết kế đều có thể được thiết kế dựa trên ý nguyện của khách hàng, mỗi chi tiết đều được nghĩ thay cho khách hàng từ trước, khách hàng sao còn có thể không vừa ý?

Đưa sản phẩm và dịch vụ đến gần hơn với khách hàng là chức trách và mục tiêu theo đuổi của mỗi người đi làm.

Mỗi nhân viên trong doanh nghiệp đều cần phải tiếp cận với khách hàng gần hơn nữa để hiểu được nhu cầu của khách hàng. Ví dụ, công ty Dell có một cơ chế làm việc chặt chẽ để tiếp cận khách hàng, tất cả nhân viên công ty, dù là nhân viên dây chuyền sản xuất hay chuyên gia kỹ thuật đều cần phải tuân thủ cơ chế đó. Họ nắm được tin tức về khách hàng một cách tường tận, tỉ mỉ và nghiêm túc nghiên cứu để đưa ra phương án lắp đặt mang tính đối tượng cao hơn. Ví dụ, Dell phát hiện một số doanh nghiệp lớn sau khi mua máy tính của họ còn phải tốn một thời gian dài để cài đặt phần mềm quản lý nội bộ hay kết nối mạng nội bộ. Để giải quyết vấn đề này, Dell đã kiến nghị khách hàng khi đặt hàng cần liệt kê danh sách các phần mềm cần cài đặt, để họ cài đặt sẵn trong quá trình lắp ráp đợt máy đó và giao hàng tới tận tay khách hàng sau khi đã điều chỉnh cẩn thận, như vậy khách hàng chỉ cần nối dây, bật máy là có thể sử dụng ngay.

Tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu khách hàng, nói thì dễ mà làm thì khó. Bản thân khách hàng không biết phải thiết kế sản phẩm ra sao nhưng họ sẽ có một số yêu cầu đối với tính năng sản phẩm, nhân viên bán hàng và nhân viên kỹ thuật cần luôn nhạy bén nắm bắt yêu cầu này mới có thể khiến sản phẩm được thiết kế và sản xuất ra gần gũi với khách hàng hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.