10 Nguyên Tắc Trở Thành Nhân Tài Của Bill Gates
NGUYÊN TẮC THỨ VI: TẬN DỤNG LINH HOẠT NHỮNG CƠ HỘI CÓ LỢI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BẠN
Bạn nên linh hoạt tận dụng các cơ hội có lợi cho sự phát triển của bản thân. Microsoft thông qua hàng loạt biện pháp mang tới cho mỗi cá nhân nhiều cơ hội làm việc khác nhau. Bất kỳ nhân viên nào sẵn sàng tham gia vào công tác quản lý của Microsoft đều được khuyến khích đến làm việc tại các bộ phận dịch vụ khách hàng khác nhau, cho dù đôi khi việc làm này sẽ tăng thêm gánh nặng cho công tác phân chia cơ cấu và điều động ra nước ngoài của Microsoft.
1. CƠ HỘI KHÔNG BAO GIỜ THIẾU
Trong một buổi diễn thuyết, Bill Gates thẳng thắn chia sẻ: “Cơ hội không bao giờ thiếu, nhưng cơ hội đã qua sẽ không bao giờ trở lại. Cơ hội có thể rơi xuống bất kỳ ai, nhưng chỉ những người đã chuẩn bị mới có thể phát hiện, nắm bắt cơ hội và tận dụng cơ hội giúp mình thành công”.
Thiên tài lỗi lạc toàn năng người Ý – Leonardo de Vinci từng nói: “Khi cơ hội đến, có người nhìn thấy ngay, có người sẽ nhìn thấy sau khi được người khác hướng dẫn, nhưng cũng có người hoàn toàn không nhìn thấy”.
Cơ hội luôn ẩn náu trong từng ngóc ngách của cuộc sống, nếu bạn có một đôi mắt thông minh, bạn sẽ phát hiện ra cơ hội ở mọi nơi mọi chỗ, nhưng nếu bạn không chú ý, bạn sẽ chỉ thấy được vẻ ngoài phẳng lặng như mặt hồ của cuộc sống. Đáng tiếc là, phần lớn mọi người chỉ cảm thấy sự đơn điệu, tẻ nhạt, khô khốc trong công việc, cuộc sống lặp đi lặp lại hàng ngày mà không phát hiện ra cơ hội ẩn chứa trong công việc và cuộc sống muôn màu. Trong khi đó, cơ hội sẽ qua đi mà không thể trở lại, nếu không nắm bắt tốt, có thể cơ hội sẽ bay qua ngay trước mắt bạn.
Ở Mỹ, có một người công nhân thổi bình thủy tinh tên là Ruto. Một ngày đẹp trời, khi đang trong buổi hẹn với bạn gái, anh phát hiện chiếc váy người bạn gái mặc hôm đó rất đẹp. Hóa ra, Ruto đã phát hiện được một cơ hội từ chiếc váy đó, nửa trên đầu gối của váy tương đối nhỏ, khiến phần eo của người bạn gái hiện ra vô cùng quyến rũ. Ruto nghĩ, nếu thiết kế chai thủy tinh giống như chiếc váy của người bạn gái, chắc chắn sẽ rất được hoan nghênh. Qua nhiều lần thử nghiệm và cải tiến, cuối cùng Ruto đã làm ra chiếc chai như thế: cầm vào cổ chai sẽ không còn cảm giác trơn tuột; nhìn bề ngoài, dung dịch đựng trong bình sẽ nhiều hơn thực tế, hơn nữa hình dáng lại cực đẹp.
Chiếc chai thủy tinh do Ruto thiết kế đã được công ty Coca Cala chọn dùng và mua lại bản quyền thiết kế với giá 6 triệu đô la Mỹ. Người công nhân nghèo Ruto trở thành triệu phú trong tích tắc chính nhờ khả năng phát hiện và nắm bắt cơ hội. Về phía công ty Coca Cola, kể từ sau khi mua lại bản quyền và thay đổi hình dáng của chai coca cola vào năm 1923, thị phần tiêu thụ của sản phẩm này được thúc đẩy mở rộng mạnh mẽ.
Cơ hội chính là thời cơ. Những người giỏi nắm bắt cơ hội, vận dụng cơ hội để thúc đẩy sự nghiệp của mình phát triển thường sẽ đạt được hiệu quả “một mũi tên trúng hai đích”. Cơ hội sẽ không tồn tại mãi mãi hoặc vĩnh viễn không thay đổi. Không có đôi mắt nhạy bén, bạn sẽ không thể phát hiện cơ hội, cũng giống như “không thấy lông mi trên mắt”. Giỏi phát hiện cơ hội, giỏi nắm bắt cơ hội, sự nghiệp của bạn đã thành công một nửa.
Thành công nhờ phát hiện cơ hội
Thường xuyên có người thốt lên rằng: “Nếu cho tôi một cơ hội, tôi sẽ…”. Họ buộc vận mệnh mình vào việc đợi chờ cơ hội, những người như thế rất khó thành công.
Cuộc sống không thiếu các cơ hội mà chỉ thiếu tố chất để phát hiện và nắm bắt cơ hội. Nếu có tố chất cao, dù cuộc sống không có cơ hội cũng sẽ sáng tạo ra cơ hội. Có một câu chuyện kể rằng, có hai nhà máy giầy, mỗi nhà máy cử một nhân viên bán hàng đến một đảo trên Thái Bình Dương để giới thiệu quảng cáo giầy da. Sau khi ra đảo, một nhân viên bán hàng gửi điện báo về trụ sở với nội dung: “Người dân trên hòn đảo này không đi giầy, ngày mai tôi sẽ đáp chuyến bay đầu tiên trong ngày quay về thành phố”.
Còn một nhân viên bán hàng khác lại gửi điện báo với nội dung là: “Thật tuyệt vời, người dân trên đảo còn chưa có thói quen đi giầy, tiềm năng rất lớn, mong công ty mau chóng gửi hàng đến đây, tôi sẽ thường trú trên đảo này”.
Đối mặt với một hoàn cảnh chung, một người chỉ nhìn thấy “thất vọng”, một người lại nhìn thấy “thời cơ”. Có thể thấy, với người không có tố chất cao, cơ hội dù có hiển hiện ngay trước mắt cũng không biết, còn người có tố chất cao lại có thể phát hiện cơ hội ngay cả khi người khác không nhìn thấy. Rất nhiều cơ hội đang ở trước mắt bạn, quan trọng là bạn có tố chất phát hiện chúng hay không.
Người có tố chất cao sẽ sở hữu đôi mắt nhạy bén, quan sát cơ hội từng giờ từng phút; người có tố chất không cao thì hoàn toàn ngược lại. Nước Mỹ từng dấy lên cơn sốt đào vàng. Cuộc sống đào vàng cực kỳ gian khổ, gian khổ nhất là không có nước uống. Con người vừa tìm mỏ vàng, vừa không ngừng than thở: “Ai cho tôi uống một bình nước mát, tôi tình nguyện tặng họ một đồng vàng”, “Ai cho tôi một lần uống nước thoải mái, chỉ có con cháu của quỷ mới không tặng họ hai đồng vàng”.
Ya Moer phát hiện cơ hội từ trong những lời than thở đó: Nếu bán nước uống cho những người này, tiền kiếm được còn nhiều hơn cả đi đào vàng. Thế là anh mạnh dạn từ bỏ công việc đào vàng, đi đào giếng nước bằng chiếc cuốc đào vàng ngày trước, đem nước vận chuyển đến thung lũng núi bán cho thợ đào vàng từng bình, từng bình một. Những người bạn cùng đào vàng ồ lên cười nhạo Ya Moer “không đi đào vàng để phát tài mà lại đi làm mấy chuyện buôn bán cỏn con kiếm chút lời bằng đầu móng tay”.Sau này, đa phần những người thợ đào vàng trở về với hai bàn tay trắng, thậm chí rất nhiều người phải chịu đói, chịu rét, lưu lạc nơi đất khách quê người; còn Ya Moer lại phát tài chỉ trong một thời gian ngắn nhờ việc bán nước. Cơ hội phát tài của Ya Moer đâu phải do ông trời tặng riêng cho mình anh, tất cả những người đào vàng đều có cảm nhận rất rõ ràng về nỗi khổ không có nước uống, hàng ngày ai ai cũng nghe thấy những lời than thở không ngớt, nhưng họ căn bản không ý thức được đây là một cơ hội tốt, thậm chí còn cười nhạo cách làm của Ya Moer.
Con người luôn chỉ tìm kiếm nguyên nhân qua vẻ bên ngoài, quy kết là điều kiện, là cơ hội, nhưng trên thực tế, tố chất của con người mới là yếu tố mang tính quyết định. Chính tố chất quan sát cơ hội một cách nhạy bén mà những người thợ đào vàng khác không có đã quyết định việc Yamoer có thể phát hiện và có được cơ hội mà người khác không có.
Bill Gates thường khuyên nhân viên của mình: “Chỉ cần giỏi quan sát, bạn sẽ thấy cơ hội tồn tại khắp mọi nơi xung quanh mình, nhiều khi cơ hội ở ngay bên cạnh, thậm chí đã ở trong lòng bàn tay bạn, nhưng mấu chốt là bạn có thể phát hiện hết các cơ hội hay không”.
Trong thời đại tràn ngập cơ hội như ngày nay, mỗi cơ hội đều là một khối tài sản lớn, vấn đề là bạn có thể nắm bắt được cơ hội hay không. Cần coi trọng, chú ý phát hiện cơ hội một cách tỉ mỉ, cẩn thận.
Không nên đánh mất cơ hội tốt
Trong một bài diễn thuyết, Bill Gates kể một câu chuyện rằng: Nhiều năm trước, khi còn rất khó để tuyển được công nhân, một giám đốc công ty máy công nghiệp lại phát hiện có đến mấy chục chàng trai cao to vạm vỡ nằm sưởi nắng trên bãi cỏ công viên Chicago vì không có việc làm. Vị giám đốc này hết sức ngạc nhiên, ông muốn biết nguyên nhân các chàng trai này không đi làm. Một buổi chiều nọ, vị giám đốc đến công viên, phỏng vấn 7 trong số những người đó.
Vị giám đốc phóng khoáng mời những người phỏng vấn hút xì gà, nói chuyện với họ một cách chân tình thoải mái, chẳng mấy chốc đã chiếm được lòng tin của những người cùng nói chuyện, qua đó biết được triết lý nhân sinh của họ cũng như nguyên nhân vì sao những người này không đi làm việc mà lại nằm phơi nắng trên thảm cỏ, hóa ra nguyên nhân đều hoàn toàn giống nhau. Họ nói: “Thế giới này không cho chúng tôi cơ hội”.
Kể xong câu chuyện, Bill Gates cất cao giọng hỏi người nghe dưới khán đài: “Có thật thế giới này không cho họ cơ hội? Không. Cách nói “không có cơ hội” mãi mãi chỉ là lời biện bạch của những kẻ thất bại”.
Đối với mỗi người, cơ hội đều bình đẳng, chẳng qua những người thành công giỏi phát hiện cơ hội, sáng tạo cơ hội; còn những người thất bại lại chỉ biết ngồi đợi chờ cơ hội, mặc cho cơ hội tốt bay qua trước mặt. Cơ hội thật sự thường ẩn mình trong những chuyện tưởng chừng vụn vặt của cuộc sống, khiến những người không giỏi phát hiện để tuột cơ hội mà không hay biết.
Một người thanh niên làm việc trong một trung tâm thương mại đã 4 năm, thành tích bán hàng cứ bình bình, ông chủ không thích anh lắm. Người thanh niên luôn than phiền với bạn rằng: “Ông chủ căn bản không coi trọng mình, mình không muốn làm việc cho ông ta nữa…”.
Khi anh đang nói chuyện với bạn, một khách hàng bước đến và muốn xem một vài chiếc mũ. Nhưng người thanh niên lại không buồn để tâm, tiếp tục nói chuyện với bạn cho đến khi câu chuyện kết thúc mới quay lưng trả lời khách hàng một cách không lấy gì làm dễ chịu cho lắm: “Đây không phải cửa hàng chuyên bán mũ”.
Người khách hàng lại hỏi: “Cửa hàng chuyên bán mũ nằm ở đâu?”.
Người thanh niên trả lời: “Cô đi hỏi quầy tư vấn, họ sẽ cho cô biết cửa hàng chuyên bán mũ nằm ở góc nào”. Hơn 4 năm qua, người thanh niên đã có rất nhiều cơ hội tốt nhưng anh lại chẳng hay biết. Đáng lẽ anh có thể trở thành bạn tốt với tất cả khách hàng anh đã từng phục vụ, chính những người đó có thể khiến anh trở thành nhân viên có giá trị nhất trong trung tâm thương mại này. Bởi họ sẽ trở thành khách hàng quen của anh, sẽ thường xuyên quay lại giao dịch với anh. Nhưng anh đã bỏ qua, thậm chí chối bỏ, cự tuyệt những cơ hội có thể nâng cao giá trị bản thân, anh không để ý đến câu hỏi tư vấn của khách hàng, hoặc trả lời họ một cách hờ hững, lạnh nhạt, vì thế cơ hội cứ trôi đi trước mắt anh hết lần này đến lần khác.
Một học giả thành công nói: “Bạn có thể đi hỏi 10 người bất kỳ bạn gặp, hỏi tại sao họ không thể thu được thành tích tốt hơn trong sự nghiệp. Ít nhất 9 trong số 10 người được hỏi sẽ trả lời bạn rằng, họ không có được cơ hội tốt. Bạn có thể quan sát hành động cũng như công việc trong một ngày của họ, tôi đảm bảo bạn sẽ phát hiện thấy, họ đang từ chối cơ hội tốt tự đến với họ trong mỗi tiếng đồng hồ của một ngày mà không hề hay biết”.
Rất nhiều người bên cạnh chúng ta không những không giỏi phát hiện cơ hội mà còn tự động từ chối cơ hội có lợi cho sự thành công của bản thân mà không hay biết. Người không biết phát hiện và nắm bắt cơ hội không làm việc mà chỉ nghĩ viển vông, sao có thể nhìn thấy cơ hội trước mắt, sao có thể tận dụng cơ hội hoàn thành sự nghiệp của mình?
Đúng như Bill Gates nói: Những người thực sự thành công không bao giờ đợi cơ hội đến mà tự đi tìm và nắm bắt cơ hội, tận dụng cơ hội, chinh phục cơ hội, biến cơ hội thành người phục vụ cho bản thân. Nói cách khác, bất kỳ cơ hội nào đều có thể trở thành “chìa khóa vàng” trong tay những người thành công.
2. SÁNG TẠO CƠ HỘI BẰNG HÀNH ĐỘNG
Bill Gates có thể trở thành tỷ phú và xây dựng nên sự nghiệp phần mềm bá chủ thế giới như ngày hôm nay chính là kết quả của việc ông sáng tạo cơ hội bằng hành động thực tế. Người thành công sở dĩ có thể đi đến vinh quang chính là vì họ không những có thể nắm bắt được cơ hội tốt trời cho, mà quan trọng hơn là họ có thể sáng tạo cơ hội bằng hành động của bản thân.
Bill Gates nói: “Microsoft cần nhất chính là những nhân viên có thể dùng hành động sáng tạo nên cơ hội”.
Bất kỳ cơ hội tốt nào đều do bản thân mình sáng tạo nên, nếu bạn ngây thơ tin rằng cơ hội tốt đang đợi bạn ở một nơi nào đó, hoặc cơ hội sẽ tự tìm đến bạn thì không còn nghi ngờ gì nữa, bạn là tên ngốc nhất trên trần gian này. Vì thế, nếu bạn thất nghiệp, đừng chỉ ngồi nhà chờ công việc tìm đến cửa; nếu bạn không tự mình sáng tạo cơ hội, đừng mong cấp trên tăng lương; nếu bạn không tự đi tìm khách hàng bàn chuyện kinh doanh, khách hàng sẽ chẳng bao giờ tự động tìm đến bạn, cho dù bạn có đợi đến khi đầu bạc răng long, thành công chưa chắc đã tìm đến với bạn. Tóm lại, nếu bạn không sáng tạo cơ hội, không phát hiện cơ hội, bạn sẽ trải qua một cuộc đời vô nghĩa, trống rỗng như chuyện “ôm cây đợi thỏ”.
Cơ hội luôn dành cho những ai đã chuẩn bị. Nếu một người muốn có cơ hội, họ sẽ biết áp dụng hành động, nhưng nếu người đó chỉ ngồi đợi người khác hai tay bưng “đĩa vàng đĩa bạc” cơ hội đến trước mặt, họ sẽ chỉ nhận được sự thất vọng mà thôi.
Người thành công đều là người giỏi sáng tạo cơ hội
Có hai kiểu thái độ trước cơ hội: một là đợi chờ cơ hội, một là sáng tạo cơ hội. Người thành công không đợi chờ cơ hội mà sáng tạo cơ hội.
Hoàng đế Alexander sau khi tấn công thành thắng lợi, có người hỏi ông, liệu có phải ông đang chờ thời cơ đến để đi tấn công thành khác? Alexander nghe xong câu hỏi, nổi trận lôi đình: “Ngươi cho rằng khi nào thời cơ sẽ đến? Thời cơ là do chúng ta tự sáng tạo ra”. Chỉ những người giỏi sáng tạo cơ hội mới có thể lập nên thành tích vĩ đại, vang động bốn phương.
Vua thép Andrew Carnegie từng nói rằng: “Cơ hội là do bản thân nỗ lực tạo nên, bất kỳ ai cũng có cơ hội, chỉ có điều một số người giỏi sáng tạo cơ hội mà thôi!”.
Một sinh viên nhạc viện được phân công đến làm công tác tuyên truyền tại một doanh nghiệp. Khi vừa đến, anh thấy rất phiền não, cho rằng chuyên ngành mình học chẳng liên quan gì đến công việc hiện tại, nếu cứ tiếp tục làm việc này lâu dài, không những bỏ lỡ tiền đồ sán lạn phía trước mà càng ngày càng trở nên xa lạ với âm nhạc, những gì học được có thể sẽ bị lãng phí. Vì thế, anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi, muốn được chuyển đến một môi trường có thể phát triển năng khiếu của bản thân, nhưng sau nhiều phen bôn ba, anh vẫn không thành công.
Sau đó, anh đành chấp nhận công việc và chỗ làm hiện tại, nhưng quyết tâm phải thay đổi tình trạng “anh hùng không có đất dụng võ” hiện nay. Anh tìm đến gặp Chủ tịch công đoàn công ty, đưa ra kế hoạch lập đội văn nghệ cho công ty. Vừa đúng lúc, doanh nghiệp này đang trên đà thoát khỏi vực sâu tổn thất, chuyển từ làm ăn thua lỗ sang kinh doanh có lãi, nên cũng muốn “treo cờ gióng trống” tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh công ty, nâng cao danh tiếng sản phẩm, liền đồng ý với kế hoạch của anh.
Tinh thần được củng cố, anh đi khắp nơi tìm kiếm nhân tài, mua nhạc khí, thiết kế sân khấu, tiến hành đào tạo bồi dưỡng thêm cho đội ngũ không chuyên, chưa đầy nửa năm đã khiến đội văn nghệ có được quy mô ban đầu. Hai năm sau, trình độ biểu diễn của đội văn nghệ công ty đã đứng đầu toàn thành phố, thậm chí không hề kém cạnh so với đội văn nghệ chuyên nghiệp. Còn anh đã trở thành đội trưởng đội văn nghệ danh tiếng lẫy lừng toàn thành phố.
Thông qua sự nỗ lực của bản thân, anh hoàn toàn có thể thay đổi hoàn cảnh của mình, biến tình thế xấu, không thuận lợi thành ưu thế vượt trội, không những “khai khẩn” mảnh đất màu mỡ thể hiện tài năng mà còn nâng cao khả năng lãnh đạo của bản thân, từ đó đặt nền móng vững chắc để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn sau này.
Người thành công đều là người giỏi sáng tạo cơ hội. Khi có cơ hội, họ biết nắm bắt cơ hội; khi không có cơ hội, họ biết tạo ra cơ hội.
Cơ hội là bàn đạp của thành công, người thông minh sẽ không đợi “người tốt” đến tặng cơ hội mà chủ động vươn mình tìm kiếm cơ hội và tìm “vàng” mình muốn trong các cơ hội đó. Tuy nhiên, đợi chờ cơ hội cũng không phải là quá trình bị động, cần tích cực chuẩn bị, sẵn sàng chủ động xuất kích.
Làm việc nghiêm túc chính là sáng tạo cơ hội
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, công ty Goldlion Hồng Công tham gia hoạt động tài trợ cho một tòa báo được tổ chức tại Trung Quốc đại lục với sản phẩm tài trợ là cà vạt do Goldlion sản xuất. Sau khi hoạt động kết thúc, cô La, người chịu trách nhiệm tặng quà đã mang 3 chiếc cà vạt còn thừa gửi lại công ty Goldlion. Việc làm hết sức nhỏ bé này đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm đối với ông Tăng Hiến Hạnh, Tổng giám đốc công ty Goldlion. Vài năm sau, khi công ty Goldlion chuẩn bị tiến vào thị trường đại lục, cần tìm một người phụ trách nhân sự cho chi nhánh công ty tại đại lục, trong vô vàn nhân tài tại Trụ sở Hồng Công, người đầu tiên ông Tăng nghĩ đến là cô La.
Trên con đường thành công từ một nhân viên rất đỗi bình thường trở thành một Tổng giám đốc của cô La, cơ hội đóng một vai trò nhất định, cơ hội này do chính cô La sáng tạo, vì lúc đầu cô hoàn toàn có thể đem 3 chiếc cà vạt tặng hết cho khách mời hoặc coi đó là của riêng, nhưng nếu làm vậy, cô chưa chắc đã có thành công huy hoàng ngày hôm nay.
Mỗi người đều có thể sáng tạo cơ hội cho chính mình, sáng tạo cơ hội không có nghĩa là cố ý phải đi làm việc gì, mà đơn giản là làm tốt tất cả mọi việc cần và nên làm. Tu dưỡng tốt, hành động tao nhã, phẩm chất trung thực đều sẽ tạo dựng hình ảnh mang thương hiệu của chính bạn ở mọi lúc mọi nơi và cũng luôn tạo cơ hội cho bạn cho đến khi vươn tới thành công.
Một nhà doanh nghiệp thành công nói, sáng tạo cơ hội cho chính mình không được hiểu nhầm, hiểu lệch thành ăn cắp không từ thủ đoạn mà cần thể hiện ở từng việc nhỏ. Làm tốt từng công việc nhỏ chính là tạo nên cơ hội thành công cho chính mình.
Lưu Tịnh làm việc tại một ngân hàng. Công việc chính tại các điểm giao dịch cơ sở trong mạng lưới ngân hàng thường là thao tác đơn thuần lặp đi lặp lại, vì thế tay nghề nghiệp vụ của một sinh viên đại học cũng không có nhiều lợi thế hơn so với học sinh tốt nghiệp cấp 3. Cô cảm thấy thiếu một “sân khấu” để thỏa sức thể hiện bản thân, mà thời gian thì cứ lặng lẽ trôi đi từng ngày trong khối công việc buồn tẻ, nhạt nhẽo đó.
Đương nhiên, ngoài tài năng, sự cần cù, còn cần có cơ hội để mình nổi bật. Nhưng nếu hàng ngày chỉ làm những công việc bình thường, làm thế nào có thể sáng tạo cơ hội?
Một ngày nọ, cô xem chương trình phỏng vấn Bill Gates trên ti-vi và nghe ông nói, cần hoàn thành xuất sắc từng công việc tưởng chừng nhỏ nhặt, vụn vặt, nếu làm tốt 99 lần như vậy, cơ hội vẫn chưa xuất hiện thì cần phải nhẫn nại làm tốt lần thứ 100. Kiên trì làm việc như vậy sẽ sáng tạo cơ hội thành công cho bản thân.
Câu trả lời phỏng vấn của Bill Gates khơi gợi cho Lưu Tịnh rất nhiều điều bổ ích. Từ đó về sau cô nghiêm túc, chăm chỉ hơn trong công việc, công việc nhỏ nhặt nhất cũng được cô hoàn thành vô cùng xuất sắc.
Một ngày kia, một người đàn ông trung niên, dáng vẻ trí thức đến rút khoản tiền tiết kiệm lớn. Lưu Tịnh phát hiện, chẳng bao lâu nữa sẽ đến kỳ hạn của cuốn sổ tiết kiệm, nếu rút trước sẽ mất đi số tiền lãi tương đối lớn nên đã nhắc nhở người chủ tài khoản. Nhưng vị khách hàng này nói thực sự không còn cách nào khác vì căn hộ ông đặt cọc trước đây đã đến hạn nộp tiền. Cô hỏi kỹ khách hàng về khu vực chung cư, căn cứ theo phương thức thanh toán cũng như chính sách hữu quan của Nhà khai thác khu chung cư này để thiết kế cho khách hàng một phương án trả tiền hợp lý hơn, giải quyết sự lo lắng của khách hàng.
Người chủ tài khoản ngạc nhiên vì một cô gái trẻ như vậy lại có đầu óc tính toán thông minh, khôn khéo đến thế, quan trọng hơn là thái độ, phong thái của cô đều gần như hoàn mỹ trong mắt người khách hàng. Ông cho rằng đây là hình ảnh nhân viên ngân hàng kiểu mới đáng được quảng bá. Sau đó, phóng viên một tờ báo đã đến phỏng vấn và viết bài về cô đăng lên trang nhất, hóa ra người khách hàng này chính là Tổng biên tập tờ báo trong thành phố. Nhân cơ hội này, lãnh đạo ngân hàng đã tận dụng tiếng vang của Lưu Tịnh để xây dựng phòng công tác mang tên cô. Do đáp ứng được nhu cầu đầu tư bắt đầu xuất hiện trong xã hội, cộng với hiệu ứng thương hiệu do tên tuổi của cô mang lại, phòng công tác của Ngân hàng này đã gây dựng được danh tiếng trong các chủ tài khoản toàn thành phố.
Thực ra, khi tiếp vị khách hàng Tổng biên tập đó, Lưu Tịnh hoàn toàn không có ý coi ông là khách hàng đặc biệt, càng không nghĩ đây là một cơ hội, tuy nhiên đây lại trở thành bước ngoặt trong sự nghiệp của cô. Sáng tạo cơ hội thực ra là thái độ nhân sinh tích cực tiến lên, chỉ cần chăm chỉ hoàn thành tốt công việc, cơ hội lúc nào cũng tồn tại bên cạnh.
3. DÁM MẠO HIỂM MỚI CÓ THỂ NẮM BẮT CƠ HỘI THÀNH CÔNG
Bill Gates nói: “Cơ hội chính là khi bạn đi thử nghiệm những công việc mới, chưa làm bao giờ. Nhưng đáng tiếc, rất nhiều người ở Microsoft chỉ lặp đi lặp lại tất cả công việc hằng ngày tại Microsoft. Những người không dám sáng tạo, không dám mạo hiểm đó chẳng bao lâu sau sẽ mất đi sức cạnh tranh, lấy đâu ra cơ hội thành công?”.
Microsoft chỉ đề cao những nhân viên có tinh thần mạo hiểm. Họ thà đối đầu với nguy hiểm thất bại để tuyển dụng những người đã từng thất bại, còn hơn tuyển dụng những người lúc nào cũng quá cẩn thận mà không có chút sáng kiến. Ở Microsoft, nhận thức chung của mọi người là, dù có thất bại, tốt nhất cũng phải thử sức với cơ hội, như vậy còn tốt hơn nhiều việc không dám thử sức.
Dám mạo hiểm là tố chất cơ bản của một người thành công và cũng là yếu tố cơ bản một nhân viên cần có. Chỉ khi dám mạo hiểm, bạn mới có cơ hội thành công. Giả sử ngay đến thị trường cổ phiếu bạn cũng không dám bước vào thì đương nhiên bạn sẽ không có cơ hội kiếm tiền, nếu bạn dám thử sức, bạn sẽ có 50% cơ hội.
Trong xã hội hiện đại, rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao, vì thế con người mới không ngừng mạo hiểm. Mạo hiểm là gì? Mạo hiểm chính là nắm bắt cơ hội, bạn không dám mạo hiểm, đồng nghĩa với việc để lỡ rất nhiều cơ hội.
Không có rủi ro sẽ không có thu hoạch
Cuộc sống vốn là một trò chơi mạo hiểm. Những người chỉ mong một đời yên bình, lặng lẽ sẽ không dám mạo hiểm, cũng sẽ không mạo hiểm, những người như vậy mãi mãi không thể thành công. Nhiều khi cơ hội thành công luôn đồng hành cùng rủi ro mạo hiểm. Muốn nắm bắt cơ hội thành công, phải mạo hiểm một chút, nếu không sẽ mất đi rất nhiều cơ hội có thể là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, khiến cuộc sống luôn là chuỗi ngày bình thường, không có bất kỳ sáng kiến hay kỳ tích gì.
Sự thay đổi của thế giới, sự thành công trong kinh doanh thường thuộc về những người dám nắm bắt cơ hội, dám mạo hiểm. Về bản chất, sự vận động của tính mạng chính là một chuyến thám hiểm, nếu không chủ động đón nhận thách thức, rủi ro thì sẽ là ngồi đợi rủi ro giáng xuống một cách bị động. Mạo hiểm luôn mang đến cho bạn cơ hội xuất chúng tốt hơn nhiều so với việc cứng nhắc tuân thủ nguyên tắc đã định hình.
Việc làm đầu tiên sau khi Jim Burke thăng chức Trưởng phòng sản phẩm mới của công ty John là nghiên cứu chế tạo một thiết bị mát-xa vùng ngực dành cho trẻ em. Tuy nhiên, quá trình sản xuất thử sản phẩm này thất bại, Jim Burke thầm nghĩ, kiểu này chắc chắn bị ông chủ đuổi việc.
Jim Burke bị gọi đến gặp Giám đốc điều hành công ty, tuy nhiên anh lại được đón tiếp chu đáo đến ngạc nhiên. “Anh chính là người khiến công ty chúng ta thiệt hại một số tiền lớn đó sao?”, Robert Wood Johnson, Giám đốc điều hành công ty John hỏi. “Được đấy, nhưng tôi lại cần chúc mừng anh. Anh dám mắc lỗi có nghĩa là anh dám mạo hiểm. Công ty chúng ta cần những người có tinh thần mạo hiểm như anh, như vậy công ty mới có cơ hội phát triển”.
Nhiều năm sau, chính Jim Burke trở thành Giám đốc điều hành công ty John, anh mãi khắc ghi câu nói của Giám đốc điều hành năm nào.
Giám đốc điều hành một công ty lớn của Mỹ đã tổng kết một cách đầy thuyết phục rằng: “Thực ra, có tinh thần mạo hiểm hay không sẽ biểu hiện khả năng suy nghĩ và sức hấp dẫn về nhân cách của một nhân viên”. Là một nhân viên, chỉ khi bạn đầu tư tinh thần mạo hiểm vào công việc, ông chủ mới cảm thấy sự cố gắng của bạn.
Mạo hiểm là một kiểu dũng khí và sức hấp dẫn thể hiện ở con người. Kinh nghiệm đã qua cho chúng ta biết rằng: Mạo hiểm luôn kết bạn đồng hành với thu hoạch. Colombo nếu không thực hiện chuyến thám hiểm trên biển, liệu có thể đặt chân đến châu lục mới hay không? Đác-uyn không đích thân thám hiểm, thu thập tài liệu, liệu có hoàn thành “Thuyết tiến hóa” vĩ đại hay không? Trong thị trường cổ phiếu đầy sóng gió, không có hành động đón nhận thách thức, liệu có thu được số tiền khổng lồ hay không? Cơ hội luôn gắn liền với rủi ro, nắm bắt cơ hội trong thời khắc quan trọng thì chắc chắn sẽ thành công. Nếu bạn luôn mong chờ thành công nhưng lại sợ rủi ro, vậy thì xin lỗi, thành công sẽ lần lượt lướt ngang qua người bạn.
Mặt sau của rủi ro là cơ hội
Trong bất kỳ ngành nghề nào, nếu loại trừ tất cả rủi ro thì cũng có nghĩa là đánh mất hết các cơ hội tiềm năng. Rủi ro luôn mang theo cơ hội, dám nhìn thẳng vào rủi ro, dám mạo hiểm, sẽ càng dễ để nắm bắt cơ hội thành công.
Masao Watanabe, người sáng lập công ty bất động sản Owatari Nhật Bản ban đầu chỉ là một thương nhân nhỏ, ông phát hiện bất động sản là một ngành nghề rất có tiền đồ và muốn kinh doanh trong ngành đó. Nhưng do vừa không đủ vốn, vừa không có kinh nghiệm, ông bèn quyết định xin vào làm tại công ty bất động sản Okura, nhằm học hỏi kinh nghiệm, xây dựng nền tảng lập nghiệp về sau. Nhưng công ty Okura lại không muốn nhận ông, chẳng còn cách nào khác, ông đành xin được làm việc không lương trong thời gian 1 năm ở công ty Okura. Trong 1 năm này, Masao Watanabe dốc sức làm việc, nắm vững khối lượng lớn thông tin và kinh nghiệm. Khi Okura muốn tuyển dụng ông với mức lương cao thì ông lại quyết định rời đi. Bằng tất cả những cách có thể, ông tập hợp đủ số vốn và bắt đầu công việc kinh doanh nhà đất.
Với nhiều người, hành động làm công không lương của Masao Watanabe chẳng có gì đáng kể, nhưng đối với Masao Watanabe nghèo khó lại là một mạo hiểm vô cùng lớn.
Khi mới lập nghiệp, có người giới thiệu cho Masao Watanabe một mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông với giá rất rẻ, mọi người khi đó chê mảnh đất này không có đường đi, cũng không có hệ thống giao thông công cộng, nhưng đây lại là mảnh đất gần với khu đất của Thiên Hoàng, có thể khiến mọi người cảm thấy dường như đang được sống trong một môi trường giống như của Đế vương, có thể nâng cao giá trị bản thân, thỏa mãn lòng tự tôn.
Mặc dù mảnh đất đã được giới thiệu với tất cả các công ty nhà đất nhưng vẫn không có ai muốn mua. Masao Watanabe quyết tâm mua mảnh đất này nên đã dốc sức vay mượn gom vốn đủ để trả một phần tiền đặt cọc. Người trong nghề cười nhạo ông là tên ngốc, bạn bè thân thiết cũng lo lắng thay cho sự mạo hiểm của ông. Masao Watanabe không chút đắn đo, ngược lại càng quyết đoán nắm chặt cơ hội này hơn.
Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản bắt đầu phát triển nhanh chóng. Thu nhập của người dân tăng nhanh, mọi người dần cảm thấy chán ghét môi trường thành phố ngập tràn tiếng ồn và ô nhiễm, hướng về thế giới tự nhiên bao la. Mảnh đất núi của Masao Watanabe lại được bao bọc trong bầu không khí trong lành, hơi thở của đất cũng như cảnh sắc thiên nhiên yên bình, dần dần có người thấy có hứng thú với nơi đây. Thừa cơ, Masao Watanabe dốc sức quảng cáo môi trường tuyệt vời ở đó trên các báo, tạp chí, thu hút một số người thuộc tầng lớp giàu có đến đặt biệt thự hoặc vườn cây. Một số người kinh doanh trang trại thấy nơi đây có nhà ở và đất trồng cho thuê, cũng dồn dập đến định cư, bắt đầu công việc trồng rau xanh và cây ăn quả.
Khoảng một năm sau, Masao Watanabe đã bán được 80% diện tích mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông trên núi và kiếm được 5 tỷ Yên Nhật chỉ trong nháy mắt. Ông lại dùng số tiền kiếm được đầu tư xây đường, chỉnh đốn khuôn viên và dự định biến 20% đất còn lại thành những khu biệt thự. Sau 3 năm, khu đất đã biến thành một thành phố biệt thự lộng lẫy, số tiền Masao Watanabe kiếm được nhờ thế lên tới con số hơn chục tỷ Yên Nhật.
Khi tổng kết lại kinh nghiệm thành công của bản thân, Masao Watanabe nói: “Sở dĩ tôi có thể thành công là vì tôi dám mạo hiểm. Khi lựa chọn một dự án đầu tư, nếu người khác đều nói là có thể, đó không còn là cơ hội nữa, cơ hội người khác đều có thể nhìn thấy sẽ không phải là cơ hội. Mỗi lần tôi lựa chọn đều là dự án người khác nói là không thể, chỉ những cơ hội người khác còn chưa phát hiện ra mà bạn đã phát hiện ra mới là cơ hội vàng, cho dù làm như vậy rất mạo hiểm, nhưng không mạo hiểm sẽ không có chiến thắng, chỉ cần có 50% hi vọng thì đều đáng để mạo hiểm”.
Trong công ty, tài hoa và năng lực của một người chỉ khi trải qua mạo hiểm, khắc phục hết cửa ải khó khăn này đến cửa ải khó khăn khác mới có thể tôi luyện và bộc lộ. Còn những người chỉ biết an phận với hiện tại, không có chí tiến thủ, người không có cảm giác khủng hoảng, không muốn tham gia cạnh tranh, nỗ lực tranh đấu thì phần thưởng họ đạt được không phải là thành công, mà là thất bại.
Dám mạo hiểm là bước đầu tiên trên con đường thành công trước thử thách, người dám đối mặt với rủi ro lớn nhất, dám mạo hiểm nhất mới có thể nắm bắt cơ hội thành công, mới có thể nổi bật hẳn lên từ trong vô vàn nhân viên, mới có thể đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp thành công của mình, thực hiện hơn nữa giá trị lớn nhất của cuộc đời mình.
4. TRÂN TRỌNG VÀ TẬN DỤNG CÁC CƠ HỘI LÀM VIỆC KHÁC NHAU DO CÔNG TY CUNG CẤP
Bill Gates nói: “Bạn phải cực kỳ linh hoạt để tận dụng các cơ hội có lợi cho sự phát triển của mình. Ở Microsoft, chúng tôi thường thông qua hàng loạt biện pháp để mang đến cho mỗi người nhiều cơ hội làm việc khác nhau. Bất kỳ nhân viên nào nhiệt tình tham gia công tác quản lý đều được Microsoft khuyến khích làm việc tại các bộ phận dịch vụ khách hàng khác nhau, cho dù đôi khi việc làm này tăng thêm gánh nặng cho Microsoft trong việc mở chi nhánh hoặc điều động công tác nước ngoài”.
Không chỉ Microsoft, các doanh nghiệp hiện đại đều chú trọng không gian phát triển cho nhân viên, mang đến cho mỗi nhân viên cơ hội phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, rất nhiều người không thể tận dụng cơ hội do công ty mang lại để tạo thành sự nghiệp của riêng mình.
Trương Sa Sa chính là một người như vậy. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tìm được một công việc khá tốt trong một công ty sản xuất. Một ngày nọ, cấp trên giao cho cô một việc không trong phạm vi chức trách của mình, cô đã từ chối. Một lần khác, giám đốc bộ phận khác hỏi cô có muốn thử làm công việc tại đó không, cô cũng từ chối. Do Trương Sa Sa không muốn gánh thêm bất cứ nhiệm vụ gì, cũng không muốn đón nhận cơ hội làm việc trên các cương vị khác nhau, kết quả là cấp trên cho rằng cô không có chí tiến thủ, không muốn trưởng thành trong công việc. Từ đó về sau, họ không giao cho cô thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nữa. Cô đã để mất bao nhiêu cơ hội thể hiện tài năng của mình.
Giả sử cô tiếp nhận nhiệm vụ mới và hoàn thành một cách xuất sắc thì cơ hội tăng lương, thăng chức chắc chắn đang đợi cô ở phía trước. Đáng tiếc là cô đã không nắm bắt cơ hội được tặng ngay trước mắt.
Tất cả những người giành được thành công trong công việc đều vui vẻ tiếp nhận và rất mực trân trọng các cơ hội làm việc khác nhau do công ty cung cấp, bởi họ biết, các cơ hội làm việc khác nhau có thể nâng cao năng lực bản thân trên nhiều phương diện, điều đó có lợi cho sự trưởng thành của bản thân.
Ai cũng cảm thấy Trương Đình rất may mắn. Chuyên ngành cô học không chiếm quá nhiều ưu thế trong ngành này, vẻ ngoài rất đỗi bình thường, năng lực cũng không quá vượt trội, nhưng kể từ khi vào công ty, cô hoàn thành xuất sắc công việc trong bất kỳ bộ phận nào, mỗi lần điều động đều trở thành một cơ hội thăng chức.
Chỉ có bản thân Trương Đình biết rõ nguyên nhân của những cơ hội thành công đó.
Khi mới vào công ty, với trình độ chuyên môn bình thường, cô được phân về bộ phận hành chính làm một nhân viên như nhiều người khác. Trương Đình không gây chuyện thị phi, chỉ lặng lẽ làm việc. Nhưng thỉnh thoảng cô lại bộc lộ tài năng xuất chúng, ví như phát hiện đồng nghiệp nhập sai số liệu, cô âm thầm sửa lại; lãnh đạo yêu cầu làm việc gì, cô làm việc đó nhưng luôn hoàn thành tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Khi mọi người than vãn công việc nhàm chán, ông chủ ki bo, tàu điện đông đúc thì cô lại lặng lẽ làm quen với tất cả các nhân vật chính của các phòng ban trong công ty.
Sau đó, giám đốc thị trường thỉnh thoảng nhìn thấy những biểu hiện rất lịch sự, đúng mực của Trương Đình khi nghe điện thoại cũng như xử lý từng công việc nhỏ nên muốn cô thay vào chỗ trống đang khuyết trong phòng ông.
Phòng thị trường khiến thế giới của cô bỗng nhiên được mở rộng hơn rất nhiều. Nét đặc biệt của Trương Đình vẫn là âm thầm cố gắng như trước đây. Nửa năm sau, mấy bản báo cáo phân tích thị trường xác thực của cô đã giúp cô ghi điểm. Một năm sau, cô đã thành nhân vật được mọi người công nhận tại phòng thị trường. Chứng kiến bài phát biểu lô-gíc, rõ ràng, lưu loát của cô trong hội nghị toàn công ty, đồng nghiệp phòng hành chính không khỏi ngỡ ngàng.
Vừa thăng chức Phó Phòng thị trường chưa được bao lâu, ông chủ đã hỏi cô có muốn đón nhận thử thách, chuyển sang phòng kinh doanh không mấy khả quan hay không. Là cơ hội hay là hố sâu, chẳng ai có thể trả lời khi ấy. Trương Đình lựa chọn thử sức mình.
Tình hình phòng kinh doanh còn tồi tệ hơn so với tưởng tượng của cô. Trương Đình quyết định lựa chọn một kho hàng tồn nhiều nhất ở miền bắc làm trạm dừng chân đầu tiên. Mùa đông phương bắc, một mình cô mượn một chiếc xe đạp, tìm đến đại lý bán hàng của công ty để tìm hiểu nguyên nhân hàng không bán được. Vài tháng sau, tình hình bắt đầu được cải thiện.
Một năm sau, cô được điều đến Phòng khách hàng. Đơn đặt hàng đầu tiên có được khi cô đến gặp một cục trưởng, tình cờ nghe thấy một cục trưởng khác đang gọi điện thoại bàn về cuộc họp ngày hôm sau tại một danh thắng nào đó. Công việc đầu tiên sau khi Trương Đình quay về công ty là tìm hiểu khách sạn nơi họ ở. Chiều muộn ngày hôm sau, Trương Đình gặp các cục trưởng tại sảnh khách sạn trong trang phục một người đi du lịch.
Mấy ngày sau đó, họ mời cô cùng tham gia hoạt động, ca hát, đánh bài, dự tiệc. Cứ như thế, những người vốn đã quen biết cô càng hiểu cô hơn, những người chưa quen bắt đầu có ấn tượng đầu tiên, danh sách khách hàng của cô tăng thêm một nhóm nhân vật tương đối có sức mạnh, địa vị trong xã hội. Nửa năm sau, đơn đặt hàng đầu tiên đến từ một người trong nhóm khách hàng đó.
Là một nhân viên, không nên chỉ suốt ngày than vãn ông chủ không cho bạn cơ hội, lúc rảnh rỗi hãy thử nghĩ kỹ xem, bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà ông chủ giao phó hay chưa?
Khi công ty cử bạn đảm nhiệm chức vụ quan trọng hơn, phụ trách phần việc gian khó hơn, liệu bạn có chìa vai gánh vác ngay mà không chút do dự hay không? Nếu công việc các nhà bạn 300 km, liệu bạn có thể rời bỏ vợ con cũng như môi trường sống quen thuộc lâu nay hay không?
Nếu câu trả lời là không, bạn đừng oán trách cơ hội không đến gõ cửa nhà bạn.
Công ty mang đến cho bạn các cơ hội làm việc khác nhau, thực chất là cho bạn cơ hội phát triển. Nếu bạn có thể làm việc tại những bộ phận khác nhau trong công ty, bạn có thể học được nhiều hơn, có thể hiểu hơn về tổng thể vận hành của toàn bộ công ty, có thể rèn luyện khả năng làm việc tại những cương vị khác nhau, rồi sẽ có một ngày, bạn trở thành người có giá trị nhất trong công ty.
5. NẮM BẮT TỪNG CƠ HỘI ĐỂ THỂ HIỆN BẢN THÂN
Chúng ta thường xuyên nghe thấy một số người kêu ca rằng cơ hội không đến, oán trách ông trời bất công. Mỗi khi nhìn thấy người khác thành công thì luôn quy kết tại “số may”. Trên thực tế, cơ hội công bằng với tất cả chúng ta. Phấn đấu trong môi trường làm việc, nắm bắt từng cơ hội để thể hiện bản thân thì bạn mới có thể trở nên nổi bật.
Trong “Bức thư gửi học sinh Trung Quốc”, Phó Giám đốc điều hành Microsoft Lý Khai Phúc viết: “Cho dù bạn làm tốt công việc của mình đến đâu đi nữa, nếu không biết cách diễn đạt, không có cách nào chia sẻ để nhiều người cùng hiểu thì bạn có làm cũng như không. Nếu muốn đạt được thành công trong doanh nghiệp thời hiện đại, phải nắm bắt cơ hội thể hiện bản thân. Cần biết cách thể hiện ưu điểm của mình trước lãnh đạo và đồng nghiệp, sau khi có thành quả nghiên cứu hoặc sáng kiến kỹ thuật, cần phải chia sẻ với đồng nghiệp, người trong ngành thông qua các con đường như diễn thuyết, giao lưu hay luận văn. Chỉ khi biết cách thể hiện tài năng của bản thân, bạn mới có thể có được cơ hội thật sự trong công việc.
Làm cho bản thân trở nên nổi bật
Mỗi nhân viên đều có lý tưởng và mục tiêu riêng của mình, nhưng bước đầu tiên trong cuộc đời là phải học cách thể hiện bản thân, sáng tạo cơ hội cho bản thân.
Giám đốc Lâm làm công việc bán hàng đã lâu. Một lần, ông đi nghe buổi diễn thuyết của một chuyên gia quản lý. Trong quá trình diễn thuyết, chuyên gia hỏi: “Trong số các bạn ngồi đây, có bao nhiêu người thích kinh tế học?”. Không ai lên tiếng. Đa phần người đến nghe thuyết giảng đều làm trong ngành kinh tế, họ đến đây với mục đích “nạp điện” cho bản thân. Nhưng do sợ bị hỏi, sợ phải trả lời, mọi người đều lựa chọn im lặng.
Chuyên gia gượng cười, nói: “Tạm dừng một lát, tôi kể các bạn nghe một câu chuyện.
Khi tôi vừa đặt chân sang Mỹ du học, trường đại học thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng, lần nào cũng mời các nhà quản lý cao cấp của phố Wall hoặc công ty xuyên quốc gia đến thuyết giảng. Trước khi buổi thuyết giảng bắt đầu, tôi phát hiện một hiện tượng vô cùng thú vị. Bạn bè quanh tôi ai cũng cầm một tờ giấy cứng, gấp làm đôi để nó có thể đứng được, sau đó viết tên mình thật to bằng bút màu rực rỡ và đặt tờ giấy ngay trước mặt. Nhờ thế, khi cần tìm người trả lời câu hỏi, người thuyết giảng có thể trực tiếp gọi tên. Tôi thực sự không hiểu vì sao, bèn hỏi bạn ngồi bên cạnh. Anh ấy mỉm cười trả lời tôi, người thuyết giảng đều là nhân vật hàng đầu trong nghề, giao lưu với họ cũng là một cơ hội. Khi câu trả lời của bạn làm họ hài lòng hoặc kinh ngạc, rất có thể họ sẽ tặng bạn nhiều cơ hội hơn so với những người khác. Đây là một đạo lý vô cùng đơn giản. Sự thật cũng đúng như vậy, tôi đã thấy một vài người bạn quanh mình cuối cùng đã được các công ty hàng đầu tuyển dụng vì có cách nghĩ sáng tạo”.
Sau khi chuyên gia kể xong câu chuyện, Giám đốc Lâm cũng như mọi người khác đều chủ động giơ tay phát biểu.
Trong bối cảnh nhân tài đông đúc, cạnh tranh ngày một kịch liệt, cơ hội thường không tự động tìm đến bạn. Chỉ khi bạn dám thể hiện mình để người khác biết bạn, bạn thu hút được sự chú ý của đối phương thì mới có thể tìm được cơ hội.
Được tôn xưng là nhân viên bán hàng vĩ đại nhất thế giới, Joe Girard luôn mang theo mình danh thiếp, hễ gặp ai liền đưa ngay cho người đó, mục đích ông làm như vậy là để quảng cáo chính mình, sáng tạo cho mình nhiều cơ hội hơn.
Phó Giám đốc điều hành Microsoft Lý Khai Phúc kể câu chuyện về một nhân viên biết nắm bắt cơ hội thể hiện bản thân như sau:
“Một lần, tôi nhận được một tờ đơn xin việc rất đặc biệt. Không giống với những người đi xin việc xưa nay, trong hồ sơ xin việc của người này có cả bản khai lý lịch cá nhân, hướng nghiên cứu của anh về Microsoft cũng như lý do vì sao anh cho rằng mình là ứng cử viên thích hợp nhất, ngoài ra còn có những bài báo đã đăng, thư giới thiệu của giáo sư và đề tài anh mong được tiếp tục theo đuổi sau khi đến Microsoft. Mặc dù anh không tốt nghiệp từ trường đại học nổi tiếng nhất Trung Quốc, nhưng cách anh “tự quảng cáo” mình lại rất có hiệu quả. Tôi nhìn thấy sự nhiệt tình và nghiêm túc từ những giấy tờ đó. Vào vòng phỏng vấn, anh ấy lại đưa cho tôi một hồ sơ cá nhân đầy đủ. Sau cùng, khi tôi hỏi anh ta có câu hỏi gì cần hỏi tôi hay không, anh ấy quay lại hỏi: “Ông có còn thắc mắc phân vân gì về tôi hay không?”. Khi đó, tôi thực sự hoài nghi không biết liệu anh ấy có thể làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu mới hay không, nên đã hỏi thêm anh ấy những câu hỏi liên quan về vấn đề này. Anh đã đưa ra hai ví dụ rất có sức thuyết phục. Cuối cùng, chúng tôi đã tuyển người thanh niên xin việc này. Hiện nay anh ấy làm việc rất xuất sắc”.
Lý Khai Phúc cảm thán: “Người có thể thể hiện chính mình, có thể sáng tạo cơ hội cho chính mình mới là người giành được cơ hội thật sự”.
Giỏi thể hiện mình, ghi điểm cho sự thành công
Một người biết cách thể hiện mình, cơ hội thành công sẽ nhiều hơn những người khác. Có tài năng mà không biết cách thể hiện là bi kịch của cuộc sống, bởi vì khiếm khuyết này sẽ khiến bạn mất đi rất nhiều cơ hội thành công.
Những người than vãn rằng cơ hội được phân chia không đồng đều luôn thấy bản thân không gặp được cơ hội tốt để thể hiện. Thực ra, không phải không có cơ hội thành công, mà do bạn không nhận biết được cơ hội, không nắm bắt được cơ hội và không tận dụng được cơ hội.
Anh A là một nhân viên văn phòng trong công ty hợp tác đầu tư, cho rằng bản thân luôn nung nấu hoài bão nhưng không được cấp trên biết đến chứ đừng nói gì đến ngợi khen, vì thế luôn nghĩ rằng: nếu có một ngày được gặp ông chủ, có cơ hội thể hiện mình thì tốt biết mấy.
Đồng nghiệp của anh A là anh B cũng có chung ý nghĩ như vậy, nhưng anh B đã tìm hiểu thời gian đi về của ông chủ, biết được khoảng thời gian nào ông chủ vào thang máy, anh cũng vào thang máy giờ đó, hy vọng gặp được ông chủ, có cơ hội cất lời chào hỏi.
Đồng nghiệp của anh A và anh B là anh C lại tiến xa hơn, anh tìm hiểu kỹ về quá trình phấn đấu của ông chủ, biết rõ ông chủ tốt nghiệp trường nào, phong cách giao thiệp ra sao, vấn đề ông quan tâm nhất là gì, thậm chí còn dày công thiết kế màn chào hỏi ngắn gọn nhưng súc tích. Sau khi biết rõ thời gian ông chủ vào thang máy, sau vài lần chào hỏi, anh đã có cơ hội nói chuyện với ông chủ và không lâu sau phấn đấu vào làm ở một vị trí lý tưởng.
Kẻ ngốc để lỡ cơ hội, người thông minh biết nắm bắt cơ hội, người thành công biết sáng tạo cơ hội. Cơ hội chỉ dành cho những ai đã chuẩn bị sẵn sàng, hai chữ “chuẩn bị” không chỉ đơn giản là nghĩ, là nói đơn thuần. Cơ hội bình đẳng với tất cả mọi người. Nhưng cơ hội chỉ coi trọng những người đã có sự chuẩn bị. Muốn đạt được thành công trong công việc cần nắm bắt từng cơ hội thể hiện mình.
Chỉ tiêu phòng đối ngoại của công ty nơi Thanh Thanh làm việc vốn chỉ có 7 người, điều đó đồng nghĩa rằng sớm muộn cũng có một người bị sa thải. Hơn nữa, hiện nay vị trí trưởng phòng lại đang khuyết, vì thế dẫn đến cạnh tranh trong nội bộ phòng ngày một kịch liệt, căng thẳng đến nỗi có người vắt óc suy nghĩ tìm cách “cướp” khách hàng của người khác.
Thanh Thanh không thích không khí làm việc căng thẳng như vậy, cô chỉ biết làm tròn bổn phận trách nhiệm công việc của mình, chấp nhận bị người khách gọi là “anh hùng vô danh”. Trước sau như một, cô luôn im lặng, chỉ biết dốc sức làm việc mà không đòi hỏi thù lao, vì thế trở nên nổi tiếng vì biết kiên nhẫn, chịu đựng và đương nhiên trở thành đối tượng bị sa thải trong mắt ông chủ. Cho dù xét về các tiêu chuẩn như học lực, thái độ, năng lực làm việc hay đánh giá của dư luận, cô đều rất khá, nhưng cô chưa bao giờ thể hiện mình trước ông chủ, vì thế ông chủ luôn cho rằng cô là một người chẳng có tài cán gì.
Sau khi nhận được thông báo cắt hợp đồng trước một tháng của phòng nhân sự, Thanh Thanh như bị giáng một đòn rất mạnh vào đầu, mãi không hoàn hồn được. Cô chưa bao giờ nghĩ, hai năm cố gắng, nỗ lực của mình không những không được thừa nhận, tôn trọng, mà ngược lại còn bị sa thải. Cô có phần không cam tâm.
Một hôm, một khách hàng lớn sắp ký hợp đồng với công ty đưa ra yêu cầu muốn đến thăm công ty trước rồi mới đặt bút ký vào hợp đồng. Một khi hợp đồng cung cấp hàng dài hạn cho khách hàng lớn này được ký, cả công ty sẽ không phải lo lắng tối thiểu nửa năm. Khách hàng này là một công ty liên doanh lớn. Trong đoàn khách đến thăm có một vài người Nhật Bản, họ chính là nhân vật quyết sách của lần ký hợp đồng này, điều đó hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của công ty. Khi đoàn khách đến, do ngôn ngữ bất đồng, hai bên không thể tiến hành trao đổi, tình thế trở nên cực kỳ khó xử. Đúng lúc ông chủ cảm thấy khó khăn nhất, Thanh Thanh đã không bỏ lỡ thời cơ, trao đổi với khách hàng bằng vốn tiếng Nhật nhuần nhuyễn, cứu ông chủ cũng như công ty khỏi một phen khốn khó. Thanh Thanh đưa đoàn khách tham quan công ty, buổi chuyện trò diễn ra trong bầu không khí vui tươi, nhẹ nhàng. Nhờ khả năng diễn đạt, trao đổi tốt, cộng thêm kinh nghiệm đàm phán phong phú và sự hiểu biết sâu về nghiệp vụ, cuối cùng cô đã giúp công ty ký được hợp đồng lớn một cách thuận lợi.
Khả năng tùy cơ ứng biến cùng với khả năng giao tiếp tiếng Nhật lưu loát của Thanh Thanh làm ông chủ vô cùng ngạc nhiên nhưng vẫn không quên hết lời tán thưởng. Ấn tượng về Thanh Thanh trong đầu ông chủ cũng vì thế mà bất ngờ thay đổi. Một tháng sau, Thanh Thanh không những không bị sa thải mà còn tạm giữ chức trưởng phòng đối ngoại của công ty.
Cơ hội chính là đèn chiếu được lắp để tôn vinh tài hoa. Nếu chỉ có tài năng vẫn chưa đủ, cần thể hiện tài năng đó ra ngoài để cấp trên và đồng nghiệp đều biết. Biết nắm bắt thời cơ, thể hiện tài năng và sở trường của mình ở những thời khắc quan trọng có thể đạt được hiệu quả “một mũi tên trúng hai đích”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.