10 Nguyên Tắc Trở Thành Nhân Tài Của Bill Gates

NGUYÊN TẮC THỨ IX: TẬN DỤNG THỜI GIAN MỘT CÁCH CÓ HIỆU QUẢ, LÀM VIỆC BẰNG TRÍ NÃO



Nhân viên xuất sắc biết vận dụng trí nào, phân tích vấn đề nhưng không hạn chế ở việc phân tích đơn thuần. Họ biết làm thế nào để tìm điểm thăng bằng tiềm ẩn, làm thế nào để tìm kiếm thời cơ hành động tốt nhất. Nhân viên xuất sắc sẽ tận dụng thời gian một cách hợp lý, hữu hiệu và đưa ra kiến nghị rõ ràng với các bộ phận khác.

1. GIỎI ĐỘNG NÃO ĐỂ PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ MỘT CÁCH THỎA ĐÁNG

Bill Gates nói: “Nhân viên xuất sắc giỏi động não phân tích vấn đề, nhưng không chỉ giới hạn ở việc phân tích đơn thuần. Cần dốc sức suy nghĩ, giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa”.

Tuy nhiên, trong công ty có một số nhân viên không làm việc bằng trí não, họ thiếu khả năng suy nghĩ, xem xét vấn đề và cũng không có khả năng giải quyết vấn đề. Khi gặp phải khó khăn, họ không biết tự đặt thêm câu hỏi “tại sao” hoặc “làm thế nào” mà lại cố tình trốn tránh khó khăn. Nhân viên như vậy không những không được doanh nghiệp hoan nghênh mà còn khó có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Một nhân viên nộp lên giám đốc một bản báo cáo. Trong bản báo cáo, anh trình bày tường tận công việc của mình và liệt kê ra toàn bộ vấn đề vướng mắc. Sau khi xem xong báo cáo, giám đốc cho gọi người nhân viên tới, trưng cầu ý kiến của anh về các vấn đề trong báo cáo cũng như cách giải quyết các vấn đề đó. Tuy nhiên, người nhân viên lại điềm nhiên trả lời: “Dù sao đi nữa tôi cũng đã chỉ ra vấn đề rồi, cách giải quyết ra sao không phải là việc của tôi, chức vụ của tôi thấp kém, tôi không thể bảo người khác phải làm như thế nào, đây là việc của giám đốc”.

Mỗi nhân viên đều mong mình có biểu hiện xuất sắc trong công việc và kỳ vọng có cơ hội giải quyết khúc mắc trong công việc, nâng cao giá trị bản thân. Đối với mỗi người nhân viên có chí tiến thủ, ý nghĩ và cách làm như nhân viên kể trên hiển nhiên là không được.

Giỏi phát hiện vấn đề, suy nghĩ vấn đề và giải quyết vấn đề là phẩm chất mà mỗi nhân viên xuất sắc cần có. Mỗi người đều có trách nhiệm giải quyết vấn đề còn tồn tại trong công việc nhằm tạo ra tài sản cho doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới có thể hoàn thành tốt công việc và trụ vững trong sự nghiệp.

Giỏi suy nghĩ mới có hành động

Bill Gates từng nói: “Tài sản duy nhất của công ty Microsoft là sức tưởng tượng của nhân viên”. Khi tuyển dụng, Microsoft thường hỏi người dự tuyển các câu hỏi tương tự như: “Tại sao nắp cống ngầm hình tròn?”, “Làm thế nào đo được lượng nước chảy vào sông Mississippi hàng ngày?”, “Làm thế nào đo trọng lượng một chiếc máy bay trong trường hợp không có cân tiểu ly?”.

Thực ra, người phỏng vấn của Microsoft không hề muốn nghe câu trả lời “chính xác”, họ muốn xem người dự tuyển có thể đưa ra phương án trả lời tốt nhất hay không, xem họ có thể suy nghĩ vấn đề một cách sáng tạo hay không. Đối với Microsoft, người có thể suy nghĩ vấn đề một cách sáng tạo, giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng mới có thể có hành động tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

Một cậu bé 14 tuổi thấy một mẩu thông báo tuyển người đăng trên báo, công việc này phù hợp với cậu. Buổi sáng hôm sau, khi cậu đến địa điểm dự thi đúng giờ, đã phát hiện đội ngũ dự thi xếp hàng dài hơn 20 người. Cậu chỉ là người thứ 21 trong đội ngũ đó. Làm thế nào mới có thể thu hút sự chú ý đặc biệt và cạnh tranh thành công? Đây là câu hỏi đặt ra cho cậu. Nên xử lý câu hỏi này ra sao? Chỉ có một việc có thể làm, đó là động não suy nghĩ. Qua suy nghĩ, rất nhanh cậu đã nghĩ ra một biện pháp tuyệt vời. Cậu rút từ trong túi ra một tờ giấy, viết lên đó một vài dòng, sau đó gấp cẩn thận, tiến về chỗ người thư ký, nói với cô rất lễ phép: “Thưa cô, xin cô chuyển ngay tờ giấy này cho ông chủ, nó vô cùng quan trọng!”.

Cô thư ký là người có kinh nghiệm lâu năm, nếu đó chỉ là một cậu bé bình thường, có lẽ cô sẽ nói: “Thôi đi, cậu bé! Cậu quay về vị trí của mình và kiên nhẫn chờ đợi đi”. Nhưng đây không phải là một cậu bé bình thường, cô cảm nhận được bằng trực giác, từ cậu bé tỏa ra một thần thái vô cùng tự tin. Cô đã nhận tờ giấy.

“Được”, cô nói, “để tôi xem tờ giấy này viết gì”. Cô nhìn và không khỏi mỉm cười. Cô lập tức đứng dậy, đi vào phòng của ông chủ, đặt tờ giấy lên bàn. Ông chủ xem xong cũng bật cười, bởi vì tờ giấy viết là: “Thưa ông, tôi xếp ở vị trí thứ 21 trong hàng, trước khi ông gặp tôi, xin ông đừng vội đưa ra quyết định gì”.

Cậu bé có được công việc mình cần. Những đứa trẻ biết suy nghĩ như cậu dù đi tới đâu chắc chắn đều có biểu hiện tốt. Mặc dù còn rất trẻ nhưng cậu bé đã biết suy nghĩ và suy nghĩ một cách nghiêm túc. Cậu đã có khả năng nắm bắt trọng tâm vấn đề trong thời gian ngắn, sau đó dốc sức giải quyết và cố gắng làm tốt.

Trên thực tế, bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề tương tự như vậy trong công việc. Khi vấp phải vấn đề, nếu suy nghĩ nghiêm túc, cẩn thận, bạn sẽ rất dễ tìm ra cách giải quyết.

Có một thanh niên Mỹ tìm được việc làm trong một công ty dầu mỏ. Học lực của anh không cao, anh cũng không biết công nghệ gì, ngay đến một đứa trẻ cũng có thể đảm nhiệm công việc của anh hiện tại, đó là kiểm tra nắp hộp dầu trên dây chuyền sản xuất đã được hàn kín hay chưa.

Hộp dầu sau khi đong đầy dầu sẽ được chuyển đến bàn quay qua băng chuyền, nhựa hàn sẽ tự động nhỏ xuống từ phía trên, quay tròn một vòng quanh nắp hộp, công việc đến đây coi như kết thúc, hộp dầu rời khỏi dây chuyền sản xuất, chuyển vào kho. Nhiệm vụ của anh là chú ý quan sát trình tự công việc này, từ sáng sớm đến tối mịt, nhìn mấy trăm hộp dầu đi qua, ngày nào cũng như ngày nào.

Chẳng được mấy ngày, công việc buồn tẻ này làm anh phát ngán, anh rất muốn đổi việc nhưng lại không tìm được việc nào khác. Anh chẳng biết làm sao, đành kiên trì làm tiếp.

Qua nhiều lần quan sát, anh phát hiện hộp dầu quay một vòng, nhựa hàn sẽ nhỏ 39 giọt, việc hàn nắp hộp sẽ kết thúc. Anh suy nghĩ, trong công việc đơn giản hết mức này, liệu có còn khả năng cải tiến hay không?

Một ngày nọ, anh đột nhiên nghĩ ra: Nếu có thể giảm một hay hai giọt nhựa hàn, có lẽ sẽ tiết kiệm được giá thành sản xuất.

Nghĩ là làm, sau một thời gian thử nghiệm, anh sáng chế ra máy hàn 37 giọt, nhưng hộp dầu được hàn bởi chiếc máy này thỉnh thoảng bị lỗi, chất lượng không được đảm bảo. Không nản chí, anh lại sáng chế ra máy hàn 38 giọt, lần này thành công, công ty rất hài lòng, không lâu sau, máy hàn 38 giọt được sản xuất rộng rãi nhờ công nghệ của anh. Mặc dù máy mới chỉ tiết kiệm một giọt nhựa hàn nhưng lại giúp công ty tiết kiệm 50 trăm triệu đô-la Mỹ tiền mua nhựa hàn hàng năm.

Người thanh niên này chính là John Davidson Rockefeller, vua dầu mỏ thuộc thế hệ đầu tiên trong ngành công nghiệp Mỹ với số tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đô-la. Việc cải tiến máy hàn cũng làm thay đổi cuộc đời của Rockefeller. Chính nhờ giỏi phát hiện, biết suy nghĩ và giải quyết vấn đề, người thanh niên bình thường nhất nước Mỹ đã có bước đột phá lớn nhất trong công việc bình thường nhất, từ đó mở ra cánh cửa thành công cho cuộc đời mình.

Nhân viên xuất sắc làm việc bằng trí óc

Cùng một công việc, có nhân viên có thể hoàn thành một cách nhẹ nhàng, nhưng có nhân viên lại gặp hết rắc rối nọ đến trắc trở kia. Cũng giống như trên cùng một dây chuyền sản xuất, trong cùng một quãng thời gian, cùng một thiết bị sản xuất, cùng một sản phẩm, để những nhân viên khác nhau thực hiện sản xuất, sản lượng và chất lượng sản phẩm sẽ không giống nhau. Ngoài các điều kiện khách quan như khả năng phản ứng cá nhân ra, nguyên nhân quan trọng hơn dẫn tới hiện tượng này là có người làm việc bằng trí óc, họ biết suy nghĩ làm thế nào để sử dụng phương thức hữu hiệu sản xuất ra nhiều sản phẩm tốt hơn trong thời gian ngắn nhất, còn một số người chỉ sản xuất nhờ đôi tay.

Khi bàn về nhân viên xuất sắc, Bill Gates cho rằng, cách làm việc của nhân viên xuất sắc là làm việc bằng trí não. Nhân viên làm việc bằng trí óc biết suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành công việc tốt hơn trong thời gian ngắn nhất với giá thành thấp nhất.

Một công ty xây dựng đang lắp đường dây điện cho một tòa nhà mới. Ở một góc, họ phải luồn dây điện qua một chiếc ống dài 10m nhưng đường kính chỉ rộng 3cm, hơn nữa đường ống lại được gắn trên tường đá, rất vòng vèo. Lúc mới bắt đầu, họ cảm thấy rất khó để hoàn thành nhiệm vụ nếu dùng biện pháp thường ngày.

Sau đó, một người thợ lắp ráp đã nghĩ ra một sáng kiến vô cùng mới lạ: Anh ra chợ mua hai chú chuột trắng, một đực một cái. Sau đó anh buộc một đầu dây lên mình chú chuột đực và thả nó vào một đầu ống. Một người công nhân khác đặt chú chuột cái vào đầu kia của ống, nhẹ nhàng véo nó một cái, làm nó phát ra tiếng kêu chít chít. Chuột đực nghe thấy tiếng kêu của chuột cái liền chạy men theo đường ống đi tìm. Nó chạy theo đường ống khiến dây điện buộc trên mình cũng được kéo theo. Thế là, rắc rối về việc luồn dây điện đã được giải quyết thuận lợi. Người thợ lắp đặt thích động não đó cũng nhờ thế mà được ông chủ trọng thưởng.

Nhân viên cần học cách suy nghĩ trong khi làm việc, học cách làm việc bằng trí não. Nỗ lực, cố gắng trong công việc là điều đáng quý, nhưng chỉ nỗ lực thôi chưa đủ, còn cần động não nhiều hơn, như vậy mới có thể làm nên thành tích thật sự.

Làm tốt công việc cấp trên giao phó không có nghĩa là bạn phải làm một người máy, hãy nhớ rằng, bất kỳ lúc nào đều cần là một nhân viên có đầu óc.

Mang theo suy nghĩ khi làm việc, giải quyết ổn thỏa vấn đề

Năm 1999, trong lần trả lời phóng viên Đài truyền hình Trung ương, Bill Gates nói, kể từ khi đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành Microsoft, ông đã không còn thời gian viết phần mềm máy tính nữa. Nhưng dù bận đến đâu, hàng tuần ông vẫn luôn dành ra một hai ngày đi tìm một địa điểm yên tĩnh để suy nghĩ. Tại sao? Ông nói, đối mặt với công việc bận rộn và cạnh tranh căng thẳng của ngành công nghệ thông tin, ông buộc phải có thời gian dành riêng để suy nghĩ, nhằm đưa ra quyết sách mang ý nghĩa chiến lược.

Từ nhỏ, Bill Gates đã tỏ ra là người chăm suy nghĩ, giỏi suy nghĩ và có thể giải quyết ổn thỏa nhiều vấn đề. Chính khả năng phân tích vấn đề, giải quyết vấn đề bằng trí não đã khiến ông đạt được thành công.

Bill Gates thường nhắc nhở nhân viên của mình, cần mang theo suy nghĩ vào công việc, suy nghĩ ngay cả khi làm việc. Quan trọng hơn là tận dụng kiến thức bản thân học được để suy nghĩ phân tích vấn đề, tìm ra khiếm khuyết còn tồn tại trong sản xuất, giải quyết vấn đề một cách thiết thực.

Bill Gates từng kể cho nhân viên một trường hợp như sau:

Một lần, một giáo sư dẫn học sinh đến nhà máy sản xuất để tham quan học tập. Ở một xưởng chế tạo bánh răng, những chiếc bánh răng ra đời từ một cỗ máy gần cửa luôn có vết xước không bình thường trên bề mặt răng cưa. Nguyên nhân do đâu? Máy gia công răng cưa rất phức tạp, chủ yếu vì liên hệ bên trong của chuyển động của máy rất phức tạp, hơn nữa liên hệ bên trong của chuyển động này lại rất nghiêm ngặt. Vị giáo sư hiểu khá rõ về cơ chế vật lý của chuyển động ở loại máy này, ông ngẫm nghĩ một hồi, cộng thêm phân tích về từng giai đoạn trong chuyển động, chẳng bao lâu đã tìm ra nguyên nhân của vấn đề, cho rằng do lắp nhầm vị trí của bánh răng cưa chủ động và bánh răng cưa bị động. Mở máy ra, kết quả hoàn toàn đúng như lời giáo sư nói.

Từ ví dụ trên chúng ta có thể thấy, vị giáo sư không những nắm vững kiến thức về cơ chế vật lý của loại máy này mà còn có thể vận dụng vào thực tế, tìm ra một cách chính xác nguyên nhân gây ra vết xước trên răng cưa của bánh răng. Đây chính là khả năng ứng dụng kiến thức để phân tích, giải quyết vấn đề thực tế.

Giỏi động não, phân tích vấn đề và giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa là khả năng không thể mua được bằng tiền. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp sẽ không thể tránh khỏi gặp phải các kiểu vấn đề trắc trở. Sự xuất hiện của chúng tự nhiên như mặt trời mọc và lặn mỗi ngày. Vì thế, các ông chủ nhất thiết cần phải có nhân tài để kịp thời hóa giải vấn đề.

Khi gặp vấn đề nhỏ, vụn vặt trong công việc, người nhân viên không nên nghĩ cách trốn tránh mà nên mạnh dạn suy nghĩ, đối diện trực tiếp với vấn đề và phân tích, giải quyết vấn đề theo năng lực của mình. Học cách làm tốt, nghiêm chỉnh trong từng công việc, dù đó là việc lớn hay việc nhỏ, ai dám nói trước đó không phải là tài sản của cuộc đời? Ai dám khẳng định trong những công việc đó không ẩn chứa cơ hội thành công?

2. CÓ Ý TƯỞNG HAY THÌ LẬP TỨC BẮT TAY VÀO LÀM

Bill Gates nói: “Có ý nghĩ hay, hãy bắt tay thực hiện ngay. Chỉ khi hành động ngay lập tức mới có thể đạt được thành công”.

Bill Gates nói như vậy và cũng làm đúng như vậy. Kể từ ngày Bill Gates bước chân vào phòng máy tính nhỏ của trường trung học Lakeside đến nay, đối với ông, máy tính có sức hấp dẫn không thể kháng cự. 15 tuổi, ông viết cho công ty thông tin một phần mềm tiền lương vô cùng phức tạp. Ông thường xuyên làm việc thâu đêm trong phòng máy.

Giống như quả táo rơi xuống đầu Niu-tơn, máy tính xách tay bao trùm trí óc của Bill Gates cũng có một người dẫn đường bên ngoài. Đó chính là tạp chí “Điện tử học đại chúng” số ra tháng 1 năm 1975, hình ảnh chiếc máy tính Altair 8080 in trên bìa tạp chí bỗng chốc chiếu sáng giấc mộng máy tính của Bill Gates. Bill Gates liền gọi điện cho Roberts bày tỏ mong muốn được nghiên cứu, viết ra ngôn ngữ Basic cho dòng máy Altair. Sau đó, Bill Gates và Allen đã làm việc không kể ngày đêm trong suốt 8 tuần liền tại trung tâm tin học Aken của trường đại học Harvard để viết nên ngôn ngữ Basic phù hợp với 8080, mở ra con đường mới cho ngành phần mềm máy tính.

Tháng 5 năm 1975, Bill Gates có ý muốn thôi học, ông mong rằng có thể cùng Allen, người bạn tốt sáng lập một công ty phần mềm, nhưng bố mẹ của ông một mực phản đối. Lúc đó, Bill Gates xác định chắc chắn phải hành động vì ý tưởng lập nghiệp mới có thể thực hiện mơ ước của đời mình. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của bố mẹ, Bill Gates rời khỏi Seattle và đến Albuquerque, bang New Mexico.

Mặc dù bố mẹ của Bill Gates muốn ngăn cản ông mở công ty bằng nhiều cách, nhưng Bill Gates luôn kiên trì ý định của mình, cuối cùng đã kết hợp với Paul Allen sáng lập ra công ty Microsoft.

Nếu Bill Gates có ý tưởng nhưng không hành động ngay thì chưa chắc đã có khả năng lập nên đế quốc Microsoft và cũng khó có thể trở thành tỷ phú hàng đầu thế giới. Chính việc hành động ngay khi có ý tưởng đã tạo nên sự nghiệp huy hoàng của ông.

Thường ngày chúng ta hay nghe thấy những câu nói tương tự như: “Lúc đó tôi thật sự nên làm như thế này, nhưng tôi đã không làm”, “Nếu năm đó tôi bắt đầu kinh doanh dự án này thì đã phát tài lâu rồi”, “Năm xưa tôi đã có ý tưởng này, chỉ là mãi vẫn chưa thực hiện, nếu không, chắc chắn cũng thành công rồi”.

Một ý tưởng hay hoặc một sáng kiến hay nếu “chết trong trứng nước” sẽ thật sự khiến chúng ta thở dài tiếc nuối. Có một ý tưởng hay, lại kịp thời hành động, chưa chắc có thể mang lại kết quả làm chúng ta hài lòng; nhưng không hành động sẽ không bao giờ thu được kết quả gì. Chỉ có hành động mới sản sinh ra kết quả. Thành công bắt đầu từ ý tưởng, nhưng cần lập tức hành động thì mới có khả năng thành công.

Nghĩ đến là làm ngay Thành công của một người được quyết định bởi hành động của người đó, không có hành động sẽ không có kết quả, không có kết quả sẽ không có thành công.

Trong một buổi diễn giảng về thành công, vị giáo sư chủ trì hỏi học viên: “Ai muốn kiếm tiền, xin giơ tay”.

Tất cả học viên đều giơ tay.

Giáo sư lại nói: “Ai muốn trở thành nhân vật hàng đầu, xin giơ tay?”.

Tất cả học viên lại giơ tay.

Giáo sư lại hỏi: “Cho đến nay, ai đã thực hiện được, xin giơ tay?”.

Lần này, không một học viên nào còn giơ tay nữa.

Giáo sư mỉm cười, hỏi cả lớp: “Các bạn muốn thành công bao lâu rồi?”.

Học viên đồng thanh trả lời: “Một đời rồi ạ”.

“Tại sao vẫn chưa thực hiện được?”.

Có người trả lời rằng: “Chúng tôi chỉ nghĩ mà thôi”.

“Đây chính là nguyên nhân các bạn chưa thể thành công”. Giáo sư nói: “Các bạn đều có ý muốn thành công, nhưng các bạn lại không hành động, vậy sao có thể đạt đến thành công?”.

Ngày trước, có một giáo sư học vấn uyên bác và một người mù chữ là hàng xóm của nhau. Mặc dù địa vị xã hội, trình độ kiến thức, tính cách của hai người hoàn toàn khác biệt, nhưng hai người có chung một mục tiêu: làm thế nào để nhanh chóng trở nên giàu có.

Hàng ngày, giáo sư đều ra sức giảng giải về con đường làm giàu của mình, người mù chữ ngồi bên cạnh chăm chú lắng nghe, ông vô cùng khâm phục học vấn và trí tuệ của giáo sư và bắt đầu muốn thực hiện theo con đường làm giàu của giáo sư.

Một vài năm sau, người mù chữ trở thành triệu phú, còn giáo sư vẫn say sưa giảng về thuyết làm giàu của mình.

Sáng kiến hay đến đâu, ý tưởng hay đến đâu, nếu không kịp thời hành động thì sẽ không thể nhìn thấy kết quả, càng không thể nói đến giá trị thặng dư. Lý luận suông sẽ không mang lại tác dụng gì, vì thế, sau khi có ý tưởng hay, lập tức hành động mới là quan trọng nhất.

Việc gì cũng cần hành động ngay

Rất nhiều người căn bản không có khả năng hành động, vì thế họ luôn không thể thành công. Bởi vì ngay đến việc cần làm họ cũng không làm.

Có một truyện ngụ ngôn như sau: Có hai hòa thượng ở một vùng hẻo lánh của Tứ Xuyên, trong đó một người giàu, một người nghèo.

Một hôm, hòa thượng nghèo nói với hòa thượng giàu: “Tôi muốn đến biển Nam, bác thấy sao?”.

Hòa thượng giàu nói: “Anh đi bằng gì?”.

Hòa thượng nghèo trả lời: “Một bình nước, một bọc cơm là đủ rồi”.

Hòa thượng giàu nói: “Bao nhiêu năm nay tôi đều muốn thuê một chiếc thuyền xuôi dòng Trường Giang, đến nay vẫn chưa làm được, anh dựa vào cái gì mà đòi đi?”.

Năm sau, hòa thượng nghèo từ biển Nam trở về, kể cho hòa thượng giàu nghe chuyện vượt biển Nam, hòa thượng giàu cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Câu chuyện hoà thượng nghèo, hòa thượng giàu đã chỉ rõ một đạo lý giản đơn: Nói một dặm không bằng làm một thước.

Nhà thơ Nga Ivan Andreyevich Krylov nói: “Hiện thực là bờ bên này, lý tưởng là bờ bên kia, hai bờ ngăn cách bởi dòng sông chảy xiết, hành động chính là cây cầu nối đôi bờ sông”. Hành động mới cho kết quả. Hành động là điều kiện đảm bảo của thành công. Bất kỳ mục tiêu vĩ đại nào, kế hoạch to lớn nào, cuối cùng đều phải đi vào hành động thực tế.

Napoleon nói: “Có ý nghĩ đã thông minh, đưa ra kế hoạch hay càng thông minh, làm tốt mới là thông minh nhất”.

Từng có người rất thành công, người khác hỏi anh ta: “Xin hỏi, tại sao anh thành công?”.

Anh trả lời: “Hành động ngay lập tức!”.

Người khác lại hỏi: “Xin hỏi, khi anh gặp trắc trở, anh sẽ xử lý ra sao?”.

Anh trả lời: “Hành động ngay lập tức!”.

Có người hỏi: “Lẽ nào anh không nản chí mỗi khi gặp khó khăn?”.

Câu trả lời của anh vẫn là: “Hành động ngay lập tức!”.

Người khác lại hỏi anh: “Anh có thể cho tôi biết bí quyết gì khác đưa tới thành công hay không?”.

Anh vẫn trả lời: ““Hành động ngay lập tức!”.

Đúng vậy, năm chữ “hành động ngay lập tức” đã giúp không ít người đi tới thành công.

Nếu bạn là một nhân viên bán hàng, ngày nào bạn cũng ngồi ở nhà, không tiếp xúc với khách hàng, thành tích bán hàng sao có thể tự tìm đến với bạn? Nếu bạn là một kỹ sư lập trình, ngày ngày chỉ nhìn máy tính ngẩn ngơ, không bắt tay vào làm, chắc chắn sẽ không thể có kết quả thu hoạch. Nếu bạn là một nhà doanh nghiệp, cả ngày chỉ ngồi ở văn phòng lên kế hoạch nọ, vạch kế hoạch kia mà không thực hiện, không có hành động thực tế thì mục tiêu to lớn của bạn chỉ mãi là ảo ảnh.

Thành công thuộc về người muốn có thành công. Thành công có phương hướng và mục đích rõ ràng. Nếu bạn không muốn thành công, chẳng ai có thể bắt bạn phải hành động; bản thân bạn không hành động, ông trời hay thượng đế cũng không thể giúp bạn.

Một giáo sư đại học rất có tài muốn viết một cuốn tự truyện, đã tập trung nghiên cứu “câu chuyện của một nhân vật khiến mọi người bàn tán sôi nổi mấy chục năm trước”. Chủ đề này vừa hấp dẫn vừa ít gặp, hơn nữa với kiến thức uyên bác và ngòi bút tài năng của giáo sư, kế hoạch này sẽ dễ dàng giúp ông đạt đến thành công, mang lại cho ông danh tiếng và tiền bạc. Giáo sư lập tức bắt tay hành động, dự định sẽ hoàn thành cuốn sách trong thời gian chừng nửa năm.

Tám giờ tối ngày đầu tiên ông đặt bút viết, đang chuẩn bị khai bút, ông bỗng nhiên nhớ ra 8 giờ 30 tối ti vi sẽ truyền hình trực tiếp một trận bóng đá kịch tính, thế là ông chẳng còn tâm trí nào để tập trung viết sách, liền buông bút đi xem đấu bóng, tự nhủ rằng, ngày mai viết vẫn được.

Tối ngày thứ hai, ông nhận được điện thoại của một người bạn cũ mời đi uống rượu, ông vốn định ở nhà viết sách nên do dự một hồi, nhưng lại nghĩ, bạn bè khó lắm mới có dịp gặp mặt hàn huyên, sách có thể để hôm sau viết vẫn chưa muộn, ông lại có lý do ra ngoài.

Tối thứ ba, do ngày hôm trước ông uống quá chén, lại về muộn, không nghỉ ngơi đủ nên đã đi ngủ sớm. Những ngày tiếp theo, nếu không phải là “hôm nay mệt quá, mai viết” thì sẽ là “hôm nay ngày nghỉ, phải thả lỏng một chút, mai viết”.

Cứ như vậy ông mãi vẫn chưa thể ngồi vào bàn đặt bút viết, một năm sau, bạn ông hỏi sách viết đến đâu rồi, giáo sư trả lời vẫn chưa bắt đầu, dạo này hơi bận, đợi khi công việc bớt căng thẳng nhất định sẽ cho ra một cuốn sách thật hay.

Thói quen mới đáng sợ làm sao! Giáo sư cứ kéo dài hết ngày này qua ngày khác mà không hành động ngay, điều đó khiến ông mãi vẫn chưa thể có được tài sản và danh tiếng đáng được hưởng.

Cho dù bây giờ bạn quyết định làm việc gì, cho dù bạn đặt ra bao nhiêu mục tiêu, bạn nhất định phải hành động ngay. Làm ngay bây giờ, làm ngay lập tức là phẩm chất cần có của tất cả những ai thành công.

3. TẬN DỤNG THỜI GIAN MỘT CÁCH HỢP LÝ, HIỆU QUẢ, LÀM VIỆC ĐÚNG GIỜ

Bill Gates nói: “Chúng ta đều có đủ thời gian, chỉ là cần tận dụng tốt, tận dụng một cách hiệu quả. Một người nếu không thể sử dụng thời gian hợp lý, hiệu quả, sẽ bị thời gian bắt làm tù binh, trở thành nô lệ của thời gian, cuối cùng chẳng thể làm nên sự nghiệp”.

Có thể bạn chưa giàu có như Bill Gates, nhưng thời gian của bạn cũng nhiều như của ông. Đối với bất kỳ ai, thời gian đều công bằng, quan trọng là bạn có thể sử dụng thời gian một cách khoa học, hợp lý, hữu hiệu hay không.

Cùng một thời gian làm việc, cùng một khối lượng công việc, tại sao một số người không những luôn hoàn thành sớm hơn, nhanh hơn, mà còn hoàn thành tốt hơn một số người khác. Sự khác biệt mấu chốt ở đây chính là khả năng tận dụng thời gian hợp lý, khoa học. Người biết tận dụng thời gian sẽ có hiệu quả công việc cao và còn có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề.

Chuyên gia nổi tiếng thế giới đương đại Mỹ – Markle nói: “Bạn hãy quan sát xung quanh, nhìn xem tốc độ ảnh hưởng như thế nào đến thành bại của một con người rồi bạn sẽ thấy, người thắng luôn là những người giỏi tận dụng thời gian nhất và đề cao hiệu suất nhất”.

Làm một nhân viên có quan niệm thời gian

Bạn không khó phát hiện, bên cạnh mình, thường xuyên có người đến muộn, về sớm hoặc không thể hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, họ thường xuyên bị cấp trên phê bình, thậm chí sa thải. Trong số những người đó, không thiếu những nhân tài có năng lực xuất chúng, nhưng vì quan niệm thời gian không đúng nên họ thường xuyên rơi vào hoàn cảnh bất lợi.

Một nhân viên nếu muốn nổi bật trong công việc, nhất thiết cần có quan niệm thời gian, cần nghiêm túc lên kế hoạch từng ngày, hoàn thành từng việc đúng thời hạn, đây chính là con đường mỗi nhân viên bắt buộc phải đi qua trước khi đến với thành công. Nếu bạn không có quan niệm thời gian, không thể tận dụng và quản lý thời gian một cách có hiệu quả, vậy thì bạn rất khó có thể làm tốt từng công việc, càng chẳng thể nói đến việc thăng chức tăng lương trong công ty.

Một người biết trân trọng thời gian, không bỏ lỡ từng phút từng giây sẽ có thể đạt đến thành công lớn trong sự nghiệp. Hoàng đế Napoleon từng nói rằng, sở dĩ ông có thể đánh bại quân Áo là vì quân Áo không hiểu được giá trị của “5 phút”.

Người có quan niệm thời gian, hoàn thành công việc đúng thời hạn sẽ không lãng phí thời gian vàng ngọc của mình cũng như của người khác, vì thế mục tiêu của họ càng dễ thực hiện được.

Một lần, Hoàng đế Napoleon mời tướng sỹ của mình dùng tiệc, vì các tướng lĩnh không thể đến đúng giờ, ông đành tự mình ăn trước. Khi các tướng lĩnh thong dong đến, Napoleon đã ăn xong và chuẩn bị rời đi. Napoleon nói với các tướng lĩnh: “Các vị tướng quân, thời gian dùng tiệc đã qua rồi, bây giờ chúng ta phải bắt tay vào làm việc ngay thôi”.

Trong công việc, có rất nhiều người do quan niệm thời gian kém, không hoàn thành công việc đúng thời hạn nên đã tuột mất rất nhiều cơ hội tạo dựng thành công sự nghiệp”.

Lý Bình là một nhân viên của công ty quảng cáo, hàng ngày đều vất vả ở bên ngoài mời gọi quảng cáo. Một lần, sau nhiều lần nài nỉ, thậm chí cầu khẩn của cô, giám đốc một công ty kỹ thuật cao đồng ý hẹn gặp cô vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ 2 tại văn phòng làm việc để bàn về kế hoạch hợp tác quảng cáo.

Thứ hai, Lý Bình đến gặp giám đốc nọ muộn hơn 20 phút so với giờ hẹn. Khi Lý Bình đến văn phòng, giám đốc đã không còn ở đó chờ cô. Lý Bình nổi giận, cho rằng giám đốc không giữ chữ tín, đã lừa dối cô.

Vài ngày sau, Lý Bình ngẫu nhiên gặp lại vị giám đốc ở ngoài. Giám đốc hỏi cô tại sao hôm đó không đến đúng giờ hẹn.

Lý Bình vẫn trả lời một cách hùng hồn, đầy tự tin: “Thưa ông, tôi đến lúc 10 giờ 20 phút”.

Giám đốc lập tức nhắc nhở cô: “Nhưng tôi hẹn cô lúc 10 giờ phải không?”.

Lý Bình vẫn không chịu phục, trả lời bằng ngữ khí ngụy biện: “Đúng vậy, tôi biết, tôi chỉ muộn 20 phút, có gì nghiêm trọng đâu thưa ông? Ông nên đợi tôi một lát”.

Giám đốc nói một cách nghiêm túc: “Sao lại không nghiêm trọng? Cô nên biết, đến hẹn đúng giờ là hành động vô cùng quan trọng. Cô không đến đúng giờ, cô đã mất đi hợp đồng quảng cáo mình muốn. Bởi vì ngay chiều hôm đó, công ty đã thương lượng với một công ty quảng cáo khác. Giờ đây tôi phải nói với cô, cô không thể cho rằng thời gian của tôi không đáng giá, cho rằng đợi 20 phút không có gì đáng kể. Nói thật với cô, trong thời gian 20 phút đó, tôi còn hẹn đàm phán hai dự án quan trọng nữa!”

Vì quan niệm thời gian kém, Lý Bình không thể hình thành thói quen làm việc đúng giờ, từ đó mất đi cơ hội tốt gần như đã nằm trong tầm tay.

Thời gian là tài sản quý báu nhất của con người, thời gian sẽ để lại hối hận và tiếc nuối cho những ai coi nhẹ nó, nhưng sẽ tặng muôn vàn cơ hội thành công cho những ai làm việc đúng giờ. Đối với người đi làm, điều này càng rõ ràng.

Một nhân viên thường xuyên đi muộn về sớm là người cực kỳ không tôn trọng công việc của bản thân. Kiểu nhân viên không có quan niệm thời gian này không những hiệu quả, thành tích công việc thấp, mà còn ảnh hưởng không tốt đến công ty. Trong thời gian hẹn với khách hàng, bạn đến muộn sẽ làm hỏng hình ảnh của toàn công ty, còn có khả năng gây ra tổn thất chung cho cả hai bên. Cứ mãi như thế, bạn có thể hoàn thành công việc hay không? Có thể gây dựng thành tích tốt trong công việc hay không?

Nếu bạn không muốn làm người không có thành quả gì mặc dù đã vật lộn trong công việc, nếu bạn muốn tạo dựng một sự nghiệp, bạn phải coi trọng thời gian, phải là người làm việc đúng giờ.

Tận dụng từng phút một cách hợp lý, có hiệu quả

Kết quả nghiên cứu điều tra của Học viện khoa học kỹ thuật Massachusetts Mỹ thực hiện đối với 3.000 giám đốc cho thấy, tất cả những giám đốc có thành tích vượt trội đều có thể sử dụng thời gian rất hợp lý, khiến thời gian tiêu hao lãng phí giảm xuống giới hạn thấp nhất.

Trong công việc, rất nhiều người suốt ngày “hễ mở mắt là bận đến tối mịt” nhưng vẫn cảm thấy thời gian gấp gáp, không đủ dùng. Họ cạn kiệt sức lực, đi về vội vội vàng vàng, nhưng lại chẳng bao giờ được như ý nguyện, thậm chí không thể hoàn thành công việc đúng thời hạn yêu cầu. Sở dĩ có hiện tượng như vậy, có thể không phải họ không cố gắng làm việc, mà do không nắm vững phương pháp tận dụng thời gian một cách khoa học, nâng cao hiệu suất làm việc. Muốn được ông chủ công ty trọng dụng, ngợi khen, muốn đạt được nhiều thành tựu hơn người khác, buộc phải học cách sử dụng thời gian hợp lý, hữu hiệu.

Người thành công sở dĩ thành công chính vì họ tuyệt đối không lãng phí thời gian, có thể vận dụng hữu hiệu thời gian để làm việc cần làm. Cách họ quản lý thời gian, tận dụng thời gian không có bí quyết gì lớn lao, chỉ là tuân thủ cách làm dưới đây, bạn cũng có thể làm được như họ.

– Phân biệt rõ ràng công việc nặng hay nhẹ, gấp gáp hay thư thái.

Nếu bạn muốn quản lý và tận dụng thời gian có hiệu quả, làm nên thành tích huy hoàng trong sự nghiệp, biện pháp có hiệu quả nhất chính là: Hình thành thói quen tổ chức và làm việc theo độ nặng nhẹ, gấp gáp hay thư thái của công việc.

Rất nhiều người đều biết, hai yếu tố để xác định một công việc có nên làm ngay hay không là thời gian gấp gáp và mức độ quan trọng. Công việc gấp thường dễ nhìn thấy, nó gây ra áp lực nhất định, bạn không áp dụng hành động ngay không được. Nó thường ở ngay trước mặt bạn, hơn nữa thường rất dễ hoàn thành, khiến con người vui tươi khi thực hiện, nhưng thường không quá quan trọng.

Tinh túy trong việc sử dụng thời gian hữu hiệu là: phân biệt rõ ràng nặng – nhẹ, gấp gáp – thư thái, đưa ra trình tự trước sau.

Giám đốc điều hành công ty gang thép Bethlehem Mỹ, Charles M. Schwab thỉnh giáo chuyên gia hiệu suất Ivy Lee về phương pháp “làm thế nào để chỉ đạo, thực hiện kế hoạch tốt hơn”.

Ivy Lee có thể mang đến cho Charles M. Schwab một thứ trong vòng 10 phút, thứ này có thể nâng cao thành tích của công ty thêm 50%, sau đó ông truyền cho Charles M. Schwab một tờ giấy trắng, nói: “Mời ông viết lên đây 6 việc quan trọng nhất ông phải làm ngày mai”.

Charles M. Schwab chỉ cần 5 phút đã liệt kê xong danh sách công việc. Ivy Lee tiếp tục nói: “Bây giờ mời ngày dùng con số thể hiện trình tự căn cứ theo mức độ quan trọng của từng công việc đối với ông và công ty của ông”.

Charles M. Schwab lại mất thêm 5 phút. Ivy Lee nói: “Tốt. Mời ông để tờ giấy này vào trong túi, việc làm đầu tiên của ông sáng ngày mai là lấy tờ giấy này ra, thực hiện công việc ông cho là quan trọng nhất. Không cần nhìn các việc khác, chỉ việc quan trọng nhất. Bắt tay thực hiện công việc đầu tiên cho đến khi hoàn thành. Sau đó lần lượt làm công việc thứ 2, thứ 3 cũng một cách như thế, cho đến khi ông tan làm. Nếu chỉ hoàn thành công việc đầu tiên, không sao cả, ông vẫn đang thực hiện công việc quan trọng nhất”.

Cuối cùng Ivy Lee nói: “Hàng ngày đều làm như vừa rồi, ông đã thấy đó, chỉ cần 10 phút thời gian, sau khi ông tin tưởng sâu sắc vào giá trị cách làm này, hãy khuyên mọi người trong công ty cũng làm như vậy. Thí nghiệm này ông muốn thử trong bao lâu cũng được, sau đó gửi chi phiếu cho tôi, ông cho rằng đáng giá bao nhiêu tiền thì trả tôi bấy nhiêu”.

Một tháng sau, Charles M. Schwab gửi cho Ivy Lee một tờ chi phiếu trị giá 25 nghìn đô la Mỹ và một lá thư, trong thư có viết, đó là bài học có giá trị nhất trong đời ông.

5 năm sau, nhà máy gang thép khi xưa không ai biết đến tên tuổi đã trở thành nhà máy gang thép độc lập lớn nhất thế giới. Mọi người đều công nhận, không thể không nhắc đến công lao của Ivy Lee.

Con người có khuynh hướng không làm việc theo tuần tự mức độ quan trọng. Đại đa số con người thà chọn việc vui vẻ hoặc thuận tiện. Nhưng không có cách nào có thể tận dụng thời gian hữu hiệu hơn phương pháp làm việc theo tuần tự mức độ quan trọng.

Nếu bạn đã hình thành thói quen tổ chức và hành động theo mức độ nặng nhẹ, gấp gáp hay thư thái của công việc, bạn có thể phân loại chính xác công việc, phân phối thời gian hợp lý, làm việc cần làm nhất. Làm việc theo phương pháp này, bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi vì công việc bộn bề, còn có thể tốn ít thời gian mà vẫn nhanh chóng làm tốt công việc quan trọng.

– Quy hoạch trước sau, đề ra bảng tiến độ công việc Tin vào sổ ghi chép, không tin vào trí nhớ. Hình thành thói quen “tất cả mọi việc có kế hoạch trước sẽ thành công”. Nếu bạn có thể đưa ra một bảng tiến độ công việc rõ ràng, bạn nhất định sẽ có quỹ thời gian thoải mái hoàn thành công việc được giao trong thời hạn quy định, không những làm việc hết trách nhiệm mà còn đảm bảo hiệu suất, kinh tế và hài hòa. Có thời hạn mới có cảm giác cấp bách, cũng mới có thể trân trọng thời gian. Đặt giới hạn là tiêu chí quan trọng để quản lý thời gian.

– Giỏi tận dụng thời gian vụn

Giữa các công việc trong ngày thường có rất nhiều khoảng thời gian vụn, ví như khi khách hàng quan trọng còn chưa đến, bạn chỉ có thể chờ đợi; đi lấy một bảng biểu quan trọng, do đối phương không thể hoàn thành đúng thời gian quy ước, bạn chỉ có thể chờ đợi; cấp trên hẹn gặp bạn, chưa đến giờ hẹn, bạn lại chờ đợi… Không nên lãng phí những khoảng thời gian ngắn ngủi đó.

Một nhân viên công ty bảo hiểm, hàng ngày đều lái xe đi bán bảo hiểm, anh rất chú ý và cũng rất giỏi sử dụng thời gian trống, dù khi đang đợi đèn đỏ hay lúc tắc đường, anh đều lấy hồ sơ khách hàng ra xem để có ấn tượng sâu sắc hơn. Một trợ lý giám đốc điều hành tên là Anne cũng vậy, cô luôn đặt một con dao rọc giấy trong xe, mỗi khi lái xe đều mang theo một chồng thư, mở thư xem mỗi dịp chờ đèn đỏ. Anne nói, dù sao đi nữa, 15% thư là thư rác, hơn nữa trước khi cô đến công ty, thư đã được phân loại xong, vì thế vừa đến công ty đã có thể vứt hết đống thư rác.

Lâm Ngọc là một giám đốc nghiệp vụ của công ty tư vấn, mỗi năm đón nhận khoảng 130 hồ sơ, rất nhiều thời gian của cô là ở trên máy bay. Lâm Ngọc tin rằng duy trì quan hệ tốt đẹp với khách hàng là vô cùng quan trọng, vì thế cô thường xuyên tận dụng thời gian trên máy bay viết thư ngắn hỏi thăm khách hàng. Một lần, một khách du lịch cùng chuyến bay trong khi đợi lấy hành lý đã bắt chuyện với cô: “Lúc trên máy bay, tôi đã chú ý cô rất lâu, trong 2 tiếng 48 phút, cô luôn tay viết thư, tôi dám chắc rằng ông chủ rất tự hào về cô”. Lâm Ngọc cười nói: “Chẳng qua tôi không muốn lãng phí thời gian nên tận dụng thời gian một cách có hiệu quả mà thôi”.

– Không kéo dài thời gian.

Kéo dài thời gian là bệnh phổ biến, cũng là bệnh nặng của con người, bởi vì nó cũng kéo tuột cơ hội thành công của bạn. Không nên coi kéo dài thời gian chỉ là việc nán lại thêm chút ít, đôi khi một nhà doanh nghiệp vì không thể kịp thời đưa ra quyết định mang tính mấu chốt mà để lỡ thời cơ tốt nhất và phải chịu thất bại thảm hại; một người bệnh kéo dài thời gian khám chữa sẽ có thể gây ra hậu quả không thể lường trước. Kéo dài thời gian, thói quen xấu tưởng chừng không ảnh hưởng gì lớn đến tình hình chung, thực ra lại là một đòn đánh nguy hiểm có thể phá tan hoài bão của bạn.

Trong công việc hiện đại, người có ý nghĩ: “Hôm nay thực sự quá mệt mỏi rồi, ngày mai hãy làm!” quá nhiều. Họ không hay biết rằng, ngày mai còn có công việc mới của ngày mai, vì thế nếu cứ tích lũy lại, công việc sẽ ngày càng nhiều.

Một số người đi làm có một tác phong làm việc rất không hay là lề mề, đáng lẽ một công việc có thể xử lý và hoàn thành ngay tức khắc, lại lần lữa mấy ngày, mấy tuần không làm, công việc đáng lẽ có thể hoàn thành trong mấy ngày lại kéo dài tận mấy tháng. Có người còn có ý thức “đá bóng” trong công việc cần giải quyết, anh đá sang tôi, tôi đá sang anh, dẫn đến hiệu suất công việc cực thấp.

Việt Nam có câu ngạn ngữ: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Người đi làm cần hình thành tác phong làm việc khẩn trương, không nên ỷ lại vào ngày mai. Franklin nói: “Nắm chắc hôm nay đồng nghĩa là có hai lần ngày mai”. Vì thế nên cố gắng làm việc với ý nghĩ thường trực “phải đảm bảo hoàn thành công việc trong hôm nay, không thể lười biếng”. Goethe nói: “Nắm chắc được khoảnh khắc hiện tại, bắt tay ngay vào công việc hoặc lý tưởng bạn muốn thực hiện. Chỉ những người dũng cảm mới toát ra tài năng, năng lực và sức hấp dẫn. Vì thế chỉ cần bạn làm tiếp, trong quá trình làm việc, lòng nhiệt tình sẽ ngày càng tăng. Không lâu sau, công việc sẽ có thể hoàn thành thuận lợi”.

Từng có một nhân viên nhận được cảnh cáo của ông chủ vào dịp cuối năm: “Mong rằng từ năm sau anh có thể làm việc nghiêm túc hơn”. Nhưng người làm thuê đó lại trả lời: “Không! Tôi sẽ làm việc nghiêm túc hơn ngay từ hôm nay”. Bạn cũng cần có tinh thần “bắt đầu ngay hôm nay” như vậy.

Nhân viên lề mề, kéo dài công việc là người nhân viên không đủ tư cách. Giả sử bạn cần gọi điện thoại cho khách hàng, nhưng do thói quen dây dưa, bạn chưa gọi. Công việc của bạn có khả năng sẽ xôi hỏng bỏng không chỉ vì không gọi cú điện thoại đó, công ty của bạn cũng có khả năng phải gánh tổn thất chỉ vì việc này.

Để đi làm đúng giờ, bạn đặt đồng hồ 7 giờ sáng, tuy nhiên khi đồng hồ kêu, bạn vẫn muốn ngủ thêm, liền tiện tay tắt đồng hồ và trở lại giường ngủ. Lâu dần, bạn hình thành thói quen không dậy đúng giờ, không đi làm đúng giờ.

Kéo dài thời gian là một thói quen xấu, cách giải quyết duy nhất là: không lề mề, bắt đầu ngay từ bây giờ!

Ai coi trọng thời gian, thời gian sẽ báo đáp người đó; ai biết tận dụng thời gian, thời gian sẽ phục vụ người đó tận tình.

Người thành công trong sự nghiệp là người biết tận dụng từng phút một cách có hiệu quả, trân trọng từng giây, từng khoảnh khắc, làm cho mỗi phút đều trở nên có giá trị, người như vậy là người có hiệu suất làm việc cao, cũng là người ông chủ coi trọng nhất ngày nay, họ mới là nhân vật cốt lõi “tung hoành” ngang dọc trên “chiến trường” việc làm.

4. GIÀNH ĐƯỢC CƠ HỘI “TỪ TAY CỦA THỜI GIAN”

Đối với nhân viên Microsoft, Bill Gates luôn hối thúc họ làm việc, yêu cầu về thời gian cũng vô cùng nghiêm ngặt. Bill Gates cảnh báo nhân viên của mình rằng: “Nay là thời đại của mạng Internet, không phải là thời đại cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh ăn cá chậm. Nhanh hơn so với người khác mới mong giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh”. Bill Gates là người chạy đua cùng thời gian, làm bất cứ việc gì đều nhấn mạnh tốc độ.

Trong một lần đi thăm khu sản xuất máy tính tại Thung lũng điện tử Silicon, ông nhận được ba biên lai nộp phạt vì chạy xe quá tốc độ của cảnh sát, trong đó có hai biên lai do cùng một cảnh sát xử lý. Ông lái xe quá nhanh mỗi lần đi đi về về.

Trong thời đại thiên biến vạn hóa chỉ trong tích tắc như hôm nay, cạnh tranh chính là cạnh tranh thời gian, nhanh chính là cơ hội, là hiệu suất. Bất kỳ sự đi trước dẫn đầu nào đều là đi trước dẫn đầu về thời gian.

Nhà doanh nghiệp nổi tiếng Nhật Bản Akio Morita nói: “Chúng ta chậm, không phải vì chúng ta không nhanh, mà vì đối thủ nhanh hơn chúng ta. Nếu mỗi ngày bạn chậm hơn người khác nửa bước, nửa năm sau sẽ là 183 bước, 10 năm sau sẽ là 18 nghìn dặm”. Chạy đua với thời gian, chạy nhanh hơn so với người khác mới có cơ hội giành chiến thắng.

Để sinh tồn trong công việc hiện đại, dù bạn xuất sắc đến đâu, nếu không biết quản lý thời gian, không tiết kiệm từng giây từng phút, bạn không thể nhanh hơn người khác và có khả năng bị đối thủ đánh bại một cách không thương tình, bị đối thủ nhanh hơn bạn “nuốt chửng”.

Trong một công ty, dù bạn đã có một phương án kế hoạch xuất sắc, một thiết kế công trình hoàn mỹ, nếu bạn chỉ chậm hơn người khác nửa phút, nếu bạn lạc hậu hơn người khác, bạn cũng sẽ mất đi ý nghĩa hoặc bị đào thải.

Vicente là một nhân viên kế hoạch vô cùng xuất sắc, một lần anh và đối thủ cạnh tranh cùng tham gia dự thầu của một công ty lớn. Thông qua khối lượng lớn tài liệu thu thập được cộng với sách lược tỉ mỉ, công phu, họ gần như hoàn thành kế hoạch đấu thầu cùng một lúc. Trong ngày đấu thầu, đang trên đường đến công ty lớn, xe ô-tô bỗng nhiên gặp sự cố, vì thế anh đến hội trường đấu thầu muộn gần 1 tiếng đồng hồ. Trong 1 tiếng ngắn ngủi này, thiết kế mới lạ cùng kế hoạch lâu dài với phần diễn thuyết hùng hồn, súc tích của đối thủ đã cuốn hút nhân viên quyết sách của công ty lớn, lãnh đạo công ty lớn quyết định sử dụng phương án do đối thủ của Vicente lập ra.

Trên thực tế, phương án của Vicente không thua kém bất cứ mặt nào so với đối thủ, nhưng vì muộn 1 tiếng đồng hồ mà mất đi cơ hội cạnh tranh, làm cho kế hoạch anh dày công chuẩn bị tan vỡ trong tích tắc.

Trong công việc hiện đại, có một câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc nói rõ nguyên tắc “nhanh” nuốt “chậm”.

Trên cánh đồng cỏ mênh mông nơi châu Phi xa xôi, ánh sáng bình mình vừa vén màn đêm tĩnh mịch, một chú linh dương đột nhiên tỉnh giấc.

Cùng lúc đó, một con sư tử cũng vươn mình tỉnh dậy.

“Chạy mau”, linh dương nghĩ, “nếu chậm chân, có khả năng sẽ bị sư tử ăn thịt”. Thế là nó co cẳng phi nhanh về hướng mặt trời.

“Chạy mau”, sư tử nghĩ, “nếu chậm chân, không bắt được linh dương sẽ đói mà chết”. Thế là sư tử cũng lao về hướng mặt trời.

Ai nhanh người đó thắng, ai nhanh người đó tồn tại, đây là nguyên tắc sinh tồn của thế giới tự nhiên, cũng là của xã hội hiện đại, công việc hiện đại.

Năm xưa, khi Bell phát minh điện thoại, còn có một người tên là Gray cũng tiến hành công việc này. Hai người họ gần như có được tiến triển mang tính đột phá vào cùng một thời điểm, điều khiến con người không thể tưởng tượng là Gray đến Cục bản quyền muộn hơn Bell chỉ 2 tiếng đồng hồ. Đương nhiên, hai người họ không biết nhau, nhưng Bell đã nổi tiếng chính nhờ 120 phút thời gian, đi kèm với danh tiếng vang vọng khắp thế giới, ông còn thu được tài sản khổng lồ.

Trong cuộc cạnh tranh khoa học kỹ thuật, sự khác biệt giữa quán quân và á quân đôi khi nhỏ đến mức mắt thường không thể nhận biết. Ví như chạy ngắn, người cán đích đầu tiên và thứ hai có thể chỉ cách nhau 0,01 giây; hay như đua ngựa, con ngựa về nhất và về nhì chỉ cách nhau một khoảng mấy cm bằng nửa chiếc mũi ngựa mà thôi. Nhưng danh dự và tài sản quán quân và á quân đạt được lại khác nhau một trời một vực.

Toàn thế giới chỉ dồn ánh mắt tập trung vào người về nhất, quán quân mới là người thực sự thành công.

Trong công việc, bạn làm nhanh hơn, tốt hơn người khác, bạn sẽ chiến thắng. Trong xã hội tương lai, ai có thể tận dụng thời gian nhanh hơn người khác, trong cùng một thời gian, hoàn thành nhiều công việc hơn người khác, thu thập nhiều thông tin hơn người khác, nhanh hơn người khác, người đó sẽ là người chiến thắng trong sự nghiệp.

5. KỊP THỜI ĐƯA RA Ý KIẾN HỢP LÝ CHO CÔNG TY

Bill Gates nói: “Suy nghĩ còn cần kết hợp với thực tiễn. Nhân viên xuất sắc biết tận dụng thời gian hợp lý, hiệu quả cao và đề xuất cho công ty kiến nghị hợp lý hóa”.

Công ty phần mềm hoan nghênh nhân viên đưa ra kiến nghị hợp lý hóa. Microsoft có hệ thống hòm thư điện tử cực kỳ phát triển, mỗi nhân viên đều có hòm thư điện tử của riêng mình và biết số hiệu hòm thư của đồng nghiệp, từ lãnh đạo cấp trên bao gồm cả Bill Gates đến nhân viên cấp dưới, ai cũng như ai. Chỉ cần bạn muốn, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, không cần qua thư ký sắp xếp, bạn đều có thể liên lạc, trao đổi với nhân viên bộ phận bất kỳ, bao gồm cả Bill Gates. Hệ thống hòm thư này khiến nhân viên được tận hưởng bầu không khí dân chủ thực sự. Hệ thống thư điện tử là cách giao lưu nhanh nhất, tiện ích nhất, trực tiếp nhất và tôn trọng mọi người nhất. Ngoài nhiệm vụ là cầu nối giao lưu giữa nhân viên và đồng nghiệp, hòm thư điện tử còn truyền dẫn thông tin, bố trí phân công nhiệm vụ, quan trọng nhất là công nhân viên có thể sử dụng nó để trình bày ý kiến, kiến nghị với lãnh đạo cao nhất công ty.

Một lần, để được nghỉ ngơi nhiều hơn, một nhân viên đã tận dụng hòm thư điện tử để đưa ra kiến nghị với Giám đốc điều hành Tạ Lợi: Công ty đã đạt được thành công lớn trong kinh doanh, tại sao nhân viên không thể nghỉ phép lâu hơn một chút? Tại sao không gộp các kỳ nghỉ ngắn lại để mọi người có một kỳ nghỉ dài liên tục?… Nhân viên cũng tới tấp dùng thư điện tử trình bày các kiểu yêu cầu “phúc lợi” và kiến nghị hợp lý hóa cho lãnh đạo cấp trên.

Doanh nghiệp hiện đại đều xây dựng chế độ “giải thưởng kiến nghị”. Ở công ty IBM, chỉ cần đưa ra kiến nghị hay thì sẽ có thù lao báo đáp, cho dù kiến nghị của bạn chỉ nhỏ như hạt đậu, bạn cũng có thể được thưởng. Ý kiến thay đổi cách bố trí văn phòng cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Katya là nhân viên đồ họa của công ty IBM, để tìm dữ liệu, hàng ngày Katya đều phải chạy đi chạy lại phòng hồ sơ nhiều lần. Một lần, Katya ngắm nhìn văn phòng, bỗng nhiên nghĩ rằng có thể điều chỉnh một chút vị trí đồ đạc trong phòng làm việc, đẩy chúng lại gần nhau hơn, như vậy sẽ có một khoảng không gian trống, có thể kê giá sách đựng tài liệu.

Katya trình bày ý tưởng này với cấp trên, cấp trên thấy đây là một kiến nghị rất hợp lý, liền áp dụng ngay. Sau này, đồng nghiệp trong phòng Katya cũng không phải chạy đi chạy lại phòng hồ sơ nữa, tư liệu đã được để ngăn nắp trên giá sách, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm sức lực, hiệu quả “song toàn”.

Kiến nghị “thay đổi bố cục sắp xếp phòng làm việc” của Katya trở thành một sáng tạo, căn cứ tiêu chuẩn giải thưởng phát minh, sáng tạo, Katya hàng năm được nhận mức tiền thưởng bằng 25% lương cơ bản.

Chỉ cẩn thận không đủ trong thời đại này, nhất định còn cần có ý thức vượt lên phía trước, có kiến nghị hay vượt cả kỳ vọng của ông chủ. Điều này đòi hỏi nhân viên phải vắt óc suy nghĩ, sáng tạo một số điều ngoài sức tưởng tượng. Đây cũng là điểm khác biệt giữa một nhân tài xuất sắc và một người bình thường. Có ý tưởng hay, chỉ dừng lại ở lời nói, không thực thi, doanh nghiệp sẽ không dành sự quan tâm đặc biệt cho bạn.

Doanh nghiệp cần có những nhân viên coi công ty là nhà, quan tâm tới sự phát triển của doanh nghiệp từng giờ từng phút, tham gia quản lý và đưa ra nhiều kiến nghị hợp lý hóa.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn cho rằng: Nhân viên xuất sắc cần giỏi đưa ra kiến nghị. Điều kiện tiền đề trước khi đưa ra kiến nghị là làm tốt công việc trong bổn phận chức trách của mình. Chỉ khi làm tốt công việc thuộc bổn phận, chức trách thì mới có thể đưa ra kiến nghị hợp lý. Thử nghĩ xem, một người không quan tâm gì đến doanh nghiệp, tập thể, liệu anh ta có thể đưa ra kiến nghị gì hợp lý? Đánh giá một nhân viên xuất sắc hay không, cần xem anh ta có đưa ra kiến nghị có giá trị đối với công ty hay không, từ một góc độ nhất định, việc này cũng phản ánh độ trung thành của một nhân viên đối với doanh nghiệp.

Lâm Tử là thư ký của một công ty. Công việc của cô là chỉnh lý, biên tập, in ấn một số tài liệu. Rất nhiều người cho rằng công việc như vậy thật đơn điệu, tẻ nhạt. Nhưng Lâm Tử lại cảm thấy công việc của mình rất thú vị.

Cả ngày Lâm Tử chỉ làm những công việc như vậy, làm một thời gian đã khá lâu, cô phát hiện còn tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập trong các văn bản của công ty, thậm chí một số mặt trong công tác vận hành kinh doanh của công ty cũng tồn tại vấn đề cần giải quyết. Thế nên, hàng ngày, ngoài những công việc phải làm, Lâm Tử còn cẩn thận thu thập một số tài liệu, thậm chí là tư liệu trong quá khứ, cô chỉnh lý, phân loại những tài liệu đó, sau đó tiến hành phân tích và viết ra kiến nghị. Vì việc này, cô còn tìm đọc rất nhiều sách liên quan đến kinh doanh. Ban đầu, ông chủ không mấy chú ý, một dịp ngẫu nhiên, ông chủ đọc được một bản kiến nghị của Lâm Tử. Bản kiến nghị này khiến ông chủ vô cùng ngạc nhiên, một thư ký trẻ như vậy lại có suy nghĩ lô-gic, tỉ mỉ đến thế, hơn nữa phân tích của cô tường tận đến từng góc cạnh. Sau này, rất nhiều kiến nghị của Lâm Tử được áp dụng.

Ông chủ rất hài lòng, ông cho rằng có nhân viên như Lâm Tử là niềm tự hào của ông. Dĩ nhiên, Lâm Tử cũng được ông chủ giao nhiều trọng trách quan trọng hơn.

Chủ động đề đạt kiến nghị hợp lý với công ty, với ông chủ là trách nhiệm nên làm của một nhân viên. Nhưng có một số nhân viên vì sợ sai sót mà giữ im lặng, không phải họ không nghĩ ra ý kiến hay, mà là cảm thấy sự việc chẳng liên quan đến bản thân, không muốn nói, cũng chẳng buồn động tay. Thái độ làm việc như vậy không những vùi dập tài năng bản thân, làm mất đi cơ hội cạnh tranh vươn lên mà còn có thể khiến cho công ty tuột mất “ngọc quý”, thật đáng tiếc biết bao!

Một nhân viên xuất sắc cần chủ động đề đạt kiến nghị, chỉ cần kiến nghị nghiêm túc, có thể giúp đỡ công ty, bạn hãy mạnh dạn đề đạt! Cho dù kiến nghị của bản thân bị phủ quyết, cũng không nên buồn bực trong lòng, đây mới là cách làm hay để có được lòng tin của ông chủ. Bởi vì khi chủ động kiến nghị thì bạn đã đứng từ góc nhìn của ông chủ, nghĩ thay cho công ty. Cần tin rằng, kiến nghị hợp lý hóa của bạn có thể khiến cho vị trí, giá trị của bạn trong mắt ông chủ tăng cao như thủy triều đẩy thuyền lên. Ông chủ sẽ cho rằng, bạn là một nhân viên có thể đưa ra kiến nghị hay, hơn nữa cũng cho rằng, bạn là một người lạc quan, luôn giữ tâm trạng thoải mái, bất luận thành bại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.