10 Nguyên Tắc Trở Thành Nhân Tài Của Bill Gates

NGUYÊN TẮC THỨ V: CÓ TẦM NHÌN XA VÀ RỘNG, KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ TAY NGHỀ CHUYÊN MÔN



Ngoài việc cần có một khả năng quan sát nhạy bén tất cả các sự vật xung quan, bạn cần nắm vững một kiến thức và tay nghề chuyên môn nào đó. Đặc biệt, những công ty lớn thường yêu cầu nhân viên nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật chuyên môn. Không ai có thể đảm bảo kiến thức chuyên ngành, kỹ năng tay nghề chuyên môn đang có hiện nay vẫn có thể thích hợp với công việc trong tương lai, vì thế, tinh thần ham học hỏi là điều vô cùng quan trọng.

1. CẦN CÓ KHẢ NĂNG QUAN SÁT NHẠY BÉN, NẮM BẮT THẤU ĐÁO SỰ VẬT XUNG QUANH

Khả năng quan sát chính là năng lực nhận thức thấu đáo đối với bản chất cũng như xu hướng phát triển của sự vật. Bill Gates luôn nhấn mạnh, một nhân viên xuất sắc, cần có khả năng quan sát nhạy bén tất cả các sự vật xung quanh. Bởi vì nhân viên có khả năng quan sát, có tầm nhìn xa rộng có thể thường xuyên cập nhật kỹ năng mới, tránh để kỹ năng lão hóa. Quan trọng hơn là, khi có khả năng quan sát, một nhân viên sẽ có nhận thức đầy đủ, toàn diện về sở thích, ưu thế cũng như nhược điểm của mình. Những nhận thức đó gắn liền với mục tiêu nghề nghiệp của họ, đồng thời cũng gắn liền với mục tiêu lâu dài của công ty.

Chỉ khi có khả năng quan sát mới có thể nắm bắt nhịp đập của thời đại cũng như phương hướng phát triển của bản thân. Khả năng quan sát vô cùng quan trọng đối với bất kỳ ai.

Khả năng quan sát là điều kiện bắt buộc để đi đến thành công. Rất nhiều người vốn đã thành công nhưng vì mất đi khả năng quan sát đối với sự vật xung quanh nên làm cho sự nghiệp của mình quay lại vạch xuất phát ban đầu.

Thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ 20, công ty máy tính nổi tiếng nhất của Mỹ là một công ty thiết bị số do Ken Olsen sáng lập có tên là DEC. Ken Olsen là một kỹ sư thiết kế phần cứng truyền kỳ, là một người chỉ có thể nhìn ngắm từ xa mà không thể tiếp cận. Năm 1960, ông phát minh và cho ra đời “máy tính nhỏ” đầu tiên, từ đó hình thành nền công nghiệp máy tính nhỏ. Theo đà phát triển vũ bão, trong vài năm ngắn ngủi, ông đã sở hữu công ty với số vốn lên tới 6, 7 tỷ đô la Mỹ.

Sau 20 năm, khả năng quan sát của Ken Olsen dường như gặp trục trặc. Ông không nhìn ra tiền đồ phát triển của máy tính màn hình nhỏ. Kết quả là ông đã thất bại. Giờ đây, phần đông mọi người cho rằng, ông thất bại chủ yếu là vì luôn công khai coi máy tính cá nhân như một thứ đồ chơi thời thượng.

Giống như Ken Olsen, một số nhà doanh nghiệp nổi tiếng từng đạt nhiều thành công khác như Vương An, nhà phát minh vĩ đại thứ 69 sau Anderson, từng được bầu chọn là 1 trong số 12 người dân di cư xuất sắc nhất nước Mỹ; hay thậm chí người phụ trách của hãng máy tính được mệnh danh là “người khổng lồ màu xanh” IBM, hay người thống trị cao nhất của công ty Apple cũng mất đi khả năng quan sát xa rộng. Vì mất khả năng quan sát, sự nghiệp của họ bị tổn thất nghiêm trọng, thậm chí có người còn đi đến phá sản. Còn Bill Gates lại nhờ khả năng quan sát phi thường của mình, vào đúng thời điểm những người khổng lồ kia gặp thất bại, thừa cơ hoàn thành bước đi quan trọng cần thiết trong sự nghiệp lập nghiệp.

Nhìn thế giới bằng kính viễn vọng

Người có khả năng quan sát thường có tầm nhìn xa và rộng hơn những người khác, có dũng khí và niềm tin mạnh mẽ.

19 tuổi thành lập công ty Microsoft, khi đó mọi người không coi trọng Bill Gates, nhưng bằng tầm nhìn xa rộng, sáng suốt, ông đã kết hợp thiết bị xử lý Microsoft và phần mềm, thay đổi tình trạng máy tính lớn chiếm phần lớn thị trường, thúc đẩy cuộc cải cách máy tính cá nhân. Thành công của Bill Gates không phải là một câu chuyện thần thoại, ông đã quan sát thấy quy luật phát triển tất yếu của ngành công nghệ thông tin, điều ông quan tâm là thị trường và sức cạnh tranh lâu dài. Chính nhờ khả năng quan sát dài kỳ này, Bill Gates không chỉ tạo nên thành công của riêng bản thân, chính ông đã đưa con người bước vào một kỷ nguyên mới.

Khi nói về thành công của bản thân, Bill Gates từng nói: “Mọi người thường yêu cầu tôi giải thích về sự thành công của Microsoft. Mọi người muốn biết bí quyết để công ty của chúng tôi từ 2 người với số vốn ít ỏi, kinh doanh quy mô nhỏ phát triển thành công ty với hơn 20 nghìn nhân viên và doanh thu tiêu thụ vượt quá 6 tỷ đô la Mỹ/năm. Đương nhiên tôi không thể đưa ra một câu trả lời đơn giản, ví dụ như vận may cũng là một yếu tố, tuy nhiên tôi nghĩ, yếu tố quan trọng nhất vẫn là khả năng quan sát nhạy bén và tầm nhìn xa rộng của chúng tôi. Chúng tôi luôn nhìn thế giới bằng kính viễn vọng”.

Trên thực tế, chính nhờ dự kiến đánh giá đúng về công nghệ tương lai, Bill Gates đã lựa chọn đúng, chính xác thời điểm khởi điểm để có thành công hôm nay. Giống như ông miêu tả: “Chúng tôi chỉ nhìn lướt một lát rồi đặt ngay đồ vật cạnh intel 8008, rồi làm việc ngay trên đó. Chúng tôi tự hỏi: “Nếu việc sử dụng máy tính gần như miễn phí thì sẽ ra sao?”. Chúng tôi tin rằng, do giá máy tính ngày càng rẻ, cộng thêm các phần mềm hỗ trợ đắc lực để tận dụng ưu thế của phần cứng, máy tính sẽ phổ biến khắp nơi. Khi mọi người đều chưa bắt đầu thực hiện thì chúng tôi đã đánh cược dựa trên cơ sở phần cứng máy tính cá nhân, đồng thời sản xuất phần mềm máy tính cá nhân, từ đó xây dựng “vương quốc” của chúng tôi. Khả năng quan sát ban đầu của chúng tôi khiến tất cả những gì vốn bị coi là thừa khi đó đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Có thể nói, khi đó chúng tôi đã hội tụ đủ các điều kiện “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Vì thế chúng tôi nhanh chóng đặt bước chân đầu tiên vững chắc và đạt được thành công lớn”.

Đến năm 1995, công ty Microsoft làm bá chủ thị trường máy tính cá nhân nhờ hệ thống thao tác và phần mềm. Khi đó, Bill Gates dường như đã mắc một vài lỗi tương đối nghiêm trọng, ví như ông không kịp thời ý thức được sự góp mặt của Internet sẽ khiến cả ngành công nghệ thông tin và nền kinh tế thế giới xảy ra cuộc cách mạng mang tính căn bản. Tuy nhiên, do ông luôn giữ được sự nhạy bén đối với thế giới xung quanh và kịp thời tiếp thu ý kiến của người khác nên đã thay đổi cách nhìn, điều chỉnh toàn diện chiến lược của Microsoft.

Khi phát hiện ra lỗi sai của bản thân, Bill Gates lập tức viết một bức thư điện tử gửi đến hơn 20 nghìn nhân viên dưới quyền. Nhan đề của lá thư là “Cơn sóng dữ Internet”, thay cho tuyên ngôn của thời đại mới, mạng internet sẽ thay đổi sản phẩm của chúng ta một cách triệt để. Ông còn ra lệnh cho nhân viên của mình bắt đầu công việc ngay từ sáng hôm sau, đó là xóa bỏ toàn bộ các phần mềm trong ổ cứng máy tính của họ để tiện cho việc bắt đầu lại từ đầu. Sáng hôm đó, Microsoft trải qua một phen hỗn loạn chưa từng có, rất nhiều người tỏ ra không hài lòng, bởi vì rất nhiều nhóm sản phẩm mang lại lợi nhuận lớn đều bị giải tán. Hàng trăm hàng nghìn kỹ sư đành phải làm quen lại với môi trường làm việc mới ở những văn phòng mới. Nhưng chẳng bao lâu sau, họ đều công nhận Bill Gates đã đúng.

Tháng 12 năm 1995, trong một hoạt động lớn của Microsoft, Bill Gates tuyên bố cho biết, công ty Microsoft dự định tham gia toàn diện vào cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường trong thời đại mạng internet và nhất định sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này. Công ty Microsoft sẽ sản xuất thiết bị sử dụng mạng, thiết bị phục vụ mạng và tiến hành mạng hóa tất cả các sản phẩm hiện có. Từ giây phút đó, mỗi nhân viên của trụ sở công ty Microsoft đều bước vào thời đại mạng internet. Trong khuôn viên gồm 35 tòa nhà của công ty, mỗi ngóc ngách đều đang tiến hành công tác khai thác dự án mạng. Bill Gates nói: “Hiện nay, mạng internet trở nên vô cùng quan trọng đối với chúng tôi, nó sẽ kéo theo tất cả. Phần mềm nào của chúng tôi cũng đều là sản phẩm chính”.

Trong lịch sử, dường như rất ít ai có thể dự toán tương lai của ngành công nghệ thông tin. Nhưng Bill Gates đã viết nên câu chuyện thần thoại mang tên Microsoft chính nhờ khả năng quan sát đặc biệt xuất chúng này.

Có tầm nhìn xa mới có thể nhanh hơn tương lai một bước

Một nhân viên muốn giành thắng lợi trong thời đại cạnh tranh cần có khả năng quan sát, có tầm nhìn xa rộng đối với sự phát triển của sự vật, chỉ khi nhanh hơn tương lai một bước mới có thể đi trước thời đại, vươn tới thành công.

Có một câu chuyện kể rằng, một thanh niên cùng nhiều người khác tiến hành đào núi, khi mọi người đập các tảng đá to thành đá vụn, vận chuyển sang bên đường bán cho người xây nhà, thì người thanh niên lại trực tiếp vận chuyển đá lớn đến bến cảng bán cho thương nhân trong thành phố. Đá ở đây luôn có hình thù vô cùng quái dị nên anh cho rằng bán nhiều đá không bằng bán đá có hình dáng đặc biệt. 3 năm sau, anh là người đầu tiên trong thôn xây được nhà tầng.

Sau này, khi không còn được phép khai thác đá, chỉ được trồng cây, nơi đây biến thành một vườn quả. Vườn lê thơm lừng rộng bát ngát mời gọi thương nhân mọi miền, họ vận chuyển những sọt lê đầy ắp, cao ngất như núi đến Bắc Kinh, Thượng Hải, sau đó xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Lê được trồng ở nơi đây không những nhiều nước, mà thịt lê còn rất giòn, không lê nơi đâu sánh bằng.

Khi những vườn lê trĩu quả đang mang tới cho người dân nơi đây cuộc sống khấm khá từng ngày thì người thanh niên từng bán đá năm nào, từng sở hữu những vườn lê sai trĩu quả không kém bất kỳ ai trong thôn lại quyết định chặt lê trồng liễu. Vì anh phát hiện, thương nhân đến mua lê không khó để chọn được những vườn lê ngon, họ chỉ đau đầu vì không mua được sọt đựng lê. 5 năm sau, anh trở thành người đầu tiên mua được nhà trên thành phố.

Sau đó, một tuyến đường sắt nối hai đầu nam bắc chạy qua đây, thôn nhỏ cũng bắt đầu mở cửa, khi một số người cùng góp vốn lập xưởng thì người nông dân năm nào lại xây một bức tường cao 3 mét, dài trăm mét. Bức tường này đối diện với đường ray, song song với hàng liễu xanh ngắt, hai bên là vườn lê rộng trăm mẫu không nhìn thấy đường chân trời. Những ai ngồi tàu qua đây, khi đang ngắm hoa lê nở rộ đột nhiên nhìn thấy bốn chữ lớn “Co-ca Co-la”. Tương truyền, đây là quảng cáo duy nhất trong phạm vi 500 dặm, người chủ bức tường hàng năm đều thu được 40 nghìn Nhân dân tệ phí quảng cáo nhờ bức tường đặc biệt này.

Cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, đại diện khu vực châu Á của công ty Toyota Nhật Bản đến Trung Quốc khảo sát, khi ngồi tàu chạy qua thôn miền núi này, nghe kể câu chuyện ông đã vô cùng kinh ngạc trước đầu óc kinh doanh hiếm thấy của nhân vật chính, lập tức quyết định xuống tàu đi tìm người đó và mời anh về công ty với mức lương hàng triệu Nhân dân tệ.

Tại sao người thanh niên thành công? Ngoài đầu óc kinh doanh sắc sảo, anh còn có khả năng quan sát cơ hội trong tương lai, anh có tầm nhìn xa rộng, luôn đi trước thời đại một bước, vì thế luôn đạt được thành công. Bill Gates nói: “Người sẵn sàng thử nghiệm sự vật mới, biết đầu tư vào ngành nghề mới, tìm kiếm thị trường mới, hơn nữa luôn đi trước tương lai một bước, có hoài bão, có khả năng quan sát nhạy bén mới có thể nắm bắt cơ hội thành công, mới được gọi là người thành công”.

Trong các công ty hiện đại, muốn trở thành người “không đổ”, quan trọng nhất là tầm nhìn “đi trước tương lai”, bởi vì chỉ khi có khả năng quan sát nhạy bén mới có thể nắm bắt thời cơ thành công, sau này mới có được thành công.

2. ĂN VÀO VỐN LÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ NHẤT

Trong giới đi làm ngày nay, là một nhân viên, nếu chỉ hài lòng với kiến thức hiện có, không trau dồi học hỏi, không từng bước trưởng thành thì rất dễ và rất nhanh bị đào thải. Bill Gates nói: “Có một số người không có chí tiến thủ, an phận với hiện tại, không mưu cầu trưởng thành, người như vậy ngày càng mất giá trị trong công ty. Cần hiểu rằng, thâm vào vốn là điều đáng sợ nhất”.

Không làm ếch “luộc”

Bill Gates từng kể cho nhân viên dưới quyền một câu chuyện như sau:

Trường Đại học Cornell Mỹ từng thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng. Họ bất ngờ thả một chú ếch vào nồi dầu đang sôi sùng sục, chú ếch phản ứng nhanh nhẹn, trong giây phút quyết định sinh tử đã dùng toàn bộ sức lực nhảy ra khỏi nồi dầu đang sôi, thoát chết an toàn!

30 phút sau, họ lại dùng một chiếc nồi giống hệt, trong nồi chứa 4/5 nước lạnh, sau đó thả chú ếch vừa thoát nguy trong tích tắc vào nồi, chú ếch liền tung tăng bơi lội. Tiếp đó, nhân viên làm thí nghiệm nhẹ nhàng nhóm lửa từ từ, hâm nóng nồi nước. Chú ếch dường như không biết nguồn gốc sự việc, vẫn an nhàn tận hưởng cảm giác “ấm áp” trong nước, đến khi nó ý thức được nước trong nồi đã nóng đến mức không thể chịu đựng được, phải dốc sức nhảy ra khỏi nồi mới thoát chết thì đã quá muộn, nó muốn bứt lên cũng không còn sức, toàn thân đã tê liệt, đành ngậm ngùi chịu chết!

Trong giới đi làm, rất nhiều người hài lòng với công việc hiện có của mình, không muốn học thêm, cũng không muốn đón nhận thử thách của tương lai, lý tưởng càng ngày càng mơ hồ, chỉ mong hoàn thành công việc đúng thời hạn, không có bất cứ sai sót gì. Thời gian lâu dần, lười biếng chuyển thành nỗi sợ hãi vô hình, càng không dám đón nhận thách thức mới.

Trong thời đại biến đổi như bão táp hiện nay, thế giới đang thay đổi từng ngày, quan niệm, môi trường cũng đang thay đổi, đây là sự biến đổi về lượng, dù không đủ để khiến chúng ta cảm thấy hôm nay và hôm qua có gì khác biệt, nhưng khi biến đổi về lượng tích lũy đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất, giống như nước trong nồi luộc ếch nóng lên dần dần và bất ngờ sôi sùng sục, ếch đã chín.

Có những người chỉ cần hài lòng với hiện tại, sống bằng tâm niệm “được đến đâu hay đến đó”, giống như cá không bơi nếu nước không chảy xiết. Họ tự cho rằng kiến thức học được đủ rộng, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu công việc. Họ không biết rằng, thế giới đang thay đổi từng ly từng tý, kiểu người không có chí tiến thủ, không tiếp xúc, theo đuổi, học tập sự vật mới thì sớm muộn sẽ có ngày bị đào thải.

Một vị bác sĩ mở phòng khám tư, công việc kinh doanh rất tốt, anh hài lòng với tay nghề hiện có. Tuy nhiên một vài năm sau đó, công việc kinh doanh của anh bắt đầu tuột dốc. Tại sao? Vì kể từ sau khi tốt nghiệp đại học y và mở phòng khám đến nay, mọi việc chẩn đoán và ghi đơn thuốc vẫn y như cũ. Anh không đoái hoài đến thiết bị y tế cũng như các loại thuốc mới ra đời, cũng không bớt chút thời gian đọc các loại tạp chí chuyên ngành mới, thiết bị trong phòng khám trở nên cũ kỹ, người bệnh không dùng thuốc cũ nữa. Vì thế mọi người không còn muốn đến phòng khám của anh, đều đổ dồn sang phòng khám do một bác sỹ trẻ mở ra ở ngay đối diện. Phòng khám đó có trang thiết bị y tế tối tân, đơn thuốc cũng đều là các loại thuốc mới phát minh. Vị bác sỹ già luôn cho rằng bản thân là sinh viên tốt nghiệp đại học y, sẽ không ai có thể cướp “cần câu cơm” của mình. Đến khi anh ý thức được tình hình, hối hận thì đã quá muộn, vì “hài lòng với hiện tại” và “không tiến bộ” anh đã từ một người thành công trở thành một điển hình của kẻ thất bại.

Không ngừng tiến lên mới có thể gặt hái quả ngọt thành công

Trong buổi tọa đàm tại trường Đại học Thanh Hoa, có sinh viên hỏi Bill Gates rằng: “Bí quyết thành công của ngài là gì?”. Bill Gates trả lời dứt khoát: “Trí tuệ + nghị lực + cạnh tranh + chí tiến thủ”. Trong điều kiện kinh tế tri thức, chỉ có không hài lòng với thực tế, tích cực tiến lên mới có thể gặt hái quả ngọt thành công.

Thế giới này đang thay đổi quá nhanh. Hôm nay bạn hài lòng, đắc ý với công việc hiện có nhưng có thể ngày mai khi tỉnh dậy lại phát hiện công việc đó không còn thuộc về bạn nữa. Có thể có người xuất sắc hơn thay thế bạn, cũng có thể do bạn không còn đủ năng lực đảm nhiệm công việc đó, cũng có thể do bản thân công việc đó không còn tồn tại nữa. Ngoài làm tốt công việc hôm nay, chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với cạnh tranh, thách thức của ngày mai. Chỉ những người không hài lòng với hiện tại, luôn tích cực tiến lên mới có thể theo kịp bước đi của thời đại mới.

Bất kỳ doanh nghiệp nào, bất kỳ ông chủ nào đều thích nhân viên chủ động, không ngừng học hỏi.

Khi tuyển nhân viên, Microsoft rất mực đề cao “người thông minh”. Kiểu “người thông minh” ở đây không cần phải là chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó khi tham gia dự tuyển mà là “một người nắm bắt, học hỏi nhanh”, tích cực tiến lên, một người chủ động học hỏi nhiều kiến thức trong phạm vi công việc có liên quan trong thời gian ngắn, một người không ỷ lại vào công ty mà chủ động nâng cao tay nghề của bản thân.

Cần nhân viên “chủ động tiến lên” là tâm nguyện chung của các ông chủ. Những nhân viên có tinh thần này là trụ cột không thể thiếu cho sự tiến bộ của công ty. Thời đại kinh tế tri thức đồng nghĩa với việc không thể hài lòng với kiến thức hiện có. Cần làm mới và nâng cao bản thân, học quản lý, học kỹ thuật, học trong sách vở, học ngoài thực tế, không ngừng trau dồi kiến thức cuộc sống.

Lòng ham học và chí tiến thủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với một nhân viên hiện đại và là điều kiện cơ bản để có chỗ đứng trong xã hội cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Bất kỳ lúc nào cũng không nên có tư tưởng hài lòng với kiến thức hiện có để dẫn đến hiện tượng “thâm vào vốn”. Tư tưởng, hiện tượng không tốt này sẽ cản trở bước đường đi đến thành công. Một nhân viên chỉ giậm chân tại chỗ tất yếu sẽ trở nên không cần thiết, thậm chí thừa thãi đối với doanh nghiệp và ông chủ. Chỉ khi tự mình lên chiến lược, tự mình bồi dưỡng, chủ động tiến lên mới có thể trở thành người mà doanh nghiệp và ông chủ thật sự cần đến.

3. KHÔNG NGỪNG HỌC HỎI, NÂNG CAO NĂNG LỰC LÀM VIỆC CỦA BẢN THÂN

Kho tàng kiến thức của thế giới ngày nay có hai đặc điểm lớn: Một là, lượng kiến thức khổng lồ đến nỗi làm cho con người hoa mắt chóng mặt. Hai là, lượng kiến thức tăng trưởng, phát triển nhanh đến nỗi thiên biến vạn hóa từng ngày từng giờ, điều này làm cho sự lão hóa về nguồn nhân lực xảy ra nhanh hơn. Tầng lớp văn phòng phương Tây gần đây thịnh hành một định luật như sau: “Một năm không học tập thì 80% số kiến thức bạn có hiện nay sẽ bị lão hóa. Những gì hôm nay bạn còn chưa hiểu, ngày mai đã trở nên lỗi thời. Phần lớn quan niệm có liên quan trong thế giới ngày nay có thể sẽ trở thành quá khứ trong thời gian chưa đầy 2 năm nữa”.

Trong báo cáo hữu quan về kinh tế tri thức, Tổ chức Hợp tác kinh tế thế giới cho biết: “Trong nền kinh tế tri thức, việc học trở nên vô cùng quan trọng, có thể quyết định vận mệnh của cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí của đất nước”. Với ý nghĩa này, có người gọi “kinh tế tri thức” là “kinh tế kiểu học tập”. Các công ty Microsoft, Intel đều hết sức coi trọng việc này, nỗ lực xây dựng doanh nghiệp thành một “tổ chức của học tập”, một “tổ chức khuyến khích sáng tạo”. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để Microsoft thịnh hành trên toàn cầu. Đối với cá nhân, các chuyên gia có lời nhắc nhở: “Kiến thức nhân loại đổi mới quá nhanh, phải làm thế nào? Biện pháp duy nhất là không ngừng học tập và học tập suốt đời”.

Trong nền kinh tế tri thức, mỗi người thu được hoặc được phân phối bao nhiêu kiến thức phần lớn là do năng lực học tập của cá nhân, vì thế hình thành năng lực sản xuất tri thức của bản thân trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất.

Không học không thể nâng cao năng lực của bản thân

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sự so sánh về thực lực, năng lực sẽ càng ngày càng khắc nghiệt. Ai không học, người đó sẽ không thể nâng cao năng lực bản thân và trở nên lạc hậu. Trong giới nhân viên, có một số người không chịu học tập, không chịu nâng cao năng lực bản thân mà luôn than thở, trách móc công ty, ông chủ không coi trọng mình. Trên thực tế, vấn đề nằm ngay ở bản thân bạn, bạn không hình thành thói quen học tập, không nâng cao năng lực công tác của bản thân, ông chủ sao có thể để mắt tới bạn?

Peter rất không hài lòng với công việc hiện tại, anh luôn than thở với bạn bè rằng: “Ông chủ chẳng ngó ngàng gì đến mình, một ngày nào đó mình sẽ đập bàn ông ta và thôi việc luôn”.

Bạn bè liền hỏi anh: “Anh đã thật sự hiểu hết, hiểu rõ công ty thương mại đó chưa? Anh đã hoàn toàn thông thạo kỹ năng giao dịch thương mại quốc tế chưa?”.

Peter lắc đầu, nhìn bạn tỏ vẻ khó hiểu.

Người bạn liền khuyên Peter: “Quân tử báo thù 10 năm chưa muộn, mình khuyên bạn hãy hiểu rõ về hóa đơn chứng từ kinh tế và bộ máy tổ chức của công ty, thậm chí học cả cách chữa lỗi nhỏ của máy in, sau đó hãy thôi việc”.

Nhìn khuôn mặt tỏ vẻ không hiểu của Peter, người bạn liền giải thích: “Công ty là trường học miễn phí, sau khi bạn biết tất cả mọi việc mới bỏ đi, chẳng phải vừa trút được bực mình, lại vừa có nhiều thu hoạch không?”.

Peter nghe lời khuyên của bạn, từ đó âm thầm học hỏi, thậm chí hết giờ làm vẫn ở lại văn phòng nghiên cứu cách soạn thảo hợp đồng kinh tế.

Một năm sau, người bạn đó tình cờ gặp lại Peter, liền hỏi: “Bây giờ có lẽ bạn đã học được rất nhiều rồi nhỉ, đã chuẩn bị đập bàn báo thôi việc chưa?”.

Peter nói: “Nhưng tôi phát hiện ra, nửa năm qua ông chủ đã nhìn tôi bằng ánh mắt khác, dạo gần đây còn liên tục tăng lương cho tôi, thể hiện rõ sự coi trọng, tôi đã trở thành người nổi tiếng trong công ty rồi”.

“Mình sớm đã đoán được điều này”. Người bạn mỉm cười nói, “trước đây ông chủ không coi trọng bạn là vì bạn không đủ năng lực, lại không nỗ lực học tập; sau này bạn đã dày công học hỏi, năng lực công tác không ngừng được nâng cao, đương nhiên sẽ khiến ông chủ thay đổi cách nhìn về bạn”.

Trong công ty, so với việc oán trách ông chủ không coi trọng mình, chi bằng hãy nhìn lại bản thân, không ngừng nâng cao năng lực cá nhân.

Không ngừng học tập trong công việc

Ngày nay, để tìm được một công việc vừa ý không đơn giản, để có thể “đứng vững” trong công việc càng khó khăn gấp bội. Nếu không ngừng học tập để nâng cao kiến thức và năng lực cá nhân thì dù bạn đã từng là lão thành của công ty, dù bạn là thạc sỹ, tiến sỹ, nếu không đáp ứng được công việc thì không thể tạo ra giá trị lớn hơn cho công ty, ông chủ sẽ “sa thải” bạn vì lợi ích của công ty.

Muốn bứt phá trong môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt, bạn buộc phải không ngừng học tập, tích lũy kiến thức chuyên ngành, không ngừng học hỏi kỹ năng, tay nghề chuyên môn mới để hỗ trợ cho thành công tương lai.

Bà Carly Fiorina, “nữ CEO hàng đầu thế giới”, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành công ty HP bắt đầu sự nghiệp từ vai trò của một thư ký. Bà đã làm thế nào để nâng cao giá trị bản thân, từng bước vươn tới thành công và cuối cùng vươn lên nổi bật trong thế giới quyền lực vốn do phái mạnh làm chủ?

Đáp án là không ngừng học tập trong công việc.

Carly Fiorina từng học luật, cũng từng học lịch sử và triết học, nhưng tất cả những thứ đó đều không phải là điều kiện bắt buộc đưa bà tới thành công cuối cùng. Carly Fiorina xuất thân không phải là người làm công nghệ, công ty HP lại là doanh nghiệp nổi tiếng nhờ sáng tạo mang tính đột phá trong công nghệ, vì thế, bà có được vị trí hôm nay là nhờ quá trình không ngừng học hỏi của bản thân.

Bà nói: “Không ngừng học hỏi là yếu tố cơ bản nhất của một CEO thành công. Không ngừng học hỏi chính là không ngừng tổng kết kinh nghiệm đã qua, không ngừng thích nghi với môi trường mới và thay đổi mới trong công việc, không ngừng thể nghiệm biện pháp và hiệu suất công việc cao hơn. Khi mới bắt đầu, tôi cũng từng làm những công việc không mấy hấp dẫn, nhưng tôi vẫn xuất phát từ sở thích của mình, tìm ra cương vị thích hợp nhất. Bởi vì, chỉ khi công việc và sở thích tương đồng tôi mới có thể học được nhiều nhất những kiến thức và kinh nghiệm mới từ trong công việc. Ở HP, không chỉ một mình tôi phải không ngừng học hỏi trong công việc mà toàn bộ HP đều khuyến khích cơ chế nhân viên học tập, cứ cách một thời gian mọi người lại ngồi lại với nhau, cùng trao đổi để hiểu động thái của đối phương cũng như của toàn công ty, hiểu phương hướng của toàn ngành công nghệ. Những việc làm tuy nhỏ bé nhưng là cách làm hay để nhân viên tự làm mới mình trong công việc, từ đó có thể đảm bảo cho mọi người luôn sánh bước cùng thời đại”.

“Rất ít người vừa sinh ra đã có khả năng lãnh đạo, lãnh đạo thật sự thành công chắc chắn là người không ngừng tích lũy kinh nghiệm, không ngừng học hỏi trong công việc để từng bước đi tới thành công”.

Đương nhiên, không ngừng học hỏi trong công việc không nhất định phải rời xa công việc hiện tại. Chỉ cần bạn muốn học thì học từ công việc thực tế cũng là một cách làm hay, chỉ cần bạn nghiêm túc là sẽ có thể học tốt. Nếu bạn yêu công việc của mình, bất cứ lúc nào cũng có thể phát hiện những điều đáng học ngay bên cạnh, đó chính là nội dung học hiệu quả nhất, phù hợp nhất với nghề nghiệp của bạn.

Thông qua việc không ngừng học tập trong công việc bạn có thể nâng cao năng lực thực tế của bản thân, là một nhân viên, dù ở giai đoạn nào trong sự nghiệp, bước chân trên con đường học hành đều không thể dừng lại, nên coi công việc chính là trường học. Kiến thức của bạn là kho báu vô cùng giá trị đối với công ty, vì thế bạn cần tự mình giám sát, đốc thúc, đừng để tay nghề kỹ năng của bản thân lạc hậu so với thời đại.

Không ngừng “nạp điện” cho chính mình

Thời đại “nạp đủ điện” một lần khi ngồi trên ghế trường đại học để sau này cả đời chỉ “phát điện” trên cương vị làm việc của quá khứ đã không còn tồn tại, bạn phải không ngừng “nạp điện” cho chính mình, kịp thời làm mới, ưu việt hóa kiến thức cũng như năng lực của mình thì mới có thể trở thành nguồn nhân lực phát triển bền vững.

Có thể bạn đã chiến đấu trên “chiến trường công việc” rất nhiều năm và thu được không ít thành tích, có thể bạn đã qua tuổi 30, 40, lúc này liệu bạn có cảm giác thấy, không chỉ sức khỏe mà bộ não của bạn cũng đang xuống dốc. Hãy đối chiếu xem bạn có những biểu hiện sau hay không:

– Rất khó hình thành nhận thức chung với nhân viên mới của công ty trong công việc.

– Rất khó hoàn thành công việc mang tính thử thách cao.

– Dần dần cảm thấy “lực bất tòng tâm”, một số kiến thức đã học không còn phát huy hiệu quả.

– Không biết gì về các sự vật mới nổi, như phần mềm máy tính mới.

– Thiếu sáng kiến và cách nhìn mang tính sáng tạo. Nếu bạn có một hoặc nhiều biểu hiện như trên, có nghĩa là kho dự trữ kiến thức và năng lực công tác của bạn đã bắt đầu tuột dốc. Con đường tiến lên phía trước của bạn đã bật đèn đỏ, cho dù khả năng chịu đựng áp lực của bạn mạnh mẽ đến đâu cũng không thể giúp bạn đối mặt và vượt qua thách thức một cách nhẹ nhàng.

Lúc này bạn phải hành động như thế nào? Đương nhiên cần bổ sung “dưỡng chất”, và phải “nạp điện” cho chính bản thân mình.

Đầu xuân năm con khỉ, một trang web tuyển dụng miền nam tiến hành một cuộc điều tra như sau: “Trong năm con khỉ, bạn có mong ước gì về công việc?”. Kết quả là hơn 50% số người được hỏi lựa chọn “nạp điện, học tập, nâng cao năng lực”. Tương tự, một trang web khác cũng tiến hành một điều tra trên mạng: “Trong năm mới, ngoài công việc ra, bạn muốn làm gì nhất?”. Có 45% số người tham gia điều tra trả lời “nạp điện, học tập, nâng cao năng lực”. Qua hai cuộc điều tra trên chúng ta dễ dàng nhận ra, với một ý nghĩa nào đó, không ngừng “nạp điện”, không ngừng học tập trong công việc đã trở thành một lối sống tương đối phổ biến của con người thời hiện đại, vì thế có người cho rằng, nếu như vài năm trước, hành vi “nạp điện” cá nhân chỉ là phương hướng hành động của một bộ phận người lao động thì ngày nay, việc “nạp điện” dường như đã trở thành hành động suốt đời của người đi làm.

Là một thành viên trong cộng đồng người lao động, bạn cần xuất phát từ nhu cầu công việc, có ý thức khi tiến hành chọn lựa con đường “nạp điện” phù hợp với bản thân, tìm đúng điểm kết hợp tuyệt vời mới có thể thích nghi với môi trường luôn biến động, đạt đến hiệu quả cần thiết khi nạp điện, cuối cùng sở hữu năng lực có thể quyết định toàn bộ công việc.

Trong buổi họp của ban giám đốc công ty, Tổng giám đốc đã phát biểu đầy hấp dẫn như sau: “Trong các công ty lớn của Mỹ, khi thành lập công ty con hoặc mở thêm nhà máy sản xuất, những người sinh ra trong thập niên 50 của thế kỷ 20 chỉ có thể đảm nhiệm chức vụ chủ quản. Nếu bây giờ công ty quyết định để các bạn đảm nhiệm vai trò giám đốc kỹ thuật, giám đốc nhà máy sản xuất hoặc giám đốc công ty con, các bạn sẽ trả lời ra sao? Bạn sẽ trả lời tôi: “Tôi sẽ hết mình báo đáp sự trọng dụng của công ty. Là giám đốc nhà máy, tôi sẽ sản xuất những sản phẩm tốt, huấn luyện, đào tạo nhân viên” hay là: “Tôi có thể gánh vác chức vụ giám đốc nhà máy sản xuất, yên tâm chỉ định tôi đi”?

“Các bạn đã làm việc, đảm nhiệm chức vụ và gắn bó với công ty chục năm liền, có chục năm kinh nghiệm, bình thường chẳng phải luôn rèn luyện nâng cao bản thân, luôn tự “nạp điện” cho bản thân đó sao? Nếu được chỉ định vào chức vụ chủ quản, liệu có dám so sánh cao thấp với bất kỳ công ty nước ngoài nào hay không? Nếu ai có thể khẳng định nắm chắc cơ hội, xin giơ tay!”.

Sau khi phát hiện không ai giơ tay, ông tiếp tục nói: “Các vị có lẽ đều quá khiêm tốn nên không giơ tay. Đến nay, rất nhiều bậc tiền bối được công ty, đồng nghiệp và xã hội ngợi ca đều vì những biểu hiện xuất sắc khi đảm đương trọng trách lớn. Chính nhờ sự lãnh đạo của họ, công ty mới có sự phát triển huy hoàng hôm nay. Ngay từ khi còn trẻ, họ đã không ngừng “nạp điện”, không ngừng tôi luyện bản thân ngay trên cương vị làm việc của mình, nghiêm túc đúc rút, hấp thu tinh hoa trong công việc. Khi được giao trọng trách, họ có thể mặc sức phát huy thế mạnh của mình, đem đến thành quả tốt đẹp”.

Có hàng nghìn, hàng vạn người thành công, nhưng con đường thành công lại chỉ có một, đó là học tập, cần cù học tập. Nếu một người dừng học, chẳng mấy chốc sẽ “hết điện” và bị xã hội đào thải. Hình thành thói quen không quên học tập, bạn không còn cách xa thành công nữa.

Cạnh tranh trong tương lai chính là cạnh tranh trong học tập

“Ưu thế, sức mạnh lâu dài duy nhất trong tương lai là học tốt hơn đối thủ cạnh tranh của bạn”. Đây chính là lời khuyên của Peter Senge, người sáng lập tổ chức toàn cầu chuyên nghiên cứu và tư vấn cho các công ty kinh doanh, đồng thời là tác giả của cuốn sách mang tên “The Fifth Disciplin: The art and practice of the learning organization” dành tặng người đi làm. Học tập đã trở thành con đường để sinh tồn của những ai còn muốn trụ vững trong công việc.

Cạnh tranh trong tương lai thực chất chính là cạnh tranh trong học tập, ai học nhanh, hiểu biết sâu, người đó sẽ đi đầu trong quỹ đạo phát triển. Trong thời đại cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hôm nay, người đi làm phải đối mặt với vô vàn thách thức do xã hội, công nghệ phát triển nhanh chóng như vũ bão mang lại, phải đối mặt với thách thức đòi hỏi làm mới quan niệm và nâng cao tay nghề, vì thế cần xây dựng mục tiêu học tập suốt đời.

Trong cuốn sách mang tên “Chúng ta đào tạo giám đốc như thế nào”, Viện trưởng Học viện quản lý phát triển GE, nhà giáo dục hàng đầu của công ty điện khí GE đã chỉ rõ: Trong nội bộ GE, một khi bạn đã vào công ty thì dù bạn đến từ Đại học Harvard hay một trường đại học không danh tiếng nào khác đều không quan trọng. Bởi vì hễ bạn vào công ty, những gì bạn thể hiện bây giờ quan trọng gấp nhiều lần những gì bạn đã trải qua trong quá khứ.

Cho dù bạn làm không tốt lắm một công việc mới, không sao cả, chúng tôi biết bạn đang học hỏi, bạn có thể theo kịp. Chúng tôi hy vọng biểu hiện của mọi người cao hơn các giá trị trông chờ bình thường, làm việc thật xuất sắc. Nhưng giá trị trông chờ sẽ thay đổi theo thời gian. Nếu bạn ngừng học tập, không trau dồi thêm, biểu hiện cũng rất bình thường trong suốt quãng thời gian dài, trong khi giá trị trông chờ lại không ngừng tăng lên do cạnh tranh, do nhu cầu của khách hàng và sự tiến bộ của công nghệ, bạn có khả năng bị đào thải. Bạn nên biết, trong các doanh nghiệp, giá trị trông chờ tăng lên từng năm. Nếu doanh thu bán hàng năm nay của bạn đạt 20 triệu đô la Mỹ thì năm tới cần đạt 22 triệu đô và trong những năm tiếp sau, bạn cần đạt mức cao hơn.

Đứng từ góc độ cá nhân, nếu bạn ngừng học tập sẽ giống như việc bạn đứng nguyên tại chỗ trong khi nước sông đang không ngừng dâng lên, bạn lại không biết bơi, tất yếu sẽ bị nước sông nhấn chìm. Việc này không tốt cho cả bạn lẫn sự nghiệp của bạn.

Đối với quá trình trưởng thành của một nhân viên xuất sắc, học tập đóng vai trò vô cùng quan trọng. Từ không hiểu đến hiểu, cho đến khi trở thành một nhân viên chuyên nghiệp chính là quá trình không ngừng học tập từ thực tiễn. Không học tập sẽ mất đi khả năng cạnh tranh, nhân viên xuất sắc cần mãi mãi khắc ghi câu danh ngôn muôn thuở của Le-nin: “Học, học nữa, học mãi”. Trên cơ cở cần cù, siêng năng và hiếu học, nhân viên sẽ có hướng đi mới, cách làm mới trong công việc thực tế. Người nhân viên như vậy mới xứng đáng là nhân viên xuất sắc.

4. NẮM BẮT KIẾN THỨC MỚI, KỸ NĂNG MỚI ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CÔNG VIỆC TRONG TƯƠNG LAI

Theo thống kê, trong 15 năm qua, Mỹ đã sa thải khoảng 8.000 nhân viên tay nghề thấp, đồng thời tạo ra khoảng 6.000 vị trí làm việc mới. Người lao động liên tục chuyển dịch từ vị trí có kỹ năng, tay nghề thấp lên vị trí đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao hơn, người sở hữu càng nhiều kiến thức dần trở thành chủ thể trong lực lượng lao động xã hội, viễn cảnh tri thức hóa người lao động ngày càng sáng ngời. Chỉ khi nắm bắt kiến thức mới, năng lực mới do chính tay mình thử nghiệm, kết hợp kiến thức vào công việc thực tế và không ngừng đưa ra ý kiến sáng tạo mới có thể không ngừng tiến lên phía trước, không ngừng sáng tạo và hoàn thiện. Kiểu nhân viên mẫu mực mà các ông chủ doanh nghiệp hiện đại thích nhất và cần nhất chính là người biết đích thân thể nghiệm để thu được kiến thức mới, kỹ năng mới.

Trong thời đại ngày nay, kiến thức có giá trị trên hết

Người người đều nói, sự xuất hiện của Giám đốc điều hành công ty Microsoft – Bill Gates là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của nền kinh tế tri thức. Bill Gates đã nhiều năm liên tiếp chiếm giữ vị trí đầu bảng trong danh sách tỷ phú thế giới, hơn nữa, số tài sản của ông tăng lên với tốc độ nhanh chóng, bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 400 triệu đô la Mỹ. Mọi người đều biết, một chương trình phần mềm không đáng giá bao nhiêu tiền, nhưng một chiếc đĩa “Windows 98” lại có giá trị khoảng 2.000 Nhân dân tệ. Điều đó chứng tỏ, trình tự mới, tính năng mới là đáng giá, chúng chính là kết tinh của kiến thức và trí tuệ.

Trong điều kiện của nền kinh tế tri thức, lao động phát sinh sự biến đổi sâu sắc về chất, sáng tạo trí tuệ chiếm ưu thế chủ yếu, kiến thức, công nghệ trở thành yếu tố sản xuất cũng như nguồn gốc sản sinh tài sản vật chất chính. Ai chiếm hữu tri thức, người đó sở hữu tiền tài, sở hữu quyền lực. Sự phát triển của cá nhân được quyết định bởi trình độ kiến thức, trình độ sáng tạo của cá nhân đó; trình độ kiến thức quyết định thu nhập khởi điểm của bạn; kết cấu tri thức quyết định lĩnh vực làm việc của bạn; mức độ cập nhật kiến thức quyết định sự tiến bộ trong công việc của bạn. Ưu thế lớn nhất một cá nhân sở hữu không phải là bối cảnh gia đình, mạng lưới các mối quan hệ, càng không phải là quyền lực, mà là trí tuệ. Tri thức là sức mạnh, là cơ hội và là nguồn vốn không thể quy ra tiền mặt, cũng là nguyên nhân để bạn được tôn trọng.

Hồi đầu, khi một máy phát điện công suất lớn gặp sự cố, công ty xe hơi Ford của Mỹ đã mời rất nhiều kỹ sư công trình cũng như chuyên gia đến xem nhưng đều không tìm ra nguyên nhân gây sự cố của máy phát điện. Không còn cách nào khác, họ đã mời chuyên gia điện máy người Đức Stein Clements. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, nghe tiếng máy vận hành, Stein Clements đã dùng phấn vẽ một đường dài lên thân máy và nói: “Giảm 16 vòng dây cuốn ở khu vực đường phấn”. Vậy là chiếc máy phát điện công suất lớn nhanh chóng khôi phục vận hành bình thường.

Giám đốc công ty đặt câu hỏi: “Rất cảm ơn ông! Vậy xin ông cho biết, chi phí sửa chữa là bao nhiêu?”.

Stein Clements thản nhiên trả lời: “10 nghìn đô la Mỹ”. Đây là một con số không nhỏ lúc bấy giờ. Giám đốc cho rằng ông cố ý ép giá, đã gọi người mang đến bảng đăng ký chi phí sửa chữa và nói: “Phiền ông điền các chi phí sửa chữa cụ thể lên bảng này”.

Stein Clements vừa đặt bút liền viết: “Dùng phấn chỉ ra chỗ hỏng: 1 đô la Mỹ, biết phải vẽ ở chỗ nào: 9999 đô la Mỹ”.

Tại sao vẽ đường phấn, vẽ ở chỗ nào, tất cả đều là tri thức; chỉ dựa vào tiếng máy chạy có thể phán đoán nguyên nhân sự cố, đó là kỹ thuật. Để nắm bắt kiến thức này đòi hỏi phải dày công lao động, 9999 đô la Mỹ chính là thù lao báo đáp cho công sức sáng tạo được vận dụng từ kiến thức kỹ năng có được của Stein Clements.

Có kiến thức là có của cải, thiếu kiến thức sẽ trở nên nghèo nàn. Đây là nguyên tắc chung đối với một cá nhân nói riêng và một đất nước nói chung. Đây cũng là phương hướng phát triển của xã hội loài người trong thế kỷ 21. Trong nền kinh tế tri thức, lấy tri thức làm nền tảng, sự phát triển của kinh tế xã hội ngày càng phụ thuộc nhiều vào kiến thức sáng tạo, công việc lao động thuần chân tay ngày càng ít đi. Các thành viên sống trong xã hội nếu không thông qua học tập để nắm bắt kiến thức, kỹ năng tay nghề hiện đại nhất định thì ngay đến tư cách làm việc cũng bị mất đi, có nghĩa là mất đi năng lực sinh tồn quan trọng nhất.

Có kiến thức mới, kỹ năng mới thì mới có thể nắm bắt tương lai

Trong buổi phỏng vấn Bill Gates, một phóng viên đã đặt câu hỏi: “Giờ ông đã trở thành tỷ phú hàng đầu thế giới, công việc của ông chắc chắn rất bộn bề?”. Bill Gates trả lời: “Công việc của tôi rất nhẹ nhàng. Bởi vì tôi chỉ làm đúng hai việc, một là dùng người, hai là du lịch”. “Du lịch” mà Bill Gates đề cập ở đây thực chất là đi đến mọi nơi trên thế giới, tiến hành khảo sát học tập, không ngừng hiểu thêm kiến thức và thông tin mới.

Kiến thức mới, kỹ năng mới là chìa khóa vàng để nắm bắt tương lai. Là một nhân viên, bạn đã nắm vững kiến thức và kỹ năng công việc yêu cầu hay chưa? Cho dù hôm nay bạn có thể gánh vác trách nhiệm và đảm bảo hiệu suất công việc, nhưng ngày mai thì sao? Ngày mai bạn liệu có thể nắm bắt kiến thức và kỹ năng để thúc đẩy công ty không ngừng phát triển hơn nữa hay không?

Thập niên 70 của thế kỷ 20, thế giới đã xảy ra khủng hoảng dầu mỏ, ô-tô Nhật có thể tích xi-lanh nhỏ lại tiết kiệm nhiên liệu đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường xe hơi Mỹ. Đúng vào lúc ô-tô Nhật tung hoành ngang dọc trên thị trường Mỹ, rất nhiều đại lý tiêu thụ ô-tô kinh doanh độc lập đã không còn bán các loại xe do Detroit của Mỹ sản xuất, mà trở thành đại lý cho các hãng xe nổi tiếng của Nhật như Toyota, Honda hay Mazda v.v…

Carter làm việc trong một cửa hàng bán xe như thế. Ông đã giới thiệu và bán xe thương hiệu Chrysler trong 20 năm, nắm rõ như lòng bàn tay các mẫu xe, thậm chí vị trí của pittông xe. Khi ông chủ tuyên bố bắt đầu chuyển sang bán xe Toyota, Carter rất không đồng ý. Ông không muốn biết thêm kiến thức liên quan về xe Toyota, cũng không biết phải giới thiệu thế nào về những chiếc xe có vẻ ngoài cổ quái đó. Tâm trạng bài trừ như vậy có ảnh hưởng lớn đến biểu hiện của ông tại công ty, khiến ông luôn nhắc đi nhắc lại một câu giống hệt nhau mỗi khi tiếp xúc với khách hàng: “Người anh em, loại xe này khác hẳn với loại xe chúng tôi bán trước đây. Nếu anh không quyết định mua, tôi tuyệt đối không trách cứ anh”.

Không cần nói cũng biết, thành tích bán hàng và lương tháng của Carter cứ thế tuột dốc không phanh.

Một nhân viên bán hàng khác tên là Ham lại hoàn toàn khác. Anh nhận thức rõ rằng, kiến thức về xe ô-tô Mỹ của mình sắp mất đi đất dụng võ, vì thế đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi, trao đổi với đại diện nghiệp vụ của công ty Toyota, dốc sức học hỏi các loại kiến thức liên quan đến dòng xe mới, nhờ đó hiểu được ma lực cực kỳ hấp dẫn mà dòng xe công ty sắp làm đại lý sẽ mang đến cho thị trường. Trên thực tế, Ham chính là một trong những người khuyên ông chủ chuyển sang bán xe Nhật. Nhờ sự nhiệt tình giới thiệu với thái độ lạc quan, chẳng bao lâu sau, Ham trở thành nhân viên bán hàng có thành tích nghiệp vụ tốt nhất. Cũng chính nhờ hành động kiến nghị chuyển sang bán xe ô-tô Nhật được ông chủ vô cùng tán thưởng, cuối cùng Ham đã được ông chủ mời làm đối tác kinh doanh.

Thực ra, bản thân sự nghiệp chính là một quá trình không ngừng đi sâu tìm tòi, không ngừng tích lũy và nâng cao. Nếu không học tập và đón nhận sự vật mới, không trang bị đầy đủ cho bản thân bằng kiến thức mới, công nghệ mới thì khi công nghệ mới được sử dụng rộng rãi, bạn có khả năng bị đào thải đầu tiên. Bất kỳ ai trong giới nhân viên, muốn được phát triển, được sinh tồn trong ngành nghề đang thay đổi từng ngày từng giờ, buộc phải chủ động làm mới kết cấu kiến thức của mình, nắm vững kỹ năng, công nghệ mới, bổ sung luồng khí mới cho con đường phát triển sự nghiệp.

5. LÀM MỘT NHÂN VIÊN MẠNH DẠN SÁNG TẠO KIỂU MỚI

Bill Gates nói: “Ở Microsoft, một nhân viên xuất sắc không chỉ cần có kỹ năng nghiệp vụ vững chắc mà còn phải chịu áp lực công việc vô cùng lớn, mạnh dạn tiếp thu kiến thức mới, không ngừng sáng tạo”.

Tháng 6 năm 2002, công ty Microsoft với nguồn nhân lực dồi dào đã tuyển hai thanh niên nam nữ giàu tinh thần sáng tạo làm cố vấn và để họ tham gia vào dự án nghiên cứu trọng tâm mang tên “công nhân tri thức thế hệ sau” của công ty.

Có người cho rằng cách làm này của Microsoft rất “khác người”, nhưng suy nghĩ kỹ, cách làm “khác người” này lại mang ý nghĩa sâu sắc, khiến người khác phải suy ngẫm.

Bởi vì những thanh niên nam nữ được công ty Microsoft tuyển dụng tuyệt đối không phải là “kẻ đầu đường xó chợ”. Họ là những thiên tài máy tính trẻ. Trước tiên, họ rất say mê máy tính, chuyên tâm với nghiệp vụ máy tính, ít màng công danh lợi lộc. Thứ hai, họ có cảm giác nhạy bén, tư tưởng hoạt bát, không kém kinh nghiệm so với người lớn, lại không bảo thủ với một mô thức nhất định, không theo quy định cố định. Bộ não họ luôn không ngừng nảy sinh vô vàn ý tưởng diệu kỳ. Tất cả những phẩm chất trên đều là những gì Microsoft cần.

Microsoft rất coi trọng tinh thần và khả năng sáng tạo của nhân viên. Bill Gates từng nhiều lần khẳng định: “Trong lĩnh vực công nghệ cao, nguyên tắc dùng người không phụ thuộc vào tuổi tác, học lực, kinh nghiệm. Điều mà Microsoft nhấn mạnh là khai thác, phát triển năng lực sáng tạo. Chỉ có kinh nghiệm mà không có khả năng sáng tạo, phong cách làm việc bảo thủ không phải là những gì Microsoft cần”.

Nhà quản lý hàng đầu thế giới Peter Drucker từng nói: “Không sáng tạo sẽ chết”. Câu danh ngôn này đã trở thành bức tranh phản ánh chân thực, đầy đủ quá trình sinh tồn, phát triển của các doanh nghiệp trong thế giới mới. Bất kỳ doanh nghiệp nào, bất kỳ ông chủ nào đều phải coi trọng nhân viên có sức sáng tạo.

Trong các công ty hiện đại, quy trình sát hạch của ông chủ đối với mỗi nhân viên không chỉ bó hẹp trong ưu nhược điểm về kỹ năng nghiệp vụ. Những nhân viên có ý thức, có tinh thần, khả năng sáng tạo càng được ông chủ trọng dụng và tin tưởng hơn.

Tuy nhiên, rất nhiều nhân viên chỉ giữ khư khư thái độ cứng nhắc với cương vị làm việc hiện tại, bảo thủ với những cái đã cũ, thiếu tinh thần sáng tạo, cho rằng sáng tạo là việc của ông chủ, không liên quan đến bản thân, chỉ cần làm tốt công việc của mình là được.

Ý nghĩ này trên thực tế không ổn thỏa lắm. Cần hiểu rằng, trong giới đi làm đầy cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, những gì bạn có thì người khác cũng có, làm thế nào mới có thể bứt phá so với người khác, tất cả quyết định bởi việc liệu bạn có khả năng sáng tạo hay không. Nếu khả năng sáng tạo của bạn vượt trội hơn người khác thì khả năng thành công của bạn sẽ lớn hơn người khác.

Một ý tưởng sáng tạo nhỏ mang đến số lợi nhuận lên đến chục nghìn đô-la

Bill Gates nói: “Ý tưởng sáng tạo hay giống như nguyên tử tách ra, mỗi ý tưởng sáng tạo nhỏ đều sẽ đem đến khoản lợi nhuận thương mại lên đến chục nghìn đô-la”.

Vài năm trước, một người bán một mẩu đồng, ra giá 280 nghìn đô-la Mỹ, phóng viên hiếu kỳ hỏi thăm mới biết đó là một nghệ sỹ. Nhưng đối với một mẩu đồng chỉ đáng giá 9 đôla Mỹ, mức giá đưa ra khi đó đúng là giá trên trời. Nếu chế tạo thành cán dao, giá trị cũng chỉ tăng lên thành 21 đô-la Mỹ, nếu biến thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giá trị cũng chỉ lên đến 300 đô-la Mỹ, nhưng nếu làm thành hàng lưu niệm, giá trị sẽ đạt đến 280 nghìn đô-la Mỹ. Ý tưởng sáng tạo của ông làm lay động một nhà tài chính phố Wall, kết quả mẩu đồng đó cuối cùng trở thành một tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ, cũng là bia kỷ niệm của một người thành công, giá trị cuối cùng lên đến 300 nghìn đô-la Mỹ. Khoảng cách từ 9 đến 300 nghìn đô-la Mỹ chính là giá trị của sức sáng tạo.

Phá vỡ lệ thường, phá bỏ kìm kẹp của lối tư duy truyền thống, cho dù là nhỏ bé, một ý tưởng sáng tạo cũng có thể tạo ra hiệu quả phi thường. Một ý tưởng sáng tạo không mấy được người khác coi trọng của một nhân viên bình thường trong công ty điện máy Toshiba Nhật cho chúng ta một ví dụ thành công thực tế.

Trước và sau năm 1952, công ty điện máy Toshiba Nhật Bản từng tồn đọng một lượng quạt điện lớn không bán được, 70 nghìn công nhân đã vắt óc suy nghĩ tìm biện pháp mở đường nhưng hiệu quả không cao.

Một ngày, một nhân viên bình thường đưa ra ý kiến thay đổi màu sắc của quạt điện với Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm. Ngày đó, quạt điện trên toàn thế giới đều màu đen, quạt điện do công ty Toshiba sản xuất cũng không phải là ngoại lệ. Người nhân viên đã đề nghị chuyển màu quạt điện sang màu nhạt hơn. Ý kiến này nhận được sự tán thành và coi trọng của Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm. Qua nghiên cứu, công ty đã quyết định lựa chọn và áp dụng đề xuất này. Mùa hè năm sau, công ty Toshiba đưa ra thị trường một đợt quạt máy màu xanh nhạt, được phần đông khách hàng đón nhận, thậm chí còn tạo nên một làn sóng mua quạt điện trên thị trường, chỉ trong vài tháng đã bán ra mấy trăm nghìn chiếc, từ đó về sau, ở Nhật Bản nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, quạt điện không chỉ có màu đen nữa.

Ví dụ thực tế này mang tính gợi mở rất lớn. Chỉ cần thay đổi một chút về màu sắc, số lượng lớn quạt điện tồn đọng trong kho lâu ngày đã bán ra mấy trăm nghìn chiếc chỉ trong mấy tháng. Ý tưởng thay đổi màu sắc tuy nhỏ đã mang lại hiệu quả vô cùng to lớn.

Sức sáng tạo là tài sản quý giá nhất, nếu một người có khả năng sáng tạo, sẽ có thể nắm bắt được thời cơ tốt trong cuộc sống, từ đó lập nên những kỳ tích vĩ đại.

Bạn cũng có thể sáng tạo, bạn cũng có thể thành công

Thầy giáo thành công Napoleon Hill cho rằng, sáng tạo không phải là độc quyền của một ngành nghề nào, cũng không phải chỉ có người có trí tuệ phi thường mới sở hữu khả năng sáng tạo. Bạn cũng có thể sáng tạo và bạn cũng có thể thành công.

Trong một công ty bột ngọt Nhật Bản, giám đốc hạ lệnh yêu cầu toàn thể nhân viên, mỗi người đều phải đưa ra một đề xuất nhằm đảm bảo lượng tiêu thụ tăng theo cấp số nhân của công ty. Nhận được lệnh, các bộ phận phòng ban đều bắt tay hành động ngay: Phòng kinh doanh suy nghĩ vấn đề của phòng kinh doanh, phòng tuyên truyền nghiên cứu vấn đề của phòng tuyên truyền, phòng sản xuất cân nhắc vấn đề của phòng sản xuất, mọi người đều đưa ra phương án của mình, ví như đưa ra hình thức quảng cáo đầy sáng tạo, phương án thay đổi hình dáng của lọ đựng bột ngọt, chính sách khen thưởng nhân viên bán hàng, v.v…

Chính trong lúc mọi người tích cực hành động và đưa ra đề xuất của bản thân, một nhân viên nữ không sao nghĩ được phương án cho riêng mình. Chính vào lúc này, khi đang nấu bữa tối, chị định thêm gia vị vào món ăn nhưng lại không rắc ra được vì thời tiết ẩm ướt. Con trai của chị bất giác chọc đũa vào lỗ hổng trên nắp lọ gia vị, dốc sức quấy đều, nhờ thế gia vị đã ra khỏi lỗ hổng trên nắp lọ. Mẹ của nữ nhân viên ngồi ngay cạnh liền nói: “Nếu con thật sự không có đề xuất nào khác, con có thể thử đưa ra đề xuất này xem”. Nữ nhân viên coi đây là chuyện rất bình thường, nhưng cuối cùng cô vẫn trình lên cấp trên đề xuất “làm nắp lọ to gấp đôi”. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là những gì xảy ra sau đó. Đề xuất của nữ nhân viên lọt vào tốp 15 ý kiến sáng tạo đoạt giải thưởng của công ty và nhận được 30 nghìn Yên Nhật. Hơn nữa, sau khi đề xuất của cô đi vào thực tế, thị phần tiêu thụ tăng theo cấp số nhân, đương nhiên nữ nhân viên được nhận giải thưởng đặc biệt từ giám đốc. Người nữ nhân viên do bất ngờ được nhận nhiều giải thưởng vừa mừng vừa lo, cô tự nhủ: “Đề xuất vốn tưởng rất khó, hóa ra ý tưởng đơn giản như vậy cũng được gọi là đề xuất”.

Sáng tạo chẳng phải là việc gì không thể với tới, mỗi người đều có khả năng sáng tạo nào đó. Nhưng rất nhiều người lao động đều có tật lười biếng, không có tinh thần sáng tạo, căn bản chưa bao giờ nghĩ đến việc phải sáng tạo, tất cả mọi việc đều làm theo một mô thức cố định, kết quả là làm đi làm lại vẫn chỉ như thế mà thôi, không có một chút thay đổi hay tiến bộ nào khác.

Đừng cho rằng chúng ta vừa không phải là nhà quyết sách, cũng chẳng phải là lãnh đạo cấp trên, sẽ “vô duyên” với sáng tạo. Nếu chúng ta cũng có thể giống như người nữ nhân viên Nhật Bản kia, đứng vững trên cương vị công tác của chính mình, tìm đúng điểm kết hợp với thực tế, thì dù chỉ một cải tiến nho nhỏ bị coi nhẹ thường ngày được áp dụng vào công việc cũng có thể phát huy tác dụng to lớn. Cần tin chắc rằng: sáng tạo không phải là độc quyền của nhân vật xuất chúng, chúng ta cũng có thể sáng tạo!

Có khả năng sáng tạo mới có sức cạnh tranh chính

Một phóng viên từng hỏi tỷ phú Hồng Công Lý Gia Thành như sau: “Tại sao thành công tích lũy mấy chục năm của ông vẫn không bằng sự phất lên trong vài năm của Bill Gates?”. Lý Gia Thành cảm thán “hậu sinh khả úy”, và còn thẳng thắn thừa nhận Bill Gates nắm vững nguồn tài nguyên mà thời đại này thiếu nhất, đó là tinh thần và khả năng sáng tạo. Lý Gia Thành nói, sáng tạo có thể khiến một “sản phẩm mới’ chiến thắng một “sản phẩm danh tiếng” lưu hành trên thị trường mấy chục năm chỉ trong một đêm ngắn. “Sản phẩm mới” bắt nguồn từ đâu? Từ những nhân tài sáng tạo.

Ở phương tây, một số nhà quản lý nguồn nhân lực đã chia những phẩm chất của một nhân tài thành tố chất tích lũy và khả năng bẩm sinh, trong đó tố chất tích lũy bao gồm kiến thức, học lực, kinh nghiệm v.v…; còn khả năng bẩm sinh bao gồm khả năng điều khiển, khả năng học tập, khả năng thích nghi, khả năng điều tiết trao đổi, khả năng sáng tạo, v.v… Họ cho rằng, chỉ khi suy xét tất cả những yếu tố cấu thành nhân tài kia mới có thể đánh giá nhân tài một cách khách quan và toàn diện. Nhưng trong vô số yếu tố cấu thành nhân tài kia, yếu tố nào quan trọng nhất? Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là khả năng sáng tạo.

Có khả năng sáng tạo mới có sức cạnh tranh, vì thế, khả năng sáng tạo là khả năng đầu tiên của một người chiến thắng. Chuyên gia phát triển tâm hồn trí tuệ nổi tiếng Mỹ John Chaffee nói: “Khả năng sáng tạo là nguồn sức mạnh sống to lớn, nó tăng thêm sức sống và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Khả năng sáng tạo là tia hy vọng duy nhất để thay đổi vận mệnh của bạn”.

Bill Gates cũng có một câu danh ngôn: “Microsoft chỉ cách thời điểm phá sản 18 tháng”. Câu nói của ông có nghĩa là, nếu không có cách nào để sáng tạo và tiến bộ, có thể chỉ một năm sau công ty sẽ không còn tồn tại. Doanh nghiệp là như vậy, cá nhân con người cũng như vậy.

Mỗi khi xã hội tiến thêm một bước, lịch sử lại lật sang một trang mới, không đâu không có dấu chân sáng tạo của loài người. Sáng tạo là cội nguồn của tài sản, vô số ví dụ chứng minh cho chúng ta rằng: chỉ có sáng tạo mới là yếu tố đầu tiên của thành công. Nếu có người nói năng lực và tố chất của một người có mức lương hàng năm lên tới 500 nghìn Nhân dân tệ là tổng năng lực và tố chất của 10 người có mức lương 50 nghìn Nhân dân tệ 1 năm, bạn sẽ nói họ thật ấu trĩ; nhưng nếu có người nói, khả năng sáng tạo của một người có mức lương hàng năm lên tới 500 nghìn Nhân dân tệ gấp 10 lần khả năng sáng tạo của một người có mức lương 50 nghìn Nhân dân tệ 1 năm, bạn có cười họ hay không? Chúng ta đều biết rõ: người có mức lương 500 nghìn Nhân dân tệ 1 năm chưa chắc đã có 10 lần khả năng của người có mức lương 50 nghìn Nhân dân tệ 1 năm, nhưng so với người có mức lương 50 nghìn Nhân dân tệ 1 năm thì họ hoàn toàn có thể có tốc độ phát triển gấp 10 hoặc hơn 10 lần, bởi vì không ai có thể nói chính xác, rõ ràng sức mạnh ẩn chứa trong khả năng sáng tạo. Đúng như Jack Welch, cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn GE đã đúc kết: “Nếu bạn muốn tàu hỏa chạy nhanh lên 10 km, bạn chỉ cần tăng thêm mã lực; nhưng nếu bạn muốn tốc độ của tàu tăng gấp đôi, bạn phải thay đổi toàn bộ đường ray”.

Có khả năng sáng tạo nghĩa là có thể tạo ra một thứ gì chưa từng tồn tại trước đây, đó có thể là một sản phẩm, cũng có thể là một quá trình, cũng có thể là một luồng tư tưởng. Thực ra trong công việc, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể có ý tưởng sáng tạo, chỉ là chúng ta chợt nghĩ đến rồi bỏ qua mà không biết rằng trong những ý tưởng đó có ẩn chứa cơ hội kinh doanh tuyệt vời. Sự khác biệt là ở chỗ, có người nắm chắc ý tưởng mới còn người khác lại cho qua dễ dàng.

Nữ kỳ tài trong kinh doanh, tỷ phú với số tài sản lên đến trăm triệu bảng Anh – Anita Roddick trước khi kinh doanh mỹ phẩm trang điểm là một người rất thích mạo hiểm, bà đã thử hoạt động trong rất nhiều ngành nghề khác nhau và cũng thực hiện không ít lần kinh doanh nhưng đều thất bại. Một hôm, khi đang nói chuyện với người bạn trai, bà liền nảy sinh một ý tưởng thần kỳ: Tại sao mình lại không thể bán mỹ phẩm theo trọng lượng hay dung lượng giống với người bán tạp hóa hoặc bán rau? Tại sao mình lại không thể bán một lọ kem mặt hoặc kem bôi toàn thân nhỏ? Tại sao không đầu tư vào thiết kế bao bì đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng? Bà là người dám nghĩ dám làm nên đã bắt tay ngay vào việc thực hiện ý tưởng. Cuối cùng bà đã thành công.

Trong công việc, càng có khả năng sáng tạo, bạn càng có sức cạnh tranh, quan điểm và ý tưởng của bạn càng nhiều thì năng lực của bạn càng được chứng minh, khả năng thành công càng cao.

Những nhân viên đạt được thành công trong sự nghiệp lớn thường không phải là người chỉ suy nghĩ, xem xét vấn đề theo lối đã có, mà là người biết cân nhắc vấn đề trên lập trường sáng tạo. Làm một nhân viên sáng tạo, thoát khỏi những ràng buộc của ngành nghề, bạn sẽ thấy, nếu có ý thức và khả năng sáng tạo, thành công là một việc rất dễ dàng.

Có một câu châm ngôn La-tinh: “Mỗi người đều là nhà thiết kế vận mệnh của chính mình”. Hãy để ý tưởng và quan điểm tự do của bạn được tung cánh bay trong không gian mênh mông, hãy để ham muốn sáng tạo của bạn được tung cánh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.