10 Nguyên Tắc Trở Thành Nhân Tài Của Bill Gates

NGUYÊN TẮC THỨ VII: HỌC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ KINH DOANH, QUAN TÂM, THEO SÁT SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP



Một nhân viên xuất sắc sẽ luôn cố gắng hết mình để tìm hiểu, học hỏi nguyên lý kinh tế vận hành nghiệp vụ của công ty: Tại sao nghiệp vụ của công ty lại được vận hành như thế này? Mô hình nghiệp vụ của công ty là gì? Làm thế nào mới thu được lợi nhuận?

Người nhân viên cần phải hiểu nguyên lý khiến các doanh nghiệp trong ngành có lãi hoặc thất thu mới có thể có sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị công việc mình đang làm.

1. NHÂN VIÊN XUẤT SẮC CẦN HỌC VÀ HIỂU PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ KINH DOANH

Trong giới đi làm ngày nay, rất nhiều người giỏi chuyên môn kỹ thuật nhưng lại không biết gì về phương thức quản lý và kinh doanh. Họ không hào hứng với nguyên lý kinh tế, càng không muốn tìm hiểu quy trình vận hành nghiệp vụ của công ty, vì thế càng không muốn học và hiểu cách thức quản lý.

Đối với những người như vậy, học và hiểu phương thức quản lý kinh doanh là việc của ông chủ và những người làm công tác quản lý, không liên quan gì đến họ, họ chỉ cần làm tốt công việc thuộc bổn phận, trách nhiệm của mình là được. Họ đâu biết rằng, các doanh nghiệp ngày nay đều kêu gọi “nhân tài toàn diện”. Là một nhân viên, nếu chỉ có kiến thức về một mặt nhất định, bạn sẽ bị hạn chế rất nhiều trong công việc, bởi vì kiến thức một chuyên ngành thường không đủ để giải quyết vấn đề phức tạp trong kinh doanh.

Bill Gates nói: “Một nhân viên xuất sắc sẽ luôn cố gắng hết mình để tìm hiểu, học hỏi nguyên lý kinh tế trong việc vận hành nghiệp vụ của công ty: Tại sao nghiệp vụ của công ty lại được vận hành như thế này? Mô hình nghiệp vụ của công ty là gì? Làm thế nào mới thu được lợi nhuận?”. Theo Bill Gates, một nhân viên không những cần phải hiểu kỹ thuật mà càng cần phải học phương thức quản lý kinh doanh.

Nhân viên các doanh nghiệp hiện đại cần là nhân tài tổng hợp, vừa có trình độ kỹ thuật, vừa hiểu quản lý, hiểu thị trường. Chỉ biết kỹ thuật, không biết kinh doanh, không hiểu quy luật thị trường đều không được.

Một công ty kỹ thuật cao có một nhân viên nghiên cứu có trình độ kỹ thuật vững vàng tên là Đường Đông. Sản phẩm mới do anh nghiên cứu, sáng chế đã từng giúp công ty thoát khỏi bờ vực phá sản. Trước sự giới thiệu của Bí thư Đảng ủy công ty, Đường Đông được thăng chức Tổng giám đốc công ty.

Mấy năm đầu, được Bí thư Đảng ủy đức cao vọng trọng tích cực ủng hộ trong công việc, Đường Đông tránh được các công việc hành chính cũng như các mối quan hệ xã hội phức tạp, tập trung sức lực vào công tác nghiên cứu, khai thác sản phẩm mới, vì thế doanh thu của công ty vẫn được đảm bảo. Nhưng sau khi Bí thư Đảng ủy nghỉ hưu, tình hình trái ngược hoàn toàn, một mặt do anh thiếu năng lực tổ chức cũng như trình độ quản lý, mặt khác do một phó giám đốc trong ban lãnh đạo có hiềm khích với anh vì không được thỏa mãn khi bị anh ngăn cản trong việc mua nhà và đưa con trai vào công ty. Sau đó, trong việc bán sản phẩm, Đường Đông lại không đồng ý phương án “thu hồi vốn sau” của Trưởng phòng kinh doanh, dẫn đến sự bất mãn của nhân viên bán hàng. Vị phó giám đốc và trưởng phòng kinh doanh liên kết với nhau chống lại anh, khiến doanh thu bán hàng của công ty ngày một đi xuống, thị trường vốn có dần bị các nhà máy khác chiếm lĩnh. Thực tế này khiến công ty phải chịu tổn thất nặng nề. Đứng trước tình hình doanh thu công ty giảm nhanh chóng, lãnh đạo cấp trên không còn cách nào khác, đành phải tuyển giám đốc mới thông qua đấu thầu.

Bill Gates biết kỹ thuật, nhưng ông càng hiểu hơn làm thế nào biến công nghệ thành tài sản. Trong thời đại công nghiệp, ông mở đầu thời đại bùng nổ tin tức, khai thác quảng bá sản phẩm thông tin có ý nghĩa lũng đoạn nhất; trong thời đại thông tin, ông lại có thể vận dụng thành công phương thức kiếm tiền của thời đại công nghiệp, tức là kiếm bội tiền nhờ mỏ tài nguyên chính là sản phẩm công nghệ thông tin. Bill Gates không chỉ là chuyên gia công nghệ mà còn là nhà quản lý kinh doanh tài ba. Nếu ông không biết kinh doanh, không giỏi quản lý, thì cùng lắm ông chỉ là một nhân viên lập trình xuất sắc mà thôi, sao có thể là một tỷ phú như ngày nay? Đây chính là bí quyết lớn nhất để ông và Microsoft trở thành “tỷ phú hàng đầu thế giới” và duy trì được danh hiệu này trong thời gian dài.

Sau khi kinh tế toàn cầu hóa, tiêu chí tuyển nhân viên của các doanh nghiệp chuyển hướng từ “nhân tài chuyên nghiệp” về kỹ thuật, quản lý, kinh tế thương mại sang “nhân tài tổng hợp” của kỹ thuật, quản lý và kinh tế thương mại.

Trên cơ sở đó, Bill Gates trước sau như một tuân thủ một sách lược và tổng kết sách lược đó thành 4 nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, tuyển một giám đốc điều hành có trình độ cao cả về công nghệ lẫn quản lý kinh doanh.

Thứ hai, luôn quay quanh thị trường sản phẩm, cố gắng vượt chức năng kinh doanh, tổ chức và quản lý một cách linh hoạt.

Thứ ba, cố gắng hết sức để tuyển dụng nhân viên, giám đốc có tư duy, vừa am hiểu công nghệ thông tin vừa giỏi kinh doanh.

Thứ tư, tuyển dụng nhân viên hàng đầu, hiểu biết sâu về chuyên ngành công nghệ cũng như quản lý kinh doanh. Sự trỗi dậy của công ty Microsoft chính là nhờ đội ngũ nhân tài vừa tinh thông công nghệ mới vừa giỏi kinh doanh, trong đó Bill Gates là đại diện đầu tiên.

Không ít doanh nghiệp khi đứng trước thử thách của thời đại kinh tế mới đã bắt đầu chiêu mộ nhân tài công nghệ và nhân tài kinh doanh có tố chất cao, bởi vì họ hiểu rõ rằng, không có những nhân tài vừa am hiểu công nghệ kỹ thuật vừa biết kinh doanh, sự nghiệp của công ty sẽ không có bất kỳ hy vọng nào.

Trong sự nghiệp, nguy hiểm nhất là khi bạn đứng nguyên một chỗ và đối mặt với thế giới thiên biến vạn hóa trong tích tắc. Cách giải quyết tốt nhất cho bất kỳ vấn đề gì là nhìn thấy con đường, phương hướng phía trước. Điều này đòi hỏi một nhân viên xuất sắc nếu muốn phát triển ở công ty, cần có hứng thú đối với việc học hỏi nguyên lý kinh tế, mở rộng tầm nhìn của bản thân. Chỉ khi có tố chất cao, có kỹ năng làm việc, biết kinh doanh, giỏi quản lý, người nhân viên mới mong có thể tồn tại và phát triển từng bước vững chắc trước sự cạnh tranh khốc liệt trong tương lai.

2. NHẬN THỨC ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA CÔNG VIỆC, MANG LẠI NHIỀU LỢI NHUẬN CHO CÔNG TY

Một nhân viên nếu muốn có chỗ đứng trong công ty, cần phải có nhận thức sâu sắc về giá trị công việc mình đang làm, chỉ khi xác định rõ giá trị của công việc, mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty mới có thể trụ vững và chiến thắng trong thương trường.

Bill Gates nói: “Người có thể mang lại lợi nhuận cho công ty mới là người công ty cần nhất”.

Trong xã hội ngày nay, phần lớn các công ty, doanh nghiệp đều do các ông chủ tự bỏ vốn đầu tư gây dựng. Công ty là của ông chủ, họ phải có lợi ích kinh tế mới có thể tiếp tục duy trì công ty. Vì thế, đã qua rồi thời đại chỉ biết phục tùng mệnh lệnh, khúm núm để lấy lòng lãnh đạo như trong quá khứ! Những nhân viên năng lực bình thường, không có thành tích, dù có uốn mình phụ họa đến đâu cũng khó có thể làm hài lòng ông chủ.

Là một nhân viên, muốn có được thành công trong nghề nghiệp, bạn cần đặt ra mục tiêu làm thế nào giúp doanh nghiệp vừa kiếm được tiền vừa tiết kiệm tiền. Làm như vậy, bạn nhất định sẽ trở thành nhân vật chính trong lễ tuyên dương cuối năm, không những có hoa tươi, rượu ngọt mà còn có tiền thưởng hậu hĩnh.

Có một vị trí luôn khuyết người

Dù cạnh tranh khốc liệt đến đâu, luôn có một vị trí khuyết người, đó là người thật sự có thể mang lại lợi nhuận cho công ty.

Sau một thời gian dài bôn ba tìm việc làm, cuối cùng Lý Lợi cũng được một công ty kinh doanh dụng cụ nhà bếp tuyển dụng. Thời gian thử việc một tháng, trong thời gian này không có lương cơ bản, tiền lương là 20% doanh thu bán hàng hàng tháng.

Một bộ dụng cụ nhà bếp có giá là 2.800 Nhân dân tệ, con số này chẳng phải vấn đề gì to lớn đối với người dân thành phố có thu nhập cao, nhưng do người dân thành phố ác cảm với cách tiếp thị cũng như không tin tưởng vào nhân viên tiếp thị, nên dù đã dốc sức cả tuần liền, Lý Lợi vẫn chưa ký được hợp đồng nào. Trong số 19 đồng nghiệp vào công ty cùng đợt với Lý Lợi, 2 người do không chịu được áp lực đã chủ động xin thôi việc. Hai đồng nghiệp khác lại hạ giá bán sản phẩm, giá thấp nhất có thể hạ xuống là 2.300 tệ, vì thế chỉ kiếm được 60 tệ mỗi khi bán được một bộ sản phẩm. Giá cả đúng là ưu thế có sức cạnh tranh, nhất là khi chất lượng dụng cụ bếp khá cao. Quả nhiên, đơn đặt hàng tới tấp đến với họ. Thấy vậy, các đồng nghiệp khác cũng thi nhau làm theo. Giá cả cũng vì thế mà trở nên hỗn loạn, đã mấy lần Lý Lợi thuyết phục được khách hàng nhưng cuối cùng lại không ký được đơn đặt hàng do nguyên nhân về giá cả.

Sau thời gian thử việc 1 tháng, mọi người cùng ngồi họp lại với nhau, Lý Lợi cảm thấy lo lắng nhất, bởi vì cô chỉ có được hai đơn đặt hàng trong tay, còn các đồng nghiệp khác, ít cũng là 10 đơn đặt hàng, nhiều lên tới 30 đơn đặt hàng.

Tổng giám đốc nói với họ rằng: “Qua nghiên cứu, công ty quyết định tuyển dụng một người trong số họ, người được tuyển có mức lương tháng cơ bản là 800 tệ, hỗ trợ nhà ở 200 tệ, tiền thưởng là 20% doanh thu bán hàng”. Lý Lợi ngay tức khắc cảm thấy nỗi buồn dâng trào, cô biết rằng bản thân mình chắc chắn không còn hy vọng gì nữa.

Nhưng khi Tổng giám đốc tuyên bố Lý Lợi là người được tuyển dụng chính thức, không chỉ đồng nghiệp, ngay cả Lý Lợi cũng hết sức ngạc nhiên. Một vài đồng nghiệp lên tiếng bất bình, Tổng giám đốc mỉm cười trả lời: “Cô ấy chỉ có hai đơn đặt hàng, nhưng hai đơn đặt hàng của cô ấy đều được ký theo đúng giá do công ty quy định. Từ lâu, công ty đã có quy định, nhân viên không được tự ý nâng giá hay giảm giá sản phẩm, tôi mong rằng nhân viên của mình có thể trung thành với công ty. Hơn nữa, giá cả do công ty quy định đã được tính toán một cách toàn diện bao gồm cả lợi ích của nhân viên cũng như của công ty. Để có được đơn đặt hàng mà không ngại mất đi phần lợi ích mình đáng được hưởng, điều này không có gì là sai lầm, nhưng các bạn làm việc vất vả là vì lý do gì? Tôi muốn nhân viên của mình xác định được giá trị công việc mình làm, không những vì lợi ích của công ty mà còn vì lợi ích của chính bản thân”.

Bất kỳ công ty nào cũng đều mong nhân viên không những mang lại lợi nhuận cho công ty mà còn có thể mang lại lợi nhuận cho chính mình. Giá trị công việc của một người, ngoài mang lại cảm giác hài lòng về thành quả lao động ra, còn phải đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Là một nhân viên, từng giờ từng phút bạn đều phải coi việc mang lại hiệu quả và thành tích cho công ty là nhiệm vụ của bản thân, cố gắng kiếm lợi nhuận cho công ty, trưởng thành theo sự trưởng thành của công ty.

Mang lại lợi nhuận cho công ty là nhiệm vụ quan trọng của nhân viên

Doanh thu, lợi nhuận là mục tiêu cốt lõi của bất kỳ công ty nào muốn tồn tại và phát triển trên thương trường; lợi nhuận ở mức lớn nhất là mục tiêu chung, mục tiêu lớn nhất, và cũng là mục tiêu cuối cùng của ông chủ và toàn thể nhân viên trong công ty. Là một nhân viên, bạn nhất định cần phải mang lại tài sản cho công ty và cần phải coi việc mang lại giá trị cho công ty là sứ mệnh vinh quang của bản thân.

Đặc biệt, những nhân viên làm việc trong các phòng ban nghiệp vụ cần luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để nắm bắt thời cơ, làm thế nào để mở rộng thị trường, làm thế nào để mở rộng phạm vi tuyên truyền quảng cáo sản phẩm; cần thường xuyên tính toán xem rốt cuộc hành động, việc làm của mình còn cách mục tiêu lớn là kiếm lời cho công ty bao xa; cần tính toán chính xác số lượng tài sản bản thân mang lại cho công ty. Coi việc mang lại lợi nhuận cho công ty là thiên chức của bản thân, coi đó là mục tiêu quan tâm từng giờ từng phút bằng toàn bộ tinh thần, làm việc bằng toàn bộ sức lực.

Có một câu chuyện kể rằng, nhân vật chính là một nhà quý tộc, ông cần xa nhà trong một thời gian dài. Trước khi xuất hành, ông gọi 3 người hầu đến và phát cho họ một số bạc để họ tự lập nghiệp theo khả năng của mình.

Sau này, khi nhà quý tộc trở về, ông gọi 3 người hầu năm xưa đến để tìm hiểu tình hình kinh doanh của họ.

Người hầu thứ nhất nói: “Thưa ông chủ, ngài giao cho tôi 5000 lạng bạc, tôi đã dùng số bạc đó kiềm được thêm 5.000 lạng bạc”.

Vị quý tộc nghe xong cảm thấy rất vui, liền cất lời khen ngợi: “Người hầu lương thiện của ta, ngươi vẫn rất trung thành với ta ngay cả trong chuyện kiếm tiền. Ngươi lại có tài năng như vậy, ta sẽ giao cho ngươi quản lý rất nhiều việc”.

Người hầu thứ hai tiếp tục: “Thưa ông chủ, ông giao cho tôi 2.000 lạng bạc, tôi đã dùng số bạc đó kiếm thêm được 2.000 lạng bạc nữa”.

Vị quý tộc cũng rất vui mừng ngợi khen: “Ta có thể giao cho ngươi quản lý một số việc nhất định”.

Người hầu thứ ba bước đến trước mặt vị quý tộc, mở chiếc khăn tay được gấp cẩn thận và nói: “Thưa ông chủ đáng kính, ngài nhìn xem, đây chính là 1.000 lạng bạc người giao. Tôi đã chôn chúng xuống đất, nghe nói người trở về, tôi liền đào chúng lên”.

Vẻ mặt của vị quý tộc bỗng nhiên chùng hẳn xuống: “Tên hầu lười nhác kia, ngươi đã lãng phí tiền của ta!”. Vì thế ông đã lấy lại 1.000 lạng bạc và nói với anh rằng: “Nếu người có khả năng thì cần thêm ta cũng cho, nhưng nếu người không có khả năng, thì ta phải lấy lại cả những gì ngươi có”.

Người hầu đó vốn tưởng mình sẽ được ông chủ khen ngợi. Theo anh, mặc dù không thể tăng thêm giá trị của số bạc, nhưng cũng không đánh mất, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ ông chủ giao phó. Tuy nhiên, ông chủ của anh lại không cho là như vậy, ông muốn họ thể hiện xuất sắc hơn, phải làm cho số bạc ông giao sinh sôi nảy nở.

Đây chính là “hiệu ứng Matthew” nổi tiếng, câu chuyện này đã chỉ rõ, tăng giá trị tài sản là thiên chức của mỗi nhân viên. Nếu ông chủ tin tưởng, giao cho bạn một số vốn để kinh doanh một dự án, bạn không được lỗ vốn, hơn nữa còn phải mang lại số tài sản cao gấp mấy chục lần so với số vốn ban đầu, như thế bạn mới được xem là đã hết mình thực hiện nhiệm vụ. Ngược lại, nếu không thể làm tăng giá trị vốn, lỗ vốn hoặc chỉ duy trì mức vốn ban đầu, bạn cũng sẽ giống người hầu thứ ba, là một nhân viên “lười nhác”, không thực hiện hết chức trách của mình.

Cần hiểu rằng mục tiêu hàng đầu của công ty là kiếm tiền, dù bạn làm việc trong ngành nghề nào, bạn đều có thể chứng minh bản thân là tài sản quý giá nhất của công ty, chứng minh bạn có thể giúp công ty kiếm tiền.

Là một nhân viên, kiếm tiền cho công ty trở thành trách nhiệm không thể thoái thác. Nếu muốn có sự phát triển trong thương trường cạnh tranh khốc liệt, trở thành đối tượng được ông chủ coi trọng, bạn cần ghi nhớ, kiếm tiền cho công ty mới là việc quan trọng nhất.

3. HÌNH THÀNH Ý THỨC LÀM CHỦ, LUÔN SUY NGHĨ VÌ CÔNG TY

Ở Microsoft, tiền đồ của công ty và nhân viên luôn gắn liền với nhau, nhân viên của Microsoft có ý thức làm chủ rất mạnh mẽ, điều này khiến họ luôn suy nghĩ cho công ty, trước bất cứ việc gì đều toàn tâm toàn sức cống hiến. Chính vì có đội ngũ nhân viên luôn suy nghĩ cho công ty như vậy, Microsoft mới có thành tích phi thường như hôm nay.

Là một nhân viên trong công ty, cần xác định đúng đắn vị trí của bản thân, phát huy đầy đủ tinh thần làm chủ. Trong công việc, cần phải tích cực suy nghĩ, ứng biến linh hoạt, có ý thức “doanh nghiệp hưng thịnh, bản thân vinh quang; doanh nghiệp suy yếu, bản thân thất bại”. Doanh nghiệp phát huy tốt tinh thần làm chủ là một doanh nghiệp năng động, tràn đầy sức sống; ngược lại, doanh nghiệp không phát huy được tinh thần làm chủ sẽ chỉ là một toa tàu vận hành cứng nhắc, sớm muộn cũng mất phương hướng trong cơn sóng lớn của kinh tế thị trường.

Tất cả mọi hành động đều bắt nguồn từ lợi ích của công ty

Một doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn tiến hành bồi dưỡng cho nhân viên về giá trị quan cốt lõi của doanh nghiệp, giáo viên nhiệt tình kể một câu chuyện:

Ngày cô dâu về nhà chồng, phát hiện nhà chú rể có chuột, cười và nói: “Nhà anh hóa ra cũng có chuột!”. Sáng sớm hôm sau, chú rể bị đánh thức bởi âm thanh của một trận truy đuổi và nghe thấy tiếng cô dâu đang hét: “Lũ chuột đáng chết, đập chết mày, đập chết mày, mày dám ăn vụng gạo nhà chúng tao”.

Kể đến đây, thầy giáo mỉm cười, rút ra đại ý một cách rất tự nhiên: Mỗi nhân viên sau khi vào công ty đều nên có tinh thần “như cô dâu về nhà chồng”, cần hình thành ý thức làm chủ.

Một công ty cho ra mắt thị trường sản phẩm mới nên cần thay đổi thương hiệu, mọi người đều chạy ngược chạy xuôi, bận rộn vì lần đổi thương hiệu này. Trong chuỗi công việc đó có một khâu chi tiết, đó là công ty cần sơn mới toàn bộ bảy, tám mươi biển quảng cáo trên các trục đường trong phạm vi toàn quốc. Một hôm, Tô Nhai, người phụ trách kế hoạch đổi mới thương hiệu công ty hốt hoảng chạy đến trước mặt Tổng giám đốc và trình bày ý kiến cho rằng có thể tiết kiệm một khoản kinh phí chừng 300 nghìn Nhân dân tệ, bởi vì 78 tấm biển quảng cáo bên đường này có kích cỡ to nhỏ khác nhau, vốn định tìm công ty quảng cáo giúp in hơn 70 tấm hình quảng cáo, tốn mất 300 nghìn tệ, nhưng nếu nhân viên mỹ thuật của công ty làm tăng ca một, hai ngày là có thể hoàn tất, như vậy có thể tiết kiệm được khoản kinh phí này.

Thực ra trong quá trình đổi mới thương hiệu này, công ty tiêu tốn rất nhiều tiền, khoản kinh phí này cũng đã sớm nằm trong ngân sách dự toán, nhưng Tô Nhai đã suy nghĩ đến vấn đề này, sau đó đưa ra kiến nghị như vậy trên tinh thần làm chủ “chỉ dùng tiền vào việc làm cần thiết”.

Tinh thần làm chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức cạnh tranh của công ty. Bởi vì nếu mỗi người đều có tinh thần làm chủ, coi việc của công ty là việc của bản thân, công ty sẽ tự nhiên hình thành sức cạnh tranh rất lớn. Mọi người sẽ giảm thiểu tất cả chi phí có thể, bao gồm chi phí thông tin liên lạc, chi phí hợp đồng, chi phí giám sát, chi phí thực hiện đều có thể giảm thiểu ở mức lớn nhất, còn có thể nâng cao tiềm năng của mỗi người ở mức cao nhất. Bởi vì chỉ cần bạn có tinh thần làm chủ, bạn sẽ cho rằng mỗi việc mình làm đều có giá trị.

Làm việc trong công ty hiện đại, chúng ta cần phát huy cao độ tinh thần làm chủ, đặt từng hành động, từng việc làm của mình vào quỹ đạo phát triển của công ty, coi mục tiêu của công ty là mục tiêu của bản thân, chịu trách nhiệm về công việc mình làm, tất cả mọi hành động đều xuất phát từ lợi ích dài lâu của công ty.

Dĩ nhiên, tinh thần làm chủ có bao gồm hàm ý “cống hiến”, nhưng cùng lúc với “cống hiến”, không những trực tiếp giúp công ty, bản thân người lao động chính là đối tượng được lợi nhiều nhất, họ có được tài sản “thuộc về chính mình” một cách đường hoàng. Nếu phóng tầm mắt xa hơn một chút, chúng ta sẽ thấy có thể bồi dưỡng, hun đúc tinh thần lập nghiệp từ cơ sở tinh thần làm chủ. Tinh thần lập nghiệp, năng lực lập nghiệp là biểu hiện rõ nhất, cao nhất của năng lực cá nhân. Bởi vì lập nghiệp chính là “làm nên sự nghiệp từ con số không”, lập nghiệp chính là dùng nguồn vốn nhỏ nhất để thu về giá trị lớn nhất, chính là đào tạo, bồi dưỡng khả năng dùng tiền vào đúng mục đích, đúng việc cần làm. Khả năng này cực kỳ quý báu đối với một người phấn đấu trên thương trường và sẽ mãi mãi theo người lao động trong suốt quá trình trưởng thành, khả năng này không bị giới hạn do môi trường làm việc hay tính chất công việc. Nếu so với việc có được một vị trí trong công ty, khả năng này có giá trị hơn nhiều, bởi vì đây là tài sản của chính bạn, không ai có quyền lấy đi.

Luôn nghĩ vì công ty

Trong xã hội ngày nay, tuyệt đại đa số mọi người đều bắt đầu từ một nhân viên bình thường và đặt nền móng cho sự nghiệp của mình ở một công ty nào đó. Chỉ cần bạn là một nhân viên trong công ty, bạn nên vứt bỏ mọi lý do để trung thành và có trách nhiệm đối với công việc của bản thân, hòa mình vào công ty, làm việc hết mình, luôn nghĩ cho công ty. Nếu làm được như vậy, bất kỳ ông chủ nào cũng sẽ coi bạn là trụ cột của công ty.

George là một nhân viên vừa vào công ty, phụ trách công tác đo lường. Vừa mới vào làm việc tại công ty chưa đầy một tháng, anh đã phát hiện có rất nhiều quặng sắt chưa được tinh luyện hết. Nếu cứ tiếp tục tình hình này, công ty sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Thế nên anh đã tìm đến người công nhân chịu trách nhiệm thực thi công việc này để nói rõ vấn đề. Người công nhân này nói: “Nếu có vấn đề kỹ thuật, kỹ sư sẽ báo cho chúng tôi biết. Đến nay, vẫn chưa có kỹ sư nào nói với chúng tôi cả, điều này có nghĩa là chẳng có vấn đề gì xảy ra hết”.

George lại tìm đến kỹ sư phụ trách kỹ thuật để nói rõ những gì tận mắt chứng kiến. Người kỹ sư rất tự tin khẳng định rằng công nghệ kỹ thuật của họ đứng hàng đầu thế giới, sao có thể tồn tại sự sơ suất như vậy. Người kỹ sư coi lời nói của George như gió thoảng bên tai, thậm chí còn tự cho rằng, một sinh viên đại học vừa rời ghế nhà trường thì biết gì nhiều, chắc chắn là muốn gây cảm tình với người khác nên mới “ra vẻ”.

Nhưng George cho rằng, đây là một vấn đề tương đối nghiêm trọng, anh đã mang những quặng sắt chưa tinh luyện hết đến gặp kỹ sư trưởng phụ trách công nghệ của công ty và nói: “Thưa ông, tôi cho rằng đây là một hòn quặng chưa được tinh luyện hết, ông thấy có đúng không?”.

Vị kỹ sư trưởng vừa nhìn đã khẳng định: “Anh nói đúng đó, người thanh niên. Từ đâu mà anh có cục quặng này?”. George trả lời: “Thưa ông, đây là hòn quặng của công ty chúng ta”.

“Sao có thể như vây? Công nghệ của chúng ta là hàng đầu thế giới, sao có thể tồn tại vấn đề kỹ thuật này?”. Vị kỹ sư trưởng không kém phần ngạc nhiên đặt câu hỏi. “Các kỹ sư cũng nói như ông, nhưng sự thật là đây”. George điềm tĩnh khẳng định.

“Xem ra có trục trặc gì đó rồi. Sao không có ai báo cáo lại với tôi?”. Vị kỹ sư trưởng bắt đầu bực mình.

Kỹ sư trưởng triệu tập tất cả các kỹ sư phụ trách công nghệ đến công trường sản xuất, quả nhiên phát hiện thấy một số quặng chưa được tinh luyện hết. Qua kiểm tra, hóa ra một linh kiện của máy đo gặp sự cố, dẫn đến hiện tượng quặng không được tinh luyện đầy đủ.

Sau khi Tổng giám đốc công ty biết chuyện, ông không những khen thưởng George mà còn đề bạt anh nhậm chức kỹ sư phụ trách giám sát công nghệ. Tổng giám đốc cảm khái nói: “Công ty chúng ta không thiếu kỹ sư, nhưng thiếu kỹ sư có trách nhiệm, bao nhiêu kỹ sư như vậy mà không có lấy một người phát hiện ra vấn đề, khi có người phản ánh, họ còn không tiếp thu. Đối với một doanh nghiệp, nguồn nhân tài vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nhân tài có tinh thần làm chủ thực sự”.

George đạt được thành công đầu tiên trong sự nghiệp của mình, tất cả đều đến từ tinh thần làm chủ và ý thức luôn nghĩ vì lợi ích công ty của anh.

Người nhân viên luôn làm việc với tinh thần của người làm chủ, luôn nghĩ cho công ty, coi công ty là của mình, dốc tâm dốc sức, thực hiện hết trách nhiệm cần có, cuối cùng sẽ hái được quả ngọt thành công.

4. COI MÌNH LÀ ÔNG CHỦ, COI CÔNG TY DO CHÍNH MÌNH SÁNG LẬP

Trong công việc, chúng ta thường bắt gặp những nhân viên chỉ biết làm việc với tinh thần của người làm thuê. Họ cho rằng, công ty là của ông chủ, bản thân chỉ làm việc cho ông chủ, có làm tốt đến đâu, có giúp công ty kiếm bao nhiêu tiền đi nữa, người được lợi duy nhất vẫn chỉ là một mình ông chủ mà thôi.

Nếu người nhân viên làm việc với tinh thần, thái độ như vậy, sẽ không dốc hết tâm sức cống hiến cho công ty, cũng sẽ không chung ý nghĩ với ông chủ, càng không hành động giống ông chủ, vậy thì chẳng bao giờ có thể trông chờ ông chủ trọng dụng, đề bạt. Những người như thế sẽ mãi mãi là người làm thuê.

Bill Gates từng nhắc nhở nhân viên của mình: “Dù làm việc trong công ty nào, ngành nghề nào, các bạn đều phải đầu tư công sức, chăm chỉ làm việc, coi công ty là của mình, coi tất cả công việc của công ty là công việc của mình, đó mới là tố chất của một nhân viên xuất sắc”.

Coi công ty là do mình sáng lập

Trong bài diễn thuyết trước sinh viên sắp tốt nghiệp của phân hiệu trường Đại học California trong chuyến thăm trường theo lời mời, Andy Grove, Giám đốc điều hành Intel chỉ rõ: “Cho dù bạn làm việc ở đâu, đừng coi mình là nhân viên. Bạn nên coi công ty như do chính mình sáng lập vậy”. Là một nhân viên, trước tiên cần có tinh thần, thái độ làm chủ, coi công ty thuộc về mình. Cần xác định công ty do chính tay mình sáng lập, cho dù ông chủ không có mặt, cho dù lãnh đạo vắng mặt, cho dù công ty gặp phải khó khăn, thách thức đều sẵn sàng làm việc hết mình, tích cực, chủ động trong công việc.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Trịnh Viễn theo anh trai đến Thượng Hải làm công. Trịnh Viễn và anh trai khâu bạt cho một kho hàng trong bến cảng. Trịnh Viễn giỏi giang, lại cẩn thận tỉ mỉ, mỗi khi nhìn thấy tấm bạt bị vứt đi, anh đều nhặt lại dự phòng, dường như với anh, kho hàng này là của mình.

Một đêm, trời nổi mưa to gió lớn, Trịnh Viễn rời khỏi giường, cầm đèn pin xông ra giữa trời dông bão. Anh trai không ngăn cản nổi, mắng Trịnh Viễn là kẻ liều, kẻ ngốc. Trong kho hàng lộ thiên, Trịnh Viễn kiểm tra hết đống hàng này đến đống hàng khác, kéo bạt che kín từng đống hàng, buộc chặt hơn nữa dây giữ bạt. Đúng lúc này, ông chủ lái xe đến, chỉ nhìn thấy Trịnh Viễn toàn thân ướt như chuột lột.

Khi ông chủ thấy toàn bộ số hàng không bị thiệt hại do nước mưa, liền hết lời biểu dương và tăng lương cho Trịnh Viễn. Trịnh Viễn nói: “Không cần đâu ạ, cháu chỉ đến kiểm tra xem bạt do cháu khâu có đảm bảo không thôi. Hơn nữa, cháu sống gần kho, đến kiểm tra hàng chỉ là việc nhỏ thôi mà”.

Thấy Trịnh Viễn thật thà, lại có trách nhiệm cao như vậy, ông chủ điều anh sang làm giám đốc một công ty khác của mình.

Công ty vừa khai trương, cần tuyển một số sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ văn hóa cao đảm nhiệm công việc chuyên môn nghiệp vụ. Anh trai của Trịnh Viễn chạy tới yêu cầu: “Chú cho anh một vị trí tốt để anh làm”. Trịnh Viễn biết rõ cá tính của anh trai, liền nói: “Anh không làm được”. Anh trai hỏi: “Lẽ nào gác cổng cũng không được sao?”. Trịnh Viễn nói: “Không được, bởi vì anh không bao giờ coi việc của công ty là việc của mình”. Anh trai nói: “Chú thật ngốc, đây nào phải công ty của chú đâu!”. Trước khi ra về, anh trai còn mắng Trịnh Viễn không có lương tâm, nào ngờ Trịnh Viễn trả lời dõng dạc: “Chỉ khi coi công ty là do chính mình lập thì mới có thể hoàn thành xuất sắc công việc, mới gọi là có lương tâm”.

Vài năm sau, Trịnh Viễn trở thành giám đốc điều hành của một công ty, anh trai anh vẫn là công nhân khâu bạt ở bến cảng ngày nào.

Một giám đốc làm việc ở Microsoft mấy năm liền đều đạt thành tích tương đối tốt. Bạn anh cười nhạo: “Số liệu năm ngoái sao anh còn kiểm tra đi kiểm tra lại đến ba lần liền? Kiểm tra lại một lần chẳng phải đủ rồi sao? Nếu như năm ngoái kiểm tra một lần, năm nay kiểm tra một lần, năm sau kiểm tra một lần, chẳng phải kiểm tra ba lần là làm việc của ba năm rồi sao? Năm nay anh lại đạt thành tích khiến người khác ngưỡng mộ, nửa đầu năm đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của cả năm. Theo tôi nghĩ, nửa năm cuối anh có thể đi phơi nắng trên đảo Bali rồi”.

Vị giám đốc liền trả lời: “Trên thực tế, tôi không thể làm vậy. Mặc dù tôi chỉ là một giám đốc chuyên môn, nhưng không thể làm việc với tinh thần làm thuê, làm khoán như vậy, nên coi công ty là sự nghiệp của mình. Nếu công ty này là của cá nhân anh, chắc chắn anh không những kiểm tra ba lần mà còn muốn kiểm tra nhiều lần hơn nữa với mong muốn công ty phát đạt hơn”.

Một nhân viên nên làm việc với tinh thần mình là người chủ của công ty, không phải làm việc cho người khác mà làm việc cho chính bản thân. Chỉ khi coi công việc của công ty là công việc của bản thân, làm tốt mọi việc mới mong có cảm giác thành công, cũng mới có thể không ngừng nâng cao giá trị bản thân, trở thành nhân viên được ông chủ tín nhiệm và trọng dụng.

Tự yêu cầu bản thân giống như ông chủ yêu cầu chính mình

Robert Waterman, giáo sư, chuyên gia về kinh doanh của trường Đại học Harvard cho rằng: Lúc nào một người cũng nên làm hai việc cùng lúc, một là công việc đang làm, một là công việc thực sự muốn làm. Nếu bạn có thể nghiêm túc, chăm chỉ trong công việc cần làm giống như công việc thích làm, bạn nhất định sẽ thành công, bởi vì bạn đang chuẩn bị cho tương lai, đang học hỏi, tích lũy một số kỹ xảo đủ để vượt lên chức vụ hiện thời. Khi bạn đã có tâm lý, thái độ làm việc vì bản thân, lại có thể yêu cầu bản thân như ông chủ yêu cầu chính mình, chẳng bao lâu bạn sẽ có đủ tố chất trở thành ông chủ.

Một giám đốc thành công trong sự nghiệp nói:

“Ngoài một số người là con cháu thừa kế của các tỷ phú vừa sinh ra đã “ngậm chìa khóa vàng”, đại đa số các ông chủ đều bắt đầu từ việc làm thuê, mà khi đi làm thuê, tâm lý, thái độ làm việc là yếu tố then chốt quyết định người đó có thể trở thành ông chủ sau này hay không”.

Vị giám đốc kể lại một câu chuyện như sau: Có hai ngọn núi nằm ở hai bờ đông tây, bị ngăn cách bởi một dòng sông. Trên mỗi ngọn núi đều có một hòa thượng, hàng ngày họ đều phải xuống sông lấy nước uống, ngày qua ngày, họ trở thành bạn thân thiết.

Sau ba năm quen biết, hòa thượng núi đông phát hiện hòa thượng núi tây đã bảy ngày liên tiếp không xuống lấy nước. Nửa tháng lại trôi qua, ông phát hiện hòa thượng núi tây vẫn không xuống sông gánh nước, liền cho rằng có việc gì đó không lành đã xảy ra với bạn, quyết định lên núi tìm bạn.

Hòa thượng núi đông trèo lên núi tây, phát hiện bạn mình vẫn đang đi thái cực quyền một cách thong dong, liền lấy làm lạ. Hòa thượng núi tây đưa ông ra sau chùa, chỉ tay về phía một cái giếng. Hóa ra, sau mỗi ngày gánh nước từ dưới núi trở về, hòa thượng núi tây đều dành thời gian và công sức đào đất thông giếng sau chùa. Sau ba năm kiên trì vất vả, cuối cùng ông đã đào được một chiếc giếng có nguồn nước ngọt mát, vì thế không cần phải xuống núi lấy nước nữa.

Câu chuyện này chứng minh một điều, một người đi làm thuê có sự chuẩn bị tốt, luôn yêu cầu bản thân như ông chủ yêu cầu chính mình, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức qua từng công việc, lâu dần, người đó sẽ hội tụ đủ điều kiện trở thành ông chủ tương lai.

Yêu cầu bản thân như ông chủ yêu cầu chính mình, bản thân mới có ngày trở thành ông chủ.

Một nhân viên tên là Lý Lực được ông chủ cử sang chi nhánh công ty tại Anh để thu dọn tàn cuộc. Chi nhánh này của công ty hết năm nọ qua năm kia đều làm ăn thua lỗ, ông chủ muốn sa thải toàn bộ nhân viên ở đó và chuyển toàn bộ sản phẩm về nước. Mặc dù sứ mệnh ông chủ giao cho anh là đóng cửa công ty nhưng anh lại quyết định cố gắng thay đổi cục diện và thay đổi quyết định của ông chủ bằng cách gây dựng lại cơ đồ của công ty.

Mặc dù chỉ là một nhân viên nhưng anh lại dám nghĩ, dám yêu cầu bản thân như ông chủ yêu cầu chính mình, anh tự nhủ, nếu có thể làm sống lại một công ty bên bờ vực thẳm, chẳng phải càng chứng minh giá trị của mình sao?

Khi bạn yêu cầu bản thân như ông chủ yêu cầu chính mình, bạn sẽ không chỉ hài lòng khi đã đạt đến mục tiêu của công ty mà sẽ tự mình yêu cầu một mục tiêu cao hơn, xa hơn và cố gắng thực hiện đến cùng mục tiêu đó, điều này đồng nghĩa với việc bạn đang thử thách chính mình.

Giả sử trong công việc, lấy tiêu chí này để yêu cầu bản thân, bạn sẽ dễ dàng phát hiện, vô hình trung bạn đang tự đào tạo, bồi dưỡng khả năng vượt qua ông chủ, sau đó bạn sẽ có lòng tin không ngừng tìm kiếm mục tiêu cao hơn để thử thách chính mình.

Rất nhiều người lăn lộn trong công việc để rồi cuối cùng trở thành ông chủ không phải nhờ may mắn, mà vì họ đã làm việc với tinh thần của một người làm chủ và dám yêu cầu bản thân như ông chủ yêu cầu chính mình.

Chỉ khi đứng từ góc độ và lập trường của chủ doanh nghiệp mới có thể xem xét vấn đề một cách toàn diện; chỉ khi đứng từ góc độ, lập trường là khách hàng, mới có thể làm khách hàng cảm động; chỉ khi có tâm lý, thái độ của một ông chủ và thay ông chủ làm một số việc trong phạm vi chức trách, quyền hạn của mình, mới có thể khiến bạn có khả năng trở thành ông chủ trong tương lai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.