10 Nguyên Tắc Trở Thành Nhân Tài Của Bill Gates

NGUYÊN TẮC THỨ VIII: QUAN TÂM CHẶT CHẼ VÀ PHÂN TÍCH THẤU ĐÁO TÌNH HÌNH CỦA ĐỐI THỦ CẠNH TRANH



Một nhân viên xuất sắc cần quan tâm đến từng động thái của đối thủ cạnh tranh. Tôi thích những nhân viên luôn từng giờ từng phút chú ý tới động thái của toàn bộ thị trường, họ biết phân tích những điểm đáng học tập của đối thủ cạnh tranh và biết quan tâm, tổng kết, tránh mắc lại những lỗi lầm giống như của đối thủ cạnh tranh.

1. TỪNG GIỜ TỪNG PHÚT CHÚ Ý TỚI ĐỘNG THÁI PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH NGHỀ

Trong một buổi gặp mặt sinh viên đại học Mỹ, Bill Gates nói một cách rất chân thành: “Rất nhiều người trong số các bạn xuất sắc hơn tôi, tôi tin rằng chỉ cần các bạn chịu khó nỗ lực, chắc chắn có bạn sẽ vượt qua tôi”.

Một sinh viên liền thẳng thắn đặt câu hỏi: “Thưa ông Bill, ông có thể cho chúng tôi biết ông đã làm thế nào để có thành công hôm nay?”.

Bill Gates mỉm cười trả lời: “Sở dĩ tôi có thể thành công là vì tôi luôn kiên trì làm tốt hai công việc. Một là, luôn chuyên tâm, chú ý vào công việc mình đang làm; hai là, từng giờ từng phút tôi đều quan tâm tới động thái phát triển của ngành nghề”.

Mỗi ngành nghề đều có quy luật phát triển riêng, trong các thời kỳ kinh tế khác nhau, cần căn cứ theo xu thế phát triển của ngành nghề để đưa ra biện pháp điều chỉnh tương ứng. Ví dụ, công ty IBM trước nay luôn là nhà sản xuất máy tính cỡ lớn hàng đầu. Thập niên 80 thế kỷ 20, máy tính cá nhân đã bắt đầu trở nên phổ biến, nhưng lãnh đạo công ty IBM lại không ý thức được điều này, họ không mảy may nghĩ tới việc sản xuất máy tính cỡ nhỏ. Khi các hãng máy tính cá nhân như Apple, Dell chiếm lĩnh phần lớn thị trường và thay đổi đời sống con người, IBM hối hận thì cũng đã muộn.

Trước những năm 70 của thế kỷ 20, xe ô-tô do Mỹ sản xuất nổi tiếng thế giới nhờ các yếu tố như khoang rộng, thoải mái, dung tích động cơ lớn. Nhưng do nguồn năng lượng của thế giới ngày một cạn kiệt, một số nhà kinh doanh thông minh, nhạy bén đã ý thức được, xe ô-tô với dung tích động cơ nhỏ hơn, tiết kiệm năng lượng hơn sẽ ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Vì thế, các hãng xe ô-tô như General, Ford lập tức chuyển sang sản xuất ôtô có dung tích động cơ nhỏ, tốn ít xăng hơn. Còn công ty Chrysler lại không nhận thức được xu thế này, vẫn sản xuất ô-tô có dung tích động cơ lớn. Khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất ập đến, xe ô-tô nhỏ tiết kiệm xăng được hoan nghênh trên phạm vi toàn cầu, nhờ thế các hãng xe General, Ford vượt qua được cơn khủng hoảng này. Còn công ty Chrysler bị thiệt hại nặng nề, lượng xe tồn kho chất cao như núi, hãng xe lỗ vốn 700 triệu đô-la Mỹ chỉ trong 9 tháng, lập mức lỗ cao kỷ lục trong các doanh nghiệp Mỹ.

Luôn quan tâm đến động thái phát triển của ngành nghề là tố chất cần có của một nhân viên xuất sắc, có được tố chất này có thể giúp công ty bớt phải đi đường vòng trong cuộc cạnh tranh, cũng có nghĩa là có tầm nhìn chiến lược và khả năng điều tiết, khống chế thị trường.

Bill Gates rất thích những nhân viên luôn quan tâm đến động thái của toàn bộ ngành nghề, toàn bộ thị trường. Bởi những nhân viên như vậy khi phải đối mặt với cuộc cạnh tranh căng thẳng của thị trường nghề nghiệp, có thể duy trì sự bình tĩnh, có thể phân tích xu thế phát triển của toàn bộ ngành nghề một cách lý tính, đủ tự tin đón nhận thách thức của nghề nghiệp.

Người thành công đều hiểu rất rõ hiện trạng của ngành nghề mình đang làm, hiểu rõ tình hình phát triển cũng như viễn cảnh tương lai của ngành nghề mình phục vụ; vị trí, xu thế phát triển cũng như tình hình thị trường mà ngành nghề phải đối mặt.

Là một nhân viên, bạn cần cố gắng hết mình thu thập tài liệu liên quan đến hiện trạng, xu thế phát triển, điều kiện sinh tồn của ngành nghề, quan tâm chặt chẽ đến sự vận dụng công nghệ mới trong ngành nghề, đồng thời cũng cần quan tâm xu hướng của các ngành nghề hữu quan. Chỉ có như vậy, bạn mới có ý thức vượt lên phía trước, gây dựng nền móng vững chắc cho công ty trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. XÂY DỰNG Ý THỨC CẠNH TRANH ĐÚNG ĐẮN, DÁM CẠNH TRANH

Trong kinh tế thị trường, có cạnh tranh đương nhiên sẽ kèm theo các kiểu rủi ro. Sẽ có doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, vỡ nợ trong cạnh tranh thị trường, sẽ có nhân viên phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, bị sa thải trong cạnh tranh thị trường. Nhìn từ góc độ này, có ý thức cạnh tranh và ý thức rủi ro nhất định sẽ trở thành điều kiện không thể thiếu để cá nhân và doanh nghiệp đứng vững và phát triển trong kinh tế thị trường, cũng là tiền đề để kinh tế thị trường vận hành một cách thuận lợi.

Kinh tế thị trường là nền kinh tế với đặc điểm người mạnh thì chiến thắng, kẻ yếu bị đào thải, mỗi doanh nghiệp đều phải đối mặt với sự sinh tồn, diệt vong của người mạnh kẻ yếu. Doanh nghiệp nếu muốn trụ vững trong thị trường thiên biến vạn hóa, nguy hiểm liên tục phát sinh thì chỉ có cách cạnh tranh! Nếu doanh nghiệp không biết cạnh tranh, không dám cạnh tranh, thiếu ý thức cạnh tranh, để đối thủ cạnh tranh đi trước trong kinh doanh thì sẽ phải trả một giá rất đắt.

Lấy thung lũng điện tử Silicon làm một ví dụ, là một nhân viên, muôn tăng cường nhận thức về cạnh tranh, cần có ý thức cạnh tranh tốt hơn đối thủ cạnh tranh, cần bám rễ sâu vào mưu cầu chiến thắng trong cạnh tranh, dám cạnh tranh, biết cạnh tranh, giỏi cạnh tranh.

Doanh nghiệp không chào đón nhân viên thiếu ý thức cạnh tranh

Một thị trường lao động tổ chức lễ hội tuyển dụng nhân tài chuyên ngành thiết kế quảng cáo, truyền bá văn hóa và kinh doanh thị trường. Lưu San là sinh viên chuyên ngành kinh doanh thị trường, cô đã cảm thấy hợp ý với một công ty quảng bá văn hóa trong lễ hội tuyển dụng.

Khi đó, người đến tham gia dự tuyển rất đông, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có một, Lưu San thấy những người dự tuyển đến từ nhiều miền xa xôi, liền chủ động lùi lại, để họ được phỏng vấn trước. Đến lượt cô phỏng vấn, người phụ trách công ty mặc dù tương đối hài lòng về cô, nhưng cho rằng cô quá nhường nhịn, không thể thích nghi với thị trường cạnh tranh khốc liệt, quyết định không tuyển dụng cô.

Lưu San thật sự không hiểu cách dùng người của đơn vị tuyển dụng. Người phụ trách của công ty tuyển dụng giải thích với cô rằng: “Nhường nhịn, khiêm tốn là truyền thống tốt đẹp, nhưng cần phải căn cứ theo từng trường hợp, đối mặt với thị trường cạnh tranh khốc liệt, công ty càng cần những nhân viên mạnh dạn, có chí tiến thủ. Nhân tài công ty tuyển dụng đợt này sẽ đi mở rộng thị trường ở Quảng Tây, nếu quá nhường nhịn sẽ mất đi thời cơ tốt để gây dựng thị trường”.

Có lòng tốt nhường chỗ cho người khác lại bị coi là thiếu ý thức cạnh tranh, rõ ràng có phần cực đoan, nhưng có thể chứng minh, doanh nghiệp hiện đại không chào đón người thiếu ý thức cạnh tranh.

Nhà doanh nghiệp Nhật Bản Konosuke Matsushita nhấn mạnh, một nhân viên có ý thức cạnh tranh mạnh mẽ mới có thể phát huy triệt để tiềm năng. Vì thế, công ty Panasonic của ông rất chú trọng bồi dưỡng ý thức cạnh tranh của nhân viên, đào tạo nên những nhân viên giỏi cạnh tranh cho sự phát triển của công ty.

Từ xưa đến nay, loài người luôn sống trong cạnh tranh dưới nhiều hình thức khác nhau, nếu thiếu ý thức cạnh tranh, đương nhiên sẽ không có động lực phấn đấu và chí tiến thủ. Người như vậy không thoát khỏi số phận bị đào thải. Cần biết rằng, tương lai mãi mãi thuộc về người có ý thức cạnh tranh, dám cạnh tranh và giỏi cạnh tranh.

Có đối thủ cạnh tranh không phải là việc xấu

Đối thủ cạnh tranh là yếu tố hữu quan lớn nhất tạo nên và duy trì trạng thái cạnh tranh, rời xa đối thủ, không có đối thủ không phải là một việc tốt.

Một nhà động vật học khi khảo sát về các loài động vật sinh sống ở hai bên bờ sông Contact Orange thuộc châu Phi, quan sát thấy bầy linh dương sống hai bên bờ đông tây khác nhau rất nhiều, khả năng sinh sản của linh dương bên bờ đông cao hơn nhiều so với bên bờ tây, hơn nữa tốc độ chạy có thể đạt tới 13 m/phút. Ông cảm thấy vô cùng kỳ lạ, rõ ràng môi trường và thức ăn giống nhau, tại sao lại có sự khác biệt lớn đến thế? Để giải đáp câu hỏi này, nhà động vật học phối hợp với hiệp hội bảo vệ động vật địa phương thực hiện một thí nghiệm: Ở mỗi bên bờ, bắt 10 con linh dương đưa sang bờ kia sinh sống. Kết quả: đàn linh dương được đưa sang bờ tây phát triển thành 14 con, còn đàn linh dương đưa sang bờ đông chỉ còn lại 3 con, 7 con còn lại đã bị sói ăn thịt.

Câu đố cuối cùng cũng đã có lời giải đáp, hóa ra linh dương bên bờ đông có thân hình cường tráng, tốc độ chạy nhanh chỉ vì gần khu vực chúng sinh sống có một bầy sói, “người hàng xóm” này khiến đàn linh dương ngày ngày sống trong “phạm vi cạnh tranh”. Để tiếp tục sinh tồn, chúng ngày càng “có sức chiến đấu” mạnh mẽ hơn. Còn linh dương bên bờ tây vừa nhỏ bé vừa yếu ớt chính là vì thiếu kẻ địch, không có áp lực sinh tồn.

Hiện tượng vừa miêu tả trên gợi mở cho chúng ta rất nhiều điều, trong cuộc sống xuất hiện một đối thủ, một chút áp lực hoặc một vài khó khăn trắc trở, rõ ràng không phải là việc xấu. Bởi vì, một động vật không có đối thủ, nhất định là động vật thiếu sức sống; một dân tộc không có đối thủ, chắc chắn trở thành một dân tộc không có chí tiến thủ. Tương tự, một cá nhân, một tập thể, một tổ chức nếu không có đối thủ, cũng rất có khả năng tuột dốc và lạc hậu.

Một nhân viên bán hàng nổi tiếng thế giới chỉ rõ, kế hoạch bán hàng là để nhằm vào một loại mặt hàng hoặc một đối thủ nào đó, trận chiến kinh doanh không có đối thủ chắc chắn sẽ thất bại, giống như vở kịch không có nhân vật phụ sẽ không có người xem. Trong trận chiến kinh doanh với đối thủ cạnh tranh, rõ ràng cả hai đều là người chiến thắng. Điều này có thể được chứng thực từ trận chiến kinh doanh mang tính quốc tế trong thế giới nước giải khát Cô-ca cô-la.

Chúng ta đều biết, hai đồ uống chính bán chạy nhất trên thế giới là Cô-ca cô-la và Pepsi. Cô-ca cô-la ra đời sớm hơn Pepsi 12 năm. Cuộc cạnh tranh giữa họ vô cùng kịch liệt, kéo dài gần 80 năm, câu chuyện này gần như tất cả mọi người trên thế giới đều đã từng nghe qua.

Chính nhờ đối thủ cạnh tranh mạnh, cả Cô-ca cô-la và Pepsi đều giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh này. Trong cuốn sách “Động thái kinh tế học”, Burton Klein, nhà kinh tế nổi tiếng người Mỹ chỉ rõ: “Hễ một công ty không còn phải đối mặt với thách thức thực sự, nó sẽ có rất ít cơ hội để duy trì sự năng động”. Ông cho rằng, công ty thành công nhất là những công ty phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh, công ty không thành công nhất là những công ty không phải đối diện với cạnh tranh nghiêm trọng. Vì có cạnh tranh mới có tồn tại, nên công ty và nhân viên phải thể hiện trình độ cao hơn, từ đó càng trở nên nhạy bén và xuất sắc hơn. Cạnh tranh khiến một người trở nên thông minh, tháo vát, giỏi giang, khiến họ không ngừng tìm kiếm đáp án mới.

Nhà quản lý hàng đầu người Mỹ, Downer Ken Doerr có một bài nói chuyện sâu sắc, súc tích về cạnh tranh. Ông nói: “Có rất nhiều người sống hời hợt, qua loa, không có một chút ý muốn cạnh tranh, cuối cùng chết vì trầm cảm. Đối với kiểu người này, tôi chỉ cảm thấy đáng thương. Từ khi làm kinh doanh đến nay, tôi luôn cảm ơn đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Có những người giỏi hơn tôi, có người kém hơn tôi; nhưng dù giỏi hay không giỏi, họ đều khiến tôi chạy mệt hơn, nhưng cũng chạy nhanh hơn. Trên thực tế, cạnh tranh đến nơi đến chốn đủ để đảm bảo một doanh nghiệp có thể sinh tồn. Do nhà máy của các đối thủ cạnh tranh càng ngày càng hiện đại, nhân viên càng được huấn luyện nhiều hơn, quy mô sản xuất cũng theo đó được mở rộng. Vì thế, so với vinh quang, dã tâm, lợi ích, cạnh tranh càng thúc đẩy nghiệp vụ của một công ty”.

Đoạn văn trên chỉ ra triết lý của cạnh tranh. Là một nhân viên, chỉ khi dám tham gia vào cuộc cạnh tranh trên thị trường, giỏi cạnh tranh mới có cơ hội kinh doanh thành công.

3. HIỂU VÀ PHÂN TÍCH ĐỐI THỦ CẠNH TRANH MỚI CÓ THỂ CHIẾN THẮNG ĐỐI THỦ

Trong doanh nghiệp, điều mà công nhân viên chức, giám đốc cấp cơ sở quan tâm nhất là ông chủ của họ đang nghĩ gì, làm gì. Chịu trách nhiệm trước ông chủ đương nhiên là bổn phận của cấp dưới, nhưng họ thường xuyên vì thế mà bỏ qua hoặc coi nhẹ việc quan tâm xem đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đang làm gì và nghĩ gì.

Bill Gates nói: “Một nhân viên xuất sắc nên quan tâm chặt chẽ đến sự phát triển của đối thủ cạnh tranh của công ty, cố gắng tìm hiểu kỹ càng, tường tận ưu nhược điểm của sản phẩm cũng như hiệu suất kinh doanh của đối thủ cạnh tranh”.

Bill Gates nhiều lần nhắc nhở cấp dưới cần tỉnh táo, có ý thức về hoạn nạn, rằng xung quanh đâu đâu cũng là đối thủ đang nhìn chằm chằm vào mình như hổ đói. “Tìm hiểu về họ”, “suy nghĩ nhiều hơn một chút về đối thủ” là những gì Bill Gates thường xuyên nhắc nhở cấp dưới cũng như chính bản thân mình.

Trong thời đại cạnh tranh, thành công của doanh nghiệp đa phần được quyết định bởi việc có tiến hành cạnh tranh một cách có hiệu quả hay không. Vậy doanh nghiệp làm thế nào mới có thể cạnh tranh có hiệu quả và chiến thắng đối thủ? Một con đường quan trọng là: Coi việc phân tích cạnh tranh là tiền đề, thống kê, trù bị sách lược của doanh nghiệp. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, chỉ khi hiểu về đối thủ mới có thể đảm bảo công việc luôn ổn định, tay nghề luôn điêu luyện trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Phân tích đối thủ cạnh tranh, chuyển dịch ưu thế cạnh tranh là cách làm quan trọng để doanh nghiệp giành chiến thắng trong cạnh tranh. Bất kỳ doanh nghiệp nào, bao gồm doanh nghiệp tiêu thụ, doanh nghiệp vận hành, muốn trụ vững trong cuộc cạnh tranh trên thị trường đều phải khách quan, kịp thời nhận thức được đối thủ cạnh tranh trực tiếp cũng như đối thủ tiềm ẩn của mình, phải xác định rõ chiến lược và mục tiêu, ưu thế và hoàn cảnh bất lợi của đối thủ cạnh tranh, từ đó đặt ra chiến lược cạnh tranh và sách lược kinh doanh có hiệu quả.

Hiểu đối thủ cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp khai thông, mở rộng đường lối, sửa đổi mục tiêu tài chính, khai thác phát triển sản phẩm tốt hơn. Có thể nói, hiểu và phân tích đối thủ cạnh tranh là điều kiện tiền đề để triển khai cạnh tranh.

Người thành công trong Thung lũng điện tử Silicon, để biết rõ đối thủ cạnh tranh như lòng bàn tay, họ thông qua các kênh khác nhau để tìm hiểu gốc rễ của đối thủ. Ví như: Các kỹ sư tiến hành tháo rời sản phẩm của đối thủ để phân tích; các luật sư nghiên cứu bản quyền phát minh sáng chế của đối thủ; các nhân viên bán hàng kiểm tra mạng lưới bán hàng của đối thủ; thiên tài khoa học kỹ thuật cao phân tích tỉ mỉ sản phẩm của đối thủ, hy vọng tìm ra khuyết điểm của sản phẩm để đưa ra sản phẩm cải tiến mới tốt hơn.

Tục ngữ có câu: “Thương trường như chiến trường”, vì thế trên thương trường, nhân viên doanh nghiệp cần giống như chiến sỹ trinh thám trên chiến trường, đi điều tra, tìm hiểu, phân tích tình hình đối thủ cạnh tranh của mình, tìm hiểu mục tiêu kinh doanh, tình hình khai thác sản phẩm, kinh doanh trên thị trường, chiến lược nhân tài của doanh nghiệp khác trong ngành, như vậy mới có thể đưa ra sách lược ứng phó tương ứng, mới có thể cạnh tranh, khống chế đối thủ, để bản thân không bị đối thủ nuốt chửng, đánh gục.

Năm 1977, giới xây dựng và nhà đất Hồng Công xôn xao trước dự án xây dựng nhà ga tàu điện ngầm, công trình công cộng lớn nhất Hồng Công. Việc đấu thầu dự án này thu hút sự quan tâm rộng rãi của các công ty lớn hàng đầu giới xây dựng và nhà đất Hồng Công. Khi đó, đứng ở vị trí bá chủ giới nhà đất, bất luận là tiền vốn, thực lực hay danh tiếng, không ai có thể vượt qua hãng địa ốc Trí Địa. Trong khi đó, công ty địa ốc Trường Giang của Lý Gia Thành mới vừa thành lập được 6 năm, không thể so sánh với Trí Địa trên bất cứ phương diện nào. Nhưng chính công ty địa ốc Trường Giang không mấy thu hút sự chú ý của mọi người lại đánh bại 29 đối thủ trong cuộc cạnh tranh này, trong đó bao gồm cả địa ốc Trí Địa. Sự kiện này sao có thể không khiến mọi người thay đổi cách nhìn về địa ốc Trường Giang?

Vậy bí quyết chiến thắng trong cạnh tranh của địa ốc Trường Giang do Lý Gia Thành sáng lập là gì? Đó là “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Qua việc phân tích tường tận, tỉ mỉ, Lý Gia Thành phát hiện, địa ốc Trí Địa có một điểm yếu không dễ nhận ra, đó là tính tự cao tự đại, coi thường tất cả, vì thế chưa chắc đã nghiên cứu tỉ mỉ ưu nhược điểm trên các mặt của cuộc cạnh tranh.

Sau khi phân tích điểm yếu của địa ốc Trí Địa, Lý Gia Thành còn nghiên cứu cẩn thận mục đích thật sự của công ty điện ngầm mời thầu, thông qua nhiều kênh khác nhau, ông hiểu được ý đồ của chính quyền Hồng Công. Ông nghe nói chính quyền Hồng Công chuẩn bị cấp đất cho công ty điện ngầm theo nguyên giá được định trước, nhưng yêu cầu công ty điện ngầm chi trả bằng tiền mặt. Lúc này, phân tích nghiên cứu của Lý Gia Thành cho thấy, công ty điện ngầm nhất định sẽ đối mặt với khó khăn không đủ tiền mặt. Thế nên ông đã đưa ra hai điều khoản có lợi cho công ty điện ngầm trong bản kế hoạch tham gia đấu thầu: một là, địa ốc Trường Giang sẽ chi trả phí xây dựng đường ray bằng tiền mặt; hai là, hai đầu đường tàu điện ngầm đều thiết kế thành khu thương mại hạng nhất, sau khi xây dựng xong sẽ đem bán toàn bộ, lợi ích được chia đều cho hai bên là công ty điện ngầm và địa ốc Trường Giang.

“Biết người biết ta” chính là điểm độc đáo của Lý Gia Thành, sơ xuất của địa ốc Trí Địa chính là ở chỗ coi nhẹ việc phân tích, so sánh thực lực ta và địch, luôn cho rằng thực lực của bản thân không ai sánh kịp, từ đó dẫn tới kết quả “sơ ý mất Kinh Châu” đầy tiếc nuối. Chính nhờ bí quyết “biết người biết ta”, địa ốc Trường Giang cuối cùng đã giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.

Chiến lược cạnh tranh có hiệu quả, đi đến chiến thắng đối thủ chính là tìm hiểu và phân tích đối thủ, cần biết rõ một số thông tin về đối thủ như:

– Đối thủ cạnh tranh hài lòng với hiện tại hay đang tìm kiếm thị trường mới.

Họ sẽ áp dụng chiến lược và sách lược như thế nào, các bước đi đó sẽ đe dọa chừng nào đến doanh nghiệp của bạn. – Điểm yếu của đối thủ cạnh tranh là gì.

– Bản thân áp dụng hành động gì sẽ khiến đối thủ phản ứng quyết liệt và làm tổn hại đến lợi ích đối phương.

“Biết người biết ta” không có nghĩa là theo đuổi, mô phỏng, bắt chước đối thủ cạnh tranh, mà để xây dựng một chiến lược độc đáo không giống ai, vừa phù hợp với năng lực của bản thân vừa phòng ngừa đối thủ cạnh tranh, nhằm đảm bảo doanh nghiệp luôn giữ vững ưu thế trong cạnh tranh.

Doanh nghiệp cần phải thu thập thông tin về đối thủ cạnh tranh một cách toàn diện, kịp thời và có hệ thống; đồng thời trên cơ sở đó tiến hành phân tích từ ngoài vào trong, từ nông đến sâu, từ thô sơ đến tỉ mỉ, để loại trừ các yếu tố giả tạo, giữ lại yếu tố thực chất, nhờ đó mới có thể đánh đúng điểm yếu, chỗ sơ hở của đối thủ và giành chiến thắng. Trong thời đại kinh tế thị trường tràn ngập biến hóa này, doanh nghiệp nào có trong tay càng nhiều thông tin, doanh nghiệp đó chiếm ưu thế; doanh nghiệp nào có thể tìm hiểu đầy đủ về đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp đó có thể nắm bắt thời cơ trước nhất trong cuộc cạnh tranh thị trường và trụ vững trong cục diện.

Thông tin càng nhiều, cơ hội của bạn càng nhiều, đường đi của bạn càng rộng; hiểu đối thủ càng triệt để, càng thấu đáo, bạn càng có nhiều dự tính, định liệu, sẽ không sợ phải đối mặt với nguy cơ, khủng hoảng, không lo lắng trước sự biến đổi của môi trường.

4. HỌC HỎI TỪ ĐỐI THỦ CẠNH TRANH, TRÁNH MẮC NHỮNG LỖI LẦM MÀ ĐỐI THỦ ĐÃ TỪNG MẮC

Bill Gates luôn coi trọng việc học hỏi từ đối thủ cạnh tranh. Ông nói: “Một nhân viên xuất sắc nên phân tích điểm đáng học tập của đối thủ cạnh tranh và chú ý tổng kết để tránh mắc lỗi như đối thủ đã từng mắc”.

Năm 2001, Phó giám đốc điều hành Microsoft Lý Khai Phúc đến Bắc Kinh, giới thiệu hệ thống Windows XP mới được Microsoft khai thác, phát triển. Trong buổi họp báo, Lý Khai Phúc đã kể cho các phóng viên nghe một câu chuyện như sau: Microsoft có một nhóm chuyên làm công tác phân tích tình hình của đối thủ cạnh tranh, bao gồm lúc nào đưa ra sản phẩm mới, sản phẩm có nét gì đặc sắc, có sách lược kinh doanh ra sao, phản ứng của thị trường thế nào, có ưu thế gì, bất lợi gì, v.v… Lãnh đạo Microsoft hàng năm đều mở một cuộc họp, mời nhóm nhân viên phân tích đó đến trình bày tình hình của đối thủ cạnh tranh.

Tại sao Microsoft lại làm như vậy? Khi đó phóng viên đoán cách làm của Microsoft là để phân tích “kẽ hở” của đối thủ cạnh tranh. Nhưng lời giải thích của Lý Khai Phúc lại nằm ngoài dự đoán của phóng viên: hành động này của Microsoft là để học tập đối thủ cạnh tranh, học hỏi sở trường và điểm mạnh của đối phương.

Đối đầu với đối thủ cạnh tranh hay học tập đối thủ cạnh tranh, đây là một lựa chọn quyết định đến việc doanh nghiệp có thể tồn tại trong thế kỷ 21 hay không. Muốn chiến thắng đối thủ, muốn tồn tại trong sóng lớn thị trường, một cách làm quan trọng, một bài học quan trọng chính là “học tập đối thủ cạnh tranh”.

Phương pháp đào tạo cán bộ bậc trung của Stew Leonard, Giám đốc cửa hàng sản phẩm sữa Stew Leonard Mỹ rất độc đáo, phương pháp của ông chính là phỏng vấn đối thủ.

Ông thường xuyên lựa chọn một đối thủ cạnh tranh có nhiều điểm tương đồng trong kinh doanh với cửa hàng mình làm đối tượng để phỏng vấn. Khi đi phỏng vấn, dù khoảng cách xa hay gần, dù nơi đó cách cửa hàng mấy trăm km, ông đều dẫn theo 15 nhân viên cấp dưới.

Vì việc này, ông còn thành lập riêng một “câu lạc bộ chú ý” bao gồm toàn bộ 15 nhân viên tham gia phỏng vấn, xem ai là người đầu tiên có thể nghĩ ra ý tưởng mới cho công ty từ phương thức kinh doanh quản lý của đối thủ cạnh tranh? Liệu nhân viên có đảm bảo tự mình nghĩ ra ít nhất một ý tưởng mới hay không?

Mục đích Stew Leonard làm như vậy là muốn mỗi nhân viên đi phỏng vấn đều có thể tìm ra một vài điểm đối thủ cạnh tranh làm tốt hơn Stew Leonard. Stew Leonard nói: “Chúng ta cần cố gắng hết mình tìm ra một việc đối thủ cạnh tranh làm tốt hơn chúng ta, rất có thể đó chỉ là một việc nhỏ, nhưng chỉ khi làm như vậy bạn mới có thể không ngừng cải tiến công việc của bản thân”.

Học tập đối thủ cạnh tranh, vượt lên đối thủ cạnh tranh là môn học bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp và nhân viên. Trong nền kinh tế thị trường đầy biến động, tiếp thu kinh nghiệm thành công của đối thủ cạnh tranh, sau đó tiến hành sửa đổi, cải tiến và sáng tạo, sẽ có thể làm cho doanh nghiệp của mình không ngừng lớn mạnh, trụ vững trong quá trình cạnh tranh.

Sam Witton là tỷ phú đứng đầu thế giới năm 1991, khi đó tài sản của ông lên tới 25 tỷ đô-la Mỹ, ông đã lập nghiệp từ đâu?

Ông biến cửa hàng tạp phẩm thành tập đoàn trung tâm thương mại, sau đó trở thành vương quốc cửa hàng bán lẻ Mỹ với tên gọi “Wal Mark”.

Khi ông mở cửa hàng đầu tiên, mặc dù chỉ là một cửa hàng tạp phẩm nhỏ, nhưng mục tiêu đời ông chính là trở thành người đi đầu trong lĩnh vực bán lẻ, ông biết một khi đạt đến mục đích này, tiền tài sẽ tự nhiên tìm đến với ông. Hàng ngày ông không chỉ tỉnh giấc lúc 4 giờ sáng, bắt đầu làm việc và đốc thúc nhân viên của cửa hàng mang đến dịch vụ có chất lượng tốt nhất, mà còn tìm đến cửa hàng của đối thủ cạnh tranh mỗi khi có thời gian rỗi, không ngừng nghiên cứu đối thủ cạnh tranh.

Mục tiêu của ông là trở thành người đi đầu trong ngành nghề, vì thế ông phải luôn duy trì để mỗi việc làm, mỗi sách lược kinh doanh của mình đều xuất sắc hơn đối thủ, thế nên ông thường xuyên đến cửa hàng của đối thủ cạnh tranh để tìm hiểu, giá cả của đối thủ có rẻ hơn của mình hay không? Các mặt hàng của đối phương được bày biện có đẹp mắt, khoa học hơn ở cửa hàng mình hay không? Dịch vụ của đối phương có tốt hơn của mình hay không? Ông còn xem xem đối thủ của mình làm đúng những việc gì? Việc gì làm tốt? Việc gì làm chưa tốt? Ông không chỉ tiếp thu bài học, kinh nghiệm của đối phương mà mỗi khi phát hiện thấy đối phương làm tốt hơn mình, ông lập tức nghĩ cách vượt lên đối thủ cạnh tranh ngay trên phương diện đó, trong quá trình làm đi làm lại như vậy, cửa hàng của ông dĩ nhiên đã biến thành cửa hàng hoàn mỹ nhất nước Mỹ, sau đó trở thành vương quốc bán lẻ rộng lớn đứng đầu thế giới.

Khi đối thủ cạnh tranh vượt lên doanh nghiệp của mình trên các mặt như thương hiệu sản phẩm, chất lượng, kinh doanh, đối ngoại, văn hóa doanh nghiệp v.v…, bạn cần nghiên cứu vì sao đối thủ có thể làm được như vậy, nghiên cứu cách làm hay được phản ánh qua kết quả đó. Hiểu rõ các cách làm đó chính là học tập. Trên cơ sở cách làm đó, kết hợp đặc điểm của doanh nghiệp, cộng với cách làm của riêng mình, đây chính là sáng tạo. Doanh nghiệp sẽ không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, tiến lên ngang bằng hoặc vượt qua đối thủ nhờ quá trình không ngừng học tập và sáng tạo. Vì thế có thể nói, không có đối thủ cạnh tranh sẽ không có tiến bộ, và không học tập đối thủ cạnh tranh sẽ chẳng thể tham gia cạnh tranh.

Luôn quan tâm đến đối thủ từng giờ từng phút, học tập đối thủ cách làm thông minh, tránh mắc lỗi lầm giống đối thủ mới có thể vượt lên, chiến thắng đối thủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.