11 Lời Khuyên Dành Cho Thế Hệ Trẻ Của Bill Gates

Lời khuyên thứ ba: Đừng hy vọng không làm mà được hưởng



Một người mới tốt nghiệp trung học như bạn không thể kiếm được 40.000 USD một năm. Bạn không thể trở thành phó tổng của một công ty, có xe ô tô lắp máy điện thoại, cho đến khi bạn giành được chức vụ đó và chiếc xe đó.

Thành công không tự tìm đến bạn

Bill Gates nói: “Bạn có thể khiến cho thành công trở thành một bộ phận cấu thành cuộc sống của bạn, bạn có thể làm cho lý tưởng của ngày hôm qua trở thành sự thực của ngày hôm nay. Tuy nhiên, bạn không thể chỉ dựa vào hy vọng cầu nguyện mà phải bắt tay vào làm thì mới có thể thực hiện được lý tưởng của mình. Trên đời này không có bữa ăn trưa miễn phí”.

Có một cô gái người Mỹ tên là Silvia, bố của cô là bác sỹ khoa chỉnh hình nổi tiếng ở Boston, mẹ cô là giáo sư giảng dạy tại một trường đại học danh tiếng. Gia đình giúp đỡ và ủng hộ cô rất nhiều. Cô hoàn toàn có cơ hội để thực hiện lý tưởng của mình. Bắt đầu từ khi học trung học, cô luôn mơ ước trở thành người dẫn chương trình truyền hình. Cô nhận thấy mình có khả năng về mặt này, bởi gặp cô, bất cứ ai cũng muốn làm quen và nói chuyện với cô. Cô biết cách khiến cho người khác nói ra những điều họ giấu trong lòng. Bạn bè gọi cô là “bác sỹ tinh thần thân thiết”.

Cô thường nói rằng: “Chỉ cần có người cho tôi một cơ hội để lên truyền hình, tôi tin rằng nhất định tôi sẽ thành công”.

Tuy nhiên, để đạt được lí tưởng đó, cô ấy đã làm những gì? Cô ấy chẳng làm gì cả, chỉ đợi điều kỳ diệu xuất hiện, hy vọng trong chớp mắt có thể trở thành người dẫn chương trình truyền hình.

Silvia chờ đợi một cách không thiết thực, kết quả là chẳng có sự kỳ diệu nào xuất hiện.

Chẳng ai đi mời một người không có kinh nghiệm đảm nhiệm việc dẫn chương trình truyền hình. Hơn nữa, người phụ trách chương trình cũng chẳng muốn ra ngoài tìm người, ngược lại, toàn là người khác đến tìm họ.

Một cô gái khác tên là Cindy lại thực hiện được lý tưởng của Silvia, trở thành người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng. Cindy không chờ đợi cơ hội xuất hiện. Cô không có nguồn kinh tế vững chắc như Silvia, bởi vậy, ban ngày cô đi làm, tối đến lại theo học khoa nghệ thuật múa tại trường đại học. Sau khi tốt nghiệp, cô bắt đầu tìm việc, cô đã tìm đến tất cả các đài truyền hình và phát thanh tại Los Angeles. Nhưng ở các nơi cô đều nhận được câu trả lời tương tự: “Nếu không phải là người đã có vài năm kinh nghiệm thì chúng tôi không nhận”.

Tuy vậy, cô không lùi bước, cũng không ngồi đợi cơ hội đến mà chủ động tìm kiếm cơ hội. Suốt mấy tháng liền, cô đọc rất kỹ các tạp chí về phát thanh truyền hình, cuối cùng cũng thấy một quảng cáo tuyền người. Một đài truyền hình nhỏ tại bang North Dakota tuyển một nhân viên nữ dẫn chương trình dự báo thời tiết.

Với cô, miền bắc có ánh mặt trời hay không, có tuyết rơi hay không đều không quan trọng, cô chỉ hy vọng tìm được một công việc có liên quan đến truyền hình! Không bỏ lỡ cơ hội này, cô lên đường đến bang North Dakota.

Cindy làm việc ở đó 2 năm, tiếp đó cô tìm được một công việc ở đài truyền hình Los Angeles. Trải qua 5 năm làm việc, cuối cùng cô cũng được cất nhắc, trở thành người dẫn chương trình truyền hình chuyên nghiệp. Cách suy nghĩ của người thất bại là Silvia và quan điểm của người thành đạt là Cindy đi theo hai hướng hoàn toàn trái ngược. Điểm khác nhau của họ là ở chỗ, trong 10 năm, Silvia luôn chỉ ngồi chờ đợi cơ hội và thời gian vẫn cứ trôi đi. Còn Cindy thì lựa chọn hành động. Đầu tiên, cô hoàn thiện bản thân, tiếp đó, trải qua rèn luyện ở bang North Dakota và tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm ở Los Angeles. Sau cùng, cô đã thực hiện được lý tưởng của mình.

Những người thất bại khi nhắc đến thành công của người khác thì luôn nói rằng: “Số họ may mắn”. Những người này không lựa chọn hành động, họ chỉ biết chờ đợi, mong một ngày nào đó mình sẽ gặp may. Họ coi thành công là một vận may từ trên trời rơi xuống một cách ngẫu nhiên. Ngược lại, những người thành đạt luôn bận rộn với việc phấn đấu, họ không dựa vào vận may mà tập trung vào việc giải quyết các vấn đề, làm tốt các công việc.

Thành công đến từ những nỗ lực tích cực

Thành công đến từ những nỗ lực tích cực của chính bạn chứ không bao giờ đến một cách ngẫu nhiên. Có một số người cho rằng, “chỉ cần nghĩ tới thành công thì thành công sẽ đến”. Đây là suy nghĩ sai lầm. Để thành đạt trong sự nghiệp hay trong học tập, một người mỗi ngày phải làm một số việc gì đó. Nếu bạn tìm hiểu về những người thành đạt thì họ sẽ nói với bạn rằng, thành công đến từ những nỗ lực làm việc kiên trì không ngơi nghỉ.

So với những người bình thường, những người thành đạt có khả năng chịu đựng gian khổ, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn, họ cũng làm việc nhiều hơn những người khác.

Nếu anh ta là một nhà khoa học thành đạt thì để giành được thành công, anh ta nhất định phải bỏ ra nhiều công sức lao động, phải trải qua biết bao nhiêu thất bại. Không ai là ngoại lệ, chẳng có người thành đạt nào lại không phải lao động vất vả.

Newton là một nhà khoa học xuất sắc của thế giới. Khi có người hỏi ông rằng ông đã dùng phương pháp nào để có được những phát hiện phi thường như vậy, ông đều trả lời một cách thành thực rằng: “Tôi luôn suy nghĩ về chúng”. Có một lần, Newton đã nói về phương pháp nghiên cứu của ông như sau: “Tôi luôn nghĩ về những vấn đề nghiên cứu, suy đi nghĩ lại, dần dần, những chấm sáng xuất hiện từng chút từng chút một, cuối cùng đã biến thành dải ánh sáng”. Giống như những người thành đạt và nổi tiếng khác, Newton đã không ngừng phấn đấu, chuyên tâm, kiên trì nghiên cứu để đạt được những thành tựu vĩ đại. Nghiên cứu này nối tiếp nghiên cứu khác, đó là niềm vui và sự nghỉ ngơi của ông. Newton từng nói: “Nếu nói rằng tôi có cống hiến gì cho công chúng thì đó chính là sự nỗ lực và năng lực tư duy”.

Rèn luyện được thái độ làm việc tích cực là một việc vô cùng quan trọng. Một khi có được phẩm chất lao động không ngại khó khăn, vất vả, dám nghĩ dám làm, kiên trì tới cùng thì dù chúng ta làm việc gì, trong cuộc cạnh tranh chúng ta đều có thể giành được thắng lợi. Cho dù làm một việc đơn giản nhất, bạn cũng không thể thiếu được phẩm chất này.

Crawley, Tổng giám đốc Cục đường sắt Trung ương Newyork trước đây, từ năm 12 tuổi đã làm rất nhiều công việc mà những người cùng lứa tuối với ông không làm nổi, bởi vậy, ông đã luôn vượt lên khỏi những sự kỳ vọng của mọi người đối với mình, ông không bị động chờ đợi mà luôn chủ động tìm việc để làm. Ban đầu, ông chỉ là một cậu bé đưa thư, buổi tối cố gắng giành thời gian theo học điện báo.

Lẽ ra ông có thể làm một công việc gì đó trên tàu hỏa, nhưng ông cảm thấy học điện báo sẽ giúp ích cho mình hơn. ông không chỉ học điện báo mà còn học hỏi các kiến thức khác về đường sắt.

Bill Gates cho rằng, vượt qua những việc mà người khác hy vọng bạn làm được là một điều rất đáng giá, giúp bạn mở rộng tầm mắt đối với nghề nghiệp của mình. Nếu chỉ làm phần việc của mình như một cỗ máy, bạn sẽ không thể hiểu một cách toàn diện về nghề nghiệp mình đang theo đuổi.

Hành động để thực hiện ước mơ

Cuộc sống luôn có nhiều lý tưởng và mơ ước. Giả sử bạn có được tất cả những mơ ước đó, thực hiện được tất cả những lý tưởng, hoàn thành được tất cả các kế hoạch, thì những thành tựu trong sự nghiệp của bạn không biết sẽ to lớn như thế nào, số mệnh của bạn không biết sẽ vĩ đại ra sao! Tuy vậy, không ít người có mơ ước nhưng lại không bao giờ biết nắm lấy, có lý tưởng nhưng không thực hiện, có kế hoạch nhưng không chịu bắt tay vào làm, cuối cùng làm tan biến tất cả.

Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần trí tuệ Athena một hôm đột nhiên thoát ra từ trong đầu của Jupiter. Những lý tưởng cao nhất, sáng tạo lớn nhất, mơ ước vĩ đại nhất của con người cũng giống như Athena, vào một giây phút nào đó đột nhiên được nảy ra một cách sáng rõ và đầy sức mạnh trong đầu óc chúng ta.

Mỗi ngày chúng ta đều có những công việc cụ thể, mới mẻ, công việc của từng ngày là không giống nhau. Thói quen kéo dài thời gian thực hiện sẽ gây cản trở cho công việc. Sự thận trọng quá mức và sự thiếu tự tin đều không có lợi cho công việc. Phải giải quyết những công việc tồn đọng trước đó, chúng ta sẽ cảm thấy không được thoải mái; những việc có thể được thực hiện một cách vui vẻ, dễ dàng lúc đầu, sau khi để kéo dài vài ngày có thể sẽ trở nên đáng ghét và khó khăn.

Cuộc đời mỗi người luôn có rất nhiều cơ hội, nhưng đều chỉ lướt qua rồi lại ra đi. Nếu khi cơ hội đến mà chúng ta không biết nắm lấy, cơ hội sẽ vĩnh viễn mất đi. Có kế hoạch mà không thực hiện, kế hoạch sẽ tan biến. Ngược lại, nỗ lực thực hiện kế hoạch sẽ giúp tăng cường khả năng của chúng ta.

Một ý tưởng, một quan niệm sinh động và mãnh liệt đột nhiên lóe lên trong đầu một tác giả, khiến ông ta muốn cầm lấy bút, ghi lại ý tưởng, quan niệm sinh động đẹp đẽ đó.

Nhưng lúc đó, vì có đôi chút bất tiện, ông ta đã không ngay lập tức ghi lại. ý tưởng đó không ngừng thúc giục, trở nên sống động trong đầu ông, tuy vậy, cuối cùng ông vẫn không cầm bút. Sau đó, ý tưởng dần trở nên mơ hồ, nhạt dần rồi cuối cùng mất hẳn!

Có rất nhiều người sở dĩ đạt được thành công chính là vì họ dám nghĩ dám làm. Chỉ như vậy mới có thể giành được thành công, Hammer là một người như thế.

Năm 1956, Hammer lúc đó 58 tuổi, là chủ của công ty dầu khí phương Tây, bắt đầu kinh doanh dầu khí quy mô lớn. Dầu khí là ngành mang lại nhiều lợi nhuận nhất, cũng chính vì lý do này, cạnh tranh diễn ra vô cùng khốc liệt. Hammer lần đầu bước vào lĩnh vực dầu khí, muốn lập nên vương quốc dầu khí của riêng mình, ông sẽ phải đối mặt với những rủi ro vô cùng lớn trong cạnh tranh.

Vấn đề đầu tiên mà ông gặp phải là vấn đề nguồn dầu khí. Năm 1960, bang Texas, nơi có sản lượng dầu khí chiếm 30% tổng sản lượng dầu khí của Mỹ bị một số công ty dầu khí lớn lũng đoạn, Hammer không thể chen chân vào; còn Saudi Arabia lại là lãnh địa của công ty dầu khí Action, Hammer cũng khó có thể nhúng tay vào. Vậy phải làm thế nào để giải quyết vấn đề nguồn dầu? Năm 1960, sau khi bỏ ra 10 triệu USD để thăm dò địa chất mà không thu được kết quả gì, Hammer quyết định mạo hiểm thực hiện ý kiến của một nhà địa chất trẻ tuổi: Phía Đông San Francisco là khu vực mà công ty dầu khí Dusco đã bỏ đi, có thể đang ẩn chứa nguồn khí thiên nhiên phong phú, nhà địa chất trẻ tuổi đề nghị công ty dầu khí phương Tây của Hammer thuê lại khu đó. Hammer lại một lần nữa tìm cách gom được một khoản tiền lớn, đầu tư vào công trình mạo hiểm này. Khi khoan đến độ sâu 860 foot, họ đã khoan được mỏ khí thiên nhiên lớn thứ hai ở California, dự tính giá trị vào khoảng 200 triệu USD.

Thành công của Hammer đã nói với chúng ta: dám nghĩ dám làm, dám thử thì mới giành được thành công.

Không thử mà thất bại không bằng thử rồi thất bại, không chiến đấu mà thất bại là biểu hiện của sự nhu nhược và cực đoan. Muốn trở thành người thành đạt, bạn phải có sự kiên cường, lòng dũng cảm và sự mưu trí. Đương nhiên, dám mạo hiểm không có nghĩa là cứ phải đi theo con đường nguy hiểm, dũng khí dám mạo hiểm và sự mưu trí phải được xây dựng trên cơ sở phân tích một cách khoa học hiện thực khách quan. Thuận theo quy luật khách quan, cộng thêm những nỗ lực chủ quan, cố gắng giành lấy lợi ích từ trong sự mạo hiểm, đó chính là tố chất mà một người thành đạt cần phải có.

Lười nhác là kẻ thù lớn nhất của thành công

Một điều rõ ràng: lười nhác là kẻ thù lớn nhất của thành công, bởi vì những kẻ lười nhác luôn muốn sự nhàn hạ, gặp một chút nguy hiểm đã sợ hãi, ngoài ra, những người này không có tinh thần chịu đựng gian khổ, luôn chỉ trông chờ vào vận may. Ngược lại, những người làm nên sự nghiệp lớn không tin vào sự ngẫu nhiên mà tin tưởng rằng, cần cù phấn đấu nhất định sẽ gặt hái được thành công. Họ quan niệm, “cần cù phấn đấu là vàng”.

Bill Gates nói: “Lười nhác, thích an nhàn, ghét lao động là nguồn gốc của mọi tội ác, sự lười nhác sẽ thôn tính linh hồn con người; giống như bụi bặm có thể làm gỉ sắt, sự lười nhác có thể hủy diệt con người, thậm chí cả một dân tộc”.

Đối với bất kỳ ai, sự lười nhác đều là một kiểu sa đọa có tính hủy diệt. Vì lười nhác, con người không muốn trèo qua ngọn núi nhỏ. Vì lười nhác, con người không muốn chiến thắng những khó khăn mà họ hoàn toàn có khả năng chiến thắng.

Bởi vậy, những người bản tính lười nhác thì không thể trở thành người thành đạt trong xã hội. Thành công sẽ chỉ đến với những người cần cù lao động.

Roseau, một nhà triết học nổi tiếng đã chỉ ra: “Hạnh phúc chân chính sẽ không bao giờ đến với những người mà cả tinh thần và chân tay đều không hoạt động, hạnh phúc chỉ có ở trong sự lao động vất vả và trong những giọt mồ hôi lóng lánh”. Chỉ có lao động mới có thể sáng tạo ra cuộc sống, đem đến cho con người niềm vui và hạnh phúc. Một nhà thông thái đã cho rằng lao động là phương thuốc tốt nhất để chữa trị các chứng bệnh của con người.

Thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình

Bill Gates từng chỉ ra, tuy hành động không phải lúc nào cũng đem lại kết quả khiến người ta hài lòng, nhưng nếu không hành động thì kết quả mà họ có được chắc chắn không thể khiến họ hài lòng. Bởi vậy, muốn đạt được thành công, nhất thiết bạn phải bắt đầu bằng hành động.

Hành vi của một người ảnh hưởng đến thái độ của anh ta, hành động có thể đem về sự báo đáp, cũng có thể đem lại niềm vui. Thông qua làm việc chăm chỉ, bạn có được niềm vui và sự hài lòng, đó là điều mà bạn không thể có được bằng các phương pháp khác. Nói như vậy tức là nếu muốn tìm kiếm niềm vui, phát huy tiềm năng, muốn giành được thành công thì bạn phải tích cực hành động, toàn tâm toàn lực vì mục đích của mình.

Mỗi ngày không biết có bao nhiêu người đã phải hủy bỏ những ý tưởng mới mà họ phải vất vả mới có được chỉ vì họ không dám thực hiện. Một thời gian sau, những ý tưởng đó sẽ trở lại và giày vò họ.

Nên nhớ: Phải thực hiện những ý tưởng sáng tạo của bạn một cách thiết thực để phát huy giá trị của nó, cho dù ý tưởng sáng tạo đó hay như thế nào, nếu không đích thân thực hiện, biến nó thành sự thực thì bạn sẽ không bao giờ có được thành công.

Câu nói đáng buồn nhất trong cuộc đời chính là: “Lẽ ra lúc đó tôi nên làm như thế, nhưng tôi đã không làm”. Bạn thường xuyên nghe thấy có người nói: “Nếu năm đó tôi bắt đầu làm việc đó thì đã sớm phát tài rồi!” Một ý tưởng sáng tạo bị mất trong thời kỳ phôi thai khiến người ta tiếc nuối và mãi mãi không thể quên. Nếu bắt tay vào thực hiện thì rất có khả năng sẽ đem đến một kết quả khiến họ vô cùng hài lòng.

Chỉ có hành động mới có thể sản sinh ra kết quả. Có rất nhiều người nói rằng: “Thành công bắt đầu từ cách nghĩ, tuy nhiên, nếu chỉ có cách nghĩ mà không có hành động cụ thể thì không thể thành công được.

Bạn phải nghiên cứu xem những người thành đạt mỗi ngày họ làm những việc gì, nếu bạn có thể làm được như họ thì nhất định bạn sẽ thành công.

Một nhân viên nghiệp vụ muốn thành công trong công việc, anh ta bắt buộc phải đi gặp rất nhiều khách hàng, nếu anh ta không biết nhân viên nghiệp vụ xuất sắc nhất một ngày gặp bao nhiêu khách hàng thì anh ta chẳng thể có được cơ hội thành công; Nếu anh ta không thể làm được những việc mà một nhân viên nghiệp vụ xuất sắc có thế làm thì anh ta sẽ không thế nâng cao được thành tích của mình.

Người thành đạt luôn làm nhiều việc hơn những người bình thường, khi một người bình thường từ bỏ thì họ lại tiếp tục tìm kiếm khách hàng tiếp theo; họ sẽ tìm mọi cách có thể để thuyết phục khách hàng.

Họ luôn tìm kiếm phương pháp để hoàn thiện bản thân và tìm kiếm nguyên nhân khách hàng không mua hàng. Họ không ngừng hoàn thiện hành vi, thái độ, cử chỉ và nhân cách của mình; họ luôn hy vọng biết được nguyên nhân tại sao người ta mua hay không mua hàng của họ, họ luôn hy vọng có thêm sức sống, có thêm sức hành động.

Muốn trở thành một người thành đạt, bạn bắt buộc phải tích cực hành động, tích cực phấn đấu. Người thành đạt luôn là người hành động, không những thế, họ luôn bắt tay vào thực hiện ngay chứ không bao giờ đợi đến khi “nước đến chân mới nhảy”. Sau một ngày gắng sức để làm việc, ngày hôm sau họ lại tiếp tục làm, không ngừng nỗ lực, thất bại thì tiếp tục nỗ lực, lại thất bại và nỗ lực, cứ thế cho đến khi thành công.

Người thành đạt khi gặp phải vấn để luôn bắt tay vào giải quyết ngay. Họ không lãng phí thời gian vào việc tức giận, bởi vì nóng giận không thể giải quyết được vấn đề mà chỉ làm tăng thêm sự lo lắng và lãng phí thời gian. Khi người thành đạt bắt đầu tập trung sức lực đế hành động, họ sẽ trở nên hứng khởi, hăng hái tìm kiếm phương pháp để giải quyết vấn đề.

Người thất bại luôn luôn suy nghĩ đến những “giả dụ, như thế nào” của họ, bởi vậy, cuộc đời của họ trôi qua trong những “giả dụ” và “như thế nào”, cuối cùng họ chẳng làm được việc gì.

Đừng mong chờ vào sự xoay chuyển của thời thế, cũng đừng vì không đợi được cơ hội đến với mình mà cáu giận, tủi thân. Hãy bắt đầu làm từ những việc nhỏ, phải hành động để giành lấy thắng lợi.

Ngay từ bây giờ, đừng tiếp tục nói mình “xui xẻo”. Đối với người thành đạt, bền bỉ phấn đấu đồng nghĩa với vận may. Chỉ cần chuyên tâm làm tốt công việc hiện tại của mình, kiên trì tới khi hoàn thành công việc, vận may sẽ tự đến. Than thân trách phận không thể giúp thay đổi số phận, nó chỉ khiến cho cơ hội giành được thành công của bạn bị mất đi. Muốn “có được thời điểm tốt, địa điểm tốt” bạn phải tìm được một công việc có thể khiến bản thân “liều” một phen, sau đó nỗ lực thực hiện. Vận may không phải là ngẫu nhiên, chỉ cần nỗ lực phấn đấu, lập tức hành động, chắc chắn thần may mắn sẽ đến với bạn.

Không được do dự

Trước khi hành động, rất nhiều người thấp thỏm lo âu, tỏ ra do dự. Trong tình huống này, trước tiên bạn phải tự hỏi mình: “Tôi sợ cái gì? Tại sao tôi lại do dự?”

Không nên viện cớ rằng người khác có quan hệ, có tiền, đương nhiên họ sẽ thành công; người khác thành công là vì họ có được cơ hội, còn mình thì không… Đó đều là lý do khiến bạn duy trì tình hình hiện tại. Thực ra, nguyên nhân căn bản là vì bạn chẳng có mục đích gì, chẳng có dũng khí, bạn là kẻ nhát gan, bạn chẳng dám bước những bước đầu tiên để đến với thành công, bạn chỉ biết rằng thành công không thuộc về bạn.

Bill Gates nói: “Nếu cả đời chỉ cầu sự bình an, không bao giờ theo đuổi những mục tiêu cao hơn, không dám giang rộng cánh bay lên, như thế thì cuộc đời chẳng còn có ý nghĩa gì”.

Người thành đạt luôn từ chối những đường ranh giới đã được vẽ ra, họ thách thức với tất cả những gì được xem là truyền thống. Họ phát huy sức tưởng tượng của mình, phá vỡ những mô tuýp cũ, làm cho lòng tin của bản thân đạt đến sự thăng hoa. Barton từng nói với thuộc hạ của mình rằng: “Khi làm một việc gì, đầu tiên phải dự tính trước rồi mới mạo hiểm, điều này hoàn toàn khác với việc liều lĩnh, làm bừa”.

Chúng tôi không khuyên bạn nóng vội làm việc, coi những hành động kỳ quái là những hành vi sáng tạo, vấn đề chúng ta bàn đến ở đây là sự dũng cảm mở mang trí tưởng tượng của bản thân.

Đây là một chuẩn mực của cuộc sống, tại thời điểm bạn ngừng lớn lên, đó cũng là lúc bạn bắt đầu chết đi. Nếu trong kinh doanh, bạn chỉ làm những việc giống nhau mà không có sự thay đổi thì bạn sẽ bị phá sản. Nếu hành vi của chúng ta cũng giống như tổ tiên chúng ta thì sẽ không có quá trình tiến hóa. Thế giới sẽ lướt qua bạn – nó chỉ mở cánh cửa đến với cuộc sống cho những ai không ngừng vượt lên hoàn cảnh hiện tại.

Khi đối mặt với một vấn đề dường như không thể giải quyết được, trước tiên bạn nên nghiên cứu nó. Khi vẫn không tìm được cách giải quyết, hãy mở rộng khả năng tưởng tượng của bản thân, tức là nghĩ ra hình tượng cụ thể của một sự vật không ở trước mắt.

Đừng để những trở ngại khiến bạn gục ngã, phải luôn luôn dám nghĩ dám làm.

Hành động có thể giúp con người đi đến thành công, hầu hết mọi người đều biết điều này, nhưng khi phải đối mặt với hành động thì họ lại luôn do dự, không dám tiến lên. Những người “thùng rỗng kêu to” như vậy không phải là số ít.

Do tâm lý cứ hành động là nghĩ đến thất bại, con người sợ phải hành động. Tâm lý lo sợ này sẽ hủy hoại sự tự tin của bạn, khóa chặt tiềm năng của bạn, trói chặt chân tay bạn, khiến bạn do dự khi hành động.

Đối diện với sự thay đổi, con người ít nhiều đều có cảm giác bất an và lo lắng, được tạo nên do sự sợ hãi mạo hiểm. Hành động có nghĩa là mạo hiểm, bởi thế mới có sự nhìn trước ngó sau, kéo dài và chờ đợi… nhất là khi tình hình trở nên nghiêm trọng, theo thói quen, họ sẽ bảo toàn bản thân, không phải là suy nghĩ để phát huy tiềm lực bản thân mà là tập trung sự chú ý vào vấn đề làm thế nào để giảm thiều được tồn thất của bản thân. Bởi vậy, hành động có thể nói là một loại tâm thái. Những trở ngại chỉ có thể được giải quyết trong quá trình hành động.

Hành động là phương thuốc duy nhất để điều trị “chứng bệnh sợ hành động”. Cứ hành động trước, trong khi hành động tiến hành điều chỉnh, điều tra, đó mới là phương pháp tốt nhất để xóa bỏ các rào cản về tâm lý. Những rào cản của hành động xét cho cùng chính là rào cản về tâm lý.

Nếu trở ngại về tâm lý xã giao nhiều, bạn sẽ trở nên yếu đuối. Nếu sợ phát biểu ở chỗ đông người, bạn nhất định phải cố gắng tìm cơ hội để phát biểu, đó là cách vượt qua nỗi sợ hãi. Phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để không còn do dự sợ hãi và trở nên quyết đoán là đừng suy nghĩ quá nhiều, cần bắt tay vào hành động, phá bỏ logic và thói quen tư duy cũ của bản thân, đi bước đi đầu tiên.

Grogan chỉ ra: “Bất luận là làm việc gì, khi bắt đầu, điều quan trọng nhất là không được để những người thích phản đối làm hỏng lý tưởng của bạn”. Một nghiên cứu của Đại học Stamford cũng chỉ ra rằng, một hình ảnh nào đó trong não bộ con người cũng kích thích vào hệ thống thần kinh của con người giống như những hình ảnh thực tế. Ví dụ, khi một người chơi golf đánh bóng, khi họ tự yêu cầu mình không được để bóng rơi xuống hồ nước, trong não họ luôn luôn xuất hiện hình ảnh quả bóng rơi xuống nước, và kết quả là quả bóng thực sự rơi xuống nước. Nghiên cứu này từ một phương diện khác đã chứng minh “Tâm thái Warenda”.

Napoleon đã từng nói: “Cứ chiến đấu trước, sau đó xem kết quả”. Chỉ có bắt tay vào hành động mới có thể thoát khỏi búa rìu của dư luận, bởi vì “trên thế giới này, những người thích phản đối quá nhiều, họ lúc nào cũng có thể đưa ra hàng nghìn lý do cho rằng, lý tưởng của bạn không thể thực hiện được. Bạn nhất định phải kiên trì lập trường, tin tưởng vào năng lực của mình, nỗ lực thực hiện lý tưởng của bản thân”.

Chỉ cần nhận rõ con đường mình phải đi, xác lập rõ mục tiêu của cuộc đời, bạn hãy “đi theo con đường của bạn, cứ để cho bọn họ nói”. Hướng đến mục tiêu, kiên định tiến lên phía trước, chắc chắn bạn sẽ đến được bến bờ của thành công.

Khắc phục sự kéo dài

Làm việc gì, chỉ nói thì không đủ, quan trọng là phải hành động. Khi trao đổi với nhân viên về con đường thành công của mình, Bill Gates đã nói: “Tôi phát hiện ra, nếu tôi phải hoàn thành một công việc nào đó, tôi sẽ ngay lập tức bắt tay vào làm, chỉ nói không thì chẳng thể làm được việc gì”.

Thành công lớn nhất không thể là của những người chỉ giỏi nói khoác, cũng không thể là của những người luôn tưởng tượng mọi thứ quá hoàn mỹ, mà là của những người biết làm việc đến nơi đến chốn.

Chỉ cần nhiệt tình trong công việc, là người có tâm, cùng với sự nỗ lực, bất cứ ai cũng sẽ có được thành công và địa vị mình mong muốn. Xuất thân nghèo khó, địa vị thấp kém không có nghĩa là không thể làm nên việc gì, bởi năng lực mới là quan trọng, suy nghĩ chân thực mới là đáng quý.

Sự kéo dài là kẻ thù của hành động, cũng là kẻ thù của thành công, biến những lý tưởng tốt đẹp của chúng ta thành ảo tưởng, làm chúng ta mất đi ngày hôm nay và vĩnh viễn sống trong sự chờ đợi ngày mai, lâu dần chúng ta sẽ hình thành tính lười nhác, thái độ do dự, mâu thuẫn và mãi mãi trở thành kẻ lạc hậu, thất bại, suốt ngày chỉ biết than thân trách phận. Cuộc sống giống như một ván cờ, đối thủ của bạn là thời gian, nếu bạn do dự trước khi hành động, hoặc kéo dài không hành động, bạn sẽ thua trong ván cờ này. Đối thủ của bạn không cho phép bạn được do dự.

Dưới đây là cách khắc phục sự kéo dài của Bill Gates, mời các bạn tham khảo:

  1. Làm một người chủ động. Phải dám thực hiện, làm một người thực sự đang làm việc, không được làm một người không làm việc.
  2. Đừng đợi đến khi mọi thứ đã đầy đủ rồi mới làm, chẳng bao giờ có việc gì là hoàn mỹ tuyệt đối. Phải dự kiến rằng trong quá trình hành động nhất định sẽ gặp phải khó khăn, khi gặp khó khăn phải lập tức giải quyết.
  3. Bản thân ý kiến sáng tạo không thể đem lại thành công, chỉ khi nào thực sự bắt tay vào thực hiện thì ý kiến sáng tạo mới có giá trị.
  4. Dùng hành động để khắc phục sự lo sợ, đồng thời tăng cường sự tự tin. Sợ việc gì thì làm việc đó, nỗi lo sợ của bạn sẽ tự mất đi.
  5. Tự khích lệ tinh thần của bản thân, đừng ngồi chờ, hãy chủ động lên.
  6. Những cách nói như “hiện nay”, “ngày mai”, “tuần sau”, “tương lai” cũng có nghĩa là “chẳng bao giờ có thể làm được”, cần phải trở thành người kiểu “tôi sẽ đi làm ngay bây giờ”.
  7. Bắt đầu làm việc ngay lập tức. Không nên lãng phí thời gian vào các công tác chuẩn bị.
  8. Thái độ phải chủ động tích cực, làm một nhà cải cách.

Phải dũng cảm, chủ động cải thiện hoàn cảnh hiện tại; chủ động đảm nhiệm nghĩa vụ làm việc, chứng minh cho mọi người thấy bạn có năng lực và quyết tâm để thành công.

Phân tích mục tiêu, tiến hành từng bước

Có một số người tự cho rằng bản thân có thể một bước đạt đến thành công, nên luôn mơ tưởng “nhất cử thành danh” – ngay lập tức có thể trở thành một người thành đạt. Trên thực tế, đây là một điều không thể. Một là, do năng lực của bạn không đáp ứng được; hai là, để làm nên sự nghiệp lớn bắt buộc phải trải qua một quá trình cọ xát rèn luyện lâu dài. Bởi vậy, những người thực sự làm nên nghiệp lớn, xuất sắc trong việc làm chủ tình thế, có con mắt nhìn bao quát đại cục đều bắt đầu làm từ những việc nhỏ.

Có người nói, khi lớn lên muốn trở thành một nhân vật vĩ đại, mục tiêu này là không cụ thể. Mục tiêu phải cụ thể, ví dụ như: Bạn muốn học giỏi tiếng Anh, vậy bạn phải đặt ra mục tiêu, mỗi ngày phải học thuộc 10 từ mới, 1 bài luận. Yêu cầu bản thân trong vòng 1 năm phải đọc được sách báo bằng tiếng Anh; do mục tiêu mà bạn đặt ra rất cụ thể, đồng thời lại có thể thực hiện từng bước, mục tiêu sẽ dễ dàng đạt được. Có người đã từng thực hiện một thí nghiệm như sau: ông ta chia mọi người ra thành hai tổ, vóc dáng của mọi người trong hai tổ đều sàn sàn như nhau và yêu cầu họ nhảy cao. Trước tiên, cả hai tổ cùng nhảy qua mức 6 foot, sau đó ông nói với một tổ rằng: “Các anh có thể nhảy qua mức 6,5 foot” và nói với tổ kia rằng: “Các anh có thể nhảy được cao hơn”, rồi để họ lần lượt nhảy. Kết quả là, các thành viên của tổ có mục tiêu cụ thể là 6,5 foot đều nhảy được rất cao; còn tổ kia, do không có mục tiêu cụ thể nên đa số thành viên chỉ nhảy qua được mức hơn 5 foot một chút, rất ít người có thể nhảy qua được mức 6,5 foot. Nguyên nhân do đâu? Đó là vì tổ thứ nhất có mục tiêu cụ thể.

Với những người có cơ sở nền tảng vững chắc, thành công họ đạt được rất bền vững. Ngược lại, những người không có nền tảng, thành công của họ giống như bong bóng xà phòng, rất dễ mất đi.

Johan là một người bán hàng có thành tích xuất sắc, nhưng anh ta luôn muốn được đứng trong hàng ngũ những người bán hàng có thành tích cao nhất. Tuy vậy, đó chỉ là mong muốn chứ anh ta chưa bao giờ thực sự cố gắng để đạt được. Mãi cho tới ba năm sau, một hôm, anh ta nhớ đến một câu nói: “Nếu làm cho nguyện vọng trở nên rõ ràng thì sẽ có ngày thực hiện được”.

Thế là ngay tối hôm đó, anh ta bắt đầu đặt ra cho bản thân bảng thành tích mà mình hy vọng đạt được, sau đó từng bước thực hiện, ở đây nâng lên 5%, ở kia nâng lên 10%, kết quả là số lượng khách hàng đã tăng lên 20%, thậm chí còn cao hơn. Điều này đã kích thích lòng nhiệt tình của Johan. Từ đó, dù gặp phải tình huống nào, vụ làm ăn nào, anh ta đều đặt ra con số cụ thể làm mục tiêu, đồng thời hoàn thành trong vòng 1 đến 2 tháng.

“Tôi nhận ra, mục tiêu càng rõ ràng thì càng thấy tự tin và quyết tâm rằng bản thân sẽ đạt được mục tiêu đó”. Johan nói, kế hoạch của anh ta bao gồm “địa vị mà tôi muốn đạt được, thu nhập mà tôi muốn đạt được, năng lực mà tôi muốn có”. Sau đó, anh ta chuẩn bị đầy đủ các bài phỏng vấn, nỗ lực tích lũy các kiến thức nghiệp vụ, đến cuối năm thứ nhất, anh ta đã lập được một kỷ lục chưa từng có, sang đầu năm sau, hiệu quả lại càng tốt hơn.

Johan đã có được một kết luận riêng cho bản thân: “Trước đây, không phải là tôi chưa từng nghĩ đến việc phải mở rộng nghiệp vụ, nâng cao thành tích công việc của mình. Nhưng do từ trước đến nay, tôi chỉ suy nghĩ chứ chưa từng hành động, bởi vậy, tất cả những mong muốn của tôi đều tan thành mây khói. Từ sau khi xác định rõ mục tiêu và đặt ra những con số và thời hạn để thực hiện mục tiêu, tôi mới thực sự cảm thấy có một sức mạnh thúc đẩy để tôi đạt được nó”.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều có mục tiêu của riêng mình, để đạt được mục tiêu, điều quan trọng là phải cụ thể hóa, chi tiết hóa mục tiêu.

Bất cứ thành công nào cũng đều không dễ dàng có được, đều phải áp dụng phương pháp tiến dần từng bước. Có rất nhiều người sở dĩ bỏ dở mục tiêu giữa chừng không phải vì công việc đó quá khó, mà là vì họ cách quá xa so với những người thành đạt, chính nhân tố tâm lý này đã dẫn đến thất bại.

Coi khoảng cách dài là một đoạn khoảng cách nhất định, dần dần từng bước vượt qua nó, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nhiều. Cụ thể hóa mục tiêu có thể giúp bạn hiểu rõ trước mắt phải làm những gì, làm thế nào để làm được tốt hơn.

Kiên trì đến cùng

Bất kỳ thành công nào cũng đều cần phải cố gắng hết sức, kiên trì tới cùng, nếu không, bạn không bao giờ có thể có được tất cả những gì mình muốn đạt được.

Henry Ford trước khi thành công đã phá sản 5 lần do thất bại. Churchill mãi tới năm 62 tuổi mới trở thành Thủ tướng nước Anh, ông đã trải qua không biết bao nhiêu trở ngại và thất bại. Trong quá trình đi đến thành công, sự kiên trì là yếu tố hết sức quan trọng. Chúng ta phát hiện ra rằng, nhiều người thất bại từng có rất nhiều cơ hội tốt, chỉ vì họ từ bỏ quá nhanh nên không đạt được thành công.

Kiên trì và quyết tâm là những điểm mấu chốt để hoàn thành công việc. Nếu muốn thành công, bạn phải kiên trì tới cùng.

Bill Gates cho rằng: “Phải hạ quyết tâm, cho dù là làm việc gì, bạn đều phải dốc toàn tâm toàn lực”. Một huấn luyện viên nổi tiếng từng nói với đội bóng của mình rằng: “Khi những tiếng reo hò tan đi, khán giả ra về, khi tiêu đề trên báo đã được in ra, bạn trở về căn phòng yên tĩnh của mình, đặt chiếc cúp lên trên bàn. Khi mọi sự náo nhiệt đã tiêu tan, những gì còn lại chỉ là dốc hết sức cho sự hoàn mỹ, cho thắng lợi, cho những nỗ lực hết mình để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.

Mọi thứ trên thế giới này đều là biểu hiện cho sự sáng tạo của vũ trụ, mỗi chúng ta là một bộ phận của vũ trụ. Chỉ khi dốc toàn bộ sức lực cho sự hoàn mỹ, chúng ta mới hiểu được rằng, vì sao chúng ta được tạo ra. Sự phấn đấu hàng ngày sẽ giúp chúng ta trở thành những người mà chúng ta mong muốn. Một nhà triết học từng nói: “Bất cứ ai cũng có thể đếm được trong vườn táo có bao nhiêu hạt giống, nhưng chỉ có Thượng Đế mới biết trong mỗi một hạt giống đó có bao nhiêu quả táo”.

Muốn thực hiện ước mơ thì nhất thiết phải hành động, mà hành động nhất thiết phải bền lòng. Chỉ có những người hành động với sự kiên trì, phát huy tiềm năng mới có thể hoàn thành được mục tiêu, có được sự nghiệp mong muốn. Hành động phải kiên trì, đây là nhân tố quan trọng để khai thác tiềm năng.

Có thể nói như thế này, trên thế giới, nếu sự nghiệp của 100 người đều đạt được những thành công rực rỡ thì ít nhất cũng có 100 con đường khác nhau để đi đến thành công. Bill Gates cho rằng, những thành công to lớn có được là nhờ vào sự bền bỉ chứ không phải là sức mạnh. Cạnh tranh trong xã hội luôn là những cuộc cạnh tranh kéo dài, những người có lòng kiên trì và sự bền bỉ luôn là những người trụ lại sau cùng và giành được thành công. Từ câu chuyện “thỏ và rùa chạy thi”, chúng ta có thể thấy, sở dĩ kẻ chiến thắng trong cuộc so tài là chú rùa ngốc nghếch chứ không phải thỏ là bởi thỏ không có được tinh thần kiên trì bền bỉ; mà kiên trì chính là điều kiện bắt buộc phải có đối với một người muốn đạt được thành công trong sự nghiệp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.