11 Lời Khuyên Dành Cho Thế Hệ Trẻ Của Bill Gates

Lời khuyên thứ sáu: Rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm



Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đó không phải do lỗi lầm trước đây của bố mẹ bạn, bởi vậy, không nên oán trách mà phải biết từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.

Thẳng thắn nhìn nhận sai lầm

Trên đường đời dài đằng đẵng, bạn luôn mong mỏi sự nghiệp của mình có thể đạt được thành công, nhưng nếu hành trang của bạn lại chỉ có những tri thức đã học được tại trường học thì quả là quá ít. Bạn còn cần phải có những tri thức về cuộc sống, xã hội. Cuộc sống là người thầy nghiêm khắc nhất, có phương pháp giáo dục hoàn toàn khác so với các giáo trình trong trường học. Phương pháp giáo dục của cuộc sống là bạn phải phạm sai lầm trước, rồi từ đó rút ra bài học. Rất nhiều người do không biết cách tìm ra chân lý từ những sai lầm nên chỉ biết trốn tránh sai lầm. Họ không biết rằng bản thân hành động này đã tạo ra một sai lầm lớn, một số người còn lặp đi lặp lại nhiều lần những sai lầm mà bản thân đã từng phạm phải trước đây. Sở dĩ họ liên tiếp phạm phải cùng một sai lầm là vì họ không biết làm thế nào để rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm phạm phải. Ở trường học, bạn có thể được coi là một học sinh thông minh bởi vì bạn không phạm phải sai lầm; nhưng trong cuộc sống, bạn có trí tuệ, có sự sáng suốt bởi vì bạn đã từng phạm sai lầm, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm từ những sai lầm đó. Nếu một người thực sự rút ra được những bài học từ những sai lầm thì cuộc sống của anh ta sẽ có sự thay đổi. Cái mà anh ta có được không chỉ là kinh nghiệm mà còn là trí tuệ.

Bản thân sai lầm không có gì đáng sợ, điều đáng sợ là sai lầm một cách vô ích. Một người dù phạm một sai lầm nhỏ nhưng nếu anh ta có thể tổng kết các bài học thất bại, biết được tại sao mình thất bại và không phạm phải những sai lầm lớn hơn, thì những bài học về sai lầm mà anh ta có được còn quan trọng hơn những kinh nghiệm về thành công.

Có người đã từng căn cứ vào khả năng lợi dụng một cách hữu hiệu sai lầm để chia con người ra thành 4 loại. Loại thứ nhất, không thể rút ra bài học từ sự thất bại, luôn phạm phải những lỗi lầm giống nhau. Loại người này không có cách gì để vươn lên. Loại người thứ hai, tuy có thể rút ra bài học từ những sai lầm, không phạm phải những sai lầm giống nhau, nhưng do không thể phát hiện ra những điều mang tính quy luật từ sự thất bại nên luôn phạm phải những sai lầm khác nhau. Loại người này cũng khó có khả năng tiến xa. Loại người thứ ba, có khả năng tổng kết các bài học và quy luật từ những sai lầm mà mình mắc phải, có thể coi họ là người thông minh. Nhưng do họ chỉ có thể tổng kết những bài học từ những thát bại của bản thân nên tuy không phạm phải sai lầm giống như bản thân đã từng mắc phải nhưng lại luôn phạm phải những sai lầm mà người khác mắc phải. Loại người thứ tư vừa không phạm phải sai lầm mà mình từng mắc phải lại không phạm phải sai lầm mà người khác từng mắc phải. Kinh nghiệm của người khác cũng chính là kinh nghiệm của bản thân anh ta; bài học của người khác cũng chính là bài học của anh ta. Chỉ có loại người thứ tư mới biết cách lợi dụng một cách có hiệu quả nhất giá trị của những thất bại.

Con người khi đạt được thành công, họ luôn cho rằng đó là do bản thân sáng suốt thông minh, rất ít người cho rằng đó là do vận may; còn khi phạm phải sai lầm, họ lại luôn đổ tội cho số phận, họ sợ phải thừa nhận sai lầm, phân tích sai lầm, dẫn đến việc, họ lại phạm phải những sai lầm tương tự. Họ không biết rằng bản thân những sai lầm cũng có những giá trị nhất định. Chỉ có những người biết tổng kết những bài học kinh nghiệm từ những thất bại, không than thân trách phận mới có thể tránh không phạm lại những sai lầm đã mắc phải.

“Một người bị lừa hai lần thì nên bị hủy diệt”. Một người thực sự thông minh không được phép phạm phải sai lầm mà mình đã từng mắc phải. Đúng vậy, phạm phải sai lầm không có gì đáng sợ, chỉ cần không phạm phải sai lầm tương tự đã là một tiến bộ. Con chó, con mèo bị hại một lần, lần sau nếu gặp phải hoàn cảnh tương tự, chúng sẽ biết tránh thật xa. Động vật còn như vậy, chúng ta lẽ nào lại không làm được như thế?

Rất nhiều người luôn có những quyết định sai lầm, cho dù đã đọc bao nhiêu sách, học qua bao nhiêu kỹ xảo nhưng mỗi lần đến giờ phút quan trọng để đưa ra quyết định, họ lại bỏ qua toàn bộ những nguyên tắc và kỹ xảo cần phải sử dụng, để mặc cho một sức mạnh hoàn toàn xa lạ dẫn dắt họ đưa ra quyết định. Đương nhiên, sau này chắc chắn họ sẽ phải vô cùng ân hận về quyết định của mình.

Chúng ta đôi khi có thể làm những việc mà mình biết rõ là sai lầm.

Dù biết rõ rằng ăn quá nhiều bánh kem sẽ bị đau bụng nhưng chúng ta vẫn cứ ăn, đến khi bị đau bụng quằn quại thì mới tự trách mắng bản thân.

Dù biết rõ rằng khi bị lạc đường thì nên hỏi đường những người đang đi, nhưng chúng ta lại không hỏi, cứ vòng đi vòng lại chỗ cũ cho tới khi mặt trời lặn.

Có người bị bệnh đau dạ dày, bác sỹ dặn không được ăn những đồ kích thích, kiêng thuốc lá, rượu bia nhưng anh ta lại không nghe, cứ làm theo ý mình, cho đến khi bệnh trở nên trầm trọng thì lại kêu la than vãn.

Dù biết rõ rằng xử lý công việc một cách nóng vội đã khiến bản thân chịu nhiều thiệt thòi, nhưng khi sự việc xảy ra, bạn vẫn duy trì cách làm việc đó.

Tại sao chúng ta lại không thể “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, tránh phạm phải những sai lầm cũ?

Bill Gates khuyên rằng, sau khi phạm sai lầm, tuyệt đối không áp dụng các hành động sau:

1. Nói dối hoặc phủ định, che đậy hành vi của mình

Những người nói dối thường nói: “Tôi không làm việc đó”, hoặc “Không, không, không phải do tôi làm” hoặc “Tôi không biết việc này là như thế nào”, hoặc “Tôi thề…”. Còn có những người sau khi phạm sai lầm thường nói: “Chẳng có gì ghê gớm cả, tình hình rồi sẽ tốt đẹp trở lại”. “Có sai sót rồi phải không? Sai ở đâu?”, “Không nên lo lắng, mọi việc sẽ như mong muốn của bạn”.

2. Chỉ trích người khác để thoát khỏi trách nhiệm của mình.

Loại người này sau khi phạm lỗi thường hay nói: “Đây là lỗi của anh, không phải lỗi của tôi”, hoặc “Nếu vợ tôi không tiêu tiền một cách vung tay quá trán thì tôi cũng không bị rơi vào hoàn cảnh như bây giờ”, hoặc “Nếu không có con cái làm vướng bận chân tay thì tôi đã giàu từ lâu rồi”. Họ cũng có thể nói: “Chẳng qua là vì khách hàng không chú ý đến sản phẩm của tôi”, hoặc “Nhân viên của tôi không trung thực với tôi”, “Bọn họ nói không rõ ràng”, hoặc “Đây là lỗi của ông chủ”… Có người thậm chí còn nói: “Bởi vì tôi không có được sự giáo dục tốt nên sự nghiệp của tôi không được như mong muốn”, “Nếu cho tôi thêm một chút thời gian thì tôi sẽ làm được tốt hơn”, hoặc “Tôi chẳng còn muốn trở nên giàu có nữa”, hoặc “Mọi người đều như vậy, tại sao tôi lại không thể?”…

3. Bỏ cuộc giữa chừng. Những người bỏ cuộc giữa chừng thường nói:

“Tôi đã sớm nói với anh rằng làm như vậy không có hiệu quả”, “Việc này khó quá, chẳng đáng để tôi phải bỏ ra nhiều tinh lực như vậy, nên đổi một việc khác đơn giản hơn”, “Nhìn xem, tôi đã làm những gì, tôi không muốn tự gây rắc rối cho mình”. Nếu một người nói rằng: “Bài học mà tôi có được là không bao giờ được làm giống như vậy nữa”, thì người đó có lẽ vẫn chưa lĩnh hội được tầm quan trọng của việc phạm sai lầm. Bởi vậy, có rất nhiều người sống trong thế giới của sự nghèo khó bởi vì họ không ngừng nói với bản thân rằng: “Tôi sẽ không bao giờ làm như vậy nữa”, mà không nói rằng: “Tôi đã học được nhiều điều từ những sai lầm đó”. Những người trốn tránh sai lầm hoặc lãng phí những sai lầm không thể là những người có trí tuệ cao siêu, những thành tựu mà họ đạt được trong sự nghiệp cũng sẽ bị hạn chế.

Những thành công to lớn mà Bill Gates thu được trong quá trình đầu tư chất xám có thể quy về nhiều nhân tố, nhưng nhân tố quan trọng nhất là thái độ của ông đối với những sai lầm mà mình mắc phải. Trên thực tế, ông cũng giống như chúng ta, không thích phạm phải sai lầm, nhưng ông không hề sợ hãi khi phải đối mặt với sai lầm, thậm chí còn mạo hiểm để phạm sai lầm. Những người thông minh cũng khó tránh khỏi thất bại trong kinh doanh, tuy nhiên, đối với những sai lầm đã phạm phải, họ không vì thế mà mất đi ý chí. Ngược lại, họ càng trở nên lạc quan, thông minh và dũng cảm, quyết đoán, bởi vì từ đó họ đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý báu và phong phú.

Dám thừa nhận sai lầm

Bill Gates chỉ ra rằng, rất nhiều người khi phạm sai lầm, tâm lý họ thường không biết đến sai lầm đó, chỉ tính toán làm sao để che giấu sự thực. Thực ra, sai lầm cũng là kinh nghiệm, dám thừa nhận sai lầm là một trong những phương pháp để hoàn thiện bản thân.

Nhân vật Roosevelt vĩ đại cũng không bao giờ sợ thừa nhận sai lầm mà mình mắc phải. Ông đã thể hiện phẩm chất cao quý này từ khi còn làm đội trưởng đội cảnh sát số 18 tại NewYork.

Một trung úy đã từng ở cùng đội với ông nói: “Khi Roosevelt dẫn đội luyện tập, giữa chừng ông thường hét lên “dừng một chút”, đồng thời rút từ túi quần một cuốn sổ tay huấn luyện, trước mặt mọi người, mở đến một trang nào đó, tìm được nội dung mình cần, đọc một lượt thật chăm chú rồi nói với chúng tôi: “Vừa rồi tôi làm sai một chút, lẽ ra phải làm như thế này”. Những người như ông quả là không nhiều. Đôi khi chúng tôi không thể nhịn được cười trước hành động này của ông”.

Khi làm Thị trưởng thành phố NewYork, trong một tình huống nghiêm trọng hơn, Roosevelt cũng đã thể hiện sự dũng cảm dám thừa nhận sai lầm của mình. Sau khi một điều khoản do Roosevelt đề nghị được nghị viện thông qua, phát hiện ra phán đoán của mình là sai lầm, ông đã dũng cảm chủ động thừa nhận sai lầm của mình.

“Tôi cảm thấy rất xấu hồ” – ông thừa nhận trước nghị viện – “khi tôi tích cực ủng hộ điều khoản này, quả thực ban đầu tôi cũng có âm thầm đau khổ, tôi không nên làm như thế, nhưng sở dĩ tôi làm như vậy, một phần là do tấm lòng muốn báo đáp của tôi, một phần là làm theo nguyện vọng của nhân dân NewYork”.

Từ đây chúng ta có thể thấy, tìm lời lẽ để biện minh cho mình không phải là thói quen của Roosevelt. Ngược lại, ông thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình, đồng thời cố gắng để sửa chữa sai lầm đó. Những người thẳng thắn phi thường như ông xứng đáng để chúng ta khâm phục.

Benjamin Franklin là một trong những quan chức ngoại giao tài giỏi nhất, kiệt xuất nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khi Franklin còn là một thanh niên trẻ sôi nổi, một người bạn đã từng phê bình ông, chỉ ra cho ông thấy sự cay nghiệt, khó có thể khoan dung trong cá tính của ông. Sau này Franklin đã dần dần sửa đổi tính kiêu ngạo của mình, trở nên chín chắn hơn, thông minh hơn. Sau này, Franklin nói: “Tôi đã lập ra một quy tắc, tuyệt đối không nên phản đối ý kiến của người khác một cách trực diện, bản thân cũng không được phép võ đoán. Tôi thậm chí không cho phép mình dùng từ một cách quá tự chủ cả trên văn nói và văn viết. Tôi không nói những từ như “đương nhiên”, “không nghi ngờ gì”,… mà đổi thành “tôi nghĩ rằng”, “tôi cảm thấy” hoặc “tôi nghĩ việc này nên như thế này”, v.v…”. Phương pháp này đã khiến ông dần trở thành một người thành đạt trong sự nghiệp.

Sai lầm có ý nghĩa giáo dục, mọi người có thể rút ra những bài học từ sai lầm của mình. Như vậy, một lỗi lầm nhỏ cũng có thể cảnh báo, giúp chúng ta tránh được những sai lầm lớn. Người không chịu thừa nhận sai lầm của mình không chỉ mất đi những kinh nghiệm quý báu để tránh được những sai lầm lớn hơn mà còn có thể tiếp tục mắc phải sai lầm tương tự.

Rút ra bài học từ những sai lầm

Bất cứ ai cũng khó tránh khỏi phạm phải sai lầm, Bill Gates cũng vậy, nhưng ông có quan niệm: Nếu bạn không muốn rút ra bài học từ sai lầm thì bạn sẽ tìm mọi cách để che đậy sai lầm đó. Nếu chịu trách nhiệm với bản thân thì bạn phải dũng cảm nhận lỗi.

Bạn đã từng gặp phải những thất bại nặng nề chưa? Hoặc đã bao giờ tự trách móc bản thân vì những lỗi lầm mà mình mắc phải? Bạn đã từng bỏ công sức mà không thu được kết quả gì? Cuộc đời bạn có thể đã từng xảy ra những bi kịch cá nhân? Liệu bạn đã từng mạo hiểm phạm sai lầm nhưng kết quả là thất bại thảm hại? Liệu bạn đã từng vì hy vọng bị sụp đồ mà suy sụp tinh thần?

Không nên để những tình huống trên cản trở bạn đạt được mục tiêu cuối cùng. Thất bại cũng giống như mạo hiểm và thắng lợi, là một phần tất yếu của cuộc sống. Những thành công vĩ đại thường chỉ đạt được sau vô số những lần thất bại cay đắng.

Cuộc đời của tất cả những người thành đạt có thể chứng minh rằng cuộc đời con người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Chẳng ai có thể luôn là người chiến thắng. Sai sót là điều khó tránh khỏi, vấn đề then chốt là sai lầm đó có thể làm cho bạn hoàn toàn suy sụp hay trở thành cầu nối để đưa bạn đến với bến bờ của thành công.

Phương pháp để học tập từ những sai lầm là:

  1. Xem xét một cách chân thực và khách quan đối với tình thế gặp phải. Không nên quy tội cho người khác mà nên tự kiểm điểm lại bản thân.
  2. Phân tích quá trình và nguyên nhân thất bại. Lập lại kế hoạch, áp dụng các biện pháp cần thiết để sửa chữa sai lầm.
  3. Trước khi tiến hành thử lại, hãy tưởng tượng ra cảnh bản thân giải quyết công việc và ứng phó với khách hàng một cách ổn thỏa.
  4. Quên đi những ký ức về sự thất bại có thể đánh vào lòng tự tin của bản thân, biến chúng thành yếu tố bồi dưỡng cho thành công trong tương lai của bạn.
  5. Bắt đầu lại.

Có thể bạn sẽ phải thực hiện 3 lần 5 bước trên mới đạt được mục tiêu như mong muốn. Điều quan trọng là trong mỗi lần thử, bạn phải có thêm sự thu hoạch, đồng thời tiến thêm được một bước về phía mục tiêu.

Bình tĩnh đón nhận sự phê bình không phải là một việc dễ dàng. Chúng ta đều sợ phạm sai lầm. Từ nhỏ chúng ta đã được giáo dục rằng phạm sai lầm là một điều không tốt, sẽ khiến chúng ta mất đi tình yêu thương của người thân và bạn bè. Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng để hành động, hạn chế chịu ảnh hưởng quá lớn của tình cảm.

Khi bị phê bình không nên cảm thấy thất vọng, bất công hay tức giận mà nên dồn hết tinh lực định ra một kế hoạch khác để lấy lại bình tĩnh, làm lại từ đầu. Cùng những người có liên quan nghiên cứu kế hoạch của bạn, không nên lãng phí thời gian và tinh lực vào việc oán trách lẫn nhau, nên cùng nhau nỗ lực giải quyết vấn đề.

Đôi khi chúng ta lại nhận hết trách nhiệm về mình. Chúng ta sẽ nói: “Tất cả đều là lỗi của tôi”, “Tôi chẳng làm được việc gì”. Nếu là lỗi của chúng ta, nhận trách nhiệm là việc nên làm, nhưng rõ ràng không phải lỗi của chúng ta mà cứ nhận trách nhiệm về mình thì lại là một việc rất nguy hiểm. Những người thích đổ lỗi cho bản thân trong tâm lý thường có những suy nghĩ như: “Mình thật ngu ngốc, mình là người thất bại”. Như vậy, lần sau bạn sẽ lại phạm phải sai lầm tương tự, hoặc bạn lầm tưởng rằng bản thân mình ngu ngốc thật mà chẳng hề thử làm lại. Điều kỳ quặc là chúng ta lại có khả năng chấp nhận thất bại. Việc tự thương hại bản thân dễ dàng hơn nhiều so với việc dùng trí óc để phân tích bản thân, suy nghĩ làm thế nào để lần sau đạt được thành công.

Những người giành được thắng lợi là những người giỏi trong việc rút ra bài học kinh nghiệm từ những thất bại, bởi vì đây là một phương pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực bản thân.

Vấn đề quan trọng nhất là giải quyết vấn đề

Bill Gates nói: Thay thế câu hỏi “tại sao” bằng câu hỏi “như thế nào” là một việc vô cùng quan trọng. Câu hỏi “tại sao” thường đưa đến khả năng tìm lý do, tìm cớ, giải thích, truy cứu trách nhiệm, không có lợi cho việc giải quyết vấn đề. Có người luôn cho rằng sự thành công của người khác đều do may mắn đem lại, có thể là dựa vào quan hệ và các thế lực khác giúp đỡ. Những người này không biết rằng bản thân mình có thể tiến bộ hơn nữa. Kết quả ngày hôm nay là sự nỗ lực của bạn trong thời gian qua, nếu bạn không hài lòng với kết quả hiện tại, chứng tỏ trong thời gian qua bạn chưa cố gắng hết mình; nếu ngày hôm nay bạn chỉ biết oán trách mà không hành động thì ngày mai bạn cũng chỉ có thể oán trách mà thôi. Bạn không nên đặt tiêu điểm lên trên vấn đề, bởi vì có quá nhiều những vấn đề trong cuộc sống; bạn cần phải đặt tiêu điểm lên trên đáp án trả lời, như vậy bạn sẽ phát hiện ra rằng mọi việc đều vô cùng đơn giản.

Nếu bạn đã từng phạm sai lầm trong quá khứ thì tại sao cho tới hôm nay bạn vẫn còn phải hối hận về nó? Đúng vậy, bạn có thể cảm thấy đáng tiếc, sau đó quyết định phải làm tốt hơn, chỉ cần như thế là đủ. “Nếu tôi làm như vậy, sự việc đã không như bây giờ”, đây là lời một số người làm kinh doanh thường than thở về công việc kinh doanh ngày hôm qua. Nhưng khi sau khi lo lắng qua đi, họ có thể đã đánh mất cơ hội kinh doanh tốt hơn cho hôm nay.

Trong xã hội thường có một số người có rất nhiều ký ức không vui và bất hạnh, ý nghĩ của họ chỉ toàn là tiêu cực, đau khổ, buồn chán, bởi vậy họ chẳng có lấy một giây phút bình tĩnh và vui vẻ.

Tại sao bạn lại để cho những thất bại và lỗi lầm đã qua giày vò bản thân? Chẳng phải chính nó đã làm hằn sâu thêm những nếp nhăn trên khuôn mặt bạn, đè nặng lên đôi vai của bạn? Chẳng phải nó đã mang đi tiếng cười, mang đi sự hứng thú trong cuộc sống của bạn sao? Chẳng phải nó đã khiến bạn đau khổ, khiến bạn trở nên khó tính và yếu đuối ư? Tại sao vẫn cứ tiếp tục để nó lấy đi của bạn nhiều thứ hơn? Tại sao không loại bỏ nó khỏi cuộc sống của bạn, xóa nó khỏi ký ức của bạn, đồng thời quên nó đi? Tại sao lại để cho quá khứ làm hỏng tương lai của bạn? Hãy để nó qua đi!

Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, bạn nên hiểu rằng bản thân cuộc sống của bạn còn phong phú hơn nhiều so với tiền bạc và sự ăn mặc. Rút ngắn thời gian trong một ngày chỉ vì sự lo lắng hoặc vì không tận dụng được một cách hiệu quả thời gian của một ngày quả là một việc vô ích. Bạn không nên vì thương tiếc quá khứ mà đánh mất sự thoải mái và yên tĩnh của hiện tại và tương lai.

Lòng kiên trì và sự bền bỉ có thể bồi dưỡng và rèn luyện. Trước tiên phải làm rõ mục tiêu. Bạn phải thực hiện được những yêu cầu sau:

  1. Kiên định mục tiêu. Đầu tiên phải biết mình cần điều gì, đây cũng là bước quan trọng để bồi dưỡng lòng kiên trì và sự bền bỉ. Một động cơ mạnh mẽ có thể giúp con người vượt qua được nhiều khó khăn.
  2. Khát vọng. Theo đuổi mục tiêu mà mình mong muốn đạt được một cách mãnh liệt.
  3. Có kế hoạch rõ ràng. Kế hoạch có thể cổ vũ con người kiên trì thực hiện mục tiêu.
  4. Kiến thức đúng đắn. Phải biết rằng kế hoạch của mình được xây dựng dựa trên kinh nghiệm hay sự quan sát thông minh; nếu không biết được tình hình mà chỉ đoán mò, lòng kiên trì và sự bền bỉ của bạn sẽ bị hủy hoại.
  5. Tự lực tự cường. Tin tưởng bản thân có năng lực để thực hiện kế hoạch.
  6. Hợp tác. Cùng những người khác kết hợp hỗ trợ nhau, cùng tìm tiếng nói chung.
  7. Sức mạnh ý chí. Tập trung suy nghĩ, đặt ra kế hoạch để đạt được mục tiêu chắc chắn.
  8. Thói quen. Lòng kiên trì và sự bền bỉ là sản phẩm trực tiếp của thói quen. Con người sẽ tiếp thu những kinh nghiệm hàng ngày, đồng thời hóa thân thành một phần trong đó. Có thể áp dụng phương pháp ép bản thân phải hành động để đối phó với kẻ địch lớn nhất là sự sợ hãi.

Nếu bạn chú ý đến những vấn đề trên thì lòng kiên trì và sự bền bỉ của bạn sẽ dần dần được hình thành, tiền tài cũng sẽ bắt đầu mỉm cười với bạn. Mỗi chúng ta đều có một thứ mà bất cứ trở ngại nào, thất bại nào cũng không đánh gục được nó, một thứ có thể khắc phục nỗi dằn vặt do bất kỳ thất bại nào đem lại. Nếu có thể ý thức được điều này, bạn có thể tận dụng được sức mạnh vốn có của bản thân mà từ trước đến nay bạn chưa từng biết đến. Khi con người ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, sức mạnh này sẽ được bộc lộ. Nếu lúc đó con người có lòng quyết tâm, kiên trì không chịu khuất phục, không chấp nhận thất bại thì cuộc đời họ có thể sẽ lưu lại một thứ xứng đáng để họ tự hào. Họ sẽ không cảm thấy hồ thẹn vì quá khứ, họ sẽ tự hào với tương lai của mình, tự tin bắt đầu một cuộc sống mới, tận dụng trí tuệ có được từ những sai lầm trong quá khứ để sáng tạo tương lai mới mẻ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.