201 Câu Hỏi Hay Nhất Có Thể Đặt Ra Cho Nhà Tuyển Dụng

CHƯƠNG 2: NHỮNG CÂU HỎI KHÔNG NÊN ĐẶT RA ĐỪNG ĐI ĐẾN ĐÓ



Cuốn sách này chú trọng vào việc giúp bạn xác định và thay đổi các câu hỏi mà bạn có thể hỏi người phỏng vấn sao cho bạn có thể thể hiện một hình ảnh tốt về mình trước nhà tuyển dụng, đồng thời bảo đảm bạn sẽ nhận được một lời đề nghị cộng tác làm việc. Để đạt được mục tiêu cuối cùng đó, có vô số các câu hỏi về công việc, về công ty và về ngành nghề đang chờ đón bạn.

Nhưng có một hệ thống các câu hỏi mà nhìn chung bạn nên tránh cho đến khi bạn chắc chắn được hai điều. Thứ nhất, nhà tuyển dụng chủ động đưa ra các câu hỏi đó. Thứ hai, khi bạn nhận được lời đề nghị, hoặc khi có một tuyên bố nghiêm túc về sự quan tâm của nhà tuyển dụng đến hồ sơ của bạn.

Hãy nhớ rằng, mục tiêu của bạn là nhận được lời đề nghị làm việc. Những câu hỏi đó sẽ không những không giúp gì cho mục tiêu đó của bạn mà còn có tác dụng “cuỗm đi mất” những nỗ lực mà bạn đã cố gắng. Một số câu hỏi có thể rất quan trọng và rõ ràng bạn sẽ phải hỏi, nhưng chắc chắn là không phải lúc này!

Về tiền lương và các khoản thu nhập

Trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, bạn không bao giờ nên hỏi những câu hỏi về tiền lương cũng như các quyền lợi có liên quan như: hoa hồng lợi nhuận, nghỉ phép và nghỉ lễ. Chẳng khó khăn gì để bạn hình thành những câu hỏi này, nhưng chúng sẽ chỉ thể hiện trong mắt nhà tuyển dụng về sự tham lam của bạn mà thôi, rằng bạn luôn quan tâm đến những gì mà công ty làm cho mình hơn là những gì bạn đóng góp được cho công ty. Bất cứ sự bàn luận nào liên quan đến chủ đề này sẽ làm cho nhà tuyển dụng bớt chú ý đến năng lực, trình độ của bạn và cách thức bạn có thể đưa ra để đóng góp giá trị cho công ty.

Tất nhiên, tiền bạc và lợi ích là quan trọng. Tôi cam đoan với bạn rằng bạn sẽ có cơ hội để trao đổi về chủ đề này ngay sau khi nhà tuyển dụng thể hiện mối quan tâm của họ đến bạn và năng lực của bạn. Khi đó, vị thế thảo luận của bạn sẽ cao hơn nhiều. Chính vì thế, hãy tạm gác lại chủ đề “tiền” để tập trung thể hiện những gì bạn biết về khó khăn của công ty và khả năng bạn giải quyết các khó khăn đó.

Mặt khác, nói là một chuyện, vấn đề là phải biến điều đó thành sự thật. Tiền luôn luôn là một vấn đề tế nhị, vậy thì tại sao chúng ta lại luôn muốn thảo luận về sự thật đó nhỉ? Sự thật là, tất cả các cố vấn nghề nghiệp, các chuyên gia “săn việc làm” khuyến nghị bạn rằng thảo luận về tiền bạc trước khi nhà tuyển dụng đưa vấn đề đó ra là một điều cấm kỵ, nhưng theo tôi, không nên quá cứng nhắc quá trong việc này. Đôi khi, việc thảo luận về tiền bạc lại có ý nghĩa giải tỏa tâm lý đối với ứng viên, khiến họ trò chuyện thoải mái về chủ đề này tại thời điểm ban đầu của cuộc phỏng vấn. Bất kỳ một người hiểu biết nào cũng nhận thức được rằng chủ đề về tiền công được trả, lợi ích y tế được hưởng, và bất kỳ yếu tố nào cấu thành một tuần làm việc cũng đều là chủ đề quan trọng. Hành động thẳng thắn từ chối bàn luận về các chủ đề này sẽ hạn chế tính trung thực trong mối quan hệ giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, và chắc chắn đó không phải là cách tốt nhất để bắt đầu một mối quan hệ với ai đó mà không lâu nữa sẽ trở thành người giám sát hoặc cố vấn của bạn.

Có một ngoại lệ khi vấn đề tiền lương được đem ra bàn bạc trước, chứ không phải là sau khi đã qua gần hết cuộc phỏng vấn. Ngoại lệ này thuộc về nhân viên bán hàng, những người được chi trả dựa trên hoa hồng, chứ không phải tiền lương. Đối với nhân viên bán hàng, nguyện vọng về thu nhập cao vốn đã được coi là cố hữu. Các công ty suy cho cùng luôn mong muốn nhân viên bán hàng của mình “tham”, có khát khao kiếm tiền ở một chừng mực hợp lý nào đó. Hệ thống công ty được thiết lập sao cho nhân viên bán hàng chỉ kiếm được tiền khi họ mang được thật nhiều tiền từ khách hàng về cho công ty. Do đó, nếu bạn tham gia phỏng vấn vào vị trí bán hàng thì việc bạn đề cập nhiều đến hoa hồng, quyền lợi, doanh số và các lợi ích khác trong khi trao đổi với nhà tuyển dụng cũng là hợp lý.

Các câu hỏi tự hạn định

Đó là những câu hỏi đề cập các nhu cầu của bạn trước khi nhà tuyển dụng đề cập chúng. Tất nhiên, bạn sẽ có một số nhu cầu chính đáng về giờ làm việc, phương tiện đi lại, điều kiện y tế, đào tạo và cả các điều kiện ăn ở. Nhưng hiếm khi bạn có lợi thế khi bàn bạc về các chủ đề này trước khi nhà tuyển dụng bộc lộ mối quan tâm của họ dành cho bạn. Vậy tốt hơn, hãy chờ cho tới khi bạn nhận thấy mối quan tâm thực sự mà công ty dành cho mình. Dù gì đi nữa, nhà tuyển dụng cũng sẽ hỏi bạn rằng: “Anh còn vấn đề gì nữa không trước khi chúng ta chuyển sang bước tiếp theo?”. Có thể nói đấy là lúc thích hợp và an toàn nhất để bạn đưa ra các vấn đề còn đang “lăn tăn” trong đầu.

Nói cách khác, bạn phải bảo đảm rằng các câu hỏi mình đưa ra không làm gia tăng các rào cản hay sự phản đối. Ví dụ:

Bổ nhiệm công tác ở nơi xa có phải là một phần cần thiết trong công việc này hay không?

Câu hỏi “sát sườn” này làm nảy sinh nghi ngờ của nhà tuyển dụng về sự sẵn sàng nhận nhiệm vụ công tác xa của bạn. Thậm chí nếu vị trí công việc đang tuyển chọn không nhắm vào mục đích chuyển công tác nhưng một câu hỏi được đặt ra như vậy sẽ khiến nhà tuyển dụng băn khoăn liệu bạn có phản đối việc chuyển địa điểm công tác hay không.

Nếu vấn đề chuyển công tác thực sự quan trọng đối với bạn thì bằng mọi cách, hãy hỏi nhưng phải bằng một câu thể hiện tính linh hoạt của bạn chứ đừng đưa ra câu hỏi kiểu thách đố:

Tôi biết, việc đi công tác xa là một đòi hỏi khá thường xuyên trong công việc. Tôi đã chuẩn bị cho việc này vì lợi ích của công ty. Vậy ông có thể cho tôi biết rõ hơn về tính thường xuyên trong việc chuyển công tác của tôi trong một giai đoạn từ 5 đến 10 năm được không?

Dưới đây là một số ví dụ nữa về những câu hỏi tự hạn định và ý kiến bình luận của những nhà tuyển dụng:

Việc này có triển vọng không?

Có thể, nhưng có phải anh muốn nói rằng anh chưa toàn tâm toàn ý với công ty?

Ông có thể cho tôi biết liệu công ty đã cân nhắc tới những lợi ích to lớn từ việc đi công tác dài hạn này chưa?

Tại sao anh lại muốn ra khỏi công ty trước khi anh kịp nhìn thấy nó nhỉ?

Tôi biết việc chi trả cho nhân công sẽ được thực hiện thông qua hệ thống điện tử. Nhưng liệu tôi có thể nhận lương theo kiểu cũ (tiền mặt) được không?

Anh đã và đang đề nghị một ngoại lệ đấy! Còn gì tiếp theo nữa không? Và tại sao anh lại sợ công nghệ đến thế nhỉ?

Tôi sẽ không phải làm việc với người có học vấn thấp hơn tôi, phải vậy không?

Anh hẳn là người có thành kiến? Tại sao chúng ta lại phải chấp nhận rủi ro rằng anh có thể còn có những chuyện cá nhân khác nữa nhỉ?

Theo như mô tả công việc thì tôi phải làm cả vào cuối tuần. Ông thực sự nghiêm túc đấy chứ?

Chúng tôi thực sự nghiêm túc khi đưa ra bản mô tả công việc. Nhưng với những gì anh nói, có lẽ chúng tôi sẽ phải cân nhắc lại trường hợp của anh.

Bạn đã nắm được cơ hội trong tay. Tuy vậy đừng vội giương cờ chiến thắng. Một khi nhà tuyển dụng quyết định bạn là người thích hợp cho công việc, bạn sẽ thấy họ rất dễ dãi trong các vấn đề này. Việc của bạn chỉ là chờ đến khi nào họ đưa ra lời đề nghị chính thức, đến lúc đó bạn mới nên đưa các vấn đề này ra thảo luận.

Vậy còn tính hài hước thì sao?

Charles Handler, đương kim Chủ tịch Rocket-hire.com đã thuật lại rất chi tiết một bài học về chủ đề này. Trong cuộc phỏng vấn vào vị trí Giám đốc Điều hành Công ty, Handler đã cố gắng đưa ra luận điểm về các phương pháp tuyển chọn đáng tin cậy. Trong khi cố tỏ ra vui vẻ, ông cho biết mình đồng tình với mọi phương pháp tuyển chọn nhân viên, chỉ trừ có thuật xem tướng chữ. Thuật xem tướng chữ là việc nghiên cứu về chữ viết tay, coi đó là một phương pháp để phân tích con người.

Bạn có thể đoán được điều gì xảy ra tiếp theo không? Ông giám đốc điều hành lúc đó đã nhìn lên, cười và chậm rãi thông tin cho Handler biết rằng thuật xem tướng chữ là sở thích của ông ta, đồng thời cũng cho biết thêm rằng phương pháp đó có giá trị rất xác thực.

Tin vui là vào cuối ngày, lời nói lém lỉnh đó đã không làm cho Handler cảm thấy tổn thương. Đồng thời ông cũng nhận được lời đề nghị làm việc. Nhưng ông đã rút ra được một bài học quý. “Hãy nghĩ thật kỹ, hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi đưa ra một câu chuyện vui hoặc đơn giản chỉ một câu nói lém lỉnh. Bất kể chủ đề nào bạn chọn, mặc dù có vẻ vô hại, cũng rất có thể “đụng chạm” tới nhà tuyển dụng”.

Mặt khác, hài hước một cách lịch sự và được tập trung một cách sắc sảo có thể đem lại hiệu quả và lợi thế. Nhưng đó bắt buộc phải là tính hài hước tự nhiên bởi vì không gì rủi ro bằng một sự hài hước gượng ép. Người hài hước “nghiệp dư” đừng bao giờ thể hiện tính hài hước tại văn phòng, bởi vì những nỗ lực hài hước “không đến nơi” sẽ chỉ gây phản tác dụng, và nếu như sự hài hước của bạn lại vô tình động chạm đến nhà tuyển dụng thì sẽ chẳng bao giờ bạn còn có hội để sửa chữa. Vì lẽ đó, các chuyên gia hướng nghiệp thường khuyên chúng ta không nên cố gắng thể hiện sự hài hước, sử dụng ngôn ngữ châm biếm hay bỡn cợt. Hãy trò chuyện thẳng thắn và bạn sẽ đi đến

nơi, đạt được mục tiêu cần đến.

Tuy vậy một số nhà tuyển dụng lại khuyến khích tính hài hước bởi vì điều đó thể hiện tính lạc quan của bạn khi làm việc. Theo Susan Trainer: “Khả năng cười chính mình là một phẩm chất tốt, nó thể hiện bạn không bao giờ đặt mình vào trạng thái quá bi quan. Đó là một đặc điểm rất lôi cuốn”.

Một số nhà tuyển dụng khác vẫn hoài nghi. Bryan Debenport – chuyên gia tuyển dụng tại Alcon Laboatries, nhà sản xuất thuốc chữa mắt với trên 3000 nhân công tại Fort Worth, bang Texas – đã khuyến cáo: “Tôi muốn câu hỏi phải được thể hiện một cách nghiêm túc. Tôi không cấm tính hài hước nhưng tốt hơn thì nên thể hiện vào đầu hoặc cuối buổi phỏng vấn; và cũng không nên lạm dụng điều đó”.

Mục tiêu khi bạn tỏ ra hài hước là nhằm tạo cảm giác thân thiện đối với nhà tuyển dụng, để chia sẻ khiếu hài hước và nhấn mạnh khả năng hoà nhập của bạn với công ty. Dĩ nhiên, khi xu hướng cá tính của bạn và nhà tuyển dụng quá khác nhau thì nỗ lực hài hước của bạn chỉ được coi là lạc điệu mà thôi.

Khi cất tiếng cười, sự thay đổi trạng thái tâm lý xảy ra sẽ khiến mọi người cảm thấy thoải mái, linh hoạt hơn và – điều bạn mong muốn hơn cả – họ sẵn sàng tán đồng. Hài hước cũng đồng nghĩa với sự hóm hỉnh, mà hóm hỉnh lại xuất phát từ một cái đầu thông minh. Và chẳng có băn khoăn gì khi nhà tuyển dụng săn tìm những ứng viên có phẩm chất này. Hãy để cho nhà tuyển dụng thể hiện trước. Nếu họ bắt đầu bằng một câu chuyện hài hước tích cực, đó là lúc bạn cũng có thể chia sẻ một chút hài hước của mình.

Chỉ nói đùa về bản thân mình thôi

Bạn chỉ có thể đem mình ra để hài hước mà thôi. Bất kỳ đề tài nào đều không được phép đưa ra để đùa. Có thể bạn cho rằng mình và nhà tuyển dụng có cùng một số quan điểm về chính trị, quan hệ giới tính, về tôn giáo và các dân tộc thiểu số. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là bạn có thể nói đùa xa hơn. Trong những vấn đề này, bạn không được tỏ ra hài hước bởi chẳng có gì đáng cười khi bạn kỳ thị người khác cả. Đây là các chủ đề luôn ẩn chứa những rủi ro, có khi còn phản tác dụng khi được đem ra để đùa. Và khi nhận thấy dù chỉ có một khả năng nhỏ nhất là câu hài hước của bạn có thể tấn công vào điểm nhạy cảm của người khác thì hãy giữ lại câu đùa đó trong lòng, đừng nói ra nữa.

Vậy thì kiểu hài hước nào có thể coi là chấp nhận được? Sử dụng giọng địa phương ư?

Chủ đề này rất rủi ro. Đừng dùng tới nó! Lời nói bóng gió cũng không nên dùng vì nó có thể bị hiểu sai. Những câu chuyện kể về chuyện riêng tư có thể có hiệu quả khi được trình bày thật ngắn và có trọng điểm. Một ứng viên đã kể rằng, câu nói dưới đây, khi nói ra một cách thẳng thắn với một nụ cười rộng mở, có thể khiến cho người đối diện cười lớn và thực sự trả lời lại:

Tới lúc này thì ông/ bà thích tôi đến độ nào rồi?

Nancy Levine, Phó giám đốc khách hàng của hãng Pacific Film – trụ sở San Francisco

– thừa nhận một câu nói như trên cũng có thể có hiệu quả nhưng mức độ rủi ro lại rất cao bởi vì đó rõ ràng là một câu hài hước quá thô. “Nếu đã tới lúc tôi cảm thấy mối quan hệ giữa mình và ứng viên đủ gần gũi thì kiểu hài hước như thế là bình thường, thậm chí còn rất hay. Nhưng thật không có gì khiến tôi bực mình hơn khi một ai đó đang cố gắng tỏ ra khôi hài trong khi tôi chẳng thấy anh ta khôi hài chút nào. Hãy thận trọng nếu bạn muốn sử dụng sự hài hước. Nhưng hãy nhớ, chỉ thêm thắt ít thôi, giống như khi bạn nêm thêm chút gia vị tiêu vào món ăn của mình vậy”.

Thế còn chuyện tiếu lâm thì sao? Liệu việc kể một câu chuyện cười trong cuộc phỏng vấn có hữu ích gì không?

Chuyện cười cũng có thể mang rủi ro lớn. Tuy vậy, đôi khi bạn cũng cần có một vài câu chuyện để làm “vốn”. Tôi biết một giám đốc nhân sự đã đề nghị ứng viên kể một câu chuyện cười với dụng ý kiểm nghiệm sự nhanh trí của ứng viên đó. Nếu cuộc phỏng vấn diễn ra tại một địa điểm không trang trọng (như tại một nhà hàng chẳng hạn) thì việc đề nghị kể một câu chuyện cười đôi khi cũng có ý nghĩa. Những bối cảnh tương tự như vậy sẽ cho phép linh hoạt hơn. Mặc dù vậy, thận trọng không bao giờ là thừa cả.

Một số nhà tuyển dụng sẽ kể chuyện cười cho bạn nghe, có thể là nhằm phá tan bầu không khí căng thẳng, hoặc để minh họa cho một điều gì đó. Đôi khi, những nhà tuyển dụng không chuyên hoặc chưa có sự chuẩn bị sẽ kể các câu chuyện cười bởi họ cảm thấy không thoải mái hoặc chưa biết phải làm gì. Trong cả hai trường hợp này, bạn phải cố gắng để không bị lôi kéo vào việc cùng với nhà tuyển dụng kể cho nhau nghe các câu chuyện tiếu lâm. Hành động đó sẽ chỉ tạo ra mối quan hệ thân thiện giả tạo, nó không những không giúp được gì cho cuộc phỏng vấn mà còn chẳng tạo ra điều gì hay ho cả. Vì thế, hãy lắng nghe chỉ để thỉnh thoảng phụ họa theo và rồi quay trở lại với chủ đề chính:

Tôi đánh giá cao những gì ông đã nói. Đúng là các trục trặc trong giao tiếp có thể xảy đến bất kỳ lúc nào và theo cách mà chẳng ai có thể lường trước được. Đôi lúc những mẩu chuyện có vẻ vui thật đấy nhưng lại gây không ít tổn hại cho công ty…

Trong công việc trước của tôi, tôi đã lãnh đạo một nhóm để triển khai…

Trong trường hợp nếu bạn buộc phải kể một câu chuyện cười, hãy đảm bảo đó là một câu chuyện ngắn và hướng về chính bạn hoặc về một vấn đề chung chung nào đó của công việc. Hoặc nếu câu chuyện đề cập đến chủ đề phỏng vấn việc làm thì càng tốt.

Và đừng bao giờ kể nhiều hơn một câu chuyện, dù cho bạn có bị lôi kéo hay không. Ví dụ, câu chuyện dưới đây tuy là buồn cười nhưng vẫn không đi ra ngoài nội dung của cuộc phỏng vấn:

Cuối buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đưa ra một câu hỏi cho một kỹ sư mới tốt nghiệp trường MIT về mức lương mà anh ta mong muốn.

“Khoảng 140.000 đô la Mỹ mỗi năm, tuỳ thuộc vào các quyền lợi khác”.

“Xem nào, thế anh nghĩ thế nào về những quyền lợi khác như 5 tuần nghỉ phép, 14 ngày nghỉ lễ, bảo hiểm y tế và bảo hiểm răng miệng toàn bộ, tỷ lệ trích cho quỹ hưu trí là 50% lương, và quyền sử dụng một chiếc xe công ty cứ 2 năm ký một lần, ví dụ như một chiếc xe… Corvette đỏ?”

“Ôi trời đất! Ông đùa đấy à?” – ứng viên nói.

“Tất nhiên là tôi đùa rồi, nhưng bởi vì anh đùa trước đấy chứ”.

5 nguyên tắc khi sử dụng khiếu hài hước

1. Hướng chuyện hài hước vào bản thân mình chứ không được nhằm vào bất cứ chuyện gì khác.

2. Chỉ được phép phụ họa theo câu chuyện hài hước của nhà tuyển dụng.

3. Không gượng ép.

4. Không châm chọc, mỉa mai.

5. Nếu chưa chắc chắn thì đừng đem chuyện gì ra đùa.

Các câu hỏi về nhà tuyển dụng

Các cá nhân đều có liên quan đến nhau, cho nên việc ứng viên muốn tìm hiểu về nhà

tuyển dụng cũng là chuyện bình thường. Nhà tuyển dụng là hình ảnh đại diện ban đầu cho công ty, nơi mà ứng viên đang mong muốn được đến làm việc. Do vậy, khi ứng viên muốn đặt câu hỏi về tiểu sử, về quan điểm và kinh nghiệm của nhà tuyển dụng thì điều đó cũng không có gì là khác thường.

Hiển nhiên rồi: con người luôn có nhu cầu nói chuyện, trao đổi thông tin với nhau. Hầu hết các ứng viên đều muốn biết về nhà tuyển dụng. Một câu hỏi lớn được nêu ra là bạn có thể tiếp cận nhà tuyển dụng thân mật tới mức độ để không vượt qua ranh giới của buổi phỏng vấn? Theo Bob Conlin, Phó giám đốc marketing của Công ty Incentive Systems tại Bedford, bang Massachusetts: “Nếu bạn hỏi nhà tuyển dụng các câu hỏi có liên quan và hướng đến công việc thì không sao cả”. Conlin cũng nói cho biết thêm về một số câu hỏi mà ông hay sử dụng:

“Điều gì đã thuyết phục được anh đến với Incentive Systems?”

“Những đóng góp lớn nhất của Incentive Systems là gì?”

Ứng viên cũng có thể hỏi lại nhà tuyển dụng những câu hỏi ứng xử tương tự như những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đã hỏi họ. Đó là ý kiến của Melanie Mays, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn Tuyển dụng Empyrean ở Dallas, bang Texas. Tốt nhất là những câu hỏi này nên được đưa ra sau khi cả hai bên đã cùng nhau xây dựng được mối quan hệ trao đổi thông tin thân thiện. Những câu hỏi như vậy chỉ nên đặt ra với chính người mà sau này bạn sẽ làm việc cùng:

Ông có thể cho tôi biết về một dự án đã thành công được không? Và làm sao ông hoàn thành được công việc đó?

Ông có thể cho tôi biết về một thời điểm ông gặp khó khăn và làm thế nào ông giải quyết được khó khăn đó?

Ông nghĩ thế nào khi nhân viên đưa ra bình luận về kiểu quản lý của mình?

Bà Mays cũng khuyến cáo rằng một số nhà tuyển dụng tỏ ra rất thoải mái với những câu hỏi kiểu này, nhưng một số khác thì cho rằng điều đó thể hiện sự xúc phạm. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, tốt hơn bạn nên dừng lại bởi vì sự xúc phạm chính nó đã giúp bạn nhìn nhận hậu quả sẽ là gì rồi. Một số câu hỏi cá nhân khác cũng cần cân nhắc để đưa ra cho nhà tuyển dụng:

Mong ông kể cho tôi biết về sự lựa chọn nghề nghiệp của ông? Làm thế nào ông vào được vòng tuyển dụng? Điều gì hấp dẫn ông đến với công ty này?

Ông ngưỡng mộ điều gì ở công ty này? Nếu được quyền thay đổi công ty, ông sẽ cải tổ những gì?

Có bao nhiêu cấp quản lý ở giữa ông và chủ tịch? Lần gần đây nhất ông làm việc với ông chủ tịch là khi nào?

Phải tránh những câu hỏi vượt quá phạm vi. Những câu hỏi riêng tư không phù hợp sẽ có thể nằm trong số sau:

Ông còn độc thân à?

Thu nhập của ông là bao nhiêu?

Ông sẽ mất gì nếu bỏ công việc này?

Ông có muốn làm việc với người muốn thuê tôi không?

Điều tồi tệ nhất mà ông đã phải trải qua khi ở công ty này là gì?

Ông có cho là mình hơi trẻ (hoặc hơi già) cho vị trí hiện giờ không?

Hãy nghe ý kiến của Beau Harris, nhà tuyển dụng của tập đoàn Handspring, đồng thời là chuyên gia nhân sự của Mountain View – doanh nghiệp sản xuất kính tấm che nắng hỗ trợ kỹ thuật số tại California: “Tôi hoan nghênh tất cả các câu hỏi của ứng viên về kinh nghiệm làm việc của cá nhân tôi bởi vì nhờ đó tôi có cơ hội chia sẻ với họ lòng nhiệt huyết của mình về công ty”. Vậy đâu là loại câu hỏi sẽ khiến Harris khó chịu? “Đứng trên quan điểm một nhà tuyển dụng, tôi hoàn toàn không chấp nhận những câu hỏi về tình trạng hôn nhân, tôn giáo cũng như quan điểm chính trị. Tôi tin rằng đã là ứng viên thì ai cũng phải hiểu rõ điều này. Những câu hỏi như thế không có tác dụng tích cực nào trong quá trình ra quyết định của những nhà tuyển dụng”.

Đúng, đó quả là những câu hỏi ngớ ngẩn

Trong các cuộc phỏng vấn vẫn luôn tồn tại những câu hỏi rất ngớ ngẩn. Sau khi trao đổi với hàng trăm nhà tuyển dụng và các cố vấn nghề nghiệp trên khắp thế giới, tôi có thể tổng kết với các bạn rằng, thật không may, những câu hỏi trong chương này được đánh giá là rất dở. Đó là nguyên nhân dẫn đến thất bại của ứng viên trên con đường tìm việc mặc dù bản thân họ đều là những người có trình độ. Ngày nào chúng ta cũng được chứng kiến những câu hỏi rất dại dột của các ứng viên, qua đó chứng tỏ họ thiếu

sự chuẩn bị, thiếu tập trung chú ý lắng nghe khi nói chuyện với nhà tuyển dụng và thêm nữa, họ chưa thích nghi được với bối cảnh quanh mình.

Những câu hỏi không hay nhất

của mọi thời đại

Ứng viên sẽ vẫn chỉ là ứng viên khi họ hỏi những câu hỏi như thế này.

Dựa trên ý kiến đánh giá của những nhà tuyển dụng, các cố vấn nghề nghiệp và các chuyên gia nhân sự – những người đã có cơ hội chia sẻ đủ các thể loại câu hỏi dở nhất mà ứng viên đưa ra – thì dưới đây là những câu hỏi được coi là dấu chấm hết cho buổi phỏng vấn.

Trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào, ứng viên cũng phải tránh đưa ra các câu hỏi như thế:

• Liệu tôi có thể vay một khoản tiền nhỏ từ công ty không?

• Công ty ông chuyên về mảng gì?

• Ông chỉ cho tôi phòng nghỉ được chứ?

• Những lợi ích về tâm lý khi làm việc cho công ty này là gì?

• Một ứng viên sẽ nhận được bao nhiêu cảnh cáo trước khi chính thức bị cho thôi

việc?

• Ông có thể đảm bảo giữ cho tôi công việc này sau một năm nữa không?

• Tôi có phải giữ liên lạc thường xuyên trong những chuyến đi công tác xa không?

• Liệu có ai để ý khi tôi đi muộn và về sớm không?

• Có bao nhiêu người dân tộc X làm việc ở đây?

• Công ty đánh giá ra sao về chuyện nghỉ làm quá nhiều?

• Ông đã có kế hoạch nghỉ hưu chưa?

• Bản mô tả công việc cho thấy có cả những công việc trong ngày nghỉ. Ông

nghiêm túc đấy chứ?

• Cung hoàng đạo của vị chủ tịch công ty là gì vậy?

• Ông sẽ không tìm hiểu lý lịch của tôi chứ?

• Quanh đây có quán trà nào không?

• Tôi phải làm việc hơn 40 giờ một tuần à?

• Tại sao tôi phải điền vào mẫu đơn xin việc này? Mọi thứ đã có trong hồ sơ của tôi rồi cơ mà?

• Ông coi thế nào là quấy rối tình dục?

• Tôi đề nghị công ty chúng ta mua 5.000 bản sách của vợ tôi?

• Tôi có được phép hút thuốc trong lúc giải lao không?

• Công ty có gần tiệm kem nào không?

• Tôi chưa ăn trưa. Có phiền ông không khi tôi ăn bánh trong khi chúng ta trò chuyện?

• Hy vọng cuộc phỏng vấn sẽ không kéo dài bởi vì vợ tôi đang đợi ở bên ngoài.

• Khi nào thì tôi đủ điều kiện để được thưởng kỳ nghỉ phép?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.