201 Câu Hỏi Hay Nhất Có Thể Đặt Ra Cho Nhà Tuyển Dụng

CHƯƠNG 7: CÂU HỎI DÀNH CHO BỘ PHẬN NHÂN SỰ



HÃY ĐỂ BỘ PHẬN NHÂN SỰ GIÚP BẠN

Người phụ trách nhân sự của một công ty có thể là người rất chuyên nghiệp, nhiệt tình và có khả năng khích lệ, nhưng trên hết nhiệm vụ của họ là loại bỏ những người không đủ điều kiện. Chức năng chính của họ là loại bỏ bớt các ứng viên, giúp cho nhà tuyển dụng cuối cùng chỉ phải chọn lựa từ một số ứng viên thích hợp. Bản thân người phụ trách nhân sự không hề có quyền tuyển dụng.

Mối quan tâm của bộ phận nhân sự

Chắc chắn bạn sẽ phải làm việc với người phụ trách nhân sự trong quá trình tìm việc làm, vì vậy bạn nên tìm hiểu đôi điều về mối quan tâm của họ. Nếu bạn đã có sẵn chương trình của họ thì hãy trình bày thẳng thắn để họ dễ thực hiện công việc của mình, như vậy hồ sơ xin việc của bạn sẽ có cơ hội đến được tay người có quyền tuyển dụng. Những câu hỏi trong chương này được xây dựng với mục đích giúp bạn đọc tạo được niềm tin tối đa ở người phụ trách nhân sự và họ sẽ không phải hối tiếc vì đã chọn bạn.

Điều hiển nhiên là người phụ trách nhân sự, những người có tác phong chuyên nghiệp vốn là những người luôn đề phòng rủi ro. Đối với họ, điều tồi tệ nhất là ứng viên mà họ chọn bị loại trong vòng phỏng vấn tiếp theo, hoặc tệ hơn nữa là được nhận vào làm và hóa ra lại không làm được việc. Nếu điều đó xảy ra, hãy thử đoán xem ai là người thất bại? Đúng vậy. Chính người phụ trách nhân sự đáng thương đã đánh giá sai năng lực của ứng viên đó sẽ bị tai tiếng không kém gì những ngôi sao trong bảng xếp hạng của tờ Tạp chí Times. Kết quả là gì? Nếu người phụ trách nhân sự có chút ít do dự với bạn hoặc với cuộc phỏng vấn, cô ta (phụ trách tuyển dụng phần lớn là phụ nữ) sẽ chuyển ngay sang ứng viên tiếp theo. Với điều kiện kinh tế và số lượng ứng viên đủ điều kiện cho mỗi vị trí như ngày nay, người phụ trách nhân sự sẽ không ngần ngại chuyển sang phỏng vấn người khác nếu bạn để cho họ có bất kỳ lý do nào nghi ngờ mong muốn làm việc trong công việc đó của bạn.

Vì vậy, chiến lược đầu tiên là không thể để họ nghi ngờ gì về hồ sơ xin việc của bạn. Để làm được thế, bạn phải tỏ ra hết sức quan tâm, tích cực và đáng mến. Tự tin rất quan trọng, nhưng đừng tự mãn. Hãy nhớ rằng lương khởi điểm của bạn luôn cao hơn

– đôi khi cao hơn rất nhiều so với lương của người phỏng vấn. Đừng để người phỏng vấn có thêm cớ ghét bạn.

Người phỏng vấn là phụ trách nhân sự:

Hãy hợp tác với họ!

Chiến lược thứ hai của bạn sẽ là biến người phỏng vấn phụ trách nhân sự thành đồng minh của mình. Nếu bạn coi họ là một trở ngại, bạn sẽ trở thành kẻ kiêu ngạo và khiếm nhã trong mắt họ. Thái độ đó của bạn cũng sẽ khiến họ nghi ngờ về khả năng cộng tác của bạn với đồng nghiệp trong khi làm việc với một nhóm. Vì vậy trong khi phỏng vấn, hãy thể hiện mình là một người dễ mến bằng cách chân thành quan tâm đến ý kiến của người phụ trách nhân sự. Hãy lắng nghe bằng thái độ quan tâm và biết ơn. Hãy tôn trọng họ, biết rằng họ có những đóng góp cũng như những hạn chế trong quá trình đưa ra quyết định. Đừng quá sốt sắng, nhưng nếu bạn khéo léo, người phụ trách nhân sự có xu hướng sẽ chuyển hồ sơ của bạn sang chồng hồ sơ nhỏ đề chữ “có thể” thay vì cả chồng lớn đề chữ “loại”.

Nói cách khác, chiến lược của bạn khi được người phụ trách nhân sự phỏng vấn là làm cho họ hài lòng để nếu họ chuyển hồ sơ của bạn tới người quản lý và sau đó bạn nhận được việc làm, bạn sẽ không thể làm xấu mặt họ. Để được như vậy, bạn cần phải thuyết phục được người phụ trách nhân sự 3 điều sau:

• Bạn có đủ năng lực làm việc

• Bạn thích công việc này

• Nếu được nhận, bạn sẽ thích ứng với công việc

Nếu làm được như vậy, hồ sơ của bạn sẽ đến được nơi bạn muốn: đến tay nhà quản lý, người duy nhất trong công ty có quyền trao cho bạn công việc bạn muốn.

Nhiều người phụ trách tuyển dụng rất hiểu biết, rất tâm lý và chuyên nghiệp. Họ đều muốn bạn thành công. Phần lớn họ sẵn sàng giúp bạn trau chuốt lại sơ yếu lý lịch, thư xin việc hay các kỹ năng trả lời phỏng vấn. Rất nhiều người trong số đó đã giúp tôi hoàn thành cuốn sách này. Nếu bạn may mắn có một người như vậy giúp đỡ, họ thực sự có thể biến buổi phỏng vấn của bạn trở nên hiệu quả và thú vị hơn nhiều.

Ông Joel Hamroff, chủ tịch công ty Magill Associates chuyên về tuyển dụng ở Levittown, New York, nói: “Hãy nhớ rằng người ngồi phía đầu bàn bên kia phỏng vấn bạn cũng đã từng có lúc ngồi chỗ của bạn bây giờ và ít ra họ cũng thông minh không kém gì bạn. Những người làm nhân sự cần có lý do để tồn tại, vì vậy bạn càng hỏi nhiều về kinh nghiệm và quan điểm của họ, thì họ càng quý mến bạn hơn”.

Nhưng điều cốt yếu ở đây là: Người phụ trách tuyển dụng không thể cho bạn công việc bạn mong muốn. Họ cũng không thể tiết lộ cho bạn những thông tin nội bộ quan trọng để đưa ra quyết định nghề nghiệp đúng đắn. Phần lớn người phụ trách nhân sự rất am hiểu về những vấn đề chung và những chính sách ích lợi trong công ty. Nhưng họ không thể nắm được nhiều thông tin chi tiết về công việc đó và những người bạn sẽ làm việc cùng.

30 CÂU HỎI HAY NHẤT

CHO BỘ PHẬN NHÂN SỰ

7-1

Vì sao ông/bà thích làm việc trong công ty này?

Hãy nhanh chóng tạo lập mối quan hệ cởi mở cá nhân. Hãy thể hiện cho người phụ trách tuyển dụng thấy rằng bạn quan tâm đến kinh nghiệm làm việc và ý kiến của họ. Bên cạnh đó bạn còn có thêm những thông tin bổ ích về công ty và văn hóa công ty.

7-2

Công ty này có điều gì thu hút ông/bà?

Mọi người đều thích nói về bản thân mình. Có thể người phụ trách nhân sự sẽ kể cho bạn nghe quá trình họ làm việc tại đây. Điều đó cho thấy họ tin tưởng bạn.

7-3

Ông/bà có thể mô tả môi trường công việc ở đây hay không?

Đây cũng là một cách để hỏi về phương thức làm việc trong công ty.

7-4

Ông/bà có thể mô tả đôi chút về phương châm hoạt động của công ty hay không?

Tìm hiểu quan điểm của người phụ trách nhân sự về vấn đề này quả là rất khôn ngoan.

7-5

Theo ông/bà điểm mạnh và điểm yếu của công ty là gì?

Xin nhắc lại rằng trọng tâm của câu hỏi này cũng chính là để thăm dò ý kiến của người phỏng vấn.

7-6

Ông/bà có thể nói rõ hơn về trách nhiệm thường ngày của tôi hay không?

Chú ý lắng nghe những điểm nhấn mạnh hay lặp lại. Đó là những điểm trọng yếu, và bạn sẽ phải thay đổi cuộc thảo luận về kỹ năng của bạn cho phù hợp với những điểm đó.

7-7

Ông/bà tìm kiếm nhân sự cho vị trí này lâu chưa?

Hỏi câu này để biết qua cơ cấu thời gian của công ty.

7-8

So với những ứng viên khác mà ông/bà đã phỏng vấn thì các kỹ năng của tôi thế nào?

Câu hỏi cũng đáng để hỏi đấy, cho dù có thể bạn sẽ không nhận được câu trả lời thẳng thắn. Hãy chuẩn bị sẵn tinh thần nếu bạn bị hỏi vặn: “Sao anh/chị lại hỏi vậy?”

7-9

Thực sự tôi rất mong muốn được gặp gỡ ông/bà và nhóm làm việc của ông/bà, và tôi rất hứng thú với công việc này. Tôi cho rằng khả năng và kinh nghiệm của tôi rất phù hợp với vị trí này. Vậy bước tiếp theo của quá trình phỏng vấn là gì?

Đây là một câu hỏi rất ấn tượng để kết thúc buổi phỏng vấn với người phụ trách nhân sự. Câu hỏi này thể hiện sự nhiệt tình, củng cố lòng tự tin của bạn, và “đưa bóng về sân của đối phương”.

7-10

Trước khi tôi ra về, ông/bà có còn gì muốn hỏi thêm về khả năng làm việc của tôi nữa không?

Đây cũng là một cách khả quan để kết thúc buổi phỏng vấn, thể hiện lòng tận tâm của bạn đối với công việc.

7-11

Theo ông/bà công ty mong muốn nhân viên của mình đóng góp điều gì nhất?

Chú ý rằng câu hỏi này gợi cho người phỏng vấn thể hiện ý kiến của ông/cô ta như thế nào.

7-12

Trong công ty có cấu trúc cấp bậc rõ ràng hay không?

Một số cơ quan nhà nước và các công ty lớn thường có các cấp bậc, chức tước và các cấp bậc thăng tiến chính thức khác.

7-13

Tôi có triển vọng được thăng tiến hay không? Nếu làm tốt công việc thì tôi sẽ được thăng chức vụ gì?

Ít nhiều thì một số công ty đều có những quá trình thăng tiến nghề nghiệp cụ thể – ví dụ trong ngành công nghệ thông tin thì, người lập trình viên sẽ trở thành phân tích hệ thống, tiếp theo là trưởng nhóm, quản lý dự án và cuối cùng là giám đốc dự án.

7-14

Giả sử tôi được nhận vào làm và trong một thời gian tôi làm việc tốt thì liệu tôi có thêm cơ hội thăng tiến không?

Câu hỏi này cho người phỏng vấn thấy bạn là người nhìn xa trông rộng, bạn không chỉ quan tâm đến công việc mà bạn còn mong muốn làm việc lâu dài. Những người phụ trách tuyển dụng thích như vậy, vì nếu người họ tuyển người trụ lại lâu dài trong công việc thì họ càng có thêm uy tín.

7-15

Có phải những người thành công nhất trong công ty đều xuất phát từ một bộ phận nào đó trong công ty như bộ phận bán hàng hoặc bộ phận kỹ thuật, hay là những người tiêu biểu được đề bạt từ một bộ phận nào đó giữa các bộ phận chức năng?

Câu hỏi này ngay lập tức cho thấy bạn là người tỉ mỉ. Hầu hết các công ty đều có truyền thống đề bạt nhân viên từ một phòng ban nào đó trong công ty. Các công ty kỹ thuật thường lấy nhân viên từ phòng kỹ thuật. Giám đốc điều hành của các công ty tài chính thường xuất thân từ bộ phận tài chính. Phần lớn giám đốc điều hành của các công ty sản xuất thường khởi đầu ở bộ phận bán hàng. Có lẽ người phỏng vấn cũng sẽ nói sơ qua cho bạn biết về xuất thân sự nghiệp của năm cán bộ cấp cao nhất trong công ty. Mục đích của bạn là để ý xem bộ phận bạn định xin vào làm có nằm trong số những bộ phận mà những cán bộ đó đã làm qua hay không.

7-16

Tôi biết rằng công ty quyết định tuyển dụng nhân sự cho vị trí này từ ngoài công ty. Vậy công ty đã cân nhắc như thế nào giữa việc tuyển người ngoài và việc cất nhắc người trong công ty?

Câu hỏi này nhằm mục đích gợi ý người phỏng vấn nói lên những lợi ích tương đối của việc cất nhắc nhân viên trong công ty so với việc đưa những người mới có nhiều ý tưởng tiến bộ và có năng lực (hy vọng đó là bạn!) để đáp ứng nhu cầu của công ty. Câu trả lời đáng mong đợi là công ty đang phát triển quá lớn mạnh, việc cất nhắc trong nội bộ công ty không đáp ứng được tốc độ phát triển này.

7-17

Vị trí này liên quan đến mục tiêu chung như thế nào?

Đây là câu hỏi về tầm quan trọng của công việc hoặc của bộ phận. Nếu công việc chỉ có tác động gián tiếp đến mục tiêu kinh doanh thì đến những thời điểm khó khăn có thể nó sẽ trở thành gánh nặng chứ không phải bộ phận tạo lợi nhuận cho công ty.

7-18

Ông sẽ khuyên một người ở vị trí của tôi điều gì?

Đừng có quá sốt sắng, những câu hỏi này có thể chỉ mang lại cho bạn cả một ngày nghe người phụ trách nhân sự nói về bản thân mình.

7-19

Ông/bà vào nghề này như thế nào?

Nhớ là “nghề nghiệp” chứ không phải là “công việc” đâu đấy.

7-20

Vấn đề chính trong vị trí/bộ phận này mà hiện giờ chúng ta phải đối mặt là gì?

Chú ý dùng đại từ chung “chúng ta”.

7-21

Ông/bà có thể cho tôi một văn bản chính thức mô tả công việc này hay không? Tôi rất muốn xem lại thật kỹ những hoạt động chính và yêu cầu kết quả như thế nào.

Đây là một câu hỏi rất hay cho người phỏng vấn để chọn lọc ứng viên. Nó giúp bạn chuẩn bị để ứng phó với người quản lý.

7-22

Công việc này có thường dẫn đến các vị trí nào khác trong công ty hay không? Nếu có thì là các vị trí nào?

Chắc hẳn bạn không muốn bản thân mình kết thúc với một công việc chẳng có tương lai gì. Nhưng cũng đừng tạo cho người phỏng vấn ấn tượng rằng bạn chưa vào làm mà đã muốn nhảy sang việc khác. Hãy nhớ rằng người phụ trách nhân sự muốn ở bạn sự ổn định, nghĩa là phải làm “lâu dài”.

7-23

Anh có thể nói chút ít về những người mà tôi sẽ phải làm việc thường xuyên nhất hay không?

Quả là một câu hỏi hay để tìm hiểu về nhóm cộng sự của bạn!

7-24

Theo tôi hiểu về vị trí này thì chức vụ là _________, trách nhiệm của tôi là _________, và bộ phận tôi làm việc là bộ phận ________. Tôi sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với ___________. Như vậy có đúng không?

Đây là cách để nhận được câu trả lời “Đúng vậy”, đồng thời thể hiện rằng bạn nắm vững thông tin.

7-25

Ông/bà có thể nói đôi chút về cam kết của công ty đối với việc tạo cơ hội bình đẳng và đa dạng cho mọi người?

Các câu hỏi tiếp theo có thể là: Phần trăm phụ nữ và người thiểu số trong ban lãnh đạo là bao nhiêu? Nhân viên trong công ty có đa dạng không?

7-26

Những người giỏi nhất trong công ty là ai, và làm thế nào họ xác lập được vị trí đó?

Câu hỏi này khẳng định rằng bạn cũng muốn phấn đấu để trở thành một người giỏi trong công ty.

7-27

Cấp dưới xưng hô với các vị lãnh đạo cấp cao trong công ty như thế nào?

Bạn đang hỏi về quy cách đối xử của công ty đấy!

7-28

Ông/bà có thể nói gì về tác phong quản lý hiện thời?

Đây là câu hỏi về tác phong quản lý mà những người điều hành cấp cao có xu hướng ưa thích.

7-29

Nếu được nhận vào làm, công việc đầu tiên của tôi là gì?

Ý nghĩa của câu hỏi này là: Chỉ ra rằng đặt ra những ưu tiên và mục tiêu công việc là điều quan trọng chủ yếu đối với bạn.

7-30

Công ty có tuyên bố về tôn chỉ kinh doanh của công ty không? Tôi có thể xem qua được không?

Tôn chỉ kinh doanh của công ty thể hiện rất rõ văn hóa công ty. Công bằng mà nói, những tôn chỉ này nhìn chung chẳng có ý nghĩa gì, nhưng trên thực tế việc công ty gặp rắc rối trong việc lập ra một tôn chỉ kinh doanh lại là một dấu hiệu khả quan, và việc bạn hỏi về điều đó thể hiện rằng bạn là người chín chắn và sâu sắc. Nhưng hãy cẩn thận. Đừng hỏi xin bản mô tả công việc nếu nó đã được đăng trên trang web của công ty. Làm thế người ta sẽ cho là bạn lười biếng đấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.