5 Sự Thật Không Thể Thay Đổi

CHƯƠNG 1: MỌI THỨ ĐỀU THAY ĐỔI VÀ CHẤM DỨT



SỰ THẬT LÀ MỌI THỨ trong đời sống này luôn thay đổi và kết thúc, và điều này là không thể tránh khỏi với bất cứ ai, mối quan hệ nào, lòng hăng say nào hoặc sự vật nào. Mọi sự khởi đầu đều dẫn tới điểm kết thúc. Gắn liền vào mọi trải nghiệm, con người, nơi chốn và sự vật là một tuổi thọ. Những mối tương quan của chúng ta trải qua nhiều giai đoạn, từ chuyện tình lãng mạn tới kết hôn. Rồi chúng kết thúc với cái chết hoặc chia ly. Thân thể của chúng ta già đi. Tài sản của chúng ta hao mòn. Trí nhớ của chúng ta giảm sút. Thế giới tự nhiên cũng thay đổi. Các loài động vật biến mất. Những trận động đất sắp xếp lại các mảng châu lục. Tiết mùa đổi thay. Ngay cả bông hồng cũng sẽ tàn phai sau buổi đầu khoe hương sắc.



CÁCH CHÚNG TA NÉ TRÁNH HOẶC CHẤP NHẬN



Meister Eckhart[1] viết: “Mọi sự phải được buông xả để cho linh hồn có thể đứng trong sự trống không không chướng ngại.” Ta hãy thử tưởng tượng chiều sâu của ý thức tâm linh trong câu phát biểu đó. Nó có thể là của chúng ta cũng như của ngài. Trước tiên, chúng ta ngắm mọi vật về ta và quanh ta và nói: Mọi thứ này sẽ ra đi. Rồi chúng ta chiêm ngắm bản thân mình mà không có tất cả những thứ chúng ta bám víu vào và nói: Tôi muốn không bị vướng víu. Tôi muốn thuần tuý chẳng là gì cả. Tôi muốn đứng trọn vẹn trong sự khẳng định của sự chấp nhận.



Chúng ta thường xuyên tránh né nhìn thẳng vào thực tại của sự thay đổi và cái chết. Chúng ta hành động như thể chúng ta không thế xử trí chúng. Tuy nhiên, khi sinh ra chúng ta đã được trang bị một kĩ thuật có thể tín cậy để xử lí những mất mát và những kết thúc: chúng ta có thể để tang. Trừ khi chúng ta chế ngự hoặc làm mụ mẫm những cảm xúc của mình, chúng ta có thể tự động cảm thấy buồn rầu, giận dữ hoặc sợ hãi khi sự mất mát xảy ra. Đây là những cảm xúc về sầu khổ để giúp chúng ta xoay xở cho qua những sự kiện như cái chết và sự kết thúc. Để tang giống như sự chấp nhận khi chúng ta đối diện với những điều kiện sinh tồn bằng cảm xúc. Chúng ta có thể đau buồn khi phải đối mặt với những mất mát, những kết thúc và giải quyết chúng. Bản tính của chúng ta, giống như tự nhiên, có chuẩn mực để đương đầu với cái chết hơn là phủ nhận nó. Thực vậy, cái chết sẽ không lạ lẫm với những ai đã trải qua cuộc sống trưởng thành để buông xả cái Tôi và những gì gắn theo nó. Đau buồn, sự chấp nhận của nước mắt, khiến cho ta khả dĩ chấp nhận thực tại và các điều kiện của nó, gồm cả sự kết thúc bằng cái chết. Chừng nào chúng ta phủ nhận nhu cầu về buồn đau của xã hội, chúng ta đánh mất cơ hội kiên cường khi đối diện với những gì cuộc sống mang lại. Trách nhiệm của chúng ta là cho phép việc chịu tang mà mọi điều kiện của cuộc sống đòi hỏi. Trách nhiệm của chúng ta là tin tưởng rằng chịu tang chính là cách chúng ta giái quyết những mất mát và vượt qua chúng.



Chúng ta không thể làm sống lại một người mẹ đã mất nhưng chúng ta có thể trải nghiệm những khoảnh khắc của tình mẫu tử với những kẻ khác. Như thế chúng ta không còn cảm thấy một mình và cô đơn nữa mà là được hoà giải với thực tại và kết nối lại với những con người khác. Thực thế, hoà giải là khả năng chấp nhận một sự tương cận. Đây là sự chấp nhận của sự thoả hiệp lành mạnh.



SAY MÊ HAY GHÉT BỎ



Những sự say mê hay ghét bỏ của chúng ta đối với con người, nơi chốn và sự vật dường như lưu chuyển qua một đường cong có hình cái chuông. Chúng ta ghi nhận ba thời kì nơi đường cong này: thăng, tạo đỉnh và giáng. Chúng ta nghe một bài hát và trở nên yêu thích nó (mối quan tâm thăng tiến), vậy nên chúng ta mua cái đĩa CD và thường xuyên lắng nghe nó (sự hân thưởng tạo đỉnh). Và rồi chúng ta nghe ít thường xuyên hơn (mối quan tâm sa sút), và sau cùng cái từng là bài hát hay nhất mà chúng ta từng nghe hiếm khi được nghe lại. Sự hấp dẫn của nó đã đi quá đỉnh rồi rơi xuống.



Cũng đường cong hình chuông như thế xảy ra với những sự xua đuổi, như câu chuyện Beauty and the Beast (Người đẹp và Quái Vật)mô tả. Thoạt đầu, Người đẹp cảm thấy ghê sợ, nhưng sau nàng cảm thấy yêu thương, bởi đây là một câu chuyện cổ tích, đỉnh cao tích cực vẫn tồn tại: “Hạnh phúc mãi mãi về sau.” Đòi hỏi rằng cái đỉnh cao của bất cứ kinh nghiệm nào phải là thường hằng tức là đang sống trong một câu chuyện thần tiên. Một thí dụ khác về đường cong hình chuông được tìm thấy trong cung cách chúng ta phản ứng với một quái vật trong một cuốn phim kinh hoàng. Thoạt đầu, chúng ta quay đi trong sự sợ hãi hoặc sự ghê tởm. Nhưng khi quái vật tiếp tục xuất hiện từ cảnh này sang cảnh khác, chúng ta dần quen thuộc với gương mặt của quái vật và không còn hoảng sợ. Thực vậy, đường cong hình chuông, là một hình học trong nội tâm trong tất cả chúng ta, là cái tạo nên tinh thần vô uý (không sợ hãi).



Những mối tương quan thân thiết cũng đi theo cùng dạng thức này. Chúng ta tăng trưởng trong những cảm xúc lãng mạn, đạt tới đỉnh của sự hào hứng và rồi ghi nhận rằng sự rung động đã qua đi. Chúng ta có hai cách chọn lựa. Chúng ta có thể phá đổ hoặc chúng ta có thể hình thành một tình thương yêu mới, trưởng thành hơn, không phải dựa trên rung động mà dựa trên sự cam kết. Trong dự định tiếp diễn của sự chối bỏ những điều kiện sinh tồn, chúng ta có thể tìm một bạn đồng hành. Những mối tương quan thân thiết càng trở nên then chốt cho sự sống còn ở một xã hội mà ở đó tôn giáo suy tàn về ý nghĩa. Những mối tương quan trở thành nơi an trú mới, quyền năng mới. Tập thể đã nhường cho cá thể. Khi không có một Tâm linh nào ở bên trên, chúng ta càng bám chặt vào thân thể ở bên dưới. Vậy nên sự thất bại của một mối tương quan chuyền tải một nỗi đau buồn kép, thậm chí là sự hoảng kinh.



Mỗi thứ trong năm thứ định sẵn của đời sống đương đầu với những ảo tưởng níu giữ thiết tha của chúng ta. Sự kiện rằng vạn vật đổi thay đương đầu với ảo tưởng về sự thường hằng. Sự kiện rằng những kế hoạch không thành đương đầu với ảo tưởng của chúng ta về sự kiểm soát. Chúng ta ảo tưởng rằng sự vật sẽ công bằng hoặc đau đớn sẽ không xảy đến với chúng ta hoặc người khác sẽ đáng tin cậy hơn, tất cả đều bị đem ra chất vấn bởi những thứ định sẵn mà chúng ta giáp mặt trong cuộc sống. Những thứ định sẵn giải phóng chúng ta khỏi sự ngu muội và mê lầm. Trong một phép tu tập, chẳng hạn sự tỉnh thức, chúng ta vun trồng sự quan tâm tới cái ở đây và bây giờ mà không có sự can dự vào những tình huống của câu chuyện hay những suy diễn về nó. Đây là cung cách chúng ta được giải thoát khỏi ảo tưởng mê lầm. Sự tỉnh thức bảo vệ chúng ta trên con đường Trung đạo giữa sự say mê và ghét bỏ. Chúng ta không trở nên gắn bó với cái gì đang thu hút mà cũng chẳng chạy trốn cái gì. Chúng ta chỉ đơn giản ngồi nơi thực tại hiện có và ghi nhận những dục vọng của chúng ta khao khát kéo gần hoặc đẩy xa mà không phải tác động trên chúng.



Về mặt tâm lí, di chuyển hướng tới hoặc lùi xa khỏi sự vật đều có ý nghĩa. Nó là dấu hiệu của sự thận trọng, sáng suốt, và sự khẳng định lành mạnh. Tâm lí học là khoa học về bản ngã (cái Tôi), và bản ngã thịnh phát nhờ những sự phân biệt và chọn lựa. Sự uyển chuyển tâm linh thịnh phát trên sự dung hoà những mâu thuẫn bên ngoài. Trong thực hành Phật Giáo, đại nguyện của Bồ tát dạy người tu tập phải đưa kẻ khác lên hàng đầu. Cũng sự cam kết tương đồng này được thấy trong lời dạy “hãy thương yêu kẻ thân cận với mình”, một nét đặc trưng của mọi truyền thống tôn giáo. Tuy nhiên, sự khẳng định lại nói về việc đưa chúng ta lên hàng đầu mà không làm tổn hại kẻ khác. Làm sao chúng ta có thể dung hoà hai yêu cầu này? Câu trả lời là ở trong sự minh định địa hạt của mỗi khía cạnh của đời sống. Tôi quan tâm về tôi nhưng không làm thiệt đến kẻ khác, tôi để người khác lên trước nhưng không làm thiệt tới tôi.



Những lời dạy của truyền thống mật tông trong Phật Giáo chỉ ra rằng những điều kiện sinh tồn được ôm choàng lấy như thứ chát liệu thô hữu ích cho việc tu tập tâm linh. Những vấn đề cá thể của chúng ta và những tranh chấp giữa những cá thể trở thành con đường tới từ bi và trí tuệ. Chúng ta không chối bỏ hoặc né tránh những xúc cảm mà các điều kiện của đời sống khơi dậy. Những thứ định sẵn và những đáp ứng của chúng ta là những thành phần thiết yếu cho sự giác ngộ. Điều này làm cho chính thế giới trở thành một sự hiển linh của ánh sáng.



TUỔI GIÀ: ẢNH BIẾN TRONG GƯƠNG



Nhân cách của chúng ta cũng trải qua nhiều thời kì suốt tuổi thọ. Cái Tôi có lúc kiêu mạn của tuổi thiếu niên phát triển thành khát vọng và cảm thức bất khuất qua thời kì trưởng thành. Chúng ta tạo dấu vết của mình trong thế giới, chúng ta thôi thúc thân thể mà không có những hiệu quả tiêu cực về mặt sức khoẻ. Khi qua tuổi 45, sự vật thay đổi. Nếu chúng ta chấp nhận sự thay đổi, chúng ta đi qua nó bằng sự ung dung và hiên ngang. Nếu chúng ta vật lộn với nó hoặc cố gắng kéo dài phong cách trẻ trung, chúng ta sẽ thấy mình nằm trong sự khủng hoảng.



Thách thức tâm lí là chấp nhận cái định sẵn rằng cái Tôi của chúng ta chỉ tạm thời phụ trách và cuối cùng ắt phải tự hoà giải dưới một vị thế khiêm tốn hơn. Điều này không có nghĩa là chúng ta vô dụng, chỉ là bây giờ chúng ta ở vào một thời kì mới của cuộc sống, một thời kì có thể ít huy hoàng hơn nhưng khôn ngoan hơn. Tại sao con người thuộc mọi lứa tuổi đều cùng lúc có mặt trên Trái đát? Mỗi lứa tuổi đóng một vai trò thiết yếu và vai trò này biến đổi suốt đời. Tôi là thanh niên hăm hở và rồi là ông già khôn ngoan. Nếu tiêu điểm của tôi là nhằm vào vật chất, tôi là ông già keo kiệt và tự làm lỡ cơ hội đóng góp. Nếu tiêu điểm của tôi là thể chất, tôi là ông già tự mãn và tự làm lỡ cơ hội bao dung. Điều này không có nghĩa là mong muốn luôn mạnh khỏe và có dáng vẻ trẻ trung là sai lầm. Điều nguy hiểm là chúng ta trở nên bị ám ảnh với vẻ bề ngoài của mình đến nỗi sự hư vinh của chúng ta làm chúng ta không nhìn ra định mệnh của mình.



Xã hội chúng ta bị ám ảnh vì tuổi trẻ, và nếu không có một ý thức trưởng thành về mặt tâm linh chúng ta có thể sa bẫy thành con mồi cho những khuyến dụ và cám dỗ. Buồn biết bao nếu đến cuối cuộc đời chúng ta không để cho khuynh hướng tự nhiên về trí tuệ được hoạt động trọn vẹn như nó có thể. Một sự chấp nhận rằng mọi vật thay đổi và kết thúc là một sự chấp nhận để cho tự nhiên làm việc của nó với chúng ta. Điều này thường có nghĩa là những nếp nhăn và trí tuệ thường đi cùng với nhau, mặc dù trí tuệ có thể tới như một ân huệ ở bất cứ độ tuổi nào. Đúng vậy chẳng những nếp nhăn có thể xuất hiện mà sự khôn ngoan cũng giảm sút.



ĐIỀU GÌ KHIẾN CHÚNG TA MUỐN KIỂM SOÁT?



Chúng ta sợ sẽ phải cảm nhận một điều gì đau đớn. Mọi thứ định sẵn lăng nhục cái Tôi đang muốn tin rằng nó có toàn quyền kiểm soát. Chúng ta có thể học chấp nhận sự thực rằng chúng ta đôi khi bất lực trong việc ngăn chặn một sự thay đổi trong đời sống chúng ta. Sự chấp nhận kia lại thúc đầy chúng ta vào sự an nhiên tự tại. Cố giữ vững toàn quyền kiểm soát của những gì sẽ xảy đến khiến chúng ta thành những đối thủ với các sự kiện của đời sống và duy trì sự căng thẳng.



Buông xả sự kiểm soát có nghĩa là chúng ta không thể che chở chúng ta khỏi bất cứ thứ định sẵn nào. Kiểm soát là một trong những phương cách ưa chuộng nhát của chúng ta để chạy trốn khỏi đời sống như nó đang là. Lo âu tương quan trực tiếp tới kiềm soát. Dường như chúng ta lo âu về tương lai, tiền bạc, quan hệ, công ăn việc làm và tất cả những thứ không thề tiên đoán được khác trong đời sống chúng ta. Thật vậy, chỉ có một nỗi lo âu duy nhất: lo âu không kiểm soát được những gì sẽ xảy ra. Chúng ta lo âu bởi chúng ta không tin tưởng rằng mình có thể xoay xở những gì xảy đến. Chúng ta lo âu vì không tin tưởng rằng vận số rồi sẽ tốt cho chúng ta nhất. Chúng ta lo âu bởi vì chúng ta chưa chấp nhận. Tôi nhận thấy rằng giờ đây tôi đang thực hành sự chấp nhận vô điều kiện, vì thế tôi lo âu ít đi.



Khi chúng ta bắt đầu chấp nhận những thực tại của đời sống, điều quan trọng là chúng ta nhớ đừng xô đẩy sự chấp nhận đặc thù của chúng ta lên người khác bởi vì tất cả chúng ta đều có một thực tại khác biệt để sáp nhập. Khi tôi đang chuyển sang chế độ ăn uống của mình sang những thức ăn lành mạnh, tôi hồi tưởng là đã nhắc nhở con trai tôi, lúc ấy 21 tuổi, tránh xa những đồ có hại cho sức khoẻ. Câu trả lời của nó vẫn còn trong tâm trí tôi: “Con còn nhiều thì giờ lắm. Con có thể ăn những đồ ăn đó mà không có những hậu quả tiêu cực. Con biết khi nào cần chuyến sang thực phẩm lành mạnh, và khi đó sẽ thay đổi thói quen ăn uống.” Như vậy, tôi đã áp đặt sự chấp nhận mới của tôi lên thân thể trẻ trung của con trai tôi.



Bây giờ tôi cẩn trọng hơn trong xử sự để không đồng thời trở thành người phê bình, người giải thích và người cố vấn. Chúng ta có thể thực hành việc không phê bình hành vi của kẻ khác, không giải thích những gì họ làm theo quan điểm của chúng ta và không cố vấn trừ khi người khác yêu cầu chúng ta làm việc đó. Loại trừ ba hành vi này khỏi tính cách của chúng ta trong quan hệ với người khác, đặc biệt là với những thành viên gia đình, làm cho quan hệ của chúng ta có tính cách thương yêu và tôn trọng hơn rất nhiều.



Tại sao mọi kiểm soát lại là việc lớn với hầu hết chúng ta? Có lẽ chúng ta đang tìm cách giảm bớt mất mát bằng kiểm soát. Chúng ta kiểm soát bởi vì chúng ta ích kỉ hoặc đòi hỏi. Chúng ta kiểm soát bởi vì chúng ta sợ phải buồn đau. Việc chúng ta biết mình mất mát cái gì và mất ra sao làm chúng ta thương tổn. Cái Tôi trần trụi của chúng ta bị lăng nhục và cảm thấy bất lực, và điều đó vượt quá sức chịu đựng của chúng ta.



Chừng nào chúng ta còn cưỡng lại những quy luật của đời sống, chúng ta sẽ sợ hãi tiếp xúc trực tiếp với thực tại vốn là tinh tuý của sự trưởng thành đích thực. Chúng ta sẽ thấy sự tỉnh thức là khó khăn bởi vì nó tha thiết với sự có mặt trọn vẹn trong mỗi khoảnh khắc như thể nó là. Có nhiều thứ chúng ta cần trốn tránh: tiền bạc, tính dục, rượu, cà phê, thức ăn, hút thuốc, ma tuý, và dĩ nhiên cả tâm trí bất định của chính chúng ta với tất cả hi vọng và sợ hãi của nó. Khi chúng ta nhìn sâu vào những nỗi sợ của mình, chúng ta thấy rằng ở nền tảng, mọi nỗi sợ hãi đều là không kiểm soát được.



Không phải chúng ta bực bội với thực tại vì không kiểm soát được nó. Nếu chúng ta nhìn thật sát, chúng ta có thể thấy một chiều kích kiểm soát trong những bực bội, chẳng hạn:



Chúng ta muốn chúng ta khác đi.



Chúng ta muốn người khác phải khác đi.



Chúng ta muốn ai đó gọi điện lại hoặc thăm viếng. Chúng ta không thích những trắc nghiệm hoặc chờ đợi kết quả.



Căn nhà không được sạch sẽ và ngăn nắp như chúng ta muốn. Chúng ta không trừ được kiến, gián một lần và mãi mãi.



Chúng ta không thể giữ cho trọng lượng giảm hoặc huyết áp xuống thấp.



Chúng ta có những cảm xúc, tâm trạng và thói quen mà chúng ta không thích.



Cha mẹ, con cái, bạn bè chúng ta không xử sự như chúng ta muốn.



Người khác không yêu thích chúng ta dù cho chúng ta có cố gắng đến đâu.



Chúng ta không thành công trong công việc hay trong một mối quan hệ.



Chúng ta luôn tin rằng chúng ta phải kiểm soát được mọi thứ vào tất cả mọi lúc. Niềm tin đó tạo ra sự lo âu. Nó đối nghịch với sự an nhiên có được nếu ta chấp nhận vô điều kiện với cái hiện là và với chúng ta và kẻ khác như vốn phải thế.



Sự cần thiết kiểm soát trợ giúp hay ngăn trở chúng ta như thế nào trong sự giáp mặt với những thứ định sẵn của đời sống, những điều kiện sinh tồn trên trái đất? Trong một thế giới mà sự vật đổi thay và chấm dứt, một thái độ chấp nhận và tin cậy tạo nên ý nghĩa. Điều này không thể có được nếu không buông xả sự kiểm soát. Chăm chú vào việc nắm kiểm soát ngáng trở những cơ may để chúng ta có thể tìm ra những khả tính mới phát khởi khi những hướng đi bất ngờ xuất hiện trên đường đời của chúng ta.



Một thí dụ về việc đời sống và định mệnh xảy ra một cách đáng ngạc nhiên được thể hiện trong đời sống của nữ nhà văn Margaret Mitchell. Bà làm phóng viên tại thành phố Atlanta và không hề có ý định viết tiểu thuyết. Một ngày kia bà bị ngã ngựa và phải nghỉ ở nhà mấy tháng để phục hồi. Trong thời gian nghỉ ngơi này, bà bắt đầu viết tiểu thuyết lãng mạn về thành phố Atlanta trong thời kì nội chiến[2]. Bà miệt mài với nó trong 10 năm. Cuốn tiếu thuyết tên là Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió), xuất bản năm 1936, được giải Pulitzer và khiến bà trở thành một tên tuổi lớn trên văn đàn thế giới.



KHÔNG GÌ TÁCH BIỆT



Phép tu tập về tỉnh thức trong đạo Phật thừa nhận sự đau khổ là đặc trưng của đổi thay, vô thường và khuyên người ta không phải chạy trốn khỏi đau khổ mà phải quan tâm về nó. Chúng ta trái nghiệm những gì xảy ra mà không có những nhiễu loạn của cái Tôi – sợ hãi, thèm muốn, kiểm soát, phán đoán, mê lầm, than vãn. Chúng ta góp phần vào khổ đau của chính chúng ta khi mắc kẹt vào sự sợ hãi và thèm muốn của cái Tôi hơn là chỉ hiện hữu tại đây và bây giờ. Chấp nhận thực tại là tiếp cận với một tiếng nói khác bên trong chúng ta ngoài tiếng than vãn của cái Tôi. Sự chấp nhận phản ánh bản tính đích thực – Phật tính bên trong chúng ta – trở về với chúng ta, là nhân chứng công bằng và nhanh nhẹn bên trong chúng ta.



Thực tại không tiếp cận với những ước muốn hoặc kế hoạch của chúng ta nhưng vẫn hướng về con đường hẹp của chính nó. Đứng đối lập với thực tại thì chắc chắn là nguyên nhân của khổ đau. Thoát khỏi ảnh hưởng của cái Tôi can thiệp kéo theo tự do khỏi khổ đau. Chúng ta buông xả một niềm tin vào sự thường hằng bởi vì sự bám víu – hậu quả của niềm tin đó – lại là nguyên nhân của khổ đau. Cái Tôi ưa thích nắm trụ và bám víu nhưng chỉ thấy được sự bát an và thất vọng. Chúng ta buông xả để có thể hạnh phúc. Buông xả không phải là một sự mất mát mà là một sự cời bỏ.



Trong đời sống, chúng ta giáp mặt với hai trục và sống cùng hai trục đó. Mỗi trục đều tập trung quanh hi vọng.






Chúng ta có thể sống bằng tin tưởng, hi vọng, và thương yêu – trục của ánh sáng. Chúng ta có thể sống bằng sợ hãi, hi vọng và tham dục – trục của đen tối. Thêm nữa, nhìn cột dọc phía bên phải, chúng ta thấy rằng thương yêu chân thực chiến thắng sợ hãi. Về phía bên trái, tin tưởng làm cho sự bám víu hoặc tham dục thành không cần thiết. Nhìn hàng ngang, thương yêu với khả năng kì diệu của nó về tin cậy và buông xả, giái thoát chúng ta khỏi tham dục. Hi vọng, vốn có thể tiêu cực hoặc tích cực là trục cho mọi khuynh hướng của chúng ta. Khuynh hướng tiêu cực có thể giữ chúng ta bị vướng mắc hoặc cột buộc. Khuynh hướng tích cực là sự tin cậy rằng đen tối không phải là thường hằng mà chỉ là một sự che khuất tạm thời và ánh sáng sẽ trở lại.



THỰC HÀNH TOÀN TÂM TOÀN Ý



Tôi nhận thức rằng tôi sẽ luôn luôn sợ hãi trong một cung cách nào đó. Nhưng tôi không cần phải đặt sợ hãi là nền tảng cho hành vi hoặc những chọn lựa của tôi, tôi có thể cầm nỗi sợ của tôi trong một bàn tay và bàn tay kia cầm sự cam kết của tôi là không hành động trên nền tảng của sự sợ hãi nữa.



Một sự tu tập tâm linh hữu ích trong bất cứ tình thế nào là giơ cả hai bàn tay ra, khum lại, lòng tay ngửa lên phía trên, và tưởng tượng hai bàn tay nắm hai sự tương phản như thế. Chúng ta cảm thấy trọng lượng nhẹ nhàng và bình đẳng của cả hai, bởi vì đôi bàn tay ta đều trống không. Lúc đó chúng ta có thể nói: “Tôi có thể an nhiên cầm giữ cả nhu cầu của tôi về mối tương quan, và về việc tôi không có mối tương quan nào bây giờ.” Đây là một ví dụ khác: tôi bị mất việc và đang u uất và lo ngại. Đồng thời, tôi biết tôi phải tìm kiếm một việc làm khác. Tôi cầm giữ tình trạng thất nghiệp của tôi trong một tay với sự chấp nhận an nhiên về thực tại của sự mất mát của tôi. Trong lòng tay kia tôi nắm giữ kế hoạch tìm kiếm việc làm. Đây là cung cách sao cho sự u uất của tôi, một thứ định sẵn của mọi cuộc sống đôi lúc xảy ra, không chuyển thành nỗi tuyệt vọng. Cầm giữ những sự tương phản của tôi cho tôi sự an nhiên và lòng can đảm. Việc tu tập này kết hợp phong cách của tỉnh thức với công cuộc tác động tâm lí vào lòng tự trọng.



Tôi có thể ngồi trong tình thế của mình như một người làm chứng, không phải như một nguyên cáo hoặc một quan toà: “Tôi đang ở trong tình trạng này và tôi ngồi vững vàng trong đó để hít thở nó. Đồng thời tôi nhận thức được rằng tôi có thể xử lí việc này và thông qua nó mà không bị tổn hại. Cảm thức này về khả năng đảm đương giải phóng tôi khỏi nỗi sợ, bởi vì sợ hãi bùng nổ trên sự nhu nhược. Tôi tưởng tượng chính mình cầm giữ tình thế của mình trong một lòng tay và khả năng tác động lên nó trong lòng tay kia. Một lòng tay là tỉnh thức thanh thản; lòng tay kia là hoạt động kiên cường. Khi tôi cầm giữ cả hai thực tại trong lề lối này, tôi dễ chịu với sự vật như chúng là, và tôi cũng đang làm tất cả những gì có thể để thay đổi chúng cho tốt đẹp hơn. Trong lúc tôi tăng trưởng lòng can đảm để thay đổi những gì có thể thay đổi và sự an nhiên để chấp nhận những gì không thể thay đổi, tôi tìm thấy trí tuệ để biết sự khác biệt giữa chúng. Bây giờ, tôi xác nhận rằng tôi có thể xử lí bất cứ điều gì xảy ra cho đến hết đời tôi. Và nếu tôi cần thêm sự hỗ trợ, tôi sẽ tìm thấy chúng. Không gì có thể làm đảo lộn đời sống của tôi tới mức tôi sẽ suy sụp dưới nó.” Những giới hạn của chúng ta về sự tự chấp nhận ngang bằng với những giới hạn về quyền năng của chúng ta để phát khởi tự thân. Chúng ta càng tin tưởng vào khả năng tái lập tình trạng đổ vỡ của mình, chúng ta càng ít cảm thấy nỗi sợ hãi cầm giữ chúng ta.



CÁI CHẾT VÀ ĐỔI MỚI



Trong Thiền tông ở Nhật Bản, tự nhiên được hiểu như một phần không thể thiếu của sáng tạo. Sự vật tự nhiên không tách biệt mà có mối tương liên. Hakuin (Bạch Ẩn), một thiền sư Nhật Bản thế kỉ thứ XVIII, nói: “Bán lai vô nhất vật” (từ khởi thuỷ không có một vật nào tách biệt). Chân lí của sự vô thường là hiền hiện trước mắt ta trong cõi tự nhiên, bới sự vật vẫn luôn thay đổi. Chân lí về sự quan trọng của việc không vướng mắc hiển lộ khi chúng ta nhận thấy rằng sự vật chỉ tồn tại như thế đó, không nhất thiết phải theo ý muốn của chúng ta.



Hầu hết chúng ta nghĩ về cái chết nhưng luôn có ảo tưởng về sự thường hằng. Chúng ta sợ sự mất mát, vậy nên chúng ta thu thập và nắm giữ. Đương đầu với thực tại của những sự kết thúc – của chúng ta và của người khác chỉ là một cách khác để nuôi dưỡng thị kiến về tâm linh. Sự kết thúc của chúng ta là một sự trở về Nguồn.



Những dân tộc thuở xưa, trong những nghi thức chôn cất, đã có nhận thức trực giác về sự tái tạo và sự quay về. Đây là ý niệm về sự hồi sinh đã làm loài người mê luyến từ cái thưở ban đầu. Chẳng hạn, trong một di chỉ chôn cất ở Li băng, người chết được chôn với một con hươu để cung cấp thức ăn trong đời sau. Ngoài ra, còn có những hòn đá sơn được xếp đặt quanh thi thể. Trong những di chỉ chôn cất thời sơ khai khác, phấn hoa của loài phong tiến tử[3] được tìm thấy trên các bộ hài cốt chỉ ra rằng những hoa này được đặt trên thân thề trong những nghi thức chôn cất thời tiền sử. Hoa phong tiến tử nở mỗi độ xuân về, là một biểu tượng của sự hồi sinh. Sự vật trong cõi tự nhiên như thế là những dàn xếp mà tự nhiên thiết lập với con người để đóng dấu cho thông hành của họ vào thế giới sơ nguyên.



Một sự chấp nhận vô điều kiện có quyền năng đối với sự sống và cái chết. Đó là niềm tin đã trở nên mạnh mẽ, một cách nghịch lí, khi chúng ta chấp nhận cái chết và phó mặc những gì còn lại cho vũ trụ bao la này, nơi chúng ta đã tới và chúng ta sẽ quay về bằng cách nào đó. Sự tái nhập của chúng ta vào cõi bao la của hữu thể có thể là một sự tương đương với đời sống vĩnh hằng. Chúng ta không biết làm thế nào để được bất tử.



Nhưng có lẽ nếu chúng ta đồng thuận một cách thân ái hơn với sự thật không thể chối bỏ là chúng ta sẽ chết, chúng ta có thể tìm thấy ngay trong sự buông bỏ một thoáng nhìn vào một cung cách sống khác, một cung cách phấn khởi hào hùng trong một sự chấp nhận với những gì đang là và bất cứ thứ gì sẽ là. Điều này có thể được cảm nhận giống như là sự bất tử. Cái chết có thể như một sự trao tay nhường vương quốc của cái Tôi – và cung điện của nó là thân thể – cho liên minh của các vì sao và biển cả. Thân thể huyền bí của vũ trụ tái hấp thu năng lượng của chúng ta và tái phân phối nó phù hợp với bất cứ trình độ tiến hoá nào mà chúng ta đã đạt tới trong giai đoạn trị vì ngắn ngủi, bất an và hoan lạc của chúng ta.



Khi tôi nói vâng với những thứ định sẵn của đời sống, mong sao tôi chào đón những mùa xuân và những mùa đông của đời tôi củng với lời tri ân như nhau, và mong sao tôi luôn có thể hướng dẫn và trấn an những kẻ quá đeo đẳng đời sống hoặc điên cuồng chạy trốn khỏi cái chết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.