5 Sự Thật Không Thể Thay Đổi
GIỚI THIỆU
Có một số thứ trong đời mà chúng ta không kiểm soát được, có lẽ là hầu hết mọi thứ. Chúng ta khám phá suốt đời mình rằng thực tại từ chối cúi đầu vâng phục những mệnh lệnh của chúng ta. Chúng ta bị bó buộc phải buông tay khi chúng ta quá muốn nắm giữ và phải nắm giữ khi chúng ta muốn buông tay. Đời sống của chúng ta bao gồm những xoay chuyển bất ngờ, những kết thúc không mong đợi, và những thử thách rắc rối đủ loại.
Reinhold Niebuhr, một nhà thần học Tin lành Hoa Kì, có soạn một lời cầu nguyện đã trở thành nền tảng cho phong trào Phục hưng: “Thượng đế ban cho tôi sự an nhiên để đón nhận những điều tôi không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều tôi có thể, và trí tuệ để nhận thấy sự khác biệt giữa chúng.” Đây là một cảm hứng sâu sắc. Nhưng những điều chúng ta không thể thay đổi là gì? Phải chăng chúng là riêng biệt cho mỗi người trong chúng ta, hoặc có một số điều mà tất cả chúng ta phải thừa nhận và chấp nhận để tìm ra sự an bình trong đời sống của chúng ta?
Là một nhà tâm lí trị liệu làm việc với các khách hàng – và trong đời sống của riêng tôi – tôi đã thấy cùng những câu hỏi và những phấn đấu cứ khởi lên mãi hoài. Có năm điều định sẵn không thể tránh được, năm dữ kiện bất biến hỏi thăm tất cả chúng ta nhiều lần, lặp đi lặp lại mãi:
1. Mọi thứ đều thay đổi và chấm dứt
2. Mọi điều không luôn diễn ra theo kế hoạch
3. Cuộc sống không phải luôn công bằng
4. Đau khổ là một phần tất yếu của đời sống
5. Người khác không luôn luôn yêu thương và trung thành với chúng ta
Đây là những thách thức cơ bản mà tất cả chúng ta đều giáp mặt nhưng chúng ta thường sống trong sự chối bỏ chúng. Chúng ta xử sự như thể bằng cách nào đó những thứ định sẵn này không đúng hoặc không thể áp dụng cho tất cả chúng ta. Nhưng khi chúng ta chống lại năm sự thật căn bản này là chúng ta kháng cự với thực tại và khi đó đời sống trở thành một chuỗi bất tận những thất vọng, bất mãn và buồn rầu.
Trong cuốn sách này, tôi đề ra cái ý tưởng có phần triệt để rằng năm thứ định sẵn này thực ra không phải là xấu như bề ngoài của chúng. Thực vậy, nỗi sợ hãi những thứ định sẵn và việc chúng ta nỗ lực cưỡng lại chúng là nguồn gốc thực sự cho những lo phiền của chúng ta. Một khi chúng ta học cách chấp nhận và ôm choàng lấy những sự thực nền tảng này, chúng ta sẽ nhận thức được rằng chúng chính là những gì chúng ta cần để có được lòng can đảm, tình thương, và trí tuệ – nói tóm lại là để tìm được hạnh phúc.
Một thứ định sẵn là một sự kiện của đời sống mà chúng ta không có quyền năng gì đối với nó. Nó là thứ mà chúng ta không thể thay đổi, một cái gì được thiết định vào ngay trong bản tính của sự vật. Ngoài năm điều định sẵn gây âu lo đã nhận định ở trên, còn có những điều định sẵn được mong đợi: chúng ta trải nghiệm niềm vui trọn vẹn, chúng ta đạt được những kết quả khả quan, chúng ta khám phá những khả năng thiên phú nội tâm độc đáo, chúng ta tìm thấy giải pháp cho một vấn đề, vận may đến với chúng ta hay có những phép lạ xảy đến. Cũng có những thứ định sẵn chỉ đúng với từng cá nhân: vẻ bề ngoài và cá tính của chúng ta, những khả năng thiên phú hoặc giới hạn về tâm lí và tâm linh, tính cách, cấu trúc di truyền, chỉ số thông minh (IQ), lối sống, tính cách hướng nội hay hướng ngoại của chúng ta v.v…
Thực ra, có những điều định sẵn trong mọi điều chúng ta làm và ở mọi nơi chúng ta tới. Điều định sẵn của việc có một công việc được trả lương là chúng ta có thể được thăng tiến hoặc bị sa thải – cũng như vô số những khả tính khác. Thứ định sẵn của một mối quan hệ là nó có thể kéo dài suốt đời hoặc có thể chấm dứt ngay bây giờ.
Tôi đã nhận ra rằng bất cứ điều gì giao tranh với cái Tôi của chúng tađều là một nguồn gốc mạnh mẽ cho sự chuyển hoá và tiến triển nội tâm. Năm sự kiện đơn giản của đời sống thách thức và khủng bố cái Tôi hùng mạnh quyết nắm toàn quyền kiểm soát. Đời sống tình cờ xảy đến với chúng ta theo cách thức riêng của nó, bất kể chúng ta có kháng cự hoặc tìm cách tránh né nó nhiều đến đâu, không ai được hoặc đã từng được miễn trừ khỏi những điều định sẵn không thể né tránh của đời sống. Nếu chúng ta không thể dung thứ chúng, ấy là chúng ta tạo thêm sự căng thẳng cho đời sống chúng ta bằng việc đánh một canh bạc mà chúng ta chắc chắn sẽ thua cuộc.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ giải thích tại sao chúng ta không cần thiết phải cảm thấy tuyệt vọng khi giáp mặt với những thứ định sẵn trong đời sống. Chúng ta có thể học cách tiếp nhận đời sống theo những giới hạn của chính nó. Chúng ta không cần phải đòi hỏi một sự miễn trừ hoặc an trú trong một hệ thống tín ngưỡng làm dịu bớt những chấn động của những điều định sẵn bằng cách hứa hẹn một thiên đàng không có những điều định sẵn này. Chúng ta có thể tạo ra một đời sống lành mạnh và chân chính bằng cách đón nhận đời sống như nó vốn có. Thực vậy, con đường của chúng ta là “hãy để cho mọi thứ như nó là.” Câu chuyện về sự giác ngộ của Đức Phật cho thấy những điều định sẵn của đời sống là nền tảng cho sự tiến bộ và chuyển hoá của chúng ta. Đức Phật ra đời có tên là Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa), một hoàng tử Ấn Độ. Cha Ngài muốn bảo vệ Ngài khỏi những khổ đau hoặc thất vọng. Vua cha tạo dựng một đời sống hoàn hảo cho Siddhartha, cung cấp cho Ngài đủ mọi sự thoả mãn có thể và che chở Ngài khỏi mọi sự không vui. Nhưng một ngày kia vị hoàng tử trẻ tuổi muốn nhìn thấy thế giới bên ngoài. Khi bước ra ngoài cung điện, Ngài tức thì gặp gỡ cảnh bệnh tật, tuổi già và cái chết – những điều kiện tự nhiên của mọi đời sống – lần đầu tiên. Những cảnh tượng này làm Ngài xúc động một cách sâu xa và đưa Ngài vào cuộc hành trình tâm linh dẫn tới giác ngộ. Sự chuyển hoá thần kì của Ngài bắt đầu bằng sự giáp mặt với những quy luật của đời sống với sự tò mò và lòng can đảm.
Từ xa xưa, năm điều định sẵn của đời sống đã gây buồn phiền cho cả loài người. Các tôn giáo đã mang lại lời giải đáp cho những sự thực huyền nhiệm như vậy. Trong cuốn sách này, tôi sẽ rút ra những lời dạy của đạo Phật và của các tôn giáo khác trên thế giới. Những truyền thống tâm linh mang lại cho chúng ta những nguồn năng lượng quý giá và sự hứng khởi để giáp mặt với những điều định sẵn của cuộc sống một cách cởi mở và thư thái. Tôi dựa nhiều nhát vào truyền thống Phật Giáo bởi truyền thống tâm linh ấy đề cao tầm quan trọng của việc nhìn thấu suốt những mê lầm của chúng ta và giáp mặt với những điều định sẵn của đời sống để trở nên ý nghĩa hơn trên cuộc đời này.
SỰ CHẤP NHẬN VÔ ĐIỀU KIỆN
Mỗi thứ định sẵn hoặc điều kiện sinh tồn đều khơi dậy trong chúng ta câu hỏi về số phận của mình. Chúng ta ở đây để làm theo đường lối của mình hay nhảy múa với dòng đời? Chúng ta ở đây để đoán chắc rằng mọi sự diễn ra theo kế hoạch hay tin vào những bất ngờ và sự trùng hợp dẫn chúng ta tới những cảnh sắc mới? Chúng ta ở đây để đoán chắc rằng chúng ta được đối xử công bằng hay chúng ta ở đây để công chính và thương yêu? Chúng ta ở đây để né tránh khổ đau hay để đương đầu với nó, trưởng thành từ nó và học trở nên từ ái qua nó? Chúng ta ở đây để được mọi người thương yêu hay để thương yêu mọi người với tất cả năng lực của mình?
Những người La Mã cổ đại nói về tình yêu định mệnh (amor fati) – cái đức tính thương yêu chính số phận của mình. Một số người trong chúng ta thấy rằng khó có thể xoay xở với nỗi âu lo khởi lên do những điều kiện sinh tồn của chúng ta; chúng ta nỗ lực cưỡng lại thân phận làm người. Phương pháp để vận dụng những thứ định sẵn và bài trí chúng vào với số phận của chúng ta được Carl Jung phát biểu rõ ràng nhất: “Những thứ định sẵn của đời sống có thể ôm choàng lấy những gì hiện hữu, không có những phản kháng chủ quan, một sự chấp nhận những điều kiện sinh tồn… một sự chấp nhận bản tính của chính tôi như thể tôi là một cách ngẫu nhiên.” Một sự chấp nhận như thế là một sự vui lòng đặt chân lên thực tại. Một sự chấp nhận như thể khiến chúng ta uyển chuyển, hoà nhịp cùng một thế giới biến đổi, phơi bày chúng ta trước bất cứ cái gì cuộc đời mang tới. Một sự chấp nhận như thế không phải là sự đầu hàng tình thế mà là sự vươn mình can đảm để sống cùng thực tại. Một khi chúng ta tin cậy thực tại hơn những ảo vọng, sự chấp nhận của chúng ta trở thành chiếc chìa khoá thần kỳ mở cửa vào thế giới tâm linh. Trong cuốn sách này, tôi sẽ đề nghị cách khám phá những kho báu tâm linh nằm bên trong những trải nghiệm thách thức nhất của chúng ta.
Chấp nhận là đồng minh can trường của sự an nhiên thư thái; không phải là đồng loã hoảng sợ của âu lo khắc khoải. Chúng ta tìm được sự trợ giúp khi giáp mặt với những thứ định sẵn qua sự tỉnh thức – tức là qua sự chú tâm vô uý (không sợ hãi) và kiên trì tới khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta cũng có được sự hỗ trợ từ tự nhiên, từ tâm lí học, từ các truyền thống tôn giáo và từ việc thực hành tâm linh.
Khi điều gì xảy đến với chúng ta, nó vang vọng với tiếng thậm thịch đớn đau của bất kì điều kiện sinh tồn nào không thể biến cải được, chúng ta có thể hỏi: “Tôi có thể học được gì ở đây? Điều này giúp ích được gì cho tôi?” Chúng ta có thể học tin cậy những thứ định sẵn của đời sống như là chúng có tiềm năng chuyển hoá hoặc tiến hoá. Chúng ta có thể tin cậy rằng những định luật của sinh tồn bằng cách nào đó có thể giúp chúng ta hoàn thành định mệnh.
Những thứ định sẵn của đời sống có thể dường như là những trò đùa ác độc mà một vũ trụ thù nghịch giáng xuống chúng ta. Chúng có thể là những trừng phạt cho sự lạc lối mà chúng ta thừa kế chứ không phải do chúng ta gây ra. Chúng dường như là những trò đố kị làm cho đời sống của chúng ta khốn cùng. Trong một quan điểm thần học lỗi thời, chúng được coi như là những trừng phạt do một Thượng đế hận thù ban xuống cho chúng ta – những kẻ bị lưu đày khỏi vườn địa đàng Eden vì một tội lỗi xa xưa. Sự chấp nhận vô điều kiện những thứ định sẵn với niềm tin thầm kín vào sự hữu ích của chúng sẽ loại bỏ quan điếm đó. Chấp nhận thực tại – những thứ chúng ta không thể thay đổi – là tỉnh thức, chúng ta vinh danh cái ở đây và bây giờ mà không bị xao lãng bởi sợ hãi và dục vọng. Tỉnh thức là sự chấp nhận vô điều kiện những gì thuộc về tự nhiên, ở đây và bây giờ, mà không hề phán đối hay buộc tội. Nó giúp chúng ta thoát khỏi một bản ngã với những sợ hãi, dục vọng, kiểm soát, phán đoán, khiếu nại, trông mong. Khi chúng ta tỉnh thức, chúng ta gặp gỡ mỗi khoảnh khắc với sự cởi mở và từ tâm. Tỉnh thức vừa là một trạng thái hiện hữu và một sự tu tập tâm linh hàng ngày, một dạng thức của thiền định.
TẠI SAO LẠI LÀ TÔI?
Khi giáp mặt với một trong những thứ định sẵn của đời sống, chúng ta có thể hỏi: “Tại sao một điều ghê gớm như thế lại xảy đến với một người tốt như tôi?” Nếu chúng ta tỉnh thức thì câu hỏi ấy là: “Vâng điều này đã xảy ra. Thế thì sao nào?” Chúng ta sẽ ghi nhận là mình hạnh phúc hơn khi chấp nhận điều chúng ta không mong muốn về đời sống như một thứ định sẵn của đời sống.
Khi chúng ta là chấp nhận không dè dặt với những thứ chúng ta không thể thay đổi, chúng ta đang chấp nhận chính chúng ta, như thế chúng ta là. Những điều kiện sinh tồn là những kinh nghiệm thiết thân của chúng ta, không phải là những sức mạnh lạ lẫm hoặc những chướng ngại phải né tránh. Chúng cũng là những kinh nghiệm chung của tất cả mọi người. Bất kỳ ai cũng đều giáp mặt với năm thứ định sẵn của đời sống. Điều này khiến chúng trở thành một phần của thân phận làm người, vậy nên chúng phải là một thành phần thiết yếu. Khi chúng ta ôm choàng lấy những thứ định sẵn như là những sự nối dài của tự thân con người, chúng ta chấp nhận chúng chứ không phải phục tùng chúng. Chúng ta chấp nhận những thành tố về nhân tính của chính chúng ta.
Mọi thứ định sẵn của đời sống đều dựa trên một sự kiện nền tảng: Bất cứ điều gì cũng có thể xảy đến với tất cả chúng ta. Điều này là thứ định sẵn trên hết các thứ định sẵn. Thế nhưng phần lớn chúng ta cứ nghĩ rằng vận may hay vận rủi chỉ xảy đến với người khác mà chẳng bao giờ xảy đến với chúng ta. Tin tưởng rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy đến với bất kỳ ai là một sự trưởng thành vĩ đại và nó ban cho chúng ta hai quà tặng tuyệt vời. Thứ nhất, chúng ta từ bỏ quan điểm cho rằng chúng ta được hưởng sự đãi ngộ đặc biệt; chúng ta buông bỏ niềm tin như con trẻ rằng có một kẻ cứu vớt, ngoài cõi trần thế, sẽ giúp chúng ta miễn nhiễm được với những đau khổ của đời sống. Thứ hai, tin rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy đến với mình giúp chúng ta trở nên khiêm tốn và từ bi với kẻ khác bất kể đời sống có trở nên khó khăn đến đâu.
Những thứ định sẵn của đời sống là một điều kiện cần cho sự tiến hoá thiết thân của chúng ta. Theo quan điếm truyền thống của Phật Giáo, mỗi người chúng ta được sinh ra trên đời đã là một ân huệ lớn.
Trong cõi trần thế, người ta nói rằng có sự pha trộn vừa đủ của đau khổ và vui sướng để chúng ta tỉnh thức, trở nên giác ngộ. Nói cách khác, những thứ định sẵn của đời sống mang lại cho chúng ta cơ hội trải nghiệm hoàn hảo.
NHỮNG THỨ ĐỊNH SẴN CỦA ĐỜI SỐNG LÀ QUÀ TẶNG
Từ định sẵn có hai nghĩa. Nó là một điều kiện không thể thay đổi nhưng cũng là một thứ gì được trao tặng cho chúng ta. Những thứ định sẵn của đời sống không từ bỏ ai và chúng cũng hết sức phong phú. Chính trong những điều kiện nghiêm ngặt và thách thức như vậy, chúng ta mới có thể tiến hoá. Những thứ định sẵn của đời sống được coi là quà tặng bởi vì chúng là những thành tố tạo nên nét tính cách, sự hiếu biết và lòng từ bi của chúng ta. Cần phải làm gì để nhận ra những thách thức trong cuộc sống chính là quà tặng cho chúng ta? Đầu tiên và trên hết, chúng ta phải ngưng toan tính kiểm soát hoặc loại bỏ chúng. Khi đó, những thứ định sẵn gây rắc rối sẽ trở thành cánh cửa giải thoát. Nhưng con người chúng ta vốn luôn phán ứng mỗi khi giáp mặt với những thách thức. Thực vậy, việc chúng ta kháng cự với sự bất an là một phần di sản của loài người. Thật trớ trêu, chúng ta đang nỗ lực cưỡng lại những gì không thể cải biến được, vốn thuộc thân phận con người của chúng ta và là những điều kiện có thể giúp chúng ta tiến bộ.
Câu “chấp nhận những thứ chúng ta không thề thay đổi” không có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự việc chỉ vì chúng ta không thể thay đổi được chúng. Thực ra, khi hiểu được rằng những gì xảy ra bên ngoài sự kiểm soát của chúng ta rất có thể chính là thứ chúng ta cần, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chấp nhận thực tại có thể là cách tham dự vào chính cuộc tiến hoá của chúng ta. Sự an nhiên tới không chỉ từ sự chấp nhận những gì không thề thay đổi mà còn tới từ sự thôi gắng gỏi để nắm quyền kiểm soát. Có một ý nghĩa trong những biến cố xảy ra và ý nghĩa này có nhiều tầng lớp, chúng ta sẽ đề cập chủ đề này thường xuyên qua suốt cuốn sách.
Sự chấp nhận vô điều kiện làm chúng ta sẵn sàng chào đón niềm vui hoặc nỗi đau. Chấp nhận thế giới với hạn từ của nó là sống đời anh dũng. Những con người sáng tạo trân trọng những điều kiện sinh tồn như thể chúng có ý nghĩa vượt ra ngoài ý nghĩa mà xã hội toan áp đặt. Họ tái tạo những thứ định sẵn của cuộc sống như những tác phẩm nghệ thuật. Bởi vì những thứ định sẵn là nguồn mạch của tính sáng tạo và những khả tính mới. Và sự bất toàn của chúng ta và của thế giới trở thành nguyên liệu thô sơ cho một tuyệt tác, người nghệ sĩ thu nhận nó và làm cho nó trở nên hữu ích với kẻ khác.
NHỮNG THỨ ĐỊNH SẴN CỦA ĐỜI SỐNG LÀ HỒNG ÂN
Để tìm được hạnh phúc thực sự, chúng ta phải phát triền bản thân về mặt cảm xúc và tâm linh. Ý thức tâm linh phá bỏ những quan niệm đơn giản của chúng ta về cái thiện và cái ác. Sự chấp nhận vô điều kiện là chấp nhận những nghịch lý của đời sống. Một nghịch lý kết hợp những thứ tưởng chừng như đối lập. Chẳng hạn, chúng ta chấp nhận vô điều kiện cuộc sống bị chi phối bởi những thay đổi và kết thúc. Chúng ta dấn thân dù cho kế hoạch của chúng ta có thể thất bại. Chúng ta có thể duy trì tấm lòng từ bi dù cho thế giới có thể bất công thế nào với chúng ta. Chúng ta có thể thương yêu kẻ khác bất kề họ có hành động ác độc thế nào đối với chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra mặt không tốt của người khác nhưng chúng ta vẫn không từ bỏ họ, một đặc trưng khác của sự trưởng thành về tâm linh.
Dù mọi sự vật thay đổi và kết thúc, sự vật tự tái tạo và chuyển động qua những chu kì đầy xa hơn cuộc tiến hoá.
Dù sự vật không luôn luôn diễn ra theo kế hoạch, đôi khi chúng lại mở ra cho chúng ta một kế hoạch lớn hơn với những khả năng làm chúng ta sửng sốt.
Dù đời sống không phải luôn công bằng, chúng ta vẫn cam kết luôn đối xử công bằng với kẻ khác, từ chối sự bất công hay trả đũa.
Dù đau khổ là một phần tất yếu của đời sống, chúng ta có những cung cách xử trí với nó và nhờ thế có nhiều năng lực đối phó với sự đau đớn trong tương lai và nâng đỡ người khác trong nỗi đau của họ. Dù người khác không luôn luôn thương yêu và trung thành với chúng ta, không gì có thể ngăn trở chúng ta hành động với tấm lòng từ ái với họ.
Những thứ định sẵn của đời sống dường như có vẻ tiêu cực nhưng chúng đều có mặt tích cực. Khi chúng ta chấp nhận một thứ định sẵn là chúng ta đã phát triển về mặt cảm xúc và tâm linh: chúng ta kiên nhẫn, chịu đựng, tha thứ, khoan hồng, trí tuệ, hân thưởng, kiên trì và thương yêu vô điều kiện.
Tuy nhiên, chúng ta không thể kiểm soát nhiều thứ trong đời sống, có nghĩa là chúng ta cần một sự thúc đẩy đặc biệt, một điều mà bản ngã của chúng ta không thể cung ứng, một điều mà tâm trí hạn hẹp của chúng ta không thể quan niệm, một điều mà ý chí mỏng manh của chúng ta không thể tác động. Đây là sức mạnh hỗ trợ của hồng ân, là sự bổ túc tâm linh. Một điều gì thúc đẩy chúng ta và làm cho đường đi của chúng ta dễ dàng dấn bước hơn.
Kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishads) – kinh văn thiêng liêng của Ấn Độ Giáo – quy chiếu về hồng ân như sau: “Tự ngã không thể đạt được bởi học vấn, trí tuệ hay kiến thức. Kẻ nào tự ngã, kẻ đó đạt được tự ngã.” Hồng ân là một quà tặng của Tự ngã siêu việt ban cho cái Tôi. Một luồng mạch vượt ngoài bán ngã mang lại cho chúng ta khả năng vượt thắng những giới hạn bình thường của chúng ta. Hồng ân có nghĩa là chúng ta không đơn độc; chúng ta luôn luôn có bạn đồng hành:
Khi chúng ta đinh ninh rằng chúng ta không thể chịu thêm một phút giây nào nữa và chúng ta chịu được, đó là hồng ân của một đời sống Sáng tạo ở trong chúng ta. Khi chúng ta đinh ninh rằng chúng ta không thể tìm ra ánh sáng và chúng ta tìm ra, đó là hồng ân của Thế giới Ánh sáng ở trong chúng ta.
Khi chúng ta đinh ninh rằng chúng ta không thể thở thêm một hơi nữa và chúng ta thở thêm được, đó là hồng ân của Tinh thần thở qua chúng ta.
Tâm của chúng ta được ánh sáng soi đường. Sự chấp nhận vô điều kiện giúp trái tim chúng ta tiếp nhận được ánh sáng. Hồng ân là những quà tặng đặc biệt, khắc phục những giới hạn của chúng ta về trí tuệ, ý chí và tâm từ ái. Hồng ân khuếch trương lí trí bằng cách ban bố cho chúng ta trí tuệ trực giác. Chúng ta đột nhiên trở nên hứng khởi về một điều gì đó mà chúng ta không tìm thấy qua luận lí. Hồng ân khuếch trương ý chí chúng ta bằng cách cho chúng ta một sức mạnh hoặc lòng can đảm mà trước đó chúng ta chưa từng có. Hồng ân khuếch trương cõi lòng chúng ta bằng cách khiến cho nó có thể thương yêu hơn là thù ghét, hoà giải hơn là trả đũa, khiêm tốn hơn là kiêu ngạo. Chúng ta không thể làm tất cả điều đó bằng khả năng riêng của chúng ta, bản ngã của chúng ta hẳn không tìm ra động cơ nào cho đức tính như thế. Hồng ân là đồng minh và hướng đạo nội tâm, là sức mạnh khởi động cho sự tu luyện tâm linh của chúng ta. Mỗi thứ định sẵn của đời sống đến với chúng ta kéo theo nhiều hồng ân. Sự thực rằng vạn vật thay đổi và kết thúc có nghĩa là chúng ta có thể tìm thấy trong sự vô thường hồng ân của việc trôi chảy với dòng đời, đi cùng với trào lưu của các biến cố, hơn là bị chặn đứng hoặc tổn hại vì chúng. Sự thực rằng mọi thứ không luôn luôn diễn ra theo kế hoạch có nghĩa là nhiều quyền năng vượt ngoài bản ngã của chúng ta – những quyền năng dẫn dắt chúng ta tới định mệnh của mình theo một đường lối mà chúng ta có thể không để tâm tới. Một khi hiểu được rằng chúng ta được hộ trì bởi những quyền năng vượt ngoài bản ngã, chúng ta thấy rằng việc nắm quyền kiểm soát rất có thể không mang lại lợi ích cho chúng ta.
Sự thực rằng đời sống không luôn luôn công bằng có nghĩa là tất cả chúng ta được kêu gọi để sáng tạo ra những điều kiện công lí trong thế giới. Khi chúng ta hưởng ứng lời kêu gọi như thế, chúng ta tìm ra lòng can đảm của mình. Rồi chúng ta tìm ra những đường lối để quân bình bản thân chúng ta và trợ giúp thế giới trong việc quân bình chính nó.
Sự kiện rằng đau đớn là thành phần của đời sống đem lại những hồng ân của kiên trì, nhẫn nại và từ ái. Chúng ta chịu tác động vì sự đau đớn của kẻ khác thì chúng ta sẽ có khả năng ngăn mình làm người khác đau đớn.
Sự thực rằng người khác không luôn luôn thương yêu và trung thành với chúng ta gây ra những tổn thương làm chúng ta trở thành những con người có chiều sâu và cá tính. Có thể những vết thương như thế là những hồng ân bởi vì từ đó chúng ta có thể cởi mở với toàn thế vũ trụ. Và trên hết, nhờ đó chúng ta được thách thức để toả ra một tình thương vô điều kiện.
Hồng ân không phải là thứ thuốc ru ngủ. Mỗi hồng ân là một điều kiện thức giấc để lay động sự tinh tấn của chúng ta. Trong cuốn sách này, tôi hi vọng khám phá cách những hồng ân được cống hiến cho chúng ta trong dạng thức những thứ định sẵn. Thêm nữa, nếu chúng ta có can đảm giáp mặt với những sự thật không thể tránh được của đời sống, chúng ta sẽ tìm ra hồng ân để thương yêu bất kể điều gì xảy đến với chúng ta. Thương yêu luôn luôn vô điều kiện trong cái nghĩa rằng nó không bị thui chột bởi bất cứ điều gì của cuộc sinh tồn. Chẳng có thay đổi, kết thúc, bất công, đau khổ hoặc thiếu tình thương nào có thể ngăn chúng ta không thương yêu. Sự chấp nhận một hồng ân diệu kì như thế là điều mà bản ngã của chúng ta luôn muốn nói ra, bởi nó có nghĩa là chấm dứt sợ hãi và bắt đầu tự do.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.