10 Nguyên Tắc Trở Thành Nhân Tài Của Bill Gates
NGUYÊN TẮC THỨ I: CÓ CẢM HỨNG MÃNH LIỆT ĐỐI VỚI SẢN PHẨM CỦA CÔNG TY MÌNH
Trước tiên, ít nhất cần có lòng hiếu kỳ đối với sản phẩm của công ty hay cơ quan mình làm việc, đây là một điều vô cùng quan trọng. Bạn cần đích thân sử dụng sản phẩm đó.
Đối với người làm trong ngành công nghệ thông tin, nguyên tắc này càng được nhấn mạnh hơn. Đương nhiên, nguyên tắc cũng phù hợp với các lĩnh vực đòi hỏi mật độ kiến thức cao khác, vì trong lĩnh vực đó, kỹ thuật và phát triển ứng dụng được cập nhật vô cùng nhanh chóng, việc nắm bắt kỹ thuật của ngành nghề không thể dừng lại. Nếu bạn không có cảm hứng với những sản phẩm đó, chẳng bao lâu sau bạn sẽ trở nên lạc hậu và bị đào thải. Quá trình này diễn ra rất nhanh.
1. CÓ LÒNG HIẾU KỲ TRUY TÌM GỐC RỄ VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI SẢN PHẨM CỦA CÔNG TY
Bill Gates nói: “Một nhân viên xuất sắc, trước tiên tối thiểu cần có lòng hiếu kỳ đối với sản phẩm của công ty hay cơ quan mình làm việc”. Bill Gates cho rằng: “Lòng hiếu kỳ là động lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, là động lực thúc đẩy sự đi lên, là yếu tố quan trọng nhất của nhân viên kiểu mới. Bởi vì lòng hiếu kỳ có thể kích thích sự quan tâm, lòng nhiệt tình của nhân viên và đảm bảo lòng nhiệt tình đó luôn giữ ở mức cao.
Lòng hiếu kỳ và cảm hứng là hai điểm không thể tách rời. Đối diện với sản phẩm, lòng hiếu kỳ khiến bạn luôn tự hỏi: “Tại sao sản phẩm lại thiết kế như thế này?”, “Sản phẩm còn khiếm khuyết gì cần cải tiến nữa không?”, “Còn có thể sản xuất sản phẩm tốt hơn thế này hay không?”. Tâm lý muốn tìm tòi sẽ kích thích ham muốn tìm hiểu về sản phẩm của bạn, từ đó bạn sẽ có cảm hứng mãnh liệt đối với việc sản xuất sản phẩm. Có cảm hứng thì tự nhiên bạn sẽ tiến hành nghiên cứu, phát triển, cuối cùng sẽ tìm thấy đáp án.
Máy hơi nước ra đời của cũng bắt nguồn từ lòng hiếu kỳ, sự tò mò của một nhà phát minh người Anh tên là James Watt. James Watt rất hiếu kỳ trước hiện tượng “hơi nước sinh ra từ ấm nước đang sôi có thể đẩy nắp ấm lên”. Hơi nước có sức mạnh lớn như vậy sao? Men theo sự dẫn đường của lòng hiếu kỳ, James Watt bắt đầu nghiên cứu xem làm thế nào để sử dụng sức hơi nước thúc đẩy sự vận động của các vật thể khác. Những tìm tòi của ông từng bước thu được hiệu quả, ông càng có cảm hứng mãnh liệt hơn đối với việc nghiên cứu máy hơi nước, hứng thú lên cao thúc đẩy hành vi tìm hiểu của ông, vì thế đi cùng với lòng hiếu kỳ, cảm hứng, lòng kiên trì và công sức, máy hơi nước cuối cùng đã xuất hiện. Phát minh này của nhà bác học James Watt, ông tổ của máy hơi nước đã giúp con người thoát khỏi sự hạn chế về kỹ thuật phục vụ cuộc sống, mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp Anh cũng như lịch trình hiện đại hoá của xã hội loài người.
Lòng hiếu kỳ thôi thúc con người phát hiện, phát minh và sáng tạo. Những người thành công trong sự nghiệp không ai là không có lòng hiếu kỳ mạnh mẽ.
Lật lại trang sử phát triển của xã hội loài người, không khó để phát hiện, lòng hiếu kỳ là mầm nảy sinh khoa học, là một trong những phẩm chất đáng quý để con người sáng tạo cơ hội, không ngừng phát minh và tiến bộ. An-be Anhxtanh, nhà vật lý nổi tiếng thế giới, tác giả “Thuyết tương đối”, ngày nhỏ từng kinh ngạc khi thấy kim la bàn luôn chỉ về hướng bắc, chính hiện tượng đó khơi gợi lòng hiếu kỳ, thúc đẩy ông đến với nghiên cứu khoa học. Sau này ông nói: “Tôi không có khả năng hay tài nghệ gì đặc biệt, tôi chỉ có một lòng hiếu kỳ mạnh mẽ”. Câu nói của ông đã chỉ ra bí quyết thành công của không ít các nhà khoa học.
Không chỉ các nhà khoa học lừng danh mới cần có lòng hiếu kỳ, nhân viên bình thường nếu muốn có thành tựu cũng cần có lòng hiếu kỳ, bởi lòng hiếu kỳ sẽ mang đến cho con người sức sáng tạo mạnh mẽ, có thể lập nên kỳ tích. Lòng hiếu kỳ là một phẩm chất đáng quý, nó kích thích tinh thần thám hiểm, ước muốn tìm tòi của con người và còn sáng tạo, khơi nguồn những khả năng tiềm ẩn cho sản phẩm mới.
Trình độ văn hóa của Konosuke Matsushita, người sáng lập và gây dựng tên tuổi công ty National Panasonic rất thấp, ông chỉ học hết lớp 4. Do hoàn cảnh gia đình, năm lên 9 tuổi ông đã bắt đầu đi làm thợ học việc, 15 tuổi làm thợ phụ cho một cửa hàng xe đạp. Trong môi trường đó, Konosuke Matsushita lần đầu tiên nhìn thấy xe điện, chính nhờ lòng hiếu kỳ mà ông luôn cảm thấy, sau khi xe điện phổ cập rộng rãi, xe đạp sẽ bị đào thải, ông liền quyết định xin vào làm trong ngành xe điện. Sau khi chuyển đến làm thợ học nghề chạy dây điện ở Công ty Điện quang Osaka, ông bắt đầu đào sâu suy nghĩ để cải tiến kỹ thuật.
Một lần qua chợ ông tình cờ nghe thấy mấy người phụ nữ nội trợ đang mua sắm bàn luận rằng đầu cắm các thiết bị điện ở nhà chỉ có thể cắm vào một ổ cắm, không tiện lợi chút nào, giá như có đầu cắm đa dụng thì tốt biết mấy. Konosuke Matsushita nghe xong, động não một chút, trong đầu chợt lóe lên sáng kiến mới, lập tức tiến hành cải tiến những chiếc ổ cắm đang dùng và đề nghị ông chủ tiếp thu.
Sau khi bị ông chủ từ chối, Konosuke Matsushita khi ấy mới 22 tuổi bèn tự mình thuê một căn phòng nhỏ, bắt đầu chế tạo những chiếc ổ cắm hai chức năng, năm sau chính thức thành lập “phòng chế tạo thiết bị điện Panasonic”, chẳng bao lâu sau cho ra mắt sản phẩm mới là ổ cắm “tam thông”, sản phẩm được đón nhận và tiêu thụ rất nhanh, ngay lập tức đã thu được lãi lớn. Sản phẩm được mang đến bởi “lòng hiếu kỳ” này đã đặt viên gạch móng đầu tiên, vững chãi cho cả tòa nhà cao vạn trượng của vương quốc điện tử Panasonic sau này. Đến hôm nay, Konosuke Matsushita đã xây dựng, sở hữu hơn 130 công xưởng, “vương quốc Panasonic” đã có mặt trên khắp năm châu, tài sản của Konosuke Matsushita có thể đạt đến trên 200 tỷ yên Nhật.
Hiếu kỳ là một phẩm chất mà tất cả những người làm nghiên cứu khoa học cần có, cũng là một phẩm chất tối thiểu mà tất cả những nhân viên muốn có phát hiện, sáng tạo cần có.
Lòng hiếu kỳ là điều kiện đầu tiên quyết định một người có thể đạt được thành công, thể hiện được trí tuệ hay không.
Ngày nhỏ, Bill Gates là một cậu bé vô cùng ham mê máy tính, có lòng hiếu kỳ mãnh liệt. Khi mới 13 tuổi cậu đã viết ra chương trình phần mềm đầu tiên. Lòng hiếu kỳ khiến cậu ngày đêm dùi mài kiến thức về máy tính, lòng hiếu kỳ cũng khiến cậu luôn đầy ắp niềm hứng thú đối với chiếc máy tính, nhờ thế, chỉ sau 8 tuần chuyên tâm, miệt mài không kể ngày đêm, chàng trai 20 tuổi Bill Gates và cậu bạn Paul Allen đã viết xong ngôn ngữ lập trình Basic cho máy tính Altair 8800, máy tính nhỏ dùng trong lĩnh vực kinh tế đầu tiên. Có thể nói, lòng hiếu kỳ mãnh liệt đã tạo nên sự nghiệp của ông.
Qua con đường đi đến thành công của Bill Gates, chúng ta có thể nhận thấy, lòng hiếu kỳ thường thúc đẩy một người đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, vì thế có thể phát hiện rất nhiều điều trước nay chưa từng được biết.
Trong lịch sử nhân loại, rất nhiều phát hiện mới, phát minh mới, sản phẩm mới đều là kết quả sau một thời gian dài nghiên cứu của những người có lòng hiếu kỳ mạnh mẽ.
Sản phẩm hay đều được sáng tạo ra từ lòng hiếu kỳ
Quá trình của lòng hiếu kỳ chính là quá trình của sự suy nghĩ, tìm tòi, nghĩ nhiều sẽ tạo ra trí tuệ, nghĩ sâu có thể sáng tạo cái mới. Tất Thăng là một thợ khắc chữ lão thành xuất sắc của Trung Quốc thời Tống. Tay nghề của ông rất tinh xảo, sách được in ra từ những bản khắc gỗ của ông đều được mọi người đón nhận. Nhưng qua thời gian dài lao động vất vả, ông nhận thấy nghề in từ bản khắc còn rất nhiều khuyết điểm, vì thế luôn vắt óc suy nghĩ tìm cách cải tiến, đưa ra thiết kế mới. Chuyện kể rằng, có một lần, Tất Thăng nhìn thấy lũ trẻ dùng đất sét nặn thành hình người, sau khi nướng trên lò, mang ra chơi được rất lâu, ông vụt lên ý nghĩ: nếu như đem những con chữ dùng trong in ấn, cũng khắc thành từng cái thì tiện lợi biết bao! Qua tìm tòi, nghiên cứu tỉ mỉ, dài lâu, cuối cùng ông phát minh ra thuật in bằng con chữ, trở thành một trong bốn phát minh lớn của Trung Quốc thời cổ đại.
Nếu bạn cũng có lòng hiếu kỳ đối với sản phẩm của chính mình, bạn sẽ nảy sinh ước muốn mãnh liệt để tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm, lòng hiếu kỳ sẽ thúc đẩy bạn làm rõ gốc rễ vấn đề và dốc sức sáng tạo, cải tiến, làm cho sản phẩm ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn, có tính thực tế cao hơn.
Bill Gates nói: “Rất nhiều sản phẩm mà chúng ta yêu thích, đều được tạo ra bởi lòng hiếu kỳ và cảm hứng mãnh liệt”.
Lòng hiếu kỳ cũng như một hạt giống, không có hạt giống không thể mọc lên cây to cho bóng râm che mát, người không có lòng hiếu kỳ cũng không thể có phát minh hay sáng tạo. Sau khi hạt giống được gieo vào đất, được con người tưới tiêu, chăm sóc, sẽ dần dần nhú lên khỏi mặt đất, từ một mầm non lớn lên thành cây cao. Có lòng hiếu kỳ, cộng thêm lòng kiên trì và công sức, bạn nhất định trở thành một nhân tài có ích.
Lý Chính Đạo, tiến sỹ vật lý nổi tiếng người Mỹ gốc Trung Quốc nói: “Lòng hiếu kỳ rất quan trọng, muốn làm khoa học không thể thiếu lòng hiếu kỳ. Đạo lý rất giản đơn, chỉ có lòng hiếu kỳ mới có thể nêu ra vấn đề, giải quyết vấn đề. Điều đáng sợ là không thể nêu ra vấn đề, đồng nghĩa rằng bước đi đầu tiên cũng không thể bước qua”. Chính vì lòng hiếu kỳ quan trọng như vậy nên rất nhiều người coi lòng hiếu kỳ là phẩm chất đầu tiên của người thành công. Đối với một nhân viên có tài, có chí vươn lên, khát khao đạt được thành công, lòng hiếu kỳ vô cùng quý báu.
2. LUÔN THỂ HIỆN CẢM HỨNG VÀ TÌNH YÊU CỦA BẠN ĐỐI VỚI CÔNG TY VÀ SẢN PHẨM CỦA CÔNG TY
Bill Gates nói: “Nhân viên xuất sắc cần luôn thể hiện cảm hứng và tình yêu của mình đối với công ty và sản phẩm. Nếu không có hứng thú với sản phẩm của công ty, bạn sẽ bị lạc hậu rất nhanh, thậm chí bị đào thải”. Bill Gates cho rằng, nhân viên xuất sắc cần yêu công ty, yêu sản phẩm của công ty mình và yêu công việc mình làm. Yêu sản phẩm của công ty có nghĩa là đích thân sử dụng sản phẩm của công ty, bởi vì chỉ có như vậy bạn mới có thể biết được sản phẩm của công ty có tốt hay không, những mặt nào cần cải tiến.
Nhân viên của Microsoft đều rất yêu công ty của mình, họ yêu quý sản phẩm của chính mình và luôn lấy đó làm tự hào, không ngừng theo đuổi mục tiêu chất lượng cao và sự hoàn mỹ của sản phẩm. Họ luôn tràn đầy tình yêu đối với công việc, vì thế họ thường trở nên hân hoan, vui mừng đến “phát điên” mỗi khi nảy sinh một sáng kiến mới và càng hạnh phúc gấp bội mỗi khi sản phẩm của mình được nhân dân trên toàn thế giới đón nhận và hoan nghênh.
Không chỉ nhân viên của công ty Microsoft, vào thời đại tôn sùng chất lượng như hiện nay, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhân viên đều cần làm như vậy. Khi bạn yêu sản phẩm của chính mình, sản phẩm của bạn sẽ có thể đem tới cho mọi người nhiều điều tốt đẹp hơn; khi bạn yêu công việc của chính mình, công việc càng thể hiện giá trị cuộc sống của bạn; khi bạn yêu công ty của chính mình, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí ấm áp của gia đình và sẵn sàng dốc tâm dốc sức vì gia đình đó.
Yêu sản phẩm của bạn như yêu người yêu
Sở dĩ một nhân viên có thể trở thành nhân viên xuất sắc là vì người đó yêu sản phẩm của công ty giống như yêu người yêu của mình.
Giới kinh tế có một hiện tượng khiến người khác phải suy nghĩ, đó là sự hưng thịnh của các tập đoàn doanh nghiệp gia tộc: cho dù là công ty điện tử Panasonic của Nhật, tập đoàn siêu thị Wal Mart và tập đoàn xe General của Mỹ, hay tỷ phú người Hoa hàng đầu Lý Gia Thành… Những doanh nghiệp gia tộc này tại sao có thể sinh tồn và duy trì trong thời gian dài như vậy? Chính vì họ toàn tâm toàn sức, chủ động yêu sản phẩm, yêu công ty, đó chính là tinh thần “yêu sản phẩm như yêu người yêu của mình”.
Thế nào là tình yêu? Một tình yêu chân chính là yêu cả khuyết điểm lẫn ưu điểm của nhau.
Một doanh nghiệp, một sản phẩm cũng như một người tình, sao có thể không có khuyết điểm? Nhân viên yêu công ty sẽ thường nghĩ: Công ty của chúng ta, sản phẩm của chúng ta tốt như thế nào, đẹp như thế nào, thậm chí khi nhìn thấy khuyết điểm sẽ nghĩ, cần tìm ra cách để sửa chữa cho hoàn thiện hơn; cũng giống như với người yêu, quần áo của anh ấy không hợp mắt, mình sẽ mua cho anh ấy một chiếc mới; kiểu tóc của anh ấy chưa đẹp, mình sẽ giúp anh ấy sửa lại; anh ấy có thói quen hút thuốc, mình cần nghĩ cách giúp anh ta cai thuốc. Đó mới là một người yêu tốt.
Nếu như người đang yêu chỉ biết than trách: Anh ấy hút thuốc thật khó chịu, hình ảnh anh ấy chẳng bắt mắt tý nào, anh ấy kiếm tiền quá ít… Đây không gọi là tình yêu, những người như vậy sẽ rất dễ bỏ rơi người yêu, thậm chí vứt bỏ gia đình. Kết quả, người đó vĩnh viễn không bao giờ tìm được tình yêu đích thực của mình. Cũng giống như rất nhiều người khi bước vào một doanh nghiệp, hơi tý thì nói sản phẩm của công ty không được, chế độ quản lý không hợp lý, quảng cáo ít, đãi ngộ phúc lợi quá thấp, tương lai không thể phát triển, trình độ lãnh đạo còn kém, đồng nghiệp bên cạnh không hòa đồng… Thực ra, những việc tương tự như vậy có thể bắt gặp ở bất kỳ công ty nào, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những khiếm khuyết đó, chúng ta không bao giờ tình nguyện “yêu” công ty và đương nhiên cũng không bao giờ tìm thấy vị trí của chính mình trong công ty.
Yêu sản phẩm, hòa quyện tình cảm của chính mình vào sản phẩm, tất cả những nhân viên có thành tích tốt đều là những người nhiệt tình với công ty, với sản phẩm.
Yêu công ty, yêu sản phẩm mới có cơ hội thành công
Công việc đầu tiên của một nhân viên bán hàng thuộc Phòng kinh doanh là bán điều hòa, mặc dù chỉ là một công việc tiêu thụ sản phẩm bình thường nhưng người nhân viên đó lại rất mực yêu công ty, yêu sản phẩm điều hòa do công ty sản xuất, ngày nào anh cũng nhiệt tình, thật lòng giải thích với khách hàng về sản phẩm, tích cực giới thiệu sản phẩm, nhờ thế anh là người có thành tích tốt nhất trong số những nhân viên bán hàng của công ty. Sau này, do làm việc xuất sắc, dần dần anh được đề bạt làm tổ trưởng, giám đốc rồi quản lý cấp cao của doanh nghiệp, thu nhập của anh từ mấy trăm tệ của một nhân viên bán hàng lúc ban đầu đã tăng lên mấy chục lần. Có thể thấy, chỉ cần yêu công ty, yêu sản phẩm, bạn sẽ có cơ hội thành công.
Chỉ khi yêu sản phẩm của chính mình, khi bán hàng mới có thể nhiệt tình chào hàng. Cho dù là nhân viên bán hàng hay nhân viên sản xuất, nhân viên quản lý của công ty, đều nên mở rộng tầm nhìn, yêu sản phẩm của chính mình thì bạn mới có thể nhìn thấy tương lai từ chính sản phẩm trên tay.
Một lãnh đạo thành công nói: “Là một nhân viên bán hàng xuất sắc trước tiên phải yêu sản phẩm của chính mình, thật sự hiểu sản phẩm của chính mình. Trên cơ sở đó, trong quá trình giao tiếp với khách hàng mới có thể lắng nghe, hiểu được nhu cầu thật sự của khách hàng. Không có sự nhiệt tình, không thể yêu sản phẩm của chính mình; tương tự, không có nhiệt tình cũng không thể làm tốt công việc bán hàng”.
Thật ra, chất chứa nhiệt tình, mang một tinh thần “yêu công ty, yêu sản phẩm của công ty” không chỉ là yêu cầu đối với nhân viên bán hàng xuất sắc. Nhân viên marketing xuất sắc, người quản lý doanh nghiệp xuất sắc và cả nhân viên sản xuất, ai không cần nhiệt tình, ai làm việc mà không cần mang theo tinh thần “yêu công ty, yêu sản phẩm của công ty”?
Mỗi doanh nghiệp được kính trọng đều sở hữu một đội ngũ nhân viên vô cùng yêu mến sản phẩm và công ty. Khi nói về CEO của Lenovo Dương Nguyên Khánh và CEO của kỹ thuật số Thần Châu Quách Vi, Liễu Truyền Chí đã phát biểu đầy cảm khái: “Họ đâu chỉ yêu Lenovo, họ cống hiến cả tính mệnh cho Lenovo”.
Tất cả các doanh nghiệp, tất cả các ông chủ đều đang tìm kiếm những nhân viên “yêu công ty, yêu sản phẩm của công ty, tràn đầy nhiệt huyết với công việc”. Là một nhân viên xuất sắc, bạn nên tận dụng tất cả các cơ hội bày tỏ cảm hứng và tình yêu của mình đối với công ty và sản phẩm của công ty, cho dù trong thời gian làm việc hay khi đã tan sở, cho dù đối với nhân viên công ty hay với khách hàng, bạn bè. Khi bạn truyền đạt cho người khác hứng thú và tình yêu đối với công ty, người khác cũng sẽ cảm nhận được sự tự tin cũng như lòng tin của bạn đối với công ty. Khi cảm hứng, tình yêu của bạn đối với sản phẩm, với công ty xuất phát từ trái tim thì những gì thế giới đền đáp lại cho bạn sẽ là tình yêu và thành công.
3. YÊU VÀ CHUYÊN TÂM VÀO CÔNG VIỆC CỦA MÌNH
Bill Gates có một câu danh ngôn: “Mỗi sớm tỉnh dậy, hễ nghĩ tới công việc mình làm và công nghệ do mình nghiên cứu, sáng tạo có thể đem đến những ảnh hưởng và thay đổi to lớn cho cuộc sống loài người, tôi đều cảm thấy hưng phấn và xúc động vô cùng”.
Câu nói này của Bill Gates đã thể hiện rõ lòng nhiệt tình đối với công việc. Ông quen coi công việc là một niềm vui, một thú vui. Đối với ông, điều quan trọng nhất của một người thành công trong sự nghiệp là tình yêu đối với công việc. Yêu công việc mới có thể có cảm hứng đối với việc mình làm, mới có thể hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
Bill Gates là một người vô cùng yêu thích công việc của mình. Năm 1975, khi vừa bắt đầu thành lập công ty phần mềm, ông đã dốc hết tâm sức vào việc thiết kế phần mềm. Khi ấy ông quả là một người đam mê công việc này, ông yêu và ham mê công việc đến quên ăn quên ngủ. Mỗi khi ánh hoàng hôn buông xuống, ông bắt đầu vào phòng làm việc và ở đó miệt mài nghiên cứu tới sáng hôm sau.
Nhưng trong môi trường làm việc hiện nay, vẫn có biết bao người không yêu thích công việc của mình, họ thường có thái độ “làm một ngày nghỉ một ngày”, làm việc một cách đối phó, và kết quả là họ trở thành người thất bại nhất, không có thành tích gì nhất trong công ty.
Tiểu Vương là thợ hàn trong một xưởng chế tạo máy, ngay từ ngày đầu tiên vào xưởng, anh đã không ngừng than vãn, kêu ca: “Công việc này vừa mệt người vừa bẩn thỉu, người khác lại chẳng coi ra gì, tôi ghét công việc này, giá như có thể đổi một công việc khác thì tốt biết mấy”. Cứ như thế, cuộc sống của Tiểu Vương là chuỗi ngày than thở và bất mãn. Anh cho rằng bản thân mình làm công việc thấp hèn này chẳng khác gì xuống địa ngục. Thế nên, trong công việc, Tiểu Vương luôn qua quýt cho xong, có thể trốn việc liền trốn việc, có thể lười nhác liền lười nhác, đối phó với công việc một cách tùy tiện.
Chớp mắt, thời gian như thoi đưa, năm tháng qua đi, ba công nhân vào xưởng cùng đợt với Tiểu Vương giờ đây đều dựa vào tay nghề tinh xảo bậc cao của mình, hoặc được đề bạt lên vị trí cao hơn, hoặc được công xưởng gửi đi chuyên tu, chỉ duy nhất có Tiểu Vương vẫn chỉ là một thợ hàn không thôi than thân trách phận như xưa.
Một người không yêu thích công việc của mình chắc chắn không thể làm tốt công việc, đương nhiên chẳng có gì khó hiểu khi ông chủ không để mắt tới họ. Những người như vậy không bị đuổi việc đã may mắn lắm rồi, còn ông chủ nào muốn đề bạt họ nữa đây?
Mỗi nhân viên nên yêu công việc của chính mình, luôn tràn đầy nhiệt tình với công việc, chủ động trong công việc, không thể chỉ đối phó với công việc một cách thụ động, không thể “được đến đâu hay đến đó”. Tinh thần, hành động, chất lượng công việc được hoàn thành và hiệu suất công việc sẽ phản ánh thái độ, hứng thú làm việc của bạn. Nhất là khi công việc vấp phải khó khăn, trở ngại, một nhân viên yêu thích công việc của mình sẽ dốc sức phát huy tiềm năng của bản thân, triển khai công việc một cách sáng tạo, khắc phục khó khăn; ngược lại, một nhân viên không yêu thích công việc của mình, hằng ngày chỉ biết làm theo người khác, ai chỉ đâu làm đó, một khi gặp khó khăn lại càng giống một cái khuôn đúc không hơn không kém.
Dale Breckenrge Carnegie, người được gọi là nhà giáo tâm hồn vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói: “Trừ phi bạn yêu công việc mình làm, nếu không mãi mãi không thể thành công”. Dù bạn làm việc ở ngành nghề nào, yêu công việc là bước đầu tiên giúp bạn đi tới thành công.
Coi công việc là một sự nghiệp để cống hiến
Yêu công việc có nghĩa là không chỉ cần coi đó là một nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình mà cần coi đó là một sự nghiệp để cống hiến. Ở Microsoft, phẩm chất này của nhân viên được thể hiện rất rõ ràng và mãnh liệt. Ở Microsoft, công việc là một niềm vui trong cuộc sống, tiền đồ của nhân viên và của công ty luôn gắn liền với nhau.
Đề cập tới tình yêu với công việc, một nhân viên nghiên cứu của Microsoft từng khiến Lý Khai Phúc, người sáng lập Viện nghiên cứu Trung Quốc Microsoft (nay là Viện nghiên cứu châu Á Microsoft) có ấn tượng vô cùng sâu đậm. Cuối tuần, nhân viên nghiên cứu này lái xe ra khỏi nhà, nói là đi gặp “bạn gái”. Sau đó, một lần tình cờ, Lý Khai Phúc gặp anh trong văn phòng làm việc, bèn hỏi: “Bạn gái của anh đâu?”. Người nhân viên nghiên cứu chỉ vào chiếc máy tính trên bàn, mỉm cười và trả lời: “Chính là “cô ấy” đấy”. Yêu công việc đến như vậy, sao có thể không làm người khác cảm động?
Chỉ những người yêu công việc của mình nhất mới có thể nắm vững trong tay số phận và vận mệnh của mình. Chúng ta rất dễ phát hiện thấy, những người thành công dường như đều có một đặc điểm chung: Dù trí tuệ cao thấp khác nhau, dù công việc ngành nghề khác nhau nhưng họ đều vô cùng yêu thích, đam mê công việc của mình và có thể làm việc cần mẫn, hết mình trên cơ sở tình yêu ấy.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Nhiệm Tiểu Bình, Viện phó Học viện Ngoại giao Bắc Kinh được phân công làm nhân viên trực tổng đài điện thoại tại Đại sứ quán Anh tại Trung Quốc. Trong mắt nhiều người, công việc của một nhân viên trực tổng đài chẳng có gì đáng kể, nhưng Nhiệm Tiểu Bình lại rất mực yêu thích công việc này, bà đã tạo nên bảng thành tích xuất sắc, nổi bật trên cương vị một nhân viên bình thường.
Bà ghi nhớ, thậm chí thuộc làu tên tuổi, số điện thoại, phạm vi công việc cũng như tên người thân của tất cả cán bộ công nhân viên Đại sứ quán. Nhiều khi có những cuộc điện thoại gọi đến nhưng lại không biết phải tìm gặp ai, bà liền hỏi thăm vài câu để cố gắng giúp họ tìm đúng người cần gặp. Dần dần, cán bộ nhân viên sứ quán khi có việc phải rời văn phòng không báo với phiên dịch của họ mà lại gọi điện cho bà, nói sẽ có những ai gọi điện tới và cần bà chuyển lời với nội dung gì, nhiều việc công lẫn việc tư đều nhờ bà thông báo, thế là Nhiệm Tiểu Bình trở thành một thư ký phụ trách toàn bộ mảng tin nhắn của Đại sứ quán.
Một ngày, Đại sứ bỗng nhiên tới phòng điện thoại, mỉm cười hiền từ và hết lời khen ngợi bà, đây là sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử Đại sứ quán. Kết quả là không lâu sau, nhờ thành tích xuất sắc, bà được đặc cách cử sang Anh làm phiên dịch cho Phòng phóng viên của một tòa báo tại nước này.
Phóng viên hàng đầu của tòa báo này là một phụ nữ rất nổi tiếng trong nghề, đã từng được nhận huân chương kháng chiến và được phong huân tước, bản lĩnh lớn nhưng vô cùng nóng tính. Bà phóng viên đã đuổi không biết bao nhiêu phiên dịch trước đây. Ban đầu bà cũng không muốn nhận Nhiệm Tiểu Bình, nhưng sau khi xem hồ sơ mới miễn cưỡng “thử” xem sao. Một năm sau, bà thường xuyên khoe với người khác rằng: “Phiên dịch của tôi giỏi gấp chục lần phiên dịch của anh”. Chẳng bao lâu sau, với thành tích xuất sắc, Nhiệm Tiểu Bình lại một lần nữa được đặc cách cử sang Phòng liên lạc của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc. Bà lại hoàn thành xuất sắc công việc được giao, vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ Ngoại giao.
Một nhân viên yêu thích công việc của mình sẽ tích cực, chủ động phát huy tính năng động chủ quan khi làm việc, đồng thời còn hun đúc tinh thần cống hiến cho công ty.
Một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới bạn hiện nay và mai sau chính là sức mạnh của tình yêu và lòng đam mê. Chỉ khi nào bạn toàn tâm toàn ý dốc sức vào công việc mình yêu thích, khi ấy bạn mới có thể thật sự thành công.
Nếu bạn không yêu công việc mà mình lựa chọn, nhưng lại muốn hoàn thành thật xuất sắc, thì đây dường như là điều không thể.
Yêu công việc mà mình đang làm, tình yêu, lòng đam mê là người thầy tốt nhất của bản thân. Chỉ khi yêu sự nghiệp của mình, con người mới có thể sống và làm việc với bầu nhiệt huyết dâng trào.
Trên thế giới này, người thành công nhất và hạnh phúc nhất là những người toàn tâm toàn ý dốc sức vào công việc mình yêu thích, từ đó họ có cuộc sống của hoàn thiện.
Yêu công việc, nâng cao khả năng tập trung
Bill Gates nói: “Một nhân viên xuất sắc cần yêu công việc của mình, làm tốt công việc trên cương vị mình phụ trách, đồng thời khi cần làm việc gì thì đi sâu, chuyên tâm vào việc đó”.
Chuyên tâm vào công việc của mình là cách tốt nhất thể hiện tình yêu với công việc, người không chuyên tâm vào công việc thì không thể nói tới tình yêu với công việc, càng không thể nói đến thành công trong công việc.
Tương truyền, khi Ung Chính còn nhỏ, Hoàng đế Khang Hy dẫn đầu đàn con đi săn, các hoàng tử mặc sức thể hiện tài năng săn bắn của mình trong khuôn viên săn bắn của hoàng cung. Mọi người đều rất hào hứng, trở về với không ít thu hoạch trong tay. Trên đường quay về, Hoàng đế Khang Hy lần lượt hỏi các A-ca đã nhìn thấy gì khi đi săn. Hoàng tử lớn: Con nhìn thấy rất nhiều, nào thảo nguyên bao la, cây cối um tùm, cả trời xanh mênh mông cùng những làn mây trắng…
Hoàng tử thứ hai: Con nhìn thấy A-mã, các anh, các em cùng ngựa chiến…
Hoàng tử thứ ba: Con nhìn thấy tài năng săn bắn nhanh nhẹn, hoạt bát, tư thế oai phong hùng dũng của các anh, các em, con nhìn thấy tương lai của Đại Thanh chúng ta…
Hoàng tử thứ tư (Hoàng đế Ung Chính sau này): Con chỉ nhìn thấy con mồi!
Nghe xong câu trả lời của Ung Chính, vẻ mặt Hoàng đế Khang Hy đột nhiên trở nên vui hơn, cất tiếng cười lớn: “Haha… rất tốt, con có thể chuyên tâm vào hành động của mình, trong lòng không có vướng mắc gì”. Nói rồi, ông quất ngựa phi thật nhanh.
Dù làm bất cứ việc gì, làm thế nào để chuyên tâm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra mới là nhiệm vụ cấp bách. Bất kỳ vĩ nhân, anh hùng, nhà quân sự, nhà doanh nghiệp thành công nào, ngoài việc sở hữu trí tuệ thông minh và niềm đam mê cháy bỏng thì họ luôn chuyên tâm vào công việc. Chỉ có như thế mới có thể toàn tâm toàn sức tiếp cận mục tiêu thành công. Đương nhiên, không thể nói Hoàng đế Ung Chính trở thành vĩ nhân lịch sử chỉ nhờ vào việc nhỏ này, nhưng câu chuyện đã phản ánh phong cách, thái độ làm việc của một con người. Thái độ “chuyên tâm” trong hành động là điều kiện đầu tiên và mang tính quyết định mà bạn cần có khi muốn vươn tới thành công.
Thành công đến từ sự chuyên tâm. Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng nói, trên đời này, vũ khí đáng sợ nhất không phải là dao quý có thể cắt vàng, cắt ngọc, mà là lòng tin kiên định không rời của một con người. Nếu một nhóm người có cùng một niềm tin sắt đá, chuyên tâm vào việc đó thì họ có thể làm chủ tất cả, và cũng có thể hủy diệt tất cả!
Khi bạn tập trung tinh thần, chuyên tâm vào công việc của mình, bạn sẽ phát hiện bản thân có thu hoạch không nhỏ chút nào: Áp lực công việc sẽ giảm đi, làm việc không còn vội vàng, lo lắng không yên. Chuyên tâm vào công việc còn có thể khiến bạn thêm yêu quý, gắn bó với công ty, đam mê công việc hơn và tìm thấy nhiều niềm vui bất ngờ từ công việc.
Geilke là Tổng giám đốc kinh doanh đầu tiên của Simen tại thị trường Trung Quốc, ông có nhiều đóng góp to lớn trong việc đưa sản phẩm điện tử của công ty Simen Đức vào chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, bản thân ông cũng giành được nhiều vinh dự, đạt được thành công to lớn.
Từng có phóng viên hỏi ông: “Thưa ông, ông có thể bật mí một chút bí quyết thành công không?”.
Geilke đã trả lời: “Chẳng có gì đáng gọi là bí quyết cả, tôi bắt đầu làm việc tại Simen từ năm 1983, theo cách nói của người Trung Quốc thì tôi đã có 19 năm tuổi nghề. Trước sau như một, tôi luôn tâm niệm làm việc cần chuyên tâm, cần tìm thấy niềm vui, hứng thú từ trong công việc, cũng cần có quyết tâm thay đổi tình hình hiện tại, tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề và có hành động thực tế. Gần 20 năm qua tôi luôn kiên trì một lòng tin như vậy, tôi đã từng làm việc tại Phòng thị trường, Phòng sản xuất, Phòng kinh doanh sản phẩm của công ty Simen. Nếu nói đạt được một chút thành tích như ngày hôm nay thì đó là một trong những nguyên nhân”.
Những nhân viên thành công không chỉ hình thành thói quen chuyên tâm vào công việc mà còn coi chuyên tâm là sứ mệnh của bản thân.
Thời đại ngày nay, làm việc có chuyên tâm hay không đã trở thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất nghề nghiệp của một nhân viên. Một số doanh nghiệp đề xướng “yêu nghề, kính nghiệp”, “làm nghề gì, chuyên tâm nghề đó”, còn chúng ta có thể chuyên tâm, toàn tâm toàn sức vào công việc là biểu hiện thực tế và rõ ràng nhất chứng minh tinh thần “yêu nghề, kính nghiệp”. Nếu trong giờ làm việc, đầu óc vẫn nghĩ tới những chuyện chẳng liên quan đến công việc như trận bóng đá hôm qua, kết quả xổ số hôm nay, bộ phim tuần trước hay giá cổ phiếu tuần này, thì ngay cả yêu cầu “chuyên tâm cơ bản” cũng chẳng làm được, chẳng khác gì “người ở doanh trại Tào nhưng lòng luôn hướng về đất Hán”, sao có thể nói là “yêu nghề”, “kính nghiệp”, càng không thể nói là chuyên tâm trước sau như một.
Chỉ khi nào coi chuyên tâm vào công việc là sứ mệnh và nỗ lực, cố gắng thực hiện sứ mệnh đó, hình thành nên thói quen chuyên tâm vào công việc thì khi đó, công việc của bạn mới có thể đạt hiệu quả cao và bạn cũng dễ dàng tìm thấy niềm vui trong công việc, nhờ đó càng dễ dàng đạt được thành công.
4. TRÊN ĐỜI KHÔNG CÓ CHUYỆN “LÀM MỘT MẺ, KHỎE SUỐT ĐỜI”, CẦN KHÔNG NGỪNG CẬP NHẬT, LÀM MỚI BẢN THÂN
Bill Gates nói: “Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ và phát triển ứng dụng cập nhật nhanh chóng, việc nắm bắt công nghệ thuộc lĩnh vực này khó có thể “làm một mẻ, khỏe suốt đời””. Bill Gates cho rằng, một số người khi nắm vững được một loại kỹ thuật hay công nghệ nào đó, sản xuất, chế tạo ra một loại sản phẩm nào đó, liền cho rằng có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ, điều này vô cùng nguy hiểm. Trên đời không có chuyện “một lần vất vả, suốt đời nhàn nhã”. Công nghệ thông tin cũng là kết quả của sự phát triển khoa học kỹ thuật, bản thân nó cũng đang phát triển, thay đổi từng ngày, sáng tạo, đào thải, lại sáng tạo, lại đào thải đã trở thành vòng tuần hoàn vĩnh cửu.
Hiện nay, tốc độ truyền bá, phổ cập và cập nhật công nghệ thông tin diễn ra vô cùng nhanh chóng, phù hợp với quy luật thường được gọi là “sông Trường Giang, sóng sau xô sóng trước, sóng trước tan trên bờ”, bất kỳ công nghệ đi đầu nào cũng không thể duy trì một thời gian quá dài, không tồn tại kiểu công nghệ “ra đời rồi mãi giậm chân tại chỗ”, muốn tồn tại, đứng vững trước sóng gió khắc nghiệt của thị trường, điều duy nhất chắc chắn cần làm là không ngừng thăm dò và nghiên cứu động thái, nhu cầu của khách hàng, truyền bá, phổ cập giá trị quan của thương hiệu, kịp thời đưa ra sản phẩm có thể hình thành làn sóng mới trên thị trường mà vẫn hỗ trợ danh tiếng vốn có của thương hiệu, vừa tạo ra giá trị thỏa mãn khách hàng ở mức độ lớn nhất vừa thu được lợi nhuận.
Sản phẩm “ra đời rồi giậm chân tại chỗ”, kiến thức cũng như công nghệ, “ra đời mà không thay đổi” thì không thể tồn tại. Cũng giống như phầm mềm diệt vi rút cho máy tính, luôn phải cập nhật để có thể tấn công, phòng ngừa vi rút mới xuất hiện. Chính vì vi rút không ngừng sản sinh, không ngừng biến đổi nên phần mềm “ra đời mà không cần nâng cấp” là không thể có. Điều này tương tự như công nghệ chống trộm ngày càng cao cấp, không ổ khóa nào có thể mãi mãi ngăn ngừa được kẻ trộm.
Trước tình hình “không có bất cứ đồ vật gì có thể ra đời và tồn tại mãi mãi”, chỉ có cách không ngừng nâng cao công nghệ, không ngừng nâng cấp sản phẩm mới có thể tránh bị rơi vào thảm cảnh thất bại, bị đào thải.
Bill Gates từng cảnh báo nhân viên của mình như sau: “Chúng ta không thể hài lòng với sản phẩm hiện tại, chúng ta cần không ngừng tự nâng cấp, tự làm mới mình. Điều cần phải xác định rõ ràng là, sản phẩm của công ty phải do chính chúng ta thay đổi, chứ không phải bị người khác thay thế”.
Ví dụ, ban đầu Microsoft khởi nghiệp bằng phầm mềm MS-DOS, chiếm lĩnh 80-90% thị trường phầm mềm, sản phẩm này mang lại nguồn thu chính cho Microsoft, nhưng sau đó DOS bị thay thế không phải bởi đối thủ cạnh tranh, mà là “tự mình nâng cấp”. Mỗi lần có được thị trường, Microsoft liền không ngừng thách thức chính mình, tiếp đó sẽ đưa ra sản phẩm cập nhật mới.
Các doanh nghiệp có thể có được hai gợi ý từ việc Microsoft chiếm lĩnh, đi đầu thị trường: Một là, nếu doanh nghiệp không tự mình đưa ra sản phẩm nâng cấp thay thế sản phẩm cũ, doanh nghiệp khác sẽ thay bạn làm việc đó. Hai là, đối mặt với việc nâng cấp sản phẩm, ai có thể đi đầu trong việc thay đổi, người đó sẽ nắm bắt được cơ hội đầu tiên.
Một doanh nghiệp thành công là như vậy, suy ra, một nhân viên thành công cũng cần như vậy. Mỗi nhân viên không nên tự hài lòng với bản thân.
Đối với phần lớn các công ty, một dự án thành công có thể giúp họ không phải lo lắng trong vòng 10 năm, nhưng đối với Microsoft, thành công chỉ có thể nói lên rằng, công việc sắp tới sẽ tốt hơn. Microsoft tuyệt đối không để nhân viên dừng chân trên thành tích đã qua.
Tại Microsoft, thành tích và hiệu quả hôm nay không phải là tất cả, bất kỳ ai muốn giậm chân tại chỗ đều sẽ bị người khác vượt qua; trong môi trường làm việc như vậy, người người đều dốc tâm dốc sức, bất kỳ ai đều không được phép mượn lý do này hoặc nguyên nhân khác để nghỉ ngơi. Bill Gates nói: “Rồi sẽ có lúc sản phẩm bị lỗi thời, vì vậy tốt nhất là không ngừng nghiên cứu phiên bản mới. Giống như chơi trò chơi, nếu hiệp này bạn chơi tốt, bạn mới có thể tiếp tục vào chơi hiệp sau”.
Một nhân viên cần thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng hằng ngày, cần nhạy bén nắm bắt xu hướng mới, chủ động cập nhật kiến thức mới, không ngừng làm mới bản thân, nâng cao năng lực công tác của bản thân.
Học giả thành công Napoleon Hill nói: “Trên đời, thật không biết có bao nhiêu người không có bất kỳ thành tựu gì, nguyên nhân chính là vì họ quá dễ hài lòng. Yêu cầu bản thân tiến lên có nghĩa là tuyệt đối không được dừng chân tại vị trị hiện có. Không hài lòng với hiện tại có thể giúp bạn không ngừng đạt được những thành công mới”.
Không hài lòng với hiện tại, không tự thỏa mãn, đắc chí với thành công trước mắt, đó chính là chí tiến thủ. Chỉ khi không hài lòng mới có thể tiếp tục phấn đấu, chỉ khi không kiêu ngạo mới có thể nhìn rõ con đường phía trước. Làm được hai điều vừa rồi, bạn sẽ không khó để đạt được thành công trong cuộc sống.
Chỉ cần lưu ý một chút, bạn sẽ phát hiện thấy, mỗi cá nhân thành công đều không hài lòng với hiện tại, luôn có tinh thần dũng cảm, mạnh dạn tiến về phía trước, chí tiến thủ rất lớn. Có thể nói, họ không đắc chí, kiêu ngạo trước thành công đạt được như những người bình thường, phần lớn những người đó vẫn tiếp tục cố gắng và nỗ lực.
Chí tiến thủ là yếu tố không thể thiếu để bạn thực hiện được mục tiêu, chí tiến thủ sẽ thúc đẩy bạn tiến bộ, khiến bạn được chú ý và mang tới nhiều cơ hội thành công hơn. Người không có chí tiến thủ là người không có tiền đồ.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khoa học kỹ thuật khiến nhu cầu mới ra đời và thay đổi chỉ trong giây lát, làm thế nào để tồn tại trong môi trường phát triển mạnh mẽ như vũ bão này là câu hỏi quan trọng đặt ra cho mỗi nhân viên.
Xóa bỏ mơ tưởng “một lần vất vả, suốt đời nhàn nhã”, xây dựng tinh thần không ngừng tiến lên mới là việc làm cần thực hiện, là lựa chọn sáng suốt, lựa chọn duy nhất và lựa chọn cuối cùng. Không có miếng pho-mát nào ăn mãi không hết, không có tài sản nào tiêu mãi vẫn còn, chỉ có không ngừng học tập, không ngừng tiến lên, không ngừng làm mới bản thân mới có thể đứng vững, không bị khuỵu ngã trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.