Nghệ Thuật Giao Tiếp Ứng Xử

CHƯƠNG VII NGHỆ THUẬT NÓI CHUYỆN TRONG CƠ QUAN



1. BẠN BIẾT NÓI CHUYỆN VỚI CẤP TRÊN KHÔNG?

Trong công việc, quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới rất quan trọng. Nói chuyện là sợi dây quan trọng gắn kết giữa cấp trên với cấp dưới, vì vậy bạn cần phải tìm tòi, suy nghĩ về vấn đề này, đó là vấn đề liên quan đến tiền đồ, sự thăng tiến của bạn.

Một số người nói thao thao bất tuyệt trước mặt bạn bè, đồng nghiệp nhưng ấp a ấp úng khi đứng trước mặt cấp trên, có rất nhiều lời hay ý đẹp muốn nói nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhưng thường thì, về khách quan khoảng cách địa vị giữa cấp trên và cấp dưới đã tạo thành khoảng cách trong tình cảm. mọi người hay lo lắng cho “số phận”, “tiền đồ” của mình nằm trong tay sếp nên nếu nói những lời sai sót thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này. Một số người thì cho rằng, nói chuyện với sếp cần phải khác với mọi người nên đã tự gây áp lực tâm lý cho chính mình. Là sếp nên hiểu được những điều này và nên có thái độ bình thường, gần gũi với mọi người, chủ động tiếp xúc với cấp dưới, tìm cách xóa bỏ khoảng cách giữa trên và dưới, khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến cho mình, trong cuộc sống thì cần phải đồng cam cộng khổ với mọi người. Những người lãnh đạo như vậy thì cấp dưới nào cũng muốn nói chuyện và còn xóa được khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới. Vậy thì, trong các tình huống nên nói chuyện với cấp trên như thế nào?

Thái độ đúng mực, không kiêu ngạo cũng không tự ti

Thể hiện sự tôn trọng đối với cấp trên, cần phải thừa nhận cấp trên luôn có những điểm mạnh hơn mình, giỏi giang hơn mọi người, có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên cần phải nói cho lịch sự và khiêm tốn. Nhưng không nên tỏ thái độ “hạ thấp” bản thân mình. Phần lớn những người lãnh đạo giỏi đều coi thường những người cấp dưới hay nịnh bợ, phụ họa. Bạn giữ được nhân cách của mình và nói năng với thái độ đúng mực sẽ được cấp trên yêu quý, tôn trọng. Trong trường hợp cần thiết không nên sợ hãi bày tỏ những quan điểm khác nhau của mình, chỉ cần lý do xuất phát từ công việc, nói sự thực, có tình có lý thì sếp nào cũng hài lòng.

Tìm hiểu cá tính của cấp trên

Cấp trên là người lãnh đạo nhưng trước hết họ cũng là con người, là một con người thì họ cũng có tính cách, sở thích, thói quen ăn nói của mình, như có một số người có tính cách thoải mái, dứt khoát, có một số người thích im lặng, việc gì cũng suy nghĩ kỹ càng… Bạn cần phải thích ứng với những tính cách của họ. Không nên cho rằng đó là hành động “đón ý cho vừa lòng” đối phương, thực ra đó chính là một nghệ thuật ứng dụng vào cuộc sống của tâm lý học.

Hãy viết giấy gửi cho cấp trên

Là cấp trên thì từ sáng đến tối có rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Do đó, bạn cần phải xem xét vấn đề của mình có quan trọng hay không, nếu là chuyện vụn vặt cá nhân của bạn thì không nên quấy rầy trong lúc họ đang vùi đầu vào công việc. Nếu bạn không biết lúc nào cấp trên rỗi thì hãy viết giấy gửi họ, về những vấn đề mình cần giải quyết và đề nghị họ nói chuyện với mình, bạn có thể đề nghị thời gian, địa điểm nói chuyện, như vậy đối phương mới biết và chủ động sắp xếp thời gian.

Hãy chuẩn bị một vài phương án

Khi nói chuyện cần hiểu rõ về chủ đề của mình, báo cáo với cấp trên rõ ràng, chuẩn xác, nếu cần xin ý kiến thì hãy nêu ra một vài phương án, nói rõ lợi ích, thiệt hại của từng phương án, để cấp trên quyết định. cấp trên đồng ý cách nào thì bạn hãy viết ra giấy trắng mực đen rõ ràng để trình lên phê duyệt tránh sự tranh cãi sau này.

Báo cáo đúng sự thật

Phản ánh lại tình hình cần phải trung thực, báo cáo đúng sự thực. Điều này rất quan trọng, không chỉ để lãnh đạo có những quyết định đúng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lãnh đạo. Chưa nắm được điều gì thì không nên nói, chưa làm được việc gì thì đừng nói nó trọn vẹn, như vậy sẽ giành được thiện cảm của cấp trên.

2. HÃY ĐỂ CẤP TRÊN TÁN THƯỞNG BẠN

Cấp trên có biết bạn làm việc gì hay không? Có đánh giá bạn cao không? Mọi người đều cho rằng chỉ cần mình thể hiện tốt, làm việc tốt thì sớm hay muộn cũng đến tai sếp. Đáng tiếc là tình hình không như vậy, có thể bạn làm việc rất xuất sắc nhưng cấp trên lại không biết đến điều đó.

Do đó, chúng ta không chỉ cần làm tốt mà cũng cần phải nói tốt, như vậy mới được cấp trên tán thưởng. Vậy thì làm thế nào để cấp trên biết được điều đó?

Hãy giành thành tích, vinh quang cho cấp trên

Đây là cách tốt nhất để ứng phó với cấp trên: Hãy chỉ ra những ưu điểm của cấp trên ở chỗ đông người, hãy để cho cấp trên biết rằng, thành tích này cũng có công của sếp. Khi họp hành bạn không nên khoe tài liệu mới đến mà hãy báo cáo với sếp trước để sếp tự làm điều đó, không nên nói hết về kế hoạch phát triển, hãy giành cho sếp nói. Tóm lại, luôn luôn phải cho sếp thấy rằng sếp là người quan trọng, được tôn trọng.

Hãy truyền đạt tình hình nhân viên với cấp trên

Đa số cấp trên đều muốn tìm hiểu các vấn đề của cấp dưới, như mẹ ai ốm nằm viện, hôm qua là sinh nhật của ai. Khi cấp trên hiểu được tình hình của cấp dưới thì sẽ bày tỏ sự quan tâm để tăng cường sự gần gũi với cấp dưới. Cần nhớ là những điều mà cấp trên cần tìm hiểu không phải là xích mích của bạn với người khác, cũng không phải là bí mật của ai đó, lại càng không phải là cấp trên yêu cầu bạn thậm thụt điều gì. Khi nói chuyện với cấp trên về đồng nghiệp, bạn chỉ nên nói những ưu điểm của đồng nghiệp thì mới tạo dựng được mối quan hệ tốt giữa bạn và đồng nghiệp, đồng thời để cấp trên thấy rằng bạn là người thẳng thắn.

Không nên nghe ngóng bí mật riêng tư của cấp trên

Cấp trên thường ngồi lại một mình ở văn phòng khi nhân viên đã về hết, cấp trên cũng là con người, cũng cảm thấy áp lực trong công việc, cũng có những điều khó xử trong cuộc sống gia đình… Nhiều khi cấp trên có những biểu hiện mềm yếu, mong muốn được người khác an ủi. Nhưng nếu bạn luôn dò hỏi những bí mật của cấp trên và tìm cách này cách nọ để biết thì chỉ là nịnh bợ, xun xoe thì thật sai lầm. Lúc cấp trên yếu đuối nhất họ chỉ tìm kiếm sự quan tâm đúng mức, dù chỉ là một tách trà nóng cũng làm cho họ cảm thấy bạn là người đáng tin cậy, tình cảm và biết chia sẻ. Bạn có thể kể cho cấp trên nghe một câu chuyện cười để làm cho cấp trên bớt buồn bực. Họ sẽ cảm ơn bạn nhiều lắm. Hãy nhớ là quý trọng cấp trên thực sự xuất phát từ tình cảm chứ không để lợi dụng.

Làm nhiều, nói ít

Dù nhiều sếp không phản đối việc cấp dưới lấy lòng, nịnh hót nhưng họ thích những người có tác phong làm việc chân thực, đúng đắn. Nếu bạn làm việc đâu ra đấy và nói những câu thích hợp, đúng mức thì tốt hơn những người làm ít nói nhiều. Cấp trên sẽ mong được gần gũi với những người cấp dưới như bạn.

Khi tiếp xúc với cấp trên, bạn cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào mắt cấp trên, không nên né tránh, thẳng thắn trao đổi cách suy nghĩ của mình với cấp trên, không gi-ấu giếm, không khoa trương, không bàn luận về bí mật của cấp trên và cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một cấp dưới tài giỏi. Làm được như vậy thì lo gì cấp trên không tán thưởng bạn?

3. HIỆU QUẢ KỲ DIỆU CỦA Ý KIẾN VÀ KIẾN NGHỊ

Nhiều người không biết nên làm thế nào với những yêu cầu không hợp lý của cấp trên. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn một số cách làm sau.

Hãy đứng trên lập trường của cấp trên

Anh Lý là trợ lý Tổng giám đốc của một Công ty chuyên về Internet. Sếp của anh học kỹ thuật nên rất thạo quản lý mạng nhưng với chức vụ như vậy nên hay chú ý đến mảng kỹ thuật làm hệ thống quản lý cấp dưới rối tung mà không ai dám nói, chỉ thì thầm tranh cãi. Do đó, việc phối hợp giữa anh và các bộ phận khác rất khó khăn.

Qua nhiều lần suy nghĩ, anh quyết định kiến nghị với sếp. Anh đã nói với sếp là ý nghĩa thực sự của lãnh đạo là lãnh đạo về kỹ thuật và quản lý, ai cũng biết sếp rất giỏi kỹ thuật nhưng cần phải nhấn mạnh quản lý hơn nữa. Nghe anh nói vậy sếp gật đầu liên tục và trầm tư suy nghĩ.

Anh đã nói rất khéo gộp cả lập trường của sếp làm sếp phải thay đổi lập trường. Sau đó, quả nhiên sếp chú ý đến phần quản lý nhân sự, kinh doanh và tài vụ nhiều hơn, đã kiềm chế được một số nhân tố bất ổn ở trong công ty, công ty làm ăn phát đạt và anh Lý cũng có nhiều uy tín hơn.

Qua đó, chúng ta có thể thấy đứng trên lập trường của cấp trên đúng là một thượng sách để nêu ý kiến với sếp. Trước hết không bác bỏ thẳng thừng lập trường của cấp trên mà suy nghĩ vấn đề đứng ở lập trường của cấp trên và đích cuối cùng nhằm bảo vệ uy quyền của sếp, điểm xuất phát là rất thiện ý. Thứ hai, biện pháp này là cách xử lý tế nhị, không làm tổn thương tính tự trọng của sếp, dễ được sếp chấp nhận, đạt được hiệu quả cao. Muốn áp dụng được biện pháp này, bạn cần có khả năng tổng hợp và kiến thức xã hội, không phải ai cũng gộp được lập trường của sếp với các vấn đề khác nhau. Khi bạn đứng trên lập trường của sếp thì bạn cũng có cơ hội tăng cường khả năng lãnh đạo của mình.

Hãy chuyển ý kiến thành kiến nghị

Chọn đúng thời gian thích hợp để kiến nghị với cấp trên, đáng chú ý là điều đó không chỉ bao gồm ý kiến bạn nêu mà phải kèm theo phương án giải quyết.

Trước hết, khi nêu kiến nghị với cấp trên cần phải chọn đúng thời cơ, chú ý đến tâm tư, tình cảm của sếp. Bạn phải nhớ sếp cũng là một người bình thường, khi họ đang bừa bộn với công việc, tâm tư buồn bực thì dù kiến nghị của bạn có hay thế nào, mang tính xây dựng cao thế nào thì họ cũng không nghe.

Thứ hai, khi nói chuyện với sếp, bạn cần phải chú ý đến phản ứng của họ, qua ngôn ngữ, cử chỉ và cách biểu lộ tình cảm nhanh chóng phán đoán xem sếp có đồng ý với quan điểm của mình hay không. Khi nói chuyện để lời nói của bạn có sức thuyết phục hơn thì nên nêu những ví dụ đúng.

Cuối cùng, bạn cần phải chú ý đến thái độ của cấp trên, hãy tôn trọng cấp trên và thể hiện được ý kiến của mình. Có thể cấp trên không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn nhưng họ cũng vui lòng lắng nghe ý kiến của bạn vì tấm lòng thẳng thắn và chân thành của bạn, cái họ chấp nhận chính là cá tính con người của bạn.

Giới hạn thời gian nói chuyện trong 1 phút

Nếu bạn cần nêu ý kiến với cấp trên thì bạn cho rằng thời gian bao nhiêu lâu là phù hợp? Đa số những người lãnh đạo rất khó chấp nhận những ý kiến dài dằng dặc. Tranh thủ nói hết những gì bạn muốn nói trong 1 phút, như vậy cấp trên cũng cảm thấy hài lòng và ý kiến của bạn cũng dễ được chấp nhận hơn. nếu họ không đồng ý với ý kiến của bạn thì cũng không tỏ ra bực bội với bạn vì bạn không làm lãng phí nhiều thời gian của họ.

Tin chắc phủ nhận cũng là ý kiến

Nếu bạn nêu ý kiến với cấp trên mà được họ đồng ý ngay thì còn gì tốt bằng. Nhưng đa số các trường hợp sếp thường là người rất “ngoan cố”, không dễ dàng thuyết phục như vậy. Bạn nêu ý kiến, còn chấp nhận ý kiến của bạn hay không thì họ cần phải suy nghĩ cẩn thận.

Nhiều người nản lòng thoái chí vì không được sếp đồng ý ngay với ý kiến mình nêu hoặc bị sếp phản bác “không phù hợp”, “không tán thành”… Thực ra, bạn vội vứt bỏ quan điểm của mình chỉ vì một hai lần không được sếp chấp nhận thì thật là ấu trĩ. Bạn đã quyết định nếu ý kiến với cấp trên thì cũng cần biết rằng phủ nhận cũng là ý kiến, cần phải dũng cảm và chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận lời phủ nhận của đối phương. Bên cạnh đó bạn cũng cần suy nghĩ như thế nào về nội dung và cách nêu ý kiến.

Trước hết, bạn là người nêu ý kiến thì cần phải nêu thật hoàn chỉnh, rõ ràng. Bạn cần phải có nhiều tài liệu để chứng minh cho ý kiến của mình. Nếu không, cấp trên hỏi lại mà không thể trả lời trôi chảy thì lúc đó cấp trên nêu ý kiến với bạn chứ không phải bạn là người nêu ý kiến.

Thứ hai, nội dung ý kiến phải đầy đủ, cần chú ý đến cách nêu ý kiến. Nêu ý kiến với cấp trên là một việc làm tốt, nhưng nếu quá “nhiệt tình” thì bạn sẽ tự chuốc họa vào thân, khi ấy liệu cấp trên có chấp nhận ý kiến của bạn hay không? Do vậy, khi nêu ý kiến với cấp trên đừng bao giờ cho mình là trên hết mà cần phải chú ý đến cấp trên.

“Những người muốn trèo cao thì nên đi trên bậc thang của sự khiêm tốn”. Đó là câu nói của Sêchpia, nhà đại văn hào vĩ đại. Câu nói này cũng rất thích hợp với những người muốn được sếp chấp nhận ý kiến của mình.

4. NHỮNG LỜI NÓI GÂY TRỞ NGẠI CHO VIỆC THĂNG TIẾN

Những người luyện võ đều biết rằng, dù bạn là cao thủ giỏi nhất thì cũng vẫn có những điểm yếu. Nếu bị mọi người phát hiện ra điểm yếu này thì tính mạng của mình sẽ gặp nguy hiểm. Với bạn cũng vậy, bạn cũng có những điểm yếu của mình, nếu để lộ thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Quá tự ti

Nếu bạn tin rằng mổ xẻ mình ở văn phòng là một cách làm đúng đắn, để cấp trên có ấn tượng hoàn thiện hơn về bạn thì thật sai lầm. Đó là do bạn quá tự tin, tự cảm thấy mình quá tuyệt vời. nếu gặp phải cấp trên ghét những lỗi lầm của bạn thì bạn sẽ bị từ chối thẳng thừng, thậm chí còn bị thôi việc.

Khoa trương tài năng của mình

Một số phụ nữ do thiếu tự tin nên luôn khoa trương bản thân để mở rộng ảnh hưởng trong đồng nghiệp, hoặc thổi phồng tài năng của mình để lôi cuốn sự chú ý của cấp trên. Những người phụ nữ biết chứng minh giá trị của bản thân thật đáng kính trọng, nhưng nếu bạn nói về mình không đúng thì sẽ không để lại ấn tượng tốt với mọi người. Trong quá trình tiếp xúc với bạn, người khác sẽ quên đi ưu điểm của bạn do bạn tự khoa trương, khoác lác. Hơn nữa, làm như vậy càng làm lộ thêm nhược điểm của bạn, người khác sẽ cho rằng bạn nói khoác để lấy can đảm, đó là một biểu hiện không tự tin. Như vậy thì nhận xét tốt của cấp trên về bạn sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Kết cục của “trò chơi khóc lóc”

Có người cho rằng “Tín nghĩa và danh dự của một nhân viên ở văn phòng có đến 50% là sự thể hiện của họ trước mặt người khác”.

Điều này cho thấy thể hiện của bạn trước mặt người khác cũng quan trọng như khả năng làm việc thực sự của bạn. Bất cứ biểu hiện nào như đỏ mặt, khóc lóc, quần áo luộm thuộm đều ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn ở văn phòng.

Các chuyên gia đã nói: Bạn khóc ở văn phòng chắc chắn bạn sẽ thất bại, nếu bạn nước mắt lưng tròng trước mặt sếp thì điều đó chứng minh bạn không có khả năng ứng biến với áp lực của công việc và khả năng giải quyết công việc kém.

Cấp trên không phải là bố mẹ bạn, cũng không phải là bác sỹ tâm lý nên nếu bạn có những biểu hiện thất thường thì nên thở sâu hai ba lần, nói xin lỗi thì sẽ trở về được trạng thái tinh thần bình thường.

Không biết giữ miệng

Trong bầu không khí làm việc dễ chịu, cấp trên luôn mong cấp dưới đưa ra những biện pháp giải quyết hợp lý. Nếu trong cuộc họp bạn luôn nêu ý kiến phản đối thì đã hắt gáo nước lạnh vào lòng nhiệt tình của mọi người, như vậy cấp trên dù có dễ tính đến đâu cũng không chấp nhận hành vi của bạn. Do đó, nếu bạn là người hay phản đối thì trong các trường hợp ấy cần giữ bình tĩnh, nếu bạn chưa có đầy đủ lý do thì dừng nói. Bạn cần biết rằng lúc ấy điểm yếu của bạn đang bị lộ ra, bạn đang trong tình thế nguy hiểm.

5. LUÔN PHẢI GIỮ MỒM GIỮ MIỆNG

“Người thông minh nghe rồi mới nói, còn kẻ ngốc nói rồi mới nghĩ”.

Đôi khi, bạn nói sai điều gì đó trước mặt sếp tuy không bị mất mặt nhưng hậu quả thật tồi tệ.

Tục ngữ có câu “Làm bạn với người quân tử như làm bạn với hổ”. Dù sao thì cấp trên cũng khác với những người đồng nghiệp khác. Huống hồ, quan hệ đồng nghiệp cần phải chừng mực, nói chuyện không được quá bừa bãi. Do đó, khi tiếp xúc với cấp trên càng cần phải chú ý nhiều hơn, cẩn thận hơn khi nói chuyện, báo cáo công việc. Đặc biệt cần phải chú ý hơn khi cấp trên không vui như:

Không được sao? Thôi không sao”

Bạn nói với cấp trên như vậy là không tôn trọng cấp trên. Đó chính là bạn không biết nói chuyện, đã nói những lời không nên nói.

“Không sao, tất cả đều được”

Bạn trả lời câu hỏi của cấp trên như vậy sẽ làm cho cấp trên cảm thấy bạn là người có tình cảm lạnh nhạt, không biết lễ nghi, họ sẽ coi thường bạn.

Bạn khách sáo quá mức sẽ dẫn đến hiểu nhầm

Nói chuyện với cấp trên cần cẩn thận, nhưng lo lắng quá sẽ có hậu quả xấu, dễ bị hiểu nhầm. Do đó, cần phải giữ thái độ bình tĩnh, lâu dần bạn sẽ quen và sau này bạn sẽ không phải lo sợ khi nói chuyện với cấp trên. Cần phải chú ý khắc phục tính nhút nhát, vì càng cẩn thận lại càng dễ mắc sai lầm, càng dễ bị sếp coi thường, không trọng dụng.

“Anh không hiểu gì cả!”

Nói như vậy với bạn bè thân quen còn làm tổn thương người ta, huống hồ là nói với sếp thì hậu quả càng tồi tệ hơn.

“Có công rồi”

Câu này là của cấp trên nói với cấp dưới để an ủi cấp dưới chứ không phải là câu của cấp dưới nói với cấp trên, như vậy hậu quả sẽ không hay.

Bạn không cẩn thận nói nhỡ lời thì phải làm thế nào?

Bạn nói nhỡ lời trước mặt cấp trên thì nên lập tức xin lỗi. Không nên tránh né vì sợ hãi, bạn hãy nhìn thẳng vào sự thật, cố không được làm tổn thương nhân cách và sĩ diện của đối phương. Khi cần thiết thì hãy giải thích, không cần phải biện hộ vì càng nói nhiều càng hỏng việc.

Bạn vô tình nói “Hơi muộn rồi”

Ý của câu này là chê cấp trên chậm chạp, sắp xảy ra việc xấu. cấp trên nghe được câu này nhất định sẽ hiểu là câu trách móc “tại sao không sớm hơn?”. Bạn thấy câu này có thể nói được không?

“Việc này làm khó lắm”

Cấp trên giao việc cho bạn mà bạn lại nói như vậy thì đã đẩy sếp vào con đường cụt. Nói như vậy là nói rõ mình đùn đẩy trách nhiệm và mặt khác cũng làm cho cấp trên mất hết sĩ diện.

“Ngài làm tôi cảm động quá”

Nói như vậy không được. “Cảm động” là để cấp trên nói với cấp dưới mới phải. Như “Tôi rất cảm động vì các bạn làm việc chăm chỉ, không sợ vất vả”. Nếu bạn muốn tỏ ý tôn trọng cấp trên thì nên nói “khâm phục” mới đúng, ví dụ như: “Tôi rất khâm phục tính quyết đoán của giám đốc”, như vậy mới thích hợp.

6. THẲNG THẮN CHẤP NHẬN SỰ PHÊ BÌNH CỦA CẤP TRÊN

Trong công việc khó tránh khỏi những lúc cấp trên phê bình và chỉ trích bạn, quan trọng nhất là bạn phải nhìn nhận đúng đắn, chân thật những lời phê bình và chỉ trích ấy.

Chấp nhận phê bình là cách làm gương tốt nhất. Dù cấp trên phê bình xuất phát từ động cơ nào thì bạn cũng không cần để ý đến việc họ nói trong trường hợp nào, càng không cần suy tính cách nói và lời nói của họ, chỉ cần họ bằng lòng phê bình chúng ta thì chúng ta cần phải xem đó là sự giúp đỡ và hướng dẫn đáng quý, hãy vui vẻ chấp nhận những điều đó và chuyển hóa thành hành vi học hỏi, đó chính là nguyên tắc cơ bản nhất để hoàn thiện mình.

Nhìn nhận đúng những lời phê bình và chỉ trích

Một số người cảm thấy sợ hãi, ấm ức, oán trách, tức giận, đau khổ… khi bị cấp trên phê bình, chỉ trích. Đó là vì họ không hiểu những lời phê bình và chỉ trích ấy có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với mình. Khi họ thực sự hiểu được rằng qua đó mình sẽ trưởng thành rất nhiều thì sẽ bình tĩnh, thẳng thắn chấp nhận.

Tất nhiên, bạn cần phải rèn luyện khả năng chấp nhận những lời phê bình, trách mắng của cấp trên. không nên nhạy cảm quá, nếu không sẽ mất tự nhiên, buồn bã với mỗi lời phê bình nho nhỏ, như vậy thì bạn không thể tiến bộ được. Nhưng bạn cũng không nên chai lỳ quá, tránh những câu nói và cử chỉ làm mất lòng cấp trên, nếu không càng làm cho cấp trên tức giận và bản thân mình cũng không tiến bộ được. Tóm lại, chúng ta cần thực hiện mục đích của mình bằng chính những lời phê bình của cấp trên.

Tránh nêu những ý kiến phê bình trực tiếp

Cấp trên để lộ sai lầm là muốn được đóng góp ý kiến, cũng là để đánh giá cấp dưới có trách nhiệm, tận tình, xứng đáng hay không.

Bạn cần phải chú ý khi nêu ý kiến phê bình cấp trên thì nhất định phải ghi nhớ đến thân phận và chức vụ của họ, hãy chọn biện pháp và cách làm thích hợp nhất để chỉ ra sai lầm của họ và để họ thay đổi mà không được làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ cho dù là vô tình.

Không nên có tư tưởng phân chia đồng đều quyền lực và lợi ích:

Quyền lực trong tay cấp trên được quyết định bởi địa vị của họ. Đó là tượng trưng của địa vị và danh dự và cũng là quyền lợi của họ. những gì họ được hưởng trong công việc, cuộc sống và các điều kiện thuận lợi khác cũng được hình thành theo chức vụ và công việc, đó là những thứ đi kèm theo của quyền lực. Với quyền lực trong tay mình ai cũng xem trọng việc tự bảo vệ mình, luôn sợ người khác cướp mất quyền lực. Thái độ cẩn thận này được hình thành do tâm lý nhận thức đặc biệt của họ, họ cho rằng cấp dưới của họ ai ai cũng có ý đồ tranh đoạt “ngôi báu” của họ. Vì vậy, là cấp dưới, bạn nên nói rõ với cấp trên về lập trường, quan điểm của mình để xóa bỏ hiềm nghi của cấp trên và để cấp trên có cùng ý kiến với mình.

7. XÁC ĐỊNH RÕ LẬP TRƯỜNG

Bạn nhượng bộ với cấp trên vì lợi ích bản thân là điều cần thiết, bạn cần phải thành thật chấp nhận những lời phê bình của cấp trên. Tuy nhiên, bạn cũng không thể không phân rõ trắng đen mù quáng chấp nhận tất cả, khi cần thiết bạn có thể biện hộ cho mình, đừng nhẫn nhịn thái quá.

Khó khăn nhất của việc giải thích là hai người đều hành động theo tình cảm, đầu óc không giữ được bình tĩnh. Vì vậy, nếu quá lo lắng, tự trách móc mình thì chỉ làm cho tình hình khó xử thêm. Càng vào những giờ phút quan trọng, gai góc nhất thì càng phải giải thích tích cực, xác định rõ trách nhiệm. Muốn làm được điều này cần chú ý bốn vấn đề sau:

Không được sợ hãi

Không nên sợ hãi cấp trên khó tính vì càng sợ thì bạn càng mềm yếu.

Hãy nắm lấy cơ hội

Tìm một cơ hội phù hợp để giải thích là việc rất quan trọng.

Xem xét lại những việc mình đã làm

Mình làm càng đơn giản, rõ ràng càng tốt. Không nên tự giận mình rồi khóc lóc, như vậy không ra thể thống gì. Càng nói mình vô dụng thì càng làm cho cấp trên không hài lòng về mình. Tốt nhất là phải giữ chừng mực, hãy nói rõ bạn đã nhận thức được đầy đủ qua những lỗi lầm đó.

Giải thích càng sớm càng tốt

Giải thích càng sớm thì càng dễ dàng tìm được những biện pháp. Nếu bạn chần chừ giải thích vì sợ sếp mắng thì càng làm nhỡ mất việc và càng làm cấp trên giận hơn.

Tất nhiên, bạn giải thích đúng mức với những lời trách mắng của cấp trên thì không có gì sai trái. Nhưng giải thích cũng phải có nghệ thuật, không nên chống đối một cách cứng nhắc. Điều mà bạn phải làm là không nên mạo phạm đến cấp trên nhưng vẫn đạt được mục đích. Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn một vài cách giải thích sau:

Khi giải thích đừng quên đứng trên lập trường của đối phương

Cấp trên trách mắng cấp dưới, tất nhiên đó là cách nói xuất phát từ quan niệm của chúng ta. Nếu cấp dưới không hiểu được điều này, cho rằng mình bị oan, cố gắng biện hộ, giải thích cho mình trên lập trường của mình thì càng làm sếp tức giận thêm. Bạn hãy nhìn xa trông rộng hơn, giải thích sự việc đứng trên lập trường của đối phương thì mới được dễ dàng chấp nhận.

Khi giải thích trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên nói câu “Cho dù ngài đã nói như vậy…”:

Ai cũng có bản năng bảo vệ bản thân, làm việc gì sai hoặc là tranh cãi với người khác đều cố nói rõ những nguyên nhân, hoàn cảnh gây ra… Nhưng cấp trên cho rằng những người như vậy là những người ương bướng, ngoan cố, khó thay đổi, họ chỉ biết tìm lý do để giải thích cho mình.

Khi xin lỗi không nên thêm câu “Nhưng…”

Bạn nói xin lỗi như vậy thì người nghe sẽ cảm thấy bạn già mồm át lẽ phải, rất vô lối. Khi nói xin lỗi thì chỉ cần nói “Tôi xin lỗi”, chứ không nên thêm câu “nhưng…” Nếu đứng trước một người cấp trên tính tình thẳng thắn thì sẽ hóa giải được khoảng cách nhằm giải quyết vấn đề. Tất nhiên, cần phải có dũng khí nói rõ cho cấp trên hiểu được lập trường của mình.

8. GIỎI LÀM QUEN VỚI NHỮNG KIỂU CẤP TRÊN

Cấp trên có tính tình nóng nảy, hấp tấp

Một số người khi sinh ra đã có bản tính nóng nảy, hấp tấp, rất khó kiềm chế được tình cảm. Những người cấp trên này thường nóng nảy vì những chuyện nhỏ nhoi, thậm chí họ còn mắng mỏ cấp dưới, làm cho cấp dưới không chịu đựng nổi.

Theo suy đoán của các nhà tâm lý học, cấp trên thường làm cho cấp dưới sợ là do ham muốn quyền lực quá mức, bạn không thể đưa họ đến chỗ bác sỹ tâm lý, vì vậy bạn phải tự bảo vệ mình. Khi cấp trên nổi trận lôi đình thì không nên đùn đẩy trách nhiệm, cũng không tìm cách giải thích mà hãy bình tĩnh nói “Tôi sẽ chú ý nhiều hơn” hoặc là “hãy để tôi đi kiểm tra ngay” và rời xa phòng làm việc. Mục tiêu đã biến mất trước mắt nên cấp trên cũng không còn đối tượng để gào thét.

Sếp có tính tập quyền

Cấp trên mang chủ nghĩa tập quyền ngoài việc “bới lông tìm vết” công việc của cấp dưới thì điều làm cho mọi người ghét nhất chính là họ giống như những bạo chúa, ngay cả việc cá nhân của bạn họ cũng can thiệp. Nào là không cho phép bạn quan hệ với đồng nghiệp của bộ phận khác, không cho bạn đi học thêm tiếng Anh sau giờ làm việc, không cho bạn chơi bời với đồng nghiệp ngoài giờ làm việc… Nếu thân cô thế mỏng thì cách làm thông minh nhất là hãy hợp tác với những đồng nghiệp khác, lặng lẽ làm cuộc cách mạng. Khi được đồng nghiệp hẹn ăn trưa thì bạn nên nhận lời họ, mọi người hãy nói chuyện công, chuyện tư thật thoải mái. Hết giờ làm việc bạn cũng có thể đi đến những trung tâm giải trí, đó cũng là một lựa chọn tốt. Hơn nữa, có đi thì phải có lại, lần sau bạn nên chủ động mời họ. Cấp trên biết được tra hỏi bạn thì bạn hãy thẳng thắn nói rằng “Chúng tôi cùng nhau đi ăn cơm đơn thuần chỉ là xã giao bình thường”.

Nâng cao thực lực của bản thân là vũ khí lợi hại nhất của bạn, vì vậy bạn không nên bỏ các khóa học bồi dưỡng thêm, cấp trên cũng không có quyền phản đối việc học của bạn; hãy kiên trì, cho dù cấp trên ép bạn làm thêm giờ để ngăn cản bạn thì cũng không nên sợ hãi. bạn chống lại là để giành lấy tự do và chủ động chứ không phải chống đối với sếp trong công việc, và để tránh hậu họa về sau cũng không nên phê bình tính tập quyền của sếp trước mặt người khác.

Cấp trên thích vênh váo, ra vẻ ta đây

Rất nhiều cấp trên thích vênh váo. Thật buồn là cấp trên mới của bạn cũng là người thích ra vẻ ta đây làm cho mọi người rất khó chịu, nhưng không ai dám nói.

Người thông minh sẽ hiểu rằng, đối đầu với cấp trên chắc chắn sẽ bị thiệt thòi, nhưng nịnh nọt cũng không phải là cách thực tế, vì điều này còn phụ thuộc vận may của bạn. Nhiều người thích lấy lòng cấp trên, nhưng vấn đề chính là vị trí trong công ty luôn có sự thay đổi, bạn nịnh bợ cấp trên một cách mù quáng thì không thích hợp. Vậy thì có nên làm người “nói gì nghe đấy, bàn sao làm vậy” hay không? Thực ra cố gắng nhân nhượng đối phương với chuẩn mực không đi ngược lại nguyên tắc của mình là được. Tôn trọng cấp trên, phục tùng cấp trên và chăm chỉ làm việc là điều kiện cần thiết của giới công chức, ép buộc mình làm những việc mình không thích thì không nên.

Cấp trên có tính lười nhác

Chăm chỉ làm việc, thể hiện xuất sắc với một mục đích duy nhất là hy vọng sớm có một ngày được cấp trên biết đến. Nhưng điều làm bạn chán nản, bực mình là gặp phải một cấp trên lười nhác, thích tranh công lao, bạn không phục con người này. Bạn rút lui tìm đến một công việc khác, nhưng đó là cách làm tiêu cực. Hơn nữa, tất cả phải bắt đầu lại từ đầu thì quá lãng phí thời gian và sức lực. Đồng thời cứ gặp khó khăn rồi rút lui thì chắc chắn bạn không bao giờ thành công. Hãy đứng thẳng lên đối mặt với thách thức. Thường thì những cấp trên có tính cách này khi nhận nhiệm vụ nặng nề thì sẽ lập tức yêu cầu bạn làm. Khi hoàn thành nhiệm vụ thì họ sẽ nhúng tay vào và lập tức báo cáo với cấp trên cao hơn, rũ bỏ hết mọi mồ hôi và nước mắt của bạn và coi đó là thành quả của mình, tranh thủ niềm tin và lời khen của cấp trên.

Tất nhiên bạn không thể lột trần sự việc trước mặt mọi người, nếu nói lý với người ta thì bạn sẽ bị trù úm (vì bạn là cấp dưới), như vậy rất bất lợi. Cách làm lý tưởng là khi làm việc gì cũng phải có người làm chứng. Tất nhiên bạn không thể đường hoàng tìm người làm chứng mà hãy vô tình nhưng là cố ý tìm người làm chứng, để mọi người biết rõ đầu đuôi sự việc như làm việc trước mặt cô thư ký… Cho dù cuối cùng cấp trên cũng tranh lấy công lao nhưng trong công ty ai ai cũng biết rõ sự thực, một đồn mười, mười đồn trăm thì bạn đã đạt được mục đích.

Cấp trên không độ lượng với cấp dưới

Có một số cấp trên gặp cấp trên cao hơn thì cúi rạp nhưng gặp cấp dưới thì vênh mặt lên, làm việc không có trách nhiệm, không độ lượng với cấp dưới, hay nghi ngờ, làm cho bạn trong lòng chất chứa những lời oán trách. Bạn hãy nhớ rằng, đừng bao giờ than vãn với những đồng nghiệp khác về điều đó, đừng nói ra những điều không phải của cấp trên, vì “xấu chàng thì hổ thiếp”. Huống hồ, những đồng nghiệp ấy có thể giúp gì cho bạn? Bạn đã cung cấp thêm chủ đề bàn tán cho họ. Bạn nghĩ thử xem, liệu cấp trên sẽ sử dụng một nhân viên đâm cấp trên bị thương từ đằng sau không? Tất nhiên là không. Cho dù bạn đúng thì cũng không được oán trách một lời để tránh làm hỏng quan hệ giữa bạn và cấp trên. Cho dù đối phương có than vãn thì bạn cũng nên im lặng.

Bạn nên làm thế nào cho đúng? Bày tỏ thái độ trực tiếp với cấp trên. Nhưng hãy phân tích tính cách và đoán trước phản ứng của cấp trên. Với những người tư tưởng bảo thủ, lòng tự trọng cao thì đừng đi thẳng vào vấn đề mà phải lựa lời nói. Nếu cấp trên thoải mái, độ lượng thì hãy nói thẳng những điều trong lòng bạn, vấn đề như vậy sẽ được giải quyết.

Cấp trên thích sĩ diện

Cấp trên của bạn là người rất thích sĩ diện, luôn thích được người khác khen ngợi, nghe thấy những lời khen ngợi là cười tươi như hoa, làm gì cũng dễ. Nhưng bạn lại là người không thích nói những lời a dua, nịnh hót nên nhìn thấy những đồng nghiệp được thăng chức, nâng lương nhanh chóng thì bạn lại thấy bực trong lòng. Trừ khi bạn tìm một việc khác nếu không bạn vẫn phải đối mặt với cấp trên này làm thế nào để cấp trên coi trọng mà không đi ngược lại nguyên tắc của mình? Thực ra khen người khác không phải là việc khó, và cũng không phải là giả dối, vấn đề là cần phải biết chừng mực. Mỗi người đều có ưu, khuyết điểm, chỉ cần bạn dùng từ khuếch trương lên một chút với thiện ý là được. Như vậy vừa không thẹn với lương tâm mà lại làm đối phương vui.

Nhưng bạn cần phải nhớ, khi nói chuyện không được đơm đặt giả tạo, tất cả phải thật tự nhiên.

Cấp trên không phân biệt việc tư và việc công

Có rất nhiều người thích đùa giỡn với quyền lực, không phân biệt công, tư. Cấp trên của bạn là người như vậy, thường yêu cầu bạn làm việc riêng khiến bạn rất bực mình. Điều bạn cần làm là khéo léo từ chối nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiền đồ của bạn.

Hãy nhớ, điều đầu tiên cần làm là nói “Không”. Như cấp trên yêu cầu bạn viết bài giúp con gái sếp thì bạn nhất định không đồng ý, hãy nói “Xin lỗi, tôi không thể làm được điều đó”. Nếu sếp yêu cầu bạn làm ngoài giờ thì lại càng dễ từ chối, bạn có thể lấy lý do “Hôm nay tôi có hẹn không thể đến muộn”. Ngày hôm sau họ lại yêu cầu bạn làm thì bạn có thể lấy lý do khác, qua vài lần thì họ sẽ phải rút lui. Nếu như sự việc xảy ra trong giờ làm việc thì bạn sẽ có nhiều lý do hơn như “tôi còn 3 báo cáo quan trọng nữa phải làm”…

Cấp trên có tính ngoan cố, bướng bỉnh

Bạn thấy cấp trên là người vô cùng ngoan cố? Dù bạn đã cố gắng giải thích cách làm việc của mình như thế nào nhưng họ cũng không buồn để ý, yêu cầu bạn phải làm theo cách của họ. Chỉ cần bạn làm trái ý thì họ sẽ tức giận làm cho lòng bạn rối bời, tinh thần căng thẳng, chán ghét công việc, thậm chí còn muốn thôi việc.

Làm thế nào để cấp trên thay đổi tính tình, đồng ý nghe ý kiến của bạn?

a. Không nên cho rằng cách xử lý và ý kiến của mình là đúng hoàn toàn, nói chuyện với cấp trên phải nhẹ nhàng, thái độ khách quan, nếu có thể hãy nhượng bộ.

b. Ai cũng có ý kiến của mình nhưng cần đặt lợi ích công việc lên hàng đầu. Sống hòa bình với cấp trên, trách nhiệm của bạn là làm cho các ý kiến khác nhau được hài hòa.

c. Khi bạn nêu ý kiến của mình thì hãy bình tĩnh suy nghĩ ai cần đến sự giúp đỡ của ai? Ai là chính, ai là phụ?

d. Trong trường hợp có thể cố gắng tránh tranh cãi với sếp ở văn phòng, nên mời sếp đi ăn, uống để tìm cách nêu ý kiến của mình.

e. Bạn cần lắng nghe cấp trên nói, tránh tranh nói ý kiến của mình trước, có thể họ có những điều khó nói, bạn nên học cách suy nghĩ cho người khác.

f. Xóa bỏ thành kiến, không nên cho rằng cấp trên là người khó chơi, cố gắng trở thành bạn tốt của cấp trên.

9. NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý TRONG CƠ QUAN

“Biết được mình nên biết cái gì và cũng biết được mình không nên biết cái gì đó mới thực sự là tri thức”.

Khi làm một công việc mới bạn không nên lo lắng, lạ lẫm vì mối quan hệ phức tạp, khó xử giữa con người với con người. Bạn cần phải tránh những mối quan hệ không thể xử lý được. Tuy nhiên, cho dù nhiều người rất thành thạo trong công việc nhưng đôi khi vẫn gặp phải một số trở ngại vô hình. Lúc ấy điều bạn cần phải làm nhất là hãy kiểm điểm xem mình làm những gì chưa được.

Cả tin những lời bịa đặt

Khi đồng nghiệp nói cho bạn biết ai đó không hài lòng về bạn, nếu như bạn không kiểm chứng xem đối phương nói là đúng hay sai mà đã vội vàng tức giận, thậm chí còn nói lại thì bạn đã mắc bẫy của người ta. Họ sẽ nói cho người khác biết những lời bạn nhỡ thốt ra trong lúc tức giận và cho thêm chút “mắm muối” thì quan hệ giữa bạn và mọi người sẽ bị xấu đi.

Ngông cuồng nhận xét tương lai của công ty

Có một số người thích cho mình là thông minh nên đã lớn tiếng nhận xét tương lai của công ty, hơn nữa còn đưa ra kết luận như mình là một chuyên gia thực thụ, bạn cần biết rằng mình là cấp dưới, làm như vậy là phạm sai lầm lớn.

Bàn tán lung tung về việc tăng lương

Trong các công ty, nhất là công ty có vốn của Nhà nước thì việc lương bổng sẽ có thể không được công bằng, một số người được tăng lương ra sao chỉ có thể chứng minh được mức độ yêu thích và ấn tượng của cấp trên đối với họ, chứ không thể hiện khả năng làm việc của họ. Do vậy bạn cũng không nên đụng đến vấn đề nhạy cảm này trong các cuộc chuyện phiếm.

Nói quá nhiều

Một số người thích phát biểu ý kiến dài trong những buổi họp, nhưng thực tế làm như vậy chỉ chuốc họa vào thân. Do đó, cái gì nên nói thì nói, khi không nên nói thì hãy giữ im lặng là tốt hơn.

10. TRONG CÔNG TY, BẠN NÊN THU HÚT SỰ CHÚ Ý CỦA NGƯỜI KHÁC NHƯ THẾ NÀO?

Nhiều phụ nữ trách móc những người làm công tác tổ chức không nhìn nhận được những lỗ lực của họ, và những người công nhân, cũng thường suy nghĩ như vậy.

Thực ra, những người xung quanh chúng ta biết lôi cuốn sự chú ý của người khác, được thăng chức tăng lương không phải vì họ có những phẩm chất gì đặc biệt mà họ cũng bình thường như chúng ta. Nếu muốn thay đổi tình hình này thì bạn có thể quan hệ mật thiết với cấp trên trực tiếp của mình với các hình thức khác nhau. Quan trọng là bạn phải biết nhấn mạnh công việc của mình để cấp trên chú ý đến sự tồn tại của bạn.

Bạn đã cố gắng để nâng cao trình độ chuyên môn của mình chưa? Nếu bạn có chuyên môn nào cần được nâng cao thì buổi tối nên dành thời gian để học. Nhiều vị trí quản lý rất cần đến những kiến thức tính toán, tài chính. Bạn dành thời gian học những phần mềm máy tính mà sếp bạn đang sử dụng, làm như vậy cũng để họ biết rằng bạn đang cố gắng. Chủ động hỏi sếp xem bạn có thể giúp gì cho sếp trong việc tính toán, dự trù, đó cũng là cơ hội để bạn mở rộng kiến thức.

Nhiều người không biết rằng thông tin trên mạng Internet vô cùng phong phú, ích rất có ích cho công việc của bạn. Hãy cố gắng làm một nhà nghiên cứu giỏi, hãy đọc nhiều sách về chuyên môn của mình để nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên thảo luận với mọi người về những tình huống mới nhất liên quan đến công việc. Bạn không cần phải cái gì cũng biết hết, nhưng ít ra cũng phải biết những vấn đề liên quan đến công việc của bạn. Bạn có thể tìm tòi những tài liệu mới nhất để tập hợp và gửi cho sếp, làm như vậy để sếp hiểu được tình hình mới nhất và biết được bạn là người chủ động học hỏi, biết nắm vững thông tin, như vậy họ sẽ rất thích bạn.

Nhiều cấp trên khi được hỏi về vấn đề mình thích đều nói dù tuổi tác thế nào, đó là tính hài hước, biết cân bằng cuộc sống, đối xử công bằng với cấp dưới. Ngoài ra bạn nên làm tốt công việc, vui vẻ nói chuyện với cấp dưới, lắng nghe suy nghĩ của họ, để cho họ cảm nhận rằng bạn rất giàu tình cảm. Điều này đòi hỏi phải có nghệ thuật. thực ra thì ai cũng làm được điều này. Quan trọng là ngay từ khi mới bắt đầu đã phải lên cho mình mục đích, luôn luôn hướng tới mục đích đó. Bạn cần tỉnh táo nhận ra những điểm còn thiếu của mình để làm mình hoàn thiện hơn.

11. THUYẾT PHỤC CẤP TRÊN TĂNG LƯƠNG CHO BẠN

Tăng lương và thăng chức luôn là vấn đề gai góc được mọi công nhân viên chức quan tâm nhất. Nhiều người không được tăng lương thăng chức không phải là vì họ không có năng lực làm việc, mà là không biết thể hiện bản thân. Ngày nay, các cấp lãnh đạo bận quá nhiều việc, không thể lúc nào cũng chú ý đến biểu hiện của bạn, là cấp dưới, bạn cần phải chủ động, lúc thích hợp bạn cần phải thể hiện mình, chỉ có như vậy thì mới có được hiệu quả như ý muốn. Tất nhiên, cách thể hiện con người của mỗi người rất khác nhau, điểm quan trọng là phải thể hiện đúng lúc.

Tăng lương, đó là việc anh Lý mong ước bấy lâu. Nói đến thời gian làm việc thì anh đã làm ở trong xưởng được 4 năm, thái độ làm việc cũng tàm tạm, chưa mắc sai lầm gì nhưng sếp vẫn chưa có ý tăng lương cho anh. Anh Lý cảm thấy rằng giá trị bản thân của mình chưa được coi trọng nên trong lòng rất buồn. Trong nhiều buổi họp tổng kết công tác anh đã ngầm nói với sếp nhưng sếp không có phản ứng gì. Anh định nêu yêu cầu trực tiếp với sếp nhưng lại ngại và sợ bị sếp từ chối, nhưng không nói thì anh không cam lòng, cuối cùng anh đã lấy can đảm và lựa lời nói rõ ý tứ của mình. Thật ngạc nhiên là sau vài tuần quan sát anh làm việc, sếp đã đồng ý tăng lương cho anh, vấn đề thật đơn giản. Anh Lý cho rằng chỉ cần đó là quyền lợi chính đáng của mình thì nên cố gắng giành lấy.

Tất nhiên khi nêu vấn đề tăng lương với sếp bạn cũng cần phải chú ý đến nghệ thuật ăn nói. Tôi đã được một bài học xương máu. Tôi làm việc tại một công ty gần được 3 năm, tôi thành thạo công việc của mình nhưng sếp vẫn chưa có ý tăng lương cho tôi. Khi ấy do tuổi đời còn trẻ chưa suy nghĩ kỹ càng, thấu đáo nên tôi đã ép sếp tăng lương vì cho rằng mình rất thạo việc. Bây giờ nghĩ lại mới thấy hành động của mình hồi đó thật tệ hại. Kết quả là lương không được tăng mà quan hệ của tôi và sếp cũng bị trục trặc nên tôi đành phải bỏ làm.

Chúng ta nói ý đồ của mình với sếp với giọng thương lượng, tâm sự thì sếp sẽ lắng nghe và sẽ hỏi chúng ta có gặp vấn đề gì trong công việc không. Cuối cùng thì chúng ta cũng được tăng lương.

Thực ra, quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới là quan hệ bình đẳng. Chỉ cần bạn cho rằng tăng lương là hợp lý thì bạn có quyền nêu ý kiến. Nhưng bạn cần chú ý đến cách ăn nói, tốt nhất là hãy truyền đạt ý của mình thật khéo léo, nếu sếp không chấp nhận thì cũng không làm cho đôi bên lâm vào hoàn cảnh khó xử để ảnh hưởng đến mối quan hệ sau này.

Giữa thành tích và địa vị, có người cho rằng chỉ cần có địa vị, quyền lực và quyền thế trước thì mới có thành tích. Thực ra cần phải có thành tích trước thì mới có địa vị, đó là vì:

Thứ nhất, thường thì cấp trên đánh giá năng lực, phẩm chất và thái độ của cấp dưới qua những thành tích của họ. Do đó, nếu bạn muốn nổi bật trong công ty thì chỉ có cách hoàn thành xuất sắc công việc của mình chứ không còn cách nào khác.

Thứ hai, bạn làm việc bằng thực lực của mình thì người khác cũng đồng tình với mình và dễ được đồng nghiệp tôn trọng, đó là sự bảo đảm có sức thuyết phục để bạn được thăng chức, tăng lương.

Một số công ty có chế độ lương bổng theo quy định, đánh giá cấp dưới rất khách quan, họ chú ý đến từng sự trưởng thành, tiến bộ của cấp dưới. Làm việc trong những công ty này thì nhân viên chỉ cần chăm chỉ, tích cực, chủ động làm việc và đợi đến ngày tăng lương chứ không cần phải lo lắng đến việc bao giờ sếp sẽ tăng lương cho mình.

12. HÃY LẮNG NGHE CẤP TRÊN NÓI

Nhiều khi bạn sẽ nghe thấy những lời thầm thì nho nhỏ của mọi người “Đừng tin hoàn toàn lời ông Trưởng phòng, nếu không sẽ hố to”, “Ai bảo anh nghe lời ông ta nói, cần phải suy ngẫm kỹ càng”.

Biết thấu hiểu ý tứ trong lời nói của cấp trên đó là năng lực cần có của mỗi người cấp dưới.

Cấp trên “Khách sáo”

Có một số cấp trên luôn miệng nói những lời khách sáo, thường tâng bốc và khen ngợi không đúng với sự thật. “Nếu không có cậu thì tôi không biết phải làm sao”, “Tất cả phải dựa vào cậu thôi”, bạn cần phải chú ý đặc biệt với những lời nói này, nghiền ngẫm để hiểu được ý tứ của lời nói để có những phản ứng phù hợp.

Bạn có thể tùy cơ ứng biến, khi thích hợp có thể đồng tình với cấp trên, chấp nhận nhiệm vụ nặng nề “Tất cả phải dựa vào cậu thôi”, khi việc qua rồi mới giả vờ như không biết để cấp trên vô tình rơi vào bẫy của mình. Như bạn nói “Cảm ơn sự tin tưởng của anh, tôi sẽ cố gắng làm”. Cách làm này rất thông minh và tạo cho mình có tương lai phát triển.

Đứng trước thiện ý của cấp trên

Có một số cấp trên rất tôn trọng cấp dưới, vì vậy mà khi từ chối đề xuất của cấp dưới họ thường suy nghĩ đến lòng tự trọng và nhiệt tình công việc của cấp dưới chứ không muốn trực tiếp sổ toẹt tất cả, họ thường khẳng định bạn trước sau đó mới chỉ ra những ý kiến không đúng của bạn. Làm việc với những người cấp trên như vậy bạn phải hiểu ý họ.

Như khi bạn nêu ý kiến với cấp trên, cấp trên nói “ý kiến của cậu cũng được nhưng có chút mâu thuẫn với ý kiến chung của tập thể” thì bạn phải hiểu ý của sếp, không nên nhấn mạnh ý kiến của mình hợp lý như thế nào, chủ trương đúng ra sao, không nên ép cấp trên phải có thái độ rõ ràng.

Lúc này bạn nên nói “Đó chẳng qua là cách nhìn của cá nhân tôi, nếu có mâu thuẫn với tập thể thì thôi vậy”.

Như vậy thì cấp trên sẽ cảm ơn bạn vì bạn là người thấu tình đạt lý, quan hệ của hai người sẽ tốt đẹp hơn.

13. CẤP TRÊN ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM

Một số cấp trên thích nói “tốt” trước mặt bạn, nhưng lập tức lại nêu đến cấp trên cao hơn thì bạn cần phải hiểu rõ ý của từ “tốt” này.

Bản thân không có biểu hiện gì là người luôn đùn đẩy trách nhiệm, bạn cần phải chú ý đến ý nghĩa lời nói của những người này. Bề ngoài họ tỏ ra rất hiểu ý cấp dưới nhưng thực ra không phải như vậy, chỉ đến lúc thể nói không thể thì họ sẽ lấy cớ “Không phải tôi đã nói với cậu rồi hay sao?” Với những người cấp trên như thế thì không đáng tin tưởng và bạn cần hết sức cẩn thận.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.