Bí Quyết Vượt Qua Kỳ Thi Một Cách Hoàn Hảo

6. THAM GIA HỌC NHÓM



Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

– Ca dao Việt Nam

Một mình trong góc phòng yên tĩnh hay cả buổi trưa sau giờ học trên thư viện không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tối ưu. Đôi lúc việc đó giống như một mình khiêng một chiếc bàn gỗ lên gác vậy – đơn độc, nặng nề, căng thẳng và chỉ muốn vứt quách nó đi. Đừng tự hành xác bằng cách cô lập mình như thế.

Học nhóm – tại sao không?

Trong nhiều trường hợp, vài cái đầu chụm lại bao giờ cũng sáng suốt và đầy đủ hơn chỉ một cái đầu. Ngay cả khi bạn tự tin rằng mình có thể hoàn thành tốt mọi thứ một mình, bạn vẫn cần học cách trao đổi và chia sẻ kiến thức với những người xung quanh. Sự có mặt của người khác cũng có thể là nhân tố kích thích khiến đầu óc bạn hoạt động tích cực hơn.

Học nhóm, có nghĩa là học cách dùng ưu điểm của người này bổ khuyết cho nhược điểm của người kia, dùng sức của nhiều người thay cho một người để có được sản phẩm quy mô hơn, hoàn hảo hơn, nhanh hơn. Không phải vô tình mà kỹ năng làm việc nhóm lại là một trong những kỹ năng được đánh giá cao nhất trong hồ sơ xin việc của bạn sau này.

Học nhóm thế nào cho hiệu quả?

Trước tiên, để việc học chung thuận lợi và hiệu quả, hãy thỏa thuận những nguyên tắc chung mà mọi thành viên phải tuân thủ, ví dụ như phải hoàn thành phần việc được giao đúng hạn, khi có bất đồng thì lấy theo ý kiến số đông, hay do trưởng nhóm quyết định…

Mức độ chênh lệch trình độ giữa các thành viên càng nhỏ, hiệu quả làm việc càng cao. Tuy nhiên, trong những nhóm học tập được phân công trên lớp, sự chênh lệch là khó tránh khỏi. Trong trường hợp đó, nhóm trưởng càng cần thể hiện vai trò trong việc phân công nhiệm vụ rõ ràng, công bằng và tận dụng được thế mạnh của mỗi thành viên, tránh tình trạng đóng góp không đồng đều gây mất đoàn kết trong nhóm.

Học nhóm là chia sẻ, nhưng không có nghĩa là thành viên yếu hơn dựa dẫm, trông chờ vào các thành viên khác, mà càng phải tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Hãy hoàn thành phần việc của mình tốt nhất có thể, nhưng đừng ngần ngại chia sẻ khó khăn với các thành viên khác để giúp nhau tháo gỡ, cũng đừng ngại ngần đưa ra ý kiến với bạn cùng nhóm. Chính những điều nhỏ nhặt này sẽ giúp các thành viên thêm sôi nổi, hào hứng và gần gũi nhau hơn. Nhóm càng hiểu nhau, việc phối hợp càng ăn ý và đương nhiên hiệu quả cũng cao hơn.

Những điều cần tránh

Giữ quyền phát biểu của mình không có nghĩa là luôn sẵn sàng cắt ngang câu nói của các thành viên khác. Hãy lắng nghe với một tâm thế tích cực, cầu thị và xây dựng, đừng vì thể hiện cái tôi của mình mà để xảy ra bất hòa, xích mích không đáng có.

Sự thiếu đồng đều về học lực của các bạn trong nhóm là khó tránh khỏi, vì thế việc coi thường các bạn kém hơn mình hay tự ti trước người giỏi hơn đều dở như nhau. Sự khiêm tốn và cầu tiến luôn là tiêu chí hàng đầu để học nhóm hiệu quả.

Cuối cùng, đừng tạo ra không khí quá gò bó và căng thẳng trong khi học nhóm. Ngoài giờ học, cả nhóm có thể tổ chức các buổi đi cắm trại, xem phim, tán gẫu, giúp các thành viên trong nhóm thân thiết và hiểu nhau hơn.

Học nhóm không chỉ giúp bạn mở mang kiến thức mà còn mang lại cơ hội giao lưu, kết bạn với những sinh viên ưu tú khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.