Bí Quyết Vượt Qua Kỳ Thi Một Cách Hoàn Hảo
40. KIỂM SOÁT THỜI GIAN
Anh có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không.
– Benjamin Franklin
Quãng thời gian làm bài đã được tính toán phù hợp với đề thi, đảm bảo không quá nhiều hay quá ít với bất kỳ thí sinh nào. Vì thế thời gian làm bài ngắn hay dài không phải chuyện đáng lo lắng, miễn bạn biết cách tận dụng khoảng thời gian ấy để đạt hiệu quả bài làm cao nhất có thể. Một chiếc đồng hồ đeo tay nho nhỏ là trợ thủ đắc lực cho bạn trong việc làm chủ thời gian này.
Sau khi phân tích kỹ đề bài, hãy lập tức phân bố thời gian sao cho hợp lý, tối ưu với bản thân. Tốt nhất hãy áp dụng mô hình thời gian Hiểu – Làm – Kiểm tra lại.
Bạn chỉ cần dành khoảng vài phút cho bước đầu tiên: quan sát và phân tích đề, theo trình tự đã phân tích ở mục trước.
Tiếp theo là phần chính – Làm, chiếm phần lớn quỹ thời gian, và cũng cần phân chia cẩn thận hơn.
Với bài thi trắc nghiệm gồm nhiều câu đòi hỏi xử lý thông tin nhanh nhạy, bạn chỉ cần lấy tổng thời gian làm bài chia cho số câu trắc nghiệm là ra được thời gian trung bình dành cho một câu hỏi nhỏ. Kinh nghiệm làm phần này là hoàn thành ngay những câu biết chắc đáp án, đánh dấu những câu chưa rõ để quay lại làm sau và tuyệt đối không dừng lại lâu ở một câu hỏi, trừ khi đó là câu cuối cùng cần hoàn thành.
Với bài thi theo dạng tự luận, bạn không chỉ phải chia đều thời gian cho số câu như với dạng trắc nghiệm, mà còn phải cân nhắc cả độ khó – dễ, dài – ngắn. Thường thì những câu khó nằm phía cuối đề thi sẽ chỉ chiếm ít điểm, nên bạn không cần dành quá nhiều thời gian cho câu này. Thay vào đó, hãy ưu tiên làm thật tốt các câu cơ bản. Bạn cũng cần cân nhắc khả năng hiện tại của mình để phân chia thời gian. Công thức muôn đời là: Dễ làm trước, khó làm sau. Với những câu bạn nắm chắc kiến thức, hãy làm trước và làm thật cẩn thận, tránh bị trừ điểm lặt vặt. Quan trọng nhất, phải nghiêm khắc với chính mình trong việc tuân thủ hạn mức thời gian. Khi gặp phải một câu “khó nhằn” có nguy cơ đốt cháy lịch trình, lập tức để nó lại và chuyển sang các câu tiếp theo, rồi cuối cùng mới quay lại nếu còn dư ít phút. Đừng để một câu hỏi phá hỏng toàn bộ hành trình của bạn, trong khi đó chỉ là một chướng ngại mà bạn có thể chọn vượt qua hoặc chọn đi đường khác.
Kiểm tra lại bài làm là một bước không kém phần quan trọng nhưng rất tiếc, cũng là mục mà nhiều người trong chúng ta bỏ qua. Có người hoàn thành sớm, ung dung ngồi chơi và nhắc bài các bạn, trong khi lại chủ quan không xem lại bài làm của mình. Có người không biết kiểm soát giờ giấc, đầu giờ đủng đỉnh, gần cuối giờ mới vội vàng, cuống quýt, đến phút chót còn phải hì hụi viết cố, nói gì đến thời gian dò lại bài làm. Trong khi làm bài, bạn rất dễ mắc phải một sai sót nào đó, mà do quá mải mê làm cộng với áp lực giờ thu bài cận kề nên bỏ qua. Với bài trắc nghiệm, khả năng chúng ta bỏ sót câu hay đánh dấu nhầm là khá lớn, nên sẽ không hề thừa khi lướt lại từng câu, đồng thời đối chiếu với phiếu trả lời xem có khớp hay không. Còn với dạng bài tự luận, hãy đọc lại nội dung theo từng đoạn, từng câu một. Với những bài tính toán, cách kiểm tra tốt nhất là đi ngược từ kết quả xem có khớp với dữ liệu đã cho hay không. Dò tên đơn vị, quy trình giải cũng là một điểm cần ghi chú. Ở bước cuối cùng này, bạn càng không được phép chủ quan hay vội vã, mà cần đọc bài bằng con mắt cẩn trọng, khách quan như một người chấm thi. Hãy tận dụng hết thời gian cho phép. Chỉ 5-10 phút rà soát lại bài làm, bạn sẽ không phải hối hận sau khi bước ra ngoài phòng thi.
Bạn không nhất thiết phải là một nhà quản lý tài ba mới có thể làm chủ quỹ thời gian của mình. Hãy ghi nhớ những bước cơ bản trên đây và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh lúc đó, ít nhất nếu không hoàn thành hết các câu thì bạn vẫn có thể vui vì đã tận dụng được tối đa thời gian cho những gì mình có thể làm tốt.
Thời gian làm bài ngắn hay dài không phải chuyện đáng lo lắng, miễn bạn biết cách tận dụng khoảng thời gian ấy để đạt hiệu quả bài làm cao nhất có thể.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.