Bí Quyết Vượt Qua Kỳ Thi Một Cách Hoàn Hảo

43. ĐÚC RÚT KINH NGHIỆM



Đừng bao giờ than vãn trước một việc đã rồi, hãy nhìn thẳng vào vấn đề và tự hỏi mình có thể làm được gì.

Không có áp lực, khó khăn thì không bao giờ có thể trưởng thành, mở mang đầu óc được. Hãy coi mỗi kỳ thi như một dịp kiểm tra kiến thức, trải nghiệm áp lực. Mỗi trải nghiệm đều rất có ích cho bạn trong các kỳ học sau, những bài thi sắp tới, hay thậm chí cả sự nghiệp sau này. Bạn không những phải học cách chấp nhận kết quả, mà còn phải biết cầu tiến và cố gắng không ngừng. Một sinh viên thông minh nhưng không biết rút kinh nghiệm sớm muộn cũng tụt hậu so với người biết cầu thị, sửa sai.

Liệt kê những sai lầm mắc phải trong bài thi

Tìm ra sai lầm của bản thân mình không phải là điều dễ dàng. Bạn có thể gán lý do cho một phép tính sai nào đó trong bài làm, chẳng hạn như, hôm đó bạn bị đau bụng, đề bị sai, hay dễ dàng hơn là phần đó không có trong chương trình học. Tốt thôi, người ta có thể chấm điểm kiến thức của bạn, nhưng chẳng ai có thể bắt bẻ được những lý do bạn ngụy biện cho sai lầm của mình. Nhưng hãy cẩn thận, chính sự chối bỏ lúc bấy giờ sẽ dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Giải pháp tốt nhất đó là hãy thẳng thắn đối mặt với những lỗi sai của mình. Một tờ giấy và cây bút là trợ thủ đắc lực của bạn. Hãy nghiêm túc ngồi lại, liệt kê những sai lầm mình đã mắc phải trong kỳ thi vừa rồi. Đó có thể là những sai lầm về kiến thức, thái độ, phương pháp ôn tập, … Đó có thể là những sai lầm đặc biệt nghiêm trọng (như bạn bị bắt phao chẳng hạn), hay những lỗi nhỏ nhặt (quên không chia động từ trong bài luận). Bất cứ điều gì gây ra hậu quả đều phải được ghi lại, càng trung thực và đầy đủ càng tốt.

Đi tìm nguyên nhân gây ra sai lầm

Ổn rồi. Giờ bạn đã nắm trong tay những “thủ phạm” cho kỳ thi của mình. Đừng để chúng có cơ hội hoành hành lần nữa. Hãy đi tìm nguyên nhân của những sai lầm đó ngay thôi.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sai lầm, nhưng tựu chung chúng ta có thể chia ra thành hai loại: nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân khách quan có thể là do bạn đột nhiên lên cơn đau bụng vào đúng giờ thi, hay đề bị sai, xe hỏng,… Những nguyên nhân này là do hữu ý và gần như không thể đoán biết trước được. Hãy coi đó là những nỗi xui xẻo không đáng có và gạt chúng ra khỏi đầu bạn.

Một kiểu khác đó là nguyên nhân chủ quan – do từ chính chúng ta tạo nên. Chẳng hạn, bạn viện cớ đến phòng thi muộn vì tắc đường. Đừng đổi lỗi cho giao thông. Bạn biết phải cải thiện chúng bằng cách nào mà! Dậy sớm hơn, đến địa điểm thi trước nửa giờ trước khi thi – điều này không quá khó phải không? Chúng ta thường nhầm những nguyên nhân chủ quan với khách quan, và hầu hết đều đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tin tôi đi, bạn hoàn toàn có thể thay đổi tình thế. Hãy thẳng thắn đối diện với bản thân mình, gạn lọc thật tỉnh táo hai loại nguyên nhân này. Một lần nữa tôi phải nhắc lại: đặc biệt chú ý vào những nguyên nhân chủ quan – những điều bạn có thể thay đổi được.

Sau cùng, một vấn đề có thể có rất nhiều nguyên nhân. Một phép tính sai có thể là do cẩu thả, do bạn quên công thức, và lười ôn lại phần bài đó. Bạn cần rà soát thật cẩn thận các gốc sai lầm, tránh trường hợp bỏ sót bất kỳ một tên “trùm” nào.

Tổng kết và lên kế hoạch cải thiện

Nếu chỉ vạch ra các nguyên nhân, bạn chỉ mới đi được nửa chặng đường sửa sai. Sau khi đã tìm ra những nguồn gốc sai sót trong bài thi vừa rồi, hãy lên kế hoạch cải thiện bản thân.

Với những sai lầm muôn thuở như hổng kiến thức, không thể vận dụng vào bài tập,… có khả năng bạn chưa linh hoạt trong việc áp dụng lý thuyết hoặc thiếu kỹ năng làm bài. Với khuyết điểm này, chẳng còn cách nào khác là tích cực làm thêm các dạng bài trong giáo trình và sách tham khảo. Khi đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức và bài tập áp dụng, nỗi lo “đứng hình” trước đề thi cũng sẽ hầu như không còn.

Nếu bạn thường xuyên bị mất bình tĩnh khi đi thi, thì chẳng còn cách nào khác, bạn phải tự đối diện với bản thân mình và mạnh dạn cải thiện qua luyện tập. Hãy tham gia, cọ xát nhiều với những kỳ thi không chỉ trên lớp, mà còn ở khoa, ở trường, thậm chí ở các câu lạc bộ mà bạn tham gia nữa. Hãy tranh thủ kỳ thi hàng tháng tại các trung tâm Anh ngữ, ứng tuyển vị trí tình nguyện viên cho một câu lạc bộ nào đó hay tìm những việc làm thêm phù hợp với khả năng. Bạn sẽ vừa luyện được cách giữ thăng bằng, ổn định tâm lý trong những tình huống áp lực, căng thẳng, vừa có kinh nghiệm, có niềm vui, có những mối quan hệ mới và nhiều khi kiếm được tiền để trang trải cho việc học của mình. Một cách khá hữu hiệu và đơn giản nữa đó là xung phong chữa bài trên lớp – vừa cải thiện điểm, vừa giúp bạn chống chọi với nỗi sợ kiểm tra.

Trong những trường hợp bí bách quá, bạn cũng đừng ngần ngại tới gặp giáo viên bộ môn, hay bất kỳ người bạn thân quen nào. Bạn có thể không nhận ra sai lầm của mình, điều này không có gì phải băn khoăn cả, vì đa số chúng ta đều đã có lúc bị “mù đường” như vậy. Hãy tìm đến những người có đủ khả năng và độ nhiệt tình, và kể cho họ nghe những rắc rối, sai lầm trong thi cử, học tập của bạn. Rất có thể họ sẽ đưa ra giải pháp hay ho nào đó cho bạn, hay chỉ đơn giản là lắng nghe tâm tư của bạn thôi cũng đã quá đủ rồi. Không chỉ thành công, mà ngay cả thất bại cũng cần được chia sẻ. Và, biết đâu đấy, nếu họ cũng có chung vấn đề y như bạn, hãy rủ họ cùng cố gắng cải thiện tình hình tồi tệ hiện tại.

Đừng coi sai lầm chỉ là những mẩu giấy bị vò nát nằm gọn trong đáy thùng rác. Hãy bới chúng lên, xem xét, và học hỏi. Tôi tin rằng, khi biết xem xét và phân tích những sai sót đã mắc phải, cũng như có biện pháp cải thiện điểm số và kiến thức hợp lý, bạn sẽ không bao giờ chỉ đứng nguyên ở vị trí hiện tại.

Một sinh viên thông minh nhưng không biết rút kinh nghiệm sớm muộn cũng tụt hậu so với người biết cầu thị, sửa sai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.