5 Sự Thật Không Thể Thay Đổi
CHƯƠNG 2: SỰ VIỆC KHÔNG LUÔN DIỄN RA THEO KẾ HOẠCH
Cho tất cả những gì đã là: Tạ ơn!
Cho tất cả những gì sẽ là: Xin vâng!
– DAG HAMMARSKJOLD, Markings
ĐẦU THẬP NIÊN 1940, trong buổi tối tiệc tốt nghiệp, một nữ sinh trung học tên là Doris Kapelhott bị một tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Cô vốn dự định tới Hollywood để trở thành một vũ công, nhưng tai nạn đó đã khiến dự định của cô không thể thực hiện được. Trong suốt thời kì hồi phục tại nhà dài đằng đẵng, Doris bắt đầu hát theo với những giọng thanh nhạc nữ trên đài phát thanh. Giọng cô trở thành điêu luyện và cô được mời hát trong một ban nhạc.
Chẳng bao lâu cô được mời hát cho các bộ phim. Kế hoạch ban đầu của cô bị một biến cố thảm khốc xoá tan, nhưng nhờ đó cô tìm ra thiên hướng đích thực của mình. Sự việc không luôn luôn diễn ra theo kế hoạch nhưng một sự thay đổi kế hoạch có thể là một trường hợp về tính trùng hợp dẫn chúng ta tới sự hoàn thiện một đời không đoán trước được và cũng không kiếm tìm – nói một cách khác là ân sủng của trời đất.
Chúng ta tạo dựng những kế hoạch với mong mỏi nắm được quyền kiểm soát những gì sẽ xảy ra. Có lẽ chúng ta sợ những bất ngờ xảy đến, trái ngược với ước muốn của chúng ta. Chúng ta bị thách thức bởi cái “trí tuệ riêng” của đời sống là phải buông xả cái chấp trước đòi việc phải diễn ra theo cung cách của chúng ta. Điều này liên hệ tới sự kiểm soát. Chúng ta có thể hành động một cách chuẩn xác, với kỉ luật bản thân và trông mong là thế giới sẽ noi theo và ban phần thưởng cho chúng ta.
Tạo dựng những kế hoạch là nét đặc trưng của cái Tôi lành mạnh. Tuy nhiên, thực ra cuộc đời thường không diễn ra theo kế hoạch của chúng ta. Chúng ta không nhất thiết phải buồn rầu vì điều này. Nó có thể làm chúng ta hào hứng nghĩ rằng một điều gì mang tính tâm linh, tức là không do cái Tôi chiêu tập, có thể đang chờ sẵn. Có lẽ chúng ta tin tưởng rằng chẳng hề có kế hoạch nào cả và “con tạo trêu ngươi”, may rủi khôn lường. Sự thoải mái của chúng ta nằm trong việc chúng ta cam kết đương đầu với những gì xảy ra và tìm được tối ưu trong đó.
Trong một thế giới mà tôi không thể làm hoặc hoàn tất bất cứ điều gì một cách hoàn hảo hoặc có được bất cứ điều gì thường xuyên thích hợp, thì buông xả cái nhu cầu về sự hoàn hảo là điều có ý nghĩa. Kinh Bhagavad Gita (Thế Tôn ca) nói: “Ngay cả một chút tiến bộ cũng là hoàn toàn thoát khỏi sợ hãi.” Liệu tôi có thể thoả mãn với điều đó như là phong cách của tôi? Chừng nào tôi làm hết sức mình gần như toàn thời gian và có thể để cho sự việc xảy ra như chúng xảy ra và rồi làm hết sức mình có thể với chúng, tôi trở thành con người hoàn hảo và ấy là một thành quả tối thượng. Sự vật không phải luôn luôn như chúng ta mong muốn. Chúng ta có thể phấn đấu với toàn sức lực của chúng ta cho những gì chúng ta có thể thay đổi, và chỉ tuân phục những gì chúng ta không thể thay đổi.
Tính chất thần thánh là gì? Một cái gì – chúng ta chẳng biết là cái gì hoặc là ai, chúng ta không biết như thế nào hoặc khi nào – luôn luôn hoạt động, mà chúng ta không biết tại sao: vậy nên chúng ta có thể làm tròn tính mệnh của mình bằng cách trở thành những mẫu mực duy nhất về tình thương và trí tuệ. Tính chất thần thánh là sinh lực của vũ trụ sống động đang mong mỏi sự phát biểu trong tất cả chúng ta. Cái hạn định là một khoảnh khắc duy nhất của tiêu điểm trên cái vô hạn phi thời gian. Chúng ta tồn tại bởi một thị kiến ban ân tứ phúc: thần thánh hướng mục tiêu vào thời gian và không gian, và chúng ta hướng tiêu trở lại. Thần thánh ở đây, ấy là tôi, và khi nó tới kia, ấy là bạn, và khi nó tới bên ngoài cửa sổ của tôi, đó là cây bồ đề – nơi Đức Phật đã đạt giác ngộ.
THIẾT KẾ CỦA TỰ NHIÊN
Kế hoạch cốt yếu của toàn thể vũ trụ là tiến hoá qua thời gian để tạo thế giới thành một nơi cư trú thân thiện hơn cho tất cả tạo vật. Kế hoạch của tự nhiên là một khuôn mẫu cho chúng ta – những kẻ đang học sự chấp nhận. Tự nhiên cho phép những thay đổi và trôi chảy cùng với chúng. Tự nhiên kính trọng trọn vẹn những mối tương liên. Tự nhiên nhân danh cả sáng và tối.
Chúng ta không chỉ đơn thuần là những cư dân thụ động của tự nhiên mà là những kẻ tham gia trong đó, đời sống bên trong của tự nhiên cũng giống như đời sống bên trong của chúng ta. Đổi lại, cảm thấy đồng nhất với tự nhiên là tiếp xúc với chiều sâu đích thực của con người thiết yếu của chúng ta, là nguyên mẫu của thần tính bên trong, sinh lực của thực tại, là chính tình thương.
Chúng ta thường phản ứng lại sự thật rằng đời sống không diễn theo những kế hoạch của chúng ta. Chúng ta sợ hãi, tranh biện và trách cứ. Những phản ứng than vãn của chúng ta có thể phát sinh từ cái Tôi cứ luôn muốn mọi vật phải đi theo lề lối của chúng ta. Điều này làm tăng thêm khổ đau cho chúng ta. Nó là sự đối nghịch với việc khiêm tốn chấp nhận những điều kiện của đời sống như thể chúng là.
Những điều kiện sinh tồn là chìa khoá thần kỳ đưa chúng ta tới cuộc tiến hoá. Tự nhiên và chúng ta liên hiệp để chấp nhận vô điều kiện phiên bản khai triển của năm thứ định sẵn. Trong những thứ định sẵn sau đây, bạn hãy tự hỏi xem mỗi thứ được áp dụng ra sao vào cung cách hiện tại bạn đang sống ở đời:
• Mọi vật thay đổi và chuyển từ một dạng thức này qua một dạng thức khác.
• Vật chất, cũng như tinh thần, không được sáng tạo ra hoặc huỷ hoại đi nhưng tiến hoá trong những mùa chuyển hoá bằng khởi đầu, tăng trưởng, tạo đỉnh, thu hoạch, chết đi, và đổi mới.
• Vũ trụ, giống như tâm hồn con người, vừa hữu hạn vừa vô hạn.
• Không gì và không ai là thực sự tách biệt; tất cả đều tương liên một cách bền chặt và thiết yếu.
• Mọi vật trong tự nhiên đều hạn thuộc vào thời gian vì nó phải sinh ra và chết đi.
• Tất cả chúng ta đều liên tục tiến hoá – tiếp nhận cái mới và buông xả cái cũ – để phù hợp với những điều kiện thay đổi của môi trường xung quanh. Chúng ta tiến hoá vì có sinh và có tử.
• Quá khứ của sự vật và của con người ảnh hưởng mạnh mẽ lên điều kiện hiện tại của họ, nhưng quá khứ không bắt buộc phải ấn định tương lai.
• Tình thương, trí tuệ và cứu độ bền vững như những sức mạnh dẫn đường cho chúng ta.
THIÊN HƯỚNG
Đây là niềm hoan lạc đích thực trong đời sống: được sử dụng cho một mục đích được chính bạn thừa nhận là một mục đích cao cả, hoàn toàn tiêu hao trước khi bạn bị liệng vào đống rác, là một sức mạnh của tự nhiên thay vì là một nhân tố nhỏ nhoi, ích kỉ, luôn than phiền rằng thế giới không chuyên tâm phục vụ để làm cho bạn hạnh phúc.
– GEORGE BERNARD SHAW
Thiên hướng đại đồng của chúng ta là trở thành những người thương yêu nhất mà chúng ta có thể. Sự cam kết này làm cho chúng ta ít có nguy cơ bị phụ thuộc vào những phản ứng của kẻ khác đối với chúng ta hoặc ý kiến của họ về chúng ta. Chúng ta quý sự chấp nhận nhưng không khát khao hoặc đeo đẳng vào nó. Chúng ta bị đau vì sự từ khước nhưng không bị huỷ hoại tan tành từ nó. Chúng ta quan tâm tới việc chúng ta thương yêu ra sao, chứ không về việc chúng ta được thương yêu ra sao, về việc chúng ta có thể cho tặng ra sao, không phải về những gì chúng ta có thể chiếm đoạt. Thế giới mất mát biết chừng nào nếu chúng ta sống đời mình mà lãng quên việc khơi mở trọn vẹn khả năng kì diệu của chúng ta về thương yêu!
Thiên hướng của chúng ta cũng là về những khả năng khác, những quà tặng là những thứ định sẵn từ việc chúng ta là ai. Mục tiêu đời sống của chúng ta không đơn giản chỉ là những công việc thường ngày. Kế hoạch đó là tĩnh tại, không phải tiến hoá. Mỗi người trong chúng ta có mặt ở đây để khám phá và san sẻ những quà tặng độc đáo bên trong. Đó là điều thế giới đang chờ đợi và là lí do tại sao chúng ta được ban cho tuổi thọ. Việc chúng ta quý báu những quà tặng của mình tự thân đã là một liều thuốc đối trị với sự ghét bỏ bản thân và tự ti mà đôi lúc chúng ta mắc phải.
CUỘC ĐỜI RỘNG MỞ
MỌI VẬT THAY ĐỔI VÀ KẾT THÚC gợi ra nguyên mẫu của sự đổi mới, được phô bày trong chủ đề huyền thoại về sự phục sinh. Buông xả việc sở hữu sự vật vẫn tương đồng, cởi mở với đổi thay, chấp nhận sự đa dạng của những tình thế của đời người như là hợp lệ trọn vẹn, là sự tái sinh vào một thế giới tâm linh. Sự kiện đổi mới tự thân là một liều thuốc đối trị cho sự tuyệt vọng, là nền tảng để chúng ta tin tưởng rằng mình sẽ không bao giờ từ bỏ khả năng cứu độ trong bất cứ sự việc gì hoặc cho bất cứ ai.
SỰ VIỆC KHÔNG LUÔN DIỄN RA THEO KẾ HOẠCH gợi ra nguyên mẫu về sự đồng hiện, vốn bộc lộ tự thân trong một sự trùng hợp có ý nghĩa mà ta cảm thấy. Nói vâng với thứ định sẵn này là tin cậy rằng vũ trụ có một kế hoạch cho chúng ta và rằng sự vật đang phơi bày trong cuộc sống này đúng lúc để chúng ta trưởng thành. Đây là quan niệm Phật Giáo về nghiệp lực như là sự trùng hợp đầy ý nghĩa. Kế hoạch riêng của chúng ta dựa trên cái hiểu biết hạn hẹp của chúng ta. Sự kiện rằng sự việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và dẫn chúng ta tới những cách nhìn mới, có nghĩa là ân sủng đã diễn ra. Đây là năng lượng tâm linh hợp tác với sự triển khai của chúng ta và kích động trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta được kích động bởi những lí tưởng và cao vọng bày ra cho chúng ta một con đường để siêu thoát bản ngã. Nó là một tiến hoá mạnh mẽ hướng về ánh sáng ngày càng nhiều, tức là ngày càng nhiều thêm tâm thức giác ngộ trên trái đất này.
CUỘC SỐNG KHÔNG PHẢI LUÔN LUÔN CÔNG BẰNG là nguyên mẫu của nghiệp lực như một hậu quả của những chọn lựa tối tăm, với khả tính là chuộc lỗi và tha thứ tiếp theo sau. Khi chúng ta chấp nhận những sự bất toàn của công lí con người, là chúng ta chấp nhận khía cạnh đen tối của đời sống, của các biến cố và của người khác. Khía cạnh đen tối này cư ngụ trong tất cả chúng ta và phát triển bằng việc chúng ta làm điều ác đối với kẻ khác và chối bỏ nó bên trong chúng ta. Cái bóng là một thứ định sẵn của con người và các định chế. Chúng ta quả là ngây thơ nếu chúng ta trông chờ chính trực, công lí và tình thương. Chúng ta lạc lối nếu chúng ta ngưng hành động vì những điều đó với hết cả tấm lòng.
ĐAU ĐỚN LÀ MỘT PHẦN CỦA ĐỜI SỐNG gợi ra nguyên mẫu về sự cứu độ. Chừng nào chúng ta còn kiên trì với những khổ đau cần thiết và loại bỏ những khổ đau tự tại, là chúng ta đang được cứu độ, không mắc vào sợ hãi và mở lòng ra với những thách thức của tình thương. Hoà giải với đời sống như thể đó là cách giúp chúng ta tìm thấy sự cứu độ này, chúng ta không còn bị chặn đứng hoặc bị thúc đẩy bởi sợ hãi hoặc tham dục. Chúng ta có thể cảm thấy sợ và không thoả mãn nhưng chúng ta không bó buộc phải bị thúc đẩy hoặc chặn đứng vì hậu quả đó.
NGƯỜI KHÁC KHÔNG LUÔN LUÔN THƯƠNG YÊU VÀ TRUNG THÀNH VỚI CHÚNG TA gọi nguyên mẫu về tình thương vô điều kiện. “Người khác” là cha mẹ, đồng nghiệp, bằng hữu và mọi người trong đời sống của mình. Chúng ta có thể trưởng thành từ niềm đau đớn xảy ra trong những mối quan hệ hàng ngày. Chúng ta học được cách trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta không buông rơi kẻ khác. Chúng ta tha thứ cho lỗi lầm của họ và luôn thương yêu họ.
TẤT CẢ QUÂN BÌNH TRONG TÌNH THƯƠNG
Kế hoạch cá nhân của chúng ta sẽ diễn ra tốt đẹp nhất khi chúng thẳng hàng với một kế hoạch rộng lớn hơn. Điều này xảy ra khi chúng ta sống không chỉ vì bản thân và những người thân yêu mà còn sống cho cả thế giới. Từ tâm thân ái nuôi dưỡng sự đáp ứng này thành một sự quan tâm chung. Tự nhiên cũng làm như vậy, trong đó nó xếp đặt sao cho các loài có sự tương trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên, sự quân bình trong tự nhiên không phải luôn luôn hài hoà. Nó bao gồm cả sự hoang mang hay rối loạn nhất thời. Chúng ta ghi nhận cũng có sự hỗn mang như thế trong đời sống của chính chúng ta. Tuy vậy, còn có một cái gì đó trong chúng ta, một cái gì đó không bao giờ vơi cạn và có một sức sống bền bỉ qua những xáo trộn của cuộc sống. Cái gì đó này là năng lượng bao chứa chúng ta và vũ trụ, là cái gì bền bỉ trong chúng ta, vượt ngoài chúng ta, không bị tổn hại và nguyên vẹn bất kể điều gì xảy đến với chúng ta.
Chúng ta cố gắng dấn thân vào những sự tu tập tâm linh và rồi tiếp theo là những chuyển đổi đưa chúng ta vượt ngoài những giới hạn của cái Tôi. Những sức mạnh trợ giúp biến cái Tôi hoảng sợ thành một kẻ quán quân về tình thương, biến cái Tôi ngu dốt thành một vị cố vấn khôn ngoan, biến cái Tôi tan vỡ thành một người làm phép lạ. Thế rồi thiên nhiên dịu dàng ôm ấp cái Tôi, cái Tôi thoải mái để mình được ôm ấp. Đó là ý nghĩa cảm thấy được và sự hứa hẹn của một sự quân bình giữa một con người và thế giới, giữa cái tôi và nguyên mẫu, giữa năng lượng trần thế và năng lượng thần thánh.
Mong sao cho tôi tin cậy vào những sức mạnh giúp tôi biết được tôi là ai và tôi đang đi đâu, và mong sao tất cả những ai xem nhẹ số mệnh của mình nhận ra bằng chứng rõ ràng về số mệnh vô biên của họ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.