5 Sự Thật Không Thể Thay Đổi
CHƯƠNG 4: ĐAU KHỔ LÀ MỘT PHẦN CỦA ĐỜI SỐNG
Để tâm chúng ta nhu thuận, không nổi loạn trước quy luật khắt khe của sự sáng tạo, phải chăng có một nhu cầu tâm lí là tìm thấy một giá trị tích cực nào đó để có thể cải biến đau khổ thành tiến trình trưởng thành và sau củng khiến nó xứng đáng được chấp nhận? Dù tối tăm và gớm guốc, đau khổ đã được bộc lộ cho chúng ta như một nguyên lí hoạt động tối thượng cho sự nhân loại hoá và thần thánh hoá vũ trụ.
– PIERRE TEILHARD DE CHARDIN
MỘT THỨ ĐỊNH SẴN của đời sống nghĩa là mọi thứ đều có giá của nó, và đau khổ là một phần của giá đó. Thứ định sẵn này được phát biểu trong chân lí cao cả thứ nhất của Phật Giáo: Đời là khổ. Một cách khác để phát biểu chân lí hoặc thứ định sẵn này là đau đớn không phải là trừng phạt, khoái lạc không phải là phần thưởng. Đơn giản chúng chỉ là nét đặc trưng của bất kì sự sinh tồn nào.
Chúng ta đau khổ về mặt thể xác, tâm lí và tâm linh và chúng ta cũng tăng trường trong những đường lối đó. Đau khổ dường như là một thành phần của tăng trưởng trong suốt mọi giai đoạn và ở mọi bậc ngưỡng của sự phát triển của chúng ta. Tuy thế, đau khổ không phải là một cơ chế mà một quyền năng nào đó ở trên trời sử dụng để làm cho chúng ta tăng trưởng. Nó không bị áp đặt mà đúng hơn là được thiết kế nội tại ngay chính trong tính chát của sự thay đổi, đây là một huyền nhiệm khác mà cái Tôi vẫn luôn thoái thác.
Về mặt thể chất, đau đớn có thể xảy ra một cách sâu sắc, bằng một tai nạn bất ngờ hoặc một vết thương do ai đó gây ra. Đau đớn cũng có thể kéo dài và không thể chữa trị được. Một sự đau đớn về thể xác nào đó là do tự tạo và có thể là dấu hiệu của một sự rối loạn tâm lí trầm trọng.
Có nhiều loại đau đớn về tâm lí. Tất cả chúng ta đều có thể mắc các chứng bệnh tâm thần, bao gồm u uất, âu lo, ám ảnh, xung động, rối loạn cá tính và nghiện ngập. Đó có thể là hậu quả của những biến cố xảy ra trong đời sống của mỗi người, được khơi dậy bằng những mất mát, thất vọng, phản bội, bỏ rơi, v.v…
Thí dụ, chúng ta trải nghiệm một mất mát. Nó là một thứ định sẵn trong bất kì công cuộc hoặc hoạt động nào mà chúng ta ở thế phải chịu mất quyền chủ động. Chúng ta có thể mất một người cộng sự, cha hoặc mẹ, con cái, bằng hữu. Chúng ta có thể bị thương tổn hoặc cướp bóc khi chúng ta ở quê hương hoặc trong khi du lịch. Chúng ta có thể mất mát trong thị trường chứng khoán hoặc mất mát trong tình yêu. Không chấp nhận nỗi đau đớn trong những mất mát, lỡ vận, kết thúc, thiếu công bằng, hoặc bất cứ thứ định sẵn nào là một sự kém cỏi. Khó mà có thể sống hạnh phúc nếu không dễ dàng đối mặt với những quy luật của đời sống. Những thứ định sẵn trở thành những nguyên nhân của đau khổ khi chúng ta cứ luôn muốn loại bỏ hoặc chúng ta bị tổn hại khi giáp mặt với chúng. Bất cứ thứ gì trừ sự chấp nhận cũng là một chướng ngại.
Một số người kéo đau đớn và khủng hoảng vào mình, một số người gặp đau đớn và họ tạo cho chính mình cảm nhận đau đớn hơn bằng cách phản ứng lại nó. Tất cả chúng ta đều phải giáp mặt với đau đớn và khi trải nghiệm nó một cách tỉnh thức, chúng ta chỉ đơn giản cảm nhận nó như thể nó là.
Khi chúng ta tăng thêm những tầng lớp của cái Tôi, những sợ hãi, trách cứ, xấu hổ, bám víu, than vãn, hoặc ám ánh, chúng ta chỉ làm cho sự việc tồi tệ hơn.
Đây là một ví dụ: tôi có một vụ đầu tư thua lỗ. Nỗi đau gắn liền với một sự mất mát như thế là sầu não. Tôi tăng thêm những chiều kích mới mẻ và hung bạo hơn vào nỗi buồn của tôi về sự mất mát này khi tôi trách cứ mình là ngu ngốc và cứ bị ám ảnh mãi về lỗi lầm đó. Thế rồi tôi cố gắng kiểm soát mọi khoản chi tiêu và đầu tư quá cẩn trọng và trở nên hốt hoảng về việc tiêu tiền. Bây giờ tôi bị mắc kẹt trong những xiềng xích do chính tâm trí tôi tự tạo ra. Đây là lí do tại sao việc buông xả cái Tôi là then chốt cho sự giái thoát. Nó cho phép chúng ta trải nghiệm thực tại với những hậu quả tự nhiên của nó, vốn chẳng bao giờ khắc nghiệt như chúng ta nghĩ. Thêm nữa thực tại cùng những hậu quả của nó, những sự đồng hiện đáng tin cậy dẫn ta tới những viễn cảnh và những khả tính mới.
Có một số người sống đời an nhiên tự tại không hề có khủng hoảng hoặc những mối đau lớn. Đó là tình cờ hay là có chủ đích? Jung nói: “Không có chỗ cho tình cờ trong thế giới chứa đựng ý nghĩa của tâm thức.” Phật Giáo liên hệ mọi biến cố với một trật tự vô hình của nghiệp lực. Tâm lí học chiều sâu cũng nhìn mọi vật xảy ra như những con đường mang tính đồng hiện để tìm ra và sống cho ra toàn bộ tiềm năng của chúng ta.
Những biến cố xảy ra để bộc lộ sự thật về đời sống của chúng ta, một sự thật mà chúng ta nỗ lực chạy trốn, xoá bỏ hoặc đảo ngược. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiếu được tại sao một số sự việc lại xảy ra. Có lẽ nhu cầu hiểu biết là một phần trong yêu cầu của cái Tôi muốn giữ quyền kiểm soát. Lối sống ấy không thích hợp với những điều huyền nhiệm mà chúng ta gặp trong đời sống. Nếu một tôn giáo giải thích mọi điều, chúng ta sẽ bị cắt lìa khỏi một cảm thức ngạc nhiên về thế giới và khỏi sự khiêm tốn về bản thân chúng ta.
Mọi truyền thống dường như thoá thuận rằng trưởng thành được tìm thấy qua khổ đau. Tại sao? Đó là một huyền nhiệm và không có câu trả lời nào làm thoả mãn được liên hệ với chân lí cao cả thứ nhất – sự không thoả mãn dằng dặc của kiếp người. Nó chỉ có thể đón chào bằng một sự chấp nhận, không phải hoá giải bằng một lời đáp.
Trong Phật Giáo, nghiệp lực là nền tảng của sự tin cậy những gì xảy ra, của sự tin cậy nỗi đau mà chúng ta không hề trù hoạch. Niềm tin vào nghiệp lực đòi hỏi sự tin cậy rằng có một điều gì đó đang diễn ra mà cái Tôi không thể nhận biết. Có lẽ đây là một cái chúng ta không biết là gì, chúng ta không biết ra sao, nó luôn luôn hoạt động để cho cuộc chiến đó có thể tiến hành và viên mãn qua chúng ta. Một cái gì đó trong thực tại của chính chúng ta đang luôn cải biến qua nỗi đau của chúng ta.
Phải chăng điều này có nghĩa là lạc thú trong khổ đau?
Người ta có nói về khổ đau rằng chúng ta sẽ không bao giờ được ban cho khổ đau nhiều hơn khả năng chịu đựng của chúng ta. Cái chúng ta có thể chịu đựng tỉ lệ thuận với sức mạnh nội tâm và những tài nguyên chúng ta đã thu thập được trong dòng đời. Một kho báu về tự nhiên, thi ca, nghệ thuật, âm nhạc, tình thương, sự toàn vẹn tâm linh; một cảm thức mạch lạc về tự ngã, sự tiếp cận một mức độ trưởng thành của một quyền năng cao cả hơn.
Khả năng đối mặt với khổ đau của chúng ta tăng trường phù hợp với sự tu tập tâm linh của chúng ta và công cuộc tâm lí của chúng ta. Nhưng ngay cả khi chúng ta đã tác động lên bản thân, vẫn còn có những biến cố không nằm trong dự tính. Sự khiêm tốn nằm trong việc chấp nhận thực tại với tất cả những bất ngờ của nó và việc chấp nhận bản thân chúng ta với tất cả những giới hạn của chúng ta. Chúng ta học cách xoay xở với bất cứ điều gì xảy đến không chỉ qua việc chúng ta tác động lên bản thân. Trong thời thơ ấu, chúng ta gắn bó bản thân và niềm tin cậy với những người chăm sóc và bao bọc chúng ta. Cha mẹ canh chừng để chúng ta không phải đương đầu quá mức chúng ta có thể chịu đựng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ chẳng bao giờ bị thương tổn hoặc trở thành bất tử. Nó có nghĩa là chúng ta sẽ chấp nhận sự hỗ trợ của kẻ khác và làm hết khả năng của chính mình để cho cuộc sống mở ra bằng chính những hạn từ của nó.
Sự quyến luyến của chúng ta với cha mẹ luôn canh giữ, bao bọc giúp chúng ta học cách tự vệ. Những trải nghiệm an trú lặp lại dẫn tới một cảm thức về sự an toàn bên trong: “Bởi tôi đã được giúp đỡ để đương đầu với sự việc, bây giờ tôi có thể đương đầu với những gì xảy ra cho tôi.” Là những người lớn lành mạnh chúng ta có một cơ sở an toàn theo kiểu mẫu và được ban tặng do những bậc cha mẹ chăm sóc chúng ta.
Những người trải qua đau khổ nghiệt ngã sau này có thể chịu mắc phải chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Một sự ngoại lệ đáng kể đã được nhận thấy trong những người Tây Tạng bị gặp nạn. Họ dường như phục hồi hoàn toàn. Trong suốt khổ nạn họ vẫn tập trung vào việc thực hành từ bi đối với những kẻ áp bức và trong ý thức của họ về việc tác động qua nghiệp lực. Do đó những người Tây Tạng chấp nhận hoàn cảnh thực tại khắt khe của họ trong một cung cách vô ngã. Họ không trả đũa về sau. Họ không thù ghét những kẻ bắt hại họ. Họ trải nghiệm một sự an nhiên khiến họ tiếp tục đời sống với tình thương nguyên vẹn. Điều này là một biện luận hùng hồn cho sự cần thiết của tu tập tâm linh nếu chúng ta muốn sống lành mạnh.
CHÚNG TA CÓ PHẢI LÀ NẠN NHÂN?
Khi Thượng đế được xem như một đấng cứu vớt hoặc cha mẹ trên trời, chúng ta có thể lệ thuộc vào Ngài để được che chờ hoặc mất lòng tin nếu Ngài không đáp ứng. Khi chúng ta từ bỏ đời sống của trẻ con, chúng ta đứng trên đôi chân của chính mình.
Khi không có ‘cha mẹ’ nào canh chừng, chúng ta ghi nhận rằng có những lúc chúng ta phải gánh chịu nhiều hơn sức chúng ta có thể, và chúng ta có thể phải uốn mình dưới áp lực đó. Điều này cũng đòi hỏi một sự chấp nhận. Mục đích của chúng ta trong đời không phải là luôn giữ vững tư thế thẳng đứng trong mọi lúc mà là tạm thời nhượng bộ nếu đó là điều phải xảy ra. Sự kiện của vô thường cho chúng ta niềm hi vọng rằng chúng ta sẽ trỗi dậy một lần nữa. Ngay cả vị anh hùng gan dạ nhất cũng đôi khi bị đánh bại và phải dựa vào người giải cứu. Vậy đời sống là một hành trình, chúng ta trưởng thành không chỉ bằng việc chinh phục sợ hãi mà đôi khi còn bằng cách quy thuận nó. Như vậy, sự kiện rằng chúng ta được ban cho nhiều hơn sức chịu đựng đôi lúc không phải là một sự khiếm khuyết trong đời sống hoặc trong chúng ta mà là một trong những cung cách đế chúng ta hoàn thành bản năng bằng cách tháo gỡ những cái Tôi theo chủ nghĩa cá nhân thô ráp. Chúng ta học cách trông cậy vào kẻ khác, mặc dù bất toàn, và như thế thừa nhận mối tương liên của chúng ta.
Một người trưởng thành biết rằng họ không thể tránh được việc trở thành nạn nhân. Đôi khi chúng ta bị lợi dụng, lừa gạt hay bị phản bội. Mặc dù chúng ta cố gắng tránh tất cả những điều này hay tìm cách quật khởi mạnh mẽ khi chúng xảy ra, chúng ta cũng không thể hoàn toàn né thoát được chúng.
Bất cứ ai cũng có thể bị tổn thương và một cái Tôi không thể thích ứng với hoàn cảnh và vượt qua hoàn cảnh sẽ trở thành vật cản trở cho sự phát triển tâm linh. Nếu mọi sự đổ vỡ, tôi sẽ xử lí nó bằng cách ở cùng với các mảnh vỡ và rồi lượm chúng lên. Việc thực tập kết nối các mảnh vỡ giúp chúng ta phân biệt các nạn nhân: một số nạn nhân chịu trận đau đớn và bị khinh miệt. Họ trông chờ ai đó đi ngang qua và giải thoát cho họ. Họ trở nên ngày càng dễ trở thành mồi săn.
Tuy nhiên, những nạn nhân khác chỉ bị tổn thương, phơi mở và tự trải nghiệm những tổn hại mà đời sống và tương quan đôi khi mang lại. Họ bị thương tổn, nhưng họ có một sức mạnh tâm linh để đương đầu với những thương tổn đó. Họ không gây thương tổn lại cho kẻ khác. Họ cũng không chịu để bị thương tổn thêm. Họ đứng lên bảo vệ bản thân và yêu cầu sự sáng suốt cho những người làm thương tổn họ. Đây là cung cách họ mở lòng ra hơn bao giờ hết và trở thành mạnh mẽ đối kháng lại những kẻ săn mồi trong khi vẫn sẵn sàng đón nhận những hòn đạn và mũi tên của tình thương. Họ có thể là nạn nhân nhưng họ không bị thương vong.
Đau đớn đôi khi là thiết thân. Ai đó nói một điều gì làm tôi tổn thương. Ai đó đem tôi làm vật tế thần hay xúc phạm niềm tin, chủng tộc hoặc khuynh hướng tính dục của tôi. Một tội ác như vậy được gọi là cái bề mặt tối đen của loài người. Không ai có thể hoặc được đặt định để xử lí bề mặt tối đen đó; chúng ta cần một cộng đồng để chứa giữ nó và xử lí nó. Nếu không, chúng ta cảm thấy bị cách li và phân mảnh một cách khủng khiếp. Tuy nhiên, “sự cô quạnh của tôi bắt đầu tạo ngay một đời sống tốt đẹp hơn,” Cleopatra nói trong vờ kịch Antony và Cleopatra của Shakespeare. Chúng ta có thể đối mặt với hoàn cảnh của mình và tán thường nó như một lối đi. C.G. Jung cho rằng: “Ý nghĩa khiến cho sự vật có thể chịu đựng được”. Điều này bảo cho chúng ta biết chúng ta có thể chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta. Vậy chấp nhận là cách thức giải thoát và chuyến hoá chúng ta. Nhà hiền triết Ấn Độ giáo Govinda nói: “Chúng ta được chuyển hoá bởi những gì chúng ta chấp nhận. Chúng ta chuyển hoá những gì chúng ta đã chấp nhận bằng cách hiểu rõ nó.”
CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ MÀ TỰ NHIÊN ĐEM LẠI
Cứu vớt là một sự chia lìa và giải thoát ra khỏi tình trạng tăm tối và sự vô thức trước đây, dẫn tới tình trạng soi sáng và chiến thắng mọi thứ “định sẵn”
– C.G. JUNG
Câu chuyện về sự giác ngộ của Đức Phật cho chúng ta thấy rằng đau đớn và tối tăm là thành phần của vạn vật và rằng tự nhiên là một đồng minh trong công cuộc giáp mặt với thực tại của đời sống. Theo truyền thuyết, sau nhiều năm tìm kiếm về tâm linh, Đức Phật ngồi thiền định dưới một cây bồ đề và nguyện rằng không rời khỏi vị trí đó cho tới khi đạt tới giác ngộ. Khi Ngài ngồi đó, những thế lực đen tối của Mara (đạo quân ác quỷ) đã tấn công Ngài.
Khi Đức Phật tìm thấy giác ngộ, chư quỳ cảm thấy ngỡ ngàng trước việc có quá nhiều ánh sáng tràn ngập thế gian. Đây là sơ mẫu của sự kết hợp các mặt đối lập: ánh sáng kích động bóng tối và bóng tối kích động ánh sáng. Cái thiện bị các ác lực tấn công và các lực của cái thiện chiến đấu với những sức mạnh của bóng tối.
Cái bóng là từ C.G. Jung để chỉ mặt đen tối của tâm thức, được nhân cách hoá và nhập thể vào những sự kiện cá nhân cũng như tập thể trong lịch sử. Những hoang mang và xung động bóng tối của chúng ta phục vụ để chúng ta trở nên lí thú hơn với bản thân. Bởi vì tự nhiên dự phần vào ý thức, nó cũng có bóng tối. Nó mang những động đát, lũ lụt, núi lửa, bão lốc, sóng thần, v.v…
Tự nhiên không phải chỉ là hoa và thỏ, nó gồm chứa một số những thành tố không vui và huỷ diệt đến cao độ. Yêu thiên nhiên không có nghĩa là hưởng thụ tất cả những thăng trầm và những tình thái của nó. Nhưng nó quả có nghĩa là vinh danh tất cả mọi mùa màng và khả tính. Sự vinh danh này mang dạng thức gì? Nó là sự chấp nhận những khía cạnh đau đớn hoặc không hấp dẫn của tự nhiên như là cần thiết và không thể né tránh. Đây là sự thân thiết, làm bạn với đen tối hơn là sợ hãi hoặc thù ghét nó. Chúng ta tạo một chỗ ở trong bùn, cho bùn nhơ, cho những loài côn trùng có nọc độc, chuột bọ, những vật và những nơi dường như xấu xí đối với chúng ta, những hương và vị chúng ta không thưởng thức, những biến cố bất ngờ làm chúng ta kinh hoàng và tổn hại. “Tôi ngắm những con rắn nước… không một lời nào tả được vẻ đẹp của chúng,” người thủy thủ già nói trong khoảnh khắc giác ngộ (trích từ Ancient Mariner của Coleridge). Giác ngộ là nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối, một sự kết hợp khác của các mặt đối lập.
Chúng ta có thể thốt ra một sự chấp nhận tỉnh thức vô điều kiện, cho những biến thiên của sáng và tối trong sự sinh tồn của chúng ta trên hành tinh này mà không than phiền hoặc do dự. Duy trì một thế giới tách lìa xấu và tốt nghĩa là chúng ta tự phân chia sợ hãi một bên và ham muốn một bên. Chấp nhận thực tại như là hợp nguyên, chứa mọi đối lập và hoà giải chúng, là tự do thoát khỏi xích xiềng của sợ hãi và ham muốn. Đây là cách mà sự lành mạnh và trong sáng tâm lí có thể là những cơ hội cho sự tỉnh thức.
Trong Phật Giáo và trong nhiều tôn giáo khác, chúng ta gặp những hình tượng của các chư thần trong cõi tự nhiên ban phước và thịnh nộ. Đây là sự nhân cách hoá đời sống nội tâm của chúng ta. Khi chúng ta bị mắc vào cái Tôi, những hình mẫu của đời sống nội tâm chúng ta xuất hiện như là thịnh nộ; khi chúng ta tỉnh thức, chúng xuất hiện như là phúc lành.
Chúng muốn làm bạn với chúng ta và thử thách sự trung thành của chúng ta dưới dáng vẻ đáng sợ. Những hình tượng của cái bóng vốn đe doạ chúng ta trở thành các đồng minh, bởi vì khi chúng ta giáp mặt với chúng, chúng ban cho chúng ta sự không sợ hãi. Điều này xảy ra khi chúng ta được điều động bằng sự chấp nhận giác ngộ hơn là câu hỏi tại sao.
Ở CÙNG VỚI ĐAU KHỔ CỦA KẺ KHÁC
Sự thiền định tỉnh thức cốt yếu là một sự tu tập hàng ngày. Chúng ta có thể nói tới hai loại thiền định. Loại thứ nhất có thể gọi là thiền định, trong đó chúng ta chú tâm tới một ý tường, đối tượng, hoặc hình ảnh trong sự an trú tĩnh lặng, tức là không bị ngắt quãng hoặc điều động bởi những khuôn tâm trí của cái Tôi, chẳng hạn sự sợ hãi hoặc ham muốn. Loại thứ hai là thiền quán, trong đó chúng ta không tập trung vào một đối tượng bên ngoài mà chỉ đơn giản ghi nhận hoạt động từng giây từng phút của tâm trí chúng ta. Chúng ta ghi nhận sự lao xao tiếp diễn trong đầu chúng ta và nhận thức được nó có thể dẫn dắt chúng ta như thế nào tới sự tin tưởng rằng chúng ta là một thực thể tách lìa. Thực vậy chúng ta là những hữu thể riêng biệt, nhưng khi chúng ta cố định vào sự kiện đó, chúng ta không nhìn ra sự thực khác về chúng ta – đó là chúng ta tương liên và không tách lìa trong bất cứ một cung cách cố định hay độc lập nào. Sự tỉnh thức bộc lộ bản tính chân thực của chúng ta trong tự nhiên.
Jung ghi nhận một kích thước tích cực trong sự lao xao tâm trí dường như trở thành triền miên trong suốt khi thiền định: ông coi đó như một đường lối để thăm dò những hình tượng và tư tưởng của cõi vô thức. Đức Phật dạy rằng chúng ta nên sống với sự hiện diện tỉnh thức trong từng khoảnh khắc. Heinz Kohut, một nhà tâm lí của Tự ngã nói về “hoà mình đồng cảm”. Đây là sự hiện diện tận tuy của người trị liệu với thân chủ, hoặc của người bạn với người bạn, không bị chướng ngại vì phán đoán, vì những kế hoạch để cố định hoặc thay đổi kẻ khác, hoặc phóng chiếu cá nhân.
Sự hiện diện tỉnh thức có nghĩa là một người bước vào khu vườn nội tâm của người kia và dạo bước qua đó mà không dẫm đạp lên bất cứ bông hoa nào, mà không trách cứ một ai vì sự có mặt của cỏ dại, với sự tỉnh thức to lớn cho tất cả thời gian, nỗi đau, và sự trưởng thành như nó hiện là. Làm sao điều này có thể được hoàn tất trong những mối tương quan của chúng ta ? Nó cần một tiêu điểm dấn thân vốn xảy ra tốt đẹp nhất trong sự siêng năng, là sự chú tâm trần trụi, đầy tỉnh thức của một nhân chứng tinh nhanh, thấy và tham gia mà không mắc vào những khuôn đúc tâm trí phân tán của sợ hãi, ham muốn, kiểm soát, phán đoán, hoặc phóng chiếu.
Giác ngộ như vậy dẫn tới việc giúp bản thân chúng ta thoát khỏi tấm áo nặng nề của cái Tôi. Rồi chúng ta tự động để cho ánh sáng chiếu qua, bởi vì cái Tôi của chúng ta không còn nằm chắn lối. Chúng ta trở thành một phương tiện vận chuyển của ánh sáng, không phải một tảng đá chắn đường. Ở lại cùng với chính chúng ta hay người cộng sự của chúng ta theo lối này đòi hỏi chúng ta phải được tự do thoát khỏi nhu cầu ổn thoả sự việc hoặc đảm đương việc kiểm soát. Một người chỉ đơn giản chấp nhận sự thật của người kia bất kể nó có thể không sáng tỏ, đứt đoạn, tuyệt vọng, hoặc mảnh mún như thể nào. Trong sự hiện hữu tỉnh thức và từ bi, chúng ta hoàn toàn có thể trôi nổi hơn là chảy đúng dòng. Mọi biến thiên của kinh nghiệm con người đều được đón tiếp trong cái thiền đường từ ái này. Trong truyền thống Phật Giáo, Quan Thể Âm Bồ Tát là vị Phật của lòng từ bi, tên Ngài nguyên nghĩa là “người lắng nghe tiếng kêu khóc của mọi chúng sinh đang đau đớn.” Nghe thấy ắt phải là một sự thực hành có khả năng chữa lành. Sự hiện hữu đồng cảm có nghĩa là lắng nghe nỗi đau đớn của ai đó với sự chú tâm (A- attention), tiếp nhận (A-acceptance), hân thưởng (A-appreciation), thương yêu (A-affection) và cho phép (A- Allowing). Chúng ta chú tâm mà không bị đãng trí. Chúng ta chấp nhận những gì được nói ra mà không sửa đổi, thêm thắt. Chúng ta cảm thấy một sự quan tâm chân thực về những gì đã xảy ra và có thể xảy ra với con người này. Chúng ta cho phép bất cứ cảm xúc nào mà người khác áp dụng trong khoảnh khắc này, chúng ta không toan tính trách cứ hoặc chặn đứng người đó.
Một người bạn đang đau khổ sẽ sớm biết chắc chắn rằng những bối rối, u uất hoặc hoang mang của họ luôn có thể được chấp nhận khi họ ở quanh ta. Con người đang đau khổ sẽ được đón nhận trong bầu không khí của sự thông cảm. Người đó sẽ tìm thấy một người đồng hành có thể ngồi với mình trong bóng tối. Yếu điểm của người đó có thể được chỉ ra mà không bị trách cứ hoặc làm cho xấu hổ.
Sự tu tập tâm linh về sự hiện hữu không có những hàm nghĩa nghịch lí. Bởi vì khi một trạng thái cảm xúc hoặc một trải nghiệm tức thời được lắng nghe trong sự an toàn trọn vẹn, một điều kì diệu sẽ xảy ra. Một chuyển thế tự động nảy sinh. Một khi ai đó trải qua một khoảnh khắc tự thân đánh giá sâu sắc thì họ sẽ tìm thấy cảm giác buông xả và tiến tới từ sâu thẳm trong tâm thức. Việc thực hành đồng cảm này không là gì khác hơn với sự chấp nhận vô điều kiện áp dụng cho kinh nghiệm trực tiếp về khổ đau.
Cảm thấy hối tiếc cho một ai đó không phải là biểu hiện của lòng từ bi. Từ bi xuất hiện khi chúng ta chấp nhận kẻ khác như một người bình đẳng và coi nỗi đau của kẻ khác như nỗi đau của chính mình.
“Chúng ta chỉ cần ngồi cạnh nhau và cùng nhau nhìn sự việc. Sự việc xảy ra cho bạn hãy để tôi ở đây với bạn và chúng ta cùng nhau chứng kiến.” Không phải tôi mà chúng ta cùng là nhân chứng của thực tại.
Đây là đặc trưng then chốt của nghịch lí. Chỉ trong sự tỉnh thức hỗ tương thì sự chuyển đối chữa lành mới có thể xảy ra.
Khi chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm đau khổ một cách tỉnh thức, chúng ta thấy người khác đồng cảm nhiều hơn với mình và người đó tự nhìn họ với sự đồng cảm nhiều hơn, một sự dịu nhẹ như thế đối với biến cố và đối với chính mình. Nếu nó khiến người ta xấu hổ, tức là nó đã bị nhìn với sự kiểm duyệt. Một sự chiêm ngắm tỉnh thức sẽ làm tan chảy điều đó. Nếu nó đã căn cứ trên sợ hãi, thì nó sẽ mở ra cho những mắc kẹt hơn, và sợ hãi nhờ đó mà phát triển. Khi áp dụng sự tỉnh thức đồng cảm này tôi là người hưởng lợi bởi vì tôi học cách nhìn nhận với sự tò mò thương yêu. Tôi có thể nhìn ngắm phong cảnh dưới ánh trăng hơn là đòi hỏi một khu vườn xanh tốt. Tôi có mặt với cái đang hiện hữu, không phải loại trừ nó để bênh vực điều mình ưa thích. Tôi không có chất vấn hoặc đề nghị nào, tôi chỉ đơn thuần chú tâm tới lời lẽ, cảm xúc, tâm thái, cử chỉ, ngôn ngữ hình thể, ánh mắt và bất cứ nguồn giao tiếp nào khác. Tôi nhận thức rõ ràng về cái tôi mà không can dự vào cảm xúc của người khác. Khi tôi kết hợp sự soi chiếu và sự đồng tình theo cách này, tôi truyền đạt tới người khác sự tương đồng. Tôi tạo dựng một nơi mà trong đó ngay cả những khoảnh khắc gây kinh hoàng nhất của người khác cũng được chấp nhận, tồn tại và sống sót.
Những lớp phủ tâm trí của chúng ta như sợ hãi, ham muốn kiểm soát, ảo tưởng hoặc phóng chiếu là thông thường với tất cả chúng ta. Chúng ta nghĩ đến những giải pháp khi chúng ta đối mặt với những vấn đề. Tỉnh thức có nghĩa là bước xuống khỏi luồng tư tưởng ấy. Trong tỉnh thức, những khuôn đúc tâm trí của chúng ta có thể treo ngưng lại để chúng ta thực sự có mặt với nỗi khắc khoải trần trụi của một ai đó. Nếu ghi nhận chính mình đang phán đoán, tôi chỉ cần chứng kiến nó, trở lại ngay với khoảnh khắc và với cái mà người đối diện với tôi đang trải nghiệm. Nếu tôi ghi nhận rằng tôi đang chuyển những sợ hãi của mình lên người khác, thì tôi lại hướng sự chú tâm của mình vào cái mà người khác đang trải nghiệm.
Tôi ghi nhận rằng khi tâm trí của tôi – sợ hãi, phán đoán, trách cứ, quyến luyến – thoái lui, tôi tiếp xúc nhiều hơn với tâm tôi và sự đồng cảm của nó. Tôi không nhìn nhận người khác như một nạn nhân. Tôi nhìn tất cả đơn giản chỉ như sự kiện và sự kiện này tự xuất hiện trước tôi với một sự nhức nhối mãnh liệt và thách đố.
Sự đồng cảm của chúng ta cũng trải rộng với chính bản thân chúng ta. Tất cả chúng ta đều kiến thiết một bản tự thuật cuộc đời để lên án hoặc xoá tội cho chúng ta hoặc những kẻ khác. Từ câu chuyện mà chúng ta cứ mãi kể cho chính chúng ta và những người khác, chúng ta hình thành một tập hợp những kịch bản ngự trị; chẳng hạn, chúng ta là nạn nhân bị bỏ rơi trong quá khứ hoặc chúng ta là nạn nhân của cung cách mà người khác đang đối xử với chúng ta. Những kịch bản này giải thích tình trạng của chúng ta trong đời sống và gỡ chúng ta khỏi cái mốc phải sửa sang đời chúng ta trong những cung cách có ý thức. Sự hiện hữu tỉnh thức trong nỗi đau đớn của chính chúng ta là sự ra khỏi cái ảo tưởng nương náu đó. Nó là sự nhập vào cõi thực hiển hiện hơn là ẩn trong cõi huyễn áo âm thầm.
CÕI CHÂN KHÔNG PHONG PHÚ
Khi chúng ta nhận ra rằng cõi chân không vĩ đại tràn đầy khí, chúng ta biết rằng không có cái gì là hư vô.
-TRƯƠNG TÁI (CHANG TSAI)
Thi sĩ La Mã Ovid viết: “Bạn có thấy không, một năm có bốn mùa, giống như cuộc đời của một con người?” Những tiết mùa phản ánh những thời kì sáng và tối trong cuộc đời của chúng ta. Trông mong tuổi xuân mãi mãi thì không phải là một lối sống trưởng thành. Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, giai đoạn sinh sôi của cây cỏ và muông thú. Vào mùa hạ, đời sống nảy nở trọn vẹn như các con thú non được sinh ra hoặc lớn lên và trái cây chín muồi. Vào mùa thu, sự tăng trưởng thịnh mãn đã sẵn sàng cho gặt hái. Vào mùa đông, tất cả tiến vào một trạng thái nghỉ ngơi và không sinh sản như nhiều loài thú ngủ qua mùa đông. Các mùa cứ tuần tự lặp lại theo chu kì. Đời sống của chúng ta cũng vậy. Mỗi giai đoạn đều xô đẩy chúng ta vào sự thách đố nhức nhối của riêng nó. Những mùa tối là tiên quyết cho sự canh tân. Một bông hồng chỉ có thể tái xuất hiện vào mùa xuân sau nếu nó phó mình thành hạt giống và chết đi. Chúng ta có thể giải quyết bằng nhiều cách đề sống trong những cách mới. Tự nhiên là kiểu mẫu của sự buông xả tỉnh thức trọn vẹn. Nó chỉ đơn giản quan sát tiết mùa của mình và đi qua chúng. Mục đích của chúng ta không phải là giống Tự nhiên trong cung cách ấy. Chúng ta bắt chước sự buông xả chứ không phải sự khắc kỉ bề ngoài của nó. Những giọt lệ của chúng ta là quý báu, cần thiết, và là thành phần tạo chúng ta thành những tạo vật thiết tha đến thế.
Hành tinh Trái Đất của chúng ta có những khu hoang mạc rộng lớn, đại diện cho mặt tối của thế giới bừng nở. Thiên nhiên là một ần dụ cho đời sống nội tâm của chúng ta. Chúng ta có thể trông chờ một khoảng thời gian trầm lặng như sa mạc quặn thắt, không có gì di động hoặc tăng trưởng. Đó là một thời kì không có ánh sáng trong đời sống khi sự vật không cải thiện mặc cho chúng ta nỗ lực bao nhiêu, khi những tu tập tâm linh của chúng ta trở thành mỏng lét và chẳng an ủi gì. Đó là mặt bóng khốc liệt của cõi thế giới tâm lí chúng ta, một vùng hoang không nhìn thấy dấu chân trời giải cứu.
Chúng ta hân thưởng những hoang mạc như những địa hình hữu ích của hành tinh này. Nhưng chúng ta lại thường không tin cậy rằng những khoảnh khắc trống rỗng và hoang vắng của chúng ta có thể là những thời kì hoài thai trong hành trình tiến hoá của thế giới nội tâm. Mỗi ngày đều bao gồm buổi trưa sáng tỏ và nửa đêm huyền nhiệm. Điều này xảy ra quá đều đặn với tất cả chúng ta, cũng giống như chúng ta bất hạnh lúc này và hạnh phúc khi khác. Chúng ta được nuôi dưỡng bằng ánh sáng và bóng tối. Phong cách tâm linh giúp chúng ta tìm ra con đường để chấp nhận cả ánh sáng và bóng tối trong tỉnh thức.
Chẳng phải những rừng này
Thoát hiếm nghèo hơn là triều đình ghen tị?
Nơi đây ta chỉ cảm thấy sự việt vị của Adam
Sự khác biệt các mùa, như nanh vuốt giá băng
Và sự rầy la nhỏ nhen của gió bấc
Khi nó chích và thổi trên thân tôi
Đến khi lạnh co ro, tôi vẫn mỉm cười, nói
“Chẳng nịnh đâu: đây là những cố vấn
Thiết tha thuyết phục tôi rằng mình là ai. ”
(W. Shakespeare, As You Like It)
Khi tôi chấp nhận thực tại khổ đau, tôi nguyện chấp nhận mặt tối của đời và tìm ra một lối qua đó, tôi nguyện trở thành một bạn đường từ bi cùng với những ai cũng khổ đau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.