Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn

CHƯƠNG 10. NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU ? LỰA CHỌN, THẤT VỌNG VÀ CHÁN NẢN



Như tôi đã nêu, nếu chúng ta có vô số lựa chọn thì chúng ta nhận được kết quả tốt hơn khi quyết định so với nếu chúng ta chỉ có ít lựa chọn, nhưng thực ra chúng ta lại cảm thấy không hài lòng với quyết định của mình hơn so với khi chỉ có ít lựa chọn. Tuy nhiên vấn đề ở đây không chỉ gây ra một chút thất vọng. Tôi cho rằng quá nhiều lựa chọn có thể dẫn tới sự đau khổ thật sự. Khi kết quả của những quyết định – về những việc vặt vãnh hay những việc quan trọng, về những vấn đề cần mua hay về công việc hoặc mối quan hệ nào đó – làm ta thất vọng thì chúng ta sẽ hỏi tại sao. Và khi chúng ta hỏi tại sao, các câu trả lời mà chúng ta nghĩ ra thường khiến chúng ta tự trách mình.

“Chỉ số hạnh phúc” của người Mỹ trong hơn một thế hệ qua đã luôn đi xuống từ từ. Mặc dù người Mỹ có tổng sản phẩm quốc nội – tiêu chí chính để đo sự thịnh vượng – tăng hơn gấp đôi trong hơn 30 năm qua, nhưng tỉ lệ dân số tự cho mình “cực kỳ hạnh phúc” lại giảm khoảng 5%. Con số này nghe có vẻ không nhiều nhưng 5% lại tương đương với khoảng 14 triệu người – những người này đã từng nói rằng họ hạnh phúc trong những 70 năm, nhưng giờ đây họ không cảm thấy thế nữa. Tình trạng như thế cũng xảy ra đối với những người được hỏi những câu hỏi cụ thể hơn về mức độ hạnh phúc trong hôn nhân, công việc, tình trạng tài chính và nơi ở. Dường như xã hội Mỹ ngày càng giàu có hơn, người Mỹ ngày càng có nhiều tự do theo đuổi và làm những việc mình muốn hơn, và chính họ cũng lại cảm thấy càng ngày mình càng ít hạnh phúc.

Biểu hiện đáng kể nhất của sự sụt giảm mức độ hạnh phúc của xã hội là ở sự phổ biến của tình trạng chán nản bệnh lý, con người nằm ở tận cùng bên kia của “thước đo hạnh phúc”. Một vài thước ước lượng cho thấy tình trạng buồn chán và năm 2000 đã tăng khoảng gấp 10 lần so với vào năm 1900.

Những chịu chứng chán nản bao gồm:

– Mất niềm vui hoặc hứng thú trong những hoạt động thường ngày bao gồm công việc và gia đình.

– Kiệt sức, buồn chán.

– Cảm giác vô dụng, tội lỗi và tự trách mình.

– Do dự.

– Không có khả năng tập trung hay suy nghĩ thấu đáo.

– Suy nghĩ thường xuyên về cái chết, có cả ý định tự sát.

– Mất ngủ.

– Không có hứng thú về tình dục.

– Chán ăn.

– Buồn chán: cảm thấy vô dụng và tuyệt vọng.

– Đánh giá thấp bản thân.

Ngoài việc rõ ràng rằng nạn nhân của sự chán nản cảm thấy khổ sở, chán nản còn gây thiệt hại đáng kể cho xã hội nói chung. Bạn bè, đồng nghiệp, bạn đời và cả con cái của người bị chứng chán nản cũng bị vạ lây. Con cái ít được chăm sóc hơn, bạn bè thì bị lãng quên hay bị đối xử không tốt, đồng nghiệp phải gánh những gì họ gây ra do làm việc chểnh mảng. Ngoài ra những người bị chán nản cũng hay đau ốm hơn. Những người mắc chứng chán nản nhẹ sẽ làm việc với năng suất thấp hơn những người không bị chứng chán nản 1,5 lần, và những người bị nặng thì thấp hơn đến 5 lần. Những người mắc chứng này chết sớm hơn do nhiều nguyên nhân, trong đó có bệnh tim. Dĩ nhiên, tự sát chính là hậu quả tệ nhất của chứng buồn chán. Những người mắc chứng này có tỉ lệ tự tử cao gấp 25 lần so với người không mắc, và có khoảng 80% những người tự sát là do buồn chán quá mức.

Tình trạng chán nản bệnh lý là một hiện tượng phức tạp có nhiều dạng và chắc chắn có nhiều nguyên nhân. Khi hiểu biết của chúng ta về chứng chán nản tăng, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng cái mà chúng ta từng cho rằng chỉ là sự rối loạn mang tính cá nhân, đơn lẻ thì bây giờ là một tập hợp các rối loạn đi kèm nhau với những biểu hiện trùng lặp nhưng có nguyên nhân rõ ràng. Vì vậy bạn cần hiểu rằng việc thảo luận về chứng chán nản sau đây sẽ không chỉ dựa vào trải nghiệm của những người phải hứng chịu mà còn dựa vào một số vấn đề nảy sinh khác, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về hiện tượng này.

Tình trạng bất lực, tự chủ và chán nản có ý thức

Ở những phần trước chúng ta đã thảo luận khám phá của Seligman và đồng sự của ông về tình trạng “bất lực có ý thức”. Họ đã tiến hành một loạt các thử nghiệm về quá trình học được phản xạ ở mức độ cơ bản trên động vật. Các thử nghiệm này bắt những con vật phải nhảy qua những rào nhỏ để thoát khỏi bị điện giật ở chân. Những con vật này về cơ bản thì học được rất nhanh và khá dễ dàng, nhưng một nhóm các con vật đã bị điện giật trước đây thì không học được kỹ năng này. Trong thực tế nhiều con không làm được dù chúng có cố gắng. Chúng chỉ ngồi đợi một cách bị động và chờ bị điện giật không bao giờ dám thử vượt qua rào. Sự thất bại này được giải thích rằng khi những con vật đã bị sốc điện mà không thể kiểm soát thì chúng biết rằng chúng không thể làm gì khác. Khi đã ý thức được sự bất lực này thì những con vật được chuyển qua một bài học với một tình huống mới mà chúng có thể thực sự kiểm soát được.

Khi công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về chứng bất lực có ý thức được tiếp tục, Seligman đã gặp nhiều sự tương đồng giữa những con vật bất lực và những người mắc chứng buồn chán lâm sàng. Đặc biệt bất ngờ là sự tương đồng giữa tính bị động của con vật bất lực và tính bị động của người mắc chứng buồn chán, những người này đôi khi lại thấy những việc nhỏ nhặt như mặc đồ gì vào buổi sáng trở nên thật mệt mỏi. Seligman cho rằng, ít nhất một vài trường hợp chán nản lâm sàng là kết quả của việc những người đó đã từng trải qua một sự mất tự chủ đáng kể nào đó đối với cuộc sống của mình và trở nên tin rằng mình bất lực, và họ có thể nghĩ rằng tình trạng này sẽ luôn đeo bám mình trong tương lai và xuất hiện trong nhiều tình huống khác. Vì thế theo giả thuyết của Segliman, tính tự chủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hạnh phúc về tâm lý.

Tầm quan trọng về tính tự chủ đã được nhấn mạnh trong một nghiên cứu trên trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi được thực hiện cách đây hơn 30 năm. Những em bé có tự chủ được đưa vào cùng một nhóm. Em bé được đặt nằm ngửa trong những chiếc cũi và đầu năm trên gối. Một cái dù đung đưa được treo trên cũi và có nhiều hình thú vật lắc lư bên trong các lò xo. Các em bé không nhìn thấy được các hình thú vật này, nhưng nếu chúng nhổm đầu lên khỏi gối thì sẽ có ánh sáng chiếu vào đằng sau chiếc dù làm cho em bé nhìn thấy hình các con thú nhảy múa trong một lát. Sau đó đèn được tắt đi. Khi em bé nhổm đầu lại, lúc đó tình cờ lại có đèn bật lên và lại nhìn thấy hình các con thú nhảy múa. Các em bé tỏ ra rất thích thú và vui vẻ. Chúng nhanh chóng ý thức được rằng cứ nhổm đầu dậy thì sẽ thấy các hình thú nhảy múa và chúng cứ nhổm dậy liên tục. Chúng cũng tỏ ra thích thú trước những hình ảnh chúng nhìn

thấy. Còn những em bé khác trong nghiên cứu thì được để tự do. Bất cứ khi nào một em bé “tự chủ” làm bật đèn sau chiếc dù trên cũi của mình thì hành động đó cũng khiến cho đèn sau chiếc dù trên cũi của một em bé khác cũng bật. Vì vậy những em bé được để tự do này cũng được nhìn thấy như hình thú nhảy múa thường xuyên và lâu như những em bé có tự chủ. Ban đầu, những em bé này cũng rất hứng thú với những hình nhảy múa. Nhưng sự hứng thú của các em này nhanh chóng qua đi. Những em bé này đã thích nghi.

Phản ứng khác nhau giữa hai nhóm đã giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng không phải những con vật nhảy múa là niềm hứng thú bất tận của các em bé được chủ động. Các em cười và tỏ ra thích thú với các hình thú bởi dường như chúng ý thức được chính chúng làm cho các con thú này nhảy múa – “Con đã làm đấy. Tuyệt không? Và con có thể làm lại bất cứ lúc nào con muốn.” Còn những em bé thuộc nhóm kia chỉ xem buổi trình diễn “miễn phí” và chúng không có được niềm hứng khởi khi được tự chủ này.

Trẻ nhỏ hầu như không điều khiển được điều gì. Chúng không thể di chuyển cơ thể mình đến nơi có thứ chúng muốn hoặc tránh xa nơi mà chúng không muốn. Chúng không điều khiển được tay mình nhuần nhuyễn nên việc nắm và chụp đồ vật không hề dễ dàng. Chúng mò mẫm, đẩy qua đẩy lại, nhặt lên và đặt xuống nhiều lần, không đoán trước và giải thích được. Thế giới chỉ là những xảy ra đến với chúng, và số phận của chúng hoàn toàn nằm trong tay người khác. Có lẽ vì lý do này mà khi có những sự kiện xảy ra mà chúng có thể điều khiển thì chúng cảm thấy vô cùng thích thú và quan trọng.

Tầm quan trọng của tự chủ đối với hạnh phúc cũng đã được chứng mình trong một nghiên cứu trên một nhóm người đã gần đất xa trời. Một nhóm người trong viện an dưỡng được hướng dẫn về tầm quan trọng của việc tự chịu trách nhiệm cho chính mình. Nhóm thứ hai được hướng dẫn về việc nhân viên ở đó chăm sóc họ được tốt là quan trọng như thế nào. Nhóm đầu tiên cũng được đưa ra vài chọn lựa cho một số việc làm trong ngày và được giao một cái cây để họ chăm sóc trong phòng. Nhóm thứ hai thì không được giao việc gì cả, còn cây của họ thì được nhân viên chăm sóc. Nhóm những người được giao nhiệm vụ để kiểm soát một phần cuộc sống của họ, tức nhóm đầu tiên, dường như chủ động hơn và tỉnh táo hơn. Họ bảo họ cảm thấy hạnh phúc hơn những người không có sự tự chủ như vậy. Thậm chí còn hơn thế nữa, những người có tự chủ đã sống lâu hơn trung bình vài năm so với những người không có. Vì vậy, từ khi chào đời cho đến lúc chết đi, rõ ràng khả năng kiểm soát cuộc sống thực sự quan trọng.

Bất lực, chán nản và cách đổ lỗi

Lý luận của Seligman về hội chứng chán nản dựa trên sự bất lực không phải là không có vấn đề. Vấn đề lớn nhất trong số đó chính là không phải ai thiếu tự chủ đều trở nên chán nản. Vì thế lý luận này được Seligman và cộng sự của ông sửa đổi vào năm 1978. Lý luận sửa đổi về cảm giác bất lực và tình trạng chán nản đưa ra những bước tâm lý quan trọng xen vào giữa cảm giác bất lực và triệu chứng chán nản. Theo lý luận mới, khi con người nếm trải thất bại, thiếu tự chủ thì họ tự hỏi mình tại sao. “Tại sao người đó lại chấm dứt mối quan hệ với tôi?” “Tại sao tôi không được nhận vào vị trí đó?” “Tại sao tôi không kết thúc được vụ làm ăn đó?” “Tại sao tôi lại thi rớt?” Nói cách khác, người ta luôn muốn hiểu tại sao họ lại thất bại.

Seligman và cộng sự của ông cho rằng khi người ta tìm nguyên nhân thất bại họ thường có khuynh hướng chấp nhận một lý do này hay khác, mà lý do ấy có thể khác xa lý do thực sự của thất bại. Có ba khía cạnh chính của khuynh hướng này, dựa trên việc chúng ta xem những nguyên nhân đó là chung chung hay cụ thể, kinh niên hay chỉ là tạm thời, cá nhân hay phổ biến.

Giả sử bạn nộp đơn xin làm việc trong ngành tiếp thị và quan hệ khách hàng nhưng không được tuyển. Bạn tự hỏi tại sao. Sau đây là một vài phương án trả lời có thể chấp nhận được:

Chung chung: tôi đã không xem kỹ bài thi viết và tôi hồi hộp khi phỏng vấn. Tôi sẽ luôn gặp vấn đề khi xin việc.

Cụ thể: tôi không thực sự biết nhiều về các sản phẩm mà họ bán. Để thành công khi phỏng vấn, tôi phải có máu kinh doanh hơn.

Kinh niên: tính cách của tôi không được trách nhiệm và năng động. Đó không phải là kiểu người của tôi.

Nhất thời: tôi vừa mới khỏi bệnh và gần đây ngủ không ngon lắm. Lúc đó tôi không ở trong trạng thái tốt nhất.

Cá nhân: công việc đó tập trung vào doanh thu. Tôi không thể làm tốt công việc đó.

Phổ biến: họ chắc là đã lựa chọn được một người quen vào vị trí đó rồi; việc tuyển dụng chỉ là để làm cảnh, và không một người ngoài nào có cơ may được nhận.

Sau khi không được nhận và đã tự mình giải thích được nguyên nhân theo cách phổ biến, nhất thời và cụ thể thì bạn mong muốn gì ở lần phỏng vấn xin việc tiếp theo? Nếu bạn tìm việc trong một lĩnh vực mà bạn quen thuộc hơn, nếu bạn đã ngủ ngon, mạnh khỏe và tỉnh táo hơn, và nếu việc tuyển dụng đó không phải để làm cảnh, thì bạn sẽ phỏng vấn tốt thôi. Nói cách khác, việc bạn không được tuyển dụng hầu như không có ngầm ý nào về việc bạn sẽ ra sao trong lần phỏng vấn tiếp theo.

Thay vào đó hãy thử tưởng tượng rằng, nếu bạn có khuynh hướng chỉ ra những nguyên nhân thất bại mang tính cá nhân, kinh niên và chung chung. Nếu sơ yếu lý lịch của bạn không ấn tượng và bạn vấp váp trong cuộc phỏng vấn, nếu bạn là mẫu người bị động và nếu bạn nghĩ rằng công việc đó chỉ là dành cho những người “thích hợp” (không phải bạn), thì kỳ vọng của bạn vào tương lai sẽ tương đối ảm đạm. Bạn sẽ không chỉ chẳng được nhận vào công việc bạn vừa phỏng vấn, mà bạn còn gặp vấn đề khi xin bất kỳ công việc nào khác.

Lý luận sửa đổi về cảm giác bất lực và hội chứng chán nản cho rằng, cảm giác bất lực do thất bại hoặc thiếu tự chủ gây ra sẽ dẫn đến chán nản nếu người đó tự lý giải nguyên nhân thất bại của mình theo cách chung chung, kinh niên và cá nhân. Rốt cuộc thì sau đó người ta sẽ có những lý do hay ho cho những thất bại tiếp theo và tiếp theo nữa. Liệu việc thức dậy ra khỏi giường, mặc quần áo và cố gắng lần nữa có ý nghĩa gì khi kết quả tồi đã được báo trước?

Việc kiểm tra lý luận sửa đổi này đã cho những kết quả thật ấn tượng. Mọi người thực sự khác nhau về khuynh hướng mà họ suy nghĩ. “Người lạc quan” giải thích thành công của họ bằng các nguyên nhân mang tính cá nhân, chung chung và kinh niên; còn giải thích thất bại bằng các nguyên nhân mang tính phổ biến, cụ thể và nhất thời. “Người bi quan” thì ngược lại. Người lạc quan thì nói kiểu “Tôi được điểm A” còn “Cô ta lại cho tôi C”. Người bi quan thì nói “Tôi được điểm C” còn “Cô ấy lại cho tôi A”. Và chính những người bi quan là những người dễ bị hội chứng chán nản hơn. Khi những khuynh hướng này được xem xét ở những người không bị chán nản thì chúng sẽ cho biết trước ai sẽ là người bị hội chứng chán nản khi gặp thất bại. Nhưng người tìm nguyên nhân kinh niên để giải thích cho thất bại thì nghĩ rằng thất bại sẽ lại đến; còn những người tìm nguyên nhân tức thời thì không nghĩ vậy. Người tìm nguyên nhân chung chung giải thích cho thất bại thì nghĩ rằng thất bại sẽ luôn đeo bám họ trong mọi khía cạnh của cuộc sống; còn người tìm nguyên nhân cụ thể thì không vậy. Người tìm nguyên nhân cá nhân đê giải thích cho thất bại thường phải chịu tồn thất lớn vì tính tự kỷ cao; người tìm nguyên nhân phổ biến thì không thế. Tôi không nói rằng nhận phần khen về mình cho mọi thành công và đổ

lỗi cho thế giới bên ngoài thì thất bại là công thức cho một cuộc sống hạnh phúc và thành đạt. Chúng ta sẽ đạt được nhiều thứ nếu giải thích được nguyên nhân một cách chính xác, cho dù tâm lý của chúng ta có bị ảnh hưởng như thế nào. Bởi chỉ là những lời giải thích xác đáng mới có thể đem lại cho chúng ta cơ hội tốt nhất để lần sau đạt kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng công bằng mà nói đối với hầu hết mọi người, ở hầu hết mọi lúc, thì tự trách mình quá đáng đều tạo ra hậu quả tâm lý không tốt. Và như chúng ta sẽ thấy, bạn sẽ dễ tự trách mình hơn khi gặp kết quả gây thất vọng trong một thế giới có vô số lựa chọn so với trong một thế giới có ít lựa chọn hơn.

Sự bất lực, chán nản và cuộc sống hiện đại

Tầng lớp trung lưu Mỹ bây giờ có được sự tự chủ và quyền tự quyết cao hơn bất cứ người nào ở đâu hoặc ở thời đại nào. Hàng triệu người Mỹ có thể sống như họ mong muốn, hầu như không bị giới hạn về mặt vật chất, kinh tế hay văn hóa. Chính họ chứ không phải cha mẹ họ có quyền quyết định việc kết hôn với ai và khi nào. Chính họ, chứ không phải là những người đứng đầu giáo phận, có quyền quyết định việc họ mặc như thế nào. Và chính họ, chứ không phải chính phủ, có quyền quyết định việc họ xem gì trên truyền hình hoặc báo chí. Quyền tự chủ này, cùng với lý luận về hội chứng chán nản do cảm giác bất lực, có thể thấy hội chứng chán nản lâm sàng ở Mỹ có thể đang dần biến mất.

Nhưng trong thực tế chúng ta lại thấy căn bệnh này ngày càng bùng nổ. Martin Seligman miêu tả nó như một bệnh dịch. Hơn nữa, hội chứng chán nản dường như tấn công người trẻ tuổi nhiều hơn hiện nay so với những thời đại trước. Ước đoán hiện nay có chừng 7.5% người Mỹ bị hội chứng này trước khi họ 14 tuổi. Tỉ lệ này ở người trẻ cao gấp đôi so với 10 năm trước đây.

Và biểu hiện cực đoan nhất của hội chứng này – tự tử – cũng đang gia tăng và cũng xảy ra ngày càng nhiều ở những đối tượng trẻ tuổi hơn. Tự tử là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao thứ hai (sau tai nạn) đối với học sinh trung học và sinh viên đại học ở Mỹ. Trong 35 năm vừa qua, tỉ lệ tự sát của sinh viên đại học và những người trẻ tuổi ở Mỹ đã cao gấp 3. Trong một thế giới phát triển, tỉ lệ tự sát trong thanh thiếu niên Mỹ lại đang tăng đáng kể. Trong một nghiên cứu so sánh tỉ lệ này trong thập niên 90 với trong thập niên 70 và 80, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thấy rằng hiện tượng tự sát đã tăng gấp 3 ở Pháp, hơn gấp 2 ở Na-uy, gấp 2 ở Úc và tăng khoảng 50% hoặc hơn ở Canada, Anh và Mỹ. Chỉ có ở Nhật Bản và Tây Đức là tỉ lệ người trẻ tự sát giảm.

Trong một thời đại mà con người có sự tự chủ và quyền kiểm soát các nhân hơn bao giờ hết thì tại sao lại có tỉ lệ người đau khổ cao đến như vậy?

Kỳ vọng tăng cao

Đầu tiên tôi cho rằng đi kèm với việc gia tăng sự tự chủ chính là gia tăng về kỳ vọng đối với sự tự chỉ đó. Chúng ta ngày càng được làm chủ số phận của mình thì chúng ta càng kỳ vọng nhiều hơn về bản thân. Chúng ta có thể tìm được một nền giáo dục mang tính khích lệ và hữu ích; tìm được công việc thú vị và lương cao; tìm được bạn đời gợi cảm, tinh tế, thông minh, biết cách thúc đẩy ta và đồng thời cũng phải chung thủy và dễ chịu. Con cái thì phải đẹp đẽ, thông minh, đáng yêu, biết vâng lời và có tính độc lập. Mọi thứ chúng ta mua đều phải là thứ xịn nhất. Với tất cả những lựa chọn có sẵn như thế, chúng ta không bao giờ thỏa hiệp để chọn những thứ mà chỉ “vừa phải”. Tôi tin rằng việc chú trọng vào quyền tự do lựa chọn, đi kèm với những khả năng mà cuộc sống hiện đại mang lại ngày càng nhiều, đã góp phần tạo ra những kỳ vọng phi thực tế.

Trong chương vừa rồi chúng ta thấy rằng mức độ hứng thú và thỏa mãn mà chúng ta có được từ một trải nghiệm nào đó, liên qua rất nhiều đến kỳ vọng của chúng ta về trải nghiệm đó, cũng như với chất lượng của bản thân trải nghiệm đó. Những người ăn kiêng đánh giá trọng lượng giảm đi của họ dựa trên những kỳ vọng của họ vào điều đó. Thật tuyệt nếu bạn giảm đến 10 pao (1 pao = 0.454 kg) khi bạn mong mình giảm chỉ 5 pao và sẽ chẳng tuyệt nếu bạn mong mình giảm 15 pao. Thật tuyệt nếu bạn được điểm B khi bạn đang nghĩ mình chỉ được điểm C, và chẳng tuyệt nếu bạn đang mong mình phải được điểm A kia. Nếu như tôi nghĩ đúng về vấn để kỳ vọng của người Mỹ về những trải nghiệm của họ ngày nay, thì dường như mọi trải nghiệm mà con người bây giờ có đều có thể được xem là đáng thất vọng, và vì vậy được coi như thất bại – một thất bại có thể được ngăn chặn nếu chúng ta lựa chọn đúng.

Hãy đối chiếu xã hội bây giờ với những xã hội trước đây mà hôn nhân là sắp đặt, con người không có quyền quyết định họ sẽ lấy ai; hay với những xã hội khác mà cơ hội giáo dục còn hạn chế, mọi người hầu như không quyết định được họ học cái gì. Thực tế là đời sống tâm lý trong một xã hội mà bạn có ít quyền quyết định đối với những lĩnh vực nêu trên đó là bạn cũng có ít kỳ vọng đối với quyền tự chủ đó. Và chính vì điều này, tôi cho rằng việc thiếu quyền tự quyết không phải là điều dẫn đến cảm giác bất lực và trạng thái chán nản.

Tính chủ nghĩa cá nhân tăng cao và tự trách

Cùng với sự gia tăng kỳ vọng ở mọi nơi, nền văn hóa Mỹ cũng đã trở nên mang tính cá nhân nhiều hơn so với trước đây, có lẽ đây là một sản phẩm phụ của mong muốn được kiểm soát mọi mặt trong cuộc sống. Giảm tính cá nhân đi – đồng nghĩa với việc tự trói buộc mình vào các mối quan hệ gia đình, bạn bè và cộng đồng

– ở một mức độ nào đó là phải làm bởi sự thân thiết của gia đình, bạn bè và cộng đồng trong cuộc sống của mỗi người. Nếu mối liên hệ của chúng ta với những người khác là bền chặt thì chúng ta không thể cứ làm làm bất cứ điều gì mình muốn. Tôi nghĩ rằng sự thỏa hiệp khó khăn nhất đối với những thanh niên Mỹ lập gia đình ngày nay, đó là họ cùng bạn đời phải quyết định đâu là giới hạn của quyền tự chủ, cùng với những bổn phận và nghĩa vụ trong hôn nhân mà mỗi người phải đảm nhiệm.

Chủ nghĩa cá nhân tăng cao có nghĩa là chúng ta không chỉ mong muốn sự hoàn hảo trong mọi việc mà chúng ta còn muốn tự chúng ta tạo ra sự hoàn hảo đó. Khi chúng ta (không thể tránh khỏi) thất bại, thì nền văn hóa của chủ nghĩa cá nhân hướng chúng ta về những cách giải thích nguyên nhân chú trọng theo những yếu tố cá nhân hơn là những yếu tố phổ biến. Có nghĩa là nền văn hóa đã tạo ra một kiểu giải thích nguyên nhân được chấp nhận rộng rãi và đó là cách giải thích khiến cho người ta có khuynh hướng tự trách mình khi gặp thất bại. Và đây cũng chính là cách giải thích nguyên nhân dễ tạo ra tâm trạng chán nản khi chúng ta đối mặt với thất bại.

Và hệ quả tất yếu là việc nhấn mạnh quyền tự chủ và tự quyết cá nhân có thể làm mất tác dụng của một loại vắc – xin quan trọng giúp chống lại trạng thái chán nản: con người phải có mối liên kết chặt ché và thuộc về các nhóm hoặc tổ chức xã hội nào đó – gia đình, các hiệp hội công dân, cộng đồng tín ngưỡng và những thứ tương tự như vậy. Sẽ có một sự căng thẳng/đấu tranh giữa việc được là chính mình, hoặc được quyết định cái tôi của mình, và mối quan hệ mang nhiều ý nghĩa với các nhóm xã hội. Mối quan hệ xã hội quan trọng đòi hỏi chúng ta phải hạn chế cái tôi của mình. Vì vậy nếu chúng ta càng quan trọng bản thân mình thì mối quan hệ giữa chúng ta với những người khác càng lỏng lẻo. Trong cuốn sách Chơi bowling (lăn bóng) một mình, nhà khoa học chính trị Robert Putnam đã chú ý đến việc liên kết xã hội ngày càng lỏng dần trong cuộc sống hiện nay. Và trong bối cảnh này, có một sự kiện liên quan đó là hội chứng chán nản ở những người Amish sống ở hạt Lancaster, bang Pennsylvania, có tỉ lệ thấp hơn tỉ lệ toàn quốc 20%. Cộng đồng người Amish là một cộng đồng nhỏ gắn kết chặt chẽ với nhau. Mối liên hệ xã hội trong cộng đồng này cực kỳ mạnh và quyền được lựa chọn trong cuộc sống cũng ít hơn. Liệu có phải người Amish có ít quyền kiểm soát cuộc sống của mình hơn chúng ta? Chắc chắn là có. Liệu họ có ít quyền kiểm soát những gì mình mong muốn hơn chúng ta? Tôi

không cho là vật. Và họ phải chịu đựng như thế nào về mặt tâm lý đối với những giới hạn mà cộng đồng đặt ra và những nghĩa vụ họ phải thực hiện? Tôi cho rặng họ phải chịu đựng khá ít. Khi quan sát từ trong cộng đồng người Amish, họ hầu như chẳng cảm thấy gì đối với việc mà hầu hết chúng ta cho là không thoải mái khi phải sống dưới sự ràng buộc cộng đồng. Mọi việc đúng là như thế. Bằng cách làm tăng kỳ vọng của mỗi người về quyền tự chủ và tự quyết, gần như cả xã hội Mỹ đã khiến cho mối quan hệ cộng đồng phải trả giá nhiều hơn so với thực chất.

Sự ám ảnh của người Mỹ về vẻ bề ngoài chính là biểu hiện rõ nhất của những méo mó về khát khao có được quyền tự chủ, tự quyết và sự hoàn hảo. Dẫn chứng khá thuyết phục đó là về lâu dài hầu như chúng ta không thể làm gì đối với hình dạng và trọng lượng của cơ thể của chúng ta. Sự kết hợp của gien và việc luyện tập đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định khi trưởng thành chúng ta sẽ trông như thế nào, và rõ ràng rằng cả các chế độ kiêng khem thưởng chỉ cho kết quả tạm thời. Những sự thật này về trọng lượng cơ thể dường như trái ngược với những gì nền văn hóa dạy cho chúng ta mỗi ngày. Sức ép của truyền thông và bạn bè đồng trang lứa nói rằng bệnh béo phì hoàn toàn là một vấn đề thuộc về lựa chọn, về quyền kiểm soát và trách nhiệm cá nhân, và rằng chúng ta phải phấn đấu để trở nên hoàn hảo, nếu không chúng ta sẽ chỉ có tự trách mình mà thôi. Theo nền văn hóa này, nếu chúng ta có kỷ luật và tự chủ, chúng ta có thể kết hợp thói quen ăn uống và tập thể dục điều độ, và tất cả chúng ta đều có thể trở thành ngôi sao điện ảnh. Trung bình trong một năm người Mỹ mua hết 50 triệu cuốn sách về dinh dưỡng và bỏ ra hơn 50 tỉ đô cho việc ăn uống cho thấy rằng, họ đã chấp nhận quan điểm rằng việc họ trông thế nào là tùy thuộc vào họ.

Ảo tưởng rằng ai cũng có thể có được thân hình mình mong muốn là đặc biệt gây đau khổ cho phụ nữ, nhất là trong các xã hội, như xã hội của chúng ta chẳng hạn, thân hình lý tưởng có nghĩa là một thân hình siêu mỏng. Những nền văn hóa khuyến khích phụ nữ nên có thân hình siêu mỏng 9 như Thụy Điển, Anh, Slovakia và người Mỹ da trắng) thì thường có tỉ lệ rối loạn dinh dưỡng (như chứng cuồng ăn và chứng chán ăn) cao hơn so với những nền văn hóa ngược lại. Điểm quan trọng hơn nữa đó là trong những nền văn hóa khuyến khích thân hình mảnh mai thì tỉ lệ phụ nữ mắc hội chứng chán nản cao gấp đôi so với nam giới. Trong những nền văn hóa chấp nhận những thân hình lý tưởng hợp lý hơn thì sự khác biệt về giới tình đối với việc mắc phải bệnh chán nản là nhỏ hơn.

Mối liên hệ (dựa trên sự suy đoán) giữa thân hình gầy còm và chứng chán nản đó là: trọng lượng cơ thể là điều gì đó mà con người có thể kiểm soát được và mảnh

mai mới là vẻ ngoài hoàn hảo. Khi nỗ lực để có thân hình gầy thất bại thì con người không chỉ hàng ngày phải đối diện với nỗi thất vọng khi nhìn vào gương, mà còn phải đối diện với cách giải thích nguyên nhân rằng họ không gầy được là lỗi của họ.

Chán nản khi chỉ những người giỏi nhất làm được

Những kỳ vọng không thể đạt được, cộng với khuynh hướng tự nhận trách nhiệm về mình khi thất bại đã tạo nên một sự kết hợp chết người. Và, như chúng ta đã chứng minh được, vấn để này đặc biệt nghiêm trọng đối với những người cầu toàn. Đối với những cơ hội bị bỏ lỡ, nuối tiếc, quá trình thích nghi và so sánh xã hội, những người cầu toàn sẽ phải chịu nhiều hơn vì họ có kỳ vọng và tính tự trách cao hơn so với những người biết thỏa mãn. Người cầu toàn thường đắn đo suy nghĩ nhiều nhất trước khi đưa ra quyết định và có kỳ vọng cao nhất về kết quả mà họ sẽ đạt được, vì thế học cũng là người dễ bị thất vọng nhất.

Nghiên cứu mà tôi cùng đồng nghiệp đã tiến hành cho thấy không ngạc nhiên rằng người cầu toàn chính là “ứng cử viên sáng giá” cho hội chứng buồn chán. Thông qua nghiên cứu những nhóm người khác nhau về độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, nơi sinh sống, chủng tộc và địa vị kinh tế xã hội, chúng tôi đã tìm ra một mối liên quan khá chặt chẽ giữa những người cầu toàn và hội chứng chán nản. Trong số những người ghi điểm cao nhất trên thang điểm đo tính cầu toàn, điểm về mức độ chán nản của họ, dựa trên thước đo tiêu chuẩn, mấp mé ở ranh giới, mắc chứng chán nản. Chúng ta cũng thấy mối liên hệ tương tự giữa tính cầu toàn và chứng chán nản ở thiếu niên. Kỳ vọng cao và tự trách mình khi không đạt được những kỳ vọng đó có thể xuất hiện khi đưa ra những quyết định về học hành, sự nghiệp, hôn nhân, cũng giống như trong những quyết định như sẽ ăn ở đâu chẳng hạn. Quyết định về những việc nhỏ nhặt cũng có mặt trong này. Nếu như cảm giác thất vọng xuất hiện thường xuyên, nếu mọi lựa chọn mà bạn đưa ra không cho kết quả như kỳ vọng và mong muốn của bạn, và nếu bạn cứ tự trách mình về những thất vọng đó thì những việc nhỏ nhặt cũng hóa ra to tát và cuối cùng là một kết quả bi đát khi bạn nghĩ tằng mình chẳng làm điều gì nên hồn cả.

Tâm lý của tự chủ và môi trường của tự chủ

Thật nghịch lý rằng trong cùng một thời gian và nơi chốn khi những kỳ vọng và mong muốn quá mức đối với việc tự quyết định đều góp phần gây ra hàng loạt người mắc chứng chán nản, thì những người cảm thấy mình có tự chủ dường như có tâm lý tốt hơn so với những người không có.

Để hiểu được điều này, chúng ta cần phải phân biệt cùng lúc điều gì tốt cho cá nhân và điều gì tốt cho xã hội, giữa tâm lý học của tự chủ cá nhân và môi trường của tự chủ cá nhân. Trong một nghiên cứu tập trung vào hai mươi nước phương Tây phát triển và Nhật Bản, Richard Eckersley cho thấy rằng những yếu tố mà dường như có liên quan đến dự khác biệt giữa các quốc gia về tỉ lệ tự sát ở người trẻ bao gồm cả thái độ văn hóa đối với tự chủ và tự do cá nhân. Những quốc gia có công dân xem trọng tự do và tự chủ cá nhân nhất dường như có tỉ lệ tự sát cao nhất.

Eckersley cũng chỉ ra rằng những giá trị giống nhau có thể giúp các cá nhân trong những nền văn hóa này phát triển đến một mức độ phi thường. Vấn đề là ở chỗ xét mức độ môi trường hoặc quốc gia thì những giá trị này mang lại những hậu quả xấu/ tồi tệ ở mọi nơi.

Vấn đề này có thể còn trầm trọng hơn do một hiện tượng mà Robert Lane gọi là nô lệ của hứng thú. Lane nói rằng mọi nền văn hóa đều có khuynh hướng luôn đánh giá những giá trị nào đó mà khiến nền văn hóa đó nổi bật lâu dài sau khi chúng không còn gây được hứng thú. Ông nói rằng điều này giải thích được nhiều tình trạng bất ổn đang gây xung đột trong các nền dân chủ thị trường. Sự kết hợp của hiện tượng nô lệ cho hứng thú với hỗn hợp các lợi ích tâm lý và cái giá phải trả về môi trường của một nền văn hóa chú trọng đến tự chủ, đã khiến cho chính xã hội đó rất khó đi theo đúng hướng.

Rõ ràng là khi trải nghiệm của chúng ta về chọn lựa là một gánh nặng hơn là một sự ưu tiên, là một hiện tượng không đơn giản. Rất có thể nó là kết quả của những tương tác phức tập giữa các quá trình tâm lý điển hình/ tràn ngập trong nền văn hóa của chúng ta, bao gồm kỳ vọng ngày càng tăng, ý thức được giá phải trả của cơ hội, ghét sự thỏa hiệp, khả năng thích nghi, hối tiếc, tự trách và khuynh hướng bị mắc vào các so sánh xã hội và cầu toàn.

Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng xem lại và mở rộng các phương pháp mà chúng ta đưa ra trong cuốn sách này, khám phá những gì con người có thể làm, bất chấp sức ép xã hội để vượt qua được gánh nặng của sự lựa chọn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.