Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn

CHƯƠNG 4. KHI CHỈ CÓ CÁI TỐI ƯU LÀ ĐÁNG KỂ



Sự lựa chọn khôn ngoan bắt đầu bằng việc xây dựng một sự nhận thức rõ ràng về những mục tiêu của bạn, và lựa chọn đầu tiên bạn phải quyết định là giữa mục tiêu chọn được cái tốt nhất hay mục đích tìm ra cái chỉ cần tốt vừa đủ là được.

Nếu bạn tìm kiếm và chỉ chọn những kết quả tối ưu, bạn là một người tiêu thụ cầu toàn (maximizer – bản gốc) gọi tắt là người cầu toàn. Hãy tưởng tượng bạn đi mua áo len. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ dạo qua nhiều cửa hàng bạn đã tìm được cái mình thích: màu sắc rất đẹp, rất vừa vặn với bạn và len thì rất mềm mại. Chiếc áo cổ giá 89 USD và bạn đã chuẩn bị mang ra tính tiền thì bỗng nghĩ tới một cửa hàng ở cuối phố nổi tiếng bán rẻ. Thế là bạn lại mang cái áo trở lại quầy hàng, nhưng giấu nó dưới những cái áo khác (để không ai thấy cửa hàng kia. Maximizer cần được trấn an rằng mọi quyết định họ đưa ra, mọi món hàng họ mua phải là cái tốt nhất có thể. Nhưng làm sao một người có thể thật sự biết rằng lựa chọn nào là khả năng tốt nhất? Cách duy nhất là xem xét tất cả những khả năng: một người cầu toàn không thể chắc chắn rằng mình đã tìm được cái áo len tốt nhất, trừ khi đã thử hết mọi cái áo khác, hay đã mua với giá hời nhất trừ khi đã dọ giá khắp nơi. Khuynh hướng này tạo ra một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nó càng gây nản chí hơn khi số lượng các lựa chọn tăng lên.

Trái ngược với cầu toàn là trở thành một người tri túc (satisficer – bản gốc). Tri túc nghĩa là hài lòng với những gì bạn cảm thấy tốt và không lo lắng gì về khả năng có những thứ tốt hơn ở ngoài kia. Người tri túc có những tiêu chí và tiêu chuẩn riêng để lựa chọn; họ sẽ tìm kiếm cho đến khi tìm được một mặt hàng thỏa mãn những tiêu chuẩn của mình và dừng lại. Ngay khi kiếm được một cái áo len đáp ứng mọi yêu cầu về kích cỡ, chất lượng và giá cả trong cửa hàng đầu tiên, một người tri túc sẽ lập tức mua nó và hết chuyện. Anh ta hay cô ta không để tâm tới những cái áo tốt hơn hay rẻ hơn đang nằm đâu đó.

Dĩ nhiên không phải ai cũng là người cầu toàn tuyệt đối. Nếu thật sự bạn sẽ kiểm tra hết mọi cái áo len trong mọi cửa hàng thì việc tìm được một cái áo như ý sẽ mất cả đời người. Điểm mấu chốt là người cầu toàn khao khát đạt được mục tiêu đó. Vì thế họ bỏ rất nhiều thời gian và công sức tìm kiếm, đọc nhãn hiệu, tham khảo các tạp chí tiêu dùng và thử các sản phẩm mới. Tồi tệ hơn sau khi đã chọn một thứ nào đó, họ lại bị làm tình làm tội vì những khả năng mà họ không đủ thời gian để kiểm tra. Cuối cùng là họ không thể nào đạt được sự hài lòng với quyết định của mình như những người tri túc, và họ sẽ không thể hiểu tại sao mình lại không vừa ý

mỗi khi buộc phải ngưng cuộc tìm kiếm và đưa ra quyết định. Người cầu toàn xem tri túc là dễ dàng hài lòng với những gì trung bình và tầm thường nhưng sự thật không phải như vậy. Một người tri túc cũng khó tính không kém người cầu toàn, nhưng điểm khác biệt giữa hai bên là người tri túc tìm kiếm sự xuất sắc đơn thuần chứ không bị ám ảnh bởi cái tối ưu.

Tôi tin rằng sự cầu toàn (maximizing) chính là một nguồn gốc của sự bất mãn khiến mọi người khổ sở, đặc biệt trong một thế giới có quá nhiều lựa chọn cả to tát lẫn vụn vặt. Khi nhà kinh tế và tâm lý đoạt giải Nobel Herbert Simon giới thiệu khái niệm “tri túc” vào thập niên 50, ông cho rằng khi mọi “chi phí” về thời gian, tiền bạc và công sức được tính đến thì thật sự tri túc chính là cầu toàn. Nói cách khác nếu xem xét hết mọi nhân tố thì điều tốt nhất con người có thể làm là hài lòng với những gì tốt nhất một cách chừng mực. Quan điểm của Simon sẽ là hạt nhân của rất nhiều phương pháp của tôi để chống lại sự thống trị của những lựa chọn tràn ngập.

Phân biệt người cầu toàn và người tri túc

Chúng ta đều biết những người chọn lựa nhanh gọn và quyết đoán cũng như những người mà hầu như mỗi quyết định đều là một việc hệ trọng. Vài năm trước tôi và vài đồng nghiệp đã tiến hành một cuộc khảo sát để chẩn đoán thiên hướng cầu toàn hay tri túc của con người và chúng tôi đề ra 13 câu hỏi để thực hiện. Những người tham gia được yêu cầu quyết định xem mình có đồng ý với những câu hỏi hay không. Càng đồng ý thì họ càng có khuynh hướng cầu toàn. Bạn hãy làm thử nhé. Hãy viết 1 con số từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) đến 7 (hoàn toàn đồng ý) bên cạnh mỗi câu hỏi rồi cộng 13 con số đó lại. Chúng ta có 2 mức thấp nhất là 13 và cao nhất là 91. Nếu số điểm của bạn từ 65 trở lên thì rõ ràng bạn được xếp vào nhóm cầu toàn, còn nếu thấp hơn hoặc bằng 40 thì bạn sẽ thuộc nhóm tri túc. Chúng tôi đã đưa bảng câu hỏi cho vài ngàn người và số điểm cao nhất là 75, thấp nhất 25 và điểm trung bình là 50. Một điều đáng ngạc nhiên là không hề có sự khác biệt về câu trả lời giữa nam và nữ. Bây giờ hãy cùng lướt qua bảng câu hỏi nhé và hãy tưởng tượng một người cầu toàn sẽ nói gì với bản thân khi trả lời.

BẢNG PHÂN ĐỘ CẦU TOÀN

  1. Mỗi khi đối mặt với 1 lựa chọn, tôi luôn cố gắng tưởng tượng tất cả các khả năng khác ngay cả những khả năng không hiện diện lúc đó.
  2. Dù tôi có hài lòng với công việc hiện tại như thế nào thì tôi vẫn có quyền tìm kiếm những cơ hội tốt hơn.
  1. Khi tôi đang ngồi trong xe và nghe đài, tôi thường chỉnh những kênh khác để xem có gì hay hơn không, ngay cả khi đã tương đối vừa lòng với những gì đang nghe.
  2. Khi xem TV tôi chuyển kênh liên tục dù đang thật sự theo dõi một chương trình nào đó.
  3. Với tôi các mối quan hệ cũng như trang phục vậy: tôi muốn thử càng nhiều càng tốt trước khi tìm được cái tốt nhất.
  4. Tôi thường gặp khó khăn khi đi mua quà tặng.
  5. Tôi thường gặp khó khăn khi thuê băng video vì rất khó để chọn được phim hay nhất.
  6. Khi mua sắm tôi phải đắn đo rất lâu để tìm được thứ thật sự thích.
  7. Tôi thường xuyên theo dõi các bảng xếp hạng (phim ảnh, ca nhạc, thể thao hay sách báo v.v)
  8. Tôi hay gặp khó khăn khi phải viết thứ gì đó dù là một bức thư ngắn, vì rất khó chọn từ đúng để diễn tả ý mình, vì vậy tôi thường xuyên viết nháp trước.
  9. Dù làm bất cứ thứ gì tôi luôn đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất cho bản thân. 12.Tôi không bao giờ bằng lòng với vị trí thứ nhì.

13.Tôi thường mơ tưởng về một cuộc sống hoàn toàn khác với cuộc sống hiện tại.

(Với sự giúp đỡ của Liên đoàn Tâm lý học Hoa Kỳ)

Chú giải:

Câu 1: Người cầu toàn sẽ đồng ý. Làm sao bạn chắc chắn mình đã có cái tối ưu trừ khi xem xét tất cả những lựa chọn khác? Còn những cái áo len ở những tiệm khác thì sao?

Câu 2: Một công việc “tốt” có lẽ không phải là công việc “tốt nhất”. Một người cầu toàn luôn cho rằng còn những thứ tốt hơn và hành động để tìm kiếm chúng.

Câu 3: Vâng, một người cầu toàn thích bài hát đó, nhưng ý tưởng luôn thường trực là phải tìm ra bài hay nhất chứ không gắn chặt với một bài chỉ hay vừa vừa.

Câu 4: Một lần nữa người cầu toàn không tìm kiếm 1 chương trình hay mà phải là show hay nhất. Với vô số những kênh đang phát sóng có thể có một chương trình nào đó hay hơn cái đang xem.

Câu 5: Với một người cầụ toàn, một người bạn hay người yêu hoàn hảo vẫn luôn đang chờ đợi họ ở đâu đó. Dù mối quan hệ hiện tại đang hoàn toàn tốt đẹp ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn luôn để tâm tìm kiếm?

Câu 6: Người cầu toàn gặp khó khăn vì họ vẫn luôn nghĩ món quà tuyệt vời nhất vẫn nằm ở đâu đó.

Câu 7: Có tới hàng ngàn khả năng khác nhau tại tiệm video chắc chắn phải có một bộ phim phù hợp với tâm trạng của tôi và những người tôi xem cùng chứ. Tôi sẽ chọn bộ phim hay nhất đang phát hành, nhưng cũng sẽ dạo quanh cửa hàng để tìm ra một bộ phim xưa xuất sắc nào đó.

Câu 8: Cách duy nhất để người cầu toàn có thể “thật sự” yêu thích một món hàng nào đó là họ phải chắc chắn rằng không “tồn tại” một lựa chọn nào khác tốt hơn.

Câu 9: Những người luôn để tâm tìm kiếm cái tốt nhất sẽ rất quan tâm tới các bảng xếp hạng hơn những người biết tự bằng lòng (bạn có thể tìm được ví dụ rất thú vị cho khuynh hướng này qua tiểu thuyết High Fidelity của tác giả Nick Hornby hoặc bộ phim chuyển thể cùng tên với các ngôi sao như John Cusack, Catherine Zeta-Jones và Tim Robbins).

Câu 10: Người cầu toàn có thể biến thành những biên tập viên “hung thần” với bất kỳ tác giả nào đấy.

Câu 11: Người cầu toàn muốn tất cả mọi thứ họ làm phải thật hoàn hảo và điều này có thể dẫn tới sự tự phê phán không lành mạnh.

Câu 12: Ở đây sự tự biên tập và tự phê bình sẽ dẫn tới sự trì trệ và không thể nào tiến bộ được.

Câu 13: Người cầu toàn mất nhiều thời gian hơn người tri túc để thả hồn về những con đường chưa đi qua hoặc đã không đi qua. Rất nhiều tác phẩm về tâm lý đã cảnh báo những hậu quả của lối suy nghĩ “lẽ ra, đáng lẽ và đã có thể” này.

Trong một nghiên cứu khác, chúng tôi yêu cầu những người tham gia trả lời các câu hỏi sẽ tiết lộ những khuynh hướng cầu toàn của họ trong hành động, và không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi khám phá rằng:

  1. Những người cầu toàn so sánh các sản phẩm nhiều hơn so với nguồn tri túc cả trước và sau khi họ đã đưa ra quyết định mua hàng rồi.
  2. Người cầu toàn mất nhiều thời gian hơn để đắn đo khi mua hàng.
  3. Người cầu toàn thường hay so sánh lựa chọn của mình với người khác.
  1. Người cầu toàn thường hay hối tiếc sau khi mua sắm hơn người tri túc.
  2. Người cầu toàn mất nhiều thời gian nghĩ về những lựa chọn giả định khác về món hàng họ đã mua.
  3. Người cầu toàn ít khi cảm thấy tích cực về những lựa chọn mua sắm của mình.

Và khi những câu hỏi này được mở rộng ra những kinh nghiệm khác thì kết quả thu được càng hấp dẫn và thuyết phục hơn;

  1. Người cầu toàn rất ít khi trân trọng những sự kiện tích cực, trong khi lại thích nghi rất kém với với những điều tiêu cực (theo đánh giá của chính họ).
  2. Mỗi khi có điều gì không hay xảy ra, phải rất lâu sau người cầu toàn mới có thể hồi phục được sự nhận thức về sống tốt và những gì tốt đẹp.
  3. Người cầu toàn thường nghiền ngẫm về nhiều sự việc hơn những người tri túc.

Cái giá của sự cầu toàn (tiêu thụ):

Những vấn đề nảy sinh từ việc để bị “cuốn trôi” bởi vòng xoáy của những lựa chọn càng thêm nghiêm trọng với những người cầu toàn hơn người tri túc. Nếu bạn là một người tri túc, số lượng những lựa chọn hiện diện sẽ không thể ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định của bạn; một khi bạn đã tìm ra thứ đáp ứng được những tiêu chuẩn của mình thì những lựa chọn khác trở nên không thích hợp và dư thừa. Ngược lại nếu bạn là người cầu toàn, mỗi lựa chọn đều có thể đưa bạn vào những cái bẫy lo lắng, hối tiếc và suy đoán lung tung. Vậy có phải liệu người cầu toàn không thể sống vui vẻ như người tri túc không? Chúng tôi cũng đã kiểm tra câu hỏi này với những người tham gia trả lời bảng phân độ cầu toàn ở trên, bằng cách cho họ tiếp tục trả lời những câu trắc nghiệm có tác dụng chỉ ra thế nào là một cuộc sống tốt đẹp và vui vẻ. Có những câu hỏi yêu cầu người trả lời tự đánh giá mình theo thang từ “không hạnh phúc lắm” đến “rất hạnh phúc”, cũng như có những câu xếp loại mức độ lạc quan như xem người trả lời có ý kiến gì về câu “mỗi khi có gì lạ xảy ra tôi luôn nghĩ về điều tốt nhất”. Một bản trắc nghiệm khác tìm hiểu về độ hài lòng với cuộc sống và bản cuối cùng sẽ đo mức phiền muộn của con người hỏi về họ từng cảm thấy buồn ghê gớm như thế nào, họ thỏa mãn thế nào với nhiều hoạt động khác nhau, họ cảm thây thế nào về người khác hay họ nghĩ gì về vẻ ngoài của mình cùng nhiều thứ khác. Qua đợt kiểm tra này những ước đoán của chúng tôi hoàn toàn được khẳng định: những người có độ cầu toàn càng cao càng ít đạt được sự hài lòng trong cuộc sống, ít hạnh phúc hơn, bi quan hơn và dĩ nhiên là nhiều phiền muộn hơn những người biết bằng lòng hơn. Những người có độ cầu toàn cao chót vót cỡ 65 điểm tới 91 điểm có kết quả về sự buồn rầu gần sát mức trầm cảm và phiền muộn bệnh lý.

Tuy nhiên, tôi cần phải nhấn mạnh một yếu tố quan trọng: những nghiên cứu trên cho thấy trở thành một người cầu toàn có liên quan tới việc không hạnh phúc, chứ chúng không phải là nguồn cơn của những nỗi buồn trong cuộc sống, vì một mối quan hệ tương liên không nhất thiết chỉ là nguyên nhân – kết quả. Tuy vậy tôi vẫn tin là trở thành một người cầu toàn đóng một vai trò lớn trong những sự bất hạnh trong cuộc sống và học được 2 chữ “tri túc” chính là một bước quan trọng, không chỉ để đối phó với một thế giới đầy lựa chọn, mà còn trong việc tận hưởng cuộc sống một cách dễ chịu nhất.

Cầu toàn và hối tiếc:

So với người tri túc, người cầu toàn dễ bị sự hối tiếc “tấn công” hơn dưới tất cả các dạng và tình trạng này thường được biết đến với tên “nỗi hối hận của người mua – buyer’s remorse”. Như đã đề cập một người tri túc sẽ không mảy may bận tâm về những thứ tốt hơn, một khi đã tìm được điều hợp với tiêu chuẩn của mình. Nhưng với một người cầu toàn nếu phát hiện ra vẫn còn những lựa chọn khác khá hơn tồn tại thì đó là một “cái gai” rất lớn. “Giá như mình đi thêm một shop nữa”, “Giá như mình đọc cẩm nang tiêu dùng kỹ hơn” hay “Giá như mình nghe lời khuyên của anh ấy”; bạn có thể tạo ra vô số cái “giá như” và mỗi lần như vậy sẽ làm giảm đi sự hài lòng bạn có được từ quyết định mình đã chọn. Một cuộc sống như vậy thật khắc nghiệt và ta dễ dàng nhận ra rằng nếu thường xuyên hối hận, thì dần dần sự thỏa mãn do các quyết định đúng mang lại cũng sẽ mất đi. Điều tồi tệ hơn nữa bạn lại cảm thấy hối tiếc thật sự ngay cả khi mới ước đoán trước các quyết định của mình. Bạn tưởng tượng mình sẽ cảm thấy thế nào nếu phát hiện ra vẫn còn những option tốt hơn và bạn sẽ bị kéo vào vũng lầy bất an và đau khổ với mỗi quyết định vẫn chưa thành hình đó. Tôi sẽ bàn kỹ hơn về sự hối tiếc trong chương 7, nhưng bây giờ hãy xem xét một bảng thang độ khác được tạo ra phối hợp cùng bảng phân độ cầu toàn để đánh giá mức hối tiếc của bạn. Lần này cũng hãy trả lời với những con số từ 1 (hoàn toàn không đồng ý) cho tới 7 (hoàn toàn đồng ý) bên cạnh mỗi câu hỏi. Sau đó lấy 8 trừ đi con số trả lời cho con số ở câu đầu tiên rồi mới cộng các kết quả lại. Điểm càng cao thì bạn càng có nguy cơ hối hận vì những quyết định của mình. Kết quả chúng tôi thu được càng củng cố những giả thuyết, trước khi những người có điểm cao với các câu hỏi về độ cầu toàn cũng có điểm rất cao trong bảng hỏi này.

BẢNG PHÂN ĐỘ HỐI TIẾC

Một khi đã ra quyết định gì thi tôi không hề xem xét lại.

  1. Mỗi khi đưa ra một lựa chọn tôi luôn tò mò muốn biết điều gì sẽ xảy ra nếu mình chọn khác đi.
  2. Nếu lựa chọn của tôi cho kết quả tốt thì tôi vẫn cảm thấy 1 chút thất bại nếu biết rằng một quyết định khác sẽ cho kết quả còn tốt hơn.
  3. Mỗi khi đưa ra quyết định tôi vẫn tìm cách tìm hiểu về kết quả của các lựa chọn khác.
  4. Khi suy nghĩ về những gì mình làm trong cuộc sống tôi vẫn thường đánh giá lại về những cơ hội đã qua.

(Với sự giúp đỡ của Liên đoàn Tâm lý học Hoa Kỳ)

Cầu toàn và chất lượng của các quyết định

Như vậy chúng ta thấy rõ rằng những người cầu toàn phải trả giá khá đắt trong niềm vui sống của mình, nhưng liệu hành trình gian khổ tìm kiếm sự hoàn hảo của họ có ít nhất giúp họ đạt được những quyết định đúng đắn không? Vì những người cầu toàn có những tiêu chuẩn cao hơn người tri túc nên sẽ có người nghĩ họ sẽ đạt được những thứ tốt hơn. Một căn hộ “tốt nhất” phải đẹp hơn một căn hộ “tốt”, hay một công việc “hoàn hảo” dứt khoát phải hơn một công việc “tốt vừa đủ”, làm sao khác hơn được?

Câu trả lời khá phức tạp. Người cầu toàn làm tốt hơn người tri túc về mặt khách quan nhưng lại kém hơn rất nhiều từ góc độ chủ quan. Hãy tưởng tượng một người cầu toàn cuối cùng đã tìm được một chiếc áo len “tuyệt vời” sau một cuộc lùng sục căng thẳng – một cái áo mà không ai có được trừ một người tri túc may mắn nhất thế giới. Anh ta cảm thấy thế nào về cái áo? Anh ta có thất vọng vì đã tốn quá nhiều thời gian và công sức cho nó không? Anh ta cố tưởng tượng đến những khả năng chưa được kiểm tra vẫn còn rất nhiều không và có tự hỏi liệu bạn bè có mua được những cái khác tốt hơn không? Thậm chí anh ta có săm soi từng người qua đường xem họ có mặc những chiếc áo trông tốt hơn không? Người cầu toàn có thể bị “nhiễm độc” từ bất kỳ hay tất cả những sự nghi ngờ trên, và anh ta sẽ thắc mắc tại sao một người tri túc có thể bước đi với vẻ ấm áp và thoải mái như vậy trong một chiếc áo trông rất “tồi”.

Vậy chúng ta phải tự hỏi những tiêu chí nào để đánh giá chất lượng của một quyết định. Đó là kết quả khách quan hay kinh nghiệm chủ quan? Theo tôi điều quan trọng nhất với mỗi người là chúng ta cảm thấy thế nào về quyết định đã đưa ra. Khi các nhà kinh tế học xây dựng lý thuyết về sự hoạt động của người tiêu dùng trên thị trường, họ kết luận rằng người ta tìm kiếm những gì mình thích hay sự hài lòng. Rõ ràng những gì mình ưa thích hay sự thỏa mãn trong cuộc sống hoàn toàn mang tính chủ quan. Đạt được kết quả khách quan hoàn hảo nhất sẽ không mang nhiều giá trị nếu chúng ta vẫn cảm thấy thất vọng với nó. Cũng có người cho rằng sự hài lòng chủ quan này chỉ ý nghĩa với những việc nhỏ, còn với những vấn đề hệ trọng trong cuộc sống như giáo dục chẳng hạn, chẳng phải kết quả khách quan sẽ có vai trò quyết định hơn sao? Tôi không nghĩ vậy; với tư cách một giáo sư, tôi đã tiếp xúc với sinh viên đại học trong rất nhiều năm và theo kinh nghiệm của bản thân tôi nhận thấy những em cho rằng mình đã ở nơi thích hợp nhất luôn đạt kết quả cao hơn. Nhận thức được mình đã tìm ra những gì vừa ý giúp sinh viên tự tin hơn và cởi mở hơn với các cơ hội. Đúng là kết quả khách quan cũng rất quan trọng, nhưng chính kinh nghiệm chủ quan có vai trò khá lớn quyết định chất lượng và giá trị của kết quả đó.

Dĩ nhiên tôi không có ý rằng những sinh viên hài lòng với những ngôi trường kém chất lượng sẽ có một sự giáo dục tốt, hay các bệnh nhân yên phận với một bác sĩ bất tài sẽ khỏe ra; hãy nhớ lại rằng tôi đã nói những người tri túc vẫn có tiêu chuẩn của họ. Điều khác biệt là họ cho phép bản thân hài lòng khi các trải nghiệm đáp ứng được những tiêu chuẩn này.

Có thể sẽ có người dựa vào lý thuyết của Herbert Simon để cho rằng tôi đã không thể phác họa những người cầu toàn tiêu thụ thật sự. Một người cầu toàn tiêu thụ đúng nghĩa sẽ biết tính đến những gì phải bỏ ra trong việc tập họp và đánh giá thông tin. Họ sẽ quyết định lượng thông tin cần thiết để đưa ra một quyết định đúng và sẽ tìm ra khi nào việc tìm kiếm tiến tới một điểm sẽ làm giảm giá trị của kết quả. Khi đó họ sẽ dừng lại và chọn cái tốt nhất. Tuy nhiên, cầu toàn không phải là một thước đo của hiệu quả mà đó là một trạng thái tinh thần. Nếu mục tiêu của bạn là tìm được cái tối ưu thì bạn sẽ không thể thoải mái khi buộc phải thỏa hiệp với những khó khăn do thực tại mang lại, và sẽ không thể có được sự hài lòng như những người tri túc. Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bạn buộc phải “trân mình” trước khả năng rằng nếu tiếp tục tìm kiếm bạn sẽ tìm được gì đó tốt hơn.

Cầu toàn tiêu thụ (maximizing) và cầu toàn thật sự (perfectionism)

Khi ra khỏi lĩnh vực tiêu thụ và bước vào khu vực của kết quả công việc thì bắt buộc ta phải phân biệt giữa người cầu toàn tiêu thụ (maximizer) và người cầu toàn thật sự (perfectionist). Chúng tôi cũng đã cho những người đã trả lời bảng phân độ maximization tiếp tục tham gia một bảng hỏi khác để đánh giá mức perfectionism và đã tìm ra rằng tuy 2 kết quả có liên hệ với nhau, nhưng 2 khái niệm không hoàn toàn đồng nhất và thay thế cho nhau được.

Một perfectionist không vừa lòng với việc thực hiện công việc “tốt vừa phải” nếu có thể làm hay hơn. Một nhạc công luyện tập miệt mài dù cô đã được tất cả khán giả tung hô; một sinh viên đầu lớp sửa đi sửa lại bài tập dù nó đã đáng được tới … 11 điểm hay Tiger Woods vẫn chăm chút từng gậy một dù anh đã đạt được những thành quả không phải ai cũng dám mơ tới. Rõ ràng việc trở thành một perfectionist có những lợi ích to lớn về mặt thành tựu. Như vậy có một dị biệt quan trọng giữa một perfectionist và một maximizer. Trong khi cả hai đều có những tiêu chuẩn cực cao nhưng perfectionist có thể không mong muốn đáp ứng hoàn toàn những tiêu chuẩn của mình, còn maximizer thì buộc bản thân phải đáp ứng chúng. Điều này có thể giải thích tại sao perfectionist không sầu thảm, hối tiếc hay cảm thấy bất hanh; có thể họ cũng không vui vẻ lắm với kết quả công việc của mình nhưng họ vẫn hài lòng hơn maximizer với những gì đã làm.

Khi nào chúng ta trở nên cầu toàn?

Tôi hoàn toàn không phải là người cầu toàn (tiêu thụ), kết quả của tôi trong bảng đánh giá dưới 20 điểm; tôi rất nghét shopping và luôn trung thành với những nhãn hiệu và loại hàng từng sử dụng. Trong công việc tôi vẫn đặt ra những tiêu chuẩn khá cao nhưng không bao giờ tìm kiếm sự hoàn hảo. Có lẽ nếu tôi bỏ thêm thời gian và công sức để tìm kiếm những lựa chọn tốt hơn, tôi sẽ có nhiều tiền hơn hay trở thành một giảng viên giỏi hơn, nhưng tôi biết chấp nhận những “tổn thất” như vậy.

Tuy nhiên, cũng như tất cả mọi người vẫn có những lĩnh vực tôi có khuynh hướng trở nên cầu toàn. Mỗi khi bước vào một cửa hàng thức ăn nhanh sang trọng hay tham dự một buổi buffet chuẩn bị cầu kỳ, tôi nhìn những món ăn ngon tuyệt và muốn ăn tất cả. Tôi tưởng tượng hương vị của tất cả các món và muốn nếm thử. Thế là tôi không biết phải quyết định thế nào và tôi đã trở thành một người cầu toàn và phải đối mặt với những rắc rối đã được nhắc tới trong chương này. Tôi chọn một món nhưng lại thấy hối tiếc và nhìn những thứ được mang tới bên bàn khác một cách thèm thuồng và dĩ nhiên không còn cảm thấy ngon miệng nữa rồi.

Có thể bạn không quan tâm đến ẩm thực như tôi nhưng bạn bỏ hàng tháng trời để tìm ra bộ âm thanh ưa thích. Bạn có thể không để ý thời trang nhưng lại dành cả trái tim và tâm trí cho chiếc xe hoàn hảo nhất có thể. Sự thật là khuynh hướng cũng như tự bằng lòng của chúng ta thường xuyên tập trung vào một lĩnh vực riêng biệt nào đó. Không ai là người cầu toàn trong tất cả các quyết định và ai cũng phải có vài “khu vực nhạy cảm” của riêng mình. Có lẽ điểm khác nhau cơ bản giữa cầu toàn và trí túc là mức độ và số lượng các quyết định một cá nhân phải đưa ra.

Đây quả là tin tốt vì nó có nghĩa là mỗi chúng ta đề có khả năng trở thành một người tri túc. Nhiệm vụ còn lại cho những người cảm thấy kiệt sức vì phải lựa chọn, là phải thường xuyên áp dụng những chiến thuật giúp ta tự hài lòng và từ bỏ kỳ vọng rằng mình có thể đạt được cái tối ưu.

Cầu toàn và vấn đề với lựa chọn:

Đối với người cầu toàn, “quả núi” những chọn lựa được xem xét trong 2 chương đầu sách là một cơn ác mộng thật sự, nhưng lại không phải là gánh nặng với người biết thế nào là đủ. Thật ra càng có nhiều lựa chọn thì khả năng một người tri túc tìm được cái mình muốn càng cao và có thể thêm lựa chọn không có nghĩa sẽ có thêm nhiều việc cho người tri túc, vì họ không phải chịu áp lực phải kiểm tra tất cả mọi khả năng trước khi quyết định.

Hai cô con gái của bạn tôi là những ví dụ rất thú vị cho phần này. Khi cô chị bước và tuổi dậy thì, vợ chồng bạn tôi cũng trải qua “cuộc chiến” cha mẹ – con gái lớn thường thấy, nhất là chuyện ăn mặc. Cô bé rất có ý thức về bề ngoài của mình và lại hợp “gu” với những loại quần áo đắt tiền. Dĩ nhiên những gì cô bé cho rằng mình bắt buộc phải có khác hoàn toàn với những gì cha mẹ cô nghĩ. Cuối cùng bạn tôi đã tìm ra một cách. Họ thỏa thuận với con gái về một khoản tiền định kỳ cho những bộ thời trang có giá vừa phải với số lượng hợp lý. Hàng tháng họ cho con muộn khoản nhất định và để cho cô bé tự quyết định sẽ tiêu chúng ra sao. Kết quả thật mỹ mãn, những cuộc tranh cãi về chuyện quần áo chấm dứt và vợ chồng bạn tôi có thể dành nhiều tâm trí hơn để tiếp tục … “tranh đấu” với cô con gái rượu về những vấn đề quan trọng hơn. Sau đó quá hài lòng với chiến thuật này, họ tiếp tục áp dụng với cô con gái nhỏ. Tuy nhiên 2 cô bé lại là 2 người khác nhau. Cô chị là một người tri túc trong khi cô em lại thuộc loại cầu toàn (ít nhất là về chuyện thời trang). Với người chị, cô bé nhận tiền của bố mẹ, mua những gì mình thích một cách cũng khá tùy hứng, nhưng không báo giờ lo lắng về những mẫu thiết kế mình đã bỏ qua. Ngược lại mỗi chuyến shopping giống như “cực hình” với cô con gái nhỏ. Vì nó không biết lựa chọn đó có phải tối ưu với số tiền được cho hay không. Liệu qua hai tháng nó có hối tiếc vì đã mua chiếc váy đó khi đã mode đã thay đổi. Đây là một vấn đề không thể giải quyết với một cô bé 12 tuổi và cho nó một sự tự do như vậy lại không thể nào mang lại hạnh phúc và yêu đời được. Tôi không nghi ngờ rằng cô bé sẽ thấy hối tiếc vì được tự do ra quyết định cho mình, nhưng “sự giải phóng thời trang” của nó lại mang lại nhiều lo lắng hơn là niềm vui.

Tại sao người ta lại cầu toàn?

Việc trở thành người cầu toàn lợi hại thế nào đã rõ vậy chúng ta sẽ tự hỏi tại sao lại có người theo đuổi mục tiêu này cơ chứ? Lời giải thích đầu tiên là rất nhiều người chăm chăm theo đuổi cái tốt nhất không hề nhận ra mình đang làm như vậy. Có thể họ nhận thức được mình thường gặp khó khăn trong công việc đưa ra quyết định, mình sẽ hối hận với những lựa chọn của mình hay họ thường cố tìm chút niềm vui còn sót lại từ quyết định đã đưa ra nhưng tận cùng thì họ không hề ý thức được nguyên nhân cội rễ của vấn đề. Câu trả lời thứ hai là sự quan tâm của chúng ta về địa vị. Kể từ khi con người bắt đầu sống thành quần thể thì chúng ta đã luôn để ý đến địa vị của mình, nhưng trong thời đại ngày nay sự quan tâm này hiện diện dưới một dạng khác. Trong một “thế giới phẳng” thì chỉ có “thứ nhất” mới đạt được thành công trong cuộc đua với người khác. Với của cải ngày càng sinh sôi, chủ nghĩa vật chất đang chiếm lĩnh đời sống cùng với những “chiêu” tiếp thị và PR ngày càng độc đáo và một số lượng lựa chọn khổng lồ đổ vào đời sống, thì mối quan tâm tới vị trí

của mình trong xã hội buộc phải bùng nổ trở thành một cuộc “chạy đua vũ trang” để giành được sự ngưỡng mộ của mọi người và cả bản thân. Và cách duy nhất để trở thành “số 1” là phải có những gì “số 1”.

Cũng có một cái nhìn khác nhau về mối quan tâm về địa vị được Fred Hirsch đưa ra 30 năm trước. Ông viết về những hàng hóa vốn khan hiếm do bản chất hay những mặt hàng được đánh giá phần nào dựa trên sự khan hiếm của nó. Những bệnh viện tư dành cho VIP hay miếng đất sát mí đại dương và những căn nhà nằm ngày khu vực “vàng” của thành phố là những hàng hóa như vậy, và chúng luôn là mục tiêu của nhiều người để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Hirsch cho rằng xã hội càng giàu có, những nhu cầu cơ bản ngày càng được đáp ứng thì con người càng quan tâm tới những mặt hàng quý hiếm (từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp” rồi tới “ăn bào ngư mặc hang hiệu”). Và nếu bạn đã bước vào cuộc đua với những sản phẩm này thì “tốt vừa đủ” không bao giờ là đủ – chỉ có cái tốt nhất là đáng kể.

Có phải lựa chọn tạo ra sự cầu toàn?

Phần cuối trong chương này sẽ được giành để xét xem có phải chính sự sinh sôi không thể kiểm soát được của các lựa chọn đã biến một người trở thành cầu toàn hay không. Thí nghiệm về việc mua quần jean của tôi trong chương trước hé lộ rằng đó có thể là 1 khả năng. Như tôi đã chỉ ra, trước cuộc shopping “khùng điên” đó tôi không hề để ý nhiều tới quần jean của mình, nhưng rồi lại bị cuốn theo hướng đó và những tiêu chuẩn của tôi về quần jean đã bị thay đổi mãi mãi. Từ đầu chương 4 đến giờ chúng ta cũng nói về sự cầu toàn tiêu thụ và những lựa chọn con người phải đối mặt như thể chúng tồn tại độc lập với nhau, nhưng có khả năng rất lớn là lựa chọn và cầu toàn không hề tách rời nhau. Có thể là quá nhiều lựa chọn sẽ biến một người trở nên cầu toàn. Và nếu đúng vậy sẽ thật nguy hiểm vì sự bùng nổ các chọn lựa không những khiến cuộc sống của người cầu toàn trở nên khổ sở mà nó còn khiến những người tri túc bị biến chất.

Hiện tại việc những lựa chọn biến con người trở thành cầu toàn vẫn hoàn toàn là suy đoán, và nếu đó là sự thật chúng ta phải tìm thấy ít người cầu toàn hơn trong những nền văn hóa ít tôn thờ các lựa chọn hơn như ở Mỹ. Điều này rất quan trọng vì nó có nghĩa là bằng cách giảm bớt những lựa chọn con người phải đối mặt trong cuộc sống, chúng ta có thể sẽ giảm được khuynh hướng cực đại hóa mọi việc lên. Như bạn sẽ thấy trong chương tiếp theo chúng ta có lý do xác đáng để xem xét nghiêm túc suy đoán này. Những cuộc nghiên cứ so sanh những người sống vui sống khỏe tại những nền văn hóa khác nhau, đã cho thấy những khác biệt cơ bản về cơ hội tiêu thụ lại tác động rất ít đến sự hài lòng trong cuộc sống của họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.