Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn
PHẦN IV. CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ – CHƯƠNG 11. PHẢI LÀM GÌ VỚI SỰ LỰA CHỌN
Những thông tin tôi đã trình bày thật u ám. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khả năng của con người đang ở đỉnh điểm, bị choáng ngợp bởi sự dư thừa vật chất. Xét về khía cạnh xã hội, những gì chúng ta đã đạt được chắc hẳn là những thứ mà tổ tiên chúng ta từng mơ ước, nhưng chúng ta cũng phải trả giá đắt cho những thành tựu đó. Chúng ta có được những thứ mà chúng ta muốn, rồi sau đó khám phá ra rằng những gì chúng ta muốn đó không đủ để thỏa mãn chúng ta như chúng ta mong đợi. Quanh chúng ta là những thiết bị hiện đại, tiết kiệm thời gian, nhưng dường như chúng ta vẫn không có đủ thời gian. Chúng ta được tự do làm tác giả của kịch bản cuộc đời mình, nhưng chúng ta lại không biết chính xác mình muốn “viết” nên loại cuộc đời nào.
“Thành tựu” của cuộc sống hiện đại lại hóa ra cay đắng và mọi nơi chúng ta nhìn dường như đều có những yếu tố góp phần làm cho càng ngày càng có nhiều lựa chọn. Có quá nhiều lựa chọn tạo ra sự mệt mỏi về tâm lý, đặc biệt là khi sự mệt mỏi đó được kết hợp với sự nuối tiếc, lo âu về địa vị, về quá trình thích nghi, so sánh xã hội, và có lẽ quan trọng nhất chính là ước muốn có được mọi thứ tốt nhất – sự cầu toàn.
Tôi tin rằng có nhiều cách để làm giảm, thậm chí làm biến mất những mệt mỏi này, nhưng thực hiện chúng không hề dễ dàng. Các biện pháp này đòi hỏi chúng ta phải luyện tập, kỷ luật và có lẽ còn phải có một kiểu tư duy mới. Mặc khác, mỗi cách sau đây đều có những giá trị/ hiệu quả của nó.
1. Chỉ lựa chọn khi cần lựa chọn
Như chúng ta đã thấy, có cơ hội được chọn lựa là một yếu tố quan trọng của hạnh phúc, nhưng chọn lựa cũng có những mặt tiêu cực của nó. Và những mặt tiêu cực này cũng tăng khi số lượng lựa chọn tăng. Lợi ích của việc có nhiều chọn lựa là dễ thấy khi chúng ta phải quyết định một điều gì đó, nhưng cái giá phải trả thì lại khó thấy và tích tụ dần dần. Nói cách khác, không phải lựa chọn này hay lựa chọn kia tạo ra vấn đề, mà tất cả các lựa chọn đó tạo ra vấn đề khi hợp lại với nhau.
Thật không dễ để từ chối cơ hội được chọn lựa. Mặc dù vậy, điểm mấu chốt cần phải quan tâm đó là điều gì quan trọng nhất đối với chúng ta hầu như lúc nào cũng là kết quả khách quan của quyết định chứ không phải kết quả chủ quan. Nếu khả năng chọn lựa giúp bạn kiếm được xe hơi, nhà cửa, công việc hoặc máy pha cà phê xịn hơn, nhưng quá trình chọn lựa lại làm bạn cảm thấy không hài lòng về những gì bạn chọn, thì thực sự bạn chẳng đạt được gì từ cơ hội được chọn lựa đó. Và trong phần lớn thời gian, kết quả khách quan tốt nhưng kết quả chủ quan lại tệ chính là những gì mà việc có quá nhiều chọn lựa mang lại cho chúng ta.
Để giải quyết được vấn đề của việc có quá nhiều lựa chọn, chúng ta phải quyết định xem lựa chọn nào thực sự quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta và tập trung thời gian sức lực vào lựa chọn đó, hãy bỏ qua những cơ hội khác đi. Nhờ vào việc hạn chế bớt các chọn lựa, chúng ta có thể có ít thứ để chọn hơn nhưng lại cảm thấy tốt hơn.
Hãy thử những cách sau:
- Xem lại những quyết định gần đây của ban, cả quyết định quan trọng lẫn không quan trọng (ví như việc mua quần áo, mua đồ dùng nhà bếp, đi nghỉ ở đâu, dành lương hưu vào việc gì, việc chăm sóc sức khỏe hoặc thay đổi chỗ làm hoặc một mối quan hệ nào đó).
- Liệt kê chi tiết từng bước, thời gian, nghiên cứu và cả lo lắng trước khi đưa ra quyết định đó.
- Tự nhắc mình bạn cảm thấy thế nào khi làm việc như vậy.
- Tự hỏi mình kết quả bạn nhận được từ quyết định đó có xứng với công sức bạn bỏ ra hay không.
Bài tập trên giúp bạn biết đánh giá tốt hơn cái giá bạn phải trả liên quan đến những quyết định bạn đưa ra, điều này có thể giúp bạn từ bỏ bớt một số quyết định cùng lúc, hoặc ít nhất cũng lập ra được những quy tắc ngón tay cái (tức phương pháp thực hành để tính toán hoặc làm gì đó dựa trên những kinh nghiệm quá khứ) cho chính mình về việc cần xem xét lựa chọn nào, hoặc cần bỏ ra bao nhiêu thời gian và nỗ lực cho việc chọn lựa. Ví dụ, bạn có thể đặt ra cho mình quy tắc chỉ đến xem không quá hai địa điểm mà mình sẽ chọn để đi nghỉ.
Tự giới hạn mình theo cách này có thể vừa khó vừa có tính độc đoán, nhưng thực sự đây lại là nguyên tắc mà chúng ta phải thực hành trong những khía cạnh
khác của cuộc sống. Bạn có thể có một nguyên tắc rằng không bao giờ uống quá hai ly rượu trong một buổi họp. Rượu ngon làm bạn cảm thấy sảng khoái và cơ hội uống thêm một ly nữa nằm trong tầm tay bạn, nhưng bạn dừng lại. Và đối với nhiều người, việc dừng lại này không quá khó. Tại sao vậy?
Một lý do đó là bạn luôn được nghe những chỉ dẫn về tác hại của rượu khi uống quá nhiều rượu. Lý do thứ hai đó là bạn đã từng có kinh nghiệm về việc uống quá nhiều rượu và khám phá ra rằng việc đó không dễ chịu chút nào. Không có gì đảm bảo rằng việc uống ly thứ ba có thể làm bạn không thể kiểm soát; nhưng tại sao lại phải liều mạng chứ? Không may là xã hội chúng ta lại không có nhiều hướng dẫn nói về tác hại của việc mua sắm nhiều. Hoặc có thể chính bạn cũng không nhận thức rõ về việc có quá nhiều lựa chọn cũng gây ra những kết quả khó chịu. Cho đến lúc này, nếu bạn đã bị thuyết phục bởi những lý luận và dẫn chứng của cuốn sách này, thì bạn đã nhận thức được lựa chọn cũng có mặt trái của nó. Nhận thức này làm bạn thấy dễ chấp nhận và sống với nguyên tắc “chỉ có hai lựa chọn” hơn. Rất đáng để thử đấy.
2. Hãy là một người biết lựa chọn chứ không phải chọn đại
Người biết lựa chọn là những người có khả năng xác định được liệu quyết định đó có quan trọng hay cũng có thể không có lựa chọn nào xem xét được, hoặc cũng có thể tạo ra một lựa chọn mới. Họ biết được một lựa chọn nào đó có khả năng cho biết điều gì đó về chính bản thân người đó. Chính người biết lựa chọn là người tạo ra những cơ hội mới cho chính họ và cho cả người khác. Nhưng khi phải đối mặt với chọn lựa thì chúng ta buộc phải trở thành người chọn đại. Có nghĩa là chúng ta trở thành những người lựa chọn tương đối bị động với những gì bày ra trước mắt. Làm một người biết lựa chọn hiển nhiên là tốt hơn, nhưng để có thời gian để trở nên biết lựa chọn hơn và ít chọn đại đi, thì chúng ta phải sẵn sàng phụ thuộc vào các thói quen, tập quán, những nguyên tắc và quy chuẩn thông thường để làm cho một số quyết định về một số việc gì đó trở nên tự động đối với chúng ta..
Người biết lựa chọn có thời gian để điều chỉnh mục tiêu của mình; còn người chọn đại thì không. Người biết lựa chọn có thời gian để tránh đi theo số đông; còn người chọn đại thì không. Những quyết định đúng đắn luôn tốn thời gian và sự chú ý, và cách duy nhất để chúng ta có được thời gian và sự chú ý cần thiết chính là biết tập trung vào những điểm nào.
Sau khi bạn đã thực hành bài tập xem lại những quyết định gần đây của minh, bạn sẽ không chỉ ý thức hơn về cái giá phải trả mà bạn còn khám phá ra có những thứ bạn thực sự quan tâm và những thứ bạn không quan tâm. Điều này sẽ giúp bạn:
- Rút ngắn hoặc bỏ bớt những cân nhắc không cần thiết về những quyết định không quan trọng với bạn.
- Sử dụng thời gian rảnh mà bạn vừa có được để tự hỏi mình bạn thực sự muốn điều gì trong những quyết định về những khía cạnh của cuộc sống quan trọng đối với bạn.
- Nếu bạn khám phá ra không có lựa chọn nào trong những khía cạnh đó đáp ứng yêu cầu của bạn, thì hãy suy nghĩ và tạo ra những lựa chọn mới.
3. Biết thỏa mãn nhiều hơn và cầu toàn ít đi
Chính những người cầu toàn là những người gánh chịu nhiều nhất trong xã hội có quá nhiều lựa chọn. Chính những người cầu toàn là những người có những kỳ vọng không thể đáp ứng được. Chính những người cầu toàn là những người phải lo lắng nhiều nhất về sự hối tiếc, về những cơ hội bị bở lỡ, và về so sánh xã hội. Họ là những người bị thất vọng nhiều nhất khi kết quả đạt được từ quyết định của họ không được như mong muốn.
Học được cách chấp nhận mức độ “vừa phải” sẽ giúp đơn giản hóa quá trình đưa ra quyết định và tăng sự hài lòng. Mặc dù những người biết thỏa mãn thường không làm tốt được như người cầu toàn dựa trên một số tiêu chuẩn khách quan nào đó, tuy nhiên nhờ biết cách chấp nhận sự “vừa phải” ngay cả khi cái tốt nhất đang quanh quẩn đâu đây, người biết thỏa mãn thường cảm thấy hài lòng với những quyết định của mình hơn.
Cũng phải thừa nhận rằng đôi khi có những lúc thật khó chấp nhận mức độ “vừa phải”. Khi thấy rằng rõ ràng mình có thể làm tốt hơn cũng là một cảm giác khó chịu. Ngoài ra con có đầy rẫy những nhân viên tiếp thị luôn cố gắng thuyết phục bạn rằng “vừa phải” là chưa đủ khi có những cái mới mẻ và xịn hơn xung quanh. Tuy nhiên, mọi người đều có sự thỏa mãn về ít nhất một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của mình. Cho dù đối với những người khó tính nhất thì không thể lúc nào cũng cầu toàn được. Bí quyết ở đây là hãy học cách nuôi dưỡng và đánh giá cao sự hài long, và hãy sử dụng nó trong nhiều khía cạnh của cuộc sống hơn nữa, hơn là chỉ cố gắng/miễn cưỡng hài lòng. Một khi bạn là một người tự biết hài lòng một cách có ý thức thì bạn không còn quá quan tâm đến việc so sánh với người khác như thế nào
nữa. Điều này có thể giúp ta bớt hối tiếc đi. Trong một thế giới phức tạp bị bão hòa bởi những lựa chọn mà chúng ta đang sống điều này giúp chúng ta bính yên hơn trong tâm hồn.
Tuy nhiên, để trở thành một người biết tự bằng lòng đòi hỏi bạn phải suy nghĩ kĩ càng về các mục tiêu và mơ ước của bạn. Bạn cũng phải tự đặt cho mình những tiêu chuẩn chặt chẽ cho mức độ “vừa phải” bất cứ khi nào bạn phải quyết định. Để biết được điều gì là “vừa phải” đòi hỏi bạn phải hiểu mình và những gì mình quan tâm. Vì vậy:
- Hãy suy nghĩ về những dịp/ khía cạnh/ lúc/ vấn đề trong cuộc sống mà bạn cảm thấy thoải mái chấp nhận sự “vừa phải”.
- Nghiên cứu kỹ bạn sẽ chọn như thế nào trong những khía cạnh đó.
- Sau đó áp dụng chiến thuật/ nguyên tắc này một cách rộng rãi hơn.
Tôi còn nhớ rất rõ mình đã trải qua quá trình này như thế nào vài năm trước đây khi dịch vụ điện thoại đường dài mới ra đời. Bởi tôi phải thường phải gọi rất nhiều cuộc gọi đường dài và lúc đó tôi cũng bị choáng ngợp bởi rất nhiều quảng cáo mời gợi của nhiều công ty, tôi thấy mình cũng không thể cưỡng lại mong muốn mình phải tìm cho ra công ty tốt nhất và tìm được gói dịch vụ tốt nhất. So sánh đủ để tìm ra cái tốt nhất thực sự rất khó khăn, tốn thời gian và nhức đầu bởi các công ty khác nhau thì thiết kế dịch vụ và cước phí theo những các khác nhau. Hơn nữa, khi tôi cố gắng để tìm cho được cái tốt nhất thì các công ty mới cứ tiếp tục đến mời chào. Thôi biết bản thân mình không muốn phải bỏ ra tất cả chỉ để giải quyết vấn đề lựa chọn dịch vụ điện thoại, nhưng thực sự nó giống như một chỗ ngứa mà tôi không thể không gãi. Sau đó thì một ngày nọ tôi đi mua một cái lò nướng khác, tôi chỉ vào một cửa hàng, xem hai hiệu, hai mẫu, và chọn xong. Khi tôi về nhà, tôi bỗng nhận ra rằng, nếu tôi muốn, tôi có thể chọn dịch vụ điện thoại cho mình theo cách đo. Tôi thở phào nhẹ nhõm và tôi đã làm như thế. Và tôi không phải lo lắng nghĩ ngợi gì nhiều về dịch vụ điện thoại kể từ đó.
4. Suy nghĩ về giá của cơ hội
Khi đưa ra quyết định, thường là tốt khi chúng ta xem xét về những lựa chọn/khả năng mà ta sẽ bỏ qua khi chọn được cái ưng ý nhất. Việc bỏ qua những cái “giá của cơ hội” này có thể khiến chúng ta trở nên đánh giá quá cao về cái gọi là lựa chọn tốt nhất. Mặt khác, chúng ta càng suy nghĩ về “giá của cơ hội” thì chúng ta lại
càng trở lên bất mãn với những gì chúng ta đã chọn. Vì vậy hãy cố gắng hạn chế suy nghĩ về những khả năng/những sự lựa chọn mà chúng ta đã bỏ qua.
Nếu cứ suy nghĩ về sự hấp dẫn của những lựa chọn mà chúng ta đã bỏ qua, thì cúng ta càng không hài lòng với cái mà ta đã chọn. Nhưng nếu chúng ta quên hết về giá của cơ hội thì điều đó là rất khó, hoặc không thể để đánh giá một lựa chọn là tốt nếu không có mối liên hệ với những lựa chọn khác. Ví dụ như định nghĩa một sự đầu tư hiệu quả là thế nào phải dựa vào mức độ lãi mà nó mang lại so sánh với lãi của những vụ đầu tư khác. Không có một tiêu chuẩn tuyệt đối nào mà chúng ta có thể dựa vào, vì vậy cũng cần phải xem xét những giá của cơ hội khác, nhưng đừng xem xét nhiều quá.
Lập ra những quyết định dự phòng có thể có tác dụng. Khi chúng ta quyết định bỏ qua những lựa chọn về một vấn đề nào đó trong cuộc sống thì chúng ta không phải nghĩ nhiều về giá của cơ hội nữa. Làm một người biết thỏa mãn cũng có tác dụng. Do người biết thỏa mãn có những tiêu chuẩn riêng của họ về mức độ “vừa phải” nên họ cũng ít phụ thuộc hơn những người cầu toàn vào những so sánh về những lựa chọn khác. Đối với một người biết thỏa mãn, một vụ đầu tư hiệu quả là vụ đầu tư mang lại lãi cao hơn mức lạm phát. Chuyện này đã qua rồi. Không cần phải lo lắng về các lựa chọn khác. Không cần phải giảm mức độ hài lòng khi phải cân nhắc việc tiền bạc của mình có thể đã được đầu tư tốt hơn chăng. Liệu có phải những người biết thỏa mãn thì kiếm được ít hơn so với người cầu toàn khi đầu tư? Có lẽ. Liệu người này có bất mãn với kết quả đạt được không? Có lẽ không. Liệu người này sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ về những quyết định thực sự quan trọng với mình? Chắc chắn rồi.
Có một số phương pháp mà bạn có thể sử dụng để tránh bị thất vọng khi nghĩ về những lựa chọn mình đã không chọn:
- Nếu bạn không thực sự thấy mình bất mãn thì hãy dùng thứ mình luôn dùng.
- Đừng bị cám dỗ bởi những thứ “mới mẻ và cải tiến”.
- Đừng “gãi” nếu không bị “ngứa”.
- Và đừng lo lắng rằng nếu bạn làm điều này thì bạn sẽ bỏ lỡ mất những thứ mới mẻ hay ho khác trong cuộc sống.
Dù sao đi nữa thì bạn sẽ luôn phải đối mặt với những thứ mới lạ. Bạn bè và đồng nghiệp của bạn sẽ nói cho bạn nghe về các sản phẩm mà họ mua trong kỳ nghỉ của họ chẳng hạn. Vì vậy bạn sẽ thay đổi những lựa chọn theo thói quen của bạn mặc dù bạn không tìm kiếm điều đó. Nếu bạn chỉ ngồi yên và đợi những điều “mới mẻ, tiến bộ” tìm đến bạn, thì bạn sẽ mất ít thời gian hơn cho việc chọn lựa và sẽ thấy ít bực mình hơn nếu bạn không tìm được thứ thay thế mà đáp ứng mọi yêu cầu của bạn.
- Hãy làm cho lựa chọn của mình không thể hủy bỏ được
Hầu hết mọi người đều muốn mua hàng ở một cửa hàng cho đổi hơn là mua ở
cửa hàng không cho đổi. Chúng ta không nhận ra một điều rằng chính việc cho phép chúng ta thay đổi ý định dường như càng khiến chúng ta dễ thay đổi quyết định. Khi chúng ta có thể thay đổi quyết định của mình về một vấn đề nào đó thì chúng ta càng ít thỏa mãn với quyết định của mình. Khi quyết định cuối cùng được đưa ra, chúng ta sẽ vướng vào những quá trình tâm lý có thể tăng cảm giác của chúng ta về lựa chọn của mình so với những lựa chọn khác. Nếu một lựa chọn là không thể thay đổi thì chúng ta sẽ không mắc vào quá trình này nhiều như trước nữa.
Tôi nghĩ rằng sức mạnh của những quyết định không thể thay đổi sẽ xuất hiện rõ nhất khi chúng ta suy nghĩ về những lựa chọn quan trọng nhất. Một người bạn từng bảo tôi rằng một mục sư đã từng gây sốc cho một giáo đoàn khi ông thuyết giảng một bài về hôn nhân, trong đó ông thẳng thừng nói rằng thảm cỏ phía bên kia đồi lúc nào cũng xanh hơn (tức đặc tính “đứng núi này trông núi nọ” của con người). Ông ta có ý rằng bạn sẽ không thể tránh khỏi gặp gỡ những người trẻ hơn, đẹp hơn, vui tính hơn, thông minh hơn, hoặc có vẻ biết thấu hiểu và thông cảm hơn so với bạn đời của chúng ta. Nhưng vấn đề tìm kiếm bạn đời không giống như việc so sánh lựa chọn khi đi chợ hay mua sắm. Cách duy nhất để cảm thấy hạnh phúc và bình ổn trước những lựa chọn có vẻ hấp dẫn và thu hút hơn đó là nói rằng “tôi không định thay đổi đâu. Tôi đã lựa chọn bạn đời của mình, nên cho dù người kia có biết thông cảm hay xinh đẹp như thế nào cũng không có ý nghĩa gì với tôi. Tôi không phải đang đi chợ – câu chuyện chấm dứt ở đây”. Cứ mải trăn trở không biết tình yêu của mình liệu đã đạt yêu cầu chưa, và tự hỏi liệu có phải mình đã có thể làm tốt hơn không – tất cả những điều này là đơn thuốc cho sự đau khổ. Khi bạn biết mình vừa ra một quyết định không thể thay đổi khiến bạn dồn công sức để cải thiện mối quan hệ bạn đang có hơn là cứ mải nghi ngờ/ đứng núi này trông núi nọ.
- Thực hành thái độ sống biết ơn
Cách đánh giá các lựa chọn bị tác động sâu sắc bởi việc cho ta so sanh các lựa chọn đó với cái gì, bao gồm cả việc so sánh với điều chỉ có trong trí tưởng tượng của chúng ta. Cùng một trải nghiệm nhưng chúng có thể chứa đựng cả khía cạnh gây thú vị lẫn gây thất vọng. Việc chúng ta chú trọng vào khía cạnh nào có thể quyết định việc chúng ta đánh giá trải nghiệm của mình là đáng hài lòng hay không. Khi chúng ta tưởng tượng ra những phương án tốt hơn thì phương án mà chúng ta chọn bỗng trở nên không tốt bằng. Khi chúng ta tưởng tượng ra những phương án tệ hơn, thì cái chúng ta chọn lại trở lên tốt hơn.
Chúng ta có thể cải thiện đáng kể cảm nhận chủ quan của mình bằng cách cố gắng biết ơn/hài lòng một cách có ý thức đối với những khía cạnh tốt của một trải nghiệm hay chọn lựa nào đó, và hãy bớt thất vọng với những khía cạnh không tốt.
Tài liệu nghiên cứu cho thấy thái độ biết ơn không phải lúc nào cũng tự nhiên đến với chúng ta. Thông thường chúng ta nghĩ đến những phương án khác là do chúng ta cảm thấy bất mãn với những gì chúng ta đã chọn. Khi cuộc sống không được suôn sẻ, chúng ta nghĩ nhiều về việc làm thế nào để nó tốt hơn. Khi cuộc sống đang tốt đẹp thì chúng ta có khuynh hướng không suy nghĩ về việc nó sẽ xấu đi như thế nào. Nhưng nhờ luyện tập, chúng ta có thể học được cách nhìn được những khía cạnh tốt của mọi việc, điều này ngược lại cũng sẽ giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta.
Dường như không được cao quý lắm khi chấp nhận quan điểm rằng lòng biết ơn cần phải được thực hành. Vậy thì tại sao bạn không tự bảo mình rằng “bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến những khía cạnh tốt trong cuộc sống” và thực hành nó? Câu trả lời chính là vì thói quen của tư duy rất khó thay đổi. Chắc chắn rằng khi bạn tự đưa ra một “chỉ thị” chung chung như thế thì bạn sẽ chẳng thực sự làm theo đâu. Thay vào đó bạn hãy cân nhắc luyện tập thói quen đơn giản sau đây:
- Giữ một tập giấy bên giường ngủ.
- Mỗi sáng khi bạn thức dậy hoặc mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn hãy sử dụng tập giấy trên liệt kê ra 5 việc xảy ra trong ngày hôm đó mà bạn cảm thấy hài lòng / biết ơn. Những việc khiến bạn biết ơn này đôi khi là những việc lớn (ví dụ được thăng chức to, cuộc hẹn đầu tiên thật là tuyệt), nhưng đa phần thì đó là những việc nhỏ (ánh mặt trời chiếu xuyên qua phòng ngủ, nhận được những lời nói tốt đẹp từ một người bạn, một món cá kiếm được nấu theo cách bạn thích, một bài báo nhiều thông tin trên tạp chí).
- Khi bạn mới bắt đầu thì bạn có thể thấy việc này có gì đó hơi ngớ ngẩn, thậm chí khiến bạn cảm thấy ngượng ngập. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục thì bạn sẽ thấy rằng nó sẽ ngày càng dễ và ngày càng tự nhiên. Bạn cũng sẽ tự mình khám phá ra nhiều thứ mà mình có thể biết ơn dù trong những ngày bình thường nhất. Cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và thấy cuộc sống đẹp hơn, ít bị lôi cuốn vào cuộc tìm kiếm những thứ “mới lạ và hiện đại” thì mới cảm thấy tốt hơn.
7. Hãy ít hối tiếc hơn
Sự day dứt khi hối tiếc (dù hối tiếc đó có thật hay chỉ là tiềm năng) thì cũng tác động tiêu cực đến nhiều quyết định, và đôi khi còn khiến chúng ta không dám ra quyết định. Mặc dù hối tiếc là thường mang tính tích cực và đem lại bài học cho chúng ta, nhưng một khi chúng trở thành điều ám ảnh thì nó có thể đầu độc, thậm chí khiến chúng ta không dám quyết định. Chúng ta nên cố gắng để giảm thiểu nó bằng những cách sau đây:
- Theo những tiêu chuẩn của một người biết thỏa mãn chứ không phải một người cầu toàn.
- Hãy giảm bớt các lựa chọn trước khi chúng ta ra quyết định.
- Thực hành lòng biết ơn / sự hài lòng đối với những mặt tích cực hơn là cứ chăm chăm thất vọng về những mặt không tốt.
Cũng có lợi khi chúng ta luôn nhớ rằng cuộc sống phức tạp như thế nào và nhận ra rất hiếm khi có một quyết định nào đó có khả năng thay đổi cuộc sống. Tôi có một người bạn, người này luôn cảm thấy mình phải đạt được nhiều thành tích trong cuộc sống và anh ta đã bỏ ra hàng đống thời gian trong 30 năm qua để hối tiếc về một cơ hội mà anh ta đã bỏ lỡ để được đi học trường Cao đẳng Ivy nào đó. Anh ta thường càu nhàu rằng: “Mọi việc chắc đã khác nếu hồi đó tôi theo học trường đó.” Thực ra anh ta nếu đi học trường đó thì có thể trên đường đi học anh ta bị xe buýt tông. Thực ta nếu anh ta có theo học trường đó thì anh ta cũng có thể bị đuổi học vì thi trượt, hoặc gặp một thất bại nào đó hoặc không theo kịp và trở nên ghét việc học ở đó. Nhưng tôi đã luôn muốn chỉ cho anh ta thấy được rằng khi anh ta đưa ra quyết định đó vì nhiều lý do, và những lý do này gắn với lúc còn trẻ anh ta như thế nào. Thay đổi một quyết định – ở đây là có quyết định theo học ở một trường danh tiếng hơn hay không – không làm thay đổi được tính cách cơ bản của anh ta hoặc xóa bỏ được những vấn đề mà anh ta phải trải qua. Vì thế cho dù anh ta có đi học trường đó thì không có gì chắc chắn rằng cuộc sống hay nghề nghiệp của anh ta có thể tốt hơn.
Nhưng có một điều tôi chắc chắn nếu anh ta bớt hối tiếc đi thì anh ta đã sống hạnh phúc hơn.
8. Đoán trước quá trình thích nghi
Chúng ta thích nghi với hầu hết mọi thứ trong cuộc sống với bất kỳ quy tắc nào / cho dù trải nghiệm đó có xảy ra thường xuyên hay không. Khi cuộc sống khó khăn, khả năng thích nghi giúp chúng ta tránh được cảm giác gánh nặng khi đối diện với nó. Nhưng khi cuộc sống suôn sẻ, khả năng thích nghi lại đặt chúng ta vào một vòng quay luẩn quẩn đi tìm hứng thú, lấy mất của chúng ta cảm giác thỏa mãn hoàn toàn khi chúng ta có được một điều gì đó tốt đẹp. Chúng ta không thể tránh được quá trình thích nghi. Những gì chúng ta có thể làm đó là chỉ nên kỳ vọng một cách thực tế về việc trải nghiệm thay đổi như thế nào theo thời gian. Thử thách là ở chỗ chúng ta phải luôn nhớ rằng dàn âm thanh nổi, chiếc xe hơi sang trọng và ngôi nhà rộng hàng ngàn mét vuông không thể lúc nào cũng mang lại cho chúng ta cảm giác hứng thú như khi chúng ta sử dụng chúng lần đầu. Học cách hài lòng khi sự hứng thú bỗng trở thành cảm giác dễ chịu sẽ giúp chúng ta ít thất vọng hơn với quá trình thích nghi khi nó diễn ra. Chúng ta cũng có thể giảm nỗi thất vọng về quá trình thích nghi theo cách của người biết thỏa mãn, đó là bỏ ít quá thời gian và công sức nghiên cứu khi đưa ra quyết định.
Ngoài việc ý thức được cái vòng luẩn quẩn của hứng thú, chúng ta cũng cần phải ý thức được cái vòng luẩn quẩn của sự thỏa mãn. Đây chính là “tác động đúp” của quá trình thích nghi. Chúng ta không chỉ thích nghi với một trải nghiệm nào đó và cảm thấy nó ngày càng bớt hay hơn trước, mà chúng ta còn có thể thích nghi với một mức độ cảm giác hài lòng nào đó, rồi sau đó cảm giác ở mức độ này không còn làm chúng ta cảm thấy hứng thú nữa. Ở đây thì thói quen biết ơn có thể cũng có tác dụng. Khi chúng ta tưởng tượng về những điều khiến chúng ta cảm thấy tệ hơn nhiều thì điều này khiến chúng ta không xem những cảm giác hứng thú mình đang có sẽ tồn tại mãi / hiển nhiên như thế.
Vì vậy nên chuẩn bị cho quá trình thích nghi và ít bị thất vọng hơn bằng cách:
- Khi bạn mua mới một chiếc xe, hãy tin rằng niềm hứng khởi mà bạn có lúc đó sẽ không giống như vậy sau hai tháng nữa.
- Dành ít thời gian cho việc tìm kiếm thứ hoàn hảo, đừng cầu toàn, nhờ đó bạn sẽ không phải trả một cái giá khổng lồ cho việc tìm kiếm, mà cái giá này bạn sẽ phải trả dần bằng sự thỏa mãn mà bạn có từ chọn lựa của mình.
- Tự nhắc mình những điểm tốt của những thứ mình có thay vì cứ chú tâm vào những điểm đã xấu hơn so với ban đầu.
9. Kiểm soát kì vọng
Cách đánh giá trải nghiệm của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi chúng ta thường so sánh trải nghiệm với kì vọng của mình. Vì vậy cách dễ nhất để tăng sự thỏa mãn của mình đối với kết quả của quyết định của chúng ta, đó là hãy đừng kì vọng quá nhiều vào những kết quả đó. Điều này nói dễ hơn làm, đặc biệt trong một thế giới khuyến khích con người kì vọng và có quá nhiều lựa chọn đến nỗi người ta tin rằng chắc chắn phải có một lựa chọn hoàn hảo đâu đó. Vì vậy để làm cho việc kỳ vọng ít hơn trở nên dễ dàng, chúng ta cần:
- Giảm bớt số lượng lựa chọn mà bạn sẽ cân nhắc
- Hãy là một người biết thỏa mãn chứ đừng là một người cầu toàn.
- Tính đến khả năng may mắn.
Bạn có thường gặp tình huống này không: bạn bước vào một nơi nghỉ dưỡng mà bạn đã trông đợi từ lâu và sau đó lại có cảm giác không hề thấy ấn tượng / hứng thú ? Niềm hứng thú bất ngờ mà chúng ta có được có thể làm cho một bữa ăn nhỏ hoặc một quán trọ miền quê trở nên thú vị hơn rất nhiều so với một bữa ăn trong một nhà hàng Pháp tao nhã hoặc trong một khách sạn 4 sao.
10. Giảm so sánh xã hội
Chúng ta đánh giá chất lượng trải nghiệm của mình bằng cách so sánh trải nghiệm của mình với người khác. Mặc dù so sánh xã hội có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích, nhưng nó lại làm giảm cảm giác hài lòng của chúng ta. Vì vậy nếu chúng ta ít so sánh hơn thì chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng hơn. Thật dễ đưa ra lời khuyên rằng “đừng quá chú ý đến những gì người xung quanh đang làm”, nhưng lại khó làm theo lời khuyên này. Bởi thông tin về việc người khác đang làm gì hiện diện khắp nơi và bởi hầu hết chúng ta dường như quan tâm rất nhiều về địa vị. Và cuối cùng là bởi vì những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống (ví dụ như những trường đại học tốt nhất, những công việc tốt nhất, những ngôi nhà đẹp nhất cho những khu vực sống tốt nhất) chỉ được dành cho những đối tượng nào đó mà hơn hẳn người đồng trang lứa với họ. Tuy nhiên, so sánh xã hội dường như lại hủy hoại cảm giác hạnh phúc của chúng ta. Vì thế chúng ta phải luôn nhắc nhở mình hãy ít so sánh đi. Bởi những người biết thỏa mãn thường dễ tránh được so sánh xã hội hơn so với người cầu toàn, đối với họ việc ý thức được mức độ “vừa phải” là thích hợp nên họ sẽ tự động ít quan tâm hơn tới những việc người khác đang làm.
Vì vậy:
- Hãy nhớ rằng suy nghĩ “ai mà khi chết có nhiều của cải nhất là người thắng cuộc” là một cái gai kìm hãm chứ không phải là sự khôn ngoan.
- Chú trọng vào những gì làm bạn hạnh phúc và những gì làm cuộc sống của
bạn có ý nghĩa.
11. Học cách yêu lấy các giới hạn
Khi càng ngày chúng ta càng có nhiều sự lựa chọn, thì tự do lựa chọn rốt cuộc lại hóa thành nô lệ cho lựa chọn. Những quyết địnhthường ngày chiếm của chúng ta quá nhiều thời gian và tập trung đến nỗi chúng ta cảm thấy vượt qua một ngày thật khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta nên học cách giới hạn các tùy chọn, đây là một sự giải phóng chứ không phải giam cầm. Xã hội cho chúng ta những luật lệ, tiêu chuẩn và quy tắc thông thường cho việc lựa chọn, và chính trải nghiệm của từng cá nhân sẽ tạo nên thói quen của họ. Khi chúng ta quyết định theo một nguyên tắc nào đó (ví dụ như phải luôn cài dây an toàn, không bao giờ uống quá hai ly rượu vào buổi tối), chúng ta tránh được việc phải cân nhắc để quyết định tùy hứng hết lần này đến lần khác. Dạng quy tắc này giúp chúng ta dành được nhiều thời gian và chú ý hơn cho những lựa chọn và quyết định quan trọng, mà những quy tắc này không thể áp dụng được cho những quyết định đó.
Trong thời gian đầu, việc suy nghĩ về những quyết định thứ cấp/ hạng hai – tức những quyết định về việc khi nào chúng ta sẽ suy nghĩ và sẽ theo những con đường đã vạch ra – có thể làm cho cuộc sống có thêm một tầng phức tạp. Nhưng về lâu về dài thì nhiều rắc rối hàng ngày sẽ biến mất, và chúng ta sẽ thấy mình có thêm thời gian, sức lực và sự chú tâm cho những quyết định quan trọng mà chúng ta đã chọn để xem xét.
Hãy xem bức tranh biếm họa trên trang 293. Con cá bố cận thị nói với cá con của mình rằng “Con có thể trở thành bất cứ thứ gì con muốn – không có giới hạn” mà không nhận ra không gian của cái bể cá hạn chế như thế nào. Nhưng liệu con cá bố này có thực sự là cận thị ? Việc sống trong thế giới bể cá bị giới hạn nhưng được bảo vệ giúp cho cá con có thể khám phá , thử nghiệm , tạo ra và cả viết nên cuộc đời của nó mà không phải lo lắng việc bị chết đói hay bị ăn thịt. Không có cái bể cá thì mới đúng là không có giới hạn. Nhưng lúc đó thì con cá sẽ phải luôn đấu tranh để tồn tại. Lựa chọn trong giới hạn, tự do trong giới hạn, chính là điều giúp cho con cá nhỏ hình dung ra được rất nhiều điều tuyệt vời khác.
Vài nét về tác giả
Gặp gỡ tác giả
BARRY SCHWARTZ là Giáo Sư Dorwin Cartwright của ngành Lý Thuyết Xã Hội và Hành Động Xã Hội ở Trường đại học Swarthmore. Từ sau tác phẩm Nghịch lý của sự lựa chọn (The Paradox of Choice) được xuất bản, ông đã viết về sự quá tải của những lựa chọn cho tờ Scientific American, New York Times, tạp chí Parade, Salte, The Chronicle of Higher Education, Times (London), Higher Education Supplement, Advertising Age, USA Today, Guardian và quỹ Royal Society of The Arts. Schwartz đã được phỏng vấn trên các chương trình truyền hình, phát thanh và tạp chí trên khắp nước Mỹ cũng như Anh, Ireland, Canada, Đức và Brazil.
Ông cũng thảo luận về vấn đề của sự quá tải các lựa chọn với các tổ chức và công ty khác nhau như Hiệp Hội Người Tiêu Dùng (tổ chức phá hành Consumer Reports), Intuit, American Express, Microsoft và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Schwartz là tác giả của một số quyển sách khác và trong số đó là The Battle of Human Nature: Science, Morality and Modern Life (Cuộc chiến của bản chất con người: Khoa học, Đạo đức và Cuộc sống hiện đại) và The Cost of Loving: How Market Freedom Erodes The Best Things in Life (Chi phí sống: Tự Do Thị Trường Đã Làm Xói Mòn Những Điều Tốt Nhất Trong Cuộc Sống Như Thế Nào). Các bài báo của ông xuất hiện trên nhiều tập san chuyên đề hàng đầu về lĩnh vực của ông bao gồm cả American Psychologist.
Dựa trên nghiên cứu trong quá khứ, Schwartz hiện đang nghiên cứu cách thức trẻ em học cách lựa chọn và người lớn chọn dịch vụ chăm sóc y tế. Ông cũng đang nghiên cứu mọi người chọn người yêu như thế nào. Schwartz sống với vợ tại Philadelphia, bang Pensylvania.
Vài nét về quyển sách
Phỏng vấn
BARRY SCHWARTZ
Từ sau khi cuốn Nghịch lý của sự lựa chọn lần đầu xuất bản vào tháng Giêng năm 2004, tôi có nhiều cơ hội thảo luận về quyển sách này. Có lẽ, tôi đã trình bày 20 bài thuyết giảng, tham gia khoảng 50 cuộc phỏng vấn trên truyền hình và truyền thanh và đã trò chuyện với rất nhiều nhà báo. Phản ứng của khán giả tích cực một cách đáng hài lòng. Người ta luôn nói với tôi rằng tôi đã giải thích được nguồn gốc cho một số khó khăn của chính họ và nhiều người cũng gặp phải chuyện mua sắm quần jeans giống tôi. Đây là một số câu hỏi họ thường đặt ra và tôi sẽ nỗ lực hết mình trả lời chúng.
……………………………………………………………….
“Thị trường là rất quan trọng , nhưng không phải lúc nào cũng vậy”
……………………………………………………………….
Điều gì khiến ông suy nghĩ về khả năng là có quá nhiều sự lựa chọn ?
BARRY SCHWARTZ: Trong nhiều năm, tôi lo lắng về sự tận dụng nhiệt tình thị trường tự do như một viên đạn kỳ diệu cho phép mọi người có được chính xác điều gì họ muốn trong cuộc sống. Tôi không tin vào những giả định của các nhà kinh tế học về cách mọi người đưa ra những quyết định. Theo quan điểm của tôi, lợi ích của thị trường này là nó đáp ứng sự tự do lựa chọn cá nhân. Nhưng con người thì không hoàn hảo và không phải là “những người lựa chọn lý trí” như các nhà kinh tế học tuyên bố và điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều đưa ra quyết định tồi ít nhất là vào một lúc nào đó. Ngoài ra, tôi không nghĩ những lựa chọn quan trọng nhất như giáo dục, công việc có ý nghĩa, các mối quan hệ xã hội, chăm sóc y tế, cuộc sống văn minh (đó là tôi chỉ kể một số lĩnh vực) lại được thị trường đáp ứng tốt nhất. Vì vậy, trong một số trường hợp, chúng ta cần giới hạn thị trường, chứ đừng khuyến khích chúng. Thị trường là rất quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Tôi viết một quyển sách để chứng minh cho những luận điểm này là The Cost of Living: How Market Freedom Erodes the Best Things in Life vào năm 1994. Chính trong quá trình viết ấy tôi mới bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về mặt tốt và mặt xấu của sự lựa chọn không bị giới hạn. Sau đó, khoảng 5 năm sau, tôi được yêu cầu viết một bài cho tờ đặc san tâm lý học nổi tiếng về giá trị của sự độc lập. Một lần nữa, tôi kết luận là có thể không đúng khi ta cho rằng việc có thêm nhiều lựa chọn và nhiều tự
do hơn sẽ hàm ý kết quả tốt hơn. Một ngày nọ, tôi đi mua quần jeans và cuốn Nghịch lý của sự lựa chọn bắt đầu từ đó.
……………………………………………………………….
“Một ngày nọ, tôi đi mua quần jeans và cuốn Nghịch lý của sự lựa chọn bắt đầu từ đó”
……………………………………………………………….
Những “người cầu toàn” chiếm bao nhiêu phần trăm dân số ?
BARRY SCHWARTZ: Tôi không thể trả lời câu hỏi này được. Theo cách mà thước đo chúng tôi hoạt động, một người có số điểm càng cao thì càng có xu hướng tối đa hóa. Bởi vì không có ranh giới rõ rành giữa người cầu toàn và người thỏa mãn, tôi không thể nói số phần trăm dân cư này là số này hay số khác.
……………………………………………………………….
Điều gì khiến ta trở thành người cầu toàn ?
BARRY SCHWARTZ: Chúng tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi này. Sự lựa chọn tràn ngập có thể góp phần tạo nên các xu hướng tối đa hóa. Nếu đây là sự thật, những ai sống trong một xã hội mang đến ít lựa chọn hơn có thể sẽ ít biểu hiện xu hướng tối đa hóa hơn.
……………………………………………………………….
Trẻ em học cách lựa chọn như thế nào ?
BARRY SCHWARTZ: Như đã đề cập trong cuốn sách này, trong lịch sử loài người với tư cách là một sinh vật, các lựa chọn mà ta phải đưa ra là “Tôi có nên tiếp cận nó không hay chạy trốn nó ?” hay “Tôi ăn nó hay nó ăn tôi ?” Ý tưởng về nhiều sự lựa chọn hấp dẫn là điều gì đó đặc trưng đối với thời hiện đại. Là người lớn, chúng ta đã học (không phải tất cả đều giỏi) được cách nói không với những gì mà chúng ta thấy hấp dẫn. Việc biết được cách tốt nhất để dạy trẻ em cách thức bỏ qua những lựa chọn hấp dẫn sẽ thật sự đóng góp vào sự hiểu biết của ta về việc làm cha mẹ hiện đại và những thử thách của công việc ấy. Chúng tôi hiện đang nghiên cứu về đề tài này.
……………………………………………………………….
“Có lẽ tuổi tác và kinh nghiệm giúp con người có những kỳ vọng thực tế và biết thỏa mãn cái tốt vừa đủ”
……………………………………………………………….
Đàn ông hay phụ nữ dễ rơi vào xu hướng tối đa hóa ?
BARRY SCHWARTZ: Mặc dù chúng tôi hầu như không thấy sự khác biệt giới tính trong xu hướng tối đa hóa, nhưng ở một vài nghiên cứu, đàn ông tỏ ra có điểm tối đa hóa cao hơn phụ nữ. Điều này thường khiến mọi người ngạc nhiên, chủ yếu là vì khi họ nghĩ về sự quá tải các lựa chọn thì họ nghĩ về việc mua sắm và cho là phụ nữ cầu kỳ hơn đàn ông. Trước hết phụ nữ có thể không cầu kỳ hơn đàn ông mặc dù theo khuôn mẫu là thế. Ngoài ra việc mua sắm chỉ đại diện cho một phần trong các quyết định mà mọi người gặp phải hàng ngày.
Một sự khác biệt đáng tin về mặt nhập khẩu học mà chúng tôi thấy là tuổi tác chứ không phải giới tính. Càng lớn tuổi, bạn càng ít khả năng trở thành một người cầu toàn. Điều này có thể giúp giải thích một phần sự phát hiện đã luôn khiến chúng tôi ngạc nhiên: những người lớn tuổi thường vui vẻ hơn những người trẻ tuổi. Có lẽ tuổi tác và kinh nghiệm giúp con người có những kỳ vọng thực tế và biết thỏa mãn cái tốt vừa đủ.
……………………………………………………………….
Có phải những người cầu toàn tối đa mọi thứ không ? Hay họ chỉ tối đa những thứ quan trọng thôi ?
BARRY SCHWARTZ: Không có người nào là người cầu toàn trong mọi chuyện. Thật sự cũng có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều quyết định và thời gian quá ít. Người mà chúng tôi gọi là “người cầu toàn” chỉ tối đa hóa nhiều hơn “những người thỏa mãn”. Điều đó có thể hợp lý khi một người không thể lúc nào cũng tối đa hóa, chỉ chọn làm người cầu toàn với những gì quan trọng (công việc, bạn đời, con cái, sự đầu tư khi về hưu, …) và làm người thỏa mãn khi liên quan đến những thứ khác. Chúng tôi không có thông tin một cách hệ thống để đánh giá khả năng này, nhưng từ những câu chuyện vặt mà tôi thu thập từ hàng trăm người đã trò chuyện với mình, sự tối đa hóa không có vẻ gì là hoạt động theo cách này. Nhiều người đấu tranh để tìm ra điện thoại di động tốt nhất hay thuê phim tốt nhất nhưng họ lại đưa ra những quyết định lớn mà thậm chí không cần cân nhắc nhiều lựa chọn. Thật sự, việc thực hiện phương pháp tiếp cận theo kiểu tối đa hóa để quyết định học trường nào hay làm công việc gì có thể quá khó khăn.
Tuy nhiên, tin tốt là hầu hết những người cầu toàn nhất cũng thỏa mãn về nhiều thứ. Điều này có nghĩa là bạn đã biết cách để thỏa mãn hơn và tối đa hóa ít đi. Bạn đơn giản chỉ cần thực hiện các chiến lược đưa ra quyết định mà bạn đã sử dụng
hiệu quả trong một số lĩnh vực của cuộc sống và áp dụng chúng cho những lĩnh vực khác.
……………………………………………………………….
Phải chăng việc cảm thấy tốt hơn về các quyết định thì quan trọng hơn việc làm tốt hơn ?
BARRY SCHWARTZ: Điều này có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng tôi nghĩ câu trả lời là có, ít nhất là đối với một số người thuộc các tầng lớp trung lưu và trên trung lưu. Một khi các nhu cầu cơ bản được đáp ứng, phần lớn những gì chúng ta làm và mua đến hướng đến việc tìm kiếm sự thỏa mãn. Mua một chiếc xe sang trọng “tốt nhất” cũng chẳng có ý nghĩa nhiều đối với chúng ta nếu chúng ta thất vọng về nó. Học ở một trường đại học “tốt nhất” cũng không có ý nghĩa nhiều nếu trải nghiệm tại trường đó không đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta. Để minh họa cho điểm này, gần đây tôi có hoàn thành một cuộc nghiên cứu với các nhà tâm lý học là Sheena Iyengar và Rachael Elwork. Trong đó, chúng tôi đi theo những sinh viên năm cuối trong suốt quá trình tìm việc của họ. Chúng tôi khám phá ra là những người cầu toàn tìm được việc tốt hơn với mức lương khởi điểm cao hơn những người thỏa mãn. Nhưng chúng tôi cũng thấy là họ ít thỏa mãn với công việc của mình, ít hạnh phúc, ít lạc quan hơn, hồi hộp hơn, căng thẳng hơn và thất vọng nhiều hơn so với những người thỏa mãn. Bạn muốn vui vẻ khi bắt đầu với 37.000 USD một năm hay không vui vẻ để bắt đầu ở mức 45.000 USD ? Bản thân tôi sẽ biết mình chọn gì.
……………………………………………………………….
Phải chăng vấn đề quá tải các lựa chọn chỉ là vấn đề của người giàu ?
BARRY SCHWARTZ: Nó khá đúng khi càng có nhiều tiền, bạn càng phải đối diện với nhiều lựa chọn hơn. Ở Mỹ, của cải tượng trưng cho sự tự do lựa chọn. Nếu thu nhập của bạn không đủ để bạn làm điều mình muốn, việc có bao nhiêu lựa chọn sẽ không còn quan trọng nữa vì bạn sẽ phải thực hiện những lựa chọn đó. Điều này cũng đúng với những lựa chọn không liên quan đến tiền bạc, bởi vì nếu bạn làm việc gần như kiệt sức mỗi ngày chỉ để đủ sống, bạn sẽ không có thời gian hay năng lượng để đưa ra nhiều quyết định cải thiện lối sống. Tôi nghĩ lý do duy nhất mà mối quan hệ giữa sự quá tải các lựa chọn và của cải không còn mạnh mẽ nhiều là vì những người rất giàu có có thể thuê người khác lựa chọn cho mình và do đó họ sẽ giảm bớt đi gánh nặng.
……………………………………………………………….
Liệu có tốt hơn không khi hầu hết các quyết định đều đã có sẵn cho chúng ta ?
BARRY SCHWARTZ: Không. Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta sẽ vui hơn khi nhiều quyết định được đưa ra giúp chúng ta. Nhưng việc quyết định đó là những quyết định nào thì tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta phải “lựa chọn khi nào lựa chọn” như tôi đề cập trong quyển sách này và chọn khi nào thì nhờ đến những người quan tâm đến hạnh phúc của ta và có khả năng chuyên môn đưa ra những quyết định tốt thay cho ta.
Ví dụ, hãy xem một nghiên cứu gần đây mà người đồng nghiệp của tôi là Sheena Iyengar thực hiện. Cô nghiên cứu tỷ lệ tham gia vào các kế hoạch tình nguyện 401 (k) (một dạng kế hoạch lương hưu) của hơn 750.000 nhân viên tại gần một ngàn công ty. Điều cô tìm ra là cứ có mười quỹ tương hỗ mà người chủ cấp cho thì tỷ lệ tham gia giảm 2%. Ở nhiều công ty, bằng cách chọn không tham gia, các nhân viên không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với việc nghỉ hưu của mình, mà còn bỏ lỡ các quỹ kết hợp với người chủ vốn vượt quá 5000 đô trong một số trường hợp. Tôi chắc chắn rằng những người chủ nghĩ rằng họ ban ơn cho nhân viên khi đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau như thế. Nhưng thực tế thì lại khác hoàn toàn. Hầu hết các nhân viên sẽ thấy vui vẻ hơn với chỉ một vài quỹ hưu trí để chọn hơn là với mười. Nói cách khác họ sẽ vui hơn nếu người chủ của họ thực hiện một số quyết định cho họ để giới hạn các khả năng đầu tư.
……………………………………………………………….
Có số lượng lựa chọn lý tưởng không ?
BARRY SCHWARTZ: Câu trả lời là có thể có, nhưng tôi không biết nó là bao nhiêu. Số lượng lựa chọn tối ưu chắc chắn sẽ thay đổi từ người này sang người khác và từ trường hợp này sang trường hợp khác. Tôi nghĩ rằng ở nước Mỹ hiện đại, chúng ta có quá nhiều lựa chọn về ngũ cốc bữa sáng và không đủ lựa chọn về tổng thống.
……………………………………………………………….
“Tôi nghĩ rằng ở nước Mỹ hiện đại, chúng ta có quá nhiều lựa chọn về ngũ cốc bữa sáng và không đủ lựa chọn về tổng thống”
……………………………………………………………….
Chúng ta quyết định với những lựa chọn loại trừ như thế nào ?
BARRY SCHWARTZ: Hầu hết, trong xã hội mà chúng ta đang sống, việc quyết định khi nào, ở đâu và làm thế nào để đơn giản hóa cuộc sống và giảm bớt những lựa chọn mà ta gặp phải thì phụ thuộc vào cá nhân ta. Là một xã hội, chúng ta nên ngờ vực về những chính sách hứa hẹn cải thiện cuộc sống của mình chỉ đơn giản bằng cách cho ta nhiều lựa chọn hơn. Chúng ta có thể lựa chọn nơi nào để đầu tư tiền nghỉ hưu, nơi nào để cho con học, nơi nào để đăng ký bảo hiểm sức khỏe hay kế hoạch mua thuốc, … Nhưng chúng ta có thể ít vui vẻ hơn với những lựa chọn này. Chúng ta có thể thiếu kiến thức chuyên môn để lựa chọn sáng suốt, chúng ta thiếu thời gian để phát triển chuyên môn đó và chúng ta đã có quá nhiều gánh nặng về những quyết định đẩy chúng ta đến mức giới hạn.
……………………………………………………………….
“Tôi sẵn sàng đồng ý rằng hạnh phúc không phải là tất cả. Nó thậm chí không phải là thứ quan trọng nhất. Nhưng khi mọi thứ đều như nhau, hạnh phúc vẫn tốt hơn là không”
……………………………………………………………….
Quyển sách của ông nhấn mạnh về việc quá nhiều lựa chọn sẽ làm giảm hạnh phúc. Là một xã hội, có phải chúng ta đang nhấn mạnh quá nhiều đến tầm quan trọng của hạnh phúc như một mục tiêu không ?
BARRY SCHWARTZ: Tôi sẵn sàng đồng ý rằng hạnh phúc không phải là tất cả. Nó thậm chí không phải là thứ quan trọng nhất. Nhưng khi mọi thứ đều như nhau, hạnh phúc vẫn tốt hơn là không. Hạnh phúc không chỉ là việc cảm thấy tốt. Trái ngược những hình ảnh lãng mạn của chúng ta về các thiên tài đau khổ – sáng tạo về ban ngày và dằn vặt về ban đêm – đã làm giàu cho nền văn minh, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy con người suy nghĩ sáng tạo hơn và mở rộng hơn khi họ hạnh phúc. Việc bất ngờ đưa cho các bác sĩ y khoa một túi kẹo nhỏ trước khi họ tham gia vào việc chẩn đoán khó khăn sẽ cải thiện tốc độ cũng như sự chính xác trong chẩn đoán của họ (bạn có thể ghi nhớ điều này khi lần sau đến gặp bác sĩ). Người hạnh phúc thì năng động và vui vẻ hơn về mặt cơ thể so với người không hạnh phúc. Hạnh phúc giúp tăng khoảng 9 năm tuổi thọ. Vì thế, dù bạn không nghĩ hạnh phúc là điều gì đó to lớn như thế, nó vẫn có vẻ như đáp ứng được chức năng của một công cụ hữu ích. Người hạnh phúc có nhiều khả năng thay đổi thế giới theo những cách tích cực hơn so với người không hạnh phúc.
Có lẽ quan trọng nhất , nếu bạn giới hạn số lựa chọn mình đưa ra và xem xét, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn có cái gì đó quan trọng so với những người bị quấy
nhiễu bởi hết quyết định này đến quyết định khác và luôn tìm kiếm điều tốt nhất. Bạn có thể sử dụng thời gian ấy một cách sáng suốt bằng cách tìm hiểu sâu sắc hơn về người yêu, con cái, cha mẹ, bạn bè, bệnh nhân, khách hàng và sinh viên của mình. Thách thức thật sự trong cuộc sống là làm đúng những mối quan hệ tương tác của xã hội. Chính việc biết được làm thế nào để cân bằng sự chân thật với sự tử tế, dũng cảm với thận trọng, khuyến khích với phê bình, thông cảm với thờ ơ, gia trưởng với sự tôn trọng về tính độc lập. Chúng ta phải giải quyết được sự cân bằng này theo từng trường hợp và từng người. Cách duy nhất là tìm hiểu những người khác mà bạn liên quan mật thiết nhất, bằng cách bỏ ra thời gian lắng nghe họ, tưởng tượng cuộc sống thông qua đôi mắt họ và cho phép họ thay đổi thậm chí là chuyển đổi bản thân bạn. Trong một thế giới vội vã buộc bạn đưa ra hết quyết định này đến quyết định khác, mỗi quyết định đều liên quan đến hầu hết các lựa chọn không giới hạn, cho nên việc tìm ra thời gian để quyết định là khó khăn. Bạn có thể không phải lúc nào cũng nhận thức về điều này, nhưng nỗ lực có được chiếc xe tốt nhất sẽ cản trở khao khát muốn trở thành một người bạn tốt nhất của bạn. Nỗ lực tìm được việc làm tốt nhất sẽ xâm phạm nhiệm vụ làm cha mẹ tốt nhất của bạn. Vì thế, nếu thời gian mà bạn tiết kiệm được bằng cách làm theo những lời khuyên của tôi được tái định hướng đến việc cải thiện các mối quan hệ của bạn với những người khác trong cuộc sống, bạn sẽ không chỉ làm cho cuộc sống của mình trở nên hạnh phúc hơn mà còn cải thiện được cuộc sống của người khác. Đó là cái mà các nhà kinh tế học gọi là “hiệu quả Pareto” (hiệu quả của quy luật 80-20), một sự thay đổi mang đến lợi ích cho tất cả mọi người.
Dịch giả: Lương Nguyễn An Điền
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.