Quy luật trí não
Bé sinh ra với khí chất riêng biệt
Cảm xúc chỉ đơn giản là những tờ giấy nhắn
Sự thấu cảm mang đến bạn bè tốt
BÉ HẠNH PHÚC: HẠT GIỐNG
Bạn chỉ đặt một món đồ chơi mới vào cũi cho bé, thế mà cô nàng bé bỏng phản ứng cứ như thể bạn vừa tước mất món đồ yêu thích của mình. Đôi mắt bé nhìn bạn chằm chằm, mặt bắt đầu méo xệch, rõ ràng cơn căng thẳng vốn trực chờ sẵn trong bé đã được dịp bùng lên dữ dội. Cô nàng lăn ra khóc ngằn ngặt, đập chân đành đạch như thể bị ức hiếp ghê gớm lắm. Nhưng không phải tại bạn. Sinh linh bé bỏng này phản ứng như thế bất cứ khi nào có một trải nghiệm mới xuất hiện trước em: một giọng nói không quen, một thứ mùi xa lạ, một tiếng động ồn ào. Cô nàng nhạy cảm vô cùng, và sẽ lăn ra ăn vạ bất cứ khi nào cái sự “bình thường” của nó bị gián đoạn.
Một cô bé với mái tóc nâu dài, chừng 15 tuổi, đang được hỏi về trường học và các hoạt động ngoại khóa. Ngay từ lúc em bắt đầu trả lời, bạn đã thấy có điều gì đó không ổn. Em có vẻ mặt sợ hãi giống hệt như đứa bé nọ! Em cựa quậy không ngừng! Em đu đưa đầu gối, xoắn tóc và nghịch tai. Câu trả lời của em ngắc ngứ, giật cục. Em nói rằng em không có nhiều hoạt động ngoài lớp học, mặc dù em có chơi violin và viết lách chút đỉnh. Khi chuyên viên nghiên cứu hỏi xem em lo lắng điều gì, em ngập ngừng đôi chút và rồi trút ra cả nỗi lòng. Cố kìm nước mắt, em kể: “Cháu thấy khó chịu lắm, nhất là khi người khác quanh cháu luôn biết phải làm gì. Còn cháu cứ phải luôn luôn nghĩ “Mình có được làm cái này không? Mình có được làm cái kia không? Mình có đang cản trở ai không?” Cô gái ngưng lại, rồi khóc: “Lớn lên cháu biết làm sao đây? Cháu có làm được cái gì ra hồn không?” Qua cơn xúc động, cô bé lại trở về phòng thủ. “Cháu không thể thôi nghĩ về chuyện đó,” cô bé ủ rũ kết lại. Không sai, cô gái chính là em bé thuở nào, chỉ là 15 năm sau.
Và rõ ràng em là một đứa bé không hạnh phúc.
Các nhà nghiên cứu đặt cho em biệt danh Em bé 19, và em rất nổi tiếng trong giới tâm lý học phát triển. Thông qua các nghiên cứu thực hiện với Em bé 19 và các đối tượng khác, nhà tâm lý học Jerome Kagan đã khám phá ra rất nhiều điều mà chúng ta giờ đây biết được về khí chất và vai trò quan trọng của nó trong việc quyết định một em bé cuối cùng sẽ được hạnh phúc ra sao.
Chương này sẽ xoay quanh chủ đề vì sao một số trẻ, như Em bé 19 lại bất hạnh đến thế, còn những em khác thì không. (Quả thực, phần lớn trẻ đều ngược lại hoàn toàn. Em bé 19 được đặt biệt danh này là vì các bé từ 1 đến 18 trong công trình của Kagan đều vui nhộn, thoải mái.) Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nền tảng sinh học của những em bé hạnh phúc, khả năng bạn phải “gánh” một em bé âu lo, hay hạnh phúc có phải yếu tố di truyền hay không, và cả bí mật để sống hạnh phúc nữa. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ nói về việc làm thế nào tạo ra môi trường có lợi cho hạnh phúc của con mình.
THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Các bậc cha mẹ thường nói rằng mong muốn lớn nhất của họ là con cái được hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc, thì không phải ai cũng chung ý kiến. Một số bậc phụ huynh nhìn nhận hạnh phúc dưới góc độ cảm xúc: tức là họ muốn con cái mình luôn ở trong tâm trạng tốt. Số khác lại quan niệm cứ bình bình, yên ổn là được miễn sao con mình hài lòng và thăng bằng về cảm xúc. Trong khi một số người lại có vẻ nghiêng về sự bảo đảm và phẩm hạnh, cầu mong con công thành danh toại, dựng vợ gả chồng suôn sẻ, hay nói cách khác, là “ổn định”. Tuy vậy, đa phần các bậc cha mẹ đều cảm thấy khó mà định nghĩa rõ được khái niệm này.
Các nhà khoa học cũng thấy vậy. Có một chuyên gia nghiên cứu dành nhiều năm tập trung vào việc thử đưa ra đáp án cho câu hỏi đó, Daniel Gilbert. Ông là người phụ tá vui vẻ của một nhà tâm lý học tại trường Harvard. Tất nhiên, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về hạnh phúc, nhưng Gilbert đề xuất ba định nghĩa như sau:
• Hạnh phúc về mặt cảm xúc. Đây chính là điều mà phần lớn các bậc cha mẹ mà tôi từng hỏi ngụ ý đến. Kiểu hạnh phúc này chính là thứ cảm giác (về mặt tình cảm) gây xúc động, một trải nghiệm, một trạng thái chủ quan nhất thời được khuyến khích bởi một thứ gì đó khách quan trong thế giới thực, mặc dù xét cho cùng thứ đó hoàn toàn tách biệt khỏi chủ thể đó. Con cái bạn thấy vui thích vì màu xanh dương, cảm động vì một bộ phim, sững sờ trước cảnh tượng núi non hùng vĩ, và mãn nguyện vì một ly sữa ngon.
• Hạnh phúc hợp luân thường đạo lý. Đan quyện vào với phẩm cách, niềm hạnh phúc hợp luân thường đạo lý giống với một thái độ mang tính triết học hơn là một cảm xúc chủ quan nhất thời. Nếu con cái bạn truy cầu một cuộc sống tốt lành và đầy đủ, ngập tràn ý nghĩa đức hạnh, chúng sẽ cảm thấy mãn nguyện và bình thản một cách sâu sắc. Gilbert sử dụng một từ Hy Lạp – eudaimonia để miêu tả ý niệm này, một từ mà Aristotle đã dịch ra thành “vui sống, năng làm”. Eudaimonia, xét theo nghĩa đen, chính là “sự hoàn thiện nhân tính.”
• Hạnh phúc kiểu suy đoán. Trong trường hợp này, từ “hạnh phúc” được gắn liền với những từ như “vì”, “cho” hoặc “rằng”. Con bạn có thể hạnh phúc vì được đi chơi công viên. Nó có thể cảm thấy hạnh phúc thay cho một đứa bạn, vì bạn đó vừa có một con chó. Hạnh phúc kiểu này có liên quan đến việc đưa ra một suy đoán nào đó về thế giới, không phải dưới dạng một cảm xúc chủ quan nhất thời, mà là một nguồn cảm xúc mãn nguyện tiềm tàng, từ quá khứ, trong hiện tại và cả ở tương lai.
Vậy thì niềm hạnh phúc này, bất kể thuộc kiểu gì đi chăng nữa, bắt nguồn từ đâu? Nguồn hạnh phúc chủ yếu được khám phá ra nhờ một công trình thí nghiệm lâu đời nhất trong lịch sử khoa học Mỹ hiện đại, và hiện giờ vẫn đang tiếp diễn.
BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC
Nhà tâm lý học đứng đầu toàn bộ công trình nghiên cứu này là George Vaillant. Và ông hoàn toàn xứng đáng với vị thế ấy. Kể từ năm 1937, các thành viên thuộc chương trình Nghiên cứu Sự phát triển Người thành niên Harvard đã dốc lòng, dốc sức thu thập những dữ kiện cực kỳ riêng tư của vài trăm đối tượng. Công trình này thường vẫn tiến hành dưới bí danh Nghiên Cứu Grant, được đặt tên dựa theo W.T. Grant, ông trùm chuỗi cửa hàng bách hóa, người đã bỏ vốn ra cho công trình thuở ban đầu. Câu hỏi mà nhóm này điều tra là: Liệu có một công thức nào đó cho “cuộc sống hạnh phúc” không? Hay nói cách khác, điều gì khiến con người ta hạnh phúc?
Vaillant giữ vai trò người quán xuyến công trình nghiên cứu này trong suốt hơn bốn thập niên. Mối quan tâm của ông còn vượt ngoài chức nghiệp thông thường. Bản thân Vaillant cũng tự miêu tả mình là một vị phụ huynh “xa cách”. Kết hôn bốn lần, có năm con, một đứa mắc chứng tự kỷ và không đứa con nào trò chuyện thường xuyên với ông. Cha của Vaillant tự tử khi Vaillant mới lên 10, chẳng để lại cho ông mấy ký ức hạnh phúc để noi theo. Thế nên, Vaillant quả là một đối tượng hoàn hảo để cầm đầu cuộc kiếm tìm nguồn hạnh phúc.
Các vị cha đẻ về mặt khoa học của công trình này, giờ đã ra người thiên cổ, khi ấy đã tuyển 268 sinh viên Harvard vào nghiên cứu này. Họ đều là nam giới, da trắng, dễ thích nghi với hoàn cảnh, một số người có cả tương lai xán lạn ở phía trước (trong đó bao gồm cả Ben Bradlee, Tổng biên tập lâu năm của tờ Washington Post và cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy). Cuộc sống của những đối tượng này được trải ra như một cái giá để hàng, trong suốt nhiều năm ròng, nhờ vậy các nhóm chuyên gia, bao gồm các nhà tâm lý học, nhân chủng học, nhân viên xã hội, kể cả các nhà triết học, có thể theo dõi tất cả mọi động thái xảy đến với họ. Và đó chính là những gì họ đã làm trên thực tế.
Quán triệt tinh thần thấu đáo, toàn diện ngay từ đầu, các đối tượng tham gia nghiên cứu được kiểm tra y tế sát sao định kỳ năm năm một lần, và đến trực tiếp kiểm tra tâm lý cứ 15 năm một lần, hằng năm đều đặn gửi bản hỏi-đáp, ròng rã như thế suốt ba phần tư thế kỷ. Mặc dù chắc chắn việc giám sát không thể đồng nhất trước sau như một trong từng ấy thập niên, nhưng với lực lượng thực hiện có thể gọi là một nhóm-nối-tiếp-nhau, Nghiên Cứu Grant có lẽ là công trình nghiên cứu toàn diện nhất có thể thực hiện được trong lĩnh vực này.
Và họ đã đưa ra kết luận gì sau từng đấy năm trời? Rốt cuộc, cái gì tạo thành một cuộc sống hạnh phúc? Luôn luôn khiến con người hạnh phúc? Tôi sẽ mượn lời Vaillant, trong một cuộc phỏng vấn với Atlantic để trả lời câu hỏi này:
“Điều duy nhất đóng vai trò căn cốt trong cuộc đời chính là mối quan hệ của bạn với những người khác.”
Sau gần 75 năm trời, phát hiện chắc chắn duy nhất lại là một thông điệp mà người ta có thể thấy trong bộ phim Cuộc sống tươi đẹp . Những mối giao hảo bằng hữu tốt đẹp, những nhịp cầu bộn bề kết nối bạn bè và gia đình, lại chính là những điều tiên báo hạnh phúc của một con người khi phải bôn ba giữa dòng đời. Những mối giao hảo lại là yếu tố tiên báo chính xác hơn bất cứ tham số đơn lẻ nào. Đến thời điểm một người bước vào độ tuổi trung niên, thì các mối giao hảo là yếu tố tiên báo duy nhất còn trụ vững. Dẫn theo lời Jonathan Haidt, một nhà nghiên cứu chuyên sâu về mối liên hệ giữa hòa nhập xã hội với hạnh phúc, thì: “Con người, xét ở khía cạnh nào đó, giống hệt loài ong. Chúng ta tiến hóa dần đến chỗ sinh sống trong những nhóm cộng đồng gắn kết mãnh liệt, và xoay xỏa không tốt cho lắm khi bị thả khỏi tổ của mình.”
Các mối quan hệ càng bền chặt bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Một đồng nghiệp của Vaillant đã chỉ ra rằng con người ta không thể nào chen chân nổi vào nhóm 10% con người hạnh phúc, trừ phi họ có một mối quan hệ lãng mạn kiểu gì đấy. Hôn nhân là một nhân tố quan trọng. Chừng 40% những người trưởng thành đã kết hôn tự miêu tả bản thân là “cực kỳ hạnh phúc”, trong khi chỉ 23% những người chưa kết hôn dám khẳng định như vậy.
Thêm nhiều nghiên cứu khác kể từ đó đã xác nhận và mở rộng phạm vi của những khám phá đơn giản ban đầu này. Bên cạnh những mối quan hệ viên mãn, những kiểu hành vi khác giúp tiên đoán mức độ hạnh phúc bao gồm:
• Thường có hành động vị tha.
• Đưa ra danh sách những điều khiến bạn cảm thấy biết ơn, những danh sách này sản sinh cảm xúc hạnh phúc trong ngắn hạn
• Bồi dưỡng một “thái độ hàm ơn” nói chung, giúp sản sinh cảm xúc hạnh phúc trong dài hạn
• Chia sẻ những trải nghiệm mới lạ với một người yêu thương
• Có “phản xạ tha thứ” thường trực khi những người thân yêu coi nhẹ bạn
Nếu những điều ấy nghe có vẻ “hai năm rõ mười” – những nghi vấn rất thường xuyên trên những cuốn tạp chí kiểu tự-lực – thì điều sau đây có thể lại là một bất ngờ: Tiền không hề tạo ra ngoại lệ. Những người làm ra hơn 5 triệu USD mỗi năm không hạnh phúc hơn nhiều so với những người chỉ kiếm được 100 nghìn USD mỗi năm. Đây là phát hiện của Chuyên san Nghiên cứu Hạnh phúc. Tiền mang lại hạnh phúc chỉ trong trường hợp nó nhấc con người ra khỏi cảnh cùng quẫn, lên đến mức thu nhập năm con số. Khi mức thu nhập vượt quá 50 nghìn USD mỗi năm, sự giàu có và mức hạnh phúc bắt đầu “đường ai nấy đi”. Phát hiện này gợi ra một điều gì đó rất thực tế và thật nhẹ lòng: Rằng, hãy giúp con cái bạn chọn một nghề nghiệp nào đó có thể kiếm được ít nhất mức thu nhập năm con số. Chúng không nhất thiết phải trở thành triệu phú mới cảm thấy sửng sốt thán phục trước cuộc sống mà bạn đã trang bị cho chúng. Sau khi những nhu cầu cơ bản đã được thỏa mãn, con bạn chỉ cần thật nhiều bạn bè cùng họ hàng thân thiết.
Và đôi khi, là cả anh em, như câu chuyện dưới đây đã kiểm chứng.
JOSH là anh con đấy!
Một buổi sáng nọ ở Seattle, hai cậu con trai của tôi, Josh 5 tuổi và Noah 3 tuổi đang chạy trên sân chơi. Chúng nô đùa vui vẻ trên xích đu, lăn lộn giữa bãi cỏ và hò hét với mấy thằng bé khác như một lũ sư tử con vậy. Bỗng nhiên, Noah bị mấy đứa bạn 4 tuổi cậy khỏe đè nghiến xuống đất. Josh phóng đến ứng cứu cho cậu em nhanh như một mũi tên vậy. Nhảy ra giữa cậu em và thằng bé bắt nạt, nắm tay giơ lên, Joshua gầm ghè qua hàm răng nghiến chặt: “Thằng nào dám động đến em tao!” Nhóm trẻ con kia sững sờ và nhanh chóng giải tán.
Noah không chỉ thấy nhẹ nhõm cả người mà còn cực kỳ hưng phấn. Nó ôm lấy ông anh và chạy xung quanh. Nó hét lên chói cả tai: “JOSH là anh con đấy!” Việc nghĩa đã xong, Joshua quay trở lại với chiếc xích đu của mình, cười ngoác đến tận mang tai. Ấy là vở biểu diễn đầy ấn tượng, đã được cô trông trẻ – người chứng kiến tận mắt – nhiệt tình cổ vũ từ đầu đến cuối.
Điều căn cốt của câu chuyện này chính là sự hiện diện của hạnh phúc – được sản sinh chính từ một mối quan hệ gần gũi, khăng khít. Noah thì choáng ngợp thực sự; còn Josh thì hài lòng rõ ràng. Sự ganh đua giữa anh em ruột thịt vẫn luôn tồn tại, và kiểu hành động vị tha như vậy không phải hành vi lũ trẻ thường xuyên thực hiện. Nhưng trong khoảnh khắc nhất định, những đứa trẻ này lại thích nghi rất tốt và rất hạnh phúc.
KẾT TÌNH BẰNG HỮU NHƯ THẾ NÀO
Những khám phá về tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa-người-với-người – trong tất cả những mối liên quan lộn xộn quanh mình – đã đơn giản hóa nhiều câu hỏi của chúng ta về việc làm thế nào để nuôi dạy một đứa con hạnh phúc. Hãy dạy con cái mình hòa nhập xã hội hiệu quả – như kết tình bằng hữu ra sao, giữ gìn bạn tốt như thế nào – nếu muốn con mình hạnh phúc.
Đúng như bạn nghi ngại, có rất nhiều nguyên liệu nhào nặn nên một đứa trẻ hòa hợp tốt, có quan hệ xã hội tốt, quá nhiều đến nỗi khó có thể đổ hết vào chiếc bát hành vi. Tôi chỉ chọn ra hai nguyên liệu có được sự hậu thuẫn vững chắc nhất về mặt khoa học thần kinh, cũng là hai trong số các yếu tố có khả năng tiên báo chính xác nhất năng lực xã hội của trẻ:
• Khả năng điều tiết cảm xúc
• Người quen cũ – sự thấu cảm
Chúng ta sẽ bắt đầu với nguyên liệu đầu tiên.
KHẢ NĂNG ĐIỀU TIẾT CẢM XÚC: THẬT TỐT ĐẸP
Ròng rã nhiều thập niên, tiêu tốn hàng triệu đô la, các nhà khoa học đã cho ra một phát kiến gây chấn động: Chúng ta có xu hướng duy trì những mối quan hệ dài lâu, sâu sắc với những người tốt đẹp. Hóa ra, mẹ lúc nào cũng đúng. Những con người chu đáo, tốt bụng, nhạy cảm, hướng ngoại, hay giúp đỡ và biết khoan dung có được những mối giao hảo lâu dài và sâu sắc hơn – và tỉ lệ ly hôn cũng thấp hơn – so với những người tâm trạng thất thường, bốc đồng nông nổi, thô tục bất nhã, ích kỷ vị thân, khô khan cứng nhắc và thù sâu oán nặng. Chỉ cần bản danh sách này hơi lệch về phía tiêu cực thôi đã đủ ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe tinh thần của một con người, đặt anh ta trước nguy cơ lớn không chỉ là thưa thớt bạn bè, mà còn bị chứng rối loạn, trầm uất. Nghiên cứu của Harvard cũng chỉ ra điều tương tự, những người nặng nợ về mặt tình cảm nằm trong số những cá nhân bất hạnh nhất thế giới.
Tâm trạng thất thường, thô tục bất nhã và bốc đồng, nông nổi nghe cực kỳ giống với hiện tượng “rối loạn chức năng điều hành” và đó chính là một phần vấn đề. Nhưng còn hơn cả rối loạn chức năng điều hành, những con người này không hề biết điều tiết cảm xúc. Để khám phá xem điều đó có nghĩa gì, trước hết chúng ta phải trả lời một câu hỏi cơ bản:
Cảm xúc, suy cho cùng, là cái gì
Bạn có thể đặt đoạn này vào tệp dữ liệu “Hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm”:
Tối qua, thằng con tôi dám ném cái núm vú giả đi. Tôi mệt đứt hơi và chán ngán tột cùng, bèn hét lên: “Không được ném đồ!” Và rồi tôi ném trả vào nó.
Có lẽ cậu con trai không muốn đi ngủ và để tỏ ý chống đối, nó ném cái núm vú đi. Bà mẹ đã nói cho ta biết là cô mệt và chán lắm rồi; bạn thậm chí có thể bổ sung cả “giận dữ” vào đây luôn. Rất nhiều thứ cảm xúc hiển hiện chỉ trong vòng ba câu ngắn ngủi này. Vậy chính xác là hai mẹ con đang trải nghiệm điều gì? Có lẽ bạn sẽ kinh ngạc trước câu trả lời của tôi. Rằng các nhà khoa học cũng chẳng biết nó là thế nào.
Xoay quanh câu hỏi “chính xác thì cảm xúc là gì” có rất nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Một phần là bởi các cảm xúc không được tách biệt rõ rệt hẳn trong não bộ.
Chúng ta hay tách bạch hai thái cực, một là tư duy cứng nhắc có tổ chức, ví như giải đề đại số, hai là cảm xúc ướt át, vô tổ chức, ví như trải nghiệm sự chán chường hay niềm hạnh phúc. Tuy thế, khi bạn nhìn vào các biểu đồ mắc nối tạo nên não bộ, thì không có ranh giới dù chỉ mơ hồ nào ở đó hết. Đúng là có những khu vực não bộ chuyên sản sinh và xử lý các cảm xúc, và cũng có những khu vực não bộ phụ trách sản sinh và xử lý các nhận thức mang tính phân tích, thế nhưng chúng lại xoắn vặn vào nhau chặt chẽ. Những tập hợp tế bào thần kinh mạnh mẽ, phức tạp được mắc thành hệ thống, phóng những tín hiệu điện vào nhau theo những hình mẫu hợp nhất cao độ và cực kỳ khăng khít. Bạn chẳng thể biết đâu là cảm xúc và đâu là phân tích.
Để phục vụ cho mục đích của chúng ta, thì lối tiếp cận hay hơn cả là tạm tảng lờ chuyện “cảm xúc là gì”, mà thay vào đó, hãy tập trung tìm hiểu “cảm xúc đóng vai trò gì”. Nắm bắt được điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng được những chiến lược nhằm điều tiết cảm xúc – một trong hai nhân tố quyết định việc duy trì những mối kết giao hữu hảo.
Cảm xúc dán nhãn thế giới giống như cách
Cảnh sát người máy dán nhãn những kẻ xấu
Một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng yêu thích của tôi – Cảnh sát người máy (Robocop), sản xuất năm 1987, có một định nghĩa tuyệt vời về cảm xúc. Bối cảnh của bộ phim này là thời tương lai, trong thành phố Detroit tràn ngập tội ác và rất cần đến một người hùng. Người hùng ấy chính là Robocop, một con người “lai máy móc” được hình thành từ thân thể của một sĩ quan cảnh sát đã qua đời. Robocop được thả vào thế giới ngầm của bọn tội phạm của thành phố đó, và anh bắt tay vào dẹp sạch đám hung đồ. Điều hay ho là, Robocop có thể thấy rõ những kẻ xấu xa trong khi vẫn giảm thiểu những thiệt hại liên quan tới bất cứ ai khác. Trong một cảnh phim, anh ta “quét” một khu vực chen chúc lẫn lộn cả những tên tội phạm lẫn dân thường vô tội. Bạn có thể nhìn thấy anh ta đang dùng các tín hiệu số hóa để dán nhãn riêng những kẻ xấu, tiện về sau xử lý, và để yên cho những người khác. Anh chỉ trừ khử những kẻ thủ ác mà thôi.
Kiểu sàng lọc này chính xác là những gì cảm xúc thực hiện trong não bộ. Có thể bạn đã quen nghĩ về tình cảm như thứ gì đó giống với “cảm giác”, nhưng không phải vậy. Theo như định nghĩa sách giáo khoa, cảm xúc chỉ đơn giản là hoạt động của các hệ mạch thần kinh, xếp thế giới nhận thức của chúng ta vào thành hai hạng mục: những thứ chúng ta nên chú ý tới và những thứ chúng ta có thể hoàn toàn bỏ qua. Còn cảm giác là những kinh nghiệm tâm lý chủ quan nổi lên từ chính hoạt động này mà thôi.
Bạn có nhận thấy nét tương đồng với phần mềm bên trong Robocop? Khi chúng ta “quét” thế giới của mình, chúng ta chỉ dán nhãn một số chi tiết để xử lý kỹ hơn và bỏ qua những chi tiết còn lại. Cảm xúc chính là những chiếc nhãn đó. Nói cách khác, chúng giống như những mẩu giấy nhớ, có thể khiến não bộ tập trung chú ý vào thứ gì đó. Vậy thì chúng ta đính những mẩu giấy dán nhận thức ấy vào đâu? Trí não của chúng ta đánh dấu những tín hiệu đầu vào có liên quan mật thiết tới vấn đề sinh tồn – những mối đe dọa, tình dục và các hình mẫu. Vì phần lớn con người ta không thể cùng lúc chú ý đến tất cả mọi thứ, nên cảm xúc giúp chúng ta xếp thứ tự ưu tiên những tín hiệu giác quan. Chúng ta có thể nhìn thấy cả tên tội phạm đang chĩa súng vào ta và cả khoảnh sân trước, nơi tên tội phạm đang đứng. Nhưng chúng ta không có phản xạ cảm xúc nào với mảnh sân trước, mà chỉ có phản xạ cảm xúc với khẩu súng thôi. Cảm xúc cung cấp khả năng sàng lọc nhận thức quan trọng, nhằm phục vụ cho mục đích sinh tồn. Chúng đóng vai trò trong việc dán tem chú ý vào các sự vật, sự việc và giúp chúng ta đưa ra quyết định. Đúng như bạn lường trước, khả năng điều tiết tình cảm của một đứa trẻ phải mất một khoảng thời gian mới có thể phát triển đầy đủ được.
Sao cứ khóc hoài vậy?
Để buộc bạn phải ‘dán nhãn’ vào em bé
Mấy tuần đầu khi chúng tôi rước cậu con cả về nhà, John chỉ khóc, ngủ và bài tiết. Nó thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, khóc ré lên. Tôi hết bế con lên lại đặt xuống nhưng chỉ khiến nó khóc dữ hơn thôi. Tôi băn khoăn tự hỏi: Liệu đây có phải tất cả những gì nó có thể làm? Và rồi một ngày, tôi đi làm về sớm hơn thường lệ. Vợ tôi đang đặt Josh trong xe đẩy, và lúc tôi bước gần về phía hai mẹ con, Josh nhìn thấy tôi và dường như đang trải nghiệm một luồng nhận biết đột ngột. Thằng bé truyền sang tôi một nụ cười rạng ngời rồi nhìn chằm chằm vào tôi. Tôi không thể tin nổi! Tôi rú lên sung sướng và chìa thẳng đôi cánh tay ra để ôm lấy nó. Phải nói là tôi hét lên có phần ồn ã quá và chìa tay ra lại quá bất ngờ. Ngay lập tức, cu cậu lại gào khóc và bĩnh ra bỉm. Phản ứng đa dạng quá chừng!
Việc tôi không thể giải mã được Josh trong những tuần tuổi đầu tiên không có nghĩa là cậu chàng – hay bất cứ em bé nào khác – chỉ có tình cảm kiểu đơn nhất. Một lượng lớn hoạt động thần kinh diễn ra cả trong vỏ não lẫn ở các cấu trúc biên ở những tuần đầu tiên của mọi em bé. (Chúng ta sẽ xem xét hai cấu trúc não bộ này trong vài trang kế tiếp.) Đến tháng thứ 6, một em bé điển hình có thể trải nghiệm những cảm xúc khác nhau như ngạc nhiên, ghê sợ, hạnh phúc, buồn bã, giận dữ và sợ hãi. Bé chỉ chưa có được nhiều bộ lọc. Khóc quấy giúp bé duy trì được phương cách ngắn gọn nhất, hiệu quả nhất để bắt bố mẹ phải đính một miếng dán chú ý lên bé. Sự chú ý của bố mẹ có vai trò sống còn với những em bé yếu ớt không thể tự mình xoay xỏa này, chính vì vậy, các bé khóc khi sợ hãi, đói bụng, sửng sốt, bị kích thích quá độ, thấy cô độc. Trẻ con hay khóc là vì thế.
Những cảm xúc lớn lao gây xáo trộn ở những trẻ quá bé
Các bé sơ sinh không nói được, đúng hơn là chưa nói được. Rồi sẽ đến lúc đó – đây chính là một trong những mục tiêu dài hơi, mang tính người độc đáo đầu tiên của các bé – nhưng hệ thống giao tiếp phi ngôn từ ở bé vẫn sẽ chưa được kết nối với hệ thống giao tiếp ngôn từ trong một khoảng thời gian tương đối dài. Khả năng dán nhãn ngôn từ lên một tình cảm nào đó – vốn là một chiến lược rất quan trọng để điều tiết tình cảm – đến lúc này vẫn chưa xuất hiện.
Cho đến khi trẻ có được ngôn ngữ – thì những gì bày ra trước mắt trẻ nhỏ khi các hệ mạch trong các bộ não nhỏ nhắn và nặng cảm tính của trẻ kết nối với nhau – chỉ là những thứ rối rắm, mập mờ. Cuộc vật lộn này đặc biệt gay gắt ở những năm đầu mới tập đi, tập nói. Những em bé nhỏ tuổi có thể chưa ý thức được nhiều về những tình cảm mà chúng đang trải nghiệm. Chúng tạm thời chưa thể hiểu được cách thức xã hội đúng đắn để chuyển tải chúng. Kết quả là em bé của bạn có thể tỏ ra giận dữ trong khi thực tế là trẻ đang buồn, hay nó sẽ trở nên cáu kỉnh khó chịu không vì lý do gì xác đáng cả. Đôi khi chỉ một sự kiện đơn lẻ nhỏ nhặt cũng đủ để gây ra cả một hỗn hợp cảm xúc phức tạp. Những tình cảm này và cả những cảm giác kèm theo có thể quá to lớn và vượt quá khả năng kiểm soát đến nỗi vượt trên tất cả, điều lớn nhất mà trẻ cảm nhận lại là nỗi sợ hãi. Điều này chỉ càng phóng đại tác động của nó mà thôi.
Vì trẻ thường hay thể hiện những tình cảm của mình gián tiếp, bạn buộc phải xem xét hoàn cảnh môi trường xung quanh bé trước khi gắng tìm cách giải mã hành vi của trẻ. Nếu bạn cho rằng các bậc bố mẹ cần phải đặc biệt chú ý tới bối cảnh cảm xúc của con để thấu hiểu hành vi của chúng – tất cả nhằm giúp trẻ hòa nhập xã hội đầy đủ – thì bạn đã chính xác 100% rồi đấy!
Mọi thứ cuối cùng rồi cũng đâu vào đấy. Các cấu trúc não bộ chịu trách nhiệm về việc xử lý và điều tiết tình cảm sẽ mắc nối với nhau, truyền tín hiệu trò chuyện cứ như là các cô, cậu bé rí ráu trên điện thoại di động vậy. Vấn đề là nó không lập tức xảy ra như thế. Công việc này vẫn chưa thực sự hoàn thành, tận đến thời điểm con bạn trưởng thành. Mặc dù mất một khoảng thời gian dài, nhưng việc thiết lập dòng trao đổi này lại đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Điều tiết tình cảm: khắc chế bản thân
Đến lúc mọi sự đã hoàn thiện, thì việc điều tiết tình cảm sẽ như thế này: Giả sử bạn đang đi xem kịch với bạn bè, theo dõi đến một cảnh cảm động trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ. Bạn biết hai điều: a) khi khóc, bạn sẽ sụt sịt và b) điều đó làm bạn xấu hổ. Để không rơi vào tình trạng ấy, bạn đánh giá lại tình hình ngay trong khi đang ngồi yên vị thưởng thức ca khúc và gắng kìm nước mắt lại. Bạn đã thành công – rõ ràng.
Hành động khắc chế này chính là điều tiết tình cảm. Khóc lóc không có gì là sai cả, và một số những biểu hiện khác cũng vậy, nhưng bạn ý thức được rằng có một số bối cảnh xã hội mà những hành vi kiểu này là phù hợp, và một số bối cảnh khác – thì không. Những người thực hiện tốt được điều này nhìn chung đều có nhiều bạn bè. Nếu bạn muốn con cái mình được hạnh phúc, bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian để dạy chúng xem làm cách nào và khi nào kiểu sàng lọc này nên xảy ra.
KHI TÌNH CẢM XUẤT HIỆN TRONG NÃO BỘ
“Nó sáng lóe kìa!” một cô bé con thét lên với giọng vừa vui sướng vừa kinh sợ. “Tớ nhìn thấy càng của nó kìa!” Một cậu bé nói, ở ngay phía sau cô bé. “Cái kia là nọc châm của nó đấy!” Một cô bé khác lên tiếng, cậu bé đáp ngay: “Ờ, mà trông nó giống mũi của chị cậu thế!” Tôi đang được vây bọc hoàn toàn giữa một nhóm những em bé lớp ba vui nhộn, sôi nổi đang trong một buổi thực tế ở viện bảo tàng, một đám trẻ đang sửng sốt kinh ngạc trước cảnh những con bọ cạp lóe sáng giữa một vùng tối đen.
Một trong những phần đẹp đẽ nhất của khu triển lãm này cũng chính là tâm điểm của nó, một vật trưng bày xa khỏi tầm tay với, phía trên vai của những đứa trẻ này. Nơi đây có một con bò cạp khổng lồ và cô đơn, im lìm bất động trên một tảng đá, ngự trong một chiếc bể cá còn lớn hơn và cô đơn hơn thế. Giữa luồng sáng tia cực tím chiếu từ trên xuống, con vật trông giống hệt như vị Chúa tể loài Chân đốt lóe-sáng-giữa-bóng-tối. Hay nếu như bạn là một nhà khoa học não bộ, thì con vật ấy có hình dạng chẳng khác nào một trong những cấu trúc phức tạp nhất trong bộ não – những cấu trúc sản sinh và xử lý tình cảm của chúng ta.
Hãy thử tưởng tượng rằng cũng con bọ cạp ấy treo mình lơ lửng ngay giữa bộ não bạn. Não có hai thùy (hay còn gọi là bán cầu) có thể kết nối với hai “bể cá” đã hợp nhất với nhau. Tôi sẽ miêu tả hai bể cá này trước, sau đó mới đến con bò cạp.
Vỏ não: Tri giác và tư duy
Hai phần bể cá riêng rẽ hợp lại với nhau là hai bán cầu chính của não bộ, gọi theo đúng logic là bán cầu não trái và bán cầu não phải. Mỗi bán cầu lại được che phủ dưới một lớp bề mặt dày, không phải từ thủy tinh, mà là một lớp vỏ phức hợp tạo bởi các tế bào thần kinh và các phân tử. Lớp màng tế bào bao phủ bên ngoài này chính là vỏ não. Vỏ não chỉ dày bằng vài tế bào hợp lại, nhưng nó không giống với bất cứ phần vỏ não của loài động vật nào trên thế giới. Chính lớp màng này khiến chúng ta là-con-người. Một trong số rất nhiều chức năng đặc biệt của nó là tư duy trừu tượng (ví như, thực hiện các thuật toán đại số). Ngoài ra vỏ não còn liên quan đến cả quá trình xử lý các thông tin giác quan ngoại vi (ví như, phát hiện ra một con hổ răng kiếm). Nhưng chúng ta không cảm thấy bị đe dọa trước những thuật toán đại số lẫn những con hổ răng kiếm, ấy là nhờ vỏ não. Và đó chính là công việc của “con bò cạp”.
Hạch hạnh nhân: Cảm xúc và trí nhớ
“Con chân đốt” nằm trong não bộ này là một phần trong cấu trúc gọi là hệ limbic, nghĩa là hệ viền. Đôi càng của bò cạp, chia đều ở hai bán cầu não bộ được gọi là hạch hạnh nhân (amygdala), nghĩa là “quả hạnh” (hình dạng của nó đúng là rất giống vậy). Hạch hạnh nhân sản sinh các cảm xúc và rồi lưu trữ ký ức về những cảm xúc mà nó sinh ra. Thực tế, bạn sẽ không thể nhìn thấy hình dạng con bò cạp. Vùng limbic bị che khuất bởi những cấu trúc khác, trong đó bao gồm cả một búi liên kết tế bào dày đặc không thể xuyên thủng, treo lủng lẳng xuống từ mỗi mi-li-mét bề mặt bể cá kia. Nhưng hạch hạnh nhân không chỉ kết nối với một mình vỏ não. Nó còn được kết nối với những khu vực điều tiết nhịp tim, hai lá phổi và cả những vùng kiểm soát khả năng vận động nữa. Cảm xúc thực sự được phân bố dọc theo những kết cấu tế bào rải rác trên khắp bộ não.
Đúng là chuyện phiếm!
Khu vực trung tâm hạch hạnh nhân có một mối kết nối rất to, dày tới một vùng não bộ gọi là “thùy đảo”, một vùng tương đối nhỏ bé gần chính giữa não bộ. Đây là một phát hiện quan trọng. Thùy đảo, với sự hỗ trợ từ người anh em hạch hạnh nhân của mình – giúp sáng tạo nên những bối cảnh phù hợp về mặt cảm xúc cho những thông tin giác quan trỗi dậy từ mọi nơi trên cơ thể chúng ta, từ đôi mắt, đôi tai, mũi và các ngón tay. Điều đó diễn ra như thế nào? Chúng ta vẫn chưa hề có, dù chỉ là một ý niệm mơ hồ nhất. Chúng ta chỉ biết rằng thùy đảo liên quan tới sự nhận biết nhiệt độ, tình trạng căng cơ, cảm giác ngứa ngáy, nhồn nhột, động chạm giác quan, mức pH trong dạ dày, mức căng trong ruột và cơn đói từ khắp các phần cơ thể. Và rồi nó phát tín hiệu truyền những gì mình phát hiện ra tới hạch hạnh nhân. Một số nhà nghiên cứu tin rằng sự giao tiếp này là một trong những lý do giải thích tại sao việc thu thập thông tin ở mạn phía nam của đầu chúng ta lại có vai trò quan trọng đến thế đối với sự hình thành và nhận thức các trạng thái tình cảm. Nó có thể còn liên quan đến một số chứng bệnh nhất định, ví như biếng ăn.
Bạn sẽ có cảm tưởng rằng con bò cạp này trò chuyện rất hăng. Những kết nối này như những đường dây điện thoại cho phép phần này của não bộ nghe xem phần bên kia nói gì. Đây là một manh mối lớn cho thấy các chức năng tình cảm được phân bố trên khắp não bộ, hay ít nhất cũng là được thông báo đi khắp bộ não.
Làm thế nào mà hạnh hạch nhân học được cách “ủ men” các loại cảm xúc và tại sao nó lại cần nhiều khu vực thần kinh đến vậy để hỗ trợ mình, vẫn còn là một bí ẩn. Chúng ta chỉ biết là bộ não tận hưởng khoảng thời gian ngọt ngào của riêng mình, miệt mài mắc nối những mối giao tiếp này lại với nhau, có khi suốt nhiều năm ròng. (Bạn đã bao giờ từng chứng kiến một cậu nhóc bé xíu đành hanh lớn lên thành một chàng trẻ tuổi đầy suy tư sâu sắc? Đôi khi, chỉ cần đến một khoảng thời gian.)
THẤU CẢM: CHẤT KEO KẾT DÍNH CÁC MỐI QUAN HỆ
Song song với khả năng điều tiết cảm xúc, khả năng nhận biết nhu cầu của người khác và đáp trả lại với sự thấu cảm đóng vai trò to lớn trong sự hoàn thiện về mặt xã hội của trẻ. Đến mức đây hoàn toàn có thể trở thành một Quy luật Trí não: Thấu cảm mang lại bạn tốt. Để có được sự thấu cảm, con của bạn phải học cách nhìn sâu vào cấu trúc tâm lý của người khác, nhận biết thật chuẩn xác hệ thống ban thưởng và trừng phạt trong hành vi của người đó, rồi đáp ứng lại bằng lòng tốt và sự thấu hiểu. Thấu cảm giúp gắn kết mọi người lại với nhau, vun đắp một mối quan hệ bền vững, lâu dài. Hãy thử xem điều gì xảy ra giữa bà mẹ và con gái trong câu chuyện dưới đây:
Tôi vừa mới học được rằng khi về nhà thì không được hành xử thô lỗ. Vừa về đến nhà, tôi đã buôn điện thoại ngay với Shellie than vãn rằng lão sếp của mình đúng là “cái nhọt nhức nhối ở mông”. Mấy phút sau, tôi ngửi thấy mùi kem thoa chống hăm, rồi cảm giác như ai đấy đang cố nâng váy mình lên. Cô con gái 2 tuổi yêu quý của tôi đã mở ống thuốc và đang gắng bôi vào mông tôi. Tôi bảo: “Con đang làm cái gì thế hả?” Con bé đáp: “Con chỉ làm cái nhọt đau điếng ở mông mẹ đỡ đau thôi mà.” Yêu cô nhóc này quá cơ! Chắc tôi phải ôm xiết lấy nó đến ngạt thở mất!
Hãy để ý xem sự thấu cảm đầy sáng tạo của cô con gái đã tác động ra sao tới thái độ của bà mẹ và mối quan hệ giữa hai mẹ con. Dường như nó đã gắn chặt hai mẹ con với nhau. Những tương tác thấu cảm như thế này có tên gọi hẳn hoi. Khi một người cảm thấy thực sự hạnh phúc vì người kia, hay buồn bã vì người kia, chúng ta nói rằng họ đang tham gia vào lối ứng xử xây dựng-tích cực. Những kiểu cư xử này có quyền năng cực kỳ to lớn, nó không chỉ gắn bó cha mẹ và con cái, mà còn gắn kết vợ chồng lại với nhau. Nếu như cuộc hôn nhân của bạn có tỉ lệ cư xử xây dựng-tích cực so với những tương tác xung đột – độc hại là 3:1, thì mối quan hệ của bạn đã gần như đạt mức “miễn nhiễm với ly hôn”. Những cuộc hôn nhân êm đẹp nhất có tỉ lệ 5:1. Chúng ta đã từng thảo luận ở chương Quan hệ vợ chồng về vai trò của thấu cảm trong giai đoạn chuyển đổi lên vai trò làm cha làm mẹ.
Tế bào thần kinh phản chiếu: Tôi cảm thấy bạn
Phía sau sự thấu cảm có hẳn cơ sở khoa học thần kinh, và gợi cho tôi nhớ đến lần cậu út nhà tôi tiêm mũi đầu tiên. Khi bác sĩ hút thuốc vào đầy ống tiêm, đôi mắt cảnh giác của tôi lần theo nhất cử nhất động của ông. Noah bé bỏng cảm thấy có chuyện gì đó không ổn nên bắt đầu ngọ nguậy trong vòng tay tôi. Cậu chàng đã sẵn sàng đón nhận liều vắc-xin đầu tiên trong đời mình, và có vẻ chẳng thích thú gì việc đó. Tôi biết là mấy phút tiếp sau đó sẽ cực kỳ khó khăn. Vợ tôi, vốn đã phải gánh chịu cả quá trình gian khổ ấy với cậu con trai lớn và bản thân cô ấy cũng chẳng ưa gì cái kim tiêm thì ngồi với cậu cả ở ngoài phòng chờ. Nhiệm vụ giữ chặt Noah trong vòng tay để thằng bé ngồi yên lúc bác sĩ làm cái việc khủng khiếp này đặt lên vai tôi.
Việc đó lẽ ra chẳng đến nỗi khó khăn đến thế. Tôi chẳng đã quá quen với kim tiêm rồi. Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình, tôi đã tiêm mầm bệnh vào chuột; tiêm các điện cực thủy tinh vào các mô thần kinh; và cả những ống thí nghiệm bằng nhựa trong chứa thuốc nhuộm không biết bao nhiêu lần. Nhưng lần này thì khác. Đôi mắt Noah nhìn tôi lúc mũi kim tiêm ấn vào cánh tay bé nhỏ của nó như một con muỗi kim loại thoát ra từ địa ngục. Không có gì chuẩn bị cho tôi trước ánh mắt oán hờn trên gương mặt cậu con trai út. Trán nó nhăn lại Nó kêu lên đau đớn. Và không vì một nguyên do chính đáng nào cả, tôi cảm giác như mình vừa gặp thất bại. Cánh tay tôi thậm chí còn đau nhói.
Tất cả tội lỗi là ở trí óc của tôi. Khi chứng kiến Noah đau đớn, thì – như một số nhà nghiên cứu tin tưởng – các tế bào thần kinh chuyển tải khả năng trải nghiệm sự đau đớn trên chính cánh tay tôi cũng đột ngột sống dậy. Tôi không phải là đối tượng trực tiếp hứng lấy mũi tiêm, nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì với não bộ của tôi hết. Tôi đang phản chiếu lại sự kiện đó, và đang trải nghiệm theo đúng nghĩa đen nỗi đau đớn của một người mà tôi cực kỳ quan tâm. Chẳng trách mà tay tôi đau đến thế.
Những tế bào thần kinh được gọi tên là “phản chiếu” này rải rác khắp não bộ như những tiểu hành tinh tế bào tí hon. Chúng ta tuyển mộ chúng, phối hợp hành động với các hệ thống trí nhớ và những khu vực xử lý cảm xúc, khi chúng ta đối mặt với trải nghiệm của người khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những tế bào thần kinh với các đặc tính giống hệt gương soi này xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Trong trường hợp của tôi, thì tôi đang trải nghiệm những tế bào thần kinh phản chiếu song hành thiết thân nhất với cảm giác đau đớn ở các chi. Vào thời điểm ấy, tôi cũng kích hoạt các tế bào thần kinh vận động, điều khiển nỗi khao khát của cánh tay tôi – được thoát ra khỏi một tình huống gây đau đớn.
Có vẻ như rất nhiều loài động vật có vú cũng có các tế bào thần kinh phản chiếu. Mà thực ra, chính nhờ quan sát bầy khỉ nhặt nho khô mà các nhà nghiên cứu người Ý đã lần đầu tiên phát hiện ra các tế bào thần kinh phản chiếu. Họ để ý thấy rằng có những khu vực não bộ nhất định được kích hoạt, không chỉ những khi khỉ nhặt nho khô, mà cả khi chúng đơn thuần chứng kiến những con khác nhặt nho khô. Bộ não của động vật “soi lại” các hành vi. Ở con người, những khu vực thần kinh tương tự cũng được kích hoạt, không chỉ vào lúc bạn xé một tờ giấy, lúc bạn nhìn thấy dì Martha xé một tờ giấy – mà cả lúc bạn nghe thấy cụm từ “dì Martha đang xé một tờ giấy.”
Nó cũng giống như có một mối liên hệ nội quan trực tiếp với trải nghiệm tâm lý của một người khác. Các tế bào thần kinh phản chiếu cho phép bạn hiểu được một hành động đang quan sát nhờ trải nghiệm nó một cách trực tiếp – mặc dù bạn không hề trải nghiệm nó một cách trực tiếp. Nghe có vẻ rất giống với sự thấu cảm. Các tế bào thần kinh phản chiếu cũng can dự sâu sắc vào cả khả năng giải mã các tín hiệu phi ngôn từ (nhất là biểu hiện trên gương mặt) và cả khả năng hiểu được mục đích của ai đó. Khả năng thứ hai rơi xuống dưới tán của chiếc ô kỹ năng được gọi là Học thuyết Trí não mà chúng ta sẽ miêu tả chi tiết trong chương Đạo đức. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các kỹ năng thuộc Học thuyết Trí não chính là hệ thống động cơ phía sau sự thấu cảm.
Một năng lực không được ban phát bình đẳng
Loại hoạt động thần kinh này có thể dễ dàng đo được, nên hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, rằng phải chăng mọi đứa trẻ đều có khả năng thấu cảm như nhau. Câu trả lời chẳng mấy bất ngờ, là KHÔNG. Lấy thí dụ, những trẻ mắc chứng tự kỷ không hề có khả năng phát hiện ra những biến đổi trong trạng thái cảm xúc ở người khác. Đơn giản là trẻ không thể nhìn mặt mà giải mã các kết cấu tâm lý bên trong của người khác. Trẻ cũng không thể phát hiện ra động cơ của người khác hay đoán mục đích của họ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng trẻ tự kỷ thiếu hụt hoạt động của tế bào thần kinh phản chiếu. Mà cho dù không kể trường hợp cực đoan này, thì thấu cảm cũng mỗi người mỗi khác. Chắc hẳn chính bản thân bạn cũng có quen biết những người bẩm sinh đã có sự thấu cảm sâu sắc, và một số người thì khả năng thấu hiểu tình cảm lại dở tệ. Liệu có phải họ sinh ra đã như vậy? Câu trả lời là: CÓ LẼ VẬY.
Chính sự mắc nối sẵn có trong cấu trúc thần kinh này cho thấy có những khía cạnh của bộ kỹ năng xã hội ở trẻ mà cha mẹ không thể can thiệp được. Thế có nghĩa là, các yếu tố di truyền cũng góp phần quyết định mức độ hạnh phúc của con cái bạn. Ý tưởng có phần đáng sợ này cần được giải thích cặn kẽ hơn.
LIỆU HẠNH PHÚC HAY BUỒN ĐAU CÓ PHẢI DO DI TRUYỀN?
Mẹ kể rằng tôi vừa sinh ra đã mỉm cười. Mặc dầu tôi đến với thế giới này trước khi người ta sáng chế ra máy quay – và không có bố ở bên – trong phòng sinh, nhưng tôi vẫn có cách để xác minh thông tin ấy. Vị bác sĩ nhi khoa giám sát ca sinh của tôi đã để lại một tờ ghi nhớ, mẹ giữ từ bấy giờ và đến nay tôi vẫn còn giữ được. Tờ giấy ấy ghi rằng: “Em bé chào đời với một nụ cười.”
Thật là nhộn, vì đúng là tôi rất hay cười. Tôi cũng là một tín đồ lạc quan chủ nghĩa. Tôi có xu hướng tin rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thỏa cả thôi, kể cả khi chẳng có gì đảm bảo thế cả. Chiếc cốc của tôi sẽ luôn đầy một nửa, kể cả nó có bị rò đi chăng nữa. Phẩm chất này có lẽ đã hơn một lần cứu tinh thần tôi, bất chấp nhiều năm ròng rã tôi phải chiến đấu với bệnh rối loạn tâm thần gây chán nản di truyền. Vậy thì, có phải, sinh ra đã cười, tức là sinh ra tôi vốn đã hạnh phúc? Không, đương nhiên là không phải vậy. Phần lớn các bé khi chào đời đều khóc oe oe, và điều đó không đồng nghĩa với việc các em sinh ra đã sầu muộn.
Nhưng phải chăng có tồn tại yếu tố di truyền quyết định xu hướng hạnh phúc hay buồn đau? Nhà nghiên cứu Marty Seligman, một trong những chuyên gia tâm lý được trọng vọng nhất thế kỷ XX đồng tình với nhận định đó. Seligman nằm trong số những người đi đầu trong việc liên hệ trực tiếp tình trạng stress với chứng trầm uất lâm sàng. Một công trình nghiên cứu trước đây của ông thực hiện thí nghiệm gây sốc trên chó đến mức độ “tuyệt vọng do huấn luyện”; có thể, trong một hành động đáp lại việc này, nhiều năm về trước, ông đã chuyển hướng. Chủ đề mới của ông là gì? Lạc quan do huấn luyện.
Bộ điều nhiệt hạnh phúc
Sau nhiều năm nghiên cứu, Seligman đã đưa ra kết luận rằng tất cả mọi người đều sinh ra với một “điểm đặt” hạnh phúc nhất định, tương tự như bộ điều nhiệt hành vi vậy. Khái niệm này lấy ý tưởng của nhà khoa học quá cố David Lykken, một nhà di truyền học hành vi tại Đại học Minnesota. Theo đó, một số em có “điểm đặt” được lập trình ở mức cao; các em này vốn bẩm đã hạnh phúc, bất kể dòng đời xô đẩy ra sao. Số khác lại có “điểm đặt” mặc định ở mức thấp. Những em này sinh ra đã buồn phiền u uất, bất kể cuộc sống có thăng trầm thế nào. Còn cơ bản, mọi người đều ở mức trung gian.
Nghe có vẻ chỉ số hạnh phúc là mặc nhiên, bất khả biến thiên, và quả thế thật. Seligman cho rằng, bạn có thể dịch chuyển chiếc kim này lệch vài độ, nhưng nó vẫn sẽ chỉ dao động xung quanh mức trời-sinh-ra-vậy. Seligman thậm chí còn có hẳn một công thức, gọi là Phương trình Hạnh phúc để đo xem con người ta hạnh phúc đến mức nào. Theo đó, Hạnh phúc = Điểm đặt vốn bẩm + Môi trường + Yếu tố tự thân vận động.
Không phải ai cũng đồng tình với Seligman nhưng các manh mối chỉ ra rằng quan điểm này cũng có cái đúng của nó. Tuy vậy, vẫn cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Cho đến nay, chưa có khu vực thần kinh nào được phát hiện đóng vai trò là bộ điều nhiệt này, hay, nói dễ hiểu là quyết định việc “sống hạnh phúc”. Ở cấp độ phân tử, các nhà nghiên cứu cũng vẫn chưa tìm ra gene “hạnh phúc” hay bộ điều nhiệt hạnh phúc này, mặc dù cộng đồng khoa học vẫn tích cực tiến hành nghiên cứu. Chúng ta sẽ xem xét những gene ấy kỹ hơn vào cuối chương này.
Tất cả những kết quả nghiên cứu này – từ Em bé 19, cô nhóc sầu muộn ở phần đầu chương – đều cho rằng di truyền có ảnh hưởng tới khả năng trải nghiệm hạnh phúc lâu bền của con người.
Trời sinh tính
Suốt bao nhiêu thế kỷ nay, các ông bố bà mẹ đã biết rằng con cái mình sinh ra trên đời này với khí chất bẩm sinh. Nhà khoa học Jerome Kagan, người nghiên cứu về trường hợp Em bé 19 là người đầu tiên đã chứng minh điều này. Khí chất của con người là một khái niệm đa phương diện phức tạp – chính là cách phản ứng theo tính cách, xét về cả phương diện tình cảm và hành vi – với các sự kiện bên ngoài. Những phản ứng này tương đối cố định và mang tính bẩm sinh; bạn có thể quan sát thấy ở con mình ngay từ khi bé mới chào đời.
Các vị phụ huynh thường vẫn hay lẫn lộn khí chất với tính cách, nhưng xét từ khía cạnh nghiên cứu, hai khái niệm này không đồng nhất với nhau. Các nhà tâm lý học thực nghiệm thường mô tả “tính cách” bằng những thuật ngữ mang tính linh hoạt, hay biến đổi hơn, do hành vi được định hình chủ yếu nhờ các nhân tố thuộc về gia đình và văn hóa. Tính cách chịu ảnh hưởng bởi khí chất giống hệt như cách của một ngôi nhà chịu ảnh hưởng bởi chính nền móng của nó. Rất nhiều nhà nghiên cứu tin rằng khí chất cung cấp những khối kết cấu tình cảm và hành vi, mà trên đó, các nét tính cách được dựng lên.
Mức độ phản kháng cao và thấp
Kagan rất hứng thú với một biểu hiện của khí chất: phản ứng của trẻ khi đối mặt với những thứ mới mẻ. Ông để ý thấy rằng phần lớn các bé đều dễ dàng vượt qua những thử thách mới mẻ này, chúng im lặng ngắm nghía những món đồ chơi mới, tỏ vẻ hiếu kỳ và chăm chú tập trung vào những nhân tố kích thích mới. Nhưng một số em lại tỏ ra bực bội, khó chịu. Kagan muốn tìm ra một vài tâm hồn nhạy cảm kiểu ấy và theo dõi các em trong quá trình trưởng thành. Các em bé từ số 1 đến 18 vừa vặn như in với kiểu mẫu đầu tiên. Những em bé tỏ thái độ bình tĩnh như thế này được gọi là “có khí chất phản kháng thấp”. Còn Em bé 19 thì khác hoàn toàn. Em, và những bé tương tự như em là đối tượng “có khí chất phản kháng cao”.
Hành vi của các em vẫn duy trì ổn định qua thời gian, đó là kết quả mà Kagan thu được trong thí nghiệm nổi tiếng nhất của ông. Công trình này vẫn đang được thực hiện, nó vẫn tiếp tục cả sau khi nhà hiền triết này đã về hưu (một đồng nghiệp của ông đảm trách tiếp). Thí nghiệm này thực hiện với 500 trẻ, bắt đầu từ 4 tháng tuổi, các em được gán mã “phản kháng thấp” và “phản kháng cao”. Kagan kiểm tra lại những em bé này vào tuổi lên 4, lên 7, lên 11 và lên 15; và với một số em, là sau đó nữa. Kagan phát hiện ra rằng những em bé được gán mã “phản kháng cao” ở tuổi lên 4, có khả năng kiềm chế hành vi cao gấp 4 lần so với các mẫu chuẩn, điển hình là Em bé 19. Đến tuổi lên 7, một nửa số trẻ “phản kháng cao” này đã phát triển triệu chứng âu lo bồn chồn ở dạng nào đó, trong khi chỉ 10% nhóm mẫu chuẩn có triệu chứng này. Trong một nghiên cứu khác trên 400 đối tượng, chỉ 3% trẻ chuyển đổi hành vi sau 5 năm. Kagan gọi đây là dấu vết lưu lại lâu dài của khí chất.
Bạn sẽ có một đứa trẻ âu lo?
Một nhà nghiên cứu, bạn tôi, có hai cô con gái. Tính đến thời điểm tôi viết những dòng này, thì một bé 6 tuổi, còn một bé 9 tuổi, khí chất của hai cô nàng này không thể nào đặc-trưng-Kagan hơn được. Cô nàng 6 tuổi đúng là kiểu hoa hậu nhí, bạo dạn dễ gần, có thiên hướng chấp nhận rủi ro, náo nức, hớn hở và rất tự tin. Em sẽ nhao vào một căn phòng toàn là người lạ, khơi mào hai cuộc đối thoại cùng một lúc, nhanh chóng thăm dò mọi đồ chơi trong phòng và rồi quấn lấy mấy con búp bê và say sưa chơi đồ hàng cả mấy tiếng đồng hồ. Cô chị lớn thì hoàn toàn ngược lại. Cô nàng có vẻ sợ sệt, rụt rè và nhón chân đầy cảnh giác vào phòng vui chơi sau khi miễn cưỡng rời khỏi mẹ. Rồi em tìm ra một góc an toàn nào đó và ngồi ngoan ở đấy. Em không tỏ chút hứng thú nào với việc tìm tòi khám phá, em cũng chẳng thốt được mấy câu, và có vẻ rất sợ hãi mỗi lúc ai đó gắng tìm cách bắt chuyện.
Bạn cũng có một đứa con như vậy chứ? Cơ may của bạn là 1/5. Những em bé kiểu “phản kháng cao”chiếm khoảng 20% tổng số đối tượng trong các nghiên cứu của Kagan.
Nhưng một em bé có mức phản kháng cao phát triển theo hướng nào lại tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Mọi bộ não đều được mắc nối theo cách riêng biệt, vậy nên không phải mọi trạng thái của não đều nảy ra một hành vi giống hệt nhau. Đây là một điểm quan trọng bạn nên nhớ. Và trên hết, phản kháng cao với phản kháng thấp cũng chỉ là một khía cạnh của khí chất mà thôi. Các nhà nghiên cứu xem xét mọi góc cạnh, từ thể loại hoàn cảnh khó khăn cho đến quãng chú ý tới mức độ hòa nhập xã hội, tới cấp độ hoạt động và cả khả năng điều tiết các chức năng cơ thể. Những công trình kiểu như nghiên cứu của Kagan đưa ra những kết luận về khuynh hướng chứ không phải là số mệnh. Những số liệu này không tiên đoán về một “tương lai chắc chắn” nào đó của đứa trẻ. Chúng thiên về tiên đoán những gì KHÔNG PHẢI là tương lai của đứa trẻ đó thì đúng hơn. Những em bé có mức độ phản kháng cao, khi lớn lên sẽ không trở thành ai đó cởi mở, hướng ngoại, sôi nổi hay bạo dạn. Cô con gái lớn sẽ không đời nào biến thành cô con gái út.
Còn nếu con của bạn thuộc dạng phản kháng cao thì sao? Có vẻ cô nàng sẽ khiến cha mẹ phải gian khó một phen, nhưng vẫn có một tia sáng lấp lánh. Đến thời điểm những em bé có mức phản kháng cao này bước vào trường học, như Kagan để ý, phần lớn các em đều thành công về mặt học hành, kể cả khi các em bồn chồn âu lo đến mức nào. Các em có nhiều bè bạn, ít khi dính vào chất kích thích, có thai hay lái xe liều lĩnh. Có vẻ đó là một cơ chế đền bù, sinh ra từ nỗi lo âu. Kagan vẫn tuyển dụng những trợ lý có mức độ phản kháng cao để phục vụ nghiên cứu của ông. “Tôi vẫn thích những đối tượng có mức phản kháng cao,” ông chia sẻ với tờ New York Times. “Họ kiểm soát tốt, và không mắc sai sót; họ rất cẩn trọng khi mã hóa dữ liệu.”
Tại sao những em bé cảnh vẻ, kiểu cách này về sau lại có nhiều khả năng tuân theo đúng những ước nguyện của mẹ cha, hòa nhập xã hội tốt hơn và đạt được thành tích tối ưu? Đó là bởi các em là những người mẫn cảm với môi trường xung quanh, dù cho chúng cứ không ngừng cằn nhằn vì lúc nào cũng bị “cầm tay chỉ lối”. Chỉ cần bạn kiên trì vai trò chủ động, ân cần yêu thương trong việc định hình hành vi, thì kể cả những con người cầu kỳ đỏng đảnh nhất trong số chúng ta cũng sẽ trưởng thành thuận lợi mà thôi.
KHÔNG CÓ GENE RIÊNG BIỆT NÀO QUYẾT ĐỊNH KHÍ CHẤT
Vậy là khí chất của một đứa trẻ có thể thấy được ngay từ lúc mới ra đời, và duy trì ổn định qua thời gian. Điều đó có đồng nghĩa với việc khí chất hoàn toàn do các yếu tố di truyền quy định? Hầu như không phải vậy. Theo những gì chúng ta quan sát được ở những em bé sinh ra giữa kỳ bão tuyết trong chương Thời kỳ mang thai, thì hoàn toàn có thể tạo ra một em bé căng thẳng chỉ đơn giản bằng việc gia tăng các hóc môn stress ở bà mẹ. Có hay không sự tham gia của các gene là một câu hỏi khoa học, chứ không phải một thực tế khoa học. Thật đáng mừng, vấn đề này đã được đưa ra nghiên cứu.
Những công trình nghiên cứu trên các cặp song sinh tính đến thời điểm này cho thấy không hề tồn tại một gene biệt lập nào chịu trách nhiệm quyết định khí chất. (Các nghiên cứu về gene luôn bắt đầu với các cặp song sinh, đối tượng nghiên cứu lý tưởng ở đây sẽ là các cặp đôi bị chia tách ngay từ lúc ra đời và được nuôi dạy trong các gia đình khác nhau.) Quan sát tính khí của một cặp song sinh cùng trứng, có thể thấy mức độ giống nhau, tương đồng là 0,4. Điều này chứng tỏ đúng là gene cũng có phần đóng góp nào đấy, nhưng đó chẳng phải là một con số ấn tượng gì cho cam. Còn ở các cặp song sinh khác trứng và các cặp anh chị em không phải song sinh, mức độ tương đồng này chỉ nằm trong khoảng từ 0,15 đến 0,18. Thế này còn kém ấn tượng hơn nữa.
Nhưng dù sao các nhà nghiên cứu đã biệt lập được một số ít gene giúp giải thích một trong những hiện tượng khó hiểu nhất trong ngành tâm lý học phát triển: những trẻ nhỏ vượt lên mạnh mẽ khỏi nghịch cảnh.
Làm thế nào một đứa trẻ vượt qua mọi sóng gió mà vẫn ổn?
Bố của Milo nốc rượu như hũ chìm, rồi sẽ đập phá tất cả những thứ chuyển động. Nhìn chung, Milo không bị lạm dụng, nhưng các chị cậu thì không được may mắn vậy. Ông ta thường xuyên cưỡng bức họ và cậu bé Milo mới lên 6 tuổi đã phải nhiều lần chứng kiến cảnh ấy. Bất kể có say hay không, ông ta đều đánh đập mẹ cậu. Bà dần trở nên chai lì và bất cần, nói gì đến việc chăm sóc vết thương cho các con mình, dù về thể xác hay tinh thần. Đến một ngày không chịu nổi, bà đã bỏ đi trên chiếc xe của gia đình với người tình và không bao giờ quay trở lại nữa. Trong cơn lôi đình, ông bố nện gẫy mũi cậu bé tội nghiệp. Ông ta suy sụp hoàn toàn trong những năm tiếp sau đó, chìm trong những cơn truy hoan, ngập ngụa rượu cồn, thuốc phiện và những tội ác đê hèn, và đẩy trách nhiệm gánh vác gia đình lên vai cậu con trai. Một ngày nọ, khi Milo 16 tuổi, ông bố bảo cậu lên gác. Khi Milo lên đến nơi, ông ta tự xả súng vào đầu mình. Ắt hẳn bạn sẽ nghĩ rằng tương lai của Milo thế là hết dưới sức tàn phá của một quá khứ đau khổ nhường này. Nhưng đó lại không phải là những gì đã diễn ra.
Milo có một trí óc rất nhạy với con số. Cậu đạt thành tích xuất sắc ở trường học, đặc biệt là môn toán. 14 tuổi Milo đã bắt đầu quán xuyến gia đình.Cậu lén lấy tiền từ ví của ông bố bê tha để mua đồ ăn thức uống. Cậu cũng bắt đầu dạy kèm cho các chị gái, những cô chị, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, luôn bị tụt lại trên lớp. Milo còn vươn tới cả chiếc ghế danh dự, trở thành chủ tịch hội học sinh, nhận được học bổng đại học, và giành được tấm bằng cử nhân ngành kinh doanh. Những hồi ức tuổi thơ vẫn ám ảnh Milo. Nhưng chúng không thể bắt cậu phải dừng bước. Đến lúc tôi viết những dòng này đây, Milo đã là một người cha tốt của hai đứa con, chủ sở hữu hãng môi giới xe hơi. Dẫn theo lời Miles Davis, nhà soạn nhạc jazz yêu thích của mình, Milo tuyên bố: “Tôi không chịu trở thành hồi ức.”
Làm thế nào chúng ta có thể cắt nghĩa những người như Milo? Câu trả lời ngắn gọn là: Chúng ta không thể! Hầu hết trẻ trong hoàn cảnh này đều lặp lại sai lầm như cha mẹ mình. Nhưng không phải trẻ nào cũng vậy. Những trẻ như Milo sở hữu thứ năng lực gần như siêu nhiên để vươn lên khỏi nghịch cảnh. Một số nhà nghiên cứu đã dành trọn cả sự nghiệp để vén màn những bí mật của sự hồi phục phi thường này. Các nhà di truyền học cũng đã xắn tay tham gia cùng, và kết quả của họ tỏ ra ưu việt hơn hẳn những nghiên cứu hành vi ngày nay.
3 gene hồi phục
Hành vi của con người gần như luôn được nhóm công tác có phối hợp gồm hàng trăm gene khác nhau chỉ huy. Tuy vậy, cũng giống như mọi môn thể thao đồng đội nào khác, ở đây cũng có những tuyển thủ nổi trội và những người đóng vai trò thứ yếu. Tôi có thể liệt kê ra cho bạn 3 gene rất đáng để mắt tới. Có thể chúng cũng đóng vai trò nào đó trong việc hình thành khí chất và tính cách của con cái chúng ta.
MAOA chậm: Học nỗi đau đớn từ một sang chấn
Những trẻ bị lạm dụng tình dục như các chị gái của Milo đều có nguy cơ sa vào vòng nghiện ngập, rượu chè cao, đây là một thực tế mà các nhà nghiên cứu đã biết rõ suốt nhiều năm nay. Những đối tượng này cũng có nguy cơ rối loạn nhân cách phản xã hội cao hơn.
Điều này chắc chắn sẽ không thể xảy ra nếu như đứa trẻ có một biến thể gene có tên là MAOA (viết tắt của monoamine oxidase A – mono amin oxyđaza A). Gene này có hai phiên bản khác nhau, một được gọi tên là “chậm”, và một là “nhanh”. Nếu như đứa trẻ có phiên bản chậm, em sẽ được miễn dịch một cách đáng ngạc nhiên trước những tác động tiêu cực từ tuổi thơ của mình. Nhưng nếu chỉ có phiên bản nhanh, bé sẽ rơi vào dạng bản đúc cứng nhắc. Phiên bản nhanh của gene này tham gia hỗ trợ kích động hồi hải mã và các phần của hạch hạnh nhân khi một hồi ức đau thương bị khơi lại. Nỗi đau quá lớn; và người ta sẽ luôn tìm đến hơi men để tìm phương giải thoát. Phiên bản chậm của gene này sẽ xoa dịu những hệ thống này một cách rõ rệt. Những sang chấn này vẫn còn nguyên ở đó, nhưng nó đã mất nọc châm.
DRD4-7: Lính canh chống lại sự bất an
Mẹ của Milo luôn xa cách, lạnh lẽo và bất cần kể cả khi ở bên con cái. Một môi trường như vậy thường đưa đẩy trẻ rơi sâu vào cảm giác bất an, và nỗ lực lôi kéo sự chú ý. Lối hành xử như vậy rất dễ hiểu và cũng rất độc hại.
Nhưng không phải tất cả những đứa con có mẹ kiểu này đều vướng phải cảm giác bất an, và một nhóm nghiên cứu Hà Lan đã tìm ra nguyên do. Một gene tên là DRD4 (viết tắt của Dopamine Receptor D4 – Cơ quan thụ cảm dopamin D4) có liên quan sâu sắc ở đây. Nó là thành viên của một gia đình phân tử có khả năng gắn kết với các dopamine dẫn truyền thần kinh và thi hành các tác động sinh lý học. Nếu như trẻ có được một biến thể của một gene gọi là DRD4-7 thì tình trạng bất an sẽ không bao giờ phát triển được. Cứ như thể là sản phẩm của gene này đã phủ lên não bộ một lớp “chống dính”. Những em bé thiếu vắng biến thể này sẽ không có lớp bảo vệ nào chống lại những tác động do các bậc mẹ cha vô cảm gây ra; với những em bé sở hữu biến thể này, thì mức bảo vệ tăng lên đến 6 lần.
5-HTT biến thể dài: Nhân tố kháng stress
Lâu nay, các nhà nghiên cứu đã biết rằng một số người chọn cách đương đầu, vượt qua những tình huống căng thẳng, đau buồn. Họ có thể đuối sức trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng cuối cùng, sẽ hồi phục vững vàng. Còn số khác khi rơi vào tình cảnh tương tự lại trải qua những cơn trầm uất và rối loạn, lo lắng, và chẳng thể hồi phục dù trải qua vài tháng trời đi chăng nữa. Vài người thậm chí còn tự sát. Những cặp phản ứng sóng đôi này giống như phiên bản trưởng thành của những em bé kiểu phản kháng thấp và phản kháng cao của Kagan.
Gene 5-HTT, một gene dẫn truyền setoronin có thể giúp lý giải phần nào sự khác biệt này. Đúng như tên gọi mà gene này gợi ra, protein được mã hóa trong gene hoạt động như một chiếc xe bán tải, chuyên chở các setoronin dẫn truyền thần kinh tới các khu vực khác nhau của não. Nó xuất hiện dưới hai dạng, mà tôi sẽ gọi tên là biến thể “dài” và biến thể “ngắn”.
Nếu có biến thể dài của gene này, bạn sẽ luôn ở trong trạng thái ổn định. Phản ứng với stress của bạn, vốn tùy thuộc vào mức nghiêm trọng và khoảng thời gian của cơn sang chấn – sẽ nằm trong hạn độ “điển hình”. (Nguy cơ tự sát thấp và cơ may phục hồi ở mức cao.) Nếu bạn chỉ có biến thể ngắn của gene này, nguy cơ gây ra những phản ứng tiêu cực (như trầm uất hay thời gian hồi phục lâu) khi đối mặt với những cơn sang chấn là rất cao. Điều thú vị ở đây là, những bệnh nhân có biến thể ngắn của gene này cũng gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc và khó hòa nhập xã hội. Mặc dù mối liên hệ vẫn chưa được xác lập, nhưng điều này nghe rất giống với trường hợp Em bé 19.
Dường như đúng là có những em bé sinh ra đã nhạy cảm với stress và những em có sức đề kháng bẩm sinh với stress. Việc chúng ta có thể gắn một phần hiện tượng này với hệ quả do DNA đưa đến, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể kết luận rằng hiện tượng ấy có cơ sở về mặt di truyền. Tức là sao? Tức là, bạn không thể thay đổi ảnh hưởng của việc đó lên hành vi ứng xử của con cái mình, hệt như việc bạn không thể nào biến đổi màu mắt của chúng được.
LÀ KHUYNH HƯỚNG, CHỨ KHÔNG PHẢI SỐ MỆNH
Hãy thật tỉnh táo khi tham gia cuộc tranh luận về di truyền này. Một số phát hiện dựa trên cơ sở DNA này vẫn còn đòi hỏi thêm nhiều nghiên cứu củng cố nữa trước khi chúng ta chứng thực chúng là chính xác. Một số thực nghiệm cũng cần được sao chép lại vài lần trước khi thuyết phục được chúng ta. Tất cả mới chỉ dừng lại ở mức “có liên quan”, chứ không phải kiểu quan hệ nhân-quả. Hãy nhớ một điều: Khuynh hướng, chứ KHÔNG PHẢI số mệnh. Môi trường dưỡng dục phủ một cái bóng rất lớn lên tất cả những nhiễm sắc thể này, đây là một đề tài chúng ta sẽ tiếp tục bàn luận trong chương tiếp theo. Thế nhưng DNA xứng đáng có được một vị trí đáng kể trên bàn tròn thảo luận về hành vi, mặc dù không phải lúc nào nó cũng ngự ở ghế chủ xị. Vai trò của các ông bố, bà mẹ quan trọng đến mức đáng ngạc nhiên.
Nhất là trong nền y khoa phát triển mới mẻ và táo bạo như hiện nay, những tấm bình phong di truyền đối với hành vi có lẽ sẽ càng sẵn có hơn cho các bậc cha mẹ. Biết được con mình thuộc kiểu phản kháng cao hay thấp liệu có ý nghĩa gì không? Một đứa trẻ yếu ớt khi đối mặt với stress hiển nhiên cần đến cha mẹ dưỡng dục hơn một đứa trẻ dạn dày, mạnh mẽ hơn. Một ngày nào đó, bác sĩ nhi khoa của bạn sẽ có thể cung cấp cho bạn thông tin này dựa trên một cơ sở giản đơn nào đó, ví như kết quả xét nghiệm huyết học. Những bài kiểm tra “đơn giản” như thế vẫn còn ở thì tương lai. Còn lúc này đây, thấu hiểu những hạt giống sẽ ươm trồng nên hạnh phúc của con bạn sẽ phải xuất phát từ việc thấu hiểu chính đứa con của bạn.
Những điểm cốt yếu
• Nhân tố tiên báo chính xác nhất cho hạnh phúc ư? Có thật nhiều bạn bè.
• Trẻ học được cách điều tiết cảm xúc của mình sẽ duy trì được những mối giao hảo sâu sắc hơn những trẻ không học được điều này.
• Không một khu vực riêng lẻ nào của não bộ kiểm soát toàn bộ các cảm xúc. Một hệ thống thần kinh phân bố rộng rãi đóng vai trò cốt yếu ở đây.
• Cảm xúc đóng vai trò quan trọng phi thường với não bộ. Chúng hoạt động như những miếng dán lưu ý, giúp não bộ xác định danh tính, sàng lọc và xếp loại ưu tiên.
• Có lẽ tồn tại yếu tố di truyền nào đó quyết định mức độ hạnh phúc của con bạn.