Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc

BÉ CÓ PHẨM CÁCH QUY LUẬT TRÍ NÃO



Trẻ em sinh ra đã có sẵn những ý niệm về đạo đức 
Kỷ luật + Yêu thương = Trẻ có đạo đức
Nguyên tắc vàng: “Có là có” và “Không là không”
 

BÉ CÓ PHẨM CÁCH

aniel là một cậu ấm trong gia đình khá giả, nhưng họ đến nước khuynh gia bại sản vì cậu quý tử. Cậu cả Daniel đúng là “nghịch tử”. Kỳ nghỉ cuối tuần nọ, mẹ đưa cậu và em gái về khu nhà nghỉ sang trọng của gia đình. Lúc cả nhà đang bon bon xuôi đường cao tốc, anh chàng Daniel 5-tuổi bỗng nhiên mở khóa đai an toàn. Nó vồ lấy điện thoại di động của mẹ và bắt đầu tí toáy. “Bỏ xuống đi con,” mẹ cậu bảo. Daniel lờ tịt yêu cầu. “Mẹ bảo bỏ xuống ngay cơ mà,” bà mẹ đanh giọng, còn Daniel chỉ đáp gọn lỏn: “Không.” Mẹ nó sững lại rồi tiếp: “Được rồi, con có thể dùng điện thoại gọi cho ba. Giờ thì cài lại dây an toàn đi nào.” Daniel làm như không nghe và tiếp tục say sưa với trò chơi điện tử trên điện thoại.
Đến khi dừng lại đổ xăng, Daniel vẫn giở trò, nó trườn ra khỏi cửa sổ và leo lên nóc xe. Mặc mẹ nó la hét thất kinh: “Dừng lại đấy!” Daniel thản nhiên đốp lại “Mẹ dừng thì có!” rồi bò xuống chỗ kính chắn gió. Đưa được nó quay trở lại xe, thì nó lại vớ lấy cái điện thoại; ném bụp xuống sàn, vỡ tan tành. Đến lúc “ông trời con” này lớn, nó đã quen thói “vượt rào”, bé thì “lờ lớ lơ” mọi quy tắc trong gia đình, lớn thì bất chấp lề thói xã hội nào. Ở đâu, làm gì nó cũng đòi bằng được mọi thứ theo ý mình. Bạn bè thì nó sẵn sàng đánh nếu chúng không chịu chú ý đến nó. Người trên thì nó thách thức và lì lợm. Nó chôm chỉa đồ của bạn cùng lớp. Có lẽ, nó hoàn toàn không có khái niệm đạo đức. Đỉnh điểm là lần nó đâm bút chì vào má một cô bé. Nó bị đuổi học. Và đến thời điểm bạn đọc những trang viết này, cả gia đình Daniel đang kẹt trong một vụ lùm xùm kiện cáo.
Daniel là một điển hình về rối loạn hành vi – hay băng hoại “đạo đức”. Dù làm cha mẹ “thoáng”, “khoanh tay ngồi nhìn” thì nhàn thân hơn nhiều, nhưng hậu quả thì vô cùng, ai cũng thế thì mỗi năm hẳn sẽ là một mùa bội thu những đứa trẻ đứt-dây-cương và những bậc phụ huynh tuyệt vọng. Không một ông bố bà mẹ giàu lòng yêu thương nào muốn nuôi dạy nên một đứa con như Daniel. Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu làm thế nào để tránh được việc đó. Bạn hoàn toàn có thể tạo dựng nền tảng đạo đức vững chắc từ khi con còn nhỏ. Và điều này có cơ sở khoa học hẳn hoi.

CÓ PHẢI TRẺ EM SINH RA ĐÃ CÓ SẴN CÁC TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC

Trước hết cần hiểu “đạo đức” chính xác là gì? Liệu có bất cứ ý niệm đạo đức tuyệt đối nào khắc ghi sẵn trong não bộ chúng ta, hay đạo đức chỉ có thể được nhận thức và vun đắp dần dần? Những câu hỏi này đã làm đau đầu các nhà triết học suốt nhiều thế kỷ. Trong cả gốc Hy Lạp và La tinh, “đạo đức” đều có nền tảng xã hội vững chắc. Khởi thủy, nó vạch ra một quy tắc ứng xử, thống nhất giữa cách cư xử với phong tục và tập quán và hợp thành từ hai phần với tỉ lệ tương đương “nhiệt liệt khuyến khích” (nên làm) và “cứ thử làm xem” (không được làm). Đó là định nghĩa mà chúng ta sẽ sử dụng: một bộ quy tắc ứng xử “chủ quan” ban đầu chỉ do một một nhóm nhỏ đặt ra, có chức năng chủ yếu là định hướng hành vi xã hội.
Tại sao chúng ta lại cần đến những quy tắc ấy ngay từ thuở ban đầu? Có lẽ căn nguyên là do nhu cầu hợp tác ngày càng cấp thiết trong chu trình tiến hóa của xã hội loài người. Một số nhà nghiên cứu tin rằng tri giác về đạo đức của chúng ta – bộ lọc chức năng ứng xử xã hội – phát triển là nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác sống còn đó. Suy cho cùng, những vụ thảm sát như cơm bữa đâu lợi lộc gì và cũng chả phải mục tiêu hàng đầu của một loài mà dân số khởi thủy chỉ vỏn vẹn dưới 18.500 cá thể (có người còn nói con số đó dưới 2.000). Nhìn theo quan điểm thuyết tiến hóa Darwin này, thì não bộ của chúng ta ngay từ khi sinh ra đã được cài đặt sẵn những sự thính nhạy nhất định về đạo đức, một thứ về sau sẽ phát triển theo kiểu bán-biến-thiên, tùy thuộc vào việc chúng ta được nuôi dạy ra làm sao. “Con người chúng ta sinh ra với bộ quy tắc đạo đức chung,” nhà khoa học nhận thức Steven Pinker đã nói như thế, “điều đó khiến chúng ta có xu hướng phân tích hành động của loài người theo chuẩn đạo đức.”
Đa phần các nhà khoa học đều cho rằng nhân tố nền tảng tạo nên “đạo đức” của con người bao gồm khả năng phân biệt đúng-sai; thái độ bài trừ những hành vi bạo lực như cưỡng hiếp và sát nhân; và lòng thấu cảm. Nhà tâm lý học trường Yale – Paul Bloom bổ sung thêm ý thức về công lý, biết cảm động và đáp lại sự ân cần và lòng vị tha, cũng như thói quen đánh giá hành vi của người khác. Còn nhà tâm lý học Jon Haidt xếp thành năm nhóm: quan tâm săn sóc (bảo vệ người khác khỏi những mối nguy hại), tính công bằng, lòng trung thành, tôn trọng uy quyền và một thứ nghe rất gây tò mò, ấy là sự thuần khiết về tinh thần.
Nếu đạo đức là một phần bẩm sinh trong não bộ của loài người, hẳn chúng ta có thể quan sát thấy ít nhiều biểu hiện ở láng giềng tiến hóa của mình. Và có thế thật, chẳng phải kiếm đâu xa, ở ngay một vườn thú ở Anh, Kuni – một con tinh tinh cái sống trong khu chuồng mở của vườn thú, ngăn cách với bên ngoài bằng một mặt kính và mặt còn lại mở ra không gian thiên nhiên, có hào nước bao quanh. Ngày nọ, con tinh tinh phát hiện ra có con chim sáo đá đập vào vách kính và rơi xuống khu chuồng. Mặc dù bất tỉnh, con chim hầu như không bị thương tích gì, và người quản thú thúc giục con tinh tinh thả nó đi.
Những gì Kuni làm sau đó thật phi thường. Nó nhặt con chim yếu ớt lên, đặt lên bàn chân mình và hất đi một khoảng ngắn. Con chim vẫn không tỉnh lại. Sau một hồi nghĩ ngợi rất lung, Kuni bắt đầu làm cách khác. Nó cầm con chim bằng một tay và trèo lên ngọn cây cao nhất trong khu chuồng bằng tay kia, trông như là chàng King Kong với một cô nàng Fay Wray  dưới lốt chim vậy. Con tinh tinh vòng hai chân ôm lấy thân cây để được rảnh rang cả hai tay xoay xỏa với con sáo đá. Hết sức khéo léo, nó nắm lấy hai cánh chim – mỗi tay một cánh – và cẩn thận mở ra. Rồi bất ngờ, tinh tinh ném chú chim mạnh hết sức về hướng của tự do. Con chim rớt xuống ngay cạnh hào nước. Một cậu khỉ hiếu kỳ thấy vậy lại gần xem xét. Kuni vội nhào xuống, đứng chắn trước con sáo đá. Nó cứ đứng ở gác canh của mình cho đến tận lúc chú chim nhỏ có thể tự bay đi.
Đây là một ví dụ phi thường của… một thứ gì đó. Mặc dù chúng ta không có cách gì bước vào trong đầu của con tinh tinh, nhưng ví dụ trên cũng đủ cho thấy rằng động vật cũng có đời sống tình cảm tích cực, có thể, bao gồm cả lòng vị tha. Ở con người, lòng vị tha này đạt mức độ cao hơn, thường xuyên hơn và dưới những dạng thức tinh vi hơn so với người láng giềng chung nguồn gốc di truyền của mình.
Nếu như nhận thức đạo đức mang tính phổ quát, chúng ta cũng có thể mong đợi được thấy sự tương đồng giữa những nền văn hóa khác nhau. Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đã tiến hành một bài Kiểm tra Tri giác Đạo đức, có sự tham gia của hàng trăm nghìn người từ hơn 120 quốc gia. (Bạn cũng có thể đóng góp ý kiến của mình tại địa chỉ http://moral.wjh.harvard.edu.) Dữ liệu tổng hợp được đã khẳng định quan điểm tri giác đạo đức mang tính phổ quát.
Manh mối thứ ba cho thấy nhận thức đạo đức là “tính bẩm” liên quan đến thực tế là tình trạng tổn thương khu vực chuyên biệt của não bộ có thể ảnh hưởng tới năng lực đưa ra một số loại quyết định đạo đức nhất định nào đó.

SAO LŨ TRẺ KHÔNG CƯ XỬ CHO TỬ TẾ ĐƯỢC NHỈ?

Nếu đúng là trẻ sinh ra với tri giác đúng-sai vốn bẩm, vậy tại sao chúng không đơn giản là làm điều đúng – đặc biệt là khi lớn hơn (tuổi dậy thì chẳng hạn)?
Hóa ra lý giải hành vi đạo đức chủ động lại khó đến đáng ngạc nhiên, ví như việc tự nguyện giúp đỡ ai đó qua đường. Kể cả có dẹp thói vị kỷ sang một bên cũng khó lý giải đầy đủ lòng vị tha của con người trong một số trường hợp. Từ suy luận đạo đức tới hành vi đạo đức còn cả một chặng đường dài gập ghềnh. “Lương tâm” chính là chất bôi trơn, nỗ lực lát phẳng con đường gập ghềnh này. Lương tâm là thứ gì đó khiến bạn cảm thấy dễ chịu khi làm việc tốt và day dứt khi không làm điều đó. Nhà tâm lý học quá cố trường Harvard Lawrence Kohlberg tin rằng một lương tâm lành mạnh chính là thanh ngang trên cùng của chiếc thang đạo đức. Nhưng không phải tất cả các nhà khoa học đều cho rằng lương tâm là thứ “trời sinh”. Một số người tin rằng nó là sản phẩm của xã hội, cũng hình thành và phát triển cùng xã hội. Đối với họ, chính sự tiếp thu mới là thước đo quan trọng nhất của nhận thức đạo đức.
Một đứa trẻ biết cưỡng lại cám dỗ “vượt rào”, vượt qua một chuẩn tắc đạo đức nào đó (kể cả khi khả năng bị phát hiện và trừng phạt là không có) là đã tiếp thu được quy tắc đó. Chúng không chỉ biết được điều gì là đúng đắn (nhận thức đạo đức rất có thể đã được cài đặt sẵn trong não), mà còn đồng thuận với nó và nỗ lực để điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Việc này đôi khi được gọi là kiểm soát ức chế, nghe có vẻ rất giống với chức năng điều hành phát triển đầy đủ. Hai thứ này có lẽ chỉ là một mà thôi.
Dù bằng cách nào, thái độ tự nguyện làm điều đúng đắn – và cưỡng lại được cám dỗ làm điều sai trái, ngay cả khi không làm cũng chẳng sao mà có làm cũng chẳng được hứa hẹn treo thưởng gì – chính là mục tiêu của phát triển đạo đức. Điều đó đồng nghĩa với việc mục tiêu dưỡng dục của bạn sẽ phải là rèn cho con cái mình coi trọng và điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp với tri giác đúng-sai bẩm sinh.
Việc này đòi hỏi thời gian. Rất nhiều thời gian.
Cứ hai tiếng lại một câu nói dối
Một nguyên do chúng ta biết được điều này là nhờ vào cách trẻ nói dối, một thói quen biến đổi theo độ tuổi. Có lần tôi đã được nghe một giảng viên tâm lý học bàn về chuyện điều gì xảy ra khi một đứa trẻ lần đầu tiên biết nói dối, và ông làm cuộc nói chuyện của mình thêm sống động bằng một câu chuyện với kịch bản kiểu Bill Crosby . Với lời xin lượng thứ gửi tới cả vị giảng viên nọ lẫn ngài Crosby, sau đây tôi xin tóm lược lại câu chuyện này.
Đang đêm hôm khuya khoắt, Bill và cậu em Russell nhảy rầm rầm trên giường – một điều cấm kỵ trong nhà. Hai cậu nhóc làm sập cả giường, tiếng động rầm rập làm ông bố điên tiết bật dậy. Ông lao sầm sập vào phòng, chỉ vào cái giường và gầm lên: “Tụi bay làm cái trò gì thế này hả?” Cậu lớn lắp bắp: “Không ạ! Không phải con!” Rồi thằng bé ngưng lại, mắt nó vụt sáng lên. “Nhưng con biết ai bố ạ. Một anh lớn lớn vào phòng tụi con qua cửa sổ phòng ngủ. Anh ý nhảy lên nhảy xuống trên giường tận mười lần làm gãy cả giường, rồi chui ra khỏi cửa sổ và chạy xuống đường mất!” Lông mày của ông bố nhíu lại. “Con trai ạ, phòng này làm gì có cửa sổ.” Thằng bé vẫn liến thoắng. “Con biết mà bố! Anh ý lấy cả cửa sổ đi luôn rồi!”
Đúng là như vậy, trẻ em rất tệ khoản nói dối, chí ít là lúc ban đầu. Trong làn bụi thần tiên kỳ diệu của trí não trẻ thơ, rất khó để phân biệt hiện thực với huyễn tưởng. Biểu hiện dễ thấy nhất là trẻ hay tự đóng những vở kịch tưởng tượng. Chúng còn cho rằng cha mẹ mình toàn trí toàn tài, thấu suốt mọi sự, một niềm tin không gì suy suyển nổi và chỉ bị phá hủy hoàn toàn sau cú trời giáng mang tên “tuổi dậy thì”. Nhưng thật ra ngòi nổ đã được châm từ rất sớm, ngay từ thời điểm 36 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu nhận ra rằng cha mẹ không phải lúc nào cũng đọc được suy nghĩ của chúng. Trong cơn sướng vui (và khiếp sợ) này, trẻ phát hiện ra rằng chúng có thể cung cấp cho cha mẹ mình những thông tin sai lệch mà không bị phát hiện. Hay, như câu chuyện của Cosby cho thấy, ít nhất lũ trẻ cũng tưởng là thế. Thời điểm trẻ nhận thức được rằng không phải lúc nào bố mẹ cũng đọc được suy nghĩ của chúng chính là thời điểm phát triển nở rộ của một thứ mà chúng ta gọi là những kỹ năng Học thuyết Trí não.
Học thuyết Trí não phát triển theo thời gian
Học thuyết Trí não là gì? Ví dụ sau đây có thể giúp làm sáng tỏ hơn. Đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway có lần đã bị “thách” sáng tác một tiểu thuyết-sáu từ, và những gì ông viết ra là một minh họa tuyệt hảo cho Học thuyết Trí não. Đó là bởi khi đọc “cuốn tiểu thuyết” đó lên, nó sẽ kích thích trí não bạn. 
For sale: Baby shoes. Never used.
(Tạm dịch: Bán rẻ: Giày trẻ sơ sinh. Chưa qua sử dụng.)
Sáu từ này có làm bạn buồn bã? Có khiến bạn phải tự hỏi chuyện gì đã xảy đến với người viết mẩu quảng cáo này? Bạn có thể suy đoán trạng thái tinh thần của người đó?
Đa phần con người đều có thể làm được, và đó là do chúng ta đã vận dụng các kỹ năng Học thuyết Trí não. Nền tảng của những kỹ năng này là sự thấu hiểu rằng hành vi của người khác được thúc đẩy bởi một loạt những trạng thái tinh thần – niềm tin, chủ đích, ham muốn, nhận thức, cảm xúc. Học thuyết Trí não, được đưa ra lần đầu tiên bởi David Premack, nhà nghiên cứu động vật linh trưởng, gồm hai thành tố chính. Thứ nhất là khả năng nhận biết được trạng thái tâm lý của một ai đó. Thứ hai là nhận thức được rằng mặc dù trạng thái của người này có khác biệt so với bạn đi chăng nữa, thì với đối tượng mà bạn đang tương tác, điều đó vẫn hợp lý. Bạn phát triển một học thuyết xung quanh việc trí não người khác hoạt động ra sao, kể cả khi nó có khác với tâm lý của bạn.
Sáu từ đó có thể được viết ra bởi một cặp đôi nào đó, có em bé yểu mệnh, và bạn cảm thấy nỗi buồn của họ. Dù có thể bạn chưa bao giờ phải trải qua nỗi đau đớn của việc mất đi một đứa con; bạn thậm chí còn chưa từng sinh con. Tuy vậy, nhờ những kỹ năng Học thuyết Trí não cấp cao của mình, bạn có thể trải nghiệm hiện thực của họ và đồng cảm với nó. Cuốn tiểu thuyết ngắn nhất thế giới có thể gợi ra cả một vũ trụ cảm xúc nhờ biết khai thác học thuyết này. Hemingway đã coi đây là tác phẩm xuất sắc nhất của mình.
Dù cho Học thuyết Trí não là tem chứng nhận và đặc trưng cho hành vi của con người, cộng đồng nghiên cứu không cho rằng những kỹ năng này đã được phát triển đầy đủ ngay từ thời điểm lọt lòng. Đo đạc những kỹ năng này ở trẻ nhỏ đúng là việc bất khả thi. Dường như kỹ năng này phát triển dần từng nấc, và chịu sự chi phối của các kinh nghiệm xã hội. Bạn có thể thấy rõ quá trình phát triển ấy trong cách trẻ nói dối. Những lời nói dối kiểu “vải thưa che mắt thánh” đòi hỏi phải có Học thuyết Trí não – khả năng “dòm” vào trí não của ai đó và suy đoán xem phản ứng của họ sẽ thế nào nếu bạn nói với họ điều đó. Năng lực này phát triển theo thời gian.
Sau tuổi lên 3, trẻ bắt đầu nói dối có chủ đích, mặc dù giai đoạn này chúng làm việc đó chẳng lấy gì làm kín kẽ. Chúng tăng tốc đẩy nhanh thói quen hư hại này với tần suất chóng mặt. Đến tuổi lên 4, một đứa trẻ sẽ nói dối cứ hai tiếng một lần; lên 6 tuổi, nó sẽ làm thế cứ 1 tiếng rưỡi một lần. Khi một đứa trẻ có vốn từ vựng và kinh nghiệm xã hội phong phú hơn, những lời nói dối cũng trở nên tinh vi hơn, thường xuyên hơn và khó phát hiện hơn.
Thực tế này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng những quy ước đạo đức ở trẻ cũng thay đổi theo độ tuổi. Trẻ có thể được sinh ra với những bản năng đạo đức nhất định, nhưng thời gian sẽ điều chỉnh và nắn chúng thành dạng hình hoàn thiện.

SUY LUẬN ĐẠO ĐỨC PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO

Kohlberg, một nhà tâm lý học trường Harvard tin rằng suy luận đạo đức phụ thuộc vào mức độ trưởng thành về mặt nhận thức – nói cách khác, là đòi hỏi phải có thời gian. Nếu thực sự các quyết định đưa ra đều có căn cội cảm xúc mạnh mẽ như những gì chúng ta sẽ khám phá dưới đây, tôi cũng sẽ khẳng định rằng suy luận đạo đức cũng phụ thuộc cả vào mức độ trưởng thành về cảm xúc. Mặc dù Kohlberg vấp phải không ít chỉ trích, nhưng ý tưởng của ông vẫn duy trì sức ảnh hưởng, giống như những quan điểm của bậc tiền bối, nhà tâm lý học nhận thức Jean Piaget. Ý kiến của cả hai nhà khoa học này đều được áp dụng trong trường học, các cơ sở giam giữ thanh thiếu niên, thậm chí cả nhà tù. Kohlberg đã mở rộng học thuyết của J. Piaget và chia tiến trình phát triển đạo đức thành 3 mức độ:
1. Tránh bị trừng phạt. Suy luận đạo đức khởi đầu ở cấp độ tương đối thô sơ, chủ yếu để tránh bị trừng phạt. Kohlberg gọi giai đoạn này là suy luận đạo đức tiền đồng thuận.
2. Suy xét hệ quả. Khi trí não của một đứa trẻ phát triển, nó sẽ cân nhắc những hệ quả xã hội gây ra bởi hành vi của mình và bắt đầu điều chỉnh cách cư xử cho phù hợp. Kohlberg gọi giai đoạn này là suy luận đạo đức đồng thuận.
3. Hành động theo quy tắc. Cuối cùng, trẻ sẽ lựa chọn cách ứng xử trên cơ sở đã suy xét kỹ càng, trên những quy tắc đạo đức của bản thân chứ không phải làm chỉ để tránh bị trừng phạt hay chấp thuận ngang hàng nữa. Kohlberg gọi giai đoạn đáng thèm muốn này là “suy luận đạo đức hậu đồng thuận”. Ai đó có thể khẳng định rằng mục tiêu của bất cứ ông bố bà mẹ nào chính là giai đoạn này.
Trẻ không thể “đơn thương độc mã” đạt tới giai đoạn thứ ba này. Không chỉ cần thời gian và trải nghiệm, mà trẻ sẽ cần một ông bố/bà mẹ khôn ngoan sát cánh bên cạnh để có thể hành xử theo lối tương hợp với bộ nguyên tắc đạo đức bẩm sinh của mình. Lý do khiến việc này gian nan là bởi khi trẻ quan sát hành vi xấu, chúng đã học được nó. Kể cả hành vi xấu bị trừng phạt đi chăng nữa, nó vẫn cứ duy trì trạng thái “dễ dàng truy cập” trong não trẻ. Nhà tâm lý học Albert Bandura có thể chứng minh cho ta thấy, với sự trợ giúp của một chú hề.
Những bài học từ chú hề Bobo
Những năm 1960, Bandura cho các bé mẫu giáo xem một cuốn phim về lật đật Bobo, một trong những chú hề bằng nhựa dẻo có thể bơm phồng. Trong cuốn phim này, một người lớn tên gọi Susan đấm đá chú hề, rồi nện liên tục vào chú ta bằng một cây búa – liên tiếp các hình ảnh bạo lực. Xem xong, các bé được đưa vào một căn phòng khác đầy đồ chơi, trong đó có cả búp bê Bobo và một cây búa đồ chơi. Đám trẻ sẽ làm gì đây? Cũng còn tùy.
Nếu trẻ xem phiên bản bộ phim trong đó Susan được khen ngợi vì hành động bạo lực của cô ta, bọn trẻ sẽ đánh búp bê rất dữ dội. Còn nếu trẻ được xem phiên bản trong đó Susan bị trừng phạt, chúng sẽ đánh Bobo ít hơn. Nhưng nếu sau đó Bandura đi vào phòng và bảo: “Bác sẽ tặng các con một phần thưởng nếu con có thể nhắc lại việc mà Susan đã làm,” lũ trẻ sẽ nhặt ngay lấy cây búa và bắt đầu tấn công Bobo. Bất kể trẻ coi bạo lực là hành động được tưởng thưởng hay bị trừng phạt, chúng cũng đều đã học được hành vi đó.
Bandura gọi hiện tượng này là “học tập do quan sát”. Ông còn có thể chứng minh rằng trẻ nhỏ (và cả người lớn) đều học chủ yếu nhờ quan sát hành vi của người khác. Điều này nhiều khi cũng cho hiệu quả tích cực. Như trước đây Mexico đã cho phát sóng một bộ phim truyền hình, trong đó các nhân vật ca tụng sách vở, sau đó đề nghị khán giả đăng kí các lớp luyện đọc. Kết quả đã giúp gia tăng tỉ lệ biết đọc biết viết trên cả nước. Phát hiện của Bandura là một món vũ khí chỉ dẫn công chúng phi thường.
Học tập do quan sát đóng vai trò cực kỳ quyền năng trong sự phát triển đạo đức. Nó là một trong rất nhiều kỹ năng được thuê mướn trong dự án xây dựng đạo đức của não bộ. Ta cùng xem sao.
Hy sinh một mạng để cứu năm?
Hãy tưởng tượng xem bạn sẽ làm gì trong hai tình huống tưởng tượng sau:
1. Bạn đang lái chiếc xe goòng bị mất phanh và giờ lao băng băng trên đường ray. Đến một ngã ba, và bạn đột nhiên phải đối mặt với một tình huống ngặt nghèo. Nếu bạn không làm gì cả, chiếc xe chắc chắn sẽ quặt sang nhánh tay trái, giết chết năm công nhân xây dựng tu sửa bên mé đó. Nếu bạn ngoặt xe sang phải, bạn sẽ giết chết một người. Bạn sẽ chọn cách nào?
2. Bạn đang đứng phía trên hầm chui, đường ray xe goòng ở dưới chân bạn. Khi chiếc xe goòng tiến lại, bạn mới thấy nó bị mất phanh. Lần này không hề có chỗ ngoặt định mệnh nào trên đường ray cả, chỉ là năm công nhân xây dựng tội nghiệp sắp bị lấy mạng. Nhưng có một giải pháp. Một người đàn ông to cao đang đứng ngay phía trước bạn, và nếu bạn đẩy anh ta xuống hầm chui, anh ta sẽ rơi ngay trước xe goòng và sẽ chặn ngang đường ray. Mặc dù anh ta sẽ tử nạn, nhưng năm người kia sẽ được cứu sống. Bạn làm thế nào đây?
Mỗi tình huống đều trưng ra tỉ lệ như nhau, năm chết – một sống. Đa phần mọi người cảm thấy dễ trả lời hơn với tình huống thứ nhất. Nhu cầu của số đông trội hơn nhu cầu của số ít. Họ sẽ ngoặt chiếc xe goòng sang phải. Nhưng tình huống thứ hai lại liên quan đến một lựa chọn đạo đức khác hẳn: quyết định xem có hại chết một người hay không. Thông thường chúng ta sẽ chọn cách không hại chết người đàn ông nọ.
Nhưng nếu có tổn thương về não bộ, mọi chuyện không còn như thế. Có một khu vực phía trên mắt và sau trán gọi là vỏ não trước trán bụng giữa. Nếu như khu vực này của não bộ bị tổn thương, việc phán xét đạo đức cũng bị ảnh hưởng. Đối với những người này, việc “hại chết người” không ảnh hưởng gì đặc biệt đến lựa chọn của họ. Số đông vẫn phải được ưu tiên hơn một người, họ sẽ đẩy người đàn ông to cao nọ xuống cầu vượt – cứu lấy năm người và hy sinh tính mạng một người.
Điều này có nghĩa gì? Nếu đạo đức là một phần vốn bẩm trong hệ mạch thần kinh của não bộ chúng ta, hẳn tổn thương khu vực này sẽ làm thay đổi năng lực đưa ra những quyết định đạo đức. Với thử nghiệm xe goòng, một số nhà nghiên cứu nghĩ rằng nhận định này đã được chứng minh. Số khác lại không cho rằng thí nghiệm này nói lên được điều gì. Họ lập luận rằng không ai có thể chứng thực được những quyết định giả tưởng áp dụng với những trải nghiệm thực đúng bao nhiêu phần trăm. Có cách nào thoát khỏi cuộc tranh cãi này? Có thể có, mặc dù nó có dính dáng đến ý kiến của các nhà triết học đã về chầu tiên tổ từ cả 200 năm trước.
Cảm xúc và suy luận
Những cây đa cây đề trong ngành tâm lý học đại diện là David Hume cho rằng cảm xúc chi phối các quyết định đạo đức. Còn triết gia Immanuel Kant lại khẳng định rằng chính lý lẽ mới đưa đến (hoặc chí ít, có thể) đưa đến các quyết định đạo đức. Khoa học thần kinh hiện đại đang ngả về phe Hume.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng con người chúng ta có hai hệ mạch suy luận đạo đức riêng rẽ và các quyết định đạo đức được đưa ra sau khi đã có cuộc hội kiến và đôi co giữa hai hệ thống này. Hệ thống thứ nhất chịu trách nhiệm đưa ra những lựa chọn đạo đức duy lý – chính là những hệ mạch Kant trong não bộ chúng ta – quyết định rằng cứu năm mạng người hợp lý hơn một mạng. Đối trọng với hệ mạch Kant, hệ thống thứ hai mang tính riêng tư hơn, thậm chí giàu cảm xúc hơn, sắm vai trò là phe đối lập truyền kiếp. Những tế bào thần kinh này cho phép bạn hình dung ra viễn cảnh người đàn ông to cao kia lao xuống rồi tử nạn, tưởng tượng ra xem người xấu số và gia đình anh ta sẽ cảm thấy ra sao, rồi nhận ra rằng cái chết khủng khiếp của anh ta thuộc phần trách nhiệm của bạn. Quan điểm kiểu Hume này khiến cho não bộ của phần lớn người tham gia đều lập tức ngưng lại, sau đó đưa ra lệnh bác bỏ lựa chọn này. Phần vỏ não trước trán bụng giữa đóng vai trò chuyển tải cuộc đấu tranh nội tâm này. Khi phần não này bị thương tổn, Hume cũng đành “cắp nón ra đi”.
Mất cảm xúc, mất khả năng ra quyết định
Điều này có nghĩa gì đối với các bậc phụ huynh muốn nuôi dạy một đứa con tử tế? Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, cảm xúc chính là nền tảng cho hạnh phúc của con trẻ. Có vẻ như chúng cũng là nền tảng của việc ra quyết định đạo đức. Phát hiện mới mẻ này tình cờ đến từ quan sát của nhà khoa học thần kinh Antonio Damaiso trên một người đàn ông tên Elliot.
Elliot đúng là một mẫu người lý tưởng: vị quản lý tài ba của một doanh nghiệp lớn, người chồng tuyệt vời, huynh trưởng nhà thờ, người đàn ông của gia đình. Tuy vậy, mọi thứ đã thay đổi kể từ ca phẫu thuật não tách bỏ khối u gần bán cầu não trước. Ca phẫu thuật thành công. Anh phục hồi nhanh chóng với trí thông minh và các năng lực nhận thức không hề suy suyển. Nhưng anh có thêm ba nét tính cách khác lạ. 
Thứ nhất, anh không thể đưa ra quyết định. Elliot cân nhắc đi cân nhắc lại những chi tiết dù nhỏ nhặt nhất trong cuộc đời mình. Những quyết định chỉ mất vài giây đối với người bình thường sẽ lấy đi của anh hàng tiếng đồng hồ. Anh không thể quyết định nên xem kênh nào trên ti vi, chọn cây bút màu nào, mặc đồ gì hay đi đâu buổi sáng. Anh cứ phân tích mọi thứ không dứt. Giống như một người lượn vè vè quanh bàn đồ ăn buffet nhưng không thể chọn món gì cho vào đĩa của mình, cuộc sống của Elliot là một chuỗi lập lờ triền miên. Không có gì ngạc nhiên, thế giới của Elliot dần tàn lụi. Anh đánh mất việc làm và cuối cùng, là cả cuộc hôn nhân của mình. Anh gây dựng lại cơ đồ mới và phải chứng kiến chúng sụp đổ hết cả. Sở Thuế vụ tiến hành điều tra anh. Rốt cuộc, Elliot phá sản và phải chuyển về ở cùng bố mẹ.
Damasio bắt đầu làm việc với Elliot hồi năm 1982. Sau khi cho Elliot thực hiện một loạt bài kiểm tra hành vi, ông nhanh chóng nhận ra nét tính cách khác lạ thứ hai ở Elliot: Anh không thể cảm nhận thứ gì trên phương diện cảm xúc. Thực ra là, dường như Elliot không hề có chút cảm xúc nào. Bạn có thể trưng ra trước mặt anh một bức tranh đẫm máu, một tấm ảnh khêu gợi hay một đứa trẻ sơ sinh. Không có bất cứ một phản ứng hồi đáp rõ ràng nào từ trái tim hay bộ não của Elliot có thể đo đạc được. Chỉ là một đường phẳng lì. Cứ như thể Damasio đã mắc nối những mạch điện sinh lý học vào một con hình nộm vô tri vậy.
Điều này đã giúp Damasio phát hiện nét tính cách thứ ba của Elliot. Elliot khó lòng đưa ra các phán xét đạo đức. Mức độ quan tâm đến mọi việc của anh không thể nào thấp hơn, đến nỗi những hành vi trù trừ không dứt của Elliot đã dẫn tới cả một vụ ly hôn, đận phá sản hay mất vị thế xã hội. Các bài kiểm tra trừu tượng cho thấy Elliot có khả năng phân biệt đúng-sai, thế nhưng anh hành xử và cảm nhận cứ như thể không hề biết điều đó. Thậm chí anh còn có thể nhớ được rằng anh đã từng trải nghiệm những cảm giác ấy, nhưng giờ đây chúng đã chìm vào lớp sương mù đạo đức xa xăm lắm. Như những gì Patrick Grim quan sát thì, những gì Elliot đã làm rõ ràng tách rời hẳn với những gì Elliot biết được. 
Đây là một phát hiện phi thường. Vì Elliot không còn có thể tích hợp những phản ứng tình cảm vào các phán xét thực tiễn của anh, anh hoàn toàn đánh mất khả năng quyết đoán. Toàn bộ cơ cấu ra-quyết-định của anh đã tàn lụi, trong đó bao gồm cả phán xét đạo đức.
Các nghiên cứu khác cũng khẳng định rằng tình trạng mất cảm xúc cũng dẫn tới mất khả năng ra quyết định. Giờ đây chúng ta biết được rằng những trẻ bị thương tổn ở các vùng vỏ não bụng giữa và trước trán khi chưa đầy 2 tuổi sẽ có những triệu chứng cực kỳ giống với Elliot.

NÃO BỘ BẮC NHỊP CẦU GIỮA THỰC TẾ VÀ CẢM XÚC RA SAO

Nếu bạn chứng kiến cảnh não bộ con người khi nó đang tất bật vật lộn với các lựa chọn đạo đức, bạn sẽ ngạc nhiên vì số lượng các khu vực não bộ ràn rạt được kích hoạt cứ như trong một tập của chương trình truyền hình Iron Chef vậy. Nào thùy não trước cạnh bên; nào vỏ não trước trán lưng bên, quy định việc thuận tay phải; vân bụng; hồi hải mã bụng giữa; rồi hạch hạnh nhân – tất cả đều góp mặt. Cảm xúc và logic, như chúng ta đã thảo luận ở chương trước đều hòa trộn trong não bộ, thỏa thuê thoải mái và hỗn độn lộn xộn.
Làm thế nào mà chúng ta tách được Kant (logic) và Hume (cảm xúc) ra khỏi tất cả những cấu trúc này? Chúng ta mới chỉ ở những giai đoạn đầu tiên trong tiến trình thấu hiểu xem chúng thực hiện chức năng ra quyết định như thế nào. Chúng ta biết rằng có sự phân công lao động rõ ràng: các khu vực ở bề mặt tất bật với việc đánh giá thực tế. Các khu vực ở sâu hơn thì chuyên trách việc xử lý các cảm xúc. Hai khu vực này được kết nối bởi phần vỏ trước trán bụng giữa. Nói một cách đơn giản, bạn có thể coi vỏ trước trán bụng giữa như cây cầu Cổng Vàng, nối San Francisco (cảm xúc) với khu láng giềng phía bắc của nó – Hạt Marin (thực tế). Một số nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động lưu chuyển ở đây nói chung diễn ra như thế này:
1. Một phản ứng cảm xúc xảy ra. Khi trí não của trẻ đối mặt với một tình thế lưỡng nan đạo đức, San Francisco được cảnh báo trước tiên. Một hệ mạch gần như vô thức, ở sâu bên trong bé sẽ sản sinh ra một phản ứng cảm xúc – gửi đi một mẩu giấy ghi chú.
2. Tín hiệu này truyền theo cây cầu. Thông điệp được cuốn đi rất nhanh dọc theo VMPFC, tế bào “cầu Cổng Vàng” kết nối các vùng trung tâm thấp và cao của não bộ.
3. Các trung tâm thông tin phân tích thông điệp và quyết định xem sẽ làm gì. Tín hiệu đi đến khu vực thần kinh tự trị (Hạt Marin). Não bộ đọc miếng giấy ghi chú và đưa ra quyết định sẽ làm gì. Nó phân định cái gì đúng và cái gì sai, cái nào là cốt yếu và cái nào là thứ yếu, việc nào cần ưu tiên, rồi cuối cùng đưa ra vài cách cư xử trong trường hợp đó. Quyết định xong.
Tất cả chỉ diễn ra trong vài mili-giây, muốn vậy khu vực sản sinh cảm xúc của não bộ phải phối hợp chặt chẽ với khu vực duy lý. Và sẽ là bất khả thi nếu phải xác định rạch ròi xem quá trình này bắt đầu ở đâu và kết thúc nơi nào. Mối gắn kết ở đây quá khăng khít, đến nỗi chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng nếu không có cảm xúc, bạn sẽ không thể lý trí được. Như Jonah Lehrer đã nhận xét trang trọng trong cuốn sách How We Decide (Tạm dịch: Chúng ta ra quyết định như thế nào?) là: “Một bộ não không cảm xúc không thể đưa ra quyết định được.”
Cơ chế sinh học này cho chúng ta biết rằng dạy trẻ điều tiết cảm xúc chính là yếu tố quan trọng giúp nuôi dạy một đứa trẻ đạo đức. Cả chức năng điều hành cũng vậy. Sự tích hợp lành mạnh giữa hai quá trình này sẽ tiến một bước dài trong việc kết nối một đứa trẻ với Thánh mẫu Teresa bên trong con người của bé.

NUÔI DẠY MỘT ĐỨA TRẺ CÓ PHẨM CÁCH: NGUYÊN TẮC VÀ KỶ LUẬT

Vậy thì, câu hỏi đặt ra bây giờ sẽ phải là: Nếu trẻ đã sinh ra với một số vật liệu xây dựng đạo đức có sẵn, chúng ta sẽ giúp đỡ ra sao để trẻ xây nên những ngôi nhà đạo đức đáng náu mình trú ngụ? Làm thế nào chúng ta đưa trẻ tới được với giai đoạn tiếp thu đạo đức đáng mơ ước này?
Nói tới nguyên tắc và kỷ luật, các gia đình nuôi dạy nên những đứa con biết phải trái tuân thủ những hình mẫu rất dễ đoán định. Những hình mẫu này không phải là một chính sách bảo hiểm ứng xử, mà nó gần như những gì các nhà nghiên cứu sẽ giới thiệu cho chúng ta thấy ngay bây giờ. Rất nhiều thành tố móc nối với nhau tạo nên các hình mẫu này; lấy ví dụ đơn giản như chiếc ghế ba chân gần tủ lạnh trong căn bếp của vợ tôi. Hãy coi phần mặt phẳng để ngồi của chiếc ghế ấy đại diện cho sự phát triển của sự lưu tâm đạo đức, hay – lương tâm. Mỗi chân đế đại diện cho một yếu tố mà các nhà nghiên cứu biết là có hỗ trợ nó. Cần cả ba chân đế để chiếc ghế có thể thực hiện được chức năng của nó. Bộ ba cân bằng hoàn hảo này cung cấp cho trẻ một chỗ ngồi vững chắc – những phản xạ đạo đức được hòa hợp tinh tế. Ba chân đế đó là:
• Thưởng phạt phân minh và kiên định
• Trừng phạt mau lẹ
• Giải thích luật lệ
Tôi sẽ mượn các khung hình từ một chương trình ti vi để minh họa mỗi chân ghế đó.
1. Thưởng phạt phân minh và kiên định
Trong bữa ăn, một cậu nhóc vừa đấm em vừa gằn giọng: “Đưa anh kem đây, đưa ngay!” Bà mẹ và ông bố trông khiếp hãi. Một cô gái lạ với âm giọng Anh ngồi ở bàn bình tĩnh ghi chép gì đó như là kiểm tra sản phẩm vậy. “Anh chị sẽ làm thế nào đây?” cô nhẹ nhàng hỏi cặp vợ chồng kia. Cậu nhóc lại đấm em nó lần nữa. “Mẹ sẽ cất món tráng miệng của con đi nếu con còn làm thế,” bà mẹ nghiêm nghị nói. Nó làm như không nghe và lại tiếp tục đánh em. Bà mẹ nhìn xuống đĩa của mình. Ông bố nhìn đi chỗ khác, vẻ giận dữ. Cơ hồ ông bố bà mẹ kia không biết phải trả lời câu hỏi của người phụ nữ nói giọng Anh gốc kia ra sao. 
Chào mừng bạn đến với thế giới của chương trình “bảo mẫu truyền hình” xâm nhập thực tế gia đình. Có thể bạn đã xem những kênh truyền hình thực tế này rồi, tất cả đều tuân theo một công thức quen thuộc: Các gia đình hoàn toàn mất kiểm soát cho phép một đội quay phim xâm nhập đời tư gia đình mình, toàn bộ quá trình có sự đồng hành của một bảo mẫu chuyên nghiệp. Trăm lần như một, với âm giọng đầy quyết đoán của vùng Quần đảo Anh, cô tả xung hữu đột dẹp yên căn nhà. Người bảo mẫu này có hai tuần để trình diễn phép lạ, hô biến những bậc cha mẹ phiền hà thành những người thi hành kỷ luật đầy yêu thương và những đứa con quỷ sứ thành thiên thần giáng thế. Một vài cảnh tiêu biểu:
Aiden mới chập chững tập đi và không tài nào ép nó đi ngủ đúng giờ cho nổi. Cứ đến giờ là nó thét gào muốn long phổi. Aiden biết tỏng bố mẹ nó có bảo: “Tắt đèn – nghiêm túc đấy,” thì họ thực ra chẳng nghiêm túc tẹo nào. Nếu có một giờ giới nghiêm thật, thì nó cũng chưa từng được tuyên bố hay phải cưỡng chế thi hành gì cho cam, và chính điều này khiến cô bảo mẫu cau mày. Phải mất hàng tiếng đồng hồ mới ép Aiden đi ngủ được.
Cậu nhóc Mike đang lên cầu thang thì bỗng nhiên vấp ngã, làm sách vở rơi tung tóe. Anh chàng bé nhỏ vội thụp xuống và rúm mình lại, chờ tiếng quát mắng từ ông bố thất thường của mình. Y như rằng, ông bố nổi cơn lôi đình, rầm rầm như bão tố. Cô bảo mẫu vội vàng can thiệp: Cô bước về phía cậu bé, giúp em nhặt sách và cất lời dịu dàng: “Trông con sợ hãi quá, Mike ạ. Ba làm con sợ phải không?” Mike bé bỏng gật đầu, rồi phóng vụt lên cầu thang. Tối muộn hôm đó, như một con chó bun nòi Anh, cô bảo mẫu lên lớp cho ông bố một bài về nhu cầu cảm thấy an toàn của trẻ.
Amanda tự giác đi ngủ đúng giờ, một việc mà trước kia cô bé chưa từng làm. Tuy thế, nỗ lực này của em không có ai hay biết, vì bố mẹ em còn đang mải đuổi bắt với hai cậu em sinh đôi của Amanda, gắng ép hai đứa đi đánh răng. Xong xuôi đâu đấy, nhị vị phụ huynh kia lại ườn ra trước tivi ngay. Bảo mẫu ôm lấy cô bé Amanda bị bỏ quên vào lòng và bảo: “Con giỏi lắm. Con tự làm việc này mà chẳng rối rít tít mù tí nào! Quá cừ!”
Cách giải quyết của các bảo mẫu truyền hình đôi khi gây khó chịu, đôi khi chuẩn xác miễn chê. Nhưng họ luôn dựa trên cơ sở khoa học hành vi trong chân kiềng kỷ luật đầu tiên của chúng ta: tưởng thưởng một cách đều đặn. Hãy quan sát những gì họ hành động, chú ý tới bốn loại tính cách.
Nguyên tắc của bạn phải hợp lý và rõ ràng
Trong ví dụ của Aiden, cậu bé đó hoặc không hề có giờ đi ngủ quy định, hoặc nó đã tảng lờ quy định đáng lẽ phải thực hiện đó. Chỉ dẫn duy nhất của nó chính là hành vi của bố mẹ, một thứ cũng chẳng lấy gì làm rõ ràng. Rốt cuộc Aiden không hề có ý niệm nào về phép tắc, và, đến cuối ngày bận bịu mệt mỏi, thì chẳng còn giới hạn gì nữa. Chẳng trách thằng bé thét lên.
Giải pháp của bảo mẫu ra sao? Hôm sau, cô mang tới một thời gian biểu rõ ràng và chi tiết tính toán hợp lý với đầy đủ quy tắc và kỳ vọng ghi sẵn trên đó – kể cả giờ đi ngủ – sau đó dán ở chỗ dễ nhìn. Thời gian biểu này đã thiết lập uy quyền trong gia đình, chỉ với 3 nguyên tắc a) thực tế b) được tuyên bố rõ ràng và c) ai cũng thấy.
Mềm mỏng và sẵn sàng tiếp nhận khi thi hành luật lệ
Mike, cậu bé muốn tìm chỗ náu mình vì mấy quyển sách bị rơi, rõ ràng đã quen bị la mắng trước đây. Sợ sệt và muốn trốn chạy chính là dấu hiệu rõ rệt cho thấy đứa trẻ không cảm thấy an toàn vào thời điểm đó hay không cảm thấy an toàn nói chung. (Hay bị mắng mỏ, vì những chuyện cỏn con như chẳng may làm rơi sách thì luôn luôn gắn với khả năng thứ hai.) Đây chính là hồi chuông báo động với cô bảo mẫu. Cô cố gắng truyền đạt thông điệp an toàn tới cho cậu bé – hãy chú ý đến thái độ cảm thông ngay lập tức của cô – và sau đó, cô trách mắng ông bố của Mike, nói cho ông ta biết rằng ông ta phải lựa chọn một lối phản ứng chừng mực, bình tĩnh hơn nếu muốn cư xử của Mike chuyển biến. Ông bố đã chịu lắng nghe.
Giờ thì bạn đã biết mối quan tâm chính yếu của não bộ chính là sự an toàn. Khi cảm thấy không an toàn, não bộ sẽ vứt bỏ bất cứ ý niệm hành vi nào, chuyển ưu tiên sang một thứ duy nhất: thoát thân khỏi mối đe dọa. Nếu cha mẹ tỏ ra mềm mỏng và bao dung, những hạt mầm đạo đức có nhiều khả năng trổ sâu bám rễ hơn.
Vậy là, bạn đã có những luật lệ rõ-như-ban-ngày rồi, giờ chỉ còn tùy xem bạn áp dụng luật lệ đó như thế nào. Hai bước tiếp theo sẽ liên quan đến những gì bạn phải làm khi luật lệ đã được tuân hành.
Khen ngợi bất cứ khi nào trẻ tuân thủ luật lệ
Giả dụ bạn muốn đứa con 3 tuổi lười vận động ra ngoài chơi thường xuyên hơn. Vấn đề là, đến bước ra ngoài, cậu chàng cũng chẳng muốn. Bạn sẽ làm thế nào đây?
Lâu nay các nhà khoa học (và những ông bố bà mẹ mẫu mực) đã khám phá ra rằng bạn có thể khuyến khích con năng thực hiện một việc nào đó nếu chịu khó động viên con. Trừng phạt hẳn nhiên là có ích nhưng khen ngợi còn hiệu quả hơn nhiều. Các nhà nghiên cứu hành vi gọi đây là củng cố dương tính . Vận dụng linh hoạt thậm chí sẽ giúp bạn khuyến khích những hành vi vẫn còn chưa xảy ra.
Thay vì chờ đứa con 3 tuổi trèo lên xích đu, bạn có thể động viên con mỗi lần con ra cửa. Dần dần, trẻ sẽ dành nhiều thời gian quanh quẩn ở cửa hơn. Rồi bạn lại động viên con nhiều hơn khi bé ra mở cửa. Tiếp đến, là khi bé đi ra ngoài. Rồi khi bé đã lân la gần dàn xích đu. Cuối cùng, bé sẽ trèo lên xích đu và bố mẹ con cái có thể chơi đùa với nhau.
Quá trình “định hướng” này đòi hỏi phải thật kiên nhẫn, nhưng không tốn thời gian cho lắm. Nhà nghiên cứu hành vi trứ danh B.F. Skinner đã huấn luyện được một con gà lật giở những trang sách cứ như là nó đang đọc thật vậy, chỉ trong vòng 20 phút nhờ sử dụng giao thức định hướng. Mà con người chúng ta còn dễ định hướng hơn nhiều so với giống gà.
Khen ngợi khi trẻ không mắc hành vi xấu
Bạn vẫn còn nhớ Amanda, cô bé tự giác đi ngủ đúng giờ trong khi bố mẹ mải xem tivi chứ? Bố mẹ em không hề khen ngợi việc em không gây ra một hành vi om xòm rối rít nào đó, nhưng cô bảo mẫu thì có. Khen ngợi khi con không làm hành vi xấu cũng có tác dụng hệt như khen ngợi khi con cư xử đúng vậy.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đo đạc tác động của bốn chiến lược nuôi dạy này lên hành vi đạo đức. Nếu các bậc cha mẹ mềm mỏng và bao dung, thiết lập những tiêu chuẩn rõ ràng và hợp lý cho con cái mình, và khen ngợi mỗi lúc trẻ cư xử phải lẽ, thì ngay từ độ tuổi lên 4 lên 5, trẻ đã có thể tiếp thu được những quy ước đạo đức. Đây là đúc rút đáng chú ý xứng đáng huy chương vàng của Baumrind. Dĩ nhiên, đó không phải tất cả những gì bạn cần có trong bộ công cụ đạo đức của mình, nhưng từ các kết quả điều tra đã cho thấy, nếu thiếu chúng, bạn chẳng đời nào có được một đứa con ngoan.
Nhìn lại chính mình
Bạn có làm những việc này thật không, hay bạn chỉ nghĩ là mình có làm? Một trong những trở ngại trong việc hướng các ông bố bà mẹ thay đổi hành vi chính là làm họ hiểu xem con cái nghĩ về họ ra sao. Cô bảo mẫu giúp các bậc phụ huynh thấy được những gì cô chứng kiến bằng cách ghi hình các gia đình, tập trung vào thái độ của từng người. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng cùng một biện pháp này. Như Marian Bakermans-Kranenburg tại Đại học Leiden đã tiến hành quay lấy tư liệu từ 120 gia đình có trẻ từ 1 đến 3 tuổi cho thử nghiệm những hình mẫu trẻ em khó dạy nhất trên đời: những đứa trẻ mắc chứng kháng cự, có thái độ vừa hung hăng, vừa bất hợp tác, hay gầm gừ cáu kỉnh và thích la hét. Cô và nhóm công tác đã biên tập các băng hình, lọc ra những khoảnh khắc dạy con của từng gia đình, từ đó đưa ra bài học cho các vị phụ huynh. Ví dụ như cách phát hiện những tín hiệu mà trước đây họ đã bỏ qua hoặc diễn giải sai. Họ được cho xem các hành vi phản tác dụng, những hành vi gây phản ứng xấu ở trẻ. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: sau đấy, những hành vi ngạo ngược của nhóm trẻ cá biệt này đã giảm tới hơn 16%! Đa phần các bà mẹ trong nhóm đã có thể thường xuyên đoán biết được hành vi của con mình. Trong một cuộc phỏng vấn, Bakermans-Kranenburg nói rằng các ông bố bà mẹ đã tìm thấy “một khoảng thời gian thanh bình mà họ đã từng coi là bất khả thi.” Một điều thật quá sức quyền năng!
2. Trừng phạt mau lẹ
Mặc dù không muốn, nhưng đôi khi tôi vẫn cứ nghĩ về Ted Bundy . Kẻ sát nhân hàng loạt này đã thực hiện rất nhiều tội ác của hắn tại Đại học Washington khoảng thời gian tôi đang là sinh viên ở đây. Một cảm giác hoang mang của người làm cha mẹ lại ùa đến mỗi khi tôi nhớ lại thời gian ấy: Làm thế nào tôi giữ cho con mình khỏi phải chạm trán với những tay Ted Bundy của thế giới này? Làm thế nào tôi đảm bảo được rằng con mình lớn lên sẽ không thành một gã Ted Bundy khác?
Phương cách giết người ưa thích của Ted Bundy là táng xà beng vào đầu, và hắn thường hãm hiếp nạn nhân sau khi họ đã chết. Hắn có lẽ đã cướp đi mạng sống của cả trăm phụ nữ. Đa số chúng ta đều không tài nào tưởng tượng nổi nỗi kinh khiếp và sự đồi bại như thế. Trường hợp của của Bundy còn tồi tệ hơn thế, bởi dường như hắn hoàn toàn bình thường như bao người. Thông minh, điển trai và hóm hỉnh, Bundy tiến vù vù trên bước đường sự nghiệp, có lúc hắn còn được kỳ vọng sẽ tham gia vào chính trường. Hắn lèo lái một đời sống xã hội “bình thường” với sự trợ giúp đắc lực của bằng cấp. Còn có cả một bức ảnh đầy cảm động chụp cảnh hắn cùng cô bạn gái đang mở một chia rượu, một chàng trẻ tuổi mỉm cười, vẻ ân cần, rõ ràng đang say đắm yêu đương. Thế nhưng vào thời điểm bức ảnh được chụp, hắn đã giết chết 24 phụ nữ.
Suốt nhiều năm ròng, các nhà nghiên cứu đã gắng sức lý giải hành vi của những người như Bundy. Họ không đưa ra được câu trả lời nào khả dĩ. Một vài nguyên do được viện ra: gia đình tan vỡ, cha mẹ bạo lực, bị lạm dụng. Nhưng có không ít những người khác cũng rơi vào tình cảnh ấy, và đa phần họ đâu có trở thành những kẻ sát nhân hàng loạt. Thậm chí, phần lớn những đối tượng – được gọi là thần kinh không ổn định, không có khả năng kết nối tình cảm với hành động còn không hề hành xử bạo lực. Còn Bundy rõ ràng vẫn có cảm xúc. Hắn không chỉ có khả năng giả tạo các hành vi tích cực về mặt xã hội, mà còn dành rất rất nhiều tình cảm cho bản thân mình nữa. Thể hiện thái độ tự kỷ ái thị đến phút chót, hắn buộc phải bị lôi lên ghế điện ở Florida vào buổi sáng ngày hành quyết, gập người trong cơn hoảng loạn, khóc lóc không cầm nổi với những giọt nước mắt có lẽ hắn đã phải nén đi suốt nhiều năm ròng. Đến tận ngày nay, vẫn chưa hề có một lời giải thích hợp tình hợp lý nào cho sự băng hoại đạo đức hoàn toàn của Bundy.
Ted Bundy biết rõ luật lệ, nhưng không hề tuân thủ. Làm thế nào chúng ta biết rằng con cái mình sẽ không thế? Làm thế nào chúng ta chỉnh đốn được hành vi hư hỗn của trẻ – và khiến cho trẻ tiếp thu thay đổi ấy? Chính là kỷ luật.
Cộng thêm bằng cách trừ bớt: Củng cố âm tính 
Các nhà nghiên cứu phân biệt giữa hai chiến lược kỷ luật khác nhau: củng cố âm và trừng phạt. Cả hai cách này đều nhằm xử trí các tình huống chống đối, nhưng củng cố âm thiên về tăng cường hành vi, trong khi trừng phạt lại có xu hướng làm suy yếu nó đi.
Khi còn bé, chắc bạn đã từng phát hiện ra rằng khi ngón tay bị bỏng, nước lạnh sẽ giúp giải thoát ngay lập tức khỏi cảm giác đau, xua đi trải nghiệm khó chịu đó. Khi một phản ứng nào đó phát huy hiệu quả, nó có xu hướng được nhắc lại. Lần tiếp theo bạn bị bỏng – một kích thích chống đối – khả năng bạn chạy ngay đến chậu nước gần nhất tăng lên vài lần. Đây chính là củng cố âm, vì phản ứng của bạn đã được củng cố bằng cách loại bỏ (hay né tránh) một kích thích chống đối nào đó. Củng cố âm khác với củng cố dương, là khi một hành động nào đó dẫn tới một trải nghiệm tuyệt vời, bạn muốn lặp lại hành động đó. Áp dụng củng cố âm có thể là rất quyền năng, nhưng cũng đòi hỏi khéo léo hơn.
Tôi có biết một em bé mẫu giáo luôn khao khát sự chú ý của mẹ. Em khởi đầu tuổi-lên-hai-khủng-khiếp của mình bằng việc ném đồ chơi xuống cầu thang một cách đều đặn, đánh động cả gia đình. Có vẻ như cô nàng bé nhỏ rất thích thú với trò nghịch bậy này và chẳng mấy chốc, em đã ném đủ thứ xuống cầu thang. Những cuốn sách của bà mẹ là mục tiêu ưa thích, mà, ở một chốn như Seattle này, thì rõ là giọt nước làm tràn ly. Bà mẹ gắng sức trò chuyện với cô bé, khuyên bảo, không được thì bắt đầu quát mắng. Cuối cùng, còn viện tới hẳn pháo binh hạng nặng – món đét vào mông – nhưng tình hình cũng chẳng hề biến chuyển.
Vì đâu những chiến lược của bà mẹ đều thất thủ? Vì những hình thức trừng phạt của cô thực ra lại mang lại cho con gái mình những gì con bé khao khát nhất: Sự chú ý trọn vẹn của mẹ. Tình thế quá khó khăn, phương cách tốt nhất của bà mẹ để phá vỡ vòng luẩn quẩn này là tảng lờ đứa con gái mỗi khi nó bày trò hư hỏng (sau việc đầu tiên là giấu biến đi vài cuốn sách), phá vỡ mối liên minh giữa thang gác với sự chú ý. Thay vào đó, bà mẹ nên củng cố lối cư xử đáng mong đợi của cô bé bằng cách dành trọn sự chú ý mỗi khi em hành động phù hợp với các quy tắc gia đình. Bà mẹ thử cách này, kiên trì dành những lời khen và chú ý khi cô bé con chịu lật sách thay vì ném nó đi. Trò quăng ném chấm dứt chỉ vài ngày sau.
Cũng có những tình huống đòi hỏi phải can thiệp trực tiếp hơn, như đặt ra các hình phạt thích hợp. Đây cũng là một phần trong phương pháp củng cố âm. Giới nghiên cứu ghi nhận hai loại trừng phạt.
Để trẻ mắc lỗi: Trừng phạt thông qua áp dụng
Cách thứ nhất có lúc được gọi tên là trừng phạt thông qua áp dụng. Cách này có đặc tính phản thân. Bạn chạm tay vào bếp lửa, tay bạn bị bỏng, ngay lập tức, bạn biết được rằng không nên chạm vào bếp lò. Đặc tính tự động này hết sức quyền năng. Giới nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ tiếp thu hành vi hiệu quả nhất khi được phép mắc sai lầm và tự trải nghiệm hậu quả. Chúng ta có thể cùng xem ví dụ dưới đây:
Hôm trước thằng nhóc nhà tôi nổi cơn nổi cớ trong cửa hàng điện thoại rồi tháo giày cởi tất hết cả. Thay vì bắt nó đi vào, tôi để yên, cho nó đi chân trần một đoạn ra ngoài trời trên tuyết lạnh. Không đầy 2 giây thằng bé đã phải cất lời: “Mẹ ơi, con muốn đi giày.”
Đây chính là chiến lược trừng phạt hiệu quả nhất từng được biết tới.
Lấy đồ chơi đi: Trừng phạt thông qua loại bỏ
Trong hình phạt thứ hai, cha mẹ lấy đi một thứ nào đó. Hoàn toàn thích đáng, cách này được gọi là trừng phạt thông qua loại bỏ. Lấy ví dụ, con trai bạn đánh em gái, và bạn phạt không cho cậu chàng đi dự tiệc sinh nhật bạn. Hoặc bạn cấm túc cậu chàng một phen. (Hình phạt bắt ngồi tù đối với tội phạm chính là phiên bản người lớn của kiểu này). Cách trừng phạt này đã phát huy tác dụng như sau:
Cậu con trai 22 tháng tuổi của tôi lại giở chứng giở thói không chịu ăn tối vì nó không thích những món dọn ra. Tôi nhốt thằng nhóc lại một lúc và để nó ngồi đấy cho đến khi hết gào thì thôi (khoảng 2 phút). Khi đưa con quay lại bàn, lần đầu tiên trong đời, CẬU CHÀNG ĐÃ ĂN HẾT SẠCH! Cả khoai tây nghiền lẫn phần nhân thịt trong bánh!! Mẹ – 1, con trai – 0! QUÁ ĐÃ!!
Áp dụng hai kiểu hình phạt trên một cách phù hợp dần dà sẽ giúp trẻ thay đổi lối cư xử. Nhưng có một số lưu ý cần tuân thủ để làm cách này phát huy hiệu quả. Bởi thực ra, việc trừng phạt tồn tại vài hạn chế:
• Nó chỉ triệt tiêu hành vi của trẻ chứ không làm trẻ nhận thức được đó là lối ứng xử tệ hại.
• Tự thân nó mang lại rất ít chỉ dẫn. Nếu trừng phạt không được giải thích, trẻ sẽ không biết được phải làm gì mới đúng.
• Trừng phạt gây ra những cảm xúc tiêu cực – thường là sợ hãi và tức giận – và tệ hơn có thể làm nảy sinh cảm giác oán giận có thể phá hoại cả mối quan hệ giữa bạn và con cái. Đây rồi mới là vấn đề chứ không phải hành vi hỗn hào kia của con. Nếu không khéo, rất dễ có nguy cơ phản tác dụng thậm chí còn tổn hại đến mối quan hệ cha mẹ – con cái, nếu phạt nhầm.
Vậy làm thế nào để không phải trừng phạt trẻ? Hãy thử xem bộ phim Gà trống nuôi con  năm 1979. Nội dung phim nói về một cặp vợ chồng sau ly dị và tác động của trải nghiệm này lên cậu con trai nhỏ của hai người. Tài tử Dustin Hoffman thủ vai một ông bố nghiện công việc, bàng quan mọi sự với bản năng dạy dỗ con cái có mức độ tinh tế chỉ ngang… đồ ăn cho chó.
Phim mở ra với cảnh cậu bé con không chịu ăn tối, chỉ nằng nặc đòi kem rắc vụn sô-cô-la. “Con đừng hòng ăn kem nếu không ăn hết bữa tối,” ông bố cảnh cáo. Thằng bé lờ tịt lời bố, lấy ghế, và với lên tủ lạnh. “Tốt nhất là đừng bày trò đó!” ông bố nhắc nhở. Thằng bé vẫn mở tủ lạnh. “Tốt hơn hết là con dừng ngay, anh bạn. Bố cảnh cáo đấy.” Thằng bé thản nhiên bưng kem ra bàn, như thể ông bố là người vô hình. “Ê này! Con nghe bố nói không đấy? Bố cảnh cáo con, con ăn một miếng mà xem, rắc rối to cho mà xem!” Đứa con vọc thìa vào tảng kem, nhìn ông bố chăm chú. “Dám à! Con thử bỏ kem vào miệng xem, bố sẽ cho con biết thế nào là lễ độ ngay.” Thằng bé há to miệng ra. “Xem con có dám làm không.” Thằng bé làm thật, và ông bố nhấc bổng nó ra khỏi ghế, quăng vào phòng ngủ. “Con ghét bố!” Thằng bé gào lên. Ông bố thét lại: “Bố cũng ghét con, đồ quỷ sứ!” Ông bố đóng sập cửa lại.
Rõ ràng là, những cái đầu lạnh nhất không hề chiếm ưu thế. Bốn chỉ dẫn sau đây cho thấy cách thức trừng phạt hiệu quả thực sự.
Phải đúng là trừng phạt
Trừng phạt phải cứng rắn. Điều này KHÔNG có nghĩa là ngược đãi trẻ. Nhưng cũng không phải giảm nhẹ. Kích thích phản kháng phải mang tính phản kháng thì mới có hiệu quả được.
Phải kiên định không đổi
Hành động trừng phạt phải được thực thi kiên định – mỗi khi luật lệ bị vi phạm. Đó là một trong những nguyên do giải thích tại sao chiếc lò nóng rẫy lại có thể biến đổi hành vi nhanh chóng đến vậy. Mỗi khi bạn chạm tay vào nó, bạn đều bị bỏng. Điều tương tự cũng đúng với trừng phạt. Bạn càng cho phép nhiều ngoại lệ bao nhiêu, thì càng khó dập tắt hành vi sai trái bấy nhiêu. Đây chính là cơ sở của Quy luật Trí não tiếp theo: Có là có mà không là không. Không chỉ kiên định từ ngày này qua ngày khác, mà bất cứ ai, từ bố, mẹ, bảo mẫu, dì, dượng đến ông bà, họ hàng làng xóm đều phải kiên định một lập trường về quy tắc hành xử trong gia đình bao gồm cả những hậu quả khi vi phạm.
Cơ bản, chẳng ai muốn bị phạt – ai cũng tìm cách thoát tội – và bọn trẻ thì giỏi giang đến không thể tin nổi trong khoản phát hiện ra sơ hở của bạn. Vậy nếu bạn muốn trẻ có hẳn một “xương sống” đạo đức, đừng cho trẻ cơ may lợi dụng người này chơi lại người kia. Nếu không, tất cả những gì trẻ hình thành sẽ chỉ là lớp sụn mà thôi.
Phải mau lẹ dứt khoát
Nếu bạn đang thử dạy con bồ câu mổ vào thanh ngang nhưng trì hoãn việc củng cố hành động sau 10 giây, thì dù bạn có dạy cả ngày, con bồ câu vẫn sẽ không học nổi. Nhưng nếu co ngắn khoảng thời gian ấy xuống 1 giây, thì con chim nhỏ sẽ học được cách mổ vào thanh ngang chỉ trong vòng 15 phút. Chúng ta không có bộ não giống loài chim, nhưng bất kể bị trừng phạt hay được khen thưởng, chúng ta cũng có những phản ứng tương tự. Hành động trừng phạt càng gần với thời điểm vi phạm luật lệ, việc học được điều hay-dở sẽ càng nhanh chóng hơn. Các nhà nghiên cứu thực tế còn đo đạc được việc này trong bối cảnh đời thật.
Phải an toàn về tình cảm
Hành động trừng phạt phải được thi hành trong không khí ấm cúng thể hiện sự an toàn về mặt tình cảm. Khi trẻ cảm thấy yên tâm, ngay cả trước việc chỉnh đốn lỗi lầm nghiêm khắc của cha mẹ, trừng phạt mới phát huy được hiệu quả. Nhu cầu có nguồn gốc tiến hóa đối với cảm giác an toàn này mạnh mẽ tới mức bản thân sự hiện diện của luật lệ cũng thường chuyển tải thông điệp an toàn tới cho trẻ. “Ồ, bố mẹ thật lòng quan tâm đến mình đây,” là cách mà trẻ (và gần như bất cứ độ tuổi nào của giai đoạn thơ ấu) nhìn nhận sự việc, dù có vẻ như trẻ tỏ thái độ chẳng mấy coi trọng. Nếu trẻ không cảm thấy an toàn thì ba loại nguyên liệu sau là vô giá trị. Thậm chí có thể còn gây hại.
Không đồ chơi gì hết
Làm thế nào chúng ta biết được bốn chỉ dẫn này? Chủ yếu xuất phát từ một loạt thực nghiệm mà tên gọi và thiết kế ắt đã có sẵn trong đoạn hồi tưởng quá vãng của đạo diễn lừng danh Tim Burton . Chúng được gọi là những mô hình Đồ chơi Bị cấm. Nếu em bé mẫu giáo nhà bạn được tuyển vào một thí nghiệm như thế của Rose Parke, cô bé sẽ trải nghiệm thứ gì đó như sau:
Con gái bạn ở trong phòng cùng một chuyên gia nghiên cứu và hai món đồ chơi. Một món cực kỳ hấp dẫn, món kia thì chẳng có gì lôi cuốn. Mỗi khi vươn ra để chạm vào món đồ chơi mời gọi kia, bé đều nghe thấy một tiếng còi ồn ào, khó chịu. Bé chạm vào và lại phải nghe tiếng động bực mình kia. Trong một số phiên thực nghiệm, sau tiếng còi báo, chuyên gia nghiên cứu nọ còn cất lời trách mắng nghiêm khắc bảo bé không được chạm vào món đồ chơi. Tuy thế, tiếng còi báo không bao giờ vang lên khi trẻ chạm vào món đồ chơi chẳng mấy hấp dẫn. Nhà nghiên cứu cũng không nói gì. Con gái bạn nhanh chóng nhận ra luật chơi: Món đồ chơi hấp dẫn bị cấm.
Đến giờ thì chuyên viên nghiên cứu rời khỏi căn phòng, nhưng thí nghiệm vẫn tiếp tục, con gái bạn vẫn đang được ghi hình. Cô nàng sẽ làm gì khi chỉ còn lại một mình? Parke phát hiện ra rằng, việc bé chọn cách nghe lời hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: khoảng thời gian giữa cú chạm và tiếng chuông báo, mức độ phản kháng nhận biết và độ hấp dẫn của món đồ chơi. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những tác động của mức độ khắc nghiệt, sự kiên định, tính thời điểm và sự an toàn – chính là những chỉ dẫn mà chúng ta vừa mới khám phá.
3. Lý giải luật lệ
Bạn có muốn một phương cách giản đơn khiến cho bất cứ hình thức trừng phạt nào cũng hiệu quả, duy trì lâu dài và được tiếp thu – tất cả những gì một ông bố bà mẹ mong đợi? Chính là chân kiềng thứ ba nâng đỡ chiếc ghế lưu tâm đạo đức của chúng ta. Parke nhận thấy, chỉ cần thêm một câu thần chú, vào bất cứ lời ra lệnh cương quyết nào.
Không bao gồm phân tích nguyên nhân
“Chớ có động vào con chó, không con sẽ bị nhốt 
xó đấy.”
Có bao gồm phân tích nguyên nhân
“Chớ có động vào con chó, không con sẽ bị nhốt xó đấy. Con chó dữ lắm, và mẹ không muốn con bị nó cắn đâu.”
Bạn sẽ chịu nghe câu nào hơn? Nếu bạn giống đa số, thì là câu thứ hai. Parke đã chứng minh rằng một lời phân tích nguyên nhân hợp lý có thể làm tỉ lệ vâng lời tăng vọt. Hợp lý tức là giải thích tại sao lại có quy tắc đó – và hậu quả nếu không thực hiện. (Hiệu nghiệm với cả người lớn.) Bạn có thể sử dụng cách này cả với trường hợp luật lệ đã bị vi phạm. Thử ví dụ tình huống con bạn hét toáng lên trong rạp chiếu phim. Biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm giải thích xem tiếng la hét của bé ảnh hưởng ra sao tới những người khác và cách bé sửa đổi lỗi lầm, ví như là xin lỗi.
Các nhà nghiên cứu nuôi dạy con cái gọi phương pháp này là kỷ luật quy nạp, và nó có sức mạnh phi thường. Những ai từng nuôi dạy nên những đứa con có đạo đức đều áp dụng cách thức này. Và cơ sở khoa học của nó đã được các nhà tâm lý học chứng minh. Giả dụ nhóc Aaron bị trừng phạt vì nhón trộm cây bút chì của cậu bạn cùng lớp Jimmy – ngay trước giờ kiểm tra. Việc trừng phạt là trừ bớt – Aaron không được ăn tráng miệng tối hôm đó. Nhưng Aaron không bị phạt rồi để mặc đó. Cậu bé được tặng kèm một câu nói thần kỳ, bao gồm lời giải thích, từ “Làm cách nào Jimmy hoàn thành bài kiểm tra nếu không có bút chì chứ?” cho tới “Mọi người nhà mình không ăn cắp đâu con.”
Và đây là những gì xảy đến với hành vi của Aaron khi những lời giải thích được đưa ra một cách kiên trì suốt nhiều năm tháng:
1. Sau này, mỗi khi Aaron định làm điều bị cấm đó với Jimmy, cậu sẽ lường ngay ra hình phạt. Cậu sẽ có cảm giác bứt rứt.
2. Aaron sẽ tự quy kết nội tâm. Như là: “Jimmy mà làm hỏng bài kiểm tra này thì mình sẽ cảm thấy tồi tệ lắm,” “Mình cũng không thích nếu nó làm việc này với mình,” “Mình khá hơn thế này mà.” Việc quy kết nội tâm bắt nguồn từ những lời giải thích bạn cung cấp cho trẻ khi chỉnh đốn lỗi lầm.
3. Sau khi đã biết tại sao lại có cảm giác bứt rứt này – và mong muốn tránh khỏi cảm giác ấy – Aaron sẽ tự động khái quát hóa bài học này cho tất cả những tình huống khác. “Mình sẽ không lấy trộm tẩy của Jimmy nữa.” “Có lẽ mình cũng không nên ăn cắp thứ gì nữa. Chấm hết.”
Các chuyên gia về trừng giới và thi hành luật thanh thiếu niên hẳn phải hoan nghênh nhiệt liệt. Phong cách nuôi dạy kiểu quy nạp mang lại sự tinh nhạy đạo đức mang tính tiếp thu và hoàn toàn có thể áp dụng– phù hợp với những bản năng bẩm sinh ở trẻ. (Aaron còn được chỉ cách viết một lá thư xin lỗi, việc cậu bé đã làm ngay ngày hôm sau.)
Trẻ bị trừng phạt mà không được giải thích tại sao sẽ không trải qua những bước đấu tranh nội tâm này. Parke phát hiện ra rằng những trẻ như vậy hành xử rất bản năng, ví như khi bị đe: “Con sẽ bị đét mông nếu còn làm việc này lần nữa.” phản ứng của trẻ sẽ là không ngừng để mắt dè chừng bất cứ nhân vật nào nắm quyền sinh sát; chính sự hiện diện của một mối đe dọa đáng kể ở bên ngoài chi phối hành vi của trẻ chứ không phải là kim chỉ nam đạo đức nào đó bên trong. Những trẻ không đạt tới bước 2 sẽ không thể đi đến bước 3, và như thế, chúng tiến gần hơn một bước tới chỗ Daniel, cậu nhóc lấy bút chì chọc vào má bạn cùng lớp.
Lời kết: Ông bố bà mẹ nào đưa ra được những giới hạn nhất quán, rõ ràng và luôn giải thích rành mạch tại sao lại phải thế, nhìn chung đều nuôi dạy nên những đứa con có đạo đức.
Không có nguyên tắc vạn năng nào áp-dụng-chung-cho-tất-cả
Hãy chú ý là tôi nói “nhìn chung”. Vì, phong cách kỷ luật quy nạp, tuy có sức mạnh lớn lao là vậy, nhưng không phải một chiến lược áp-dụng-chung-cho-tất-cả. Tính khí của đứa trẻ mới là nhân tố then chốt. Với những trẻ vốn có cái nhìn táo tợn và bốc đồng về cuộc sống, thì kỷ luật quy nạp có vẻ vẫn chưa đủ liều. Còn những trẻ nhút nhát có thể phản ứng tiêu cực trước những hành vi sửa sai gay gắt mà với mấy đứa anh em tính cách táo tợn của nó thì chưa nhằm nhò gì. Những em này cần được đối xử nhẹ nhàng hơn. Tất cả mọi đứa trẻ đều cần có luật lệ, nhưng mỗi bộ não lại được mắc nối một kiểu, vậy nên bạn phải tìm hiểu rõ những nguyên cớ gây ra cảm xúc cả bên trong và bên ngoài cho con mình – từ đó đưa ra các sách lược kỷ luật phù hợp.
Có nên đét mông?
Hiếm có chủ đề nào gây nhiều bất đồng như “yêu cho roi cho vọt”. Roi vọt liệu có nên là công cụ nuôi dạy con cái hay không. Rất nhiều quốc gia nghiêm cấm hành vi này. Mỹ thì không. Hơn hai phần ba dân số Mỹ đồng tình với việc này; có đến 94% các ông bố bà mẹ Mỹ đã từng tét mông con mình trước thời điểm chúng lên 4 tuổi. Nhìn chung, tét mông nằm trong nhóm trừng phạt thông qua loại bỏ.
Có không ít nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mức độ hữu dụng của phương pháp này, nhưng kết quả không rõ ràng và gây nhiều tranh cãi. Một trong những cột thu lôi hứng đủ sấm sét dư luận chính là công trình được thực hiện bởi một ủy ban gồm các chuyên gia phát triển trẻ em dưới sự tài trợ của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ. Nghiên cứu này kết luận các hình thức trừng phạt về thân thể là không nên, và đưa ra các bằng chứng chứng minh việc đét mông có tác động xấu đến hành vi của trẻ, làm trẻ hung hăng hơn, trầm uất hơn và hay âu lo hơn với mức IQ thấp hơn. Mới đây, công trình nghiên cứu của Catherine Taylor, Trường Y tế Công thuộc Đại học Tulane đã khẳng định tính đúng đắn của những phát hiện này. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy trẻ 3 tuổi bị đét mông nhiều hơn 2 lần/tháng có tỉ lệ hung hăng khi lên 5 cao gấp đôi so với trẻ bình thường, kể cả tính đến những yếu tố khác như mức độ gay gắt khác nhau ở các đối tượng trẻ em, cả yếu tố trầm uất ở người mẹ, việc sử dụng chất cồn và chất gây nghiện và cả tình trạng lạm dụng của vợ/chồng.
Kết luật này cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các bậc phụ huynh. “Chỉ là số liệu chắp ghép chứ gì!” một người phán (đúng thế). “Có phải chuyên gia nào cũng đồng tình đâu!” một người khác lên tiếng (cũng đúng nốt). “Làm gì có những nghiên cứu độc lập với hoàn cảnh!” ví dụ thế, “chúng ta có biết cùng là hành vi tét mông nhưng trong một gia đình dạy dỗ theo phong cách quy nạp nồng ấm sẽ khác hẳn trong một bầu không khí cứng rắn, phi quy nạp?” (Đúng là chúng ta không biết thật.) Thế còn mục đích của các bậc mẹ cha thì sao? Danh sách những ý kiến chống đối còn dài lê thê. Rất nhiều ý kiến xuất phát từ nỗi lo lắng trẻ em ngày càng ít được dạy dỗ uốn nắn hơn, các ông bố bà mẹ thời nay cũng ngại xiết chặt kỷ cương với con cái.
Tôi cũng đồng cảm sâu sắc với nỗi quan ngại này. Tuy vậy, những con số thì không. Bên trong não bộ, cuộc chiến diễn ra giữa những bản năng mô phỏng chậm với các khuynh hướng tiếp thu đạo đức. Hành động tét mông chỉ đủ dữ dội để khuấy động đấu thủ thứ nhất hơn là đấu thủ thứ hai.
Như nhà nghiên cứu Murray Straus đã nhấn mạnh trong bài phỏng vấn trên tờ Scientific American Mind, mối liên hệ giữa tét mông với hành vi tiêu cự còn chắc chắn hơn cả quan hệ giữa việc phơi nhiễm chì và suy giảm IQ, thậm chí hơn cả sự liên đới giữa hút thuốc lá thụ động với bệnh ung thư. Thế mà trong khi hiếm người thắc mắc về những mối liên quan này, người ta còn thắng kiện nhờ viện đến những số liệu về mối liên đới này trong những sự vụ dính dáng đến sức khỏe, vậy thì sao lại phải tranh cãi về việc có nên tét mông hay không? Mọi sự đã rành rành ra thế rồi. 
Tôi quá biết rằng phương cách dạy dỗ quy nạp đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chứ đánh một đứa trẻ thì chẳng mệt gì. Theo quan điểm của tôi, đánh đòn chỉ là một kiểu nuôi dạy lười biếng mà thôi. Nếu bạn có đang hồ hoặc, thì tôi xin thưa luôn, vợ chồng tôi không đánh con bao giờ.
Lối kỷ luật trẻ ưa hơn cả
Nhiều năm về trước, một nhóm chuyên gia nghiên cứu đã quyết định lấy ý kiến của trẻ về các phong cách nuôi dạy con cái xem các em nghĩ cách nào sẽ phát huy hiệu quả, cách nào sẽ thất bại. Đối tượng là các em trong độ tuổi từ mẫu giáo tới trung học. Các câu hỏi được diễn đạt rất thông minh: Các em được nghe kể về những em nhỏ cư xử hỗn hào, rồi được hỏi: “Bố mẹ nên làm gì? Các con sẽ làm gì?” kèm theo một danh sách các phương pháp kỷ luật.
Kết quả rất đáng suy ngẫm. Phong cách nuôi dạy quy nạp đạt mức tán đồng tuyệt đối. Ngay sau là biện pháp trừng phạt thực tế. Còn chót bảng? Chính là kiểu “bố mẹ sẽ không yêu con nữa” hay mặc con muốn-ra-sao-thì-ra. Tóm lại, phong cách chỉnh đốn mà trẻ thích nhất chính là kiểu quy nạp, thi thoảng có “gia giảm” thêm chút nghiêm khắc thị uy. Kết quả này có thay đổi chút ít tùy theo nhóm tuổi. Nhóm đối tượng từ 4 đến 9 tuổi ghét kiểu buông xuôi nhất trong các loại hành vi, hơn cả phương cách kiểu hạn chế tình yêu thương. Điều đó lại không còn đúng với lớp đối tượng đã 18 tuổi.
Tóm lại, một bức tranh rõ rệt đã nổi lên xung quanh vấn đề làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ có đạo đức và biết cách cư xử chừng mực. Những ông bố bà mẹ kỷ luật sắt nhưng chịu lắng nghe và chịu khó đưa ra những lời giải thích nguyên nhân được nhìn nhận là hợp tình hợp lý và công bằng, chứ không hề đồng bóng và độc đoán. Làm vậy, họ có nhiều khả năng chứng tỏ sự đúng đắn của mình khi mà con cái sẽ ngoan ngoãn tuân hành thay vì chống đối gay gắt. Điều này có nhắc bạn nhớ đến phong cách nuôi dạy quyền uy của Diana Baumrind – nghiêm khắc nhưng ấm áp? Xét về mặt số liệu, đây chính là phong cách có khả năng cao nhất trong việc sản sinh ra những đứa trẻ thông minh nhất, hạnh phúc nhất. Có vẻ như những đứa trẻ thông minh và hạnh phúc này cũng là những đứa trẻ đạo đức hoàn bị nhất.
Những điểm cốt yếu
• Con bạn bẩm sinh đã có sẵn tri giác đúng – sai.
• Bên trong bộ não, các khu vực xử lý cảm xúc và các khu vực dẫn dắt việc ra quyết định cùng phối hợp với nhau để chuyển tải sự lưu tâm đạo đức.
• Hành vi đạo đức phát triển theo thời gian và đòi hỏi kiểu hướng dẫn đặc biệt.
• Cha mẹ áp dụng luật lệ ra sao đóng vai trò then chốt: đề ra những quy tắc chính đáng và rõ ràng; xử trí nhất quán và mau lẹ đối với việc vi phạm; và khen ngợi khi con cư xử tốt.
• Trẻ sẽ tự nguyện, tự giác tiếp thu hành vi đạo đức khi cha mẹ giải thích tại sao lại phải đặt ra luật lệ như thế và những hậu quả nếu vi phạm.
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.