Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc

BÉ HẠNH PHÚC: ĐẤT TRỒNG



Quy luật trí não

Não bộ khao khát kiếm tìm cộng đồng
Sự thấu cảm làm dịu cơn căng thẳng
Gọi tên cảm xúc xoa dịu giông tố
 

BÉ HẠNH PHÚC: ĐẤT TRỒNG

thèm CÀ RỐT đâu!” Tyler, cậu nhóc 2 tuổi hét lên với mẹ. Rachel cố sức thuyết phục cậu con trai ăn các loại thực phẩm hợp lý hơn, thay vì chỉ say mê bánh kẹo. “BÁNH QUY! Tyler muốn ăn BÁNH QUY cơ!” Tyler lăn ra, khóc gào, đập tay bùm bụp lên sàn. “BÁNH QUY! BÁNH QUY! BÁNH QUY!” Nó giở trò ăn vạ. Từ khi Tyler phát hiện ra món bánh quy rắc vụn sô-cô-la, lúc nào thằng bé cũng nằng nặc đòi ăn bằng được món này.
Rachel vốn là một chuyên viên marketing quy củ, có óc tổ chức nay lui về làm nội trợ. Cô vốn hiếm khi mất kiểm soát. Nhưng những cơn cuồng nộ dữ dội này thì thật quá sức chịu đựng và không có cách nào né tránh nổi. Nếu Rachel rời khỏi phòng, Tyler sẽ vụt biến thành một cái ngư lôi. Thằng bé ngừng khóc ngay lập tức lúc thấy mẹ rời đi, rồi khi xác định mục tiêu là bà mẹ, nó sẽ lại lăng mình xuống sàn, tiếp tục bùng nổ những cơn khóc gào. Và lần nào cũng như lần nào, Rachel đều nổi trận lôi đình, sau đó trốn biệt đi, đôi khi là nhốt mình trong phòng tắm và bịt chặt tai. Cô tự nhủ rằng bất cứ cảm xúc nào – vui sướng, sợ hãi, giận dữ – dù là của cô hay của đứa con trai kia, đều không nên bộc lộ ra ngoài. Cô hy vọng Tyler cuối cùng sẽ học được cách cư xử, nếu để mặc nó tự xoay xỏa. Vậy mà, lối cư xử của Tyler chỉ càng tệ hơn. Rachel cũng vậy. Không khí nặng nề tích tụ buổi sáng, và kéo theo là cả ngày giông tố. Càng ngày, Rachel càng trở nên bồn chồn và mất bình tĩnh hơn, giống hệt cậu con trai. Không một thứ gì trong cuộc sống của cô – dù là công việc hay đời sống riêng – giúp cô chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với những thứ như thế này. Cô muốn mình sẽ kiên nhẫn uốn nắn con mỗi ngày, nhưng khi Tyler cư xử như vậy, cô cảm giác như gánh nặng của mấy ngày ồ ạt dồn vào tấn công cô cùng một lúc. 
Bất kể những ức chế thất thường mà chúng ta đã bàn luận trong chương trước, thì các bậc cha mẹ luôn có thể thực hiện những việc cụ thể để gia tăng khả năng có được một đứa con hạnh phúc. Tôi bắt đầu chương này với cơn giận dữ của Tyler là bởi một thực tế đáng sửng sốt: cách Rachel phản ứng lại những cảm xúc gay gắt của Tyler ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc tới mức độ hạnh phúc trong tương lai của cậu con trai. Thực ra, cách phản ứng của Rachel chính là một trong những yếu tố tiên báo xem Tyler sẽ trở thành một chàng trai trẻ ra sao. Nó ảnh hưởng tới khả năng cảm thông với người khác, và từ đó, ảnh hưởng tới khả năng duy trì các mối hữu hảo của Tyler – tóm lại là những nhân tố tạo thành hạnh phúc của một con người. Nó thậm chí còn ảnh hưởng tới thành tích học tập của Tyler. Bắt đầu bằng quá trình gắn kết với bé sơ sinh, các bậc cha mẹ luôn quan tâm sao sát tới đời sống cảm xúc của con cái mình bằng một cách thức đặc biệt, sẽ có được lợi thế lớn nhất trong việc nuôi dạy một đứa con hạnh phúc. Mục đích của chương này chính là lý giải xem “cách thức đặc biệt” ấy có nghĩa gì.

CUỘC ĐẤU BÓNG BÀN KIÊN NHẪN VÀ ÂN CẦN

Một nhà nghiên cứu đã chuyên tâm tìm hiểu về đời sống cảm xúc của trẻ – và cách các bậc cha mẹ tương tác với trẻ trong suốt nhiều thập niên là nhân vật sẽ bắt đầu cuộc thảo luận của chúng ta. Ông có một cái tên bắt nguồn từ một bộ phim khoa học viễn tưởng những năm 1950 – Ed Tronick.
Tronick luôn có một nụ cười thường trực, đôi mắt lam sẫm cùng mái tóc bạc trắng. Ông là một nhà hoạt động phản chiến hồi những năm 1960 và là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực “nuôi dạy con cái” từng sinh sống ở nhiều nền văn hóa khác nhau, ông đã dành nhiều thời gian tiếp xúc với các ông bố bà mẹ ở Peru, Cộng hòa Dân chủ Congo, và nhiều nơi khác nữa. Nhưng ông được biết tới nhiều nhất nhờ một thứ, mà bạn có thể thấy trong trò chơi “ú òa”. Đó là sức mạnh của giao tiếp hai-chiều trong việc củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Dưới đây là một ví dụ, trích từ một trong những tài liệu nghiên cứu lưu trữ của Tronick:
“Đứa trẻ đột ngột quay đi khỏi mẹ lúc cuộc chơi đến hồi gay cấn và bắt đầu mút ngón cái. Nó dõi mắt vào khoảng không với vẻ mặt chán nản. Bà mẹ ngừng chơi và ngồi xuống, kiên nhẫn theo dõi… Sau vài giây, đứa trẻ quay mặt trở lại với vẻ mời gọi. Bà mẹ tiến lại gần, mỉm cười, và nói với tông giọng cao vút: “Ô kìa, bé cưng của mẹ trở lại rồi!” Đứa trẻ mỉm cười đáp lại và ọ ẹ. Lúc hai mẹ con ngừng bi bô với nhau, đứa trẻ lại đưa ngón cái vào mồm và quay mặt đi. Bà mẹ lại chờ đợi… em bé quay lại với mẹ, và hai mẹ con chào nhau bằng một nụ cười rộng mở.”
Hãy chú ý tới hai điểm: 1) em bé mới 3 tháng tuổi đã có đời sống cảm xúc rất phong phú và 2) bà mẹ theo dõi sát sao những cảm xúc đó. Cô biết khi nào phải tương tác và khi nào không. Tôi đã được xem hàng tá băng hình nghiên cứu hay như thế, thể hiện vũ điệu này giữa các bậc cha mẹ tận tình với con cái mình, và mỗi đoạn băng ấy trông giống hệt như một trận hỗn chiến bóng bàn cân tài cân sức vậy. Sự giao tiếp ở đây không liên tục, chỉ nhỏ giọt thành những đợt giật cục, chủ yếu do em bé dẫn dắt và luôn là tương tác hai chiều. Tronick gọi nó là “xử lý tương tác đồng thời”. Thực tế, nếu cha mẹ kiên nhẫn, chú ý quan sát phản ứng của con để có hành vi tương tác thích hợp, có thể giúp cấu trúc thần kinh của con phát triển theo cách tích cực cũng như ổn định về mặt tình cảm. Trong khi đó, não bộ của một đứa trẻ không trải qua tương tác đồng bộ phát triển theo hướng rất khác.
Trong trò chơi “ú òa” ấy, rõ ràng là em bé và mẹ mình hình thành một mối quan hệ có qua có lại. Hồi cuối những năm 1960, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một thuật ngữ để miêu tả hình thức tương tác này: sự gắn bó. Lý thuyết về sự gắn bó nảy ra từ một phát hiện rằng em bé có mặt trên đời này sẵn có trong mình rất nhiều năng lực cảm xúc và liên đới. Dường như các bé đã biết thể hiện các cảm xúc như ghê sợ, căng thẳng, thích thú và mãn nguyện ngay từ khi mới sinh. Trong vòng sáu tháng, các em đã trải nghiệm những cảm xúc khác như giận dữ, sợ hãi, buồn bã, ngạc nhiên và vui vẻ. Thêm một năm nữa, bé sẽ biết xấu hổ, ghen tị, có cảm giác có lỗi và thậm chí cả lòng kiêu hãnh. Những cảm xúc này giống như là các nhãn dán của Robocop nói với bộ não “Chú ý đến cái này!” Mỗi bé sẽ chú ý đến những thứ khác nhau và dán nhãn những thứ khác nhau. Nó cũng ngẫu nhiên như chuyện một bé sơ sinh thích thú với bộ râu của ông bố, hay một bé khác lại ghét đi tất, hay nỗi sợ hãi hoặc yêu quý của em bé chập chững biết đi nào đó với loài chó. Biết rõ việc con cái mình dán nhãn vào những thứ gì (những thứ mà bé có phản ứng tình cảm) để có cách phản ứng thích hợp không chỉ là một phần trong quá trình gắn bó, mà còn là một trong những bí mật lớn nhất trong việc nuôi dạy những đứa con hạnh phúc. 
Trẻ được sinh ra với năng lực kết nối sẵn có do những nguyên cớ tiến hóa mà chúng ta đã bàn đến trong chương Quan hệ vợ chồng: Đó là một kỹ năng nằm lòng giúp đứa trẻ sơ sinh yếu đuối nhanh chóng thiết lập mối quan hệ an toàn với những người cho bé ăn. Thêm vào thực tế là đa phần người lớn đều xao động khác thường trước sự xuất hiện của một em bé đỏ hỏn, quan hệ nhanh chóng trở thành bài tập “dán nhãn lẫn nhau”. Khi mối giao tiếp hai chiều này trở nên vững chắc, em bé được gọi là “đã gắn bó”. Sự gắn bó ở đây được hiểu là mối quan hệ tình cảm qua lại giữa một em bé đã thêm ngày tuổi với một người lớn.
Mối gắn kết này được củng cố vững chắc và thân mật hơn thông qua nhiều trải nghiệm khác nhau, rất nhiều trong số đó liên quan đến việc ông bố/ bà mẹ quan tâm chu đáo đến mức nào với em bé trong những năm đầu đời (mặc dù các yếu tố di truyền có lẽ cũng đóng vai trò nhất định). Nếu như quá trình gắn bó này hỗn loạn, em bé được coi là “gắn bó bất an”. Những trẻ dạng này không trưởng thành theo hướng hạnh phúc. Kết quả trong các bài kiểm tra về phản ứng xã hội của trẻ phần lớn đều thấp hơn khoảng 2/3 so với những em bé “gắn bó yên ổn”. Khi lớn lên, những em này cũng thể hiện những xung đột tình cảm trong đời sống với các cá nhân khác cao gấp đôi so với những bé được gắn bó yên ổn. Các em cũng ít bộc lộ thái độ thấu cảm và dễ cáu kỉnh hơn, thành tích học tập cũng thấp hơn.

SỰ GẮN BÓ CẦN ĐẾN HÀNG NĂM TRỜI

Lý thuyết về sự gắn bó đã bị diễn giải sai lệch trên các phương tiện truyền thông, đến mức còn bị diễn tả như thể các em bé sinh ra với một lớp hồ nhão liên kết chóng khô. Ngay lập tức sau khi chào đời, tất cả mọi thứ phải được thực hiện thật khẩn trương – đặt em bé nằm trên bụng mẹ là việc rất phổ biến – trước khi lớp hồ nhão kia khô đi và giai đoạn gắn bó then chốt đã qua mất. Những quan niệm kiểu này vẫn đầy rẫy ngoài kia.
Một đồng nghiệp kể cho tôi nghe chuyện anh vừa mới kết thúc một bài giảng về sự gắn bó thì một phụ nữ tên là Susan lên gặp anh ở bục giảng. “Tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa,” cô mở lời. Susan sinh đứa con đầu lòng một tháng trước, và sau một cuộc vượt cạn cực kỳ vất vả, cô rơi vào cơn choáng váng do kiệt sức. “Tôi đã ngủ qua cả kỳ gắn bó của mình!” Susan thốt lên, nước mắt trào ra. “Liệu em bé còn yêu tôi không?” Susan bị khủng hoảng vì sợ rằng mối quan hệ giữa hai mẹ con đã bị tàn phá vĩnh viễn. Cô đã nghe một người bạn kể rằng ở một phòng sinh, người ta còn trưng hẳn một bảng hiệu ghi: “Yêu cầu không nhấc em bé rời khỏi mẹ cho tới khi quá trình gắn kết hoàn tất.” Nghe thật đáng sợ!
Đồng nghiệp của tôi gắng trấn an cô rằng không có chuyện gì cả, rằng việc bỏ lỡ ấy có thể khắc phục, và còn rất nhiều dịp để hai mẹ con chia sẻ với nhau.
Mối gắn bó này giống với loại vữa khô từ từ hơn là thứ siêu-keo-nhanh-cứng. Bé sơ sinh bắt đầu phát triển những nhận thức về cách thức con người liên đới với nhau, gần như ngay lập tức sau thời điểm chào đời. Sau đó, bé sử dụng thông tin này để khám phá ra xem làm thế nào để tồn tại, mà cha mẹ chính là mục tiêu tự nhiên trước nhất. Những mối quan hệ hình thành từ hoạt động này dần dà phát triển theo thời gian, thường thì khoảng hai năm hoặc hơn. Theo số liệu nghiên cứu, các bậc cha mẹ không ngừng dành sự tập trung chú ý – đặc biệt là những năm đầu đời của bé – sẽ có nhiều cơ may nuôi dạy được những đứa con hạnh phúc.

NUÔI DẠY CON CÁI KHÔNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI NÓNG NẢY

Thế có phải bạn chỉ cần “tương tác đồng thời” liên tục với con bạn là hoàn thành sứ mệnh cha mẹ? Không đâu. Tương tác với đứa con mới lên ba có thể là cần thiết (và vui vẻ) nhưng chừng đấy chưa đủ để biến em bé thành một công dân hạnh phúc. Trẻ sẽ trưởng thành vào một thời điểm nào đó, một quá trình sẽ tự nhiên biến đổi cách cư xử của trẻ và khiến những mối quan hệ của trẻ với hầu hết tất cả mọi người phức tạp lên. Ở vai trò cha mẹ, bạn sẽ phải thích ứng với những biến đổi đó ở trẻ. Chuyện nuôi dạy con cái thật tuyệt vời. Nhưng nó không dành cho những người yếu đuối, sốt ruột. Những biến đổi về hành vi này thể hiện triệt để đến mức nào? Hãy lắng nghe những bậc phụ huynh này bày tỏ:
Làm thế nào mà con gái bé bỏng dễ thương của tôi lại vụt biến thành ương ngạnh như quỷ sứ chỉ qua một đêm, khi vừa lên 3 thế chứ? Hôm nay con bé bảo tôi là nó không thích tôi và sẽ thọc dao vào tôi. Nó còn cố giẫm chân lên ngón tay của một em bé mới 14 tháng tuổi và văng tục mà chẳng vì lý do gì cả.
Hừ hừ hừ. Tôi vừa mới quát cậu con trai 5 tuổi của mình một trận. Tôi đã bảo thằng bé thôi ngay cái trò chạy vòng quanh để tôi dọn nhà). Thế mà nó chỉ nhìn tôi nhăn răng cười rồi tiếp tục lượn vèo vèo. Tôi cố dỗ thằng bé ngồi yên, nhưng nó chỉ thích lượn vèo vèo xung quanh. Tôi thấy mệt mỏi lắm, nhưng trời ơi, biết làm sao khi mà tỏ ra tử tế cũng chẳng ích gì?
Bạn có thể cảm thấy quá trình chuyển đổi ngay trong lòng những bà mẹ đáng thương này. Nhưng kể cả những em bé 3 tuổi ồn ào và những bé mẫu giáo bướng bỉnh gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong tương lai của bạn, thì cũng có những bé như thế này:
Hôm nay tôi tỉa tóc cho con gái 3 tuổi, cô nàng soi gương, khen tôi: “Khá đấy, cô bạn ạ!” Chết cười mất!
Sự kết hợp lạ lùng về hành vi giữa kẻ tội đồ và vị thánh sống này thường được miêu tả bằng cụm từ “bé 2 tuổi đáng sợ” (mặc dù trên thực tế còn có cả bé lên 3, bé lên 4, bé lên 5 và hơn thế nữa, như những bài đăng trên diễn đàn đã chứng thực). Khi trẻ được 2 tuổi thì các ông bố bà mẹ cũng “tiến hóa” theo. Họ bắt đầu chuyển từ những người chăm sóc, vỗ về, thủ thỉ và bạn chơi cùng mẫu mực sang thành những bậc cha mẹ chuyên thét gào, vò đầu bứt tai và nóng nảy. Quá trình chuyển đổi này cũng là tự nhiên. Và nỗi chán nản cũng như vậy. Đa phần người lớn đều học được nhiều điều từ các em bé trong những giai đoạn này, bao gồm cả việc nhận ra rằng lòng kiên nhẫn của mình ít ỏi nhường nào. Hẳn nhiên, kiên trì đi tiếp là một việc bắt buộc, đi tiếp như thế nào lại rất quan trọng, nếu như mục tiêu của bạn là nuôi dạy một em bé hạnh phúc.

MỘT EM BÉ XUẤT CHÚNG

Chúng ta đang nói chuyện về mẫu trẻ nào vậy? Tôi nghĩ đến Doug, người bạn học cùng trường cấp III với tôi hồi những năm 1970. Doug là mẫu người hoàn hảo – cực giỏi toán, và cả hùng biện. Anh cũng xuất sắc ở gần như mọi môn học. Doug cũng là đại diện học sinh phát biểu tại lễ tốt nghiệp, một sự thực mà cơ hồ, anh đã nhận được như là tất yếu ngay từ khi mới là một học sinh chân ướt chân ráo vào trường. Doug còn rất giỏi thể thao (là thủ công chủ chốt trong đội tuyển đại diện trường), tự tin, rất thoải mái (với một nụ cười dễ mến) và rất phong nhã. Và vượt trên tất cả, Doug là một người khiêm nhường. Những điều đó khiến Doug được ngưỡng mộ vô cùng. Xét trên mọi phương diện, Doug rất thông minh, tài giỏi, năng động, giỏi hòa nhập và hạnh phúc. Liệu tất cả chỉ là “tỏ ra như vậy” hay nó là một thứ gì đó đã nằm trong triết lý sống của Doug rồi?
Một khối lượng dữ liệu khá lớn đã nói lên rằng, trên thực tế, những đứa trẻ như Doug đúng là khác hẳn, xét về mọi khía cạnh. Khả năng vô thức điều tiết các hệ thần kinh tự trị của những người như vậy – một thứ mà chúng ta gọi là “thần kinh mê tẩu” – thể hiện mức độ ổn định vượt trội. Doug là điển hình cho một nhóm trẻ xuất chúng, tuy số lượng rất ít nhưng có vai trò quan trọng, có tồn tại trên khắp thế giới. Những trẻ này:
• Có khả năng điều tiết cảm xúc tốt hơn, xoa dịu bản thân nhanh chóng hơn.
• Đạt được thành tích học tập cao nhất.
• Thấu cảm tốt hơn.
• Có hiếu với cha mẹ và vâng lời cha mẹ hơn, thái độ ngoan ngoãn nghe lời xuất phát từ cảm giác gắn bó thực sự chứ không phải do sợ hãi.
• Ít nguy cơ trầm uất hay rối loạn lo lắng nhi khoa.
• Cực ít mắc phải các bệnh truyền nhiễm.
• Ít có xu hướng hành xử bạo lực.
• Có những mối giao hảo bạn bè sâu sắc và phong phú hơn.
Đặc điểm cuối cùng mang lại cho những trẻ kiểu này ưu thế lớn nhất để được hạnh phúc. Những phát hiện này đã thôi thúc các vị phụ huynh đặt ra câu hỏi:
“ANH KIẾM ĐÂU RA NHỮNG ĐỨA TRẺ XUẤT SẮC ĐẾN THẾ?”
Cha mẹ của Doug không phải là những nhà tâm lý học. Họ sở hữu một cửa hàng tạp hóa khiêm tốn, vợ chồng gắn bó đã 20 năm, có vẻ rất hạnh phúc và chừng mực. Và hẳn nhiên, họ đã làm được việc gì đó rất đúng đắn.
Các nhà nghiên cứu cũng muốn biết làm thế nào để có được những đứa con như Doug. Chủ đề này cũng quan trọng hệt như xem xét mức độ thành công của nền văn hóa tồn tại đằng sau nó vậy. Trong hoàn cảnh thiếu vắng những công trình nghiên cứu theo chiều dọc nghiêm khắc và mang tính ngẫu nhiên, một số nhà điều tra xuất sắc đã làm được điều tuyệt vời thứ hai. Họ nghiên cứu các gia đình luôn sản sinh ra những đứa trẻ kỳ tài, sau đó phân tích xem các bậc phụ huynh ấy đã làm những gì. Họ cố gắng tìm điểm chung giữa những bậc phụ huynh này. Nói cách khác tìm hiểu xem liệu có phải một số kỹ năng dưỡng dục nhất định nào đó liên quan chặt chẽ tới những kết quả mong đợi, tới mức có thể tiên đoán xem một đứa trẻ bất kỳ nào đó rồi sẽ như thế nào khi lớn lên?
Vâng, quả có vậy thật. Mặc dù các dữ kiện liên kết với nhau chặt chẽ, nhưng chúng cũng rất rành rẽ và tinh vi. Bất kể chủng tộc hay thu nhập ra sao, các bậc cha mẹ nuôi dạy được những đứa con tuyệt vời luôn có mẫu số chung. Tất nhiên là chúng ta có thể tranh cãi với nhau xem một em bé hạnh phúc thực ra sẽ có dáng vẻ ra sao và những điểm căn bản trong thực tiễn làm cha mẹ. Nhưng nếu những điểm trọng tâm này có vẻ cuốn hút bạn rồi, chúng ta sẽ biết làm thế nào để bạn đạt được điều đó. Công trình nghiên cứu này phức tạp về mặt số liệu, nhưng tôi sẽ tạm mượn một công thức chế biến từ một trong những đầu bếp được yêu thích nhất nước Mỹ nhằm giúp chúng ta diễn tả những nét chung ấy. Tên của vị vua bếp này là Bobby Flay, và công thức của ông là dành cho món gà nướng nguyên con.
Tất cả là, hỗn hợp ướp gà!
Bobby Flay có mái tóc đỏ và chất giọng New York, sở hữu một chuỗi nhà hàng thành công và đã giữ danh hiệu Đầu bếp Trưởng danh giá của nước Mỹ suốt nhiều năm trời. Anh nổi tiếng nhờ sáng tạo nên các công thức chế biến theo phong cách đầy chất béo và thịt. Thật may mắn cho những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe, Flay còn chế ra cả những món ăn ngon lành mà không gây dư thừa dinh dưỡng chỉ đơn giản nhờ vào hương vị thơm ngon. Một trong số đó là một hỗn hợp ướp gà nướng. Hỗn hợp khô chính là các loại gia vị trộn với nhau, sau đó tẩm ướp vào thịt trước khi chế biến.
Nhắm vào mục đích chúng ta đang hướng tới, thì con gà ở đây chính là đời sống tình cảm của con bạn. Hỗn hợp gia vị, gồm sáu loại, chính là các hành vi nuôi dạy con cái của bạn. Khi các bậc phụ huynh tẩm ướp đủ gia vị cho con gà thì họ đã gia tăng khả năng nuôi dạy một đứa con hạnh phúc cho bản thân mình.
Tình cảm phải là trọng tâm
Các bậc cha mẹ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề thường ngày trong quá trình nuôi dạy một đứa con, nhưng không phải tất cả những khía cạnh ấy đều ảnh hưởng đến việc em bé trưởng thành ra sao. Tuy nhiên, có một yếu tố là chắc chắn. Đó là cách bạn xử trí với đời sống tình cảm của con cái mình – khả năng phát hiện, phản ứng, khuyến khích và đưa ra chỉ dẫn về việc điều tiết cảm xúc – sẽ có sức mạnh tiên báo lớn nhất đối với mức độ hạnh phúc trong tương lai của con bạn.
Quá trình 50 năm nghiên cứu, từ Diana Baumrind và Haim Ginott tới Lynn Katz và John Gottman đã đưa đến kết luận này. Đó là nguyên do tại sao đời sống tình cảm của con bạn lại đóng vai trò trọng tâm, hoặc chính là con gà – như phép ẩn dụ chúng ta sử dụng ở đây. Bạn sẽ không có được chút ích lợi nào từ công thức này trừ phi bạn dứt khoát đặt món thịt này ở vị trí trọng tâm trong hành vi nuôi dạy con cái của mình. Vấn đề then chốt ở đây chính là hành vi của bạn mỗi khi cảm xúc của trẻ trở nên dữ dội (Gottman dùng từ “nóng”) đủ để đẩy bạn ra khỏi “vùng an toàn”. Dưới đây là sáu loại gia vị góp vào hỗn hợp ướp gà của các bậc cha mẹ:
• Dạy dỗ cần nghiêm khắc nhưng thân tình
• Thoải mái với chính cảm xúc của bạn
• Dõi theo những tâm tư tình cảm của con
• Gọi tên được các trạng thái cảm xúc
• Tập trung vào các trạng thái cảm xúc
• Hai tấn thấu cảm
1. Phong cách dạy dỗ nghiêm khắc nhưng thân tình
Chúng ta đã có được nhiều kiến thức xung quanh những yếu tố hữu ích, một phần nhờ vào công của nhà tâm lý học phát triển Diana Baumrind. Bà sinh tại New York vào năm 1927 trong một gia đình Do Thái di cư thuộc tầng lớp trung-hạ lưu. Bà vốn gay gắt và nức tiếng nơi nơi về việc chỉ trích một đồng sự nghiên cứu vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp (mục tiêu ở đây chính là Stanley Milgram – nhà tâm lý học trường Yale, người đã lừa cho một nhóm sinh viên đại học tin rằng họ đang làm cho các đối tượng thí nghiệm bị điện giật đến chết .) Baumrind còn là một nhà hoạt động nhân quyền và bị chính quyền Joe McCarthy điều tra vì các hành vi chống phá nước Mỹ hồi những năm 1950. Bà thực hiện các nghiên cứu khoa học của mình ở Đại học California-Berkeley.
Đến giữa thập niên 1960, Baumrind đã xuất bản những ý tưởng của mình xung quanh chủ đề nuôi dạy con cái. Đây được coi là một chương trình khung nghiêm cẩn, chỉn chu đến mức các nhà nghiên cứu vẫn còn vận dụng đến tận ngày nay. Ý tưởng của bà là đưa ra bốn phong cách uốn nắn con cái. Trong đó hai khía cạnh chủ đạo trong việc nuôi dạy con trẻ là:
• Sẵn sàng hồi đáp. Đây là mức độ cha mẹ hồi đáp  con cái bằng thái độ hỗ trợ, mềm mỏng, ấm áp và tích cực đón nhận. Những bậc cha mẹ ấm áp, dịu dàng đa phần đều truyền đạt tình cảm yêu thương của mình đến con cái. Các bậc cha mẹ dữ dằn chủ yếu chỉ truyền đạt thái độ chối bỏ với con cái.
• Đòi hỏi nghiêm khắc. Đây là mức độ cha mẹ gắng sức vận dụng sự kiểm soát về hành vi. Những bậc cha mẹ ưa cấm đoán có xu hướng thi hành luật lệ một cách không khoan nhượng. Những bậc cha mẹ dễ dãi, tự do lại không đưa ra luật lệ gì hết.
Đưa hai khía cạnh này vào dạng ô kẻ 2×2 sẽ tạo thành bốn phong cách nuôi dạy con cái đã được nghiên cứu. Nhưng chỉ một phong cách trong số đó sản sinh ra được những đứa con hạnh phúc.
Đòi hỏi nghiêm khắc Sẵn sàng hồi đáp 
Cao Thấp
Cao Quyết đoán Độc đoán
Thấp Nuông chiều Xao lãng
Độc đoán: Quá khắc nghiệt 
Không hồi đáp cộng thêm đòi hỏi gắt gao. Luôn áp chế quyền lực lên con cái là đặc điểm nhận dạng nổi bật của những bậc phụ huynh dạng này, và con cái họ thường sợ bố mẹ một phép. Bố mẹ kiểu này không cố gắng giải thích luật lệ mình đưa ra và cũng không tỏ ra chút ấm áp, thân tình nào.
Nuông chiều: Quá dễ dãi
Hồi đáp cộng với không đòi hỏi nghiêm khắc. Những bậc cha mẹ này thực lòng rất yêu con, nhưng lại ít có khả năng xác lập và thi hành luật lệ. Họ sẽ né tránh việc đối mặt với các vấn đề và hiếm khi yêu cầu con cái phải tuân thủ quy củ gia đình. Những bố mẹ kiểu này thường hay bị lúng túng trước nhiệm vụ nuôi dạy con cái.
Xao lãng: Quá xa rời
Không hồi đáp cộng với không đòi hỏi nghiêm khắc. Có lẽ là trường hợp tồi tệ nhất trong bốn nhóm. Những bậc cha mẹ này chẳng mấy để ý đến con cái và cũng chẳng buồn tương tác hằng ngày với con mà chỉ đơn thuần đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.
Quyết đoán: Vừa vặn
Hồi đáp tích cực cộng với đòi hỏi nghiêm khắc. Có lẽ đây là trường hợp tối ưu trong bốn nhóm. Những bậc cha mẹ kiểu này đòi hỏi nghiêm khắc, nhưng vô cùng quan tâm đến con cái mình. Họ giải thích các luật lệ và khuyến khích con cái bày tỏ ý kiến riêng. Họ khuyến khích con tự lập trong chừng mực tuân thủ các chuẩn giá trị của gia đình. Những bậc cha mẹ kiểu này thường sở hữu những kỹ năng giao tiếp tuyệt vời với con cái mình.
Những bậc cha mẹ xao lãng có xu hướng sản sinh ra những đứa trẻ cư xử tồi tệ và rất thách thức về mặt tình cảm (chúng cũng thường đạt điểm số kém nhất). Còn những ông bố bà mẹ quyết đoán thì sinh ra những đứa con kiểu như bạn Doug của tôi.
Đến năm 1994, ý tưởng thấu đáo này của Baumrind đã được khẳng định trong một nghiên cứu quy mô lớn trên hàng nghìn sinh viên ở California và Wisconsin. Chỉ dựa vào cách nuôi dạy con cái, các nhà nghiên cứu đã tiên đoán thành công tương lai của đứa trẻ, dù ở tôn giáo nào, chủng tộc nào đi chăng nữa. Những nghiên cứu sâu hơn đã góp phần củng cố và phát triển ý tưởng ban đầu của Baumrind. Làm thế nào mà các bậc cha mẹ lại rơi vào một trong bốn phong cách nuôi dạy này? Câu trả lời sẽ nằm trong món gia vị tiếp theo của chúng ta.
2. Thoải mái với cảm xúc của chính bản thân bạn
Hãy tưởng tượng là bạn ghé qua nhà người bạn thân thiết chơi, hai nhóc Brandon và Madison cặp sinh đôi 4 tuổi của cô ấy đang chơi ở tầng trệt. Đột nhiên, bạn nghe tiếng gào thét. Cặp song sinh đang tranh giành rất hăng: một đứa muốn chơi trò trận giả với mấy bức tượng nhỏ; đứa kia lại muốn bày trò xây nhà cơ. “Đưa em đây!” Bạn nghe tiếng Brandon thét lên, gắng giật lấy mấy bức tượng về mình. “Thế là không đều!” Madison thét trả, cố giằng lấy mấy món từ Brandon. “Đưa cho anh!” Bà mẹ kia muốn bạn phải nghĩ rằng cô ấy có mấy thiên thần bé bỏng chứ không phải quỷ sứ thế này, vậy là cô ấy xồng xộc đi xuống. “Mấy đứa hỗn láo kia!” Cô gầm lên. “Các con không chơi cho tử tế được à? Các con làm mẹ xấu hổ quá, thấy chưa?” Brandon bắt đầu khóc, còn Madison thì tỏ vẻ hờn dỗi, mắt cắm xuống sàn nhà. “Khổ thân tôi, chỉ nuôi rặt một lũ mít ướt,” cô càu nhàu, lại phăm phăm lên cầu thang.
Bạn sẽ làm gì trong tình huống đó, nếu là bố mẹ của cặp song sinh? Dù bạn có tin hay không, thì các nhà tâm lý học có thể dự đoán được phần nào cách hành xử của bạn. John Gottman gọi đó là triết lý siêu-cảm-xúc của bạn. Một siêu-cảm-xúc chính là những gì bạn cảm nhận về các cảm xúc.
Có những người chủ động chào đón các trải nghiệm cảm xúc, coi chúng như một phần quan trọng và làm phong phú thêm hành trình cuộc sống. Tuy nhiên cũng có người nghĩ rằng cảm xúc khiến con người ta yếu đuối và hổ thẹn và cảm xúc cần phải được kìm chế. Lại có những người chia ra hai loại cảm xúc, một loại cảm xúc thì không vấn đề gì, như là vui vẻ và hạnh phúc, và vài loại khác lại nên giữ trong danh sách cấm-ngặt: giận dữ, buồn bã và sợ hãi. Cũng có những người chẳng biết phải xoay xỏa ra sao với cảm xúc của mình và cố gắng tránh xa khỏi chúng. Đó chính là trường hợp của Rachel ở phần đầu chương này. Bất cứ điều gì bạn cảm nhận về những cảm xúc – của chính mình hay ở người khác – đều là triết lý siêu-cảm-xúc. Bạn có nhận ra bốn phong cách nuôi dạy con cái mà Baumrind nêu ra trong những kiểu thái độ này không?
Triết lý siêu-cảm-xúc của bạn hóa ra lại đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của con cái. Nó dự đoán xem bạn sẽ phản ứng ra sao với đời sống tình cảm của trẻ, về phần mình, chính thái độ này lại dự đoán xem trẻ sẽ (hay là, có thể) học cách điều tiết cảm xúc của chính mình ra sao. Do những kỹ năng này liên quan trực tiếp đến năng lực xã hội của một đứa trẻ, nên những gì bạn cảm nhận về cảm xúc có thể ảnh hưởng sâu sắc tới hạnh phúc tương lai của đứa trẻ. Bạn buộc phải thoải mái, thẳng thắn với những cảm xúc của chính mình để khiến con cái mình cũng thoải mái thẳng thắn với cảm xúc của riêng chúng.
3. Theo dấu cảm xúc
Bạn có thể hình dung cơ bản đời sống gia đình nào đó chỉ qua cách người ta nói về nó. Đôi khi toàn bộ tình trạng một mối quan hệ được thốt ra chỉ bằng vài ba câu. Gwyneth Paltrow, minh tinh sân khấu và màn bạc, sinh ra và lớn lên giữa cái nôi điện ảnh, kịch nghệ, mẹ cô là một diễn viên, còn cha là một đạo diễn. Cha mẹ cô chung sống suốt cả đời, mà, xét giữa tình trạng bộn bề xô đẩy của ngành này, thì đúng là một phép thần tiên không kém. Xuất hiện trên tạp chí Parade hồi năm 1998, Paltrow nhắc đến một câu chuyện thế này:
“Khi tôi lên 10, cả nhà đến Anh. Mẹ quay một loạt phim ngắn ở đấy… Còn ba thì đưa tôi sang Paris vào dịp cuối tuần. Hai ba con đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Trên máy bay trở lại London, ba hỏi tôi: ‘Con có biết vì sao ba đưa con tới Paris, chỉ hai ba con mình không?’ Và tôi hỏi, ‘Sao thế ạ?’ Ông đáp, ‘Vì ba muốn con nhìn thấy Paris lần đầu tiên với một người đàn ông sẽ yêu con mãi mãi.’”
Khi giành được tượng vàng Oscar năm 1999, trong bài diễn văn nhận giải tràn trề cảm xúc và ngập tràn nước mắt rất nổi tiếng của mình, Paltrow đã tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Nhờ có gia đình, cô mới biết thế nào là tình yêu thực sự. Cha cô qua đời bốn năm sau đó. Thế nhưng lời tâm sự đầy yêu thương của ông vẫn luôn là một thí dụ tuyệt vời cho thứ mà tôi gọi là “giám sát cảm xúc cân bằng”.
Ở phần trước, tôi đã từng đề cập rằng các bậc cha mẹ thường chú ý kỹ tới đời sống tình cảm của con cái mình bằng một cách thức đặc biệt. Bạn có thể chứng kiến điều này với bà mẹ và em bé chơi trò “ú òa” trong phòng thí nghiệm của Tronick:
Bà mẹ ngừng chơi và ngồi xuống, kiên nhẫn theo dõi… Sau vài giây, đứa trẻ quay mặt trở lại với vẻ mời gọi. Bà mẹ tiến lại gần, mỉm cười, và nói với giọng cao vút: “Ô kìa, bé cưng của mẹ lại đây rồi!” Đứa trẻ mỉm cười đáp lại và ọ ọe.
Bà mẹ hòa hợp đến mức phi thường với những dấu hiệu cảm xúc của con mình. Cô biết rằng việc em bé quay đi có lẽ đồng nghĩa với việc bé cần nghỉ ngơi chốc lát sau đợt lũ cảm giác mà bé vừa nhận được. Bà mẹ lùi lại, kiên nhẫn chờ đợi, và cô chưa tiếp tục chừng nào em bé chưa tỏ dấu hiệu rằng em không còn bị ngợp nữa. Nhờ vậy, em có thể tỏ ra vui mừng khi mẹ quay lại, mỉm cười chứ không vướng phải tình trạng bị kích thích quá mức vì sự xuất hiện liên tục của mẹ. Toàn bộ thời gian chỉ chưa đầy 5 giây, nhưng, về sau, sự tinh nhạy về cảm xúc này có thể tạo ra sự khác biệt giữa một em bé tốt và một kẻ tội phạm vị thành niên.
Trong sự nghiệp dạy dỗ của mình, các bậc cha mẹ có những đứa con hạnh phúc bắt đầu thói quen này từ rất sớm và duy trì nó suốt nhiều năm liền. Họ theo dấu mọi cảm xúc của con cái. Họ không tập trung vào phong cách nuôi dạy kiểu kiểm soát, bất an mà là một phong cách yêu thương và kín đáo, như thể một chuyên gia trị liệu gia đình tận tâm. Họ biết khi nào các con mình hạnh phúc, buồn bã, sợ hãi hay phấn khởi, mà không cần phải hỏi lấy một câu. Họ có thể đọc và diễn giải những tín hiệu ngôn từ và phi ngôn từ của con cái với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Sức mạnh của tiên đoán
Vì sao phong cách này lại hiệu quả đến vậy? Chúng ta chỉ biết được một vài phần của câu chuyện mà thôi. Đầu tiên là bởi các bậc cha mẹ nắm được tình cảm có khả năng tiên đoán hành vi rất tốt. Các ông bố bà mẹ dần dà quen thân với tâm lý con cái mình, họ trở thành những chuyên gia đại tài trong việc dự đoán những phản ứng có khả năng xảy ra trong gần như bất cứ tình huống nào. Điều này dẫn đến việc họ có thứ cảm giác rất bản năng về những điều tích cực hay tiêu cực có thể xảy ra với con cái mình.
Lý do thứ hai là, các bậc cha mẹ liên tục tập trung chú ý bền bỉ suốt nhiều năm tháng sẽ không bị rơi vào cảnh “trở tay không kịp” với quá trình phát triển tình cảm đầy biến động của con mình. Điều này hết sức quan trọng, xét trong bối cảnh những vận động kiến tạo xảy ra trong quá trình phát triển của não bộ suốt thời thơ ấu. Khi trí não của trẻ biến đổi, hành vi của trẻ biến đổi theo, và kết quả là thêm nhiều biến đổi xảy đến với não bộ. Những bậc cha mẹ luôn quan tâm kiểu này sẽ phải nếm trải ít bất ngờ hơn khi con cái mình dần lớn lên.
Tuy vậy, thái quá lại không hề tốt. Cuối thập niên 1980, các nhà nghiên cứu đã kinh ngạc khi phát hiện ra rằng khi các bậc cha mẹ chú ý quá mức đến các tín hiệu của con mình – hồi đáp lại mọi thứ, dù là tiếng lọc sọc hay đằng hắng của con mình – thì cuối cùng, trẻ trở nên kém gắn bó. Trẻ em (giống như tất cả mọi người) đều không thể chịu đựng sự vỗ về thái quá. Cảm giác ngột ngạt khó thở dường như xen vào khả năng tự điều tiết, lẫn lộn với nhu cầu tự nhiên về không gian và sự độc lập.
Trong trò chơi ú òa kể trên, bạn hãy để ý xem có bao nhiêu lượt bà mẹ lui lại để hồi đáp với tín hiệu phát ra từ em bé. Phần lớn các bậc cha mẹ ban đầu đều phải vất vả mới hiểu được khi nào thì con mình đang cảm thấy được yêu thương hay cảm thấy bị bức bối. Một số phụ huynh sẽ không bao giờ hiểu nổi. Một nguyên do khả dĩ có lẽ là bởi cảm xúc của những đứa trẻ khác nhau vốn khác nhau. Dù vậy, bạn vẫn cần phải xác lập mức cân bằng (xin mời chèn toàn bộ phần thảo luận về nguyên tắc Goldilocks của chúng ta vào đây). Các bậc cha mẹ không từ chối thấu cảm với con sẽ góp phần tạo nên những mối gắn bó an toàn nhất.
4. Diễn tả cảm xúc bằng ngôn từ
“Con không thích đâu,” cô bé 3 tuổi làu bàu một mình lúc khách khứa lục tục ra về. Khổ sở chịu đựng suốt cả buổi tiệc sinh nhật chị gái, con bé giờ đây phát khùng. “Con muốn búp bê của chị Ally cơ, không phải con này!” Bố mẹ đã mua cho nó một món quà an ủi, nhưng toàn bộ kế hoạch ấy đã phá sản. Con bé ném bịch búp bê xuống sàn. “Búp bê của chị Ally cơ! Của chị Ally cơ!” Bé bắt đầu khóc. Bạn có thể tưởng tượng là ông bố bà mẹ có thể lựa chọn cách nào trong mấy cách hành xử khi đối mặt với một cô bé con đang giận dỗi thế này.
“Trông con có vẻ buồn. Con có buồn không?” bố cô bé hỏi. Con bé gật đầu, vẻ vẫn tức giận. Ông bố nói tiếp: “Bố nghĩ là bố biết tại sao đấy. Con buồn vì chị Ally có bao nhiêu là quà. Còn con chỉ có mỗi một món!” Cô nhóc lại gật đầu tiếp. “Con muốn có từng nấy quà cơ, mà lại không được, thế là không công bằng và làm con thấy buồn. Cứ khi nào ai đó có được thứ bố thích mà bố không có, bố cũng thấy buồn chứ.” Im lặng.
Rồi ông bố nói ra một câu thể hiện đặc trưng lớn nhất của một vị phụ huynh giỏi khoa nói. “Chúng ta có một từ để miêu tả cảm giác này, con yêu ạ. Con có muốn biết đấy là từ gì không?” Nó thút thít “Có ạ.” Ông bố ôm con vào lòng. “Chúng ta gọi là ganh tị đấy. Con muốn các món quà của chị Ally, mà lại không được. Con đang ganh tị.” Nó khóc ti tỉ nhưng bắt đầu bình tĩnh trở lại. “Ganh tị,” nó sụt sịt. “Ừ,” ông bố đáp, “và đấy là một cảm giác khó chịu cực kỳ.” “Cả ngày lúc nào con cũng ganh tị hết,” nó đáp, nép mình vào trong vòng tay to lớn vững chắc của bố mình.
Người cha nhân hậu này rất thạo a) dán nhãn cảm xúc của mình và b) dạy cho con gái mình cách dán nhãn những cảm xúc của bé. Anh biết rõ là nỗi buồn trong lòng mình có dáng vẻ ra sao và gọi tên nó ra rất dễ dàng. Anh cũng biết nỗi buồn trong lòng đứa trẻ ra sao và anh dạy cho con gái mình biết cách nói nó ra. Anh cũng thạo cách dạy về niềm vui, sự giận dữ, gớm ghiếc, bận tâm, sợ hãi – toàn bộ các trải nghiệm của con gái mình.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen dán nhãn cảm xúc này là một hành vi chủ chốt của tất cả những bậc cha mẹ nuôi dạy được những đứa con hạnh phúc. Những đứa trẻ được “phơi” ra trước hành vi nuôi dạy này đều đặn, thường xuyên sẽ biết cách tự xoa dịu bản thân, có thể tập trung cao độ hơn vào các nhiệm vụ và có quan hệ bạn bè tốt hơn. Thông thường, biết được rằng nên làm gì khó hơn là biết nên nói gì. Nhưng đôi khi, tất cả những gì cần làm là nói ra điều đó.
Dán nhãn cảm xúc chính là xoa dịu về mặt tâm lý
Hãy để ý trong câu chuyện trên, khi người cha diễn giải cảm xúc của cô con gái, thì cô bé bắt đầu dịu xuống. Đây là một phát hiện phổ biến và có thể đo lường được trong phòng thí nghiệm. Diễn đạt bằng ngôn từ có tác động xoa dịu đối với hệ thần kinh của trẻ. (Với người lớn cũng vậy.) Vậy nên, một Quy luật Trí não: Những cảm xúc được gọi tên làm dịu đi giông tố.
Đây là những gì chúng ta nghĩ rằng đang diễn ra trong trí não. Giao tiếp ngôn từ và phi ngôn từ giống như hai hệ thần kinh đan cài vào nhau. Trí não của trẻ nhỏ kết nối hai hệ thống này chưa thật tốt. Cơ thể của trẻ có thể cảm nhận nỗi sợ hãi, gớm ghiếc và cả niềm vui trước khi bộ não có thể nói về chúng. Điều này có nghĩa là con bạn sẽ trải nghiệm những đặc tính sinh lý học của cảm xúc trước khi biết được những cảm xúc ấy là gì. Đó là lý do tại sao những cảm xúc dữ dội lại thường rất đáng sợ với những con người nhỏ bé này (cơn thịnh nộ thường tự sinh sôi bởi chính nỗi sợ hãi này). Đó không phải là một khoảng hụt không thể chống đỡ nổi. Trẻ sẽ phải khám phá ra xem điều gì đang xảy ra với những cảm xúc dữ dội trong mình, bất kể thoạt trông chúng đáng sợ đến mức nào. Trẻ sẽ cần phải kết nối hai hệ thống thần kinh này lại với nhau. Các nhà nghiên cứu tin rằng việc học cách dán nhãn cảm xúc sẽ tạo ra sợi dây kết nối. Cây cầu này được kiến tạo sớm bao nhiêu, thì bạn sẽ sớm được chứng kiến những hành vi tự xoa dịu bấy nhiêu, cùng với nhiều lợi ích khác nữa. Nhà nghiên cứu Carroll Izard đã chứng tỏ rằng trong những gia đình không cung cấp những chỉ dẫn kiểu này, các hệ thống ngôn từ và phi ngôn từ duy trì tình trạng rời rạc không kết nối, hoặc chỉ mắc vào nhau theo một cách kém lành mạnh nào đó. Thiếu vắng các mẩu nhãn để miêu tả những cảm xúc của mình, đời sống tình cảm của một đứa trẻ sẽ luôn rơi vào tình trạng một đống hỗn tạp những trải nghiệm sinh lý học.
Chính tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến sức mạnh của việc dán nhãn cảm xúc này. Một trong hai cậu con trai của tôi có thể dễ dàng bùng lên những cơn giận dữ khủng khiếp. Qua một tài liệu nghiên cứu, tôi được biết rằng những cơn giận dữ thảng hoặc là chuyện bình thường đối với các em bé vài năm đầu đời (chủ yếu là do cảm giác về sự độc lập đã thử thách lòng dũng cảm và sự trưởng thành về cảm xúc của trẻ). Nhưng đôi lúc, lòng tôi vẫn tan nát vì nó. Nó có vẻ không vui, và đôi khi là sợ hãi thực sự. Khi đó, tôi luôn ghé lại thật gần con, chỉ để trấn an nó rằng có ai đó luôn yêu thương con đang ở cạnh bên (tất cả mọi người đều có thể học điều này từ cha của diễn viên Paltrow).
Một hôm, khi cậu con trai của tôi vừa mới lắng lại sau một cơn giận, tôi nhìn thẳng vào nó và bảo: “Con biết đấy, con trai. Chúng ta có một từ dành cho cảm giác này. Ba muốn nói cho con biết từ đấy. Có được không?” Nó gật đầu, vẫn còn khóc. “Nó gọi là ‘chán’ đấy. Con đang cảm thấy chán. Con tự nói ‘chán’ được không?” Nó đột nhiên nhìn thẳng vào tôi cứ như thể nó vừa bị cả đoàn tàu húc vào vậy. “Chán! Con thấy CHÁN!!” Vẫn còn sụt sịt, nó ôm lấy chân tôi, như bấu víu chiếc phao cứu sinh của cuộc đời. “Chán! Chán! Chán!” nó cứ nhắc đi nhắc lại liên hồi, cứ như thể từ ấy là sợi dây an toàn được ném vào chỗ nó từ người cứu hộ đầu tiên vậy. Nó nhanh chóng bình tĩnh lại.
Đúng như những gì tài liệu khoa học đã nói: việc học cách diễn đạt cảm xúc của ai đó bằng ngôn từ có tác dụng xoa dịu thần kinh cực kỳ mạnh mẽ. 
Sẽ ra sao nếu bạn không quen xem tự xem xét cảm xúc?
Có lẽ bạn sẽ cần phải luyện tập việc định danh những cảm xúc của chính mình một cách rành rọt, rõ ràng. Khi bạn trải nghiệm những cảm xúc như hạnh phúc, ghê tởm, giận dữ, vui vẻ, hãy nói ra điều đó. Chuyện này có thể khó khăn hơn bạn tưởng, đặc biệt là trong trường hợp bạn không mấy quen với việc đào sâu vào những cấu trúc tâm lý bên trong mình và tuyên bố những gì bạn khai phá được. Nhưng hãy làm điều đó vì con mình. Hãy nhớ rằng, lối hành xử của người lớn ảnh hưởng tới lối hành xử của trẻ theo hai cách: đưa ví dụ và thông qua can thiệp trực tiếp. Hãy thiết lập thói quen dán nhãn các loại cảm xúc ngay bây giờ. Rồi sau đó, theo thời gian, con bạn dần biết sử dụng ngôn từ, bé sẽ có cả một núi ví dụ để làm theo trong quá trình bạn nuôi dạy bé nên người. Ích lợi từ việc này sẽ kéo dài suốt phần đời còn lại của bé.
Chỉ một lưu ý: Mục đích của việc huấn luyện này chính là nhằm gia tăng sự chú ý của bạn. Bạn có thể chú ý đến những cảm xúc của mình mà không cần phải xúc động thái quá. Bạn không bị ép buộc phải biểu diễn một màn “phơi trần” cảm xúc với bất cứ ai chỉ đơn thuần bởi lý do bạn đang chú ý đến những gì mình cảm thấy bên trong. Mấu chốt ở đây là:
• Bạn biết rằng bạn đang trải nghiệm một cảm xúc nào đó.
• Bạn có thể định danh cảm xúc ấy nhanh chóng và có thể diễn đạt nó bằng ngôn từ nếu cần thiết.
• Bạn có thể nhận biết được cảm xúc ấy ở những người khác với tốc độ nhanh chóng y như vậy.
Mười năm học nhạc
Còn có một cách thức hiệu quả khác để tinh chỉnh việc lắng nghe những khía cạnh tình cảm của một đứa trẻ: học nhạc. Các nhà nghiên cứu ở Chicago đã chứng minh rằng những em bé thành thục âm nhạc – những em có học bất cứ nhạc cụ nào trong khoảng thời gian ít nhất 10 năm, bắt đầu từ tuổi lên 7 – sẽ phản ứng đặc biệt nhạy với những biến thể tinh tế trong những tín hiệu chất chứa cảm xúc, ví như hành động khóc của trẻ. Các nhà khoa học đã theo dấu những biến đổi về thời điểm, cao độ và cả âm sắc trong hành động khóc của trẻ, tất cả đều đổ dốc xuống trên thân não của một nhạc công, để xem điều gì xảy ra.
Những đứa trẻ không tập nhạc nghiêm túc không thể hiện sai biệt gì lắm. Chúng không nhặt ra được những thông tin ẩn sâu trong tín hiệu đó, thế nên sẽ ít khả năng nhận biết cảm xúc. Dana Strait – tác giả đầu tiên của nghiên cứu này, đã viết rằng: “Việc não bộ của những trẻ này phản ứng nhanh chóng và chính xác hơn não bộ của những đối tượng phi-âm-nhạc là một điều chúng tôi mong đợi sẽ chuyển sang thành sự nhận biết cảm xúc trong những bối cảnh khác.”
Phát hiện này cực kỳ rõ ràng, có tính thực tiễn tuyệt vời và có phần bất ngờ. Nó gợi ra rằng nếu bạn muốn con cái mình hạnh phúc trên đường đời, thì hãy giúp trẻ bắt đầu hành trình âm nhạc sớm. Rồi đảm bảo chắc chắn rằng trẻ sẽ gắn chặt với hành trình ấy cho đến khi đủ lớn để tự tay điền vào đơn dự tuyển vào trường Harvard, có thể còn khe khẽ hát suốt quá trình ấy nữa.
5. Lao mình vào giữa những cảm xúc
Đó chính là cơn ác mộng tồi tệ nhất của mọi bậc mẹ cha: con bạn rơi vào một tình huống sống chết mong manh, cố bám lấy sự sống ở bờ rìa chông chênh, bạn không cách nào chìa tay giúp sức.
Vào tháng Hai năm 1996, cô bé Marglyn Paseka 15 tuổi và một đứa bạn đang chơi bên bờ sông Mantanzas thì đột nhiên bị một cơn lũ quét vùng trung tâm California cuốn đi. Bạn đồng hành của cô bé gắng lóp ngóp bò lên bờ và chạy thoát thân. Marglyn không thể. Cô bé bị mắc kẹt trên một nhánh cây, nước cuồn cuộn xung quanh cô bé như xe cộ đảo điên giờ cao điểm, suốt 45 phút đồng hồ. Đến lúc những người cứu hộ đầu tiên đến hiện trường, cô bé gần như kiệt sức. Những người chứng kiến, trong đó có mẹ của Marglyn, đều hốt hoảng hét lên.
Viên cảnh sát cứu hỏa Don Lopez thì không la hét hay chần chừ gì cả. Anh lập tức ngâm mình xuống dòng nước lạnh băng gào thét và bắt đầu gắng sức mắc một sợi dây an toàn vào chỗ cô bé. Không thành, một lượt, hai lượt… rồi tới vài lượt. Cô bé gần như đã cạn kiệt sức lực khi Lopez, vào giây cuối cùng, đã vắt được dây cứu hộ vào người cô. Phóng viên ảnh Annie Wells có mặt tại hiện trường làm việc cho tờ Press Democrat của Santa Rosa, và cô đã chộp được khoảnh khắc ấy (và cả một giải thưởng Pulitzer sau đó). Đó là một bức ảnh phi thường, cô bé tuổi teen yếu sức đã gần như thả tay khỏi cành cây, còn viên cảnh sát cứu hỏa cơ bắp khỏe mạnh cứu mạng em. Cũng giống như những nhân viên cứu hộ khẩn cấp ở bất cứ nơi nào, trong khi những người khác thì hoặc gào thét, hoặc ngồi xem, hoặc chạy biến đi, chỉ riêng Lopez lao thẳng vào giữa nguy hiểm.
Những bậc phụ huynh nuôi dạy những đứa con như anh bạn Doug của tôi, anh chàng đọc diễn văn ngày bế giảng, hết sức dũng cảm. Họ không hề nao núng, sợ sệt khi đối mặt với những cơn sóng cảm xúc điên cuồng nổi lên từ con cái mình. Họ không gắng sức chế ngự những cảm xúc này, hay tảng lờ, hay cho phép chúng thỏa sức bùng phát. Thay vào đó, những bậc phụ huynh này cũng tham gia vào những cảm xúc mạnh mẽ đó của con mình. Họ có bốn loại thái độ để ứng xử với các cảm xúc (đúng vậy, chính là những siêu-cảm-xúc của họ đấy):
• Họ không đánh giá về cảm xúc.
• Họ thừa nhận bản chất phản thân của cảm xúc.
• Họ biết rằng hành vi là lựa chọn, cho dù cảm xúc thì không phải như thế.
• Họ coi một cơn khủng hoảng như một thời khắc có thể dạy dỗ.
Họ không đánh giá về cảm xúc
Rất nhiều gia đình cấm ngặt con cái thể hiện những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi hay tức giận. Đồng thời đặt hạnh phúc và yên bình lên làm đầu. Còn đối với những bậc cha mẹ như của Doug trên khắp thế giới, không có gì sánh cho bằng một cảm xúc tồi tệ. Và cũng chẳng có gì sánh cho bằng một cảm xúc tốt lành. Một cảm xúc nào đó vẫn hiện hữu ở đó – hoặc không. Những bậc cha mẹ kiểu này dường như biết rõ rằng những cảm xúc không khiến con người ta yếu ớt và cũng chẳng làm người ta mạnh mẽ. Chúng chỉ khiến con người ta đúng thực là con người. Kết quả là kiểu thái độ rất hiểu biết là “hãy-cứ-để-lũ-trẻ-được-là-chính-mình”.
Họ thừa nhận bản chất phản thân của cảm xúc
Có những gia đình xử trí với những cảm xúc “nóng” bằng cách chủ động tảng lờ chúng, hy vọng rằng con cái mình sẽ “bỏ quách nó đi” hệt như bố mẹ vậy. Nhưng chối từ sự tồn tại của cảm xúc chỉ khiến chúng thêm phần tệ hại. (Những người trốn tránh cảm xúc của mình thường chỉ gặp rắc rối.) Các bậc cha mẹ nuôi dạy nên những đứa con hạnh phúc hiểu rằng không một kỹ thuật nào con người từng biết tới lại có khả năng làm biến mất một cảm xúc nào đó, dù cho không ai muốn nó luẩn quẩn quanh mình. Những phản ứng cảm xúc đầu tiên cũng tự động hệt như nháy mắt vậy. Chúng sẽ không biến mất chỉ vì người ta nghĩ rằng chuyện ấy phải xảy ra.
Vậy thì những kiểu thái độ ngăn chặn hay tảng lờ các cảm xúc sẽ thể hiện ra sao trong đời thực? Hãy thử tưởng tượng rằng con cá vàng gia đình nuôi, con thú cưng duy nhất mà cậu con trai 3 tuổi Kyle của bạn từng biết, bỗng nhiên qua đời. Rõ ràng là rất buồn, Kyle thẫn thờ quanh nhà cả ngày, nói ra những câu kiểu như “Con muốn cá vàng cơ!” hay “Đưa cá vàng về lại đây cho con!” Bạn cố gắng lờ Kyle đi, nhưng tâm trạng của cậu con trai cuối cùng cũng vẫn khiến bạn phải phiền lòng. Bạn sẽ làm gì đây?
Một cách phản ứng có thể là: “Kyle, cá của con chết rồi, nhưng cũng không sao đâu con. Nó chỉ là con cá thôi mà. Chết cũng là một chuyện bắt buộc trong cuộc sống của mình, và con cần phải biết điều đó. Chóng lau nước mắt đi, con ngoan, rồi ra ngoài chơi nào.” Cách khác có thể là: “Không sao mà cưng. Con thấy đấy, từ lúc con ra đời thì cá đã già rồi. Ngày mai mình ra tiệm và mua một con khác là được. Giờ thì làm mặt vui cho mẹ xem nào, rồi đi ra ngoài chơi ngoan nhé!” 
Cả hai cách phản ứng này đều hoàn toàn tảng lờ những gì Kyle cảm nhận vào thời điểm này. Một cách dường như chủ động bác bỏ nỗi đau buồn của Kyle; cách kia thì gắng che đậy nó. Không có cách nào trong số này trực tiếp xử trí với những cảm xúc gay gắt của Kyle. Chúng không hề mang lại cho cậu bé công cụ có thể giúp em tìm đường vượt qua nỗi buồn. Bạn có biết Kyle có thể sẽ nghĩ thế nào không? “Nếu chuyện này đúng là không đáng gì, thế thì tại sao mình lại thấy khó chịu đến thế? Mình phải làm thế nào bây giờ? Chắc mình bị làm sao rồi.”
Ngày qua ngày, các bậc cha mẹ của những đứa trẻ hạnh phúc không cho phép những hành vi tồi tệ được tồn tại, đơn giản là bởi họ hiểu rõ chúng bắt nguồn từ đâu. Một cô bé có thể tát em trai vì cảm thấy bị đe dọa. Tâm trạng đó không làm cho việc “tát em bé” trở nên có lý. Những bậc cha mẹ như thế này hiểu rằng các bé được lựa chọn xem nên thể hiện những cảm xúc của mình ra sao, phải là phản thân mặc dù những cảm xúc có thể là như vậy đi chăng nữa. Họ có hẳn một danh sách, không phải bao gồm những cảm xúc được cho phép hay ngăn cấm, mà là những hành động được cho phép hoặc ngăn cấm. Và các bậc phụ huynh thắt chặt kỷ cương, kiên tâm dạy cho các con mình biết xem những lựa chọn nào là phù hợp, lựa chọn nào thì không. Các ông bố bà mẹ như của bạn Doug nói năng rất nhẹ nhàng nhưng luôn kè kè một cuốn quy tắc rõ rành rành.
Một số gia đình không có cuốn sổ quy tắc như thế. Một số bậc phụ huynh cho phép con cái mình được tự do bày tỏ bất cứ cảm xúc nào, cư xử bất kể ra sao ở bất kỳ đâu. Họ tin rằng mình chẳng thể can thiệp được gì nhiều vào mạch cảm xúc tiêu cực, ngoại trừ việc để mặc cho dòng cảm xúc ấy trôi đi. Những ông bố bà mẹ có những kiểu thái độ này đang đi dần từ bỏ trách nhiệm dạy dỗ con cái của mình. Xét về khía cạnh số liệu, họ sẽ nuôi dạy nên những đứa con phiền hà nhất so với tất cả những đứa trẻ được dạy dỗ theo các phong cách khác nhau mà người ta từng kiểm nghiệm.
Có tồn tại một truyền thuyết, đó là giải phóng cảm xúc khiến mọi thứ ổn thỏa hơn. “Xả ra tốt hơn nuốt vào,” người ta vẫn nói thế. Công sức của gần nửa thế kỷ nghiên cứu đã chứng minh rằng “tức xịt khói” thường chỉ tăng thêm cơn tức giận. Trường hợp duy nhất mà việc bộc lộ nỗi tức giận theo cách ấy có tác dụng là khi nó được song hành ngay lập tức với việc giải quyết vấn đề theo hướng xây dựng. Nhà văn C.S. Lewis quan sát trong Chiếc ghế bạc, một cuốn trong bộ Biển niên sử Narnia: “Khóc lóc cũng ổn, chỉ trong lúc đó mà thôi. Nhưng sớm hay muộn gì bạn cũng phải nín, và rồi, bạn vẫn sẽ phải quyết định xem sẽ làm gì.”
Họ coi một cơn khủng hoảng 
như một thời khắc có thể dạy dỗ
Những bậc phụ huynh nuôi dạy được những đứa con hạnh phúc luôn luôn lùng sục trong những cảm xúc căng thẳng của con cái mình, tìm kiếm những thời khắc mang tính giáo dục. Dường như họ có được trực giác rằng con người ta sản sinh ra một thay đổi lâu dài nào đó là để phản ứng trước một cơn khủng hoảng. Và họ thường chào đón những thời khắc căng thẳng hứa hẹn này.
“Bạn sẽ không bao giờ muốn một cơn khủng hoảng nào đó bị lãng phí” là kiểu thái độ phổ biến ở những gia đình như thế này, cũng giống hệt như trong một số nhóm chính trị nào đó. Vấn đề đứa trẻ đang gặp phải có thể nhỏ nhặt đến nực cười với cha mẹ của trẻ, chẳng phải thứ gì đó đáng để tiêu phí thời gian quý giá. Nhưng những bậc cha mẹ kiểu của Doug thì nhận ra rằng họ không nhất thiết phải hứng thú với vấn đề nào đó thì mới chịu giải quyết nó. Họ thường thay thế cụm từ “thảm họa tiềm tàng” bằng từ “bài học tiềm năng”, chỉ việc này thôi đã là một cú đảo lộn cực kỳ khác biệt trong cách nhìn nhận xem một thảm họa là như thế nào rồi.
Việc đó sẽ mang lại hai hệ quả trong dài hạn. Thứ nhất, nó làm cho các bậc phụ huynh cảm thấy thư thái khi phải đối mặt với những cú phân rã cảm xúc. Nó mang lại nhiều lợi ích, bởi nó đem đến cho những đứa con một thí dụ đầy quyền năng để ganh đua khi sóng gió xảy ra trong đời sống của chúng khi đã trưởng thành. Thứ hai, sẽ ít xảy ra những thảm họa cảm xúc hơn. Đó là bởi vấn đề thời điểm hết sức quan trọng: Cách tốt nhất để hạn chế thiệt hại trong một vụ hỏa hoạn là dập tắt lửa cho nhanh. Nếu bạn lao vào ngọn lửa thay vì để mặc nó cháy lan, những hóa đơn tu sửa của bạn sau đó có khả năng sẽ ít hơn. Bạn sẽ dập tắt ngọn lửa ra sao? Đó chính là món gia vị thứ sáu của chúng ta.
6. Hai tấn thấu cảm
Thử đặt tình huống bạn đang đứng trong một hàng dài chờ đợi ở bưu điện với Emily, cô con gái 2 tuổi hiếu động của mình. Con bé tuyên bố: “Con muốn uống nước.” Bạn bình tĩnh đáp lại: “Cưng à, bây giờ thì mẹ không lấy nước cho con được. Vòi nước bị hỏng rồi.” Emily bắt đầu gắt gỏng. “Con muốn uống nước!” Giọng bé vỡ ra. Bạn lường trước được những gì sắp xảy ra, và huyết áp của bạn bắt đầu tăng lên. “Mẹ con mình phải đợi đến lúc về nhà thôi. Ở đây không có nước rồi,” bạn nói. Con bé vặn lại: “Con muốn uống nước NGAY!” Cuộc đối đáp càng lúc càng căng thẳng, có nguy cơ biến thành một cơn giông tố ngay giữa chốn đông người. Làm sao bây giờ? Dưới đây là ba phương cách bạn có thể làm: 
• Bạn chọn cách không thèm đếm xỉa đến cảm giác của con gái và nói giọng cộc cằn: “Mẹ bảo rồi, đợi đến lúc về nhà. Ở đây không có nước. Bây giờ thì yên nào.”
• Lo ngại về một cú bùng nổ cảm xúc gây hổ thẹn, bạn trách móc lối phản ứng của con mình và rít lên giận dữ: “Con làm ơn im đi được không? Đừng có làm mẹ phải xấu hổ trước mặt bao nhiêu người thế này.”
• Không biết phải làm sao, bạn nhún vai và mỉm cười yếu ớt để mặc con mình lấn lướt. Cảm xúc của con bé đạt tới điểm nút về độ, rồi bùng ra, làm tiêu tan tất cả những kỹ năng dạy dỗ của bạn.
Haim Ginott, một trong những chuyên gia tâm lý học trẻ em có ảnh hưởng lớn nhất trong thế hệ ông, sẽ nói rằng không có lựa chọn nào ở trên là tốt cả. Ông đề xuất một loạt những việc-nên-làm đối với các bậc phụ huynh hồi cuối thập niên 1960 mà, qua rất nhiều năm được kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm của John Gottman và cả những người khác nữa, đã thể hiện tính tiên đoán lớn lao. Đáng lẽ ra bạn nên thực hiện theo cách này: thừa nhận những cảm xúc của con mình và tỏ ra đồng cảm: “Con khát lắm, đúng không nào? Bây giờ mà được uống một ngụm nước mát lạnh thì còn gì bằng. Mẹ ước giá mà vòi nước đừng bị hỏng, thế thì mẹ sẽ bế con lên và cho con uống bao nhiêu cũng được.”
Nghe lạ tai thế nào ấy nhỉ? Rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng phản ứng thế này chỉ khiến mọi sự tệ hơn, giống như là cố dập tắt một ngọn lửa bằng dầu. Nhưng sự thực là như vậy. Các phản xạ thấu cảm và những chiến lược kèm cặp vây quanh chúng chính là lối hành xử duy nhất có tác dụng dập tắt những tình huống cảm xúc căng thẳng trong ngắn hạn – và làm giảm tần suất trong dài hạn. Hãy để ý xem bạn đương đầu trực tiếp với những phản ứng của con mình bằng cách thứ tư đó chứ không tảng lờ nó đi. Hãy để ý xem bạn diễn đạt các cảm xúc của con mình bằng ngôn từ, thừa nhận chúng và bày tỏ sự thấu hiểu. Đây chính là thấu cảm. Lynn Katz tại Đại học Washington gọi nó là “kèm cặp cảm xúc”. Gottman cũng vậy. Ý tưởng này nảy sinh trực tiếp từ những hiểu biết sâu sắc của Ginott về cách nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Vậy thì, Rachel nên nói gì với Tyler khi cậu bé muốn ăn bánh quy thay vì cà rốt như tình huống ở phần đầu chương này? Cô nên bắt đầu bằng việc nói một điều đã rõ rành rành: “Con muốn ăn một cái bánh quy, đúng không nào?”

VÌ SAO THẤU CẢM LẠI PHÁT HUY TÁC DỤNG

Chúng tôi cho rằng có vài nguyên cớ sinh lý học khiến thấu cảm phát huy tác dụng, đó là nhờ vào những nỗ lực nghiên cứu dường như không liên quan: một nỗ lực nhằm thấu hiểu hành vi của đám đông và nỗ lực nhằm định rõ rặc điểm của mối quan hệ bác sĩ-bệnh nhân ở mức tối ưu.
Cảm xúc mang tính lây lan
Một người nào đó nhiều khả năng sẽ trải nghiệm những cảm xúc nảy sinh từ cảm xúc của đám đông vây quanh mình. Nếu những người xung quanh bạn đang sợ hãi, giận dữ hay hung hãn, bạn thường cũng có ngay những cảm xúc tương tự, cứ như thể nó là virút vậy. Các nhà điều tra quan tâm đến việc đám đông ảnh hưởng ra sao tới hành vi của từng cá nhân đã khám phá ra hiện tượng lây lan cảm xúc này. Nó cũng ứng vào một vạt trải nghiệm cảm xúc rộng lớn, trong đó có cả tính hài hước. Chính bạn cũng đã được “phơi” ra trước hiện tượng này suốt bao nhiêu năm nay. Để cố gắng lôi kéo bạn “bắt” vào cảm giác hài hước, các phim truyền hình trên ti vi thường kèm thêm cả các tràng cười sẵn.
Thấu cảm làm dịu cơn căng thẳng
Nhóm nghiên cứu thứ hai lại xem xét làm thế nào để tối ưu hóa mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Hiện tượng này rất đánh đố: các bác sĩ điều trị có nhịp tim và nhiệt độ ngoài da đồng bộ với nhịp tim và nhiệt độ của bệnh nhân trong các phiên phỏng vấn lâm sàng nhận thấy rằng bệnh nhân của họ hồi phục nhanh hơn và khỏi hoàn toàn so với những bác sĩ điều trị có các điều kiện sinh lý học không tương hợp với bệnh nhân. Hiện tượng này được gọi bằng thuật ngữ, khá hợp lý, là đồng đại sinh lý học. Bệnh nhân của những bác sĩ “đồng cảm” này thường khỏi những cơn cảm lạnh nhanh hơn, hồi phục sau phẫu thuật nhanh hơn (với ít biến chứng hơn) và cũng ít phải kiện tụng vì những sơ suất trong điều trị. Sự hiện diện của thấu cảm thực tế là vấn đề sống còn với sức khỏe.
Phát hiện sinh học này trực tiếp dẫn tới một khám phá khác, rằng thấu cảm có tác dụng xoa dịu con người. Khi não bộ nhận biết được sự thấu cảm, các dây thần kinh mê tẩu thả lỏng cơ thể. Dây thần kinh này kết nối thân não bới các khu vực khác trên cơ thể, trong đó có cả vùng bụng, ngực và cổ. Khi bị kích thích quá độ, nó sẽ gây ra đau đớn và buồn nôn.
Việc này có thể cần nỗ lực rèn luyện
Nếu như bạn cảm thấy việc thể hiện sự thấu cảm một cách đều đặn, thường xuyên thật khó, thì cũng là điều dễ hiểu. Bạn có thể phát hiện ra khi đón đứa con đầu lòng, rằng thế giới trước kia, hóa ra xoay quanh một mình bạn, bạn và chỉ bạn mà thôi. Giờ đã đổi sang thành xoay quanh một mình bọn trẻ, bọn trẻ và chỉ bọn trẻ mà thôi. Đây là một trong những phần “khó nhằn” nhất trong bản hợp đồng xã hội kia. Nhưng khả năng dịch chuyển từ bản thân sang bọn trẻ, một việc do sự thấu cảm thôi thúc bất cứ ai phải làm, sẽ tạo nên tất cả những biến đổi cho trí não của con cái bạn.
Kể cả thấu cảm dường như nảy ra từ những nguồn thiên bẩm đi chăng nữa, thì con bạn vẫn phải trải nghiệm nó một cách đều đặn để thành thạo việc bày tỏ nó ra ngoài. “Thấu cảm xuất phát từ việc được thấu cảm,” Stanley Greenspan, một giáo sư lâm sàng tâm thần học và nhi khoa tại Trường Dược thuộc Đại học George Washington đã nói như vậy trong cuốn sách Nhứng đứa trẻ xuất sắc (Great Kids) của mình. Để có thể nuôi dạy nên những đứa con giàu lòng thấu cảm, bạn nhớ phải rèn luyện sự thấu cảm thật đều đặn thường xuyên, với bạn bè, với vợ/ chồng mình, với các bạn đồng nghiệp. Cũng giống như trong môn quần vợt vậy, những tay vợt mới tập tọng vào nghề sẽ chơi tốt nhất khi có thể thường xuyên luyện tập với những tay chuyên nghiệp. Con bạn càng được chứng kiến sự thấu cảm nhiều bao nhiêu, nó sẽ càng phát triển đầy đủ về mặt xã hội bấy nhiêu, và nó sẽ càng hạnh phúc hơn. Đến lượt mình, con bạn cũng sẽ sản sinh ra những đứa cháu giàu lòng thấu cảm – sẽ là nguồn an ủi lớn lao khi tuổi già xế bóng, nhất là với viễn cảnh nền kinh tế ủ ê ọp ẹp.
Thật may, để có thể tặng cho con mình món quà “khả năng điều tiết tình cảm”, bạn không cần phải tung hứng cả sáu loại gia vị này suốt 24 giờ mỗi ngày. Nếu như 30% trong tổng lượng tương tác giữa bạn với con mình là thấu cảm, thì, Gottman dám chắc, rằng bạn sẽ nuôi dạy được một đứa con hạnh phúc. Liệu điều này có đồng nghĩa với việc 70% thời gian còn lại bạn có thể xả hơi chút đỉnh? Có lẽ. Thực đúng như vậy, các số liệu đã nhắm thẳng vào sức mạnh to lớn của việc tập trung chú ý đến các cảm xúc. Rất nhiều các bậc phụ huynh không nuôi dạy được những đứa con như bạn Doug của tôi. Nhưng không có lý do gì mà bạn lại không làm được điều đó cả.
Những điểm cốt yếu
• Em bé của bạn cần bạn phải quan sát, lắng nghe và phản hồi.
• Cách thức cha mẹ xử trí với những cảm xúc căng thẳng của các bé chính là một nhân tố lớn lao quyết định xem chúng sẽ hạnh phúc đến mức nào khi trở thành người lớn.
• Trẻ hạnh phúc nhất khi cha mẹ chúng đòi hỏi nghiêm khắc nhưng từ tốn, ấm áp.
• Cảm xúc nên được thừa nhận và nêu đích xác, chứ không nên bị đánh giá. 
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.