Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc

QUAN HỆ VỢ CHỒNG



Quy luật trí não

Hôn nhân viên mãn, con trẻ hạnh phúc
Não bộ kiếm tìm sự an toàn trên tất thảy
Điều hiển nhiên chỉ hiển nhiên với bạn
 

QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác gần như hoàn toàn choáng ngợp khi hai vợ chồng đưa cậu con trai đầu lòng từ bệnh viện về nhà. Lần đầu tiên chúng tôi đặt con vào ghế ngồi trên xe, thầm cầu trời rằng hai vợ chồng đã cài dây an toàn đúng cách. Tôi lái xe từ viện về nhà với tốc độ sên bò. Vợ tôi ngồi ở ghế sau để trông chừng con. Tính đến thời điểm ấy, mọi thứ thật tuyệt vời.
Khi cậu chàng bé nhỏ vào trong nhà, gương mặt nhỏ xíu của nó nhăn lại vẻ khó chịu. Nó bắt đầu thét lên. Chúng tôi thay tã cho con, nó vẫn gào thét. Vợ tôi cho nó ăn. Nó ực ực một hai ngụm gì đấy, rồi quay lại gào thét, giãy ra khỏi vòng tay của vợ tôi, cố chuồi người đi. Việc này có xảy ra trong bệnh viện đâu. Hay chúng tôi làm gì sai chăng? Tôi ẵm cu cậu. Rồi đến vợ tôi ẵm cu cậu. Cuối cùng, nó cũng im lặng. Rồi có vẻ cậu chàng bắt đầu ngủ. Chúng tôi nhẹ hết cả người. “Vợ chồng mình làm được mà,” chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại với nhau như thế. Đêm đã khuya rồi, và chúng tôi quyết định sẽ ngủ theo cu cậu. Nhưng hai vợ chồng chưa kịp ngả đầu xuống gối, Joshua lại khóc ré lên. Vợ tôi bật dậy, cho nó ăn, rồi sang tay cho tôi. Tôi vỗ nhẹ cho xuống sữa, đổi tay bế, rồi đặt thằng bé nằm rồi quay trở lại giường. Nằm còn chưa ấm chỗ, tiếng khóc gào lại vang lên. Vợ tôi kiệt sức. Cô ấy còn đang trong giai đoạn hồi phục sau ca sinh nở dài 21 tiếng đồng hồ, chẳng còn sức mà giúp một tay. Tôi trở dậy, ẵm con lên, rồi lại đặt xuống giường cũi. Con im phắc. Thành công rồi! Tôi mò mẫm bò lại giường. Chưa chạm được đến cái gối, tiếng khóc lại ré lên. Tôi vùi đầu xuống dưới chăn, hy vọng tiếng khóc sẽ ngưng. Không hề. Tôi biết phải làm sao bây giờ?
Việc này cứ lặp lại hằng ngày. Tôi dành cho cậu quý tử những tình cảm sâu đậm – lúc nào cũng thế – nhưng khi ấy, tôi cứ tự hỏi rằng điều gì đã khiến mình quyết định có một đứa con. Tôi không ngờ một điều thật tuyệt vời lại có thể trở thành thứ gì đó thật gian nan. Tôi đã thấm thía một bài học đầy khó khăn nhưng thiết yếu: Khi đứa trẻ có mặt trên thế gian, những phép tính của đời sống thường nhật sẽ nhả ra những phương trình mới toanh. Tôi vốn khá môn toán, nhưng món này thì tôi chẳng rành. Tôi không biết phải giải quyết những chuyện này thế nào.
Đối với hầu hết những người mới lần đầu làm cha làm mẹ, cú sốc đầu tiên chính là bản chất không khoan nhượng của bản hợp đồng này. Con nhận. Cha mẹ cho. Hết. Điều khiến rất nhiều cặp đôi phải ngỡ ngàng chính là những ảnh hưởng ghê gớm mà nó gây ra với cuộc sống của họ – đặc biệt là cuộc hôn nhân của hai vợ chồng. Em bé khóc, em bé ngủ, em bé trớ, đòi bế ẵm, thay tã lót, phải cho ăn, tất cả đều xảy ra trước 4 giờ sáng. Rồi bạn phải đi làm. Hoặc vợ/chồng bạn phải đi làm. Và cứ thế, ngày này qua ngày khác đến phát ngán. Chỉ một ước ao nhỏ nhoi có được một tấc vuông im lặng, một giây ngắn ngủi dành cho mình mà cũng không được. Bạn thậm chí còn không thể vào nhà vệ sinh lúc muốn. Bạn bị tước đoạt giấc ngủ, bạn đánh mất cả bằng hữu, việc nhà thì chất ngất gấp ba lần, ân ái vợ chồng không còn tồn tại, và hai người còn chẳng mấy khi đủ sức mà hỏi về một ngày của nhau.
Vậy thì có gì bất ngờ khi mối quan hệ vợ chồng bị tổn hại?
Đây vẫn là chuyện hiếm khi được bàn tới, nhưng thực sự là vấn đề: xích mích gia tăng rõ rệt trong năm đầu tiên đón bé về nhà, và ngày càng tồi tệ hơn, tới mức, với một số cặp, có con thực sự lại là nhân tố chính đe dọa hôn nhân.
Vì lẽ gì tôi lại nêu vấn đề này ra trong một cuốn sách nói về quá trình phát triển não bộ của trẻ? Bởi nó thực sự nghiêm trọng đối với não bộ của trẻ. Trong chương Thời kỳ mang thai, chúng ta đã biết được rằng em bé trong bụng mẹ mẫn cảm đến nhường nào với các tác động từ bên ngoài. Khi bé rời khỏi chiếc lồng ấp thoải mái của mình, não bộ của bé còn trở nên mong manh hơn thế. “Phơi” ra liên tục trước bầu không khí gây hấn căng thẳng có thể bào mòn IQ và năng lực xử lý stress của bé, đôi khi đến mức trầm trọng. Trẻ sơ sinh nhất thiết cần được nuôi nấng trong vòng tay của những người chăm sóc bình tĩnh và yêu thương. Bất cứ sự bất ổn nào bé cảm nhận được cũng ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển, hoàn thiện hệ thần kinh non nớt của bé. Nếu muốn bé được trang bị não bộ hoàn thiện nhất có thể, bạn buộc phải biết rõ tất cả những điều này trước khi rước “nguồn vui bất tận” của mình về nhà.
Khi tôi giảng về khoa học của những bộ não sơ sinh, các ông bố (chủ yếu là các ông bố) đều yêu cầu được biết xem làm thế nào để con mình vào được trường Harvard. Câu hỏi lúc nào cũng khiến tôi tức giận. Tôi gầm lên: “Anh muốn cho con mình vào được trường Harvard chứ gì? Tôi sẽ nói anh hay dữ liệu nói thế nào! Là về nhà và thương lấy vợ anh!” Chương này xoay quanh lời đáp ấy của tôi: Tại sao tình trạng thù nghịch hôn nhân xảy ra, tác động của nó tới não bộ đang phát triển của bé, và các biện pháp đối phó với tình trạng căng thẳng ấy để giảm thiểu tác động của nó?

PHẦN LỚN CÁC CUỘC HÔN NHÂN ĐỀU BỊ TỔN THƯƠNG

Hầu hết các cặp đôi đều không tưởng tượng ra nổi tình trạng hỗn loạn hôn nhân ấy khi mới có bầu. Suy cho cùng, những đứa trẻ vốn được cho là sẽ mang tới niềm vui bất tận. Đó là quan điểm mang tính lý tưởng mà rất nhiều người trong số chúng ta vẫn đinh ninh, đặc biệt là nếu chúng ta sinh trưởng vào khoảng cuối thập niên 1950 – một kỷ nguyên chìm đắm trong quan điểm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Các hài kịch truyền hình thường khắc họa những ông bố lao động miệt mài; các bà mẹ ở nhà như những bảo mẫu tận tình; lũ trẻ thì ngoan ngoãn đến ngỡ ngàng, và, khi có không vâng lời, thì cũng chỉ gây ra những rắc rối nho nhỏ và có thể xử lý ngon ơ trong vòng 2 đến 3 phút. Vai chính phần lớn là tầng lớp trung lưu, và cuối cùng là, đa phần sai lầm hết cả.
Nhà xã hội học danh tiếng E. E. LeMasters đã dội một gáo nước lạnh vào lối nhận thức kiểu này. Vào năm 1957, LeMasters đã xuất bản một công trình nghiên cứu chứng minh rằng 83% các cặp cha mẹ mới phải trải qua khủng hoảng từ mức vừa phải đến nghiêm trọng trong hôn nhân khi chuyển đổi sang vai trò làm cha làm mẹ. Những bậc cha mẹ này càng lúc càng trở nên cục cằn lỗ mãng với nhau trong năm đầu đời của em bé. Và đa số coi đây như quãng thời gian đày ải đầy gian khổ.
Tuyên bố này chẳng khác gì một cú đòn choáng váng. Chẳng ai nghĩ đứa con sẽ gây ra xung đột vợ chồng. Ai cũng đinh ninh, sẽ chỉ có niềm vui sướng hân hoan. Quả vậy, trước khi nghiên cứu này được công bố, rất nhiều người vẫn ảo tưởng rằng sinh con đẻ cái là một trải nghiệm tích cực với sức mạnh phi phàm đến mức có thể cứu vãn cả hôn nhân – trong khi các dữ kiện của LeMasters lại chứng minh điều ngược lại. Với công bố này, ông đã bị dư luận chỉ trích kịch liệt. Một số nhà nghiên cứu còn nghi ngờ ông đã giả mạo số liệu.
Nhưng sự thực vẫn là sự thực. Năm tháng trôi qua, những phương pháp luận nghiêm cẩn hơn (với những quan sát lặp đi lặp lại trong nhiều năm liền) đã chứng minh rằng LeMasters đã đúng. Đến cuối thập niên 1980, 1990, các cuộc điều tra tại 10 nước công nghiệp phát triển, trong đó có cả Hoa Kỳ, đã cho thấy mức độ hài lòng với hôn nhân ở cả nam giới và nữ giới đều giảm sút sau khi có đứa con đầu lòng – và tiếp tục suy giảm trong vòng 15 năm kế tiếp. Tình trạng này chỉ được cải thiện khi lũ trẻ rời khỏi vòng tay gia đình.
Giờ thì chúng ta đã biết tình trạng xói mòn âm ỉ này là một trải nghiệm phổ biến của đời sống hôn nhân, khởi đầu vào thời điểm chuyển đổi lên vai trò bố mẹ. Chất lượng hôn nhân – vốn đạt tới đỉnh điểm vào tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ, đã sút giảm trong khoảng từ 40 đến 67% trong năm đầu đời của bé con. Chỉ số này thậm chí lên tới gần 90% trong những nghiên cứu gần đây hơn. Đồng thời, chỉ số thù nghịch – thước đo xung đột hôn nhân – tăng vọt. Nguy cơ mắc chứng trầm uất bệnh lý đối với cả các ông bố lẫn các bà mẹ đều tăng lên. Thực vậy, có đến 30%-50% các cặp cha mẹ mới đều lâm vào tình trạng trầm uất hôn nhân ở mức sánh với các cặp đôi đang phải trong quá trình trị liệu để cứu vãn mối quan hệ. Cảm giác bất mãn thường khởi đầu ở bà mẹ, sau đó truyền sang ông bố. Dẫn theo một công trình nghiên cứu xuất bản gần đây trên tờ Tạp chí Tâm lý học Gia đình thì là: “Tóm lại, vai trò làm cha làm mẹ đã dẫn đến sự suy giảm chất lượng đời sống hôn nhân, kể cả ở những cặp đôi tương đối hài lòng, những người tự nguyện lựa chọn đưa mình vào cuộc chuyển đổi này.”
Một vụ điển hình. Ông chồng của Emma phát cuồng vì bóng đá, đặc biệt là câu lạc bộ Manchester United. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn khi có sự xuất hiện của đứa con. Emma thực tế còn dẫn việc này ra làm nguyên do ly dị. Chồng cô đáp: “Tôi phải thừa nhận là đến 90%, tôi thà xem đội MU đá còn hơn là ân ái vợ chồng, nhưng không có ý gì xúc phạm Emma đâu đấy.”
Với phát hiện này, có vẻ như bất cứ cặp đôi nào suy tính đến việc có con đều sẽ lưỡng lự và sau một cuộc đấu tranh tinh thần, khả năng lớn là lựa chọn việc không sinh con đẻ cái. Thế chúng ta sẽ làm gì đây?

NHỮNG HẠT MẦM HY VỌNG

Vẫn còn hy vọng. Chúng ta đã biết bốn nguồn cơn chính dẫn tới xung đột hôn nhân trong quá trình chuyển đổi sang vai trò làm cha làm mẹ. Chúng ta sẽ kiểm nghiệm từng nguồn một. Các cặp đôi ý thức được những nhân tố này sẽ cẩn trọng hành vi của mình hơn, và cũng sẽ thực hiện tốt hơn. Chúng ta cũng biết rằng không phải tất cả các cuộc hôn nhân đều đi theo chuỗi sự kiện đáng buồn này. Các cặp đôi bước vào việc thai nghén sinh nở với những gắn kết hôn nhân mạnh mẽ sẽ chống chịu được những tác động tố lốc nảy sinh từ năm đầu đời của bé hơn những cặp gắn bó không khăng khít. Những người lên kế hoạch cẩn thận từ trước khi mang bầu cũng vậy. Trên thực tế, một trong những yếu tố quyết định hạnh phúc hôn nhân chính là sự đồng thuận đối với việc sinh con đẻ cái ngay từ đầu. Một nghiên cứu quy mô lớn đã kiểm nghiệm các cặp đôi trong đó cả hai bên đều muốn có con so với những cặp mà chỉ vợ/chồng muốn có con. Nếu cả hai người đều mong muốn, rất ít xảy ra tình trạng ly dị, và hạnh phúc gia đình hoặc vẫn duy trì, hoặc gia tăng trong năm đầu đời của đứa trẻ. Tất cả các cặp xung đột trong đó chỉ một người mong muốn đứa trẻ (thường là nam giới) thì đều hoặc ly thân, hoặc ly dị vào thời điểm trẻ lên 5 tuổi.
Các số liệu này đều được dẫn từ Tạp chí Tâm lý học Gia đình. Câu trích dẫn nguyên văn này mang lại thêm nhiều hy vọng: “Tóm lại, vai trò làm cha làm mẹ đã dẫn đến sự suy giảm chất lượng đời sống hôn nhân, kể cả giữa những cặp đôi tương đối hài lòng, những người tự nguyện chọn cuộc chuyển đổi này – nhưng nếu chuẩn bị tinh thần sẵn sàng và hài lòng với hôn nhân trước thai kỳ thì nói chung có thể bảo vệ được các cuộc hôn nhân trước những suy giảm này.”
Đúng là mâu thuẫn gia đình thì mỗi nhà một kiểu, người ít người nhiều, một số thậm chí không hề phải nếm trải cảnh này. Tuy nhiên, LeMasters và các nhà nghiên cứu về sau đã chứng minh rằng đó không phải là kinh nghiệm của đa số. Những hệ quả xã hội đã xuất hiện đủ nhiều để cho phép tiến hành điều tra. Các nhà nghiên cứu bắt đầu đặt câu hỏi: “Vì đâu các cặp đôi gây hấn khi đứa con bắt đầu có mặt trong gia đình? Và tình trạng xung đột ấy gây tác động ra sao lên trẻ?”

TRẺ KIẾM TÌM SỰ AN TOÀN HƠN HẾT THẢY

Kết luận mà các nhà nghiên cứu tìm ra chính là, môi trường tình cảm trong đó em bé chào đời có thể ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển hệ thần kinh. Để hiểu hơn về mối tương tác này, chúng ta phải thấu triệt về sự mẫn cảm đến mức khó ngờ của đứa trẻ đối với môi trường bé được nuôi dạy. Đó là sự mẫn cảm có nguồn gốc tiến hóa mạnh mẽ.
Những manh mối này khởi nguồn từ phòng thí nghiệm của Harry Harlow, người quan sát hành vi của khỉ con tại trường Đại học Wisconsin-Madison. Những phát hiện của ông có thể áp dụng lên bé sơ sinh là minh chứng cho thấy những cội rễ tiến hóa này ăn sâu tới mức nào. 
Những thực nghiệm kinh điển của Harlow xoay quanh hai “trinh nữ sắt” – những khối cấu trúc hình dạng búp bê, đóng vai trò như hai bà mẹ thế thân. Một khối được làm từ dây cứng, khối kia được làm từ khăn lông mềm. Harlow tách những con khỉ nâu mới sinh ra khỏi các bà mẹ khỉ ruột thịt, đặt chúng vào các lồng có cả hai con búp bê kia. Cả hai con búp bê đều cung cấp thức ăn thông qua một chiếc bình gắn trên thân. Nhưng dù lũ khỉ tìm đến cả hai bà mẹ để tìm thức ăn, chúng vẫn dành nhiều thời gian hơn để leo trèo và bám ríu lấy bà mẹ mềm mại hơn là bà mẹ dây thép lạnh lẽo. Nếu đám khỉ con được đặt vào một căn phòng xa lạ, chúng sẽ bám chặt lấy bà mẹ khăn lông cho đến khi cảm thấy đủ an toàn để tự mình khám phá chiếc lồng mới. Nếu bị đưa vào cũng căn phòng đó, nhưng không có bà mẹ bằng vải, đám thú nhỏ sợ đến cứng đờ, rồi gào thét thảm thiết, chạy từ vật này sang vật khác, cố kiếm tìm bà mẹ thất lạc.
Kết quả vẫn luôn là như thế, bất kể thực nghiệm được thực hiện bao nhiêu lần, hay theo dạng nào. Không giống như những gì xưa nay chúng ta vẫn tin tưởng, với các sinh vật bé bỏng này đồ ăn thức uống không phải là tín hiệu làm an lòng, thay vào đó, chúng tìm một bến đỗ an toàn.
Các em bé cũng kiếm tìm một thứ tương tự. 
Nhìn như khỉ, hành xử như khỉ
Các bé sơ sinh cũng có nhận thức tương tự về sự an toàn, mặc dù bề ngoài có vẻ không như vậy. Thoạt nhìn, các em bé dường như chỉ bận tâm đến những quy trình sinh học, ví như ăn, ị hay trớ ra đầy áo bạn. Điều này đã đánh lừa rất nhiều nhà khoa học khiến họ tin rằng các em bé không hề suy nghĩ về điều gì hết. Các nhà khoa học định ra khái niệm tấm bảng trắng – để miêu tả những sinh vật “trống trơn” này. 
Các nghiên cứu hiện đại lại hé lộ một quan điểm trái ngược hoàn toàn. Giờ đây chúng ta biết được rằng mối bận tâm sinh học lớn nhất của một em bé được quyết định bởi não bộ, cơ quan nằm phía trên cổ của các em. Trẻ sơ sinh từ lúc chào đời đã cài đặt sẵn các phần mềm học hành, nhận biết trong các ổ cứng thần kinh. Bạn muốn vài ví dụ giật mình chứ?
Vào năm 1979, nhà tâm lý học Đại học Washington – Andy Meltzoff đã thè lưỡi ra trước một bé sơ sinh mới chào đời 42 phút, sau đó ngồi xuống để xem chuyện gì xảy ra. Sau một vài nỗ lực, em bé đáp trả, khẽ le lưỡi mình ra. Meltzoff lại thè lưỡi ra. Em bé cũng phản ứng tương tự. Meltzoff phát hiện ra rằng các em bé có thể bắt chước ngay từ khi mới chào đời (hay, chí ít là, sau 42 phút chào đời). Đó là một phát hiện phi thường. Việc bắt chước đòi hỏi rất nhiều nhận biết tinh vi đối với các bé sơ sinh, từ chỗ phát hiện ra rằng có tồn tại cả những con người khác trên thế giới này cho đến việc nhận biết rằng họ cũng có các phần cơ thể đang hoạt động, hệt như bé vậy. Như thế đâu phải là “tấm bảng trắng”. Đó chính là một tấm bảng nhận thức vận hành một cách đầy đủ và đáng kinh ngạc.
Nương theo phát hiện này, Meltzoff đã tiến hành một loạt thí nghiệm để khám phá xem trẻ được “lập trình sẵn” cho việc học tập đến mức nào, và nhạy cảm tới mức nào với những tác động bên ngoài trong quá trình theo đuổi mục tiêu ấy. Meltzoff dựng lên một chiếc hộp gỗ, phủ ngoài bằng một tấm nhựa màu vàng cam, bên trong lắp một bóng đèn. Khi ông chạm vào tấm nhựa, đèn bật sáng.
Meltzoff đặt chiếc hộp ở giữa ông và một bé gái vừa thôi nôi, sau đó trình diễn một tiết mục bất ngờ. Ông tiến tới và chạm trán mình vào phần trên chiếc hộp, làm cả khối hộp sáng bừng. Em bé không được động vào hộp. Thay vào đó, em và mẹ được yêu cầu rời khỏi phòng. Một tuần sau đó, em bé và mẹ quay trở lại phòng thí nghiệm, Meltzoff tiếp tục đặt chiếc hộp giữa mình và em bé. Lần này ông không làm gì mà chỉ quan sát. Em bé không băn khoăn một mảy. Như thể đã được ra hiệu, em lập tức khom người xuống và chạm trán mình vào chiếc hộp. Em bé vẫn còn nhớ! Em mới chỉ được chứng kiến sự kiện này có một lần, nhưng có thể nhắc lại chính xác, mà sau đó tận một tuần. Em bé nào cũng có thể làm thế.
Trên đây chỉ mới là hai ví dụ chứng minh rằng các bé từ lúc chào đời đã được trang bị một loạt những năng lực nhận thức phi thường – và được phú cho những công cụ trí não đủ khả năng mở rộng những năng lực ấy. Các bé hiểu rằng kích cỡ vẫn duy trì không đổi kể cả khi khoảng cách làm biến đổi vẻ to nhỏ của vật đó. Các bé có khả năng dự đoán vận tốc, phân biệt gương mặt người và gương mặt không-phải-người ngay từ lúc mới chào đời và có vẻ thích thú với mặt người hơn. Xét từ khía cạnh tiến hóa, hành vi sau cùng này thể hiện đặc trưng an toàn mạnh mẽ. Chúng ta luôn bị chú ý đến các gương mặt trong phần lớn cuộc đời mình.
Làm thế nào mà các em bé lại có được những kiến thức này từ trước khi chúng thực sự lộ diện trên hành tinh này? Không ai rõ, nhưng các bé có những kiến thức ấy, và chúng sử dụng hiệu quả với tốc độ và sự sáng suốt đáng kinh ngạc. Bé có thể dựng lên các giả thuyết, kiểm nghiệm chúng và rồi đánh giá với sinh lực mãnh liệt của một nhà khoa học dạn dày kinh nghiệm. Điều này nói lên rằng các bé sơ sinh chính là những kẻ học hỏi siêu hào hứng và nhanh đến kinh ngạc. Chúng tiếp nhận mọi thứ.
Có một ví dụ ngộ nghĩnh cho nhận định này. Trên đường đưa cô con gái 3 tuổi đi gửi trẻ, một bác sĩ nhi khoa để bộ ống nghe ở ghế sau và để ý thấy cô con gái bắt đầu nghịch nó, thậm chí còn cho ống nghe lên tai như thật. Cô bác sĩ mừng ra mặt: con gái đang tiếp bước sự nghiệp của mình! Còn cô nàng bé bỏng thì tóm lấy ống nghe, đưa lên miệng và dõng dạc tuyên bố: “Chào mừng quý khách đến với McDonald’s. Quý khách muốn gọi món gì ạ?”
Đúng vậy, các bé liên tục quan sát, ghi nhớ và bắt chước bạn. Việc đó nhanh chóng chuyển từ chỗ “vui là chính” sang “nghiêm túc đấy”, đặc biệt là khi cha mẹ bé bắt đầu có chuyện gây gổ với nhau.
Gắn kết với bạn mang lại cho trẻ cảm giác an toàn
Nếu như sinh tồn chính là ưu tiên hàng đầu của não bộ, vậy thì sự an toàn chính là dạng thể hiện quan trọng nhất của lối ưu tiên ấy. Đó chính là bài học mà các “trinh nữ sắt” trong thí nghiệm của Harlow đã dạy cho ta biết. Trẻ tuyệt đối trông cậy vào lòng nhân từ của những con người đã đưa chúng đến với thế giới này. Nhận thức ấy gây ra một bán kính ảnh hưởng về hành vi bên trong bé sơ sinh, cản trở mọi ưu tiên hành vi khác mà trẻ có. 
Trẻ xử lý những mối bận tâm này ra sao? Bằng cách gắng sức thiết lập một mối quan hệ hữu ích với các cấu trúc quyền lực địa phương – nói cách khác, chính là bạn chứ chẳng phải ai khác – càng nhanh càng tốt. Chúng ta gọi đây là mối gắn kết. Trong suốt quá trình gắn kết này, não bộ của trẻ giám sát nghiêm ngặt những chăm sóc yêu thương mà nó nhận được. Về căn bản, nó đưa ra những câu hỏi kiểu như “Mình có được vuốt ve không? Mình có được cho ăn không? Người nào là an toàn?” Nếu những đòi hỏi của trẻ được thỏa mãn, não bộ sẽ phát triển theo một cách; nếu không, các chỉ dẫn di truyền sẽ kích thích nó phát triển theo cách khác. Có thể nhận thức này sẽ tương đối gây đảo lộn, nhưng rõ ràng là những hành vi của các ông bố bà mẹ đã nằm trong tầm quan sát của trẻ ngay từ khi mới có mặt trên cõi đời. Tất nhiên, lợi ích tối ưu tiến hóa đã thúc đẩy trẻ làm như thế, đó là một cách nói khác rằng “trẻ không thể làm khác được”. Các em bé còn biết trông cậy vào ai nữa.
Có một giai đoạn kéo dài vài năm khi em bé gắng sức kiến tạo những mối gắn kết này và thiết lập những nhận thức về an toàn. Nếu nó không diễn ra, trẻ có thể sẽ chịu thương tổn lâu dài về cảm xúc. Trong một số trường hợp quá nặng, trẻ có thể phải lãnh “sẹo” trọn đời.
Chúng ta biết được điều này nhờ một câu chuyện đau lòng và có sức lay động lớn từ nước Rumani cũ, được các phóng viên phương Tây phát hiện khoảng năm 1990. Vào năm 1966, nhằm nâng cao tỉ lệ sinh đẻ trên toàn quốc, nhà độc tài Nicolae Ceaucescu đã tuyên bố cấm các biện pháp tránh thai và nạo phá thai, đánh thuế những người quá 25 tuổi mà chưa sinh con – bất kể đã kết hôn, còn độc thân hay mắc các bệnh không nên sinh nở. Khi tỉ lệ sinh tăng lên, đói nghèo và vô gia cư cũng trở nên trầm trọng hơn. Trẻ em thường bị bỏ rơi. Cách đối phó của Ceaucescu là tạo ra một hệ thống trại mồ côi quốc gia dành cho trẻ vô thừa nhận, nơi hàng ngàn em bị nhốt chung với nhau.
Chẳng được bao lăm, những trại trẻ này bị cắt nguồn viện trợ khi Ceaucescu bắt đầu xuất khẩu phần lớn lương thực và sản phẩm công nghiệp của Rumani nhằm trả những khoản nợ quốc gia đáo hạn. Cảnh tượng lúc đấy trong các trại mồ côi này thật khủng khiếp. Các em hiếm khi được bế ẵm. Rất nhiều em bị trói vào giường, bỏ mặc hàng tiếng đồng hồ thậm chí hàng mấy ngày, với các bình cháo suông dựng qua quýt kề miệng. Rất nhiều em chỉ nhìn đăm đăm trống rỗng vào khoảng không. Thực sự, bạn có thể bước vào những trại trẻ kiểu này mà không hề nghe thấy một âm thanh nào hết. Chăn chiếu ngập trong nước tiểu, phân và chấy rận. Tỉ lệ trẻ sống sót trong những trung tâm như thế này khiến người ta phải bải hoải, mà một số người phương Tây phải gọi là “trại tập trung Đức quốc xã cho thiếu nhi”.
Với những điều kiện khủng khiếp như thế, các trại trẻ vô thừa nhận này đã đem đến một cơ may điều tra – và có lẽ là cả điều trị thực sự – cho những nhóm trẻ em bị sang chấn nghiêm trọng. Một công trình nghiên cứu đáng chú ý tập trung vào các gia đình Canada nhận nuôi một vài trẻ trong số này và dạy dỗ chúng tại nhà. Khi các đối tượng con nuôi này đã trưởng thành, các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng phân chúng ra thành hai nhóm. Một nhóm phát triển bình thường. Ứng xử xã hội, đối phó với stress, điểm số, các vấn đề sức khỏe – tất cả đều không có gì khác biệt với các tiêu chuẩn sức khỏe đối với người Canada. Nhóm còn lại thì rối loạn trầm trọng. Các em gặp phải vấn đề về ăn uống, hay ốm vặt và rất ngang ngược. Sự khác biệt này là do đâu? Chính là độ tuổi nhận nuôi.
Nếu được nhận nuôi trước bốn tháng tuổi, trẻ sẽ hành xử hệt như mọi em bé hạnh phúc khác mà bạn biết. Sau tám tháng tuổi, tâm tính trẻ hoàn toàn thay đổi, trẻ sẽ hành xử hệt như thành viên băng nhóm giang hồ. Rõ ràng thiếu cảm giác an toàn ở một độ tuổi sơ sinh nhất định đã gây ra stress trầm trọng cho hệ thống cơ thể của trẻ. Và tình trạng stress đó còn để lại di chứng nặng nề lên lối cư xử của trẻ nhiều năm về sau. Trẻ đã được giải thoát khỏi trại mồ côi từ lâu, nhưng các em không bao giờ được tự do thực sự.

TRẺ ĐỐI PHÓ VỚI STRESS RA SAO

Việc các cơn stress làm là kích hoạt chế độ phản ứng “chiến hay biến” ở chúng ta. Mặc dù, nên gọi là “biến” thì đúng hơn. Lối ứng phó điển hình ở con người trước cơn stress là: đưa đủ máu đến các hệ cơ để đưa bạn ra khỏi tình thế nguy hiểm. Thông thường chúng ta chỉ tấn công khi bị dồn vào chân tường mà thôi. Kể cả có thế, chúng ta vẫn thường chỉ tham chiến một khoảng đủ lâu để có thể thoát thân. Khi bị đe dọa, não bộ phát tín hiệu giải phóng hai loại hóc môn, là epinephrine (còn được biết đến với tên adrenaline) và cortisol, từ một lớp tế bào được gọi là glucocorticoid.
Để thực hiện những phản ứng phức tạp này đòi hỏi não phải được móc nối hoàn chỉnh. Năm đầu tiên trong cuộc đời chúng ta được sử dụng vào mục đích ấy. Nếu em bé sơ sinh được đắm mình trong cảm giác an toàn – một ngôi nhà yên ổn về mặt tình cảm – hệ thống của em sẽ được hoàn thiện. Nếu không, các quy trình phản ứng với stress bình thường sẽ thất bại. Bé bị chuyển đổi sang tình trạng báo động cao độ hoặc sụp đổ hoàn toàn. Nếu em bé phải thường xuyên trải nghiệm một môi trường xã hội đầy nỗi tức giận và bạo lực về mặt tình cảm, hệ thống ứng phó với stress vốn rất mong manh của em sẽ trở thành phản kháng quá mức, một chứng bệnh được biết đến với tên gọi “cường cortisol”. Nếu em bé bị bỏ bê, như các bé mồ côi ở Rumani, hệ thống sẽ trở nên kém hiệu quả, một chứng bệnh được biết đến với tên gọi “giảm cortisol” (dẫn tới những ánh nhìn trống rỗng). Cuộc đời về sau, dường như sẽ chỉ là một ca cấp cứu dài.
Điều gì xảy ra khi mẹ cha xô xát
Không cần đến những trại tập trung, chỉ cần sống trong gia đình mà bố và mẹ cứ cãi nhau như cơm bữa và chỉ chực thượng cẳng chân hạ cẳng tay là đã đủ làm tổn thương quá trình phát triển trí não của trẻ. Mặc dù vẫn còn ít nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này, nhưng về cơ bản tác động sẽ kéo dài, dội lại rõ ràng cả khi đã trưởng thành. Và điều đó thật đáng buồn, bởi những ảnh hưởng kiểu này hoàn toàn có thể tránh được. Thậm chí với các bé nhỏ hơn 8 tháng tuổi, chỉ trong vòng 10 tuần sau khi được đưa ra khỏi những ngôi nhà sầu muộn và đặt vào một môi trường chăm sóc đầy sự thấu cảm, là đã có thể hiện những dấu hiệu rõ rệt cải thiện về mặt điều chỉnh hóc môn stress. Tất cả những gì bạn phải làm là buông đôi găng đấm bốc xuống.
Nếu không, hãy xem điều gì sẽ xảy ra?
Hết thảy các bậc mẹ cha đều biết rằng con trẻ bị căng thẳng khi phải chứng kiến họ gây gổ với nhau. Nhưng ở độ tuổi nào thì lại hoàn toàn gây ngạc nhiên, ngay cả với các nhà nghiên cứu. Ngay từ khi chưa đầy 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể phát hiện ra khi có điều gì đó không ổn. Điều này thể hiện ở những biến đổi sinh lý học – ví như gia tăng huyết áp, nhịp tim và hóc môn stress – hệt như người lớn. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn tuyên bố có thể đánh giá được mức độ hòa thuận của cha mẹ chỉ nhờ mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ của bé sơ sinh.
Stress biến đổi hành vi của trẻ
Stress cũng thể hiện ra bằng hành vi. Các em bé sống dưới những mái nhà bất ổn định về tình cảm ít khả năng ứng phó chủ động với những kích thích mới, xoa dịu bản thân và khôi phục sau stress – nói tóm lại, là điều tiết cảm xúc của mình. Thậm chí đôi chân bé bỏng của các em có khi cũng không phát triển đầy đủ được, vì hóc môn stress có thể can thiệp vào sự khoáng hóa xương. Đến thời điểm trẻ lên 4 tuổi, mức hóc môn stress có thể cao gấp gần 2 lần so với các trẻ sinh trưởng trong các gia đình yên ổn về tình cảm.
Bé sơ sinh và trẻ nhỏ thường không hiểu hết nội dung của một cuộc cãi vã, nhưng các bé ý thức rất rõ rằng có việc gì đó không ổn ở đây.
Nếu tình trạng mâu thuẫn trong hôn nhân của cha mẹ cứ tiếp diễn, thì theo thống kê, nhiều khả năng trẻ sẽ thể hiện lối cư xử chống đối xã hội và thái độ hung hãn khi đến tuổi đi học. Trẻ sẽ gặp các vấn đề về điều tiết cảm xúc, giờ đây càng trở nên khó khăn hơn với việc xuất hiện các quan hệ đồng trang lứa. Trẻ khó tập trung, không có nhiều công cụ để xoa dịu bản thân. Những em nhỏ này gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn, đặc biệt là hen và cảm lạnh, và có nguy cơ lớn phải đối mặt với với chứng trầm uất và căng thẳng tâm thần nhi khoa. Điểm số IQ của nhóm này cũng thấp hơn khoảng 8 điểm so với trẻ nhỏ sinh trưởng trong các gia đình yên ổn. Không khó đoán, tỉ lệ vào đại học của nhóm này cũng không cao, và thành tích học cũng thấp hơn.
Dù chúng ta có chấm dứt của tình trạng bất ổn này – ly hôn xem ra là giải pháp phù hợp nhất – thì con trẻ vẫn còn phải “trả giá” cho việc ấy đến nhiều năm về sau. Theo thống kê, tỉ lệ trẻ có cha mẹ ly hôn sử dụng chất gây nghiện khi đến tuổi dậy thì cao hơn đến 25%. Các em cũng dễ có thai khi chưa kết hôn. Và có khả năng ly hôn cao gấp đôi. Ở trường, các em đạt điểm số thấp hơn so với trẻ em được nuôi dưỡng trong gia đình yên ấm. Và khả năng được hỗ trợ khi học đại học thấp hơn nhiều. Khi các cuộc hôn nhân ấm êm hạnh phúc, 88% con cái vào đại học nhận được hỗ trợ đều đặn chi phí dành cho việc theo học. Khi hôn nhân đổ vỡ, con số đó chỉ còn 29%. 
Câu trả lời cho tham vọng con cái học trường Harvard của các bậc mẹ cha đã quá rõ ràng.
Kể cả với những gia đình yên ấm, không ít thì nhiều vẫn sẽ có lúc cãi cọ, xung đột. May mắn làm sao, các nghiên cứu chỉ ra rằng cãi vã trước mặt trẻ không gây tổn hại bằng việc dàn hòa mà lũ trẻ không biết. Rất nhiều cặp đôi cãi vã trước mặt con nhưng lại dàn hòa riêng tư với nhau. Làm thế sẽ làm lệch lạc nhận thức của trẻ nhỏ, kể cả ở lứa tuổi rất bé, vì trẻ chỉ luôn chứng kiến việc gây tổn thương mà chẳng bao giờ thấy cảnh xoa dịu, chữa lành. Quan sát bố mẹ làm lành với nhau sau khi tranh cãi sẽ giúp trẻ học được cách tranh luận đúng đắn lẫn dàn hòa thích đáng.

BỐN NGUYÊN CỚ CHÍNH KHIẾN BẠN CÃI VÃ

Tại sao bạn lại phải cãi vã? Tôi đã đề cập tới bốn nguồn cơn gây xung đột hôn nhân trong quá trình chuyển đổi lên vai trò làm bố làm mẹ. Cứ để mặc chúng ra sao thì ra, tất cả đều ảnh hưởng sâu sắc tới vận mệnh cuộc hôn nhân của bạn, và chúng có khả năng tác động tới quá trình phát triển não bộ của con bạn. Tôi sẽ gọi chúng là Bốn lý do Cuồng nộ. Đó là:
• Thiếu ngủ
• Cách ly xã hội
• Khối lượng công việc không bình đẳng
• Trầm uất
Tốt hơn hết là bạn nên xác định tinh thần sẽ phải đối mặt với những gánh nặng này khi em bé chào đời. Cuộc chiến bắt đầu từ giường ngủ.
1. Thiếu ngủ
Nếu bạn quen với những người mới làm cha làm mẹ, thử hỏi họ xem lời than phiền này có quen không nhé:
Tôi căm lão chồng ghê gớm, vì lão được ngủ thẳng giấc cả đêm. Con gái tôi mới 9 tháng tuổi và vẫn còn thức dậy 2, 3 lượt mỗi đêm. Ông chồng thì cứ thế ngủ ngon lành và rồi thức dậy “mệt mỏi quá chừng”. Tôi không được ngủ quá 5-6 tiếng đồng hồ hằng đêm suốt 10 tháng vừa rồi, có một đứa con chập chững tập đi đầy phiền hà và một đứa bé ẵm ngửa phải xoay xở cả ngày, mà LÃO lại mệt ư???
Trước khi đi vào phân tích tình trạng bất bình đẳng trong hôn nhân, hãy cùng xem Emily đang thiếu ngủ đến mức nào và điều đó tác động ra sao đến cuộc hôn nhân của cô.
Rất khó đánh giá đúng ảnh hưởng của tình trạng thiếu ngủ với các cặp đôi trong quá trình chuyển đổi lên vai trò làm cha làm mẹ. Hầu như các bậc-cha-mẹ-tương-lai ai cũng nhận thức được rằng sẽ có thay đổi gì đó vào buổi đêm. Nhưng hầu hết đều không biết rằng nó nghiêm trọng đến mức độ nào.
Hãy khắc cốt ghi tâm điều này: trẻ không hề có lịch thức ngủ nào lúc mới chào đời. Sự thực rằng bạn cần thức – ngủ điều độ theo lịch chẳng hề có nghĩa lý gì với trẻ. Não bộ mới chào đời không hề có khái niệm về giờ giấc ăn ngủ cố định; các hành vi được phân bố ngẫu nhiên trong suốt khoảng thời gian 24 giờ. Ở đây lại là bản hợp đồng xã hội bạn đã kí. Bé nhận. Bạn cho.
Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng trời, có khi đến nửa năm, hoặc lâu hơn thế. Trung bình có chừng 25% đến 40% trẻ sơ sinh phải trải nghiệm những vấn đề liên quan đến giấc ngủ trong khung thời gian này. Cuối cùng thì các bé cũng có được một lịch trình ngủ nghê đàng hoàng. Thực ra, chúng ta đều nghĩ việc đó vốn đã được khắc sẵn vào DNA của bé rồi. Nhưng có quá nhiều yếu tố quấy rầy thường xuyên trong cái thế giới khô khan, khó chịu sau-giai-đoạn-bụng-mẹ này – cái thì từ bên trong, cái lại từ bên ngoài – làm cho trẻ phải thao thức giữa đêm. Cần ít nhiều thời gian để não bộ non nớt, thiếu kinh nghiệm của trẻ điều chỉnh cho phù hợp. Kể cả sau một năm, 50% bé sơ sinh vẫn cần đến hình thức can thiệp buổi đêm nào đó từ cha mẹ. Do đa phần người lớn đều mất chừng nửa tiếng đồng hồ mới ngủ lại được sau khi phục dịch em bé vừa thức giấc, nên rất có thể, các ông bố bà mẹ phải trải qua nhiều tuần liên tiếp chỉ được ngủ một nửa số giờ mà họ cần tới hằng đêm. Như thế chẳng lấy gì làm lành mạnh cho cơ thể. Và cho cả cuộc hôn nhân của cặp đôi đó nữa.
Những người thiếu ngủ trở nên dễ cáu kỉnh – cáu kỉnh hơn nhiều – so với những người được ngủ đẫy giấc. Tệ hơn, thiếu ngủ làm suy giảm tới 91% khả năng điều tiết những cảm xúc mạnh mẽ, kéo theo những hậu quả vô cùng nghiêm trọng (đó là lý do tại sao những người lơ mơ gà gật lại làm việc không hiệu quả.) Thường thì, năng lực giải quyết vấn đề tụt hẳn xuống chỉ còn 10% so với kết quả của họ khi không-bị-buồn-ngủ, và kể cả các kỹ năng vận động của bị ảnh hưởng. Chỉ cần thiếu ngủ ở mức vừa phải một tuần thôi, bạn sẽ bắt đầu thấy ngay hậu quả nhãn tiền như thế này. Tâm trạng thay đổi đầu tiên; rồi đến lượt nhận thức, tiếp đến là hiệu suất hoạt động của cơ thể.
Nếu bạn không có sẵn rất nhiều năng lượng, và nếu bạn cứ bị triệu vời phục dịch đứa con cứ vài lần một phút (trẻ ở tuổi mẫu giáo cần nhận được sự chú ý theo dạng nào đó, cứ 180 lần mỗi giờ, như một nhà tâm lý học đã từng lưu ý), bạn sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dự trữ thiện chí dành cho người bạn đời của mình. Chỉ riêng việc mất ngủ thôi đã đủ để tiên báo hầu hết tình trạng gia tăng kiểu cư xử theo lối “ông chằng bà chuộc” giữa các cặp mới làm cha mẹ.
2. Cách ly xã hội
Tình huống dưới đây hiếm khi xảy ra trong một cuộc thăm khám ở văn phòng bác sĩ nhi khoa, nhưng vẫn có. Vị bác sĩ giỏi sẽ hỏi bạn về sức khỏe của bé, kết thúc bằng việc kiểm tra thường kỳ cho “cục vàng cục bạc” của bạn, rồi nhìn thẳng vào mắt bạn và đưa ra một vài câu hỏi tương đối “xâm phạm cuộc sống riêng tư” như thế này: “Thế chị có nhiều bạn bè không?” “Chị và anh nhà tham gia vào các nhóm nào? Những nhóm này quan trọng ra sao với anh chị? Chị và anh nhà dành bao nhiêu thời gian liên hệ với những nhóm này?”
Bác sĩ thông thường sẽ không hỏi những câu này vì cuộc sống xã hội của bạn chẳng phải việc của cô ấy. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nó lại liên quan mật thiết đến em bé. Tình trạng cách ly xã hội có thể dẫn tới chứng trầm uất bệnh lý ở cha mẹ. Trầm uất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cha mẹ, gây ra các bệnh tật truyền nhiễm và các cơn trụy tim. Cách ly xã hội chính là kết cục cô đơn của cuộc khủng hoảng năng lượng mà rất nhiều những người mới làm cha mẹ gặp phải. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng đây chính là phàn nàn chủ yếu của hầu hết các cặp vợ chồng trong quá trình chuyển đổi lên vai trò bố mẹ. Một bà mẹ đã viết:
Tôi chưa khi nào cảm thấy cô độc như lúc này đây. Đám trẻ con thì mù tịt còn ông chồng thì mặc xác tôi. Tất cả những gì tôi làm chỉ là việc vặt trong nhà, nấu nướng, chăm bẵm con cái…Tôi không còn là con người nữa. Tôi không có nổi một phút cho bản thân mình, hơn thế nữa, tôi bị cô lập hoàn toàn.
Nỗi cô đơn thường trực là điều mà tới 80% những người mới làm cha mẹ phải trải nghiệm. Sau khi một đứa con chào đời, các cặp vợ chồng chỉ còn chừng 1/3 thời gian ở bên cạnh nhau so với khi vẫn còn son rỗi. Niềm xúc động vì nỗi “mới có con” lụi dần đi, nhưng công việc chăm sóc dưỡng dục triền miên không ngưng nghỉ. Sắm vai ông bố, bà mẹ trở thành một nhiệm vụ, và rồi, là thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Những đêm trắng nối nhau không dứt tháo cạn cả nguồn cung năng lượng gia đình; những xung đột vợ chồng ngày càng gia tăng đã làm kiệt quệ nốt phần dự trữ còn lại.
Những tổn thất này làm cho các hoạt động xã hội của các cặp bố mẹ cũng mắc cảnh “hết xăng”. Những ông bố bà mẹ này còn khó lòng duy trì tình hữu hảo với nhau, nói chi đến các mối xã giao thiên hạ. Bạn bè cũ chẳng còn năng lui tới. Không còn sức để kết giao bạn mới. Ngoài vợ chồng mình, các cặp bố mẹ điển hình chỉ có không đầy 90 phút mỗi ngày để giao du. Không có gì khó hiểu khi có tới 34% các ông bố bà mẹ loay hoay trong cảnh cô đơn cả ngày trời. Rất nhiều cặp bố mẹ mới cảm thấy như bị dính bẫy. Một bà mẹ chỉ-lui-cui-trong-nhà nói: “Có những ngày, tôi chỉ muốn nhốt mình trong phòng ngủ buôn chuyện với đứa bạn thân cả ngày thay vì phải khổ sở với đám nhóc. Tôi yêu chúng, nhưng làm một bà mẹ-chỉ-lui-cui-trong-nhà không phải những gì tôi từng mơ ước.” Một bà mẹ khác chỉ đơn giản nói về nỗi cô đơn thế này: “Tôi khóc trong xe. Rất nhiều.”
Tham gia nhiều hội nhóm cộng đồng chính là giải pháp then chốt. Nhưng những mối giao hảo này đa phần có xu hướng đổ vỡ trong quá trình chuyển đổi lên vai trò cha mẹ. Phụ nữ phải hứng chịu sự cô lập xã hội rất lớn, và có những lý do sinh học lý giải tại sao điều này lại đặc biệt độc hại với họ. Lý thuyết là đây:
Việc sinh nở – trước khi có sự xuất hiện của thuốc men hiện đại – thường nguy hiểm chết người với các bà mẹ. Mặc dù không ai biết được con số chính xác, nhưng ước chừng cứ tám trường hợp lại có một bà mẹ tử vong. Tuy nhiên, khả năng sinh tồn sẽ cao hơn trong những bộ tộc mà các thành viên nữ gắn bó và tin cậy lẫn nhau hơn. Ở đó, những phụ nữ lớn tuổi, có kinh nghiệm từ nhiều lần sinh nở có thể chăm sóc những người mới làm mẹ. Các bà mẹ đang nuôi con khác có thể cung cấp nguồn sữa quý giá cho bé sơ sinh nếu mẹ đẻ qua đời. Nói như lời của nhà nhân chủng học Sarah Hrdy (không có chữ “a” nào trong họ của bà đâu), chính sự chia sẻ và những mối tương tác xã hội mang tới lợi thế sinh tồn cho loài người. Bà gọi đó là “alloparenting”. Nhận định này phù hợp với phát hiện chúng ta là loài linh trưởng duy nhất cho phép người khác chăm sóc con cái mình.
Một bà mẹ đã diễn đạt về các mối liên hệ xã hội của mình đầy súc tích thế này: “Đôi lúc, khi đang ẵm bé con xinh đẹp trong vòng tay mình và hai mẹ con nhìn nhau đầy thương mến, tôi thầm ước rằng nó sẽ ngủ thiếp đi, chỉ có thế, tôi mới kiểm tra email được.”
Vì đâu chỉ có tình xóm giềng giữa phụ nữ mà không phải đàn ông? Một phần nguyên do là tại hóc môn. Để phản ứng với stress, cơ thể nữ giới giải phóng hóc môn oxytocin, một loại hóc môn gia tăng nhóm hành vi sinh học được định danh là “chăm sóc và làm bạn”. Nam giới thì không. Các hóc môn testosterone nội trú của họ đã phát đi quá nhiều tín hiệu gây nhiễu, làm cùn mòn những tác động của oxytocin nội sinh. Trong khi hóc môn này, đóng vai trò như chất dẫn truyền thần kinh ở cả hai giới, giúp truyền tải sự tin cậy và bình tâm, điểm mấu chốt để xây dựng và thắt chặt mối quan hệ với những người rất có thể sẽ phải trở thành một ông bố/ bà mẹ nuôi. Thêm vào đó, oxytocin cũng góp phần kích thích tiết sữa.
Giao thiệp xã hội, hóa ra, lại có căn cội tiến hóa sâu xa. Con người không thể sống mà không cần nhu cầu bức thiết ấy. Chuyên gia tâm lý trị liệu Ruthellen Josselson, nghiên cứu về các mối quan hệ “chăm sóc và làm bạn”, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của chúng thế này: “Mỗi khi lấn bấn quá mức với công việc và gia đình, điều đầu tiên ta làm chính là ngãng các mối giao thiệp hữu hảo với những người phụ nữ khác. Chúng ta đẩy tuột chúng xuống hàng thứ yếu. Ấy thực sự là một sai lầm bởi bạn bè nữ giới chính là nguồn sức mạnh hỗ trợ lẫn nhau.”
3. Khối lượng công việc không bình đẳng
Lý do cuồng nộ thứ ba được minh họa đầy mai mỉa trong lời trần tình đau đớn này của một phụ nữ mới làm mẹ, chị Melanie.
Nếu ông chồng còn nói với tôi thêm một lần nữa rằng anh ta cần phải nghỉ ngơi vì đã “quần quật làm lụng cả ngày”, tôi sẽ quẳng hết quần áo của anh ta ra bãi cỏ sân trước, đạp cho xe anh ta về mo rồi đứng nhìn nó trôi tuột đi và tôi sẽ bán hết đống đồ thể thao đắt tiền của anh ta trên eBay lấy 1 đôla. Rồi tôi sẽ khử béng anh ta luôn. Thực tình là anh ta chả hiểu quái gì sất! À vâng, anh ta làm việc cả ngày đấy, nhưng anh ta làm việc với những người lớn nói tiếng Anh, được học hành đến nơi đến chốn và giỏi giang tài cán lắm.
Anh ta đâu có phải thay tã cho mấy người đó, ru cho họ ngủ trưa rồi cọ rửa cho thức ăn hết bám dính trên tường. Anh ta đâu phải đếm từ 1 đến 10 để bình tĩnh trở lại, đâu phải xem phim hoạt hình Barney tới một triệu lượt, anh ta cũng đâu phải tự bóp ngực mình đến 6 lần để cho một đứa bé đói ngấu ăn và TÔI BIẾT TỎNG là anh ta đâu có phải ăn bơ lạc với bánh phết mứt trong bữa trưa. Anh ta CÓ tận HAI lần nghỉ 15 phút để “tản bộ” và một giờ nghỉ 1 tiếng đồng hồ để tập thể hình và 1 tiếng đi tàu về nhà để đọc sách báo hay chợp mắt cho khỏe.
Thế nên có thể tôi không có lương lậu gì thật, có thể tôi ru rú ở nhà, vận cái quần nỉ gần như cả ngày, có thể tôi chỉ tắm táp có 2, 3 ngày một lần, có thể tôi phải “chơi” với con suốt ngày…Thì trong một tiếng đồng hồ, tôi vẫn làm cả đống việc, nhiều hơn anh ta làm trong cả ngày. Vậy thì cứ lấy lương của anh đi, tống nó vào ngân hàng và cho tôi được đi làm cái trò sửa móng điên rồ mỗi tháng một lần mà không phải nghe anh nói: “Có khi em nên kiếm việc gì đó… tự kiếm tiền đi em.”
Trời đất! Và, tôi phải nói luôn, trúng đích rồi. Tôi sẽ đưa bạn một cảnh báo thẳng thắn: phần tiếp theo đây đọc không dễ chịu gì đâu, nếu bạn là một đấng mày râu. Nhưng đó có thể là thứ quan trọng nhất mà bạn đọc được trong cuốn sách này.
Cùng với sự thiếu ngủ và cách biệt xã hội, còn tồn tại cả tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng khi xét đến chuyện ai gánh phần việc nhà trong quá trình chuyển đổi lên vai trò làm cha mẹ. Nói đơn giản, phụ nữ phải oằn vai gánh phần lớn. Bất kể người phụ nữ có đang đi làm hay cặp đôi đó có bao nhiêu đứa con, tình hình vẫn như vậy. Kể cả ở thế kỷ XXI, phụ nữ vẫn phải đảm đương gần như toàn bộ công việc “nội chính”. Như nhà hoạt động nhân quyền Florynce Kennedy có lần đã nói: “Bất cứ người phụ nữ nào nghĩ rằng hôn nhân là chuyện phân đều 50-50 chỉ chứng tỏ một điều nàng chẳng hiểu gì về đàn ông lẫn tỉ lệ.” 
Lời oán thán của Melanie làm sáng tỏ một điều, tình trạng bất cân bằng này gặm mòn hôn nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình phát triển não bộ của bé. Tôi đã bảo rồi mà, đoạn này đọc sẽ chẳng dễ chịu gì cho cam.
Theo thống kê, phụ nữ có gia đình gánh vác 70% việc nhà: rửa chén bát, dọn rác, tã lót, sửa chữa lặt vặt, tất tần tật. Thế mà đây còn được coi là “tin tốt lành”, bởi 30 năm về trước, con số này lên tới 85% kia. Chẳng cần phải học chuyên ngành toán mới biết những con số này chẳng hề công bằng. Chưa kể khi có em bé, việc nhà của phụ nữ sẽ còn tăng gấp ba so với đàn ông.
Tình trạng bất công bằng trong chia sẻ việc nhà nghiêm trọng đến mức có thêm một ông chồng quanh quẩn ở bên lại sinh ra thêm 7 tiếng đồng hồ làm việc phụ trội mỗi tuần cho người phụ nữ. Trong khi đó, có vợ tiết kiệm giúp các ông chồng khoảng 1 tiếng đồng hồ làm việc mỗi tuần. Nói như một người mẹ trẻ là: “Đôi khi tôi vẫn mơ tưởng chuyện ly dị, thế tôi mới được nghỉ ngơi xả hơi dịp cuối tuần.”
Phụ nữ dành một khoảng thời gian nhiều phi thường, 39 tiếng đồng hồ mỗi tuần, để thực hiện những công việc dính dáng tới chăm sóc con trẻ. Ông bố ngày nay dành chừng một nửa số đó – 21,7 giờ mỗi tuần. Đây cũng được coi là “một tiến bộ vượt bậc”, vì nó đã tăng gấp ba lần lượng thời gian mà các đấng mày râu dành cho con cái hồi những năm 1960. Thế nhưng chẳng ai gọi thế này là công bằng được. Thêm một số liệu khác, có đến 40% các ông bố chỉ dành chừng 2 tiếng đồng hồ hoặc ít hơn cho các con mỗi ngày, và 14% các ông bố chơi với con chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.
Tình trạng chênh lệch trong khối lượng công việc – cùng với các xung đột về tài chính, cũng là một trong những nguồn viện dẫn thường xuyên lý giải cho xung đột hôn nhân. Nó ảnh hưởng mạnh đến đánh giá của một người phụ nữ về phu quân của nàng, đặc biệt là trong trường hợp ông chồng hay giở bài “tôi đây mới là trụ cột gia đình” ra như lối của ông chồng Melanie. Tài chính cũng là một vấn đề đáng nói. Một bà mẹ lui-cui-ở-nhà điển hình làm việc 94,4 tiếng đồng hồ mỗi tuần. Nếu được trả công cho những nỗ lực của mình, nàng sẽ kiếm được khoảng 117 nghìn USD mỗi tuần (tính dựa trên chi phí theo giờ và thời gian thực hiện mỗi nhiệm vụ đối với 10 chức danh công việc mà các bà mẹ phải đảm nhiệm trong các gia đình Mỹ, bao gồm quản gia, lái xe tải, cung cấp dịch vụ trông trẻ, bác sĩ tâm lý tại gia và giám đốc điều hành.) Phần lớn nam giới đều không phải đổ tới 94,4 giờ đồng hồ mỗi tuần vào công việc của mình. Và cam đoan là 99% các quý ông kiếm được dưới 117 nghìn USD mỗi năm.
Điều này lý giải tại sao trong đa phần các trường hợp, tình trạng phẫn nộ thường xuất phát từ phía nữ giới và lan sang nam giới. Đó cũng là điều dẫn chúng ta tới một cuốn sách nhỏ, cung cấp một manh mối hòng tìm ra phương cách chữa trị. Vợ tôi nhận được cuốn sách như một món quà từ người bạn. Tựa sách là Gợi tình vì nữ giới. Đó là một cuốn sách ảnh toàn những anh chàng vạm vỡ, với tất cả vẻ nam tính toát ra từ các cơ bắp cuồn cuộn, tràn trề vẻ nam tính gợi cảm, những vòm ngực trần cùng quần jeans trễ cạp, đầu tóc bù xù và ánh mắt nhấm nháy ra hiệu. Và TẤT CẢ bọn họ đều đang làm việc nhà.
Có một bức ảnh một trang nam nhi chải chuốt đang chạy máy giặt. Dòng chú thích viết là: “Lúc nào giặt ủi xong xuôi, anh sẽ đi chợ ngay cưng à. Anh sẽ dắt lũ nhóc đi cùng để em được nghỉ ngơi đôi chút.” Anh chàng ở hình bìa đang hút bụi. Một anh chàng vẻ đặc biệt thể thao ngó lên khỏi mục thể thao và thốt lên: “Ố ồ, trông này, hôm nay có các trận đấu loại giải Liên đoàn đây mà. Anh đoán tụi mình không phải phiền hà gì lúc đậu xe ở triển lãm máy bay đâu.”
Gợi tình vì nữ giới. Có sẵn trong một cuộc hôn nhân nào đó ngay gần bạn. 
4. Trầm uất
Những gì làm nên quá trình chuyển đổi lên vai trò làm cha mẹ? Tính đến lúc này, chúng ta đã có sơ qua bức tranh làm cha mẹ: “phản xạ cho” cứ ba phút một lần, ngủ một nửa thời lượng cần thiết, cắt đứt giao thiệp với bạn bè, và để biến những vấn đề kiểu như “ai đổ rác hôm nay nhỉ” thành các mối đe dọa hôn nhân. Nếu đây vẫn còn chưa phải các điều kiện tuyệt hảo, từ đó kéo theo Lý do Cuồng Nộ cuối cùng của chúng ta, thì thực thà là tôi chẳng biết còn gì được nữa. Chủ đề thứ tư của chúng ta chính là trầm uất. May thay, đa số các bạn đều không phải trải nghiệm thứ này, nhưng nó cũng nghiêm trọng đủ để đòi hỏi sự chú ý.
Đến một nửa số bà mẹ trẻ đều trải qua nỗi buồn hậu sản thoáng qua, sẽ tan biến chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Nhưng chừng 10 đến 20% các bà mẹ khác phải trải qua thứ gì đó sâu xa hơn nhiều và hiển nhiên là phiền hà hơn. Những phụ nữ này bị những cảm xúc tuyệt vọng, buồn rầu và vô tích sự sâu thăm thẳm bám riết, kể cả khi cuộc hôn nhân của họ vẫn đang yên lành êm thấm. Những cảm xúc đớn đau, bối rối ấy kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Những bà mẹ đau buồn khóc lóc triền miên hay chỉ đơn giản là nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ. Họ có thể nhịn ăn, hay ăn uống quá độ. Những bà mẹ này trở nên trầm uất bệnh lý, một chứng bệnh gọi là trầm cảm sau sinh. Mặc dù nguồn gốc và tiêu chí chẩn đoán chứng bệnh này đã được đem ra mổ xẻ kỹ lưỡng, nhưng giải pháp chưa bao giờ được đề cập đến.
Những phụ nữ phải nếm trải những nỗi lo âu, tâm trạng thất thường hay nỗi buồn rầu quá lớn cần được can thiệp. Để mặc không chữa trị, trầm cảm sau sinh sẽ gây ra những hậu quả rất bi thảm, từ sụt giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống cho tới giết con và tự tử. Nếu không thế, nó cũng sẽ làm suy yếu mối tương tác sống động, mà lẽ ra phải ngày càng sâu đậm giữa cha mẹ và con cái trong những tháng đầu đời. Thay vào đó, em bé bắt đầu phản chiếu lại những hành động buồn phiền của bà mẹ. Hiện tượng đó được gọi là thoái lui tương hỗ. Những em bé này trở nên bất an, rụt rè, bẽn lẽn và thụ động về mặt xã hội – và sợ sệt gấp hai lần so với những em bé được nuôi dạy bởi các bà mẹ không bị trầm uất. Những tổn hại này vẫn còn quan sát được tới 14 tháng sau khi sinh.
Mà phụ nữ không phải là người duy nhất bị chứng trầm cảm đe dọa. Chừng 10 đến 25% các đấng mày râu mới làm cha lần đầu cũng bị trầm cảm khi em bé chào đời. Tỉ lệ này tăng vọt lên tới 50% nếu người vợ cũng bị trầm uất. Một bức tranh “rước bé về nhà” không lấy gì làm đẹp đẽ, là vậy chăng?
Thật vui mừng, đây không hẳn là toàn bộ bức tranh.

KHÔNG AI NÓI VỚI TÔI RẰNG MỌI SỰ LẠI GIAN NAN NHƯỜNG ẤY

Một nhận xét chung mà tôi nghe được từ các bậc cha mẹ khi giảng về sự phát triển của não bộ là: “Chưa ai từng nói cho tôi biết rằng mọi sự lại gian nan nhường ấy.” Tôi không định nói giảm nói tránh những gian nan của quá trình chuyển đổi lên vai trò làm bố mẹ, mà mong sẽ đưa ra những viễn cảnh tươi sáng và lạc quan hơn về chuyện này.
Sở dĩ các bậc cha mẹ kỳ cựu không chăm chăm tập trung vào sự gian nan của việc có con, là bởi cái ‘khó’ ấy không phải toàn bộ câu chuyện. Đó thậm chí còn không phải là phần chủ yếu. Khoảng thời gian bạn thực sự trải qua bên con cái mình ngắn đến sững sờ. Chúng sẽ lớn rất nhanh. Cuối cùng, rồi con bạn sẽ ngủ nghê theo lịch trình đàng hoàng, rồi quay sang bạn để tìm nguồn an ủi, rồi học từ bạn cả những điều nên làm và không được làm, và sẽ rời khỏi vòng tay bạn, khởi đầu một cuộc sống độc lập.
Những gì bạn có được từ trải nghiệm này sẽ không phải là ‘có một đứa con vất vả đến mức nào’ mà là ‘bạn trở nên mong manh trước nó ra sao’. Tác giả Elizabeth Stone đã từng nói: “Đưa ra quyết định sinh một đứa con – quan trọng lắm. Đó là quyết định rằng vĩnh viễn trái tim bạn sẽ chỉ còn loanh quanh bên ngoài thân thể bạn mà thôi.”
Các ông bố bà mẹ kỳ cựu có thể trải qua những đêm không ngủ, nhưng họ đã được nếm nỗi phấn chấn của cuốc xe đạp đầu tiên, lễ tốt nghiệp đầu tiên của con, và một số người còn được đón đứa cháu đầu lòng. Họ đã trải nghiệm toàn bộ câu chuyện. Họ biết mọi thứ thật đáng giá.
Còn nhiều tin tốt lành hơn nữa. Các cặp đôi hiểu rõ bốn Lý do Cuồng Nộ và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng sẽ ít xung đột hơn khi có em bé. Mà dù xung đột có xảy ra, ảnh hưởng thường cũng nhẹ nhàng hơn nhiều.

BƯỚC ĐẦU TIÊN LÀ NHẬN THỨC

Tôi có thể chứng thực điều này. Tôi lớn lên trong một gia đình quân nhân hồi thập niên 1950. Bất cứ khi nào cả nhà đi chơi, mẹ tôi cũng đều tất bật chuẩn bị cho hai đứa trẻ con dưới 3 tuổi, nào sắp đặt chăn, chai lọ, tã lót và quần áo sạch. Bố tôi không bao giờ đỡ một tay và thực tình là chỉ biết cáu nhặng lên nếu việc chuẩn bị có bị lâu quá. Hầm hầm bước ra khỏi nhà, ông ngồi phịch xuống ghế lái và nổ máy đùng đùng để tuyên bố cơn giận dữ của mình. Rất nhiều cảm xúc mạnh mẽ ở đó, cũng hữu hiệu gần bằng một cơn trụy tim vậy.
Tôi cũng chỉ lờ mờ nhớ lại lối cư xử ấy của ông khi đã trở thành một người lớn. Nhưng sáu tháng sau khi lập gia đình, mọi chuyện trở nên rõ ràng. Hai vợ chồng tôi bị trễ giờ đến buổi tiệc gặp mặt bạn bè đại học. Nàng chuẩn bị mất thời gian quá đỗi và tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Tôi hầm hầm lao ra khỏi nhà, chui vào xe và đút chìa khóa vào khởi động. Thốt nhiên, tôi đột ngột nhận ra những gì mình đang làm.
Tôi nhớ rằng mình đã phải hít một hơi thật dài, tự hỏi vì đâu những ông bố bà mẹ vẫn gây ảnh hưởng sâu sắc tới nhường đó lên con cái mình, và rồi hồi tưởng lại lời dẫn từ James Baldwin: “Con cái không bao giờ giỏi lắng nghe cha mẹ, nhưng chúng không bao giờ thất bại trong việc bắt chước cha mẹ mình.” Thật chậm rãi, tôi rút chìa khóa khởi động, quay trở lại với cô dâu của mình, và nói lời xin lỗi. Tôi không bao giờ giở trò đó ra lần nào nữa.
Nhiều năm về sau, khi chuẩn bị cho một chuyến đi với hai đứa con của riêng mình, tôi đặt cậu út vào ghế ngồi, đột nhiên, bỉm của cậu tung tóe ra. Tôi toét miệng cười khi cảm nhận được chùm chìa khóa xe yên vị trong túi và quay trở lại bàn thay đồ, miệng khẽ ngân nga. Không hề có tiếng động cơ rú rít. 
Không có gì là ghê gớm trong câu chuyện này cả. Không có gì thực sự thay đổi, trừ thái độ chú ý đặc biệt. Nhưng chính thái độ chú ý này lại là điều tôi muốn chia sẻ, vì sự chuyển vận nội tại của nó mang lại những hệ quả tích cực hết sức mạnh mẽ. Các nhà nghiên cứu biết cách làm thế nào để quá trình chuyển đổi lên vai trò dưỡng dục trở nên dễ dàng hơn với các cặp đôi, và tôi mong rằng không chỉ nói cho bạn biết làm cách nào, mà còn chứng thực rằng nó có tác dụng thật sự. Miễn là bạn tình nguyện đổ vào đó ít nhiều nỗ lực, thì các em bé sẽ không phải là dạng bệnh dịch giai đoạn cuối, khiến không một cuộc hôn nhân nào có thể hồi phục an toàn. Ví như khi viết những dòng này đây, tôi đang bước vào năm thứ 30 của cuộc hôn nhân, và lũ trẻ nhà tôi thì ngấp nghé tuổi thanh thiếu niên. Đây quả là những năm tháng tuyệt nhất cuộc đời tôi.
Điều hiển nhiên chỉ hiển nhiên với bạn
Câu chuyện chùm chìa khóa xe hơi có liên quan đến một sự biến đổi về quan điểm, được tóm gọn vào thành những Quy luật Trí não của chúng ta: “Điều hiển nhiên chỉ hiển nhiên với bạn.” Bố tôi không biết cần làm những gì để chuẩn bị sẵn sàng cho các con mình (mà dù có biết rõ đi chăng nữa, chắc ông cũng chẳng muốn chìa tay giúp đỡ.) Nhưng mẹ tôi biết rõ những việc gì cần phải làm. Ở đây có “tình trạng không tương đồng cảm giác” trong quan điểm của hai người. Nó dẫn tới những tranh chấp thực sự khó chịu.
Vào năm 1972, nhà xã hội học Edward Jones và Richard Nisbett đã đưa ra giả thuyết rằng không tương đồng cảm giác là nguyên nhân chủ yếu gây ra xung đột, và rằng khắc phục được tình trạng bất cân xứng này chính là giải pháp hữu hiệu để giải quyết xung đột. Họ đã đúng. Nhận định cốt lõi của họ là thế này: con người ta nhìn nhận hành vi của bản thân chỉ mang tính tình huống, có thể cải tạo, nhưng lại cho rằng lối cư xử của người khác là biểu hiện của bản chất cố hữu, đã ăn sâu bám rễ và không thể biến đổi. Một ví dụ kinh điển là ứng viên xin việc đến buổi phỏng vấn trễ giờ. Ứng viên này đổ cho những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát gây nên sự chậm trễ (bị kẹt xe). Người phỏng vấn lại đổ tại thái độ vô trách nhiệm của cá nhân (không chịu tính toán đến yếu tố giao thông). Một người thì viện dẫn sự kiềm thúc mang tính tình huống để lý giải cho việc tới muộn. Người khác thì viện dẫn một sự xúc phạm.
Nisbett và các đồng sự đã tập hợp những tình huống không tương đồng kiểu này suốt nhiều thập niên. Nisbett phát hiện ra rằng con người thường có xu hướng tự huyễn hoặc bản thân bằng những viễn cảnh khoa trương về tương lai. Họ có xu hướng nghĩ rằng mình nhất định sẽ trở nên giàu có, có nghề nghiệp xán lạn hơn và chẳng bệnh tật gì trong khi bản thân không được như vậy (một lý do khiến những bệnh nan y như ung thư khiến người ta tan nát đớn đau đến thế, là bởi không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xảy đến với mình, chỉ là với “ai đó” khác.) Con người ta hay đánh giá phiến diện, thiên lệch người khác chỉ qua những cuộc tiếp xúc ngắn ngủi. Khi tranh luận, chúng ta tin rằng mình hoàn toàn không thiên vị, có hiểu biết và rất khách quan, trong khi cho rằng đối thủ của mình định kiến rõ ràng, chẳng biết gì và bảo thủ vô phương.
Tình trạng này bắt nguồn từ một hiện tượng của thần kinh học nhận thức. Bất cứ hành vi nào của con người cũng gồm nhiều thành phần khác nhau, đại khái có thể chia thành các yếu tố hậu cảnh và tiền cảnh. Các thành phần hậu cảnh có liên quan tới lịch sử tiến hóa, cấu trúc di truyền và môi trường bào thai. Các thành tố tiền cảnh có liên quan tới các hóc môn cấp tính, những kinh nghiệm có trước và những xúc tác môi trường tức thời. Chỉ riêng trong hộp sọ của mình, con người chúng ta đã có quyền tiếp cận đặc cách đối với cả hai bộ thành tố này, mang lại những hiểu biết chi tiết về các cấu trúc tâm lý học, các động cơ và mục đích. Chính thức được gọi với cái tên “nội quan”, chúng ta biết được mình có ý gì hoặc định chuyển tải những gì nhờ vào một nền tảng liên tục từng phút một. Vấn đề là, không ai biết được việc này. Người khác đâu có thể đọc được suy nghĩ của ta. Thông tin duy nhất mà những người khác có được về các trạng thái nội tại và động cơ của ta chỉ là những lời ta nói ra và những gì gương mặt cùng cơ thể ta thể hiện ra. Những yếu tố này có tên gọi chính thức là ngoại quan.
Chúng ta mù tịt đến không ngờ về những giới hạn của thông tin ngoại quan. Chúng ta biết được khi nào thì hành động của mình không còn đồng nhất với các suy nghĩ và cảm xúc nội tại, nhưng đôi khi chúng ta quên mất rằng thông tin này không hề có sẵn với người khác. Sự khác biệt này có thể khiến ta cảm thấy bối rối và kinh ngạc khi chạm phải suy nghĩ của người khác. Như nhà thơ Robert Burns từng viết: “Ôi Chúa ơi xin cho con phép lạ/ Thấy được mình, như kẻ khác thấy con.”
Nhận biết nội quan va chạm với thông tin ngoại quan chính là Vụ Nổ Lớn của hầu hết xung đột con người. Nó đã được quan sát trực tiếp giữa những người gắng chỉ ra phương hướng cho một tâm hồn lầm lạc và giữa các quốc gia tham chiến, gắng sức thương thuyết để đạt được một thỏa thuận hòa bình. Nó tạo thành căn cứ của hầu hết những đổ vỡ trong giao tiếp, bao gồm cả những xung đột trong hôn nhân.
Bạn có giành chiến thắng trong cuộc đấu thấu cảm?
Nếu như tình trạng bất cân xứng ngự trị ngay ở trung tâm của hầu hết những xung đột, vậy tiếp theo sẽ là, tình thế cân bằng sẽ sản sinh ra ít hành vi thù nghịch hơn. Thật khó mà tin rằng một cậu bé 4 tuổi trong một cuộc đấu thấu cảm hết sức xoàng xĩnh lại có thể chứng minh rằng ý kiến xác đáng này về căn bản là đúng đắn. Tác giả quá cố Leo Buscaglia đã kể lại chuyện ông được đề nghị làm giám khảo cho một cuộc thi để tìm ra đứa trẻ ân cần nhất. Cậu bé giành chiến thắng đã thuật lại câu chuyện về người láng giềng lớn tuổi của cậu.
Ông hàng xóm này vừa mới mất đi người vợ cùng chung sống đã vài chục năm. Cậu bé 4 tuổi nghe thấy ông sụt sùi ở vườn sau và quyết định điều tra tình hình. Leo lên lòng của người hàng xóm, cậu bé cứ chỉ ngồi ở đó trong khi người đàn ông khóc lóc âu sầu. Việc ấy lại xoa dịu người hàng xóm đến lạ lùng. Về sau, mẹ cậu bé hỏi xem con trai mình đã nói gì với người hàng xóm ấy. “Chẳng có gì đâu mẹ,” cậu chàng bé bỏng đáp, “con chỉ giúp bác ấy khóc thôi mà.”
Có rất nhiều lớp lang trong câu chuyện này, nhưng điều căn bản có thể tóm lại được: Đây chính là một lối hồi đáp với một mối quan hệ bất cân xứng. Người đàn ông lớn tuổi kia đang buồn rầu. Cậu bé thì không. Thế nhưng chính thái độ tình nguyện của “người khuyên bảo” không chủ đích này, bước vào không gian cảm xúc thuộc về người đàn ông, để thấu cảm, đã thay đổi mức cân bằng của mối quan hệ.
Việc lựa chọn thấu cảm – suy cho cùng, đó đơn thuần chỉ là một lựa chọn – lại có sức mạnh ghê gớm đến mức nó có thể biến đổi hệ thần kinh đang phát triển của các bé sơ sinh có các ông bố bà mẹ thường xuyên thực hành điều đó.
Định nghĩa thấu cảm
Tôi vẫn hay nghĩ rằng những chủ đề ướt át kiểu như “thấu cảm” cũng có tác dụng hỗ trợ về mặt khoa học thần kinh hệt như các đường dân nóng tư vấn thần kinh vậy. Nếu 10 năm về trước, có ai đó bảo với tôi rằng sự thấu cảm có thể được miêu tả đến nơi đến chốn dựa trên kinh nghiệm, giống như chứng Parkinson chẳng hạn, chắc tôi sẽ cười ầm lên mất. Giờ thì tôi không cười nữa rồi. Những tài liệu nghiên cứu thiết thực và vẫn đang tiếp tục phát triển đã miêu tả sự thấu cảm, định nghĩa nó với ba thành tố căn bản:
• Phát hiện sự xúc động. Trước hết, một người phải phát giác ra sự thay đổi trong tâm tính của ai đó. Trong khoa học hành vi, “sự xúc động” có nghĩa là biểu hiện bên ngoài của một tình cảm hoặc tâm trạng nào đó, thường song hành với một ý tưởng hoặc hành động. Các trẻ mắc chứng tự kỷ thường không thể tiến tới bước này được; kết quả là, chúng hiếm khi cư xử với sự thấu cảm được.
• Hoán vị tưởng tượng. Khi một người đã phát giác ra sự thay đổi tâm trạng nào đó, anh ta sẽ hoán đổi những gì mình quan sát được vào kết cấu tâm lý bên trong mình. Anh ta sẽ “ướm thử” những cảm xúc đã nhận biết được này như thể chúng là áo quần, sau đó quan sát xem anh ta sẽ phản ứng ra sao trong những tình huống tương tự. Đối với các độc giả sắp sinh con, bạn vừa mới học cách làm thế nào có một cuộc đấu công bằng với con mình, chưa kể đến bạn đời của mình.
• Hình thành giới hạn. Người đang thực hiện thấu cảm phải luôn nhận thức rằng trạng thái cảm xúc kia đang xảy ra với người khác, chứ không phải với người quan sát. Sự thấu cảm rất mạnh mẽ, nhưng nó cũng có giới hạn nhất định.
Sự thấu cảm phát huy tác dụng
Các cặp đôi thường xuyên thực hành thấu cảm sẽ chứng kiến những kết quả tuyệt vời. Chính những biến số độc lập tiên đoán một cuộc hôn nhân thành công, cũng lường được khả năng ly hôn với tỉ lệ chính xác lên tới 90%, theo như nhận định của nhà khoa học hành vi John Gottman, một nhân vật vẫn đi theo chủ nghĩa phê phán kiểu suy luận nhân-quả. Trong các nghiên cứu của Gottman, nếu người vợ cảm thấy được chồng lắng nghe thì về cơ bản cuộc hôn nhân này bảo đảm không dẫn đến ly hôn. (Thật thú vị, là việc người chồng có cảm thấy được lắng nghe hay không lại không phải một nhân tố tác động tới tỉ lệ ly dị.) Nếu việc chuyển tải qua lại sự thấu cảm bị thiếu vắng ở đây, cuộc hôn nhân coi như sụp đổ.
Nghiên cứu thể hiện rằng 70% xung đột trong hôn nhân là không thể giải quyết; tình trạng bất đồng vẫn còn tồn tại. Nhưng miễn là những bên liên đới học cách chung sống với những điểm khác biệt của nhau – một trong những thách thức to lớn nhất trong đời sống hôn nhân – thì đây không hẳn là một tin tồi tệ gì cho lắm. Nhưng những khác biệt ấy buộc phải được thấu hiểu, kể cả khi chưa một vấn đề nào được giải quyết rốt ráo cả. Một trong những lý do khiến sự thấu cảm phát huy hiệu quả đến thế là bởi nó không đòi hỏi giải pháp nào. Nó chỉ đòi hỏi sự thấu hiểu. Nhận thức được điều này là cực kỳ quan trọng. Nếu như có một khoảng linh hoạt dành cho việc thỏa thuận, chiếm chừng 30% tổng thời gian, thì thấu cảm trở thành bài tập đầu tiên cho việc xử lý xung đột của bất cứ cặp đôi nào. Đó có lẽ là nguyên cớ tại sao sự thiếu vắng thấu cảm chính là một yếu tố tiên báo mạnh mẽ cho kết cục ly hôn.
Và trong số nhiều nhà nghiên cứu như thế, Gottman đã khám phá ra một tác động tương tự đối với việc nuôi dạy trẻ. Ông đã phát biểu: “Sự thấu cảm không những đóng vai trò quan trọng, đó còn đặt nền tảng cho dưỡng dục hiệu quả.”

BIẾN THẤU CẢM TRỞ THÀNH PHẢN XẠ: HAI BƯỚC ĐƠN GIẢN

Vậy bạn phải làm những gì để đạt được kiểu thành công trong hôn nhân mà Gottman đã nói tới? Bạn cần khỏa lấp khoảng cách mà tôi đã miêu tả, tình trạng bất cân bằng giữa những gì bạn biết về cảm xúc nội tại của mình với những gì bạn suy diễn về người bạn đời của mình. Cách thức thực hiện điều này chính là tạo dựng nên một “phản xạ thấu cảm” – phản xạ đầu tiên của bạn trước mỗi tình huống cảm xúc. Các nhà nghiên cứu đã định nghĩa phản xạ thấu cảm trong quá trình thử đưa các trẻ tự kỷ có khả năng thực hiện chức năng cao vào tái hòa nhập xã hội. Nó đơn giản đến ngỡ ngàng và cũng hiệu quả đến ngỡ ngàng, một thứ na ná như chuyện cậu bé trèo lên lòng người láng giềng cao tuổi. Khi mới đương đầu với những cảm xúc “nóng hổi” của ai đó, bạn hãy thực thi ngay hai bước đơn giản này:
1. Miêu tả những biến đổi về cảm xúc mà bạn cho là mình chứng kiến được.
2. Đưa ra một suy đoán xem những biến đổi cảm xúc này xuất phát từ đâu.
Tiếp đó, bạn có thể thể hiện bất cứ thói quen phản ứng xấu xí nào vốn vẫn là “thường ngày ở huyện” với bạn. Tuy vậy, tôi cũng đưa ra cho bạn một cảnh báo thẳng thắn. Nếu như phản xạ thấu cảm trở thành một phần chủ động trong phương cách xử lý xung đột của bạn, thì sẽ rất khó để bạn hành xử theo lối bướng bỉnh và phản kháng. Dưới đây là một ví dụ đời thực được lấy từ một trong những tập dữ liệu nghiên cứu của tôi.
Cô con gái 15 tuổi của một phụ nữ nọ được phép đi chơi vào thứ Bảy hằng tuần nhưng buộc phải về nhà trước nửa đêm. Một tuần nọ, cô bé bất chấp lệnh giới nghiêm và trở về nhà khi đã 2 giờ sáng. Cô con gái rón rén vào nhà và trông thấy ánh đèn phòng khách đầy hăm dọa vẫn còn sáng, với một bà mẹ tức giận rõ ràng đang ngồi trên ghế. Đứa con sợ hết hồn, hẳn nhiên là thế. Cô bé còn có vẻ rầu rĩ lắm. Bà mẹ nhận thấy cô con gái đã phải trải qua buổi tối buồn bã. Khung cảnh này thông thường sẽ báo hiệu khúc mở màn của một cuộc cãi vã, một sự kiện quen thuộc và làm cạn kiệt sinh lực cả hai mẹ con. Nhưng thay vào đó, bà mẹ đã nghe về phản xạ thấu cảm từ một người bạn và sẽ chọn cách này.
Bà bắt đầu: “Trông con sợ rúm ró cả ra rồi kìa.” Cô thiếu nữ kia ngưng lại, khẽ gật đầu. “Mà không chỉ sợ sệt đâu,” bà mẹ nói tiếp, “con có vẻ buồn. Buồn vô cùng. Thực ra, trông con có vẻ bẽ bàng.” Cô gái nhỏ lại sững ra lần nữa. Đây không phải những gì con bé đang chờ đợi. Bà mẹ tiếp đến triển khai bước thứ 2, suy đoán nguồn cơn.
“Buổi tối vừa rồi tệ lắm, phải không con?” Cô con gái trố mắt. Đúng là một tối tồi tệ. Nước mắt cô bé thốt nhiên giàn giụa. Bà mẹ đoán thử xem khả năng việc gì đã xảy ra, và giọng bà dịu đi. “Con cãi nhau với bạn trai đúng không.” Cô con gái nhỏ òa lên khóc. “Anh ấy chia tay với con rồi! Con phải tự kiếm xe về nhà! Đấy là lý do con về muộn!” Cô bé đổ sụp xuống vòng tay yêu thương của bà mẹ, và cả hai cùng khóc. Không có một cú đo ván nào đêm hôm ấy. Chuyện ấy hiếm khi xảy ra trong vòng tay của một phản xạ thấu cảm – bất kể trong nuôi dạy con gái hay hôn nhân đôi lứa.
Đó chưa phải toàn bộ câu chuyện, đương nhiên. Bà mẹ vẫn cứ trừng phạt cô con gái; luật là luật, và cô bé bị cấm túc trong một tuần. Nhưng cục diện mối quan hệ đã thay đổi. Cô con gái thậm chí còn bắt đầu bắt chước phản xạ thấu cảm, đây là một phát hiện chung trong các nghiên cứu thực hiện tại các gia đình có thi hành phản xạ này một cách chủ động. Đầu tuần sau đó, cô con gái nhìn thấy mẹ đang xoay xỏa nấu nướng bữa tối muộn, vẻ rõ ràng rầu rĩ sau một ngày dài làm việc. Thay vì hỏi mẹ xem tối đó có món gì, cô bé nói: “Trông mẹ buồn lắm, mẹ ạ. Có phải tại vì muộn rồi, mẹ lại mệt và chẳng thiết gì nấu nướng, đúng không mẹ?” 
Bà mẹ không thể nào tin nổi.

CHUẨN BỊ CHO MỐI QUAN HỆ CỦA BẠN

Các cặp đôi vốn sở hữu một mối quan hệ bền vững nhờ thấu cảm và cả các cặp có chuẩn bị trước cho sự chuyển đổi lên vai trò làm bố làm mẹ sẽ tránh được những điều tồi tệ nhất trong Bốn Lý do cuồng nộ. Những động thái chuẩn bị như thế sẽ tạo ra hệ sinh thái nội tại tốt nhất cho quá trình phát triển trí não lành mạnh của trẻ.
Những bậc cha mẹ này có thể đưa được con vào trường Harvard hoặc không, nhưng họ sẽ không lôi con mình vào một cuộc chiến. Họ sẽ có khả năng lớn nuôi dạy nên những đứa trẻ sáng láng, hạnh phúc và tử tế.
Những điểm cốt yếu
• Hơn 80% các cặp đôi đều nếm trải cú sụt giảm chất lượng hôn nhân nghiêm trọng trong quá trình chuyển đổi lên vai trò làm cha mẹ.
• Tình trạng thù nghịch giữa bố mẹ có thể làm tổn hại đến não bộ và hệ thần kinh đang phát triển của trẻ sơ sinh.
• Sự thấu cảm sẽ giảm nhẹ tình trạng thù nghịch.
• Bốn nguồn cơn chủ yếu sản sinh ra tình trạng hôn nhân bất ổn là: thiếu ngủ, tình trạng cách ly xã hội, phân bố việc nhà không bình đẳng và trạng thái trầm uất.
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.