Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc

NHỮNG QUY TẮC ĐỂ TRẺ THÔNG MINH VÀ HẠNH PHÚC –



Người dẫn đường không thể thiếu trên hành trình làm cha mẹ
Bạn đã sẵn sàng bắt tay vào nuôi dạy một đứa trẻ thông minh, hạnh phúc rồi chứ?
Bạn có thông hiểu quy luật trí não của trẻ? Hãy thử làm bài trắc nghiệm nhỏ dưới đây để biết mình sẵn sàng đến đâu:
1. Yếu tố nào quyết định trẻ sẽ đạt thành tích học tập cao?
a. IQ
b. Khả năng tự kiềm chế
c. Điểm số
2. Điều quan trọng nhất trí não cần để học tập tốt?
a. Môi trường nhiều kích thích
b. Giáo viên nhuần nhuyễn kỹ năng về Học thuyết trí não
c. Cảm giác được an toàn
3. Trẻ nhận thức được từ khi nào?
a. 45 phút sau khi chào đời, trẻ đã biết bắt chước
b. Trẻ nhớ được một sự kiện đã từng xảy ra từ một tuần trước
c. Trẻ hiểu được rằng ở gần thì vật to hơn, ở xa thì vật nhỏ hơn
d. Trẻ phân biệt được gương mặt người với gương mặt không-phải-người ngay từ khi sinh ra
e. Tất cả điều trên
f. Không điều nào đúng. Trẻ em khi sinh ra chỉ biết khóc, ăn, tè dầm, nôn trớ và ngủ. Khả năng nhận thức chỉ được phát triển dần dần theo thời gian.
4. Tỉ lệ các cuộc hôn nhân đi xuống sau khi đón đứa con 
đầu lòng
a. 16%
b. 55%
c. 83%
5. Ở độ tuổi nào trẻ cảm nhận được mối bất hòa của cha mẹ?
a. Trẻ dưới 6 tháng tuổi đã có thể phát hiện điều gì đó không ổn. Huyết áp tăng lên, nhịp tim và hóc môn stress gia tăng, đầy đủ dấu hiệu như cơn căng thẳng ở người trưởng thành.
b. Trẻ có thể không hiểu được cha mẹ mâu thuẫn nhau về điều gì, nhưng chúng linh cảm được có điều đó xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng giữ bình tĩnh và hồi phục sau cơn stress của trẻ.
c. Ảnh hưởng của stress sẽ biểu hiện rõ rệt khi trẻ đến tuổi đi học. Trẻ có xu hướng dùng đến bạo lực, kém giao tiếp xã hội hơn. Chúng khó tập trung chú ý và dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe, chỉ số IQ cũng thấp hơn.
d. Tất cả đáp án trên
6. Bốn nguyên nhân chính gây ra xung đột gia đình khi đón đứa con đầu lòng?
a. Tã bẩn, phong cách dạy dỗ khác biệt, tiền bạc, thiếu tình dục
b. Thiếu ngủ, tách biệt khỏi xã hội, thiếu chia sẻ của người chồng, căng thẳng
c. Phải thức dậy lúc nửa đêm, thiếu thời gian dành cho nhau, stress vì đột nhiên phải ở nhà
7. Bạn thấy kiệt sức và muốn rời con ra để rảnh rang chút xíu. Bạn có nên để em bé 2 tuổi của mình xem ti vi?
a. Tuyệt đối không
b. Khoảng một tiếng một ngày
c. Một lượng vừa đủ, và chỉ chọn những chương trình có tính giáo dục, tương tác cho trẻ xem
8. Con bạn đạt điểm cao nhất trong bài kiểm tra trên lớp, bạn sẽ nói gì?
a. “Mẹ biết con làm được mà. Con rất thông minh!”
b. “Mẹ rất tự hào về con. Hẳn con đã nỗ lực rất nhiều!”
c. Nói câu khác
9. Phương pháp dạy con nào sẽ sản sinh ra những thiên tài?
a. Nghiêm khắc, cha mẹ cần có oai với con, để trẻ biết sợ và tôn trọng người lớn
b. Yêu thương, yêu thương và yêu thương con thật nhiều. Tuyệt đối tránh đối đầu với con.
c. Nghiêm khắc, nhưng vẫn ân cần
d. Chỉ cần chu cấp cái ăn, cái mặc cho con, rồi để chúng tự thân vận động. Chúng sẽ tự biết đường xoay xở.
10. Bạn đang dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc. Đâu là cách hay nhất để giúp trẻ tuân thủ quy tắc bạn đề ra?
a. Phạt khi trẻ hư
b. Giải thích lý do bạn đưa ra quy tắc này
c. Hối lộ con
Đáp án
1b. Những em bé có thể kiềm chế cảm xúc bản thân sẽ đạt điểm IQ cao hơn 210 điểm so với trẻ không thể kiểm soát được bản thân. Tại sao? Tăng cường kiểm soát là một phần của chức năng điều hành. Chức năng điều hành còn liên quan đến khả năng tránh xao lãng ở trẻ. Trẻ có khả năng tập trung tốt hơn, do đó học tốt hơn.
Điều tiết cảm xúc là nhân tố tiên đoán chính xác nhất khả năng nhận thức của trẻ? Đúng vậy. Để tìm hiểu thêm về ý tưởng gây sửng sốt này, bạn có thểm tìm đọc phần Sự tự chủ trong Bé thông minh: Hạt giống, trang 165 và Công cụ trí não, trong Bé thông minh: Đất trồng, trang 208
2c. Ưu tiên hàng đầu của bộ não là sinh tồn. Hãy xem Công việc thường ngày của não bộ không phải là học tập chương Bé thông minh: Đất trồng, trang 194
3e. Mặc dù các nhà khoa học xưa nay vẫn nghĩ rằng trẻ em là những tờ giấy trắng. Nhưng các nghiên cứu gần đây đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm này. Xem Nhìn như khỉ, hành xử như khỉ trong chương Quan hệ vợ chồng, trang 104
4c. Hầu hết các cặp đôi đều không thể tưởng tượng được những thay đổi lớn lao khi có con. Trẻ em xưa nay vẫn được hiểu rằng sẽ mang đến niềm vui bất tận, đúng không nào? Đó là ảo tưởng của rất nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là với các bậc cha mẹ lớn lên trong những năm 1950 – kỷ nguyên của những ý tưởng truyền thống về hôn nhân và gia đình. Nhưng nhà xã hội học LeMasters đã chỉ ra có con đồng nghĩa với khoảng thời gian gian nan, cực nhọc. 
5d. Căng thẳng khi phải chứng kiến cha mẹ to tiếng, bất hòa với nhau có thể làm tổn thương trí não trẻ. Nhưng nếu bạn chịu bỏ đôi găng đấm bốc xuống, thì hệ thống não của trẻ sẽ phục hồi trong 8 tuần. Nếu trót gây gổ trước mặt trẻ, hãy chắc chắn rằng để trẻ chứng kiến các bạn đã làm lành với nhau. Hãy xem Trẻ đối phó với stress ra sao trong chương Quan hệ vợ chồng, trang 110.
6b. Để biết thêm chi tiết, bạn xem Bốn nguyên cớ chính khiến bạn cãi vã trong chương Quan hệ vợ chồng, trang 114.
7a. Tất nhiên bạn cần nghỉ ngơi. Nhưng tốt nhất nên có một người khác thay bạn chăm con lúc này – hãy nhờ một người bạn, một người thân, hay người hàng xóm về hưu. Hiệp hội Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng trẻ em dưới 2 tuổi tuyệt đối không nên xem ti vi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ mỗi giờ trẻ dưới 2 tuổi xem ti vi lại tăng thêm 9% nguy cơ hành xử bạo lực khi đến tuổi đi học. Những đứa trẻ này cũng sẽ khó kiềm chế được cảm xúc của bản thân. Ti vi cũng là liều thuốc độc cho khả năng tập trung, chú ý của trẻ. Mà đây lại chính là thể hiện của chức năng điều hành của trẻ. (Khả năng kiểm soát quyết định thành tích học tập ở trường của con, chứ không phải IQ). Trẻ dưới 3 tuổi, nếu xem ti vi 3 tiếng mỗi ngày sẽ tăng 30% nguy cơ suy giảm khả năng tập trung hơn trẻ không xem ti vi.
Tuy nhiên, sau 5 tuổi các chương trình tương tác trên ti vi có lợi cho não bộ. Dĩ nhiên, bạn vẫn cần hạn chế xem ti vi. Hãy xem Thời đại số hóa: ti vi, trò chơi điện tử và Internet, chương Bé thông minh: Đất trồng, trang 219.
8b. Trẻ em được khen ngợi vì nỗ lực của bản thân sẽ học được rằng nỗ lực chính là thứ tạo nên thành công. Như vậy, trẻ biết rằng, chúng có thể vượt qua mọi thử thách chỉ cần nỗ lực hơn nữa. Xem phần Khen ngợi nỗ lực, chứ không phải IQ trong chương Bé thông minh: Đất trồng, trang 213.
9b. Các nhà nghiên cứ đã chỉ ra rằng, chỉ có duy nhất một phong cách giáo dục giúp bạn nuôi dạy nên đứa trẻ tuyệt vời. Những bậc cha mẹ này đòi hỏi cao nhưng rất quan tâm đến tình cảm của con cái. Họ giải thích luật lệ cho con và khuyến khích con phát biểu ý kiến. Họ muốn hướng con sớm tự lập. Để đọc thêm về bốn phong cách làm cha mẹ, hay định nghĩa về đứa trẻ tuyệt vời, hãy xem phần Một em bé xuất chúng, chương Bé hạnh phúc: Đất trồng, trang 300.
10b. Phạt khi trẻ vi phạm luật lệ là cốt lõi của kỷ luật. Nhưng giải thích luật lệ cho trẻ lại có thể tạo nên điều kỳ diệu. Làm vậy sẽ khiến các hình phạt trở nên dễ chấp nhận hơn, để lại bài học sâu sắc, khó quên hơn. Ví dụ, không giải thích: “Chớ có động vào con chó, không con sẽ bị nhốt xó đấy.” Và có giải thích: “Chớ có động vào con chó, không con sẽ bị nhốt xó đấy. Con chó dữ lắm, và mẹ không muốn con bị nó cắn đâu.” Hãy đọc Lý giải luật lệ, chương Bé có phẩm cách, trang 375.
Bạn trả lời đúng bao nhiêu câu? Nếu bạn vẫn còn thấy hoang mang, sao làm cha mẹ lại là hành trình gian nan, với đầy rẫy những cạm bẫy, thử thách khuất lấp đến nhường này, hãy để Những quy tắc để trẻ thông minh và hạnh phúc đồng hành cùng bạn nhé! Sẵn sàng làm một ông bố/ bà mẹ tuyệt vời của con cái nào!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.