Những Quy Tắc Để Trẻ Thông Minh Và Hạnh Phúc

BÉ THÔNG MINH: HẠT GIỐNG



Quy luật trí não

Não bộ quan tâm đến sinh tồn hơn là học tập
Trí thông minh không chỉ là IQ
Trò chuyện mặt đối mặt, không phải qua màn hình
 

BÉ THÔNG MINH: HẠT GIỐNG

huở nhỏ, không có một dấu hiệu nào của Tổng thống Roosevelt  gợi ra, dù chỉ là thoáng qua, về tầm vóc vĩ đại của ông trong tương lai. Roosevelt chỉ là một đứa trẻ ốm đau quặt quẹo, hay âu lo và nhút nhát, mắc bệnh hen nặng tới mức phải ngủ ngồi để tránh bị ngạt thở. Cậu không thể theo học lớp bình thường, buộc cha mẹ phải tự dạy con ở nhà. Lo ngại trước bệnh tình của cậu, các bác sĩ khuyến cáo sau này cậu chỉ nên làm nghề gì ít vận động, tốt nhất là làm bàn giấy và bằng mọi cách phải tránh những hoạt động thể chất cường độ cao.
May mắn thay, trí óc Roosevelt không thỏa hiệp dù với thân thể hay với bác sĩ của cậu. Với trí tuệ mẫn tiệp luôn khao khát học hỏi, bộ nhớ rõ nét như chụp hình và ý chí vươn lên mạnh mẽ, 9 tuổi Roosevelt đã có tác phẩm khoa học đầu tay Lịch sử Tự nhiên của Côn trùng; 16 tuổi, được tuyển thẳng vào trường Harvard; tốt nghiệp với tấm bằng Phi Beta Kappa ; 23 tuổi chạy đua vào cơ quan lập pháp tiểu bang; và một năm sau xuất bản cuốn sách học thuật đầu tiên, nghiên cứu về lịch sử cuộc chiến năm 1812. Ông gặt hái thành công cả trên cương vị nhà sử học, chính trị gia, thậm chí nhà động vật học, triết gia, nhà địa lý, một chiến binh và nhà ngoại giao. Roosevelt trở thành Tổng tư lệnh vào năm 42 tuổi, vị Tổng tư lệnh trẻ nhất trong lịch sử. Ông cũng là Tổng thống duy nhất giành được Huân chương Danh dự Quốc hội, và là Tổng thống Mỹ đầu tiên được giải Nobel Hòa bình.
Điều gì khiến Roosevelt thông minh phi phàm đến vậy, trong khi khởi đầu kém thuận lợi như thế? Rõ ràng, các yếu tố di truyền có giúp vị tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ một tay. Quả vậy, nguồn gene chi phối 50% sức mạnh tri thức của con người, còn môi trường sẽ quyết định nốt phần còn lại. Điều này có hai mặt: Thứ nhất, bất kể con bạn có cố gắng hết mình đến đâu, thì vẫn có giới hạn cho những gì não bộ có thể làm được. Thứ hai, đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Môi trường quanh chúng, đặc biệt là những gì bạn thực hiện ở vai trò làm cha làm mẹ cũng có tác động mạnh đến trí thông minh của con cái bạn. Chúng ta sẽ xem xét cả hạt giống và đất trồng. Chương này tập trung thảo luận về nền tảng sinh học của trí thông minh con trẻ. Chương tiếp theo sẽ giải thích xem bạn có thể làm những gì để tối ưu hóa nó.

BỘ NÃO THÔNG MINH CÓ HÌNH DẠNG RA SAO

Nếu bạn có thể nhìn thật gần vào bên trong bộ não của em bé, liệu có manh mối gì báo hiệu tầm vóc trí tuệ của bé trong tương lai? Trí thông minh có dạng hình ra sao ở những điểm bện thừng và xếp nếp trong kiến trúc xoắn vặn của não bộ? Một cách trực quan để trả lời những câu hỏi này, chính là xem xét bộ não của những nhân vật trí tuệ phi thường sau khi họ qua đời và tìm kiếm những manh mối thể hiện trí thông minh ngay trong cấu trúc thần kinh của họ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều bộ não nổi tiếng, từ Carl Gauss – một thiên tài toán học người Đức cho đến Vladimir Lenin. Họ còn nghiên cứu bộ não của Albert Einstein và thu được những kết quả đáng ngạc nhiên.
Bình thường như não của bạn
Einstein mất năm 1955 tại New Jersey. Việc mổ xẻ tử thi Einstein được Thomas Stoltz Harvey thực hiện. Ông đã tách bộ não của nhà vật lý trứ danh ra và tiến hành chụp hình từ nhiều góc độ. Rồi ông xẻ bộ não thành những khối nhỏ xíu. Rồi ông gặp rắc rối. Hiển nhiên là Harvey không được Einstein hay gia đình Einstein cho phép phẫu thuật và phân tích bộ não trứ danh của nhà vật lý học. Ban lãnh đạo Bệnh viện Princeton yêu cầu Harvey phải giao nộp lại não bộ của Einstein. Harvey cự tuyệt, chịu mất việc, rồi chuồn tới Kansas, giữ kín các mẫu lưu trong suốt hơn 20 năm trời.
Những mẫu lưu này chỉ được khám phá lại vào năm 1978, khi kí giả Steven Levy lần được chỗ Harvey. Các mẩu não của Einstein vẫn còn nguyên, nổi trôi trong những lọ niêm cỡ lớn đựng đầy cồn. Levy thuyết phục được Harvey từ bỏ chúng. Một đội nghiên cứu khác lập tức bắt đầu nghiên cứu chi tiết các mẫu này để tìm ra manh mối hé lộ về thiên tư của Einstein.
Họ đã tìm ra những gì? Khám phá gây sửng sốt nhất lại là “chẳng có gì đáng ngạc nhiên”. Einstein có một bộ não tương đối bình thường, với cấu trúc nội tại tiêu chuẩn, vài dị tật về mặt cấu tạo. Các khu vực chịu trách nhiệm về nhận thức thị giác không gian và xử lý toán học lớn hơn một chút (chừng 15% so với thông thường). Einstein cũng thiếu hụt một số phần mà những bộ não kém linh hoạt vốn có, kèm thêm việc có ít tế bào vùng đệm hơn so với những người bình thường (tế bào vùng đệm giúp tạo nên cấu trúc não bộ và hỗ trợ quá trình xử lý thông tin). Hầu như các bộ não ít nhiều đều có dị tật cấu trúc, sẽ có một số vùng teo nhỏ so với bình thường, có vùng lại phình to hơn. Do tính chất cá thể này, với các công cụ hiện có trong tay, để chứng minh một khác biệt sinh học nào đó trong cấu trúc não bộ dẫn tới khác biệt về thiên tư đúng là nhiệm vụ bất khả thi. Bộ não của Einstein hẳn nhiên là thông minh, nhưng không một phần nhỏ nào trong đó cho ta biết nguyên do tại sao.
Thế còn xem xét những bộ não vẫn còn đang hoạt động và thực hiện chức năng thì sao? Đến thời nay, bạn không cần phải chờ đến lúc ai đó qua đời mới xác định được mối quan hệ giữa cấu trúc và chức năng. Bạn có thể sử dụng công nghệ hình ảnh MRI để quan sát não bộ trong khi nó đang thực hiện nhiệm vụ nào đó. Liệu chúng ta có thể phát hiện ra người nào thông minh chỉ nhờ quan sát não bộ trong quá trình thực hiện chức năng tư duy được không? Câu trả lời, một lần nữa, lại là KHÔNG. Hay chí ít là “đến giờ thì chưa”. Dù có quan sát được các thiên tài đang sống giải quyết một vấn đề hóc búa nào đó, bạn cũng không thể tìm ra những điểm tương đồng như mong muốn. Bạn sẽ chỉ thấy mỗi người một khác rồi bị dấu ấn cá nhân đậm nét này làm cho bối rối mà thôi. Quá trình giải quyết vấn đề và xử lý cảm giác không hề giống nhau ở hai não bộ bất kỳ. Chính vì thế, đã có rất nhiều nhầm lẫn và các phát hiện trái ngược được công bố. Một số nghiên cứu kết luận rằng người “thông minh” sở hữu bộ não hoạt động hiệu quả hơn (họ tốn ít năng lượng hơn để giải quyết những vấn đề hóc búa), nhưng số khác lại chứng tỏ điều ngược lại. Một số người thông minh có chất xám dày hơn, trong khi số khác lại có chất trắng dày hơn. Tổng cộng có tới 14 khu vực não khác nhau được các nhà khoa học phát hiện ra là chi phối trí thông minh loài người, phân bố rải rác khắp bộ não như những nhúm bụi nhận thức thần tiên. Những khu vực thần kỳ này được gọi là P-FIT, viết tắt của Parietal-Frontal Integration Theory (Học thuyết Tích hợp vùng Đỉnh-Trán). Các nhà khoa học đã tiến hành quan sát và đánh giá hoạt động của các khu vực thuộc P-FIT khi các đối tượng nghiên cứu tập trung tư duy, và kết quả thu được lại một lần nữa gây thất vọng: để giải quyết những vấn đề phức tạp, mỗi người lại huy động những khu vực khác nhau. Điều này có thể giúp lý giải cách xử trí rất đa dạng, phong phú của loài người. Những mô hình “có tính khái quát chung” quả là hiếm có khó tìm.
Chúng ta thậm chí còn có ít thông tin hơn về trí thông minh của bé sơ sinh. Rất khó để thực hiện các thí nghiệm theo công nghệ chụp hình MRI với những đối tượng vẫn còn đang quấn-tã-và-ẵm-ngửa này. Lấy ví dụ, để thực hiện một thí nghiệm MRI như thế, thì đầu của đối tượng phải được giữ thật cố định trong một khoảng thời gian rất dài. Cứ thử làm thế với một nhóc tì 6 tháng tuổi xem! Mà cho dù có làm được, thì với những hiểu biết hiện thời của ta, cấu trúc não bộ cũng không thể dự đoán xem liệu em bé của bạn sau này có thông minh hay không.
Trên đường kiếm tìm “gene thông minh”
Thế ở cấp độ DNA thì sao? Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra “gene thông minh” hay chưa? Rất nhiều người vẫn đang tìm kiếm. Các biến thể của một gene nổi tiếng, gọi là COMT (viết tắt của transferaza catechol-O-methyl) tỏ ra là ứng cử viên tiềm năng vì liên quan mật thiết tới việc tăng cường trí-nhớ-ngắn-hạn ở một số người, mặc dù ở số khác thì không có tác dụng. Một gene khác, cathepsin D cũng có liên hệ đến trí thông minh cao. Gene thụ cảm dopamine, từ một tập hợp gene liên quan với cảm giác mãn nguyện cũng đáng xem xét. Tuy nhiên, vấn đề là xác xuất của chúng không cao. Mà kể cả có chứng minh được đó đúng là những gene thông minh, thì sự có mặt của “gene thông minh” thường cũng chỉ làm IQ tăng không đáng kể, từ 3 đến 4 điểm. Tóm lại, tính đến thời điểm này, chưa một gene thông minh nào được cô lập thành công. Mà với tính chất phức tạp của trí thông minh, tôi rất nghi ngờ chuyện tồn tại một gene riêng biệt như thế.
A, đây rồi: Kiểm tra IQ dành cho bé
Nếu quan sát cả tế bào lẫn gene đều không nói lên được điều gì, thế lối ứng xử thì sao? Đến đây, các nhà nghiên cứu có vẻ như đã đào trúng mỏ. Cho đến giờ, chúng ta có trong tay hàng loạt bài kiểm tra dành cho bé sơ sinh để tiên đoán IQ của em khi lớn. Trong đó, có bài kiểm tra dành cho các bé ở độ tuổi chưa biết nói. Các em sẽ được cho cảm nhận về một vật thể giấu kín khỏi tầm mắt của em (đựng trong hộp). Nếu sau đó, em bé có thể xác định được vật thể đó bằng mắt – gọi là chuyển dịch đa cách thức – thì khi lớn lên, em sẽ đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra IQ so với những em không thể xác định đồ vật. Lại có kiểu kiểm tra khác, thử đo lường chỉ số mà các nhà nghiên cứu gọi là trí nhớ nhận thức thị giác. Trẻ được đặt trước một bàn cờ đam. Nói thế này thì hơi giản lược thái quá, nhưng cơ bản kết luận là như sau: trẻ càng quan sát lâu, thì càng có khả năng đạt điểm IQ cao hơn. Không được khoa học cho lắm nhỉ? Thế mà những con số này, được đo trong khoảng 2 đến 8 tháng tuổi, lại dự đoán chính xác được điểm IQ vào năm 18 tuổi kia đấy!
Kết quả này nói lên điều gì? Chẳng gì cả, trừ một điều: là khi những em bé này đến tuổi đi học, các em sẽ làm bài kiểm tra IQ tốt hơn.

“TRÍ THÔNG MINH” TRONG ĐIỂM SỐ IQ

IQ rất hệ trọng với một số người, ví như các chuyên viên tuyển sinh của một trường mẫu giáo hay trường tiểu học tư thục danh giá nào đó. Họ thường đòi hỏi trẻ phải trải qua các bài kiểm tra chỉ số thông minh, thậm chí nhiều trường học chỉ chấp nhận các trò nhỏ đạt 97%. Những bài kiểm tra có giá 500 USD này đôi khi được áp dụng cho trẻ 6 tuổi, thậm chí là trẻ nhỏ hơn, đóng vai trò như một bài kiểm tra tuyển sinh vào trường mẫu giáo! Dưới đây là hai câu hỏi điển hình trong các bài kiểm tra IQ:
1. Trong năm con sau đây, con nào ít giống với bốn con còn lại nhất? Bò, hổ, rắn, gấu, chó.
Bạn vừa đáp là rắn phải không? Chúc mừng. Những người đưa ra câu hỏi này đồng ý với bạn (tất cả bốn con còn lại đều có chân và đều là động vật có vú.)
2. Lấy 1.000 rồi thêm vào 40. Giờ thì thêm 1.000. Cộng thêm 30. Lại thêm 1.000 nữa. Giờ cộng thêm 20. Giờ lại thêm 1.000 nữa. Giờ thì thêm 10. Tổng là bao nhiêu?
Bạn vừa đáp là 5.000 sao? Nếu thế, bạn có khối người cùng hội cùng thuyền rồi đấy. Nghiên cứu chỉ ra rằng 98% những người đụng phải đề bài này đều đưa ra câu trả lời như vậy. Nhưng thế là sai. Câu trả lời chính xác là 4.100!
Các bài kiểm tra IQ đầy rẫy những câu hỏi kiểu vậy. Nếu bạn trả lời đúng, có phải thế là bạn thông minh? Có thể có. Có thể không. Một số nhà nghiên cứu tin rằng các bài kiểm tra IQ không phản ánh được bất cứ thứ gì, ngoài khả năng thực hiện bài kiểm tra IQ của bạn. Nếu quả thực là có cái gì đó gọi là trình độ năng lực, thì thông minh chính là phải bác bỏ hoàn toàn quan niệm áp một-mẫu-số-chung-cho-tất-cả để đánh giá năng lực trí não của con mình. Thay vào đó, nắm được sơ qua lai lịch, tiểu sử những bản kiểm tra kiểu này, bạn sẽ có cơ sở để tự mình đánh giá.
Sự ra đời của bài kiểm tra IQ
Rất nhiều người đã thử kiếm tìm định nghĩa về trí thông minh con người, thường là trong nỗ lực khám phá thiên tư độc đáo của mình. Một trong những người đầu tiên là Francis Galton (1822-1911), ông là họ hàng xa với Charles Darwin. Sở hữu một bộ râu quai nón rậm rì, hợp mốt nhưng lại hói đầu, Sir Francis trông cương nghị, thông tuệ và hơi lập dị. Ông xuất thân từ một nhánh của gia tộc Quaker ưa chuộng hòa bình, mà nghiệp tổ, thật trớ trêu làm sao, lại sản xuất súng ống. Galton là một nhân vật phi phàm, mới lên 6 đã đọc làu làu và trích dẫn Shakespeare, và từ nhỏ đã nói được cả tiếng Hy Lạp lẫn La tinh. Galton dường như hào hứng với hết thảy mọi thứ trên đời, và tham gia vào đủ các lĩnh vực, nào khí tượng học, tâm lý học, nghệ thuật nhiếp ảnh và thậm chí cả kỹ thuật hình sự (ông đi tiên phong trong nghiệp vụ phân tích khoa học dấu vân tay nhằm xác định hung thủ gây án.) Song song với đó, ông còn phát minh ra cả khái niệm thống kê của độ lệch chuẩn và hồi quy tuyến tính, và vận dụng những khái niệm này để nghiên cứu hành vi con người.
Một trong những niềm say mê của Galton liên quan đến các phương tiện cung cấp sức mạnh cho tri thức con người – đặc biệt là yếu tố di truyền. Galton chính là người đầu tiên nhận thức được rằng trí thông minh bao gồm cả những đặc tính có thể di truyền, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng ghê gớm từ môi trường. Ông cũng chính là người đã đưa ra cụm từ “thiên tư và dưỡng dục”. Chính bởi những nhận thức sâu sắc này, Galton đã đặt tiền đề cho các nhà khoa học xem xét những căn nguyên có thể ảnh hưởng đến trí thông minh loài người. Nhưng khi các nhà nghiên cứu bắt đầu điều tra một cách có hệ thống vấn đề này, họ ngày càng nuôi mộng biểu diễn trí thông minh của con người chỉ bằng một con số duy nhất. Các bài kiểm tra được sử dụng – tới tận ngày nay – để quy ra những con số như vậy. Bài kiểm tra đầu tiên chính là kiểm tra IQ (viết tắt của Intelligence Quotient – Chỉ số Thông minh) mà chúng ta vẫn thường hay nhắc tới.
Các bài kiểm tra IQ được khởi xướng bởi một nhóm các nhà tâm lý học Pháp, đi đầu là Alfred Binet ban đầu chỉ nhằm mục đích xác định những trẻ nhỏ gặp khó khăn và cần đến sự hỗ trợ ở trường học. Nhóm này đã lên danh sách 30 nhiệm vụ cần đạt được, từ việc chạm vào mũi của một ai đó cho đến vẽ trầm lại các họa tiết. Việc thiết kế nên những bài kiểm tra này chỉ dựa rất ít trên kinh nghiệm thực tế, và Binet trước sau luôn đưa ra lời cảnh báo rằng đừng diễn giải những bài kiểm tra này theo nghĩa đen đơn thuần. Ông đã cảm nhận được rằng trí thông minh vốn đa dạng và các bài kiểm tra của ông cũng có biên sai nhất định. Nhưng nhà tâm lý học người Đức William Stern đã chủ trương sử dụng những bài kiểm tra này để đo trí thông minh của trẻ em, lượng hóa thành tích đạt được bằng khái niệm “Chỉ số Thông minh” (IQ). Điểm số này được tính bằng thương số giữa tuổi trưởng thành về mặt trí não của trẻ trên tuổi đời thực của trẻ, nhân với 100. Thế là, một em nhỏ 10 tuổi có thể giải những đề bài mà bình thường trẻ 15 tuổi mới giải được sẽ có IQ là 150: (15/10) x 100. Những bài kiểm tra này bắt đầu trở nên rất phổ biến ở châu Âu, rồi lan ra khắp vùng Đại Tây Dương.
Vào năm 1916, Lewis Terman, một giảng viên trường Stanford loại bỏ một số câu hỏi và thêm các câu hỏi mới – và việc này cũng không căn cứ trên kinh nghiệm thực tế. Vậy là bài kiểm tra Stanford-Binet ra đời. Cuối cùng, tỉ số đã được đổi sang thành một con số phân bố dọc theo một biểu đồ hình chuông, đặt mức trung bình là 100. Một bài kiểm tra thứ hai, được phát triển năm 1923 do Charles Spearman, một sĩ quan Quân đội Anh quốc chuyển sang làm chuyên gia tâm lý, đo lường những gì ông này gọi là “nhận thức chung”, mà ngày nay được nhắc đến một cách giản dị là “g.”. Spearman đã quan sát thấy rằng những người đạt điểm số trên trung bình trong một hạng mục con nào đó của các bài kiểm tra giấy-trắng-mực-đen có xu hướng đạt thành tích tốt hơn ở những phần còn lại. Bài kiểm tra này đo lường xu hướng thành tích thực hiện một số lượng lớn các nhiệm vụ nhận thức có liên quan với nhau.
Những cuộc chiến đã nổ ra suốt nhiều thập niên xung quanh chủ đề “điểm số của những bài kiểm tra này có nghĩa gì và chúng nên được sử dụng ra sao”. Như thế lại hay, vì các thước đo trí thông minh hóa ra mềm dẻo hơn hình dung của nhiều người rất nhiều.
Tăng và giảm IQ
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng IQ biến đổi trong suốt quãng đời của một người, và nó mong manh đến đáng ngạc nhiên trước những tác động từ môi trường. Nó có thể thay đổi nếu chúng ta căng thẳng, già đi hay sống trong một nền văn hóa khác. IQ của một đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi gia đình. Lấy ví dụ, anh chị em trong cùng gia đình thường có chỉ số IQ tương đương nhau. Người nghèo có xu hướng có điểm IQ thấp hơn rõ rệt so với người giàu. Một đứa trẻ sinh ra trong cảnh đói nghèo nhưng nếu được nuôi dưỡng trong một gia đình trung lưu, tính trung bình, IQ sẽ tăng được 12 đến 18 điểm.
Có những người vẫn bướng bỉnh không muốn tin rằng IQ rất linh hoạt. Họ nghĩ những con số kiểu như IQ hay “g.” là bất biến, giống như là ngày sinh tháng đẻ chứ không phải cỡ quần cỡ áo. Giới truyền thông cũng thường nhào nặn năng lực trí não của chúng ta thành những khái niệm bất biến kiểu vậy và chúng ta có vẻ đồng tình theo lối này. Một số người thông minh thiên bẩm, như là Theodore Roosevelt, một số người khác thì không. Quả là ngây thơ quá đỗi. Trí thông minh không hề đơn giản, và đo được trí thông minh càng không phải việc dễ dàng.
Thông minh hơn qua thời gian
Bằng chứng rõ ràng là thực tế IQ tăng dần qua các thập kỷ. Từ năm 1947 đến năm 2002, IQ trung bình của trẻ em Mỹ đã tăng thêm 18 điểm. James Flynn, một nhà triết học cao tuổi hay gắt gỏng, đầu bù tóc rối đến từ New Zealand đã khám phá ra hiện tượng này (một phát hiện gây tranh cãi được đặt tên theo lối vui vẻ là “Hiệu ứng Flynn”). Ông đã xây dựng nên một bài thực nghiệm tư duy như sau. Coi IQ trung bình của người Mỹ hiện nay là 100, sau đó quy chỉ số IQ từ thời điểm năm 2009 ngược trở về trước theo thang điểm này. Ông phát hiện ra rằng IQ trung bình của người Mỹ vào năm 1900 vào mức 50 và 70. Đây là điểm số IQ ngang với phần lớn những người mắc chứng Down, một phân nhóm được gọi tên là “chậm phát triển trí tuệ dạng nhẹ”. Đa phần dân số Mỹ vào thời điểm chuyển giao thế kỷ XX đều không mắc chứng Down. Vậy thì, có điều gì đó không ổn với những con người này hay thực ra, là có gì đó không ổn với chuẩn đo này? Rõ ràng, quan niệm về tính vĩnh hằng bất biến của IQ cần phải điều chỉnh.
Hẳn nhiên là tôi tin tưởng vào khái niệm “trí thông minh”, và tôi nghĩ rằng IQ và “g.” đều đánh giá được một khía cạnh thông minh nhất định nào đó. Những đồng nghiệp của tôi cũng tin vậy, họ thậm chí còn kí tên vào một bài xã luận đăng trên chuyên san nghiên cứu Intelligence hồi năm 1997, tuyên bố rằng “IQ liên quan chặt chẽ, có lẽ là chặt chẽ hơn bất cứ một đặc điểm nào có thể đo lường ở con người, với các kết quả quan trọng khác như giáo dục, sự nghiệp, kinh tế và xã hội.” Tôi đồng tình. Tôi chỉ ước gì mình hiểu được rằng rốt cuộc, người ta đang đo lường cái gì mới được.

“THÔNG MINH” CÓ NGHĨA LÀ GÌ

Sự đa dạng của những bài kiểm tra IQ này có thể khiến chúng ta chán nản. Các bậc cha mẹ muốn biết con mình có thông minh hay không. Và họ muốn con mình phải thông minh. Với nền kinh tế thế kỷ XXI dựa trên nền tảng tri thức của chúng ta, điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy thế, khi bạn đào sâu vào chủ đề này, rất nhiều bậc phụ huynh thực sự tỏ ý rằng họ muốn con mình phải thành công về mặt học hành, để đảm bảo chắc chắn hơn cho tương lai của trẻ. Liệu “thông minh” và “điểm số trung bình” có liên quan đến nhau không? Có, nhưng hai thứ này không đồng nhất với nhau, và mối liên hệ không đến nỗi khăng khít như người ta vẫn tưởng.
Những con số đơn lẻ – hay thậm chí là mối liên hệ giữa những con số đơn lẻ – đơn giản là không có đủ tính linh hoạt để miêu tả những khía cạnh phức tạp của trí thông minh con người. Nhà tâm lý học Howard Gardner thuộc trường Harvard, người đã cho xuất bản học thuyết mới nhất về “đa trí thông minh” hồi năm 1993, từng nói: “Tồn tại chứng cứ thuyết phục rằng trí não là một cơ quan đa diện, đa thành tố, một cơ quan không thể nắm bắt chỉ nhờ một công cụ nào đó theo lối giấy-trắng-mực-đen, bất kể cách thức chính thống nào.” Liệu trí thông minh có trở thành một ổ bình luận theo kiểu “Tôi không biết nó là cái gì, nhưng nhìn thấy nó là tôi biết ngay ấy mà” không? Hẳn là không phải rồi, nhưng để hiểu được vấn đề cặn kẽ hơn, chúng ta sẽ phải thay thế thứ quan niệm một-mẫu-số-chung-cho-tất-cả này.
Trí thông minh con người giống như các thành phần trong món hầm hơn là các con số khô khan trên giấy tờ.

MÓN BÒ HẦM CỦA MẸ: 7 THÀNH PHẦN CỦA TRÍ THÔNG MINH

Mùi thơm của bò hầm sôi sùng sục mẹ nấu trong bếp vào một ngày mùa đông lạnh lẽo là hồi ức tuyệt vời nhất về món ăn “dưỡng thần” mà tôi còn lưu giữ. Âm thanh lục bục của thịt bò om đang sôi, hương vị ngọt ngào, cay nồng của hành tây xắt nhỏ, màu sắc vui tươi của những miếng cà rốt nhỏ bằng đồng xu dập dềnh trong nồi ninh nữa. 
Có lần, mẹ đã dắt tôi vào bếp và dạy cho tôi cách chế biến món bò hầm trứ danh của mình. Một nhiệm vụ chẳng dễ dàng gì, bởi mẹ có thói quen rất phiền, là thay đổi công thức gần như trong mỗi lần mẹ nấu. “Nó tùy thuộc vào chuyện ai dùng bữa tối,” mẹ giải thích, “hay chúng ta có sẵn thứ gì trong nhà.” Theo mẹ, chỉ có hai thành phần tiên quyết để chế ra được kiệt tác ẩm thực này. Một là chất lượng món thịt bò. Còn thành phần kia, là chất lượng của nước sốt bao quanh miếng thịt. Nếu những vấn đề này được giải quyết ổn thỏa, thì món thịt bò hầm thành công, bất kể thành phần nào khác được cho vào nồi.
Hai yếu tố căn bản: Trí nhớ và khả năng ứng biến
Giống như món bò hầm của mẹ tôi, trí thông minh con người cũng có hai thành phần cơ bản, tất cả đều liên hệ căn cốt đến nhu cầu sinh tồn có nguồn gốc tiến hóa của chúng ta. Một thành phần là khả năng ghi nhớ thông tin. Đôi khi nó được gọi là “trí thông minh kết tinh”. Nó liên quan nhiều tới hệ thống ghi nhớ của não bộ, kết hợp với nhau để tạo nên một cơ sở dữ liệu có cấu trúc phong phú. Thành phần còn lại chính là năng lực vận dụng nguồn thông tin ấy vào từng tình huống cụ thể. Điều này liên quan tới khả năng ứng biến, dựa trên khả năng hồi tưởng và phối hợp các phần dữ liệu chuyên biệt. Khả năng suy luận và giải quyết vấn đề được gọi là “trí thông minh lỏng”. Nhìn từ khía cạnh tiến hóa, sự kết hợp hiệu quả giữa ghi nhớ và ứng biến ban cho chúng ta hai hành vi có lợi cho sinh tồn: khả năng học hỏi nhanh chóng từ những sai lầm và khả năng áp dụng linh hoạt những bài học ấy để có những cách ứng phó phù hợp từng tình huống trong thế giới liên tục biến đổi và cực kỳ tàn khốc ở chiếc nôi tiến hóa vùng Đông Phi của loài người.
Trí thông minh, dưới góc độ tiến hóa, chỉ đơn giản là khả năng thực hiện những hoạt động này tốt hơn người khác.
Hai thành phần, “trí nhớ” và “trí thông minh lỏng”, tuy rằng bắt buộc phải có, nhưng lại không phải toàn bộ công thức tạo nên trí thông minh con người. Cũng giống như công thức biến đổi cho món bò hầm của mẹ tôi, các gia đình khác nhau lại có những phương cách kết hợp tài năng khác nhau, hầm chung trong chiếc nồi trí não của riêng họ. Một cậu con trai có thể sở hữu trí nhớ tồi nhưng lại có những kỹ năng định lượng đáng nể. Một cô con gái có khi thể hiện thiên hướng phi thường về ngôn ngữ nhưng lại loay hoay trước một phép chia dù là đơn giản nhất. Làm sao chúng ta nói được rằng đứa trẻ này kém thông minh hơn đứa trẻ kia?
Rất nhiều thành phần khác góp phần tạo thành món hổ lốn mang tên trí thông minh con người, và tôi muốn miêu tả năm thành phần mà bản thân tôi cho là bạn sẽ dễ dàng nắm bắt để cân nhắc khi phải suy tính về thiên tư trí tuệ của con mình. Đó là:
• Đam mê khám phá
• Sự tự chủ
• Óc sáng tạo
• Giao tiếp ngôn từ
• Khả năng giải mã giao tiếp phi ngôn từ
Đa phần những đặc tính này đều không được bài kiểm tra IQ đả động đến. Những thành phần này cơ bản đều có nguồn gốc di truyền; có thể dễ dàng quan sát thấy ở trẻ sơ sinh. Năm thành phần liệt kê ở đây, tuy rằng có nguồn gốc từ lịch sử tiến hóa của chúng ta, nhưng lại không hề tồn tại biệt lập với thế giới bên ngoài. Việc dưỡng dục – kể cả đối với những người như Theodore Roosevelt – đóng vai trò quan trọng, bất kể một em bé có trí thông minh thiên bẩm hay không.
1. Đam mê khám phá
Tôi có tham dự buổi lễ rửa tội ở nhà thờ Tân giáo cho một em bé 9 tháng tuổi. Mọi thứ khởi đầu khá suôn sẻ. Em bé im ắng nép mình trong vòng tay của người cha, chờ đến lượt mình được vẩy nước thánh trước giáo đoàn. Khi bố mẹ quay ra phía mục sư, em bé liền phát hiện ra chiếc mic cầm tay. Em nhanh chóng cố hết sức tóm lấy chiếc mic từ bàn tay của vị mục sư, thè lưỡi liếm vào đầu chiếc mic. Có vẻ anh chàng tí hon này cho rằng chiếc mic giống như chiếc kem ốc quế và nó quyết định phải kiểm nghiệm giả thuyết của mình.
Đây là một hành vi cực kỳ bất hợp lý với giáo lý Tân giáo. Vị mục sư giật chiếc mic ra khỏi tầm tay em bé và lập tức nhận ra sai lầm của mình. Không khác gì một nhà khoa học bị cướp mất dữ liệu, em bé gào lên, gắng vẫy vùng đòi bằng được chiếc mic, trong lúc đó không ngừng thè lưỡi liếm vào không khí. Em bé đang khám phá đấy chứ, mà nó không chấp nhận nổi việc bị làm gián đoạn quá trình truy cầu tri thức. Nhất là khi quá trình ấy lại dính dáng đến món đường ngọt lịm.
Tôi không dám chắc ông bố bà mẹ kia thấy thế nào, chứ riêng tôi thì rất phấn khích khi chứng kiến một ví dụ thú vị đến vậy về lòng nhiệt thành nghiên cứu ở các đối tượng bé thơ này. Hẳn các bậc cha mẹ đã biết trẻ em là các nhà khoa học bẩm sinh từ rất lâu trước khi những chiếc mic kia ra đời. Nhưng chỉ đến nửa sau của thế kỷ XX, chúng ta mới có thể khu biệt những yếu tố cấu thành các hành vi khám phá tuyệt vời ở bé.
Hàng nghìn thực nhiệm kiểu này khẳng định rằng các bé nhận thức được về môi trường xung quanh mình nhờ tự trải nghiệm. Chúng quan sát, đưa ra phán đoán, thiết kế và thực hành những thí nghiệm nhằm kiểm nghiệm các tiên đoán ấy, rút ra bài học và bổ sung tri thức mới ấy vào cơ sở dữ liệu của bản thân đang ngày càng phát triển và phong phú. Các bé ráo riết mà tự nhiên, linh hoạt tuyệt vời và kiên định, nhiều khi đến khó chịu. Bé sử dụng trí thông minh lỏng để “chiết xuất” thông tin, sau đó kết tinh chúng vào bộ nhớ. Chẳng ai dạy bé làm thế, nhưng các bé trên khắp thế giới vẫn làm được điều đó. Nó liên quan đến nguồn gốc tiến hóa mạnh mẽ của hành vi. Các bé bẩm sinh đã là những nhà khoa học, hệt như những gì cha mẹ chúng hồ nghi. Và phòng thí nghiệm của bé là cả thế gian rộng lớn, bao gồm cả chiếc mic ở nhà thờ.
DNA của một nhà cải cách
Hành vi khám phá – sẵn sàng trải nghiệm, luôn đặt ra những câu hỏi phi thường về những thứ bình thường – chính là khả năng được đánh giá cao trong thế giới ngày nay. Những ý tưởng tốt có thể hái ra tiền. Không những thế, đó cũng là một chiến lược sinh tồn giữa thời hiện đại, chẳng kém gì trên bình nguyên Serengeti thuở hồng hoang.
Vậy thì những đặc điểm nào phân biệt giữa những người sáng tạo, nhìn xa trông rộng – những người liên tục gợi ra những ý tưởng thành công về mặt kinh tế với những kiểu mẫu kém sáng tạo thiên về quản lý – tập trung vào việc thực thi những ý tưởng này? Hai nhà nghiên cứu doanh nghiệp đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đơn giản này. Họ đã tiến hành một nghiên cứu trong khoảng thời gian phi thường là 6 năm trời với hơn 3 nghìn nhà điều hành duy tân, từ lĩnh vực hóa phẩm cho tới kỹ sư phần mềm. Sau khi được công bố vào năm 2009, công trình nghiên cứu này còn giành được một giải thưởng từ tạp chí danh giá Harvard Business Review.
Những người nhìn xa trông rộng có chung năm đặc điểm mà các nhà nghiên cứu đặt tên là “DNA của nhà cải cách”. Ba đặc điểm đầu tiên chính là:
• Một năng lực liên tưởng. Nhìn thấy liên hệ giữa các khái niệm, vấn đề hoặc câu hỏi tưởng như chẳng có gì liên quan.
• Một thói quen khó chịu – liên tục đặt câu hỏi “thế thì sao”. Và “tại sao không” và cả “sao lại làm thế này.” Những người có tầm nhìn này gột sạch mọi giới hạn của “tình trạng hiện thời”, luôn luôn lục lọi, đào xới, lúc nhìn rất bao quát để đánh giá thứ gì đó có hợp lý không, lúc lại đi vào chi tiết, đưa ra từng đề xuất.
• Một khao khát không ngừng sửa sang và thực nghiệm. Các doanh nhân có thể đứng trên một ý tưởng nào đó, nhưng xu hướng trước tiên của họ là xé toạc nó ra, kể cả đó là ý tưởng tự mình sinh ra. Họ thể hiện nhu cầu không ngừng được kiểm nghiệm mọi thứ: tìm ra mức trần, tìm ra mức sàn, thấy được bề mặt, giới hạn chịu đựng, vành đai của các ý tưởng – bất kể là thuộc về họ, về bạn, về tôi, hay thuộc về bất cứ ai. Họ đang gánh vác một sứ mệnh, và sứ mệnh ấy chính là khám phá.
Mẫu số chung lớn nhất của những đặc điểm này là gì? Chính là thái độ tự nguyện khám phá. Kẻ thù lớn nhất ở đây chính là một hệ thống có xu hướng chống-khám-phá, trong đó các nhà cách tân của chúng ta thường tìm thấy chính bản thân mình. Hal Gregersen, một trong những tác giả đi đầu trong nghiên cứu này, đã phát biểu trên tờ Harvard Business Review rằng: “Bạn có thể tóm tắt tất cả những kỹ năng mà tôi đã lưu ý ở đây trong một từ duy nhất: ‘sự tò mò’. Tôi đã dành tới 20 năm để nghiên cứu những nhà lãnh đạo vĩ đại trên toàn cầu và đó chính là mẫu số chung rất lớn.” Sau đó, ông đã nói tiếp về đối tượng trẻ em:
“Nếu bạn để ý, những em bé lên 4 hỏi luôn mồm. Nhưng đến lúc được 6 tuổi rưỡi, chúng thôi không còn đặt câu hỏi nữa, vì chúng nhanh chóng nhận ra rằng các thầy cô đánh giá cao câu trả lời đúng hơn là những câu hỏi đầy tò mò. Học sinh trung học hiếm khi thể hiện sự tò mò. Và đến khi các em trưởng thành rồi bước vào môi trường làm việc, trong các cơ quan, doanh nghiệp, thì tính tò mò đã cạn khô trong chúng. Có tới 80% các nhà điều hành dành không đến 20% thời gian của mình để khám phá những ý tưởng mới mẻ.”
Nghe mà đau lòng. Tại sao chúng ta lại tạo nên trường học và nơi làm việc theo lối như thế này, chưa bao giờ tôi lý giải nổi. Nhưng có những thứ mà bạn, ở vai trò bố mẹ, có thể làm để khuyến khích ham thích khám phá rất tự nhiên ở con mình, đó là bắt đầu thấu hiểu xem tính tò mò có đóng góp ra sao tới thành công về mặt tri thức của con cái mình.
2. Sự tự chủ
Một em bé mẫu giáo được cho ngồi xuống trước một chiếc bàn, trước mặt là hai chiếc bánh quy sô-cô-la vừa mới nướng xong. Đó không phải bàn bếp – mà là phòng thí nghiệm của Walter Mischel Stanford hồi cuối thập niên 1960. Mùi bánh thật thơm hết sảy. “Con thấy mấy cái bánh này chứ?” Mischel nói. “Con có thể ăn một cái ngay bây giờ nếu con thích, nhưng nếu chịu đợi, con có thể ăn cả hai. Bác phải đi ra ngoài chừng năm phút. Nếu khi bác quay lại, con vẫn chưa ăn gì, bác sẽ cho con ăn cả hai cái bánh. Còn nếu con đã ăn một cái lúc bác đi vắng rồi, thì keo này coi như bỏ và con sẽ không được ăn cái bánh thứ hai. Mình giao hẹn thế nhé?” Em bé gật đầu. Còn nhà nghiên cứu rời khỏi phòng.
Em bé làm gì đây? Mischel đã có những cuốn phim ngộ nghĩnh nhất về phản ứng của các em bé. Chúng loay hoay trong chỗ ngồi của mình. Chúng xoay lưng về phía mấy cái bánh (hoặc kẹo bông hoặc các loại mứt đủ vị khác, tùy từng ngày). Chúng ngồi lên tay. Chúng nhắm một mắt, rồi cả hai, rồi lại len lén dòm trộm. Chúng gắng sức giành được cả hai chiếc bánh, nhưng sao khổ sở quá. Với nhóm trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, 72% đành bó tay và ngấu nghiến chiếc bánh. Nếu các em đang học lớp bốn, thì chỉ 49% chịu thua trước cám dỗ này. Đến lớp sáu, con số chỉ còn là 38%, tức là giảm một nửa so với tuổi mẫu giáo.
Bạn đang đến với thế giới cuốn hút của khả năng tự chủ. Nó là một phần trong bộ ứng xử nằm dưới tên gọi chung là “chức năng kiểm soát”. Chức năng kiểm soát sẽ kiểm soát việc lập kế hoạch, tiên lượng tình hình, giải quyết vấn đề và xác định mục tiêu. Nó huy động rất nhiều phần não bộ khác nhau, trong đó bao gồm cả một dạng trí nhớ ngắn hạn. Mischel và rất nhiều đồng sự đã phát hiện ra rằng chức năng kiểm soát chính là thành tố then chốt quyết định năng lực trí tuệ của trẻ.
Đến nay, chúng ta kiểm chứng được rằng đó thực sự là một yếu tố tiên đoán chính xác hơn cả IQ về khả năng học thuật. Và khác biệt không hề nhỏ chút nào: Mischel phát hiện ra rằng các em nhỏ có thể kiềm chế và đợi hơn 15 phút sẽ đạt thành tích các kỳ kiểm tra cao hơn 210 điểm so với những em chỉ chịu chờ 1 phút.
Tại sao? Chức năng kiểm soát được dựa trên năng lực lọc ra các suy nghĩ gây xao lãng của trẻ em (trong trường hợp này là cám dỗ), một yếu tố đóng vai trò then chốt trong những môi trường quá bão hòa với đủ loại kích thích giác quan và vô số những lựa chọn theo yêu cầu. Đó chính là thế giới của chúng ta, như bạn đã biết, và cũng chính là môi trường của con bạn. Một khi bộ não đã chọn lựa ra được kích thích phù hợp trong một đống ồn ào toàn những lựa chọn không phù hợp, chức năng kiểm soát cho phép não bộ duy trì nhiệm vụ và từ chối mọi xao lãng gây sút giảm hiệu suất.
Ở thang bậc khoa học thần kinh, sự kiểm soát bản thân lại bắt nguồn từ “các tín hiệu đánh giá chung” (các chuẩn đo hoạt động thần kinh) do một khu vực chuyên biệt của não bộ phía sau trán của bạn sinh ra. Một vùng khác của não bộ thì phóng ra các tia điện tới vùng não bộ phía sau trán này. Em bé càng được rèn luyện việc trì hoãn tưởng thưởng này bao nhiêu, thì các tia điện này càng nhắm trúng đích bấy nhiêu, và nhờ vậy, nó sẽ có thêm quyền kiểm soát để áp lên mọi hành vi. Thoạt đầu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra điều này khi cho những người lớn đang chủ định ăn kiêng nhìn vào bức ảnh cà rốt, sau đó chuyển sang bức ảnh các thanh kẹo. Não bộ của họ sử dụng một tín hiệu ngăn cấm cực kì nghiêm khắc, kiểu “Tôi-cóc-cần-biết-nếu-là-đường-thì-đừng-hòng-được-ăn” khi thanh sô-cô-la xuất hiện.
Não bộ của một em bé có thể được huấn luyện để tăng cường khả năng tự kiểm soát và cả những khía cạnh khác của chức năng này. Thế nhưng chắc chắn rằng yếu tố di truyền cũng có liên quan. Có vẻ tồn tại một lịch trình phát triển bẩm sinh, điều này giải thích nguyên do tại sao điểm số bài kiểm tra trên của các bé nhà trẻ với học sinh lớp sáu lại có sự khác biệt. Một số trẻ thể hiện lập trường ứng xử từ rất sớm, một số trẻ muộn hơn. Một số lại phải vật lộn với nó suốt cả cuộc đời. Đó là một cách thể hiện khác của việc mỗi bộ não được cấu tạo khác nhau. Nhưng theo dữ liệu thu được, thì những em bé có khả năng lọc ra các yếu tố gây xao lãng, sẽ đạt thành tích tốt hơn ở trường học.
3. Óc sáng tạo
Nghệ sĩ yêu thích nhất trên đời của mẹ tôi chính là Rembrandt . Mẹ mê mẩn với lối sử dụng ánh sáng và không gian của danh họa, những yếu tố có thể đưa mẹ ngược dòng thời gian, trở lại không gian thế kỷ XVII. Bà ít hứng thú với nghệ thuật thế kỷ XX. Tôi vẫn còn nhớ bà cứ chê tác phẩm Fountain của Marcel Duchamp  – chỉ là một cái bệ xí không hơn – vốn được đặt dưới cùng một bầu trời nghệ thuật với van Rijn yêu dấu của bà. Bệ xí mà là nghệ thuật? Và mẹ ghét nó? Với một cậu bé mới 11 tuổi như tôi hồi ấy, đó quả là một lãnh địa nghệ thuật cao siêu và huyền bí!
Mẹ tôi, người đã khơi dậy tất cả trí tò mò mà tôi có được trong đời, đã đi ngược lại với lối suy nghĩ sâu xa và kiểu làm cha mẹ điển hình của mình: bà tạm gác sở thích của riêng mình sang một bên và nương theo óc tò mò của tôi. Bà mang về nhà hai bức tranh bọc trong giấy màu nâu và bảo tôi ngồi xuống. “Tưởng tượng nhé,” bà bắt đầu, “rằng con đang thử thể hiện trên không gian hai chiều tất cả những thông tin ở một vật thể ba chiều. Con sẽ làm thế nào?” Tôi nghiêng trái ngoẹo phải gắng tìm ra đáp án chính xác, hay bất cứ câu trả lời nào, nhưng chẳng thể làm gì. Mẹ xen ngang: “Có thể con sẽ làm ra một thứ gì đó như thế này!” Với một cái khoát tay kiểu nghệ sĩ, mà ít nhiều mẹ tôi cũng nghệ sĩ thật, mẹ mở toang giấy bọc, lộ ra bản in những kiệt tác của Picasso: Three Musicians và Violin and Guitar. Đó chính là “phải lòng từ cái nhìn đầu tiên”.
Dù không hề làm suy suyển tình yêu của tôi với Rembrant, nhưng bức tranh Three Musicians đúng là một khám phá với bản thân tôi, và với cả trí não của tôi nữa. Vì đâu tôi nghĩ như vậy? Làm thế nào để một người nhận ra được óc sáng tạo của mình? Đó quả là một câu hỏi hóc búa. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu thực sự tin rằng óc sáng tạo có một số thành tố then chốt. Những thành phần này bao gồm khả năng nhận biết những mối liên hệ mới mẻ giữa những thứ đã quen, để gợi ra các ý tưởng, sự vật hoặc bất cứ thứ gì hiện chưa tồn tại trên đời. (Chẳng hạn, tôi nghĩ đến chuyện miêu tả các hình ảnh ba chiều trong không gian hai chiều.) Óc sáng tạo còn phải gợi ra được cảm xúc ở người khác, dù là tích cực hay tiêu cực. Một thứ gì đó – có thể là một sản phẩm, hoặc một kết quả phải được sinh ra từ quá trình này. Và nó có dính dáng tới một thái độ “chấp nhận mạo hiểm”. Phải rất can đảm để trưng ra một chiếc bồn cầu giữa một buổi triển lãm ở New York năm 1917 và gọi nó là “nghệ thuật”.
Óc sáng tạo của con người có liên quan tới rất nhiều nhóm công cụ nhận thức, bao gồm cả trí nhớ sự kiện và hệ thống bộ nhớ mang tính “tự truyện”. Cũng giống như một chiếc TiVo  ghi lại một bộ phim truyền hình, những hệ thống này cho phép não bộ lưu lại các sự kiện xảy ra với bạn, cho phép bạn tham chiếu lại những trải nghiệm cá nhân về cả thời gian và không gian. Bạn có thể nhớ lại chuyện đi đến một cửa hàng tạp hóa và cả những món đồ bạn mua ở đó, chưa kể đến tên ngốc đã tông chiếc xe đẩy hàng vào gót chân bạn, tất cả là nhờ các hệ thống trí nhớ chương hồi này. Chúng khác hẳn các hệ thống bộ nhớ cho phép bạn tính toán các khoản thuế trong hóa đơn mua sắm của bạn, hay thậm chí là nhớ xem thuế tiêu dùng là gì. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì trí nhớ chương hồi làm được.
Nhà khoa học Nancy Andreasen đã phát hiện ra rằng những chiếc TiVo trong não bộ này hoạt động khi những người sáng tạo bắt đầu kết nối mọi thứ với nhau – xác lập nên những mối liên kết sâu sắc giữa những ý niệm tưởng chừng không liên đới, những thành phần cho phép họ sáng tạo. Những TiVo trú ngụ bên trong các khu vực của não được gọi là các các vỏ liên hợp – có kích cỡ khổng lồ ở con người – thực ra là lớn nhất trong các loài linh trưởng – trải ra như một hệ thống mạng lưới, giăng khắp các thùy trán, thùy đỉnh và thùy thái dương.
Nhóm công cụ nhận thức thứ hai kết hợp óc sáng tạo với tinh thần chấp nhận rủi ro. Ở đây không nói đến lối cư xử liều mạng, điên rồ. Thái độ chấp nhận rủi ro theo lối bất thường, đi kèm với việc lạm dụng của cải vật chất hay trạng thái hưng phấn lưỡng cực, cũng không làm cho bạn sáng tạo hơn được. Tuy vậy, có một kiểu chấp nhận rủi ro có tác dụng ấy, mà các nhà nghiên cứu gọi tên là “bốc đồng chức năng”. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hai hệ thống xử lý thần kinh tách biệt nhau, điều khiển trạng thái bốc đồng chức năng này. Một hệ thống điều khiển các hành vi ra-quyết-định rủi ro thấp (gọi là “nguội”); còn hệ thống kia thì điều khiển các hành vi ra-quyết-định với tỉ lệ rủi ro cao (gọi là “nóng”). Một quyết định “nguội” có thể liên quan tới việc một đứa trẻ cùng bạn mình tới tiệm ăn yêu thích. Một quyết định “nóng” lại có thể liên quan đến hành động gọi món rượu nặng theo lời thách đố của bạn bè.
Với tất cả những thứ ngông cuồng mà bọn trẻ con gây ra, làm sao chúng ta có thể phân biệt được giữa trạng thái bốc đồng chức năng với chấp nhận rủi ro kiểu bất thường? Bất hạnh thay, không hề tồn tại một bài kiểm tra nào có thể tách bạch giữa “đem lại hiệu quả” với “ngu đần ngốc dại” ở trẻ em (hay cả người lớn, xét về khía cạnh này).
Các nghiên cứu về rủi ro cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai giới. Ví như, con trai thì bất cẩn hơn. Khác biệt này bộc lộ ngay từ khi trẻ 2 tuổi, và dẫn đến hệ quả tất yếu: đến tuổi dậy thì, tỉ lệ tử vong vì tai nạn ở nam giới cao hơn 73% so với nữ giới, và nam giới cũng vi phạm pháp luật nhiều hơn. Nhưng trong các thập niên gần đây, sai biệt giữa hai giới đã bắt đầu thu hẹp lại. Tách bạch “tính trời sinh” với “mẹ cha dạy dỗ” ở những vấn đề như thế này là cực kỳ khó khăn.
Bất kể giới tính nào, thì các doanh nhân đều có sẵn trong người tố chất bốc đồng chức năng ở mức đáng kể. Họ đạt điểm số cao trong các bài kiểm tra đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro. Còn khi não bộ của họ được đưa vào theo dõi trong quá trình sáng tạo, các phần trung tâm và ổ mắt trước trán (những khu vực nằm sau đôi mắt) sáng lóe lên như trong một ca chụp cộng hưởng từ. Những nhà quản lý không đạt được điểm số cao đến vậy, hay những hoạt động thần kinh như thế này.
Bạn có thể dự đoán được khả năng sáng tạo ở trẻ nhỏ không? Nhà tâm lý học Paul Torrance đã xây dựng nên một bài kiểm tra kéo dài 90 phút, Kiểm tra Tư duy Sáng tạo Torrance. Các bài kiểm tra được thiết kế từ những vấn đề cực kỳ lôi cuốn. Trẻ có thể được cho thấy một bức ảnh con thỏ múp míp, rồi được yêu cầu dùng ba phút để bổ sung các chi tiết trên hình vẽ, làm sao để chơi với nó thích thú hơn. Hoặc các em sẽ được đưa một chiếc bút tốc kí, rồi được yêu cầu viết ra một câu chuyện cũng trong khoảng thời gian ba phút ấy. Đầu tiên, Torrance tổ chức bài kiểm tra này vào năm 1958 cho vài trăm em, sau đó tiếp tục theo sát cuộc sống các em cho đến khi trở thành người lớn, đánh giá các kết quả sáng tạo của chúng trên mọi phương diện: các thứ được cấp bằng sáng chế, những cuốn sách viết ra, các tác phẩm được xuất bản, các giấy chứng nhận được trao tặng và cả những doanh nghiệp do họ tạo dựng. Công trình nghiên cứu này vẫn đang được thực hiện tiếp, các đối tượng tham dự được đặt tên là “Các em bé của Torrance”. Torrance qua đời hồi năm 2003, và công trình này giờ đây được các đồng sự của ông giám sát.
Đóng vai trò như một công cụ nghiên cứu, bài kiểm tra này đã được đánh giá chính thức rất nhiều lần. Mặc dù bài kiểm tra không phải không vấp phải chỉ trích này nọ, nhưng phát hiện tuyệt vời nhất ở đây vẫn cứ giữ nguyên giá trị: điểm số mà một trẻ đạt được sẽ dự đoán được tới mức nào thành tích sáng tạo của trẻ trong tương lai. Quả là như vậy, điểm số từ bài kiểm tra này dự đoán được thành tích sáng tạo suốt đời của trẻ với mối tương liên khăng khít hơn ba lần so với kết quả IQ bẩm sinh có thể tiên lượng. Bài kiểm tra đã được dịch ra tới 50 thứ tiếng và được hàng triệu lượt người thực hiện. Đó chính là tiêu chuẩn gần như không thể bỏ qua trong việc đánh giá óc sáng tạo ở trẻ.
4. Giao tiếp ngôn từ
Trải nghiệm đáng nhớ nhất trong năm đầu tiên dạy dỗ cậu út Noah của tôi chính là khoảnh khắc cậu chàng nói từ đa-âm-tiết thứ nhất trong đời. Noah chính là suối nguồn vui tươi tràn trề của gia đình tôi. Cậu chàng là mẫu em bé lạc quan, với nét cười duyên dáng và tràng cười giòn tan. Noah cũng tiếp cận với các kỹ năng ngôn ngữ của mình với niềm hân hoan như thế. Thằng bé đặc biệt say mê các loài sinh vật biển, mà tôi cho rằng đều do bộ phim Finding Nemo (Đi tìm Nemo) và kênh truyền hình National Geographic (Địa lý Quốc gia) mà ra cả. Chúng tôi đính các bức tranh sinh vật biển lên trần nhà, phía trên bàn thay tã của Noah, trong đó có cả tranh vẽ một chú bạch tuộc Thái Bình Dương khổng lồ màu đỏ. Vào thời điểm ấy, Noah vẫn chưa nói tròn vành rõ chữ.
Một buổi sáng nọ, tôi đang tất bật thay tã cho nó, trước khi đi làm. Noah đột nhiên ngưng cười và nhìn chăm chăm lên trần nhà. Từ tốn, nó chỉ ngón tay lên trần, rồi nhìn tôi và nói rành rọt: “Bạch-tuộc”. Rồi nó cười phá lên. Nó lại chỉ lên lần nữa, đọc lớn hơn: “BẠCH-TUỘC” rồi cười khúc khích. Tôi suýt thì lên cơn đau tim. “Đúng rồi!” Tôi reo lên: “BẠCH TUỘC!” Nó đáp lại: “Bạch, bạch, bạch tuộc,” lại cười khanh khách. Chúng tôi cùng tụng lại từ ấy. Tôi quên mất là cả buổi sáng đó mình làm cái gì – tôi đoán là mình đã gọi điện xin nghỉ ốm – và chúng tôi nhảy nhót suốt ngày hôm ấy, ca tụng mọi thứ có-tám-chân trên đời. Những từ khác cũng nối nhau xuất hiện ồ ạt những ngày tiếp sau đó. (Và tình trạng vắng mặt ở chỗ làm của tôi cũng tương tự.)
Bạn sẽ không thể tranh cãi gì với một thực tế rằng các kỹ năng ngôn từ đóng vai trò quan trọng đối với trí thông minh con người. Người ta thậm chí còn đưa nó vào các bài kiểm tra IQ. Một trong những niềm vui sướng sâu xa của các bậc làm cha mẹ chính là chứng kiến một em bé vật lộn với món tài năng độc đáo chỉ thuộc về con người này trong những tháng đầu tiên của cuộc đời. Điều gì xảy ra trong trí não Noah khiến thật nhiều thứ cùng ùa đến một lúc ngay trên chiếc bàn thay tã ấy – hay trong trí não của bất cứ em bé nào khác, khi ngôn ngữ bỗng nhiên rạng bừng lên như buổi bình minh rực rỡ? Chúng ta không thực sự hiểu được. Có biết bao nhiêu học thuyết nhan nhản khắp nơi xung quanh chủ đề chúng ta có được ngôn ngữ ra sao. Nhà ngôn ngữ học trứ danh Noam Chomsky tin rằng chúng ta đã sinh ra với phần mềm ngôn ngữ cài đặt sẵn trong đầu óc mình, một gói trọn vẹn mà ông gọi tên là ngữ pháp phổ quát.
Khi ngôn ngữ bắt đầu vận hành, nó có xu hướng phát triển nhanh chóng. Chỉ trong vòng một năm rưỡi, hầu hết trẻ em đều có thể phát âm tới 50 từ và hiểu được chừng hơn 150 từ. Con số ấy bung ra thành 1 nghìn từ vào thời điểm 36 tháng, và, trước 6 tuổi thì đã là 6 nghìn từ. Tính từ thời điểm chào đời, chúng ta có thêm các từ mới với tốc độ 3 từ một ngày. Kế hoạch này phải mất một thời gian dài mới kết thúc. Để nói thành thạo, với tiếng Anh, mỗi người cần thông thạo khoảng 50 nghìn từ, chưa bao gồm thành ngữ và ngữ cố định. Ấy là một thứ phức tạp cực kỳ. Ngoài từ vựng, trẻ còn phải học cả âm vị và ý nghĩa xã hội của từ.
Trẻ nhỏ lần theo những đặc tính này của ngôn ngữ bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ đến kinh ngạc. Ngay từ thời điểm chào đời, bé sơ sinh đã có thể phân biệt âm thanh của tất cả các ngôn ngữ từng được phát minh. Giáo sư Patricia Kuhl, giám đốc Học viện Nghiên cứu Khoa học Não bộ tại Đại học Washington đã khám phá ra hiện tượng này. Bà gọi các em bé ở tuổi này là “công dân thế giới”. Chomsky thì diễn đạt theo lối này: Chúng ta không sinh ra với khả năng nói một ngôn ngữ chuyên biệt nào đó. Chúng ta sinh ra với khả năng nói bất cứ ngôn ngữ nào.
Công dân thế giới trở thành công dân một quốc gia
Thật không may, mọi thứ không như thế mãi được. Đến sinh nhật tròn một tuổi của bé – Kuhl phát hiện ra, các em không còn có khả năng phân biệt âm thanh của mọi ngôn ngữ trên hành tinh được nữa. Các em chỉ có thể phân biệt được giữa người nói ngôn ngữ các em nghe thấy được trong vòng sáu tháng trở lại. Một em bé Nhật Bản chưa bao giờ được nghe thấy hai từ “hồ” và “đồ” trong thời gian 7 đến 12 tháng tuổi thì đến khi tròn 1 tuổi, em sẽ không thể phân biệt được hai âm thanh này. Lúc nào cũng vậy, sẽ vẫn có những biệt lệ. Người trưởng thành qua đào tạo vẫn có thể học cách phân biệt các âm thanh lời nói trong các ngôn ngữ khác. Nhưng nói chung, có vẻ như não bộ của chúng ta có một cánh cửa cơ may hữu hạn trong một khoảng thời gian ngắn ngủi bất ngờ. Cánh cửa nhận thức bắt đầu đu đưa chực đóng từ sáu tháng tuổi, và, nếu không có tác động nào để đẩy nó ra, cánh cửa cuối cùng sẽ sập lại. Đến tháng tuổi thứ mười hai, não bộ của bé đã đưa ra những quyết định sẽ ảnh hưởng tới hết cuộc đời bé.
Kuhl và cả các nhà nghiên cứu khác đều tự hỏi, có tác nhân nào đủ mạnh để ngăn cho cánh cửa ấy khỏi đóng sập lại? Ví dụ, bạn sẽ trưng cho con mình, trong khoảng thời gian mang tính then chốt này, một cuốn băng giọng ai đó nói tiếng nước ngoài. Liệu não bộ có tiếp tục rộng mở để đón nhận các âm vị không? Câu trả lời là “không hẳn”. Thế còn một đĩa DVD ghi hình ai đó nói tiếng nước ngoài thì sao? Cánh cửa vẫn tiếp tục sập lại. Chỉ có một thứ ngăn được cánh cửa ấy đóng lại với một loại ngôn ngữ khác. Bạn buộc phải chuyển tải các từ ngữ thông qua tương tác xã hội. Một người bằng xương bằng thịt sẽ phải bước vào căn phòng và trực tiếp nói ngôn ngữ đó với em bé. Nếu não bộ của bé phát hiện ra tương tác xã hội này, các tế bào thần kinh sẽ bắt đầu ghi lại ngôn ngữ thứ hai, cả âm vị và tất cả những thứ khác. Để tiến hành các nhiệm vụ nhận thức này, não bộ cần đến kích thích theo kiểu có-qua-có-lại và phong phú thông tin mà chỉ có một con người thực sự khác có thể mang lại.
Ẩn sâu trong những dữ liệu này là cả một quả bom ý tưởng, một quả bom nhận được sự ủng hộ mang tính kinh nghiệm từ các lĩnh vực khoa học phát triển. Việc học tập của con người, ở trạng thái nguyên bản nhất, chủ yếu là một bài thực hành mối liên hệ. Trí thông minh không được phát triển trong những chiếc nồi nung chạy điện của các cỗ máy lạnh lẽo không sức sống, mà là trong vòng tay của những con người ấm áp và đầy yêu thương. Bạn có thể tái mắc nối  não bộ của trẻ (đúng theo nghĩa đen) nhờ vào việc trưng bé ra với các mối quan hệ. 
Bạn có nghe thấy tiếng cười ấy không? Đó là tiếng cười của cậu con trai Noah của tôi, thể hiện cho ông bố già là tôi đây rằng việc nuôi nấng chủ động và rất “thuận tự nhiên” có vai trò quan trọng đến thế nào trong việc dạy cho nó biết cách thực hiện một việc thật tuyệt vời, và cũng thật nhân bản, ấy là học ngôn ngữ.
5. Giải mã giao tiếp phi ngôn từ
Mặc dù tiếng nói là một đặc tính độc đáo của con người, nó trú ẩn trong một thế giới bao la của các hành vi giao tiếp, nhưng rất nhiều phương tiện ấy cũng được các loài động vật khác sử dụng. Tuy thế, không hẳn là lúc nào tất cả các loài cũng đều phát ra một thông điệp giống nhau, như những gì cậu bé 2 tuổi dưới đây đã khám phá ra vào một ngày nắng đẹp ở miền Nam California. Sự nhầm lẫn ấy đã khiến em phải nằm viện suốt một tuần.
Cậu chàng bé bỏng đang đi dạo mát quanh khu lân cận với mẹ. Bà mẹ dừng lại để tán gẫu với một người bạn. Cậu bé mẫu giáo hiếu động kia thì tản bộ ra một khoảng ngắn ngắn gần đó, đến sân trước của một nhà láng giềng. Hay, chính xác là sân trước của con chó nòi Doberman nhà hàng xóm. Không hay biết gì về hành vi xác định lãnh thổ của loài chó, anh chàng 2 tuổi kia phát hiện ra một đồng xu bé tí sáng bóng trên bãi cỏ nhà hàng xóm và nhao lên để nhặt lấy. Con chó nhìn chằm chằm vào em bé, cất lên vài tiếng sủa cảnh báo, rồi cúi thấp đầu xuống để che phần cổ nó, rồi gầm gừ đe dọa. Sững sờ, em bé nhìn lên, và tiếp xúc kiểu mắt-đối-mắt với con chó. Đó chính là một lời tuyên chiến với loài chó. Kết quả: một tuần nằm trong phòng cấp cứu. Con chó lao lên tấn công vào cổ họng em bé, và đớp trúng tay. Em bé phải khâu 20 mũi, và tòa kết án con chó sẽ bị giết. Tuy thế, con chó chỉ đơn thuần hành động dựa trên một phản xạ hành vi tự nhiên, có liên quan đến phản ứng trước vẻ mặt của một ai đó.
Giao tiếp kiểu mặt-đối-mặt có rất nhiều ý nghĩa trong thế giới loài vật, đa phần không lấy gì làm hữu hảo. Rút ra thông tin xã hội nào đó bằng cách kiểm nghiệm biểu hiện trên gương mặt chính là một lát cắt đầy quyền năng của lịch sử tiến hóa của động vật có vú. Nhưng con người chúng ta sử dụng gương mặt, bao gồm cả giao tiếp mắt-đối-mắt vì rất nhiều nguyên do khác nhau ngoài việc chuyển tải thông điệp đe dọa. Chúng ta sở hữu hệ thống thông điệp phi ngôn từ tinh vi nhất trên hành tinh này. Kể từ các em bé trở đi, chúng ta luôn luôn trao đổi các thông tin xã hội bằng các cử chỉ cơ thể phối hợp với những nụ cười và cả vẻ không tán thành. Kết hợp với nhau, chúng tạo thành viên bảo ngọc ngự trên khối thông tin ngoại quan – bạn vẫn nhớ thuật ngữ này chứ? – một cách thức đầy hiệu lực để chuyển tải một quan điểm thật nhanh chóng.
Mặc dù tồn tại rất nhiều thần thoại bao quanh ý tưởng ngôn ngữ cơ thể (đôi khi người ta bắt chéo chân và rồi duỗi chân ra đơn giản chỉ vì chân bị mỏi), những phát hiện đích thực vẫn cứ nổi lên từ nỗ lực nghiên cứu đối tượng này, ít nhiều trong số đó phù hợp với việc dưỡng dục con cái. Có hai nghiên cứu hấp dẫn hơn hẳn có liên quan đến chủ đề ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ tương tác ra sao với tiếng nói con người.
Học ngôn ngữ kí hiệu có thể tăng cường nhận thức thêm 50%
Cử chỉ và lời nói sử dụng các mạch thần kinh tương tự nhau trong quá trình chúng phát triển qua lịch sử tiến hóa loài người. Nhà ngôn ngữ tâm lý David McNeil của Đại học Chicago là người đầu tiên đề xuất điều này. Ông cho rằng các kỹ năng phi ngôn từ và ngôn từ có thể vẫn duy trì những mối liên kết bền chắc mặc dù chúng đã rẽ ra thành các trường hành vi khác biệt. Ông nhận định chính xác. Các nghiên cứu đã khẳng định điều này bằng một phát hiện gây bối rối: Những người không còn khả năng cử động các chi sau một tổn thương não bộ cũng ngày càng đánh mất khả năng giao tiếp ngôn từ. Các nghiên cứu về đối tượng trẻ em cũng thể hiện sự kết hợp trực tiếp tương tự. Giờ đây chúng ta biết rằng trẻ sơ sinh sẽ vẫn chưa thể có được vốn từ vựng tinh vi cho đến khi việc kiểm soát ngón tay vận động của trẻ được tăng cường. Đó là một khám phá đáng chú ý. Cử chỉ chính là “những cửa sổ mở ra các quá trình tư duy”, McNeill nói.
Liệu việc học các cử chỉ vật lý có giúp nâng cao các kỹ năng nhận thức? Một nghiên cứu cho rằng có thể, mặc dù nó đòi hỏi có sự tham gia của nhiều yếu tố khác nữa. Các em bé với khả năng thính giác bình thường tham gia một lớp học Ngôn Ngữ Kí Hiệu Mỹ trong vòng 9 tháng khi mới vào lớp 1, sau đó các em được thực hiện một loạt các bài kiểm tra nhận thức. Kết quả điểm số về trọng tâm chú ý, các năng lực không gian, trí nhớ và cả thị giác của chúng đều tăng lên đáng kể – lên tới chừng 50% – so với trước khi được đào tạo.
Trẻ cần đối thoại trực tiếp
Một trong những nhóm cử chỉ quan trọng, bạn có thể đoán ra ngay, chính là biểu hiện trên khuôn mặt. Các bé rất thích nhìn thẳng vào mặt người. Gương mặt của mẹ là tuyệt nhất – nhưng nhìn chung, bé thích mặt người hơn so với mặt khỉ, mặt lạc đà không bướu, mặt con mèo hay chó. Bé kiếm tìm cái gì trên gương mặt bạn? Thông tin cảm xúc. Bạn có vui không? Hay là buồn thế? Hay đầy đe dọa?
Chúng ta đều dành một lượng lớn thời gian để đọc các gương mặt. Giao tiếp phi ngôn từ của một người có thể xác nhận giao tiếp ngôn từ của anh ta/ cô ta, làm suy yếu nó, hay thậm chí là đối lập hoàn toàn. Các mối quan hệ của chúng ta dựa trên năng lực phiên dịch nó. Vậy nên con người đọc các gương mặt như một phản xạ tự nhiên, và bạn có thể quan sát được điều này, kể cả từ những tiếng đồng hồ đầu tiên của em bé sau khi chào đời. Kỹ năng này phát triển qua thời gian, và hành vi tinh tế nhất có thể quan sát được là khi bé năm đến bảy tháng tuổi. Một số người bẩm sinh đã có ưu thế hơn những người khác. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn cứ bị sai lệch. Các nhà nghiên cứu gọi đó là Sai lầm Othello. 
Trong vở bi kịch của Shakespeare, chàng Othello tin rằng vợ mình đã lừa dối. Othello đang trong cơn điên cuồng giận dữ khi chàng đối đầu với nàng trong phòng ngủ. Rất tự nhiên, nàng sợ hãi điếng người. Nhìn thấy gương mặt kinh hoàng của nàng, chàng diễn giải nỗi sợ hãi ấy thành vẻ tội lỗi, đó là tất cả những manh mối về sự phản bội mà chàng cần có. Trước lúc trừng phạt nàng, những lời giằng xé yêu-hận trứ danh này đã được thốt ra:
Không, phải cho con ấy rữa nát, tàn lụi và đày nó xuống địa ngục ngay đêm nay, vì nó không được sống nữa. Không, tim ta đã hóa đá. Ta tự đánh vào tim mà bàn tay ta bị đau. Ôi, trên đời này không có ai dịu dàng hơn nó: nó đáng được nằm bên cạnh một vị đế vương và ra lệnh cho ông ấy phải tuân theo. 
Giải mã chính xác gương mặt của người khác có thể đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm; và giống như Othello, người lớn đôi lúc cũng mắc sai lầm. Cách duy nhất để tăng cường độ chính xác ở đây là tương tác với người khác. Đó là lý do bé sơ sinh cần đến những khoảng thời gian ở bên cạnh con người bằng-xương-bằng-thịt từ những năm đầu đời. Không phải thời gian với máy tính. Không phải thời gian với ti vi. Não bộ của bé cần đến sự tương tác với bạn, một cách trực tiếp, riêng tư, nhất quán.
Hoặc như thế, hoặc bằng cách được nhà tâm lý ngôn ngữ Paul Ekman huấn luyện..
Một gương mặt nói lên những gì
Paul Ekman, giáo sư danh dự của Đại học California – Sanfrancisco rất hiếm khi diễn giải sai gương mặt của người khác. Ông đã lập danh mục hơn 10.000 kiểu kết hợp các trạng thái biểu hiện khác nhau trên gương mặt, sáng tạo nên một bản liệt kê gọi tên là Hệ thống Mã hóa Hoạt động Cơ mặt (FACS). Công cụ nghiên cứu này cho phép một người quan sát đã qua đào tạo có thể mổ xẻ được một biểu hiện nào đó dựa trên hoạt động của các cơ sản sinh ra nó.
Sử dụng những công cụ này, Ekman đã phát hiện ra một vài điều đáng ngạc nhiên xung quanh nhận thức gương mặt con người. Trước hết, con người trên khắp thế giới đều thể hiện những trạng thái tình cảm như nhau, sử dụng các cơ mặt như nhau. Những trạng thái cảm xúc cơ bản mang tính phổ quát này là vui vẻ, buồn rầu, ngạc nhiên, ghê tởm, giận dữ và sợ hãi. (Thoạt đầu, phát hiện này thực sự gây sửng sốt; nghiên cứu vào thời điểm đó phác nên các biểu hiện tình cảm trên mặt chủ yếu dựa trên những tập tục văn hóa). Thứ hai, thứ kiểm soát có ý thức mà chúng ta áp dụng lên các cơ mặt của mình cũng chỉ có hạn, đồng nghĩa với việc chúng ta đã đưa ra rất nhiều thông tin tự do. Lấy thí dụ, các cơ quanh mắt không nằm dưới sự kiểm soát có ý thức. Đây có thể là lý do tại sao chúng ta có xu hướng tin vào đôi mắt nhiều hơn.
Một trong những cuốn băng ghi hình trong nghiên cứu của Ekman thể hiện pha tương tác giữa một bác sĩ tâm thần và Jane, một bệnh nhân rối loạn rất nặng của ông. Jane bị tổn thương do trầm uất nghiêm trọng đến mức cô phải nhập viện và đặt trong tình trạng theo dõi thường xuyên để ngăn ngừa việc cô tự sát. Đến lúc cô bắt đầu thể hiện những dấu hiệu cải thiện tình trạng thực sự, cô nài nỉ bác sĩ cho phép mình về nhà dịp cuối tuần. Chiếc máy quay đưa cận mặt Jane, tràn màn hình, khi bác sĩ đồng ý cho cô rời khỏi viện. Khi Ekman cho băng chạy chậm lại, một tia tuyệt vọng rất sâu đột ngột lóe lên trên gương mặt Jane. Dường như cô không thể kiểm soát nổi nó. Hóa ra Jane đã dự tính sẽ tự sát khi trở về nhà, mà ơn trời, cô đã kịp thú nhận trước khi được thả cho về. Ekman cũng sử dụng cuốn băng để huấn luyện các nhân viên cảnh sát cũng và cả các chuyên gia sức khỏe thần kinh. Ông ngừng cuốn băng lại và hỏi các học viên của mình xem họ có thấy tia tuyệt vọng lóe lên đó không, chừng năm giây đồng hồ. Khi họ biết mình cần tìm kiếm thứ gì, họ có thể nhìn thấy được.
Những tia lóe lên này được gọi là “biểu hiện tinh tế”, những biểu hiện trên gương mặt chỉ kéo dài chừng vài phần của giây nhưng lại có xu hướng hé lộ những cảm xúc chân thực nhất của chúng ta, phản ứng lại trước những nghi ngại nhanh như điện xẹt. Ekman khám phá ra rằng một số người có thể phát hiện và diễn giải những biểu hiện tinh tế này tốt hơn người khác. Con người ta vờ vĩnh rất nhiều, và những người có thể bắt được các biểu hiện tinh tế thì rất thạo việc phát hiện ra sự dối trá. (Bộ phim truyền hình Lie to Me  cũng được xây dựng dựa trên tiền đề này.) Ekman phát hiện ra rằng ông có thể huấn luyện cho người khác đọc những biểu hiện tinh tế này, tăng cường năng lực nắm bắt các manh mối phi ngôn từ.
Chứng mù gương mặt
Vì đâu chúng ta có thể khẳng định rằng khả năng đọc được khuôn mặt là rất quan trọng? Một phần bởi não bộ cống hiến một phần lớn “của cải” tế bào thần kinh, bao gồm cả một khu vực rất thiết yếu có tên gọi “hồi hình thoi” cho một nhiệm vụ duy nhất là xử lý dữ liệu các gương mặt. Diện tích khu thần kinh với kích thước chừng này là rất đắt đỏ; bộ não sẽ không rào một vùng để phục cho một chức năng đơn nhất như thế trừ phi nó phải có một lý do thực sự thuyết phục.
Chúng ta biết rằng bộ não có riêng các khu vực chuyên biệt để nhận diện gương mặt vì một người có thể bị tổn thương khu vực này và đánh mất khả năng nhận diện ra chủ nhân của các gương mặt đó. Tình trạng rối loạn này được gọi là chứng mất nhận thức, hay “mù gương mặt”. Phụ huynh của các trẻ mắc chứng mù gương mặt sẽ phải cung cấp cho các em những chỉ dẫn đại loại như “Con nhớ nhé, Drew là bạn mặc áo sơ mi màu cam; còn Madison thì mặc váy màu đỏ.” Nếu không, trẻ sẽ không còn phân biệt được các trẻ khác đang chơi với mình. Mắt của các em không có vấn đề gì cả, mà là trục trặc ở não bộ.
Thành viên của tập thể
Diễn dịch chính xác cử chỉ và các biểu hiện trên mặt là năng lực được tưởng thưởng cao độ giữa bình nguyên Serengeti bạo tàn, không thương xót. Đó là bởi sự hợp tác xã hội chính là một kỹ năng sinh tồn tuyệt vời, cực kỳ hữu ích, bất kể trong trường hợp nào, phải săn đuổi những con vật to lớn hơn mình hay chỉ là gắng kết thân với hàng xóm láng giềng. Trong số rất nhiều tài năng thiên bẩm khác, khả năng hợp tác xã hội cho phép người ta làm việc nhóm. Đa phần các nhà nghiên cứu đều tin rằng khả năng làm việc nhóm tạo điều kiện cho chúng ta vượt lên khỏi những hạn chế về mặt thể chất khác.
“Đọc vị” các gương mặt hỗ trợ ra sao đối với làm việc theo nhóm? Khả năng phối kết hợp với nhau trong bối cảnh rủi ro cao đòi hỏi những kiến thức rất thiết thân và liên tục về mục đích và động cơ của các thành viên trong nhóm. Nắm bắt được quá trình diễn biến tâm lý tương lai của ai đó cho phép có được dự đoán chính xác hơn về hành vi của anh ta hoặc cô ta (cứ hỏi bất cứ hậu vệ nào chơi tại Giải vô địch Bóng bầu dục Quốc gia thì biết). Đọc ra thông tin cảm xúc trên gương mặt của ai đó chính là cách nhanh chóng nhất để có được những nhận thức sâu sắc này. Và trên bình nguyên Serengeti, những người có khả năng làm việc đó chính xác cũng thực hiện chức năng tốt hơn. Ngày nay, khi có những người gặp khó khăn trong việc đọc ra các thông tin cảm xúc ẩn giấu trên gương mặt, chúng ta gọi đó là chứng tự kỷ. Làm việc nhóm là một thứ cực kỳ gian nan với những em bé mắc chứng này.
Các nhà cách tân là những chuyên gia giao tiếp phi ngôn từ
Liệu khả năng đọc được biểu hiện gương mặt và cử chỉ của một đứa trẻ có dự đoán được thành công của em trong lực lượng lao động thế kỷ XXI không? Các nhà điều tra khi nghiên cứu về những doanh nhân thành đạt cũng nghĩ như thế. Chúng ta đã khám phá được ba trên năm đặc điểm trong nghiên cứu về DNA của Nhà cải cách. Hai điểm cuối cùng, xét về bản chất, là cực kỳ mang tính xã hội:
• Những người này thành thạo xây dựng mạng lưới theo kiểu nào đấy. Các doanh nhân thành công luôn bị cuốn hút bởi những người thông minh với chuyên môn học hành khác xa của mình. Việc này cho phép họ có được kiến thức ở những lĩnh vực mà nếu không tiếp xúc, họ không thể học được. Nhìn nhận từ góc độ xã hội, hành động này không dễ thực hiện chút nào. Làm thế nào họ có thể thực hiện việc đó liên tục không ngưng nghỉ? Thử tham khảo những nhận định sâu sắc từ đặc điểm chung cuối cùng này.
• Họ quan sát kỹ lưỡng mọi chi tiết trong lối hành xử của người khác. Các doanh nhân là những chuyên gia bẩm sinh về nghệ thuật diễn giải các cử chỉ và biểu hiện khuôn mặt. Diễn giải liên tục và chính xác những tín hiệu phi ngôn từ này có lẽ chính là cách cho phép họ chiết xuất thông tin từ những nguồn đối tượng có bối cảnh học hành rất khác với bản thân họ.
Mong muốn con bạn sẽ lớn lên thành một nhà cải cách xuất chúng ư? Hãy đảm bảo rằng bé nắm vững đến mức tuyệt hảo các kỹ năng phi ngôn từ – và cả trí tò mò tương xứng nữa nhé.

KHÔNG CÓ TRONG CÁC BÀI KIỂM TRA IQ

Từ niềm say mê khám phá, sự tự chủ, óc sáng tạo cho đến năng lực ngôn từ và phi ngôn từ, rõ ràng là món hầm mang tên trí thông minh có quá nhiều thành phần khác nhau. Các bài kiểm tra không có khả năng đo lường được phần lớn những yếu tố này, mặc dù chúng lại đóng vai trò cực kỳ quyền năng trong thành công tương lai của con bạn. Với những đặc điểm độc đáo nhường vậy, thì điều này chẳng lấy gì làm lạ. Một số yếu tố còn bất ngờ đến mức thách thức cả niềm tin thông thường (cơ may trở thành một doanh nhân thành đạt của con bạn lại có dính dáng tới năng lực giải mã các gương mặt sao?). Vậy nên, bạn cũng không nên nản lòng thoái chí làm gì nếu như con mình không nằm trong top 97% ở một bài kiểm tra nhất định nào đó. Bé có thể sở hữu rất nhiều những khía cạnh trí tuệ khác, dồi dào, phong phú, những khía cạnh mà các bài kiểm tra kia vốn đã không thể nào phát hiện ra nổi.
Nói như vậy không có nghĩa là tất cả mọi người đều là một Einstein tiềm tàng. Những năng lực thiên phú này không được phân phát đồng đều trên tất cả con cái chúng ta, và phần lớn đều có yếu tố di truyền. Ví dụ, đứa con mắc chứng tự kỷ của bạn có thể sẽ không bao giờ sở hữu vẻ ấm áp như một vị mục sư, bất kể bạn có gắng cách nào. Nhưng, bạn biết đấy, có nhiều thứ quyết định đến trí thông minh hơn là “hạt giống” đơn thuần. Giờ đã đến lúc cần cấy xuống một số khám phá thực sự đáng chú ý về thứ “đất trồng” khiến cho các con chúng ta thông minh hệt như những gì hạt giống của chúng hứa hẹn ban đầu.
Những điểm cốt yếu
• Có những khía cạnh thuộc về trí thông minh của con cái mà bạn không thể can thiệp gì vào được; yếu tố di truyền quyết định khoảng 50% vấn đề này.
• IQ có liên quan đến một số kết quả quan trọng có được trong giai đoạn bé thơ, nhưng nó chỉ là một trong những thước đo cho năng lực trí tuệ mà thôi.
• Trí thông minh có rất nhiều thành phần khác nhau, trong đó bao gồm cả đam mê khám phá, sự tự chủ, óc sáng tạo và các kỹ năng giao tiếp.
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.