11 Lời Khuyên Dành Cho Thế Hệ Trẻ Của Bill Gates
Lời khuyên thứ nhất: Thích nghi với cuộc sống
Cuộc sống không hề công bằng
Bill Gates nói: “Không phải lúc nào cũng tồn tại sự công bằng, cuộc sống luôn có những điều không được như ý muốn. Tuy nhiên, chỉ cần thích nghi với nó, đồng thời kiên trì đến cùng thì luôn có thể đạt được những thành công ngoài dự kiến”.
“A” ở vị trí trước “B”, đây là một thứ tự sắp xếp, đồng thời thể hiện giá trị trước lớn hơn giá trị sau. Tuy nhiên, Bill Gates không thừa nhận quy định truyền thống này mà chỉ quan tâm đến việc theo đuổi ước mơ của mình.
Khi đang học trung học, Bill Gates nhận được điện thoại của công ty TRW kinh doanh đồ dùng quốc phòng lớn nhất trong nước, họ muốn ông xuống phía Nam để gặp mặt, ký hợp đồng thử việc. Để thực hiện ước mơ của mình, sau khi được sự đồng ý của nhà trường, Bill Gates đã tham gia “công việc tạm thời” trong 3 tháng.
Sau 3 tháng, Bill Gates quay lại trường học. Ông học bổ sung bài học trong 3 tháng đó, đồng thời tham gia kỳ thi cuối kỳ. Ông không lo lắng về môn vi tính. Ông cũng bắt kịp các môn học khác một cách nhanh chóng. Kết quả là môn vi tính thầy giáo chỉ cho ông điểm “B”, nguyên nhân không phải vì điểm thi của ông không tốt (ông đứng đầu trong kỳ thi), mà là ông chưa bao giờ học một giờ nào của môn này, ông đã bị mất điểm vì “thái độ học tập”.
Nhưng Bill Gates không hề oán trách, ông tập trung tinh lực vào công việc mã hóa các số liệu và trở thành một lập trình viên nổi tiếng, có cơ sở vững chắc và kinh nghiệm phong phú về quá trình mã hóa, hoàn thành sự nghiệp và nổi danh toàn cầu.
Cuộc sống không công bằng. Điều này khiến chúng ta không vui, nhưng đó là sự thực. Sai lầm mà rất nhiều người mắc phải là luôn cảm thấy tiếc cho bản thân hoặc cho người khác, cho rằng cuộc sống nên công bằng, hoặc sẽ có ngày trở nên công bằng. Sự thực không phải như vậy, bây giờ không phải, tương lai cũng sẽ không.
Ưu điểm khi thừa nhận rằng “cuộc sống không công bằng” là điều này khích lệ chúng ta cố gắng hết khả năng của mình, chứ không phải tự thương hại bản thân.
Chúng ta biết rằng, yêu cầu hoàn thành tốt công việc không phải là “sứ mệnh của cuộc sống” mà là một thách thức của chúng ta đối với cuộc sống. Thừa nhận sự thực này sẽ khiến chúng ta không còn cảm thấy tiếc, mỗi con người trong quá trình trưởng thành, đối mặt với sự thực, đưa ra quyết định đều có những năng lực và những vấn đề khó khăn riêng, ai cũng có những lúc cảm thấy mình là vật hy sinh hoặc gặp phải sự đối đãi bất công.
Thừa nhận sự thực cuộc sống không công bằng không có nghĩa là chúng ta không cần cố gắng hết khả năng của mình để cải thiện cuộc sống và thay đổi thế giới, mà ngược lại, đó lại biểu hiện của thái độ sống tích cực. Khi chúng ta không nhận thức được hoặc không thừa nhận cuộc sống là không công bằng, chúng ta sẽ luôn thương hại người khác và thương hại chính mình, điều đó chỉ khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn. Nhưng khi chúng ta thực sự nhận thức được, chúng ta sẽ có sự đồng cảm với người khác và với bản thân, mà sự đồng cảm là một tình cảm chân thành từ đáy lòng. Khi bạn phát hiện ra mình đang suy nghĩ về những sự bất công trên thế giới, bạn sẽ phải nhắc mình về sự thực này. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng chính điều đó sẽ đưa bạn ra khỏi tình cảm thương hại và có những hành động mang ý nghĩa tích cực.
Tóm lại, thừa nhận sự thực khách quan như cuộc sống không công bằng sẽ giúp chúng ta có được thái độ bình thản, chủ động, nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống.
Chấp nhận sự thực
Bill Gates nhấn mạnh, có nhiều sự việc bất công mà chúng ta không thể tránh được, cũng không thể lựa chọn. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận một sự thực đã tồn tại và tự điều chỉnh bản thân, vì kháng cự không chỉ có thể hủy hoại cuộc sống của bạn mà còn có thể khiến bạn suy sụp tinh thần. Bởi vậy, khi không thể thay đổi bất công hay những bất hạnh đã xảy đến với mình, chúng ta phải học cách chấp nhận, thích nghi với nó.
Tại Amsterdam, Hà Lan, có một di tích giáo đường từ thế kỷ thứ XV, trong nhà thờ có viết một câu khiến những ai đã từng đọc không thể quên, đó là: “Sự việc tất phải như vậy, không có sự lựa chọn nào khác”.
Trong số mệnh có vô vàn biến số không thể nắm bắt được, nếu nó đem đến cho chúng ta niềm vui thì đó là một việc tốt, chúng ta cũng rất dễ dàng chấp nhận. Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng như vậy. Đôi khi chúng ta phải nhận lấy những tai họa đáng sợ, lúc này, nếu không học được cách chấp nhận nó, tai họa sẽ thống trị tâm hồn chúng ta và cuộc sống của chúng ta sẽ vĩnh viễn mất đi ánh mặt trời.
William James đã từng nói: “Hãy vui vẻ mà chấp nhận! Chấp nhận sự thực là bước đầu tiên để khắc phục bất hạnh”.
Khi còn nhỏ, Hance và vài người bạn chơi đùa trên nóc một ngôi nhà gỗ cũ ở bang Missouri, Hance bò lên nóc nhà, nghỉ một lát ở bên bờ cửa sổ, ngón tay trỏ bên trái của cậu đeo một chiếc nhẫn, khi nhảy xuống, chiếc nhẫn móc vào đinh, kéo đứt ngón tay của cậu.
Hance kêu thét lên kinh hãi, cậu nghĩ rằng mình sẽ chết. Nhưng khi vết thương ở ngón tay đã lành, Hance chẳng bao giờ phải lo lắng về nó nữa. Cậu đã chấp nhận một sự thực không thể thay đổi được.
Gary Fuller, người nổi tiếng trong phong trào phụ nữ tại nước Anh đã từng nói một câu được coi như một chân lí, đó là: “Tôi chấp nhận cả vũ trụ”. Đúng vậy, tôi và bạn đều nên chấp nhận những sự thực không thể thay đổi. Cái duy nhất chúng ta có thể thay đổi được chính là bản thân chúng ta.
Khi đối mặt với những sự thực không thể thay đổi, những trở ngại trong cuộc sống như đêm tối, gió bão, đói khát, sự không may…, chúng ta nên giống như cây cỏ, tuân theo quy luật tự nhiên.
Chấp nhận thực tế không có nghĩa là buông tay chấp nhận mọi bất hạnh. Khi có bất kỳ cơ hội nào có thể giúp thay đổi tình thế thì chúng ta phải phấn đấu! Tuy nhiên, khi không thể cứu vãn được tình thế thì tốt nhất là chúng ta phải biết chấp nhận nó, chỉ như vậy mới có thể nắm được sự cân bằng trong cuộc sống.
Mỗi chúng ta phải học cho được đạo lí này: chúng ta chỉ có thể chấp nhận và thích nghi với sự thực không thể tránh khỏi. “Sự việc tất phải như vậy, không có sự lựa chọn nào khác”.
Kẻ thích nghi sẽ tồn tại
Bill Gates nói: “Trong thời đại cạnh tranh hiện nay, người tài giỏi sẽ chiến thắng, kẻ bất tài sẽ bị đào thải; muốn tồn tại thì phải thích nghi, chờ đợi sự giúp đỡ của người khác hoặc cầu cứu sự ban ơn của thần linh hiển nhiên là không phù hợp. Chỉ có biết khó mà vẫn tiến lên, dám dũng cảm là người đầu tiên thì mới có thể nắm bắt được cơ hội của mình”. Đối diện với cuộc sống là một thử thách mà bất cứ ai có khát vọng đạt được thành công đều phải chấp nhận, đó cũng là tiền đề quan trọng để nắm bắt cơ hội. Không có tiền đề này thì sẽ không có cơ sở cho con đường đi đến thành công.
1. Nguyên tắc sinh tồn của Bill Gates
Bản thân con người Bill Gates và cách nghĩ của ông đều khiến cho người khác cảm thấy khó hiểu. Trong đời ông, dù là thời kỳ thơ ấu, thiếu niên hay thanh niên đều không gặp khó khăn gì, cũng không gặp phải bất kỳ trở ngại lớn nào, gia đình ông giàu có, không phải lo lắng về kinh tế. Vậy tại sao sau khi thành công, Bill Gates vẫn không hề nhượng bộ bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trong lĩnh vực kinh doanh?
Thời thanh niên của Bill Gates chính là thời kỳ sau khi nước Mỹ đắm chìm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, thời kỳ tầng lớp thanh niên sùng bái bộ phim “Câu chuyện tình yêu”, là thời đại nước Mỹ kiêu ngạo với việc đặt chân lên mặt trăng, kỹ thuật genes, kỹ thuật tấm chịu lửa. Trong môi trường như vậy, tâm lý cạnh tranh của Bill Gates có được từ đâu? Ý thức về nguy cơ sinh tồn của ông đã phát sinh như thế nào?
Sau khi thành lập được 2 năm, Microsoft đã gặp phải một vụ kiện nghiêm trọng, đến mức gần như đưa công ty vào mảnh đất chết. Theo thỏa thuận đã ký giữa Microsoft và MITS, MITS phải “cố gắng hết sức” để tiêu thụ chương trình BASIC của Microsoft, còn bản thân Microsoft không được trực tiếp bán chương trình phần mềm công ty nghiên cứu được cho khách hàng. Nhưng do chương trình này có rất nhiều ưu điểm nên đã khiến nhiều người sao chép lại mà không thông qua sự cho phép, trên thị trường đâu đâu cũng có những bản sao chép phi pháp, dẫn đến việc MITS không tiếp tục cố gắng bán chương trình nữa, việc này làm cho Bill Gates vô cùng tức giận. Ông cho rằng MITS là kẻ tiếp tay cho những kẻ sao chép. Bởi vậy, ngoài việc phát biểu tuyên bố và cảnh cáo những kẻ sao chép trên các tạp chí điện tử trên toàn quốc, Bill Gates còn hỏi ý kiến của cha mình, cũng là một luật sư. Cha ông – dựa vào kinh nghiệm, cộng với sự hiểu biết sâu rộng của mình về luật bản quyền tài sản tri thức của Mỹ – đã cho Bill Gates những lời khuyên rất có giá trị. Ông cho rằng, “trong tình hình trước mắt, nếu tiến hành thu hồi lại quyền tiêu thụ chương trình BASIC và khởi kiện thì khả năng thắng là rất lớn”. Đồng thời, ông còn đích thân giới thiệu cho Bill Gates một vị luật sư chuyên về bản quyền.
Roberts, ông chủ của MITS thấy tình thế không có lợi, hơn nữa, 3 năm trước công ty đã làm ăn rất phát đạt, bởi vậy đã quyết định bán lại MITS. Công ty MITS không còn tồn tại, công ty mới có tên là PERTEC, vì thế, đối tượng tố tụng đã trở thành công ty mới PERTEC.
Bill Gates và luật sư băn khoăn giữa hình thức kiện và trọng tài. Nếu theo kiện thì phải mất một khoản chi phí khổng lồ mà phí trọng tài thì lại có hạn. Thế là họ quyết định đề nghị cơ quan hữu quan của chính phủ làm trọng tài. Điều họ không ngờ tới là, sự lựa chọn này đã kéo dài thời gian chờ đợi. Chính phủ tỏ ra do dự trước một vụ việc chưa từng xảy ra trước đó, đã mời rất nhiều chuyên gia các lĩnh vực làm cố vấn nhưng vẫn không đạt được kết quả. Cùng lúc, trước khi có kết quả trọng tài, PERTEC từ chối việc tiếp tục ủng hộ quyền lợi cho Microsoft theo như bản hợp đồng đã ký trước đây. Như vậy, nguồn vốn chủ yếu của Microsoft đã bị cắt đứt.
Khi Bill Gates trả lời phỏng vấn của phóng viên vào tháng 10 năm 1996, ông cũng đã nhắc đến vụ kiện này. Ông nói: “Họ định làm cho chúng tôi chết đói. Họ cũng đã thử hòa giải với chúng tôi bên ngoài tòa án, chúng tôi gần như đã bị ép đến đường cùng. Trọng tài kéo dài thời gian đến 9 tháng, cuối cùng cũng có được phán quyết. Đến khi mọi việc kết thúc, tôi phát hiện ra họ vì chuyện này đã phải dốc sạch túi mà vẫn thua. Họ đã phải trả giá đắt cho việc coi thường hợp đồng”.
Vào thời điểm nguồn vốn của Microsoft ở trong tình trạng khó khăn, Bill hoàn toàn có thể vay tiền từ quỹ của bố và người thân với tư cách cá nhân, nhưng ông kiên quyết không nhờ sự trợ giúp về tài chính từ họ.
Tuy nhiên, vụ kiện này quả thực đã khiến Bill Gates suốt đời không thể quên. Không giống với các công ty phần mềm lớn nhỏ khác của Mỹ, Microsoft chưa từng vay vốn, ngược lại, luôn cung cấp dịch vụ cho vay vốn từ tồ chức quỹ của mình. Microsoft không nợ tiền bất kỳ ai, hơn nữa, số vốn dự trữ của Microsoft ít nhất cũng tương đương với tổng GDP của nhiều nước đang phát triển nhỏ và vừa gộp lại.
Đó là kết quả của cách thức Bill Gates đối mặt với áp lực sinh tồn. Ông đã biến nguyên tắc “Kẻ thích nghi sẽ tồn tại” thành nguyên tắc vàng trong quản lý Microsoft. Một danh nhân đã từng nói: “Sự thể hiện đặc biệt tốt của hệ thống thần kinh thể hữu cơ có thể giúp đỡ việc quyết định năng lực biến hóa cảm giác và khả năng phản ứng nhanh. Bởi vậy, con người mới có thể sống được, thậm chí càng thêm mạnh mẽ”. Đây chính là nguyên tắc kẻ thích nghi sẽ tồn tại.
2. Phải học được cách thích nghi với cuộc sống
Thích nghi là hành động mang tính chủ động, nhưng nó có một tiền đề: phải lựa chọn. Muốn đạt được mục đích đề ra, bạn phải kết hợp khả năng và sức lực của mình để thực hiện. Học được cách thích nghi với cuộc sống, điều này còn quan trọng hơn việc chỉ biết vùi đầu vào sách vở.
Không thể phủ nhận, trong cuộc sống, có tới một nửa thời gian chúng ta chấp nhận một cách bị động những thử thách của cuộc sống. Vì thế, chúng ta lúc nào cũng đang tìm cách thích nghi để sinh tồn, có thể chúng ta nhất thời không ý thức được tính kỳ diệu của sự thích nghi, nhưng sau khi đã đứng vững và tồn tại ở một lĩnh vực nào đó trong một thời gian rất dài, chúng ta sẽ ý thức được sự thích nghi quan trọng đến thế nào.
Để thích nghi với các vấn đề của cuộc sống, bạn cần có một ý chí kiên cường và lòng nhẫn nại bền bỉ. Điều đó cũng tương tự như việc một đứa trẻ sơ sinh phải thích nghi với thế giới sinh tồn bên ngoài cơ thể người mẹ.
Thích nghi là một quá trình tiêu hao năng lực trí tuệ. Bởi vậy, trong quá trình thích nghi, chúng ta cần phải không ngừng rèn luyện tích lũy và thể nghiệm tri thức.
Thích nghi phải có tính dự kiến thành công và ít khiên cưỡng. Thích nghi một các miễn cưỡng sẽ chỉ làm tiêu tốn thời gian của bạn, còn khiến bạn rơi vào tình thế khó xử.
Sự thích nghi là không ngừng thay đổi. Đôi khi một môi trường có vẻ dễ dàng sinh tồn nhưng khi thực sự sống trong môi trường đó thì lại thấy vô cùng khó khăn; ngược lại, có môi trường vô cùng khó khăn nhưng khi thích nghi được thì lại cảm thấy dễ dàng. Bởi vậy, chúng ta phải học cách nhìn thấu bản chất sự vật, sau đó xác định mục đích phấn đấu của mình.
Học cách thích nghi với cuộc sống là một quá trình tư duy sâu sắc và kỹ lưỡng. Nhất thiết không được hành động một cách mù quáng trước khi làm rõ được bản chất của sự việc ẩn sau mục đích. Quá trình thích nghi là một đề toán mà bạn buộc phải giải chính xác, thành thạo bằng 2 – 3 cách, có như thế bạn mới hạn chế được nguy cơ thất bại.
Phải làm thế nào khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn – hậu quả của việc hành động một cách mù quáng – trong cuộc sống? Có hai cách: một là tiến nhanh rút nhanh; hai là bất chấp tất cả để tiến tới cùng, chuẩn bị để chấp nhận những khó khăn phức tạp hơn, cho tới khi cuộc sống thừa nhận sự tồn tại của bạn. Trong cuộc sống, khó khăn nào cũng có lối vào và lối ra, để giải quyết chúng, yếu tố then chốt là sự lựa chọn sáng suốt của bạn.
Không được vì hoàn cảnh sống mà gò bó ý chí sinh tồn của mình, chúng ta phải thích nghi với cuộc sống để nắm bắt lấy những cơ hội sinh tồn.
Xây dựng một thái độ tích cực
Rất nhiều người cho rằng mình là người thất bại trong một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống. Khi bước vào xã hội, họ thường đưa ra những câu hỏi, cũng thường thảo luận về một số vấn đề như: “Tại sao bạn phải không ngừng điều chỉnh thái độ của mình?”, “Tại sao bạn không giành được thắng lợi mà mình đã dự định sẽ giành được?”, “Bạn cho rằng sở trường lớn nhất của bản thân là gì?”…
Những câu chuyện họ kể, những lí do họ đưa ra tất nhiên đều có Liên quan đến sự thất bại của chính họ, vì thế, những câu chuyện thường mang tính bi kịch, ví dụ như: “Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ có được cơ hội tốt để bứt phá. Anh cũng biết đấy, bố tôi là một con sâu rượu”, “Tôi lớn lên trong sự nghèo khó, ở địa vị của anh không thể nào hiểu được cuộc sống đó đâu”, “Tôi chỉ được học hết tiểu học”, “Cơ hội của tôi không được tốt”…
Những người này đều cho rằng: Cuộc sống không công bằng với họ. Họ đang trách cứ thế giới, trách cứ môi trường sống của họ. Sở dĩ họ đưa ra những kết luận như vậy là vì họ có thái độ tiêu cực, bị động trước cuộc sống. Chính thái độ này đã cản trở thành công của họ.
Tâm thái là sự cụ thể hóa thái độ của con người trong cuộc sống. Mỗi người đều cần có một tâm thái tích cực. Có thể bạn đã từng nghe câu ngạn ngữ “Thành công thu hút thêm nhiều thành công, thất bại càng đem đến nhiều thất bại”. Câu này đã nói trúng điểm mấu chốt. Nỗ lực vì thành công sẽ giúp bạn có thêm năng lực để hướng đến thành công; nếu bạn không làm gì, sống bị động, điều đó chỉ khiến bạn gặp phải nhiều thất bại hơn.
Bill Gates cho rằng, nếu bạn phát huy khả năng tư duy của bản thân với một thái độ tích cực, đồng thời tin tưởng rằng thành công là quyền lợi của mình thì niềm tin đó sẽ khiến bạn đạt được những mục đích rõ ràng mà bạn đã đặt ra. Tuy nhiên, nếu bạn chấp nhận một thái độ tiêu cực, đồng thời trong đầu chỉ lo sợ và nghĩ đến sự giày vò thì những gì bạn có được chỉ là sự sợ hãi và thất bại mà thôi.
Đây chính là sức mạnh của tâm thái. Vậy thì, tại sao bạn không lựa chọn thái độ tích cực?
Luôn tin tưởng vào lí luận “khổ tận cam lai” là một thái độ tích cực, đúng đắn. Phát huy thái độ tích cực này, bạn sẽ đạt được thành công. Khi đối mặt với khó khăn, nếu bạn có tư tưởng lạc quan, luôn tin mình có thể thay đổi được hoàn cảnh thì cuối cùng sự việc sẽ xảy ra như bạn mong đợi, vì vận may luôn đứng về phía những người có tư tưởng tích cực. Trong trái tim của những người có thái độ tích cực luôn tồn tại những viễn cảnh tươi sáng, dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn họ vẫn có thái độ vui vẻ, không ngừng sáng tạo, hướng về một tương lai rực rỡ.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh được việc phải đối mặt với những trở ngại, khó khăn, nhưng những điều này không có nghĩa là bạn đã bị định trước để thất bại. Nếu bạn luôn có một niềm tin tuyệt đối, dũng cảm đối mặt với cuộc sống thì vận may sẽ đến và bạn có thể phá được vòng vây, đón chờ và giải quyết được bất cứ vấn đề khó khăn nào. Đây chính là sức mạnh của thái độ tích cực, khiến ý chí của con người trở nên kiên cường, không chấp nhận thất bại và dồn tất cả sức mạnh của mình để đối mặt với cuộc sống.
Bạn muốn làm một anh hùng hay một kẻ nhu nhược? Bạn là người có ý chí kiên cường hay là một kẻ yếu mềm? Một người có thái độ tích cực không thể là một kẻ nhu nhược. Họ luôn tin tưởng vào bản thân, hiểu được năng lực của bản thân, tuyệt đối không sợ hãi, lùi bước trước khó khăn. Do đó, họ có thể nắm giữ được những yếu tố có lợi nhất cho bản thân từ tất cả những sự việc đã phát sinh. Vì vậy, một nguyên tắc kiên định là: phải chuyển hóa những điểm yếu thành sức mạnh.
Thái độ tích cực có thể khiến một kẻ nhu nhược trở thành anh hùng; người yếu mềm trở thành người có ý chí kiên cường; người yếu đuối, tiêu cực, do dự thiếu quyết đoán trở thành người mạnh mẽ, tích cực, quyết đoán.
Thái độ tích cực có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Ai cũng muốn thành đạt, nhưng trong quá trình chúng ta thực hiện mục tiêu, khó khăn có thể phát sinh. Nguyên nhân có thể là tâm lý bất bình thường nào đó bất chợt nảy sinh và cản trở, vô hiệu hóa những suy nghĩ tích cực. Một người không ngừng hoài nghi, chất vấn là vì người đó không để cho những suy nghĩ tích cực phát huy tác dụng. Họ không tin tưởng vào khả năng thành công. Chính vì vậy, chúng ta phải rèn luyện để có được cách suy nghĩ tích cực.
Tư tưởng tích cực chỉ có thể phát huy tác dụng khi bạn tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Biết kết hợp lòng tin với quá trình tư duy, chúng ta có thể tạo nên kỳ tích. Một trong những nguyên nhân khiến ai đó cho rằng tư tưởng tích cực không có tác dụng là do họ không có đủ lòng tin, luôn hoài nghi và do dự. Một khi có niềm tin, bạn có thể thu được những kết quả ngoài sức tưởng tượng.
Dũng cảm và tin tưởng là bí quyết của thành công. Không do dự, dũng cảm và tin tưởng sẽ giúp chúng ta tập trung được sức mạnh và giành thắng lợi. Để thái độ tích cực phát huy được sức mạnh, chúng ta phải trải qua một quá trình làm việc gian khổ và kiên định niềm tin, sống chân thành, phải có mong muốn giành được thành công.
Khi làm sai một việc gì đó, chúng ta sẽ cảm thấy áy náy. Nếu không thể sửa chữa, chúng ta thường tìm cách tự trừng phạt mình. Muốn thay đổi điều đó, đầu tiên chúng ta phải loại bỏ khỏi suy nghĩ toàn bộ những sai lầm, sự áy náy sẽ theo đó mà mất đi, hành vi tự trừng phạt mình cũng không còn nữa. Khi quá trình này kết thúc, nguyên tắc tư duy tích cực sẽ phát huy được tác dụng lớn hơn.
Cuộc sống của con người hoàn toàn có thế trở nên kiên định hơn, vui vẻ hơn. Khi chúng ta nghiên cứu một cách tỉ mỉ, đồng thời ứng dụng các nguyên tắc, nội tâm sẽ có sự đột phá quan trọng. Niềm tin càng kiên cường, sự lý giải càng sâu sắc; tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi sẽ mở ra cho bạn cánh cửa mới của cuộc sống. Bạn không chỉ có tinh lực dồi dào, có thể dễ dàng giải quyết các vấn đề của cuộc sống mà còn có năng lực nhìn xa trông rộng, tạo ra những ảnh hưởng có tính sáng tạo với mọi người xung quanh.
Cuộc sống là chân thực và luôn nảy sinh các vấn đề. Suy nghĩ và hành động với một thái độ tích cực, bạn sẽ không còn chịu sự khống chế, ngăn trở của bất cứ chuyện gì.
Thử thách thiếu sót của bạn
Bill Gates nói: “Bất luận là gặp phải sự bất công nào – những thiếu hụt của ngày hôm trước hay những trở ngại của ngày hôm sau – chúng ta đều không nên tự thương hại mình, cần phải dũng mãnh tiến lên phía trước giống như sư tử”.
Bill Gates kể một câu chuyện như sau: Trong một lớp học ở trường học nọ, có một cậu bé 8 tuổi, nhút nhát và yếu đuối, gương mặt lúc nào cũng có vẻ lo sợ. Cậu ta thở giống như người đang thở gấp. Mỗi khi bị thầy giáo gọi đứng lên đọc thuộc bài khóa hay trả lời câu hỏi, cậu luôn có tâm trạng bất an, chân run, môi cũng run. Chính vì thế, câu trả lời của cậu thường không rõ ràng và nhất quán. Cuối cùng, cậu chỉ biết uể oải ngồi xuống. Nếu cậu có một khuôn mặt đẹp trai, có lẽ mọi người sẽ có thiện cảm với cậu hơn. Nhưng nếu bạn nhìn về phía cậu ta, định tỏ vẻ thông cảm, gương mặt ấy sẽ khiến bạn quên mất ý định ban đầu.
Thông thường, khi nhận thấy thái độ của mọi người đối với mình như vậy, những đứa trẻ cùng lứa tuổi với cậu bé này sẽ chủ động né tránh cuộc sống, không thích kết bạn, chấp nhận trở thành người trầm mặc và cô độc. Tuy nhiên, cậu bé này lại không như vậy, mặc dù còn rất nhiều thiếu sót nhưng cậu lại có một tinh thần phấn đấu rất kiên định – tinh thần phấn đấu mà bất kỳ ai cũng muốn có được. Đối với cậu bé, chính những khiếm khuyết đã cho cậu thêm sức mạnh để phấn đấu. Cậu bé không vì sự cười nhạo của bạn bè mà nhụt đi dũng khí phấn đấu của mình. Ngược lại, cậu đã dùng ý chí để khắc phục khiếm khuyết của mình, thay đổi được thói quen thở gấp, tạo ra tiếng thở bình thường, nghiến chặt hàm răng để môi không còn run, vươn thẳng người để hai chân vững vàng. Cậu bé đó chính là Theodore Roosevelt.
Roosevelt tuyệt đối không nhụt chí vì những khiếm khuyết của mình. Ngược lại, ông tìm cách thay đổi chúng, đồng thời coi chúng là tay vịn để đưa mình đến đỉnh cao của vinh quang. Người dân Mỹ đều yêu mến ông, ông đã trở thành một trong những vị Tổng thống được lòng dân nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Bill Gates nói: “Chúng tôi tôn trọng Roosevelt, đồng thời cũng hy vọng có thể làm được như ông, nỗ lực để thay đổi số phận của bản thân”. Khiếm khuyết là động cơ để thúc đẩy mình tiến lên, chứ không phải là lý do đế khoan nhượng và chấp nhận. Nó là một biểu hiện của việc bạn đã cố gắng.
Điều quan trọng không phải là bạn đã làm được việc gì mà là cách làm nào đã được bạn áp dụng. Ngồi không, trốn tránh khó khăn là lối sống cần phải bị loại bỏ triệt để. Như vậy, khi nào chúng ta nên thẳng thắn thừa nhận sai sót của bản thân, khi nào thì nên đấu tranh với khó khăn?
Nếu dung mạo của bạn không được xinh đẹp thì bạn không nên tham gia thi hoa hậu. Như vậy, nếu một người trong một phương diện nào đó thực sự tồn tại những khiếm khuyết không thể khắc phục, họ hoàn toàn không cần thiết phải cố gắng phân tranh cao thấp với người khác.
Tuy nhiên, khiếm khuyết không ngăn trở một người làm các việc có giá trị trên những phương diện khác. Ví dụ, hình dáng không được tráng kiện và tính cách không được rõ nét cũng không cản trở được thượng tá Howes trở thành nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thời chiến. Trong hoàn cảnh bất lợi, ông đã đạt được thành công như thế nào?
Chính vì không thể dựa vào hình thức bên ngoài để đạt được mục đích mà mình dự định, Howes đã dùng phương pháp khác – kết giao với nhiều bạn bè – để trở nên thành đạt. Sau này, ông trở thành một tham mưu được tín nhiệm nhất của Wilsons, vậy mà quan hệ giữa ông và Wilsons chỉ đơn thuần là quan hệ bạn bè.
Khi những nỗ lực của bạn bị hiện thực tàn phá
Chúng ta đều muốn tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc vĩnh hằng, luôn hy vọng người khác hiểu được những tình cảm chân thành của mình. Nhưng cuộc sống thường không thuận buồm xuôi gió như chúng ta mong muốn. Vậy, khi những nỗ lực của bản thân bị hiện thực cản trở, sự thất vọng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con người như thế nào? Frome đã miêu tả cảm giác thất vọng của con người trong xã hội phương Tây hiện đại như sau: “Trong xã hội công nghiệp hiện đại, cuộc sống sẽ không còn sức hấp dẫn, không còn hy vọng. Một khi cuộc sống mất đi niềm hy vọng thì động lực thúc đẩy con người phấn đấu, thậm chí cả niềm hy vọng tiếp tục sống cũng sẽ không còn. Một khi mơ ước về những điều vĩ đại, đẹp đẽ mất đi, con người sẽ giống như một quả bóng bị xì hơi, không còn tinh thần để tiếp tục sống một cách vui vẻ, thoải mái”.
Đối mặt với những bất hạnh trong cuộc sống, có người do quá thất vọng mà rơi vào tột cùng đau khổ, do đó đã lựa chọn một thái độ tiêu cực “không hy vọng, cũng không đau khổ”. Đây là một thái độ sống cần bị loại bỏ, chúng ta phải biết rằng, thất vọng là một hiện tượng thường gặp trong cuộc sống.
Có người có thể khắc phục được cảm giác thất vọng một cách khá nhanh chóng, có người lại cần một thời gian dài. Vậy, phải làm thế nào để khắc phục cảm giác thất vọng? Dựa vào kinh nghiệm thành công của bản thân, Bill Gates đưa ra những quan điểm dưới đây:
1. Tin tưởng “Thất bại là mẹ thành công”
Edison đã từng nói: “Thất bại cũng là cái mà tôi cần, đối với tôi nó cũng có giá trị như sự thành công”. Thất bại là một loại “chất kích thích mạnh”, đối với những người có ý chí, luôn làm phát sinh những phản ứng có tính tăng cường sức mạnh. Thất bại không phải là một việc xấu, cũng không có gì đáng sợ. Đối mặt với thất bại, chúng ta không được thất vọng, cần phải tìm ra nguyên nhân, tìm ra kế sách tiến thủ, tới khi đạt được mục tiêu mới thôi.
2. Theo đuổi mục tiêu phấn đấu đến nơi đến chốn
Nếu chúng ta không thật thạo về ngoại ngữ nhưng lại kỳ vọng nhanh chóng trở thành nhà biên dịch truyện, tiểu thuyết nước ngoài… Kết quả là không đáp ứng được sự kỳ vọng lúc đầu, mà kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng lớn. Bởi vậy, chúng ta nên theo đuổi những mục tiêu phù hợp với năng lực bản thân. Đôi khi, mục tiêu tuy phù hợp với năng lực của bản thân nhưng do ảnh hưởng của các điều kiện khách quan nên cũng dẫn đến sự thất vọng, lúc này chúng ta cần chú ý đến việc điều chỉnh sự mong đợi để giảm thiều cảm giác thất vọng. Ví dụ: Bàn về chức danh, có thể năng lực thực tế của bạn đã đạt đến một yêu cầu của một chức danh nào đó, nhưng do tỉ lệ số người ủng hộ chức danh này có hạn, bạn không được bầu chọn. Lúc này phải điều chỉnh sự kỳ vọng trong lòng sao cho thích ứng với hiện thực, như vậy sẽ khắc phục được tâm lý thất vọng.
3. Sự kỳ vọng phải có tính linh hoạt
Sự kỳ vọng giống như một đường thẳng. Khi gặp phải tình huống không được như ý, chúng ta phải có sự chuẩn bị tư tưởng, thay đổi cách nghĩ, theo đuổi mục tiêu mới. Đương nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc “đứng núi này trông núi nọ”. Ví dụ, bạn đến nhà hát nghe nhạc, bạn vốn nghĩ rằng ca sĩ mà bạn yêu thích sẽ tham gia biểu diễn, nhưng không ngờ ca sĩ đó bị ốm, không thể biểu diễn được, lúc đó bạn cảm thấy rất thất vọng. Nếu lúc đó bạn hướng sự kỳ vọng vào các ca sĩ khác thì bạn sẽ vứt bỏ được sự thất vọng và hòa mình vào không khí nghệ thuật, trong lòng sẽ cảm thấy tràn đầy niềm vui.
Số phận nằm trong tay bạn
Bill Gates cho rằng, rất nhiều tai họa và những bất ngờ trong cuộc sống đều là những hạt giống được ý chí của chúng ta gieo trồng, trải qua một giai đoạn ấp ủ mà hình thành. Mà hạt giống số phận chính là quyết định của mỗi người.
Số phận nằm trong tay chúng ta, bởi vậy, một quyết định nhỏ cũng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, nhiều quyết định nhỏ gộp lại sẽ ảnh hưởng đến một quyết định lớn.
Ngày xưa, có một người vác lưới đi đánh cá, không may lúc đó trời lại mưa to, anh ta tức giận quăng rách cả lưới, vẫn chưa hết tức, anh ta còn tức giận đến nỗi ngã nhào xuống hồ nước, không bò lên được.
Lẽ ra anh ta phải hiểu rằng, khi trời mưa không thể đánh cá, cần đợi đến lúc trời nắng. Không được để trận mưa rơi vào tâm hồn, không được để sự ấm ức dồn nén, làm mất đi tuổi thanh xuân, tình yêu và hạnh phúc mà đáng lẽ chỉ cần đưa tay ra là bạn có thể có được.
Trong cuộc sống, con người có thể gặp phải những điều không may mắn hoặc bất hạnh, phải tiếp xúc với nhiều cơ duyên, phải trải qua nhiều khó khăn và gió bão. Ví dụ, một người sinh ra trong một gia đình giàu có, không có gì phải lo nghĩ, tương lai của anh ta đã được gia đình sắp xếp, lên kế hoạch hoàn chỉnh. Có thể nói, cuộc sống của anh ta chẳng có gì phải lo lắng, nhưng một người sống trong no đủ, không phải lo lắng gì như anh ta liệu có cảm nhận được những dư vị của cuộc sống hay không? Anh ta có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự không? Hạnh phúc thực sự trong cuộc sống phải là những niềm vui đến từ những thành công do bản thân nỗ lực đạt được.
Hạnh phúc và tai họa trong cuộc sống là những thứ mà con người khó có thể dự đoán. Giả dụ có một ngày, anh ta phải một mình đối mặt với xã hội, đối mặt với cuộc sống, e rằng anh ta không thể gánh nổi sức ép nặng nề mà cuộc sống mang lại.
Đừng nên ảo tưởng rằng cuộc sống luôn tốt đẹp, một năm đều là mùa xuân. Cuộc sống của mỗi người đều phải trải qua những khó khăn vất vả, phải nếm trải những khổ đau, giày vò, thất vọng.
Bill Gates thường nói, nên coi những bất hạnh trong cuộc sống là những điều không thể tránh khỏi. Những bất hạnh sớm muộn cũng sẽ qua đi, thời gian sẽ làm lành những vết thương. Không nên gục ngã trước sự tấn công của bất hạnh, cũng không nên tiếp tục đau khổ, phải đứng lên, làm những việc mà bản thân bạn nên làm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.