Sống 365 Ngày Một Năm
CHƯƠNG XI GÂY HẠNH PHÚC CHO TRẺ
Ba chục năm trước Alexis Carrel cho xuất bản cuốn L’homme cet Inconnu để cành cáo nhân loại rằng nhiều phát minh của khoa học không khéo áp dụng thì có thể hại cho loài người, rằng đời sống của chúng ta nhất là của các doanh nghiệp trái với luật tự nhiên, rằng nếu chúng ta không bớt lo lắng, tính toán, bớt ham «thành công» đi thì sẽ giảm thọ chắc chắn.
Từ đó, các nhà bác học mới đặc biệt lưu tâm đến những bệnh do xúc động và chịu nhận rằng nó là bệnh của thời hiện đại. Lời này không đúng hẳn. Nó chẳng phải chỉ là của thời hiện đại mà còn là bệnh của tương lai. Đời sống sẽ càng ngày càng ồn ào, hấp tấp, quay cuồng, ưu tư hơn, nếu không phải là bấp bênh hơn. Cho nên chúng ta phải đề phòng cho ta, đề phòng cho các thế hệ sau này. Vì vậy, đáng lẽ ngưng bút ở cuối chương trước, chúng tôi viết thêm mấy trang này. Đời của chúng ta, hạng người năm chục tuổi trở lên, dù nên hay không nên thì cũng gần tàn rồi; ta phải dùng những kinh nghiệm của ta để giúp con cháu chúng ta có một đời sống vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn, tránh được những bệnh do xúc động.
Bước đầu là hôn nhân
Muốn tránh những bệnh đó thì phải đề phòng từ hồi nhỏ.
Ở một chương trên tôi đã kể một thí nghiệm của một nhóm bác sĩ về sự ăn uống của trẻ. Trẻ có sinh trong một gia đình sung sướng thì mới tiêu hóa được hoặc giữ được những chất bổ trong thức ăn mà mới lên cân, khỏe mạnh. Nếu cha mẹ đau khổ thì chúng cũng buồn rầu mà dễ bị những bệnh do xúc động.
Cho nên bước đầu là phải dạy dỗ thanh niên khi họ sắp lập gia đình, và dạy dỗ lại bậc cha mẹ. Ở trường người ta dạy gia chánh mà lại không luyện tinh thần già giặn cho nam nữ để giúp họ gây hạnh phúc trong gia đình. Tại Âu Mỹ người ta dùng những trắc nghiệm để xem một thanh niên nào đó có nên học nghề lái xe không mà lại chưa có những cơ quan dò xét xem thanh niên có đủ già giặn không khi định lập gia đình. Đó là những khuyết điểm trong tổ chức xã hội của chúng ta.
Trong cuốn Tương lai ở trong tay ta, tôi đã xét những trường hợp chưa nên lập gia đình và chỉ cách thận trọng khi lựa bạn trăm năm; ở đây tôi chỉ xin nhắc lại điều cốt yếu dưới đây:
Nhớ kĩ rằng hôn nhân có mục đích thực hiện bốn cộng đồng: cộng đồng tinh thần (có những tiêu khiển chung, một trình độ văn hóa ngang nhau, nhất là một mục đích chung, một lí tưởng chung), cộng đồng tính dục, cộng đồng kinh tế, cộng đồng gia đình (nghĩa là chia trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái).
Trong bốn cộng đồng đó, cộng đồng tính dục hiện nay được bác sĩ coi là quan trọng nhất. Như vậy là thiên kiến. Muốn gây hạnh phúc trong hôn nhân thì một mình nó chưa đủ, cần thêm một hai cộng đồng khác nữa, mà nếu có được hai ba cộng đồng khác thì dù cộng đồng tính dục có dưới mức trung cũng không phải là một đại họa.
Về tính dục, một số bác sĩ chịu ảnh hưởng của Freud, có một chủ trương dễ dãi quá; như vậy cũng là một thiên kiến nữa. Đối với đại đa số nghĩa là đối với những người bình thường giữ được trong sạch trước khi lập gia đình không phải là điều khó lắm, nếu có những hoạt động lành mạnh, thích thú để nén nhu cầu của cơ thể; mà cơ thể có giữ được trong sạch thì sau này hạnh phúc trong hôn nhân mới bền.
Bổn phận của cha mẹ
Khi nuôi con, nên cho bú sữa mẹ. Sữa mẹ hợp với cơ thể của trẻ hơn là sữa bò; mà khi mẹ cho con bú, trẻ được tiếp xúc với da thịt người mẹ, với hơi nóng của mẹ, nó thích hơn, sung sướng hơn.
Hồi xưa các bác sĩ khuyên cho trẻ bú đúng giờ. Ngày nay người ta thấy thuyết đó sai: trẻ đòi bú thì cho bú, không cần đúng giờ, cứ để cho bú thỏa thuê. Bữa ăn của trẻ cũng như của người lớn, không phải là một việc làm cho mau xong. Trẻ bú mà vui thích bao nhiêu thì tiêu hóa càng dễ dàng bấy nhiêu.
Đừng bắt trẻ thôi bú sớm quá; nên nhớ rằng nhiều đứa tám hay mười tháng chưa có thể thôi bú được. Và nên để chúng thôi bú từ từ, đừng ép chúng.
Cũng nên cho trẻ ngủ chung với cha mẹ để chúng có cảm giác rằng chúng được âu yếm.
Sau cùng đừng nên bắt trẻ ở sạch sớm quá. Người ta thường bắt trẻ ở sạch ngay từ hồi một hai tháng. Cứ chốc chốc người ta lại bồng trẻ ra xi chúng; ban đêm, chúng đang ngủ say, người ta cũng đánh thức chúng dậy, bắt chúng đi tiểu cho kì được. Như vậy chỉ làm khổ chúng thôi. Phải để cho chúng phát triển lần lần theo luật tạo hóa. Tới khi được đầy tuổi tôi, chúng mới bắt đầu sai khiến được ruột và bàng quang, lúc đó mới nên tập cho chúng ở sạch. Mười tám tháng, một trẻ bình thường có thể ở sạch được rồi. Nếu chúng mắc lỗi vì mải chơi thì chỉ nhắc nó: «Lần sau cho má hay trước nhé, dơ quần rồi đấy, thấy không?» rồi thay quần áo cho chúng mà không nhắc tới nữa.
Vì nếu nghiêm khắc quá với trẻ, chúng sẽ rất khổ sở, có đứa tỏ vẻ kinh khủng mỗi khi phải đi cầu, lâu thành bón kinh niên.
Bác sĩ Jenny Aubry ở Trung tâm thiếu nhi quốc tế tại Longchamp nói rằng trong cái khoảng trẻ được 5 đến 15 tháng, nếu thiếu sự chăm săn sóc của người mẹ một thời gian khá lâu thì hại cho trẻ cũng bằng trẻ bị bệnh kinh niên mỗi ngày một nặng vậy.
Dù nuôi nấng, săn sóc mà không yêu chúng hoặc để cho chúng có cảm tưởng rằng chúng không được âu yếm thì cái hại cũng rất lớn.
Phải tỏ cho trẻ thấy rằng cả ba lẫn má đều yêu nó. Tình yêu đối với các con phải đồng đều; đừng cưng đứa này hơn đứa khác.
Phải làm sao cho trẻ có cảm giác rằng gia đình có không khí đoàn tụ, hợp tác với nhau, nhường nhịn lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, tuy có trên có dưới, nhưng vẫn thân mật, không nghiêm khắc.
Được vậy thì trẻ sẽ sung sướng, mau lớn và không bị những bệnh do xúc động. Vợ chồng có điều gì lo buồn hoặc bất bình với nhau thì rán giữ cho trẻ đừng thấy. Phải đọc những sách về sinh lí và tâm lí của trẻ để tìm hiểu sự phát triển của mỗi trẻ, mà khỏi phải lầm lẫn nặng trong sự giáo dục. Tới tuổi trẻ đi học, phải tiếp xúc với thầy, cô giáo, hợp tác với nhà trường để hiểu rõ thêm tâm lí những khó khăn của trẻ.
Ở đây chúng tôi xin ghi vắn tắt ít điều căn bản đó thôi – cuốn này không bàn về giáo dục[17] – nhưng chỉ theo được đúng bấy nhiêu thì chúng ta cũng đã tránh cho con cháu được nhiều bệnh do xúc động; và như vậy chúng ta đã gián tiếp giúp cho quốc gia, xã hội không phải là ít, vì xin bạn nhớ rằng những bệnh do xúc động chiếm tới 75 phần 100 số giường trong các bệnh viện, và chỉ một vài kẻ bị bệnh thần kinh mà nắm được quyền hành lớn trong tay cũng đủ gây tai họa kinh khủng cho nhân loại, như Hitler trong thế chiến vừa rồi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.