Sống 365 Ngày Một Năm

CHƯƠNG IV ÍT TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT



Ta dùng tiếng mặc cảm để dịch tiếng complexe của Pháp. Mặc có nghĩa lặng lẽ (như mặc hứa là bằng lòng cho mà không nói rõ ra); cảm là cảm xúc. Mặc cảm là những tình cảm (như ghen, ghét, oán, giận…) nó âm thầm ở trong lòng ta mà ta không biết và làm cho ta có những hành động mà ta không muốn, không cố ý làm.

Chúng tôi xin lấy một thí dụ thông thường nhất: mặc cảm ghen với em, mặc cảm mà người Pháp gọi là complexe de Cain . Theo Thánh Kinh, Cain là con trai lớn của Thủy tổ loài người: Adam và Eve. Em trai của Cain là Abel. Hai anh em một hôm dâng lễ lên Thượng đế; Thượng đế khen lễ của Abel; Cain không được khen, ghen ghét em rồi giết em. Cain bị Thượng đế phạt, bắt suốt đời phải lang thang, không ở đâu yên được.

Cái đứa con đầu lòng được cha mẹ cưng, khi mẹ sanh thêm một đứa nữa, thấy mẹ săn sóc em mình hơn, như bỏ quên mình đi, thường nổi lòng ghen với em mà không hay.

Một đứa nhỏ mười tuổi ở trong trường hợp đó. Nó nằm mê thấy đi chơi với cha mẹ trong một cánh đồng mênh mông, trời nắng. Thình lình gặp một con sông, má nó cúi xuống mặt nước, vớt con búp bế lên, rồi quay lại đuổi nó đi. Nó xông lại, giật con búp bế ở tay mẹ nó, liệng xuống sông.

Trong lúc tỉnh, vì giáo dục, vì sợ cha mẹ, nó đối với em không có gì đáng trách; nhưng trong thâm tâm nó vẫn ghen ghét em, muốn cho em nó chết mà chính nó không hay, cha mẹ cũng không hay nó có ý xấu đó. Trong giấc mộng, lòng ghen ghét đó mới hiện ra: con búp bế đó tượng trưng em nó. Và các nhà tâm lí bảo đứa nhỏ đó có mặc cảm của Cain.

Đọc cuốn Comment stabiliser votre équilibre psychique của bác sĩ André Bonnet (Édition d’angles – Paris), bạn sẽ thấy có nhiều bệnh tinh thần rất kì dị do mặc cảm gây ra. Tôi xin tóm tắt dưới đây ít trường hợp.

Ghen với dượng

Một thanh niên khỏe mạnh, thông minh, sống trong một gia đình danh giá, phong lưu. Người cha vì tai nạn mà qua đời thình lình. Mẹ ở vậy được mấy năm rồi tái giá với một người có địa vị và người chồng sau cư xử với con riêng của vợ rất âu yếm và đàng hoàng.

Thanh niên đó học đương tấn tới thì bỗng nhiên thụt lùi, sức yếu đi, không ham học nữa mà chỉ thích làm một sĩ quan, một vị anh hùng. Trong phòng, nó dán hình một sĩ quan không quân ngực đầy huy chương. Ai hỏi, nó cũng đáp là hình ba nó; nhưng sự thực là hình một ông bác hay ông chú nào đó.

Má và dượng nó thấy vậy, cho nó đi du lịch Anh, Đức một thời gian, về nhà nó vui vẻ, tiếp tục học lại. Nhưng ít lâu sau nó lại chán học, hóa ra du đãng, rượu chè, trai gái, ăn cắp tiền của mẹ, ăn nói thô tục, quần áo lôi thôi. Rồi nó đãng trí, đọc sách mà không hiểu, có nhiều ý nghĩ kì dị. Các nhà phân tâm học xét kĩ thì ra nó ghen với dượng nó; sở dĩ nó muốn thành một vị anh hùng là vì như vậy nó sẽ danh giá, cha nó sẽ danh giá lây và má nó sẽ không yêu kính dượng nó nữa, mà chỉ yêu nó thôi. Nhưng nó thất bại rồi loạn thần kinh.

Ham danh

Một công chức nhỏ nọ, tận tụy làm việc trên hai chục năm, hi vọng được một huy chương để đeo ở ngực, nhưng tới khi sắp về hưu, thấy lần nào huy chương cũng về tay người khác, đâm ra chán nản, mất ăn, phải uống rượu để tiêu sầu. Hậu quả là lá gan sưng lên mà phổi cũng sưng nữa. Chạy chữa mà không bớt. Một bác sĩ hiểu tâm lí đó, xin với chủ sở của ông ta một huy chương, và bệnh tự nhiên hết liền.

Ghét anh

Một ông chủ tiệm sắt nọ, to lớn, hồng hào, lại nhờ bác sĩ André Bonnet coi, bảo:

— Tôi đau đã năm năm, rọi kiếng không biết bao nhiêu lần rồi – đây cả chồng hình đây – dùng đủ thứ thuốc mà không bớt. Bệnh như vầy: bị tháo dạ kinh niên, mỗi ngày đi ngoài từ 10 đến 12 lần. Hễ đau bụng là nhịn không được, phải bỏ khách hàng mà đi. Ngoài ra không có gì cả, ăn ngủ như thường.

Bác sĩ coi những tấm hình rọi bao tử, mật, ruột: bình thường. Phân cũng bình thường. Mà hỏi về đời sống của bệnh nhân cũng không thấy gì đặc biệt. Tám năm trước một người anh qua đời và hiện ông ta đương coi một tiệm bán sắt. Không đoán ra được bệnh, bác sĩ đành cho một thứ thuốc dịu bệnh rồi hẹn sẽ lại thăm bệnh nhân tại nhà.

Ba hôm sau ông tới tiệm sắt. Bà chủ ngồi giữ két.Ông chủ đứng tiếp khách, có hai người giúp việc.

Chuyện trò ít lâu, bác sĩ biết được rằng người anh của bệnh nhân xưa kia ở độc thân, siêng năng, đứng đắn, quản lí tiệm bán đồ sắt đó, và bệnh nhân quyết đoán việc gì cũng hỏi ý anh. Tuy nhiên, ông ta vẫn khó chịu vì mình không được tự do, vàthấy ông anh có tài hơn mình nhiều quá.

Rồi ông ta cưới vợ. Bà vợ có tính độc tài, thấy chồng mình không có quyền gì trong cửa tiệm, và mọi việc đều do anh chồng quyết định, đâm ra bất bình, mắng nhiếc ông chồng. Ông chồng khổ tâm từ hồi đó, nhiều khi ngầm mong ông anh trong khi đi qua một hành lang bị một đồ sắt nặng rớt xuống đập bể đầu chết tươi, thì mọi sự sẽ êm ấm; nhưng mỗi lần nghĩ như vậy, biết rằng có lỗi với anh, vội gạt ngay ý đó đi và ý đó bị dồn vào tiềm thức.

Rồi tai nạn xảy ra thật. Ông anh lái xe hơi, đâm vào một gốc cây, chết bốn năm trước. Và từ đó ông ta bắt đầu tháo dạ.

Bác sĩ đoán được, hỏi ngay:

— Ông suy nghĩ kĩ rồi hãy trả lời nhé. Có phải mỗi lần đi qua hành lang treo những đồ sắt nặng mà ông mới nói, là ông thấy đau bụng phải không?
— Từ trước tới giờ tôi không để ý tới, nhưng có lẽ đúng vậy.

— Nguyên nhân bệnh của ông là lòng hối hận rằng mình đã có ý muốn cho anh chết. Chỉ có mỗi phương thuốc là kiếm một vị linh mục để xưng tội rồi cầu nguyện.
Bệnh nhân nghe lời và ít lâu sau hết đau.

Trách nhiệm nặng quá

Một tư chức nọ rất siêng năng. Ông ta muốn được lãnh một địa vị quan trọng, tận tâm với chủ, đem công việc ở hãng về nhà làm; và rốt cuộc cao vọng của ông được thỏa mãn. Người ta giao cho ông một chức chỉ huy. Nhưng tài cán ông ta kém, thành thử công việc không chạy, chủ hãng hơi bực mình. Thấy vậy ông ta lại càng gắng sức, càng lo lắng, uống maxiton (một thứ thuốc kích thích thần kinh) để làm việc đêm, và ít tháng sau ông ta đi bác sĩ, kêu là tức ngực. Rọi phổi, phổi trong. Một tuần lễ sau, ông ta trở lại bác sĩ kêu là đau bao tử. Rọi bao tử, bao tử lành. Rồi lại kêu đau gan, đau ruột. Rọi gan và ruột, đều vô bệnh. Sau cùng ông ta kêu đau ở sống lưng.

Bác sĩ hỏi thăm công việc làm ăn của ông, đoán được bệnh, đề nghị với chủ hãng cho ông ta nghỉ ít tháng, khi bình phục rồi, sẽ giao cho một công việc khác, trách nhiệm nhẹ hơn mà không làm mất thể diện của ông ta. Từ đó ông ta vui sống trở lại. Nhưng vui được bao lâu thì không biết, vì khi lãnh công việc mới, ông ta lại cắm cổ làm việc, mong một ngày kia lại được lãnh một trách nhiệm cao hơn nữa.

Ghen

Một ông nọ trạc ngũ tuần, nhỏ con, hói, khúm núm, lại thăm bác sĩ. Hai vợ chồng làm chung một sở. Vợ làm trưởng phòng, chồng làm nhân viên chánh trong phòng. Bà vợ tự nhiên nổi ghen ghê gớm. Hễ chồng đi đâu bà ta cũng nghĩ là đi với nhân tình. Mà chồng ở nhà thì bà cũng nghĩ để tán cô hàng xóm. Ngó một thiếu nữ đi ngang cửa cũng không được: «Cặp mắt tráo trưng kia chỉ tài liếc gái!». Mà nếu cúi mặt xuống không ngó thì «đích thị là giả dối, làm bộ nghiêm trang, mà tâm ngẩm tâm ngầm». Rồi nhiều lần còn dọa «nếu bắt được thì tan xương!».

Ông ta nhờ bác sĩ trị giùm bệnh ghen của bà vợ. Bác sĩ hỏi:

— Nhưng bà nhà có đau bệnh gì không?

— Có, chóng mặt, nhức đầu, đau bao tử.

Ít bữa sau theo lời bác sĩ dặn, ông ta để bà vợ tới một mình. Bà ta kể lể bệnh tình, ít nhất là chứng đau tim, bảo sắp tới thời kì tắt kinh, phàn nàn với bác sĩ về tính đàng điếm của ông chồng; không có con, nhiều lúc bà ta chán quá, muốn tự tử. Bác sĩ coi mạch, không thấy bệnh gì cả, đoán đó là tâm trạng của người gần tới kì tắt kinh, còn do dự, đợi hỏi ý kiến một nhà chuyên trị bệnh thần kinh.

Bà ta trở lại, phàn nàn rằng mới kêu điện thoại tới sở, hỏi ông chồng thì ông ta không có ở sở. Đích thị là đi với một ả nào. Giận quá, bà ta liệng ống điện thoại xuống, nó bể tan tành và cánh tay bà ta cũng xụi luôn. Chiếu điện thì gân ở cánh tay không sao cả. Bác sĩ đưa bà ta vào một nhà thương điên, hai tháng sau bớt, không đòi tự tử nữa, mà còn bảo bác sĩ rằng:

— Từ nay tôi mặc thằng cha nó muốn theo đứa nào thì theo. Hơi đâu mà nghĩ tới nó. Đã đau khổ nhiều quá rồi. Bây giờ trời cho sống ngày nào thì rán vui ngày đó.
Bác sĩ thấy vậy, cho bà ta về nhà, nhưng vẫn không tin rằng bệnh hết hẳn; nó có thể trở lại ngày nào không biết chừng, nên dặn người chồng phải để ý dò xét vợ, nếu có gì lạ thì cho ông hay liền. Quả nhiên chỉ được sáu tháng rồi một hôm, người chồng kêu điện thoại cho hay vợ muốn nhảy qua cửa sổ tự tử. Thế là lại phải đưa bà ta vào nhà thương điên một lần nữa.

Sở dĩ tôi kể nhiều trường hợp ra như vậy là vì tôi muốn độc giả hiểu rằng, thấy rằng, tin rằng và nhớ rằng có từ 50 đến 75 phần 100 bệnh của ta do xúc động gây ra, chỉ có từ 25 đến 50 phần 100 bệnh của ta do những nguyên nhân khác: nhiễm trùng hoặc tai nạn, già suy… Ngay trong những bệnh do nguyên nhân khác đó, ảnh hưởng của xúc động vẫn khá quan trọng: nếu ta vui vẻ, tin tưởng thì cơ thể ta dễ dàng chống lại với bệnh, tự lấy lại được mức thăng bằng và sự hiệu nghiệm của thuốc sẽ tăng lên; trái lại, nếu ta buồn rầu lo lắng, nghi ngại thì cơ thể dễ suy mà thuốc ít hiệu nghiệm. Vậy kẻ thù của ta không phải là vi trùng hay thời tiết mà chính là ta, chính cái tinh thần không khoáng đạt của ta, hay lo lắng, ghen ghét, nghi ngờ, giận hờn…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.