Sống 365 Ngày Một Năm

Sự giận dữ



Đáng ghê nhất là sự giận dữ. Nó có thể làm cho ta chết thình lình được.

Nếu chép lại hết những ảnh hưởng của sự giận dữ tới cơ thể ta thì cả chục trang cũng chưa đủ. Tôi chỉ xin tóm tắt lại vài ảnh hưởng quan trọng dưới đây thôi.

Trước hết sự giận dữ hiện ra ngoài một cách rất rõ ràng: mặt thì đỏ lên hoặc tím ngắt lại, mắt thì long lên mà đầy những tia máu, môi mím, bàn tay nắm chặt, chân run rẩy, giọng nói cũng run…

Trong cơ thể, những biến đổi còn lạ lùng hơn nữa. Máu tự nhiên hóa ra dễ đặc lại hơn. Y như là Hóa công đã đoán trước được rằng hễ giận dữ thì con người hay gây sự đánh nhau mà đánh nhau thì dễ đổ máu, cho nên máu lúc đó dễ đặc lại để phòng lúc đổ máu.

Số hồng huyết cầu trong máu bỗng tăng lên tới một phần mười, (bình thường là năm triệu hồng huyết cầu trong một li khối máu, lúc đó lên tới năm triệu rưỡi). Các bắp thịt bao tử co lại hoàn toàn; nếu bao tử lúc đó đầy thức ăn thì sự tiêu hóa ngừng hẳn lại hoặc hóa ra đau đớn, cho nên không có gì tai hại cho bộ tiêu hóa bằng giận dữ trong bữa ăn.

Tim đập mạnh và mau: tới 180 lần, có khi 220 lần mỗi phút, nghĩa là nhanh gấp ba lúc bình thường. Áp lực của máu cũng tăng lên dữ dội: từ 14 lên tới 23, có khi hơn nữa, có thể làm đứt mạch máu mà chết được. Nhưng mạch máu đỏ ở gần tim co lại mạnh, làm cho đau nhói ghê gớm ở ngực.

Mà ta nên nhớ rằng những bệnh do vi trùng gây ra thì có thuốc uống hay chích để miễn dịch được còn những bệnh do xúc động thì không có cách nào «miễn dịch» được cả. Chính những bác sĩ hiểu rõ điều đó hơn ai hết, mà cũng không thể đề phòng được, như nhà sinh lí học danh tiếng của Anh: John Hunter. Ông đã nhiều lần nói với bạn bè rằng: «Kẻ nào làm cho tôi nổi giận là kẻ ấy giết tôi». Quả nhiên trong một cuộc hội nghị y học, có người chỉ trích ông, ông đã nổi giận lên và lăn đùng ra chết giữa buổi họp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.