Sống 365 Ngày Một Năm

CHƯƠNG IX BỆNH MỆT MỎI



Trong hai chương trên chúng tôi đã chỉ một phép dưỡng sinh và những phương pháp để tránh và trị chung những bệnh do xúc động. Chương này và chương sau chúng tôi sẽ xét riêng hai chứng bệnh thông thường nhất của thời đại, bệnh mệt mỏi và bệnh mất ngủ.

Tinh thần mệt mỏi

Từ hồi nào tới giờ người ta vẫn biết có hai thứ mệt mỏi: một thứ về thể chất (nghĩa là làm việc tay chân nhiều mà mỏi các bắp thịt), và một thứ về tinh thần (nghĩa là không làm việc gì mệt nhọc mà cũng bải hoải, không muốn cử động, biếng ăn mất ngủ).

Tự nó, sự mệt mỏi không phải là một thứ bệnh: nó như sự đói, sự khát, còn có lợi là báo cho ta biết phải đề phòng để cơ thể khỏi bị suy nhược.

Riêng sự mệt mỏi về bắp thịt không có gì đáng lo cả. Nằm nghỉ được một chút là ta thấy dễ chịu liền.

Sự mệt mỏi vệ tinh thần do những cảm xúc như ưu tư buồn chán mới là một thứ bệnh hơi khó trị. Để lâu ta sẽ mất ăn, mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt, tiêu hóa khó khăn, đau tim, có khi thận nữa. Theo Bác sĩ A. Bourguignon thì ở tại các đô thị số người mệt mỏi về tinh thần tăng lên hoài. Hiện tượng đó rất dễ hiểu.

Một phần tại đời sống ở đô thị càng ngày càng xa đời sống thiên nhiên như ở chương đầu chúng tôi đã nói; một phần tại nền giáo dục của ta quá nhồi sọ trẻem.

Nhiều nhà bác học, giáo dục đã nghiên cứu đời sống của học sinh Pháp và đều kết luận rằng 60 phần 100 học sinh khổ sở, bị bắt buộc phải học quá sức mà sinh ra chán ngán, buồn rầu.

Giáo sư Robert Debré bảo:

— Ở bậc tiểu học, trẻ sống không có qui củ; người ta không biết tổ chức đời sống cho chúng. Tại Pháp 55 phần 100 trẻ em không có thì giờ chơi hoặc đọc sách; ở Đức

75 phần 100 phụ huynh học sinh than rằng trẻ phải làm bài nhiều quá; và có tới 25 phần 100 phụ huynh xin y sĩ cho trẻ uống những thuốc kích thích thần kinh để cho chúng theo nổi chương trình. Có tới 80 phần 100 trẻ em hoặc cận thị, hoặc gù lưng, hoặc vẹo vai vì ngồi suốt ngày ở bàn học.

— Ở bậc trung học, đa số học sinh Pháp bị lao tâm, lao lực vì chương trình quá nặng, vì phải qua nhiều kì thi quá. Trong những lớp thi tú tài, một học sinh sức trung bình phải học 23 giờ ở trường và 28 giờ ở nhà; tổng cộng trên 50 giờ mỗi tuần, trong khi người lớn chỉ làm mỗi tuần có 40 giờ. Những học sinh sức học kém thường phải học mỗi tuần trên 60 giờ; như vậy kể thêm những giờ đi ăn, tắm, đi từ nhà tới trường, từ trường về nhà thì mỗi ngày chúng còn được mấy giờ để nghỉ?

— Tại bậc đại học, nhất là tại những trường mà người Pháp gọi là Grandes Écoles, sinh viên cũng phải học bù đầu lên để qua hết kì thi này tới kì thi khác; trái lại tại các Facultés sinh viên lại được tự do quá; thành thử vẫn là thiếu một sự tổ chức hợp lí, vẫn làm phí sức thanh niên quá nhiều.

Ta thử nghĩ, suốt hai mươi năm, từ hồi 5, 6 tuổi tới hồi 25, 26 tuổi, thiếu nhi và thanh niên phải sống cuộc đời như vậy, trách chi mà bệnh thần kinh, bệnh mệt mỏi chẳng mỗi ngày mỗi tăng. Hồi 7 tuổi, tỉ số trẻ em thần kinh bị kích thích nặng là từ 2 tới 3 phần 100; hồi 11 tuổi tỉ số đó tăng lên tới 15 phần 100; không biết hồi 25 tuổi, tỉ số đó tăng lên tới bao nhiêu. Một nền giáo dục như vậy không thể gọi là tốt đẹp được[13]. Mà khốn thay, chúng ta hiện nay cũng vẫn cứ cóp đúng của người, thấy rõ cái hại mà không dám sửa đổi, chỉ sợ rằng bằng cấp của mình không có giá trị bằng của người. Đáng thương hơn nữa là học sinh của ta không có được những tiện nghi tối thiểu như học sinh Pháp: có lớp học 60, 70… 100, 120 trò; có những lớp học 12 giờ tới 14 giờ trưa… Cứ cái đà nầy, chúng tôi e rằng thế hệ sau tỉ số người bị bệnh thần kinh hoặc mệt mỏi kinh niên, mất ngủ kinh niên sẽ rất cao.

Phương pháp nghỉ ngơi của Pierre Vachet

Vì thấy bệnh mệt mỏi mỗi ngày mỗi tăng, một số học giả Âu Mỹ đã tìm cách trị nó bằng phương pháp xả hơi – relaxation hoặc détente.

Từ sau thế chiến, năm nào Anh, Mỹ, Pháp cũng xuất bản vài cuốn dạy ta cách nghỉ ngơi. Có tác giả đưa ra những phương pháp rất mới, như Schultz, Jacobson, Jarreau và Klotz, Karin Roon (trong cuốn The new way to relax ); có tác giá dùng lại những phương pháp của cổ nhân như phương pháp yoga của Ấn Độ. Người thì khuyên nên thâm hô hấp nghĩa là hít vô thật nhiều và chậm chậm và thở ra rất từ từ; người lại đả kích lối đó, mà ai cũng tin rằng chỉ mình mới nắm được chân lí.

Theo thiển kiến của chúng tôi thì những cử động trong các trường hợp đó tất có công hiệu, không nhiều thì ít; nhưng tác dụng chính của phương pháp vẫn thuộc về phạm vi tâm lí: một khi ta đã muốn trị bệnh, lại tin một phương pháp nào, rồi mỗi ngày đều đều bỏ ra nửa giờ hay một giờ để làm những cử động mà tác giả chỉ cho ta, trong lúc đó, ta được nghỉ ngơi mà quên hết những nỗi lo âu của ta đi, thì tự nhiên bệnh của ta phải bớt lần lần.

Vậy phương pháp nào cũng có giá trị gần như nhau, và dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với độc giả phương pháp của bác sĩ Pierre Vachet trong cuốn Les maladies de la vie moderne vì nó giản dị và dễ nhớ hơn cả.

Phương pháp đó có mục đích trị sự mệt mỏi về bắp thịt và cả sự mệt mỏi về tinh thần. Phải làm đều đều trong vài ba tháng, không ngày nào được bỏ, mỗi ngày ba lần, vào những giờ đã nhất định, có như vậy thì mới thấy kết quả.

Pierre Vachet khuyên ta, nếu có thể được, làm vào khoảng trưa trước khi ăn cơm, khoảng năm giờ chiều, và khoảng tối trước khi đi ngủ. Hai lần buổi trưa và buổi chiều, làm trong hai mươi phút; lần buổi tối làm trong bốn mươi phút.

Hồi đầu phải lựa một phòng tĩnh mịch, khép bớt cửa, kéo bớt rèm lại cho phòng hơi tối, bớt tiếng động, có một không khí hợp cho sự nghỉ ngơi. Khi tập lâu, thành thói quen rồi thì một số người có thể nghỉ ngơi ở bất kì nơi nào, cả những nơi ồn ào nhất.

Trước khi tập, nên đi tiểu tiện, để bụng rỗng, cởi giày bận áo rộng, nới dây lưng, cho những bắp thịt ở bụng, nhất là hoành cách mô dễ cử động.

Bạn kiếm một cái ghế bành khi ngồi có thể ngã lưng ra phía sau khoảng 45 độ. Rồi bạn làm đúng như dưới đây:

— Cho bắp thịt nghỉ ngơi: Bạn ngồi ngả lưng ra phía sau, bắp vế để ngang(nghĩa là không co lên mà cũng không hạ xuống), cẳng thõng xuống, đầu gối hơi đưa ra phía trước, bàn chân cũng duỗi ra, khuỷu tay đặt lên tay ghế bành, cánh tay thõng xuống, y như khi ta buồn ngủ vậy. Ngồi như vậy bạn đã bắt đầu thấy thoải mái rồi.

— Cho tinh thần nghỉ ngơi. – Đừng gắn sức, để cho mí mắt cụp xuống, mắt lim dim, y như khi ta buồn ngủ, rồi đừng nghỉ tới gì cả. Việc này hơi khó, nhất là đối với những người thần kinh mẫn tiệp. Ít ai thành công ngay được trong những lần đầu, nhưng đừng nóng lòng, đừng nản chí. Bạn nhớ kĩ: đừng gắng sức đuổi tất cả những ý nghĩ ra khỏi óc, cho óc được trống rỗng. Nếu một ý nghĩ, một hình ảnh hiện ra trong óc, xin bạn cứ mặc kệ nó, đừng chăm chú vào nó cho nó hiện rõ thêm lên, cũng đừng bắt nó phải biến đi, cứ để cho nó bông lông, một lát sẽ có một hình ảnh khác, một ý nghĩ khác lại thay nó.

Nhưng những lần đầu bạn có thể dùng cách tự kỉ ám thị: thở đều đều, và trong khi thở ra, nhẩm trong óc tiếng này: «bình tĩnh», hoặc «nghỉ ngơi». Đừng gắng sức, cứ nhẩm như một cái máy; rồi lần lần óc của ta sẽ hoạt động chậm lại, ý nghĩ hoặc hình ảnh hiện ra thưa hơn, mờ hơn, và lúc đó là lúc tinh thần ta sắp được nghỉ ngơi rồi.

Những người mất ngủ dùng những thuật như đếm từ 1 đến 100, đếm xuôi rồi lại đếm ngược, hoặc tưởng tượng một con ngựa trắng chạy chung quanh một bãi cỏ xanh, thường chỉ thấy khó ngủ thêm[14], chính vì bắt óc bị kích thích thêm. Theo Pierre Vachet để cho óc bông lông, đừng để ý tới nó, là cách công hiệu hơn cả.

3. Thở . Nhiều người khuyên thâm hô hấp, nghĩa là hít vô thật chậm cho đầy phổi ngưng một chút (trong 10, 15 giây) rồi thở ra cũng thật chậm. Lối thở đó có thể ích lợi cho sức khỏe nhưng bắt ta phải gắng sức nhiều, không hợp với mục đích nghỉ ngơi của ta, nên Pierre Vachet khuyên ta nên tránh. Cứ thở chậm chậm, đều đều như thường, hít vô bằng mũi, thở ra bằng miệng, miệng hé mở cho quai hàm hơi xệ xuống.

Tập như vậy đều đều trong ba tuần lễ đầu, rồi mới qua giai đoạn sau, tập riêng cho một số bắp thịt nghỉ ngơi, trong khi những bắp thịt khác vẫn làm việc.
Các nhà bác học nhận thấy rằng người ta sở dĩ thấy mệt, nguyên nhân chính là vì không biết sai khiến các bắp thịt, phí sức một cách vô ích. Có công việc gì nhẹ nhàng bằng công việc viết. Vậy mà bạn thử nhìn một em bé mới tập viết xem: đầu em nghiêng đi, mặt em cau lại, môi em mím chặt, thân thể vặn qua một bên, còn ngón tay thì nắm cứng lấy cây bút, chỉ trong năm, mười phút là mồ hôi nhễ nhại. Đáng lẽ chỉ dùng có mấy ngón tay thì em bắt gần hết những bắp thịt ở bán thân trên phải hoạt động; vì vậy mà thấy mệt.

Vậy qui tắc là tập sao cho khi dùng những bắp thịt nào, thì những bắp thịt đó cử động thôi, còn những bắp thịt khác phải được nghỉ ngơi.

Ông Pierre Vachet đề nghị cách tập dưới đây:

1. Ngồi thoải trong ghế bành như trên chúng tôi đã chỉ, trong khi hít vô, đưa chậm chậm hai cánh tay lên, (lúc đó khuỷu tay rời tay ghế bành, bắp thịt ở vai cử động), rồi khi thở ra, cho cánh tay rớt xuống, y như là hết sinh lực vậy.

Làm cánh tay này rồi qua cánh tay khác.

2. Cũng ngồi như trên, khuỷu tay dựa vào tay ghế bành, trong khi hít vô, đưa nửa cánh tay (từ khuỷu tới cổ tay) lên cao, rồi khi thở ra, cho nó rớt xuống.
Làm nửa cánh tay bên đây rồi qua nửa cánh tay bên kia.

3. Nửa cánh taytừ khuỷu tới cổ tay đặt sát tay ghế bành, đưa bàn tay lên trong khi hít vô (lúc đó bắp thịt ở cổ tay phải cử động), rồi khi thở ra, cho bàn tay rớt xuống.
Làm bàn tay bên đây rồi qua bàn tay bên kia.

4. Xòe năm ngón tay ra trong khi hít vô, rồi khi thở ra thình lình cho nó cụp lại. Cũng làm cả hai bên.
5. Cũng ngồi như trên, trong khi hít vô, nhè nhẹ đưa đùi lên cao, bắp chân và bàn chân thõng; khi thở ra, cho đùi rớt xuống.
Mới đầu đưa cả hai đùi lên một lúc. Rồi đưa từng đùi lên một.

6. Trong khi hít vô, thót bụng lên; rồi khi thở ra, thình lình cho nó hạ xuống như

cũ.

Làm sáu cử động đómục đích là tập cho những bắp thịt ở tây, chân, bụng tự nó duỗi ra nghỉ ngơi, khi không cần dùng tới nó nữa. Những bắp thịt đó là những bắp thịt ta thường dùng tới nhất trong khi làm việc.

Tác giả khuyên ta phải nhớ kĩ những điều này:

— Chỉ được làm những cử động đó ít nhất là ba tuần sau khi đã tập nghỉ ngơi như ở trên ông đã chỉ.

— Làm xong mỗi cử động rồi, phải nghỉ ít nhất lâu bằng hai lần cử động, nghĩa là mỗi cử động làm trong một hơi thở (hít vô rồi thở ra), thì phải nghỉ ngơi trong hai hơi thở (hai lần hít vô, hai lần thởra).

— Mỗi cử động làm nhiều lắm là ba lần thôi.

— Đừng cử động mạnh, nghĩa là đừng đưa tay, chân lên cao quá. Thở đều đều như thường.
— Thời giờ dùng vào toàn thế những cử động đó không được quá một phần tư thì giờ dùng cho mỗi buổi nghỉ trưa. Như trên chúng tôi đã nói, lần nghỉ trưa và chiều lâu

hai mươi phút; vậy thì trong mỗi lần đó, chỉ được làm toàn thể sáu cử động năm phút thôi. Mới đầu, nghỉ ngơi trong năm phút, rồi làm sáu cử động trong năm phút, sau cùng nghỉ trong mười phút.

Lần nghỉ trước khi đi ngủ gấp đôi (bốn mươi phút): vậy mới đầu nghỉ mười phút, làm sáu cử động trong mười phút, sau cùng nghỉ trong hai mươi phút.

Phương pháp của Pierre Vachet rất giản dị, người già yếu cũng tập được. Có người chê rằng nó mất thì giờ quá (mỗi ngày mất ít nhất là một giờ hai mươi phút, nếu kể cả thì giờ sửa soạn thì mất trên một giờ rưởi) mà ở thời đại này, thì giờ hiếm quá, nên ít người có thể theo được. Nhận xét đó đúng, nhưng trị bệnh mệt mỏi thì theo thiển ý chúng tôi, ngoài phương thuốc nghỉ ngơi, không còn phương nào khác; những thuốc kích thích các cơ quan đã là hại mà những thuốc chỉ thống an thần tuy công hiệu mau thật, song dùng lâu thì cũng không nên; vả lại hết thảy những thuốc đó chỉ trị ngọn chứ không trị gốc. Chỉ những khi nào ta mệt mỏi vì một bộ phận nào đó suy nhược thì dùng thuốc bổ mới kiến hiệu; còn những khi ta mệt mỏi vì đời sống không tự nhiên, vì ta suy nghĩ, làm việc quá, thì dù biết rằng theo phương pháp của Pierre Vachet – hoặc một phương pháp nào khác – rất tốn thì giờ ta cũng vẫn theo; nếu không thì bệnh sẽ nặng, và lúc đó sẽ không còn làm việc được nữa mà đời sống của ta sẽ vô ích và vô vị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.