Sống 365 Ngày Một Năm

Bệnh tiệm phát do xúc động nhẹ và lâu



Tuy nhiên, đa số những bệnh do xúc động do phát ra lần lần mỗi ngày một chút làm ta không hay. Những xúc động khó chịu như lo lắng, buồn rầu, thất vọng, sợ sệt nếu phát ra dù nhè nhẹ thôi, nhưng đều đều trong một thời gian lâu, cũng sẽ làm cho ta hóa đau.

Cách đây mươi năm, hai tâm lí gia: H. S. Lidwell và A. V. Moore đã thí nghiệm vào loài cừu và chứng minh được điều đó.

Hai ông dùng một sợi dây chì dài, nhỏ, cột chân một con cừu vào một cái cọc, ở giữa một bãi cỏ, cho nó có thể đi khắp bãi cỏ được, mà không lại gần những con cừu khác thả trong bãi.

Được một tuần lễ, hai ông thấy nó khỏe mạnh như thường.

Qua tuần lễ thứ hai, hai ông cho một luồng điện rất nhẹ chạy vào sợi dây chì, đủ cho thân con vật run lên một chút thôi chứ không đau đớn gì cả. Trong tám ngày liền, con vật bị điện giật rất nhiều lần, nhưng nó vẫn ăn cỏ như thường.

Sau đó, hai ông tìm cách làm cho con cừu phải lo sợ. Đúng mười giây trước khi cho điện chạy, hai ông rung một cái chuông nhỏ. Chỉ ít lần, con vật hóa ra lo lắng, nghe thấy tiếng chuông là ngừng lại, không ăn cỏ, không đi chơi nữa, đoán trước rằng sắp bị điện giật, sợ sệt đợi cho qua cơn điện giật. Luồng điện vẫn nhẹ như trước, nhưng trước kia nó không để ý tới, lần này nó đã chăm chú tới rồi. Tuy nhiên nó vẫn chưa phát bệnh.

Sau một tuần lễ như vậy, hai ông dùng thêm cách này nữa: trước cho rung chuông và chạy điện không theo giờ khắc nhất định nào cả, thời gian cách nhau dài ngắn không đều; bây giờ thì theo một thời khắc nhất định và thời gian cách nhau rất đều, chẳng hạn cứ nửa giờ một lần, suốt ngày thâu đêm, rung chuông xong là mười giây sau cho điện giật. Chỉ ít hôm, sức con vật suy hẳn đi. Mới đầu nó không ăn nữa, rồi nó không đi đâu nữa, đứng yên một chỗ; sau nó không đứng được nữa, nằm bẹp xuống; cuối cùng nó thở hổn hển, mệt lắm. Tới đây ông phải ngừng cuộc thí nghiệm để cứu mạng nó. Và ít bữa sau, nó khỏe mạnh, vui vẻ lại như thường[4].

Hai ông còn thí nghiệm, thấy thêm rằng nếu cho chạy điện đều đều như vậy, nhưng mỗi ngày ngừng liên tiếp hai giờ thôi thì con vật cũng không bị đau; nếu ngừng dưới hai giờ thì nó mới bị đau.

Chưa ai thí nghiệm về người, không biết rõ thời gian ngưng đó ít nhất phải là bao nhiêu thì con người không bị những bệnh do xúc động; nhưng ta có thể tin chắc rằng hễ lâu lâu ngưng liên tiếp được một hai ngày thi bệnh cũng khó phát, mà hễ ngưng luôn trong nhiều tháng thì thế nào bệnh cũng phát. Phát sớm hay chậm là tùy tinh thần của mỗi người yếu hay mạnh, tùy xúc động khó chịu nhiều hay ít, nên không thể có một định luật nào cả, như trong cuộc thí nghiệm trên kia về loài cừu.

Các tâm lí gia lại nhận thấy rằng người nào càng thông mình càng dễ mắc những bệnh do xúc động . Có lẽ là vì càng thông minh, thần kinh càng mẫn nhuệ, càng hay suy nghĩ, tính toán, có khi tính toán năm sáu công việc cùng một lúc. Vả lại những người thông mình thường phải lãnh nhiều trách nhiệm, nhất là những trách nhiệm nặng nhọc, vì vậy mà phải lo lắng nhiều hơn những người khác.

Trái lại, những người chất phác, hạng nông dân chẳng hạn, an phận thủ thường, việc gì cũng cho là có định mạng, có lo lắng cũng chỉ trong một chốc lát, một lát đặt mình xuống là ngáy liền, thì rất ít khi bị những bệnh xúc động.

Vì vậy mà hạng trí thức các châu thành dễ bị những bệnh trĩ, bệnh đau bao tử, đau gan, huyết áp quá cao, mất ngủ, đau tim… hơn dân ở thôn quê.

Một vị bác sĩ thấy một chị nhà quê nuôi chín, mười đứa con, làm việc quần quật từ sáng đến tối, ái ngại cho chị ta, hỏi:

— Chị có bao giờ thấy mệt không? Chị ta đáp:
— Không bao giờ tôi nghĩ tới điều đó cả.

Cứ có việc thì làm, hết việc nọ đến việc kia, được tới đâu hay tới đó, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, sống được ngày nào hay ngày đó, một người như vậy có thể bị những bệnh truyền nhiễm như bệnh dịch tả, dịch hạch, bệnh sốt rét, ho lao… chứ không khi nào bị bệnh do xúc động gây ra, mà những bệnh này như tôi đã nói, mới là những bệnh khó trị nhất, tốn tiền thuốc nhất và chiếm tỉ số 75% bệnh tật của con người hiện đại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.