Nửa Kia Của Hitler

Đôi lời giới thiệu



Năm 1972, nhà khí tượng học Lozen đã tổ chức một hội thảo có tên “Khả năng dự báo: liệu một con bướm vỗ cánh ở Braxin có gây nên một cơn lốc xoáy ở Texas?”. Hội thảo đã thổi bùng ngọn lửa tranh cãi vốn đã âm ỉ từ cuối thế kỷ XIX xung quanh việc: nếu giá trị của một tham số đầu vào thay đổi, dù là cực nhỏ, liệu nó có gây ra những kết quả hoàn toàn trái ngược hay không? Nói cách khác, một nguyên nhân nhỏ có thể gây ra một hậu quả lớn hay không? Lý thuyết này được biết đến với tên gọi “hiệu ứng cánh bướm”. Ví dụ được nhiều người biết đến là câu nói nổi tiếng của Benjamin Franklin:

Vì cái đinh tuột nên móng ngựa bị tuột

Vì cái móng tuột nên con ngựa sảy chân

Vì con ngựa sảy chân nên chiến binh sa cơ

Vì chiến binh sa cơ nên thua trận

Vì thua trận nên mất tự do

Tất cả chỉ vì một cái đinh ngựa tầm thường.

Trong văn học và nghệ thuật, đã có nhiều tác giả khai thác lý thuyết này khi cho ra đời những tác phẩm với mệnh đề nguyên thủy: nếu… thì… Tác giả Eric-Emmanuel Schmitt cũng nằm trong số này. Trong khoảng thời gian hơn một chục năm, Eric-Emmanuel Schmitt đã trở thành một trong những tác giả tiêu biểu của nền văn học Pháp và là một trong những tác giả Pháp đương đại được đọc và dịch nhiều nhất ở nước ngoài. Cho tới nay, ông đã thực hiện mười bốn vở kịch, hai khảo luận, sáu tiểu thuyết, hai bản dịch opera của Mozart và một kịch bản phim. Năm 1994, vở kịch Người khách lạ của ông được nhận giải Molière. Năm 2000, cuốn Phúc Âm theo Pilate được nhận Giải thưởng lớn của độc giả tạp chí Elle. Năm 2001, Viện hàn lâm Pháp tặng Giải thưởng lớn về sân khấu cho toàn bộ các tác phẩm của ông.

Eric-Emmanuel Schmitt sinh năm 1960 tại Lyon. Ông viết cuốn sách đầu tiên vào năm mười một tuổi và vở kịch đầu tiên vào năm mười sáu tuổi. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm phố Ulm, ông bảo vệ luận án tiến sĩ triết học năm 1986, sau đó làm giảng viên triết học. Năm 1991, vở kịch Đêm Valognes của ông đã được đoàn kịch Royal Shakespeare Company chọn trình diễn. Năm 1993, vở kịch thứ hai Người khách lạ, nói về cuộc gặp gỡ không tưởng giữa nhà phân tâm học Freud và Chúa trời, được giới phê bình và công chúng đón nhận nồng nhiệt. Từ đó, Eric-Emmanuel Schmitt đi từ thành công này đến thành công khác. Cuốn Oscar và bà Áo Hồnggiữ vị trí thứ mười bốn trong số các cuốn sách bán chạy nhất năm 2003 và đưa Eric-Emmanuel Schmitt vào danh sách những tác giả đương đại Pháp được đọc nhiều nhất trên thế giới.

Eric-Emmanuel Schmitt đã chọn viết các tác phẩm của mình để những người trí thức và cả những người bình dân đều tìm được điều gì đó thú vị. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã được ông đưa vào tác phẩm của mình như: Sigmund Freud trong vở kịch Người khách lạ, Diderot trong Chàng phóng đãng, Ponte Pilate, Jesus Christ và Judas trong Phúc Âm theo Pilate, Hitler trong Nửa kia của Hitler, Mozart trong Đời tôi và Mozart. Tôn giáo cũng là chủ đề ưa thích của Eric-Emmanuel Schmitt: ông đã đề cập đến đạo Phật, Thiên chúa, Hồi, Do Thái và tâm linh học trong nhiều tác phẩm của mình. Lịch sử, triết học, phân tâm học cũng là những yếu tố thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của ông. Hiện Eric-Emmanuel Schmitt sống và làm việc tại Bỉ. Các thông tin chi tiết về ông được đăng tải đầy đủ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trên trang web cá nhân của ông

:http://www.eric-emmanuel-schmitt.com.

Trong tác phẩm mà chúng tôi chọn dịch là Nửa kia của Hitler, Eric-Emmanuel Schmitt đặt vấn đề: Điều gì sẽ xảy ra nếu ngày 8 tháng Mười năm 1908, Adolf Hitler trúng tuyển Học viện Mỹ thuật Viên? Từ đó, hàng loạt câu hỏi có thể được đặt ra:

Liệu Chiến tranh thế giới thứ hai có xảy ra?

Liệu cuộc đại đồ sát dân Do Thái có xảy ra?

Nhà nước Israel vẫn sẽ được thành lập?

Chiến tranh Đông Dương có nổ ra?…

Mỹ có trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới?

Liệu Chiến tranh lạnh có xảy ra?…

Dòng chảy lịch sử của cả thế giới có thể đã khác đi nếu vào giây phút ấy Ban giám khảo của Học viện Mỹ thuật Viên quyết định nhận thí sinh Adolf Hitler vào trường.
Qua hơn 600 trang sách, người đọc được song song theo dõi cuộc đời của hai nhân vật: Adolf H. và Hitler. Một Adolf H. được nhận vào trường Mỹ thuật và trở thành một họa sĩ siêu thực tài danh ở Paris. Một Hitler bị đánh trượt và trở thành kẻ cầu bơ cầu bất, lang thang khắp thành Viên. Trong khi Adolf H. thực hiện được giấc mơ nghệ sĩ của mình, kết bạn với những họa sĩ tài năng và giàu lòng nhân ái, cùng lúc có hàng loạt tình nhân, thì Hitler phải vật lộn hàng ngày để kiếm tiền ăn và trả tiền trọ, không có bạn bè nào khác ngoài một tên lưu manh, lừa đảo. Kết bạn với một người đồng tính, vào đời với một cô gái người Séc, được nhà phân tâm học Freud – một người Do Thái – giải thoát khỏi phức cảm Œdipe – nguyên nhân làm cậu bất tỉnh nhân sự mỗi khi nhìn thấy thân thể đàn bà, Adolf H. hoàn toàn là một con người nhân bản. Hitler bị ruồng bỏ, tránh xa quan hệ nam nữ, buộc phải nói dối để tạo nên hình ảnh mình là sinh viên trường Mỹ thuật và bắt đầu tiếp xúc với khái niệm chủng tộc thượng đẳng, một Hitler tuyệt vọng nhưng vẫn tiêu đến đồng tiền cuối cùng để xem opera của Wagner.

Bước ngoặt trong cuộc đời của hai nhân vật xảy ra vào năm 1914.

Adolf H. trải qua những nỗi ghê rợn của Thế chiến thứ nhất cùng với những người bạn, còn Hitler với một con chó. Adolf H. bị cái chết rình rập hàng ngày và biết đến nỗi đau tột cùng khi người bạn thân hy sinh, Hitler nhận ra rằng mình được thế lực siêu nhiên bảo vệ nên lao vào chiến đấu hăng say đến mức cuồng dại. Adolf H. ra khỏi chiến tranh với một tình yêu say đắm với xơ Lucie hiền dịu, Hitler ra khỏi chiến tranh với một huân chương cao cấp, một vinh dự hiếm hoi đối với một hạ sĩ giao liên, và lòng căm thù người Do Thái – những người mà y cho là nguyên nhân thất bại của Đế chế Đức.

Kết thúc Thế chiến thứ nhất, Adolf H. về sống tại Paris với người tình và trở thành một họa sĩ siêu thực nổi tiếng, kết bạn với những Picasso, André Breton, Man Ray, Modigliani, van Dongen, Foujita, Soutine, Chagall, Diaghilev… Hitler trở thành cán bộ tuyên truyền rồi chủ tịch đảng Quốc xã. Vì muốn giữ toàn bộ sức mạnh của mình cho việc tạo dựng Đệ tam đế chế, Hitler từ bỏ mọi quan hệ nam nữ và lần lượt gián tiếp bức tử hai cô gái trẻ, một là người yêu và một là cháu gái. Adolf H. cưới người vợ thứ hai là một người Do Thái, con của một vị giáo trưởng uy tín và là một trong những lãnh đạo của phong trào sionist(1), và chuyển sang sống tại Mỹ. Hitler trở thành quốc trưởng và bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực do chính y tạo ra. Hitler chết thảm trong boong ke năm 1945 còn Adolf H., giáo sư và họa sĩ nổi tiếng thế giới, qua đời trong vòng tay của gia đình tại Los Angeles năm 1970 khi đang xem truyền hình trực tiếpcảnh người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng – một phi hành gia người Đức.

Tác phẩm thể hiện chân thực quan điểm sáng tác của tác giả là viết sao cho những người trí thức và giới bình dân đều tiếp nhận được. Ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học và phân tâm học được thể hiện qua nhiều chi tiết trong tác phẩm: Freud chữa bệnh tâm lý cho Adolf H., Hitler trốn quan hệ với đàn bà trong nhà chứa bằng cách vẽ cũng như Nietzsche đã lao tới chiếc dương cầm khi người bạn dẫn vào chốn lầu xanh, quan hệ giữa xung năng tình dục và cái chết, diễn biến tâm lý của nhân vật, quan niệm triết học (rất gần nếu như không muốn nói là hoàn toàn của Nietzsche) về cái Thiện/cái Ác, hạnh phúc/đau khổ, siêu nhân thượng đẳng/con người bầy đàn, sức mạnh tuyệt đối của ý chí, sáng tạo và phá hủy… Nhìn lại lời nói, suy nghĩ và việc làm của nhân vật Hitler, người ta dễ có cảm tưởng về phiên bản méo mó của Zarathustra(2) nhập thế.

Trong phần tự sự về cảm tưởng khi sáng tác tác phẩm này của tác giả có đoạn:

“…Hitler không nằm ngoài mỗi người, hắn nằm trong ta. Hắn là một trong những con người mà chúng ta có thể trở thành. Hắn sẽ là chúng ta khi chúng ta để mình bị cuốn theo những suy luận dễ dãi, tối giản hóa sự việc, tìm cách đổ lỗi cho người khác. Hắn sẽ là chúng ta khi chúng ta muốn lúc nào mình cũng có lý, sẽ là chúng ta nếu chúng ta không bao giờ cảm thấy có lỗi. Hắn sẽ là chúng ta nếu như chúng ta tách mình khỏi thực tế và thay vào đó đuổi theo những luận thuyết thần bí. Hắn sẽ là chúng ta nếu chúng ta để những xung lực hận thù chiến thắng lòng vị tha trong ta. Kẻ thù lớn nhất của conngười là chính mình. Con người cần phải cảnh giác với chính con người.

Đó chính là cái bẫy cần tránh khỏi. Dù tạo ra cảm giác đang miêu tả cuộc đời một Hitler phẩy, Adolf H., tôi muốn chứng minh rằng tên Hitler thực thụ không phải là một tha nhân tuyệt đối, tách biệt khỏi chúng ta mà hắn chính là ta. Con quái vật này nằm trong tôi cũng như nó nằm trong mỗi người, trong toàn nhân loại. Giam chặt nó suốt đời ta hoặc thả nó ra, chỉ có ta tự chịu trách nhiệm về điều đó.”

Một viên đá nhỏ có thể thay đổi dòng chảy của cả một dòng sông, có lẽ tác phẩm Nửa kia của Hitler là một minh chứng cho nhận định ấy. Xin chân thành cảm ơn những người đã giúp đỡ tôi trong quá trình biên dịch cuốn sách này. Xin dành tặng bản dịch cho tất cả những người bạn họa sĩ của tôi.

Hà Nội, ngày 10 tháng Tám năm 2007

NGUYỄN ĐÌNH THÀNH

Để tưởng nhớ Georg Elser, người đánh bom thủ công


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.