Nửa Kia Của Hitler

Phút giây làm thay đổi thế giới… 1.



Phút giây làm thay đổi thế giới…

-Adolf Hitler: trượt. Lời tuyên án giáng xuống như một chiếc thước sắt quật vào tay đứa trẻ.

– Adolf Hitler: trượt.

Bức màn sắt sập xuống. Hết thật rồi. Không được thi lại nữa. Đi chỗ khác. Ra ngoài.

Hitler đưa mắt nhìn quanh. Hàng chục thanh niên, tai đỏ dừ, hàm nghiến chặt, kiễng căng người, nách ướt đầm đìa vì hốt hoảng, đang đứng nghe người giáo vụ xướng lên định mệnh của họ. Không ai chú ý đến hắn. Không ai để ý đến tầm mức khủng khiếp của điều vừa thông báo, thảm họa vừa xé toang sảnh Học viện Mỹ thuật, vụ nổ lớn chọc thủng vũ trụ: Adolf Hitler đã trượt.

Trước sự thờ ơ ấy, Hitler đâm nghi ngờ không biết mình nghe có đúng không. Ta đau đớn. Một thanh gươm buốt giá đang rạch từ tim đến gan ruột ta, máu ta lai láng, vậy mà không ai nhận ra điều đó ư? Không ai nhìn thấy nỗi bất hạnh đang đè nặng lên ta ư? Liệu ta có phải người duy nhất trên thế giới này phải sống với chừng ấy nỗi bất hạnh dồn dập? Ta và họ có sống trong cùng một thế giới không?

Người giáo vụ đã đọc xong phần thông báo kết quả. Ông ta gập tờ giấy lại và nở một nụ cười vô định. Đó là một người đàn ông da vàng vàng, gầy như xe điếu, chân tay cứng đơ, dài thuồn thuột, lóng ngóng, không hiểu nhờ đâu dính được vào người. Ông ta bước xuống bục, đi về phía các đồng nghiệp của mình, coi như công việc đã hoàn tất. Dáng vẻ thì không, nhưng tâm địa đúng là một tên đao phủ. Tin chắc mình vừa phát ngôn ra chân lý. Một gã đần dạng này có thể sợ cả một con chuột nhắt nhưng lại không hề ngần ngừ khi xướng lên một cách thản nhiên, không một giây run rẩy: “Adolf Hitler:trượt.”

Năm ngoái, đã một lần ông ta thông báo điều khủng khiếp này. Nhưng khi đó thì đỡ hơn bởi năm đó Hitler không ôn luyện cẩn thận và mới dự thi lần đầu. Năm nay, cũng vẫn câu nói ấy đã biến thành một bản án tử hình: không ai có quyền dự thi quá hai lần.

Hitler không rời mắt khỏi người giáo vụ giờ đang đứng tán chuyện với các giám thị, một đám lảnh khảnh độ ba mươi tuổi, mặc áo bờ lu màu ghi, một đám già cốc đế trong mắt Hitler mười chín tuổi. Với họ, đó là một ngày bình thường, một ngày vừa qua đi nữa, một ngày làm việc để biện minh cho khoản lương nhận được cuối tháng. Với Hitler, đó là ngày đặt dấu chấm hết cho tuổi thơ, ngày cuối cùng hắn còn tin rằng giấc mơ và hiện thực trùng hợp với nhau.

Sảnh trường Mỹ thuật thưa dần như một cái chuông đồng nhả âm thanh tỏa đi khắp thành phố. Để ăn mừng đã đỗ hay nhấm nháp nỗi buồn thi trượt, đám thanh

niên tản ra lấp đầy các quán cà phê trong thành Viên.

Chỉ còn mỗi Hitler đứng lại, bất động, choáng váng, nhợt nhạt. Đột nhiên, hắn nhìn thấy chính mình từ bên ngoài, như một nhân vật trong tiểu thuyết: mồ côi cha từ nhiều năm nay, mất mẹ từ mùa đông năm ngoái, chỉ còn vẻn vẹn một trăm curon trong túi, ba chiếc sơ mi và một bộ toàn tập các tác phẩm của Nietzsche trong vali, cái nghèo hứa hẹn sẽ mang tới cái rét và người ta vừa từ chối không cho hắn quyền học lấy một cái nghề. Hắn có gì cho mình? Chẳng có gì. Một thân hình xương xương, bàn chân quá khổ và đôi tay bé tí. Một người bạn mà hắn sẽ không dám thừa nhận thất bại của mình vì đã tróthuênh hoang rằng mình sẽ thành công. Một người vợ chưa cưới, Stephanie, mà hắn thường xuyên viết thưnhưng chẳng bao giờ được hồi âm. Hitler nhìn vào hoàn cảnh thực của hắn và thấy thương hại chính mình. Đó chính là cảm giác cuối cùng hắn muốn có.

Đám nhân viên giáo vụ tiến về phía người thanh niên mắt đang rân rấn. Họ mời anh ta đi uống một cốc sôcôla trong phòng người gác cổng. Người thanh niên để mặc họ kéo đi, tiếp tục khóc thầm.

Ngoài kia, nắng chói chang, vui tươi, da trời xanh ngắt rập rờn chim bay. Qua cửa sổ, Hitler nhìn thấy khung cảnh thiên nhiên và không tài nào hiểu nổi. Vậy là, cả con người, cả thiên nhiên cũng vậy ư? Không ai buồn đồng cảm với nỗi đau của ta ư?

Hitler uống cốc sôcôla, lịch sự cảm ơn những người giám thị rồi ra về. Thái độ ân cần ấy không an ủi được hắn; giống như mọi thái độ khác của con người, nó là cái gì đó chung chung, là cái người ta làm cho phải đạo, tình cảm ấy không dành cho đích danh hắn. Hắn không muốn phải chịu đựng nó thêm nữa.

Vai rũ xuống, Hitler lê từng bước rời trường Mỹ thuật và chìm vào dòng người ở thành Viên. Có lúc hắn đã thấy thành phố này đẹp, trữ tình, uy nghiêm, đượm chất Ba-rốc, nơi gửi gắm biết bao hy vọng; nay nó đã thu hẹp lại chật chội, vừa đủ đóng khung lấy thất bại của Hitler. Hắn có còn yêu thành Viên nữa không? Hắn có còn yêu hắn nữa không?

Đó là chuyện đã diễn ra ngày 8 tháng Mười năm 1908. Một ban giám khảo gồm các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế và kiến trúc sư đã quyết định không chút do dự về trường hợp của người thanh niên này. Đường nét vụng về. Bố cục lộn xộn. Kỹ thuật không có chút nào. Tưởng tượng sáo mòn. Chỉ mất có một phút để họ tuyên bố không ngần ngại: thí sinh Adolf Hitler không có chút tương lai nào trong mỹ thuật.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Học viện Mỹ thuật đã quyết định khác đi? Điều gì sẽ xảy ra khi, vào đúng cái phút ấy, ban giám khảo quyết định nhận Adolf Hitler? Cái phút ấy đã có thể thay đổi số phận một con người mà cũng có thể làm thay đổi vận mệnh của cả thế giới. Thế kỷ XX sẽ như thế nào nếu chủ nghĩa quốc xã không tồn tại? Liệu có xảy ra Đại chiến thế giới thứ hai và liệu năm mươi lăm triệu người trong đó có sáu triệu người Do Thái có phải chết, trong một thế giới mà Adolf Hitler làm họa sĩ?

***

– Adolf H.: trúng tuyển.

Một luồng khí nóng tỏa lan khắp cơ thể người thanh niên. Niềm hạnh phúc tràn dâng trong người làm thái dương hắn rần rật, tai ù đi, ngực căng lên và tim đập thình thịch. Đó là một khoảnh khắc dài, đầy đặn và căng tràn, cơ bắp cương lên, một sự co thắt ngây ngất, một lạc thú thuần khiết như lần cực khoái đầu tiên vô tình đến khi hắn mười ba tuổi.

Khi cơn sóng hạnh phúc qua đi, Adolf H. định thần lại và nhận thấy toàn thân mình ướt đẫm. Một thứ mồ hôi nồng hơi chanh làm quần áo của hắn dính nham nháp. Hắn không có quần áo thay nhưng chẳng hề gì: hắn đã đỗ!

Người giáo vụ gấp tờ giấy lại và nháy mắt với hắn. Adolf đáp lại bằng một nụ cười rạng rỡ. Đó, không chỉ các giáo sư mà ngay cả những nhân viên cấp thấp, ngay cả các giám thị cũng đều vui vẻ đón chào hắn tại trường Mỹ thuật!

Adolf H. quay lại và nhìn thấy một nhóm thanh niên đang chúc mừng nhau. Hắn bước tới không ngần ngại và chìa tay về phía họ.

– Xin chào, tôi là Adolf H. Tôi cũng vừa được nhận vào trường.

Mọi người giãn ra để hắn đứng vào vòng tròn với họ. Tiếng nói chuyện ngày càng rôm rả. Đám thanh niên tạo thành một vòng tròn bá vai bá cổ nhau, vang tiếng cười nói, vang những cái tên lần đầu tiên nghe thấy để rồi không ai có thời gian để nhớ nhưng dẫu sao, họ vẫn còn cả một năm trước mắt để tìm hiểu nhau kỹ hơn…

Trời đang vào thu nhưng ngày hôm đó đã có cái tươi trẻ của một sự khởi đầu thực sự và mặt trời, đồng điệu, dường như đang cười trên bầu trời xanh thẳm.

Tất cả nói cùng một lúc, không ai nghe ai, mỗi người chỉ nghe thấy tiếng mình nhưng điều đó cũng có nghĩa là đang nghe người khác nói bởi tất cả những người trúng tuyển đều thể hiện một niềm vui giống nhau.

Tuy nhiên, một trong số họ lớn tiếng át hết tất cả, hét lên rủ mọi người đến quán Kanter để ăn mừng.

– Đi thôi nào!

Adolf để mặc đám bạn kéo đi. Từ một người đơn độc, hắn đã là thành viên của một nhóm.

Khi đi qua cổng trường, hắn để ý thấy phía sau mình một thanh niên đứng bất động, đang rưng rức khóc một mình giữa cái sảnh rộng mênh mông của trường.

Cảm giác thương hại thoáng lướt qua đầu Adolf H., hắn chỉ kịp tự nói với mình “tội nghiệp anh ta” trước khi niềm hứng khởi lại xâm chiếm dữ dội người hắn, đợt sóng hạnh phúc thứ hai có sức mạnh tàn phá, còn mạnh hơn lần trước, bởi bây giờ nó là một sự hoan hỉ được tăng cường, đắp bồi, được tăng lên gấp đôi: niềm vui thi đỗ trộn lẫn với niềm vui vì đã không thất bại. Adolf H. chợt nhận ra rằng ở đời có kẻ khóc thì mới có người cười.

Hắn quay lại với đám bạn. Liệu dân thành Viên có biết rằng chiều nay họ đã nhìn thấy một nhóm thiên tài trẻ tuổi đi qua trước mắt họ hay không? “Hãy kiên nhẫn,” Adolf tự nhủ, “một ngày kia họ sẽ nhận ra điều đó.”

Tiếng huyên náo và niềm hân hoan sôi lên dưới mái quán rượu Kanter nơi bia đang chảy tràn trên những chiếc vại. Adolf H. uống như chưa bao giờ được uống. Tối nay, hắn đã thực sự trở thành một người trưởng thành. Adolf và đám bạn mới tưởng tượng xem mình sẽ trở thành một họa sĩ tầm cỡ nào, rằng mình chắc chắn sẽ ghi dấu ấn vào thế kỷ này ra sao, và thậm chí họ đã bắt đầu nói xấu lớp họa sĩ đi trước. Đó là một buổi tối lịch sử. Adolf H. uống hết cốc này đến cốc khác, uống như một nhạc công chơi nhạc, uống để nhập làm một với những người khác, để tan vào họ.

Đó là lần đầu tiên trong đời Adolf khẳng định mình không phải để đối chọi mà là để hòa nhập với người khác. Từ nhiều năm nay, Adolf biết mình là một họa sĩ, hắn chưa bao giờ nghi ngờ điều ấy, tuy nhiên, sau thất bại năm trước, hắn chờ đợi ngày thực tế chứng minh điều hắn tin là đúng. Vậy đấy! Từ nay, tất cả đều trùng hợp! Hắn đã tái hòa nhập được với thế giới, người ta đã nhìn nhận hắn như hắn đã mơ ước về mình! Cuộc đời trở nên công bằng và tươi đẹp. Từ tối nay, hắn có thể cho phép mình có bạn.

Hắn lại tiếp tục uống.

Sau khi nói những chuyện đao to búa lớn, đám thanh niên quay sang hỏi nhau quê quán và gia đình. Đến lượt mình, Adolf bỗng có cảm giác thèm đi tiểu vô cùng, hắn bèn chạy ra nhà vệ sinh.

Dòng nước trong người hắn xối vào bồn tiểu bằng sành, xả mạnh, hắn cảm thấy mình rắn rỏi biết bao.

Trước tấm gương rỗ xanh, Adolf thử xem mặt của một tân sinh viên trường Mỹ thuật ra sao. Dường như hắn đã nhìn thấy ngày hôm nay từ trước đó và trong con ngươi của hắn long lanh một thứ ánh sáng chưa từng có. Hắn thỏa mãn tự ngắm mình, thử đứng tạo dáng một chút và tự nhìn mình với con mắt của hậu thế: đây Adolf H., họa sĩ tài danh…

Bỗng một cơn đau làm hàm hắn cứng lại, bọt sùi ra hai bên mép và Adolf cúi gập người bên bồn rửa mặt. Những cơn đau buốt chạy khắp hai vai, nước mắt làm lem luốc cả khuôn mặt: hắn vừa nghĩ đến mẹ mình.

Mẹ ơi… Nếu ở đây tối nay, bà sẽ vui đến nhường nào! Bà sẽ thấy tự hào biết bao! Bà sẽ ghì hắn vào bầu ngực đang bị bệnh tật hành hạ của mình.

Mẹ ơi, con đã đỗ vào Học viện Mỹ thuật.

Hắn hình dung rõ mồn một niềm hạnh phúc của bà. Khi nghĩ đến điều ấy, tất cả tình mẫu tử cuối cùng cũng được trả lại cho đứa bé mồ côi.

Mẹ ơi, con đã đỗ vào Học viện Mỹ thuật.

Hắn lầm rầm nhắc đi nhắc lại câu nói ấy, như thể đang niệm một câu thần chú, cho

đến khi cơn bão lòng qua đi.

Sau đó, hắn quay trở lại với bạn bè.

– Ê Adolf, từ nãy đến giờ ở đâu đấy? Nôn à?

Thì ra mọi người đã đợi hắn từ nãy! Họ đã gọi hắn là Adolf! Họ đã lo lắng! Cậu thanh niên cảm động đến mức nhanh chóng cất lời:

Mình nghĩ rằng ngày nay ta không thể vẽ như cách đây hai mươi năm được nữa. Sự xuất hiện của nhiếp ảnh buộc chúng ta phải chú trọng vào màu sắc. Mình không nghĩ rằng màu sắc trong tranh nhất thiết phải là màu tự nhiên!

Cậu nói gì thế? Đâu phải vậy! Meyer đã chẳng bảo…

Và thế là cuộc tranh luận lại bắt đầu, sôi nổi, bùng cháy như ngọn lửa trong lò sưởi. Adolf H. phấn khích vì những ý nghĩ mới mà năm phút trước hắn còn chưa có, lao vào những lý thuyết mới mà ngay lập tức hắn đã coi như chân lý vĩnh hằng. Những người kia đập lại một cách mạnh mẽ.

Trong những khoảng thời gian ngắn ngủi hắn dừng nói, Adolf H. không nghe các bạn nói gì mà khoái trá nghĩ về những lá thư sẽ viết vào ngày mai: một bức cho Stephanie, người vợ chưa cưới, nàng sẽ không còn lý do gì để tỏ ra cao ngạo như thế nữa, một cho dì Johanna người chưa bao giờ tin vào tài năng hội họa của hắn, một cho ông giám hộ Mayrhofer, người tự cho mình cái quyền khuyên hắn nên học lấy “một cái nghề thực sự”, một cho Paula, con em gái vừa xấu vừa hỗn, người mà hắn chẳng bao giờ để ý tới, tuy nhiên nó vẫn cần phải biết rằng mình có một người anh vĩ đại nhường nào, rồi một bức cho ông thầy Rauber, lão già ngu xuẩn này cho hắn toàn điểm xấu trong các giờ hình họa, và cả ông thầy Krontz dạy hắn ở bậc trung học, lão này cũng tự cho phép mình chê cách phối màu của hắn, một cho ông thầy cấp một ở Linz nữa, ông này đã sỉ nhục hắn khi hắn lên tám bằng cách cho cả lớp xem hình con bàitép màu đỏ năm cánh rất đẹp của hắn… Niềm vui lèo lái những bức thư của hắn như người ta ngắm bắn, chúng sẽ là những vũ khí làm bị thương tất cả những ai đã không chịu tin vào hắn. Một niềm khoái trá tàn bạo dâng lên trong hắn. Tối nay, hắn cảm thấy thoải mái vô cùng nhưng ngày mai, hắn sẽ còn cảm thấy dễ chịu hơn khi làm người khác đau đớn. Sống nghĩa là giết đi một ít.

Thế là ngày 8 tháng Mười năm 1908, trong tiếng ồn ĩ nồng nặc hơi men của quán Kanter, dù chưa thực hiện được bất kỳ một tác phẩm quan trọng nào và mới chỉ có được quyền học vẽ, chàng trai trẻ Adolf H. vừa vượt qua một giai đoạn quan trọng mà không có nó sẽ không có nghệ sĩ: từ nay, hắn vĩnh viễn tự coi mình là trung tâm của thế giới.

***

– Chào cậu Hitler. Thế nào? Cậu đỗ rồi chứ?

Zakreys, chủ quán trọ, mụ phù thủy người Séc rời chiếc máy khâu, nhao ra hành lang ngay khi nghe tiếng khóa tra vào ổ. May thay, hành lang tranh tối tranh sáng nên

Hitler nghĩ rằng cái khối thịt đồ sộ với cặp mắt ti hí vàng vàng kia khó nhìn rõ mặt mình.

Còn chưa biết, bà Zakreys à. Họ còn chưa thông báo kết quả vì một ông giám khảo bị ốm chưa trả điểm cho trường.

Zakreys ho khẽ tỏ vẻ thông cảm. Hitler biết rằng hễ cứ nói đến chuyện bệnh tật thì ngay lập tức bà ta sẽ sợ, đồng thời sẽ thông cảm với người nói.

Thế ông giáo ấy bị làm sao?

Bị cúm. Hình như đang có dịch trong thành phố mình thì phải.

Theo bản năng, bà Zakreys lùi về phía bếp, ngay lập tức đã sợ rằng Hitler đang mang mầm bệnh nguy hiểm trên người rồi.

Hitler đã ghi một điểm quyết định. Mấy năm trước, chồng bà Zakreys đã chết vì bệnh cúm do không được chữa trị đầy đủ. Bà ta sẽ tránh tiếp xúc với Hitler và thậm chí không cả mời hắn uống trà. Chắc chắn bà ta sẽ tránh xa hắn trong mấy ngày tới. Cừ thật! Hắn sẽ không phải nhọc thân, nói dối, trau chuốt vai kịch một kẻ đang đợi kết quả nữa.

Vừa treo áo lên mắc, Hitler đã nghe thấy bà chủ nhà bật ga, sắc nước húng tây để uống. Có lẽ cảm thấy áy náy vì đã bỏ đi nhanh như thế, bà ta thò đầu ra hành lang lịch sự hỏi:

Chắc cậu phải thất vọng lắm nhỉ? Hitler giật nảy mình.

Về chuyện gì cơ?

Việc phải đợi… kết quả ấy mà…

Vâng. Đúng là khó chịu thật.

Bà Zakreys dò xét hắn từ xa và chờ hắn nói thêm gì đó, nhưng khi thấy hắn im lặng, bà ta cảm thấy mình tử tế thế là đủ và quay lại bếp.

Hitler giam mình trong phòng.

Hắn ngồi khoanh chân trên giường và hút thuốc theo đúng bài bản. Hắn rít thuốc, cho khói xoay cuộn trong phổi rồi nhả ra những vòng khói dày. Hắn ngây ngất cảm giác như máu huyết mình đang sưởi ấm căn phòng.

Xung quanh hắn, cơ man những bức vẽ của hắn, áp phích các vở opera – Wagner, Wagner, Wagner, Weber,Wagner, Wagner, các bức phác thảo trang trí cho những vở kịch trữ tình và thần thoại mà hắn muốn viết với Kubizek bạn hắn, sách của Kubizek, những bản nhạc của Kubizek.

Cần phải viết cho Kubizek hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong một doanh trại. Viết… nói với cậu ấy rằng…

Hitler cảm thấy việc này quá sức hắn. Chính hắn là người đã thuyết phục Kubizek theo hắn rời Linz tới Viên, đảm bảo rằng cậu ta phải trở thành nhạc sĩ, thậm chí còn đăng ký cho cậu ta vào Nhạc viện, nơi đã nhận Kubizek ngay lập tức vào khoa xướng

âm, sáng tác và piano, chính hắn là người đầu têu chống lại những lời phản đối kịch liệt của hai gia đình, vậy mà giờ đây, hắn sắp phải thú nhận rằng, về phần mình, hắn đã không thành công trong bất cứ dự định nào.

Bà Zakreys gõ gõ vào cửa.

Việc gì đấy? Hitler quàu quạu hỏi để khỏi bị làm phiền.

Phải trả tiền phòng cho tôi đấy nhé.

Vâng, thứ Hai tôi trả.

Đồng ý. Nhưng không được chậm đâu đấy.

Nói rồi bà ta loẹt quẹt bỏ đi.

Hitler hoảng hốt nhìn quanh. Liệu hắn có thể tiếp tục trả tiền phòng được không?

Nếu đỗ vào trường Mỹ thuật thì hắn đã có học bổng dành cho sinh viên mồ côi.

Nhưng nếu không có số tiền ấy thì…

Ta còn có số tiền thừa kế từ cha ta! Tám trăm mười chín curon cơ mà!

Nhưng số tiền ấy hắn chỉ có thể nhận được khi đã đủ tuổi, nghĩa là năm năm nữa.

Từ giờ đến lúc ấy…

Tim hắn đập loạn xạ.

Hắn buồn bã nhìn quanh phòng. Hắn thậm chí không thể ở lại đây được nữa. Nếu là sinh viên thì hắn còn có thể hài lòng với cuộc sống thiếu thốn. Nay không còn là sinh viên nữa, hắn đã trở thành nghèo khó.

Sập ba lần cửa, hắn đi ra phố. Hắn muốn trốn chạy căn phòng của mình. Hắn phải đi, phải tìm cho ra một phương kế. Giữ lấy thể diện! Trước tiên phải cứu lấy thể diện cái đã. Sẽ không nói gì với Kubizek cả. Sau đó là phải moi đâu được tiền. Giữ lấy cái vẻ ngoài bình thường.

Hắn bước những bước dài không tiếng động trên vỉa hè của khu Mariahilf, một trong những khu phố nghèo nhất thành Viên. Khu phố lẽ ra trông phải mới vì vừa xây xong nhưng các tòa nhà đã lèn chật người, chưa gì đã nứt rạn. Một mùi hạt dẻ nóng nồng nặc tỏa ra từ mặt tiền khu phố.

Làm gì đây?

Chơi xổ số!

Hitler hoan hỉ. Đương nhiên rồi! Lối thoát đây rồi! Chính vì vậy mà ngày hôm nay mới trôi qua nặng nề đến thế! Cái gì cũng có ý nghĩa của nó. Số mệnh đã không cho hắn trúng tuyển vào trường Mỹ thuật là bởi nó đã dành cho hắn một sự bất ngờ thú vị hơn: trở thành triệu phú. Sự việc chiều nay chẳng qua chỉ là một thử thách mở màn, một đoạn đường hiểm trở nhưng chắc chắn phải dẫn đến nơi có ánh sáng: một tấm vé số! Thực ra, hắn chỉ thất bại để kiếm được nhiều hơn thôi.

Đương nhiên là phải thế rồi! Làm sao hắn còn nghi ngờ được cơ chứ? Tấm vé đầu tiên của người bán vé số gặp đầu tiên!… Tiếng nói cất lên trong thâm tâm bảo hắn. Tấm vé đầu tiên của người bán vé số gặp đầu tiên!

Vừa đúng lúc đó, sau một cái lò sưởi với những viên than hồng rực làm đen cả những cây hạt dẻ, xuất hiện một người tàn tật đang bán vé số cho người qua đường.

Hitler nhìn kẻ bị phù thũng trước mắt mình mà ngỡ như thần thánh đang hiển linh hay đúng hơn là điềm trời xác tín. Hạnh vận đây rồi, ngay trước hắn, đang ngồi trên một cái ghế gấp bằng vải bố, hai chân đặt trong rãnh lề đường, mang hình dạng một kẻ vô gia cư móm mém, chân tay như những khúc dồi. Như trong một câu chuyện cổ tích mà hồi bé hắn nghe mẹ đọc.

Hitler bồn chồn rờ tay lên túi. Hắn còn đồng nào không nhỉ? Diệu kỳ thay, trong túi hắn còn đúng số tiền đang cần. Lại thêm một điềm may nữa.

Tim đập thình thịch, Hitler tiến lại gần đống thịt mọng nước và nói:

Cho tôi một tấm vé.

Tấm nào, thưa ngài? Người đàn ông cổ quái hỏi và đưa con mắt lờ đờ cố níu cậu thanh niên lại.

Cái đầu tiên tay ông chạm phải.

Hitler say mê nhìn bàn tay của con hải cẩu trong bộ dạng người đang lần lần từng tấm vé, lưỡng lự, rồi dứt khoát rứt phựt một tờ vé số.

Đây thưa ngài. Có thể nói rằng ngài đã gặp may đấy.

Tôi biết, Hitler đáp gọn, mặt đỏ bừng.

Hắn cầm tấm vé, áp vào ngực và chạy biến đi.

Từ nay hắn được cứu rồi. Hắn ôm tương lai vào lòng. Hitler tin chắc rằng người mẹ quá cố, từ nơi xa xôi nào đó trên trời, đã gửi cho hắn ý tưởng cứu rỗi ấy.

Cảm ơn mẹ, đứa con vừa nói vừa chạy, mắt hướng lên những vì sao bị những mái nhà tối thẫm che khuất.

***

Đơn đặt hàng đầu tiên…

Adolf H., tóc tai xơ xác, áo ngủ nhàu nhĩ, mắt còn sưng húp vì trận bia đêm trước, vừa gãi gãi bên đùi trái vừa nhìn cặp đôi dị hợm đang đứng chẹn lối vào hành lang: bà Zakreys lùn và phốp pháp với Nepomuk hộ pháp, ông hàng thịt nổi tiếng của phố Barberousse. Họ đứng vặn vẹo vụng về trước mặt hắn. Trông họ thiếu tự nhiên, khẩn khoản, gượng gạo như những người anh em họ xa đến thăm.

Nepomuk luôn mơ ước có một cái biển hiệu do một họa sĩ vẽ, bà chủ nhà trọ thỏ

thẻ.

Đúng vậy. Một cái biển hiệu đẹp có tên tôi và có cả màu nữa, Nepomuk đồng ý. Đơn đặt hàng đầu tiên… Đúng là đơn đặt hàng đầu tiên… Ngay từ bây giờ, đã có

người muốn cầu đến tài năng của họa sĩ Adolf H.. Cậu thanh niên cảm thấy ngạc nhiên đến mức không nói lên lời làm Nepomuk nghĩ rằng cậu không quan tâm đến lời đề nghị của ông ta.

– Đương nhiên, cậu sẽ được trả công, ông ta nói giọng nhỏ hơn.

Tất nhiên, bà Zakreys hào hứng hùa theo.

Cậu còn trẻ, chàng trai ạ. Cậu mới vừa đỗ vào trường Mỹ thuật thôi, tôi không thể trả cậu như khi cậu đã tốt nghiệp rồi.

Adolf H. sung sướng nghĩ rằng vài năm nữa chắc chắn giá của hắn sẽ cao hơn. Lần đầu tiên trong đời, hắn thấy lợi ích của việc già đi.

Cậu còn trẻ. Thậm chí trong một chừng mực nào đấy, tôi phải chịu rủi ro khi thuê cậu làm việc đó.

Tôi đề nghị thế này, Adolf cắt ngang. Bây giờ chúng ta sẽ đưa ra một cái giá. Nếu ông thích cái biển hiệu thì trả tiền. Nếu không thích, ông không phải trả tiền.

Cặp mắt ti hí của ông hàng thịt nheo lại. Chàng nghệ sĩ đang nói một thứ ngôn ngữ mà ông ta hiểu.

Tôi thích cách làm việc như vậy, chàng trai ạ. Vậy thì đến lượt tôi cũng vậy, tôi sẽ đưa ra một đề nghị thú vị. Tôi sẽ trả hoặc bằng tiền hoặc bằng hàng. Mười curon bạc, hoặc hai cái xúc xích một ngày trong một năm, tức là hơn mười curon…

Bà Zakreys uốn éo.

Ông thật hào phóng, ông Nepomuk à.

Đương nhiên bà Zakreys sẽ có một phần hoa hồng nhỏ vì bà ấy đã giới thiệu chúng ta với nhau.

Bà chủ quán trọ cười rinh rích vì sung sướng và lẩm bẩm cái gì đó bằng tiếng Séc mà không ai hiểu được. Adolf thấy rõ rằng bà góa đang để mắt đến ông hàng thịt đầy thế lực này.

Cậu tân sinh viên có vẻ hơi chán vụ mặc cả không xứng với tài năng của mình tí nào. Sắp trưa rồi. Cái đói cồn cào trong dạ dày. Hắn mơ màng, thèm thuồng nghĩ đến bữa trưa của mình.

Một năm xúc xích hả?

Một năm xúc xích! Bắt tay đồng ý nào chàng trai!

Và Adolf để Nepomuk siết lấy bàn tay nghệ sĩ mảnh mai trong bàn tay hộ pháp của ông ta.

Khoảng ba giờ, hắn đi ra phố Barberousse để thực hiện đơn đặt hàng đầu tiên. Nepomuk hô lên hào hứng khi thấy Adolf và vỗ vào lưng hắn không kém phần mạnh mẽ, cứ như thể đang đón con rể đến chơi vậy.

– Lại đây, tôi đã chuẩn bị hết rồi.

Ông hàng thịt núng nính đi đến phía sau cửa hàng màu nâu xỉn, khai như nhà vệ sinh công cộng.

Xin mời! Ông chủ hàng thịt dang tay kiểu cách, tự hào như một nhà ảo thuật vừa biểu diễn xong một tiết mục và ra hiệu để mọi người vỗ tay.

Cảnh tượng thật kinh khiếp. Quả nhiên, Nepomuk đã chuẩn bị tất cả: ông ta đặt một tấm gỗ mới nguyên để vẽ bảng hiệu trên một cái kệ ba chân và ở phía đối diện là

một cái phản. Trên đó, ông ta đã tự soạn bố cục của bức tranh, các món đặc sản đủ loại của cửa hiệu được bày la liệt, thủ lợn, lưỡi bò, móng giò, óc cừu, gan, tim, phổi, bầu dục, xúc xích, dồi, xúc xích Ý, xúc xích bò lợn, giăm bông, lòng, tai bê, tất cả các sản phẩm làm nên niềm kiêu hãnh cũng như sự thịnh vượng của cửa hàng Nepomuk.

Adolf cảm thấy buồn nôn.

Tôi phải vẽ tất cả những thứ này à?

Sao hỏi vậy? Cậu không biết vẽ à?

Biết chứ. Nhưng tôi đã tưởng tượng một cảnh trong thần thoại, chẳng hạn như một cảnh trích từ một vở opera của Wagner trong đó…

Cậu nói lung tung gì thế chàng trai? Tôi muốn cậu vẽ tất cả những gì tôi bán cho khách hàng. Không gì khác. À quên! Phải có tên tôi trên đó nữa. Còn lại, cậu làm như cậu muốn. Tôi trả công cho cậu vì cái đó mà.

Adolf nghĩ đến những gì Michel-Ange phải làm khi ông còn là họa sĩ của lão giáo hoàng thô lậu Jules đệ nhị: thời nào cũng vậy, định mệnh đã chẳng muốn thiên tài phải chịu đôi điều sỉ nhục hay sao? Hắn nuốt nước bọt, gật đầu đồng ý.

Tôi có bao nhiêu thời gian?

Bao nhiêu tùy cậu. Nhưng tôi báo trước với cậu là sau ba ngày, đống thịt sẽ biến chất và màu sắc sẽ thay đổi.

Nepomuk ục ịch phá lên cười, phát vào lưng Adolf một cái rồi quay ra cửa hàng nơi khách hàng đang đợi, ồn ào như một đàn gà bị nhốt.

Đứng trước đống bút chì và cọ vẽ, một nỗi sợ thoáng qua đầu Adolf. Hắn không biết bắt đầu từ cái gì. Phải vẽ phông trước khi vẽ chủ đề? Hay là làm ngược lại? Vẽ than? Vẽ chì? Màu nước? Màu dầu? Hắn tuyệt nhiên không biết gì về những chuyện đó.

Bắt đầu thôi! Hắn không thể là kẻ mạo danh vì hắn đã được nhận vào trường Mỹ thuật rồi cơ mà. Sáu mươi chín người bị trượt. Chẳng phải hắn đỗ rồi sao? Hắn ắt phải biết mình làm được gì chứ.

Hắn sắp xếp lại đống thịt trên tấm phản. Khó khăn lắm hắn mới tìm được một bố cục hài hòa. Cuối cùng, hắn bắt tay vào công việc: hắn là một họa sĩ được người ta biết đến, hắn sẽ chứng minh điều ấy.

Suốt ba ngày ba đêm, chỉ thỉnh thoảng hắn mới rời khu sau cửa hàng của Nepomuk để nghỉ vài giờ bắt buộc. Hắn chỉ còn để tâm đến những khối thịt này, đến nét vẽ trên tấm bảng ra sao, màu sắc pha vào nhau như thế nào, đến cách xen lẫn những vân màu hồng với màu trắng trên miếng giăm bông, tô đỏ cho phông đen để thể hiện độ sâu của miếng thịt lưng, tán mịn màu be trên màu ghi để làm miếng chả lợn trông ngon hơn, đánh bóng bằng tay những khúc xúc xích cervelas to và ngắn, tìm một cái bút lông cứng và thưa để tái hiện những đốm trắng trên miếng xúc xích Ý. Vì luôn trong trạng thái hưng phấn, hắn bỏ hẳn ăn và chỉ sống bằng khói thuốc trong

những lúc nghỉ tay.

Thỉnh thoảng, ông hàng thịt đảo qua xem cái bảng hiệu tiến triển thế nào. Những hoài nghi, chê bai ban đầu đã nhường chỗ cho sự tán dương bằng sự im lặng kính cẩn.
Hơi thịt thối rữa bốc ra nồng nặc trộn với mùi nước tiểu hấp hơi. Trong cái nóng ngột ngạt của nhà kho, thịt bị thiu và thối rữa nhanh hơn bình thường. Sườn và thịt thăn, những thứ khó vẽ nhất, đã bắt đầu bốc mùi xú uế. Một thứ mùi khăm khẳm, nặng nề, lưu cữu, một thứ mùi hấp hối làm không khí trong phòng quánh lại, khung cảnh tựa như một bức tranh rùng rợn của một họa sĩ bậc thầy. Adolf không còn biết là mình mệt, buồn nôn hay lợm giọng nữa. Bồn chồn không yên, hắn chỉ còn một mục tiêu duy nhất: hoàn thành bức tranh.

Với Adolf giờ đây những bức tranh của Cranach và Breughel miêu tả địa ngục như một cái lò quay thịtdường như là một hình dung quá lý tưởng về thế giới bên kia: địa ngục thật sự chính là công việc này đây. Cái công việc đóng đinh hắn vào cái hốc này của lão hàng thịt, ghi lại trên tấm bảng của lão hình ảnh của những đống thịt thối ri rỉ nước vốn chẳng có mấy đường nét này.

Ngày thứ năm, hắn vẫn chưa kết thúc bức tranh. Hắn chỉ còn lại vài giờ đêm nay vì sáng mai hắn sẽ phải đến trường Mỹ thuật: năm học đã bắt đầu.

Hắn điên cuồng vẽ. Các ngón tay đau đớn vì cọ vẽ đã làm trầy xước làn da mỏng. Cặp mắt sưng mọng gần như chỉ chớp theo phản xạ. Không hề gì! Hắn sẽ hoàn thành bức vẽ.

Đến nửa đêm, hắn đã hoàn thành phần tranh vẽ, chỉ còn lại phần chữ.

Sáng ra, bảng hiệu đã được hoàn thành. Vừa vặn trời sáng.

Sáu giờ sáng, Nepomuk từ phòng ngủ xuống đến nơi và nhìn thấy tác phẩm.

Mắt tròn xoe, miệng há hốc, ông ta nhìn chằm chằm vào biển hiệu của mình hồi lâu, sững sờ.

Adolf nhìn ông hàng thịt và chợt thấy Nepomuk giống hệt một cái xúc xích to, một cái xúc xích to vừa dài vừa rộng, không cổ, phần trên được thắt lại thành một cái đầu bé tí, một cái xúc xích mặc quần áo, với vài sợi lông từ cổ áo xổ ra.

– Đẹp tuyệt vời!

Những giọt nước mắt sung sướng và xúc động lăn trên má Nepomuk.

Xem kìa, một cái xúc xích biết khóc, Adolf máy móc nghĩ.

Cây xúc xích dang tay ghì chặt chàng họa sĩ.

Rồi Nepomuk khăng khăng giữ Adolf ở lại ăn trưa cho bằng được. Adolf tự nhủ lấy lại sức đôi chút có lẽ không phải là vô ích bởi vì hai tiếng nữa, hắn sẽ phải đối diện với buổi học đầu tiên.

Hắn nuốt chửng tất cả những gì Nepomuk nấu cho trong cái chảo của ông ta và khi định cho vào bụngthêm vài giọt cà phê thì hắn thấy ngộp thở.

Hắn chỉ có một phút để chạy ra cuối vườn nôn thốc nôn tháo tất cả những cái đã

ăn ở cửa hàng của Nepomuk.

Từ nay thì cạch! Cạch hẳn! Hắn quyết định rồi. Từ ngày hôm đó, hắn sẽ không bao giờ ăn thịt nữa. Hắn sẽ trở thành người ăn chay. Vĩnh viễn là như vậy!

Hắn vội vã quay trở về quán trọ của bà Zakreys, lau rửa qua loa ở lavabô rồi thay quần áo. Tuy mặc quần áo mới và đã tắm rửa nhưng Hitler vẫn tin chắc rằng người mình vẫn ám mùi thối rữa.

Rồi hắn chạy đến trường.

Hắn chỉ gặp bạn bè được một phút thì chuông vào học đã rung, cả lũ leo lên lớp học ở tầng năm, xưởng vẽ ốp kính.

đó, hắn và các bạn học ùa vào một căn phòng được sưởi quá ấm. Cạnh một cái bục đặt đầy gối, một lò sưởi nóng đến mức làm người ta uể oải.

Mỗi sinh viên ngồi sau một giá vẽ. Thầy giáo phát chì than cho cả lớp.

Một người đàn bà bước vào, mặc kimono, bước lên bục và đột nhiên cởi thắt lưng ra, thả chiếc áo lụa tuột xuống đất.

Adolf H. không tin vào mắt mình nữa. Hắn chưa bao giờ nhìn thấy một người đàn bà khỏa thân. Người hắn nóng bừng lên, nóng khủng khiếp. Người đàn bà quá đẹp và thân hình nhẵn nhụi không một sợi lông trên cơ thể nâu vàng.

Như một cái xúc xích.

Đó là ý nghĩ cuối cùng trong đầu Adolf trước khi đổ gục xuống sàn, ngất lịm.

***

Vài phút nữa thôi, hắn sẽ trở nên giàu có.

Cả tuần trôi qua nhanh quá, chỉ như một cơn rùng mình. Đúng là phải đợi, nhưng niềm tin chắc chắn trúng số đã giúp hắn trải qua những ngày dài vô vị như một ánh chớp.

Tờ vé số nóng và ẩm trên tay, Hitler đợi lúc người ta niêm yết kết quả.

“Kẻ nào trong tim có đức tin, kẻ đó có trong tay sức mạnh lớn nhất thế giới.” Câu nói mà đôi môi rất đẹp của mẹ thầm thì với hắn là cây gậy giúp hắn đứng vững, vừa là thức ăn vật chất, vừa là thức ăn tinh thần. Hắn đã nhịn ăn và vượt qua thử thách của sự thất bại: một lần nữa, hắn lại tin vào mình, tin vào số phận của mình.

Người nhân viên xổ số đi xuống đường và mở cái hộp có nắp kính nơi ông ta sắp dán tờ kết quả.

Trống ngực Hitler đổ dồn. Hắn tiến lại gần chỗ dán kết quả. Hắn không thể hiểu nổi.

Lầm lẫn ở đâu nhỉ? Trên tấm vé của hắn chăng? Hay trên tờ kết quả mà người nhân viên xổ số trưng ra? Nhưng Hitler biết chắc chắn đã có một sự lầm lẫn: một thỏa thuận giữa ông trời, mẹ hắn và hắn, một khế ước thiêng liêng, buộc hắn phải trúng xổ số. Thậm chí Hitler không được nhận vào trường Mỹ thuật chỉ là vì cái giá này, vì có sự bù đắp này. Mọi việc rõ như ban ngày, ấy vậy mà.

Sự nhầm lẫn vẫn còn nguyên đó.

Hitler đã xem đi xem lại hai mươi lần, so từng số một, chỉnh lại các con số hết theo chiều xuôi lại đến chiều ngược. Chẳng có gì thay đổi. Sự khác biệt vẫn sờ sờ đó. Trầm trọng thêm. Ngoan cố thêm…

Hitler thấy toàn thân trĩu xuống, nặng nề, lạnh lẽo và tê liệt.

Thực tế đã thắng. Điều diệu kỳ đã chạy trốn.

Vũ trụ đã không giữ dù chỉ là một lời hứa. Hitler cô độc trên cõi đời này. ***

Tất cả bạn bè đều lấy làm khâm phục khi nghe chuyện của Adolf H. Được đặt hàng vẽ bức tranh đầu tiên khi mới mười chín tuổi! Hơn nữa lại là một bức tranh Chúa giáng sinh để trang trí cho một nhà thờ tư nhân! Của một bá tước! Một bá tước nổi tiếng đến nỗi Adolf từ chối không tiết lộ danh tính! Câu chuyện này nhanh chóng đến tai tất cả các sinh viên năm thứ nhất. Cũng như chuyện Adolf đã lăn ra ngất…

Hắn phát sợ buổi vẽ khỏa thân lần tới. Nếu lần tới hắn vẫn bấn loạn tinh thần trước người đàn bà trơ trẽn và dâng hiến nọ, người ta sẽ vĩnh viễn coi hắn chỉ là một gã trai tơ nhát gái.

Vậy nên, khi có thời gian rảnh, Adolf ở lại phòng, chép lại tranh đàn bà khỏa thân từ một hợp tuyển tranh khắc. Hắn tập chế ngự cơn bấn loạn của mình. Vẽ một cặp đùi, lượn nét đôi gò bồng đảo đều làm hắn thấy xúc cảm trào dâng, căng cứng phần dưới cạp quần, thậm chí còn làm cho hắn tự mình đạt tới cực cảm nhưng không ngất đi. Không biết thế đã đủ chưa? Được sự cô đơn, được những bức tường bảo vệ, chỉ phải tái hiện lại đường nét bằng cây bút chì, hắn còn ít nhiều có khả năng tự chủ. Không gì đảm bảo rằng trước tấm thân ngọc ngà của một người đàn bà kề sát đến rợn mình, hiển hiện và trần trụi, hắn sẽ không ngất đi một lần nữa.

Giờ học định mệnh đã đến.

Các sinh viên ùa vào phòng kính nóng sực. Adolf, lúc nào cũng ở sau tất cả mọi người, gần như phải mò mẫm mới đến được chỗ giá vẽ của mình.

Người mẫu bước lên bục.

Có tiếng xì xào bực bội.

Đó là một người đàn ông.

Ngạo mạn, vênh váo, vẻ mặt khép kín, mắt gần như nhắm lại, hoàn toàn thờ ơ trước sự bất mãn của bốn mươi thanh niên đang kỳ động dục, anh ta cởi bỏ chiếc quần, khởi động đám cơ bắp khô chắc của mình và uể oải đứng trong tư thế của một lực sĩ.

Adolf cảm thấy nhẹ nhõm vượt quá những gì mong đợi. Hắn tươi cười nhìn sang đám bạn đang thất vọng tràn trề, còn họ thì chẳng buồn để ý đến hắn.

Adolf cầm cây chì và bắt đầu vẽ.

Hắn chợt nghe thấy những tiếng xầm xì ở góc trái lớp. Một vài sinh viên đang thì

thào trao đổi, khẽ rít lên vì phẫn nộ.

Sau khi nghe ngóng và biết rằng không phải họ đang nói về mình, Adolf không để ý đến nhóm người đó nữa và tập trung vào bài vẽ của mình.

Đột nhiên, bốn sinh viên quẳng bút, thu dọn đồ đạc rồi xăm xăm bước ra cửa và trước khi rời phòng, họ quay lại nói với thầy giáo:

– Không chấp nhận được! Tuyệt đối không thể chấp nhận được!

Thầy giáo ngoảnh mặt như thể ông không nghe thấy gì và bốn sinh viên nổi đóa sập cửa bỏ đi.

Adolf quay sang cậu bạn Rodolph ngồi bên.

Họ làm sao vậy?

Họ không chịu vẽ người mẫu này chứ sao.

Tại sao? Vì đó là một người đàn ông à?

Rodolph bĩu môi cho thấy anh ta lên án phản ứng của bốn người kia.

Không, bởi vì anh ta là người Do Thái. Adolf choáng váng.

Người Do Thái? Nhưng làm thế nào mà họ phân biệt được?

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.