Nửa Kia Của Hitler
2.
Lần đầu tiên trong đời Hitler cảm nhận được công dụng của lòng hận thù. Bây giờ, khi kẻ thù đã được xác định, hắn hít thở thoải mái hơn. Người Slavơ ư? Một lũ mọi rợ khát máu. Người Anh ư? Một lũ rắn độc lạnh lùng và tàn ác. Người Pháp ư? Quân đế quốc tham lam và ngạo mạn. Đó là những sắc thái duy nhất do sự căm ghét đến xương tủy của Hitler mang lại. Vậy cái gì tốt đẹp? Nước Đức và chỉ có nước Đức mà thôi. Nước nào xấu xa? Tất cả những nước còn lại. Cuối cùng thì hắn cũng đã xác định được thế giới quan của mình. Hắn không mất thời gian suy nghĩ nữa. Một người bạn khen rượu vang Pháp ngon trước mặt hắn ư? Hắn sẽ phản bác lại là không gì có thể ngon hơn rượu vang làm từ nho vùng sông Ranh. Một người khác nhắc đi nhắc lại rằng pho mát Pháp ngon tuyệt vời ư? Hắn sẽ coi anh ta là quân phản nghịch. Người ta nói với hắn rằng quân thù rất can đảm ư? Hắn sẽ bẻ lại là không nên nhầm lẫn giữa lòng can đảm và sự man rợ. Hắn chẳng khó khăn gì để tìm được câu trả lời cho mọi chuyện. Hắn, người luôn luôn chậm chạp và trì độn trong các cuộc đối thoại, bỗng trở nên nhiều lời, nhiều ý kiến, nhiều khẩu hiệu. Lắm mồm. Bất tận. Hắn đã hiểu rằng trước mọi câu hỏi đặt ra cần phải thiên vị. Hạnh phúc chỉ có được với giá này. Cả sự thanh thản nữa. Hitler vừa cởi bỏ được nỗi hoài nghi, những cung bậc tình cảm, mọi đòi hỏi khắt khe mà những ông giáo già của hắn đã gắn một cách ngu ngốc với óc phê phán, những cái mà giờ đây hắn cho là những triệu chứng của sự tha hóa. Đám trí thức này là những bộ óc đã khô kiệt, không còn cảm giác, bị cắt rời khỏi con tim. Những con người bệnh tật. Những người già. Những kẻ đang hấp hối. Những kẻ yếu ớt. Đúng vậy, Nietzsche đã nói đúng. Những kẻ yếu đang cố gắngkéo những kẻ mạnh và lành mạnh vào sự yếu ớt của chúng bằng cách biến những suy nghĩ xuẩn ngốc củachúng
thành tinh thần chân lý. Chân lý ư? Người ta cần chân lý để làm gì? Tại sao lại theo đuổi một chân lý có lợi cho kẻ thù? Chẳng ra làm sao cả. Chúng ta chỉ phải theo đuổi chân lý có lợi cho ta mà thôi. Cho chúng ta. Nước Đức tối thượng. Trên tất cả.
Sau vài tuần huấn luyện, Hitler và những “anh điên xung phong”(11)khác đã rời Munich và đi dọc dòng sông Ranh để tiến về phía Tây. Trước dòng sông, lòng Hitler trào dâng một cảm xúc gần như thần thánh. Dòng sông Ranh chảy về phía trước, rộng và hùng vĩ, nước màuxanh lơ đẹp tuyệt, những cánh rừng dựng hai bên bờ sông như những tấm ri đô tối màu che khuất những ngôi làng yên bình, tắm trong ánh mặt trời, phủ rợp hoa, những ngôi làng từ đó vút lên một cái tháp chuông, tiếng chuông ngân nga hay một khúc dương cầm xưa cũ. Đó là nước Đức, dòng máu màu lục bảo của hắn, chốn cực lạc của hắn. Hắn sẽ chiến đấu để bảo vệ điều đó. Ngực hắn giờ trở nên quá nhỏ không chứa nổi bầu nhiệt huyết trong hắn. Miễn là nước Đức đừng chiến thắng quá nhanh. Khi hắn giật tờ báo trong tay người bán báo dạo và lướt qua những tít lớn, thường là những tin chiến thắng hoặc tôn vinh những người anh hùng, thì sự cay đắng lại nhỏ giọt chua xót của mình vào niềm vui chân thành của hắn. Mỗi chiến thắng mới đều làm hắn lo lắng. Liệu hắn có ra chiến trường quá muộn không?
Đoàn tàu thả họ ở xứ Flandre vào một đêm lạnh lẽo và ẩm ướt. Khi đoàn quân đang đến lán trại ở gần Ypres, một tiếng nổ lớn vang lên, một quả đạn pháo bay qua đầu họ và nổ tung phía sau một hàng quân. Chớp lóe lên… Những mảnh đạn. Mười người chết ngay tại chỗ. Khói và bụi còn chưa tan thì Hitler đã rú lên:
– Hu ra!
Hai trăm cái họng đồng thanh hô:
– Hu ra!
Hitler hớn hở: hay quá, vẫn chưa quá muộn.
Họ đi đến biên giới nơi tành tạch tiếng súng, ì ùng tiếng đại bác, những người sĩ quan đang hét to, những người bị thương gào thét, những xác người rơi ra ngoài chiến hào đang hấp hối, và ở đó, trong một chiếc lán dã chiến ghép bằng những tấm ván xiêu vẹo, Hitler cuối cùng cũng thiếp đi trong giấc ngủ của Người-đến-đúng-lúc, trong tiếng ru của chiến tranh.
Ngày hôm sau, hắn bật dậy và chiêm ngưỡng cuộc sống trong doanh trại.
Những người tải thương gáy đỏ lựng và ướt đẫm mồ hôi đang chui ra từ hàng ki lô mét chiến hào, hào giao thông, hào lấn, gấp rút di chuyển những người lính tử trận đêm qua và phân loại người chết, người bị thương.
Bác sĩ và y tá không để phí một giây. Sau lưng họ, người ta đang tiêm, cắt bỏ, di tản. Người ta đã dùng vải bạt dựng lều liệm những người xấu số; một người thư ký đang ghi lại tên những người mất tích, một người khác đang viết thư cho gia đình tử sĩ; một viên trung sĩ đang phân phát lại đống bốt, vũ khí và thắt lưng, tất cả những gì chưa bị hỏng. Lúc đó những sĩ quan công binh, kỹ sư công sự, kỹ sư nước đến; là
những người chuyên nghiệp, họ chỉ nhìn bãi chiến trường theo chuyên môn của mình; họ ra lệnh cho những nhóm người làm việc ở đó: cần phải đào mới, đào lại, xây dựng hầm trú ẩn, xâydựng lại những chỗ đã làm trước đó, dựng lại những thanh chống bằng bê tông, đổ lại những thanh chốngmới, làm mộc, chống đỡ, nhấc lên, san bằng, trát lại hay hạ độ cao, đắp đất, đào đất, khoan giếng mới, đặt đường ống mới để nước chảy, chữa lại đường ống cũ, đóng hố xí cũ, mở những hố xí mới. Những phân đội làm việc trên chiến trường, gồm những người lớn tuổi phần lớn đã mất sức, đang tràn vào hầm hào và công sự như những con kiến để dọn sạch tất cả. Những người phụ trách pháo binh kiểm tra các ổ liên thanh còn chưa bị phá hủy. Sĩ quan phòng khí độc tung ra một cuộc báo động giả để kiểm tra xem mọi người đã được trang bị mặt nạ chưa và quát mắng những người mất hơn mười lăm giây mới đeo được mặt nạ vào. Thư đến. Những người lính anh nuôi mang đến một cái chậu bánh mì nhúng sữa nóng. Tất cả những thứ ấy thật đáng ngưỡng mộ, một sự tổ chức tuyệt vời. Trước sức mạnh trí tuệ ấy, trước sự huy động tất cả các kỹ năng, trước cái xã hội hoàn hảo, toàn diện ấy, Hitler hoàn toàn bị chinh phục.
Hắn được chọn làm lính liên lạc thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 2 bộ binh. Nhiệm vụ của Hitler là truyền lệnh của bộ tham mưu tới lính chiến đấu. Hắn làm việc dưới quyền thượng sĩ Hugo Gutmann, một người đàn ông điển trai, tóc nâu với bộ ria bóng láng, thân hình vạm vỡ – vai rộng, eo thon – mắt sáng, giọng sang sảng, trông như hình ảnh một hạ sĩ quan thường thấy trên những tấm tranh khắc và ngay lập tức Hitler đã ngưỡng mộ thượng cấp.
Hãy nói với mọi người là bốn ngày nữa sẽ được thử lửa lần đầu tiên. Những bốn ngày, đó sẽ là một sự chờ đợi không thể chịu đựng nổi.
Hitler dành thời gian nói chuyện với những người lính đã ra mặt trận từ vài tuần
nay. Hắn hy vọng thu thập được câu chuyện về những tấm gương anh hùng, nhưng hầu hết những người hắn gặp lại là những con người đơn giản, hay phàn nàn, đầu óc chỉ để vào những tiểu tiết của cuộc sống thường ngày như ăn xúp lúc mấy giờ, xúp có ngon không. Ban đầu hắn hơi thất vọng. Sau đó, hắn nhận ra rằng những người hắn tiếp chuyện không thích đề cập đến những đêm chiến đấu. Chuyện dễ hiểuthôi! Họ không để bị vướng víu trong mớ lời nói như những người ở hậu phương hay làm. Họ là những con người của hành động! Khi quan sát họ kỹ hơn, hắn nhận thấy đúng là họ thay đổi hoàn toàn khi màn đêm buông xuống: từ chỗ lờ đờ họ trở nên hoạt bát, vẻ mệt mỏi biến đi đâu mất, một luồng điện mới làm cơ bắp họ căng lên, mắt sáng lên. Hitler vì thế càng trở nên ghen tị và sốt ruột.
Cuối cùng thì hoàng hôn của ngày thứ tư cũng tới.
Người ta thông báo sẽ tấn công vào tối nay. Không phải là mai phục trong chiến hào mà là ra ngoài tấn công. Đi ra phía đồng bằng. Tấn công bất ngờ vào sườn quân địch. Chiếm thêm đất. Đêm đen sẽ là thời điểm thích hợp nhất.
Hitler hòa mình vào đội quân.
Hắn không ở tuyến đầu – lính liên lạc không bao giờ ở hàng đầu cả – mà hắn sẽ truyền những mệnh lệnh quan trọng của ban chỉ huy, trận đánh sẽ không ra gì nếu không có hắn.
Một loạt đạn vang lên. Đạn pháo rơi như mưa trong màn đêm. Tiếng pháo sáng lách tách vọng lại từ xa, chập chờn.
Đơn vị của Hitler trèo lên khỏi chiến hào tiến vào rừng. Quân Pháp ở cách đó không xa. Một loạt súng vang lên.
Hitler truyền mệnh lệnh. Phải chạy dọc cánh rừng này.
Hắn chạy. Hắn hét. Hắn chạy. Hắn chửi.
Có tiếng súng vang lên. Vài viên đạn bay đến găm vào vỏ cây. Vài người đồng đội hự lên rồi ngã xuống.
Hắn chạy.
Hắn thấy mình to lớn. Hắn thấy mình vĩ đại.
Hắn chạy.
Hắn trở thành một chiến binh. Hắn tấn công. Hắn chẳng sợ gì cả. Hắn không sợ chết, hắn sẽ trao nó cho người khác. Hắn là một chiến binh tuyệt đối.
Hắn chạy. Hắn nằm chúi xuống. Hắn bò. Hắn đứng dậy. Hắn chạy.
Hắn không còn là mình nữa, hắn chỉ còn là những phản xạ; cơ thể hắn thông minh hơn hắn; nó biết tất cả; nó cảm thấy tất cả. Cả cơ thể hắn là một. Cuối cùng cũng là một. Một cái đà. Chỉ là một cái đà. Cả một cái đà. Một cái đà đẩy hắn đi và vượt quá hắn. Sức mạnh tăng đến mức tối đa trong hắn. Cháy sáng trắng.
Hắn chạy.
Sự sống thật mãnh liệt. Mãnh liệt hơn bao giờ hết. Trước đó, hắn chỉ như hư không, vô vị. Giờ đây hắn tồn tại, siêu tồn tại.
Hắn chạy. Hắn ngã. Hắn chửi. Hắn cười. Hắn chạy.
Máu hắn rần rật trong huyết quản. Các giác quan căng lên nghe ngóng. Một thứ năng lượng tập trung trong hắn những sức mạnh chưa từng biết đến. Hắn chưa bao giờ nhìn rõ như thế, nghe thính đến thế. Chưa bao giờ các giác quan của hắn được mài sắc đến thế. Hắn là một người khổng lồ.
Con thú trong hắn đã thức giấc. Nó – con thú ấy – rất đẹp. Nhanh như tên. Không bao giờ cạn kiệt. Bản năng. Nghìn đời. Nó – con thú ấy – mạnh mẽ. Nó chúi mình xuống đất, khéo léo tránh một viên đạn, nó bắn, nó đứng dậy. Con thú ấy có tài đánh hơi tốt khủng khiếp. Nó luôn luôn tránh được lưỡi hái của tử thần. Ngược lại, nó dùng lưỡi hái ấy một cách đầy hiệu quả. Uyển chuyển. Thành thục.
Đúng vậy, con người trong Hitler đã chết. Con thú đã thế vào đó.
Hắn chạy. Hắn bắn. Hắn chạy.
Đây là lửa. Đây là đạn đã lên nòng. Đây là sự ngây ngất do nó mang lại. Ta hạnh
phúc. Ta chưa bao giờ hạnh phúc như bây giờ. Cuối cùng ta cũng tồn tại. Lạy Chúa tôi, cảm ơn Người đã cho con biết chiến tranh là thế nào.
***
Bây giờ, Adolf H. ghét cay ghét đắng lũ chim. Đó là một trong những hậu quả của cuộc chiến. Từ vài tuần nay, tai hắn dỏng lên mỗi khi nghe thấy tiếng động, dò tìm sự tồn tại của một mối nguy hiểm lớn lao mỗi khi sự yên lặng bị xé rách dù ở mức nhỏ nhất; người hắn căng lên mỗi khi nghe tiếng kêu kin kít như chim yến của những trái pháo sáng báo hiệu trận đánh bắt đầu; người hắn lao chúi xuống mỗi khi nghe thấy tiếng xé gió nhè nhẹ, tươi mới của một viên đạn lạc, dán mình xuống đất khi nghe tiếng rít ác hiểm của những quả đạn ghém, toát mồ hôi lạnh khi nghe tiếng xuỵt chết người của mảnh đạn sau khi đạn pháo nổ; tóm lại, ngay cả trong những buổi sáng yên bình, rực nắng nhất, những âm thanh lũchim phát ra cũng không thể không làm hắn nghĩ đến cái chết.
Ngày hôm đó, trời ở Champagne đẹp đến mức người ta ngỡ đó là một thiên đàng nơi hạ giới. Adolf, Neumann, Bernstein và một vài người khác được nghỉ ngơi đôi chút. Họ đi ra đồng cỏ, men theo một con suối và ở lại đó.
Mọi người nhảy ào xuống tắm, trần truồng, giữa làn nước trong mát. Lấy cớ là đi tắm nhưng sự thật là họ cần tìm lại được một thân xác dùng được vào một việc gì đó khác ngoài việc bắn giết. Khi đã trút bỏ bộ quân phục, áo khoác, ghệt, bao đầu gối, đãy hai túi, vũ khí, họ mới gầy làm sao! Làm thế nào mà người ta có thể đeo từng ấy thứ trên người nhỉ?
Adolf thả mình theo dòng nước, hơi xa chỗ những người khác đang bơi. Chỉ mỗi Bernstein là không xuống tắm. Anh ngồi im trên bờ, mặc nguyên quần áo, nhá nhá những cọng cỏ. Con mèo nham nhở sẹo đang âu yếm cọ cọ vào đôi bốt của anh. Adolf đưa mắt nhìn thân thể những chàng trai quanh mình. Ngay cả sự trần truồng giờ đây cũng trở thành một kiểu đồng phục. Ngay cả những làn da trắng, những đường cong gân guốc vùng thắt lưng, ngay cả những vùng cơ hai đầu săn chắc, những bàn chân to lớn, vụng dại, ngay cả cái bộ phận nam tính vùi trong vùng lông hình tam giác, ngay cả cái bọng dưới đung đưa, vô ích, lạc loài cũng trở thành đồng phục. Những con thú. Ban đêm, ta không chiến đấu như một người Áo chống lại người Pháp, ta thậm chí không chiến đấu như một con người chống lại những con người khác; ta chiến đấu như một con thú chống lại cái chết. Ta cứu cái mạng của mình. Ta bắn vào cái chết, ta ném lựu đạn vào cái chết, không phải vào kẻ thù. Ban ngày, ta cũng là một con thú. Ta chỉ mong tiêu hóa được. Ăn. Ngồi một tiếng trong nhà xí, chổng mông phụt ra một bãi lỏng lỏng. Rồi ăn. Ngủ một chút. Ăn. Cuộc sống bị bó gọn lại thành sự sống. Thành cuộc đấu tranh sinh tồn.
Hắn ra khỏi nước và châm một điếu thuốc. À, có chứ! Mình còn hơn cả một con vật vì mình hút thuốc. Theo mình biết thì một con chuột hay một con hươu cao cổ thì
không bao giờ hút thuốc. Cảm ơn quân đội nhé. Ngày ngày, người ta phân phát cái gì đó để cải thiện phần người trong họ, để họ đặt mình cao hơn cái dã man. Năm điếu xì gà. Mười điếu thuốc lá. Một củ cà rốt để gặm. Trao đổi sau đó ra sao là tùy họ. À đúng rồi, cả cái này nữa, hàng đổi hàng, đó là dấu hiệu của sự tiến hóa. Mình đánh giá thấp bọn mình mất rồi. Xin lỗi nhé. Hắn ngồi xuống, trần truồng, bên cạnh Bernstein. Theo phản xạ, con mèo cọ mình vào đùi hắn nhưng nó chợt nhảy dựng lên, khiếp sợ, khi nhận thấy người Adolf ướt đẫm.
Con mèo nhăn nhó làm họ bật cười.
Cái giống mèo bao giờ cũng khiếp nước.
Xem ra chúng cũng giống cậu đấy, Adolf nói với Bernstein.
Ôi tớ thì, với tớ thì mọi chuyện phức tạp hơn một chút. Bernstein ngoảnh mặt ra chỗ khác để Adolf không hỏi nữa.
Neumann lộn nhào rồi nhảy nhót tiến lại gần các bạn, nhí nhảnh đến mức trông
như một đứa trẻ nghịch ngợm đang cởi truồng. Một lần nữa Adolf chiêm ngưỡng sự tương phản giữa làn da bủng beo và bộ râu quá đen, quá bóng, bao lấy cái mũi hếch tự hào và phập phồng của Neumann: trông anh như được vẽ bằng mực tàu.
Tớ muốn các cậu nói xem lúc bốn mươi tuổi các cậu sẽ ra sao, Bernstein hào hứng nói, tay gãi gãi cái bụng êm ái của con mèo.
Cậu bảo sao? Trước tiên hãy nói xem tại sao cậu không tắm?
Ôi, cậu cũng đừng dính mũi vào chuyện đó nữa, Neumann. Hiện nay đang có một thứ dịch truyền nhiễm. Tất cả mọi người đều phải làm cùng một chuyện như nhau. Tất cả đều phải ra trận. Tất cả phải bị giết trên chiến trường. Tất cả cùng phải ăn một thứ đồ ăn chán như cứt. Sau đó, tất cả đều không thể ỉa ra cứt, cứt thật ấy. Tất cả đều phải tắm. Tất…
Thôi thôi. Tớ hiểu rồi. Tớ thôi đây. Chúng ta phải kể gì đây?
Kể cái mà mình sẽ làm từ hôm nay đến lúc chúng ta bốn mươi tuổi. Vì không chắc sáng mai có còn sống hay không, tớ thấy tưởng tượng sẽ là một cái thú. Tại sao lại phải nhịn tưởng tượng nhỉ? Các cậu đồng ý không?
Đồng ý, Neumann nói.
Đồng ý, Adolf nói.
Ai nói trước đây?
Thật khó có thể suy nghĩ vào lúc này. Nếu gặp câu hỏi này vài tháng trước đây, họ đã trả lời không khó khăn gì nhưng chiến tranh đã áp đặt sự hiện diện mãnh liệt của nó, họ không còn liên hệ cả với quá khứ lẫn tương lai. Mỗi người phải cố gắng mới có thể nhớ lại được con người trước kia của mình và cái mình trông đợi trong một cuộc sống tốt hơn sự sống sót thuần túy hiện nay.
Tớ nhé? Adolf nói khi chắc chắn rằng mình không cắt ngang mạch suy tư của các bạn.
Nói đi.
Nói đi.
Nếu ngày mai không còn chiến tranh, tớ muốn quay lại Viên với các cậu, dành hẳn vài ngày để nấu những món ăn ngon nhất trên đời cho cả bọn, sau đó tớ lại vẽ. Tớ chưa tìm được phong cách của riêng mình. Tớ vẫn đang luôn luôn bắt chước ai đó. Tớ có quá nhiều thần tượng, cả Bernstein trong đó nữa. Tớ ngưỡng mộ thần tượng đến mức tranh của tớ chẳng có chút phong cách cá nhân nào. Tớ muốn vượt qua được giai đoạn làm kỳ nhông của mình.
Thế năm bốn mươi tuổi cậu sẽ ra sao? Bernstein hỏi.
Tớ sẽ trở thành một họa sĩ vững tay, kiếm được nhiều tiền, có tranh khổ nhỏ được một số nhà sưu tập tinh tế bỏ tiền mua và họ hy vọng mua được những tấm khổ lớn của tớ.
Thế còn đời tư của cậu?
Hoan lạc. Chỉ toàn hoan lạc. Có nhiều người đàn bà bám lấy tớ. Có thể sẽ trẻ hơn tớ một chút, chủ yếu là để đổi vị so với hiện nay. Đàn bà. Đúng vậy, tớ cần thật nhiều đàn bà.
Đến lượt cậu, Neumann.
Tớ thì đơn giản thôi các cậu ạ: ở tuổi bốn mươi, tớ trở thành họa sĩ sân khấu nổi tiếng nhất nước Áo và nước Đức thống nhất. Người ta không thể dựng một vở của Wedekind, của Debussy hay của Richard Strauss mà không có tớ. Còn một điều nữa là tớ lấy tiền công rất cao.
Thế còn đời tư?
Chẳng tư riêng gì hết. Tớ muốn có một người vợ chung thủy. Nàng tôn thờ, sùng bái tớ, đẻ cho tớ sáu đứa con, tự tay rửa đít và nuôi dạy chúng. Một vài nhân tình giàu có, những người không cưỡng lại được sức cuốn hút từ tài năng của tớ. Phần lớn họ là những nữ diễn viên. Và một mối tình lớn qua thư với một người đàn bà huyền bí, xa xăm, chỉ nghĩ đến việc bảo vệ thiên tài của tớ.
Chỉ thế thôi ư?
Tớ mới phác những nét thô thôi.
Cả bọn phá lên cười. Neumann đã miêu tả cái hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của anh bây giờ. Duy có mỗi chi tiết anh say mê thiết kế trang trí sân khấu là đúng.
Adolf quay sang Bernstein.
Thế còn cậu.
Tớ ấy à? Tớ hy vọng mình sẽ hoàn thành được một bức vẽ đáng nhìn.
Nhưng cậu đã vẽ được rồi đấy chứ! Hai mươi bức rồi! Adolf phản đối.
Không được cắt ngang, đã quy định rồi cơ mà. Tiền bạc ư? Chắc chắn tớ sẽ kiếm được.
Nhưng cậu đã kiếm được rồi mà. Trên thực tế, cậu có tất cả rồi.
Có thể. Dù gì thì khi tớ bốn mươi tuổi điều tớ hy vọng nhất là không phải nói dối các cậu nữa.
Adolf và Neumann đau đớn nhìn Bernstein. Lần này, Bernstein không đùa. Môi anh run lên.
Cậu nói dối bọn tớ, cậu ấy à?
Các cậu là bạn thân nhất của tớ và tớ vẫn chưa thể trần truồng trước mặt các cậu.
Trần truồng? Ôi trời! Cậu đùa đấy à! Trần truồng thì có ích gì? Cậu là người hay ngượng ngùng, vậy thôi.
Thậm chí là kín đáo quá đáng nữa.
Nhưng điều đó không quan trọng!
Mặc cho Adolf và Neumann phản đối, Bernstein vẫn cụp mắt xuống. Anh không giấu được những giọt nướcmắt đang làm xót mi mắt đỏ lựng của mình.
Tớ không thể để cho các cậu thấy con người thật của mình. Không thể nói với các cậu rằng khi nói chuyện về đàn bà thì tớ toàn giả vờ vậy thôi.
Giả vờ gì cơ? Cậu không cùng gu với bọn mình, vậy thôi. Cậu thích các cô gầy
gầy.
Không, Bernstein nói. Tớ giả vờ là mình có gu giống bọn cậu. Tớ thích đàn ông
cơ.
Adolf và Neumann im lặng.
Bernstein sợ hãi ngẩng đầu lên, nghĩ rằng các bạn vẫn chưa hiểu.
Tớ thích cái ấy của đàn ông.
Adolf và Neumann ra hiệu để trấn an bạn rằng họ đã hiểu rồi, không cần phải nói thêm nữa.
Một cặp gà lôi bay vụt lên từ một bụi cây rậm rạp. Trên dòng sông, đám lính càu nhàu vì không có súng trong tay. Họ vừa nhìn thấy hai suất gà rô ti bay vòng vòng về phía Nam.
Adolf và Neumann tiếp tục im lặng. Giữa khung cảnh điền viên trữ tình ấy, nơi ngay ngoài rìa kia, chiến trường đang gầm gừ đe dọa, lời thú nhận của Bernstein vừa là chuyện động trời vừa chẳng có gì hệ trọng. Đành rằng họ có hơi rùng mình vì là bạn thân của một con người đã che giấu một góc tối trong mình như thế, nhưng ở đây, trên cánh đồng này, nơi sáng sáng người ta lại xếp xác những thanh niên đã chết thành từng hàng, bị sốc vì điều đó là chuyện nực cười! Chuyện đụng chạm xác thịt mới vô nghĩa làm sao khi mỗi ngày người ta phải nhặt nhạnh những thân xác bị xé toang, khi người ta ngả lêncáng những con người sắp bị hoại thư hay cưa cắt một phần cơ thể! Làm sao có thể xếp loại người này hơn người khác dựa trên một thứ tầm phào, riêng tư và chẳng ảnh hưởng đến ai như thế? Làm sao Adolf vàNeumann có một giây nào đó dám nghĩ là mình tôn quý hơn Bernstein, người thầy, đứa trẻ, thần tượng của họ chỉ vì họ thích được hưởng cái cảm giác sung sướng giữa hai đùi người đàn bà còn Bernstein
thì không?
Adolf chấm dứt sự căng thẳng bằng cách ôm hôn Bernstein.
Cậu là bạn của bọn mình. Cậu đã làm đúng khi thổ lộ điều ấy với bọn mình. Chẳng có gì phải xấu hổ cả.
Neumann cũng làm như vậy.
Bernstein vẫn còn run, vừa sung sướng vừa e ngại.
Các cậu nói thật chứ?
Thật đấy.
Các cậu không kinh tởm mình ư?
Không. Nhưng bọn mình cũng muốn cậu tắm táp một chút. Nói đùa thôi. Bernstein cúi đầu như thể bị bắt lỗi.
Tớ phải đợi mọi người đi đã. Họ gây “hiệu ứng” lên tớ. Tớ sợ là…
…sợ mọi người sẽ nhận ra “hiệu ứng” hả?
Cả ba cùng phá lên cười. Mọi chuyện đã chấm dứt. Họ không còn bị chia rẽ nữa.
Cả chuyện đó nữa, họ có thể đùa với nhau được rồi.
***
Con chó này của ai?
Thưa thượng sĩ, của lính liên lạc Hitler ạ.
Hãy nói với anh ta lên gặp tôi.
Thượng sĩ Hugo Gutmann vừa gãi gãi cái đầu hạ sĩ quan đẹp trai của mình vừa bước vào sở chỉ huy.
Lính liên lạc Hitler rõ ràng là người cuối cùng mà ông nghĩ tới có khả năng nhận nuôi một con chó hoang. Ông thấy anh lính này không có gì để chê trách cả, ngược lại, con người này luôn tỏ ra kiên cường, phục tùng mệnh lệnh, dũng cảm. Hitler cư xử như một người lính hoàn hảo, hoàn thành nhiệm vụ liên lạc một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn bất kỳ một người lính liên lạc nào khác, luôn luôn nguyên vẹn trở về bộ tham mưu, thông tin được chuyển tới nơi. Ông chẳng đã đề bạt anh ta lên cấp hạ sĩ rồi sao. Nhưng chính sự hoàn hảo ấy lại làm ông có đôi phần lo lắng. Hugo Gutmann có cảm giác là lòng yêu nước đã bóp nghẹt tất cả các tình cảm khác trong Hitler. Cô độc, không thư từ, không có nhu cầu nói chuyện tiếu lâm – cái giúp người ta chịu đựng được sự khủng khiếp của chiến trường, anh lính liên lạc này lên án mọi sự bông đùa, những câu chuyện nhả nhớt. Hugo Gutmann, người rất yêu đàn bà – và đàn bà làm ông thấy thoải mái – đã vô tình nghe được đoạn đối thoại làm ông sửng sốt:
Thế nào Adi, cậu chắc là không muốn đi cùng bọn mình đến chỗ mấy em gái vui vẻ hả?
Thật nhơ bẩn! Không thể chấp nhận được! Các cậu đi ngủ với mấy con người Pháp hay người Bỉ ư! Thế cái danh dự người Đức của các cậu để đâu?
Không phải ở chỗ đó. Chúng tớ ngứa ngáy lắm rồi. Thôi nào Adi, đi với bọn tớ
đi. Dù gì thì cũng có những cô gái người Đức ngon nghẻ trong nhà chứa.
Không, tôi không có thời gian để mất vào những chuyện như thế.
Thôi đi. Cậu đừng khiến chúng tôi tin là cậu lại sẽ tiếp tục đọc cái ông Schob…
gì đó của cậu.
Schopenhauer! Có chứ!
Nói xem nào Adi, vậy thì người ta nói đúng ư? Rằng cậu chưa bao giờ yêu một cô gái nào?
Tôi không có thời gian để mất cho những việc tương tự và không phải ngay ngày mai tôi sẽ làm chuyện đó.
Câu chuyện làm Hugo Gutmann ngớ người, ngạc nhiên quá đỗi. Tay lính liên lạc Hitler không nhận ra rằng mình là người lố bịch. Ngược lại, anh ta cảm thấy tự mãn, không chỉ nghĩ mình làm đúng, anh ta còn cho mình ưu việt hơn người. Đứng trên sự trinh nguyên của mình, anh ta đè bẹp các đồng đội. Gutmann đã rùng mình khi nghĩ rằng may mà cấp trên của mình không như thế. Nếu điều đó xảy ra, ông sẽ e ngại mệnh lệnh của họ. Làm thế nào để có thể chỉ huy người ta nếu chính anh không thuộc về loài người? Với ông, Hugo Gutmann, thì dường như việc ông xứng đáng với chức vụ của mình là vì ông giống những người lính dưới quyền mình, không dũng cảm hơn, cũng không hèn nhát hơn, cùng có những ham muốn như nhau, cùng có những lúc tục tĩu như nhau, giống những người khác, tầm thường, nhưng ông chỉ hiểu nhiều hơn họ một chút.
Tiến lại gần cửa sổ, ông nhìn thấy con chó đang rối rít lao về phía chủ, dường như nó đang bị lây sự kích động ấy. Anh ta ngồi xuống, mỉm cười và âu yếm vỗ vỗ vào đầu con vật. Sau đó, anh ta cho nó chơi bằng cách ném một cành cây ra xa. Cuối cùng, khi anh ta đang dạy con chó đứng trên hai chân sau thì có lệnh gọi.
Hugo Gutmann vê vê bộ ria, vẻ nghi hoặc. Rốt cuộc, ông đã nhầm. Tay Hitler cũng có cái gì đấy con người. Càng tốt. Nhưng điều này không thuận lợi cho ông chút nào. Về mặt nguyên tắc, ông không muốn có con vật nào hiện diện trong trại. Tuy nhiên, nếu tay Hitler này cần phải yêu cái gì đó và được yêu thì… Quỷ thật! Để rồi xem sao!
Thưa thượng sĩ.
Gutmann nhìn hạ sĩ Hitler đang giơ tay chào, bơi trong bộ quần áo thùng thình vì quá gầy, da mặt bủng như chì, mắt lõm vào, ria mép bù xù, một gã tội nghiệp. Liệu ông có nên tước bỏ niềm vui duy nhất của gã hay không?
Hạ sĩ Hitler, tôi cho triệu tập anh để… thông báo với anh là… tôi đã đề nghị tặng thưởng cho anh huân chương Thập tự sắt.
Nét mặt người lính liên lạc sáng lên, da căng lên vì xúc động. Mi mắt hắn nháy nháy vì không tin.
Huân chương Thập tự sắt hạng hai, tất nhiên rồi. Với huân chương hạng nhất thì
còn phải… chờ sau này.
Gutmann ngoảnh mặt đi, gần như thấy ngại ngùng vì sự xúc động mãnh liệt mà mình vừa gây ra.
Anh có thể về được rồi.
Cảm ơn thượng sĩ. Ngày nhận được huân chương sẽ là ngày đẹp nhất đời tôi.
Tôi không nghi ngờ điều đó. Anh xứng đáng được tặng thưởng như vậy, Hitler, anh xứng đáng với phần thưởng ấy. À mà con chó ở đằng kia là của anh đấy hả?
Vâng, thưa thượng sĩ. Tôi đã tìm thấy nó trong chiến hào, nó bị lạc. Tôi đang huấn luyện nó.
Rất tốt, rất tốt.
Tôi đặt tên cho nó là Foxl.
Rất tốt. Rất tốt. Nếu nó không làm vướng chân đại đội thì tôi nghĩ là… tôi có thể chấp nhận… người bạn đồng hành của hạ sĩ.
Tôi yêu nó. Nó chỉ nghe lệnh của tôi.
Gutmann ngồi xuống. Ông đặt ngón trỏ lên ria, giả bộ đang vân vê để giấu sự bối rối, vừa thương hại vừa muốn phá lên cười. “Tôi yêu nó. Nó chỉ nghe lệnh của tôi”. Con quỷ tội nghiệp, do phải tuân theo quá nhiều mệnh lệnh, đến lượt mình nó cần phải ra lệnh cho người khác. Hitler diễn vai thượng sĩ, con chó làm lính. Làm sao ông không nghĩ ra điều ấy sớm hơn nhỉ? Một sự bù trừ… Không phải là tình yêu mà là một sự bù trừ.
Gutmann biết rằng tính hay giễu cợt của mình sắp làm ông mất vẻ nghiêm túc. Hai giây nữa thôi ông sẽ phá lên cười… Ông rút khăn mùi soa khỏi túi và giả vờ hắt hơi.
– Chúc thượng sĩ như ý_.(12)
Tay Hitler này thực sự có tài nói những câu ngớ ngẩn: “Chúc thượng sĩ như ý.” Vì thế, Gutmann hắt hơi thêm một lần nữa.
Cảm ơn hạ sĩ Hitler. Anh đi được rồi.
Thượng sĩ làm rơi cái này.
Hitler cúi xuống nhặt mẩu vải rơi từ túi thượng sĩ xuống sàn nhà. Hắn nhận ra đó là một cái kippa(13).
Gutmann bối rối chộp lấy cái mũ chỏm rồi vội vàng đút ngay vào người. Ông không muốn thuộc cấp biết nguồn gốc của mình. Ông đang chỉ huy với tư cách là một người Đức, không phải với tư cách người Do Thái. Trong các tầng lớp bình dân đã có quá đủ những biểu hiện phân biệt chủng tộc bột phát đe dọa tới sự uy nghiêm của ông.
Ông nhìn Hitler, vẫn đang tươi cười không tỏ chút gì bối rối trước cái vừa phát hiện ra. “Mình gặp may! Anh ta không phải là người bài Do Thái! Hitler là một loại máy móc, không phải là con người, nhưng anh ta không bài Do Thái.”
– Cảm ơn, anh có thể đi được rồi. Đương nhiên, tất cả những gì đã nói ở đây phải
được giữ bí mật. Ý tôi là việc đề nghị tặng thưởng huân chương Thập tự sắt cho anh, tất nhiên.
Khi Hitler quay về với con chó của mình, con vật hình như cũng hiểu rằng chủ của mình sắp được tặng thưởng huân chương Thập tự sắt, nó rối rít vui mừng. Hitler kể với con chó hàng mớ chi tiết về cuộc nói chuyện của mình với thượng cấp rồi hắn ca ngợi những đức tính của thượng sĩ Gutmann. Hitler yêu quân đội nên hắn yêu thượng sĩ Gutmann, biểu tượng hoàn hảo của một người sĩ quan, đẹp, thanh mảnh, mạnh mẽ, giọng nói sang sảng, ngôn từ nhã nhặn. Như thường lệ, Foxl dành cho ông chủ một sự chú ý hơi phân tán nhưng dường như nó đồng ý với chủ.
Hitler càng sung sướng hơn khi hắn vừa kết thúc ba ngày nghỉ bắt buộc dành cho những người lính liên lạc và ngay từ tối nay, hắn sẽ đi công tác ba đêm.
Để chuẩn bị cho cuộc tấn công, hắn rút quyển sổ nhỏ màu ôliu của mình ra và lẩm nhẩm tính. Từ đầu cuộc chiến, hắn đã thống kê số lượng thương vong của trung đoàn mình: hơn tám mươi phần trăm quân số đã chết. Ban đầu trung đoàn có ba nghìn sáu trăm người, hiện còn sáu trăm mười một người sống sót. Tuy có những cái chết không được tính vào số thương vong vì đó là chết do nhầm lẫn. Trung đoàn xứ Saxe và xứ Wurtemberg đã bắn vào trung đoàn Munich vì nhầm tưởng họ là quân Anh. Nhầm. Không nên giận họ hơn thế để làm gì. Vả chăng, những người đáng lẽ phải tức giận nhất – những tử thi – thì nay không còn khả năng phản đối nữa. Nhưng dù sao thì máu cũng đã chảy nhiều trong vụ này. Trong khi đó, cái làm Hitler quan tâm nhất không phải là con số thương vong mà là con số những người sống sót. Hay chính xác hơn, ai là người sống sót.
Hắn đã thoát khỏi mọi hiểm nguy. Làm thế nào mà hắn chưa bao giờ bị trúng đạn? Tại sao những quả đạn ghém luôn bay trệch khỏi người hắn? Tại sao cả đạn pháo cũng tránh hắn? Hắn buộc phải tự đặt ra cho mình đặt ra câu hỏi đó.
Hai tuần trước, giữa ban ngày, khi hắn đang đứng tương đối xa mặt trận, gần lán tham mưu Fromelles, chợt một trận oanh tạc đổ xuống, trầm đặc, nghe có vẻ êm êm, hắn đi về phía chiếc xe của đại tá List để xem xét. Tay tài xế đang nằm dài trên bãi cỏ cách chiếc xe hai chục mét gọi hắn lại giữa đường để hỏi chuyện. Hitler dừng lại và nói chuyện khoảng ba mươi giây. Một quả đạn pháo rơi xuống làm nổ tung chiếc xe.
chính cái chỗ mà lẽ ra Hitler sẽ đứng nếu hắn không dừng lại trả lời tay lái xe. Chỉ còn lại vài mảnh tôn, vài bộ phận của mô tơ tung tóe khắp nơi và một làn khói đen nhạt bốc lên từnhững chiếc bánh xe đang cháy.
Ngẫu nhiên chăng?
Vài phút sau, hắn chạy cùng Schmidt và Bachmann trong đường hào để truyền một mệnh lệnh, liệu có phải cũng lại là ngẫu nhiên chăng khi điều không thể tin được lại xảy ra? Cơn lốc lửa không chừa một ai. Mặt đất rung lên vì dư chấn của đạn đại bác. Trong bóng tối, các tia lửa tóe ra loẹt xoẹt. Những tiếng rít lanh lảnh xé toang
không khí, cắm phầm phập những mảnh thép vào cây cối và da thịt. Ba người lính liên lạc dán mình xuống đất hồi lâu, vai và đầu chúi dưới bao cát, thu mình lại như rùa. Họ phải chịu đựng một trận bắn dồn dập, từng tràng đạn nổ trên không và đạn nổ khi chạm mục tiêu bay sát sạt. Hitler lăn sang bên phải. Một giây trước đó hắn đã hiểu rằng sau cái tiếng xoèn xoẹt mỗi lúc một thanh hơn, quả đạn pháo sẽ rơi đúng chỗ hắn. Một cú chạm đất nặng nề, mặt đất phía bàn tay phải của hắn rung lên. Đất sét văng đầy người hắn. Quả đạn không nổ.
Tại sao chính quả đạn này lại không nổ? Ngẫu nhiên chăng?
Hay có thể nói là có một sự che chở nào đó?
Đúng vậy. Một sự che chở lạ kỳ đang bao bọc Hitler bằng một tấm áo giáp không gì xuyên thủng được?
Tối hôm đó, quân Anh và quân Pháp mở màn trận đánh một cách rầm rộ và đầy uy lực, dường như họ quyết tâm tiến hành một trận đánh điên cuồng.
Hitler cột con chó của mình sau tòa nhà Fournes nơi đặt ban tham mưu và vội vã đi về phía Fromelles. Ở đó, người ta cử Hitler, Schmidt và Bachmann tới một sở chỉ huy tiền tiêu. Bao giờ người ta cũng gửi lính liên lạc đi thành nhóm để chắc chắn là mệnh lệnh được truyền đạt ngay cả khi một trong số họ bị trúng thương.
Nhọc nhằn lắm họ mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Khi đi vào tòa nhà, Hitler chợt linh tính một điều gì đó vừa mơ hồ, vừa mãnh liệt. Hắn thấy miệng có vị lạ, thấy mình như cây đèn dầu leo lét và cảm giác có tai họa đang đến. Chúa ơi, nếu chúng ta thua trận đêm nay!Hay đó là Foxl. Ai đó đã cởi dây buộc Foxl. Không, đó là chiến tranh. Tôi không biết. Hắn ra khỏi tòa nhà, hơi mất phương hướng một chút và hít thở thật sâu bầu không khí mát lành của buổi đêm để lấy lại sức.
Vụ nổ đẩy hắn ngã chúi xuống đất.
Một quả đạn pháo vừa bắn trúng sở chỉ huy. Nó vừa nổ tung trong tòa nhà. Một lò mổ. Những thi thể đẫm máu. Sọ thủng. Ngực vỡ toác. Chân bị tiện cụt. Trong đó có rất nhiều người: trực tổng đài, lính liên lạc, hai đại úy, một thiếu tá. Schmidt và Bachmann lúc đó đang ở trong và người ta không thể phân biệt được họ ở đâu trong cái đống bầy nhầy ấy. Người ta phải mất hai tiếng để mang tất cả các thi thể và mảnh sót lại ra khỏi đó. Khi ra vào vận chuyển, những người tải thương giẫm nát những cục máu đông dính đầy bụi. Vài mảng da người sót lại dính bết vào những vạt tường còn chưa đổ.
Lần này, Hitler không băn khoăn gì nữa. Hắn cả quyết. Không phải ngẫu nhiên mà hắn luôn bình an vô sự. Hắn được bảo vệ. Định mệnh đã cho hắn cái linh tính lạ kỳ xui khiến hắn đi ra ngoài tòa nhà ấy. Một loại khế ước đã được ký kết giữa Ông trời và hắn cho hắn tham gia vào cuộc chiến này. Cho hắn chiến thắng. Và sống sót ra khỏi cuộc chiến.
Khi thượng sĩ Hugo Gutmann đến nơi nhìn thấy cảnh tượng ấy, ông rụng rời chân
tay.
Hitler giật nảy mình khi nhìn thấy thượng cấp. Hắn vừa nhận được thêm một lời khẳng định. Trong đầu hắn đã thoáng sợ rằng thượng cấp của mình cũng bị xé nát trong cái đống đổ nát kia. Nếu quả đạn cối đã tránh thượng sĩ Gutmann, điều ấy có nghĩa là Hitler chắc chắn sẽ có huân chương Thập tự sắt.
Số phận đã trải thảm đỏ cho hắn. Hắn tìm lại được cảm giác ngây ngất hồi còn thơ, cái cảm giác rằng không gì có thể trụ mãi được trước sức mạnh nghị lực của hắn.
Không, hắn đã có bằng chứng, một bằng chứng lặp đi lặp lại: mọi chuyện không phải là ngẫu nhiên. Trời cao đã ưu ái hắn. Sao bản mệnh luôn chỉ đường dẫn lối cho hắn. Hắn không như những người khác: số mệnh của hắn đã được định trước.
***
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.