Nửa Kia Của Hitler
5.
“Lucie thương mến,
Làm sao tôi có thể tưởng tượng được ngày về sau chiến tranh lại đáng thất vọng đến thế? Suốt bốn năm, dưới lửa đạn chiến hào, ở bệnh viện gần Lucie, tôi đã lên lại dây cót tinh thần của mình khi nghĩ đến sau này. Sau này đến sau tất cả những nỗi ghê sợ của chiến tranh, cáisau này vì nó mà chúng ta đã chống chọi vì tất cả và với tất cả. Cái sau này rốt cuộc cũng đến. Trống không. Rỗng tuếch. Đớn đau.
Sau khi chôn cất Bernstein, chúng tôi đã quay lại Viên, Neumann và tôi. Không thể chịu đựng được, chúng tôi có cảm giác bị đóng đinh vào ký ức của mình khi vẫn còn sống. Nhìn đâu cũng thấy Bernstein, trong xưởng vẽ mà chúng tôi đã lấy lại, trong những bức tranh của anh ấy mà chúng tôi lại có dịp chiêm ngưỡng, trong những quán cà phê nơi chúng tôi đã ghé cùng nhau, ở trường Mỹ thuật nơi người ta đã đề nghị chúng tôi đọc bài ca ngợi “người đồng chí can trường đã ngã xuống trong trận đánh” của chúng ta, cứ như thể chúng tôi muốn tôn vinh người lính Bernstein lắm ấy…
Chúng tôi đã tìm lại được thế giới của mình nhưng nó đã biến dạng khi trở về với chúng tôi. Tất cả mọi điều ở cái thành Viên năm 1919 này đều làm chúng tôi thương tổn: sự phồn hoa của nó – cứ như thể nó chưa từng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh – thế hệ trẻ của nó – tôi vừa nhận ra rằng mình đã ba mươi – thói bài ngoại sâu sắc của nó, khiến cho nguy cơ của những cuộc chiến mới lại lởn vởn quanh đây, những cuộc tranh luận trí thức không có hồi kết mà tôi không còn đủ sức để theo dõi sau bốn năm sống trong man rợ.
Neumann làm tôi lo lắng ngay sau khi Bernstein mất đi. Cái chết của bạn chúng tôi làm anh ấy đau đớn đến nỗi trí óc đảo lộn, không thể chịu được cú sốc lớn như thế, đã biến sầu não thành thù hận. Từ đầu, anh ấy đã chửi rủa chiến tranh, bộ chỉ huy, đám bác sĩ bất lực. Khi về đây, anh ấy quay sang thù ghét những người ở hậu phương, những kẻ được thuyên chuyển về một vị trí không phải chiến đấu và ở lại hậu phương, những kẻ lợi dụng, những kẻ đã cả gan làm việc và làm giàu trong khi
Bernstein bị biến thành bia đỡ đạn. Khi chúng tôi vào xưởng vẽ hay đến nhà những người buôn tranh, lúc nào anh ấy cũng gay gắt chỉ trích những bức tranh dở “không sánh kịp một bức phác họa của Bernstein”. Có hôm, tôi đã phải giữ anh ấy lại khi anh ấy định đấm chết một tay sưu tầm đã chẳng may thú nhận là mình chẳng biết Bernstein là ai cả. Chính anh ấy cũng ngạc nhiên khi thấy đã tự để cho mình trở nên hung hăng quá đáng đến vậy, anh ấy đã thỏa thuận với tôi rằng sẽ không để chuyện này tiếp diễn mãi như vậy được. Từ đó, anh ấy tạo cho tôi cảm giác rằng anh ấy đã bình tĩnh lại cho đến khi tôi phát hiện ra rằng anh ấy đã dùng sự hung hãn của mình vào một việc khác và rằng… nhưng điều đó, tôi sẽ kể cho Lucie nghe sau.
Có một điều lạ lùng đã đến với tôi. Tôi đã trải qua một đêm diệu kỳ như cái đêm với Lucie trong căn phòng nhỏ của những người chờ chết.
Quay lại xưởng vẽ, tôi nhận ra rằng tay mình, mắt mình, đầu óc mình và cả những gì nữa tôi không biết đã bị mòn gỉ. Như một người nghệ sĩ dương cầm trở về sau kỳ nghỉ, tôi chạy gam bằng những bức ký họa nhanh, tĩnh vật, chép tranh của các danh họa. Tôi đã phung phí giấy và toan để tìm lại được kỹ thuật vẽ của mình. Từ đáy lòng, tôi tương đối hạnh phúc khi vẽ những thứ chắc chắn sẽ đi thẳng vào sọt rác vì nó giúp tôi tránh phải nghĩ đến hai vấn đề cơ bản của một họa sĩ: phong cách và chủ đề.
Như tôi đã nói với xơ, xơ Lucie ạ, tôi là một họa sĩ có tài nhưng không phải là một thiên tài. Ở tôi còn thiếu cái độc đáo. Đó là vấn đề mà tôi đã vấp phải trước cuộc chiến: tôi đã trui rèn được một kỹ thuật vẽ khéo léo đồng thời không biết phải làm gì với nó. Một nhà tỷ phú không ham muốn tiêu pha. Một quyển từ điển tám nghìn trang không có gì để nói. Chắc chắn là đôi khi tôi cũng thể hiện được cảm xúc trong tranh của mình nhưng đó là những tình cảm được quy chuẩn trong một hình thức quy chuẩn.
Một đêm, chán nản vì điêu luyện kỹ thuật nhưng vô sinh trong sáng tác, tôi thả mình vẽ lăng nhăng không suy nghĩ. Tôi vẽ bừa bằng bút chì, chắp những yếu tố kỳ quặc vào với nhau như óc tưởng tượng của chúng ta vẫn làm trong những giấc mơ. Tôi vẽ để chơi, để thể hiện sự điên cuồng, điên cuồng đoạn tuyệt với cái hoàn mỹ kinh điển. Tôi vẽ một nữ tu – có lẽ đó chính là xơ đấy, xơ Lucie ạ – đang bay giữa một đám mây chim mòng biển. Những con mòng biển trắng hình tam giác đang tấn công một đám đạn pháo đen sì và đầy hăm dọa bay song song. Bên dưới là một bãi biển lớn màu sâm banh lúc triều xuống. Tôi đã đặt những ngôi sao biển lên bầu trời và đặt những ngôi sao trời trên cát. Tôi thêm vài mỏm đá trên bãi sỏi, những mỏm đá mềm mại và óng ánh dầu mà dưới nét vẽ của tôi, một vài mỏm biến thànhnhững người phụ nữ khỏa thân, lả lơi, gọi mời, một vài mỏm biến thành những đôi uyên ương đang tình tự. Tôi không hiểu mình đang làm gì nhưng tôi hoan hỉ như một thằng bé đang nghịch dại. Sau đó, tôi cho chui ra từ đá, những con hải cẩu nhỏ, những con hải cẩu non mở to đôi mắt biểu cảm, những sinh vật trắng nhỏ bé, mũm mĩm dễ khiến người ta mềm lòng mà tôi không có từ nào khác để định nghĩa là “xinh xinh”. Ngay khi vẽ cái râu cuối cùng trên bộ ria con cuối cùng, tôi cảm thấy cần phải giết bọn chúng. Đúng, xơ nghe rõ tôi nói chứ, tôi cầm khay màu và bắt đầu chọc thủng những cái tôi dành chừng ấy thời gian để hoàn thiện bằng những vết thương đỏ máu; Thậm chí tôi còn thêm vào những vũng máu. Tiếp đó, tôi vẽ một con hươu cao cổ khổng lồ. Đừng hỏi tôi tại sao, tôi sẽ không thể trả lời cho xơ được; cứ tạm nói là bức tranh cần phải có một chi tiết nằm theo phương thẳng đứng và con hươu cao cổ làmcái nhiệm vụ ấy, vả lại tôi cũng không vẽ hết con vật này; thay vào chỗ những cái chân, tôi vẽ chân tháp Eiffel. Tôi cảm thấy cần phải lấp đầy khoảng phía trên bên phải bức tranh và thay vì vẽ một thiên thể tôi vẽ một cái đồng hồ-mặt trời, một tạo vật khủng khiếp và lai tạp đang sưởi ấm và báo giờ nhờ vào những trục, vít, ròng rọc, bánh răng, một bộ máy mà cấu tạo của nó hút tôi như thể nó là một cơ thể sống.
Tôi thực hiện tất cả những điều ấy bằng những chiếc bút vẽ nét mảnh nhất, với một sự chăm chút tỉ mỉ, y như người ta chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi chơi ai đó một vố. Cuối cùng, tôi đặt tên cho bức tranh là Một ly nữa? hay tiếng động làm tôi mất ngủ. Vào lúc đó, cái tên nực cười ngu xuẩn của bức tranh làm tôi buồn cười nhiều đến mức tôi quyết định ghi nó vào bằng chữ hoa ở phía dưới bức tranh. Kiệt sức nhưng hài lòng, thậm chí không đủ sức trèo lên giường đi ngủ, tôi đã ngủ quên trên ghế băng trước kia là chỗ cho người mẫu.
Khi thức giấc, tôi thấy Neumann đang xem xét bức tranh trong ánh sáng ban ngày. Tôi thấy xấu hổ và giả vờ còn ngủ. Nhưng Neumann không đi. Anh ấy đứng trước bức tranh, xem xét, nghiên cứu nó.
Tớ biết, trông thật lố bịch! Tôi nói với từ xa. Anh ấy không trả lời.
Nó đã hút lấy tớ như vậy, tôi giải thích. Tớ vẽ không suy nghĩ, để xả hơi. Tớ sẽ vứt nó vào sọt rác như tất cả các thứ còn lại. Neumann đặt bức tranh xuống và đừng nhạo tớ nữa.
Cậu có biết bức vẽ thật tuyệt vời không?
Tôi sẽ không kể cho xơ, xơ Lucie ạ, cuộc cãi vã giữa chúng tôi hôm đó. Chúng tôi đã hét vào mặt nhau trong hàng giờ liền vì tôi không thể thừa nhận việc anh ấy coi tấm vẽ phác trong một đêm chán chường là chuyện nghiêm túc; tôi cũng không chịu được anh ấy ngưỡng mộ cái tôi vẽ ngoáy cho vui và rằng, qua đó, anh ấy coi thường tất cả những cố gắng của tôi từ trước mà đôi khi tôi cảm thấy tự hào biết bao. Về phần mình, anh ấy phẫn nộ trước sự mù quáng của tôi.
Đồ ngốc, cậu vừa hoàn thành tác phẩm độc đáo đầu tiên của mình mà lại không chịu nhận ra điều đó. Cậu vừa thực hiện một bức tranh theo kiểu Freud, một tác phẩm để vô thức được lên tiếng, một tác phẩm trông được vì các yếu tố được kết hợp tự do với nhau và thể hiện tình cảm của cậu một cách hiện đại. Mọi thứ đều thành công ở đây; sự tương phản giữa kỹ thuật vẽ – kinh điển, thậm chí “khoa trương” – và chất thơ hoang dại, kỳ dị; quan hệ giữa tên tranh và bức tranh, cái…
Nhưng cái tiêu đề chẳng nói lên gì cả!
Cậu nói lung tung gì thế? Một ly nữa? hay tiếng động làm tôi mất ngủ đương nhiên là câu chuyện về cuộc chiến mà cậu đã trải qua. Cậu đã chiến đấu ở Champagne, do đó có cái ly và màu của bãi biển… và cái tiếng động làm cậu mất ngủ chính là tiếng đạn pháo. Bức tranh của cậu miêu tả cảm giác ghê rợn mà chiến tranh đã gợi nên trong cậu.
Không thể tin được. Anh ấy giải thích tất cả trong khi tôi tin chắc rằng mình đã đáp lại những xung năng rời rạc. Anh ấy bình luận cái đồng hồ công nghiệp đang gặm mòn thời gian của con người, con hươu cao cổ tháp Eiffel thể hiện rõ nước Pháp cuốn hút tôi đến nhường nào, cuộc chiến ngang sức ngang tài giữa Thiện và Ác trong sự đối đầu của những con chim và đạn pháo… Tôi im lặng trong suốt quá trình anh soi tỏ những điều tôi đã làm.
Anh ấy đã kết luận như thế này:
Cho tới nay, cậu không làm được một thằng nghệ sĩ vì cậu nghĩ rằng phải làm chủ tất cả. Đêm qua, cậu đã trở thành một họa sĩ vì đó là lần đầu tiên cậu để mặc cho cảm xúc cuốn đi. Cậu có cảm giác là mọi chuyện rời rạc trong khi cậu thể hiện một ý nghĩa vượt ra ngoài tầm hiểu biết của cậu. Với tớ, họa sĩ Adolf H. đã được sinh ra vào đêm qua.
Rúng động, tôi ngừng phản bác và quyết định thử lại một lần nữa. Sau vài tuần, tôi buộc phải thừa nhận rằng Neumann có lý. Cuối cùng, dù không nhận ra và gần như do sơ ý, tôi đã tìm ra được con đường của mình.
Vậy là đêm hôm đó đã đưa tôi về đêm nọ. Đêm của chúng ta, xơ Lucie ạ. Trong cả hai trường hợp, đêmthoát chết và đêm sáng tạo, tôi không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mỗi lần có cái gì đó quan trọng đi qua đời tôi, cần phải có người ngoài – Lucie hay Neumann – chỉ cho tôi cái gì đã xảy ra. Càng được cưng chiều tôi càng bội bạc. Tôi không thể công nhận một cách dễ dàng rằng Chúa tồn tại hay cảm hứng đã đến với tôi. Đúng là tất cả chỉ là chuyện giải thích nó thế nào và rằng chúng ta có quyền tự do quyết định xem một đêm nào đó là một đêm màu nhiệm hay là một đêm chữa chạy, đầy cảm hứng hay là hoang tưởng. Tuy nhiên, vì Neumann đã thuyết phục tôi về tranh vẽ của mình, tôi đã quyết định, xơ Lucie yêu quý à, rằng trong trường hợp này, tôi sẽ để mình bị xơ thuyết phục về những cái liên quan đếnđức tin của tôi. Tôi thừa nhận vai trò của người khác trong việc cấu thành số mệnh của tôi. Tôi sẽ nghe lời hai người, xơ và Neumann. Hiện tại, đó chỉ là một ý nguyện nên nó là cái gì đó mỏng mảnh nhưng như Lucie đã nói trong thư trước, cuối cùng cái hạt cũng sẽ kết trái.
Liệu đó có phải là niềm vui khi cuối cùng cũng được trở thành người họa sĩ mà tôi vẫn hằng mong ước? Tôi trói mình trong công việc và không để ý đến xung quanh.
Một tấn thảm kịch đang hình thành quanh Neumann mà tôi còn có thể ngăn chặn được, mà vì thờ ơ, tôi thậm chí không nhìn thấy. Cần phải… nhưng thôi hãy kể lại câu chuyện theo trình tự của nó.
Tuy nhiên, tôi đã có tất cả các dấu hiệu mà đáng lẽ tôi phải giải mã chúng, nối kết chúng để có thể ngăn cản điều không thể tránh khỏi. Neumann, anh ấy cũng vậy, đang trải qua một giai đoạn khó khăn về mặt nghệ thuật. Khác với tôi, anh ấy có vô số ý tưởng nhưng lại chật vật khi thực hiện chúng. Anh ấy đã bị mắc chứng lý thuyết: năng lượng của anh ấy dồn hết vào việc chuẩn bị ý tưởng nên đến khâu thực hiện thì anh ấy chẳng còn gì. Đó là cái làm anh ấy xuất sắc và cuốn hút đến thế khi tranh luận nhưng gây thất vọng nhiều đến thế khi anh ấy cho xem một trong số ít các bức vẽ của anh ấy. Trở lạiViên, anh ấy quyết định chữa cho mình khỏi chứng cạn kiệt năng lượng vì lúc nào cũng gắn liền với một học thuyết nào đó để cuối cùng cũng đánh vật với chuyện chất liệu. Anh ấy khóa mình trong xưởng.
Một hôm, khi anh ấy chấp nhận cho tôi đến đó, tôi đã quan sát được mức độ thiệt hại. Neumann đã tìm cách vẽ như Bernstein, trên thực tế đó là một kiểu tiểu-Bernstein.
Cậu không thấy tuyệt vời à? Anh ấy hỏi tôi với một sự hào hứng đáng nghi ngờ.
Thật… đáng ngạc nhiên.
Xem cái chi tiết này xem, bên trái ấy. Trông gần như là Bernstein.
Chỗ này thì cậu nói đúng, trông thực sự như là Bernstein.
Anh ấy đỏ mặt vì sung sướng. Làm thế nào để nói với anh ấy cái cả hai chúng tôi ngưỡng mộ ở Bernstein thì tôi không còn ngưỡng mộ ở Neumann nữa? Làm thế nào đủ can đảm chỉ cho anh ấy thấy cái chi tiết trong nét vẽ biến Bernstein thành thiên tài độc nhất vô nhị chỉ còn là một kiểu cách mờ nhạt trên bức vẽ của Neumann? Tôi đã không tìm cách vượt qua trở ngại này. Chắc chắn đó là một sai lầm. Khi đó tôi lẽ ra đã có thể ngăn anh ấy không rơi xuống địa ngục.
Neumann hỏi tôi liệu anh ấy có thể ở trong phòng của Bernstein không? Tôi đồng
Sau đó, anh ấy lôi đống quần áo cũ của Bernstein ra và mặc vào, như để chơi. Điều này làm lòng tôi chùng xuống. Rồi tối tối, anh ấy đi đến những nơi mà tôi không biết. Bất chấp những lời rì rầm và sự kín đáo của anh ấy, thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng anh ấy về với ai đó, nhưng sáng ra, lần nào cũng vậy, chẳng bao giờ thấy mặt người ấy cả.
Tôi phải vắng mặt vài ngày để đến thăm dì Angela, em gái và cháu gái tôi. Trở về sớm hơn dự định, tôi vào xưởng mà không thận trọng gõ cửa để tặng cho anh ấy chỗ mứt nhà làm và trong xưởng, tôi phát hiện ra Neumann, trần truồng, đang ve vuốt một người đàn ông, người này cũng không một mảnh vải trên người. Nhìn tư thế nằm dài của họ biết ngay họ đang làm gì…
Tôi lúng búng, thậm chí tôi nghĩ là mình đã xin lỗi, rồi đi về khóa mình trong xưởng riêng. Tất cả đã rõ: Neumann tự coi mình là Bernstein. Bất lực, không chấp nhận nổi cái chết của bạn, anh ấy đã quyết định làm Bernstein sống lại trong con người mình.
Khi chỉ còn hai đứa chúng tôi, tôi nhận thấy anh ấy thậm chí không cảm thấy ngại ngùng vì đã bị tôi bắt gặp; ngược lại, bắt quả tang anh ấy đang sống như Bernstein, tôi đã khẳng định anh ấy trong cái bản thể mới của anh ấy. Anh ấy sung sướng.
Tôi đã rất nghiêm khắc. Dù tôi đã giữ im lặng suốt vài tuần liền, nửa vì thờ ơ, nửa vì tôn trọng, giờ đây tôi ép anh ấy dồn dập.
Bernstein chết rồi. Cậu không thể làm cậu ấy sống lại bằng cách bắt chước cậu ấy được. Cậu lầm rồi. Tranh của cậu đáng vứt đi. Và tớ chắc chắn là chuyện tình ái của cậu cũng thế bởi cậu chỉ yêu phụ nữ. Cậu đang lừa dối chính cậu một cách trầm trọng. Và cả tớ nữa. Tớ có cảm giác mất đi hai người bạn, Bernstein trong chiến tranh và Neumann khi trở về. Cả hai bọn họ đều đã biến mất.
Anh ấy không phản đối.
Anh ấy lặng người. Sau đó, sau hai giờ không nói gì, anh ấy chỉ nói mỗi một câu là tôi nói đúng.
Anh ấy quay vào xưởng của mình.
Khi nghe thấy tiếng ghế đổ, tôi hiểu ngay lập tức. Tôi phá cửa. Anh ấy vừa treo cổ. Tôi ôm anh ấy trong tay, như xơ đã làm với tôi, xơ Lucie ạ, và tôi đã nói chuyện
với anh ấy cả đêm.
Tôi đã nói với anh ấy rằng không nên để mối sầu não hành hạ mình. Rằng bây giờ, sau chuyện này, anh ấy không được sầu não nữa và phải học lại cách sống như thế nào. Tôi đã nói với anh chỉ có một cách duy nhất để sống sót trong cuộc chiến này, đó là quên nó đi. Anh ấy đã để mình bị quá khứ, bị Bernstein, bị nỗi khiếp sợ bắt kịp. Chúng ta phải đặt dấu chấm hết cho những cái đó như chúng ta đã làm ở Champagne, trên nấm mồ của bạn chúng ta và chuyển sang cái khác. Quên đi. Quên hẳn. Say sưa với cái mới. Chếnh choáng với hiện tại. Không bao giờ nhìn về phía sau. Bernstein, chúng ta mới chỉ biết anh ấy sơ sơ thôi. Chiến tranh, chúng ta không nhớ gì về nó nữa.
Sáng sớm, Neumann bật khóc và tôi biết rằng mình đã thắng. Chúng tôi đi Paris – chạy trốn chăng? – cả hai chúng tôi, ngay từ tối nay, và mãi mãi từ đây. Paris cũng lại là một ý tưởng của Bernstein nhưng đó chỉ là một ý tưởng; cả hồn ma của cậu ấy, cả kỷ niệm về cậu ấy sẽ không theo chúng tôi đến đó nữa. Neumann sẽ bình phục. Tôi sẽ gửi cho xơ địa chỉ mới của tôi ngay khi đến nơi.
Cuộc đời trớ trêu thay: sáng nay, chúng tôi vừa khắc xong tấm biển tưởng niệm mang tên các học sinh hy sinh trên chiến trường sẽ được treo trong sảnh của trường Mỹ thuật. Chúng tôi đã viết dòng chữ MÃI MÃI KHẮC GHI. Và chúng tôi ra đi tối nay với một khẩu hiệu hoàn toàn khác: Vĩnh viễn quên đi.
Adolf H. của xơ.”
***
Sau khi được chữa khỏi và trở về từ Pasewalk, Hitler quay lại doanh trại đơn vị cũ giờ đang được các hội đồng công nhân chỉ huy. Xứ Bavaria muốn làm cách mạng theo mô hình của Moskva. Lãnh đạo Munich Đỏ là Eisner, một người thuộc đảng Xã hội, nhà báo, gốc Do Thái. Vài tháng sau, ông ta bị một thanh niên quý tộc ám sát khiến bang này chìm trong hỗn độn và lâm vào tình trạng vô chính phủ. Vào mùa xuân, các nhóm phản cách mạng của Reichswehr và các lực lượng dân quân đã đến tái lập trật tự, tử hình những thủ phạm chính và kết án những người khác sáu mươi năm tù.
Thả mình theo dòng sự kiện, Hitler chỉ canh cánh một điều: làm tất cả để ở lại quân đội. Vì vậy, hắn lúc theo phe đỏ lúc theo phe trắng, lúc là người cách mạng, lúc phản cách mạng, cơ hội một cách nhất quán. Hắn phải chật vật để trụ lại được. Đã hai hoặc ba lần, người ta đã bắt hắn phải đứng nói trước công chúng, lên dây cót cho các nhóm vũ trang: hắn phải bảo vệ những lý tưởng dân chủ-xã hội và như thường lệ, hắn không thu hút được sự chú ý của cử tọa và nhanh chóng bị đẩy khỏi bục diễn thuyết,
mặt. Và giờ đây, sau khi cánh hữu trở lại, cơ hội duy nhất để ở lại quân đội là trở thành “tuyêntruyền viên”. Dù chết nửa cõi lòng, hắn vẫn phải đăng ký do chỉ còn hai sự lựa chọn: hoặc làm việc đó hoặc giải ngũ, có nghĩa là ra đường.
Sau chương hồi đỏ này, quân đội, mà trực tiếp là đại úy Mayr, đã đặt ra ưu tiên là giáo dục lại cho đội vũ trang của mình, dạy cho họ một suy nghĩ đúng đắn: chủ nghĩa quốc gia và chống Bôn sê vích. Đại úy Mayr đã trưng dụng phòng ốc của đại học Munich và thử đào tạo những nhân vật sau này có khả năng tuyên truyền cho những người khác. Hiện tại, ông ta cho họ học lịch sử chính trị và kinh tế.
Tất cả đều diễn ra từ một vụ việc nhỏ.
Nhà sử học Karl Alexander von Müller, một người có thân hình gầy guộc và bộ râu cũng quý tộc ngang với tên của ông ta, đang thu dọn sách vở sau buổi dạy và chuẩn bị rời giảng đường thì chợt thấy có một sự náo động khác thường.
Một nhóm người đang quây quanh một học viên, một trong những người nhiều tuổi nhất, gầy gò và chẳng có vẻ gì đặc biệt, Müller không nhớ tên, nhưng luôn làm ông chú ý vì vẻ mặt như một con chó ngơ ngác, mệt mỏi, sẵn sàng theo người chủ đầu tiên hứa cho nó một miếng ăn.
Người đàn ông đó đột nhiên biến đổi. Bằng một giọng trầm đục và khàn, anh ta nói với một sự phẫn nộ, và tất cả mọi người lắng nghe. Alexander von Müller tiến lại gần. Không nhận ra rằng chính mình cũng đang lắng nghe.
Người đàn ông cho thấy khả năng thiên phú lạ kỳ của mình, đó là buộc cử tọa phải chú ý lắng nghe và chia sẻ cảm xúc với người nói. Anh ta đã hóa thân thực sự. Đôi mắt xanh nhợt vì nhút nhát, thường cụp xuống nay mở to và mang một màu xanh thần bí, chúng dường như giải mã được từ xa, phía chân trời, những chân lý mà chỉ có chúng mới nhìn thấy và sau đó được giọng nói chuyển tải một cách mạnh mẽ. Người
đàn ông nói như một nhà tiên tri, một kẻ lên đồng. Hình như anh ta buộc phải nói điều mình cần nói, bất chấp sự mệt mỏi, buộc phải nói vì lòng trung thực, vì sự tận tâm, trong khi anh ta thíchgiữ im lặng hơn. Thân thể anh ta chịu đựng đau đớn, bị xé rách, nổi giận, bị lắc giật vì những điều thần khải hung bạo đang truyền qua anh ta; anh ta trở thành thân thể thánh, một thân thể mang dấu Chúa(17). Cổ họng anh ta cũng cho cái cảm giác là nó không nói hết được những thông điệp nó phải chuyển tải. Có bằng chứng nào của sự trung thực thuyết phục hơn thế không? Alexander von Müller suy nghĩ với con mắt của một chuyên gia. Làm thế nào thuyết phục rằng mình có lý nếu không cho người khác thấy rằng mình đang chết vì chân lý của mình? Diễn giả có cái gì đó của một người tử vì đạo. Anh ta bốc cháy. Anh ta tự thiêu mình để làm chứng. Thế nhưng, có một năng lượng liên tục, bùng nổ, sôi sục đang tỏa ra từ anh ta; thậm chí dường như anh ta càng nói năng lượng này càng tăng. Sau đó, nó được chuyển sang cử tọa.
Alexander von Müller ngạc nhiên khi thấy mình đồng tình với những gì anh ta nói giống như mọi người nghe khác. Ông cười thầm vì điều đó. “Đây là một nhà hùng biện dân gian thực sự.”
Sau đó, ông bị nhiễm bầu không khí ấy, mất đi khoảng cách cần thiết và bắt đầu gật đầu mỗi khi người đàn ông nhấn mạnh một ý kiến mới. Toàn bộ tạo thành một lời đả kích cay nghiệt chống lại dân Do Thái, dân tộc mà người đàn ông này căm ghét, cho là họ tệ hại đủ điều và muốn loại bỏ họ khỏi nước Đức.
Một ý tưởng làm Müller thấy thích thú. Học viên này đã khẳng định rằng thái độ bài Do Thái của mình, mới có gần đây, không dựa trên cảm tính mà là trên những sự kiện; do đó, anh ta phân biệt bài Do Thái cảm tính, dẫn đến những cuộc tàn sát, bạo hành chống dân Do Thái và những hành động bạo lực không hiệu quả khác, với chủ nghĩa bài Do Thái của mình, một loại hình bài Do Thái “lý tính”, nhằm vào việc tận diệt tất cả những người Do Thái trên lãnh thổ Đức. Với anh ta, người ta có cảm giác là mình được phép bài Do Thái.
Đột nhiên, Karl Alexander von Müller lắc lắc đầu để đẩy những ý nghĩ đó khỏi đầu mình: thật phi lý! Con người này đang đưa ra một cái gì đó còn tệ hơn những cuộc tàn sát, bạo hành chống dân Do Thái, anh ta kêu gọi một thứ bạo lực không thể tưởng tượng nổi và ngay chính bản thân ông, Karl Alexander von Müller, một giáo sư đại học, đã suýt bị mắc bẫy bởi bài hùng biện này. “Chắc chắn đây là một con người xuất sắc rồi.”
Ông chạy đến văn phòng chỉ huy, kéo đại úy Mayr vào phòng và cho ông ta chứng kiến cảnh tượng này.
Tuyệt vời, ông có lý, Mayr nói trong cổ họng.
Ai đấy? Müller nói.
Hạ sĩ Hitler thuộc trung đoàn List.
Là người từng trải, Mayr chiêm ngưỡng việc Hitler đang làm giống như một con mèo to đang khoan khoái, mắt nửa nhắm nửa mở.
Anh ta có tất cả. Một cái mặt. Sự hăng hái. Chúng ta sẽ sử dụng anh ta. Khi đám đông tản ra, họ đi về phía hạ sĩ Hitler.
Anh là một diễn giả trời sinh, Mayr nói.
Tôi ấy à? Nhưng…
Hitler suýt phản đối khi nhớ rằng mình chưa bao giờ có khả năng nói trước công chúng, sau đó hắn kìm lại được, nhớ ra vào phút cuối rằng bát cơm của mình phụ thuộc vào việc mình có ở lại quân ngũ hay không.
Chúc mừng anh, Karl Alexander von Müller thêm vào. Làm chủ được bài nói chuyện. Ngắt nghỉ đúng điệu. Hâm nóng cử tọa. Bùng nổ. Chia sẻ cảm xúc. Anh đã có một phẩm chất khác thường rồi đấy.
Hitler suýt một lần nữa kêu lên để cải chính lại rằng mình chỉ nói một cách tự phát khi sau buổi học, một học viên đã lên tiếng bảo vệ một người Do Thái và điều đó thì không thể chấp nhận được, rằng mình không thể chịu đựng được điều đó.
Chúng tôi nhận anh vào làm sĩ quan tuyên huấn để chỉnh huấn lại tinh thần quân đội. Anh sẽ bắt đầu vào tuần tới. Chúc mừng anh.
Chúc mừng.
Họ bắt tay hắn rồi bước đi.
Hitler nhìn họ đi xa dần, tim đập loạn xạ. Như vậy, cuối cùng hắn cũng đã có lý! Hắn luôn tin rằng mình biết diễn thuyết, rằng hắn có thể chia sẻ những xác tín của mình cho đám đông, nhưng có cái gì đó cho đến nay vẫn ngăn cản hắn truy nhập vào chính hắn, có cái gì đó chặn hắn lại, cản hắn lại, làm hắn trở nên lố bịch và ít tính thuyết phục. Hôm nay, sự kháng cự đó đã tiêu tan. Hắn đã trình bày sự kinh tởm của mình đối với dân Do Thái và lòng khát khao phục thù sau thất bại nhục nhã của cuộc chiến. Hôm nay, cuối cùng hắn cũng trở thành người mà hắn nghĩ. Lòng căm thù đã cho hắn tài hùng biện.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.