Nửa Kia Của Hitler

3.



Một cái thân phát ra nhạc. Người đàn ông ấy trông giống như một cái gốc cây bị đốn bởi dáng vẻ đồ sộ, màu sắc, sự bất động không chút cảm xúc của mình; tuy vậy, ông ta lại có một cái rãnh xẻ ngang giữa khuôn mặt, như một vết sẹo do bị chém bằng rìu, và từ cái rãnh ấy thoát lên một giọng hát nam tính lấp đầy cả phòng khách mùa hè.

Hỡi Đấng chí tôn đầy quyền năng hãy cúi xuống nhìn ta. Hãy giữ vẹn nguyên sức mạnh mà Người đã đặt nó một cách diệu kỳ trong ta. Người đã làm cho ta kiên nghị,

Người đã cho ta quyền lực tối thượng,Người đã cho ta những phẩm chất cao quý: soi sáng cho những kẻ đang bò lết, vực dậy những kẻ khuynhgia bại sản. Qua Người, ta biến sự sỉ nhục thành vĩ đại, huy hoàng và uy nghiêm.

Trong ngôi biệt thự hướng ra dãy Alpe, cử tọa đang thành kính nghe giọng nam cao trình diễn tác phẩm của Wagner cất tiếng hát lời nguyện cầu của Rienzi. Tất cả các khán giả đều theo dõi cùng một buổi hòa nhạc được tổ chức riêng theo yêu cầu, nhưng mỗi người lại nghe thấy một thứ khác nhau. Nhà Bechstein, chủ biệt thự và là nhà sản xuất đàn dương cầm danh tiếng, đang kiểm tra âm thanh ngọt ngào tươi mới của mô đen đàn mới nhất của mình, Winnifred Wagner khám phá vở opera mà bà chưa bao giờ tổ chức trình diễn ở Bayreuth, trong khi về phần mình, Adolf Hitler có cảm giác người ta đang cao giọng hát lên cuốn nhật ký của hắn.

Ca sĩ giọng nam cao đã kết thúc phần trình diễn và đón nhận những tiếng vỗ tay vừa phải của một nhóm thượng lưu đang đi nghỉ; còn Hitler, hắn lại muốn làm dấu thánh. Âm nhạc của Wagner đã trở thành một thứ nhạc lễ, một nghi lễ cá nhân với hắn, và hắn đến dự những buổi biểu diễn gần Bayreuth như thể người ta đến chiêm nghiệm và cầu nguyện trong một giáo đường.

Giờ đây, khi một lần nữa được tôi mình trong chủ nghĩa anh hùng của Rienzi, hắn muốn thoát khỏi những người đàn bà vây quanh hắn. Có quá nhiều người đàn bà hâm mộ hắn trong phòng khách này nên phần tiếp theo của buổi chiều dễ biến thành một cuộc ẩu đả giữa những mái đầu đã nhuốm bạc. Hắn bước đến hôn tay Hélène Bechstein, bà chủ nhà, một người ủng hộ nhiệt thành, cách đây hai năm đã từng cầm cố đồ trang sức của mình để cung cấp tiền cho Đảng; khi nói những lời khen ngợi bà ta, Hitler cố ý để bà ta thấy mình đang đeo chiếc cà vạt mới nhất mà bà ta vừa tặng.

Ôi không! Ngài không định bỏ chúng tôi sớm như thế chứ!

Tôi phải về để viết.

Nếu là vì nước Đức thì tôi sẽ bỏ qua cho ngài.

Hắn biến mất sau cửa chiếc Mercedes, để lại sau mình hàng tá quý bà ngẩn ngơ.

Hắn đi gặp Mimi.

Mimi, Mimilein, Mizzi, Mizzerl, không có biệt danh nào đủ trìu mến để gọi tên nàng.

Nàng mười sáu tuổi. Hắn ba mươi bảy tuổi.

Nàng nhìn hắn bằng con mắt mà người ta dùng để nhìn những siêu sao chính trị khi người ta là một thiếu nữ buồn chán trong một ngôi làng nhỏ trên vùng núi Alpe thuộc xứ Bavaria. Nàng ngây ngất ngang như được gặp Rudolf Valentino(27).

Trước tiên, hai con chó của họ làm thân với nhau trước cửa hàng của gia đình nàng, điều mà Hitler cho là điềm lành. Trước khi nhìn ra cô gái, Hitler đã cảm thấy sự xúc động hắn gây ra trong lòng cô gái. Sau đó, hắn đã chiêm ngưỡng tấm thân mảnh dẻ, tươi trẻ, vui vẻ, dường như được sinh ra từ những giọt sương, cặp má tròn trịa và

êm ái nhường ấy, như trái trên cây, rồi mái tóc vàng vô tư, đôi mắt màu hoa cà. Nàng đã trở thành một người phụ nữ hoàn chỉnh trong mùa hè tươi đẹp này. Hắn nhận thấy nàng đỏ mặt vì cái nhìn của hắn. Với nàng, hắn thật tuyệt vời trong chiếc quần da ngắn, với đôi tất màu ghi nhạt to đùng và chiếc áo trượt tuyết thắt bằng một chiếc dây lưng da như người ta thường thấy hắn trên báo chí và lãng mạn một cách đáng buồn vì vụ bị bắt bỏ tù phi lý. Hắn lại gần, sử dụng cái nhìn trực diện nổi tiếng của mình với cặp đồng tử xanh phớt tím để làm nàng bối rối trước khi cất lời khen con chó của nàng. Họ đã nói chuyện về vật nuôi suốt một giờ đồng hồ. Sau đó, khi Hitler xin phép chị cả của nàng để đưa Mimi đi dạo thì Mimi, bối rối vì đã thu hút sự chú ý của một ngôi sao,chạy biến đi mất.

Hitler cảm thấy được hồi sinh bởi sức trẻ ấy: Mimi không những nghiến ngấu hắn với cùng cặp mắt tình tứ như tất cả những bà mẹ bảo trợ của hắn, mà nhìn nàng còn dễ chịu hơn rất nhiều so với những cặp răng giả gắn ngọc hay mẹ nạ dòng đang tuổi tắt kinh. Hơn nữa, nàng chẳng đòi hỏi hắn điều gì; chưa tấn công, nàng đã bị chinh phục rồi. Khi hắn tán tỉnh nàng, hắn có cảm giác như mình đang quệt một thứ bơ ngon của vùng Alpe lên một lát bánh mì épice(28), tự nó đã ngon lắm rồi.

Để củng cố uy thế của mình, hắn đã mời nàng tới một cuộc mít tinh chính trị nơi hắn biết rằng mình sẽ là ngôi sao. Khi đó, hắn đã trổ hết tài hùng biện của mình, biến cuộc tụ họp khiêm nhường trong một biệt thự ở Berchtesgaden thành một cuộc gặp gỡ chính yếu nơi số phận của nước Đức được quyết định; hắn nói liên hồi, chuyển từ cách nói trữ tình sang kiên quyết, từ sự hoài niệm sang niềm hy vọng vào một ngày mai xán lạn, từ hận thù sang tình cảm ái quốc, tổ chức một liên hoan có bắn pháo hoa, cái đã giúp hắn được đón tiếp nồng hậu không tưởng. Đến bữa ăn, hắn muốn Mimi và chị nàng được ngồi vào ghế danh dự, ngay cạnh hắn và làm nàng nóng bừng má như có lửa đốt khi thú nhận với nàng rằng buổi hôm nay, hắn chỉ nói cho mình nàng. Hắn ngắm cặp môi cong, mềm mại, hồng hồng, và đến lúc ăn tráng miệng, không kìm mình được nữa, hắn đút cho nàng ăn bánh ga tô. Thoắt cái, hắn coi nàng như một đứa trẻ, thoắt cái, hắn coi nàng như một người đàn bà, điều này làm cô bé vị thành niên căng thẳng. Sau bữa ăn, hắn so sánh mẹ của Mimi vừa mới qua đời vì bệnh ung thư và bà Hitler, mẹ hắn, điều này làm mắt hắn nhòa đi và cho phép hắn cọ đùi mình vào đùi cô gái.

Rồi họ đi đêm với nhau. Hitler cúi xuống Mimi, hôn lướt lên vai nàng và tiến lại gần để hôn nàng. Đúng vào thời khắc ấy, hai con chó lao vào cắn nhau chí tử. Hitler điên lên, túm lấy vòng cổ kéo con chó của mình ra và dùng roi quất nó.

– Thôi đi! Thôi đi! Mimi kêu lên.

Hitler trút giận lên con vật giờ đây đang rên rỉ và co rúm lại, chỉ còn là những tiếng rên.

– Thôi đi! Em xin anh! Thôi đi!

Hitler không nghe nữa. Hắn quật tới tấp lên người bạn đồng hành mà hắn nói là không thể sống thiếu được.

Làm sao anh có thể tàn nhẫn với con vật tội nghiệp này đến thế? Hitler dừng lại và nhìn nàng, mắt ngơ ngác.

Cần phải làm như vậy.

Hắn nhìn chiếc roi trên tay mình và tiến lại gần nàng như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Mimi lùi lại theo bản năng.

Sao hả Mimi? Em không muốn hôn tôi nữa à?

Không.

Hitler trở nên lạnh băng. Tất cả sự tử tế làm sáng bừng khuôn mặt hắn tối nay đã biến mất. Hắn bỏ đi trong bóng tối, mồm lẩm bẩm “Heil”.

Ngày hôm sau, sau khi nói chuyện với Emile, tài xế của mình, người đã đảm bảo với hắn rằng một cô gái trẻ được dạy dỗ tử tế bao giờ cũng từ chối nụ hôn đầu, hắn gửi cho nàng một bó hoa ngụ ý rằng trái tim hắn đang tan nát! Nàng chấp nhận hẹn hò lại với hắn ở nơi hắn đến ngày hôm nay.

Chiếc Mercedes dừng lại trước cửa hàng và mở cửa đón cô gái. Nàng thật rạng rỡ. Trong xe, nàng trông đợi Hitler sẽ nói chuyện thật ra trò. Vốn là người chỉ nói

nhiều trước công chúng và về chính trị, hắn lúng túng bởi sự trông đợi này và hắn cố gắng làm hài lòng nàng được ít nhiều. Sau nửa giờ cố gắng, hắn tìm ra một chiến thuật mới.

Anh cầm tay em, em có thể đặt lên vai anh, nhắm mắt lại và anh sẽ gửi sang cho em những ước mơ của anh.

Mimi, hân hoan với trò lạ này liền làm như hắn nói. Như thế Hitler có thể chạm vào nàng và thoải mái nhìn nàng, lại không phải mệt vì nói chuyện.

Chiếc xe dừng lại ở nghĩa trang. Mimi ngạc nhiên, nhưng Hitler đã giải thích với vẻ mặt nghiêm nghị:

Chúng ta sẽ đi thăm mộ mẹ em, cô bé của anh.

Họ đi giữa những lối đi được trang trí một cách điệu đà và đầy hoa. Trời quá đẹp và quá nóng cho những tình cảm đau buồn và Hitler phải ép mình tạo ra một không khí thê lương. Trước bia mộ, hắn nói về mẹ mình, về ánh mắt của bà, về tình thương vĩnh cửu của bà. Hắn khóc nhiều. Mimi khóc một chút. Phù! Hắn đã kéo dài được một tiếng.

Ngày hôm sau, họ đi dạo cùng nhau trong rừng. Họ chạy giữa những hàng cây. Hắn nói rằng nàng là nàng nymphe của hắn – một điều gợi nhớ mơ hồ tới các vở opera
điều làm cho nàng cười nhiều và họ ngẫu hứng nghĩ ra một vở rượt đuổi như hắn đã thấy các cặp tình nhân thường làm trong phim.

Hắn quay lại chỗ ô tô đậu, mệt nhoài. Cô nàng không bao giờ thỏa mãn lại đòi hắn tiếp tục nói và hắn đã trốn được khi giả vờ thôi miên nàng.

Hắn cảm thấy ngày càng không thoải mái vì hắn làm nàng thất vọng. Nàng trông chờ hắn cư xử như mộtngười đàn ông, đi xa hơn và không dừng lại ở những cái hôn vào cổ nàng. Trong khi đó, hắn không thấy mình có thể đi xa hơn. Hoàn toàn chểnh mảng, hắn vẫn không dành thời gian để phá bỏ sự trinh trắng của mình. Việc hắn liên tục trì hoãn lần đầu tiên ngủ với phụ nữ đã hình thành cho hắn một thói quen gìn giữ sự trinh trắng của mình và vẫn cảm thấy thoải mái. Ở tuổi ba mươi bảy, hắn cảm nhận một sự sung sướng thực sự khi không có bất kỳ quan hệ tình dục nào vì như thế hắn sẽ không bị giang mai, không mất cả thời gian và năng lượng của mình, hắn có thể tán tỉnh phụ nữ mà không bao giờ nghĩ đến những điều bậy bạ, hắn cảm thấy mình thanh khiết và đạo đức. Như Rienzi! Ý nghĩ cắt đứt sự thanh bìnhnày làm hắn sợ, và nỗi sợ mà hắn đã có thể thoải mái vượt qua như mọi người đàn ông khác ở tuổi mười tám đã trở nên không thể vượt qua được ở tuổi ba mươi bảy. Một khả năng bị né tránh trong thời gian dài trở thành một sự bất khả. Một bức tường đã được dựng lên. Một bức tường quá cao cho hắn bước qua. Ban đầu, hắn tìm lý do biện minh là sự nghèo khó,

Viên và Munich, rồi chiến tranh, rồi bước khởi đầu đầy dông tố trong sự nghiệp chính trị; giờ đây, hắn không còn cớ nào khác, điều đó còn tệ hại hơn; lần đầu tiên kể từ khi quen biết, đứng trước mặt Mimi, hắn cảm thấy nhu cầu có một thân xác dùng vào việc gì đó khác ngoài việc nói, ăn, ỉa và ngủ và cái nhu cầu mới này làm hắn tê dại. Hắn càngđau khổ hơn vì về điểm này, hắn không thể thổ lộ cùng ai, thậm chí là với Emile, tài xế của hắn, người mà hắn sử dụng để loan tin rằng hắn có quan hệ với các vũ công và diễn viên trong khi hắn chỉ làm một việc duy nhất với họ là trả tiền ăn uống.

Hắn sẽ làm gì?

Hắn lẩn trốn qua những lời có cánh.

Mimilein, tôi yêu em quá đỗi. Người ta không thể nào yêu nhiều đến như tôi. Tôi sắp chết vì tình yêu.

Những giờ bên nhau trong khung cảnh đồng quê vui thú với Mimi trở thành cơn ác mộng với hắn, hắn cảm thấy cái bẫy đang dần sập lấy mình.

Một buổi chiều, khi Mimi giả vờ trượt chân để bám lấy tay hắn, hắn quyết định chơi một ván cờ mới.

Mimi, anh yêu em quá đỗi. Anh biết em là người đàn bà của đời anh, anh cần phải cưới em, nhưng anh thấy mình chưa sẵn sàng.

Hắn đẩy nàng ra, bám lấy một cái cây như thể đó là một cái phao cứu sinh và tiếp tục nói giọng tuyệt vọng:

Anh không muốn lạm dụng em, cô bé của anh. Anh phải về Viên để suy nghĩ. Em cần hiểu rằng đây là một sự cam kết rất nghiêm túc.

Nàng định cự nự thì hắn cắt ngang:

Không, đừng trả lời anh bây giờ. Em hãy trả lời anh sau này, dù câu trả lời có thế

nào đi nữa, khi anh có đủ can đảm hỏi em điều ấy.

Hắn quay lại cầm tay nàng và cả hai cùng khóc vì xúc động và thất vọng.

Hitler quay về Munich, thở phào nhẹ nhõm. Lại một lần nữa, hắn đã thành công trong việc kéo lùi lại thời điểm phải quan hệ tình dục.

Trong cơn lốc xoáy của các hoạt động chính trị sau kỳ nghỉ, hắn vẫn không quên Mimi nhưng hắn đã tái tạo lại hình ảnh của nàng trong hắn, một hình ảnh không làm hắn phiền lòng. Kỷ niệm thì không buộc anh phải lên giường làm chuyện đó. Do vậy, hắn để mình nói chuyện về Mimi với những người thân cận, thậm chí còn nói về nàng như là vợ chưa cưới của hắn, sống trong một sự thầm kín êm ái với nàng, không bị ai đính chính vì nàng ở xa quá.

Vì vậy hắn dang tay đón nàng với cặp mắt rơm rớm khi nàng tranh thủ việc câu lạc bộ trượt pa tanh của nàng đến Munich để gặp lại hắn. Hắn đưa nàng đến quán cà phê Heck, tổng hành dinh của hắn và âu yếm nói chuyện với nàng.

Anh sẽ tìm một căn hộ rộng hơn. Chúng ta sẽ sống cùng nhau. Chúng ta sẽ rất hạnh phúc. Em sẽ mãi mãi ở bên anh.

Mãi mãi bên anh, thưa ông Sói.

Họ phá lên cười. Nàng thích gọi hắn là ông Sói, cái tên mà hắn sử dụng khi đi lại bí mật.

Chúng mình sẽ cùng nhau chọn từng vật dụng một, công chúa bé nhỏ của anh, màu tường, phô tơi, tranh vẽ. Xem nào, anh đã tưởng tượng ra rồi đây này: những chiếc ghế phô tơi ở phòng khách to và đẹp, phủ nhung lông màu tím.

Nhung lông màu tím?

Em không thích sao?

Em thích lắm. Và chúng ta sẽ ghi trên thùng thư: “Ông bà Sói. Chú ý: hạnh phúc”.

Tối hôm đó, Hitler thấy nàng tràn ngập hạnh phúc đến nỗi không đòi hỏi một hành động cụ thể, hắn gửi nàng, lâng lâng ngây ngất, về Berchtesgaden.

Hắn đã thề với nàng là sẽ gặp lại nàng trong hai tuần nữa. Hắn đã không đến.

Ba tháng sau, nàng treo cổ tự vẫn. Tuyệt vọng vì không có tin tức gì, không nhận được bất kỳ hồi âm nào cho những lá thư cũng như các cú điện thoại của mình, nàng lấy một sợi dây phơi, thắt một cái nút thòng lọng và buông mình vào khoảng không. Anh rể nàng đến đúng lúc để gỡ nàng ra, thân xác bất động, và cứu sống nàng.

Sợ rằng sự việc sẽ tái diễn, anh ta bí mật đến Munich yêu cầu Hitler giải thích. Hitler đã biết chuyện tự tử của nàng và đóng chặt cửa một phòng trong quán cà

phê Heck để giải thích tất cả với anh ta.

Tôi đã nhận được nhiều thư nặc danh. Người ta đe dọa sẽ lôi sự việc lên báo chí rằng tôi đã lạm dụng một cô gái vị thành niên. Tôi đã phải dập tắt những lời xì xầm

này. Tôi thích giam mình trong một sự im lặng tàn nhẫn còn hơn phá hoại cuộc đời Mimi và tương lai của cô ấy. Hãy tin rằng tôi cũng đau khổ nhiều như cô ấy.

Ngài có định… ý tôi là… liệu có đúng là ngài đã đề nghị cưới con bé?

Tôi chỉ yêu thương cô bé như một người cha mà thôi.

Thế nhưng con bé lại nói là…

Tôi nghĩ rằng cô bé đã nằm mơ. Đó là điều thường gặp ở tuổi ấy đúng không? Người anh rể yên tâm trở về Berchtesgaden; anh ta đã có đủ thông tin để an ủi

Mimi và đồng thời cũng khuyên cô bé chuyển sang chuyện khác.

Điều mà Hitler không tiết lộ là chính hắn là khởi nguyên của các bức thư nặc danh. Hắn đã khéo léo để một trong các bà mẹ của mình, Hélène Bechstein, rỉ tai người ghen dữ nhất, Carola Hofmann, bà góa của ông hiệu trưởng, để bà này viết thư và những lời đe dọa nặc danh nhằm ngăn cản Hitler đi xa hơn trong vụ này.

Hắn đặc biệt hài lòng với mưu kế ấy. Hắn đã phải rút khỏi cuộc phiêu lưu này vì những toan tính chính trị. Trong chừng mực nào đó, đó là vì nước Đức. Cuối cùng, hắn cũng đã tìm ra một cái cớ mới để giữ nguyên sự trinh trắng của mình.

Hắn càng hài lòng hơn khi dù sao cũng sắp được ở một căn hộ lớn, sang trọng nơi hắn sẽ sống với một cô gái rất trẻ.

Hắn dọn đến nhà mới sống với cháu gái Geli Raubal của mình, người cũng xinh đẹp và trẻ như Mimi, lắm lời hơn nhiều và do đó đỡ tẻ nhạt hơn nhiều.

Hắn công khai sống với một cô gái trẻ hai mươi tuổi mà không phải đối mặt với nỗi e sợ nặng đầu là phải đáp ứng về mặt tình dục và cũng không phải sợ mụ điếm già Hofmann hay ai đó trong số những mụ nạ dòng dơ dáng ho he gì.

***

COMOEDIA, ngày 27 tháng Giêng năm 1925

“Trường phái Paris có tồn tại. Sau này những nhà viết sử nghệ thuật có thể chỉ ra đặc tính của nó rõ hơn chúng tôi và nghiên cứu các thành tố tạo lập nên trường phái này, nhưng ngay từ bây giờ chúng tôi đã có thể khẳng định sự tồn tại và sức hấp dẫn đã làm nên hoặc lôi kéo đến chỗ chúng ta những nghệ sĩ trên toàn thế giới. Modigliani, van Dongen, Foujita, Soutine, Chagall, Kisling, Adolf H., danh sách còn dài và rực rỡ. Với người nghệ sĩ mà Paris là miền đất hứa, miền đất lành của các họa sĩ và nhà điêu khắc, liệu ta có thể coi anh ta là kẻ không được chào đón hay không?

André Warnod”

Cũng không đến nỗi nào phải không? Mười-một-giờ-rưỡi nói. Bài này miệng lưỡi cũng ngon nghẻ đấy nhỉ.

Adolf mải bận thắt chiếc nơ bướm lên trên bộ lễ phục mới, nghe câu được câu chăng. Hắn đã thuộc lòng bài báo ấy.

Mười-một-giờ-rưỡi tiếp tục lục trong đống báo chí và nhón tay nhặt lấy một tờ tạp

chí.

Xem nào. Em đọc cho anh bài em thích nhất nhé. Đó quả là một tuyệt tác. “Tinh thần Do Thái tiếp tục công việc phá hoại ngầm và âm thầm khẳng định tính quốc tế độc hại của nó. Sau cái gọi là “Lập thể”, nghệ thuật kiểu bọn Đức, đã đè nặng lên những năm đầu thế kỷ, giờ đây lại đến cái tự cho là trường phái Paris, một nhóm ô hợp gồm những thanh niên không được chào mừng, dốt đặc và quấy rối, đã xâm chiếm khu Montparnasse và tụ họp trong một quán cà phê nổi tiếng ngang nổi khói, quán La Rotonde, một địa điểm lâu đời ở Paris mà nay đã trở thành tụ điểm thực sự của bọn Do Thái và dân nhập cư.Chúng sáng tác một thứ nghệ thuật không có liên hệ gì đến gốc gác của mình, một thứ nghệ thuật không Pháp, không Đức, không Slavơ, không Tây Ban Nha cũng chẳng Rumania, tóm lại là một thứ nghệ thuật Do Thái. Ý thức bản địa, tinh thần bản địa, chủ đề bản địa, màu sắc bản địa đang khốn khổ vì những kẻ này bởi một sự suy đồi chắc chắn đến mức chúng còn nói tới một thứ nghệ thuật quốc tế. Làm thế nào để không khỏi lo sợ khi nhìn thấy mọi biên giới và giới hạn bị xóa nhòa? Các vị đã bao giờ nhìn thấy một tác phẩm của Soutine, của Pascin hay của Adolf H. chưa? Một sự tầm thường rõ rệt, màu sắc bẩn thỉu và nghèo nàn về chất liệu, bài Pháp, ủ dột, tục tĩu, moi móc, chúng được dựa trên những suy nghĩ mang tính giáo điều và vì thế phản nghệ thuật. Khi mà hội họa trở thành một môn khoa học đầu cơ, bọn Do Thái sẽ nhảy vào. Những tay chép kinh Talmud sẽ đi mua toan và màu vẽ. Trước đây, chúng chỉ là những tay lái buôn; từ nay, chúng tưởng rằng mình là những nhà sáng tạo. Trên thực tế, một dân tộc giết Chúa là một dân tộc giết nghệ thuật. Chúng…”

Thôi đi Mười-một, nếu không anh sẽ lấy xà phòng ra rửa mồm em đấy.

Không đời nào, anh phải tự hào mới phải chứ. Làm cho mình được coi là dân Do Thái là bằng chứng rằng anh đã thành công. Em ấy à, em rất hài lòng khi thấy những thằng ngu phỉ nhổ vào anh.

Em đã mặc xong quần áo để đi chưa?

Không phải nói, em đã sẵn sàng rồi! Em đã chuẩn bị từ sáng. Đã thay mười lăm bộ quần áo. Em vẫn chưa nghĩ là mình đã tìm thấy cái váy phù hợp nhưng em đã dừng lại chỉ vì mệt.

Adolf nhận thấy Mười-một-giờ-rưỡi có lẽ đẹp hơn với một chiếc áo màu da nổi lên với hình thêu kiểu Nga.

Ồ, Adolf, đừng nhìn em, anh đang kiểm tra em đấy!

Không hề. Em ngon đến muốn cắn.

Vậy cứ cắn đi.

Không còn thời gian.

Thế thì chúng ta sẽ bỏ qua đoạn đầu tiên. Dù sao, đoạn mở đầu của vở ba lê Nga nào cũng tẻ nhạt.

Không thể được. Anh không thể làm thế với Diaghilev. Đi thôi.

Mười-một-giờ-rưỡi nghe lời và đi theo người tình đến chiếc Bugatti.

Từ khi được những người theo phái siêu thực lăng xê, tranh của Adolf bán chạy, giá cao lên, tiền tài và danh vọng dồn dập đến với hắn.

Thuộc nằm lòng các kỹ năng chưa phải là tất cả, anh còn phải khiến mọi người thuộc nằm lòng tên anh nữa, Mười-một-giờ-rưỡi thường xuyên nói vậy.

Tranh của Adolf H. không hề thay đổi, nó vẫn y nguyên như hồi 1918, nhưng hiện nay người ta đang đổ xô đi sưu tầm tranh của hắn. Sự quảng cáo của nhà hiền triết đã tạo nên một luồng chú ý mới, nhanh chóng được các nhà buôn tranh như Rosenberg và Kahnweiler cổ xúy, họ bán các tác phẩm này cho những nhà sưu tập giàu có người Mỹ như Gertrude Stein, Paul Barnes, John Quine hay Chester Dale, điều này đã dấy lên sự quan tâm ở Mỹ.

Adolf đã rời bỏ người chủ gallery trước, Slawomir, bất chấp việc ông này đã rơi nước mắt và buồn thực sự. Slawomir, như thường lệ, đã chấp nhận tất cả rủi ro mà lại không được hưởng chút thành quả nào.

Ít nhất, điều đó cũng chứng minh rằng người ta không thể làm giàu khi chỉ có ngủ, Mười-một-giờ-rưỡi bình luận.

Sống quá lâu trong bóng tối, Adolf gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận sự thành công chóng vánh này. Hắn biết quá rõ rằng thành công chỉ là chuyện gặp thời hay không; hắn chăm chăm giữ để vẫn là mình như trước, một cánh bướm được gió cuốn đi, nhẹ nhàng, không ổn định, mong manh, không neo đậu; hắn đã đợi quá lâu để không lo sợ thấy nó đã vút cánh bay đi. Chiến thắng của hắn, thay vì làm cho hắn thanh thản, lại làm hắn lo sợ hơn. Ngày mai sẽ ra sao? Nếu hắn lên cao hôm nay, ngày mai hắn chỉ có thể đi xuống mà thôi. Trong thời kỳ tăm tối của mình, hắn sống nhờ hy vọng. Nhưng từ nay, hắn còn có thể hy vọng gì? Hắn chỉ còn đường tuyệt vọng trong thành công. Việc người ta tôn vinh hắn ngày hôm nay chẳng làm thay đổi cái gì cả. Sự thờ ơ vẫn luôn luôn chiến thắng. Một thế giới đã không biết đến hắntrong quá khứ ngay cả khi nó đã thừa nhận hắn hiện nay, vẫn có thể một lần nữa lại lờ hắn đi. Hắn đã chẳng kiếm được gì. Hay đúng hơn, hắn đã thắng một trận đánh nhưng không phải một cuộc chiến. Hắn giày vò mình.

Cái làm hắn day dứt nhất trong tình cảnh mới hiện nay là nghệ thuật của hắn không còn cho hắn nhiều niềm vui như xưa nữa. Trước kia, hắn chỉ tin vào mình để thành công và điều đó đã làm cho hắn tập trung được dễ dàng, huy động sức lực để làm việc từ ngày này sang ngày khác. Tranh của hắn trước kia là một sự cứu rỗi với hắn; nay nó đã trở thành nghề nghiệp. Nhảy ra khỏi giường, hắn lao đến xưởng vẽ như nhân viên chứng khoán lao đến sàn giao dịch; hắn muốn biện minh cho ngôi nhà mới, xe hơi, người hầu; hắn quyết phải đổ mồ hôi thì mới được hưởng sự giàu có của mình. Bị thúc giục bởi cảm giác có lỗi hơn là cảm hứng, hắn buộc mình làm việc quá nhiều, vượt quá mong muốn và sức lực của bản thân, cấm mình không được dành thời gian

để mơ và lang thang trong khi đó lại là những cái đặc biệt cần thiết với việc sáng tác. Vị thế một nghệ sĩ đang nổi buộc hắn phải tham gia những sinh hoạt của giới

thượng lưu, hắn thêm những đêm giải trí vào lịch làm việc dày đặc của mình và sự quá sức này làm hắn trở nên cáu bẳn. Mười-một-giờ-rưỡi, vẫn giữ nguyên sự vui tươi của mình, không bực mình vì chuyện đó, nàng quá hạnh phúc được tận hưởng những vật dụng mới, ngôi biệt thự, người hầu, bữa ăn đặt nhà hàng mang tới, đồ trang điểm, các loại mũ và vị thế của “quý bà đang nổi”. Đành rằng nàng có đau khổ khi thấy Adolf có ít thời gian cho mình đến vậy. Nàng tiếc nuối thời họ sống vô tư với nhau dù rằng riêng nàng, nàng vẫn vô tư như thế.

Buổi tối, Adolf mặc nguyên quần áo thả mình xuống giường và nàng thích thú cởi quần áo trong khi hắn ngủ. Hắn không còn đủ năng lượng cho những đêm dài ân ái. Tuy vậy, hắn vẫn nói với nàng:

– Anh yêu em. Mười-một, em biết mà. Anh yêu em.

Nhưng hắn lại lộ vẻ quá chán chường và như nhận lỗi khi nói thế. Hắn nói để xin lỗi vì đã không ở bên nàng, không còn nghiến ngấu chồm lên nàng nữa.

Mười-một đã có thói quen choàng áo ngủ rồi bất thình lình vào xưởng vẽ.

– Em đến để quấy rối đây.

Nàng mở hé chiếc áo choàng bằng lụa rồi mỉm cười. Adolf buông cọ rồi hôn vào bụng nàng. Họ tiếp tụcdưới đất. Tuy nhiên có hôm, Adolf lấy cớ quá mệt, hôm khác, viện cớ vẽ chưa xong, hôm khác nữa… một lý do khác… và Mười-một-giờ-rưỡi hiểu rằng nàng làm phiền Adolf. Vì nàng đã thấy việc đi đòi hỏi cái mà thông thường một người đàn ông là người đòi hỏi là một chuyện chẳng dễ chịu gì, nàng thôi không chấp nhận nguy cơ bị từ chối và họ chỉ còn sinh hoạt tình dục một cách đứt quãng.

Chiếc Bugatti tiến vào đại lộ Montaigne.

Chàng Boche của em à, anh có thích xem ba lê không?

Có chứ. Tất nhiên rồi.

Anh nói chữ “tất nhiên rồi” có nghĩa là anh không thích thực sự mà là anh cảm thấy mình buộc phải thích.

Adolf mỉm cười.

Đúng vậy. Anh lúc nào cũng thích opera hơn. Nhất là Wagner.

Ôi Wagner, em thì không thể thích được! Mười-một-giờ-rưỡi kêu lên. Đó là âm nhạc của các giáo phái. Hoặc anh gia nhập được hoặc anh ở ngoài. Nó không tác động lên gu thưởng thức mà là sự đam mê.

Em có thể có lý.

Có thể ư? Anh nói thế nào ấy chứ!

Adolf cười nhẹ nhõm. Sự tư sản hóa đã không cướp đi tính nói thẳng của Mười-một-giờ-rưỡi.

Họ đỗ xe và tay trong tay bước về phía nhà hát Champs-Elysées.

Nói xem nào chàng Boche, một ngày nào đó anh sẽ cưới em chứ?

Tại sao em muốn anh cưới em?

Để anh là ông chồng góa của em.

Mười-một, đừng lại bắt đầu câu chuyện ngu ngốc về những linh tính và chết trẻ nữa. Anh không tin một giây vào những cái đó.

Thôi được. Cứ cho là em sẽ sống đến lúc thành một miếng thịt già, anh sẽ cưới em chứ?

Anh sẽ cưới em khi nào anh không còn yêu em nữa.

Tưởng rằng mình đã có một lời tỏ tình tuyệt vời khi nói câu này, hắn ngạc nhiên khi thấy nàng trả lời giọng nghẹn ngào.

Thế thì nhanh lên, chàng Boche của em, nhanh lên. Hắn dừng lại và nhìn người bạn đời của mình.

Tại sao em nói vậy? Bởi anh làm việc quá nhiều và không có thời gian để…

Đúng vậy.

Chúng ta sắp đi nghỉ ở biển rồi, sắp có thời gian vui vẻ bên nhau.

Vâng, Adolf của em, hãy cứ làm như thế. Em thì em thích thời gian vui vẻ bên anh. Em không thích thời gian vui vẻ lại thuộc về quá khứ.

Hắn cúi xuống hôn lên môi nàng.

Đồng ý chứ?

Đồng ý.

Anh yêu em. Mười-một, em biết thế mà. Anh yêu em.

Em biết. Nhưng em, em thích cái sờ nắn được, đừng để nó trở nên quá trừu tượng.

Họ cười và hôn nhau lần nữa.

Tươi tỉnh trở lại, phấn chấn vì chính mình, họ tạo thành một cặp tuyệt vời khi bước vào tiền sảnh chật kín người, diêm dúa, thơm nức của nhà hát.

Mười-một-giờ-rưỡi chỉ một chàng trai đẹp như một pho tượng Hy Lạp đang tựa người vào một cái cột.

Anh có nhìn thấy chàng trai kia không? Trông anh ta đẹp trai phải không?

Ừ. Ai vậy?

Đó là Lars Ekstrôm, diễn viên múa chính của đoàn ba lê Thụy Điển.

Thế à? Nhưng sao em lại biết anh ta?

Em biết anh ta rất rõ, nàng nói, đó là người tình của em.

***

– Tôi chưa bao giờ là người bài Do Thái cả.

Hitler ngồi vắt chéo chân, tay cầm một tách trà, vừa phát ngôn điều đó với vẻ bình thản của một người đã kinh qua mọi chuyện và cuối cùng cũng quyết định nói ra sự

thật.

Nhà báo người Mỹ giật nảy mình.

Xin lỗi, ông nói gì ạ?

Tôi chưa bao giờ là người bài Do Thái cả.

Ấy vậy mà trong các diễn văn của mình, đôi khi ông kêu gọi kỳ thị chủng tộc. Hitler đưa mắt nhìn lên trần, thở dài rồi nghiêng người về phía trước để thổ lộ bí

mật mới mẻ của mình.

– Nhân dân có lẽ đã không hiểu rằng tôi không làm như vậy.

Đôi mắt của nhà báo sáng lên vì kích động. Ông ta đã tóm được một tin đặc biệt: trên thực tế Hitler không phải là người bài Do Thái, ông ta chỉ giả vờ như vậy do tình thế. Nhà báo rối rít cảm ơn rồi chạy đi đọc bài báo của mình qua điện thoại.

Còn lại một mình, Hitler ngồi một lúc trong quán bar của khách sạn lớn và cười với hình ảnh của mình trong gương: chuyện đã thành. Hắn không những không còn bị công kích bởi tính lố bịch của cuộc đảo chính mà đảng Quốc xã còn nhận được ngày càng nhiều phiếu trong các cuộc bầu cử. Bây giờ người ta coi Hitler như một trong những khuôn mặt chính trị quan trọng nhất của nước Đức, báo chí trong nước và quốc tế nói đến hắn, phó nháy riêng của hắn, Hoffmann, phân phát các bức hình đã qua kiểm duyệt của hắn. Hắn rất đỗi vui mừng khi thấy các đối thủ tiếp tục đánh giá thấp hắn khi cho hắn là một đối thủ vô hại vì quá khác biệt, quá phụ thuộc vào các cơn lên đồng, vào các cơn giận, vào những hô ngữ không tưởng, những lời nói lung tung mang tính thần bí; họ không nhận ra rằng thời đại này đã chán các chính trị gia truyền thống và thích Hitler chính vì điều đó, vì hắn cho mình là liều thuốc giúptránh được ngày tận thế, một á thánh cứu rỗi-chữa bệnh có thể vực dậy nước Đức.

– Chú Alf? Chú Alf nhỏ bé của cháu đâu rồi?

Geli bước vào, bồng bềnh trong chiếc áo lông và mùi nước hoa. Cô nhìn thấy bóng Hitler, điệu đà ra hiệu rồi ưỡn ẹo ra chỗ hắn trên đôi guốc quá cao, quá mới.

Chào chú Alf, giá mà lúc nãy chú ở chỗ học hát của cháu: cháu đã hát được nốt contre-rê. Một nốt chỉn chu. Không phải một nốt contre-rê kiểu chuột mắc bẫy. Không, một nốt thật sự, thật trôi chảy, thật thanh khiết, thật dài, kiểu như Elizabeth Schumann. Chú uống gì vậy? Trà à. Khiếp. Không, một ly cốc tai bloody-mary. Vâng, đúng như kiểu Elizabeth Schumann hay Maria Ivogün, chú đã có thể tự hào vì cháu, ông chú nhỏ bé của cháu ạ. Cần phải nói là cháu đã không chủ ý. Cháu cứ nghĩ là giọng mình thấp hơn rất nhiều, cháu không dè là mình làm được. Thế nào, người ta có mang ly bloody-mary đến không hay cháu phải gửi cho họ mấy cây cà chua? Cuộc gặp với ông người Mỹ của chú tốt đẹp chứ ạ? Chắc là có, chắc chắn rồi, chú xuất sắc đến thế kia mà. Ông ta có đẹp trai không ạ, cái ông nhà báo ấy?

Bình thường.

Bình thường so với một người Đức hay một người Mỹ ạ? Bởi vì một tay người Mỹ, nói gì thì nói, vẫn đẹp hơn một anh chàng người Đức. Ít nhất là trên phim ảnh. À, cảm ơn, tôi sắp chết vì khát đây. Ưmmm… ngon thật. Một nốt contre-rê lanh lảnh như còi tàu. Chú sẽ bảo cháu là trong nhạc mục của mình cháu không cần một bài cung contre-rê. Thực ra, có bài dự trữ vẫn yên tâm hơn. Tôi sẽ uống một ly nữa. Chú có thời gian đưa cháu đi thử bộ quần áo của cháu không? Không ạ? Lại cái trò chính trị vớ vẩn của chú chứ gì?

Được chứ, chú đang rảnh mà.

Hoan hô! Chú của cháu muôn năm! Cháu gặp may rồi. Cháu không chủ ý nhưng cháu biết thừa nhận điều ấy. Phải không chú Alf?

Ừ.

Cháu nghĩ là dù gì lời khen đáng được thưởng một cái hôn vào má.

Đây.

Thế thôi á? Thế hóa ra cửa hàng bán sôn rồi ư?

Đây nữa.

Thế thì tốt hơn. Trên thang điểm từ không đến hai mươi, cháu cho chú… mười

một.

Chỉ thế thôi ư? Thế còn cái này?

Ừm… mười bốn. Thôi! Không nên đốt cháy giai đoạn. Chú có thời gian để cải thiện kỷ lục của mình từ giờ đến tối. Chúng ta sẽ xem gì tối nay nhỉ?

Con Dơi.

Tuyệt! Cháu mới chỉ xem có hai trăm mười sáu lần!

Thế nhưng…

Không, không, cháu rất vui. Và như thế ít ra cháu không phải nghe Wagner hay tệ hơn là Bruckner.

Geli, chú cấm cháu…

Vâng, cháu biết, ông chú nhỏ bé của cháu, đó là những nhà soạn nhạc yêu thích của chú nhưng cái đó quá cao xa với cháu, mấy cái ông Wagner, hay Bruckner của chú ấy. Ngoài ra, cháu ủng hộ việc cấmtất cả các nhà soạn nhạc có họ gồm hai âm tiết và kết thúc bằng “er”. Chú không muốn thêm cái này vàocương lĩnh của đảng Quốc xã ư?

Họ đứng dậy và đi dạo cửa hàng cùng nhau. Hitler cảm nhận một niềm tự hào thực sự của một con đực để thể hiện khi tay trong tay với Geli. Cô nàng líu lo cả ngày, vui vẻ, xấc xược, hay chọc ghẹo; khi không nói có nghĩa là cô đang hát vì nhờ vào sự bảo trợ về mặt tài chính của ông chú, cô đã bỏ học ngành y để theo học opera; và khi cô không hát có nghĩa là cô đang ăn, như thùng không đáy, tham lam. Đối với Hitler, Geli là một cái miệng, một cái miệng không ngưng động đậy, một cái miệng sung sướng cắn ngập cuộc đời và trao vô số những nụ hôn cho ông chú yêu thương.

Đó là người duy nhất mà hắn chấp nhận để mình lu mờ khi đứng bên cạnh. Hắn mang Geli đi khắp nơi, trong những bữa ăn, hội họp, quán cà phê, để mặc cô nàng đốp các vị khách mời và trở thành tâm điểm của sự chúý.

Đàn ông thích Geli. Hitler thích điều đó. Hắn đánh giá cao cái luồng điện khiêu dâm sáng lên mỗi khi Geli đi qua, sự dâm dục trong những cái nhìn, độ căng đầy kích động của những cơ thể, ánh lửa đen trong những đồng tử. Những lúc như vậy Hitler cảm thấy mình đầy nam tính, gần như khi hắn diễn thuyết cho quần chúng ban đầu vốn thụ động vụt trở nên kích động. Nhiều lần, hắn cảm thấy run lên vì khoái trá khi từ chối những tay thanh niên đẹp trai đến xin phép hắn được đi chơi với Geli hoặc đi xem hát cùng cô. Hắn đặc biệt thích thưởng thức cái giây phút khi những thanh niên đó hiểu rằng Geli thuộc về hắn; hàng mi chớp chớp vì hốt hoảng mang đến cho Hitler sự thỏa mãn ngang với một cơn cực khoái thực sự. Hắn khoái trận đấu với những chàng rắp ranh bắn sẻ này đến mức không nhận ra rằng Geli gây ra nhiều đam mê bùng cháy như thế là vì cô nàng cư xử như một ả lẳng lơ. Geli nhìn mọi người đàn ông như thể họ đẹp trai, quyền uy và sẵn sàng làm nàng mệt nhoài trong vòng tay của họ; thế rồi, một giây sau, cô nàng đã chế giễu và ăn nói xấc xược; kết quả của sự trở chứng này dẫn đến việc chàng trai lịch lãm sẽ tiếp cận thử vận may.

Tuy Geli thích cuộc sống kiểu này với chú mình, một người có vai vế, một ngôi sao chính trị, nhiều tiền bạc và rất rộng rãi với cô nhưng sau hai năm cô bắt đầu cảm thấy bị giam cầm. Nhiều lần, cô đã đề nghị với Hitler được đính hôn với người này hay người khác. Hắn lúc nào cũng tìm được cớ để không đồng ý. Sau khi sa thải tài xế của mình, Emile, người mà Geli đã đầu mày cuối mắt, hắn tiếp tục vùi dập từng người một trong đám thanh niên mà cô phải lòng. Ban đầu, cô còn nghe những lập luận của ông chú còn bây giờ cô thậm chí không buồn nghe nữa vì biết rằng ông ta sẽ tiếp tục nghĩ ra những cớ khác.

Thế nào chú Alf, chú không thấy chàng trai nào xứng với cháu à?

Không một ai.

Vậy là cháu tuyệt đến vậy sao?

Cháu là công chúa nhỏ của ta.

Câu nói nghe thật sướng tai nhưng cô đã hai mươi ba tuổi rồi và bắt đầu thấy thời gian dài ra và mòn mỏi mong được rơi vào vòng tay một người đàn ông.

Chán chường vì hy vọng có được một tấm chồng, cô quyết định có một người tình.

Jochen là một nghệ sĩ vĩ cầm người Viên, tóc dài như dây cây vĩ của anh ta. Cô đã gặp anh ta ở nhà thầy giáo của mình. Vì anh ta là người trong giới âm nhạc và không nằm trong vòng kiềm tỏa của ông chú, cô quyết định lén lút hẹn hò với anh ta. Mỗi ngày, Geli và Jochen lên giường với nhau hai tiếng.

Nhưng giờ giấc không thuận tiện cho họ, Geli thường xuyên lo sợ bị nhận ra hoặc

tệ hơn là có chửa. Nhưng Jochen vốn là người tài tình và lão luyện, anh ta biết cách làm cô sung sướng mà không phải sợ nguy cơ này.

Chú yêu của cháu ơi, chú không nghĩ là cháu nên hoàn thiện việc học hát của mình ở Viên hay sao?

Hitler tím mặt.

Ý nghĩ mới ngu ngốc làm sao! Chú ghét cay ghét đắng cái lời đồn thổi rằng nhạc của Viên thì cao quý hơn của Đức.

Nhưng dù sao…

Wagner là người Đức hay người Áo?

Nếu cháu có thể hát vai Isolde, cháu sẽ đồng ý với chú. Nhưng khổ nỗi giọng cháu lại hơi yếu, cháu cần…

Không phải chỉ có giọng cháu mới yếu mà cả trí lực của cháu nữa.

Geli ngưng nói, hoảng sợ, cảm nhận thấy bão tố đang đến. Quá muộn. Hitler phun ra hàng tràng:

Chú làm việc quần quật tối ngày để cháu làm những điều cháu thích và đây là cách cháu nói lời cảm ơn phải không? Bằng cách đòi đi Viên! Liệu khi đó mỗi năm chú còn có vinh dự được nhìn thấy cô nương một lần khi cô ấy trở thành một ngôi sao hay không? Họ hàng gì mà bội bạc làm sao! Chẳng ai tốt hơn ai trong cái gia đình người Áo bẩn thỉu ti tiện này! Đầu tiên là mẹ cháu, người đã…

Geli cho rằng nghe cũng chỉ vô ích, cô cụp mắt và khom lưng chờ đợi cơn giận trôi qua. Cô biết rằng chú mình còn phát điên lên vì tuyệt vọng cả tiếng đồng hồ nữa. Cô nhớ tới Jonchen, người mà làn da phía trong cánh tay mới mềm mại làm sao, nơi những mạch máu nhắc nhở rằng cuộc sống mới mong manh làm sao, và điều này giúp cô không chú ý tới những lời gào thét của ông chú.

Jochen đã kết thúc hợp đồng ở Munich và phải quay về Viên. Cuộc chia tay còn xé lòng hơn nữa bởi họ không có nhiều thời gian, Geli chỉ có thể trốn khỏi sự quản thúc của ông chú trong vòng một tiếng. Cô bắt anh phải thề không được viết thư – chú của Geli kiểm soát từng bức thư của cô – và về phần mình, cô thề với anh sẽ gửi cho anh mỗi ngày một lá thư.

Cô đã làm điều ấy và tác động của việc này là tình yêu tuyệt đối mà cô dành cho Jochen. Làm thế nào mà không điên lên vì một người đàn ông đã làm cho cô biết đến sự khoái lạc và không thể trả lời những lời yêu thương ngày càng nồng cháy của cô? Sự thiếu hụt hoàn toàn làm Geli trở nên bấn loạn.

Cô cho rằng mình bất hạnh nên phải đi Viên để bù lại.

Sau khi đòi Hitler mua cho mình một bộ quần áo mới và hai chiếc váy dài, chiều hôm đó, khi về đến căn hộ rộng thênh thang của họ, cô quyết tâm thuyết phục để được đi Viên.

Chú cưng chiều cháu quá mức, chú Alf, cháu sẽ không bao giờ nói cảm ơn chú

cho đủ được.

Hitler ưỡn ngực kiêu hãnh.

Cháu nghĩ là mình không xứng có một người chú như vậy. Bởi xét cho cùng, cháu là ai cơ chứ? Một đứa con gái chẳng biết gì, không hiểu gì về chính trị và cố gân cổ lên hát một cách khó nhọc để làm vui lòng ông chú quá đỗi yêu nhạc của mình.

Giọng cháu rất hay, Geli ạ.

Vâng. Nhưng nó không được phát triển toàn diện.

Cần phải tập luyện.

Vâng, nhưng đã ba năm nay cháu đã chạy đi chạy lại đến tất cả các thầy dạy hát ở Munich thế mà giọng cháu vẫn không nổi lên được.

Cần phải kiên nhẫn.

Người ta có nói với cháu về một thầy giáo tuyệt vời ở Viên.

Không, chú Alf, không phải cháu đang nói với chú là cháu muốn dọn đến sống

Viên mà cháu chỉ muốn đến hát thử cho ông ấy nghe để ông ấy nói thật xem với giọng hát của mình cháu có nên tiếp tục học hát hay không. Chỉ vài ngày thôi mà.

Cháu muốn gặp ai ở đó?

Cái ông thầy mà cháu nói đấy.

Chú hỏi ông ấy tên là gì.

À? Vôgel. Thầy Vôgel.

Chưa nghe nói tới bao giờ.

Hitler ngồi nhìn qua cửa sổ vẻ giận dỗi. Geli tiến đến gần và cầm tay hắn.

Chỉ ba hay bốn ngày thôi chú ạ, để lòng cháu được thanh thản.

Lòng cháu được thanh thản?

Hắn nói điều ấy bằng giọng hồ nghi đến mức cô run lên vì nghĩ rằng Hitler đã đoán được chân tướng sự việc.

Chú biết rõ mấy ông thầy dạy hát này: “Vâng, thưa cô Raubal, cô có một giọng hát thật tuyệt nhưng cần phải luyện lại toàn bộ phần kỹ thuật. Tôi có thể giúp cô điều đó. Bốn buổi tập một tuần, giá năm mươi mác một giờ.” Và chính vào lúc đó, cháu sẽ muốn ở lại Viên.

Chú của cháu ơi, cháu thề là không mà.

Thế tại sao cháu thề với chú là không? Nếu như cái ông Vôgel này là thầy giáo giỏi nhất thế giới?
Cháu thề là không… vì cháu không muốn… rời xa chú.

Hitler mỉm cười. Hắn thậm chí còn quay mặt nhìn sang phía cửa sổ để giấu cảm xúc của mình. Geli biết là mình đã thắng.

– Ba ngày thôi, chú của cháu ạ. Chỉ ba ngày không ở bên chú và cháu sẽ quay lại.

– Đồng ý. Nhưng mẹ cháu sẽ đi kèm cháu.

Geli hất tay của Hitler ra, điên cuồng nổi cơn thịnh nộ.

Cháu đã hai mươi ba tuổi rồi, có còn nhỏ gì nữa đâu! Cháu có thể ra ngoài mà không cần người đi kèm!

Điều đó có thay đổi gì đâu nếu cháu làm chuyện chính đáng?

Cháu không muốn có mẹ cháu đi kèm.

Mẹ cháu sẽ đi kèm, nếu không, cháu sẽ không đi đâu cả. Đây là lời cuối cùng về chuyện này.

Nhưng cháu có phải là một tù nhân không đây?

Hitler giật nảy mình.

– Tù nhân? Cháu nói gì vậy?

Geli đi đi lại lại trong căn phòng, nước mắt đầm đìa.

Cháu đã hai mươi ba tuổi, chú đã đẩy lui tất cả những người đàn ông đến gần cháu và cháu thậm chí không thể ra ngoài mà không bị giám sát. Tương lai của cháu sẽ ra sao? Một năm? Hai năm? Hai mươi năm tù nữa? Tương lai của cháu sẽ ra sao hả chú Alf? Chú nói đi!

Hitler bình thản nhìn Geli và nhẹ nhàng nói:

Em sẽ cưới ta.

Trước lời đề nghị động trời ấy, Geli cười khẩy một cách hung tợn, khi nhìn thấy ông chú giữ nét mặt không đổi, cô hiểu rằng ông ta không đùa. Cô đến gần Hitler:

Chú Alf, cháu nghĩ là mình đã nghe lầm. Chú có thể nhắc lại điều chú vừa nói không?

Em sẽ cưới ta. Em sẽ là bà Hitler. Em không phải là tù nhân. Em là người đàn bà của đời ta.

Geli quá sợ cái nhìn chăm chắm của ông chú đến mức bỏ chạy về phòng đóng chặt cửa.

Hai mươi phút sau, Hitler đến trước cửa phòng cô và nói, giọng đã trở lại bình thường:

Geli, chú đi Nuremberg. Tối mai chú sẽ về.

Cô nghe tiếng hắn ra lệnh cho đám người hầu rồi đẩy cánh cửa nặng nề ra đi.

Một kẻ điên! Cô đã rơi vào cái bẫy của một kẻ điên. Thái độ của ông ta trong suốt hai năm qua đột nhiên trở nên sáng tỏ. Ông ta đón cô về ở cùng không phải vì tình cảm gia đình mà vì chính mình, vì ông ta yêu cô. Ông ta đã xua đuổi tất cả những người đàn ông tán tỉnh cô bằng cách dùng uy quyền của người chú để giành lấy vị trí người chồng tương lai.

Nằm trên giường, Geli bị giày vò bởi nỗi tuyệt vọng, ngập trong nước mắt, vừa gọi Jochen mong được cứu, vừa điên tiết vì tất cả những mối tình bị tước đoạt, khiếp sợ tình cảnh của mình: vì ngây thơ, tốt bụng, trong trắng mà đã để cho người chú tin rằng

ông ta sẽ đạt được mục đích của mình. Cô gái vui vẻ không được chuẩn bị tinh thần để bị giày vò và vỡ mộng nhiều đến thế. Cô cố tìm một ý nghĩ để bám víu lấy nhưng không tìm được ý nghĩ nào.

Đột nhiên, cô đứng bật dậy, chạy sang phòng ông chú, mở ngăn kéo chiếc bàn đầu giường ngủ. Cần nhất là phải hành động nhanh và không suy nghĩ. Cô cầm khẩu súng và chạy về khóa mình trong phòng.

Cô kề súng vào ngực trái và không chần chừ một giây, bóp cò.

Cô gái đổ gục xuống, chết trong vũng máu.

Ngày hôm sau, sau khi không thấy cô trả lời, đám người hầu phá cửa phòng và tìm thấy xác cô.

Cảnh sát được gọi đến.

Cuối cùng người ta cũng báo tin được cho Hitler ở Nuremberg.

Cháu gái của ngài, Geli Raubal đã tự tử bằng khẩu súng của ngài. Cảnh sát đang đợi ngài.

Ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu Hitler là người ta sẽ khép hắn vào tội giết người. Ý nghĩ thứ hai là cảm giác tức giận trước hành động ngu ngốc đó. Thứ ba là cảm giác đau buồn.

***

Mọi thứ ở nhà bá tước Baumont đều ngông cuồng nhưng hợp lý.

Đổ xô đến những buổi tiệc hóa trang tại biệt thự của ông trên phố Duroc là tất cả những nhân vật quan trọng ở Paris: họa sĩ, nhà báo, giám đốc nhà hát, diễn viên, nhà thơ, biên đạo, chừng ấy nhân vật nổi đình nổi đám và một số nhân vật kín tiếng hơn vì họ là những triệu phú, chủ nhà băng, nhân viên môi giới chứng khoán hoặc các nhà tài chính. Đây là chốn phô trương của nghệ thuật chứ không phải là sức mạnh. Giới có chức có quyền thì không thấy xuất hiện bởi chẳng nhà chính trị nào có thể len vào được đám đông nghệ sĩ sặc sỡ này mà không bị chửi rủa hoặc bị đấm vào bụng.

Dạ hội Shakespeare, đã có ai từng nghe thấy điều gì tương tự chưa! Người ta có thể đến dự một dạ hội vẹt, dạ hội da đen, dạ hội olympic, dạ hội giả trang siêu tâm thức, dạ hội sáo mòn; vào phút cuối, Sở Liêm phóng thành phố đã cấm mọi người không được đến dạ hội khốn cùng vì những người thất nghiệp đã biểu tình trên đại lộ Champs-Elysées, cho rằng chủ đề của dạ hội là một thứ mô-ve-gu; nhưng chưa ai đến dự một dạ hội Shakespeare bao giờ!

Sự phấn khích đã ngự trị ngay từ lối ra vào. Hàng trăm kẻ hiếu kỳ đứng xúm xít để chiêm ngưỡng những vị khách mời bước ra khỏi xe. Bộ phận bảo vệ ngăn không cho họ đến gần. Để gieo thêm nỗi khủng khiếp vào cảm giác nóng lòng, một vài người trong giới thượng lưu thậm chí đã truyền miệng nhau rằng những kẻ đứng ngoài này muốn phá hoại buổi tiệc.

Như thường lệ, với những đêm tiệc kiểu này, những tuần chuẩn bị mới là những

tuần tuyệt vời nhất. Khách mời tưởng tượng quần áo mình mặc ra sao, cho đi may, thử, sửa rồi cuối cùng mang ra trưng. Một buổi tiệc hóa trang đạt đến đỉnh điểm và nhanh chóng chết sau khi màn được kéo lên; sau đó, người ta chẳng còn vai diễn gì nữa. Trái tim đập chậm lại và mọi chuyện trở lại bình thường. Vào lúc đó, người ta tìm thấy niềm vui thông tục nhất là tán tỉnh nhau, nhảy múa và tán chuyện.

Adolf H. và Mười-một-giờ-rưỡi đột ngột xuất hiện trong đêm tiệc, một người hóa trang thành Othello, một người thành Desdemona, chàng đẹp tuyệt vời, như chàngMô(29) thực sự, đen giòn, hoang dại, đáng sợ, nàng tóc vàng, óng ánh, thanh khiết, tỏa hương Venice.

Chính Adolf là người đưa ra ý tưởng hóa trang thành Desdemona và Othello.

Đồng ý, Mười-một-giờ-rưỡi vui vẻ trả lời, với điều kiện là chúng ta không diễn hồi cuối.

Nếu anh phải lấy gối bịt em chết ngạt vì ghen tuông thì anh đã làm rồi.

Anh ấy à, anh cũng biết ghen hả?

Adolf không trả lời vì hắn không biết gì về chuyện đó. Ít thạo sử dụng những từ chính xác để nói về cảm xúc của mình, quen hơn với việc biểu đạt tình cảm bằng hội họa, hắn để mặc những sức mạnh điều khiển mình sôi sục lên trong hắn, hơn nữa hắn không thể gọi tên chúng được. Từ khi Mười-một-giờ-rưỡi đã thú nhận với hắn – không phải là thú nhận mà là đập vào mặt hắn – rằng nàng có tình nhân, hắn giam mình trong xưởng vẽ và đập đầu vào tường. Trước bức tường bên phải, hắn hét lên rằng nàng là một con điếm, một thứ rác rưởi, một kẻ ích kỷ, rằng nàng phải biến ngay lập tức khỏi đời hắn; trước bức tường bên trái, hắn xin tha lỗi, cho rằng mình là người chịu trách nhiệm, trách mình đã lạnh nhạt, vùi đầu một cách phi lý vào công việc. Chuyện đó chẳng phải là bình thường hay sao khi nàng mới hơn hai mươi tuổi, rằng nàng phải tận dụng cơ thể mình và thay người bạn tình quá bận rộn bằng một diễn viên múa cuồng nhiệt? Họ đã bao giờ hứa chung thủy với nhau chưa? Họ chưa bao giờ thề như thế trước ban thờ hay trước ông thị trưởng, kể cả khi trần truồng nằm với nhau trên chiếc giường tình yêu, người này đối mặt người kia. Chẳng thể có sự phản bội khi chẳng có hứa hẹn nào. Vậy là Mười-một-giờ-rưỡi không phản bội hắn. Tuy nhiên… tuy nhiên hắn lại chưa bao giờ lạc lối vào vòng tay một người đànbà khác! Chính vì thế, khi hắn không còn trong vòng tay của nàng, chắc chắn là vì thế, mọi trục trặc đến từ đó… không, hắn không ghen. Hắn không có quyền ghen. Vả lại, hắn có còn yêu Mười-một-giờ-rưỡi nữa không? Đó liệu có phải là tình yêu, nỗi cáu giận thường trực này? Có phải là tình yêu không, vết thương này? Những giờ phút chửi rủa giữa đống toan phủ keo, câm lặng, đợi chờ, đó có phải là tình yêu không?

Ngược lại, tối nay, trước tấm gương trong phòng tắm, hắn đã cảm thấy một sự thỏa mãn mới khi phủ lên mặt và tay những lớp phấn hóa trang; càng bôi đen da mình, cảm xúc của hắn càng trở nên trong trẻo; nhờ che giấu mình trước con mắt của người khác,

cuối cùng hắn cũng tự nhìn thấy mình: đúng, hắn ghen, ghen tưởng đến chết đi vì hắn yêu Mười-một-giờ-rưỡi đến chết đi được. Lòng hắn đã quyết: hắn sẽ nói với nàng hắn yêu nàng biết bao và nàng đang làm hắn đau khổ đến nhường nào. Nàng sẽ tự dàn xếp chuyện đó.

Nhưng khi Mười-một-giờ-rưỡi đến bên hắn trong tiền sảnh, hiền dịu và lộng lẫy trong chiếc váy kiểu Phục Hưng, hắn thấy hoảng sợ. Hắn có thực sự biết nàng? Chẳng phải nàng vẫn hơi xa lạ với hắn sao? Hắn lấy quyền gì mà trút lên nàng tình yêu và sự ghen tuông của mình? Những cái đó liệu có làm nàng bận tâm?

Trên suốt đường đi, ngồi trong xe, hắn tìm cách tự trấn an mình bằng cách nói chuyện trở lại với nàng.

Thật là một sự ngạc nhiên thú vị khi thấy em thế này! Cuối cùng, em đã có thể trở thành một cô gái tóc vàngrồi.

Hắn ghét cái giọng cảnh vẻ mà hắn không thể ngăn mình thốt ra.

Có lẽ một tháng nữa chúng ta nên nghĩ đến kỳ nghỉ bên bờ biển rồi nhỉ?

Không thể chịu được! Hắn đang nói với người đàn bà của đời mình bằng cái giọng của một công tử bột trong một buổi khai mạc triển lãm. Hắn diễn, hắn lễ phép, hắn đang thủ một vai.

– Anh muốn ở bên em nhiều hơn.

Nhạt nhẽo làm sao! Đó là do hắn nói một cách nhạt nhẽo hay do cảm xúc của hắn nhạt nhẽo? Làm sao hắn lại để cho những cuộc nói chuyện trở nên hiếm hoi đến mức này, khiến mỗi câu trao đổi đều vang lên trong một sự trống rỗng quá ư trịnh trọng?

Đám đông trầm trồ khi họ bước vào biệt thự Beaumont, hắn cảm thấy vững tin. Hắn hiểu rằng người ta cho là can đảm việc một người đàn ông dám hóa trang thành Othello khi đi với vợ mình. Đúng, các người hiểu đúng đấy, ta đang ghen, ta cho cả thế giới biết điều đó, ta ghen đến phát cuồng bởi vì ta đang yêu đến phát cuồng.

Xin mời qua đây, Etienne de Beaumont nói, nhất định phải để Man Ray chụp ảnh ông bà.

Họ tạo dáng trước ống kính của nghệ sĩ Mỹ, Adolf trợn mắt một cách hung tợn, Mười-một-giờ-rưỡi chọn một dáng vẻ cực kỳ thuyết phục của một con chim câu bị nghi oan.

Nhạc jazz tràn ngập khắp phòng. Có đến mười lăm Cleopatre và hai mươi Hamlet đang nhảy điệuCharleston. Vì lịch sự, bá tước de Beaumont đã làm xấu mình thậm tệ khi hóa trang thành Richard Đệ tam. Tấtdài và quần áo bó sát người để lộ những đường nét gợi cảm, cặp đùi săn chắc, bộ mông nở nang và người ta xì xầm khắp nơi rằng vào nửa đêm sẽ có một cuộc thi bắp chân.

Một nhóm thanh niên vây quanh Mười-một-giờ-rưỡi và bắt đầu phá lên cười vì những câu đối đáp dí dỏm của nàng. Adolf lùi ra xa, đứng tựa lưng vào cửa sổ sau khi đã tham gia vài câu xã giao, ẩn mình sau lớp phấn hóa trang, để mặc dòng suy nghĩ

cuốn đi. Tại sao ta lại để nàng tràn ngập tâm trí mình thế này? Ta đã để nàng chiếm quá nhiều chỗ trong cuộc đời mình. Hãy nhìn nàng xem, nàng cười cợt, run rẩy, nàng thanh khiết, hừng hực, gợi tình. Nàng cần đến ta ít hơn ta cần đến nàng. Chuyện không thể cứ như thế này mãi được. Ta không có quyền đánh mất kiểm soát cuộc đời mình được. Ta không được để mình bị người khác lấn át.Ta…

– Đêm nay, Othello thật buồn…

Một người đàn bà xuất hiện cắt ngang luồng suy tư của hắn. Đó là một người đàn bà cao lớn, đường nét hoàn mỹ, mềm mại, tóc lượn sóng với ba màu vàng khác nhau, một màu vàng cát, một màu vàng kim loại và một màu vàng như bờm sư tử, ba dải tóc màu vàng khỏe mạnh được tết lại, một sức sống hoang dại chảy tràn đến tận ngang hông.

Tôi nghĩ trước mặt mình là Ophelia phải không?

Quan sát đúng lắm. Một nàng Ophelia trầm mình trong rượu vang trắng sherry, người đàn bà vừa nói vừa nâng ly lên ngang đôi mắt hình bán nguyệt của mình.

Ở đó cũng vậy, trong cặp đồng tử của nàng, Adolf nhận thấy một sự pha trộn thừa thãi của tất cả các màu nâu, be đến màu đen, màu hạt dẻ, màu nâu đỏ, màu vàng nghệ, màu đỏ gạch, màu nâu gụ… với một chút ánh xanh lá cây.

Trí tưởng tượng mới phong phú làm sao, hắn thì thầm.

Ông đang nói đến cái gì?

Về sắc màu của bà. Khi tạo ra bà, song thân của bà đã chứng tỏ họ có tài phối hợp màu sắc tuyệt vời.

Nàng thở mạnh, nửa bực tức, nửa như ngượng ngùng.

Ông có đôi chút giọng Đức phải không?

Tôi là Adolf H., tôi là người Viên.

Adolf H. Còn tôi là người Berlin! Nàng thốt lên.

Họ cùng cười thoải mái. Áo và Đức giờ đã trở thành tổ quốc chung khi người ta sống lưu vong tại Paris.

– Tôi là Sarah Rubinstein, tôi làm việc bằng mũi.

Nàng trỏ hai lỗ mũi hoàn hảo đang hếch lên khi người ta nói đến chúng.

Bà vẽ tranh bằng hương thơm ư?

Tôi thí nghiệm. Tôi vừa học xong tại hãng Guerlain ở Paris. Sau đó, tôi quay lại Đức để sản xuất nước hoa của chính mình.

Tình hình ở Đức ra sao?

Adolf hỏi Sarah về tình hình rối ren của nước Đức, những khó khăn mà nền cộng hòa Weimar gặp phải khi điều khiển đất nước. Sinh ra từ một cuộc bại trận, thoát thai từ Hiệp ước Versailles năm 1918, trong mắt nhiều người Đức, nền cộng hòa này bị coi như một sự trừng phạt nhục nhã.

– Điều đó tạo quá nhiều khoảng đất trống cho những kẻ cực đoan. Cả cánh tả lẫn

cánh hữu. Những người cộng sản kiếm được nhiều phiếu và phe quốc gia cánh hữu cũng vậy, nhất là khi phe này không ngần ngại chơi lá bài bài Do Thái.

– Thế à? Adolf nói.

Nàng nhìn xuống dưới như thể sắp nói một điều thất thố.

Như ông có thể đoán được khi nghe tên tôi, tôi là người Do Thái.

Tôi thì không phải, Adolf nói, mặc dù người ta coi tôi là người Do Thái khi nhìn tranh của tôi.

Thật ư? Ông không phải là người Do Thái à? Adolf H.? Tôi tưởng là…

Với tôi đây là một lời trách cứ.

Xin ông thứ lỗi, tôi quen mất nết đi rồi. Tôi sinh trưởng trong một gia đình có tinh thần tranh đấu quá cao. Cha tôi là một trong những lãnh đạo của phong trào sionist.

Có nghĩa là?

Ông đấu tranh cho việc thành lập một quốc gia Do Thái độc lập.

Những điều này cách xa cả ngàn dặm so với những mối bận tâm thường nhật của Adolf, vốn bị công việc sáng tác và mối ghen tuông hút hết tâm trí. Với hắn, đó là một sự thay đổi hoàn toàn mới mẻ.

Hắn tiếp tục hỏi về tình hình chính trị ở Đức.

Tôi cảm thấy là nền cộng hòa sẽ trở nên thiên hữu và cứng rắn hơn, Sarah nói thêm, một phái quốc gia cực hữu sẽ phản đối Hiệp ước Versailles. Nhưng tôi không e ngại lắm mức độ nguy hiểm của phái cực hữu ngay cả khi chiêu bài mị dân của họ vẫn có người nghe.

Tại sao?

Vì họ không có ai có khả năng diễn thuyết. Chiêu bài mị dân chỉ thành công khi nó được thực hiện bởi một nhà diễn thuyết đại tài. Không có kẻ quyến rũ thì không có sự quyến rũ. Phe cực hữu có gì? Rôhm ư? Một quân nhân có khả năng huy động những chiến binh hoài niệm nhưng chỉ dừng lại ở đó. Goebbels ư? Ông ta quá xấu và quá cao ngạo để thành công.

Thật hạnh phúc khi biết tin về đất nước mình, Adolf H. kết luận.

Họ rẽ đám đông đến bàn tiệc buýp phê vĩ đại.

Nhìn qua một đôi cánh và một cái khăn vành, Adolf thoáng nhìn thấy Mười-một-giờ-rưỡi đang tranh luận với một người đàn ông rất đẹp…

Adolf cảm thấy tim mình ngưng đập.

Hắn ta! Lars Ekstrôm! Người tình Thụy Điển! Tay diễn viên múa! Mười-một-giờ-rưỡi, má ửng đỏ, dường như đang nài nỉ để đạt được cái gì đó ở hắn

ta. Thỉnh thoảng nàng liếc nhìn xung quanh lo lắng, hình như hắn đã đồng ý với điều nàng nài nỉ, cầm tay nàng rồi họ lên cầu thang và biến mất.

Adolf nghĩ rằng họ tìm cách trốn vào một phòng nào đó để…

– Có chuyện gì không ổn à? Sarah hỏi.

Hắn giật nảy mình. May mắn thay, việc hắn hóa trang thành người da đen đã giúp hắn che giấu được cảm xúc của mình. Hắn mỉm cười.

Không, tôi nghĩ đến cái gì đó làm tôi vui thích… và có liên quan đến bà.

Thế à?

Đúng vậy.

Tôi muốn vẽ bà.

Trong vai Ophelia?

Ophelia vừa tắm xong. Chính xác hơn là trong vai thần Vệ Nữ.

Ông muốn tôi trần truồng trước mặt ông?

Đúng vậy.

Không thể được. Chỉ người đàn ông nào mà tôi muốn làm tình mới được nhìn thấy tôi như thế.

Đó cũng chính là cái tôi muốn nói.

Sarah thoáng giật mình. Adolf không để cho nàng có thời gian để nổi giận.

Bà không muốn vì bà là người phân biệt chủng tộc phải không?

Ông nói gì cơ?

Bà không muốn ngủ với một người da đen?

Sarah phá lên cười. Adolf tiếp tục nói và phủ cái nhìn từ đôi mắt xanh phớt hồng của mình lên người đàn bà.

Hay bà sợ cái mà bà sẽ khám phá ở tôi sau khi tôi cởi bỏ lớp hóa trang?

Tôi biết rõ cơ thể ông như thế nào, ông Adolf H.

Qua giọng điệu xấc xược và cái nhìn long lanh của nàng, Adolf hiểu rằng cái hắn vừa mong muốn có lẽkhông phải là điều không thực hiện được.

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.