Nửa Kia Của Hitler

4.



– Ông ta sẽ từ bỏ, đó là điều chắc chắn. Ông ấy đã quá suy sụp.

Ông giám đốc nhà xuất bản Adolf Müller và Joseph Goebbels buồn bã nhìn dáng vẻ tàn tạ của Hitler, như mọi ngày đang đứng hàng giờ nhìn đăm đăm xuống mặt nước ủ dột và phẳng lặng của hồ Tergern.

Mây ngừng trôi, soi bóng xuống mặt nước, bất động, nặng nề, dày đặc. Thiên nhiên đông đặc. Ngay cả đám chim chóc cũng dang cánh lượn mà như bay tại chỗ.

Vợ tôi sợ rằng ông ấy bắt chước Louis Đệ nhị trầm mình tự tử mất, Müller nói. Tôi đã cho người theo dõi ông ấy liên tục. Ông ấy ngủ trong phòng dành cho khách trong nhà tôi, tôi đã cất vũ khí của ông ấy đi và lắng nghe tiếng chân ông ấy suốt cả đêm.

Đúng là một đại họa. Hơn bao giờ hết, Đảng cần ông ấy. Ông ấy phải tranh cử

tổng thống.

Hãy bảo các đảng viên đợi thêm một thời gian, Müller nói. Ông là người duy nhất, sau ông ấy, có khả năng hiệu triệu quần chúng.

Müller không có chút cảm tình nào với Goebbels nhưng ông ta cũng phải thừa nhận rằng Goebbels có tài hùng biện; ông ta không có cái hấp lực của Hitler nhưng lại có tài hùng biện và kỹ năng làm điều đó.

“Có những dáng vẻ bên ngoài buộc anh phải là người có tài”, ông ta nghĩ khi nghiên cứu ngoại hình gớm ghiếc của tiến sĩ Goebbels tới lần thứ hai mươi.

Thân hình của Goebbels khiến người ta có cảm giác đã có sự lầm lẫn ở đâu đó. Hoặc là cái đầu quá to, hoặc thân hình quá bé, tóm lại, cái đầu không ăn nhập với thân hình. Cái gáy cố giữ vai trò trung gian, nó mọc lên để giữ cái sọ quá rộng, quá nặng, quá tròn nối tiếp với cái lưng, giữ cho cái sọ khỏi rơi về phía trước. Thân hình của ông ta căng và ngoe nguẩy như một con cá đục đang cố giữ một trái bóng trên mặt nước. Hơn nữa, khi Goebbels đi, người ta nhận ra rằng cơ thể ông ta không hòa nhịp với chính nó: một bên chân ngắn hơn, càng nổi bật đối với một người chân vẹo, chối bỏ mọi sự đối xứng. Chân tay của Goebbels giống của động vật nhưng mỗi cái lại thuộc về một loài khác nhau; ông ta cóđôi chân chim sẻ, mông dưới của ngựa lùn, thân hình nhỏ thó của một con khỉ lười, đầu chim cú, mắt sâu hoắm như mắt chồn và mũi gồ như con chim sẻ ở đảo Galapagos. Khi nghe thấy gã con lai đẻ ra trên thuyền của Noé này nói về sự thuần khiết chủng tộc, đả kích người Do Thái kinh tởm, hủ hóa, mũi khoằm, ngợi ca giống nòi Aryen tóc vàng, cao lớn, lực lưỡng, thân trên hình chữ V, bắp đùi cuồn cuộn, tuyên bố trên micro những biện pháp y học để kiểm soát sự sinh sản và ngăn cản việc sinh con của những người tàn tật, Müller nhắm mắt lại để chỉ tập trung vào giọng nói đầm ấm của Goebbels và tránh cảm giác khó chịu. Có thể về thực chất, Goebbels là một nhà diễn thuyết tài năng hơn Hitler vì với ngoại hình như thế, phải có một tài năng xuất chúng thì người ta mới có thể đứng lên bảo vệ thuyết ưu sinh và bảo vệ giống nòi cao quý.

Dường như Goebbels đoán được Müller nghĩ gì, ông ta nói với Müller một cách mộc mạc:

Tôi chỉ là người số hai. Không gì khác. Tôi yêu lãnh tụ của chúng ta, tôi muốn phục vụ ông ấy và dù các xác tín của tôi như thế nào đi nữa, tôi sẽ không ở lại đảng Quốc xã nếu ông ấy không lãnh đạo Đảng nữa.

Tôi đã thử hết cách để đưa ông ấy trở lại cuộc sống sau vụ tự tử của Geli, Müller thở dài. Tôi đã hy vọng làm sống lại tinh thần chiến đấu của ông ấy, tôi đã cho ông ấy xem những điều tầm phào mà cánh báo chí đã viết nhằm kết tội ông ấy có quan hệ đồi bại với Geli, giết cô ấy để bịt đầu mối v.v… Vô ích. Ông ấy đã mất đi toàn bộ tính hung hăng rồi. Ông ấy chỉ nói với tôi là “nếu tôi muốn giết cô ấy để tránh một vụ xì căng đan thì tôi không bao giờ ra tay ở nhà tôi với khẩu súng của tôi”.

Ông ấy có lý.

Vấn đề không phải ở chỗ đó. Không ai thực sự nghĩ tới việc kết án ông ấy vì lúc đó ông ấy đang ởNuremberg. Vấn đề là ông ấy muốn từ bỏ chính trị và đang ở bên bờ của một cuộc tự sát.

Đúng là một tấn thảm kịch. Chưa bao giờ ông ta lại gần đích đến vậy. Ông ấy sẽ được bầu nếu kịp tham gia tranh cử.

Trong khi những nhà lãnh đạo đảng Quốc xã rối bời thì Hitler đang nhìn chăm chăm xuống mặt nước hồ buồn tẻ. Cái hồ đã trở thành bia mộ của Geli. Hắn nhìn mặt hoa cương màu ghi gần như trong vắt và gửi cả lòng mình vào đó. Hắn nói với nó về tình yêu. Hắn đã quên rằng chính hắn đã gây ra cái chết của cô gái trẻ. Hắn không hề cảm thấy mình có tội. Không nhìn ra mối liên hệ giữa lời cầu hôn của mình và vụ tự tử, hắn giải thích hành động này như đối với mọi hành động khác của Geli, nghĩa là không giải thích gì cả. Người ta có giải thích một con chim không? Có ai giải thích tiếng nó hót không? Sự duyên dáng của nó? Những cơn biến đổi tâm tính của nó? Geli bao giờ cũng chỉ là một tạo vật nhỏ bé, tràn trề sức sống, tỏa ánh sáng và niềm vui quanh hắn. Hitler không hề nghĩ tới việc ghép cho cô một tâm lý phức tạp, một cuộc sống nội tâm. Hắn khóc nức nở không phải vì Geli mà là về những cái hắn mất.

Khi cảnh sát hỏi hắn về những lý do có thể làm cô gái tự tử, không có gì để trả lời, Hitler kể lại những kỷ niệm xưa, kỷ niệm về một ông thầy bói, người đã nói trong một buổi lên đồng rằng Geli sẽ chết không phải vì tuổi già, cũng không phải vì lý do tự nhiên. Vả lại, Hitler đã nổi cáu khi người ta hỏi han hắn nhiều như vậy về chuyện tự tử, khi người ta truy tìm nguyên nhân, với hắn điều đó có vẻ như che giấu điểm chính yếu là Geli đã chết, vậy đó, cô không còn sống với hắn trong căn nhà của hắn, hắn đã vắng cô. Còn lại thì…

Hắn nói chuyện với cái hồ, kể với nó nỗi buồn của hắn và cùng lúc ấy hắn cảm thấy nhẹ nhõm. Mọi dính líu tới đàn bà từ nay đã kết thúc với hắn. Sau Mimi, sau Geli, hắn không yêu nữa. Không phải vì hắn muốn tránh những vụ tự tử khác – ô, cái thói gàn cứ thích đi tâm lý hóa và gán đủ thứ lý lẽ cho đàn bà! – không, hắn không yêu nữa vì hắn đã giải mã được những dấu hiệu của Số phận. Lần nào cũng vậy, Định mệnh cũng đẩy tình yêu ra xa hắn. Muốn hắn giữ trọn sự trinh bạch. Cẩn trọng và phòng xa, Định mệnh đã gạt bỏ tất cả mọi thứ quanh hắn, đặt hắn lại trên đường, giục hắn bước đi trên con đường của hắn, chỉ cho hắn chân trời duy nhất: nước Đức.

Hitler thở dài. Trong thâm tâm, hắn đã lười biếng không chịu hiểu mọi chuyện. Tất cả đã được hé lộ với hắn vào năm mười tám tuổi khi hắn xem vở Rienzi. Số phận đã rỉ tai tiết lộ vận mệnh của hắn nhưng hắn đã không dám hiểu điều đó. Giờ đây, hắn thuộc nằm lòng những câu nói ấy: “Ồ, có chứ, ta có yêu. Với một niềm đam mê cháy bỏng, ta yêu vị hôn thê của ta, từ ngày đầu tiên khi ta bắt đầu suy nghĩ, từ khi đống đổ nát huy hoàng nói cho ta biết về sự vĩ đại xưa kia của chúng ta. Tình yêu này làm ta

đau khổ khi vị hôn thê của ta bị đánh đập, đối xử tàn nhẫn, bị sỉ nhục, chặt chân tay, bị lăng nhục, bị la ó và chế nhạo. Ta dành cho nàng trọn cuộc đời ta, chỉ cho nàng mà thôi, ta trao cho nàng tuổi trẻ của ta, sức mạnh của ta. Ta muốn nhìn thấy nàng đội vương miện nữ hoàng của thế giới. Ngươi biết đấy, vị hôn thê của ta là thành Roma!!” Chỉ cần đặt chữ nước Đức thay chỗ Roma trong câu nói và người ta sẽ có con đường số phận của Hitler.

Hắn biết rằng bộ máy quốc xã đang lo lắng vì sự im lặng của hắn. Hắn biết là hắn có thể thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Hắn biết là mình sẽ thắng. Hiện tại, hắn đang tích tụ sức lực trước khi nhảy vọt và làm cho những người khác cảm thấy họ cần hắn đến mức nào trong cuộc tranh đấu. Hắn sẽ vờ lấy lại tinh thần vào cái lúc mà tinh thần của họ sắp sửa đổ vỡ.

***

Thế cậu đặt tên cho bức tranh này là gì? Neumann hỏi, mắt mê say không rời khỏi bức tranh.

Gã độc tài đồng trinh.

Xem này, tớ viết tên bức tranh lên khung. Gã độc tài đồng trinh của Adolf H. Khi viết xong những nét chữ tròn trịa gần như trẻ con, Adolf lùi ra xa để xem tổng

thể bức tranh.

Hắn đã thực hiện một bố cục gây sửng sốt.

Một người đàn ông trần truồng, da trắng vàng như sáp, ẽo ợt, phần giữa háng trơn tru chẳng có gì, người không một chút lông, đang bước đi trên đầu đám đông gồm những cá thể không lớn hơn một con chuột. Các nạn nhân đang giương cao những lá cờ đen mà máu họ đang phọt lên trên đó. Những người bị nghiến nát là những cá thể khác nhau về màu da, thể hình, chủng tộc, sắc đẹp; thậm chí có hai người trông như người khổng lồ, hai người mà hắn bóp nghẹt giữa hai ngón chân. Những thiên thần sáu cánh ở góc phải bầu trời đang chơi nhạc nhưng qua nắm tay khổng lồ đầy vẻ đe dọa đang dứ lên về phía họ, người ta thấy cả họ nữa, họ cũng sẽ bị nghiến nát.

Trông hắn giống như một đứa trẻ sơ sinh, Neumann phản đối.

Chính vậy. Không có gì ích kỷ hơn một đứa trẻ sơ sinh. Nó chìa tay ra, nó giật lấy, nó nghiền vụn và đưa tất cả vào mồm. Con người ở thuở ban sơ, ai cũng là một con quái vật vô ý thức vì không có ý thức về người khác. Chúng ta, ban đầu, ai cũng là một bạo chúa. Khi bác bỏ lý lẽ của chúng ta, chính cuộc đời đã thuần phục chúng ta.

Đó là Mussolini à?

Hoàn toàn không. Mussolini là một kẻ độc tài, hẳn rồi, nhưng hắn không phải là người khủng khiếp nhất mà trái đất có thể có, bởi hắn còn có liên hệ với thực tế, hắn có một người vợ, nhiều nhân tình, con cái, đó là một con đực La tinh thực sự.

Ý cậu là có kẻ còn tệ hơn cả Mussolini ư?

Hay tệ hơn cả Stalin chăng? Đúng vậy Neumann, điều đó là có thể. Về mặt lý thuyết là có thể.

Neumann không chỉnh Adolf vì câu lăng mạ nhằm vào Stalin. Anh biết bạn mình là người chống chủ nghĩa cộng sản quyết liệt và chính anh, trở về sau chuyến đi thứ ba ở Moskva với ít nhiều băn khoăn, không muốn lao vào một cuộc khẩu chiến có hại cho cuộc tái ngộ của họ.

Cậu đã gặp Mười-một chưa? Adolf hỏi.

Rồi, bọn mình có nói chuyện đôi chút. Tớ thấy cô ấy hơi… khách sáo.

Có đúng thế không? Adolf kiêu hãnh nói.

Từ nhiều tháng nay, hắn công khai quan hệ của mình với Sarah Rubinstein, hắn không biết cái gì làm hắn thỏa mãn hơn, những giờ phút bên người tình hay sự ghen tuông của Mười-một-giờ-rưỡi. Nàng không dám công khai chỉ trích mối tình này nhưng thỉnh thoảng Adolf bắt gặp nàng với đôi mắt đỏ hoe, hàm nghiến chặt hoặc tay có những cử chỉ cố kiềm chế cho thấy nàng đang sôi lên vì giận. Những phút giây bên Sarah, người đàn bà tóc vàng, cao và mềm mại với ba tông màu khác nhau, hắn tìm lại được phong vị của thân thể hắn, của thân thể đàn bà và của trò chơi khó đoán định, luôn luôn tươi mới, là trao và tận hưởng hoan lạc.

Mười-một là một cô gái tốt, cậu biết chứ? Neumann nói giọng buồn buồn. Cô ấy không đáng để bị…

Tớ đang cảm thấy mình được sống, Neumann ạ. Thật là đơn giản, tớ sung sướng cảm nhận mình đang sống. Từ khi lừa dối Mười-một, tớ chợt nhớ ra rằng mình đang tồn tại.

Thật không công bằng. Cậu còn được sống hơn nhiều khi bọn cậu mới gặp nhau.

Thành công đã làm hại tớ, đúng vậy. Tớ vắt kiệt sức lực của mình trong công việc. Mười-một đã phải trả giá nhưng đừng quên là chính cô ấy đã đâm nhát dao đầu tiên vào chuyện của bọn tớ.

Ai chứng minh với cậu là…

Anh có thể để bọn em lại với nhau được không Neumann? Mười-một-giờ-rưỡi nói, nàng ầm ĩ đi vàoxưởng vẽ. Em đã nghe hết nhưng em không muốn anh bảo vệ em. Tự em sẽ làm việc đó. Và nói gì đi nữa, emkhông tự vệ mà sẽ tấn công.

Không nói một lời nào, Neumann rời xưởng vẽ gần như rón rén trên đầu ngón chân.

Mười-một-giờ-rưỡi đến ngồi đối diện Adolf, vênh cằm về phía hắn, nhìn vào mắt hắn chằm chằm.

Chuyện này không thể kéo dài được nữa. Anh phải chọn: hoặc tôi hoặc cô ta. Adolf cảm thấy ấm áp bởi một làn sóng thỏa mãn.

Chuyện cái tối hậu thư này là thế nào? Anh có đòi hỏi em phải chọn giữa anh và

tay diễn viên múa đó không?

Không, nhưng nếu anh hỏi thế thì tốt quá.

Thế à? Em sẽ chọn ai?

Chọn anh. Không một giây do dự.

Bất chấp cái giọng hùng hổ của nàng, hắn muốn hôn lên đôi má đang bừng bừng vì giận.

Còn bây giờ, diễn thế là đủ rồi, anh chọn đi: cô người Đức Do Thái của anh hay

tôi?

Tất nhiên anh chọn em, Mười-một. Chọn em, không một giây do dự.

Đôi mắt của người đàn bà bé nhỏ nhòe đi ngay lập tức; nàng không dám tin vào niềm vui của mình, lắp bắp:

Thật chứ? Có thật không?

Ừ. Sarah là một người đàn bà tốt, rất tốt, nhưng… tóm lại, anh chọn em.

Nàng lấy đà rồi nhảy lên quặp chân vào hông Adolf, cọ mũi mình vào mũi hắn và hôn hắn tới tấp.

Em muốn anh có con với em, nàng nói.

Như thế này hả? Bây giờ? Ngay lập tức?

Không. Ngay sau khi anh cắt đứt với cô ta.

Adolf nhăn mặt khi nghĩ đến cảnh khó khăn mà hắn sắp phải trải qua với Sarah.

Đồng ý, em sẽ phụ trách việc này, Mười-một-giờ-rưỡi nói.

Không. Anh không phải là thằng hèn. Anh phải…

Tất nhiên, nhưng từ đây em đã thấy cảnh ấy rồi: “Anh phải chia tay em vì vợ anh ép thế; anh rất tiếc, anh không muốn điều ấy.” Và thế là hấp! Người ta quay lại giường lần cuối để chia tay rồi trở thành bạn tốt. Không, cảm ơn, không có chuyện ấy đâu. Chia sẻ thế là đủ rồi. Bị coi là con điếm cũng được nhưng chính em sẽ làm điều ấy.
Nàng biến mất một lúc rồi quay trở lại, ăn mặc chỉnh tề, đội mũ, đeo găng. Nàng rút một khẩu súng khỏi chiếc túi đen bằng lụa, chĩa về phía Adolf với dáng vẻ tự nhiên nhất.

Anh nằm lên giường đi.

Gì cơ?

Adolf, không nhì nhằng gì cả, em không có thời gian đâu. Nằm lên giường để em trói anh lại.

Nhưng…

Adolf, đừng làm em phải bực lên. Em vừa trải qua những tháng ngày khủng khiếp vì anh, em đang sắp phát điên lên đây, em còn có chuyện yêu cầu tình nhân của anh phải làm, vì thế, xin anh đừng làm đầu em nóng lên và hãy nghe lời em nhanh, nếu không em có nguy cơ xử lý vụng về món đồ chơi nhỏ mà em không quen này. Nằm ra đi.

Sau khi đã cột chặt Adolf vào thang ngang dưới chân và đầu giường, nàng hôn lên môi hắn và đóng sập cửa đi.

Adolf nằm ngửa, không di chuyển được, không làm gì khác được ngoài việc thở. Hai tiếng sau, Mười-một-giờ-rưỡi quay lại. Nàng ngồi xuống cạnh giường và mỉm

cười với Adolf.

Sarah đã hiểu ra. Cô ấy nói với em là cô ấy yêu anh nhưng rõ ràng là không thể yêu anh nhiều như em. Cô ấy rút lui khỏi cuộc chơi. Cô ấy không phải là kẻ ngốc.

Nàng cởi áo măng tô và thêm vào, giọng cười cợt:

Cũng cần phải nói thêm là cô ta không có vũ khí. Thực ra… chỉ có mỗi con dao…

Nàng cởi hết quần áo rồi trèo lên người hắn.

Thế nào, chúng ta có làm ra đứa con này hay không?

Em cởi trói cho anh chứ?

Không. Không bao giờ nữa.

Trong những tháng tiếp đó, Mười-một-giờ-rưỡi và Adolf sống lại mối tình mặn nồng thuở trước. Hắn đã dằn lòng viết một lá thư chân thành tới Sarah để giải thích với nàng rằng, nếu Mười-một yêu cầu hắn… chừng nào Mười-một còn trong đời hắn… và dù gì đi nữa, hắn sẽ không bao giờ rời Mười-một…

Mùa xuân năm 1929, Mười-một-giờ-rưỡi đột nhiên hay buồn nôn. Adolf bay bổng vì sung sướng, nghĩ rằng cuối cùng nàng đã có mang.

Hắn dẫn nàng đến nhà bác sĩ Toubon, bác sĩ phụ trách phòng mạch tốt nhất Paris, trong phòng đợi được bài trí phản thẩm mỹ một cách phô trương, chờ đợi sự khẳng định mỹ mãn rằng hắn sắp được làm bố.

Bác sĩ Toubon thò đầu khỏi cửa, bảo hắn đến phòng làm việc của ông ta. Mười-một không ở đó, nàng đang mặc quần áo ở phòng bên.

Cần phải rất dũng cảm, ông Adolf ạ. Bà nhà bị bệnh lao thể nặng. Tôi không mấy lạc quan. Tôi xin nói thẳng, bà nhà không còn sống được bao lâu.

***

Đầu tiên hắn làm cho người ta trông ngóng mình.

Hắn đưa ra một cuộc hẹn. Lúc nào cũng rất xa trong tương lai. Lúc nào cũng không chắc chắn. Để mình trở nên quý giá, hắn cho loan tin rằng trọng trách của hắn nhiều đến nỗi hắn buộc phải hủy cuộc hẹn. Đây là điều bịa đặt, nhưng ai biết được? Do đó, Hitler không còn là người đợi đám đông, mà chính đám đông đợi Hitler. Đám đông hy vọng.

Đến ngày hẹn, hắn lập kịch bản cho sự xuất hiện của mình. Hắn yêu cầu rằng nơi tập hợp, dù là ở đâu, phải mất đi cái dáng vẻ thường thấy của mình; cờ xí, băng rôn, những hàng ghế, hàng núi bục, kệ, loa phóng thanh, đèn chiếu đã tước đi cái vẻ thường nhật của nơi ấy; đám đông đợi trong một khung cảnh đã được biến đổi, tô

điểm, trang hoàng rực rỡ. Sau đó, hắn bắt đám đông đợi. Hắn tổ chức chi tiết việc xuất hiện muộn của mình. Hắn tính toán cụ thể thời gian cần thiết để một đám đông trở nên căng thẳng, sốt ruột mà không nổi giận hay cảm thấy bị xúc phạm. Khi đó, hắn biết nhanh nhẹn đi vào và nhảy phóc lên diễn đàn như một giải pháp cho tình trạng căng thẳng ấy.

Hắn hành động nhanh gọn. Động tác chuẩn xác, gọn ghẽ. Hắn biết phải gây bất ngờ bằng vẻ cương quyết của mình. Đám đông chỉ biết đến hắn qua những hình vẽ, bức ảnh, chậm và im lìm, được thực hiện nhờ người bạn Hoffmann của hắn, những hình ảnh trong đó hắn trông quý phái và ưu tư. Giờ đây, trong vòng vài giây, hắn phải thể hiện những phẩm chất ngược lại. Chính nhờ phương pháp ấy mà người ta trở nên cuốn hút, với phương pháp ấy mà người ta trở thành một ngôi sao. Hắn biết điều đó, hắn đã nghiên cứu cách làm của các minh tinh màn bạc. Chỉ có sự đồng hiện của những thái cực đối lập trong cùng một con người mới có thể duy trì được sự hâm mộ của đám đông. Greta Garbo đã thống trị cả thế giới nhờ vào vẻ đẹp kiêu sa, nhã nhặn, ngang như một bức tượng cổ đại kinh điển, hoàn toàn trái ngược với những cử chỉ lóng ngóng của một người đàn bà quá cao, xấu hổ vì quá nổi bật, bước chân như một diễn viên múa vụng về chỉ chực ngã, cái nhìn xúc động vì quá nhạy cảm, cái gáy như con chim trúng thương. Hitler cũng vận hành trong những vùng tương phản như thế: sau khi phát tán hình ảnh của một nhà tiên tri bình thản, mắt màu xanh da trời, bề ngoài uể oải, ngơ ngác trong những mộng tưởng thánh thần của mình, hắn sẽ cho quần chúng thấy hắn, bằng xương bằng thịt, với một năng lượng sắc bén, xung kích, điêu luyện, hừng hực, tạo cảm giác có một sức mạnh vô hình ngự trị trong hắn mà chính hắn cũng không kiểm soát nổi.

Hắn ở đó. Hắn đối diện với đám đông. Đây mới chỉ là vòng bầu cử sơ bộ.

Đám đông là một người đàn bà; đàn bà thì cần phải có thời gian để hưng phấn; Hitler là một người tình vĩ đại vì hắn còn chậm chạp hơn cả nàng. Ngay từ đầu, hắn đưa ra những lý lẽ, những ý tưởng, nhưng chỉ một chút thôi. Hắn thủng thẳng. Hắn kìm giữ. Hắn muốn tạo ra niềm ham muốn trong đám đông. Hắn muốn nàng mở ra. Hắn để dành những con bài tấn công của mình cho sau này. Tuy nhiên, khi người hắn đã nóng lên, hắn sẽ mạnh mẽ, căng cứng, tràn trề bất tận.

Trong tình yêu, người ta gọi đó là ông vua chăn gối; trong chính trị, người ta gọi đó là kẻ mị dân. Bí mật của sự thành công đó là chỉ chú tâm đến khoái cảm của bạn tình.

Hitler bắt đầu làm đám đông run lên. Nàng vỗ tay. Nàng muốn tham gia. Hắn khích động nàng, để mặc nàng làm cái nàng muốn, giữ nàng lại, dán môi mình vào môi nàng để nàng không kêu được. Hắn nhấp nhấp, rút ra, bỏ chiếc giẻ bịt miệng ra: nàng cực sướng.

Hắn lại tấn công. Nàng ngạc nhiên. Gì cơ? Lại nữa ngay ư?

Hắn tiến hành. Hắn mời gọi. Nàng theo hắn. Nàng rên lên. Hắn lại tiếp tục.

Nàng rên lên. Hắn thay đổi nhịp. Nàng vừa rên lên sung sướng vừa than thở. Hắn tăng tốc. Trái tim đê mê. Nàng sướng.

Hắn tiếp tục lần mới ngay lập tức. Không. Nàng không chịu được nữa. Nàng đã bị chinh phục. Nàng đã hiểu. Không ai tốt hơn thế. Đúng đấy. Hắn cố nài và kỳ lạ thay, nàng lại tiếp tục với hắn. Bây giờ, ý chí của nàng đã bị đánh gục, nàng thuộc về hắn, hắn là ông chủ của nàng, hắn muốn làm gì nàng tùy ý. Hắn là hiện tại, tương lai của nàng vì hắn đã trở thành kỷ niệm đẹp nhất của nàng rồi.

Nàng sướng nữa, lại nữa, lại nữa.

Bây giờ, nàng không còn phân biệt được lần nào sự cực khoái đạt đến đỉnh cao hơn, nàng buông thả hoàn toàn. Nàng liên tục gào rú.

Và trong khi hắn cày nàng, nàng hứa với hắn tất cả những gì hắn muốn. Vâng. Với anh. Không làm gì mà không có anh nữa. Không bao giờ.

Đột nhiên hắn rút ra và bỏ đi.

Nàng đột ngột đau.

Âm nhạc nổi lên song song với nỗi đau ấy. Để tĩnh trí lại, đám đông cất tiếng hát.

Nàng hạ xuống thế giới bình thường.

Đúng, hứa rồi đấy. Hắn sẽ quay trở lại.

Hitler đã rút về ẩn trong xe của mình. Sau đó, hắn nhảy lên một chiếc máy bay để đến một thành phố khác ngay lúc đó đã ngóng đợi hắn rồi.

Hắn làm đám đông sướng nhưng hắn không sướng.

Hắn khinh bỉ nó vì đã sướng dễ dàng đến thế trong khi hắn không sướng.

Và trong sự khinh bỉ, hắn cảm thấy mình vượt trội.

Và trong sự khinh bỉ này, hắn giữ lấy quyền lực.

Và trong sự thất vọng của mình, hắn tìm thấy sức mạnh để lại tiếp tục chỉ một giờ sau đó.

***

Buổi sáng nhợt nhạt trên đại lộ Bois.

Từ cửa sổ nhà mình, Adolf H. dõi theo đám lục sự trong sân đang tới lui một cách ác độc và im lặng; họ mang đi tất cả những vết tích của quãng thời gian hạnh phúc của hắn với Mười-một-giờ-rưỡi.

“Miễn là em giữ được đến…”

Từ năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế đã tàn phá thị trường nghệ thuật, người mua đã biến đi đâu cả, phần lớn là vì họ đã phá sản, những người thoát nạn thì cũng đi tìm những chỗ đầu tư an toàn hơn hội họa hiện đại, tuy nhiên, một số ít tỷ phú, những người không bao giờ hề hấn gì và hoàn toàn có thể tiêu pha không phải nghĩ ngợi, lại đợi tình trạng lạm phát và giá tranh giảm hơn nữa. Adolf không bán được tranh nữa, không còn được chuộng nữa, nhưng vẫn phải trang trải nợ nần.

“Miễn là em giữ được…”

Adolf không muốn Mười-một biết chuyện gia cảnh đang sa sút. Vì nàng không còn đủ sức để ra khỏi giường, hắn đã làm được chuyện giữ nguyên ảo ảnh về mức sống của họ; nàng không hề biết rằng sau cánh cửa kia là ngôi nhà không còn chút đồ đạc nào và trong đám gia nhân, chỉ còn một bà phục vụ quá gắn bó với Mười-một nên không bỏ đi ngay cả khi chưa được trả công từ ba tháng nay. Ngay cả những bức vẽ chưa hoàn thành trong xưởng cũng bị mang đi sáng nay.

Các ông lấy tranh chưa vẽ xong để làm gì? Adolf bực tức kêu lên với viên lục sự.

Để bán theo giá toan; ai đó khác vẫn có thể vẽ đè lên trên ấy, luật sư Plissu trả lời với giọng nói êm dịu của mình giống như đang nhấm nháp từng từ như một cái kẹo.
Adolf thậm chí không còn sức để nổi cáu nữa. Phản đối ư? Để làm gì? Thế giới đầy rẫy bất công, ta đã biết vậy. Và thực ra, còn có nhiều điều nghiêm trọng hơn thế. Trong hắn giờ chỉ còn chỗ cho nỗi buồn. Hắn nghĩ tới cái thân thể nhỏ bé ngày xưa tràn trề sinh lực là thế, nay đang tắt dần trong căn phòng bên cạnh.

Tôi có thể nói với ông một câu không?

Adolf giật nảy mình.

Ông bác sĩ Toubon đang đứng ở cuối căn phòng trống trơn và lạnh cóng.

Bác sĩ Toubon, luật sư Plissu, thầy thuốc, lục sự, tất cả những nhân vật chính thức mà lại đổi lẫn cho nhau được, những con hải cẩu béo đẫy màu đen với bộ ria mép thể hiện sự trang nghiêm và giọng nói êm ái trơn tru, với âm sắc trái ngược biết bao với những tai họa mà họ thông báo. Kín đáo. Lịch sự. Hãi hùng. Từ vài tuần nay, không cảm xúc và chỉn chu như nhà đòn, họ lui tới giật khỏi tay Adolf từng miếng, từng miếng của những gì hắn trân trọng nhất, cuộc sống của hắn với Mười-một, hy vọng về một cuộc sống với nàng…

Tôi đến để thông báo với ông rằng vợ ông chỉ còn sống được vài tiếng nữa.

Không!

Ông H., tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm và tình cảm sâu nặng của ông trong thử thách này. Vì tôn trọng cách đối xử ấy của ông, tôi có nghĩa vụ phải nói sự thực với ông. Bà nhà gần như không còn thở được nữa; bà sẽ không qua khỏi ngày hôm nay.

Adolf thả đầu cho đập vào cửa kính. Thế đấy, hắn đã nghe thấy câu nói mà hắn e sợ từ mấy tháng nay, câu nói mà hắn đã đấu tranh với nó, câu nói mà hắn đã huy động năng lượng và tình yêu để chống lại. Tất cả đã bị phá hủy. Không gì trong số đó có tác dụng. Hết rồi. Đến thời điểm, đến giờ của mình, cái chết vẫn cứ đến.

Ông H. à, ông cần phải coi rằng, với bà nhà đây thực sự là một sự giải thoát.

Tội nghiệp Mười-một bé nhỏ kiên cường đến thế, hồn nhiên đến thế, nàng đã yếu đi mà không hề than thở, sống nốt những giờ cuối cùng của đời mình trước bức tranh, bức duy nhất mà đám lục sự không lấy đi, Chân dung ngoại cỡ của nàng.

Adolf cảm thấy nỗi buồn sắp vỡ òa bèn bỏ đi chỗ khác. Trong cầu thang, hắn gặp Neumann đến chia sẻ với hắn như mọi ngày.

Neumann, cô ấy chỉ còn sống được có vài giờ thôi. Đến phòng cô ấy đi. Còn tớ, tớ có việc gấp phải làm.

Nhưng cậu đi đâu mới được?

Tớ phải đi đến đấy.

Adolf! Quay lại đi!

Một việc gấp. Cho cô ấy.

Adolf chạy trên vỉa hè xám xịt. Gió lạnh buốt không ngăn được nước mắt hắn. Hắn cảm thấy quá nhiều sự sống, quá nhiều sức mạnh trong mình, cái gì đó bất tận và vô ích mà hắn muốn trao cho Mười-một.

Đến phố Desbordes-Valmore, hắn lao vào số nhà 12 và chạy lên tầng. Hắn hốt hoảng nhấn chuông nhiều lần, không để cho chiếc chuông kịp hồi lại.

Cuối cùng, Lars Ekstrôm, khoác áo ngủ, cũng mở cửa. Anh ta lùi lại vì sợ khi nhìn thấy Adolf trên thềm nghỉ cầu thang nhưng Adolf đã nắm lấy tay anh ta và van vỉ.
Hãy đi với tôi. Mười-một sắp chết. Tôi mong rằng anh cũng ở bên giường cô ấy.

Nhưng…

Không, tôi không giận anh. Cô ấy đã yêu anh. Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời mà cô ấy có hai người đàn ông đã đầu gối tay ấp với cô ấy bên mình thì thật tốt biết bao.

Nhưng…

Adolf nhìn đôi chân đẹp và biến dạng vì tập luyện cực khổ của diễn viên múa. “Tay này mới ngu dốt làm sao, hắn nghĩ khi nhìn thấy chân anh ta… nhưng không quan trọng. Mười-một yêu anh ta.”

Một thanh niên trẻ, trần truồng, quấn khăn tắm xốp quanh hông, đến áp vào lưng

Lars Ekstrôm và hỏi giọng ngái ngủ:

Chuyện gì vậy?

Không có gì, anh diễn viên múa nói, đây là chồng của một cô bạn. Quay vào giường ngủ đi.

Chàng thanh niên kia biến mất.

Ông nhầm rồi, Lars Ekstrôm nói, tôi chưa bao giờ là tình nhân của vợ ông. Bà ấy đã yêu cầu tôi làm ông tưởng như thế để…

Để?

Để làm ông ghen.

Adolf đổ lưng vào bức tường. Hắn ngạt thở. Không, không thế được. Không thế hai lần được. Trong đờimình, Mười-một đã hai lần nói dối. Làm hắn tưởng rằng nàng đã có nhiều tình nhân để Adolf không e ngại cho trinh tiết của nàng. Rồi làm hắn tin rằng nàng ngoại tình để hắn thức tỉnh khỏi sự thờ ơ của mình. Vậy ra… hắn là người duy nhất? Người đàn ông duy nhất trong đời nàng? Mười-một…

– Ông không ổn à? Ông có muốn uống gì không? Mời ông vào nhà …

Adolf lao xuống cầu thang và chạy như tên bắn. Mười-một… hắn không được bỏ phí một phút nào. Từ giờ, hắn đã thấy sợ nàng. Mười-một. Chừng ấy tình yêu từ thuở đầu. Thủy chung nhường ấy… Chừng ấy… Không, người ta không có quyền tước bỏ của nàng điều ấy.

Hắn lao vào căn phòng tối và nằm sõng soài lên giường, hôn điên dại lên đôi bàn tay bé nhỏ âm ẩm của nàng.

Mười-một… tình yêu bé nhỏ của anh…

Thế nào, anh đã ở đâu thế, chàng Boche của em? Em đang lo.

Anh… Lars vừa cho anh biết là…

Thôi bỏ đi. Sưởi ấm em đi.

Hắn ghì Mười-một vào lòng mình; người nàng nhẹ bỗng, hắn không thấy cảm giác nào trong số những cảmgiác mà hắn đã có biết bao lần khi ôm nàng. Nàng thì ngược lại, cọ vào người hắn như một người đàn bà đang yêu, thích thú cái thân thể mà nàng rất đỗi yêu thương này.

Chúng ta đã vui vẻ bên nhau, phải không?

Em nói gì vậy? Tại sao em bảo “đã”?

Thôi đi. Em biết mà.

Nàng ho và nhắc lại, không chú ý đến câu cắt ngang của hắn.

– Chúng ta đã vui vẻ bên nhau, phải không?

Bị cảm xúc tàn phá tâm trí, Adolf khó khăn lắm mới nói được rành mạch:

– Ừ. Chúng ta đã vui vẻ bên nhau.

Hắn không dám nhìn nàng nữa, hắn không dám siết nàng quá mạnh vào người mình, hắn sợ làm nàng vỡ vụn ra.

Chàng Boche của em, cần phải nghĩ đến tương lai. Một người như em, anh không tìm được nữa đâu.

Mười-một… em im đi!

Em sẽ im khi nào em muốn! Nàng nói, không còn đủ sức lực để nổi cáu rồi bật ho suốt nhiều phút.

Trong bóng tối nhờ nhờ, Adolf, ôm trọn thân hình bé nhỏ đang rung lên ấy trong vòng tay mình, sợ rằng sợi chỉ cuộc sống sẽ đứt đoạn bất cứ lúc nào.

Đừng bực tức nữa, Mười-một, nói với anh điều mà em muốn nói đi.

Thế đấy. Em không muốn anh buông xuôi mọi việc. Anh phải vẽ, anh phải sống.

Sống thế nào chứ? Không thể sống không có em.

Nhìn về phía sau giường đi.

Adolf không hiểu. Mười-một nài nỉ, giọng thều thào đứt quãng:

– Thả em xuống và nhìn về phía sau giường.

Neumann vặn cây đèn ngủ to lên. Adolf lướt mắt qua đầu giường treo những tấm ri đô to nặng và nhìn thấy Sarah Rubinstein đứng dựa vào bức tường màu xanh da trời, nàng nhợt nhạt, lo lắng, rối bời.

Sarah ư?

Sau em, cô ấy là người tốt nhất mà anh có thể gặp, Mười-một nói. Em đã mời cô ấy đến vì chuyện đó. Đương nhiên, cô ấy không đồng ý nhưng anh cứ tỏ ra dễ thương một chút là được. Em nhờ cả vào anh đấy.

Adolf tiến lại gần Sarah, người mà hắn chưa từng gặp lại kể từ khi họ chia tay.

Nàng ngoảnh mặt về phía tia ánh sáng nhỏ mảnh lọt qua mành cửa đã được khép lại.

Nàng thì thầm giọng không âm sắc:

Mười-một đã liên hệ lại với em ngay khi biết mình bị bệnh. Em đã đến đây nhiều lần khi anh không ở nhà.Em…

Sarah ép mình nhìn vào Adolf. Mắt nàng, khi lướt qua phía giường, chợt ánh lên tia hoảng sợ.

Adolf quay đầu lại.

Đã quá muộn. Mười-một đã chết.

***
Hitler thắng cử. Hắn trở thành thủ tướng mới của Đức.

Họa sĩ bất đắc chí, kẻ lang thang xưa kia, gã lính không tài nào lên lon được, kẻ phản loạn trong nhà hàng bia, kẻ đảo chính nực cười, người tình còn tân của đám đông, tay người Áo trở thành người Đức nhờ thủ thuật hành chính đã đứng đầu một trong những nước giàu có và văn hóa phát triển nhất châu Âu.

Hắn đã kêu to đến mức một số người đã nghe thấy hắn. Họ đã bầu cho hắn.

Hắn đã kêu to đến mức một số người thấy hắn thật lố bịch. Họ đã để hắn điều khiển.

Tuy thế, cả trăm lần, ngàn lần, hắn đã công bố những ý tưởng ma quỷ của mình: tiêu diệt dân Do Thái, tận diệt những người cộng sản, trả thù nước Pháp, mở rộng biên giới về phía Đông rồi phía Tây… Hắn đã luôn luôn nói rằng chiến tranh là một quyền, rằng chiến tranh là cần thiết. Chưa từng có ai chơi một cuộc chơi hung tợn và rõ ràng đến thế. Chưa từng có ai dùng thù hận làm cương lĩnh chính trị duy nhất của mình. Người ta thấy hắn nói có sức thuyết phục. Người ta thấy hắn lố bịch. Nhưng gần như không ai thấy hắn là người nguy hiểm. Làm thế nào mà người ta có thể điếc đến thế? Hitler không phải là kẻ nói dối. Hắn nói thẳng những sự thật nhơ nhuốc. Và chính điều đó đã che chở cho hắn. Vìngười ta đã quen phán xét con người qua hành động chứ không phải lời nói của anh ta. Họ biết rằng giữa ý định và việc thực hiện nó còn thiếu một mắt xích: quyền lực để hành động. Vậy mà, cái quyền lực ấy, họ vừa trao cho Hitler. Có thể họ cho rằng việc lãnh đạo đất nước sẽ làm kẻ cực đoan trở nên ôn hòa, như vẫn thường xảy ra như thế? Rằng Hitler sẽ bình tĩnh lại khi học quy luật nghiệt ngã của thực tế?

Họ không biết rằng mình đã không chỉ định một nhà chính trị mà là một nghệ sĩ. Có nghĩa là cái đối lập hoàn toàn. Một nghệ sĩ không cúi mình trước hiện thực, anh ta sáng tạo nên hiện thực. Đó là vì nghệ sĩ ghét thực tế và chính vì phẫn chí mà anh ta sáng tạo. Thông thường, những người nghệ sĩ không chấp thuận nhận lấy quyền lực: họ đã thi hành nó từ trước, bằng cách dung hòa cái tưởng tượng với cái thực trong tác phẩm của mình. Còn hắn, Hitler, hắn chấp nhận quyền lực bởi hắn là một nghệ sĩ bỏ

đi. Hắn đã lẩm nhẩm từ mười năm nay: “Chúng ta sẽ chiếm quyền lực một cách hợp pháp. Sau đó…“

Sau đó, quyền lực chính là hắn.

Cùng lúc ấy, có một người đã mất ngủ. Khi ngỡ đã hành động để làm tròn bổn phận nghề nghiệp của mình, ông ta đã gây ra một thảm họa. Làm thế nào mà khi ấy ông ta có thể dự đoán được điều đó?

Bác sĩ Forster đã lo lắng theo dõi đường thăng tiến trên chính trường của anh giao liên Hitler, bệnh nhân của ông ta ở Pasewalk năm 1918, người mà ông đã chữa khỏi bệnh mù vì hysteria khi thuyết phục anh ta rằng Chúa đã trao cho anh ta nhiệm vụ cứu nước Đức. Ông ta những tưởng mình đã chữa khỏi bệnh cho con người ấy bằng phương pháp thôi miên, thế nhưng lại tiêm nhiễm cho hắn một căn bệnh. Giờ đây, con người này đã đứng đầu đất nước, bác sĩ Forster kết luận rằng nghĩa vụ của mình là phải nói, ngay cả khi phải vi phạm bí mật nghề nghiệp. Ông thông báo trong một buổi dạy ở trường đại học Greifswald rằng Hitler là một người bị loạn thần kinh đã được điều trị bằng ám thị và thôi miên và rằngông sẽ công bố hồ sơ bệnh lý tâm thần của hắn.

Gestapo đã phản ứng không chần chừ. Bác sĩ Forster ngay lập tức bị thôi việc vì chứng tâm thần không ổn định. Cùm xích bằng cách bịt miệng.

Bác sĩ Forster bỏ trốn sang Thụy Sĩ và bị mật vụ Đức truy đuổi. Ông chỉ kịp gửi vào một két sắt ở Basel những tấm phiếu bệnh lý tâm thần được viết bằng một loại mật mã, và báo cho một vài người bạn mà không nói rõ là ở nhà băng nào, trước khi người ta tìm thấy xác ông trong phòng khách sạn của mình, tự tử bằng một viên đạn bắn vào đầu.

Mười lăm giờ hai chín

Cuối cùng đời hắn cũng trở thành một vở opera. Trong khung cảnh bề thế của Dinh quốc trưởng, mỗi ngày của Hitler diễn ra theo một kịch bản được căn chỉnh kỹ càng, tham gia vào đó có dàn hợp xướng – một đám đông được Bộ tuyên truyền tuyển chọn và gửi đến, dàn nhạc – những viên chức của Đế chế, từ ông bộ trưởng cho đến anh phụ bếp, các vai phụ – Goebbels, Gôring, Hess, Himmler, Speer, tất cả đều được sắp đặt xung quanh tiếng hát của ca sĩ giọng ténor: Hitler. Không một nốt phô, không lẫn tạp âm, không chơi nhạc ngoại lai. Nghệ sĩ solo duy nhất có quyền ngẫu hứng là Hitler. Trên thực tế, Hitler không bỏ lỡ cơ hội nổi những cơn lôi đình làm rung tường trong dinh, khiến thủ hạ chết điếng, làm các ý tưởng trả thù phải chùn lại và đại sứ các nước sững sờ vì chưa bao giờ thấy một nguyên thủ quốc gia xử sự theo cảm hứng đến thế. Chỉ có một điều làm nó khác với một tác phẩm của Wagner: không cóvai nữ. Hitler không chấp nhận chia sẻ vị trí ngôi sao trong vở diễn. Cuộc đời hắn là một vở opera toàn nam. Nước Đức là một vở opera toàn nam.

Vào mười một giờ sáng, người hầu phòng đến gõ cửa phòng, đặt báo chí và những

thông điệp quan trọngtrước cửa.

Hitler đau đớn tỉnh giấc khi phải khó nhọc giằng mình khỏi sự hư vô. Hắn kiểm tra ngay lập tức trong gương xem mình có đúng là Hitler không. Trong ánh sáng nhờ nhờ màu xanh lục, tấm gương mạ crôm chỉ cho hắn một hình ảnh tương đối.

– Ôi… càng ngày trông mình càng tệ.

Hắn thoáng thấy một khuôn mặt lờn lợt, phì nộn, bù xù, lằn vết ga giường, một thân hình suy kiệt, béo phị, nhẽo nhợt. Trông hắn giống một cái ao. Hắn lại thấy mình như bùn trong ao. Vả lại, hắn cũng bốc mùi giống thế. Trong đêm, thiên nhiên đến trả thù, nó cướp mất hắn của hắn, nó ngăn hắn được là Hitler, nó trả hắn về trạng thái người. Công việc của một người đánh bùn. Nó lợi dụng lúc hắn ngủ để xóa đi những đường nét trên khuôn mặt hắn, làm da hắn phồng lên, mắt hắn vằn máu, những cơn đau dạ dày nặng hơn, làm hắn thối rữa bởi những giấc mơ rời rạc. Ngày nào cũng phải bất đắc dĩ chịu đựng một thất bại như thế thật đáng khiếp sợ.

Hitler tỉnh dậy mệt mỏi thay vì sảng khoái, phần của hắn trong hắn ít hơn tối hôm trước, khác xa với những bức ảnh đẹp nhất của hắn, gần một cách khủng khiếp với hình ảnh người cha quá cố, người mà hắn hận đến tận xương tủy. Hắn nhìn kẻ xa lạ này mỗi sáng và tự nói với mình:

– Ta có một tiếng nữa.

Hắn có một tiếng để nặn ra ngài Hitler. Đọc thư xong hắn đã bắt đầu hình thành một chút; sau đó, đọc các bài báo nói về mình làm tăng cảm giác hắn là người quan trọng. Khi đó, hắn bước sang phòng tắm nơi người hầu phòng đã vặn đầy nước vào bồn trước khi kín đáo rút lui. Không ai nhìn thấy Hitler trần truồng. Ngay chính hắn cũng vậy. Hắn tránh nhìn cảnh này bằng cách nhắm hờ mắt khi bước vào bồn tắm. “Không có ai là vĩ nhân đối với người hầu phòng của mình.” Ai đã nói câu đó nhỉ? Talleyrand nói về Napoléon? Hay Chateaubriand nói nhỉ? Không quan trọng. Hitler thường nhếch mép cười mỗi khi nhắc lại câu này vì hắn, hắn có thể huênh hoang rằng mình vẫn còn là một vĩ nhân ngay cả đối với người hầu phòng của mình. Karl chưa bao giờ bắt gặp hắn trong một tư thế khó coi. Cạo râu. Chải tóc. Mặc quần áo. Sau một giờ, sai lầm đã được sửa chữa: chất bùn đã biến đi, hắn đã tái tạo lại mình, hắn lại giống Hitler.

Hắn đã có thể rời nhà riêng để đi gặp các trợ thủ, nghe chính phủ điểm báo và xác nhận các cuộc hẹn với chủ nhiệm Văn phòng Quốc trưởng. Ở đó, hắn nói chuyện say sưa quên hết mọi thứ trên đời với một trong những người đối thoại trong khi đi dạo trong vườn kính, cố tình lùi bữa ăn trưa muộn lại. Có bao giờ người quan trọng lại đến ăn đúng giờ không? Khi đã quá giờ nửa tiếng, một tiếng, thậm chí là một tiếng rưỡi hôm nào hắn khỏe, cuối cùng hắn cũng bước chân vào phòng ăn.

Hắn ngự trên ghế, quay lưng về phía cửa sổ để người đối thoại hơi bị chói khi nhìn về phía mình. Hắn lèo lái sao cho cuộc nói chuyện luôn luôn xoay quanh những vấn

đề của thế giới vì các chủ đề chung là lĩnh vực trong đó hắn có thể tỏ ra xuất sắc trong khi bao giờ cũng có một chuyên gia giỏi hơn hắn khi đề cập đến những chủ đề cụ thể. Phải cố gắng lắm hắn mới buộc được mình lắng nghe những người khách mời nói chuyện và đặt vài ba câu hỏi cho họ. Dù cảm thấy mình siêu việt hơn những người khác, hắn cho rằng mình phải có nghĩa vụ xóa bỏ khoảng cách này bằng cách cúi xuống phía những kẻ người trần mắt thịt như một người cha cúi xuống đàn con. Thi thoảng, để làm họ vui lòng, để họ thấy hắn tha thứ cho họ vì đã tầm thường đến thế và để họ được hưởng một chút hơi hướm thiên tài, hắn tung ra một bài độc thoại chói lòa ý tưởng. Hắn tiếc là mình đã không mở miệng sớm hơn vì thậm chí sau một giờ đồng hồ nói liên tục, hắn cảm thấy ít mệt hơn mười phút trao đổi với bất kỳ ai. Thời gian hắn nói trôi qua với hắn mới nhanh làm sao nhưng lại cũng lâu làm sao với những người khác. Vì vậy, hắn tự nói chuyện một mình ngày càng thường xuyên hơn, thấy việc bộc lộ suy nghĩ của mình tuôn trào hơn, đỡ mệt mỏi hơn và nhất là đỡ nhàm chán hơn việc để tâm đến sự tầm thường của người khác.

Sau bữa ăn trưa, hắn tiếp các quan chức vài phút trong phòng nhạc rồi rút lui về phòng mình để nghỉ ngơi.

Hắn nghỉ vì sao?

Vì đã quá siêu việt. Hắn thấy mệt mỏi vì lúc nào mình cũng đúng. Điều đó càng làm hắn trở nên cô độc. Lại thêm một điều nghịch lý trong hắn: khi thật sự ở một mình, hắn cảm thấy ít cô độc hơn khi bên cạnh người khác. Việc say sưa trong chiếc phô tơi với ý nghĩ mình là thiên tài, với lòng tin vào số mệnh và ngắm mây trời còn dễ hơn nhiều ở giữa đám thủ hạ, những người mà hắn lại phải biến cảm giác ngây ngất ấy thành mệnh lệnh, thư từ, nghị định, chỉ thị. Như thế đã đủ rồi, nếu lại còn phải chứng minh những thứ ấy thì…

Đôi khi Eva Braun đột nhiên xuất hiện trong nhà hắn. Cô được phép làm như vậy. Thậm chí cô còn có cả một căn phòng nhỏ ở đó. Dân chúng không hay biết gì, đám quan chức cũng vậy, chỉ một vài người thân cận biết chuyện đó. Họ coi Hitler và Eva Braun là một cặp. Sự thực là cô yêu hắn say đắm và hắn khinh bỉ cô ra trò.

Eva Braun là một cô gái trẻ vui tươi và rất ưa sự bất hạnh. Lúc tóc vàng, lúc tóc nâu, lúc nào cũng xinh xắn, cô yêu Quốc trưởng cuồng nhiệt và vì ông ta cưỡng lại điều đó, cô đã nhiều lần tự tử không thành. Điều này làm họ xích lại gần nhau. Chính cái chết hơn là sự sống đã gắn kết hai thực thể này với nhau. Súng lục rồi thuốc ngủ, hai dụng cụ hiến sinh mà Eva Braun đã sử dụng để gào lên nỗi bất hạnh của mình vì bị bỏ mặc làm Hitler nhớ đến Mimi và Geli, những kỷ niệm êm đềm, và thế là hắn lại để mặc Eva Braun bước vào đời mình. Hắn coi tự tử là biểu hiện của tình yêu, đó là chủ đề của truyền thuyết Tristan và Iseult(30), điều đó khẳng định với hắn rằng đây là chuyện tình cảm nghiêm túc. Do đó, hắn đã cho phép Eva Braun có thể lảng vảng trong nhà hắn, ăn ở đó, ngủ ở đó, thỉnh thoảng được gặm một cái xương, ngủ trong

cũi của mình. Nói cho cùng, Eva đang thể hiện một sự trìu mến vô tận của một con chó, lúc nào cũng sung sướng khi nhìn thấy chủ, ngay cả khi ông chủ đã chểnh mảng, quát mắng, đánh đập nó. Trong thế giới loài người, Eva là hiện thân của sự tuân phục và quyến luyến.

Nhưng Hitler còn tỏ ra trìu mến với lũ béc giê của mình hơn với Eva xinh đẹp. Eva đã phạm một tội ác không thể gột rửa được, cái tội ác đã trói cô vĩnh viễn vào Hitler và đặt cô vào một vị thế mập mờ giữa sự ghê tởm và sự hấp dẫn, cô có được cái mà Hitler đã không trao cho bất kỳ người đàn bà nào khác: làm tình với hắn.

Cô thư ký trẻ của Hoffmann, nhà nhiếp ảnh chính thức của Hitler từ những ngày đầu, mới mười bảy tuổi khi nhìn thấy Hitler bước vào văn phòng ở Munich. Đó là một sự choáng ngợp. Liệu có phải do ánh nắng, mịn màng, tươi vui, gần như trắng bạch của ngày hôm đó đã tìm đến náu mình trong cặp mắt xanh phớt hồng nổi tiếng của hắn? Hay tại vì trước đó, cô chỉ được nhìn thấy hắn trên ảnh, hai chiều, cỡ nhỏ, đen trắng và đột nhiên cuộc đời tái hiện cả con người hắn bằng xương bằng thịt, với đầy đủ màu sắc, như một vị thần từ đỉnh Olympe xuống trần để liều một cuộc phiêu lưu với đám người trần thế? Liệu có phải vì hắn đã tò mò nhìn chăm chăm vào người con gái mới đến, thế rồi, chỉ chốc lát đã nở một nụ cười vừa ga lăng vừa hoang dại với cô như muốn nói “Cô thật là xinh đẹp”? Liệu có phải vì mọingười đều tất bật xoay quanh hắn như thể đó là một ông hoàng? Có thế hay không thì cũng vậy, vào lúc đó, Eva Braun đã nghĩ “Đây chính là người đàn ông của đời ta”. Thực chất, cô đã yêu một cảnh diễn hơn là một con người. Sau đó, xung năng ấy được giữ gìn luôn tươi mới và sống động bằng những khó khăn triền miên mà cô gặp phải. Do đó, quyết tâm của cô gái trẻ đã được thể hiện qua mọi hình thức cổ điển của các trò ve vãn, giao cấu, tự tử, tái hợp, lăng nhục, tóm lại là tất cả những cung bậc, trạng thái thường cho phép những kẻ bệnh hoạn gọi thái độ ương bướng khốn khổ này là một mối tình vĩ đại.

Ham muốn tồn tại được nhờ không thỏa mãn, Hitler có biệt tài duy trì được một ham muốn bất tận. Eva chẳng bao giờ đạt được điều gì, hoặc có chăng thì cũng nhỏ giọt. Không hề nuông chiều quá mức hoặc kể cả làm vừa lòng cô, hắn liên tục giữ Eva trong một trạng thái thèm khát. Một ít tiền, một vị thế mong manh, không được xuất hiện trước công chúng, không bao giờ được âu yếm.

Một đêm nọ, họ đã ngủ cùng nhau. Đó là ít lâu sau khi Hitler trở thành thủ tướng, xóa bỏ tự do báo chí và thiết lập chế độ độc đảng. Họ đã uống sâm banh, Hitler nằm lên người Eva, quần áo họ nhàu nhĩ, đã có vài sự co giật ở đâu đấy và Hitler lãng quên mình trong thân xác Eva. Đêm ấy, Eva ngỡ rằng mình đã chiến thắng. Về phần mình, Hitler rút ra kết luận từ đó là hắn vĩnh viễn khinh bỉ Eva, hắn cũng khinh bỉ thân thể chính mình như thế, hoàn toàn như thế. Tình dục cũng giống như mọi dạng thức vật chất, xác thịt hay chất lỏng, thuộc về những cái hắn được nhận và sẽ bị lấy lại, tóm lại là những cái sẽ thoát ra khỏi hắn. Hắn chỉ yêu mỗi tinh thần của mình. Như vậy, ở tuổi

bốn mươi tư, hắn đã có kinh nghiệm tình dục đầu tiên và với hắn, đó là một lúc thiếu kiềm chế. Đêm đó, hắn đã hiểu là tại sao mình đã coi nhẹ việc đó đến chừng ấy, hắn lấy làm mừng vì điều đó và kết luận rằng hắn thực sự là người xuất chúng.

Thỉnh thoảng, hắn lại có một lúc lơi lỏng như thế. Hay đúng hơn là hắn muốn kiểm tra lại. Hắn nằm lên Eva Braun. Hắn siết lấy cô trong bóng tối vì hắn sợ rằng khi thực sự nhìn thấy điều mình đang làm, hắn sẽ hoàn toàn ghê tởm hành động này; hắn đặc biệt e sợ hình ảnh của cái bộ phận sinh dục tham lam của đàn bà. Trong cơn cực khoái của mình, Eva Braun, người con gái ấy, có vẻ như đang cảm thấy hạnh phúc tột đỉnh. Càng tốt! Cô ta vẫn đê mê hàng giờ thậm chí hàng ngày sau đó. Sự chênh lệch về độ thỏa mãn này giữa hắn và cô giúp Hitler khẳng định rằng đàn bà là một giống vật hạ đẳng.

Buổi tối, hắn rời nhà đi ăn với những người quen biết vì hắn ghê sợ những khuôn mặt mới. Hắn tha hồ nói về những thứ mình thích, nghệ thuật, sân khấu, lịch sử. Cuối cùng, hắn chọn một bộ phim trong danh sách của người cung cấp phim, Goebbels, và mọi người cùng đến xem phim trong phòng nhạc, kể cả đám người hầu và lái xe của những vị khách mời. Hắn đặc biệt thích chuột Mickey và Greta Garbo. Sau đó, tất cả nói chuyện tới hai giờ sáng cho đến khi Hitler về phòng.

Tất cả đều mang tính xã giao, nghi lễ, hình thức. Hitler chặt bỏ mọi liên hệ dù nhỏ nhất theo kiểu người với người. Hắn cai trị. Hắn thống trị. Hắn không hạnh phúc vì điều ấy, hắn hài lòng vì điều ấy bởi thế giới đã được thiết kế để hoạt động như vậy, với hắn ở trung tâm.

Hạnh phúc ư? Ý nghĩ mới nực cười làm sao! Có ai lại đi hỏi mặt trời có hạnh phúc không?

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.