Nửa Kia Của Hitler
5.
Sau bốn mươi tuổi, người nghệ sĩ không còn ảo tưởng về mình. Anh ta biết mình là một nghệ sĩ lớn hay nhỏ.
Những khuôn mặt non tơ say sưa dõi theo Adolf H. Những giờ giảng của ông ở Học viện độc lập Berlin lúc nào cũng đầy ắp người. Người ta đánh giá cao quan điểm cởi mở của vị giáo sư này về nghệ thuật và thời đại ông đang sống. Người ta có thể học ở ông từ những kỹ thuật cổ điển cho đến những trào lưu hiện đại vì ông giảng giải với kiến văn rộng rãi có được trong thời gian sống ở Paris. Picasso, Braque, Léger, Soutine, Chagall, Modigliani, Foujita, van Dongen, Dali, ông đã gần gũi những nghệ sĩ lớn nhất của thời đại và ông nói về chuyện đó với một sự giản dị, gần gũi, thân mật mà riêng bản thân nó đã đủ đảm bảo cho ông một danh tiếng bất tận.
Lúc hai mươi tuổi, mọi chuyện như trong mơ, treo lơ lửng trên những tầng mây. Năm bốn mươi tuổi, một phần trong số các giấc mơ của ta đã trở thành phần hữu cơ trong cuộc sống. Ta đã vẽ, đã sản xuất những tác phẩm nghệ thuật, đã có thời gian để nhầm, để rút ra bài học kinh nghiệm, ta đã có được niềm vui là đã đẩy ra xa hơn
những ranh giới của mình. Ở tuổi bốn mươi, kỹ năng vẽ của người họa sĩ cũng đã thành thục và năng lượng vẫn còn nguyên vẹn: cuối cùng, ta cũng biết mình và biết cái mình còn có thể làm được. Nếu ta chưa làm được một kiệt tác hay kể cả bắt đầu một kiệt tác thì cố nữa cũng chẳng để làm gì.
Giọng Adolf run lên vì xúc động. Hắn không biết tại sao mình lại đề cập đến chủ đề này, nhu cầu phải bộc lộ đã mạnh hơn hắn, hắn tự mình thổ lộ ra những điều mình nghĩ. Một cảm giác u buồn đau đớn xâm chiếm hắn. Còn những sinh viên của hắn, họ hiểu rằng mình không còn đang theo dõi một giờ giảng nữa mà đang nghe những lời tâm sự chân tình. Họ biết rằng thầy giáo của họ là họa sĩ trong những năm hai mươi và vì những lý do chưa được biết đến, ông đã từ bỏ nghiệp vẽ khi quay trở về Đức. Không ai từng có dịp được xem các tác phẩm của ông nhưng rất nhiều người thấy tên ông thường xuyên được dẫn ra trong các cuốn danh mục và các bài báo về trường phái Paris, và một huyền thoại đã hình thành trong trường theo đó Adolf H. là một họa sĩ thiên tài nhanh chóng nổi danh rồi giam kín mình trong im lặng do một nỗi thất vọng huyền bí. Ngày hôm ấy, đám sinh viên dỏng tai lên để nghe bởi họ đoán rằng có thể mình sẽ tìm được chìa khóa giải cho bí ẩn này.
Đúng thế. Khi một họa sĩ chưa thành tài, người ta bỏ qua việc nét vẽ chưa được rắn rỏi, màu sắc còn e dè, bố cục chưa sắc nét. Đành rằng có những quái kiệt như Picasso hay Bernstein, ở tuổi mười bảy đã đạt tới mức thượng thừa. Nhưng, trước những thành công hiển nhiên này, ta tự nhủ rằng họ sinh ra đã là thiên tài với những năng khiếu thiên bẩm của họ trong khi những người khác mất hàng năm trời để có được những phương tiện thiên tài của mình. Ta chờ đợi, vì thế ta hy vọng. Ta tự hỏi mình sẽ đẻ ra cái gì. Công việc sáng tác sẽ mang lại những gì? Một đứa trẻ đẻ non? Hai đứa trẻ đẻ non? Ba lần sảy thai? Không quan trọng. Cần phải tiếp tục. Người ta phải tự đẻ ra đứa bé. Ta có hẹn với một người không quen biết ở nơi xa xôi, đó là họa sĩ mà ta sẽ trở thành. Ở tuổi bốn mươi, đứa trẻ đã ra đời. Với một số người, đó là một sự ngạc nhiên lớn, là một người khổng lồ. Với một số người khác, thật dễ chịu, đó là một sinh vật sống. Với một số người, thật là một thảm kịch, đó là một đứa trẻ chết ngay lúc sinh ra, một thi thể nhỏ bé nằm lại trên tay họ và hất tất cả những cố gắng trong nhiều năm ròng của họ xuống sông xuống bể.
Adolf có cảm giác máu đang thoát ra khỏi cơ thể như thể hắn vừa tự cắt đứt mạch máu trong một bể nước nóng; tuy thế, sự thẫn thờ này mang lại cho hắn một cảm giác thoải mái, mơ hồ, gần như sung sướng, đến mức hắn để mình nói thoải mái, không giữ gìn gì nữa.
Tôi là một người trong số đó. Những kẻ bất đắc chí. Những kẻ tuyệt vọng. Tôi đã dành nửa đầu cuộc đời mình để chạy theo một giấc mơ của chính mình, cái sau đó đã cho thấy chỉ là một ảo ảnh. Bất kể việc tôi đã làm việc nhiều, nghiêm túc, bất kể những thành công mà giới phê bình dành cho tôi và những thành công vật chất trong
một thời gian, ở tuổi bốn mươi, tôi đã nhận ra rằng mình không phải là một họa sĩ lớn. Thậm chí một bậc thầy nhỏ cũng chẳng phải. Thực chất, tôi chẳng là gì. Chỉ là một cái bong bóng.
Đám sinh viên muốn phản đối, hoặc vì lòng tin của mình vào thầy, hoặc vì thương cảm, nhưng thấy thầy giáo khi dốc bầu tâm sự trở nên mỏng manh và trần trụi đến nhường nào, họ đành giữ im lặng.
Vậy là, vì yêu hội họa cuồng nhiệt, vì tôi yêu nó hơn nó yêu tôi, tôi đã quyết định trở thành giáo viên. Giảng viên của các bạn. Truyền đạt lại. Tôi đã tìm thấy vị trí của mình. Và giờ đây, tôi là người hạnh phúc.
Nhưng khi nói đến chữ “hạnh phúc”, nước mắt trào ra trên khóe mắt Adolf H. và buộc hắn phải chạy nhanh khỏi bục giảng.
***
Chuyện như thế không thể tiếp diễn được!
Hitler tỏ ra cực kỳ bực dọc từ khi hắn thức dậy. Những bài điểm báo ngoại quốc sáng nay làm hắn điên tiết: “điên, thiếu quyết đoán và vô hại”, đó là những từ ngữ mà báo chí đã dành để nói về hắn. Thông thường, hắn sung sướng khi nghe những lời đánh giá tầm phào vì nhầm lẫn bao giờ cũng che chở cho chân lý như bộ áo giáp bảo vệ chiến binh, nhưng sáng hôm đó, lòng kiêu ngạo của Hitler đã bị đụng chạm. Tại sao? Đêm trước, hắn ngủ không ngon, khốn khổ vì những cơn đau buốt nhói và bồng bềnh trong dạ dày, điều này làm cho hắn một lần nữa tin chắc là hắn đang bị căn bệnh ung thư nuốt chửng như mẹ hắn. Hắn tin là chẳng chóng thì chầy mình sẽ chết.
Như góp phần đẩy tâm trạng cáu bẩn của hắn đến giới hạn cuối cùng, Eva Braun ra khỏi phòng mình, đẹp hơn bao giờ hết – hôm đó cô để mái tóc vàng tẩy màu – đến bên Hitler, cọ mình vào người hắn để nhắc nhở đến điều đã xảy ra hai đêm trước.
Bao giờ ngài cưới em?
Ta sẽ cưới em khi không còn bất kỳ tương lai chính trị nào nữa.
Nhưng ngài đang chẳng có hết tất cả rồi ư! Quyền lực trọn vẹn. Cả nước Đức đang quỳ dưới chân ngài. Cả em nữa.
Chỉ quyền lực thôi thì không đủ. Ta có một sứ mệnh. Em nghĩ là ta giống như những kẻ ngu đần, một khi đã ngự trên ngai vàng liền lấy làm hài lòng và chỉ còn nghĩ đến việc ngồi mãi ở đấy ư? Em nghĩ là ta sẽ khoanh tay bất động ư?
Eva Braun không nói được câu nào; cô cứ ngỡ rằng Hitler đã được thỏa mãn với sự độc tài của mình. Phừng phừng lửa giận, Hitler sập cửa bỏ đi.
Hắn cho gọi bác sĩ riêng đến. Bác sĩ Morell, phúng phính, đẫy đà, đảm bảo với hắn rằng chế độ ăn chay của hắn giúp loại trừ gần như hoàn toàn khả năng một chứng ung thư có thể phát triển. Khi hiểu rằng tay bác sĩ nói lung tung cốt để trấn an hắn, trả lời nỗi lo lắng của hắn mà không mảy may chú ý đến những triệu chứng và biểu hiện về mặt thể chất, hắn đuổi ông ta ra và yêu cầu đám thư ký gọi nhà chiêm tinh của hắn
đến.
Chuyên gia giải mã thông điệp của các vì sao đến gặp hắn trong vườn kính.
Hãy nói thật cho tôi biết, tôi có thể nghe. Tôi biết là mình sẽ không còn sống được bao lâu nữa.
Ấy ngài đừng nói vậy…
A, đừng có nói với tôi như những tay bác sĩ ngu xuẩn nữa. Tôi bị ốm và họ từ chối không thừa nhận điều ấy. Hôm nọ, ông đã ghi một điểm: ông đã nói năm xảy ra chiến tranh. Năm 1943. Điều này hoàn toàn phù hợp cho tôi.
Tôi có thể nhầm thưa ngài…
Im đi! Phải nói hết cho tôi. Ông là người có tài tiên tri, tôi có tài cứu được nước Đức, chúng ta chẳng có tội tình gì, chúng ta là như vậy, đó là số mệnh của chúng ta. Bây giờ hãy nói cho tôi biết bao giờ tôi chết.
Nhưng…
Nói!
Mười lăm giờ hai chín phút.
Hitler sững lại. Mặt hắn cắt không còn một giọt máu. Hắn lo lắng nhìn quanh.
Hôm nay hả?
Không. Còn rất lâu thưa ngài. Nhưng các vì sao đảm bảo với tôi là mười lăm giờ hai chín phút. Thật kỳ lạ phải không ạ?
Khi nào?
Sau này.
Khi nào?
Nhà chiêm tinh im lặng, khổ sở, vặn vẹo người và đưa mắt tìm một cứu cánh. – Khi nào?
Hitler hét lên. Ông thầy bói run lên bần bật.
Tôi… tôi cần phải về nhà xem lại bản đồ thiên tượng.
Tôi cho ông hai giờ đồng hồ. Sau bữa ăn, vào lúc uống trà, tôi muốn ông cho tôi biết ngày chết của tôi. Hiểu chứ?
Hiểu ạ.
Hitler không nghe những người khác nói gì trong suốt bữa ăn, hắn để mặc cho Gôring má phệ thế vai mình trong một cuộc độc thoại mà hắn không bỏ vào tai một từ nào.
Vào giờ dùng trà, nhà chiêm tinh quay trở lại và ngồi một mình với Hitler trong khu vườn kính của Dinh quốc trưởng.
Thế nào?
Ngài có sẵn sàng nghe sự thật không ạ?
Có. Nói nhanh lên.
Tôi đã biết giờ và năm. Không biết ngày nào, tháng nào.
Tốt. Nói nhanh lên.
Mười lăm giờ hai chín phút…
Rồi, biết rồi.
Năm 1947.
Hitler ngồi phịch xuống sau cơn sốc dữ dội. Mười năm!… Hắn chỉ còn mười năm nữa thôi.
Tất nhiên, tôi có thể nhầm, nhà bói sao lúng búng khi thấy Hitler lả đi như vậy.
Không, ông không nhầm đâu. Vả lại, tôi đã biết trước điều đó rồi.
1937-1947. Mười năm. Hitler thử mò mẫm trong đầu mình bề dày của mười năm sống nhưng không được;không có điểm nào chung giữa mười năm đầu tiên khi mới được sinh ra, khoảng thời gian bao la như đạidương với hắn, với con suối nhỏ hẹp của mười năm bận rộn với việc giành chiếm quyền lực.
Mười năm… Còn mười năm nữa…
Hắn cảm ơn nhà chiêm tinh và đi gặp kiến trúc sư của mình.
Khi nhìn thấy Speer, chàng thanh niên lịch lãm, quyến rũ, môi đẹp như vẽ, căng mọng như môi thiếu nữ, lông mày rậm và tinh nghịch, Hitler chợt rúng động.
“Chính là ta đây, hắn tự nhủ, ta hồi trẻ đây.”
Hắn quen Speer từ nhiều năm nay nhưng chỉ tới hôm nay sự tương đồng mới đập vào mắt hắn.
“Đúng, đó là ta! Chân dung của ta! Đó có thể là con trai ta.” Hắn khoan khoái nhắc lại điều ấy mà quên rằng Speer đẹp trai bao nhiêu thì Hitler tầm thường bấy nhiêu. Hắn luôn luôn thích thú những giây phút ngồi bên kiến trúc sư của mình, những cuộc tranh luận say mê quanh những bản vẽ và sơ đồ. Speer là một nghệ sĩ, như hắn. Anh ta có thể trở thành người kế nghiệp ta. Anh ta còn hơn là Gôring, cái đống mỡ kinh tởm nghiện thuốc phiện ấy. Ý nghĩ về người kế nghiệp mình làm hắn sung sướng vì hắn thấy trong đó cơ hội làm cho người này phải ganh tị với người kia. Sau này. Ta còn mười năm nữa…
Speer mang cho hắn xem bản ma két của Berlin mới, Berlin của Đệ tam đế chế, tập hợp của những công trình hoành tráng cho các thế kỷ sau biết về sức mạnh chính trị của Hitler, những đại lộ thênh thang, quảng trường vĩ đại tỏa ra bốn phía, những tòa nhà trụ sở cho các bộ. Cả hai chiêm ngưỡng những tòa kim tự tháp của chủ nghĩa quốc xã. Đỉnh cao là tòa Nhà Vòm, tòa nhà nghị viện mà Hitler, vốn dị ứng với chế độ đại nghị, coi đó như một căn phòng khổng lồ cho hắn diễn thuyết hơn là nơi thảo luận, tòa nhà mà hắn đã phác thảo vào năm 1925. Albert Speer đã phát triển từ bản vẽ phác ấy và ghi ra bên cạnh: “Thiết kế theo ý tưởng của Quốc trưởng,” điều này làm Hitler ngây ngất đến mức diễn vai người khiêm tốn.
Không, không, anh phải ký tên Albert Speer vào, chính anh mới là nhà kiến trúc, sự đóng góp của anh giá trị hơn bản phác thảo năm 1925 của ta nhiều, đó chỉ là mấy
đường nguệch ngoạc mà ta đã vẽ trong tù để khỏi phải suy nghĩ thôi.
Speer đỏ mặt, Hitler cũng vậy. Mọi chuyện tiến triển theo hướng tốt đẹp nhất.
Tòa Nhà Vòm sẽ là phòng họp lớn chưa từng có. Hình dáng của tòa nhà đơn giản nhưng kích thước của chúng làm thành một bài thơ say lòng người: một mái vòm đường kính hai trăm năm mươi mét, cao hai trăm hai mươi mét, vươn đến tận mây; nó có thể chứa một trăm tám mươi nghìn thính giả khi Hitler diễn thuyết ở đó, tức có sức chứa gấp mười bảy lần quảng trường Saint-Pierre ở Roma; một trăm cột trụ vuông bằng đá cẩm thạch cao tám mươi mét; một cái tổ cao năm mươi mét và rộng hai mươi tám mét; một con đại bàng đế chế mạ vàng cao mười bốn mét đang quắp lấy một chữ thập ngoặc được trang hoàng bằng những chiếc lá sồi; vòm của tòa nhà được xây trên một khối vuông bằng đá hoa cương màu sáng dài ba trăm mười lăm mét và cao bảy mươi tư mét, thể tích của công trình này chiếm hai mươi mốt triệu mét khối; từ bên ngoài, công trình có dáng vẻ của một ngọn núi xanh cao hai trăm ba mươi mét vì nó sẽ được phủ ngoài bằng những tấm đồng gỉ xanh; trên đỉnh là một nhà đèn ốp kính cao bốn mươi mét, trên đó cũngđặt một con đại bàng quắp chữ thập ngoặc, sẽ hoàn thiện vẻ huy hoàng của công trình.
Hitler xúc động mạnh. Ảo tưởng của hắn sắp trở thành hiện thực. Đã nhiều lần, hắn quyết định nâng cao các con số; đã nhiều lần, hắn tống cổ viên cố vấn cấp bộ tên là Knipfer, chuyên gia phòng không, người đã than vãn rằng một công trình vươn tới những tầm mây thấp được xây dựng giữa thủ đô sẽ là điểm mốc lý tưởng cho không quân địch oanh tạc; đã nhiều lần, hắn nhún vai gạt đi những ý kiến nghi ngờ đây là một ý muốn ngông cuồng. Tòa Nhà Vòm là minh chứng cho sự vĩ đại của nước Đức, không phải của Hitler. Còn hắn vẫn giữ vẻ tự nhiên và khiêm tốn như những lời rao giảng của Goebbels, chỉ ở trong một ngôi nhà nhỏ giản dị.
Anh thấy không, Speer thân mến, ta đã có đủ sức mạnh và sự tôn trọng để không cần đến sự hỗ trợ của công trình xa xỉ này. Nhưng những người kế nhiệm ta thì sẽ rất cần đến sự huy hoàng này. Với nhiều người trong số họ, đó thậm chí sẽ là cách duy nhất để trụ lại; ngay cả một cái đầu thiển cận cũng sẽ được lợi từ một sự sắp đặt như vậy. Khi những nơi này khoác trên mình một quá khứ mang tính lịch sử, một sự vĩ đại thực thụ, chúng thậm chí sẽ nâng giá trị cho một người kế nhiệm không mấy nổi bật. Như anh thấy đấy, đó chính là lý do chúng ta phải xây dựng tất cả những thứ đó khi ta còn sống: việc ta đến sống ở đó sẽ mang vàng ròng và vẻ tráng lệ cho những bức tường nơi đó. Ngay cả khi ta chỉ ở đó vài năm, cũng đã đủ rồi(31).
Thưa Quốc trưởng, mục tiêu duy nhất trong đời tôi là được góp phần thực hiện, dù chỉ là chút ít, những ý tưởng thiên tài của ngài.
Tốt. Bản vẽ đã xong, theo ước tính của anh là bao nhiêu?
Năm tỷ mác.
Không, ta hỏi bao nhiêu lâu.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì chúng ta có thể hoàn thành vào năm 1951. Mặt Hitler tối sầm lại, lạnh lùng và xanh nhợt như đá lát mộ.
1951?
Sớm nhất là vậy, thưa Quốc trưởng.
Ta có điên không hả Speer?
Dạ, Quốc trưởng bảo sao ạ?
Ta hỏi anh có coi ta là thằng điên không?
Thưa Quốc trưởng, tôi không biết mình đã nói gì để Quốc trưởng nghĩ là…
Bởi anh có thấy không, Speer, nhiều người trên thế giới cho là ta bị điên. Vậy mà ta chưa thấy ai nhất quán và trung thành với ý tưởng của mình như ta. Ta không chỉ có mục đích rõ ràng trong đầu và bố cáo nó ngay khi bước vào chính trường, mà hơn thế, ta chỉ hành động theo những mục đích ấy. Người ta cho ta là kẻ lỗ mãng, hay nổi giận bất thình lình, người ta nói rằng ta hung tợn quá đáng, trong khi ta luôn sắp đặt rõ ràng và có phương pháp: đám cháy ở Reichstag(32), thiết lập chế độ độc đảng, Đêm dao dài(33), thiêu hủy sách, áp đặt cuộc sống nghiệt ngã cho bọn Do Thái, việc nào ta cũng tuyên bố rồi, chưa bao giờ ta nói khác cả. Ta mà hung tợn ư? Ta chỉ có sức mạnh của sự thẳng thắn thôi. Ta mà tàn bạo ư? Ta chỉ làm mỗi việc là nghĩ theo lô gích. Ta mà hoang dại ư? Ta đã hủy bỏ Hiệp ước Versailles và Hiệp ước Locarno mà các đối thủ không dám ho he gì. Ta mà nông cạn về mặt trí tuệ ư? Người Anh, người Pháp, người Mỹ, người Áo, người Nga thậm chí không dám nghi ngờ trí thông minh của ta. Hãy tưởng tượng cảnh một người sáng mắt cô độc giữa một đám mù xem: lũ mù sẽ không nghĩ là người sáng mắt có thể nhìn được, chúng đánh giá thấp anh ta, chúng sẽ không dự đoán được sức mạnh và khả năng gây phiền nhiễu của anh ta. Ta, Quốc trưởng của nước Đức, trong chính giới quốc tế ta là thế đấy: kẻ sáng mắt duy nhất giữa đám người mù. Điên! Anh hùng rơm! Vô hại! To mồm! Không nhất quán! Bọn ngớ ngẩn ấy mới đáng thương hại làm sao! Làm thế nào mà chúng có thể tưởng tượng được rằng nước Đức, nước Đức vĩ đại, nước đã có những người như Bismarck và Frédéric Đại đế, một ngày nào đó lại không có Adolf Hitler! Ta không thể chịu đựng thêm nữa, chuyện này không thể tiếp diễn được.
Cái gì không thể tiếp diễn được ạ, thưa Quốc trưởng?
Cái đó. Cơn ngủ mê này. Tiếng ngáy o o này. Cô nàng Eva Braun muốn cưới ta này. Dự án kiến trúc này. Ta còn chưa về hưu cơ mà.
Thưa Quốc trưởng, tôi không hiểu. Ngài thất vọng vì bản vẽ của tôi ạ?
Dường như đột nhiên Hitler phát hiện rằng Albert Speer đang đứng trước mặt mình; hắn hốt hoảng nhìn chằm chằm vào mặt anh ta như thể anh ta vừa đột nhập vào phòng.
Ta rất hài lòng về công việc của anh, Speer thân mến. Chúng ta sẽ xây dựng Berlin vĩ đại của Đệ tam đế chế. Nhưng anh phải đẩy nhanh tiến độ thi công, đó là tất
cả những gì ta yêu cầu anh, đẩy nhanh tối đa tiến độ thicông.
Tôi là người hạnh phúc nhất trên thế giới, thưa Quốc trưởng. Tôi có mười bốn năm lao động cật lực trước mắt mình, nhưng tôi là người hạnh phúc nhất trên thế giới.
Hãy rút ngắn thời hạn thi công. Được năm 1947 thì tốt.
Tôi sẽ cố gắng hết mình thưa Quốc trưởng. Năm 1947 ư? Tôi có thể làm được điều ấy nếu chúng ta không có chiến tranh.
Chiến tranh? Tại sao anh lại muốn chúng ta có chiến tranh? Người Đức yêu ta vì ta đã mang hòa bình và thịnh vượng đến cho họ. Từ nay, ta chỉ nghĩ đến việc tiếp tục, đến việc xây dựng, và chuẩn bị sự kế nhiệm của mình. Tại sao anh lại muốn ta làm điều điên rồ là phát động một cuộc chiến?
Vừa ngay trước đó, hắn đã quyết định mở rộng không chậm trễ không gian sinh tồn của nước Đức, nó sẽ bao gồm Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan.
Sau đó, để xem đã… Có thể là Pháp? Nga?
***
Adolf H. không chịu để người khác dẫn hai đứa con của mình đến quảng trường. Không ai trong số các cô hầu có thể cướp của hắn công việc mà hắn coi là thanh cao nhất. Vì hắn không chỉ bằng lòng đưa chúng đến đó và để mắt đến chúng, hắn còn chơi với chúng đến mệt rã rời mới thôi, chạy, đào bới, nhảy, trốn tìm, hành đến tơi tả chiếc xích đu đang kêu cót két mà không sợ trầy xước chân tay hay áo phông vướng vào bụi cây rách toác, cũng không sợ mông quần đen bẩn vì đất cát, đầu gối hằn vết cỏ bị giày, cũng không sợ cát lọt vào trong tất và túi mà sau đó còn rơi ra cả những nếp gấp trên đệm.
Bố ơi, mình chơi trò mèo trèo cao nhé?
Adolf để cho hai đứa con sinh đôi Rembrandt và Sophie chạy đi.
Hắn hòa hợp với hai đứa con của mình đến mức cảm thấy e sợ khi nhìn chúng lớn lên. Ta sẽ vẫn xứng với chúng chứ? Hiện tại, ta là một người cha tốt vì chúng còn bé. Liệu sau này chúng có còn yêu ta như bây giờ nữa không? Chúng sẽ tôn trọng ta chứ? Chúng sẽ trở thành người như thế nào? Ta thì ta biết mình sẽ yêuchúng mãi mãi, nhưng còn chúng thì sao? Ta đã từng căm ghét cha mình.
Việc hắn yêu con tha thiết càng trở nên mãnh liệt hơn vì có cái gì đó tuyệt vọng trong tình cảm ấy. Hắn đã chấp nhận có chúng vào thời điểm hắn từ bỏ nghiệp vẽ. Sự lựa chọn cái thực tế. Đó là cách hắn thường tự giải thích về bước ngoặt mang tính quyết định này của đời mình. Sau khi Mười-một-giờ-rưỡi chết, suốt nhiều tháng liền, hắn không có khả năng cảm nhận, xúc động, suy nghĩ, hành động. Tá túc trong một căn xép nhỏ mà Neumann đã tìm được cho bạn, hắn ngồi lì hàng giờ trước cửa sổ, bất động, đờ đẫn, không ngạc nhiên trước điều gì ngoài việc nhìn thấy mặt trời có can đảm thức dậy mỗi buổi sáng. Xung quanh hắn, ban đầu người ta nghĩ rằng hắn chỉ buông cọ tạm thời. Người ta đã bỏ qua việc hắn tạm thời không làm gì vì cho rằng hắn
quá đỗi đau buồn, vì thị trường tranh đã gần như đóng băng từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, và vì người chủ gallery chính của hắn thờ ơ, chú trọng đến những nghệ sĩ sung sức hơn và có danh tiếng hơn. Người ta đoán già đoán non bởi không ai tìm ra được đâu là lý do thực sự. Nhưng hắn, dù suy nghĩ rất ít, chỉ chiêm ngưỡng mặt trời hiện lên rồi lại biến mất mỗi ngày, biết rằng có cái gì đó đổ vỡ mà không lấy lại được. Cái gì vậy? Ảo ảnh trữ tình? Nhu cầu biểu đạt? Ý chí thành công? Không. Chỉ đơn thuần là ham muốn.
Ham muốn được vẽ, đến bây giờ hắn vẫn có ham muốn ấy, ở Berlin, hắn vẫn còn miệt mài với nghiệp vẽ trong các giờ giảng. Nhưng ham muốn làm họa sĩ trong hắn thì không còn. Vĩ đại hơn chính mình, mở rộng đường biên năng lực của mình, vật lộn với chất liệu nổi loạn trên toan và sự quẫn bách tinh thần, hắn không còn muốn sống trong những cảm giác ấy nữa. Hắn thích hạnh phúc hơn. Ngay cả khi trong hạnh phúc có pha vị cay đắng.
Thế nào đấy bố ơi, bố mơ à? Cô bé kéo tay hắn.
Mèo! Con chạm vào bố rồi nhé. Đến lượt bố. Hắn cười thừa nhận rằng mình đã thua cuộc.
Bây giờ, chúng ta đến chỗ thuyền cát nhé?
Ôi vâng!
Rembrandt và Sophie nhảy cẫng vì sung sướng. Bố của chúng làm mọi người trên thuyền ngưỡng mộ vì bố biết vẽ những hình đẹp rực rỡ trên cát. Bố làm họ sửng sốt và cùng lúc, làm cho chúng có dịp lên mặt với đám bạn.
Adolf vẽ ngẫu hứng một con thiên nga rồi một con rồng rồi một đàn chim hạc làm thành một đám mây hồng. Mỗi lần như thế đám trẻ và bố mẹ đều vỗ tay tán thưởng.
Khi ấy, Adolf vẽ ra một cảnh tượng thực sự: một cuộc chiến của những con kỳ lân, những con quái vật Goóc-gôn(34) chống lại bầy nhân mã. Cử tọa chăm chú theo dõi đến nín thở.
Một người đàn bà lại gần, cao lớn, mềm mại, tóc tết, kết lẫn ít nhất ba màu tóc vàng khác nhau.
Nàng nhìn bức tranh đang được hình thành và buồn bã thì thầm khi Adolf đi qua trước mặt mình:
Em ước gì anh không chỉ vẽ trên cát.
***
Khi rời khỏi cuộc họp với các tư lệnh quân đội ngày 9 tháng Mười một năm 1937,
Hitler biết việc còn lại mình phải làm là gì. Dọn dẹp! Hắn đã phát biểu một bài ngắn trong vòng hai tiếng để giải thích tính chính đáng của những yêu sách về lãnh thổ của Đức nhằm mở rộng không gian sinh tồn, nếu không làm như vậy kinh tế, nông nghiệp và sự ổn định xã hội của nước Đức sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Hắn đã phác thảo nhiều
kế hoạch khác nhau khi nói về Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan. Hắn chủ ý diễn đạt một cách không rõ ràng bởi hắn muốn thử phản ứng của những người đối thoại, sự mập mờ cho phép hắn phát hiện ra những cái mà họ nghĩ rằng họ hiểu trong khi họ không hiểu gì, làm lộ ra hay đánh bật những lo ngại thầm kín của họ khỏi chỗ nấp. Cuộc đi săn mang tính chất quyết định: cần phải loại bỏ tướng Blomberg và tướng Fritsch.
Những viên sĩ quan truyền thống này leo lên được những cấp bậc cao nhất nhờ thâm niên công tác và sự dũng cảm, một sự nghiệp không có mối liên hệ gì với chủ nghĩa quốc xã, đã dám tỏ ra nghi ngại và phản kháng. Họ cho rằng việc sử dụng vũ lực là quá sớm và e ngại một cuộc trả đũa của nước Anh sẽ kéo nước Đức vào chiến tranh. Tóm lại, họ phản đối chính sách của Hitler.
Hitler đã tỏ ra rất cởi mở, sẵn lòng dung hòa quan điểm và làm vẻ chấp nhận thảo luận cũng như những lời phê bình. Hắn tươi cười. Hắn để họ chui vào bẫy của mình. Hắn thậm chí đã làm một việc xa xỉ là tỏ ra nồng nhiệt vào cuối buổi họp, khẩn khoản yêu cầu tướng Fritsch đừng hủy kế hoạch đi nghỉ mát của mình.
Hắn cần phải hành động một cách kín đáo. Hắn không thể loại bỏ họ như đã làm với tướng Rôhm, một con người thích làm tình qua hậu môn, đầy tham vọng, trong Đêm dao dài vào năm 1934. Bây giờ, cả thế giới đang dõi mắt theo hắn và việc dùng vũ lực một cách lộ liễu để xử lý những vị tướng cứng đầu sẽ ngay lập tức làm cho kẻ thù hiểu rằng họ phải tăng tốc quá trình tái vũ trang.Không bao giờ lặp lại hai lần cùng một thứ, không bao giờ hai lần. Hắn hớn hở. Việc chuẩn bị một cú chơi khăm làm hắn phấn chấn. Một cơn mưa rào mang đến sự tươi trẻ.
Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau đó.
Một hôm, tướng Blomberg, góa vợ, đã có năm đứa con, tất cả đều đã trưởng thành, gặp một người đàn bà xinh đẹp tên là Margarethe Gruhn trong công viên, trẻ hơn ông ba mươi lăm tuổi, và ngay lập tức ông bị choáng ngợp bởi một niềm đam mê xác thịt mạnh mẽ. Điên lên vì si mê, tạ ơn Trời vì đã mang đến cho mình một cuộc phiêu lưu đẹp đến thế khi tuổi đã xế chiều, ông muốn cưới người đàn bà ấy và đến xin phép Hitler, tư lệnh quân đội tối cao. Quốc trưởng đã lắng nghe lời yêu cầu một cách hào hứng và thậm chí còn đề nghị đích thân làm chứng trong lễ cưới, với điều kiện lễ cưới phải được tổ chức một cách kín đáo; hắn thậm chí còn đề nghị Gôring làm người chứng thứ hai. Blomberg, trước đã bị cấp trên chế nhạo vì muốn cưới một cô gái quá trẻ lại chỉ là nhân viên đánh máy, nay phát khóc vì biết ơnQuốc trưởng, xúc động vì hai nhân vật quan trọng nhất của Đế chế đã tỏ ra ưu ái đến thế với mình khi bỏ ngoài tai những định kiến xã hội. Lễ cưới được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng năm 1938, tại Bộ Chiến tranh với lượng khách mời đặc biệt hạn chế và kín đáo.
Mười ngày sau, Hitler có trong tay một hồ sơ gây chấn động: hồ sơ của Margarethe Gruhn, giờ là phu nhân tướng quân Blomberg, trong đó đầy những bức ảnh khiêu dâm mà cô đã chụp vài năm trước cho một tay người Do Thái gốc Séc cũng như phiếu
hành nghề mại dâm của cô ở Berlin.
Hitler khoái trá đóng vai mình phải diễn. Hắn thật vĩ đại. Hắn kể rằng đã không chợp mắt được suốt đêm, đi đi lại lại trong phòng, tay chắp sau lưng và than thở “nếu một vị tướng Đức cưới một con đĩ thì chẳng có chuyện gì trên đời không thể xảy ra!”, cho bọn gia nhân phao tin là hắn đã tắm bảy lần để gột rửa nỗi ô nhục vì đã hôn tay tướng Blomberg. Hắn cũng chơi cả lá bài tuyệt vọng và sỉ nhục: “Ta đã sắm vai người làm chứng trong đám cưới của một con điếm”. Sau đó là lá bài buồn bã và u sầu cho ông bạn Blomberg: “Ông ấy sẽ tự tử, chắc chắn là như vậy, khi biết vợ mình là ai và mình đã bị lừa như thế nào, việc làm của mình đã đặt Bộ chỉ huy quân sự tối cao của Đế chế trong tình thế khó xử ra sao, ông ấy sẽ tự tử bằng súng lục, đó là giải pháp duy nhất. Một sự lãng phí mới đáng buồn làm sao!” Khi hắn đã làm đủ để giải pháp trở nên rõ ràng với mọi người, hắn cử Gôring đến nhà Blomberg vì nghĩ rằng vụ tự tử đã diễn ra vào buổi tối.
Trước sự ngạc nhiên tột độ của hắn, Blomberg xuất hiện bình an vô sự vào sáng hôm sau. Hắn buộc phải tiếp ông ta.
Tôi biết mình cưới ai, thưa Quốc trưởng, nhưng niềm đam mê của tôi quá lớn. Giờ đây nó vẫn lớn như thế. Tôi không thể rời xa người đàn bà này được. Tôi điên lên vì cô ấy. Tôi xin từ chức. Tôi sẽ đi Ý.
Hitler tỏ ra tuyệt vời trong vai hiểu rõ những đau đớn dằn vặt của tình yêu. Hắn trấn an vị tướng rằng việc từ chức của ông chỉ mang tính tạm thời; ngay khi sự việc trôi vào quên lãng, ông ta sẽ được phục chức. Để chứng minh tình bạn của mình, hắn thậm chí đã tặng năm mươi nghìn mác và toàn bộ tiền lương hưu cho vị tướng. Blomberg rời Dinh quốc trưởng mà không một giây nghi ngờ rằng mình đã bị xỏ mũi.
Vụ của Fritsch, Tư lệnh lục quân, cũng được sắp đặt êm thấm. Himmler trình cho Hitler một hồ sơ trong đó nói bóng gió rằng một tay điếm đực trẻ tuổi người Berlin tên là Otto đang tống tiền tướng Fritsch khi đưa ra những chứng cớ về những cuộc phiêu lưu tình ái đồng tính của ông ta năm 1933. Lại một lần nữa, Hitler giả bộ không thể tin vào điều đó. Tướng Fritsch, khi biết tin, xin giải trình và được Hitler đồng ý tiếp trong thư viện của hắn. Xuất phát từ quan điểm không có lửa làm sao có khói, ông ta đã suy nghĩ và lục lọi trong quá khứ của mình. Chắc chắn tay điếm đực Otto đã bêu xấu thanh danh của ông khi nói đến những quan hệ gần gũi sâu sắc giữa ông và một thành viên của Đoàn thanh niên Hitler vào năm 1933. Việc tự bào chữa của tướng Fritsch đã gây ra một hiệu ứng đầy tai họa. Người ta cho gọi Otto, tay điếm đực, đến thư viện và tay này, theo đúng bài người ta đã trả tiền cho hắn nói, đã xổ ra những lời bẩn thỉu về viên Tư lệnh lục quân và gã người tình xinh xắn của ông ta vào thời ấy. Ai là người đáng tin hơn, một nhân vật khả kính hay tay lính đánh thuê tình dục được ra tù một đêm? Tướng Fritsch từ chức và Hitler buộc phải cải tổ lại cơ cấu lãnh đạo của quân đội: để tránh một vụ xì căng đan mới và thoát khỏi một vụ khủng hoảng trên diện
rộng, đích thân Hitler lãnh đạo quân đội Đức – Wehrmacht và không bổ nhiệm bất cứ người kế nhiệm nào tại Bộ chiến tranh.
Cho đến lúc này, mọi cái gai trong quân đội đã bị nhổ sạch, không ai có thể kìm giữ Hitler bằng những lời khuyên thận trọng nữa, vậy là Hitler đã có toàn quyền hành động.
Và hắn cũng cảm thấy ngứa ngáy lắm rồi…
***
Người sinh viên đứng đợi trong sân.
– Em không đồng ý với thầy, thưa thầy H.
Adolf H. không hiểu ngay ra người ta đang nói chuyện với mình. Hắn chiêm ngưỡng. Hắn không biết mình cần phải ngưỡng mộ cái gì nhất, chàng sinh viên tóc vàng với sắc da gần như phi thực như sắc màu trong tranh Raphael cách đây bốn trăm năm, hay cây hoa anh đào Nhật Bản, cái cây duy nhất trồi lên khỏi đường nhựa, vung vãi vào ánh nắng muôn ngàn cánh hoa màu hồng của nó.
Chàng sinh viên, lòng ngập tràn những điều chất chứa từ nhiều ngày nay, không để mất bình tĩnh bởi cái vẻ ngoài thản nhiên của ông thầy.
Tại sao thầy lại nói mình là một họa sĩ tầm thường? Thầy có phải là người phán quyết chính xác hay không? Ai cho phép thầy làm điều ấy?
Adolf giật nảy mình trước cơn tức giận của người thanh niên.
Heinrich, em bị làm sao vậy?
Em phẫn nộ vì lời… thú nhận của thầy hôm nọ. Khác với các bạn mình, em đã có may mắn được nhìn thấy các bức vẽ của thầy.
Ở đâu? Adolf hỏi giọng gay gắt như thể người ta mới nói với hắn rằng đồ đạc cá nhân của hắn vừa bị lục lọi.
Ở Paris, ở nhà bá tước Beaumont. Ông ấy có ba bức. Em đã rất ấn tượng trước những bức tranh ấy – không dính dáng gì đến việc nó là của thầy – chúng đã làm em suy nghĩ, đặc biệt là bức Gã độc tài đồng trinh.
Thế à?
Adolf không nhớ ra rằng bức tranh ấy đã được bá tước Beaumont mua. Thật buồn cười là điều đó lại làm hắn yên tâm. Hắn được biết rằng tác phẩm ấy được bảo quản ở nơi đáng tin cậy.
Thầy H., em nghĩ là thầy đang tự dối mình khi nói rằng thầy đã từ bỏ hội họa vì thấy mình tầm thường.
Không, tôi không dối mình và tôi không nhầm. Tôi thậm chí không phải là một bậc thầy cỡ nhỏ của chủ nghĩa siêu thực.
Thầy không phải là người quyết định điều ấy! Heinrich hét lên.
Chàng thanh niên đỏ bừng mặt vì tức giận. Adolf chạnh lòng. Ta cũng vậy, ta cũng như thế ở tuổi này, không chịu lùi bước.
Người ta không thể một mình làm nên cuộc đời mình, Heinrich tiếp. Không phải thầy là người tự ban cho mình cuộc đời của mình. Không phải thầy là người chọn những khả năng thiên bẩm của mình. Thầy có thể nghĩ là mình có khả năng âm nhạc nhưng hội họa lại thích thầy hơn và chính những người khác mới có thể cho thầy biết sự thực về thầy. “Không, anh không phải là nhà soạn nhạc cừ. Đúng, anh vẽ rất đẹp.” Thế giới thừa nhận thầy, chuẩn đoán thầy, định hướng cho thầy.
Có thể, Adolf tư lự nói.
Chắc chắn là như vậy! Thế mà thầy, cái mà thầy không còn chấp nhận trong cuộc đời thầy từ năm bốn mươi tuổi, chính là phần của kẻ khác.
Đừng tuyệt đối hóa như thế Heinrich. Ngược lại, từ năm bốn mươi tuổi, thầy đã nhường chỗ cho người khác. Thầy đã có con và thầy yêu chúng. Thầy chú tâm dạy dỗ các học trò của mình.
Thế thì sao ạ? Đó là kiểu “hoặc là… hoặc là…” ư? Hoặc là ta vẽ. Hoặc là ta sống. Cái này loại trừ cái kia?
Không, Adolf ngần ngừ, thầy không nói vậy.
Có đấy ạ. Ở tuổi bốn mươi, thầy quyết định có con và thầy quyết định không vẽ nữa. Thực chất, cái thầy muốn là được quyết định. Làm chủ cuộc đời mình. Thống trị nó. Bằng cách bóp nghẹt cái day dứt trong thầy và cái thầy không nắm giữ được. Rất có thể đó mới là cái quý giá hơn. Vậy đó, thầy đã xóa bỏ phần của kẻ khác trongmình cũng như ngoài mình. Và tất cả những cái đó là để có kiểm soát. Nhưng kiểm soát cái gì mới được cơ chứ?
Heinrich, cậu có quyền gì mà nói năng với tôi như vậy?
Adolf đã hét lên, chứng tỏ câu nói ấy đã chạm đúng chỗ đau trong hắn.
Quyền của người ngưỡng mộ thầy. Hay đúng hơn là không ngưỡng mộ. Của người ngưỡng mộ thầy giáonhưng còn ngưỡng mộ người họa sĩ ba mươi tuổi ký tên Adolf H. hơn.
Adolf chợt cảm thấy xúc động lạ kỳ. Hắn có cảm giác Mười-một-giờ-rưỡi đang chạy lại và nhảy lên ghì lấy cổ hắn.
Heinrich quay gót và nói câu cuối cùng:
Tôi giận thầy tôi vì đã giết chết người họa sĩ ấy.
***
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.